Để lại bước vào năm Tuất

Cũng chỉ bởi Từ Nữ Triệu Vương. Tôi đã nhất định không viết một bài báo Tết nào nữa sau khi hoàn thành hai bài với hai tờ báo bồ ruột của tôi. Mình cũng phải thương mình một tý. Tôi tự nhủ. Thì có điện thoại của Từ Nữ Triệu Vương từ Hà Nội. Vẫn cái giọng trong trẻo liến thoắng, dồn dập, đầy ắp  tuổi trẻ, đầy ắp niềm vui, không cho chống đỡ, không cho từ chối, không cho kháng cự bên kia đầu giây: Cháu đây. Bác khỏe không? Cháu về tờ Văn Nghệ Công Nhân rồi. Anh Nguyễn Bình Phương về đấy làm sếp. Bác viết cho cháu một bài báo Tết đi. Hai nghìn chữ. Cháu sẽ xuống Hải Phòng cháu lấy… Tất nhiên là tôi từ chối. Không. Bác chỉ bỏ ra một, hai ngày thôi. Bác Dương Tường, bác Lê Đạt có bài rồi. Anh Bảo Ninh say xỉn mà cháu bảo cũng nhận lời rồi. Không thể không có bài của bác. Bác viết gì cũng được. Về bác Dương Tường, bác Lê Bầu, về bác, 2000 chữ cũng được, 1000 chữ, 500 chữ cũng được. Bác không viết, anh Nguyễn Bình Phương đuổi cháu mất…

 Hết động viên lại hù doạ. Cứ như vậy kéo dài. Phải đầu hàng thôi. Tôi đành nhận lời và tiếng cười của Từ Nữ Triệu Vương vang lên. Dòn. Hồn nhiên. Trẻ trung. Thân thiết. Và đắc thắng.

Viết gì đây. Cái khó là ở đó. Còn đang nghĩ thì chị đưa thư đến nhà, đưa cho tôi cái giấy mời ra Ngã Sáu nhận tiền. Ghi rõ: 1.000.000 đồng. Tôi biết ngay ai gửi cho tôi. Bởi tôi có in ấn gì đâu mà có nhuận bút. Mang chứng minh thư, sổ hộ tịch ra bưu điện, cô cháu gái sau quầy đã quá quen mặt vẫn hỏi tôi theo thủ tục:

-Ai gửi tiền cho bác?

-Minh Phong.

Cô giở tờ phiếu gửi, vừa đọc vừa cười:

Em kính chúc anh chị nhiều sức khoẻ, bình an và tiếp tục có nhiều cảm hứng sáng tác. Thân yêu. Em Minh Phong.

Ngay lúc ấy trong đầu tôi bật ra nội dung bài báo sẽ phải viết để nộp cho Từ Nữ Triệu Vương, cô phóng viên tôi mới gặp hai lần. Tôi sẽ viết về những tấm lòng bạn đọc đối với tôi. Về Minh Phong, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đảng, thư ký toà soạn và bây giờ là phó tổng biên tập báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm rồi (từ 2004), tháng nào Minh Phong cũng gửi cho tôi tiền, mà anh nói là tiền lương. Ban đầu là năm trăm nghìn. Và từ tháng 6-2005, khi Giáng Hương, con gái tôi mất, anh tăng lên gấp đôi. Giấy gửi tiền ghi bằng hai giọng văn. Khúc trên: “Em rất cảm động khi nhận được thư và sách của anh. Đây là quyển sách có thể đọc đi đọc lại (…)” Khúc dưới chuyển gam: “Nhân dịp này, theo đề xuất của bạn đọc gần xa, chúng tôi quyết định tăng phụ cấp của nhà văn xuất sắc Bùi Ngọc Tấn lên 1 triệu đồng/tháng. Yêu kính. Em. M.P.”

Tôi quen Minh Phong khoảng cuối năm 2001 khi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con gái. Và sau đó là điện thoại, là thư từ, là đặt bài, tặng sách… Tất cả những gì tôi viết và in sau 25 năm ngừng bút, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến hồi ký, Minh Phong đều đọc, không có bản in thì đọc bản phô tô. Khi biết lương hưu của tôi là 160 nghìn một tháng, Minh Phong tròn xoe mắt. Và dù biết các con tôi không để vợ chồng tôi thiếu thốn, Minh Phong vẫn “phát lương tháng” cho tôi. Anh muốn góp một phần của anh cho tôi, trích từ thu nhập của anh. Lương hưu của tôi sau bao lần tăng để chạy theo giá, cho đến tết này là 500.000. Minh Phong chi lương cho tôi gấp đôi: 1 triệu. Tháng nào cũng có thêm 1 triệu đồng. Đều đặn mỗi năm 12 triệu. Một số tiền thật lớn. Và lớn gấp nhiều lần là sự động viên tôi sống. Mỗi tháng nhận lương hưu, tôi lại thêm một lần thấy cuộc đời vô lý. Có Minh Phong, mỗi tháng một lần tôi thấy ấm lòng.

Cô cháu bưu điện Ngã Sáu đã quen mặt tôi nhưng vẫn hỏi: “Ai gửi tiền cho bác?” và chờ tôi nói hai tiếng Minh Phong là đọc những dòng chữ ghi trong giấy gửi tiền: Khi là Chúc anh chị sức khoẻ. Khi là Trước tết em ra Hà Nội có việc. Sẽ xuống thăm anh chị…Rồi nói lúc trao tiền cho tôi: “Bác sướng nhỉ. Viết một bài báo mà được những một triệu. Hôm nào bác viết về chị em chúng cháu bác nhé.” Nét mặt rạng rỡ của tôi khiến cô bưu điện cũng vui. Ôi. Giá cô biết tôi không viết chữ nào cũng được số tiền này.

*

Từ Nữ Triệu Vương cho tôi 2000 từ.

Vậy có thể viết thêm ra đây về một bạn đọc khác. Một bạn đọc ở Hà Nội, tôi chưa biết mặt.

Hà Nội 30 – 7 – 2005

Kính gửi nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Trước hết tôi xin tự giới thiệu: Tôi là một cán bộ ngành ngoại thương đã về hưu. Tôi mê đọc sách, nhưng không phải đọc xô bồ, mà đọc theo sở thích, hợp “gu”, chứ không theo tuyên truyền, quảng cáo hay chỉ đạo nào cả. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của anh, từ Chuyện kể năm 2000, đến truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn, Viết về bè bạn. Tôi khá quen với hiệu sách lớn ở 5 Đinh Lễ Hà Nội. Họ cho biết các sách của Bùi Ngọc Tấn từ lâu không còn trên giá sách. Tôi đến hiệu sách và báo phố Hàng Trống gần cổng báo Nhân Dân tìm sách của anh. Cô bán sách cho biết BNT có quyển Tình yêu tuổi 20 nhưng còn ở Hải Phòng, chưa lên tới Hà Nội. Tôi nhẩy xe dông xuống Hải Phòng, hỏi hết các hiệu sách gần nhà hát lớn, hiệu sách cũ ở phố Ga, xông vào cả nhà xuất bản Hải Phòng nữa. Chẳng ai biết cả. Vậy xin hỏi anh, có quyển sách đó không?(Tôi đã trả lời ông tôi không viết quyển nào như vậy cả-BNT.) Bây giờ tôi xin kể cho anh vài chuyện về nhà văn đáng kính Nguyên Hồng mà tôi là người trong cuộc để anh bổ sung vào tập Viết về bè bạn nếu tái bản:

Một lần, tôi không nhớ chính xác năm nào, song chắc chắn trước năm 1979, tôi đi tầu lửa từ Mat xcơ va về Bắc Kinh. Lúc đến toa ăn, bọn chúng tôi bất kể quen hay không, cứ 6 người làm một mâm, mỗi người góp một tệ. Anh bạn ngồi cùng mâm đưa mắt chỉ cho tôi một ông già nhỏ thó tóc đen, râu dài cũng đen, đang ngồi một mình, nhấm nháp li rượu trắng, bát mì vằn thắn vơi còn một nửa: Nhà văn Nguyên Hồng đấy. Khi cả mâm ăn xong, tôi lân la đến ngồi bên ông. Sau khi chào nhau, ông vẫn ngồi nhấp rượu từ 2 chai trắng nhét trong cái túi đựng những thếp giấy nhầu nát, mắt nhìn cảnh vật lướt qua cửa toa tầu, cứ như là tôi không có ở đấy vậy. Thấy ly rượu của cụ đã cạn, tôi nhanh nhẩu gọi nhân viên phục vụ đem tới chai rượu mầu mời cụ. Nhưng cụ vội khoát tay: “Tôi không uống rượu ấy. Thứ đó là của đàn bà. Cảm ơn anh, tôi có rượu rồi.”

Đến ga Bắc Kinh, khi mọi người đã rời toa, cụ còn nán lại bậc lên xuống, ngửa cổ ngước nhìn tận nóc của toà nhà trước mặt “để xem ga Bắc Kinh nó đẹp như thế nào”. Mỗi lần ngửa như vậy “cái mũ lông tài chính” vốn đã to quá cỡ so với đầu cụ lại rơi xuống đất. Cụ lại nhặt lên, đội, ngắm, cái mũ lại rơi! Các cô phục vụ trên tầu được một mẻ cười.

Lần này là sau năm 1980, cũng không nhớ chính xác năm nào, trên chuyến bay Mat xcơ va – Hà Nội, tôi lại tình cờ gặp cụ. Chắc đó là chuyến cụ đi Tiệp như anh đã nhắc tới trong sách.

Khi transit ở Bombay, tôi thấy cụ cứ đi qua đi lại trước cửa WC có vẻ buồn đái lắm mà không dám vào vì sau cánh cửa có 2 ông ấn Độ cao lớn mặc sắc phục mỗi ông bê một khay khăn lau tay tẩm nước thơm. Ai dùng phaỉ  trả tiền, bằng đô la. Đoán được “nhu cầu cấp bách ấy” của cụ, tôi hiến kế: “Bác có cái khăn mù soa nào trong túi không?” “Có. Có.” Cụ nhanh nhẩu rút ra cho tôi xem. “Được rồi. Bác cứ đi vào giải quyết đi. Lúc ra bác lấy khăn trong túi ra lau tay, để chứng tỏ rằng ta có khăn rồi.” Cụ làm theo lời tôi rồi  đi ra với vẻ mặt thoả mãn và khen tôi: Anh nói chí phải.”(…)

                                                          Vũ Trọng Cường

                               Nhà số 2- Ngõ Đào Tấn- Phường Cống Vị- Hà Nội

 Người bắt phải viết. Người chi lương. Người cho chi tiết. Tôi sinh năm Tuất. Lão già 73 tuổi là tôi, một phó thường dân nghèo túng, bất hạnh, sách ốc chưa từng được lăng xê bỗng hiểu rằng mình giầu có vô cùng, hạnh phúc vô cùng. Lòng yêu quý của bạn đọc đã động viên tôi sống, động viên tôi làm việc và có trách nhiệm với ngòi bút của mình, nhất là khi đã sống qua 6 giáp để lại bước vào năm Tuất.

B.N.T.

Địa chỉ: 10 Điện Biên Phủ HP. ĐT (031)551318

Một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn

Về Chuyện kể năm 2000

Một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn 

 

Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) của tác giả Bùi Ngọc Tấn là một cuốn tiểu thuyết hay, hay nhất trong mấy chục năm cuối thế kỷ 20.

Cũng như mọi cuốn tiểu thuyết khác, CKN2000 kể một câu chuyện: Chuyện một người bị tù năm năm, được tha ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn không sống được, do gặp nhiều trở ngại trong việc kiếm sống và hàng chục năm vẫn bị ám ảnh nặng nề của những kỷ niệm trong tù, của thân phận “một con người không được công nhận”, một người không được tự do. Người này được tác giả gọi là Hắn và có tên là Nguyễn Văn Tuấn là một nhà báo và nhà văn. Người này ở trong tù mất tự do đã đành, mà ra khỏi tù vẫn không được tự do. Có chỗ trong tiểu thuyết gọi là “tù nội trú” và “tù ngoại trú”, tương đương với ngày xưa có người đã nói “cái lồng con” ở giữa “cái lồng to”. Mọi người đọc dễ dàng nhận thấy đây là một tiểu thuyết tự truyện, tác giả viết về cuộc đời mình mà không xưng tôi. Vì thế tác giả tự do tưởng tượng và hư cấu những chi tiết “như thật” rất tự nhiên và hấp dẫn. Chính vì vậy cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn rất lớn và xúc động người đọc sâu xa. Là chuyện kể về một người nhưng người đó có quan hệ với rất nhiều người: Những bạn tù đông đảo thuộc rất nhiều nguồn gốc xã hội, tù có án và tù không án, và bị buộc phạm rất nhiều tội khác nhau. Những người khác là những người thân trong gia đình: bố mẹ già, các anh em, vợ và các con, các bạn cùng công tác, các bạn thân và ít thân, các người có chức quyền có tác động và ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của Hắn. Và tất cả những hình ảnh về các con người này tập hợp trong cuốn tiểu thuyết làm hiện lên rõ ràng bức tranh xã hội rất thực và rất sinh động. Bức tranh hiện lên với những chi tiết cụ thể, nói rõ những đặc trưng của một xã hội trong một thời điểm cụ thể (đó là thời điểm từ 1968 đên 1975). Ta thấy có những bí thư, chủ tịch và các quan chức của ngành công an (giám đốc, đặc trách về văn hoá, đặc trách về hộ khẩu, giám thị nhà tù, quản giáo, áo vàng và áo xanh (công an vũ trang). Ta còn có thể thấy mối quan hệ giữa những vị này, người mới đối với người cũ, cấp trên với cấp dưới bênh vực và bao che nhau và thủ đoạn lừa lọc nhau và lừa lọc nhân dân. Đó là việc tự tay viết thư ra lệnh và thu xếp việc làm cho Hắn, rồi lại chỉ thị mật cho cấp dưới nhất định gạt đi và không bố trí việc làm.

Thế là một xã hội gồm có bộ máy rất to lớn, kềnh càng nằm rải các ngóc ngách đời sống nhân dân, qua việc kiểm tra hộ khẩu, nhiều tem phiếu và một hệ thống kiểm tra tem phiếu, cái xã hội ấy nổi bật lên một nét bao trùm là chỉ có một bộ máy hùng hậu để quản lý (cai trị) hai loại người: một loại là những người tuân phục, cam chịu, ủng hộ, tán thành bộ máy cầm quyền và một loại người không cam chịu, có những nhận xét và ý kiến của riêng mình đối với xã hội và bộ máy cầm quyền. Loại thú hai này không được công nhận, luôn bị coi là những tội phạm phải cảnh giác, theo dõi, buộc tội và cần cải tạo. Nói một cách khác, cái xã hội đó chỉ có hai loại người:

– Một là những người không phạm tội, “những người tốt”, tức là những người trong bộ máy và những người tuân theo và ủng hộ bộ máy. Bộ máy đó tự nhận là của nhân dân và làm việc gì cũng nhân danh nhân dân. kể cả những việc nhân dân không nhờ và không muốn làm.

– Hai là những người phạm tội, cần cải tạo, có án hoặc không có án. Loại này còn gồm cả những người đã phạm tội, đang phạm tội, sẽ phạm tội, có thể sẽ phạm tội, có những “dấu hiệu” phạm tội… Mà những “dấu hiệu” ấy thì nhiều lắm, có thể tìm thấy bất cứ ở đâu. Đó là những người có chút suy nghĩ độc lập, hoặc là có ý muốn nói lên chút sự thực hiển nhiên của cuộc sống.

Như vậy xã hội đó chỉ gồm những người là TA và những người không được công nhận là TA, và tất yếu là Nó, là chống đối là phản động là tội phạm. Đó là theo nguyên lý: Những ai không phải là TA thì chỉ là Nó, mà đã là nó thì chỉ có thể là địch. Cuốn tiểu thuyết này là cuốn tự truyện của một con người thuộc loại người “phạm tội” với tất cả ảnh hưởng của đời sống ở trong tù và ở ngoài tù, cảnh tình của vợ con, họ hàng, bạn bè và cả những người quen biết, những người đồng cảnh, hoặc là “đã phạm tội” hoặc là “đang phạm tội”. Ngay ở chương đầu, tác giả đã giới thiệu một loạt tiếng lóng của nhà tù; “khợp” = ăn, “giấu” = yểm, “tạt” = ăn cắp, “bồng” = mang vác, “bẩm” = báo, mách, “mều” = mỡ, “meo” = đói, “sột sệt” = đun nấu, ăn uống, “bành” = no. “chác” = đổi, “ken” = thuốc lá, “bắt tóp” = hút xái thuốc lào, “quả tắc” = quà, đồ tiếp tế, “tắc rằm” = quà nhiều, lớn, “biêu” = bao thuốc lá, “lệnh” = lạng chè… Và cứ như thế, những tiếng lóng này được hoà nhuyễn trong ngôn ngữ của suốt cuốn tiểu thuyết, nhất là những đoạn tả cuộc sống trong tù.

Cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc sống của một con người “đã từng phạm tội” và luôn luôn có thể “lại phạm tội”, tuy đã được ở “tù ngoại trú”.

Con người ấy trong tiểu thuyết gọi là Hắn. Trong tiểu thuyết, Hắn tồn tại và xuất hiện ở một quãng đời vào khoảng 20 năm trong đó có 5 năm ở trong tù, và trong suốt quãng đời mà Hắn sống đó, Hắn luôn luôn ngậm ngùi tủi hổ, dằn vặt, than thân trách phận, cay đắng về số kiếp một con người mất tự do nghiền ngẫm những lời buộc tội của bộ máy, cố ghép mình vào những tội đó mà không được, thế rồi ngày đêm cay đắng về số kiếp của mình, chỉ biết than thở với vợ và bạn bè. Vợ và bạn hiểu được cho Hắn, nhưng những người hiểu được điều oan khuất ấy cũng đều là những người “có nhiều khả năng trở thành người phạm tội” như Hắn. Chỉ có những ai tuân phục cúi đầu quên đứt đi thân phận của mình thì mới tránh được khả năng đó, có thể yên ổn làm ăn và thậm chí có khả năng thăng tiến.

Cái xã hội đang vận hành theo một cơ chế như vậy. Hắn là người nhìn thấy những điều đó, nhìn thấy cái sự thật ấy, không thể sống yên ổn được trong xã hội ấy. Hắn đã bộc lộ những dằn vặt và ngậm ngùi về số kiếp, thân phận Hắn mấy chục năm… và có lẽ còn như thế đến hết cả đời.

Với một hiện thực như vậy cho nên bố cục của cuốn tiểu thuyết không theo kiểu biên niên theo trật tự thời gian, mà cũng không có lối phục hiện, tái hiện lôi thôi. Cả 800 trang sách là một lời than thở. Một tiếng thở dài, một tiếng kêu than, một lời gào thét của một kiếp người, kiếp người mất tự do.

Hắn đã từng tin tưởng và vẫn còn tin tưởng, đã từng hào hứng say sưa với lý tưởng: Lý tưởng độc lâp, tự do và hạnh phúc cho đất nước, vậy mà Hắn cứ phải va chạm, chịu đựng, nếm trải những hiện thực cay đắng ngược lại với lý tưởng mà Hắn từng được giáo dục. Vì vậy văn chương trong cuốn tiểu thuyết là văn chương rất đặc biệt. Nó là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách… Vì vậy văn chương của cuốn sách phải nói là rất hay. Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý.

Suốt 800 trang sách là lời lẽ của một nỗi niềm. Đó là nỗi niềm cay đắng của một con người mất tự do. Cái con người (là Hắn ấy) lại là một người viết báo, viết văn, một người có hiểu biết, đọc sách nhiều, luôn chú ý quan sát mọi người và mọi hoàn cảnh sống, quan tâm nhiều tới sự thật và dối trá. Hắn bị kết tội và cãi lại sự kết tội đó nhiều lần ở nhiều nơi, nhiều lúc, gặp nhiều người ở Bộ Máy. Và Hắn đều yếu thế, không cãi được, thản hoặc có đôi người hiểu được và thông cảm với Hắn, hiểu được điều oan khuất của Hắn thì người đó cũng rơi vào thế yếu như Hắn, giúp đỡ riêng cho Hắn vài ba chục bạc rồi cũng bị “xử lí” theo địa vị của ông ta thôi.

Hắn bị kết tội nhiều đến nỗi Hắn thuộc hết những lời lẽ của những nhân vật kết tội Hắn. Và nhiều lúc Hắn đã dùng những lời lẽ ấy để mắng mỏ mình thậm tệ, hòng làm bớt đi cảm tưởng oan khuất nhưng càng làm thế thì nỗi niềm Hắn lại càng sâu nặng hơn và cay đắng hơn. Những người kết tội rất thuộc bài bản:

– “Chúng tôi lạ gì các anh. Chính các anh bảo viết thì phải lách mà. Các anh ai chả có tý “nhân văn giai phẩm”. Tại sao anh tuyên bố không thích vào Đảng? Tại sao anh bảo anh sẽ bẻ bút không viết nữa. Tại sao các anh chê bai các cô mậu dịch. Chê bai thế là chê bai chế độ, còn gì nữa?”

– “Chúng tôi thực hiện đầy đủ chính sách khoan hồng nhân đạo. Tội các anh nặng như vậy mà không đưa ra toà, không kết án, không bỏ tù, chỉ tập trung cải tạo thôi, nhân đạo quá còn gì?”

– “Các anh tưởng chúng tôi bắt các anh là chúng tôi sung sướng lắm đấy à? Chúng tôi vì các anh thôi, chúng tôi muốn giúp các anh nhận ra tội lỗi, trở thành người có ích cho xã hội, giúp các anh nâng cao cảnh giác cách mạng, giúp các anh tránh xa được sự lợi dụng của kẻ thù, giúp các anh không rơi vào tay của kẻ thù cách mạng. Thế mà các anh không biết. Các anh là chủ quan lắm, các anh không chịu nhận tội lỗi của mình”, v.v. và v. v.

Lý sự hùng hồn đến như vậy. Anh ruột Hắn cũng là một cán bộ cách mạng tầm cỡ, trong kháng chiến chống Pháp cũng đã bị bắt oan, bị tra tấn. Sau này được sửa sai, gặp lại những chú thanh niên đánh đập anh khi trước, anh trách họ: “Sao các chú tàn ác vậy. Đánh anh thừa sống thiếu chết?” Câu trả lời rất hồn nhiên: “Có phải em đánh anh đâu. Em đánh là đánh kẻ phản động, kẻ chống đối cách mạng. Em đánh vì cách mạng, đánh để bảo vệ cách mạng.” Anh ruột Hắn cũng rất thông cảm và giải thích cho vợ rất hùng hồn: “Người ta đều vì cách mạng cả. Vấn đề là xem cái động cơ hành động. Họ vì cái gì mà làm như vậy?” trong khi bà vợ nông dân rất thật thà cứ nói vung sự thật hiển nhiên lên: “Ôi, thời nào cũng vậy, quan bênh quan, chỉ có dân thường thời nào cũng khổ thôi.” hay “Ôi chao, cách mạng mà lại thế à?” Bởi vì chị cũng chỉ đơn giản so cái “nói” của cách mạng với cái “làm” của cách mạng thôi.

Tác giả đã nhìn rõ như vậy. Và tác giả cũng không bình luận gì thêm, không phê phán, cũng chẳng tán thưởng. Tác giả chỉ mô tả sự thật thôi, cái sự thật ấy tự nó có tiếng nói.

Có một đoạn tác giả khái quát rất cao cái tinh thần đối với dân của những người cầm quyền và thái độ tinh thần đối lại của những người bị cai trị “được giáo dục”. Tác giả tả một cuộc mắng mỏ của một ông giám thị đối với một phạm nhân trốn tù:

“Những anh nào có ý định trốn trại? Trốn đi đâu? Tôi đố các anh trốn đi đâu được đấy. Chạy ra nước ngoài à? Nước ngoài nó cũng không thèm dùng các anh! Hay vào Nam với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ? Anh nào có giỏi cứ đi!”

“Chúng tôi bắt được anh Sáng, nhưng dọc đường anh Sáng nhẩy vào hố phân trốn lần nữa. Cơm không muốn ăn, ăn cứt!”

Trong truyện cái anh Sáng này khao khát tự do năm lần trốn, năm lần bị bắt lại và vẫn cứ trốn. Và con người khao khát tự do đã trở thành con người “ăn cứt” đó.

Ông giám thị còn tiếp: “Mặt ông đanh lại. Khinh khỉnh, khinh khỉnh.” …Và: “Chính sách cải tạo nhân đạo của Nhà Nước ta rõ như ban ngày. Đưa các anh trở lại làm người, đưa các anh trở lại con đường ngay thẳng, hiểu rõ tội lỗi của mình, hiểu rõ giá trị củ lao động…” (trang 133- 135 tập 1 nxbTN).

Thật ra nhiều tù nhân nhận rõ tình hình, đã từng tuyên bố: “Cho kẹo chúng tôi cũng không trốn. Trốn đi đâu? Không có hộ khẩu, không có tem phiếu, sống làm sao?”

Nhưng cũng ở tập 1 trang 92, có đoạn thế này: “Cũng như hắn không tin cải tạo tốt thì sớm được trở về, không ai tin điều đó, mặc cho quản giáo nói, giám thị nói. Đôi bên quá hiểu nhau rồi. Người nói cứ nói. Thừa hiểu mình nói dối, chẳng ai tin, nhưng cứ nói. Rất thành thật thiết tha. Thuyết giảng chân lý, thuyết giảng con đường. Người nghe làm ra vẻ chăm chú, rất chăm chú, mê say. Nhận thức đường đi. Sáng lòng sáng mắt. Tuy biết tỏng rằng người nói cũng chẳng mảy may tin những điều họ nói, thì mình tin sao được. Nhưng vẫn làm ra vẻ tin, tin thật, tin lắm. Xuýt xoa, tấm tắc dù biết ngời nói nhìn thấu ruột gan mình. Vở diễn vẫn cứ kéo dài năm này sang năm khác. Vì không ai dám nói ra sự thật nên vở vẫn cứ diễn. Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng”.

Đoạn văn ngắn vừa kể thật là mấy nét ký hoạ rất sắc thực trạng quan hệ giữa người cầm quyền và nhân dân hiẹn nay. Những nét ký hoạ vừa sắc vừa chua xót lẽ ra nó phải đụng mạnh vào cái chốn lương tâm còn sót lại của giới cầm quyền chính thống mới phải.

Tác giả đã nhìn thấy và tái hiện hiện thực sâu sắc của xã hội. Tôi thấy tác giả là một tác giả hiện thực lớn, không biết ông ấy theo chủ nghĩa hiện thực gì, nhưng thật là một tác giả hiện thực lớn.

Khi nói về mục đích của nhà tù là cải tạo những phạm nhân để họ trở thành “người tốt” có ích cho xã hội, thì tác giả khái quát kết quả cải tạo ở các nhà tù là:  Vào tù, học được hai cái: một là ăn cắp, hai là nói dối. ở trong tù khổ quá, phải ăn cắp mới sống được, muốn ăn cắp thì phải biết nói dối.

Khi nói về “chính sách khoan hồng” của Nhà Nước ta là không xử án, không bỏ tù, chỉ tập trung cải tạo, tác giả thuật lại lời một ông tù già: “Các chú có biết khoan hồng là gì không? Khoan là thong thả, hồng là máu. Khoan hồng là thong thả rồi hãy giết.”

Tác giả này có nhiều cách lý giải độc đáo. ở một cuốn sách khác, ông ấy mượn lời ông Nguyên Hồng trả lời câu hỏi “Tại sao người ta cứ phải nói dối” bằng câu trả lời: Người ta phải nói dối vì người ta không muốn khác những người khác. Như thế có nghĩa là người ta đang ở một xã hội mà ai cũng nói dối cả, không nói dối thì thành ra khác người quá!

Tác giả có những nét ký hoạ thật tài tình. Ông ấy vẽ những mối quan hệ giữa giới quản giáo với tù nhân (cũng có thể hiểu giữa giới lãnh đạo và xã hội): Hai bên cứ có những tư duy và tình cảm đi theo hai vec tơ ngược chiều nhau, không thể gặp nhau được. Và như vậy, người oan càng kêu oan lại càng oan và người mong người khác “cải tạo cho tốt hơn” thì người đó lại càng lảng xa yêu cầu cải tạo đó. Cái vòng luẩn quản trong cuộc sống cứ thế kéo dài, gây khổ sở cho tất cả mọi người.

Tác giả vẽ ra một bức tranh cảnh giám thị cho phép tù ra gặp người nhà: Gọi tù ra, tù ra chậm mấy phút. Giám thị đuổi vào không cho gặp nữa. Tù vào nằm vật ra giường buồn quá, nghĩ đến nông nỗi người vợ vượt mấy trăm cây số đường gian khổ và đầy bom đạn lên thăm mà không được gặp. Nhưng về sau lại có lệnh gọi người tù đó ra gặp vợ. Cho gặp nhưng phạt, không cho nhận quà. Rồi cho nhận nhưng chỉ dược nhận một phần ba quà thôi. Trong quá trình gặp gỡ nói chuyện, người nhà của tù nhân cứ nhắc từng món quà đưa cho chồng, nắm xôi, gói thuốc lá, thuốc lào, gói ruốc thịt v.v… Cứ mỗi lần như thế lại xin phép giám thị với lý do thống thiết. Giám thị im lặng, không gật cũng không ngăn và cứ thế từ chỗ cấm nhận đến chỗ chỉ cho nhận một phần mà cuối cùng người tù cũng được nhận hết đống quà vợ mang lên (trang 28-38 tập 1).

Như vậy người giám thị đâu có ác. Ông ta cũng biết thương người, biết nghe lời phân giải nhưng lúc đầu ông ta làm ác như vậy chẳng qua ông ta quá quen thói tuỳ tiện biểu dương quyền lực của mình, tuỳ tiện dùng bừa bãi quyền lực của mình. Điều đó thành ra bản chất thứ hai của người giám thị và hình như nó cũng là bản chất thứ hai của những người cầm quyền.

 

II

 

Nhân vật chính của quyển tiểu thuyết là một người viết báo, viết văn. Quan hệ bạn bè toàn là những nhà văn và nhà báo. Cho nên trong tiểu thuyết rất nhiều cảnh sống liên quan đến văn nghệ. Trong đó nổi lên mấy nét đặc sắc, đó là những tâm lý, tình cảm, nỗi buồn và niềm vui của những người làm văn nghệ, tình bạn của những người làm văn nghệ: nghèo và trí cốt với nhau: một người bán máu để lấy tiền đãi bạn một bữa bún. Nét đặc sắc thứ hai là quan hệ giữa những người trong bộ máy nhà nước với văn nghệ và những người làm văn nghệ. Tôi nhớ có một thời từ ngay xưa, một người có quyền lực bao trùm, uy thế lồng lộng, một lần sau khi giải thích vai trò quan trọng và vẻ vang của văn nghệ trong cách mạng, lại nói riêng và nói nhỏ với một số ít người thân tín một câu là “cánh văn nghệ nó hay “xỏ” lắm, phải cẩn thận đấy!” Những cảnh mô tả trong tiểu thuyết đều phản ảnh nhất quán “tư tưởng chỉ đạo” nói trên.

Những vị công an, từ người chỉ đạo chung đến công an điều tra hình sự, công an đặc trách, công an hộ khẩu, công an giám thị, quản giáo (áo xanh, áo vàng) mà quan hệ với các văn nghệ sĩ đều có tâm lý và thái độ của nhà chức trách đối với những kẻ đã, đang phạm tội, hoặc chắc chắn sẽ phạm tội. Các ông đều bảo họ: Tôi biết các anh quá rõ! Các anh là chủ quan lắm! Các anh đều có một tý “nhân văn giai phẩm” cả. Đối với các ông ấy “nhân văn giai phẩm” là một tội nặng nề và hiển nhiên của văn nghệ đối với Nhà Nước, đối với cách mạng. Các ông đều tỏ ra là các ông cũng đọc nhiều, cũng biết nhiều tác giả. Có ông luôn luôn cầm trong tay cuốn sách nhưng nhìn kỹ thì đó là sách bổ túc văn hoá lớp 10!

Các ông tình nghi ai hay đã bắt ai thì các ông tìm mọi cách để có chứng cứ buộc tôi, mà chứng cứ rõ nhất, đầy đủ nhất là ở các bản thảo của tội phạm. Các ông lùng sục, tìm tòi ở tất cả các nơi mà tội phạm có thể qua lại: Nhà bạn bè, nhà bố mẹ, họ hàng, lục tìm tất cả các mẩu giấy có thể có để thu thập mang về nghiên cứu, tức là để lục tìm “chứng cứ của tội lỗi”. Trong khi ấy, tác giả của những tờ giấy đó đau xót khốn khổ. Họ sung sướng bao nhiêu khi đẻ ra những bản thảo đó thì nay cay đắng khốn khổ bấy nhiêu khi nhìn thấy nó bị thu thập bị vò xé, quăng quật. Và khi nhân vật tranh luận với một ông tỏ ra thông thạo văn nghệ, Hắn hỏi ông: Ông thu được các bản thảo của tôi, ông đọc nó, thấy thế nào? (ý Hắn muốn hỏi ông có thấy tôi chửi bới, chống đối chế độ ở đó không?) thì ông ấy trả lời: “Tôi bận quá, chưa đọc được”. Các ông ấy đều hứa hẹn trả lại bản thảo cho đương sự. Nhưng đương sự thì năm lần bẩy lượt đi lại hết nơi này tháng nọ vẫn chưa được nhìn lại những “đứa con” của minh rứt ruột dẻ ra. Các ông công an thì coi như nắm rất vững các chứng cớ phạm tội của văn nghệ sĩ, những chứng cớ thông thường là tuyên bố không vào Đảng, tuyên bố sẽ bẻ bút không viết. Ngồi nhậu nhẹt hay trao đổi phê phán những người mậu dịch cửa quyền, móc ngoặc, nhận xét các đảng viên ở cơ quan kém và dốt, các tệ nạn xã hội… Đó là những chứng cớ “bất mãn và chống đối”.

Còn ở các tác phẩm văn nghệ, các bản thảo thì bất cứ trang nào các ông cũng có thể có chứng cớ về những sự ám chỉ, xỏ xiên, chống đối. Trong tiểu thuyết có một chỗ tác giả nói lên sự tìm bới ấy ở trong hai phóng sự và truyện ngắn của Hắn. Đó là “Những tiếng động bị nhốt”, phóng sự về anh thợ hàn chui vào phuy xăng để hàn, có những tiếng nổ của que hàn. Những tiếng nổ đó được suy ra là tác giả nói đến những tài năng bị giam hãm, những tài năng bị thui chột và như thế là dụng ý phê phán Nhà Nước. Còn truyện “Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng” thì tác giả (của truyện) cảm xúc về tiếng một con dế và tưởng tượng ra một cuộc đấu tranh giữa một con dế dũng cảm với một lũ gián hôi sì xúm lại đánh nó. Nhưng các ông ấy nói rằng đó là viết xỏ xiên, “những con gián sống trong bóng tối béo núc hôi xì là ai? Anh đừng tưởng chúng tôi không biết đâu! Những con gián ấy là ám chỉ những đảng viên trong cơ quan báo (trang 322-323 tập1).

Rất nhiều chỗ có những đoạn mô tả cảnh các ông công an mắng mỏ các tội phạm văn nghệ, vạch tội lỗi của các văn nghệ sĩ. Mỗi người văn nghệ đều được mục kích cảnh bạn mình bị bắt, bạn mình bị theo dõi. bị hăm doạ, hầu như không ai được sống yên ổn. Nhân vật Hắn được ra khỏi nhà tù, đêm đầu định đến nhà một người bạn để ngủ một đêm tự do và gặp gỡ thì lại vào đúng ngày anh bạn vừa bị bắt, nhà chỉ còn ông bố và bà mẹ. Hắn vào ngủ trong phòng của bạn mà tưởng tượng cảnh bạn mình phải chịu những ngày đầu bị bắt, bị ở tù, bị thẩm vấn… Rồi khi về đến nhà, gặp người bạn thân nhất trước đây cùng làm một cơ quan, lại được bạn kể tỉ mỉ cho nghe cảnh bị theo dõi, bị các đảng viên và lãnh đạo Đảng ở cơ quan cảnh cáo dằn mặt. Có thể thấy rõ quyển tiểu thuyết đã khái quát mấy đặc điểm một số người:

1- Thực chất là không hiểu biết nhưng lại tự cho mình là rất hiểu biết, hiểu biết sâu sắc về văn nghệ và những người văn nghệ. Sự hiểu biết ấy đều dựa trên quan điểm “tư tưởng chỉ dạo” nói trên.

2-  Vì vậy thái độ của họ đối với văn nghệ sĩ thông thường là: coi thường (khinh rẻ hoặc khinh bỉ), không tin cậy và đầy nghi ngờ, lúc nào cũng phải cảnh giác sự chống đối, sự ám chỉ, đả kích.

3- Do đó, đối với các tác phẩm văn nghệ, đặc biệt đối với văn học, họ luôn có thể tìm ra được những bằng chứng của tội phạm, tội phạm chống đối, phản động. Nhiều khi sự thô thiển trong cách nhìn này còn tràn cả vào sân khấu, điện ảnh, tạo hình… và luôn cho rằng những câu hò vè, những chuyện tiếu lâm, thực sự là từ nhân dân, đều là sản phẩm của văn nghệ sĩ. Vì vậy họ hết sức theo dõi để nắm được những câu chuyện vui, chuyện tầm phào của vợ chồng và bạn bè văn nghệ sĩ. Vì thế có một đôi vợ chồng nhà báo đêm nằm tâm sự cũng phải đóng kịch, nói to những câu nịnh bợ dối trá và nói thầm những câu tâm tình. Một xã hội có những ứng xử như thế với văn nghệ thì làm sao văn nghệ có những sản phảm tốt đẹp, làm sao văn nghệ có đỉnh cao được.

 

III

 

Cuốn tiểu thuyết cũng có nói đến những thân phận, những số kiếp của một số không ít người. Đó là số kiếp của con người mất tự do, trong số đó dễ nhận thấy và dễ nhớ là số kiếp của mấy người như sau:

Già Đô là một ông thợ già, tay nghề rất giỏi, số phận đưa đẩy ông sống ở Pháp, có vợ và có con ở Pháp. Nhưng ông yêu nước, tin vào tay nghề của mình, quyết về nước để đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Nhưng ông đã quen cuộc sống trên đất Pháp, cho nên có điều gì bất bình thì ông lại “đấu tranh theo kiểu Pháp”, nghĩa là cầm biểu ngữ ngồi trước cửa nhà giám đốc. Ông lại hay nói tiếng Pháp và hay hát tiếng Pháp. Đó là biểu hiện “ông có thể liên hệ với nước ngoài, làm hại tổ quốc”. Ông bị tù và ông rất sợ chết trong tù, vì nó ứng với câu rủa “chết rũ tù”. Rồi ông cũng được ra khỏi tù, nhưng ra khỏi nhà tù, ông không có nhà, không người thân thích, không có viêc làm. Ông phải đi ăn xin, ngủ đường, ngủ chợ. Không sống được, ông phải nhặt rác và ăn cắp. Cũng không sống được, ông phải tìm đến con đường xin vào lại nhà tù. Ông cố ăn cắp để mong bị bắt và được vào trong tù. Nhưng nguyện vọng của ông chưa đạt được thì ông đã chết vì quá cực khổ và kiệt quệ. Ông đã tránh được cái chết “rũ tù”…

Đó là số kiếp Nguỵ Như Cần, bị tù (cải tạo) hơn 20 năm. Anh đã cắt đứt mọi quan hệ với  quê hương, gia đình, bạn bè và yên trí ở tù vô thời hạn. Nhưng rồi anh cũng được trả tự do. Chính đêm hôm trước ngày anh ra khỏi nhà tù thì anh tự thắt cổ chết. Và người ta thấy rõ nếu anh ra khỏi nhà tù anh cũng không có cách gì sống được, vì như tiểu thuyết nhiều lần nhắc cái cảnh: không có hộ khẩu, không có tem phiếu… mà anh lại hết thân thích bạn bè, thì tự do là cái hoàn toàn vô nghĩa với anh và anh phải tự kết liễu đời mình.

Đó là Giang và Sáng, hai thanh niên còn tươi tắn, khoẻ mạnh. Giang là con liệt sĩ, mẹ đi lấy chồng. Giang lang thang trộm cắp rồi bị bắt, ở tù. Còn Sáng là một thanh niên nông dân nhiều sức sống, không chịu được cảnh tù đầy, liên tiếp trốn khỏi nhà tù và liên tiếp bị bắt lại. Cứ vừa bị bắt lại thì Sáng đã tìm cách trốn ngay sau đó. Cứ thế đến lần thứ năm thì bị đánh đau lắm. Và sau đó không biết số kiếp Sáng ra sao, vì nhân vật chính là Hắn không gặp lại Sáng nữa. Ta cũng đoán được là số kiếp đó chỉ có thể là một kết cục bi thảm…

Trong các cảnh đời, tác giả còn vẽ nhiều cảnh tuy với nét bút sơ sài nhưng đầy thú vị. Đó la cảnh một gia đình có một bà chủ đặc sắc. Đó là bà Bượng. Chân dung của bà như sau: “Mọi người đều ghét bà Bượng. Ghét nhưng sợ. Đã có nhiều cuộc vùng lên chống lại bà. Nhưng đều thất bại. Bà kể vanh vách những chuyện trong gia đình người khác. Bà lôi cả danh hiệu đảng viên của ông bà Tri ra chửi” (trang 85-86 tập 2).

Bà là một “chửi sĩ” siêu sao. Tiểu thuyết viết thế này: “Bà chửi hiện đại. Bà không dùng những câu kinh điển chửi thằng dải chiếu ngang thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế nhà mày. Hay con gà ở nhà bà là con gà, về nhà mày nó là con hùm tinh đỏ mỏ ( … ) Bà có cách chửi của bà. Vừa hiện đại vừa mang tính thời sự nóng bỏng: Bọn sâu mọt, bọn đục khoét, bọn ăn đút lót. Bọn khốn nạn rồi sẽ bị truy tố. Bà nghèo nhưng bà trong sạch. Xã hội chủ nghĩa mà khốn nạn (trang 85 tập 2).

Sau đây là một vài đoạn “văn chửi” của bà, rất đáng thưởng thức: “Cha tiên nhân nhà mày. Bà giồng hai cây chuối ở đây thì có động mồ động mả nhà mày không, mà mày xui con xui bố mày ra vặn cho nó chết. Cái cây nó có tội tình gì. Thằng cha mà bẻ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng con. Thằng con mà vặn cổ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng cha ( … ) Bà bảo cho thằng già, thằng trẻ, con trai, con gái nhà mày biết, bà không ăn cắp, không ăn hối lộ của ai ( … ) Bà nói trước cho mà biết, sáng ra bà chưa súc mồm súc miệng bà chửi cho nó độc. Chửi đủ ba tháng mười ngày… Sáng một chập. Trưa một chập. Tối về bà chửi một chập. Tao nghèo tao tăng gia tao ăn. Bác Hồ dạy thế, tao làm. Tao không ăn hối lộ, tao không bòn rút. Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? Ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn” (trang 87 tập 2).

Bà lại có đoạn văn chửi hiện đại nữa như sau: “Cha tiên nhân thằng già thằng trẻ nhà mày. Bà nghèo bà lao động nuôi con nuôi cái bà. Bà không ăn hối lộ. Mày như con bọ hung, thấy đống phân là rúc vào. Mày ăn hết cả phần phúc đức của bố mẹ mày. Mở miệng thì toàn là cách mạng, đạo đức mà việc làm là bòn rút hại người. Tuần rằm nào cũng hương khói nguyện cầu mà lòng dạ mày toàn rong rêu (trang 88 tập 2).

Cách bà chửi cũng hiện đại: “Liền ba tháng mười ngày như vậy. Mỗi ngày được tái bản, câu chửi đều có bổ sung và phát triển. Sáng sớm chửi liền nửa tiếng xong, bà về ( … ) Chủ nhật bà đi người không. Không cầm ghế… Bà dõng dạc tuyên bố: Hôm nay 14 tháng 6 năm Bính Thìn, chủ nhật. Bà nghỉ”.

Còn rất nhiều cảnh sinh động của cảnh sống tem phiếu, xếp hàng, cửa quyền, ăn bớt, móc ngoặc… nhưng tác giả có chọn một cảnh để tả kỹ. Cảnh đó nhỏ như sợi chỉ (cái kim, sợi chỉ là cái nhỏ nhất mà). Đó là cảnh “chia chỉ”:

– Cứ chia đi, tí nữa cô nhận cho tôi, cho hai cụ với nhé.

– Mợ đem cho tôi cái bìa theo dõi.

Hắn giật mình. Sao nhà mình lại bị theo dõi nhỉ?

– Theo dõi gì hở chị?

– Theo dõi mua công nghệ phẩm. ( … )

ánh đèn lập loè sau luỹ tre thưa. Tiếng người cười nói, gọi nhau, chào hỏi, bàn cãi, gắt gỏng.

– Một trăm mười bẩy suất. Bốn mươi cuộn tất cả. Hai nhăm cuộn đen, mười lăm cuộn trắng.

– Thế thì cứ bốn người một cuộn. Bốn bốn mười sáu. Được một trăm mười sáu suất. Thiếu một suất, tính sau.

– Ai chịu cái suất thiếu ấy?

– Lại còn chỉ đen, chỉ trắng. Ai lấy chỉ trắng cho?

– Mỗi cuộn này bao nhiêu mét nhỉ?

– Cứ đóng hai cái cọc cách nhau mười mét, mỗi đường chỉ là mười mét. ( … )

– Chia chỉ đen trước, chỉ trắng sau (trang 413 tập1).

Chia xong thiếu mấy đường, lại đóng cọc lại, chia lần thứ hai, thừa ra ba cuộn, lại phải chia thêm. Đến khổ, có tí chỉ mà hết đêm. Mợ Cổn cho tôi đổi suất chỉ trắng lấy suất chỉ đen nhé. ( … )

– Mỗi cuộn mười một mét đấy. à mà đen mười một mét, còn trắng gần bẩy mét (trang 424, tập 1).

Đó là bức tranh sinh động về một cuộc sống mà Nhà Nước mong nó dược công bằng tuyệt đối. Và Nhà Nước đứng ra lo tất cả, từ cái kim sợi chỉ cho toàn dân. Đó là cái khó khăn phức tạp của sự yêu cầu tuyệt đối công bằng… Từ đấy người đọc dễ dàng hình dung ra toàn bộ cái quy mô và cường độ ghê gớm của cuộc sống tập trung bao cấp, tem phiếu, xếp hàng quàng lên đầu lên cổ mỗi người dân.

Quả là cuốn tiểu thuyết còn nhiều điều hay. Mỗi trang, mỗi dòng đều đầy ý vị của triết lý cuộc sống. Nó đều gợi cho mỗi người đọc phải liên hệ mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Ngẫm nghĩ về tự do và mất tự do, về tâm trạng và nỗi niềm, về cái khốn khổ và cay đắng của người mất tự do, ngẫm nghĩ về kiếp người và mỗi con người, ngẫm nghĩ về sự thật thà và giả dối, ngẫm nghĩ về tình yêu, tình bạn với những nét đẹp thật sâu xa mà cũng lộng lẫy. Rồi từ đó ta có thể nghĩ nhiều về xã hội, về đất nước và mong chờ, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp: Cuộc sống và xã hội tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn, tự do hơn.

Tóm lại đây đúng là một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn, xứng đáng là một sự kiện văn học của Việt Nam để mở đầu thế kỷ 21. Và cứ bình thường mà xét thì Bùi Ngọc Tấn xứng đáng là người tiếp bước Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.

 

Hà Nội tháng 7 năm 2000

Biển và chim bói cá- “sử thi của thời hiện tại”

Sáng tạo tiểu thuyết thể hiện quan niệm văn chương của Bùi Ngọc Tấn toàn vẹn và sâu sắc hơn cả, khi những triết lý đượm màu sắc humour cùng khám phá ý vị về tâm lý đời sống, tâm lý sáng tạo, từng mang lại thành công độc đáo cho ông trên lĩnh vực truyện ngắn và tùy bút, đã nhường chỗ cho một “cái nhìn sử thi” vượt ra khỏi ranh giới của sự phản ánh, miêu tả và khái quát thông thường. Người ta vẫn cho rằng tiểu thuyết được định hình bởi phạm vi phản ánh đời sống xã hội rộng lớn của nó, thực chất lại không phải vậy. Một sáng tạo bằng ngôn  ngữ văn xuôi chỉ được xem là tiểu thuyết khi nó biểu đạt thành công ý tưởng cá nhân, quan  niệm cá nhân của người viết về “ hiện thực đời sống rộng lớn ” mà thôi. Và quan niệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn trong các tiểu thuyết của ông là sự chứng nghiệm cũng như hồ nghi những giá trị tồn tại tưởng chừng ổn định, vững vàng bất biến nhưng thực ra lại đang hàm chứa cơn bão táp khốc liệt của sự phân hóa, biến tướng và hủy hoại, một sự chứng nghiệm phê phán sắc bén tựa như cái nhìn của các tiểu thuyết gia hiện đại nửa đầu thế kỷ 20, để làm nên thứ sử thi văn chương mới, sử thi của thời hiện tại. Nếu sử thi của thời anh hùng thiên về ngợi ca, tự khuyếch trương giá trị con người, thì “sử thi của thời hiện tại” lại là cảm hứng hồ nghi sâu sắc.

Biển và chim bói cá, cuốn tiểu thuyết đồ sộ tập trung vào khoảng hai mươi nhân vật, được miêu tả như những hình tượng đa phương, có phần lỏng lẻo trong một tác phẩm sắp đặt của loại hình nghệ thuật thị giác, nói bằng thứ ngôn ngữ  trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu và cả tiếng thở dài… với vài chục ngàn chi tiết lớn nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh khiến người đọc phải bật cười tức khắc hoặc lay động những cảm giác sâu kín của lòng trắc ẩn, lương tri…

Khắc họa đời sống thực thể và tinh thần éo le, sóng gió, trôi dạt của anh em thủy thủ, công nhân viên tại một cơ sở đánh cá quốc doanh, Bùi Ngọc Tấn muốn đào xới đến kiệt cùng cái hiện thực nhọc nhằn của sinh tồn, bao gồm cả sinh kế và nhân sinh. Mỗi hành động sống đều như bị đẩy đến ranh giới của một tồn tại khác, thứ tồn tại buộc người ta phải tự vấn đến cùng, để soi lại vị trí của bản thân trong những thang bậc của tính người, của tư cách con người. Một anh chàng Nhược thợ  lạnh “ nổi tiếng ” vì kéo bạn… ăn vụng hết cả mâm cơm tiếp khách của giám đốc mà anh ta được giao nhiệm vụ bưng về. Một đôi vợ chồng thủy thủ mòn mỏi trong cảnh thiếu thốn giật gấu vá vai bỗng dưng trở lại “hồi xuân” yêu đương nồng thắm, cuộc đời mở ra đầy hi vọng, sinh khí và tư cách, kể từ khi anh chồng nhận lệnh chuyển sang làm việc trên tàu vận tải viễn dương…

Cứ như vậy, những góc khuất của đời sống và con người tại một Liên hiệp đánh cá biển Đông lẫy lừng thành tích và cũng chứa chất những trái ngang… bỗng hiện ra trước bạn đọc như vật chứng không thể chối từ của một thời đại, đồng thời thể hiện một năng lực quan sát, ghi nhớ và miêu tả hiện thực tỉ mỉ đến từng chân tơ kẽ tóc của nhà văn.

Cuốn tiểu thuyết còn được trần thuật từ góc nhìn của “người trong cuộc” bên cạnh lối kể chyện khách quan từ ngôi thứ ba. Người trong cuộc ở đây là cậu bé Phong, lần đầu được theo cha đi biển, cha cậu là thuyền trưởng. Cùng trong chuyến đi đó, niềm vui bước vào thế giới người lớn của cậu nhanh chóng chuyển thành sự chấn động, cay đắng và chấp nhận buông xuôi trước những sự thật trần trụi tầm thường của cuộc đời. Sự đa dạng về điểm nhìn trần thuật khiến cho Biển và chim bói cá mang dáng vẻ lạ lẫm, vượt ra ngoài khuôn khổ, đa tạp trong sự hòa thanh.

Có thể xem Bùi Ngọc Tấn là một người kể chuyện thuần theo lối truyền thống, kể bằng sự kiện, nhưng lại không thể gán cho ông là một nhà văn bị lệ thuộc vào hiện thực ở cái vỏ diễn tiến bề ngoài của nó. Ông viết văn như người thiền quán tưởng từng hơi thở, mỗi chi tiết của cuốn sách óng lên một nỗi suy tư day dứt và cả tình cảm mãnh liệt của người viết đối với quê hương, với những nghịch lý thản nhiên đến lạnh lùng của hiện thực vượt khỏi những tiêu chí đạo đức và làm người vẫn được mặc nhiên thừa nhận. Bùi Ngọc Tấn thuộc số người viết văn để nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc. Và trong khi hiện thực có thể được tiếp cận bằng nhiều cái nhìn khác nhau, trong và ngoài văn chương, thì điều xác tín khả dĩ đối với bạn đọc chính là cái sâu sắc, mãnh liệt của con người tác giả, điều này làm nên sức sống cho tác phẩm và làm nên tính trung thực, phẩm chất hàng đầu của nhà văn…

Khánh Phương

Một thời không mất

Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn là một hồi ký văn học. Tác giả là nhà báo – nhà văn thuộc thế hệ sau hoà bình lập lại trên miền Bắc 1954. Tuổi đời của thế hệ này chênh nhau khoảng dăm bẩy tuổi. Có một cuộc Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất họp ngay ở Thái Hà ấp đã thành điểm quy tụ của lớp người này.

Giống như một cuộc chạy maratông, điểm xuất phát bao giờ cũng ồn ã, đông đảo, nhưng sau vài thập kỷ, theo Bùi Ngọc Tấn, người thành đạt (khác với thành tựu) cũng có nhưng ít thôi (tất nhiên), như Bùi Đức ái (Anh Đức), Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Nguyễn Kiên rồi Nguyễn Quang Thân…, còn phần đông “lớp tuổi tôi máu me ngày ấy, hình như sự cay đắng, vất vả nhiều hơn”.

Dẫu mỗi người một cá tính, cá tật, họ giống nhau ở lòng tin yêu hơi ngây thơ, trong sáng buổi ban đầu. Nhưng họ cũng luôn vấp phải những sự việc ấu trĩ của buổi ban đầu. Các nhà báo nhà văn trẻ bây giờ không khỏi ngạc nhiên khi biết có một nghị quyết chi bộ của một tờ báo đã cấm các nhà báo trong chi bộ viết văn (!) với lý do để tập trung xây dựng báo. Vì vậy nhà báo Tân Sắc (bút danh Bùi Ngọc Tấn lúc ấy) khi dự thi truyện ngắn phải ký tên “chui” là Lôi Động và được giải thưởng tạp chí Văn Nghệ (trước 1959). Khi đi dự cuộc trao giải, anh mới biết chính nhà thơ Xuân Diệu đã lôi cái truyện ngắn ấy ra từ đống truyện đã loại…

Nhưng tất cả mọi chuyện vui buồn Một thời để mất ấy chỉ là bối cảnh để tác giả cho hiện lên diện mạo, tính tình, lời ăn tiếng nói của nhà văn quá cố Nguyên Hồng từng một thời coi anh như một người bạn vong niên. Cũng dễ hiểu, bởi ở Hải Phòng lúc đó, lớp nhà văn trẻ thuộc Hội Văn nghệ Hải Phòng với Nguyên Hồng là tình thầy trò, số người viết lứa tuổi cứng cáp hơn như Bùi Ngọc Tấn mới được coi là lớp đàn em.

Phải nói Bùi Ngọc Tấn “thuộc” Nguyên Hồng đến từng hơi thở mới có được những mảng văn sinh động đến vậy về nhà văn này:

Bàn viết của Nguyên Hồng là một cái bàn tre, nông thôn thường dùng làm mâm ăn, giống cái chõng tre thu ngắn. Trước cái bàn viết ấy Nguyên Hồng trải chiếu, ngồi xuống đất viết. Thường làm việc gì anh cũng làm một cách tất bật, vội vàng qua quýt cho xong. Nhưng khi Nguyên Hồng chuẩn bị viết, tự dưng anh điềm đạm hẳn lại. Trang trọng, từ tốn. Những lúc ấy anh phải thu dọn xung quanh cho gọn gàng sạch sẽ. Anh quét nhà, anh sắp xếp lại những tập sách, giải chiếu xuống đất, vuốt ve mấy tờ giấy trắng, để bút để mực sẵn sàng. Rồi đi loanh quanh, đi ra đi vào, mặt mũi đăm chiêu khổ sở. Anh vẫn gọi việc ấy là dọn ổ đẻ. Còn cái chõng tre ấy Nguyên Hồng gọi là “mâm viết”.

Phương tiện đi lại của Nguyên Hồng là chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, khung ngắn, bàn đạp ngắn, ghi đông ngắn, người lớn ngồi trông như gấu, khi vận hành hai chân cứ nhoay nhoáy, nhoay nhoáy, đầu gối chạm ghi đông. Nó còn một đặc điểm nữa là không đạp ngược được. Quay ngược chiều ru líp là phanh, là khựng lại. Nhưng thời ấy cũng phải bình chọn, cũng phải phiếu, có khi hàng trăm người mới được một chiếc, hơn nữa lâu lắm mới có một đợt phân phối.

Chiếc xe ấy được nhà văn Nguyên Hồng âu yếm gọi là Cún. Khi ông dựng xe ngồi chơi ở bãi cảng, các em nhỏ thường gạ gẫm: “Cho cháu đi một tý nhé! Hay là cho cháu thuê, cháu có hai hào đây!” Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng tặng ông một chiếc xe đạp Thống Nhất, thế nhưng con cái giành nhau đi học, ông lại phải dùng Cún. Thật là ngượng khi gặp Thủ tướng giữa đường! “Chắc Thủ tướng cho là mình túng quá, bán rồi. Mình ngượng chín người, cứ đứng một tay giữ Cún. Cái con Cún khốn nạn phản chủ này, nó cứ kềnh càng trên đường, không quẳng đi đâu được”.

Nhà văn Nguyên Hồng mê bóng đá đến mức đang dẫn một đoàn nhà văn trẻ lên một tỉnh miền núi, nghe tin đội Hải Phòng thắng, ông bắt chánh văn phòng phải điện ngay về chúc mừng. Ông có thể khoái chí vì một cú sút đẹp mà ôm hôn người ngồi xem bên cạnh, không cần biết đó là ai. Bùi Ngọc Tấn phát hiện “Nguyên Hồng là nhà văn chống bao cấp đầu tiên ở nước ta” bằng hành động rời cả gia đình từ thủ đô về Yên Thế. Cử chỉ, lời nói của nhà văn trong lĩnh vực ẩm thực thật sống động bình dân qua nét phác hoạ của Bùi Ngọc Tấn: “Nguyên Hồng kênh cái mẹt có cái đùi chó bóng loáng lên, vục tay vào tận cái thúng bên dưới. Anh lục lọi, bấu bấu nắn nắn và lôi ra một tảng:

 – Chị chặt cho tôi miếng nầm.

Nguyên Hồng cúi cúi xem gói thịt và gia vị:

– Chị cho tôi thêm mấy nhát riềng.

(Chữ “nhát” đúng là chữ của anh. Không chết như chữ “miếng”, chữ “nhát” gợi một động tác, một hình ảnh, một âm thanh, một quá trình…)

Bùi Ngọc Tấn viết hồi ký về nhà văn đàn anh bằng bút pháp một nhà văn, cho nên anh đem đến cho người đọc những suy nghĩ độc đáo, có lúc lại như nói thay cho tâm trạng cả một lứa tuổi, như khi anh bàng hoàng nghe tin nhà văn Nguyên Hồng qua đời: “Khi thế hệ cha anh mình mất đi mình bỗng thấy trơ trọi. Không còn nữa cái tuyến một vẫn đứng chắn giữa mình với vô cùng, che chở cho mình bình yên sống. Mình không an toàn nữa. Mình bỗng thành tuyến đầu. Từ nay mình bị phơi ra trước họng súng bắn tỉa của Thần Chết”.

Lời nhận xét về thế hệ của mình : “… cay đắng vất vả nhiều hơn” đặc biệt vận vào anh, như anh từng tự thuật: “… tôi bị văng ra ngoài quỹ đạo...” Và Nguyễn Văn Chuông, nhà văn “trẻ” đã quá cố của Hải Phòng đã an ủi anh: “Anh không lâm nạn là anh hỏng đấy! Dạo ấy anh viết nhiều nhưng anh sắp hỏng, thật đấy! (anh như vậy)… có khi lại hay! Anh lại có cuộc sống không ai có được”.

Trong lời an ủi của Nguyễn Văn Chuông có một sự thật. Sự thật ấy đã hiển hiện ngay trên những trang hồi ức của anh ít nhiều ngậm ngùi nhưng sâu lắng tình người và trải nghiệm…

Một thời để mất là cách nói của Bùi Ngọc Tấn, nhưng anh đã không để nó mất đi trên gần hai trăm trang chân thành, sinh động, bởi sự thực… đã có một thời như thế!

 

Vân Long

Sinh khí của văn chương

“Phải lòng” văn chương

Đã 20 năm kể từ khi Nguyên Bình về Hà Nội, Bùi Ngọc Tấn mới trở lại mái nhà xưa của bạn. Gương mặt ông bình thản nhưng những bước chân hồi cố thì trĩu nặng. Ông chỉ cho chúng tôi xem nơi từng là căn buông cũ, một gian trong ngôi biệt thự xuống cấp, nay được thay bằng nhà bê tông xám ngắt cửa đóng then cài. Chợ Lương Văn Can eo sèo họp ngay trước nhà như một nét sổ xoá hết cảnh quan xưa.

Chúng tôi cùng nhà văn ra cảng cá Hạ Long. Dòng sông và bến thuyền đã mang dáng dấp hiện đại với bờ kè trải đá dăm, những mùi dầu ma dút, vị lờ lợ của nước sông sắp hoà vào biển, những con tầu lam lũ, thì vẫn tưởng như cách nay ba mươi năm. Ngày ấy Bùi Ngọc Tấn lăn lộn kiếm sống bằng đủ nghề, đẩy xe, làm miến, cuộn thuốc lá… Sau ông được nhận vào phòng hành chính của Quốc doanh đánh cá Hạ Long, giữ một chân thi đua “cờ đèn, kèn trống”. ánh mắt ông vụt trở nên tinh nghịch như người đem khoe cái điều lẽ ra cần phải giấu: “Nơi đây chú Tấn đã có thâm niên hai chục năm làm nghề…  hôi cá!” Đằng sau nụ cười hóm hỉnh, tếu táo là hồi ức về những cực nhọc của một quãng đường vật lộn với cơm áo để trụ lại đời thường, ước vọng văn chương đã trở thành thứ xa xỉ.

Rồi ông đưa chúng tôi về nhà máy xi măng. Khói nhà máy xi măng toả trắng, nhưng đang có cuộc thiên di lớn lao dời toàn bộ công trình này đi nơi khác. “Thuở còn làm báo Hải Phòng kiến thiết, năm nào tôi cũng đón giao thừa với anh em công nhân, rồi chực sẵn ở lò nung, nhà tháo để đón chờ bao xi măng đầu tiên của năm mới.”  Bùi Ngọc Tấn và những bạn văn của ông, thời trai trẻ sáng trong và nhiệt huyết chưa hề lường đến khó khăn của cuộc sống, chưa gợn chút âu lo về cái bất trắc trái ngang của cuộc đời, đã chọn cuộc sống lao động cực nhọc nhưng đượm mầu lý tưởng nơi đây, cũng như nơi những đảo đèn bền bỉ, khắc khổ án ngữ giữa con người và biển cả, để gửi gắm những ước vọng của thế hệ minh.

Căn gác nhỏ gần Ngã Sáu của vợ chồng nhà văn vẫn đạm bạc khiêm nhường và ám áp gợi nhớ thời kỳ đầu những năm 1960, khi nó còn là tổ ấm đi về chung của nhiều nhà văn trẻ, đắm say cuộc đời và nghề nghiệp, những Dương Tường, Lê Bầu, Mạc Lân, Nguyên Bình… Bùi Ngọc Tấn ngồi, đôi mắt tươi xanh những kỷ niệm. Ông kể về thời mới bén duyên văn chương. Thời ấy một người bạn văn đã làm những câu thơ còn lung linh mãi trong cảm xúc của nhiều người: Sóng sông Hồng bỗng xanh mầu Đa nuyp / Những con người đất lạ phải lòng nhau.(1) Thế hệ của họ, bỡ ngỡ và sôi nổi, được lớn lên từ cuộc đời mới, thời vận mới của dân tộc, lần đầu tiên gặp gỡ, tìm thấy trong sách vở bốn phương những tinh hoa và niềm khát vọng chân thiện được nuôi dưỡng qua nhiều thời đại, vượt qua những biên giới quốc gia, của con người, cũng đã tự vun đắp cho mình một lý tưởng thật lãng mạn và cao đẹp.

(1)Nghe nhạc Strauss- Tuân Nguyễn

Sau bao nhiêu sóng gió cuộc đời, ông thanh thản nói về nghề văn: “Nếu như phải lựa chọn một lần nữa thì tôi vẫn chọn nghề viết. Sức hấp dẫn khiến tôi phải trung thành với nghề – đây là lĩnh vực mà dù bản chất sang hèn, cao quý hay thấp kém, trung thực hay gian trá, đều bộc lộ không thể giấu diếm, khó lòng trá lường.” Ngoài việc là cái đích kiếm tìm gắng sức rất thiêng, nghề văn với Bùi Ngọc Tấn còn là nơi biểu hiện phẩm chất và giá trị con người, giá trị sống. Có thể đối với nhiều người đây là quan niệm tuyệt đối hoá và có phần lỗi thời. Nhưng ngẫm ra, bất cứ nghề nghiệp nào khi đã thoát khỏi cái phần tồn tại thực dụng, thoát khỏi chức năng hàng hoá thông thường, nhất thời, để được công nhận đạt đến trình độ nghệ thuật, đều hàm chứa những giá trị con người.

Hành trình đến…bản thân

Có người nói Bùi Ngọc Tấn viết văn để tìm lại thời gian đã mất cho mình và cho bè bạn. Viết để thêm một lần sống lại cuộc sống đã qua, khai lộ một hiện thực ở tầng sâu của tâm tưởng và tri giác, thứ hiện thực hai lần hiện thực. Chỉ những con người đứng trước hoàn cảnh bất thường khốc liệt, trước ranh giới sinh tử, bị xô đẩy đến những giới hạn khác thường của cảm thức mới có nhu cầu về lối viết này.

Viết về bè bạn, nhưng chính là Bùi Ngọc Tấn tìm lại những giá trị của thế hệ mình, tìm lại lý tưởng mình hằng nâng niu có lúc tưởng chừng đã bị vùi khuất dưới những bất hạnh, đau khổ. Mỗi nhân vật một vẻ đáng yêu, một triết lý tồn tại, một cái duyên khác nhau trong đời, nhưng tất cả đều đại diện cho phần khát vọng thầm kín của người viết về nghệ thuật, thứ nghệ thuật tinh hoa do được rút lòng nhả kén. Cao hơn nữa là khát vọng khẳng định giá trị bản thân từ điều chân thiện, có ích, có nghĩa cho đồng loại. Có thể Bùi Ngọc Tấn đã quá yêu và bênh vực các bạn mình, nhưng chính xác hơn, ông đã viết bằng cái nhìn của người trong cuộc, đem cái tôi của mình mà chứng nghiệm, xoay đi ngẫm lại, làm hiện hình lên phẩm chất của những người chung quanh. Phải tự tin, độ lượng và trung thực đến tận cùng mới dám đem bản thân làm “thuốc thử” và làm của tin đảm bảo cho những nhân cách con người và nghề nghiệp, như ông. Có lẽ vì thế mà văn Bùi Ngọc Tấn viết về bất cứ thân phận nào, hay bất cứ sự vật nào trong tự nhiên. cũng đều như viết về một người thân thích ruột rà, một tri kỷ.

Viết về thời của mình, Bùi Ngọc Tấn đã chọn sự trung thực. Không bất mãn dè bỉu hay ngượng ngùng lảng tránh như một số người viết khi nhìn lại “cái thời lãng mạn”, ông chân thành và sòng phẳng ghi nhận cả cái ấu thơ non nớt, những ảo tưởng viển vông, cái một chiều duy ý chí lẫn tình yêu, lòng nhiệt huyết sáng trong và khát vọng đẹp của một thời, như hai mặt của sự thật. Cũng vì luôn khách quan, trung thực mà Bùi Ngọc Tấn không rơi vào “cảm hứng” ôn nghèo kể khổ hay mua vui bằng cách “hạ bệ thần tượng”. Kể lại những chuyện nhếch nhác oái oăm cười ra nước mắt trong đời sống văn nghệ sĩ, ông không dửng dưng lạnh lùng hay tỏ ra bề trên “biết rồi… khổ lắm” mà thân ái cảm thông. Trời phú cho Bùi Ngọc Tấn chất hóm hỉnh hài hước của người nhanh trí nhanh mắt dám đem khoe những chuyện đáng ra cần phải giấu (như ông có lần tả Nguyên Hồng) để vui đùa, cười nhau và tự cười. Đây là cảm hứng lành mạnh, thứ sinh khí tươi trẻ của một nền văn chương.

Bùi Ngọc Tấn không phải người ham xê dịch. Trở về Hải Phòng, trung tâm của miền Bắc những năm 1960, nơi cuộc sống mới trong tầm vóc vạm vỡ đang gồng mình để đổi thay từng ngày, ông bám riết cơ sở, vừa để làm báo, vừa để có tư liệu sống và viết. Ông ưa cuộc sống với những ràng buộc đằm thắm cố kết và thâm trầm. Chỉ ưa đi dạo quanh những con phố thân quen ấm áp của Hải Phòng với đôi người bạn thật thân, giữa mùa đông mà thèm cả hương vị buốt lạnh thân thiết của que kem tuổi nhỏ… Bùi Ngọc Tấn trầm tĩnh đôn hậu, luôn hướng đến chất thanh cao, tinh tế, đây vừa là điểm mạnh, vừa là giới hạn tương đối của ông.

Nếu như có một con đường để cho mỗi người tìm đến bản thân, đến đức tin ấu thơ thanh sạch và tình yêu toàn thiện, thì đó chắc hẳn là con đường có rất nhiều nhánh rẽ… Trong số những nhánh rẽ đó không thể thiếu phần đường mà Bùi Ngọc Tấn và những nhà văn cùng thời ông đem đến, họ đang cùng đi với hiện tại bằng cả lý tưởng và khổ đau. Và Bùi Ngọc Tấn vẫn là một người đang viết…

 

K. P.

Viết về bạn bè: Thấy chân dung tác giả

(Đọc Rừng xưa xanh lá của Bùi Ngọc Tấn)

Đình Kính

Bìa sách thiên về màu xanh, lại vẽ đồi, vẽ cây, vẽ cành và với hàng tít Rừng xưa xanh lá (NXB Hải Phòng – 2003), khiến nhiều người ngỡ đây là tập ký viết về lâm nghiệp. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chắc đã từ biển nhảy lên rừng? Không phải! Tập sách là phác họa chân dung mười văn nghệ sĩ, những bạn bè thân thiết của tác giả. Đúng hơn là mười hai vị. Song có ba vị cùng “hoàn cảnh” nên gộp vào một chân dung – Chân dung thân phận làm mướn, chân dung kẻ sĩ đi viết thuê…

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn quan niệm rằng, nếu may mắn có trang sách chống chọi được với thời gian thì đó chỉ có thể là trang sách mà người viết thuộc nhất, rõ nhất, hiểu nhất những điều mình phô ra. Hầu hết tác phẩm của anh từ tiểu thuyết rồi các tập truyện ngắn Những người rách việc, Một ngày dài đằng đẵng  đến tập ký Một thời để mất, và tập chân dung này –Rừng xưa xanh lá, đều được viết ra trong quan niệm ấy. “Tôi viết ít. Và chỉ những gì tôi thấy là cần thiết. Những gì tôi sợ rồi sẽ bị lãng quên”. Tác phẩm của anh có chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc, trước hết có lẽ bởi sự am tường, sự từng trải, cộng những chiêm nghiệm nơi anh trong những trang viết. Nếu gọi nhà văn là thư ký của thời đại thì anh muốn được làm người như thế.

Một trong những cái anh thuộc, ấy là bè bạn. Trong số đó không ít người đã cùng anh gắn kết, buồn vui qua gần nửa thế kỷ. Tình bạn đó được thử thách trong rủi ro, hoạn nạn. Và họ, những văn nghệ sĩ bạn anh, cuộc đời cũng rất thân phận. Vậy tại sao không viết về họ? Và anh đã viết !

Nhưng từ dự định đến lúc sách ra đời, cũng ngót ngét ba năm. Ba năm là ba mươi sáu tháng nghiền ngẫm, lao động cật lực; là hơn một ngàn ngày tập trung trí não nhặt nhạnh từng con chữ đưa lên mặt giấy. Để có 250 trang sách, chẳng dễ gì! Viết văn quả là “một trò chơi xa xỉ”, “một công việc mạo hiểm” (chữ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn),  một công việc cực nhọc và phải kiên tâm. Nhưng nghề văn là một ma lực. Đã mấy ai trót bập vào rồi, đủ dũng khí buông bút. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng vậy. Anh đã viết trở lại. Không những thế còn viết đều hơn, hay hơn. Làm văn chương đích thực chỉ có thể là những người biết vượt qua những buồn bực mang tính cá nhân để có cái nhìn cao hơn, xa hơn, khái quát hơn; biết quyện nỗi đau của mình vào những trăn trở chung của đồng loại, của dân tộc với một thái độ lịch lãm. Lịch lãm là yếu tố cần của người cầm bút. Viết văn là một hành động văn hóa. Lấy người lùn (một dị dạng, bất bình thường) để làm hề gây cười trên sân khấu xiếc (một hoạt động văn hóa) là thiếu yếu tố đẹp,  yếu tố văn hóa. Chỉ có thể đạt hiệu quả thẩm mỹ cao khi trên sàn diễn, bất luận làm tiết mục gì, cũng là những diễn viên có hình thể cân đối và có khuôn mặt đẹp. Trong văn chương cũng vậy.

Rừng xưa xanh lá là tác phẩm hay, đọc cuốn hút. Cuốn hút bởi thái độ lao động nghiêm túc của người viết. Văn Bùi Ngọc Tấn đẹp, dung dị. Viết “người thật việc thật” mà không rơi vào kể lể. Đọc không thấy nhàm. Anh có ý thức sắp đặt, chắt lọc nên nhiều cảnh huống hấp dẫn, nhiều tình tiết bất ngờ. Nhưng trên tất cả là, khi gấp sách lại rồi, ta bắt gặp cái tình nơi người viết. Như phần lớn tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, Rừng xưa xanh lá khiến người đọc có thoáng một chút buồn, thoáng chút chua chát, nhưng vui nhiều hơn… Lao xao trong những con chữ, anh đưa ta trở lại thời bao cấp. Một thời đã từng là thế mà ngỡ như không phải thế. Một thời “khẩu phần tinh thần, khẩu phần vật chất đều được tiêu chuẩn hóa và phân phối… Một thời mà khi nhớ lại, bỗng thấy mình đã là những anh hùng, đã vượt qua quãng đời tưởng như bịa, không thể nào tin  được…”. Ngẫm lại thời đó không phải để trách cứ, mà là thái độ cảm thông, sẻ chia. Sống trong hoàn cảnh đó, để tồn tại mà theo đuổi nghiệp, những nghệ sĩ như Vũ Tín đã phải dùng đến phương tiện phục vụ nghệ thuật của mình để cầu cạnh từ chị bán thịt, cô bán cá, bà bán gạo. Những nhà văn có hạng như Chu Lai, Nguyễn Quang Thân đành hạ mình chịu nhục đi viết thuê. Viết để kiếm tiền, có bao sự trớ trêu. Người mù tịt văn chương thuê viết về họ và duyệt văn các nhà văn ! Bản thảo xong rồi mà ngượng ngùng không dám đứng tên mình. Đọc rồi cười, mà nước mắt ứa ra. Văn nghệ sĩ cũng là con người. Trước hết họ cần phải sống. Và sau lưng là gánh nặng gia đình, vợ con. Đọc Rừng xưa xanh lá tê tê đắng chát một nỗi buồn là vì thế. Những tài năng như Dương Tường, sinh ra chỉ biết nghệ thuật và sống vì nghệ thuật, một người đã dịch trên 50 đầu sách, “đó là những tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới, những tác phẩm luôn gợi mở cho những người cầm bút Việt Nam những suy nghĩ mới mẻ về sáng tác”, dịch trong ý thức “nghĩ đến anh em viết chưa được đọc cuốn này thì thiệt quá”; một người mà, chỉ cần tiểu luận Ai đầu tiên gọi chích choè là chích choè không thôi đã đưa anh lên hàng nghệ sĩ đích thực, cũng đã một thời từng phải đi bán máu kiếm sống. Rồi Lê Bầu, một cái tên quen thuộc với bạn đọc. Vừa là dịch giả, vừa là tác giả. Nhưng mấy ai biết hàng chục năm qua ông nhà văn đó sống trong nửa căn hộ chừng mười mét vuông, mà “lớp cót ngăn  ngày càng cũ, càng xộc xệch, bên này thở mạnh bên kia nghe thấy”. Nửa căn phòng hẹp tới mức, Lê Bầu “được cơ quan thưởng một cái quạt cần Trung Quốc, anh không có cách nào sử dụng được nó. Quạt cao, cánh rộng, để trong nhà thì nó quạt gió ra vỉa hè”… Lê Bầu mỗi khi cần đành đưa quạt ra ngoài để cho gió thốc vào. “Nó (cái quạt) cứ đứng ở vỉa hè, lênh khênh, ngạo nghễ như một gia đình thừa mứa của cải mà quạt, mà lùa gió qua cái cánh cửa van vát chênh chếch đã cải tiến vào nhà. Nhà Lê Bầu chỉ có thể tiếp được một người khách đã là hơi chật…”. Những người như Nguyễn Thị Hoài Thanh, “đồng lương không đủ nuôi mình mà chị còn phải nuôi con”. Vì nuôi con nên chị phải đủ nghề, “đi bán bánh rán, bánh mỳ, kẹo lạc, làm và bán nước mắm. Cuộc sống tưởng chừng như không có thời gian để thở, ấy thế mà Nguyễn Thị Hoài Thanh vẫn làm thơ”. Đọc những trang Bùi Ngọc Tấn viết về bạn bè, dễ dàng nhận ra tính cách tác giả. Rừng xưa xanh lá anh viết  với giọng văn đôn hậu, đằm, man mác, đôi chỗ dí dỏm, mà sâu lắng. Những trang viết về nhà văn Hứa Văn Định thật xúc động và thật hay. Hay không bởi chữ nghĩa, mà hay ở sự chân thực, hay ở tấm lòng, ở tình người.

“…Thấy tôi, vợ tôi méo xệch, òa lên:

– Anh Định chết rồi!

Rồi đưa cho tôi tờ giấy. Điện. Điện của Mạc Lân. Tôi giữ bức điện ấy cho đến ngày hôm nay như giữ dấu chấm hết cuộc đời một người bạn: Hứa Văn Định chết. Đưa sáng chủ nhật. Lân. Dấu bưu điện Hải Phòng: 29/12/1995. Tôi kiếm xe lên Hà Nội ngay lúc đó… Tất cả sách ghi tặng bạn bè đều để lại… Chỉ mang một cuốn tặng Định. Dù đã muộn rồi. Chẳng thể đưa cho Định được nữa.

… Ngày hôm sau chúng tôi tiễn Định tới nghĩa trang. Lại qua Lò Đúc. Căn phòng áp mái của Định bên trên nhà bác Thế … Lại qua Phà Đen. Và Vĩnh Tuy, nơi anh yên nghỉ cũng là nơi tôi và vợ tôi ngồi trên bãi cỏ khoác vai nhau thời đang yêu. Tôi bỗng hiểu ra một điều đơn giản: cuộc đời thật ngắn ngủi và thế hệ chúng tôi đã bắt đầu sự kết thúc kiếp phù sinh của mình. Tất cả chúng tôi sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào…”

Người ta nói cái đẹp là sự giản dị. Nhưng để đạt tới cái đẹp trong sự giản dị của văn chương quả không dễ. Giản dị khác với đơn giản. ở đây là văn hóa, là nhận thức, là tài năng và học vấn ở ngưỡng cao. Đọc Bùi Ngọc Tấn dễ dàng nhận ra văn anh đã chạm tới “chính  quả”. Khi “tu luyện” nhằm vươn tới cái đỉnh ấy, hình như mọi phô diễn đều nhẹ nhàng, tự nhiên và bình dị. Bình dị nhưng cao sang, đài các, quý phái. Một đời cầm bút chỉ mong đạt tới điều ấy. Đó là lúc nhà văn đạt tới độ làm văn mà như thể không làm văn. Đó là lúc nhà văn không “làm nghề” mà viết bằng tâm, bằng tấm lòng, viết bằng sự chín nẫu của suy ngẫm. Hay nói như nhà văn Nguyễn Khải, đó là lúc nhà văn đã biết nhóm củi để đốt lên ngọn lửa xanh, trong veo, không bụi không khói.

250 trang sách gấp lại rồi, cái tình, sự đôn hậu của tác giả Rừng xưa xanh lá vẫn còn đọng lại. Ngẫm về Lê Đại Thanh, Bùi Ngọc Tấn viết : “Trái tim ông là như vậy. Một núi lửa tình yêu. Nó là nỗi đau. Nhưng cũng là sức mạnh. Ngón đòn của số phận có thể làm ai đó gục ngã. Nhưng Lê Đại Thanh thì không. Trái tim ông đã cứu ông.  Hay đúng hơn, chính nàng thơ, nghiệp chướng của đời ông đã cứu ông. Trong tấm áo choàng rực rỡ huyền ảo mỏng manh của thi ca, Lê Đại Thanh là bất khả xâm phạm. Không một ngọn roi nào chạm tới được ông. Vòng kim cô không xiết được đầu ông vì trong đó đầy ắp thi ca, đầy ắp tình yêu cuộc sống.

… Ông có một sức khỏe khiến tất cả mọi người thèm muốn. Có lẽ vì ông ca ngợi thời gian và thời gian nhẹ tay với ông. Hơn thế, thời gian ủng hộ ông”.

Thời gian nhẹ tay, ủng hộ ông. Nhưng thời gian bất lực trong ý thức công bằng. “Ngày 17 tháng 7 năm 1996 ông vĩnh biệt chúng ta. Hàng nghìn người đưa tiễn ông như ngày nào hàng nghìn người tập trung ở quảng trường Nhà hát đấu tranh bắt bọn Quốc Dân Đảng phải trả tự do cho ông. Và chỉ đến lúc ấy tất cả mới hiểu rằng đời vẫn mến yêu ông đến thế”.

Đoạn cuối bài về Mạc Lân, Bùi Ngọc Tấn viết: “Mắt anh ánh lên nỗi khát khao. Giọng anh lại vang vọng sắc thái ngày nào. Tôi cầu mong anh hoàn thành dự định (viết sách). Nhưng phải gấp lên Lân ơi. Mà không chỉ Lân. Cả mình, cả Bầu, cả Tường, cả Bão… tất cả anh em mình. Thời gian gấp lắm rồi”.

Yêu người lắm, yêu bạn lắm mới có thể hạ những dòng dung dị mà cảm động như thế!

Rừng xưa xanh lá không chỉ viết mười gương mặt, những gương mặt quen thuộc, thực sự là “những lõi sáng” trong văn học nghệ thuật: Vũ Tín, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Hứa Văn Định, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyên Bình, mà cuốn sách, bằng những gì được thể hiện còn phác thảo một chân dung nữa: tác giả của cuốn sách đó, nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Đọc Rừng xưa xanh lá tôi chợt bâng quơ nhớ đến câu thơ của Đoàn Thị Tảo: Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan.

9/3/2003

Đ.K

Chữ nặng

Lê Minh Hà

Người khuân Rừng xưa xanh lá từ Hải Phòng về Hà Nội cho bạn tôi gửi sang đây (C.H.L.B. Đức) là Dương Tường. Ông không biết tôi. Dĩ nhiên. Còn tôi với ông, biết chứ. Chiều se sẽ hương – Vườn se sẽ sương – Đường se sẽ quạnh – Trời se sẽ lạnh – Người se sẽ buồn… Đấy, Dương Tường. Một thoáng rợn tên là heo may – Một hương cây tên là kỷ niệm – Một góc phố tên là hò hẹn – Một nỗi nhớ tên là không tên… Dương Tường. Mea Culpa – Dương Tường. Một cái danh gắn với bao tên sách, gắn với dịch thuật, hội hoạ, với tôi, trước hết là thơ. Dương Tường thơ.

Không có bạn ông, Bùi Ngọc Tấn, thế hệ chúng tôi không biết thơ ông sống bằng gì. Sự không biết ấy, vô tình, đến một lúc nào đó phải coi là tội lỗi.

Tôi không chuộng giai thoại văn học và rất ác cảm cái lối ăn đong theo đời nghệ sĩ của một vài cây bút mãi chẳng thể nào nhớ nổi tên. Nhưng Rừng xưa xanh lá không phải là giai thoại, Viết về bè bạn không phải là giai thoại. Cũng không phải là cuốn sách về chuyện đời chuyện nghề, chứa ẩn những khái quát phát hiện về tác giả, tác phẩm, thi pháp, và. Bùi Ngọc Tấn không hì hục với kỹ thuật, vật vã với trào lưu. Với một số tác giả, việc đạt được thêm một bước trên tiến trình hiện đại hoá văn chương là toàn bộ ý nghĩa của sáng tác khiến bạn đọc vui mừng. Với Bùi Ngọc Tấn, ý nghĩa của sự trở lại với chữ là nghĩa đời.

Nặng lắm. Bởi vì ông là nghệ sĩ, là người chịu cái kiếp phải bấm chân xuống đáy đời này mà bước. Nặng vì ông là nghệ sĩ Việt Nam.

Trong nghĩa đó, viết với Bùi Ngọc Tấn là chuyện viết lại, sống lại. Viết về bè bạn là chuyện sống, và viết, một thời. Nhem nhuốc. Nhọc nhằn. Thì phận viết thuê ở xứ nào, miền khí hậu nào, thể chế nào mà chẳng nhọc nhằn, nhem nhuốc. Không thế, khối kẻ sẽ tin là chữ sẽ khô, sẽ rỗng, sẽ lâm tử.

Thì viết, nhưng viết chỉ để được viết, viết chỉ để nhận chút nhuận bút tư nhân còm, làm sinh phần chữ cho những ai đã quyền, đã tiền, còn muốn cái tên mình để lại được một vết cào trên mặt đất thì đau đớn. Liệu thời ấy trên thế giới này còn có một đất nước nào nữa sinh ra được một thế hệ viết văn chui như nước Việt Nam mình?

Thì viết. Viết để nuôi hơi thở tàn cho mình, cho bố mẹ, cho vợ, cho con, cho bè bạn. Để nhìn nhau mà sống tiếp. Nghệ sĩ nuôi chữ bằng hai lá phổi rỗng hay một cái đầu điên thế giới này khối. Nhưng tôi chưa đọc thấy ở đâu trên thế giới này thời hiện đại chuyện nghệ sĩ bán máu, nghĩa đen. Bằng máu, họ nuôi gia đình, nuôi tình bạn, nuôi thân, nuôi những con chữ, nuôi tiếng cười, phụng dưỡng khao khát về cái Đẹp.

Hôm nay tao uống máu thằng Tường. Câu đùa xanh rờn của một người bạn của các ông có lẽ làm cho ai đọc tới cũng phải rùng mình. Tôi ứa nước mắt.

Vì khi ấy, chúng tôi bao lần dẫm chân tại chỗ dậm tập nghi thức đội ở vườn hoa đối diện quán bia Cổ Tân nơi họ thường ngồi. Bao chiều, nơi ấy chúng tôi hát ve ve ve hè về vui vui vui hè về, và những bậc thang của Nhà Hát Lớn ngay bên cạnh gần như là con đường dẫn tới đỉnh cao mơ ước về cái đẹp của nghệ thuật chưa hề có trong ý thức của chúng tôi.

Trong một tập tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn đã làm tôi bủn rủn vì tập hợp từ “tù ngoại trú” chụp bắt chính xác sắc diện những người chưa trải cảnh tù đầy như ông. Hình ảnh phóng chiếu của nó thật khủng khiếp. Nó trở lại cùng Viết về bè bạn. Phải, bè bạn của ông, dù án cao su như ông hay vẫn lầm lũi đi về với phố với làng những ngày đó rút lại cũng chỉ là tù nhân ngoại trú, của đời sống cơ cực một thời. Cơ cực, giá chỉ vì chiến tranh hay bao cấp! Cơ cực, vì họ là nghệ sĩ. Mà lại ở nước mình. Mà lại ở cái thời ấy.

 Một thời tin tưởng

Một thời bay bổng

Một thời hạnh phúc

Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa (trang 303-Viết về bè bạn-Nhà xuất bản Hải Phòng-2003).

Chúng tôi sinh ra, phương trưởng vào những năm tháng ấy, mà thật ra chẳng biết gì về thời của các ông, nếu không có những cuốn sách như thế này. Tôi biết bóng lá khoảng phố nơi Dương Tường sống, nhưng tôi không biết ông đi về trên đó, vóc dáng cò rù, đảo chính thơ bằng những con âm. Tôi sống ở phố Lò Đúc một thời Hứa Văn Định, nhưng tôi không biết gì về ông ngoài một đôi bài báo độc đáo, và đã tưởng ông là một người viết trẻ độc sáng đôi sớm đôi chiều, không hề biết ông cũng viết lại, sống lại. Các ông cười được rồi về cái thời các ông có thể coi là nhảm nhí. Nhưng với ai ai, bên niềm tự hào vì đã sống chính trong thời ấy, lớn lên và đi qua thời ấy, rồi sẽ phải ngậm ngùi bởi cái thời mình cho là đẹp nhất đó có bao điều đáng xấu hổ. Vì trong đó, nghệ sĩ, lương tâm của thời đại nông nỗi thế vì những đầy ải, vò xéo. Vì đọc họ mà không biết họ cưu mang đỡ mình và những cuộc đời khác đau khổ, khát khao. Vì họ, như lá, như nắng nhỏ, lầm lũi sống, song hành với cái đẹp và làm ra đẹp. Chẳng biết để làm gì. Nhưng thiếu thì cuộc đời này không đáng sống. Bùi Ngọc Tấn viết về bè bạn mình. Tất cả là nghệ sĩ. Nhưng đằng sau cuộc đời họ, qua hồi ức của ông, qua lối viết hồn hậu bình thản của ông, ta thấy một thời, đời người.

Cảm như tiếng gào của những âm thanh im lặng khi đọc Viết về bè bạn. Đọc, không phải vì muốn có những thông tin rọi chiếu thêm vào tác giả và tác phẩm. Đọc, không phải vì tò mò chuyện bếp núc nghệ sĩ. Đọc, không phải để luyện nghề. Đây không phải là một cuốn sách làm ta dám đọc lại ngay vì những mục đích cụ thể xyz. Đọc, để thấy dẫu mình tuổi tác rồi, dẫu lên bờ xuống ruộng bao phen rồi vẫn còn biết xấu hổ và đau đớn. Đọc, để được kinh ngạc, cảm động, và thán phục, và tin. Vào chữ, vào người.

C.H.L.B. Đức

2.2.2005

L. M. H.

Sum suê và khúc khích

1. Khi nào cũng vậy, mỗi khi cầm một quyển sách mới trên tay để đọc, lòng dạ tôi xốn xang náo nức. Cứ như thể sắp sửa một chuyến đi vậy. Mỗi một chuyến lang thang, ta lại được gặp những cảnh khác lạ, những tập tục mà ta chưa biết, những con người mà ta chưa quen.

Đọc tiểu thuyết cũng vậy, đó là những chuyến phiêu lưu. Chỉ có khác là ta vẫn ở nguyên một chỗ. Đọc tức là cuộc viễn du đi tìm cái đẹp, cái mới lạ trên trang sách. Cái đẹp cái mới ở đây có thể ở ngôn ngữ, ở cấu trúc…, ở những ý tưởng sâu sắc của tác phẩm. Sách đưa ta vào những thế giới mới mẻ.

Mỗi người là một thế giới. Mỗi nhà văn là một thế giới phong phú mà một quyển sách không thể nói hết được. Ở cuốn sách trước Bùi Ngọc Tấn đã dẫn ta vào sự oan trái bi thương. Nhưng thế giới của Tấn không chỉ có vậy. Lần này, với cuốn tiểu thuyết “Biển và Chim bói cá”, anh đã dẫn chúng ta ra đại dương bao la. Thời gian xảy ra trong cuốn sách là cuối thời gian bao cấp, và chớm vào thời đổi mới. Với không gian, thời gian ấy, chắc cuộc viễn du của người đọc sẽ gặp nhiều điều thú vị.

Bùi Ngọc Tấn sinh ra ở Hải Phòng và đã lăn lộn ở Hải Phòng từ năm 1959 cho tới hôm nay. Anh đã từng làm phóng viên báo Hải Phòng nhiều năm, rồi đã có thời gian dài làm việc tại Quốc doanh Đánh cá Hải Phòng. Năm 1962, anh đã in cuốn truyện ký “Người gác đèn biển” – xem thế đủ biết Bùi Ngọc Tấn thân thuộc với biển nhường nào. Vì vậy, tôi rất háo hức đi vào thế giới của anh.

 *

2.  Nếu người đọc nào thích những chuyện li kỳ gay cấn, thích câu chuyện có đầu có đuôi, có cốt truyện, thì đọc “Biển và Chim bói cá” sẽ khó “vào”. Chỉ những người đọc sách kiên nhẫn, từ tốn, thích suy ngẫm thì mới thích đọc sách này. Sở dĩ như thế vì cuốn sách đầy ắp những chi tiết, những sự kiện, những câu nói, những nhân vật. Có thể nói chi tiết nhiều vô kể. Hàng nghìn. Đang chuyện này lại chuyển ngay sang chuyện khác. Đang nhân vật này lại bắt ngay sang nhân vật khác. Cứ tưởng như hỗn độn, nhưng không phải. Khi người đọc đã nhập cuộc thì khu rừng phồn thực rậm rạp ấy sẽ hiện ra hoàn toàn mạch lạc, rõ ràng.

Trung tâm câu chuyện là một xí nghiệp đánh cá biển Đông. Tuy nhiên, không chỉ khoanh tròn ở đấy. Quan hệ với nó còn có những bộ phận trên bờ; và quan hệ với các thủy thủ là những người vợ, con cái ở các làng quê; rồi tàu còn đi vào tới Lạch Trường miền Trung, tới Cà Mau miền Nam, rồi khi bước vào đổi mới tàu còn làm công việc giao thương với nước ngoài sang tận Singapore, Nhật Bản. Do vậy, liên quan tới con tàu và nhân vật trên tàu, ở nhiều vùng đất khác nhau, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau sẽ có biết bao nhiêu tình huống xảy ra, tha hồ có đất để cho nhân vật bộc lộ và qua đó, đằng sau nó là những xúc cảm, nỗi niềm của tác giả.

Những chi tiết của Bùi Ngọc Tấn có đủ loại. Những chi tiết nghề nghiệp như tàu cập mạn thế nào, đánh tôm ra sao, thắt đụt ra sao, rồi tàu trong bão, trong sương mù… Những chi tiết sinh hoạt như thủy thủ thèm khát đàn bà, lên bờ trông thấy đàn bà nào cũng đẹp, thủy thủ uống rượu, uống bia ra sao, những trò ăn cắp cá, những chuyện ái ân quan hệ với đàn bà, rồi nịnh nọt, chạy chức chạy quyền vv… Nói tóm lại, nếu phải làm một bản liệt kê, thì chắc nó sẽ dài lắm.

Có thể nói Bùi Ngọc Tấn là người nắm bắt các chi tiết rất giỏi. Anh là người thợ săn chi tiết tài tình. Anh là người đam mê chi tiết. Sự sinh động hấp dẫn của cuốn sách là ở chỗ ấy.

Nhân vật của cuốn sách chừng vài chục người. Không có nhân vật nào chính hơn nhân vật nào. Nhân vật nào cũng được chú ý ngang nhau, bình đẳng với nhau. Đó là những thủy thủ thô tháp, chân thực, ăn sóng, nói gió, vất vả lam lũ, có người bản năng tục tĩu nhưng đầy tình người. Họ là những con chim bói cá trên biển Đông. Những thân phận người có những phút hạnh phúc, có những lúc cay đắng. Người nông dân ở nước ta thì “cái cò lặn lội bờ sông”. Đó là biểu tượng. Còn với biển thì Tấn đã tìm ra cái biểu tượng con chim bói cá. “Tàu cá về, người bâu đến như dòi”. Người ta nén nhân cách mình xuống để ngửa tay ra ăn xin, để tìm mọi cách mà ăn cắp. Thân phận con chim bói cá mà. Ai chẳng có vợ có con. Mà ở cái thời kỳ bao cấp ấy đói khát là cái thường tình. Cũng xin thể tất một câu nhân tình. Trong các con người này, chúng ta gặp một Lê Mây người dân chài nghèo miền Trung khi chưa vào làm nhà nước đã từng săn được một con cá mập khổng lồ. Cũng hoành tráng chẳng kém gì ông già trong tiểu thuyết của Hemingway. Khi còn đánh cá Lê Mây đã uống nhiều rượu. Đến lúc đi tàu ra nước ngoài, rồi trắng tay, nợ đầm đìa, lại càng uống khỏe hơn. Về hưu, càng uống tợn. Uống như điên như dại. Đến lúc chán không thèm uống nữa, cũng là lúc ông sắp trở về với đất. Chết mà không làm được việc ước muốn cuối cùng: Về thăm mẹ vợ. Chúng ta còn gặp Chơn một thủy thủ luôn đi biền biệt trên biển… còn vợ ở nhà ngoại tình. Trường hợp Nhâm mới thảm. Hai lần lấy vợ. Lần thứ nhất vợ biến thành mụ Hến trong làng. Lần thứ hai thì bị lừa ở Vũng Tàu. Mất toàn bộ tiền bạc bao nhiêu năm tích cóp…

Những nhân vật phản diện thời bắt đầu mở cửa nhà văn cũng quan tâm. Ta gặp ở đây những nhân vật như Đại Ca, giám đốc Thắng, Huy, Quán mèo, Tín giò v.v…

Về sự sum suê chi tiết của tác giả, tôi còn trở lại ở dưới bài viết.

 *

3. Bùi Ngọc Tấn có nhiều năm làm báo (báo Tiền Phong, báo Hải Phòng). Dấu vết làm báo ấy ta cũng tìm thấy nhiều trong tiểu thuyết của anh. Rất nhiều đoạn như những bài tường thuật, điều tra, phóng sự. Ví dụ những đoạn: khu nhà tập thể và mênh mông cứt bao quanh, đánh tôm trên biển Lạch Trường, tàu áp mạn, hải quan và công an ăn chặn hàng của những tàu đi nước ngoài trở về v.v… Khuynh hướng đưa những thể loại khác xâm nhập vào tiểu thuyết là khuynh hướng của tiểu thuyết thời hiện đại.

Tác giả còn có một biệt tài làm cho văn anh có một nét riêng. Đó là tính hóm hỉnh, tếu táo, hài hước. Cái đó hợp với môi trường anh miêu tả. Thế giới lao động, nhất là những người lao động biển, thường ưa thích cách nói toạc, nói thẳng, nói trắng trợn, lắm khi rất tục tĩu. Người ta không có thì giờ mà để vòng vo tế nhị. Người ta thèm tiếng cười. Cái ngôn ngữ suồng sã, thô tháp ấy đầy rẫy trong sách của tác giả. Ai đọc sách cũng vậy. Người ta thường phải dừng lại vì một từ, vì một đoạn văn, vì một cảnh nào đó, để mà cười rúc rích một mình. Nào là “anh ngồi như ông Thế Trường đi”, nào là “hạt thóc nảy mầm”, nào là đoạn Bôn vừa mới lên bờ, bỏ cả cuộc họp định về ái ân với vợ mà không được, nào là đoạn cô Mơ bí thư chi bộ nói với người tình câu nói bất hủ: “Nào, ta sinh hoạt đi anh”, rồi cả cái đoạn đi xin “tình thương” (tức là đi xin quà) của tàu biển về cảng: đi xin cá ướp đá thì gọi là xin tình thương lạnh lẽo, xin tôm nát gọi là tình thương thối nát, rồi có cả tình thương sắt thép (xích líp), tình thương mây khói (thuốc lá) v.v…

Dân ta thích cười. Dân gian rất nhiều truyện tiếu lâm. Tuy nhiên, viết tiểu thuyết để cười được, và cười một cách thú vị là rất khó. Ít người làm được việc ấy. Mới chỉ có Vũ Trọng Phụng làm được cái đó trong Số đỏ và Vũ Bão trong một số truyện ngắn. Nay tiểu thuyết của anh Tấn tuy không phải là tiểu thuyết cười hoàn toàn nhưng đã có nhiều nét cười. Đó cũng là cái đặc sắc của tiểu thuyết này.

 *

4. Có người bảo rằng Bùi Ngọc Tấn viết “Biển và chim bói cá” theo kiểu truyền thống. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ cuốn sách mang tính hiện đại rất nhiều.

Cốt truyện ở đây bị phá vỡ, nó lỏng lẻo.

Ở trên tôi đã nói tới sự sum suê của chi tiết. Sự sum suê đó không phải ngẫu nhiên. Nó đã được biến thành một thủ pháp nghệ thuật. Thế giới hiện đại phong phú đa dạng. Đi trong thế giới hiện đại, ta như lạc vào một khu rừng rậm rạp, ở đó mọi thứ đều ê hề: ê hề sự vật, ê hề ý tưởng. Cảm giác như gặp sự hỗn độn. Lẽ dĩ nhiên văn chương cũng chịu ảnh hưởng của sự ê hề ấy.

Tác giả đã tung sự ê hề ấy ra trước mắt người đọc. Độc giả đã bị những chi tiết sum suê ấy liên tục bắn phá vào bộ não. Chúng sẽ gây ra cảm giác độ rườm. Sự ê hề ấy sẽ trở thành sự ám ảnh trong tâm trí chúng ta. Đó là một thủ pháp tiểu thuyết của hiện đại.

Có người bảo trong sách này anh Tấn ít sử dụng hư cấu. Tôi nghĩ rằng hư cấu nhiều lắm chứ. Tôi biết rằng viết quyển sách này hầu như anh Tấn đã sử dụng những kinh nghiệm của cả đời anh lăn lộn đất Hải Phòng. Cả một đời bên biển sẽ gặp biết bao nhiêu chuyện, cảnh, người. Chỉ riêng việc lựa chọn các chi tiết cả đời ấy cái nào bỏ, cái nào dùng, rồi sắp xếp chúng sao cho có nghệ thuật. Điều ấy cũng là hư cấu hiểu theo nghĩa rộng.

Nhà văn hiện đại vốn sợ sự tả thực. Nhưng Albert Camus lại cho rằng nhà văn không thể chịu được cái thực, tuy nhiên không ai bỏ qua được cái thực. Ông nói:

“Sự sáng tạo tiểu thuyết đích thực sử dụng cái thực và chỉ sử dụng nó với cái nồng nàn của nó, dòng máu của nó, những đam mê hoặc tiếng thét của nó.

Chỉ có điều, sự sáng tạo ấy phải thêm vào đó một cái gì đó để làm biến đổi cái hiện thực đó đi”.

Bùi Ngọc Tấn cũng đã thêm “cái gì đó” của riêng mình để làm biến đổi cái thực đi rồi chứ. Đó là sự chồng chất, cái sum suê ê hề chi tiết. Đó là tiếng cười sảng khoái của người nông dân quê anh – Đó cũng là sự ngậm ngùi cay đắng với số phận những nhân vật của anh.

 *

5. Bùi Ngọc Tấn không phải là người ăn to nói lớn. Anh không thích đại ngôn. Ít thấy những lời nói của riêng anh trong cuốn tiểu thuyết. Anh chỉ làm công việc của người kể chuyện, hóm hỉnh, khách quan bằng cách trình bày tầng tầng, lớp lớp những chi tiết. Cứ tưởng như chỉ là chuyện tào lao, bông phèng. Nhưng rồi, sau cái cười, ta bỗng thấy lòng trĩu nặng.

Không hiểu sao, cuốn sách của anh bỗng gợi cho tôi nhớ tới từ “cơ chế”.  Tôi đi tra tự điển tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt. Nói chung, cách định nghĩa đều tương tự như nhau. Cơ chế nghĩa là sự tổ hợp các cách thức và phương pháp, theo đó một quá trình thực hiện.

Và tôi nghĩ lan man tới cơ chế bao cấp, tới chủ nghĩa thành phần. Rồi bệnh thành tích, bệnh tủ kính, bệnh giáo điều rồi cả cách sử dụng người tài, người trí thức… Kéo theo sau những cái đó, là điều kiện thuận lợi cho lũ cỏ dại đua nhau mọc. Nào xu nịnh, nào sa đọa, nào tham nhũng, bè cánh v.v…

Cái cơ chế ấy diễn ra một thời gian khá dài, đủ để tạo thành thói quen. Nó thủ tiêu sự sáng tạo. Nó gây ra một quán tính, sức ì. Cơ chế có thể dứt rồi mà nó vẫn còn tồn tại.

Hình như tất cả những điều tôi kể ra đều có trong sách của Bùi Ngọc Tấn. Chả trách đọc sách của anh cười đấy mà vẫn cứ buồn. Chợt nhớ tới cái “Ngõ lỗ thủng” của Trung Trung Đỉnh kể về cái xóm nghèo nhếch nhác cạnh công viên Thống Nhất Hà Nội. Cũng là chuyện đời thường thời bao cấp. Cũng là chuyện những mảnh đời han gỉ, mòn mỏi. Nghèo nàn tạo ra như thế. Cơ chế tạo ra như thế. Những con người đói khát sinh ra ăn cắp rồi tự hủy hoại nhân cách mình thành những kẻ ăn mày. Đấy là chưa kể, nhờ cơ hội, lũ sâu mọt, lũ lưu manh đua nhau đục khoét…

Đọc đến đoạn bác sĩ Bá về thăm cha mẹ ở Thái Nguyên, đem một đống vỏ lon bia về biếu họ hàng, tôi vừa buồn vừa tủi. Người ta hí hửng mài vỏ bia để làm cốc. Người ta xếp vỏ bia trong tủ kính để trang hoàng… Ở đây có sự ngây thơ nhưng cũng có sự thèm khát, sự ao ước thay đổi.

Ở Trung Trung Đỉnh, đó là cái ngõ nghèo thủ đô thảm hại. Còn ở Bùi Ngọc Tấn, đối tượng miêu tả là cả đại dương bao la phóng khoáng, thế mà cũng thảm hại. Chợt nhớ tới câu thơ của anh nhà báo Thông trong tiểu thuyết:

Biển ơi biển bạc làm chi

Biển vàng mà rất nhiều khi không vàng.

Biển vàng, đại dương mênh mông phóng khoáng của Bùi Ngọc Tấn tưởng chừng như đã biến thành một khu rừng nguyên thủy, ở đó luật rừng thống trị. Ở đó những kẻ như Đại Ca, giám đốc Thăng, rồi Huy rồi Quán Mèo là những ông vua con. Cơ chế đã tạo ra những hôn quân địa phương…

Tuy nhiên, khi gấp sách lại, người ta vẫn không mất hy vọng. Bởi vì đằng sau sự rậm rạp hỗn độn ấy, người ta lại cảm nhận được một sức sống phồn thực mạnh mẽ. Chỉ có điều nó giống như một dàn giao hưởng thiếu nhạc trưởng. Khi được điều khiển nhịp nhàng, chắc là sức sống ấy sẽ phát huy tác dụng.

Cuối cùng, để kết thúc tôi không thể không nói tới những đoạn ghi chép hay nhật ký của cậu bé 16 tuổi tên là Phong. Cậu thiếu niên đã theo cha là thuyền trưởng đi một chuyến viễn du dài ngày trên biển.

Đó là những ghi chép của một tâm hồn rất trong sáng và tin cậy vào những điều cao thượng của cuộc đời. Đó là những trang viết trữ tình của một tâm hồn ngây thơ, ngưỡng mộ biển cả và ngưỡng mộ cả những con người lao động nhọc nhằn trên biển. Những trang viết trữ tình ngắn gọn đan chen vào những trang viết gồ ghề, trắng trợn có khi tục tĩu của đời sống thủy thủ suốt mấy trăm trang sách như một đối trọng, như để hé lộ cho chúng ta những tia nắng, để nói với chúng ta rằng cuộc đời tuy xù xì như thế nhưng không phải là những nét ngây thơ trong sáng đã mất đâu. Những trang viết ấy là cái lương tri buồn buồn của cuộc đời. Chỉ có điều nó chưa thức dậy.

Chú thiếu niên ấy nhìn ông thuyền trưởng, cha mình như một ông thánh, như một vị anh hùng: “Bố tôi là người thuyền trưởng, là người lãnh đạo, là người chịu trách nhiệm về toàn bộ con tàu. Khi con tàu lâm nạn, bố tôi là người rời khỏi tàu cuối cùng”. Nhưng rồi cuối cùng chú bé cũng nhìn ra sự thật. Dù là ông thánh, một vị anh hùng chăng nữa, bố chú bé cũng là một con người bình thường với những yếu hèn và sai lầm. Khi thấy cô Nguyệt nằm trên giường của ông bố thần tượng, cậu bé nghĩ:

“Thế là mọi chuyện đổ sụp. Bố tôi không còn là thần tượng của tôi nữa. Bố giống hệt mọi người. Thế mà, trước kia chúng tôi đã tự hào về bố biết bao. Vậy là từ lâu chúng tôi vẫn sống với những điều dối trá mà không biết”. Rồi:

“Quá thất vọng, tôi tự nhủ: ‘Có lẽ phải quan niệm lại thế nào là bố chăng?’

Lời nói của một cậu bé đã quá thất vọng, khi nhìn ra sự gồ ghề phức tạp của cuộc sống, khi cái màu nhung lụa màu mè của cuộc sống được vén lên. Nhưng khi cậu bé nghĩ được như vậy tức là cậu đã lớn, đã trưởng thành. Hình ảnh cậu bé ấy là những tia nắng, là lương tri; cho nên khi gấp cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn, lòng tôi thấy ấm áp vô cùng.

 Nguyễn Xuân Khánh

(Nguồn: Tạp chí Cửa Biển)

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: “Đi Mỹ, có nhiều chuyện để viết!

(TT&VH) – Sau tiểu thuyết thứ năm Biển & chim bói cá (NXB Hội Nhà văn, 540 trang, 12/2008, khổ 14 x 20,5cm) xuất hiện hanh thông, nhà văn Bùi Ngọc Tấn – người đã trải qua nhiều khổ hạnh trong cuộc đời, đã sang Mỹ, theo lời mời của Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Tổng hợp Massachutsets. Ông có cuộc trò chuyện thú vị với TT&VH, ngay khi trở về Hải Phòng, sau 1 tháng chu du yên lành.

* Sự bình yên ngày càng xa xỉ, hiếm hoi đối với chúng ta. Chắc hẳn với ông, nó càng quý giá?

– Vâng, Biển & chim bói cá là tiểu thuyết đầu tiên phát hành tốt đẹp của tôi, và đến giờ này, mọi chuyện ổn cả.

* “Ổn nhất” là được mời đi Mỹ, như phần thưởng có hậu?

– Lời mời từ hai năm trước, nhưng vì ốm đau, bận rộn, tôi chưa đi được. Lần này, bên họ cố ý sắp xếp tôi bay cùng họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, anh ấy có tiếng Anh, lại đã từng đi Mỹ.

864ThuongTanNhà văn Bùi Ngọc Tấn (phải) và họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại Mỹ. Ảnh V.D.M

* Đây là lần thứ ba ông xuất ngoại?

– Tôi xuất ngoại muộn. Lần đầu năm 2001, bay đúng 11/9 (đúng ngày bọn khủng bố đâm tòa tháp đôi New York), theo đoàn Hội Nhà văn VN, cùng dịch giả văn học TQ Phạm Tú Châu, tới Bắc Kinh, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Tây An. Lần hai, năm 2004, sang châu Âu 2 tháng, đến Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Áo. Lần này, gần như Evgheni Evtusenko (SN 1933): “Tôi đến Paris trong túi không một đồng Franc/Trong miệng không một câu tiếng Pháp”. Tôi không biết tiếng Anh mà vượt Thái Bình Dương đến Mỹ. Chúng tôi bay đêm 22/4 từ Nội Bài, bằng Korea Ailines quá cảnh ở sân bay Seoul 7 giờ. Tôi không biết buồn chán, vì suốt hành trình từ VN sang hay trên bus, tàu hỏa, máy bay nơi đất khách, đều được vui, quên nhọc mệt vì bạn đồng hành thú vị Phan Cẩm Thượng cứ rủ rỉ kể chuyện, hóm hỉnh hấp dẫn vô cùng. Không chỉ kinh nghiệm đi Tây, mà còn chuyện đời, chuyện nghề, chuyện ma… quả là đi nhiều biết lắm, lại có duyên. Thượng là một “kho chuyện” mới lộ được một phần. Chúng tôi không có thói quen “nghiện” mua sắm của đàn bà, cũng chẳng ngắm nghía nhưng quầy miễn thuế dài cả km nhiều đồ bắt mắt. Kéo nhau đi ăn rồi lại nghe chuyện Thượng kể, thế là thời gian qua nhanh.

* Các ca sĩ bán băng đĩa, nhà văn thì bán sách. Ông đem có 10 cuốn, ít ỏi quá, tặng người cần tặng còn không đủ!

– Nguyễn Bá Chung, thành viên ban lãnh đạo của William Joiner đón chúng tôi từ sân bay Boston, đưa đến tiệm phở Hòa, rồi về nhà. Tôi tặng ông ta một cuốn, còn bà vợ ông là thủ thư ĐH Havard, mua cho thư viện 2 cuốn, trả 50 USD, cũng được đấy (cười)… Tại Mỹ đang bị suy giảm người đọc, không phải theo trào lưu chung, mà tôi đang nói tới văn học tiếng Việt. Những người đọc được tiếng Việt già hoặc chết, thế hệ F2, F3 nói còn kém huống hồ đọc. Biển & chim bói cá không đến được tay bà con Việt kiều, nhiều người cũng tiếc khi có tác giả mà không có sách để mua, xin chữ ký, họ đành hẹn khi về VN.

* Đến Las Vegas, ông có thử… “đánh bạc”?

– Có chứ, tới Las Vegas mà không đánh bạc, coi như chưa tới. Việt kiều bảo, khách du lịch đánh bạc nên thua, cần thua để đóng góp cho thành phố. Tôi ngủ đêm ở Las Vegas, kinh tế sa sút, nên giá KS giảm, 25 USD được KS khá tốt. Tôi đã đánh bạc, thua… 20 USD (!).

b25buingoctanMất 20 USD, Bùi Ngọc Tấn được “ghi danh” tại Hollywood nhờ… photoshop!

* Được biết, Giám đốc Trung tâm, cựu chiến binh từng tham chiến ở VN 1968 – 1969, còn là một nhà thơ. Ông có ấn tượng gì về Kevin Bower?

– Kevin nghiên cứu về văn hóa, giáo dục và nhân đạo từ 1987. Chúng tôi đã trò chuyện và ông có tặng tôi tập thơ mới Great Peace (NXB Wafer 2009) có dịch luôn tiếng Việt ở trang đầu: Thái Bình, cho thấy ông yêu mến VN. Quả đúng vậy, những bài thơ cho thấy ông gặp nhiều nhà văn, nhà thơ trên đất nước VN. Ông có thơ tặng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh (bài Fame), Nguyễn Duy, Trần Bạch Đằng, Lâm Thị Mỹ Dạ… Cả tập thơ là những chuyến đi trên xứ sở hình chữ S: từ Hà Nội (hồ Thiền Quang, phố Mai Hắc Đế, phố Huế, Cổ Loa) tới chùa Tây Phương, lên Đền Hùng, về Thái Bình, qua Sơn Tây (Road to Sơn Tây, Nun at Sơn Tây), vào Củ Chi, Tây Ninh, viết về quan họ và cũng “hát” nỗi đau về thảm họa Dioxin (Dioxin song). Phần cuối sách, dành hẳn 2 trang chú giải về các địa danh, các loại hát… cho thấy ông hiểu sâu sắc về VN và muốn bộc lộ tình cảm thân thương, mãnh liệt.

* Tác phẩm sắp tới của ông?

– NXB Hội Nhà văn sắp tái bản Biển & chim bói cá. Người ta không đặt hàng hay giao hẹn tôi phải viết về chuyến đi Mỹ như nhiệm vụ phải làm, song tôi sẽ viết. Tôi có ý thức ghi chép nhật ký từng ngày trên đất Mỹ và đều có ảnh. Nhưng trước mắt, có thể sẽ là cuốn Những chuyện kể của Phan Cẩm Thượng (cười ngặt nghẽo).

* Xin phép tò mò hỏi nhỏ, ông có được nhận nhiều quà không, lúc về chắc hành lý quá cân?

– Nhiều người tặng quà mà tôi phải để lại, vì quá cân không lo nổi. Có bà độc giả tặng tôi thùng quà, mở ra là 4 chiếc vali Ricardo lồng vào nhau. Bà ấy nói: “Để ông dùng hết đời”, nó cực đẹp và bền. Tôi ước có sức khỏe để đi tiếp và mong tâm trí được minh mẫn, thảnh thơi để tìm ra những “chiếc valise” – các ngăn rỗng trong đầu cực khó kiếm ở tuổi già, khi đã hằn nhiều nếp nhăn. Hy vọng vẫn còn chỗ “rỗng” mà khám phá, đón nhận những cái mới và đưa lên trang viết.

* Cảm ơn ông.

Vi Thùy Linh (thực hiện)

CKN2000 – Một thiên anh hùng ca

Tháng 1 – 2005, trên tạp chí “Xưa & Nay” số tết năm ất Dậu của hội Khoa Học Lịch Sử VN do Dương Trung Quốc chủ tịch hội làm Tổng biên tập, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về nó như sau:

“Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đi vào một “vùng cấm”: Chuyện một người bị tù oan ức, chẳng vì cái gì cả, hoặc đúng hơn, vì những xung đột mờ ám ở tận đâu đâu, chẳng dính dáng gì đến anh ta, một con người quá ư thật thà, trong trắng, ngây thơ giữa một môi trường xã hội quá nhiều ám muội. Truyện được viết theo một giọng văn “cổ điển”, không cố tình có những tìm tòi mới về phong cách, nhưng vẫn hấp dẫn và đầy tính thuyết phục. Vượt qua được những hận thù cá nhân, đạt đến được sự bình tĩnh đáng khâm phục, trong đau khổ cùng cực vẫn đầy nhân ái, không hề to tiếng về sự kiên cường vô song mà thầm lặng của chính mình cũng như về cái ác càng kinh khủng bởi vì nó vô danh tính hay nhân danh cái thiện, cái cao cả. Bùi Ngọc Tấn đã đi xa hơn được rất nhiều việc mô tả một tấn bi kịch cá nhân, thậm chí một bi kịch của chế độ – điều mà một số cuốn sách viết về nhà tù thường rất tập trung – để nói đến một tình thế phi lý của cuộc sống, và vô hình chung, cuốn sách trở thành như một thiên anh hùng ca, khiêm nhường mà cảm động về con người, con người có thể đi qua được tất cả những gì xấu xa đen tối nhất, đi qua tất cả bùn lầy, giữ vững chất người của mình chống lại tất cả thế lực đen tối nhất muốn trừ tiệt chất người ở con người. Cuốn sách bị cấm, nhưng bằng nhiều cách vẫn được truyền tay đọc rỗng rãi, và tác giả của nó được sự kính trọng của toàn xã hội.”