Lời tuyên dương Biển và Chim bói cá

Diễn văn khai mạc Festival Livre et Mer

Và lời tuyên dương Biển và Chim bói cá

Của ông Francois Bourgeon, chủ tịch danh dự Festival

 

Cách đây  hai mươi năm, Henri Queffélec đã nhổ neo.

Một số trong chúng ta đã biết ông.

Đa số trong chúng ta đã đọc ông

Và nhiều người sẽ còn đọc ông dài lâu.

Ông đang ở nơi khác. Mà vẫn hiện hữu cùng chúng ta.

Ông vẫn đang ở đây, tại nhà mình… Đặc biệt là năm nay.

Nơi khác… Ở nơi khác… Đến nơi khác…

Tưởng tượng Biển trong khi bay bên trên thời gian.

Tưởng tượng Biển trong khi bay bên trên không gian.

Tưởng tượng Biển ngày mai.

Tuỳ theo ngôn ngữ. Tuỳ theo nơi chốn.

Biển thay tên, đổi dạng và cung cách ứng xử.

Nhưng trước sau vẫn chỉ có một, không gì thay thế được.

Trong thế kỉ chúng ta đang sống

Cái ao lớn của hành tinh, từ đó vọt ra tất cả chất sống

Đòi hỏi sự chú ý của chúng ta… tình yêu của chúng ta… sự cảnh giác của chúng ta

Người mẹ ấy, đôi khi tàn nhẫn, lấy lại các con của mình từ tay  chúng ta,

Nhưng hiển nhiên là

Nếu vì hờ hững, chúng ta sao nhãng việc bảo vệ người

Người sẽ không để lại những trẻ mồ côi

Ar mor  – Biển

Trên hành tinh xanh…

Không gì có thể sống sót sau khi biển chết

Những cuốn sách và những tác giả có mặt tại salon này đều kể cho chúng ta về biển

Về những người sống nhờ vào biển. Những sống trên biển. Những làm cho biển sống.

Nhưng tự hào về những khác biệt,

Chúng ta vẫn có hai điểm chung:

Say mê Sách… Và say mê Biển…

Chúng hãy chiến đấu vì cả hai

Tôi hết lòng cầu chúc cho mỗi người

Có được một chút muối trong mái tóc

Những phát hiện kì diệu

Và những cuộc gặp gỡ không thể quên

Trao giải

Với Salon năm 2012 này, Concerneau muốn là một thành phố mở ra tất cả các biển

Về giải Henri Queffélec, ban tổ chức đã tuyển chọn sáu tác phẩm có một điểm chung: tất cả đều đưa chúng ta đến một nơi nào khác… ít nhiều trong thời gian… ít nhiều trong không gian.

Năm này sang năm khác, mỗi ban giám khảo, qua tranh cãi và nghị luận, đề cập đến tính đặc thù của mình, tổng hoà những khác biệt của chúng tôi.

Trước hết, chúng tôi lựa chọn tâm thái trong đó chúng tôi muốn cùng nhau làm việc.

Mỗi tác giả đều mang tính cách rất riêng và mỗi tác phẩm đều độc đáo. Chúng tôi không muốn đưa các tác phẩm được tuyển chọn vào một cuộc thi đấu để phê chuẩn bằng việc xếp hạng. Hoặc đi đến một thoả hiệp có thể để lại những điều đáng tiếc.

Để cùng nhau tìm ra một tác phẩm mà mỗi người đều tâm thành bảo vệ, chúng tôi đã xác định một số tiêu chuẩn được tất cả chúng tôi đồng thuận.

Khẳng định sự lựa chọn của Liên hoan này là hướng mở về Nơi Khác.

Trong năm kỉ niệm này, tôn vinh Henri Queffélec…

Bằng cách tôn vinh Biển trong cuộc mặt đối mặt giữa Biển và Con Người.

Và, nếu có thể, đánh dấu sự chuyển động của thời gian  bằng cách chào mừng Biển trong tính đương thời của nó.

Chúng ta đang ở Concarneau. Concarneau là một hải cảng đánh cá

Nay là  năm 2012, bình minh của một thế kỉ bản lề, khi mà con người đang chậm rãi, rất chậm rãi ý thức ra rằng không một tài nguyên nào của hành tinh xanh này lã mãi mãi không cạn kiệt.

Về nhiều điểm, các tác phẩm được tuyển chọn nằm trong một niên biểu dễ gây bối rối mà có lẽ chúng ta sẽ có thể nhắc tới trong khuôn khổ của Liên hoan này

Về Con Người đối mặt với Biển, được đặt vào đúng chỗ và thế kỉ của mình và đồng thời thay đổi theo tuổi tác, mỗi tác phẩm đều có điều lí thú để nói.

Về mong muốn hướng mở về Nơi Khác, đánh dấu những năm tháng đã trôi qua từ khi sáng lập Salon và Henri Queffélec ra đi, từ khi lập ra giải này, cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn đã hoàn toàn làm chúng tôi thoả mãn (*).

Tác giả là người ViệtNam.

Ông kể về đất nước mình và về thế giới đánh cá mà đích thân ông từng biết.

Ông đem đến cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn về lịch sử một hải cảng… về một xí nghiệp đánh cá quốc doanh.

Và về một cộng đồng người đánh cá, can đảm và ranh mãnh vật lộn để nuôi sống gia đình, vét biển đến cạn kiệt. Trước khi bị cuốn vào những quanh co khúc khuỷu của toàn cầu hoá.

Chan chứa thương yêu và ngộ nghĩnh… Đầy chất thơ…

Bùi Ngọc Tấn tặng cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết nhân văn… Cấu trúc rất đặc sắc…

Không chút áp đặt, đầy u-mua và ý tứ, ông dẫn chúng ta đến một vĩ thanh để cho chúng ta tự do suy ngẫm… Bùi Ngọc Tấn biết cái giá của tự do.

Tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là một cuốn sách không thể quên.

Thậm chí có lẽ là… một cuốn sách làm cho ta tốt hơn.

Bụng màu da cam… Lưng xanh biếc.

Quả trái phá óng ánh ấy là con chim bói cá.

Đó không phải là một loài chim biển, mà là chim của sông của suối.

Nhưng khi con nó đói, nó liều mình giáp đấu với sóng cả.

Mũi tên thép xanh biếc ấy làm ta nhói lên xúc động…

Và chạm thẳng vào tim.

(Người dịch: Dương Tường)

(*) Sau 28 năm, lần đầu tiên giải thưởng Henri Queffélec ra khỏi châu Âu

Bản tiếng Pháp

 

Discours Ouverture

Henri Queffélec a levé l’ancre il y a vingt ans.

Certains d’entre nous l’ont connu.

La plupart d’entre nous l’ont lu.

Et beaucoup longtemps le liront.

Il est ailleurs.    Il est avec nous.

Il est ici chez lui… Particulièrement cette année.

Ailleurs… Être ailleurs… Aller ailleurs…  Aller loin.

Imaginer la Mer en survolant le temps.

Imaginer la Mer en survolant l’espace.

Imaginer la Mer  demain.

Suivant les langues.  Suivant les lieux.

La mer change de nom. Elle change d’aspect et de comportement.

Mais il n’y en a qu’une,  elle est irremplaçable.

Au siècle où nous vivons,

La grande mare placentaire, d’où a jailli tout le vivant,

Réclame notre attention… Notre amour… Notre vigilance.

Cette mère, parfois cruelle, nous reprend ses enfants

Mais de toute évidence,

Si par indifférence nous négligions de la défendre,

Elle ne laissera pas d’orphelins.

Ar mor – La mer

Sur le planète bleue…

Rien ne pourrait survivre à la mort de la mer.

Les livres et les auteurs présents à ce salon nous racontent la mer

Ceux qui en vivent. Ceux qui y vivent. Ceux la vivent.

Mais fiers de nos différences,

Nous avons deux choses en commun:

Et la passion du Livre…  Et celle de la Mer.

Battons-nous pour les deux.

Je souhaite de tout cœur  à chacun,

Un peu de sel dans les cheveux,

De merveilleuses découvertes,

Et d’inoubliables rencontres.

Remise du prix

Pour ce Salon 2012, Concarneau a voulu être une ville ouverte sur toutes les mers du monde.

Pour le prix Henri Queffélec,  les organisateurs avaient sélectionné pour nous six œuvres ayant un point commun: plus ou moins dans le temps, plus ou moins dans l’espace…Elles nous transportaient toutes ailleurs.

D’un an sur l’autre, chaque jury aborde  débats et délibérations avec sa personnalité,  somme de toutes nos différences.

Nous avons tout d’abord choisi l’état d’esprit dans lequel nous voulions travailler ensemble.

Chaque auteur est unique et chaque œuvre est originale.

Nous ne désirions pas entraîner la sélection proposée dans une compétition, qu’un classement sanctionne. Ou parvenir à un compromis qui aurait laissé des regrets.

Pour trouver ensemble un ouvrage que chacun aurait cœur à défendre, nous avons défini quelques premiers objectifs sur lesquels nous nous accordions:

Confirmer le choix du salon de s’ouvrir sur l’Ailleurs.

Dans cette année anniversaire, rendre hommage à Henri Queffélec…

En rendant hommage à la Mer dans son face à face avec l’Homme.

Et, si c’était possible, marquer la course du temps en saluant la Mer dans son actualité.

Nous sommes à Concarneau. Concarneau est un port de pêche;

Nous sommes en 2012… Au matin d’un siècle charnière…

Où l’homme prend lentement, très lentement, conscience

qu’aucune des richesses de la planète bleue n’est à jamais inépuisable.

Sur bien des points, les œuvres retenues s’inscrivent dans une chronologie troublante que nous aurons peut-être la possibilité d’évoquer dans le cadre de ce salon.

Sur l’Homme face à la Mer, replacé dans son siècle, et aussi en fonction de son âge, chacune à quelque chose de passionnant à dire.

Sur le désir de s’ouvrir sur l’Ailleurs,  de marquer les années écoulées, depuis la création du salon, le départ d’Henri Queffélec, et la création de ce prix, le livre de Bui Ngnoc Tan n’a pu que nous combler.

L’auteur est vietnamien…

Il raconte son pays et le monde de la pêche qu’il a personnellement connu.

Il nous offre un roman attachant sur l’histoire d’un port… D’une Entreprise d’État de pêche…

Et sur une société de pêcheurs, luttant avec courage et malice pour nourrir leurs familles, avant que de racler des mers qui se vident. Avant d’être entraînés dans les méandres de la mondialisation.

Avec tendresse, et drôlerie… Avec beaucoup de poésie…

Bui nous fait le cadeau d’un roman humaniste… Remarquablement bien construit…

Sans jamais s’imposer, avec humour et tact, il nous guide jusqu’à un épilogue qu’il nous laisse libre de méditer…  Bui sait le prix de la liberté.

Le roman de Bui Ngoc Tan est un livre que l’on oublie pas.

Peut-être même…   Un livre qui nous rend meilleur.

Orangé sur le ventre… Turquoise sur le dos…

Cet obus scintillant, c’est le martin-pêcheur.

Ce n’est pas un oiseau de mer, mais de rivière, mais de ruisseau.

Quand ses petits ont faim, il prend alors le risque d’affronter la vague.

La flèche d’acier bleu nous a piqué au vif…

Et touché droit au cœur.

Thư Festival Livre et Mer

Thư Festival Livre et Mer

(của dịch giả Tây Hà gửi Bùi Ngọc Tấn)

 

Anh Tấn thân quý,

Hội Livre et Mer (Sách và Biển) đã kết thúc. Vui quá, vui vì được giải, còn vui vì bao nhiêu cuộc gặp gỡ nhiệt tình trong một tối và hai hôm. Thành công lắm. Khi tôi đọc xong lời chào mừng của anh, cả cử tọa nhiệt liệt vỗ tay. Khi tôi nói xong lại một tràng vỗ tay nữa. Hôm sau nhiều người đến chúc mừng anh chúc mừng tôi và nói là họ rất cảm động. Hôm thứ bẩy, 7 tháng  4  tôi được Đài phát thanh Pháp phỏng vấn. Tôi nói trong 5 phút, nhưng không biết nói có “được” không. Vì tôi không quen trả lời phỏng vấn. Hôm sau cũng có nhiều người đến mua sách vì họ nói là hôm trước có nghe tôi nói trên  Đài phát thanh. Ở đại hội tôi ngồi ký tặng liên miên, khoảng hơn 40 quyển. Có nhiều người mua sách nhưng không đem đến tôi xin chữ ký. Khi tôi ra về (đại hội vẫn còn tiếp diễn) trên bàn chỉ còn lại 3 quyển (không biết nhà sách họ mang đến bao nhiêu quyển). Tôi không biết nhiều hay ít ra sao nhưng nhà sách có kinh nghiêm, họ nói như thế này là rất thành công. Mấy hôm đó tôi cũng gặp được rất nhiều nhà văn. Họ đều khen quyển sách và công nhận để từ chim bói cá ở số ít, nên thơ hơn để số nhiều.

Trong 6 người vào chung khảo có ông Francois Bellec là nhà văn đồng thời là thủy sư đô đốc, tiếng Pháp là contre-amiral, nghĩa là một người rất hiểu biển.

Kèm theo đây tôi gửi hai tấm ảnh tôi nhận bằng và cả ảnh bằng nữa.

Sau khi đọc xong lời tuyên dương Biển và Chim bói cá, và trao bằng cho tôi, ông Francois Bourgeon có nhờ tôi chuyển tới anh lòng ông cảm phục (admiration) anh. Ông và nhiều người khác trong ban giám khảo đã kể lại cho tôi biết họ đã đấu tranh cho anh như thế nào. Chiến thắng này không dễ dàng đâu. Ngoài ra nhiều người trong ban sơ khảo cũng nói với tôi họ cũng rất mong anh thắng. Trong số đó có bà Christelle Capo-chichi, giám đốc festival thích quyển sách lắm. Trong ba ngày có rất nhiều chuyện vui. Để tôi kể dần.

Một giải rất xứng đáng cho Biển và Chim bói cá

Trong những sách được lựa chọn trong cuộc thi giải Henri Queffélec năm nay, nổi bật lên là hai cuốn tiểu thuyết đặc biệt độc đáo và có chất lượng cao, “Biển và Chim bói cá” của tác giả Việt Nam Bùi Ngọc Tấn, và “Cách sử dụng cho đúng các vì sao” của nữ tác giả Dominique Fortier người Québec. Ban giám khảo đã ngả về quyển truyện Việt Nam, một lựa chọn rất đích đáng, dù cuốn sách của Dominque Fortier cũng được nhiều người ủng hộ.


Biển và Chim bói cá kể lại cuộc sống của người đánh cá trong xã hội Việt Nam cộng sản. Những người này tựa như những con cá nhỏ cố sống trong mạng lưới của một “xí nghiêp”, lan tràn khắp nơi, rập khuôn (impersonnel), như một mối đe dọa. Một người vô tình vui vẻ hát lên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” khi qua cổng bảo vệ. Bỗng giật mình lo sợ: Người ta có thể cho lời hát của anh là mỉa mai không ? Anh sẽ có bị loại vào hạng chống đối không ?
Hóm hỉnh và nên thơ

Trong xã hội khóa kín đó, mà tất cả phải làm theo kế hoạch, chẳng có việc gì được vận hành theo đúng nguyên tắc. Khi tàu đánh cá về bến, mọi người đều lên tàu xin cá, vì tất cả đều đói, mà các thuyền viên thì không nỡ từ chối.
Thành công đối với một thuyền viên đánh cá, là được chỉ định lên một con tàu đi Nhật, để mang về hàng xô đồng hồ Seiko và hàng thùng thuốc kháng sinh. Nhà văn tả một cách dí dỏm những người dân đen đầy tình cảm (tendre) và ranh mãnh (débrouillard) này, đang cố sống trong một thế giới khóa kín. Tác giả cũng đưa ra cậu bé lần đầu tiên được lên tàu đánh cá của cha. Mê hồn vì biển, vì cá, vì những con chim biển, cậu ta cũng hiểu được điều cốt yếu của biển: Biển làm cho cha mình là con người (être humain), nhờ biển mà nuôi được gia dình, như con chim bói cá. Biển là cái gì nó cho người ta được có nhân phẩm (dignité), và cho con người một tự do bất diệt, dù cho xã hội có điên cuồng thế nào. Cuốn tiểu thuyêt của Bùi Ngọc Tấn cũng là một sự suy tư đẹp và tinh tế về con người (une belle et sensible méditation sur l’humanité).

Jean-Luc COCHENNEC – Nhật báo Ouest France, 7-8 tháng 4, 2012

(Người dịch: Tây Hà)

Thư kí thời đại: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Mấy ngày qua nhận tin buồn cũng khá nhiều, hôm nay thì có tin vui. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải Henri Queffenlec nhân dịp liên hoan “Sách và Biển” năm 2012 ở Pháp. Tác phẩm được trao giải là truyện dài Biển và chim bói cá. Là fan của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nên tôi dĩ nhiên đã đọc cuốn này ngay từ lúc mới xuất bản, nhưng không có thì giờ (và cũng chưa nghĩ ra ý gì mới) để viết một bài điểm sách. Thôi thì nhân dịp này, tôi post lại bài này, trước là chúc mừng Nhà văn, và sau là giới thiệu hai tác phẩm trước đây của ông. Bài viết cũng 10 năm tuổi rồi, nhưng hình như vẫn còn tính thời sự. Nói đến Bùi Ngọc Tấn, không ai không nhắc đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000. Đó là một tự sự của nhân vật Nguyễn Văn Tuấn (không dính dáng gì đến người đang viết những dòng này), người bị tù đày suốt 5 năm trời (từ 1968 đến 1973) vì lí do rất vớ vẩn. Những sáng tác hay thường xuất hiện từ những thời kì đau khổ, và thời gian 5 năm tù đày cũng là giai đoạn để nhà văn tích tụ đau khổ thành chữ.  Chữ của tác giả trong giai đoạn đau khổ này mang đậm tính nhân văn và bình thản một cách lạ lùng. Nhiều hồi kí “cải tạo” của các sĩ quan và quan chức miền Nam kể lại những cực hình và nhục hình trong nhà tù, thường với giọng văn mạnh, thù hằn, hoặc mỉa mai. Nhưng Chuyện kể năm 2000 thì hoàn toàn khác. Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, chậm rải, như độc thoại, tác giả thuật lại những bi kịch trong trại tù làm cho chúng ta có khi phải cười ra nước mắt. Không có mỉa mai, cũng chẳng có hằn học hay hận thù trong câu chuyện của tác giả. Nhà văn tâm sự rằng ông chỉ muốn là người “thư kí, là người chép sử của thời đại”. Chuyện kể năm 2000 là một bộ chứng từ của một chứng nhân cần lưu giữ lại cho thế hệ sau. Tác giả so sánh rằng Nhà văn Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngàychỉ ra những ai đã đẩy gia đình ông vào cảnh tù đày, còn ông (Bùi Ngọc Tấn) là chỉ ra toàn bộ cơ chế đã sản sinh ra những bất công xã hội.Số phận của Chuyện kể năm 2000 cũng rất thú vị. Đó là một tác phẩm rất hay, nhưng chẳng hiểu vì sao khi mới in ra và phát hành thì có lệnh thu hồi. Chẳng những bị thu hồi, mà tác giả của nó còn bị nhiều phiền lụy. Bùi Ngọc Tấn kể rằng “Sau khi in Chuyện kể năm 2000, tôi được công an mời lên nhiều lần. Nhà tôi, điện thoại của tôi bị giám sát chặt chẽ. Nhiều cuộc họp đảng cơ sở , người ta phổ biến rằng tôi là một kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ. Ngay Tết Quý Mùi gần đây thôi, ông bí thư phường tôi họp cán bộ các ngành trong phường tổng kết về Tết an toàn, nói trong phường có một điểm nóng là tôi nên phải phân công trực ca ba, 24 trên 24. Qua Tết không xảy ra chuyện gì mới thở phào. Cũng phải nói thêm: tất cả những vị đứng ra truyền đạt những nhận xét về tôi đều chưa đọc tập tiểu thuyết của tôi. Một người bạn có chân trong Đảng dự họp nói ông ta có bản photo Chuyện kể năm 2000, ai muốn đọc, ông ta cho mượn, nhưng chờ mãi mà không ai mượn, nghe cấp trên truyền đạt lại là dủ, làm gì phải đọc, phải suy nghĩ, phải động não cho mệt người.” Cho đến nay, tác phẩm đó vẫn chưa được phổ biến, dù đã được xuất bản và dịch sang tiếng Anh ở nước ngoài (và trên mạng)!

Nhưng Bùi Ngọc Tấn không chỉ có Chuyện kể năm 2000 để đời, mà còn sáng tác nhiều truyện ngắn khác theo tôi là cũng rất đáng để đời. Có lần tôi đã nói một trong những tác phẩm ngắn đó là Người chăn kiến. Đó là một câu chuyện thật hay và độc đáo, mà theo tác giả là được sáng tác trước Chuyện kể năm 2000 để độc giả làm quen với “trò chơi” mới của tác giả. Người chăn kiến viết về một ông giám đốc [dĩ nhiên là hư cấu] bỏ tù oan, và khi vào tù do dáng dấp có học, ông được một tên “đại bàng” tha cho trận đòn nhập gia mà đựơc trần truồng đứng làm tượng Nữ Thần Tự Do. Ông thích cái vai trò này, vì được mục kích những kẻ phục dịch cho đại bàng như thế nào. Ông còn được tên đại bàng giao cho nhiệm vụ chăn những con kiến trong cái vòng tròn bé tí vẽ bằng gạch non trên nền buồng giam. Đến khi ông được minh oan, trở về công việc cũ (giám đốc), ông bị ám ảnh bởi vai trò của mình trong trại giam. Cứ vào giờ nghỉ trưa, ông khóa cửa phòng, rồi mở ngăn kéo, lấy ra hai con kiến, vẽ một cái vòng tròn nhốt chúng, và cho chúng ăn bánh bích quy. Sau đó, ông cởi bỏ áo quần, leo lên bàn, mắt nhìn về phía xa, tay giơ cao kiêu hãnh, trong tư thế của Nữ thần Tự do. Không chỉ văn chương rất hay trong truyện ngắn đó, mà câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa trong xã hội hiện hành. Một cách hiểu là cái vòng tròn nhỏ xíu ấy có thể không giam giữ được hai con kiến nhưng nó có hiệu quả làm cái vòng kim cô giam gữ thân phận của một con người. Có lẽ Bùi Ngọc Tấn muốn mượn Người chăn kiến để gửi một thông điệp cho những tù nhân dự khuyết trong xã hội rằng ai đã bước vào nhà tù là vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Cũng là một cách nhắn nhủ với những cai tù hay những ai được “quyền xử lí con người” phải thận trọng với con người.

Tôi ví Nhà văn Bùi Ngọc Tấn như là một Dostoievski của Việt Nam. Đọc văn của ông làm tôi nhớ đến nhà văn đại tài người Nga này. Cũng như Dostoievsky khai thác khía cạnh tâm lí con người trong bối cảnh chính trị – xã hội Nga bị nhiễu loạn, Bùi Ngọc Tấn khai thác những bức tranh xã hội chân thực, và đi tìm cái cội nguồn, cái “động mạch chủ của cuộc sống.” Giọng văn của Bùi Ngọc Tấn cũng phảng phất một Dostoievski. Đọc Bùi Ngọc Tấn để thấy cái hay của chữ nghĩa Việt. Có khi câu văn chỉ có một chữ, nhưng đặt vào bối cảnh thì lại thấy đầy đủ ý nghĩa của nó.

Việt Nam ta chưa có ai được giải Nobel văn học. Nếu có ai xứng đáng được đề cử, tôi nghĩ Bùi Ngọc Tấn là một trong những người như thế. Chưa có giải Nobel, nhưng Bùi Ngọc Tấn được tặng nhiều giải danh giá khác. Mới nhất là giải Henri Queffélec cho tác phẩm Biển và chim bói cá (bản tiếng Pháp là La mer et le matin-pêcheur do dịch giả Tây Hà dịch). Theo tin từ báo chí thì La mer et le matin-pêcheur đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và đoạt Giải Thưởng Lớn (Grand Prix). Là một fan của nhà văn, xin có lời chúc mừng và chia vui cùng Nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

NVT (Nguồn nguyenvantuan.net)

===

Giới thiệu sách mới (4/2003)

Tháng này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số sách đáng chú ý (theo ý kiến của tôi) mới xuất bản ở trong nước.

Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 536 trang

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 355 trang

Để hiểu ngọn ngành hai cuốn sách này và truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, tưởng cần phải nhắc lại về tác giả một chút. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, nguyên quán ở Hải Phòng. Ông từng là một nhà báo (với bút hiệu Lôi Động và Tân Sắc) và nhà văn thuộc thế hệ sau 1954. Ông từng cộng tác với tờ Tiền Phong, Hà Nội, và Hải Phòng Kiến Thiết. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 1968 vì tội “phản cách mạng, tuyên truyền chống chế độ”, và đi tù cho đến năm 1973 mới được thả ra. Năm 1993, ông tái xuất hiện trên văn đàn với bài “Nguyên Hồng: một thời đã mất” đăng trên Tạp chí Cửa Biển của Hội Nhà văn Hải Phòng. Sau này tập bút kí đó được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in thành sách với nhiều đoạn bị đục bỏ.

Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng trong thời gian hậu gulag hơn là thời gian trước khi ông đi tù. Ngày nay, nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000, một truyện dài – hay nói chính xác hơn là tự truyện – viết về cuộc đời tù đày và cuộc sống xã hội sau khi ra tù của ông. Cuốn sách mới in xong liền bị cấm phát hành.

Viết về bè bạn (VVBB) là một tập hợp những bài viết của Bùi Ngọc Tấn về những người bạn của tác giả. Những người bạn mà Bùi Ngọc Tấn đề cập đến là Chu Lai, Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Tín, và Nguyên Hồng. Đây là những người bạn thủy chung với tác giả trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời họ. Phần viết về Nguyên Hồng (hơn 200 trang) chính là cuốn sách mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản, nhưng trong lần xuất bản này những đoạn bị đục bỏ được khôi phục lại cho đúng với nguyên bản.

Cuốn sách viết theo kiểu “chân dung” về sự “nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kĩ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi cũng như tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi kí là phải trung thực, nếu không muốn mình là kẻ bịp người khác.” (VVBB, trang 7).

Chông gai và nhếch nhác như thế nào? VVBB cho người đọc nhiều giai thoại thú vị nhưng có khi nhức nhối. Có những văn nghệ sĩ có tài nhưng hoặc không được viết, hoặc được viết nhưng không được in, hoặc được in nhưng không dám dùng tên thật. Có văn nghệ sĩ phải sống lây lất qua ngày bằng nghề bán chữ và … bán máu. Hãy đọc một đoạn Bùi Ngọc Tấn tả cảnh đi bán máu của Mạc Lân:

Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mạc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu. Lân tròn xoe mắt, sửng sốt và bất ngờ. Bán máu? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Ai mua? Ông lại sáng tác ra chuyện gì nữa thế? Không phải truyện sáng tác, hư cấu. Người thực việc thực một trăm phần trăm. […] Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. [Dương] Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150 cc. Lấy 200 cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 kí lô mới được lấy 200 cc. Về sau những lần Lân cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 kí lô và bán được 250, 300 cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm phần giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ngoài cổng bệnh viện.”

VVBB còn chứa đựng một vài thông tin nhỏ mang tính cá nhân. Chẳng hạn như viết về Dương Tường, một tác giả của 50 tác phẩm dịch thuật có giá trị, người mà Gallery Lã Vọng giới thiệu [trên giấy trắng mực đen]: “Ông này [Dương Tường], nhà thơ và nhà phê bình lỗi lạc, đã soi sáng cho tôi rất nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam”, chưa bao giờ là hội viện của Hội nhà văn. Chẳng hạn như Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, người Hải Phòng (cùng quê với Bùi Ngọc Tấn), chính là em ruột của ông Nguyễn Xuân Vinh, cựu tư lệnh không quân trong quân đội Sài Gòn trước 1975 và là một nhà khoa học không gian (Mĩ), một người chống cộng tới cùng. Và cũng chính mối quan hệ ruột thịt này mà người ta nhầm lẫn bà là em của ông Nguyễn Cao Kỳ và đã làm cho nhà thơ bao phen lận đận lao đao. Chẳng hạn như Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình tuy là con của một thứ trưởng ngoại giao nhưng từng đi bộ đội (dù bố mẹ anh có thể xin cho con đi học thay vì đi lính).

Nói là viết về bè bạn, nhưng trong thực tế, tác giả cũng viết về cuộc đời của chính mình trong ấy. Do đó, cuốn sách không chỉ là một phát họa về cuộc sống của những bạn bè nghệ sĩ mà còn thỉnh thoảng cho người đọc biết về những tháng ngày gian truân của tác giả từng kinh qua sau khi ra tù. Về cuộc sống thời bao cấp, Bùi Ngọc Tấn viết: “Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi” (VVBB, trang 255).

VVBB không phải là một loại tản văn bình thường, mà còn là một sáng tác chữ nghĩa, những suy nghĩ độc đáo của Bùi Ngọc Tấn. Viết về Lê Đại Thanh, Bùi Ngọc Tấn nhận xét người bạn già của mình là đã “Sống chứ không phải là tồn tại.” Sống khác với tồn tại. Còn sống ngày nào hãy sống hết mình với cuộc đời, với nghệ thuật. Tiền bạc, danh vọng, địa vị, tất cả đều là hư vô. Bùi Ngọc Tấn nhận xét về cái chết như sau: “Khi cái chết đến với con người thì cũng từ đó một cuộc sống mới nẩy sinh. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống vẫn còn tiếp tục sau cái chết có lẽ là sự công bằng, điều cả loài người mong ước như một khát vọng hướng thiện.” (VVBB trang 201)

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn, như tên gọi cho biết, là một tập truyện gồm 19 truyện ngắn của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Sau gần một phần tư thế kỉ vắng bóng trên văn đàn, Bùi Ngọc Tấn lại cầm bút và viết khỏe. Đây là tác phẩm thứ hai (hay thứ ba) của ông kể từ khi ra tù. Bùi Ngọc Tấn từng tự sự về chính ông như sau:

Thập niên thứ tư: dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm xuống đáy. Đấu tranh đòi hưởng công bình, đòi hưởng luật pháp. Thập niên thứ năm: chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu … trò chuyện với vô cùng.”

Có thể nói tuyển tập truyện ngắn này là một “trò chuyện với vô cùng”. Những truyện trong sách tập trung vào đề tài những câu chuyện nhức nhối trong cuộc sống nhà tù và ám ảnh sau khi ra tù, những hoàn cảnh éo le đưa đẩy người nữ bộ độ vào con đường làm gái bán bia ôm, những câu chuyện thương tâm trong thời đổi mới … Tuy không khắc họa một cách lạnh lùng, trần trụi, những con người đang mất dần nhân tính và những kẻ bị đau khổ bị sỉ nhục trong xã hội như trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn cũng làm người đọc thêm khinh bỉ những kẻ xấu xa, xúc động trước những nỗi đau khổ của những người làm ăn lương thiện đang phải đấu tranh hàng ngày cho miếng ăn.

Trong Lời nói đầu, Dương Tường nhận xét về Bùi Ngọc Tấn như sau: “Bùi Ngọc Tấn, trong mắt tôi, là người biết chưng cất cái đau thành hi vọng, thành tiếng cười, không, chính xác hơn, thành nụ cười, vì anh không mấy khi cười thành tiếng. Tôi gọi đó là hóa học của nhân bản. Hay có khi đó là bí quyết đạt đạo của những bậc hiền?”

Nhận xét về văn phong của ông, tôi nghĩ Phạm Xuân Nguyên viết khá đầy đủ: “Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu văn chương làm cho người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông, và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật.” Qua giọng văn, người đọc có thể thấy ông là một người trầm tĩnh và bao dung, thể hiện những suy nghĩ chiều sâu của một tác giả đứng tuổi. Bùi Ngọc Tấn có một văn phong độc đáo: ngắn gọn và cô đọng. Có nhiều câu văn chỉ một chữ. Chỉ một chữ nhưng đặt vào văn cảnh thì ai cũng hiểu.

Viết về bè bạn Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn là những cuốn sách có giá trị lịch sử văn học và văn chương mà bất cứ ai quan tâm đến văn học nước nhà cần phải có trong tủ sách.

Sự công nhận quốc tế đối với một tài năng Việt Nam bị ngược đãi

Ông François Bourgeon, Chủ tịch danh dự Festival và Trưởng Hội đồng tuyển chọn, trao Giải thưởng cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua dịch giả Tây Hà

Lê Diễn Đức

Trong ngày 8 tháng 4 tôi nhận được tin vui về người anh, người bạn: nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa giành được Giải thưởng Henri Queffenlec tại liên hoan “Sách và Biển” năm 2012 (Festival Livre et Mer) của Pháp tổ chức trong 3 ngày từ ngày 6 đến ngày 8/4.

Giải thưởng Henri Queffenlec trao cho tác phẩm “Biển Và Chim Bói Cá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, do Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn Việt Nam và Công ty Nhã Nam phát hành năm 2009, tái bản năm 2010.

Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” bản Việt ngữ có 538 trang, được dịch giả Tây Hà dịch ra tiếng Pháp 514 trang, NXB l’Aube phát hành năm 2011, có tựa đề là “La mer et le matin-pêcheur“.
La mer et le matin-pêcheur” đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp của Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và giành Giải Thưởng Lớn (Grand Prix), không có giải nhì, đó là:
– Dominique Fortier, nữ văn sĩ Canada, với tác phẩm “Cách Dùng Các Vì Sao“, NXB Table Ronde.
– Francois Bellec, nhà văn Pháp, với “Cây Ban Đêm“, NXB Jean Claude Lattès.
– Eric Fottorino, nhà văn Pháp, giám đốc nhật báo “Le Monde”, với tác phẩm “Bơi Ngửa“, NXB Gallimard.
– Pilar Hélène Sugers, nữ văn sĩ Pháp, với tác phẩm “Hội Gió Ở Aixlen“, NXB Jean Claude Lattès.
– Jose Pinelli, hoạ sĩ Bỉ, và Jean Bernard Pouy, nhà văn Pháp, với tác phẩm “Con Tầu Dưới Gió“, NXB Jean Claude Lattès.
Festival “Livre et Mer” được tổ chức hàng năm ở Pháp với mục đích tôn vinh những tác phẩm viết về biển.
Giải thưởng của Festival mang tên nhà văn Henri Queffélec, một trong những tác giả nổi tiếng nhất viết về biển bằng tiếng Pháp trong thế kỷ 20 và là người sáng lập giải thưởng văn học uy tín này.

Sự công nhận quốc tế đối với một tài năng đã bị bạc đãi

Theo tin trên trang website Bùi Ngọc Tấn, thay mặt nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong lễ trao giải, dịch giả Tây Hà phát biểu:
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện đang ở Việt Nam và rất tiếc không đến dự được buổi họp hôm nay. Thay mặt tác giả là dịch giả. Dịch giả chỉ là người thi hành và thấy mình thật bé nhỏ khi đứng với bao nhiêu nhà sáng tạo. Chúng tôi rất cảm động vui mừng và cảm ơn nhận giải thưởng Đại Hội đã dành cho “Biển và Chim Bói Cá”. Sự cảm động và vui mừng tác giả đã biểu lộ khi được tôi báo tin trên điện thoại.
Giải thưởng này là một vinh dự, một niềm vui, và là một an ủi cho chúng tôi, vì nó là một sự công nhận quốc tế đối với một tài năng bị bạc đãi ở chính nước mình. Tác giả đã từng nhận nhiều giải thưởng có tầm cỡ toàn quốc, ở trong nước. Nhưng ông đã bị giam cầm vì tài năng của mình. Bởi một người tài không bao giờ chấp nhận những điều phi lý hoặc phản công lý dù những điều đó dựa vào sức mạnh.
Tôi sẽ chuyển giải thưởng cho tác giả khi về Việt Nam và chúng tôi sẽ có cuộc liên hoan với các bạn nhà văn, nghệ sĩ, có rượu và cá như đã viết trong tiểu thuyết“.
Dịch giả Tây Hà cũng đã đọc lời chào mừng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi đến Festival:
Tôi chào mừng Đại Hội Biển và Sách. Đạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này“.
Cuốn tiểu thuyết “Biển Và Chim Bói Cá” là cuốn sách thứ 2 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được NXB Aube phát hành, sau tập truyện ngắn “Une vie de chien” gồm 7 truyện ngắn (Khói; Người chăn kiến; Truyện không trên; Những người đi ở; Một ngày dài đằng đẵng; Cún; Dị bản một truyện đã in) ấn hành năm 2007 và được tái bản năm 2011 dưới dạng bỏ túi (poche).

Chút kỷ niệm riêng sâu sắc

Tôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ cuốn “Chuyện Kể Năm 2000” và năm 2002 mới được đọc nó nhờ một người bạn mua ở Mỹ gửi qua Ba Lan cho, vì cuốn sách không được xuất bản tại Việt Nam.
Chuyện Kể Năm 2000” được cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến khá rộng rãi. Cuốn tiểu thuyết thực chất là hồi tưởng của nhà văn về cuộc sống trong 5 năm (1968-1973) bị tập trung cải tạo oan ức và bất công chỉ vì những chính kiến khác với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước các nghịch lý và bất công xã hội.
Cuộc sống trong tù đơn điệu, nhàm chán đã được nhà văn Bùi Ngọc Tấn mô tả trong “Chuyện Kể Năm 2000” một cách sống động, cuốn hút qua ngòi bút tài tình của mình. Trong những khoảnh khắc bi kịch nhất, có lúc tia sáng chợt loé thúc dục cho con người vươn tới sự sống, sự tồn tại bằng hình ảnh lãng mạn và đẹp tuyệt vời của tình yêu với người vợ thuỷ chung. Cả cuốn sách đầy ắp tính nhân văn chứa đựng liên tiếp những bi kịch, những nụ cười chảy nước mắt của những tù nhân trong hoàn cảnh cùng cực và bi thương về vật chất và tinh thần.
Tháng 7 năm 2009, cô bạn nhà báo Lan Hương ở Moscow sang Ba Lan chơi cho tôi hay cô đã hoàn tất thủ tục mời nhà văn Bùi Ngọc Tấn sang thăm nước Nga.
Đến thăm nước Nga là niềm mơ ước lớn không chỉ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, mà của nhiều người trong giới cầm bút ở miền Bắc, đã sớm làm quen với tác phẩm của những cây cổ thụ văn học thế giới như L. Tolstoy, F. Dostoyevsky, A. Sakharov, B. Pasterniak, A. Solzhenitsyn, K. Pautovsky, M. Sholokhov…
Tháng 9 năm 2009, tôi từ Ba Lan bay qua, Lan Hương và nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi tàu từ Moscow tới, điểm hội tụ là thành phố Saint Petersburg.
Thấy nhau là tay bắt mặt mừng ngay vì chúng tôi đều cùng đã nghe về nhau, chỉ chưa có cơ hội gặp mà thôi, lại có người bạn chung là nhà văn Vũ Thư Hiên, nên tôi xin phép gọi bằng “anh” cho thân mật và gần gũi, mặc dù “anh” thuộc tuổi cha chú của tôi.
Tôi và anh được Lan Hương tiếp đón trên cả mức tận tâm, tận tình. Anh Tấn và tôi ngủ chung một phòng lớn. Đêm nào cũng trò chuyện tới khuya. Ban ngày, với kinh nghiệm nhiều năm ở Nga, chỉ trong 5 ngày mà Lan Hương đã cho chúng tôi đi thăm thú gần hết những nơi nổi tiếng nhất và đẹp nhất của St. Petersburg. Ban đêm chúng tôi đưa anh đi thưởng thức các món ăn dân tộc Nga, đặc biệt là thịt trừu nướng bằng than từ cây bạch dương…
St. Petersburg nằm trên sông Neva đổ ra biển Baltic phía Bắc, có khoảng 1000 chiếc cầu ngang dọc với kiến trúc muôn hình, muôn vẻ, được Peter Đại đế (Peter the Great) khởi công xây dựng từ năm 1703, tổng hợp theo kiến trúc của các trường phái từ Paris, Roma, Vienna… Rất nhiều cổ vật tinh hoa của các nền văn hoá thế giới bao gồm cả Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư… đã được Peter Đại Đế và các triều đại Nga kế tiếp mua về trang điểm và làm giàu cho St. Petersburg.
Từ khi Putin, người xuất thân từ St. Petersburg, lên làm Tổng thống Nga năm 2000 và nhất là từ đợt chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh, đón các nguyên thủ quốc gia G8 vào năm 2006, các di tích lịch sử, bảo tàng được nhà nước Nga bỏ tiền tu sửa rất nhiều. Vào một buổi chiều tối chúng tôi đi tàu dọc sông Neva ngắm toàn cảnh thành phố lung linh dưới ánh sáng đủ màu hắt lên mặt nước, đẹp không thua kém bao nhiêu thủ đô Paris trên dòng sông Sein.

Lê Diễn Đức và nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong Cung điện Nữ hoàng Catherine, St. Petersburg 9/2009 – Ảnh: LDĐ

Chuyến thăm nhau ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi hình ảnh một nhà văn rất quý mến, thân thiện, với vóc dáng nhỏ bé, nét mặt khắc khổ, hiền lành, nhận hậu mà can đảm, nhẫn nhịn mà luôn giữ nhân cách trong sáng.

Tôi đã mời và hứa sẽ tìm cách “lo liệu” cho anh sang thăm Ba Lan một chuyến nhưng chưa thực hiện được.

Anh Tấn cho tôi tất cả các thông tin cá nhân của anh ở Hải Phòng: địa chỉ nhà, số điện thoại, email, nhưng từ lúc chia tay anh, tôi dường như tôi không liên lạc với anh. Anh đã trải qua những tháng ngày quá đau khổ, giờ chỉ muốn sống yên tĩnh đến cuối cuộc đời, như một người ở ẩn. Tôi muốn tránh cho anh vì những liên hệ với tôi mà có thể gặp những rắc rối, phiền toái không cần thiết từ phía nhà cầm quyền.

Do vậy, anh không qua Pháp tham dự Festival Livre et Mer và nhận giải thường Henri Queffenlec không biết vì nhà cầm quyền Việt Nam gây khó hay là do sức khoẻ yếu. Năm nay anh 78 tuổi rồi. Hồi qua St. Petersburg anh bị đau khớp chân nặng, nhiều lúc anh phải vịn vai tôi nhích từng bước trong những buổi đi chơi hoặc thăm thú các viện bảo tàng, di tích lịch sử. Thế nhưng, cách đây khoảng gần một tháng, nhiều nhân sĩ trí thức, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện… từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm anh, tôi hỏi thăm thì biết anh khoẻ bình thường.

Để kết thúc bài viết, tôi chép lại một đoạn giới thiệu trên bìa cuốn “Biển Và Chim Bói Cá” mà anh đã ký tặng tôi hồi tháng 9/2009 tại St. Petersburg:

Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu biến động của Lịch Sử. Một thế hệ nhiều năm rồi nằm trong tầm bắn tỉa của Thần Chết, đang biến mất khỏi hành tinh này không để lại vết xước nào. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ ký ức của Dân Tộc“.

Vâng, rất nhiều biến cố lịch sử sẽ qua đi, nhạt nhoà, phôi pha theo thời gian. Nếu những người cầm bút không nỗ lực làm việc và tạo ra các tác phẩm có giá trị thì nhiều thế hệ sau sẽ không biết được cha ông đã từng trải qua một quá khứ bi kịch, hãi hùng như thế nào dưới thời cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng anh Bùi Ngọc Tấn nói đúng: Phải trung thực khi cầm bút. Chỉ với sự trung thực, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội, thì các tác phẩm tạo ra mới tồn tại và được quý trọng qua mọi thời gian.

Ngày 9/4/2012
© 2012 Lê Diễn Đức  RFA Blog

Bùi Ngọc Tấn – Người chăn kiến

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Tôi muốn gọi ông như vậy, dù đó là tên một nhân vật do chính ông tạo ra trong một truyện ngắn cùng tên.

Truyện kể về một ông giám đốc bị đi tù oan, rồi nhờ dáng vẻ trí thức, ông được một “đại bàng” giàu óc tưởng tượng và chán trò đấm đá tha cho trận đòn “nhập môn” mà đựơc trần truồng đứng làm tượng Nữ Thần Tự Do.

Đóng vai này, ông thèm được là một người trong cả chục người vây chung quanh phục dịch “đại bàng”, thèm đựơc như ông già chủ nhiệm hợp tác rụng hết răng móm mém ôm bọc “nội vụ” đi quanh buồng giam hát ru em bài ‘Bé bé bằng bông’ (một bài hát cho trẻ em ở miền Bắc thời kỳ chiến tranh).

Và đặc biệt thèm được chăn những con kiến trong cái vòng tròn bé tí vẽ bằng gạch non trên nền buồng giam, một trò chơi do tay “đại bàng” nghĩ ra.

Cho đến ngày ông được minh oan, trở về công việc cũ. Tất cả đều ổn. Nhưng cứ vào giờ ngủ trưa, phòng giám đốc luôn khóa trái: ông nhìn trước nhìn sau, rồi mở ngăn kéo, lôi ra hai con kiến, vẽ một cái vòng tròn nhốt chúng, bẻ bánh bích quy cho chúng ăn, lấy namecard chặn chúng…

Rồi như sực nhớ, ông hốt hoảng cởi bỏ áo quần, leo lên bàn, mắt nhìn về phía xa, tay giơ cao kiêu hãnh, trong tư thế của Nữ thần Tự do.

Cái vòng tròn nhỏ xíu ấy không giữ nổi hai con kiến nhưng chính là cái vòng kim cô nhốt trọn thân phận của một con người!

Bùi Ngọc Tấn không bao giờ ra khỏi câu chuyện đó, vòng tròn đó, vì nó là thân phận của chính ông. Cả những con chữ của ông cũng thế, như những con cá mới đánh lên từ biển, chúng căng mọng tình yêu và ròng ròng máu đỏ, dù vừa phải đi một chặng xa, từ thập kỷ 60 thế kỷ trước đến trước thềm năm 2000.

“Không có tự do làm sao có tiểu thuyết hay được. Làm sao hội thảo về tiểu thuyết lại có A.25? Có sự giám sát của công an? Mới chỉ bàn về tiểu thuyết thôi đã không có tự do rồi.”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Cuộc trao đổi này diễn ra từ năm 2001, khi cuốn “Truyện kể năm 2000” của ông vừa in xong chưa lâu đã buộc phải đi vào “lưu hành bí mật”, và được tiếp tục bổ sung năm 2002. Toàn văn bài viết cũng chưa từng công bố.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (NV BNT): Cảm ơn chị đã nhớ tới truyện ngắn đó. Tôi viết để dự thi cuộc thi truyện cực ngắn của Tạp chí Thế Giới Mới. Viết chỉ trong một ngày xong. Đinh ninh nó sẽ đựơc giải. Thế nhưng ngay cả in trên tạp chí cũng không. Sau vụ đó, tôi càng hiểu giải thưởng có ý nghĩa gì.

Phạm Tường Vân (PTV): Nghĩa là từ chỗ tin tưởng vào giải thưởng, ông trở nên hoài nghi và mất hết hy vọng. Thật ra, giải thưởng có đáng cho chúng ta kỳ vọng hay thất vọng tuyệt đối vào nó hay không?

NV BNT: Giải thưởng của các báo, các nhà xuất bản, của Hội Nhà văn đều nhằm định hướng cho sáng tác. Các định hướng mà chúng ta đều thấy cần phải thay đổi. Thế nhưng giải thưởng nói rằng: Hãy cứ viết như vậy. Và từ đó tôi không quan tâm đến giải thưởng cũng như các sáng tác được giải.

PTV: Nhưng giải thưởng Hội Nhà văn cũng đã vài lần trao đúng địa chỉ, chẳng lẽ đó là ngoại lệ?

NV BNT: Những ngoại lệ hiếm hoi, đó là những năm trao giải cho các tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng, mà xuất sắc nhất là Nỗi buồn chiến tranh.

Đó là cuốn tiểu thuyết làm vẻ vang cho nền tiểu thuyết Việt Nam. Nhưng thật đáng buồn, sau đó đã có cuộc vận động những người bỏ phiếu cho nó đựơc giải thưởng viết bài phản tỉnh, nghĩa là đã có định hướng lại công cuộc sáng tác. Đáng buồn hơn, đã có nhiều nhà văn trong hội đồng xét thưởng viết bài tự phê phán.

Nhưng một tác phẩm văn chương đích thực không bao giờ vì thế mà chết hay mất đi vài nấc thang giá trị.

Văn chương là thế. Dìm không xuống, kéo không lên.

Đó cũng là một trong nhiều lý do tôi thích công việc này. Nó tồn tại bằng giá trị tự thân. Sống bằng cái gì mình có.

Tiểu thuyết Việt Nam

PTV: Một nhà phê bình văn học nhận xét: “Tiểu thuyết Việt Nam, nỗi buồn triền miên, có thể kéo dài từ năm nay sang năm khác, hết hội thảo này đến hội thảo khác”. Là tác giả của một cuốn tiểu thuyết gây chấn động năm 2000, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng và tương lai của tiểu thuyết Việt Nam?

NV BNT: Tiểu thuyết nước ta quá ít thành tựu. Đã có quyển được tung hô, đựơc phát động đọc, được giảng dạy, đựơc bao cấp để rồi in đi in lại, nghĩa là quyết tâm hà hơi tiếp sức nhưng nó cứ chết thôi. Như tôi vừa nói, năm nào cũng có giải thưởng văn chương, giải thưởng tiểu thuyết nhưng chẳng lưu lại điều gì trong lòng bạn đọc.

Thời chiến tranh, làm văn học minh họa, văn học “phải đạo”, điều đó hiểu được. Bây giờ không thể thế. Bạn đọc đã bội thực, chúng ta đã chán chúng ta.

Cuối năm tổng kết thành tựu này thành tựu khác. Rồi ít lâu sau lại nói chúng ta còn hời hợt, chưa phản ánh được cuộc sống, thời đại này là thời đại của tiểu thuyết mà không có tiểu thuyết, kêu gọi hãy viết các tác phẩm lớn ngang tầm thời đại.

Và năm sau tổng kết lại có nhiều thành tựu. Để sau đó lại nói là không đọc tiểu thuyết mười năm sau cũng chẳng có vấn đề gì. Rồi khẳng định tiểu huyết là xương sống của một nền văn học. Và kêu gọi…

Cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy tiếp diễn, không biết bao giờ mới thoát được ra.

PTV: Và các hội thảo vẫn cứ tiếp tục diễn ra như thể người ta thực lòng mong có một nền tiểu thuyết tầm cỡ. Nhưng thật ra…

NV BNT: Vâng, hội thảo, chi tiền, mời nhà văn, nhà lý luận. Học thuật. Kinh nghiệm. Trong và ngoài nước. Tổng kết và rút ra rất nhiều điều. Cứ như là thực lòng mong có tiểu thuyết hay!

Cuối năm 2002, Hội Nhà văn tổ chức hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết có mời tôi. Nhưng tôi không đi. Tôi cảm thấy hết tính chất hình thức của những cuộc hội thảo kiểu này. Tôi sợ mình vốn trung thực, lên đấy muốn đóng góp cho thành công của hội thảo cứ nói toạc ra ra những điều mình nghĩ thì lại thành scandal, bất tiện.

Ví dụ tôi sẽ hỏi: Có thật chúng ta muốn có tiểu thuyết hay, tiểu thuyết lớn hay không? Hay chỉ nói để mà nói? “Nói dzậy mà không phải dzậy”?

Những đề dẫn, những tham luận trong các buổi hội thảo đều rất hay, rất công phu nhưng có một điều ngày thường khi trao đổi cùng nhau ai cũng coi như điều kiện tối thiểu bắt buộc để có tiểu thuyết hay lại không hề được nhắc đến hay phân tích. Đó là Tự Do!

Không có tự do làm sao có tiểu thuyết hay được. Làm sao hội thảo về tiểu thuyết lại có A.25? Có sự giám sát của công an? Mới chỉ bàn về tiểu thuyết thôi đã không có tự do rồi.

Tiểu thuyết Biển và Chim Bói cá xuất bản bằng tiếng Pháp
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn  vừa được trao giải Henri Queffenlec của Pháp

Tôi không trách hay ghét gì các anh công an văn hóa. Hãy nhìn các anh công an văn hóa đến dự những buổi hội họp văn chương nghệ thuật, họ mới ngượng nghịu làm sao!

Tôi nói đây là nói về cơ chế. Một cơ thế tồn tại quá lâu, quá phi lý nhưng đã trở thành tự nhiên như cuộc sống. Không ai dám đứng ra tháo gỡ. Cần lưu ý rằng nhà văn là những người yêu nước, rất yêu nước. Hãy tin ở họ. Họ yêu nước không kém bất kỳ một người Việt Nam nào.

PTV: Chừng nào xã hội còn được sắp xếp theo kiểu đó, nền văn học của một quốc gia còn được Hội Nhà văn “điều hành” theo kiểu đó thì sẽ không có tiểu thuyết?

NV BNT: Có thể nói thế này: Tôi hoài nghi về tương lai của tiểu thuyết Việt Nam.

PTV: Quan hệ giữa nhà văn và nhà cầm quyền thường ít khi suôn sẻ, ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng xin nói thật, có thể tin rằng có một cái gọi là lòng yêu nước của các nhà văn, nhưng ít ai trông cậy vào bản lĩnh và ý chí của họ, bởi anh ta quá yếu ớt và yếm thế. Và như vậy, việc các nhà chức trách để mắt đến nhà văn và các hội thảo vô thưởng vô phạt của họ là một việc làm vô ích và lãng phí.

NV BNT: Những nhà văn đúng nghĩa thường lặng lẽ ngồi bên bàn viết, cặm cụi tháng năm hao tâm tổn trí trên từng dòng chữ kể lại những gì đã làm họ xúc động và mong đựơc chia sẻ. Họ chẳng thể áp đặt đựơc gì đối với ai. Làm sao một người viết tiểu thuyết chân chính dù tài năng như L. Tolstoi, G. Marquez hay E. Hemingway bằng những trang viết của mình lại có thể lật đổ được chế độ?

Tôi muốn dẫn ra đây ý kiến của M. Kundera, nhà tiểu thuyết người Pháp gốc Tiệp: “Tôi đã nhìn thấy và sống qua cái chết của tiểu thuyết, cái chết bất đắc kỳ tử của nó (bằng những cấm đoán, kiểm duyệt, bằng áp lực của ý thức hệ), trong cái thế giới mà tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời tôi và và ngày nay người ta gọi là thế giới toàn trị (…)

“Tiểu thuyết không thể tương hợp được với thế giới toàn trị. Sự xung khắc này còn sâu sắc hơn cả xung khắc giữa một người ly khai và một kẻ thuộc bộ máy cầm quyền, giữa một con người đấu tranh cho nhân quyền và một kẻ chuyên tra tấn người, bởi vì nó không chỉ có tính cách chính trị hay đạo đức, mà có tính cách bản thể. “

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Tiểu thuyết không thể tương hợp được với thế giới toàn trị. Sự xung khắc này còn sâu sắc hơn cả xung khắc giữa một người ly khai và một kẻ thuộc bộ máy cầm quyền, giữa một con người đấu tranh cho nhân quyền và một kẻ chuyên tra tấn người, bởi vì nó không chỉ có tính cách chính trị hay đạo đức, mà có tính cách bản thể. Điều đó có nghĩa là cái thế giới cơ sở trên chân lý duy nhất và thế giới nứơc đôi và tương đối của tiểu thuyết đựơc nhào nặn theo những cách thức hoàn toàn khác nhau…”

PTV: Điều gì đáng báo động nhất trong tiểu thuyết hiện nay?

NV BNT: Thiếu vắng tính chân thực. Chị đã bao giờ đóng cửa một mình trong buồng, đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó mà vẫn cứ xấu hổ đỏ rừ mặt chưa?

PTV: Chưa. Vì tôi sẽ sớm bỏ sách xuống. Có lẽ bởi tôi không có cái mặc cảm của người trong cuộc chăng?

NV BNT: Tôi đã bị như vậy. Xấu hổ về sự bịa đặt khiên cưỡng, uốn éo né tránh mà làm ra vẻ ta đây rất dũng cảm, rất chân thực. Hàng giả trăm phần trăm mà dám tự tin nói là hàng thật, hàng xịn. Làm sao lừa đựơc độc giả. Xấu hổ về cái ông tác giả vẫn cứ tưởng mình lừa được thiên hạ. Nhưng có lẽ không phải lỗi ở họ, hoặc lỗi ở họ rất ít.

Cũng cần nói thêm là chân thực không phải là chụp ảnh cuộc sống. Mà là tìm tới cội nguồn, cái gốc gác, cái động mạch chủ của cuộc sống.

PTV: Cuốn sách của ông được đánh giá cao vì tính chân thực. Tại sao ông lại chọn lối viết này trong khi nó vừa nguy hiểm vừa kém mô-đéc?

NV BNT: Tôi cố gắng giảm bớt tí ti sự thiếu hụt đó. Ngay từ những năm 60, tôi và bạn bè đã nói với nhau những khao khát được viết thật. Một mơ ước chính đáng và nhỏ nhoi, nhưng rất hão huyền. Càng vô vọng khi tôi ở tù ra. Thế nhưng chị thấy đấy. Cuộc sống dù sao vẫn cứ đi lên, dù rất chậm. Dù thế nào trái đất vẫn cứ quay. Tôi không ngơi tin ở cuộc sống.

PTV: Tại sao “Thân phận tình yêu” lại nhìn chiến tranh khác với tất cả các tiểu thuyết Việt Nam trước đó về chiến tranh? Bậc thầy của nghệ thuật “tô hồng”, Roman Carmen, tác giả của những thước phim tài liệu hùng tráng nhất trong lịch sử cách mạng Xô Viết, cũng có một câu nói lúc cuối đời: “Không có sự thật, chỉ có sự thật mà nhà quay phim muốn thấy”. Văn học cũng không nằm ngoài “định luật” này?

NV BNT: Đúng vậy. Khủng khiếp nhất là suốt bao nhiêu năm tất cả “các nhà quay phim” đều chỉ được phép có một kiểu thấy duy nhất thay vì để nhiều cách nhìn cùng tồn tại. Nhà văn Nguyên Ngọc có kể cho tôi nghe câu chuyện sau: Một vị chỉ huy mặt trận có anh lính Bảo Ninh tham gia chiến đấu sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, hỏi nhà văn Bảo Ninh: “Dạo ấy mình cũng ở đấy, tình hình có như cậu viết đâu? ”.

Và nhà văn Bảo Ninh trả lời: “Đấy là cuộc chiến tranh của anh. Còn tôi viết về cuộc chiến tranh của tôi”. Bảo Ninh đã nhìn chiến tranh bằng cặp mắt của anh. Bảo Ninh đã dám là mình, điều kiện trước tiên để có sáng tác hay.

PTV: Ông có lần nhắc đến cụm từ “chất độc màu da cam” hay là từ “quán tính”? Nó chỉ trạng thái này chăng? Ông đã trở lại với sáng tác như thế nào?

NV BNT: Bây giờ tôi còn một chồng sổ tay ghi chép trong thời gian đi làm đánh cá, toàn bộ tư liệu đó phải vứt đi hết. Ngồi tù rồi mà vẫn “bắt” những chi tiết đó, vẫn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó ngấm vào máu mình rồi, thế mới lạ.

Những con người thời tôi sống thật sự đáng yêu nhưng không đáng yêu theo kiểu tôi nghĩ, họ đáng yêu theo kiểu khác. Tôi đã bỏ qua hết những mảng khác, những mảng tối của con người.

Khi sực nhận ra điều ấy, tôi đau lắm. Quả thật tôi không ngờ mình sẽ viết trở lại.

Viết với tư cách công dân, tư cách nhà văn hẳn hoi chứ không phải viết lăng nhăng hoặc viết chui. Năm 1986, đọc được những sáng tác như mình muốn viết, tôi hiểu: thời thế văn chương đã khác. Đầu 1990, khi làn gió dân chủ, đổi mới thổi suốt từ bức tường Berlin sụp đổ đến nước chúng ta, tôi đã viết lại. Đầu tiên là Nguyên Hồng- Thời đã mất. Sau đó là Người ở cực bên kia, Cún. Sau Cún là Mộng du (tên đầu tiên của tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000).

Tại sao tôi chọn cách viết này ư? Tôi nghĩ mình thuộc thế hệ già rồi. Đổi mới tư duy tiểu thuyết đối với tôi hơi vất vả. Tôi cũng nghĩ rằng điều cần thiết nhất đối với mình lúc này là cuốn sách phải đầy sức thuyết phục, không ai nói được là nó bịa đặt. Và một nhu cầu nhỏ bé nhưng chính đáng: viết thế nào để tự bảo vệ mình, tránh những đòn hội chợ vẫn hay xảy ra với những sáng tác có vấn đề, không loại trừ cả vòng lao lý…

“Khi tôi viết tôi chỉ nghĩ phải viết đúng như mình thấy, đúng như mình nghĩ. Giản dị, chân thực như cuộc sống. Ai đọc cũng hiểu. “

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

PTV: Ông có nghĩ là ở vào thời điểm này, chúng ta mới đặt ra một khái niệm vỡ lòng là viết thực, không dối trá, là hơi tụt hậu không?

NV BNT: Thế hệ chúng tôi đã sống qua những năm tháng thật sung sướng và cũng thật đau khổ, thật hạnh phúc nhưng cũng thật bất hạnh như tôi đã tổng kết trong Một thời để mất, tập sách đầu tiên của tôi in sau 27 năm im lặng. Không thể để những năm tháng ấy rơi vào quên lãng.

Thế hệ chúng tôi sắp đi qua trái đất này, tôi muốn những thế hệ sau biết đã có một lớp người sống như thế đấy. Tôi muốn nhà văn là thư ký, là người chép sử của thời đại.

Phẩm chất đầu tiên của những người này phải có là sự trung thực. Cho dù có bị chê là cổ.

PTV: Chương, đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết làm ông ưng ý nhất?

NV BNT: Thật khó cho tôi. Có lẽ đó là chương viết về Già Đô, chương ở sân kho hợp tác. Và nhất là chương tiếng chim “còn khổ”. Những tiếng chim ấy đã đóng dấu tuyệt vọng nung đỏ vào não tôi. Mảnh sân kho hợp tác là tuổi trẻ của tôi. Và chương viết về Già Đô là kết quả sức tưởng tượng của tôi.

PTV: Nghĩa là Già Đô là nhân vật duy nhất được hư cấu?

NV BNT: Già là kết quả tổng hợp của nhiều già khác kể cả tình yêu của tôi đối với một nhà thơ làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã chết: Tuân Nguyễn.

PTV: Có ai chê cuốn sách hơi dài?

NV BNT: Có thể. Nhưng Lâu đài của Kafka, Những kẻ tủi nhục của Dostoievski, Con đường xứ Flandes của Claude Simon triền miên hồi tưởng hẳn cũng dài. Tôi tìm sự hấp dẫn ở chi tiết chứ không phải ở cốt truyện ly kì.

Đó là một điều khó. Viết gần một nghìn trang không có cốt truyện, không kể lại được là điều không đơn giản. Chị đã đọc Henri Charriere hẳn thấy Papillon có cốt truyện cực kỳ hấp dẫn vì bản thân đời tù của Charrier là như vậy. Còn chuyện tù Việt Nam rất đơn điệu. Anh tù 100 ngày cũng như anh tù 1.000 ngày, 10.000 ngày.

Và điều kinh khủng nhất là không ai thổ lộ tâm sự cùng nhau. Không ai tin ai, mỗi người là một vòng tròn khép kín. Khó viết lắm.

PTV: Mạch truyện hiện lên qua hồi ức, có khi chồng lên, khi hoán đổi thứ tự. Phương pháp đồng hiện từ thời tiểu thuyết mới có phải là chủ ý của ông?

NV BNT: Tôi không tin một nhà văn nào lại có thể thành công nếu ngay trong khi viết anh ta tâm niệm định sẵn cho tác phẩm của mình khuôn theo một trường phái nhất định nào. Khi viết, tôi chỉ nghĩ viết sao cho hay, cho chân thực và viết bằng trái tim mình.

Với tôi văn chương có hai loại: hay và không hay. Thế thôi, tôi không chạy theo các mốt.

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng cách đây nửa thế kỷ rồi. Có còn gì mới nữa đâu. Tôi đồ rằng khi viết Ông già và biển cả, Hemingway không cũng không nghĩ mình mình sẽ viết theo dòng hậu hiện đại hay hiện đại, hiện sinh hay phản cấu trúc.

“Ai đã bươc vào nhà tù, vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Hãy thận trọng, những ai được quyền xử lý con người!”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Ông viết vì ông quá hiểu, quá yêu biển Cuba cùng những người đánh cá Cuba và thấy klhông thể không vợi bớt lòng mình, không thể không viết về họ. Tôi đoán vậy bằng kinh nghiệm của tôi và các bạn của tôi.

Khi tôi viết tôi chỉ nghĩ phải viết đúng như mình thấy, đúng như mình nghĩ. Giản dị, chân thực như cuộc sống. Ai đọc cũng hiểu.

Quyển sách của tôi không phải của riêng một tầng lớp nào. Nó là của mọi người. Tôi không làm khó hiểu những điều dễ hiểu. Tôi không làm rắc rối những điều đơn giản.

Phương pháp đồng hiện chỉ nhằm chuyển tải được một trong những nội dung và thông điệp của tôi: Ai đã bước vào nhà tù, vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Hãy thận trọng, những ai được quyền xử lý con người!

PTV: Tôi nhớ truyện ngắn “Người chăn kiến” của ông. Ở đó, sự bám đuổi này đựơc chuyển tải một cách đặc sắc và súc tích hơn nhiều.

NV BNT: Nói thêm với chị rằng trước khi in Chuyện kể năm 2000 (CKN 2000), tôi tung ra một số truyện ngắn về đề tài này để người ta làm quen dần với món ăn mới của tôi.

Như các truyện Người ở cực bên kia, Khói, Người chăn kiến, Một tối vui, Một ngày dài đằng đẵng. Người chăn kiến là một truỵên ngắn thành công nhưng không thể so sánh, Người chăn kiến gần một nghìn từ với CKN 2000 gần 1.000 trang.

Người chăn kiến là một đường cày, còn CKN 2000 là cả một cánh đồng.

Người chăn kiến là một hiện tượng, một lát cắt trong khi CKN 2000 là một lịch sử, một quá trình.

Tôi bằng lòng với CKN 2000. Tôi đã chạm tới cái trần của mình. Tôi đã làm tròn bổn phận.

PTV: Bổn phận với bạn tù, với gia đình, bè bạn, hay trách nhiệm công dân của người cầm bút?

NV BNT: Tất cả. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm công dân.

PTV: Nếu làm một cuộc thăm dò trong các phạm nhân về độ chân thực của cuốn sách, tỉ lệ sẽ là bao nhiêu?

NV BNT: 99%. Tôi tin là như vậy. Có thể còn cao hơn nữa.

Tác phẩm nơi tù đày

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

PTV: Khi vào tù và khi cầm bút nghiền ngẫm về nó, ông có nhớ tới những tác phẩm nhà tù kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam, mà mỗi chúng tôi đều thuộc lòng từ khi ngồi trên ghế nhà trường?

NV BNT: Trong CKN 2000, tôi đã để Tuấn nói với người bạn tù: Phương ơi, từ nay, không ai trong số các nhà văn cách mạng có thể độc quyền đề tài này. Chúng ta bình đẳng với tất cả. Từ nay, không ai có thể loè chúng ta được nữa. Nhà tù là một vật trang sức mà không phải nhà chính trị nào cũng muốn mang.

PTV: Nhiều người ưa so sánh “Chuyện kể năm 2000” với cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên. Và thiện cảm dành cho ông nhiều hơn vì cuốn sách của ông có vẻ “hiền” và có cái “tôi” nhỏ bé hơn?

NV BNT: Ngoài sự khác biệt đặc thù của thể loại, mỗi người có một nhiệm vụ.

Nhiêm vụ của anh Vũ Thư Hiên là vạch rõ, chỉ ra những hạng người nào đã đẩy cha con anh ấy vào một việc như thế. Còn nhiệm vụ của tôi là chỉ ra toàn bộ cơ chế, trật tự nào đã đẻ ra việc này. Một cuộc đời bình thường, khởi đầu đầy lý tưởng, rồi bị làm cho biến dạng đi.

PTV: Trong cái trật tự đáng sợ ấy, ông và các bạn ông đứng ở đâu?

NV BNT: Vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Chính tôi, gia đình và bè bạn đã hăng say góp phần xây dựng và tô điểm thêm cho cái trật tự ấy.

PTV: Tôi đọc trong những gì ông viết có một thông điệp khác: lời thanh minh cho một thế hệ. Những bào chữa muộn màng và đòi hỏi cảm thông cho sự đóng góp ít ỏi của các ông, lớp nhà văn lứa đầu của chủ nghĩa xã hội với những sản phẩm có “họ hàng” với nhau, từ tư tưởng đến hình thức?

NV BNT: Đúng vậy. Đáng buồn là các sản phẩm của chúng tôi làm ra ngày ấy đều hao hao giống nhau như chị nói. Chúng tôi còn trẻ nhưng đã là những Con ngựa già của chúa Trịnh.

PTV: Thành quả có thể tổng kết được của các ông đối với nền văn học nước nhà?

NV BNT: Ít lắm. Không đáng kể.

PTV: Mẫu số chung nào cho thế hệ của ông? Những Mạc Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường…?

NV BNT: Thế hệ có một tuổi trẻ tuyệt vời, giàu có và cuối đời tay trắng! Thế hệ lớn lên gặp cách mạng, theo cách mạng, có kiến thức, có khát vọng, đam mê. Một thế hệ có thể làm mọi việc nhưng bị làm hỏng, và cũng góp phần làm hỏng thêm một thế hệ khác.

PTV: 5 năm đi tù- 5 năm đi thâm nhập thực tế, đã biến ông, từ một nhà văn loại hai của những công dân hạng nhất (những điển hình tiên tiến XHCN), sang nhà văn loại một của những công dân hạng ba (tù tội, đĩ điếm, ăn mày). Ông thấy cái giá đó đắt hay rẻ?

NV BNT: Không có gì đáng buồn hơn là làm một nhà văn hạng hai. Tôi tiêu phí đời mình chỉ mong đổi lấy một trang sách chống chọi với thời gian. Nhưng chị thấy đấy, mong manh lắm.

“Có lẽ lại phải viết thôi. Viết về tuổi trẻ bị đánh mất. Viết về tuổi già xót xa tuổi trẻ. Về nỗi xót thương nhau trong những trái tim mệt mỏi, những mái đầu tóc bạc đang tính đếm những ngày còn lại…”

Nhiều nhà văn bảo tôi “lãi quá”. Tôi hiểu đấy là những lời động viên khen ngợi tôi đã không gục ngã. Chứ muốn “lãi” như tôi có khó gì đâu. Đó là một chuyến “đi thực tế” bất đắc dĩ. Tất cả đều nằm ngoài ý muốn của tôi. Đó là số phận.

Cuối đời mới ngộ ra được một điều: Hãy chấp nhận tất cả những gì đến với mình. Và hãy làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào để không mất hết.

PTV: Khi viết, ông chú tâm đến điều gì?

NV BNT: Lúc ngồi vào bàn viết là lúc tôi dọn mình đối thoại với vô cùng, không nhằm trả lời cụ thể đối với một cá nhân, một tập thể nào, không giải quyết một nỗi bực dọc riêng tư nào. Điều tôi sợ nhất là viết ra thứ văn chương vớ vẩn làm mất thời gian của bạn đọc. Một điều tôi sợ nhất là viết nhạt.

Ông Nguyên Hồng nói một câu chí lý: “Cái tội lớn nhất của các nhà văn Việt Nam là viết nhạt”. Tôi cố gắng để không mắc tội ấy.

PTV: Trong cuộc sống, ở tuổi bảy mươi, ông sợ nhất điều gì?

NV BNT: Sợ nhiều thứ lắm. Nhưng sợ nhất là những người gặp may mắn, được số phận nuông chiều, chưa một lần nếm mùi thất bại. Họ đầy mình chân lý và sẵn sàng ban phát chân lý đó cho bất kỳ ai.

PTV: Các cấp chính quyền đối với ông thế nào?

NV BNT: Sau khi in CKN 2000, tôi được công an mời lên nhiều lần. Nhà tôi, điện thoại của tôi bị giám sát chặt chẽ. Nhiều cuộc họp đảng cơ sở , người ta phổ biến rằng tôi là một không kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ.

Ngay Tết Quý Mùi gần đây thôi, ông bí thư phường tôi họp cán bộ các ngành trong phường tổng kết về Tết an toàn, nói trong phường có một điểm nóng là tôi nên phải phân công trực ca ba, 24 trên 24. Qua Tết không xảy ra chuyện gì mới thở phào.

Cũng phải nói thêm: tất cả những vị đứng ra truyền đạt những nhận xét về tôi đều chưa đọc tập tiểu thuyết của tôi. Một người bạn có chân trong Đảng dự họp nói ông ta có bản photo CKN 2000, ai muốn đọc, ông ta cho mượn, nhưng chờ mãi mà không ai mượn, nghe cấp trên truyền đạt lại là dủ, làm gì phải đọc, phải suy nghĩ, phải động não cho mệt người. Rất may là tôi và vợ tôi đầu đã quen với những cung cách đối xử như vậy.

PTV: Đọc những trang ông viết về Ngọc, vợ Tuấn, người ta muốn khóc. Hình như những tình yêu đẹp như thế trong cuộc sống đã hoàn toàn biến mất. Ông là nhà văn hiếm hoi (may mắn?) có một tình yêu đẹp với… vợ mình, yêu vợ được rất lâu và chưa hề ngoại tình?

NV BNT: Có hiếm hoi thật không? Cứ hình dung thế này, một cô gái Hà Nội bé như cái kẹo, xinh xắn, hiền dịu, mộng mơ, có cả một tương lai phơi phới và nhiều người ngấp nghé nữa chứ, chọn tôi, gắn bó chung thủy với tôi rồi mất cả đời.

Ngoài tình yêu, tôi còn rất biết ơn vợ. Nhiều người đi tù, vợ lăng nhăng hay lấy chồng khác, thế là tan cửa nát nhà. Thế là con cái thành trẻ bụi đời, lại theo chân bố vào tù.

Tất cả những gì tôi và các con tôi có được hôm nay đều gắn liền với sự đóng góp của vợ tôi, một người sinh ra để sống cho người khác, vì người khác. Giờ đây mỗi sáng quét nhà, nhặt những sợi tóc bạc của bà ấy, thấy đau.

Sắp hết đời rồi, sắp đến cõi rồi. Có lẽ lại phải viết thôi. Viết về tuổi trẻ bị đánh mất. Viết về tuổi già xót xa tuổi trẻ. Về nỗi xót thương nhau trong những trái tim mệt mỏi, những mái đầu tóc bạc đang tính đếm những ngày còn lại…

Phạm Tường Vân (Theo BBCVietnamese)

Bùi Ngọc Tấn đoại giải thưởng Henri Queffélec

Festival Livre et Mer (Sách và Biển) là một festival hàng năm ở Pháp nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển. Giải thưởng  mang tên nhà văn Henri Queffélec, người được xem là một trong những tác giả vĩ đại nhất viết về biển bằng tiếng Pháp trong thế kỷ 20.

Năm nay  có 6 tác phẩm lọt vào chung khảo. Các tác giả đều là các nhà văn chuyên nghiệp:

– Dominique Fortier nữ văn sĩ Canada với tác phẩm Cách Dùng Các Vì Sao nhà xuất bản Table Ronde

– Francois Bellec nhà văn Pháp, với tác phẩm Cây Ban Đêm nxb Jean Claude Lattès

– Eric Fottorino nhà văn Pháp, giám đốc nhật báo Le Monde với tác phẩm Bơi Ngửa nxb Gallimard

– Jose Pinelli (hoạ sĩ người Bỉ) và Jean Bernard Pouy (nhà văn Pháp) với Con Tầu Dưới Gió nxb Jean Claude Lattès

– Pilar Hélène Sugers nữ văn sĩ Pháp với Hội Gió ở Aixlen nxb Jean Claude Lattès

– Bùi Ngọc Tấn nhà văn Việt Nam với Biển và Chim Bói Cá nxb Aube

Vượt qua 5 tác phẩm trên, Biển và Chim Bói Cá (BVCBC) đã được ban giám khảo tặng giải thưởng.

Festival Livre et Mer sẽ được tổ chức trong 3 ngày.

– Thứ sáu 6-4-2012 : 19 giờ trao giải thưởng Henri Queffélec cho BVCBC do ông chủ tịch Francois Bourgeon.

Ảnh: Giải thưởng được trao bởi ông François Bourgeon, chủ tịch danh dự Festival và trưởng hội đồng tuyển chọn, cho dịch giả Tây Hà.

– Thứ bẩy 7-4-2012 :

10 giờ : Dịch giả thay mặt tác giả ký tặng sách BVCBC.

19 giờ : Trích đọc BVCBC do một nghệ sĩ đảm nhiệm. Giao lưu giữa bạn đọc và dịch giả. Dịch giả nói chuyện với bạn đọc về tác giả Bùi Ngọc Tấn.

– Chủ nhật 8-4-2012 : Trao đổi đặc biệt giữa các tác giả được vào chung khảo.

Dưới đây là bài phát biểu của dịch giả Tây Hà thay mặt tác giả Bùi Ngọc Tấn trong lễ trao giải:

L’auteur Bùi Ngọc Tấn est au Vietnam et regrette beaucoup de ne pas pouvoir assister à cette cérémonie. C’est son traducteur qui le représente. Le traducteur n’est qu’un exécutant, très impressionné de se trouver parmi tous ces créateurs.

C’est avec émotion, joie et reconnaissance que nous recevons le prix décerné à l’ouvrage, La Mer et le Martin pêcheur. Le nous ici n’est pas de majesté, il est simplement pluriel. Cette joie et cette émotion l’auteur me les a exprimées quand je l’ai eu au téléphone.

Ảnh: Dịch giả Tây Hà tại buổi lễ trao giải thưởng (hình chụp bởi Stéphane Cariou)

Ce prix est pour nous une grande joie, un honneur et une consolation, parce qu’il est la reconnaissance internationale d’un talent mal traité dans son pays. L’auteur a eu de nombreux prix au Vietnam, au niveau national. Mais il a aussi connu la prison en raison de son talent, parce que le talent ne se soumet pas à l’arbitraire et à l’injustice, fussent-ils soutenus par la force.

Je remettrai ce prix à l’auteur à mon prochain voyage au Vietnam, et nous aurons un petite fête avec nos amis écrivains et artistes, avec de l’alcool et du poisson, comme dans le roman.

Voici un message que l’auteur adresse au festival ….

“Je salue le Festival Mer et Livre. C’est un grand honneur pour moi de recevoir le prix Henri Queffélec attribué chaque année à un livre sur la mer, honneur d’autant plus grand par je vois la qualité de mes concurrents, en consultant l’Internet. La France ne m’est pas inconnue, car j’ai étudié le français dans mon enfance, cela ajoute encore à ma joie de recevoir cette distinction. Je remercie sincèrement le Festival Mer et Livre pour cet honneur et cette joie.”

…..

Monsieur le Président, Messieurs les membres du jury, c’est du fond du cœur, que nous vous disons merci.

Bản tiếng Việt

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện đang ở Việt Nam và rất tiếc không đến dự được buổi họp hôm nay. Thay mặt tác giả là dịch giả. Dịch giả chỉ là người thi hành và thấy mình thật bé nhỏ khi đứng với bao nhiêu nhà sáng tạo.

Chúng tôi rất cảm động vui mừng và cảm ơn nhận giải thưởng Đại Hội đã dành cho « Biển và Chim Bói Cá ». Chúng tôi đây không phải là lời ra oai của thiên tử mà chỉ là đại danh từ số nhiều. Sự cảm động và vui mừng tác giả đã biểu lộ khi được tôi báo tin trên điện thoại.

Giải thưởng này là một vinh dự, một niềm vui, và là một an ủi cho chúng tôi, vì nó là một sự công nhận quốc tế đối với một tài năng bị bạc đãi ở chính nước mình. Tác giả đã từng nhận nhiều giải thưởng có tầm cỡ toàn quốc, ở trong nước. Nhưng ông đã bị giam cầm vì tài năng của mình. Bởi một người tài không bao giờ chấp nhận những điều phi lý hoặc phản công lý dù những điều đó dựa vào sức mạnh.

Tôi sẽ chuyển giải thưởng cho tác giả khi về Việt Nam và chúng tôi sẽ có cuộc liên hoan với các bạn nhà văn, nghệ sĩ, có rượu và cá như đã viết trong tiểu thuyết.

Sau đây tôi xin đọc lời chào mừng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi đến đại hội :

« Tôi chào mừng Đại Hội Biển và Sách. Đạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này. »

Kính thưa Ông Chủ tịch, kính thưa các quý vị trong ban giám khảo, Chúng tôi xin thành thật có lời cảm tạ từ đáy lòng.

Biển và Chim bói cá do nhà xuất bản HộiNhà Văn và công ty Nhã Nam ấn hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2010. Bản Pháp ngữ do Tây Hà dịch, nxb Aube ấn hành năm 2011.

Đây là tập sách thứ 2 của Bùi Ngọc Tấn được Aube giới thiệu, sau tập truyện ngắn Une vie de chien gồm 7 truyện ngắn (Khói, Người chăn kiến, Truyện không trên, Những người đi ở, Một ngày dài đằng đẵng, Cún, Dị bản một truyện đã in) ấn hành năm 2007 và được tái bản năm 2011 dưới dạng bỏ túi (poche)

Nguồn:

1) http://www.letelegramme.com/local/finistere-sud/quimperle-concarneau/concarneau/concarneau-29-festival-livre-mer-l-ecrivain-vietnamien-bui-ngoc-tan-recompense-06-04-2012-1661025.php

2) http://www.ouest-france.fr/ofdernmin_-Le-Prix-Livre-et-Mer-de-Concarneau-decerne_40771-2063900-pere-bre_filDMA.Htm

3) http://www.livremer.org