Để đừng quên

Để đừng quên

Jean-Pierre Han

Dịch giả: Dương Tường

 

Đôi lời của Phạm Toàn

“Để đừng quên”. Quên làm sao được? Quên làm sao cho được!

Những gì ta đã trải, ta đã làm, ta đã yêu thương và thất vọng, làm sao ta quên cho được? Tôi còn đồ chừng rằng, ngay bọn ăn cắp của công (bây giờ gọi bằng bọn quan tham hoặc bọn tham nhũng) thì chúng cũng không bao giờ quên tội ác của chúng. Nhưng cái không quên trong sợ hãi nơm nớp của chúng hoàn toàn khác với cái không thể nào quên thanh thản của nhà văn. Bùi Ngọc Tấn không quên những nỗi đau mà anh trải qua, nhưng anh không hằn thù. Lấy gì làm bằng? Lấy cái giọng văn còn biết cười còn biết đùa cợt còn biết nheo mắt làm cái mốc đo sự cao cả của con người – của nhà văn – của Bùi Ngọc Tấn.

Bọn ăn cắp, bọn phá biểu tình chống Tàu, bọn bắt nạt Phương Uyên và Nguyên Kha, bọn vu cáo Hải Điếu Cày và Lê Quốc Quân, bọn thu gom dân khiếu kiện giữa đêm lạnh, bọn ép cung, bọn xử án theo những bản án bỏ túi, bọn ôm chân thằng Lý Cường (con hoang của thằng Bá Kiến dân gọi bằng Bá Cường Bắc Kiến) hè nhau đi hạ cờ tang ngay khi đám tang tướng Giáp còn đang tiến hành… bọn đó mới sợ ký ức.  

Còn đây, chúng ta, những người phanh ngực đi trong gió, chúng ta đi cùng ký ức Bùi Ngọc Tấn trong Chuyện kể năm 2000  được bạn Tuấn dịch cực kỳ hào hoa thành Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau và chúng ta không quên – dĩ nhiên, không quên không cùng nghĩa với hằn thù và báo thù. Cũng như Bùi Ngọc Tấn, chúng ta chỉ cần khai sáng thôi. Dân tộc này vẫn còn cần được khai sáng.

Phạm Toàn

 

Những nhà văn Việt Nam của thế hệ mới, những Nguyễn Việt Hà, Thuận hay Phong Điệp (để chỉ kể ngần nấy người) dù đã muốn coi nhẹ quá khứ của đất nước mình – cái đất nước mang trên mình vết sắt nung đỏ của những tàn khốc chiến tranh và những hậu quả của chúng – để có thể kể về thời hiện tại, cũng chẳng thay đổi gì được, quá khứ vẫn trở về và không ngừng trỗi dậy trở lại theo đà các xuất bản phẩm. Tình hình ấy càng mập mờ đối với độc giả Pháp vì các nhà xuất bản, như chúng ta biết, không nhất thiết ấn hành các bản dịch theo đúng thứ tự chúng ra mắt trong ngôn ngữ gốc. Vậy nên một trật tự niên đại văn học khác được thiết lập, có thể sinh chuyện.

Thành thử giờ đây, ra đời một cuốn sách – và dĩ nhiên, ta chỉ có thể lấy đó làm mừng – Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau[1], một cú bất ngờ hoành tráng của nhà văn tám mươi tuổi Bùi Ngọc Tấn, nổi tiếng và được công nhận ở Việt Nam hiện nay và cả ở bên ngoài – ông đã được tặng nhiều giải thưởng chính thức, nhưng không phải vì thế mà ông không bị rắc rối với các nhà cầm quyền nước ông trong một thời gian dài, rắc rối đây chỉ là một uyển ngữ. Chuyện kể năm 2000 được viết vào cuối thế kỉ vừa qua, từ những năm 1990. Bản thảo chạy vòng các nhà xuất bản cho đến khi một trong số đó, NXB Thanh Niên, đánh liều ấn hành vào năm 2000, sau khi đã xin được giấy phép. Kết quả đến nhanh chóng: cuốn sách bị tiêu huỷ theo nghĩa đen, nhưng Giám đốc nhà xuất bản không bị làm khốn đốn.

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Đọc cuốn tiểu thuyết này – tác giả nói rõ rành đây là một cuốn tiểu thuyết – người ta dễ dàng hiểu tại sao cái câu “chuyện kể năm 2000” này (đầu đề tiếng Việt của cuốn sách) là chuyện kể rất tỉ mỉ của một anh chàng Nguyễn Văn Tuấn nào đó, trong sách được gọi là “hắn”, có thể coi là bản sao của tác giả, nhà báo và nhà văn trẻ, cũng như ông hồi đó, “cây bút (đã) nổi tiếng trong số các nhà văn trẻ cả nước”, một sự nghiệp sáng sủa mở ra trước mặt hắn cho đến khi hắn bị bắt, đưa đi trại cải tạo vì cớ một trong số bản thảo của hắn đã phê phán chế độ. Điều mà hắn không ngừng phủ nhận – hắn không chịu nhận một lỗi mà hắn không bao giờ phạm – dù phải chịu án tù kéo dài thêm; hắn bị chuyển từ trại này sang trại khác trong 5 năm, từ 1968 đến 1973. Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp) giờ đây ra mắt hai năm sau Biển và chim bói cá, một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời khác của Bùi Ngọc Tấn, mà chúng tôi đã hết sức ca ngợi cũng ở đây (LF, 90, tháng 2 năm 2012). Vậy là có sự đảo ngược các sự việc được kể và cũng có một sự triển hoá trong kỹ thuật tiểu thuyết của tác giả, do đó có thể bị che khuất. Nhưng, như cái công thức được thừa nhận nói, độc giả sẽ khôi phục trật tự niên đại của các sự kiện.

Điều đó không mảy may làm mất đi sức mạnh của Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp), vả chăng, cách dịch mới của nhan đề (Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau) đã là một khởi đầu bình luận về tác động của cuốn sách và về tầm quan trọng mà người ta muốn tiên đoán cho nó, hay chí ít, người ta muốn nó đạt được. Đó là đặt cuốn sách lên một bình diện tinh thần, hay thậm chí, mẫu mực tinh thần. Điều mà tác giả (qua trung gian bản sao của mình, người kể truyện) cố sức phủ nhận suốt những trang sách. Thậm chí sự phủ nhận quyết liệt ấy làm nên toàn bộ giá trị của cuốn sách, toàn bộ tính nhân văn của tác phẩm. Nó cũng mang lại cho tác phẩm tính tổng thể của nó. Bởi vì câu chuyện về những năm “cải tạo” khủng khiếp ấy được kể, dĩ nhiên là với rất nhiều chi tiết, nhưng bằng một giọng đều đều, hoàn toàn không gây chút hiệu quả kịch tính nào và tránh cả đến vi lương nhỏ nhất của hận thù. Vả chăng, người kể truyện nói rõ rằng hắn không nhằm lên án hệ tư tưởng cộng sản. Bản thân hắn, hồi trẻ măng, đã gia nhập quân đội giải phóng, chiến đấu chống Pháp và đến giờ, vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Hắn xuất thân từ một gia đình những người hoạt động danh gia, “một gia đình chiến sĩ cách mạng từ trước khi cách mạng nổ ra và đã được tặng bằng ‘có công với Tổ quốc’ ”, điều khiến cho việc hắn bị kết tội, do hiệu quả tương phản, càng kinh khủng. Dĩ nhiên, nhân cuốn sách-lời-chứng này, người ta không khỏi gợi đến  Quần đảo Goulag của Soljénitsyne. Nhưng ngoài việc câu chuyện này là một tiểu thuyết, chứ không phải là một “khảo luận điều tra văn học”, vì cuốn sách của tác giả người Nga “không có nhân vật, cũng không có những sự kiện hư cấu”, nên Bùi Ngọc Tấn ưng đặt mình dưới lá cờ của Dostoïevski hơn, lá cờ Nhật ký ngôi nhà những người chết, như ông đã nhắc lại nhiều lần.  Vả lại, câu chuyện về những năm tù thật sự chỉ chiếm có một nửa tác phẩm (tức là không đầy 400 trang), toàn bộ phần hai kể lại sự cố gắng trở lại một cuộc sống bình thường mà không thể được. “Hắn sống trong hiện tại mà luôn luôn nghĩ về quá khứ, về những ngày trước khi bị bắt, về những ngày ở tù, đầu óc hắn lang thang từ hình ảnh này sang hình ảnh khác”. Từ hiện tại cũ của cái “lò luyện những tâm hồn” là những năm tù, người ta chuyển qua những cố gắng không ngừng trở lại quá khứ, và qua những khó khăn để sống cái hiện tại mới và, tệ hơn nữa, hình dung “những thế kỷ mai sau”. “Cái la bàn của tâm trí hắn, bất kể hắn nghĩ gì, cuối cùng, bao giờ cũng xoay trở về nhà tù”.

Thận trọng tránh mọi lâm li, Bùi Ngọc Tấn viết ở tầm cao con người, từ ngòi bút của ông, hiện lên cả một thế giới đầy những con người (ắt phải mất không dưới bốn trang gênêric để kể hết tên của họ), được khắc hoạ một cách không thể quên, trong khi ở chính giữa câu chuyện tối đen này, đột hiện lên những trang đẹp lạ lùng. Sống và rung động. Và người ta không thể quên những nhìn nhận và mô tả, rất nhiều, riêng biệt về người vợ của người kể truyện, những mô tả đầy âu yếm và tình yêu. Nói gì đây về một cuốn tiểu thuyết kinh hoàng, bắt đầu, bất chấp tất cả, bằng những câu như sau: “Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”. Vậy thì: toàn bộ những trang này, toàn bộ tác phẩm này, là để đừng quên, hay đơn giản là để mở những cánh cửa ra “những thế kỷ mai sau”.

J.P.H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BôxitVN

Nguồn bản gốc: Phụ lục L’Humanité 10/10/2013

 


[1] Bản dịch tiếng Pháp Chuyện kể năm 2000 lấy tên là Conte pour les siècles à venir.

 

Mồng 8 tháng 11, Thứ Sáu…


MỒNG 8 THÁNG 11, THỨ SÁU…

Già rồi, tôi chẳng mảy may chú ý đến ý nghĩa của từng ngày, những ngày thời trai trẻ thường mong mỏi như 1 tháng 5, 19 tháng 8, 2 tháng 9. Những ngày lễ trọng của dân tộc. Giờ đây quá mệt mỏi, với thời gian chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Sao nó đi nhanh thế. Đã 80 tuổi. Đã là một ông lão 80 già lụ khụ mặc dù từ đáy lòng không chịu công nhận cái thực tế phũ phàng tàn nhẫn ây.

Sáng nay trở dậy bóc lịch. Giật mình: 8 tháng 11. Lại cả thứ sáu nữa. Ba yếu tố trùng nhau. Thật hiếm hoi. Thứ sáu 8 tháng 11 năm 1968 tôi bị bắt. Đúng 45 năm. Không biết 45 năm có bao ngày thứ 6 trùng hợp cả ba yếu tố ấy nhỉ.

* Thứ sáu mồng 8 tháng 11 năm 1968 rét lắm. Không nóng như hôm nay. Đọc lệnh, khám nhà xong khoảng 10 giờ. Vào Trần Phú với cái bụng đói. Khoảng nửa giờ sau, từ xà lim ra nhận suất cơm đặt ngay dưới đất, nguội ngắt, nước uống trong bô sắt han rỉ, không sao nuốt được.

* 7 ngày trước, 1 thang 11, cũng thứ sáu, tình cờ mở tivi, nghe tin ông Trần Đông, nguyên giám đốc công an thành phố Hải Phòng, người hạ lệnh (khác với ký lệnh) bắt tôi, đã từ trần. Ông là thứ trưởng bộ Công an, suýt nữa lên bộ trưởng. Báo Nhân Dân đã đưa tin và ảnh ông dưới măng sét: “Đồng chí Trần Đông thăm trụ sở Bộ Biên Tập báo Nhân Dân.” Một kiểu đưa tin dọn đường dư luận. Ai cũng hiểu ông sẽ lên bộ trưởng. Nhưng rồi ông phải chuyển sang làm thứ trưởng bộ Tư Pháp.

Người ta nói rằng ông đã dám vuốt râu …Lê Đức Thọ! Thật may cho tôi cái cú vuốt râu ấy của ông. Chứ không đời tôi biết ra sao?

Ông đã qua đời. Dù không muốn, tôi cũng phải buộc lòng có mấy nhận xét về ông:

-Biết bắt tôi là sai, ông cho tôi đi tập trung cải tạo. Tạm công nhận là được đi vì bắt người dễ, tha người khó. Nhưng sao ông lại đuổi vợ tôi khỏi trường đại học? Khi ông Hoàng Hữu Nhân xếp việc làm cho tôi, sao ông lại kiên quyết chống lại? Rõ ràng ông định tận diệt tôi.

* Sáng nay, 8 tháng 11 lại là ngày Luật Pháp đầu tiên của nước ta, để mọi người thượng tôn pháp luật, tất cả cùng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Cái khẩu hiệu Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật nàyông Trần Đông đã cho căng đỏ rực đường phố Hải Phòng từ mấy chục năm nay rồi. Tôi cũng đã biết nó là thế nào rồi. Trong tủ của tôi có hơn chục ki lô đơn, kêu đủ cả các Bộ (không có Bộ Binh Bộ Hộ Bộ Hinh đâu nhé). Lần gần nhất là trực tiếp gặp ông Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao!!!!!! Và thuộc cả tên bà chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Lê Thị Thu Ba!!

Tôi không hiểu sao luật pháp không được thực thi mà có lắm bộ, Viện, ngành liên quan thế????

* Thương ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) tù oan 10 năm quá. Và mong được như ông. Nhưng mình chẳng có ai tự thú cả. Mình đã tự thú bằng tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000. Người ta bỏ tù tiếp bản tự thú của mình. Giá ông Trần Đông tự thú thì tốt. Nhưng ông ấy chết rồi.

* Ngày bị bắt 35 tuổi. Nay 80 tuổi kỷ niệm 45 năm ngày bị bắt. Chả thấy gì khác. Cố sống 5 năm nữa, đến năm 85, kỷ niệm tròn 50 năm ngày bị bắt, xem có gì mới không? Chắc không. Bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hết thế kỷ 21 chưa xây dựng xong chủ nghĩa xã hội cơ mà.

* Ông Nguyễn Ngọc Giao (Pháp) bình về Truyện ngắn Người Chăn Kiến của mình khá quá: Cái vòng tròn ấy không giữ nổi mấy con kiến nhưng giam trọn một đời người. Không nhớ nguyên văn. Đại ý là như vậy.

 Bùi Ngọc Tấn