Thư của những Nghiên cứu sinh viết Luận Văn về Bùi Ngọc Tấn

Lần đầu tiên được biết có sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn tốt nghiệp đại học và cao học về tôi, tôi hơi bị bất ngờ, thích thú và sau đó là lo cho các bạn trẻ. Thi cử là một công việc hệ trọng của một đời người, có tầm ảnh hưởng lớn đối với tương lai của các bạn trẻ tâm huyết. Qua điện thoại cũng như email, tôi thấy cần phải nói thật với những trí thức trẻ yêu văn chương của mình về những hiểm nguy mà các cháu có thể gặp phải, không thể để các cháu vì yêu thích văn chương mình mà gặp khó khăn, hơn thế có thể chuốc lấy thất bại. Tôi đã trả lời thành thật khi các bạn trẻ gọi điện và gửi email cho tôi bào cho tôi biết dự định tốt đẹp ấy:

– Chú rất cảm ơn các cháu, nhưng chú phải nói trước là chú không thuộc dòng  văn chương chính thống đâu. Chú không phải là con đẻ càng không phải là con cưng của văn chương chính thống. Chưa bao giờ được đề cao trên những tờ báo quan trọng của Đảng và Chính Phủ. Chưa có một bài nghiên cứu nào về chú trên những báo và tạp chí của Hội Nhà văn, của Viện Văn học. Thậm chí cho đến bây giờ vẫn có tên trong sổ đen, vẫn bị theo dõi. Làm luận văn về chú có khi hỏng việc đấy, hội đồng cũng như các thầy cô có thể sẽ gây khó khắn. Hãy chọn một nhà văn được giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, hoặc một nhà văn thuộc dòng chính thống, thuận lợi cho các cháu hơn.

Câu trả lời của các bạn trẻ rất giống nhau, những câu trả lời làm tôi ngạc nhiên và yêu đời lên rất nhiều:

-Chú ơi. Chính các thầy cô của cháu gợi ý đề tài cho cháu đấy chú.

Tôi cảm ơn các thầy cô đang giảng dạy ở các trường đại học đã để ý tới tôi. Vậy là văn chương của tôi, các sáng tác của tôi không nằm trong một tập sách giáo khoa nào nhưng đã thâm nhập vào các trường đại học, được các thầy cô, những người có trí tuệ, có tám lòng, những người đang dạy dỗ, hướng dẫn lớp trì thức trẻ quan tâm và đánh giá đúng mức. Không chỉ yêu mến văn chương của tôi, các thầy cô còn khuyên học trò của mình đọc tôi viết về tôi, làm luận văn tốt nghiệp về tôi, nghiên cứu về tôi để tôi có thêm những bạn đọc, hơn thế, những người tri âm mới.

Tôi trích dưới đây một bức thư của một nghiên cứu sinh làm luận văn thạc sĩ về tôi mới gửi đầu năm nay:

Đà Nẵng, ngày 12 tháng 01 năm 2013

 

Kính chào nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

 

Lời đầu tiên, xin phép nhà văn cho con được chọn cách xưng hô “con –bác” cho thân thiết theo cách gọi của người miền Trung chúng con. Con tên là Nguyễn Thị Bích Vân, 33 tuổi, hiện là phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Mong bác hãy nhận bức thư này như nhận thêm một độc giả yêu quý văn chương của bác và sau đó xin bác thứ lỗi cho nếu con có làm phiền bác .

Hiện nay con đang theo học lớp cao học chuyên ngành văn học Việt Nam của đại học Đà Nẵng. Con đang chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp vào tháng 5 này. Đề tài của con đăng ký thực hiện là: Đặc điểm văn xuôi Bùi Ngọc Tấn qua tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” và tập truyện ngắn “Người chăn kiến”. Người hướng dẫn đề tài cho con là Tiến sĩ Phan Ngọc Thu, Phó hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân. Qua lời giới thiệu của thầy Thu con thấy thầy đã đánh giá rất cao về các tác phẩm của bác. Con vẫn nhớ những lời thầy Thu nói với con: Văn học Việt Nam hiện nay có nhiều nhà văn mới định hình những phong cách khác nhau, nhưng có được lối viết văn đẹp như Bùi Ngọc Tấn thì thật hiếm có. Thầy xem bác như một Nam Cao mới. Từ đó, mấy tháng nay con bắt đầu bước vào thế giới văn chương của bác và rất xúc động vì lối viết trong sáng, giản dị và thấm đẫm tình người trên từng trang văn ấy. Con đang cố gắng để viết một luận văn thật tốt (theo tất cả  khả năng và sự nổ lực) về văn chương của bác như được đóng góp thêm một cái nhìn kính trọng, tri ân về những đóng góp của bác cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Bác ạ, hiện nay con đang tìm đọc các tài liệu tham khảo gồm các tác phẩm của bác, các bài nghiên cứu về tác phẩm của bác… nhưng việc tìm tài liệu của con vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là các bài viết trên mạng internet. Vì thế, con viết thư này để chia sẻ với bác, mong bác có thể giúp đỡ con trong việc sưu tầm tài liệu. Nếu được, con xin bác hãy cho con sao chép một số bài báo, bài nghiên cứu trên báo chí viết về bác mà bác có được hoặc bác có thể cho con thông tin về bài viết như: tên bài viết, tên tờ báo, số xuất bản, thời gian xuất bản … kể cả các bài viết của các tác giả được đăng trong các cuốn sách nghiên cứu văn học nữa (bác có thể cho con tên sách, tên NXB, năm xuất bản để con tìm được dễ dàng hơn).

Kính thưa bác Bùi Ngọc Tấn.

Con tự cho mình là một người may mắn vì có thể gặp mặt để thăm hỏi và trao đổi trực tiếp với tác giả mà mình đang nghiên cứu. Hải Phòng và Đà Nẵng là hai thành phố kết nghĩa từ rất lâu, nên trong suy nghĩ của con khoảng cách địa lý xa xôi kia dường như cũng như ngắn lại, nhà con cũng nằm trên con đường mang tên Hải Phòng đấy bác. Con vẫn mong một ngày gần nhất sẽ được ra thăm Hải Phòng, được đến thăm bác. Rất mong bác tạo điều kiện giúp đỡ con, con chân thành cảm ơn bác.

 

Đây là lần đầu tiên con có sự giao tiếp trực tiếp như thế này với một nhà văn. Đứng trước bác, con là một người thật nhỏ bé nên mong bác hãy lượng thứ cho con nếu ngôn từ trong thư có gì sai sót. Kính chúc bác và gia đình được nhiều sức khỏe.

(…)

Nguyễn Thị Bích Vân

 

Đầu tháng 6 vừa qua, Bích Vân gọi điện ra cho tôi, giọng Vân đầy ắp niềm vui: “Con đã bảo vệ thành công luận văn của con về bác. Luận văn của con được Hội đồng đánh giá là xuất sắc, được 9 điểm rưỡi. Thiếu mất nửa điểm vì con không có bài viết trên báo. Con sẽ viết bài về bác gửi đăng báo. Không phải để có thêm nửa điểm đâu, bởi việc bảo vệ đã xong. Đây là tình cảm của con, của một nghiên cứu sinh đối với bác, của một bạn đọc đối với nhà văn mà con yêu quý. Con cảm ơn bác rất nhiều…”

Thư Bích Vân viết cho tôi khi bắt tay làm luận án. Còn dưới đây là thư của Phan Thuý Hằng viết cho tôi khi cô đã hoàn thành luận văn thạc sĩ có nhan đề Nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn.

Chú Bùi Ngọc Tấn kính mến!

          Cháu đã hoàn thành luận văn của mình với sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có chú. Cháu xin chân thành cảm ơn chú rất nhiều.

Đề tài luận văn của cháu không thiên về nội dung mà chủ yếu khai thác về nghệ thuật thể hiện trong các tác phẩm của chú. Tuy nhiên để làm được điều đó cháu phải đọc tất cả nội dung của từng cuốn sách. Cho nên ấn tượng đầu tiên đối với cháu lại không phải là những vấn đề mà cháu đang nghiên cứu mà chính là nội dung, tư tưởng của từng tác phẩm.

Chú biết không, thực sự cháu phải cảm ơn cô giáo của cháu vì đã cho cháu nghiên cứu đề tài này. Và đặc biệt cảm ơn chú vì đã đưa đến cho những độc giả  như cháu những tác phẩm thực sự giàu ý nghĩa nhân sinh. Cháu có đọc một bài phỏng vấn về chú, trong đó có chi tiết phóng viên hỏi chú “Trong tất cả những tác phẩm từng đoạt giải thưởng, nhà văn tâm đắc tác phẩm nào nhất?”  thì cháu thấy chú trả lời “Tác phẩm tôi tâm đắc không nằm trong số những tác phẩm đoạt giải”. Và cháu nghĩ  đó chính là tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” phải không chú?

           Thực sự khi đọc những tác phẩm của chú, “Chuyện kể năm 2000” là tác phẩm cháu tâm đắc nhất, hay nhất và làm cho cháu xúc động nhiều nhất. Cháu nghĩ nếu là một người bình thường không thể vượt qua sóng gió với một thái độ khiêm nhừơng đến như vậy. Một con người khi trải qua khổ đau quá lớn thường căm hận những kẻ đã gây đau khổ cho mình và không thể nghĩ đến nỗi đau khổ của người khác. Nhưng khi đọc tác phẩm này cháu nhận thấy nhân vật chính thực sự có một tấm lòng cao cả, yêu thương gia đình, người thân và cả những người đau khổ như mình ngay khi mình đang chịu đọa đầy như họ. Đặc biệt nhân vật có một cái nhìn và thái độ bao dung với chính những kẻ gây ra bất hạnh cho mình. Phải là một người quảng đại mới có cái nhìn bao dung và độ lượng như thế. Phải chăng vì cách nhìn đời và nhìn người như vậy cho nên  tác phẩm dù bị cấm đoán vẫn có một sức sống lâu bền đến như vậy. Cháu là một người lần đầu tiếp xúc với tác phẩm của chú nên chắc chắn sẽ có cái nhìn chủ quan. Nếu chú đọc luận văn của cháu có chỗ nào không vừa ý mong chú bỏ qua cho cháu.

           Trên thị trường bây giờ có quá nhiều sách báo cho nên người đọc không biết nên chọn sách nào. Không biết sách nào hay, sách nào dở. nhưng quả thực bây giờ mới đọc tác phẩm của chú cháu thực sự rất tiếc, giá cháu có cơ hội tiếp xúc sớm hơn cháu sẽ biết chú sớm hơn và cũng có cơ hội giới thiệu với bạn bè về tác phẩm của chú. Nhưng cháu cũng rất vui vì trong đợt bảo vệ lần này cháu là người có một tiếng nói khác so với mọi người vì cháu nghiên cứu một tác giả có một “phận người và phận văn đặc biệt” và cách nhà văn vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời cũng vô cùng đặc biệt. Cháu kính trọng và tự hào về điều đó.

Cháu sẽ gửi qua mail cho chú một bản và gửi tặng chú một cuốn luận văn của cháu. Cháu muốn trực tiếp gửi tặng chú nhưng cháu sẽ dành vinh dự này cho cô giáo của cháu. Vì ít hôm nữa cô giáo của cháu ra Hà Nội dự hội thảo nên sẽ mang ra Hà Nội gửi bác Phạm Xuân Nguyên (hay cô gửi trực tiếp cho bác cháu cũng không biết nữa). Ngày 30 tháng 10 cháu sẽ bảo vệ. Bảo vệ xong cháu sẽ báo tin cho chú biết. Một lần nữa cháu xin chân thành cảm ơn chú. Chúc chú dồi dào sức khỏe và có một tinh thần thật thoải mái và vui tươi. Chú cho cháu gửi lời hỏi thăm đến bác gái. Đọc xong “Chuyện kể năm 2000” và trên báo chí cháu biết chú có một người vợ vô cùng tuyệt vời. Cháu kính trọng cả hai người như nhau.

           Kính thư!

Cháu: Phan Thúy Hằng

Phan Thuý Hằng đã bảo vệ xuất sắc luận án của mình cách đây mấy năm. Tôi và Hằng vẫn giữ liên lạc thường xuyên, khi là điện thoại khi bằng mail.

Phan Thuý Hằng luôn nhắc lại lời mời tôi vào Nha Trang nơi chị đã chuyển từ Huế vào dạy học. Và tôi rất vui vẻ nhận lời. Nhưng với hai đầu gối bị đau vì “thoái hoá bién chất” không biết khi nào tôi mới đến được Nha Trang gặp Hằng, gặp Nha Trang, một trong những vùng biển đẹp nhất thế giới?

 BNT

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chụp ảnh kỷ niệm với các học viên cao học trường Đại học Sư Phạm thành phố HCM sau buổi nói chuyện.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chụp ảnh kỷ niệm với các học viên cao học trường Đại học Sư Phạm thành phố HCM sau buổi nói chuyện.

Bui Ngọc Tấn và tiến sĩ Trần Thị Hạnh

Bui Ngọc Tấn và tiến sĩ Trần Thị Hạnh