Viết để sống nhẹ hơn

Bên ngoài tác phẩm

NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN

VIẾT ĐỂ SỐNG NHẸ HƠN

 

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Hợp Thành, Thủy Nguyên, Tp. Hải Phòng. Ông làm báo viết văn khi vừa tròn 20 tuổi. Từng là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội sau đó chuyển về sinh sống, thâm nhập thực tế để sáng tác tại Hải Phòng, nhà văn đã trải qua nhiều nghề: làm báo, làm rừng, kéo xe bò, thợ sắt, bốc vác, đi buôn, nhân viên văn phòng…Hiện nghỉ hưu. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên danh dự Hội Văn bút Quốc tế và hội viên danh dự Hội Văn bút Canada.

* Xin chào nhà văn Bùi Ngọc Tấn! Được biết từ nhỏ nhà văn đã ham mê văn chương báo chí. Thế những ngày còn là HSSV nhà văn thường đọc những gì của ai?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: – Tôi là một cậu bé nhà quê. Làng tôi, Câu Tử Ngoại cách Hải Phòng gần 20km. Những năm 30, 40 của thế kỷ trước, đây là một khoảng cách kinh khủng. Được tiếp xúc với sách là một điều cực kỳ khó khăn. Rất may, bố tôi là một người yêu sách. Những lần bố tôi sang phố đều mang về một vài quyển sách mỏng. Loại sách Hồng như Lên cung trăng, Hạt Ngọc, Bướm Trắng… Rồi Ngụ ngôn La phông ten, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn….

Lớn lên chút nữa, tôi đọc cả truyện người lớn như Cờ bạc bịp của Nguyễn Công Hoan, Gánh hàng hoa, Hồn bướm mơ tiên (Tự Lực văn đoàn)…

Tôi thuộc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân như thuộc những sách kiếm hiệp: Long Hình Quái Khách, Nữ Bá Vương vậy. Tóm lại là vớ được quyển gì, đọc quyển ấy. Mãi tới năm học trung học mới được đọc Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, mê đến nỗi… quên ăn, đói cũng không rời được sách!

* Không còn làm báo đã lâu nhưng ngày nào cũng đọc báo Tiền Phong (tờ báo ông từng làm phóng viên), nếu trở lại tuổi 20 nhà văn sẽ chọn cho mình nghề làm báo hay là viết văn?

– Chắc lại “Ngựa quen đường cũ” thôi. Làm báo. Và cả viết văn. Dùng ngòi bút chiến đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và dùng ngòi bút để lưu giữ ký ức của dân tộc.

* Nhà văn quan niệm thế nào về văn chương? Nhà văn có so sánh gì về người viết văn trẻ bây giờ với người viết trẻ thời của nhà văn không?

– Với tôi, văn chương thuộc về những kẻ yếu, những người bất hạnh, những người đau khổ, những người ở tầng đáy, những người chịu đựng lịch sử. Tôi viết về họ, phụng sự họ.

Những người viết văn trẻ hôm nay thật khác xa với lớp viết văn chúng tôi ngày trước. Họ được tự do hơn (tất nhiên là tương đối) trong việc lựa chọn đề tài, trong cách viết và công bố tác phẩm. Những điều chúng tôi ngày trước có nằm mơ cũng không thấy.

* Nhà văn đã kinh qua nhiều nghề do cuộc sống bắt buộc hay nhà văn muốn đi tìm thực tế sáng tác?

Hoàn toàn do cuộc sống xô đẩy thôi. Năm 1968, khi tôi đang làm phóng viên báo Hải Phòng thì bị bắt tập trung cải tạo gần 5 năm, không có lí do, không xét xử. Năm 1973 được tha. Thất nghiệp hơn 2 năm. Phải kiếm sống bằng nhiều nghề. Bốc vác. Kéo xe bò. Thợ sắt… Cũng không phải dễ mà có việc đâu. Tìm được việc làm là mừng lắm rồi, dù phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, dù công việc rất bấp bênh, nay có mai không. Tôi nghĩ chẳng ai lại làm một cuộc khám phá đời sống như tôi đã bị đẩy vào, bởi như thế thì đắt quá!

* Trong tuyển tập truyện ngắn “Người chăn kiến”, những câu chuyện thật như ngoài đời không thể thật hơn… Ấy là chủ ý của nhà văn?

     –  Khi lâm vào hoàn cảnh của những người dưới đáy, những phó người, tôi bỗng thấy như mình mới được sinh ra, lần đầu tiên biết có một thế giới khác vẫn tồn tại, vẫn hiện diện mà trước đây mình không hề biết. Tôi đánh giá lại những giá trị văn chương đã có trước đó và… không thể đọc được nữa. Dù là sáng tác của các bạn tôi. Nó nhạt, giả và công thức nhiều khi đến mức đáng xấu hổ.

    Cái ăng ten của tôi với một sự nhậy cảm nghệ sĩ ghi nhận và lưu giữ tất cả cuộc sống tôi mới nhìn thấy đó một cách bản năng, không tự giác. Vì ngày ấy tôi không hề nghĩ rằng rồi một lúc nào đó sẽ viết lại những gì mình có trong bộ nhớ.

    Cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ…

    Những sáng tác của tôi “thật như ngoài đời, không thể thật hơn” như bạn nhận xét là tiêu chí của tôi mỗi khi tôi ngồi trước máy. Tất nhiên sự thật trong sáng tác cao hơn sự thật ngoài đời. Một sự thật được chắt lọc, nghiền ngẫm, tìm đến nguồn cội (tôi luôn tìm đến nguồn cội của sự việc). Một câu nói của A. Tchekhov mà tôi đọc được từ những năm 50 thế kỷ trước luôn là châm ngôn của tôi: “Trước hết các bạn ơi chớ có ăn gian nói dối. Chúng ta và cả đích thân Thượng Đế nữa. Đã có những việc như vậy đó…”. Đến Thượng Đế cũng còn nói dối cơ mà. Với tôi một tác phẩm gian dối là một tác phẩm vô đạo đức.

* Cầm bút lại sau 27 năm tạm ngưng, bút lực của nhà văn lại càng mạnh mẽ hơn. Xin nhà văn chia sẻ bí kíp để có sức viết khỏe đến thế!

    –  Cuộc đời viết văn của tôi chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Từ năm 1954 cho đến năm 1868, khi tôi bị bắt. Một giai đoạn không có gì đáng kể, viết không biết sợ là gì cả.

Giai đoan thứ hai: Từ năm 1990 tới nay: Tôi đã in 2 tập tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn và 2 tập hồi ký, tổng cộng khoảng 2500 trang. Nhưng đúng ra, những sáng tác này phải được tính từ năm 1968, thời gian tôi lăn lộn giữa đời, tích luỹ cuộc sống. Cầm bút viết chỉ là công đoạn cuối cùng.

1968 đến 2010. 42 năm. 42 năm trong một đời văn. Số lượng thế là vừa phải, cũng trung bình, nếu không nói là ít.

Tôi bằng lòng với kết quả ấy. Bởi tôi chỉ viết những gì tôi thấy cần phải viết ra để mình sống nhẹ hơn.

*Xin cảm ơn nhà văn. Chúc nhà văn sức khỏe dồi dào!

(Tập San áo Trắng)

Trương Anh Quốc thực hiện.