Một nhà văn của nhiều nhà văn

(TT&VH) – (LTS): Bởi là người Thơ với những bài thật… tình, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan luôn có những điểm nhìn riêng biệt đầy cá tính lẫn sáng tạo sau mỗi lần đọc sách. Anh có lẽ là một trong số ít nhà thơ đọc nhiều sách nhất, có nhiều khi tác phẩm còn ở dạng bản thảo và cũng là nhà phê bình làm được nhiều thơ hay…

Xin giới thiệu tập chân dung Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn, do nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan giới thiệu

Nguyễn Quỳnh Trang.

Tôi vừa riết róng với vài người bạn gần gũi có dính vào văn nghiệp, rằng các anh đọc Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn đi!

Lý do cái yêu cầu đó của tôi đơn giản là, tôi muốn thêm vào một sự thôi thúc đối với họ, sự thôi thúc kể lại đối với một chứng nhân về cái phần sự thật mà họ từng trải nghiệm. Bởi cuốn sách này của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tập hợp 13 thiên bút ký hồi cố của ông, hết sức độc đáo do đều là những bút ký chân dung những nhà văn và nghệ sĩ bè bạn của ông cùng chân dung Nguyên Hồng, do văn phong giản dị thấu suốt, là một cuốn sách khiến nhớ đến câu thơ của Evgeny Evtushenko – “Mỗi số phận mang một phần lịch sử. …”

Chân dung nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan

Đây là một tác phẩm tái bản với những sửa chữa bổ sung và tác giả đã viết rõ ở “Lời đầu sách” ông viết về“những người lận đận, không thành đạt” vì hầu hết bạn của ông là những người như thế và là “những người luôn vượt lên, không đầu hàng số phận”.

Theo truyền thống lãng mạn thì không thành đạt – không đầu hàng là nét đặc trưng của “bộ gene” nghệ sĩ, và nền tảng của nó là một tình yêu đại lượng vô biên đối với con người và đời sống nói chung. Những nét tiêu biểu ấy toát lên từ mỗi dòng chữ của những bài bút ký trong cuốn sách này. Song dẫu Bùi Ngọc Tấn tự nhận cái nhìn lãng mạn trong đôi mắt văn chương của ông ở đây, người đọc vẫn có thể thấy nhãn quan hiện thực sáng suốt dường như nổi trội hơn trong văn chương đó; hay nói một cách khác đi, đấy là cái lãng mạn kiểu Victor Hugo.

Văn chương Bùi Ngọc Tấn rất đẹp, theo lối khiêm nhường, và hẳn ông dành sức mạnh của cái nghệ thuật ngôn từ đặc sắc đó cho tính chân thực – một phẩm chất đòi hỏi hầu hết năng lực ngôn ngữ của mỗi nhà văn – để viết cho được điều ông tự yêu cầu chính mình ở đây khi viết về bè bạn: “Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi …”

Bìa cuốn sách Viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Quả thực ông đã làm được điều đó trong những thiên hồi ký mang cốt cách cổ điển phương Đông này. Như tôi thấy thì thường chỉ bằng một vài tình tiết chọn lọc ông đã dựng nên được một câu chuyện cuộc đời cùng bối cảnh thời buổi đã khuôn đúc thành cái định mệnh ấy, với tính lịch sử sáng rõ và sâu xa ý vị.

Trong thiên bút ký cuối sách về Nguyên Hồng, ông có câu “Đến bây giờ tôi mới biết có những Tám Bính, Năm Sài Gòn mới đang đòi có nhà văn của mình”.

Với tập sách này, ông đã làm một nhà văn của nhiều nhà văn, đầy ý thức về mỗi nhà văn là một mảnh đậm đặc của lịch sử.

Bạn của Một thời

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa cho tái bản tập Viết Về Bè Bạn (có bổ sung thêm một bài viết về nhà văn Vũ Bão- Vũ Bão Một tiếng cười Một dòng cười). Dù đã tái bản nhiều lần, VVBB vẫn là tập sách của hôm nay và được dư luận quan tâm. Dưới đây là hai bài viết về tập sách mới tái bản của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:

Về một thời chưa hẳn “để mất”

SGTT.VN – Đó là thời mà nhà văn luôn phải đối diện với nỗi lo sợ tù đày bởi những quy chụp chính trị, còn thiếu thốn, cái đói thì ám ảnh sau mỗi trang viết. Ngòi bút nhà văn phải lách qua mọi kìm toả, bão giông của thời cuộc để đi đến tận cùng sự thật tâm hồn, để giữ gìn một thứ thiên chức nhà văn, mà Bùi Ngọc Tấn gọi là “nghiệp chướng”.

Bùi Ngọc Tấn là một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn xuôi hiện đại Việt Nam, là hội viên danh dự hội Văn bút Canada và hội Văn bút quốc tế; được biết đến với những cuốn: Chuyện kể năm 2000, Biển và chim bói cá, Người chăn kiến, Một ngày dài đằng đẵng, Những người rách việc… Tháng 4.2012, tiểu thuyết Biển và chim bói cá đoạt giải Grand Prix của festival Biển và sách tại Pháp.

Hơn 450 trang hồi ký và chân dung văn học trong Viết về bè bạn (*) là tập hợp của hai cuốn Một thời để mất (1995) và Rừng xưa xanh lá (2002). Đó là những cuộc khảo sát lại ký ức của một nhà văn đã sống, viết và trải nghiệm qua một thời kỳ hết sức đặc biệt trong đời sống xã hội Việt Nam, một sinh khí văn nghệ đầy ngột ngạt.

Những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ thời hậu Nhân văn giai phẩm kéo sang thời bao cấp và đầu đổi mới, có thể nhặt được những mảnh tư liệu quý ở cuốn sách này. Ở đó, nghề văn là một thứ nghề trời đày túng quẫn. Những ai sống chết với văn chương đối diện với sự đói nghèo, phải xoay xở bằng đủ thứ nghề, từ tập tành buôn bán “mánh mung” đến bán máu, từ viết thuê từng bài báo từ dịch sách, phim cật lực đến bốc vác, làm rừng… Cơm áo không đùa với khách thơ – thi sĩ Xuân Diệu của Thơ mới từng nói như vậy, và, ít ra trong cuốn sách này, chân dung ông thấp thoáng tái hiện như một kẻ cầm bút đã lách được “cửa cơm áo không đùa” để chọn lấy một “tư cách” khác.

Âu cũng là “hoàn cảnh khách quan” của thời đại. Trong số những chuyện mấy ông nhà văn bươn chải mưu sinh, có lắm nỗi cay đắng được kể bằng ngôn ngữ thật hài hước, dí dỏm làm cho người đọc thấu cảm cái nghĩa tình, sự hồn nhiên của các nhân vật. Ở đó, ta thấy một ông Bùi Ngọc Tấn từng lăn lộn qua các nghề, từ kéo xe bò, thợ sắt, phu khuân vác, nhân viên quốc doanh đánh cá, nhưng vẫn giữ được sự tĩnh tại trước trang viết trên căn gác bừa bộn ở thành phố Hải Phòng trong thời buổi nhá nhem, trong sự “tra tấn” miệt mài của những chiếc loa phường; chuyện Mạc Lân chỉ vì công khai tán thành quan điểm của báo Nhân Văn mà bị mất chức ở toà soạn, từ đó vật lộn với sự thiếu thốn bằng việc chấp nhận viết, bán chữ dưới tên của người khác; chuyện dịch giả Dương Tường đi bán máu chuyên nghiệp để kiếm sống – một thời mà đến những điểm bán máu chỉ toàn gặp trí thức Hà Nội. Và nữa, chuyện Lê Bầu xoay xở giành cái gốc cây trong ngõ Phùng Hưng cho thuê sạp vải kiếm tiền mỗi “dịp” cháy chợ Đồng Xuân, không những thế, ông còn là người rất giỏi trong việc tranh thủ lội chợ trời săn quần áo siđa vào mỗi dịp đi trại viết. Ở Rừng xưa xanh lá, Bùi Ngọc Tấn dí dỏm kể chuyện Chu Lai, Đình Kính, Nguyễn Quang Thân nhận viết sách cho lâm trường quốc doanh với những tình tiết dở khóc dở cười…

Những chuyện vật lộn với cái đói, cái nghèo được Bùi Ngọc Tấn ôn lại đầy chi tiết, tỉ mỉ, giọng điệu hài hước, sẻ chia. Vật lộn với cái đói, sự thiếu thốn để tồn tại và cầm bút đã là một thử thách lớn nhưng với các nhà văn, có lẽ quan ngại lớn nhất lại ở chỗ tâm trạng luôn phải đối phó với một thiết chế văn nghệ ấu trĩ, bất thường, thách thức bản lĩnh cầm bút. Những trang văn được nhìn qua lăng kính chính trị, dễ dàng bị quy chụp. Bầu không khí căng thẳng nặng nề đó là nguyên nhân đẩy Nguyên Bình vào bệnh viện tâm thần, ở đó ông thấy bình yên vì thoát khỏi nỗi ám ảnh bị theo dõi, hãm hại. Vũ Tú Nam bị quy tội “nói xấu con ngan”, ảnh hưởng đến đường lối nghị quyết 6 về phát triển nông nghiệp; còn Võ Huy Tâm bị kết luận “có tư tưởng công đoàn chủ nghĩa”. Sự quy chụp và văn chương bè phái cũng đẩy Nguyên Hồng từ phụ trách báo Văn phải lui về Yên Thế trong tức tưởi, hay Vũ Bão bị vùi dập tơi bời… Và, bản thân Bùi Ngọc Tấn, trong bối cảnh đó, cũng đã trải qua nhiều sóng gió vì trang viết. Những trang văn của ông trở nên đắng đót khi hướng người đọc vào những chiêm nghiệm về tình thân “thời đã mất” sau mỗi lần vào tù ra tội.

Bùi Ngọc Tấn viết: “Không hiểu các nhà văn viết như thế nào, tôi – một kẻ mới tập tọng vào nghề khi viết luôn có ở trước mặt một nhà phê bình, một nhà tuyên huấn và sau này có cả một nhà… công an nữa. Họ nghiêm khắc nhìn tôi” (Một thời để mất).

Điều đáng nói, trong bầu không khí ngột ngạt đó, đã thực sự có một cộng đồng người viết thường xuyên giao du, quan tâm chia sẻ nghịch cảnh và sống với nhau theo cách của những “người văn” trong sáng với nghề, với xã hội, tha nhân. Sống có tình nghĩa, có trải nghiệm tận đáy hiện thực, trên hết là ý thức về sứ mệnh xã hội của văn chương, trang viết của họ được chăm chút kỹ, đẹp và trung thực.

“Các bạn có biết vì sao người ta nói dối không? Có hai lý do. Thứ nhất: người ta sợ nói khác mọi người. Thứ hai: người ta mệt quá rồi”. Trong bài tiểu luận Lại chuyện Nguyên Hồng một thời đã mất, Bùi Ngọc Tấn kết bằng một chi tiết thú vị: ông để cho Nguyên Hồng nhắc lại đoạn thoại trên trong một vở kịch Ba Lan với giọng đầy hả hê và tự trào.

Thời “để mất” chưa hẳn là đã mất.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

(*) Tái bản có bổ sung, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012)

——oOo——-

Bạn của một thời

TTCT – Viết về bè bạn – nhất là khi những người bạn ấy đã quá gần gũi, thân thuộc từng nét tính cách, từng cùng sống qua cái thời khó khăn đến độ không thể quên – là điều không dễ.

Phải làm sao để vừa mô tả đúng cái thân thuộc, vừa có một độ lùi của nghệ thuật, để ngay cả chính mình cũng thấy mới lạ. Bùi Ngọc Tấn làm được điều đó.

Viết về bè bạn (*) gồm tập ký chân dung Rừng xưa xanh lá, tập hồi ký Một thời để mất và phụ lục. Những chuyện được kể trong cuốn sách là những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm với người trong cuộc và cũng không xa lạ với người ngoài, ngay cả với thế hệ mới của thời đại này. Cái tâm của người viết cùng sự hài hước nhẹ nhàng mà sâu cay, đầy từng trải của ông mang lại sức sống cho những câu chuyện có thể là rất bình thường ấy.

Ở đây có chân dung những tên tuổi quen thuộc: Dương Tường, Vũ Bão, Lê Bầu, Nguyên Hồng…, cũng có người mà tác phẩm của họ chỉ còn bè bạn là nhớ. Với lối viết cổ điển, trong sáng, giản dị, không có gì cầu kỳ màu mè, nhưng sự chân xác của câu chữ Bùi Ngọc Tấn là kết quả của cả một đời miệt mài, trân trọng chữ nghĩa. Còn lại, những ấn tượng và vốn sống phong phú tự làm nên nét độc đáo.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, bắt đầu viết văn, viết báo từ năm 1954. Ông có nhiều sáng tác gây chú ý rộng rãi trong dư luận và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004, giải Henri Queffenlec – Pháp, 2012…

Một số tác phẩm tiêu biểu:Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết, 2000), Rừng xưa xanh lá(ký chân dung, 2004), Biển và chim bói cá (tiểu thuyết, 2008)…

Bùi Ngọc Tấn và các bạn ông đã trải qua một thời kỳ đặc biệt. Những tính từ nói về khó khăn, thiếu thốn, trở ngại… là vô nghĩa nếu người ta không trải nghiệm thật sự. Ở thời kỳ đó, con người bị hạ xuống một mức đặc biệt. Đó chưa phải là một mức thấp đến tuyệt vọng để có thể vứt bỏ hết mà đối đầu, nó vẫn còn có thể thỏa hiệp. Nếu thỏa hiệp, người ta sẽ được cung cấp – hoặc cho phép xoay xở – để tồn tại cho đủ ở mức “sống sót”.

Giả dụ như quy trình chụp ảnh và mua thịt của nhiếp ảnh gia Vũ Tín. Lúc đó thợ ảnh và các cô bán thịt còn là những quyền lực đặc biệt, nhưng các cô mậu dĩ nhiên ở đẳng cấp cao hơn: Hôm chụp ảnh. Một lần mua. Tất nhiên rồi. Mấy hôm sau cho xem phim. Cầm phim soi soi lên giời. Một lần mua. Lần thứ ba. Xem ảnh in thử, khổ 3×4. Lại mua. Lần thứ tư là lần đem tấm ảnh 6×9 nghiêm chỉnh đến. Và nếu khéo tán tỉnh, Dì Hai bốc lên đồng ý: phóng to cỡ 13×18 hay 18×24 (Dì Hai hoàn toàn không phải trả tiền) để làm một cái xú ve thì được mua đến lần thứ năm. Riêng lần này có thể mua mông sấn hay mỡ lá, những thứ cực kỳ quý hiếm.

Còn nhiều quy trình như thế, như câu chuyện về Chu Lai, Đình Kính và Nguyễn Quang Thân với quy trình viết thuê cuốn sách ca ngợi lâm trường, hay những mánh khóe bán máu của Dương Tường, Mạc Lân đã áp dụng trong cả một thời kỳ dài đến khó tin.

Ở thời kỳ của sự nghi ngờ, sự bó buộc tinh thần một cách nông cạn và thô bạo, khi tất cả bản năng xấu xa có mọi điều kiện để bộc lộ thì Bùi Ngọc Tấn và những người bạn của ông vẫn không thể thay đổi được. Không ít lần ta nghe ông thốt lên: “Chúng ta có mấy khi được là chúng ta đâu” hay “Được hoàn toàn là mình sung sướng biết bao”. Là mình ấy – là như thế nào? Là đau đáu với nghệ thuật, với những suy tư độc lập, là trân trọng tình nghĩa và giữ nhân cách từ những điều nhỏ nhất thường ngày – cũng tức là những điều khó nhất.

Người đọc không thể không cười với sự hóm hỉnh đặc biệt trong cách kể chuyện của ông. Cười mà rơi nước mắt, cho những cơ hội lỡ dở, những ước vọng phí hoài, những khổ đau vô nghĩa con người gây ra cho nhau. Rơi nước mắt xót thương và khâm phục cho sự trong sáng của tình bạn, cho những cái giá phải trả để sống đúng với bản chất con người mình.

Một tập sách thú vị và cảm động, vừa dễ đọc, vừa có thể thưởng thức, với rất nhiều hiện thực – điều mà phần lớn tác phẩm văn học trẻ hiện nay còn thiếu. Có lẽ vì thế hệ của Bùi Ngọc Tấn và bạn bè ông luôn biết nhìn lại mình, để thấy “thế hệ chúng tôi không phải không có những người tài. Chỉ vì quá tuân theo quy ước, ngay trong nội tâm đã không thắng nổi mình“.

THANH VÂN

__________

(*) Viết về bè bạn: Tập chân dung văn nghệ sĩ – Bùi Ngọc Tấn, tái bản có sửa chữa và bổ sung. NXB Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam, 2012.