Đâu chỉ là mê sách

Là một người viết sách, được gặp những người mê sách, thật không gì thú vị bằng.

Một buổi sáng như trăm ngàn buổi sáng, tôi nhận được một cú điện thoại:

– Cháu là Phương ở Hà Nội. Cháu đã đến thăm bác tháng trước. Cháu đang ở Hải Phòng. Nửa tiếng nữa cháu và một anh bạn đến thăm bác có được không ạ?

Tất nhiên tôi nhận lời ngay, dù chưa nghĩ ra Phương Hà Nội là ai. Chỉ cần biết một bạn đọc tìm đến với mình cũng đã vui rồi.

Khi Phương đẩy cửa bước vào tôi đã nhận ra anh. Phương, guide một công ty du lịch ở Hà Nội, đồng thời là một người sưu tầm sách.

-Đây là Bách, bạn cháu.

Hai người đặt hai túi xách xuống sàn gỗ. Những chiếc túi nặng trĩu. Sau chén trà, các anh lấy từ trong túi ra gần như toàn bộ số sách của tôi đã in từ khi cầm bút trở lại để lên bàn. Tôi trố mắt:

-Kiếm ở đâu mà nhiều thế này hai cháu?

Thực ra từ khi viết trở lại tôi chỉ in chừng dăm sáu đầu sách. Nhưng số sách các anh để trên bàn đâu chỉ mỗi đầu sách một quyển. Này đây, Một thời để mất in lần đầu tiên, bìa nền trắng của Trần Vũ, và in lần thứ 7 do Trần Đại Thắng vẽ bìa, cùng xuất bản một ngày với Rừng xưa xanh lá. Này đây Những người rách việc, tôi phải bỏ tiền túi ra in và tự phát hành. Và những tập Chuyện kể năm 2000 (CKN2000), quyển nhầu nát, quyển còn mới tinh như vừa xuất ở nhà in…

Bao giờ nhìn những tập sách của mình thuộc sở hữu của người khác tôi cũng cảm động. Nó như những đứa con mình rứt ruột đẻ ra, giờ đây có một cuộc sống độc lập, phiêu bạt mọi nơi trên cuộc đời này, được người đời đón nhận, thương xót chở che. Nhất là khi nhìn bộ tiểu thuyết CKN2000, tập tiểu thuyết có số phận long đong nhất của tôi.

Không đợi hai bạn trẻ nói, tôi cũng biết mình phải làm gì: Ký vào sách tặng hai bạn Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Thế Bách đang ngồi trước mặt tôi đây.

Tôi viết. Và ký. Ngó tờ lịch: 7 – 11 – 2009. Tôi kêu lên:

-Không có các cháu, chú quên mất ngày hôm nay là ngày 7 tháng 11. Ngày mai 8 tháng 11 là kỷ niệm 41 năm ngày chú bị bắt.

Thế là ghi: Tặng Nguyễn Bình Phương, tập sách đầu tiên chú in sau 25 năm im lặng. Hải Phòng, ngày mai là ngày 8-11.

Chắc chẳng ai hiểu được nội dung lời đề tặng ấy ngoài chú cháu tôi. Tôi ký đến mỏi tay. Vì đâu chỉ có sách của hai người. Anh còn mang theo sách của nhiều bạn khác, cũng máu mê sách như các anh. Anh đọc tên để tôi ghi, và gọi điện cho những người bạn cùng hội cùng thuyền ấy ở Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, báo tin các anh đang ở nhà tôi, tôi đang ký sách cho họ rồi chuyển máy cho tôi. Tôi lại phải ngừng ký để nói chuyện với những bạn đọc ở xa…

Tôi sững người khi Phương tặng tôi hai tập Một thời để mấtRừng xưa xanh lá in lần cuối, hai quyển tôi rất cần mà không mua được:

-Kiếm đâu ra thế này. Chú lùng mãi. Để tặng một bạn đọc ở Mat xcơ va vừa mời chú sang Nga.

Phương hứa sẽ kiếm thêm cho tôi hai quyển nữa. Lại còn đưa cho tôi một tờ giấy dó rất đẹp rộng bằng một chiếc chiếu cá nhân làm bằng vỏ cây anh mua được của người Dao ở Hà Giang để “chú chép cho cháu một bài thơ vào đây”.

Thật bất ngờ và hạnh phúc khi biết trong cuộc sống thực dụng hôm nay vẫn có những thanh niên như Phương như Bách. Những người có những tiêu chí sống khác, những hệ quy chiếu khác, đam mê những giá trị khác, đồng tiền không là độc tôn với họ.

Kể từ hôm ấy chúng tôi là những người bạn của nhau. Trao đổi  email, gọi điện thoại cho nhau. Qua đó tôi biết Phương thích đọc sách từ nhỏ. Đọc mọi lúc, mọi nơi. Vừa chăn trâu vừa đọc Ngụ ngôn của La phông ten. Lớn lên đọc Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Rồi Ruồi trâu, Đỏ và Đen, Những người khốn khổ. Cái thư viện xã Kim Sơn (Gia Lâm) có bao nhiêu sách, Phương đọc hết. Cháu đọc lan man lắm chú ạ. Nói chung cháu đọc thập cẩm. Cháu mê Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Thạch Lam. Cháu thấy người mình rẻ vănrẻ người quá. Cháu muốn có thủ bút của các nhà thơ nhà văn Việt Nam để lưu giữ và đang tập trung vào các nhà thơ trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân và đã có được chữ của 20 người rồi chú ạ. Cháu cũng có thủ bút của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Lưu Trọng Lư, Hữu Loan, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Đạo Thuý, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giáp, Tào Mạt, Tạ Tỵ, Vũ Đình Liên và…cả của chú nữa! Cháu cũng mới kiếm được chút bản thảo của Sơn Nam, vài bức thư của Nguyễn Vỹ, Vũ Đình Liên, Mộng Tuyết… Công việc tốn nhiều thời gian và tiền bạc lắm ạ. Gặp chú, cháu nhớ đến bác Kim Lân. Người hiền ngày càng hiếm…

Còn anh bạn Bách của cháu đã ba mươi tuổi rồi, có thể gọi là cuồng sách, nhịn ăn nhịn mặc để mua sách. Cháu chỉ có hơn 3000 cuốn thôi, chứ bạn ấy thì nhiều lắm…

Cú điện thoại gần nhất anh nói: Cháu vừa đi xe máy với một người bạn về Thanh Hoá thăm nhà thơ Hữu Loan. Vất vả nhưng vui lắm. Nhà thơ Hữu Loan yếu lắm rồi. Thật may cháu còn được gặp…

Buổi sáng 7-11-2009 ấy khi tôi ký tặng sách xong, Phương và Bách lấy từ trong túi ra 5 chiếc bánh cốm. Phương nói:

-Nhiều người muốn gửi quà cho bác lắm, nhưng chúng cháu đi vội quá.

Tôi nói vui:

– Chú rất thích bánh cốm Hàng Than. Cho quà phải đúng ý thích mới hay, đúng không? Vậy nên lần sau về các cháu nhớ nói với các bạn là chú thích 100 mét đất ven Hồ Tây. Đơn giản thế thôi. Cứ tặng chú món quà ấy nhé.

Tất cả chúng tôi cười vang trước món quà “nhỏ nhoi” ấy. Phương cả quyết:

-Cháu tin là chú sẽ rất thích món quà của anh Long bạn cháu, anh ấy nói thế nào cũng về Hải Phòng gặp chú, biếu chú một bộ CKN2000 mới tinh. Anh ấy mua mấy chục bộ ngay khi sách bị cấm cơ mà.

Tôi không được gặp Long. Bận công việc, anh không về Hải Phòng được và nhờ Phương, nhưng Phương cũng bận, lại nhờ một người mê sách khác cầm đến cho tôi bộ tiểu thuyết. Kèm theo hai tập sách là một bức thư:

Hà Nội ngày 3 tháng 1 năm 2010

Thưa bác Bùi Ngọc Tấn.

 Trước hết cháu xin được tự giới thiệu cháu là Nguyễn Tuấn Long, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Cháu được biết bác qua các truyện ngắn, tiểu thuyết và đặc biệt là qua cuốn Chuyện kể năm 2000. Cháu thực sự kính trọng và hâm mộ bác qua những gì mà bác đã thể hiện trong câu chuyện. Cháu dã tìm được ở bác nhiều đức tính thật đáng trân trọng, từ đó cháu có thể tự hoàn thiện bản thân mình và sống một cuộc sống có ích đối với mọi người.

Đã tròn mười năm kể từ ngày bác cho xuất bản cuốn sách CKN2000. Cháu cũng biết là bác đã gửi gắm toàn bộ tâm tư, nguyện vọng cũng như trí lực vào cuốn sách để cống hiến cho độc giả những giá trị của văn chương và cuộc sống. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, cuốn sách đã bị cấm. Cháu cũng biết đó là thời gian rất khó khăn với bác khi đứa con tinh thần đã bị bóp nghẹt và cấm đoán ngay khi vừa mới ra đời. Cháu đã đọc một lèo hết hai tập sách ngay khi vừa mới mua xong. Và khi sách bị cấm thì cháu rất may mắn đã mua được mấy chục bộ với đúng giá bìa. Tuy nhiên trong mười năm vừa qua cháu dã tặng gần hết toàn bộ số sách mà cháu đã mua vì cháu nghĩ cần phải có nhiều người đọc và biết đến những giá trị trong cuốn sách của bác, đặc biệt là những vốn sống mà bác đã thể hiện.  Hiện tại cháu chỉ còn giữ được ba bộ sách này. Những người mà cháu tặng sách đều tỏ lòng ngưỡng mộ bác và đánh giá rất cao những giá trị mà cuốn sách mang lại.

Nhân dịp có em Phương xuống công tác Hải Phòng, với sự ngưỡng mộ và kính trọng, cháu xin được biếu bác bộ CKN2000. Đây cũng là sự tri ân của một độc giả gửi đến tác giả. Ở nhà cháu còn có một bộ CKN2000 nhưng đã rất cũ và nhầu nát. Đây cũng là một sự tình cờ vì cháu đã cho mượn bộ CKN2000 này, nhưng mấy năm sau nó mới quay về với cháu sau khi đã qua tay mấy chục độc giả. Điều này cũng chứng tỏ quyển sách này đã đến được với rất nhiều người hâm mộ bác (…)

Tôi ghép bức thư của Nguyễn Tuấn Long vào tập CKN2000 anh gửi tặng tôi. Vậy là anh đã cho tôi hai món quà chứ đâu phải một. Một bộ sách và một búc thư hay đúng hơn, một tấm lòng!

Tôi gửi tặng lại anh một món quà mà tôi đoán rằng anh sẽ thích: Một bản vi tính tập tiểu thuyết Mộng Du, tên gọi đầu tiên của CKN2000. Bản thảo có rất nhiều chỗ tôi sửa chữa, thêm bớt bằng bút bi…

Tiễn các anh xuống thang, rồi trở về nhìn những tập CKN2000, Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất của những người mê sách tặng xếp trong tủ sách, tôi thấy cuộc đời thật đáng sống. Rồi lại nghĩ những người này đâu chỉ là mê sách. Các anh còn lưu giữ những giá trị văn hoá của dân tộc. Và cũng không phải chỉ có mấy các anh. Có cả một trang web mang tên sachxua.net với lời đề từ “Cảo thơm lần giở trước đèn” quy tụ hơn ngàn người như vậy. Có thể gặp Nguyễn Bình Phương mang nick name Yêu Văn, Nguyễn Thế Bách với nick name cafe_ sach… và 1142 người yêu sách khác.

Đọc những entry và comment của họ, tôi bỗng thấy người nhẹ đi…

Bùi Ngọc  Tấn

(Theo Cửa Biển và Phụ Nữ)