Bùi Ngọc Tấn và khối u

Xang Hứng

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tết  Giáp Ngọ 2014 lão Bùi Ngọc Tấn vui lắm.

Bước qua tuổi 80, gánh hành trang lão mang theo nhẹ tênh. Thời gian đã cất khỏi vai lão cả những tốt đẹp và thối nát, những chân thành và giả dối, những tiếng cười đắng cay, những hy vọng và tuyệt vọng, cả “5 năm tù dài hơn 1 kiếp người”.

“Thật may, lão cũng còn vớt vát lại chút ít. Rất ít. Trong tiểu thuyết và mấy truyện ngắn. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.”*

Hai cái đầu gối, “một bộ phận không nhỏ” trong cái thân thể nhỏ bé của lão bỗng như hết đau, hồi sinh khi bạn bè đến thăm và chúc Tết gia đình họ. Vợ lão, người đàn bà nhỏ thó nhưng rất mạnh mẽ, can đảm, thủy chung, cả đời chỉ biết đau cùng nỗi đau, hạnh phúc cùng niềm hạnh phúc của chồng. Trên môi bà luôn nở nụ cười, nụ cười đã giúp cho lão tồn tại, rồi hồi sinh trở về từ ngục tối.

Cái Tết vừa đi qua, lão sững người ngạc nhiên khi biết Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in những tác phẩm của lão thành “tuyển tập”. Vui thì có vui nhưng đêm nằm lão nghĩ, làm chó gì có nhiều niềm vui đến cùng một lúc như vậy. Quả là một sự vô lý vĩ đại, quá sức tưởng tượng của “Người chăn kiến”: Bùi Ngọc Tấn!

Lão đã vào tù bằng cái tội danh bị “người ta” gán cho. 46 năm trước, thứ sáu, mùng 8 tháng 11 năm 1968, khi tỉnh dậy trên giường vẫn còn là người tự do. Vài giờ sau, lão đã được nhận suất cơm tù lạnh ngắt đặt ngay dưới đất, cùng phần nước uống đựng trong cái bô sắt han rỉ.

5 năm sau ra tù, lão “tự thú” bằng cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000″. Đứa con tinh thần của lão chưa đầy tháng thì nó lại bị người ta bỏ tù.

Những tưởng đến cái tuổi này thì chẳng còn gì làm lão ngạc nhiên, ấy thế mà khi đối diện với những niềm vui đến liên tiếp, lão đã sướng đến mất ăn mất ngủ. Rít thuốc lá cả ngày, nghĩ ngợi cả ngày, phải có nguyên cớ gì chứ, lão cố tìm hiểu.

Thế rồi lão phát ho phét hen. Ho sù sụ, ho như cuốc, ho ngày, ho đêm. Bao nhiêu thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc lá, rồi cả chữa mẹo cũng không làm cơn ho buông tha lão. Suốt mấy tháng ròng, vợ con đưa lão đi khám khắp các bệnh viện, nghe ngóng ở đâu có bác sỹ giỏi là đến ngay. Cuối cùng, có anh bác sỹ đề nghị lão đi chụp CAT (Computed Axial Tomography) phổi.

Vừa đặt lưng trên CAT, lần đầu tiên sau nhiều ngày thức trắng, lão ngủ, ngủ say. Hôm đó là tháng 5/2014.

Cầm tấm phim và tờ kết quả, cô con gái lớn của lão khóc ngất: “Trên cửa sổ trung thất: Tổn thương nốt đơn độc đỉnh phổi trái KT 18,5 x 18,3mm, bờ đều, ranh giới rõ, tỷ trọng mô sau tiêm thuốc cản quang khối ngấm thuốc khá mạnh…”. Gần đây, Hải Yến, con gái lão mới tâm sự: “Hai năm ăn kiêng không làm con giảm được cân nào, thế mà cái khối u trong phổi bố giúp con giảm 4 kg trong vòng chưa đến 1 tháng”.

Thêm một lần nữa, bà vợ chung thủy, nhỏ thó lại đồng hành với lão trong biến cố mới.

Thì ra nguyên nhân là đây. Có thế chứ, một lần nữa lão lại phải trả giá cho đời sống, lần này thì bằng những nguy cơ có thật, cái nguy cơ có kích thước 18,5 x 18,3mm đã “hạ đặt” trái phép trong buồng phổi lão, một cơ quan có tầm quan trọng sống còn của con người. Lại thêm một lần nữa, “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng…”*

Năm 2006, sau hơn 40 năm được thoát khỏi cái “nhà tù nhỏ”, lão có dịp trở lại thăm trại Hoành Bồ, một trong những trại lão đã “sống” qua 5 năm thời trai trẻ. “Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp, để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người”*

Lão đã trở về, không phải để căm hận những kẻ đã đày đọa mình, nhưng để có thể quên, để tha thứ, để xóa đi những ám ảnh tuyệt vọng khi đã về già, để tiếp tục sống bên những người thân yêu, bè bạn. Để viết, để được tiếp tục trò chuyện cùng “Chữ”, người bạn chung thủy của lão, những “chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng.”*

“Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”.*

Lần này thì lão cùng gia đình có toàn quyền quyết định. Tháng 6/2014, Bùi Ngọc Tấn cùng vợ vào Sài Gòn ở với cô con gái.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Lão bảo với tôi: “Anh rất thoải mái trong tinh thần, được sống đến ngày hôm nay là lãi lắm rồi, cho dù có xảy ra điều gì thì anh cũng đã được sống một cuộc đời thú vị, có một gia đình yêu thương, nhiều bạn bè tốt. Khi nghe anh có khối u, bạn đọc, người thân đã tận tình giúp anh, tìm đủ mọi cách tốt nhất cho anh để chữa bệnh. Anh đã bàn với chị và các con, sẽ lại một lần nữa chung sống với cái khối u quái ác này”.

Tôi hiểu rằng lão đã chọn thái độ tiêu cực nên hỏi: “Nếu biết chắc khối u trong phổi là u lành, anh sẽ làm gì?”

Nở nụ cười hiền lành và tươi rói, lão trả lời ngay: “Anh sẽ ra Hải Phòng, và… Viết, anh có rất nhiều ý tưởng…”

Lúc này Yến, cô con gái lớn của lão bước ra tham dự buổi chuyện trò. Tôi đề nghị:

– Như anh kể, một người còn sống, còn sáng tạo được như anh sau khi phải trải qua những năm tháng mà chỉ nhớ lại thôi đã thấy khủng khiếp thì có lý do gì mà ngại ngần khi thêm một lần nữa đối diện với sự thật. Cái quan trọng của người bệnh là tinh thần, điều này anh có. Quan trọng nữa là anh có sự chia sẻ từ gia đình, mọi người luôn bên anh. Em đề nghị anh tham khảo ý kiến của những bác sỹ chuyên khoa. Nếu cần, sẽ dùng biện pháp can thiệp tích cực nhất”.

Giác quan của tôi, quan sát của tôi khi nhìn sắc diện lão cho thấy, đây cũng chỉ là một biến cố thử thách của cuộc đời. Lần này cũng chả kém gì những thử thách khắc nghiệt nhất là lão đã từng vượt qua. Lão sẽ chết, nhưng là chết già. Điều quan trọng là trước khi chết già, lão còn phải tiếp tục “lao động khổ sai” và hạnh phúc cùng “Chữ”. Lão sẽ còn được đắm đuối, cay đắng, được lặn ngụp, nhấm nháp và nghiền ngẫm “Chữ”. Được vuốt ve ngắm nghía, gọt giũa, ấp ủ trong tim, ngậm trong miệng, thì thầm và đọc to lên, “Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.”*

Tôi mang bệnh án của lão tham khảo ý kiến các bác sỹ chuyên khoa. Trên phim chụp cắt lớp độ dày 8mm trước và sau tiêm thuốc cản quang có thể nhận thấy một tổn thương nốt đơn độc, không có hạch to có ý nghĩa bệnh lý trung thất và rốn phổi hai bên. Khẩu kính các mạch máu lớn trong trung thất bình thường, có xơ mỡ thành động mạch chủ ngực. Không thấy tràn dịch trung thất và màng phổi hai bên. Trên cửa sổ nhu mô: không thấy tràn khí trung thất và khoang màng phổi. Không thấy hình ảnh giãn phế quản và phế nang hai bên.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn.  Ảnh: tác giả cung cấp.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Hình ảnh nốt đơn độc ở đỉnh phổi trái có thể là u phổi. Vị trí không cho phép chọc sinh thiết. Các bác sỹ thống nhất sau khi kiểm tra chức năng phổi, nâng cao thể trạng là có thể dùng phương pháp mổ nội soi lấy trọn khối u ra. Lão sẽ lại về Hải Phòng, tôi tin như vậy…

Vui mừng gọi điện cho lão, nói rõ ý kiến của các bác sỹ. Lão mừng lắm nhưng vẫn hỏi tôi một câu: “Có cách nào mà không phải mổ, chấp nhận sống chung với “Nó” cả đời không?”

Lần đầu tiên, với một người bạn, người anh lớn, một nhân cách đáng kính trọng, tôi phải gắt lên:

– Trường hợp của anh không giống như trường hợp bệnh cả dân tộc mắc phải, muốn khỏe mạnh thì bất kể loại khối u nào, dù lớn hay nhỏ, dù ác hay lành đều cần cắt bỏ, cắt tận gốc. Đây là lúc anh được toàn quyền quyết định chất lượng đời sống của mình. Hãy đau thêm một lần để có một cuộc sống trong lành cho đến…chết”.

Tôi biết, ở đầu dây bên kia, anh lại nở một nụ cười hiền và đồng ý với tôi.

Sài Gòn tháng 7/2014.

(*) Lời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 

Nguồn: http://hieuminh.org/2014/07/11/bui-ngoc-tan-va-khoi-u/

Thư của những Nghiên cứu sinh viết Luận Văn về Bùi Ngọc Tấn

Lần đầu tiên được biết có sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn tốt nghiệp đại học và cao học về tôi, tôi hơi bị bất ngờ, thích thú và sau đó là lo cho các bạn trẻ. Thi cử là một công việc hệ trọng của một đời người, có tầm ảnh hưởng lớn đối với tương lai của các bạn trẻ tâm huyết. Qua điện thoại cũng như email, tôi thấy cần phải nói thật với những trí thức trẻ yêu văn chương của mình về những hiểm nguy mà các cháu có thể gặp phải, không thể để các cháu vì yêu thích văn chương mình mà gặp khó khăn, hơn thế có thể chuốc lấy thất bại. Tôi đã trả lời thành thật khi các bạn trẻ gọi điện và gửi email cho tôi bào cho tôi biết dự định tốt đẹp ấy:

– Chú rất cảm ơn các cháu, nhưng chú phải nói trước là chú không thuộc dòng  văn chương chính thống đâu. Chú không phải là con đẻ càng không phải là con cưng của văn chương chính thống. Chưa bao giờ được đề cao trên những tờ báo quan trọng của Đảng và Chính Phủ. Chưa có một bài nghiên cứu nào về chú trên những báo và tạp chí của Hội Nhà văn, của Viện Văn học. Thậm chí cho đến bây giờ vẫn có tên trong sổ đen, vẫn bị theo dõi. Làm luận văn về chú có khi hỏng việc đấy, hội đồng cũng như các thầy cô có thể sẽ gây khó khắn. Hãy chọn một nhà văn được giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, hoặc một nhà văn thuộc dòng chính thống, thuận lợi cho các cháu hơn.

Câu trả lời của các bạn trẻ rất giống nhau, những câu trả lời làm tôi ngạc nhiên và yêu đời lên rất nhiều:

-Chú ơi. Chính các thầy cô của cháu gợi ý đề tài cho cháu đấy chú.

Tôi cảm ơn các thầy cô đang giảng dạy ở các trường đại học đã để ý tới tôi. Vậy là văn chương của tôi, các sáng tác của tôi không nằm trong một tập sách giáo khoa nào nhưng đã thâm nhập vào các trường đại học, được các thầy cô, những người có trí tuệ, có tám lòng, những người đang dạy dỗ, hướng dẫn lớp trì thức trẻ quan tâm và đánh giá đúng mức. Không chỉ yêu mến văn chương của tôi, các thầy cô còn khuyên học trò của mình đọc tôi viết về tôi, làm luận văn tốt nghiệp về tôi, nghiên cứu về tôi để tôi có thêm những bạn đọc, hơn thế, những người tri âm mới.

Tôi trích dưới đây một bức thư của một nghiên cứu sinh làm luận văn thạc sĩ về tôi mới gửi đầu năm nay:

Đà Nẵng, ngày 12 tháng 01 năm 2013

 

Kính chào nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

 

Lời đầu tiên, xin phép nhà văn cho con được chọn cách xưng hô “con –bác” cho thân thiết theo cách gọi của người miền Trung chúng con. Con tên là Nguyễn Thị Bích Vân, 33 tuổi, hiện là phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Mong bác hãy nhận bức thư này như nhận thêm một độc giả yêu quý văn chương của bác và sau đó xin bác thứ lỗi cho nếu con có làm phiền bác .

Hiện nay con đang theo học lớp cao học chuyên ngành văn học Việt Nam của đại học Đà Nẵng. Con đang chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp vào tháng 5 này. Đề tài của con đăng ký thực hiện là: Đặc điểm văn xuôi Bùi Ngọc Tấn qua tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” và tập truyện ngắn “Người chăn kiến”. Người hướng dẫn đề tài cho con là Tiến sĩ Phan Ngọc Thu, Phó hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân. Qua lời giới thiệu của thầy Thu con thấy thầy đã đánh giá rất cao về các tác phẩm của bác. Con vẫn nhớ những lời thầy Thu nói với con: Văn học Việt Nam hiện nay có nhiều nhà văn mới định hình những phong cách khác nhau, nhưng có được lối viết văn đẹp như Bùi Ngọc Tấn thì thật hiếm có. Thầy xem bác như một Nam Cao mới. Từ đó, mấy tháng nay con bắt đầu bước vào thế giới văn chương của bác và rất xúc động vì lối viết trong sáng, giản dị và thấm đẫm tình người trên từng trang văn ấy. Con đang cố gắng để viết một luận văn thật tốt (theo tất cả  khả năng và sự nổ lực) về văn chương của bác như được đóng góp thêm một cái nhìn kính trọng, tri ân về những đóng góp của bác cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Bác ạ, hiện nay con đang tìm đọc các tài liệu tham khảo gồm các tác phẩm của bác, các bài nghiên cứu về tác phẩm của bác… nhưng việc tìm tài liệu của con vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là các bài viết trên mạng internet. Vì thế, con viết thư này để chia sẻ với bác, mong bác có thể giúp đỡ con trong việc sưu tầm tài liệu. Nếu được, con xin bác hãy cho con sao chép một số bài báo, bài nghiên cứu trên báo chí viết về bác mà bác có được hoặc bác có thể cho con thông tin về bài viết như: tên bài viết, tên tờ báo, số xuất bản, thời gian xuất bản … kể cả các bài viết của các tác giả được đăng trong các cuốn sách nghiên cứu văn học nữa (bác có thể cho con tên sách, tên NXB, năm xuất bản để con tìm được dễ dàng hơn).

Kính thưa bác Bùi Ngọc Tấn.

Con tự cho mình là một người may mắn vì có thể gặp mặt để thăm hỏi và trao đổi trực tiếp với tác giả mà mình đang nghiên cứu. Hải Phòng và Đà Nẵng là hai thành phố kết nghĩa từ rất lâu, nên trong suy nghĩ của con khoảng cách địa lý xa xôi kia dường như cũng như ngắn lại, nhà con cũng nằm trên con đường mang tên Hải Phòng đấy bác. Con vẫn mong một ngày gần nhất sẽ được ra thăm Hải Phòng, được đến thăm bác. Rất mong bác tạo điều kiện giúp đỡ con, con chân thành cảm ơn bác.

 

Đây là lần đầu tiên con có sự giao tiếp trực tiếp như thế này với một nhà văn. Đứng trước bác, con là một người thật nhỏ bé nên mong bác hãy lượng thứ cho con nếu ngôn từ trong thư có gì sai sót. Kính chúc bác và gia đình được nhiều sức khỏe.

(…)

Nguyễn Thị Bích Vân

 

Đầu tháng 6 vừa qua, Bích Vân gọi điện ra cho tôi, giọng Vân đầy ắp niềm vui: “Con đã bảo vệ thành công luận văn của con về bác. Luận văn của con được Hội đồng đánh giá là xuất sắc, được 9 điểm rưỡi. Thiếu mất nửa điểm vì con không có bài viết trên báo. Con sẽ viết bài về bác gửi đăng báo. Không phải để có thêm nửa điểm đâu, bởi việc bảo vệ đã xong. Đây là tình cảm của con, của một nghiên cứu sinh đối với bác, của một bạn đọc đối với nhà văn mà con yêu quý. Con cảm ơn bác rất nhiều…”

Thư Bích Vân viết cho tôi khi bắt tay làm luận án. Còn dưới đây là thư của Phan Thuý Hằng viết cho tôi khi cô đã hoàn thành luận văn thạc sĩ có nhan đề Nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn.

Chú Bùi Ngọc Tấn kính mến!

          Cháu đã hoàn thành luận văn của mình với sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có chú. Cháu xin chân thành cảm ơn chú rất nhiều.

Đề tài luận văn của cháu không thiên về nội dung mà chủ yếu khai thác về nghệ thuật thể hiện trong các tác phẩm của chú. Tuy nhiên để làm được điều đó cháu phải đọc tất cả nội dung của từng cuốn sách. Cho nên ấn tượng đầu tiên đối với cháu lại không phải là những vấn đề mà cháu đang nghiên cứu mà chính là nội dung, tư tưởng của từng tác phẩm.

Chú biết không, thực sự cháu phải cảm ơn cô giáo của cháu vì đã cho cháu nghiên cứu đề tài này. Và đặc biệt cảm ơn chú vì đã đưa đến cho những độc giả  như cháu những tác phẩm thực sự giàu ý nghĩa nhân sinh. Cháu có đọc một bài phỏng vấn về chú, trong đó có chi tiết phóng viên hỏi chú “Trong tất cả những tác phẩm từng đoạt giải thưởng, nhà văn tâm đắc tác phẩm nào nhất?”  thì cháu thấy chú trả lời “Tác phẩm tôi tâm đắc không nằm trong số những tác phẩm đoạt giải”. Và cháu nghĩ  đó chính là tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” phải không chú?

           Thực sự khi đọc những tác phẩm của chú, “Chuyện kể năm 2000” là tác phẩm cháu tâm đắc nhất, hay nhất và làm cho cháu xúc động nhiều nhất. Cháu nghĩ nếu là một người bình thường không thể vượt qua sóng gió với một thái độ khiêm nhừơng đến như vậy. Một con người khi trải qua khổ đau quá lớn thường căm hận những kẻ đã gây đau khổ cho mình và không thể nghĩ đến nỗi đau khổ của người khác. Nhưng khi đọc tác phẩm này cháu nhận thấy nhân vật chính thực sự có một tấm lòng cao cả, yêu thương gia đình, người thân và cả những người đau khổ như mình ngay khi mình đang chịu đọa đầy như họ. Đặc biệt nhân vật có một cái nhìn và thái độ bao dung với chính những kẻ gây ra bất hạnh cho mình. Phải là một người quảng đại mới có cái nhìn bao dung và độ lượng như thế. Phải chăng vì cách nhìn đời và nhìn người như vậy cho nên  tác phẩm dù bị cấm đoán vẫn có một sức sống lâu bền đến như vậy. Cháu là một người lần đầu tiếp xúc với tác phẩm của chú nên chắc chắn sẽ có cái nhìn chủ quan. Nếu chú đọc luận văn của cháu có chỗ nào không vừa ý mong chú bỏ qua cho cháu.

           Trên thị trường bây giờ có quá nhiều sách báo cho nên người đọc không biết nên chọn sách nào. Không biết sách nào hay, sách nào dở. nhưng quả thực bây giờ mới đọc tác phẩm của chú cháu thực sự rất tiếc, giá cháu có cơ hội tiếp xúc sớm hơn cháu sẽ biết chú sớm hơn và cũng có cơ hội giới thiệu với bạn bè về tác phẩm của chú. Nhưng cháu cũng rất vui vì trong đợt bảo vệ lần này cháu là người có một tiếng nói khác so với mọi người vì cháu nghiên cứu một tác giả có một “phận người và phận văn đặc biệt” và cách nhà văn vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời cũng vô cùng đặc biệt. Cháu kính trọng và tự hào về điều đó.

Cháu sẽ gửi qua mail cho chú một bản và gửi tặng chú một cuốn luận văn của cháu. Cháu muốn trực tiếp gửi tặng chú nhưng cháu sẽ dành vinh dự này cho cô giáo của cháu. Vì ít hôm nữa cô giáo của cháu ra Hà Nội dự hội thảo nên sẽ mang ra Hà Nội gửi bác Phạm Xuân Nguyên (hay cô gửi trực tiếp cho bác cháu cũng không biết nữa). Ngày 30 tháng 10 cháu sẽ bảo vệ. Bảo vệ xong cháu sẽ báo tin cho chú biết. Một lần nữa cháu xin chân thành cảm ơn chú. Chúc chú dồi dào sức khỏe và có một tinh thần thật thoải mái và vui tươi. Chú cho cháu gửi lời hỏi thăm đến bác gái. Đọc xong “Chuyện kể năm 2000” và trên báo chí cháu biết chú có một người vợ vô cùng tuyệt vời. Cháu kính trọng cả hai người như nhau.

           Kính thư!

Cháu: Phan Thúy Hằng

Phan Thuý Hằng đã bảo vệ xuất sắc luận án của mình cách đây mấy năm. Tôi và Hằng vẫn giữ liên lạc thường xuyên, khi là điện thoại khi bằng mail.

Phan Thuý Hằng luôn nhắc lại lời mời tôi vào Nha Trang nơi chị đã chuyển từ Huế vào dạy học. Và tôi rất vui vẻ nhận lời. Nhưng với hai đầu gối bị đau vì “thoái hoá bién chất” không biết khi nào tôi mới đến được Nha Trang gặp Hằng, gặp Nha Trang, một trong những vùng biển đẹp nhất thế giới?

 BNT

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chụp ảnh kỷ niệm với các học viên cao học trường Đại học Sư Phạm thành phố HCM sau buổi nói chuyện.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chụp ảnh kỷ niệm với các học viên cao học trường Đại học Sư Phạm thành phố HCM sau buổi nói chuyện.

Bui Ngọc Tấn và tiến sĩ Trần Thị Hạnh

Bui Ngọc Tấn và tiến sĩ Trần Thị Hạnh

 

Sách và vườn

 Sách và vườn

Trong những ngày ở Ottawa, tôi đi thăm những khu vườn. Tôi muốn đi trong giấc mơ của tuổi già, tìm về “bản hòa âm điền dã” thời thơ dại.

Nhưng sau khi “đọc” mải mê ký tự của Trời, tôi lại nhớ đến ký tự của Người. Và tôi tìm đến những nơi có sách.

Sách, trong một xã hội tiêu thụ, giàu cây cối (đặc biệt là cây thông) và sử dụng song ngữ Anh Pháp như Canada, quả thật là một thế giới lý tưởng cho những con mọt sách.

Ngày đến tòa nhà Quốc hội (Parliament of Canada), sau khi ghi hình thoải mái các phòng họp nghị viên, các vòm cửa, trần nhà cổ kính, nơi tôi bị nhắc nhở  “no picture” lại là thư viện. Một thư viện không lớn lắm, nhưng cực kỳ tráng lệ. Các tia nhìn như bị hút vào cái sắc màu trầm sâu của gỗ tủ và bìa sách. Những tủ sách trang nhã cao kín tường, những bìa sách giấy cứng mạ chữ vàng được sắp xếp thật trân trọng. Tự dưng vào đây, không ai nói một lời. Người hướng dẫn im lặng như muốn để cho du khách lắng nghe tiếng nói u trầm vang lên từ trang sách. Một cuộc đối thoại vô thanh thành kính như khi người ta bước vào Phật tự hay Thánh đường.

Nhưng các thư viện công cộng nằm ở từng khu phố của Ottawa thì dân dã và cực kỳ giản dị, nó tạo cho mọi người cảm giác là ai cũng có thể vào ra thoải mái nơi ấy. Trước 9 giờ sáng đã thấy các ông bà trung niên đủ các màu da sắp hàng chờ. Thẻ thư viện chỉ để mượn sách (không phí) còn ai cũng có thể vào đó để đọc. Thư viện chỉ có một vài nhân viên, lặng lẽ mà rất ân cần khi phục vụ. Người đọc đi lại nhẹ nhàng, có thể ngồi bàn riêng nhìn vào vách để tập trung, có thể ngồi ngả người trên các ghế bành êm ái cực kỳ thư giãn. Việc mượn sách và trả sách hoàn toàn tự động, qua máy tính. Số lượng sách cho mượn có thể vài chục cuốn trong vòng một tháng.

Và  tôi  xúc động lạ lùng khi vừa nhìn thấy tác phẩm La mer et le matin-pêcheur (Biển và chim bói cá) của Bùi Ngọc Tấn tươi rời rợi trên giá sách Nouveautés- Roman (Sách mới-Tiểu thuyết) bên cạnh bộ IQ 84 của Murakami và nhiều tiểu thuyết khác, trong một thư viện khu vực ở trung tâm Ottawa (1).

Giữa những cuốn sách bìa dày, láng, gáy tròn, nhiều màu, đứa con tinh thần của Bùi Ngọc Tấn nổi bật bởi cái bìa mỏng, mang sắc trắng đơn giản của nhà xuất bản L’Aube, Pháp. Tôi nhận ra màu bìa của tiểu thuyết này ngẫu nhiên rất gần với màu sắc thanh và dịu, phổ biến của kiến trúc Ottawa: trắng (nền/ tường), xanh (hình/ mái) và đen (chữ/ viền). Bất giác tôi nhớ đến khuôn mặt của người cha đã mang nặng đẻ đau đứa con này. Chỉ ngắm Ông trên hình, tôi tin cậy, như đã từng tin cậy Nelson Mandela, những người giản dị và lão thực.


Viết trong thế bị “dồn tới chân tường” hay là trong ước muốn được “vợi bớt” trong nội tâm mình những dung nham sôi cuộn, Bùi Ngọc Tấn bình thản đối mặt với những vây quẫn của ngoại cảnh. Một duyên lành nào đó đã đưa đẩy Hà Tây gặp Bùi Ngọc Tấn, để chọn dịch sang tiếng Pháp Biển và chim bói cá (2). Xuất bản ở Pháp năm 2011, tháng 04 năm 2012, tiểu thuyết nhận được giải thưởng Henri Queffélec (3). Với Henri Queffélec, Biển là Nàng thơ, có lẽ ông trải nghiệm Biển (La Mer) như Saint Exupéry trải nghiệm Bầu Trời (Le Ciel). Trên hành trình khám phá Biển, có lẽ Bùi Ngọc Tấn đã góp vào một hải trình riêng. Với Biển và chim bói cá, Biển là song đề (dilemme): vừa là thực thể vừa là biểu tượng. Ông trải nghiệm Biển với tâm thức của một cư dân đất nước bán đảo, một đất nước xinh đẹp bị hằn nát, bị trói buộc vì chiến tranh, vì sự vô minh của con người. Biển, với người Việt luôn là nguồn sống, là cánh cửa mở ra chân trời hy vọng. Nếu một mai nguồn sống ấy bị mất, cánh cửa ấy bị bít lại, người Việt còn biết làm gì?

Thư viện này có khoảng trên 1000 đầu sách, hư cấu, khảo cứu, dịch thuật, xuất bản trước 1975 ở Sài Gòn và sau 1975 ở Việt Nam lẫn hải ngoại. Dành cho người đọc phổ thông, thư viện này ưu tiên nhiều cho tiểu thuyết. Cầm trên tay những tác phẩm xuất hiện trong những không gian và thời gian khác nhau, tôi bồi hồi tự hỏi: Bàn tay ai đã từng chạm vào trang sách? Liệu có một người Việt nào lớn lên ở Canada, đã nhẩn nha đọc hết số sách ấy trong những thời gian rảnh và hình dung về đất Mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương? Hình như, đâu chỉ là học tập và giải trí, đọc sách Việt ở đây có thể là hành trình trở về cội nguồn để tìm sự cân bằng (cho người trẻ) và đắm mình trong dòng sông quá khứ để làm dịu những vết thương tha hương (nơi người già).

Bỗng dưng tôi thấy mình thích viết, và ước chi mình có được một vài cuốn sách nằm lẫn lộn khiêm nhường trên các giá sách kia.

“Có một thư viện và một khu vườn, bạn không cần gì nữa cả” (4), câu nói của Cicéron tự ngàn xưa được ghi trên vách nơi đây, ngân lên trong lòng tôi những âm thanh hạnh phúc: tôi đã nhận ra, đã mơ ước, đã có và đang đi tìm cái có thể cho tôi niềm vui tự tại trong mối tương thông với Con người và Tự nhiên.

                                                                   Ottawa, tháng 7- 2012

Nguyễn Thị Thanh Xuân

(1) Ottawa Public Library, 120 Metcalfe, Ottawa, Canada.

(2) Bùi Ngọc Tấn, Biển và chim bói cá, NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam, H, 2008, tái bản 2010.

(3) http://www.forumvietnam.fr/forum-vietnam/la-culture-le-sport-au-vietnam-t-ng-quan-v-n-hoa-th-thao/11769-un-roman-vietnamien-recompense-du-prix-henrimqueffelec.html?langid=3

(4) Trên vách thư viện ghi hai thứ tiếng: Si vous possédez une bibliothèque et un jardin, vous avez tout ce qu’il vous faut (Cicéron); Anyone who has a Library and a Garden wants for nothing (Cicero)

THƠ NHƯ ĐỐM LỬA TỪ TRÁI TIM ĐAU

(Có một Bùi Ngọc Tấn viết thơ)

Phùng Văn Khai

 Vì những lý do khác nhau, ít người biết đến những sáng tác thơ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Thơ Bùi Ngọc Tấn, trong trường ca Đầu cầu có những đoạn mô tả con người trong chiến tranh rất khác ngay từ những năm 1960:

Đầu cầu xe về

 Nước sôi trong két

 Anh lái xe mắt xếch

 Tắt máy chờ qua sông

 Đầu gục vô lăng

 Tranh thủ

 Ngủ

 Giấc ngủ treo bao ngày đêm mỏi rời mi mắt

 Giấc ngủ đợi chờ vụt biến đi đâu

 Khi đến đây đầu cầu

 Đáy vực không gian sâu thăm thẳm

 Sương rơi nắp ca pô

 Sương rỏ giọt ngoằn ngoèo kính cửa

 Sương Hải Phòng ướt bụi Trường Sơn

Sương buông thanh bình như ngàn năm trước sương buông

 Anh lái xe dựa vô lăng nghe đất trời yên lặng

 Nghe máu mình khe khẽ thái dương

 Dốc cầu

 Còi

 Hiệu lệnh

 Lên đường!

 Những câu thơ này, Bùi Ngọc Tấn viết ở độ tuổi ba mươi. Ngày ấy, chắc hẳn khó nhận được sự đón chào vì thơ ca lúc ấy biểu hiện khác cách thể hiện của ông. Người ta không đến mức dị ứng nhưng cũng không đón đợi giọng thơ như vậy. Dù bây giờ, có thể những người thể hiện sự không ưa thích ngày trước đã nhận ra sự mới mẻ, sức nặng của những câu thơmà chỉ những người sống hết mình, hoà đồng với người lao động mới cảm nhận và viết ra những dòng thơ ấy.

Đầu gối lên cùm sắt gỉ han

Nghĩ  tóc em xanh mười chín tuổi

 Mát sương đêm những vì sao Hà Nội

Trong nhật ký anh

Tóc em xanh trang nhật ký…

(Không đề)

Đó là một khả năng cảm nhận và thể hiện tinh tế của một tấm lòng yêu đến tận cùng. Những đoạn thơ lẻ hoặc trường ca Đầu cầu cho thấy sự đồng điệu kỳ lạ giữa Bùi Ngọc Tấn và Nguyên Hồng, một người thầy, một người bạn vong niên của ông. Bùi Ngọc Tấn rất gần gũi với Nguyên Hồng, cả trong đời sống lẫn cá tính sáng tác. Hai ông đều yêu người lao động lầm than đến kiệt cùng và sẵn sàng vì họ mà vứt bỏ tất cả. Cuộc đời Nguyên Hồng cũng rất nhiều thăng trầm nhưng văn chương ông thì tuyệt nhiên trong sáng. Nguyên Hồng từng làm thơ, trong những sáng tác thơ ít ỏi của mình, ông đã để lại dấu ấn rất đặc sắc, đó là bài thơ dài Cửu Long giang ta ơi với những câu thơ kỳ vĩ:

 Ta đi

 Lan hoang dứa mật, thông nhựa lên hương

 Những buổi chiều ngun ngút nắng Trường Sơn

 Ngẫm nghĩ voi đi

 Thác Khôn cười trắng xoá

…..

 Mê Kông quặn đẻ

 Chín nhánh sông vàng

 Sông mang tên là Cửu Long gíang

Như những Động Đình, Tây Du, Thuỷ Hử

 Những tên tuổi đã đi vào lịch sử

 Những tên tuổi của muôn đời bất tử…

Thơ Bùi Ngọc Tấn phảng phất phong vị thơ của Nguyên Hồng. Tâm hồn và phong cách của hai nhà văn rất gần nhau. Và cũng có thể nói rằng, Nguyên Hồng và Bùi Ngọc Tấn không những có giọng văn riêng biệt mà những tác phẩm thơ của các ông cũng không giống người khác.

Khi biết tôi muốn sưu tầm những vần thơ của ông, những vần thơ không phải ai cũng biết đến, ông im lặng. Im lặng rất lâu rồi cười hiền bảo: Thơ mình chả ra sao. Tuổi trẻ ấy mà. Mà cũng thất lạc rồi. Ngày xưa bị thu sau không thấy ai trả lại. Mình cũng không biết hỏi ở đâu. Tôi rơi vào im lặng và linh cảm một điều những vần thơ vẫn nằm trong trí nhớ của ông chứ không thể khác. Tôi xuống Hải Phòng bao giờ cũng đến thăm ông đầu tiên. Tôi biết ông còn nhiều điều muốn nói và nhiều điều dường như phân vân có nên nói ra với những người trẻ tuổi hay không. Nói để làm gì? Có giải quyết được gì không hay lại làm tốn phí thời gian vô ích. Thời gian đang chầm chậm vây bủa lứa các ông và ông tiếc thời gian cho chính mình, cho chúng tôi là một điều chính đáng.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Chúng tôi nói nhiều chuyện về văn nghệ, về đời sống và đặc biệt là về sáng tác. Bẵng đi một thời gian, khi chính tôi đã bắt đầu lãng quên việc tìm những vần thơ của ông thì thật bất ngờ, ông gửi cho tôi một thư điện tử với những vần thơ theo trí nhớ, nội dung bức thư như sau:

“…Biết Khai đang viết về chú, có viết cả về thơ nữa, chú cung cấp mấy chi tiết về thơ của chú. Ai trong đời chẳng làm mấy câu thơ. Nhất là khi người ta còn trẻ, khi người ta đang yêu.

Dưới đây là một bài thơ viết trong thời gian chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ bắn phá. Cô và các con chú đi sơ tán hết. Một mình chú ở lại thành phố đang là mục tiêu ném bom của Mỹ (khoảng năm 1966).

Thơ đề dưới tranh Người uống rượu ngải (Le buveur d’absinthe) của Picasso

 

Anh đặt em bên Picasso một mầu cô đơn

Nụ cười em sáng một trời say đau buồn

 

Họa sĩ dạy anh yêu qua những giọt nước mắt không rơi

Cả cuộc đời anh buồn vì một lần nhìn mắt em cười

Đêm Việt Nam khuya muốn trò chuyện đôi câu

Nhưng người say không nghe mắt nhìn đi đâu.

 

Công an có thu của chú 2 tập thơ. Một tập thơ có tên là Thơ Xanh làm thuở học trò.

Một bản là trường ca Đầu Cầu, có trích trong Chuyện kể năm 2000. Có những đoạn như sau:

Đầu cầu

Bom giết hố bom

miệng phễu

Đầu cầu

phố đổ

Cát chẩy thành thuỷ tinh

Kính trên cửa sổ xưa xanh

Vụn thành cát nhỏ….

 …

Nghìn năm nay ta vẫn bước trên cầu mà nào nghĩ rằng cầu vẫn bắc qua sông

Đứng trên cầu ta nhìn nước chẩy

Tới bên cầu ta chỉ nghĩ đến người ta sắp phải chia tay

Sách xưa nói tới cầu cũng chỉ để nói người tiễn đưa chồng lòng buồn dằng dặc

Cho ta thương người chinh phụ một mình sắp phải trở về

Một mình qua cầu nước trong như lọc

Thương mỗi bước chân về gấp vạn bước chân đi…

 

Và khi một con tầu được hạ thuỷ:

Con tầu đó không còn là sắt thép

Trong phút giây tầu bỗng có tâm hồn

Khi ta sắp cùng tầu ly biệt

Lòng bâng khuâng ta nghĩ đến đại dương…

 

Con tầu mở tâm hồn ta về những phía chân trời

Ta không tính đường đi bằng cột ki lô mét

Quả đất trong tầm mắt ta nhìn xinh đẹp

Không đâu còn là tám hướng mù khơi.

Rồi đến chương Những người lái xe trong cuộc chiến tranh giao thông vận tải:

Đầu cầu

Xe đi

Bác lái râu ria

Quẹt diêm châm thuốc

Đêm nay nhìn tua rua bên cầu

Đêm mai nhìn tua rua nơi đâu

Việt Bắc?

Biên giới Việt Lào…

Đầu cầu

Xe về.

Gác nhà ai

Đài khuya

còn mở

Một khúc nhạc bay qua cửa sổ

Tưng bừng

Bê thô ven

Nhạc sĩ kính yêu

Tôi bận lắm không thể nào dừng lại

Các đồng chí đang nóng lòng mong đợi…

 

Thêm nhạc Bê thô ven vào trọng tải

Xe đi nhẹ hơn

Chiếc Zin cánh cong đầy bụi đường trường

Phóng thẳng tới cầu tầu bến cảng…

 

Thơ trong tù thì có nhẩm một bài thơ dài nhưng đã quên hết. Hôm nọ một anh bạn tù đến, còn nhớ lõm bõm mấy câu, đọc lại cho nghe:

Em ơi! Em ở đâu?

Một chiều xám lạnh

Hai chiều buốt sương

Ba chiều nắng dội

Bốn chiều mưa dông…”

Tôi suy nghĩ mãi về những vần thơ mộc mạc đến thắt gan thắt ruột của ông và bỗng cảm thấy trái tim những văn nghệ sĩ luôn gần gũi với đời sống của nhân dân, đặc biệt là những người dưới đáy cùng của xã hội. Trái tim thơ thường dội vào phía trong mình những suy tư, chiêm nghiệm và cả những ẩn ức khó giãi bày. Những vần thơ của Bùi Ngọc Tấn bây giờ chỉ còn trong trí nhớ của ông, bè bạn và những người yêu thơ, một mai nó có thể lẫn vào thinh không hoặc chỉ còn láng máng trong tâm thức của số ít người. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn tin nó sẽ mãi còn, dù khiêm nhường và lấm láp, dù khuất lấp và phiêu dạt nó cũng sẽ mãi còn. Vì nó chính là những đốm lửa cháy mãi trong trái tim đau đớn của nhà văn.

(Báo Văn Nghệ)

Thư kí thời đại: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Mấy ngày qua nhận tin buồn cũng khá nhiều, hôm nay thì có tin vui. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải Henri Queffenlec nhân dịp liên hoan “Sách và Biển” năm 2012 ở Pháp. Tác phẩm được trao giải là truyện dài Biển và chim bói cá. Là fan của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nên tôi dĩ nhiên đã đọc cuốn này ngay từ lúc mới xuất bản, nhưng không có thì giờ (và cũng chưa nghĩ ra ý gì mới) để viết một bài điểm sách. Thôi thì nhân dịp này, tôi post lại bài này, trước là chúc mừng Nhà văn, và sau là giới thiệu hai tác phẩm trước đây của ông. Bài viết cũng 10 năm tuổi rồi, nhưng hình như vẫn còn tính thời sự. Nói đến Bùi Ngọc Tấn, không ai không nhắc đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000. Đó là một tự sự của nhân vật Nguyễn Văn Tuấn (không dính dáng gì đến người đang viết những dòng này), người bị tù đày suốt 5 năm trời (từ 1968 đến 1973) vì lí do rất vớ vẩn. Những sáng tác hay thường xuất hiện từ những thời kì đau khổ, và thời gian 5 năm tù đày cũng là giai đoạn để nhà văn tích tụ đau khổ thành chữ.  Chữ của tác giả trong giai đoạn đau khổ này mang đậm tính nhân văn và bình thản một cách lạ lùng. Nhiều hồi kí “cải tạo” của các sĩ quan và quan chức miền Nam kể lại những cực hình và nhục hình trong nhà tù, thường với giọng văn mạnh, thù hằn, hoặc mỉa mai. Nhưng Chuyện kể năm 2000 thì hoàn toàn khác. Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, chậm rải, như độc thoại, tác giả thuật lại những bi kịch trong trại tù làm cho chúng ta có khi phải cười ra nước mắt. Không có mỉa mai, cũng chẳng có hằn học hay hận thù trong câu chuyện của tác giả. Nhà văn tâm sự rằng ông chỉ muốn là người “thư kí, là người chép sử của thời đại”. Chuyện kể năm 2000 là một bộ chứng từ của một chứng nhân cần lưu giữ lại cho thế hệ sau. Tác giả so sánh rằng Nhà văn Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngàychỉ ra những ai đã đẩy gia đình ông vào cảnh tù đày, còn ông (Bùi Ngọc Tấn) là chỉ ra toàn bộ cơ chế đã sản sinh ra những bất công xã hội.Số phận của Chuyện kể năm 2000 cũng rất thú vị. Đó là một tác phẩm rất hay, nhưng chẳng hiểu vì sao khi mới in ra và phát hành thì có lệnh thu hồi. Chẳng những bị thu hồi, mà tác giả của nó còn bị nhiều phiền lụy. Bùi Ngọc Tấn kể rằng “Sau khi in Chuyện kể năm 2000, tôi được công an mời lên nhiều lần. Nhà tôi, điện thoại của tôi bị giám sát chặt chẽ. Nhiều cuộc họp đảng cơ sở , người ta phổ biến rằng tôi là một kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ. Ngay Tết Quý Mùi gần đây thôi, ông bí thư phường tôi họp cán bộ các ngành trong phường tổng kết về Tết an toàn, nói trong phường có một điểm nóng là tôi nên phải phân công trực ca ba, 24 trên 24. Qua Tết không xảy ra chuyện gì mới thở phào. Cũng phải nói thêm: tất cả những vị đứng ra truyền đạt những nhận xét về tôi đều chưa đọc tập tiểu thuyết của tôi. Một người bạn có chân trong Đảng dự họp nói ông ta có bản photo Chuyện kể năm 2000, ai muốn đọc, ông ta cho mượn, nhưng chờ mãi mà không ai mượn, nghe cấp trên truyền đạt lại là dủ, làm gì phải đọc, phải suy nghĩ, phải động não cho mệt người.” Cho đến nay, tác phẩm đó vẫn chưa được phổ biến, dù đã được xuất bản và dịch sang tiếng Anh ở nước ngoài (và trên mạng)!

Nhưng Bùi Ngọc Tấn không chỉ có Chuyện kể năm 2000 để đời, mà còn sáng tác nhiều truyện ngắn khác theo tôi là cũng rất đáng để đời. Có lần tôi đã nói một trong những tác phẩm ngắn đó là Người chăn kiến. Đó là một câu chuyện thật hay và độc đáo, mà theo tác giả là được sáng tác trước Chuyện kể năm 2000 để độc giả làm quen với “trò chơi” mới của tác giả. Người chăn kiến viết về một ông giám đốc [dĩ nhiên là hư cấu] bỏ tù oan, và khi vào tù do dáng dấp có học, ông được một tên “đại bàng” tha cho trận đòn nhập gia mà đựơc trần truồng đứng làm tượng Nữ Thần Tự Do. Ông thích cái vai trò này, vì được mục kích những kẻ phục dịch cho đại bàng như thế nào. Ông còn được tên đại bàng giao cho nhiệm vụ chăn những con kiến trong cái vòng tròn bé tí vẽ bằng gạch non trên nền buồng giam. Đến khi ông được minh oan, trở về công việc cũ (giám đốc), ông bị ám ảnh bởi vai trò của mình trong trại giam. Cứ vào giờ nghỉ trưa, ông khóa cửa phòng, rồi mở ngăn kéo, lấy ra hai con kiến, vẽ một cái vòng tròn nhốt chúng, và cho chúng ăn bánh bích quy. Sau đó, ông cởi bỏ áo quần, leo lên bàn, mắt nhìn về phía xa, tay giơ cao kiêu hãnh, trong tư thế của Nữ thần Tự do. Không chỉ văn chương rất hay trong truyện ngắn đó, mà câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa trong xã hội hiện hành. Một cách hiểu là cái vòng tròn nhỏ xíu ấy có thể không giam giữ được hai con kiến nhưng nó có hiệu quả làm cái vòng kim cô giam gữ thân phận của một con người. Có lẽ Bùi Ngọc Tấn muốn mượn Người chăn kiến để gửi một thông điệp cho những tù nhân dự khuyết trong xã hội rằng ai đã bước vào nhà tù là vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Cũng là một cách nhắn nhủ với những cai tù hay những ai được “quyền xử lí con người” phải thận trọng với con người.

Tôi ví Nhà văn Bùi Ngọc Tấn như là một Dostoievski của Việt Nam. Đọc văn của ông làm tôi nhớ đến nhà văn đại tài người Nga này. Cũng như Dostoievsky khai thác khía cạnh tâm lí con người trong bối cảnh chính trị – xã hội Nga bị nhiễu loạn, Bùi Ngọc Tấn khai thác những bức tranh xã hội chân thực, và đi tìm cái cội nguồn, cái “động mạch chủ của cuộc sống.” Giọng văn của Bùi Ngọc Tấn cũng phảng phất một Dostoievski. Đọc Bùi Ngọc Tấn để thấy cái hay của chữ nghĩa Việt. Có khi câu văn chỉ có một chữ, nhưng đặt vào bối cảnh thì lại thấy đầy đủ ý nghĩa của nó.

Việt Nam ta chưa có ai được giải Nobel văn học. Nếu có ai xứng đáng được đề cử, tôi nghĩ Bùi Ngọc Tấn là một trong những người như thế. Chưa có giải Nobel, nhưng Bùi Ngọc Tấn được tặng nhiều giải danh giá khác. Mới nhất là giải Henri Queffélec cho tác phẩm Biển và chim bói cá (bản tiếng Pháp là La mer et le matin-pêcheur do dịch giả Tây Hà dịch). Theo tin từ báo chí thì La mer et le matin-pêcheur đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và đoạt Giải Thưởng Lớn (Grand Prix). Là một fan của nhà văn, xin có lời chúc mừng và chia vui cùng Nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

NVT (Nguồn nguyenvantuan.net)

===

Giới thiệu sách mới (4/2003)

Tháng này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số sách đáng chú ý (theo ý kiến của tôi) mới xuất bản ở trong nước.

Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 536 trang

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 355 trang

Để hiểu ngọn ngành hai cuốn sách này và truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, tưởng cần phải nhắc lại về tác giả một chút. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, nguyên quán ở Hải Phòng. Ông từng là một nhà báo (với bút hiệu Lôi Động và Tân Sắc) và nhà văn thuộc thế hệ sau 1954. Ông từng cộng tác với tờ Tiền Phong, Hà Nội, và Hải Phòng Kiến Thiết. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 1968 vì tội “phản cách mạng, tuyên truyền chống chế độ”, và đi tù cho đến năm 1973 mới được thả ra. Năm 1993, ông tái xuất hiện trên văn đàn với bài “Nguyên Hồng: một thời đã mất” đăng trên Tạp chí Cửa Biển của Hội Nhà văn Hải Phòng. Sau này tập bút kí đó được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in thành sách với nhiều đoạn bị đục bỏ.

Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng trong thời gian hậu gulag hơn là thời gian trước khi ông đi tù. Ngày nay, nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000, một truyện dài – hay nói chính xác hơn là tự truyện – viết về cuộc đời tù đày và cuộc sống xã hội sau khi ra tù của ông. Cuốn sách mới in xong liền bị cấm phát hành.

Viết về bè bạn (VVBB) là một tập hợp những bài viết của Bùi Ngọc Tấn về những người bạn của tác giả. Những người bạn mà Bùi Ngọc Tấn đề cập đến là Chu Lai, Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Tín, và Nguyên Hồng. Đây là những người bạn thủy chung với tác giả trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời họ. Phần viết về Nguyên Hồng (hơn 200 trang) chính là cuốn sách mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản, nhưng trong lần xuất bản này những đoạn bị đục bỏ được khôi phục lại cho đúng với nguyên bản.

Cuốn sách viết theo kiểu “chân dung” về sự “nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kĩ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi cũng như tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi kí là phải trung thực, nếu không muốn mình là kẻ bịp người khác.” (VVBB, trang 7).

Chông gai và nhếch nhác như thế nào? VVBB cho người đọc nhiều giai thoại thú vị nhưng có khi nhức nhối. Có những văn nghệ sĩ có tài nhưng hoặc không được viết, hoặc được viết nhưng không được in, hoặc được in nhưng không dám dùng tên thật. Có văn nghệ sĩ phải sống lây lất qua ngày bằng nghề bán chữ và … bán máu. Hãy đọc một đoạn Bùi Ngọc Tấn tả cảnh đi bán máu của Mạc Lân:

Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mạc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu. Lân tròn xoe mắt, sửng sốt và bất ngờ. Bán máu? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Ai mua? Ông lại sáng tác ra chuyện gì nữa thế? Không phải truyện sáng tác, hư cấu. Người thực việc thực một trăm phần trăm. […] Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. [Dương] Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150 cc. Lấy 200 cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 kí lô mới được lấy 200 cc. Về sau những lần Lân cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 kí lô và bán được 250, 300 cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm phần giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ngoài cổng bệnh viện.”

VVBB còn chứa đựng một vài thông tin nhỏ mang tính cá nhân. Chẳng hạn như viết về Dương Tường, một tác giả của 50 tác phẩm dịch thuật có giá trị, người mà Gallery Lã Vọng giới thiệu [trên giấy trắng mực đen]: “Ông này [Dương Tường], nhà thơ và nhà phê bình lỗi lạc, đã soi sáng cho tôi rất nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam”, chưa bao giờ là hội viện của Hội nhà văn. Chẳng hạn như Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, người Hải Phòng (cùng quê với Bùi Ngọc Tấn), chính là em ruột của ông Nguyễn Xuân Vinh, cựu tư lệnh không quân trong quân đội Sài Gòn trước 1975 và là một nhà khoa học không gian (Mĩ), một người chống cộng tới cùng. Và cũng chính mối quan hệ ruột thịt này mà người ta nhầm lẫn bà là em của ông Nguyễn Cao Kỳ và đã làm cho nhà thơ bao phen lận đận lao đao. Chẳng hạn như Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình tuy là con của một thứ trưởng ngoại giao nhưng từng đi bộ đội (dù bố mẹ anh có thể xin cho con đi học thay vì đi lính).

Nói là viết về bè bạn, nhưng trong thực tế, tác giả cũng viết về cuộc đời của chính mình trong ấy. Do đó, cuốn sách không chỉ là một phát họa về cuộc sống của những bạn bè nghệ sĩ mà còn thỉnh thoảng cho người đọc biết về những tháng ngày gian truân của tác giả từng kinh qua sau khi ra tù. Về cuộc sống thời bao cấp, Bùi Ngọc Tấn viết: “Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi” (VVBB, trang 255).

VVBB không phải là một loại tản văn bình thường, mà còn là một sáng tác chữ nghĩa, những suy nghĩ độc đáo của Bùi Ngọc Tấn. Viết về Lê Đại Thanh, Bùi Ngọc Tấn nhận xét người bạn già của mình là đã “Sống chứ không phải là tồn tại.” Sống khác với tồn tại. Còn sống ngày nào hãy sống hết mình với cuộc đời, với nghệ thuật. Tiền bạc, danh vọng, địa vị, tất cả đều là hư vô. Bùi Ngọc Tấn nhận xét về cái chết như sau: “Khi cái chết đến với con người thì cũng từ đó một cuộc sống mới nẩy sinh. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống vẫn còn tiếp tục sau cái chết có lẽ là sự công bằng, điều cả loài người mong ước như một khát vọng hướng thiện.” (VVBB trang 201)

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn, như tên gọi cho biết, là một tập truyện gồm 19 truyện ngắn của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Sau gần một phần tư thế kỉ vắng bóng trên văn đàn, Bùi Ngọc Tấn lại cầm bút và viết khỏe. Đây là tác phẩm thứ hai (hay thứ ba) của ông kể từ khi ra tù. Bùi Ngọc Tấn từng tự sự về chính ông như sau:

Thập niên thứ tư: dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm xuống đáy. Đấu tranh đòi hưởng công bình, đòi hưởng luật pháp. Thập niên thứ năm: chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu … trò chuyện với vô cùng.”

Có thể nói tuyển tập truyện ngắn này là một “trò chuyện với vô cùng”. Những truyện trong sách tập trung vào đề tài những câu chuyện nhức nhối trong cuộc sống nhà tù và ám ảnh sau khi ra tù, những hoàn cảnh éo le đưa đẩy người nữ bộ độ vào con đường làm gái bán bia ôm, những câu chuyện thương tâm trong thời đổi mới … Tuy không khắc họa một cách lạnh lùng, trần trụi, những con người đang mất dần nhân tính và những kẻ bị đau khổ bị sỉ nhục trong xã hội như trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn cũng làm người đọc thêm khinh bỉ những kẻ xấu xa, xúc động trước những nỗi đau khổ của những người làm ăn lương thiện đang phải đấu tranh hàng ngày cho miếng ăn.

Trong Lời nói đầu, Dương Tường nhận xét về Bùi Ngọc Tấn như sau: “Bùi Ngọc Tấn, trong mắt tôi, là người biết chưng cất cái đau thành hi vọng, thành tiếng cười, không, chính xác hơn, thành nụ cười, vì anh không mấy khi cười thành tiếng. Tôi gọi đó là hóa học của nhân bản. Hay có khi đó là bí quyết đạt đạo của những bậc hiền?”

Nhận xét về văn phong của ông, tôi nghĩ Phạm Xuân Nguyên viết khá đầy đủ: “Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu văn chương làm cho người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông, và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật.” Qua giọng văn, người đọc có thể thấy ông là một người trầm tĩnh và bao dung, thể hiện những suy nghĩ chiều sâu của một tác giả đứng tuổi. Bùi Ngọc Tấn có một văn phong độc đáo: ngắn gọn và cô đọng. Có nhiều câu văn chỉ một chữ. Chỉ một chữ nhưng đặt vào văn cảnh thì ai cũng hiểu.

Viết về bè bạn Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn là những cuốn sách có giá trị lịch sử văn học và văn chương mà bất cứ ai quan tâm đến văn học nước nhà cần phải có trong tủ sách.

Sự công nhận quốc tế đối với một tài năng Việt Nam bị ngược đãi

Ông François Bourgeon, Chủ tịch danh dự Festival và Trưởng Hội đồng tuyển chọn, trao Giải thưởng cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua dịch giả Tây Hà

Lê Diễn Đức

Trong ngày 8 tháng 4 tôi nhận được tin vui về người anh, người bạn: nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa giành được Giải thưởng Henri Queffenlec tại liên hoan “Sách và Biển” năm 2012 (Festival Livre et Mer) của Pháp tổ chức trong 3 ngày từ ngày 6 đến ngày 8/4.

Giải thưởng Henri Queffenlec trao cho tác phẩm “Biển Và Chim Bói Cá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, do Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn Việt Nam và Công ty Nhã Nam phát hành năm 2009, tái bản năm 2010.

Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” bản Việt ngữ có 538 trang, được dịch giả Tây Hà dịch ra tiếng Pháp 514 trang, NXB l’Aube phát hành năm 2011, có tựa đề là “La mer et le matin-pêcheur“.
La mer et le matin-pêcheur” đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp của Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và giành Giải Thưởng Lớn (Grand Prix), không có giải nhì, đó là:
– Dominique Fortier, nữ văn sĩ Canada, với tác phẩm “Cách Dùng Các Vì Sao“, NXB Table Ronde.
– Francois Bellec, nhà văn Pháp, với “Cây Ban Đêm“, NXB Jean Claude Lattès.
– Eric Fottorino, nhà văn Pháp, giám đốc nhật báo “Le Monde”, với tác phẩm “Bơi Ngửa“, NXB Gallimard.
– Pilar Hélène Sugers, nữ văn sĩ Pháp, với tác phẩm “Hội Gió Ở Aixlen“, NXB Jean Claude Lattès.
– Jose Pinelli, hoạ sĩ Bỉ, và Jean Bernard Pouy, nhà văn Pháp, với tác phẩm “Con Tầu Dưới Gió“, NXB Jean Claude Lattès.
Festival “Livre et Mer” được tổ chức hàng năm ở Pháp với mục đích tôn vinh những tác phẩm viết về biển.
Giải thưởng của Festival mang tên nhà văn Henri Queffélec, một trong những tác giả nổi tiếng nhất viết về biển bằng tiếng Pháp trong thế kỷ 20 và là người sáng lập giải thưởng văn học uy tín này.

Sự công nhận quốc tế đối với một tài năng đã bị bạc đãi

Theo tin trên trang website Bùi Ngọc Tấn, thay mặt nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong lễ trao giải, dịch giả Tây Hà phát biểu:
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện đang ở Việt Nam và rất tiếc không đến dự được buổi họp hôm nay. Thay mặt tác giả là dịch giả. Dịch giả chỉ là người thi hành và thấy mình thật bé nhỏ khi đứng với bao nhiêu nhà sáng tạo. Chúng tôi rất cảm động vui mừng và cảm ơn nhận giải thưởng Đại Hội đã dành cho “Biển và Chim Bói Cá”. Sự cảm động và vui mừng tác giả đã biểu lộ khi được tôi báo tin trên điện thoại.
Giải thưởng này là một vinh dự, một niềm vui, và là một an ủi cho chúng tôi, vì nó là một sự công nhận quốc tế đối với một tài năng bị bạc đãi ở chính nước mình. Tác giả đã từng nhận nhiều giải thưởng có tầm cỡ toàn quốc, ở trong nước. Nhưng ông đã bị giam cầm vì tài năng của mình. Bởi một người tài không bao giờ chấp nhận những điều phi lý hoặc phản công lý dù những điều đó dựa vào sức mạnh.
Tôi sẽ chuyển giải thưởng cho tác giả khi về Việt Nam và chúng tôi sẽ có cuộc liên hoan với các bạn nhà văn, nghệ sĩ, có rượu và cá như đã viết trong tiểu thuyết“.
Dịch giả Tây Hà cũng đã đọc lời chào mừng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi đến Festival:
Tôi chào mừng Đại Hội Biển và Sách. Đạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này“.
Cuốn tiểu thuyết “Biển Và Chim Bói Cá” là cuốn sách thứ 2 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được NXB Aube phát hành, sau tập truyện ngắn “Une vie de chien” gồm 7 truyện ngắn (Khói; Người chăn kiến; Truyện không trên; Những người đi ở; Một ngày dài đằng đẵng; Cún; Dị bản một truyện đã in) ấn hành năm 2007 và được tái bản năm 2011 dưới dạng bỏ túi (poche).

Chút kỷ niệm riêng sâu sắc

Tôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ cuốn “Chuyện Kể Năm 2000” và năm 2002 mới được đọc nó nhờ một người bạn mua ở Mỹ gửi qua Ba Lan cho, vì cuốn sách không được xuất bản tại Việt Nam.
Chuyện Kể Năm 2000” được cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến khá rộng rãi. Cuốn tiểu thuyết thực chất là hồi tưởng của nhà văn về cuộc sống trong 5 năm (1968-1973) bị tập trung cải tạo oan ức và bất công chỉ vì những chính kiến khác với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước các nghịch lý và bất công xã hội.
Cuộc sống trong tù đơn điệu, nhàm chán đã được nhà văn Bùi Ngọc Tấn mô tả trong “Chuyện Kể Năm 2000” một cách sống động, cuốn hút qua ngòi bút tài tình của mình. Trong những khoảnh khắc bi kịch nhất, có lúc tia sáng chợt loé thúc dục cho con người vươn tới sự sống, sự tồn tại bằng hình ảnh lãng mạn và đẹp tuyệt vời của tình yêu với người vợ thuỷ chung. Cả cuốn sách đầy ắp tính nhân văn chứa đựng liên tiếp những bi kịch, những nụ cười chảy nước mắt của những tù nhân trong hoàn cảnh cùng cực và bi thương về vật chất và tinh thần.
Tháng 7 năm 2009, cô bạn nhà báo Lan Hương ở Moscow sang Ba Lan chơi cho tôi hay cô đã hoàn tất thủ tục mời nhà văn Bùi Ngọc Tấn sang thăm nước Nga.
Đến thăm nước Nga là niềm mơ ước lớn không chỉ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, mà của nhiều người trong giới cầm bút ở miền Bắc, đã sớm làm quen với tác phẩm của những cây cổ thụ văn học thế giới như L. Tolstoy, F. Dostoyevsky, A. Sakharov, B. Pasterniak, A. Solzhenitsyn, K. Pautovsky, M. Sholokhov…
Tháng 9 năm 2009, tôi từ Ba Lan bay qua, Lan Hương và nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi tàu từ Moscow tới, điểm hội tụ là thành phố Saint Petersburg.
Thấy nhau là tay bắt mặt mừng ngay vì chúng tôi đều cùng đã nghe về nhau, chỉ chưa có cơ hội gặp mà thôi, lại có người bạn chung là nhà văn Vũ Thư Hiên, nên tôi xin phép gọi bằng “anh” cho thân mật và gần gũi, mặc dù “anh” thuộc tuổi cha chú của tôi.
Tôi và anh được Lan Hương tiếp đón trên cả mức tận tâm, tận tình. Anh Tấn và tôi ngủ chung một phòng lớn. Đêm nào cũng trò chuyện tới khuya. Ban ngày, với kinh nghiệm nhiều năm ở Nga, chỉ trong 5 ngày mà Lan Hương đã cho chúng tôi đi thăm thú gần hết những nơi nổi tiếng nhất và đẹp nhất của St. Petersburg. Ban đêm chúng tôi đưa anh đi thưởng thức các món ăn dân tộc Nga, đặc biệt là thịt trừu nướng bằng than từ cây bạch dương…
St. Petersburg nằm trên sông Neva đổ ra biển Baltic phía Bắc, có khoảng 1000 chiếc cầu ngang dọc với kiến trúc muôn hình, muôn vẻ, được Peter Đại đế (Peter the Great) khởi công xây dựng từ năm 1703, tổng hợp theo kiến trúc của các trường phái từ Paris, Roma, Vienna… Rất nhiều cổ vật tinh hoa của các nền văn hoá thế giới bao gồm cả Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư… đã được Peter Đại Đế và các triều đại Nga kế tiếp mua về trang điểm và làm giàu cho St. Petersburg.
Từ khi Putin, người xuất thân từ St. Petersburg, lên làm Tổng thống Nga năm 2000 và nhất là từ đợt chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh, đón các nguyên thủ quốc gia G8 vào năm 2006, các di tích lịch sử, bảo tàng được nhà nước Nga bỏ tiền tu sửa rất nhiều. Vào một buổi chiều tối chúng tôi đi tàu dọc sông Neva ngắm toàn cảnh thành phố lung linh dưới ánh sáng đủ màu hắt lên mặt nước, đẹp không thua kém bao nhiêu thủ đô Paris trên dòng sông Sein.

Lê Diễn Đức và nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong Cung điện Nữ hoàng Catherine, St. Petersburg 9/2009 – Ảnh: LDĐ

Chuyến thăm nhau ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi hình ảnh một nhà văn rất quý mến, thân thiện, với vóc dáng nhỏ bé, nét mặt khắc khổ, hiền lành, nhận hậu mà can đảm, nhẫn nhịn mà luôn giữ nhân cách trong sáng.

Tôi đã mời và hứa sẽ tìm cách “lo liệu” cho anh sang thăm Ba Lan một chuyến nhưng chưa thực hiện được.

Anh Tấn cho tôi tất cả các thông tin cá nhân của anh ở Hải Phòng: địa chỉ nhà, số điện thoại, email, nhưng từ lúc chia tay anh, tôi dường như tôi không liên lạc với anh. Anh đã trải qua những tháng ngày quá đau khổ, giờ chỉ muốn sống yên tĩnh đến cuối cuộc đời, như một người ở ẩn. Tôi muốn tránh cho anh vì những liên hệ với tôi mà có thể gặp những rắc rối, phiền toái không cần thiết từ phía nhà cầm quyền.

Do vậy, anh không qua Pháp tham dự Festival Livre et Mer và nhận giải thường Henri Queffenlec không biết vì nhà cầm quyền Việt Nam gây khó hay là do sức khoẻ yếu. Năm nay anh 78 tuổi rồi. Hồi qua St. Petersburg anh bị đau khớp chân nặng, nhiều lúc anh phải vịn vai tôi nhích từng bước trong những buổi đi chơi hoặc thăm thú các viện bảo tàng, di tích lịch sử. Thế nhưng, cách đây khoảng gần một tháng, nhiều nhân sĩ trí thức, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện… từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm anh, tôi hỏi thăm thì biết anh khoẻ bình thường.

Để kết thúc bài viết, tôi chép lại một đoạn giới thiệu trên bìa cuốn “Biển Và Chim Bói Cá” mà anh đã ký tặng tôi hồi tháng 9/2009 tại St. Petersburg:

Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu biến động của Lịch Sử. Một thế hệ nhiều năm rồi nằm trong tầm bắn tỉa của Thần Chết, đang biến mất khỏi hành tinh này không để lại vết xước nào. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ ký ức của Dân Tộc“.

Vâng, rất nhiều biến cố lịch sử sẽ qua đi, nhạt nhoà, phôi pha theo thời gian. Nếu những người cầm bút không nỗ lực làm việc và tạo ra các tác phẩm có giá trị thì nhiều thế hệ sau sẽ không biết được cha ông đã từng trải qua một quá khứ bi kịch, hãi hùng như thế nào dưới thời cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng anh Bùi Ngọc Tấn nói đúng: Phải trung thực khi cầm bút. Chỉ với sự trung thực, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội, thì các tác phẩm tạo ra mới tồn tại và được quý trọng qua mọi thời gian.

Ngày 9/4/2012
© 2012 Lê Diễn Đức  RFA Blog

Đọc Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn

Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn ra mắt độc giả đã lâu.

Gần đây tôi được tặng bản dịch của quyển này qua tiếng Anh, A Tale For 2000, dịch giả là Đào Phụ Hồ, ấn hành tại Little Saigon vào mùa Thu năm 2010. Sách dày 704 trang.

Bản dịch dễ hiểu, giọng văn lưu loát, uyển chuyển làm tôi có cảm tưởng tôi đang đọc một quyển truyện tiếng Anh chứ không phải bản dịch. Đây là một quyển sách rất khó dịch, dịch giả phải đương đầu với tiếng lóng của người ở tù, tiếng lóng trên hè phố, giọng địa phương, cách xưng hô giữa người kể chuyện (hắn) và các nhân vật khác (ông, anh,) và tên của những cây cỏ dại hoang trong rừng núi. Tác giả là người thích đọc truyện ngoại quốc nên ông hay nhắc đến tên các tác giả và tác phẩm ngoại đã được phiên âm ra tiếng Việt cho nên dịch giả cũng phải vật lộn để tìm hiểu tác giả nói về ai, vấn đề gì, ẩn dụ gì để dịch cho đúng. Quả là gian nan. Vặt đi một vài lỗi nhỏ nhặt rải rác trong truyện thì đây là một bản dịch rất công phu. Sau khi tôi đọc bản tiếng Anh, dù rất hài lòng với bản tiếng Anh vì dịch giả đã làm việc rất cẩn trọng đầy tâm huyết, tôi đọc lại bản tiếng Việt, để chiêm nghiệm phản ứng của chính tôi đối với bản chính và bản dịch.

Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 3 tháng 7 năm 1934 ở Hải Phòng. Tiểu sử của ông đã được đăng trên blog của ông, như sau:

Bố ông làm chủ tịch xã và chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng ông theo bố mẹ tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Thi tiểu học, ông đỗ đầu liên khu Việt Bắc. Suốt thời gian học trung học, ông được học bổng toàn phần. Năm 1954, ông vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô. Cuối năm 1954, ông từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về báo Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) làm phóng viên. Cuối năm 1959, ông chuyển về báo Hải Phòng. Tháng 11 năm 1968 ông bị cáo buộc tội “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo cho đến tháng 4 năm 1973. Thất nghiệp 2 năm, đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng Sản VN thành phố Hải Phòng, ông Tấn được đi làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 -1995 cho tới hôm nay. Trong thời gian thất nghiệp ông đã làm rất nhiều nghề: Bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò và cả… viết chui để kiếm sống.

A Tale For 2000 dày 704 trang, in thành một quyển và chia làm hai phần. Phần I nói về thời gian ở trong trại tập trung cải tạo từ năm 1968 cho đến 1973 của Nguyễn văn Tuấn, người kể chuyện có dáng dấp của tác giả. Phần II nói về đời sống của Tuấn sau khi thoát tù. Nhân vật đã vất vả kiếm sống, tìm cách minh oan, cố gắng khôi phục danh dự, và xin phép được làm việc theo đúng khả năng nghề nghiệp của mình, viết văn. Thời gian này kéo dài từ năm 1973 cho đến năm 1975, cuối cùng Tuấn được cấp giấy phép lao động, không phải viết văn, mà đi làm cho một công ty hải sản.

Năm 1968 là một thời điểm đặc biệt. Ở Hoa Kỳ, giới thanh niên biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và phụ nữ cởi áo nịt ngực ném vào lửa đốt đòi quyền bình đẳng. Ở Trung quốc, Mao Trạch Đông phát động phong trào thanh lọc tư tưởng bài trừ văn hóa phản động. Nhà văn Yu Hua, cách đây vài năm, trong quyển Brothers (Anh Em) đã phản ảnh hoàn cảnh biến động lúc bấy giờ bằng cách cấu tạo nhân vật Song Gang, đã từng là anh hùng lao động Chủ Nghĩa Xã Hội Trung Quốc, bị người ta vu oan là phản cách mạng nên bị bỏ tù, và vợ ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Hứa sẽ đón vợ lúc xuất viện ở bến xe buýt nên Song Gang  trốn tù và bị Hồng Vệ Quân giết chết trước khi đến bến xe. Việt Nam, lúc bấy giờ, còn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc nên cũng áp dụng chính sách thanh lọc nói trên. Trong Chuyện Kể Năm 2000, Nguyễn văn Tuấn, tương tự nhà văn Bùi Ngọc Tấn, con của một gia đình cách mạng có uy tín, từ chối đi học ở nước ngoài, ở lại để viết văn phục vụ quốc gia và xã hội. Giống như trường hợp Song Gang của Yu Hua, Tuấn bị vu oan tội tuyên truyền phản cách mạng, tuy không có bằng chứng cụ thể cũng không bị tuyên án, anh bị đưa đi tù, lao động khổ sai. Những người bạn thân của Tuấn trong giới viết văn cũng bị điêu đứng với giới cầm quyền. Nguyễn Vũ Phương, chuyên viết kịch bản điện ảnh bị bắt không lâu trước khi Tuấn ra khỏi tù. Nguyên Bình, nhà văn, đã bị theo dõi liên tục. Người ta đặt máy thâu âm thanh để theo dõi cuộc trò chuyện của anh.

Quyển Chuyện Kể Năm 2000 là một bộ tranh chân dung, tổng hợp nhiều khuôn mặt của nhiều thành phần và giai cấp trong xã hội miền Bắc Việt Nam trước năm 1975. Tác giả Bùi Ngọc Tấn cho độc giả hàng chục bức họa truyền thần của những nhân vật cùng chịu đựng sự khắc nghiệt của tù đày với Tuấn, bạn bè và gia đình chia sẻ và giúp đỡ ông, và những bộ mặt giảo quyệt, tham lam, độc ác hay ngu ngốc của giới cầm quyền, từ anh hạ sĩ cai quản tù nhân cho đến cấp lãnh đạo thành phố. Trong khi miêu tả hoàn cảnh xã hội, kinh tế, và chính trị thời bấy giờ, tác giả đưa ra những quan điểm như sau:

Ăn cắp không nhất thiết luôn luôn là một hành động vi phạm đạo đức. Để phán đoán hành động ăn cắp người ta cần xét lại động cơ. Tuấn là nhà văn có phẩm cách, rất liêm sỉ, tuy thế ông vào tù rồi trở thành tên ăn cắp. Ông khoe học được hai tài mọn, nói dối và ăn cắp. Ông tâm sự: không ăn cắp, có thể ông không chết nhưng sẽ rất khổ sở và buồn bã. Cuộc sống trong tù rất thiếu thốn. Tù nhân làm việc khổ sai nhưng không được cho ăn đầy đủ. Thỉnh thoảng ở trong rừng họ gặp lá sắn hay khoai môn dại họ hái lá bới củ mang về trại giam để ăn thêm. Hành động này vi phạm nội qui và bị xem là ăn cắp dù đây chỉ là những thứ mọc hoang. Với Tuấn và các tù nhân, ăn cắp trong trường hợp này là một cách chống đối và qua mặt những người có uy quyền đã đàn áp họ. Điều đáng chú ý ở đây là Tuấn, cũng như Andrew Dupresne một nhân vật trong tiểu thuyết của Stephen King, là một người ngay thẳng đầy tự trọng, vì bị tù oan mới trở nên người ăn cắp.

Những người ở tù, cả hình sự lẫn chính trị, có thể không phải là người xấu. Phần lớn nghịch cành đã đưa đẩy họ vào tù. Nhiều tù nhân giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ thức ăn với những người không được thân nhân tiếp tế vì không có thân nhân hay bị bỏ rơi. Nhiều tù nhân trở nên trộm cắp hay móc túi sau khi ra khỏi tù chỉ vì đời sống quá khốn khổ và không có chỗ cho họ nương tựa để vươn lên.  Nguyễn văn Dự bị tù vì tội dấu tài liệu tôn giáo về sau đi làm nghề móc túi; Giang, con liệt sĩ, bị tù vì tội ăn cắp xe đạp về sau trở lại nghề ăn cắp xe đạp sau khi cũng làm đủ thứ nghề như Tuấn; Voòng Kỷ Mình, người dân tộc bị tù vì tội chống tham ô; Lê Bá Di là người thẳng tính và tự trọng. Ông không chịu được sự sĩ nhục của một tên tù nịnh bợ cán bộ đã đập guốc vào mặt tên nịnh bợ này. Sau đó ông bị trả thù trước sự chứng kiến của người quản trị. A Thềnh bị lính gác ngục bắn chết vì tội đi hái ớt rừng; Lý Xìn Cắm lưng cánh phản có nét mặt của Hemingway thợ lò gốm người Hoa giản dị và tốt bụng; Già Đô làm lính thợ trên tàu của Pháp vì ngưỡng mộ ông Hồ (vì ông Hồ đã từng phụ việc chăm sóc lò hơi nước) mà trở về với hy vọng phục vụ tổ quốc, bị bỏ tù vì bị vu là gián điệp sau khi ông chống tham ô thâm lạm của công. Họ là những người biết yêu thương và giúp đỡ các tù nhân khác. Còn một khuôn mặt tù khác nữa rất đáng được quí trọng là Ngụy Như Cần, tù chính trị 23 năm.

Những người ở cương vị lãnh đạo, có quyền bắt giam tù và hạ nhục người khác là những người ăn cắp có tổ chức qui mô và được che chở. Họ có thể là những người thiếu học thức và thiếu lương tâm, nhưng thừa quyền hành. Cai trị và hành hạ những tù nhân có học thức như Tuấn là ông Thanh Vân, hạ sĩ quản lý nhà tù học lớp 10 nhưng thích làm ra vẻ triết gia; Lan mặt ngựa, công an hỏi cung Ngọc, vợ Tuấn, suốt ngày khi chị chỉ còn ba ngày nữa là sinh con; ông Trần, Giám đốc sở Công an, đã dùng mưu mô xảo quyệt cho Tuấn, một người vô tội, vào tù và không cho có điều kiện làm việc, và các ông Quảng, Khuổng là Ngưu Đầu Mã Diện của ông Trần. Đây là những người dùng quyền thế nhận chìm người khác. Cuối cùng,Thưởng, người dám liều chịu khiển trách của cấp trên, đã cấp giấy cho phép lao động cho Tuấn, không hẳn là người tốt bởi vì ông ta cũng móc ngoặc tham nhũng, tuy nhiên có ít nhiều lòng nhân đạo và không hoàn toàn giả dối như ông Trần.
Trong những bức họa chân dung của Chuyện Kể Năm 2000 có hai khuôn mặt bị tù lâu năm nhất đó là Già Đô và Ngụy Như Cần. Đây là hai nhân vật mà tác giả Bùi Ngọc Tấn đã xây dựng rất công phu. Trong khi tác giả cấu tạo Già Đô bằng phương pháp hiện thưc, thì với Ngụy Như Cần tác giả đã chấm phá bởi đường nét siêu thực.

Già Đô là lính thợ của Pháp. Ông có vợ đầm, có con lai, nhưng ông bỏ tất cả để về Việt Nam phục vụ quốc gia. Ông yêu mến và lý tưởng hóa ông Hồ Chí Minh nên dù vợ khóc ông vẫn ra đi để con lại cho người vợ nuôi. Ông chống tham ô, biểu tình nên bị đuổi ra khỏi xưởng. Người ta nghi kỵ ông vì cái lý lịch làm cho Tây, nên ông bị đi tù lao động khổ sai. Không người thân, không nhà cửa, cuộc sống ở tù đã tước đọat hết tất cả những tài năng, hy vọng. Khi được thả ra khỏi tù không hộ khẩu, không tiền, không nghề nghiệp ông sống lang thang trở nên mất trí và chết ở góc đường, xác vô thừa nhận.

Ngụy Như Cần là người miền Nam bị tù vì người ta bảo là ông phản cách mạng. Người ta đồn ông là trùm gián điệp của Mỹ hay của Pháp, và bị tù hai mươi ba năm. Ở trong tù ông bẫy lợn rừng, ông chăm lo bảy ao cá sắp theo hình bậc thang, cá được dùng để thêm vào món ăn cho cuộc sống thiếu thốn đói khổ của người tù, ông bắt hằng trăm con rít bằng chiếc đũa để cán bộ ngâm rượu. Ngụy Như Cần có tài thu phục thú vật. Ông nuôi một con khỉ, dạy nó biết nấu cơm hái rau, làm bạn với ông. Con khỉ bị cán bộ bắt đem về để cho con cháu chơi. Ông nuôi một con trăn dạy cho nó nghe hiểu ông và hễ thấy loài người thì trốn vào rừng. Ông nuôi hai con tắc kè dạy chúng diễn trò. Và đặc biệt ông nuôi một con cá chép rất to bề dài hơn một mét, biết trồi lên để ông vuốt ve. Sau hai mươi ba năm ở tù, khi được thả ra ông vào rừng treo cổ tự tử chết, có lẽ để tự mình tránh số phận của Già Đô. Sau khi Ngụy Như Cần mất rồi con cá chép bị một cán bộ bắn chết để ăn thịt.

Già Đô là khuôn mặt điển hình của những người hết lòng tin tưởng vào chế độ rồi bị chính chế độ mà họ tin tưởng chà đạp. Họ bị tù tội chỉ vì bị nghi ngờ. Là lính thợ của Pháp, đi nhiều nơi trên thế giới, từng sống ở Marseille, Già Đô khổ vì cái lý lịch của ông. Qua Già Đô tác giả cho thấy một người yêu nước, có thể đóng góp bằng tài năng kỹ thuật đã bị bạc đãi và bỏ rơi. Ông luôn luôn lo sợ sẽ bị chết trong tù mà không hề dự đoán được cuộc sống sau khi ra khỏi tù lại càng đáng sợ hơn.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi cấu tạo nhân vật Ngụy Như Cần đã làm một công việc đáng quí. Ông xây dựng một mẫu người miền Nam, có nhân dạng và nhân tính, thông minh và tự trọng, chứ không phải là ác quỷ hay dã thú ác độc ăn gan uống huyết người khác như một số tác giả trước đây. Có thể nói những nhân vật xấu trong Chuyện Kể Năm 2000 như Lan Mặt Ngựa, Thanh Vân, hay ông Trần đều là những người ở vị trí lãnh đạo, và nhất là giới Công an. Những nhân vật này lạm dụng quyền hành và của công. Họ bỏ tù những người ăn cắp trong khi chính họ là những người ăn cướp có giấy phép. Độc giả có thể bảo rằng Tuấn thiếu thiện cảm với những nhà lãnh đạo này là lẽ tất nhiên bởi vì họ đã trực tiếp hỏi cung, thi hành sự trừng phạt, bắt Tuấn phải chịu khuất phục trước quyền uy của họ; thì ở trường hợp của Ngụy Như Cần, hai vị cán bộ đã bắt con khỉ và bắn con cá, là những người lãnh đạo tàn nhẫn, đều không có liên can với Tuấn, lúc ấy đã là người tự do. Bắt con khỉ là tước đoạt tài sản của người tù, trong trường hợp này con khỉ không chỉ là tài sản mà còn là người thân. Bắn chết một con cá, lạ hiếm vì to lớn dị thường, chỉ để ăn thịt khi không đói kém, là một hành động dã man. Tác giả để Ngụy Như Cần tự chọn cho mình cái chết khi được trả tự do để tự bảo vệ phẩm cách không bị nhận chìm xuống tận cùng đáy của xã hội như nhân vật Già Đô. Cả hai nhân vật Già Đô và Ngụy Như Cần đều biểu lộ lòng can đảm trong sự chọn lựa giữa sự sống và cái chết.

Nếu đừng bị tù và trù dập, Bùi Ngọc Tấn rất có thể là nhà văn theo chủ nghĩa lãng mạn. Những đoạn văn hay và cảm động nhất là những đoạn Tuấn nói về tình yêu với Ngọc, vợ ông, đặc biệt là cảnh hai vợ chồng tắm dưới ánh trăng ở một nhà kho trong rừng. Nếu ngại chiều dài hơn 700 trang của quyển sách xin độc giả nên đọc ít nhất là chương 26 và hai chương cuối là những chương rất tuyệt vời.

Dù chất chứa rất nhiều chi tiết tương tự như cuộc đời của tác giả, đây không phải là hồi ký mà là tiểu thuyết. Với dạng tiểu thuyết tác giả có thể sáng tạo linh động hơn, không cần phải chính xác với từng chi tiết nhỏ, ông có thể thêm vào một nhân vật là hiện thân của hai hay nhiều nhân vật khác có thật trong đời sống. Cái ưu điểm lại trở thành nhược điểm vì nó làm giảm đi cái sức mạnh của sự thật khi độc giả tự hỏi đâu là sự thật chỗ nào là hư cấu. Để được xuất bản quyển sách vẽ lại bộ mặt của xã hội, kinh tế và chính trị, của miền Bắc, cuộc sống trong tù, cái khổ của tù nhân còn những điều gì ông đã không thể viết? Những điều Bùi Ngọc Tấn viết về ngục tù của chế độ độc tài tuy không phải là điều mới lạ, không bạo động bằng Trung quốc qua ngòi bút Yu Hua, không ác độc bằng chế độ Trujillo như Junot Diaz diễn tả, tuy nhiên sức thuyết phục của ông rất lớn vì ông là người đã sống suốt đời với chế độ và đã từng tin tưởng yêu thương chế độ này. Quan trọng nhất, ông là một nhà văn can đảm vì dám nói những điều không đẹp về một chế độ tù lao động khổ sai đã giam cầm ông và muôn vàn người lính của miền Nam Việt Nam sau năm 1975.

Nguyễn Thị Hải Hà

Trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn

dutule.com (ngày 18 tháng 7-2010):

Đi tiếp con đường vạch ra, là chiếc cầu nối giữa người đọc và người viết, giữa tác giả thứ nhất (nhà văn) và độc giả (tác giả thứ hai,) hôm nay, chúng tôi trân trọng kính mời thân hữu cùng chúng tôi đi giữa những giòng chữ của cõi giới văn xuôi Bùi Ngọc Tấn – – Tác giả tác phẩm nổi tiếng “Chuyện kể năm 2000” – – Một tác phẩm đã được dịch sang Anh ngữ, bởi dịch giả Đào Phụ Hồ (Úc châu,) hiện đang lên khuôn tại một nhà in ở Đài Loan.

Là cuộc chơi chung, nên, cũng như những hạnh ngộ trong quá khứ, xin quý thân hữu cho phép chúng tôi được nhắc lại một vài nguyên tắc căn bản như:

1- Ban biên tập trang nhà dutule.com dành quyền từ khước những câu hỏi liên quan tới chính trị. (Hoặc)

2- Những câu hỏi có thể đưa tới ngộ nhận hay, tranh cãi không cần thiết.

3- Trường hợp nhiều câu hỏi có cùng một nội dung, được gửi tới bởi nhiều thân hữu khác nhau, chúng tôi sẽ gom thành một, với ghi chú danh tánh những người hỏi.

4- Bạn đọc có thể hỏi nhà văn Bùi Ngọc Tấn bất cứ một câu hỏi nào liên quan tới tác phẩm, bút pháp, kinh nghiệm, thói quen…thậm chí các nhân vật (thật / giả) trong những tác phẩm của ông.

5- Để tiện việc cho cả hai phía, chúng tôi sẽ tập trung từ 3 đến 5 câu hỏi của thân hữu trong mỗi lần chuyển cho tác giả “Chuyện kể năm 2000”. Và họ Bùi cũng sẽ trả lời, một lần, tất cả những câu hỏi đó, cho chúng ta.

6- Nhân đây, chúng tôi cũng xin bạn đọc, thân hữu cho chúng tôi biết, những tác giả quý vị muốn chúng tôi thay mặt, mời họ “trò chuyện” với chúng ta, trong những ngày trước mặt…

7- Khi số lượng đề nghị của quý thân hữu đủ nhiều, chúng tôi sẽ thay mặt quý vị, cố gắng liên lạc với tác giả đó.

Dám mong bạn đọc, thân hữu hưởng ứng cuộc hạnh ngộ mà chúng tôi quan niệm, như một nỗ lực đi tìm mối tương quan hữu cơ giữa người viết và, người đọc vậy.

8- Thư từ xin gửi về dutule@dutule.com

Trân trọng,
Ban biên tập trang nhà dutule.com


Du Tử Lê – Bùi Ngọc Tấn

Toan Nguyen – Houston
Thưa ông, nếu chúng tôi muốn biết tiểu sử của ông một cách chi tiết nhất mà ông có thể cho, nghĩa là không gây khó khăn gì cho ông, được không ạ? Chi tiết hiểu theo nghĩa từ nơi sinh, tới tuổi thơ, niên thiếu, trưởng thành v.v..

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:

Không có gì gây khó khăn cho tôi đâu bạn Toan Nguyen ạ.

Tiểu sử của tôi rất đơn giản.Tôi sinh ngày 3-7-1934 trong một gia đình địa chủ nhỏ (hình như bố mẹ tôi có hơn 10 mẫu ruộng, tôi không biết rõ). Ngày sinh cũng không biết là ngày tây (dương lịch) hay ngày ta (âm lịch). Bố mẹ tôi có 4 con trai, tôi là út. Anh cả tôi (Bùi Ngọc Châu) và anh thứ ba tôi (Bùi Ngọc Chương) đã mất. Còn lại anh thứ hai (Bùi Đức Thành) và tôi. Các cháu nói: Hai ông vần C đã mất. chỉ còn lại hai ông vần T.

Hiển nhiên là Thần Chết đang chĩa họng súng bắn tỉa vào tôi (đã gần 80 tuổi). Nhưng tôi bảo ông ta: Khoan cho mình ít năm. Mình còn một số việc phải làm. Mong là ông ta chấp nhận lời đề nghị của tôi.

Như nhiều gia đình địa chủ và tư sản cũng như nhân dân ta hồi năm 1945, bố mẹ tôi, và chúng tôi đến với cách mạng với lòng khát khao độc lập tự do (Đến bây giờ lại càng khao khát tự do hơn). Bố tôi làm chủ tịch xã khi cách mạng thành công và làm chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng, tôi theo bố mẹ tôi tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Tôi học giỏi: Thi tiểu học, đỗ đầu liên khu Việt Bắc. Phần thưởng là một chiếc cặp da do thầy Hoàng Ngọc Phách, nhà tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta, tác giả Tố Tâm, giám đốc sở Giáo dục Liên khu tặng.

Suốt thời gian học trung học, tôi đều nhất lớp, được học bổng toàn phần..

Năm 1954, tôi vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô.

Cuối năm 1954, hết đợt tiếp quản tôi từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về báo Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) làm phóng viên..

Cuối năm 1959, nghe theo lời khuyên của Đảng, tôi chuyển về báo Hải Phòng, thành phố quê hương, thâm nhập công nông để “viết tác phẩm của đời mình”. Tháng 11 năm 1968 tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo đến tháng 4 năm 1973 thì được tha. Thật chẳng ngờ tôi đã phải sống cạn một kiếp tôi để rồi viết về chính nó, báo Tiền Phong đã đăng câu này trong một bài trả lời phỏng vấn của tôi.

Thất nghiệp 2 năm, đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng Sản VN thành phố Hải Phòng, tôi được đi làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 -1995 cho tới hôm nay. Trong thời gian thất nghiệp tôi đã trải qua các nghề: Bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò và cả… viết chui để kiếm sống.

Oanh Kim

Nghiệp văn đến với ông ra sao, thưa ông? Tôi muốn hỏi trường hợp nào? Hay cách khác, văn chương chọn ông hay, ông chủ động chọn văn chương? Nếu ông là người tìm đến với văn chương thì xin ông cho biết tại sao là văn chương mà không là một ngành văn học, nghệ thuật nào khác?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:

Tôi là một đứa trẻ hơi khác thường. Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã nghĩ mỗi ngày qua đi là một ngày mất đi, mất hẳn, là một ngày không trở lại. Tôi rất mê say thiên nhiên. Những buổi sáng hè, từ trong nhà bước ra khỏi cổng, cả một khu đầm nước mênh mông bàng bạc, dìu dịu trước mặt tôi, gió thổi gợn sóng đưa hơi mát đến tôi, ép lá tre vào lũy tre nhà tôi, một lũy tre ken dầy với những dây lạc tiên đeo quả có những cái áo mỏng như đăng ten. Tôi rất muốn nói lên cảm xúc của mình về những ngọn gió ấy, về những tia sáng đầu tiên của mặt trời vút vào lũy tre mà tôi nhìn thấy. Đúng là ngày ấy tôi đã nhìn thấy những tia sáng mặt trời đầu tiên vút vào lũy tre.

Quá khứ, nhất là quá khứ tuổi thơ bao giờ cũng có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp đến nao lòng luôn ám ảnh tôi. (Có lẽ vì vậy mà họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã viết: Bùi Ngọc Tấn đắm đuối với cuộc sống, còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cảm hứng sáng tác của tôi là “đi tìm thời gian đã mất”.)

Lớn lên, đọc những Sách Hồng, những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, đọc những câu đối, những bài thơ trong sổ tay của bố tôi, những Khóc Dương Khuê, những Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng- Trăng nhòm cửa sổ mắt trăng vuông… tôi hiểu thêm vẻ đẹp của ngôn ngữ. Các thầy dạy văn thời phổ thông trung học, các bạn học có máu văn chương (như Lê Bầu chẳng hạn) đã góp phần lớn vào máu mê ham thích văn chương của tôi.

Cuối cùng, khi đã đi làm báo, viết văn, tôi thêm yêu thích nó, vì viết văn là sáng tạo. Hơn nữa đây là công việc khiến mình được đánh giá, định vị hoàn toàn bằng năng lực của mình, bằng giá trị tự thân, không phải bằng đầu gối, nịnh bợ hay nhờ cậy công nghệ lăng xê. Nghệ thuật là một cái gì dìm không xuống, kéo không lên. Nó mang trong nó một giá trị bất khả xâm phạm. Chỉ sợ mình không làm được nghệ thuật đích thực.

Với lại Kim Oanh ạ (tôi chắc lên Việt Nam của Oanh Kim là thế, không biết có đúng không?) chỉ có nghệ thuật mới lưu giữ được mãi vẻ đẹp của cuộc đời, của con người. Nếu cụ Thuý Kiều còn sống đến hôm nay chắc chúng ta khó mà hình dung được sự tàn tạ của cụ, nhưng Nguyễn Du đã làm cho cô Kiều trẻ trung xinh đẹp mãi, sống mãi trong tâm trí chúng ta. Nghệ thuật chống lại cái chết là như vậy.

Như đã nói ở phần trên, hình như tôi đã tìm đến với văn chương. Tôi đến với văn chương mà không đến với các ngành nghệ thuật khác, có lẽ trước hết ví những sổ tay của bố tôi, vì những bài hát ru của mẹ tôi. Nó cho tôi thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ. (Bao giờ đọc những câu ca dao như : Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân . Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…, tôi cũng thấy xúc động.) Đó là những vật liệu sẵn có trong nhà tôi, một cậu bé sống ở nhà quê, gần như không có điều kiện tiếp xúc với các bộ môn sang trọng khác như hội họa hay âm nhạc chẳng hạn. Nhưng không biết nếu gia đình có một ông anh hay bà chị là nhạc sĩ, hay họa sĩ, tôi có theo nghề của họ không?

Với tôi chỉ có văn xuôi mới nói hết được những gì tôi lưu luyến với cuộc đời này. Ngay cả thơ cũng là bất lực.

Thiện Tâm – Việt Nam

Tôi xin thú thật rằng, tôi chỉ biết đến tên ông, đọc và quý trọng ông, qua tác phẩm “Chuyện kể năm 2000.” Nếu tôi muốn tìm đọc thêm một tác phẩm nào khác của ông thì tôi phải làm sao?, và xin ông cho biết tôi nên đọc cuốn nào? Có thể tìm thấy ở đâu?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:

Cảm ơn bạn đã dành thiện cảm với tập tiểu thuyết CKN2000 và với tác giả của nó. Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1954 khi tôi tròn 20 tuổi. Cuộc đời viết văn của tôi chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 1954 tới tháng 11-1968, nghĩa là tới khi tôi bị bắt. Cũng đã in được một số truyện ngắn, có 3 tiểu thuyết sắp sửa trình làng, 2 kịch bản phim chưa quay nhưng đã ký hợp đồng với Cục Điện Ảnh và đã được tạm ứng 1 phấn 3 tiền nhuận bút… thì bị tịch thu khi tôi bị bắt.

Những sáng tác này đều theo trường phái “tụng ca”, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ. Nhưng đó là sự ngây thơ chân thành của một thời.

Năm 1990 tôi bắt đầu viết trở lại sau khi đã ngừng viết 22 năm. Tập sách đầu tiên tôi in là tập hồi ký “Một Thời Để Mất” xuất bản năm 1995, viết về Nguyên Hồng và thế hệ viết văn chúng tôi.

Từ bấy đến nay, tôi đã xuất bản các tập sách sau đây: Những người rách việc (truyện ngắn – 1996) Một ngày dài đằng đẵng (truyện ngắn – 1999) Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết – 2000) Rừng xưa xanh lá (Chân dung văn học – 2002) Biển và chim bói cá (tiểu thuyết – 2008) Người chăn kiến (tuyển truyện ngắn– 2010). Các tập này đều đã tái bản nhiều lần. Hiện chỉ còn hai tập Biển và chim bói cá (in lần thứ 2) và tập Người chăn kiến đang bầy bán ở các hiệu sách trong nước Việt Nam.

Có một trang web bạn đọc làm cho tôi: http://www buingoctan.info/ Bạn có thể tìm ở trong đó một số sáng tác của tôi cùng với những thông tin về tôi.

Kim Hằng

Tôi được biết tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” của ông đã được chuyển ngữ, qua tiếng Anh. Tôi không biết bao giờ thì bản Anh ngữ phát hành. Nhưng vẫn xin hỏi ông: Ông chờ đợi những gì nơi ấn bản Anh ngữ ấy?  

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:
Theo dư luận chung (trong nước cũng như ngoài nước) Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) là một sáng tác xứng đáng được dịch và giới thiệu ra nước ngoài.

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam (dịch thuật) do Nhà nước VN và Hội Nhà Văn VN tổ chức hồi đầu năm với 300 đại biểu trong nước và nước ngoài, tôi có được ông phó giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn giao nhiệm vụ viết kỷ yếu để giới thiệu trong hội nghị, nhưng rồi kỷ yếu không được in và tôi cũng chẳng được mời.

Tôi rất phấn khởi với việc CKN2000 được dịch sang tiếng Anh, vượt qua được rào cản ngôn ngữ.

Tôi chỉ mong bản dịch chuyển tải được nguyên bản, và bạn đọc nước ngoài đọc A Tale For 2000 chia sẻ với nó như người đọc VN đọc CKN2000. Công chúng Mỹ sẽ hiểu thêm về cuộc sống Việt Nam và văn học Việt Nam. (Rồi từ tiếng Anh, CKN2000 sẽ được hiện diện bằng những ngôn ngữ khác. Tôi vốn là người hay thả cho ước mơ bay bổng, không có điều này chắc tôi khó sống được đến ngày hôm nay.) Đó là một thắng lợi không chỉ của riêng tôi mà còn của văn học của sự thật, văn học của nỗi đau con người, là một hạnh phúc mà tôi ao ước.


Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn, vợ và hai con

Thieu Anh Nguyen

Nhiều người cho tôi biết ngay sau khi tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” ra đời thì nó đã bị chính quyền ra lệnh tịch thu. Nhưng sau đó, nó lại được phép lưu hành. Nếu tin tức này đúng thì câu hỏi của tôi là sự cho phép vừa nói là chính thức hay chỉ hiểu ngầm? Vẫn trong tinh thần đó, tôi cũng xin được hỏi thêm rằng, đó là cuốn sách in lần đầu hay tái bản?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:

CKN2000 được nhà xuất bản Thanh Niên (cơ quan của Trung Ương đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) xuất bản tháng 2-2000, chưa được phát hành, còn đang trong thời gian lưu chiểu đã bị thu hồi tiêu huỷ như trong quyết định của Cục xuất bản (bộ Văn Hoá Thông Tin).
Từ bấy cho đến nay nó chưa hề có quyết định được phép tái bản hay lưu hành (cả chính thức bằng văn bản hay hiểu ngầm, hoặc bằng lệnh miệng).
Tôi đã nhiều lần làm văn bản đề nghị Bộ Văn Hóa Thông tin, Hội Nhà Văn tổ chức hội thảo, nhưng tất cả đều rơi vào “sự im lặng đáng sợ”.
Tuy nhiên nó vẫn được in “chui”, được sao chép và lưu hành rộng rãi. Chỉ một người bán sách vỉa hè cũng đã bán được gần 1000 bộ. (Tháng 4 năm 2010 một bạn đọc đến nhà, tặng tôi một bản và nói rằng anh ta đã mua 30 bộ trong thời gian mới có quyết định cấm mười năm trước.)
Như vậy ở trong nước CKN2000 chính thức chỉ được nhà xuất bản Thanh Niên in một lần với số lượng ghi ở cuối sách 1500 bản và đang chuẩn bị in nối bản thì đã bị thu hồi tiêu huỷ.

Thanh Nguyen

Thưa nhà văn, tôi có nhiều hơn một câu hỏi, trong một câu hỏi. Tuy nhiên, tôi cứ ghi xuống và nhờ web-site dutule.com chuyển cho ông. Rất mong ông dành chút thì giờ quý báu, trả lời những câu hỏi nhỏ của tôi.
Đọc truyện “Chuyện kể năm 2000” của ông, tôi hiểu nó như một thứ “hồi ký” trong tù của ông. Những câu hỏi nhỏ của tôi là:
– Ông viết nó trong bao lâu sau khi ra tù?
– Viết trong những điều kiện như thế nào?
– Viết xong ông đưa nhà xuất bản ngay hay đợi một thời gian?
– Ông có cho một người thân nào đó, đọc trước bản thảo của mình? Nếu có, thì người ấy đã nói gì với ông, sau khi đọc?
– Ông có bao nhiêu phần trăm tin tưởng sách của ông sẽ được in trước khi đưa cho nhà xuất bản?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:

Theo tôi hiểu, hồi ký là một thể loại mà các nhân vật phải có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể. Các sự việc phải chính xác mà không thể hư cấu. CKN2000 là một quyển tiểu thuyết mang đậm chất tự sự. Nó in dấu ấn cuộc đời tác giả tức là tôi, gần như không thêm bớt, nhưng nhiều nhân vật trong đó là tổng hợp của các mẫu người khác nhau. Chẳng hạn như Già Đô, một nhân vật khá thành công của tôi là tổng hợp của nhiều ông già trong tù và ngoài đời, trong đó có cả triết gia Trần Đức Thảo. Tuy nhiên khi viết tôi vẫn phải giữ nguyên tên Già Đô, một ông già có thật trong tù, khi được tha đã đến thăm tôi với tất cả tài sản khoác trên vai như tôi đã viết trong CKN2000. Đổi tên khác là tôi không viết được.

Tôi ra tù tháng 4 năm 1973 và mãi tới tháng 3 năm 1990 mới viết văn trở lại (22 năm sau). Sau khi viết một bài hồi ký về Nguyên Hồng và hai truyện ngắn, tới tháng 6-1990 tôi bắt tay vào viết CKN2000. Tôi viết một lèo tới tháng 11 năm 1991 thì đánh dấu chấm hết bản thảo đầu tiên (viết bằng bút bi). Sau đó tôi thêm bớt, sửa chữa. Tới cuối năm 1997 thì xong và cũng hoàn thành bản thảo bằng vi tính, một công việc cực ký khó khăn và nguy hiểm bởi nhà tôi khi ấy chưa có computer, mà đưa ra các cửa hàng là không thể được. Bản thảo có thể bị tịch thu bất kỳ lúc nào. (Tôi đã bị tịch thu khoảng 1500 trang bản thảo nên rất ngấm ngón đòn này.)
Tôi viết trong khi vẫn đi làm ở một xí nghiệp đánh cá, viết trong lúc rỗi ở xí nghiệp, viết trong những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, viết đêm, nghĩa là tranh thủ mọi thời gian. Ngày ấy còn chưa già, sức làm việc còn tốt. Cho đến bây giờ, nhìn lại đống bản thảo viết tay, gạch xoá, cắt dán tôi ngạc nhiên với chính mình: Sao dạo ấy mình làm được như thế nhỉ. Nếu ngày ấy không viết chắc chắn bây giờ tôi không viết được nữa.
Viết được mấy chục trang đầu tiên, tôi đưa Nguyễn Quang Thân đọc. Anh nói với tôi một câu tôi không chờ đợi, thật bất ngờ, có sức động viên tôi rất lớn: “Cái này của toàn nhân loại mày ạ”.
Suốt trong thời gian thực hiện bản thảo, tôi không cho ai đọc ngoài việc kể một vài chi tiết cho Lê Bầu. Phải giữ bí mật tuyệt đối. Chỉ đến khi bản thảo hoàn thành, tôi mới đưa Lê Bầu và Dương Tường đọc. Lê Bầu bảo tôi cắt cái truyện ngẳn “Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương” trong tiểu thuyết đi cho khỏi dài, dễ in. Tôi đã nghe theo anh (và đã khôi phục trở lại trong bản thảo gửi báo Người Việt). Dương Tường bảo phải thêm vào cảnh đánh bạc. Tôi đã thêm cảnh đánh bạc trong tù mà sau này được khen là nghiêng ngửa với cảnh đánh bạc của Stefan Zweig.
Đến năm 1993, việc sửa CKN2000 đã cơ bản hoàn thành. Tôi đã gửi bản thảo (khi ấy là bản thảo đánh máy) lên nhà xuất bản Hà Nội dự thi cuộc thi sáng tác kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Đô! Tôi không mấy tin là sách của tôi được xuất bản. Nhưng thật không ngờ: Tôi được biết nó sẽ được in ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn và còn được dự kiến trao giải thưởng nữa. Một vị trong hội đồng giám khảo bảo tôi:
-Giải thấp thôi. Trao giải cao như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh lại lôi thôi phiền phức ra.
Nhưng một sự cố đã khiến CKN2000 không được in và tất nhiên không được giải. Tôi lại ủ bản thảo như các hãng rượu ủ rượu XO và tiếp tục sửa.
Năm 1999, khi gửi bản thảo lên NXB Thanh Niên, tôi không hy vọng bản thảo được xuất bản. Gửi cho vui thôi. Ôm mãi cái bản thảo dầy cộp, đọc đi đọc lại đến nát cả ra, chán lắm rồi! Nhưng giám đốc Bùi Văn Ngợi đã đọc và quyết định in.
Thật bất ngờ! Bất ngờ và hạnh phúc! Hơn thế, tôi còn khám phá ra một người tuyệt vời, một giám đốc xuất bản tuyệt vời!

 
Hung Thai
Thưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ở hải ngoại có bao nhiêu nhà xuất bản in cuốn “Chuyện kể năm 2000”? Và, câu hỏi này, có phần khá tế nhị, nhưng tôi vẫn muốn hỏi rằng: Có nhà xuất bản nào (ở hải ngoại) liên lạc trước với ông, để xin phép? Có nhà xuất bản nào tìm cách trả tiền tác quyền cho ông không? Nếu câu trả lời của ông là “không” thì ông có nghĩ tới việc lên tiếng hay liên lạc để làm sáng tỏ nội vụ?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:
Về việc xuất bản CKN2000 thành sách, theo chỗ tôi biết, ở cộng hoà liên bang Đức có hai bản in. ỞCanada có 3 bản in. Ở Mỹ có lẽ phải có đến 10 (?) bản in khác nhau. Trong những điều kiện khó khăn, nhờ những người tốt bụng, tôi đã có được 5 bản in ở Đức và Canada cùng 5 bản in ở Mỹ và nhìn thấy 2 bản in ở Mỹ khác nhưng không kiếm được. Còn những bản in nào nữa tôi không được biết.

Người ta nói với tôi rằng: CKN2000 được tất cả các báo tiếng Việt ở nước ngoài đăng dài kỳ (feuilleton).

Không một nhà xuất bản nào (ở hải ngoại) và cơ quan báo chí nào liên lạc trước với tôi để xin phép.

Tôi chỉ nhận được tiền tác quyền của nhà xuất bản Thời Mới (Canada) cả 3 lần in, và của Đài BBC (Anh) trích đọc CKN2000 trong 3 tháng.

Trong thời gian CKN2000 mới bị cấm, tôi rất thất vọng về những quy kết tập sách của tôi ghi trong quyết định cấm. Đó là một sự “nói lấy được” (chữ của trung tướng Trần Độ), nếu không nói là vu cáo. (Chẳng hạn như CKN 2000 tuyên truyền chia rẽ khôi đại đoàn kết toàn dân, kích dục…)

Sau thất vọng là lo lắng bởi những cuộc thăm viếng và làm việc với các cơ quan công quyền rất căng thẳng.

Việc in ấn tức thì và đánh giá cao tập sách ở hải ngoại là một sự cổ vũ, động viên tôi rất lớn. Tôi cảm ơn các báo chí, các nhà xuất bản đã phổ biến rộng rãi sáng tác của tôi. Còn về mặt tác quyền, tôi không nhận được của bất cứ địa chỉ nào khác ngoài 2 nơi tôi đã nói ở trên. (Riêng ở Muy nich (CHLB Đức), anh Kiểm (tôi không nhớ họ và chữ đệm của anh) đã in CKN2000 và phát không nên hẳn là không thể có tác quyền.)

Năm 2009, tôi sang Mỹ theo lời mời của trung tâm William Joiner (UMASS Boston), trong dịp về thăm California, các anh chị trong toà soạn báo Người Việt đã đề nghị với tôi được đăng dài kỳ (feuilleton) CKN2000 nguyên bản (chưa bị biên tập) trên báo. Tôi đã đồng ý và đã được nhận tác quyền là 2,000USD (hai nghìn mỹ kim). Đó la lần duy nhất CKN2000 được một toà bao trả nhuận bút

Tôi không có ý định làm sáng tỏ nội vụ tiền tác quyền, dù lương hưu của tôi rất ít. Bởi quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Các cụ nói: Thất thập kê nguyệt. Tôi sắp hết thời kỳ tính tháng, chuyển sang bát thập kê nhật rồi, muốn dành thời gian vào những công việc mà tôi thấy cần làm, cần phải hoàn thành.

Tôi chỉ mong muốn những tập thể và cá nhân đã hưởng lợi từ tập sách của tôi tự xử sự.

 

 
Tin Thien Truong
Thưa ông Bùi Ngọc Tấn, nếu tôi muốn biết đời sống hiện tại của ông ra sao, thế nào thì điều đó có là một câu hỏi khó trả lời cho ông không?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:
Cũng là một câu hỏi dễ trả lời đấy bạn Tin Thien Truong ạ. Tôi hiện sống với vợ tôi (Nguyễn Thị Ngọc Bích-72 tuổi). Các con tôi đều đã trưởng thành, lập gia đình và ở riêng. Chúng tôi sống trong một căn buồng trên gác 2 của một biệt thự cũ thời Pháp (thuê lại của nhà nước, mãi gần đây mới được hoá giá) và đã gắn bó với căn buồng 20m2 này đúng nửa thế kỷ rồi (từ năm 1960 tới nay). Hạnh phúc ở đấy. Đau khổ ở đấy. Mơ mộng ở đấy. Thất vọng ở đấy. Sinh con ở đấy. Tiếp các bạn văn chương ở đấy. Tiếp các bạn tù ở đấy. Nguyên Hồng ngủ lại ở đấy. Bạn tù ngủ lại ở đấy.Cho tới năm 2009, tôi hoả hồng thêm được căn buồng liền bên của anh chị Hồng Sĩ (người trung tá công an bị đi tù trong vụ Xét lại-Chống Đảng mà Vũ Thư Hiên có kể trong Đêm giữa ban ngày. Anh Sĩ đã mất, chị Sĩ chuyển vào Sài gòn sống với các em gái.) Căn buồng hơn 20 m2 này vẫn là của nhà nước, tháng tháng phải trả tiền nhà.

Thế là 2 vợ chồng tôi được cả một tầng hai của ngôi biệt thự cổ. Thật tuyệt vời! Gần hết đời mới có một phòng khách để tiếp khách. Mới có một buồng dùng làm buồng ngủ. Mới có một căn bếp riêng. Một buồng tắm riêng… Khoảng không gian sinh tồn được mở rộng. Những đêm mất ngủ, nhìn thẳng ra ban công căn buồng mới. Tầm nhìn mở rộng. Không phải là 4 mét mà tới 9,10 mét. Thật tuyệt vời! (Thế mới biết các vị có tầm nhìn thấu chân trời sung sướng đến mức nào!)

Vợ chồng tôi đều được lĩnh lương hưu. Lương hưu ghi sổ của tôi là 160.000 VN đồng. Trải qua nhiều cuộc điều chỉnh lương để theo kịp với trượt giá, lương hưu hiện tôi được lĩnh là 1.100 nghìn VN đồng, tương đương 55 USD.) Cũng như vậy, lương hưu hiện lĩnh của vợ tôi là 1.200 nghìn đồng VN.

Tôi phải viết báo thêm để sinh sống. Việc này đến nay coi như đã chấm dứt vì tôi bị đau cả hai khớp gối, đi lại khó khăn.

Các con tôi đều biết thương bố thương mẹ, vẫn cố gắng giúp đỡ chúng tôi dù chúng cũng chẳng giầu có gì. Rồi còn sự giúp đỡ của bạn đọc. Anh Minh Phong một nhà báo ở thành phố HCM thường xuyên trích từ tiến lương của mình ra mỗi tháng gửi cho tôi 1 triệu đồng. Số tiền là lớn nhưng lớn hơn nhiều là sự động viên chúng tôi sống, yêu đời và làm việc.

Điều lo nhất là tuổi già bệnh tật ốm đau. (Những bệnh kinh niên mãn tính đã đến thăm hai vợ chồng tôi.) Nhưng thôi, nghĩ lắm thêm ốm người.

Được như thế này là khá lắm rồi. Các cụ nói: Đến đâu hay đến đó.

Hoàng Dung Tiểng

Tôi có một người bạn viết văn, kể với tôi rằng, hiện tại, ông đã được viết văn trở lại và truyện của ông cũng đã được một số báo ở miền bắc đăng tải. Tin tức này có đúng không thưa ông?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:
Không ai cấm tôi viết và in đâu. Không có lệnh nào bằng văn bản hay bằng miệng rằng các báo, các nhà xuất bản không được in của Bùi Ngọc Tấn.

Sau khi in CKN2000, thời gian khó khăn nhất của tôi, nhà văn Nguyễn Quang Hà, tổng biên tập báo Sông Hương nói với tôi: “Nếu anh có khó khăn trong việc xuất hiện (trên báo, trong sách), cứ gửi cho tôi. Sông Hương in hết.”

Nhà văn Lê Thấu, tổng biên tập báo Sức khoẻ & Đời sống cũng nói với tôi như vậy và đã in một bài tôi viết về nhà văn Lê Bầu (có in cả ảnh của tôi chụp với Lê Bầu). Trong một cuộc họp của Ban Tư tưởng Văn Hóa trung ương, ông Hữu Thọ khi đó là trưởng ban nhắc khéo anh Lê Thấu: “Báo Sức khoẻ& Đời sống dạo này cũng văn nghệ gớm nhỉ. Đăng cả bài của Bùi Ngọc Tấn viết về Lê Bầu.” Anh Lê Thấu đã trả lời: “Báo Nhân Dân cũng còn đăng văn nghệ nữa là báo chúng tôi”.

Ba năm sau (2003) nhà thơ Phạm Ngà, giám đốc nhà xuất bản Hải Phòng đã in cho tôi 3 đầu sách và đã bị ông Nguyễn Khoa Điềm trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng phê bình bằng văn bản trong một cuộc họp giao ban về xuất bản. Nhà thơ Phạm Ngà chỉ cười.

Có vẻ như không còn thiêng nữa những sự răn đe kiểu ấy. Dù chậm nhưng xu thế dân chủ hoá đã hình thành và khó có thể đảo ngược trong giới cầm bút. Tất nhiên tôi nghĩ vẫn còn những ông giám đốc xuất bản không in sách của tôi và những người như tôi. Và tôi cũng chẳng có nhiều bản thảo để gửi cho họ.

Một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn

Về Chuyện kể năm 2000

Một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn 

 

Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) của tác giả Bùi Ngọc Tấn là một cuốn tiểu thuyết hay, hay nhất trong mấy chục năm cuối thế kỷ 20.

Cũng như mọi cuốn tiểu thuyết khác, CKN2000 kể một câu chuyện: Chuyện một người bị tù năm năm, được tha ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn không sống được, do gặp nhiều trở ngại trong việc kiếm sống và hàng chục năm vẫn bị ám ảnh nặng nề của những kỷ niệm trong tù, của thân phận “một con người không được công nhận”, một người không được tự do. Người này được tác giả gọi là Hắn và có tên là Nguyễn Văn Tuấn là một nhà báo và nhà văn. Người này ở trong tù mất tự do đã đành, mà ra khỏi tù vẫn không được tự do. Có chỗ trong tiểu thuyết gọi là “tù nội trú” và “tù ngoại trú”, tương đương với ngày xưa có người đã nói “cái lồng con” ở giữa “cái lồng to”. Mọi người đọc dễ dàng nhận thấy đây là một tiểu thuyết tự truyện, tác giả viết về cuộc đời mình mà không xưng tôi. Vì thế tác giả tự do tưởng tượng và hư cấu những chi tiết “như thật” rất tự nhiên và hấp dẫn. Chính vì vậy cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn rất lớn và xúc động người đọc sâu xa. Là chuyện kể về một người nhưng người đó có quan hệ với rất nhiều người: Những bạn tù đông đảo thuộc rất nhiều nguồn gốc xã hội, tù có án và tù không án, và bị buộc phạm rất nhiều tội khác nhau. Những người khác là những người thân trong gia đình: bố mẹ già, các anh em, vợ và các con, các bạn cùng công tác, các bạn thân và ít thân, các người có chức quyền có tác động và ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của Hắn. Và tất cả những hình ảnh về các con người này tập hợp trong cuốn tiểu thuyết làm hiện lên rõ ràng bức tranh xã hội rất thực và rất sinh động. Bức tranh hiện lên với những chi tiết cụ thể, nói rõ những đặc trưng của một xã hội trong một thời điểm cụ thể (đó là thời điểm từ 1968 đên 1975). Ta thấy có những bí thư, chủ tịch và các quan chức của ngành công an (giám đốc, đặc trách về văn hoá, đặc trách về hộ khẩu, giám thị nhà tù, quản giáo, áo vàng và áo xanh (công an vũ trang). Ta còn có thể thấy mối quan hệ giữa những vị này, người mới đối với người cũ, cấp trên với cấp dưới bênh vực và bao che nhau và thủ đoạn lừa lọc nhau và lừa lọc nhân dân. Đó là việc tự tay viết thư ra lệnh và thu xếp việc làm cho Hắn, rồi lại chỉ thị mật cho cấp dưới nhất định gạt đi và không bố trí việc làm.

Thế là một xã hội gồm có bộ máy rất to lớn, kềnh càng nằm rải các ngóc ngách đời sống nhân dân, qua việc kiểm tra hộ khẩu, nhiều tem phiếu và một hệ thống kiểm tra tem phiếu, cái xã hội ấy nổi bật lên một nét bao trùm là chỉ có một bộ máy hùng hậu để quản lý (cai trị) hai loại người: một loại là những người tuân phục, cam chịu, ủng hộ, tán thành bộ máy cầm quyền và một loại người không cam chịu, có những nhận xét và ý kiến của riêng mình đối với xã hội và bộ máy cầm quyền. Loại thú hai này không được công nhận, luôn bị coi là những tội phạm phải cảnh giác, theo dõi, buộc tội và cần cải tạo. Nói một cách khác, cái xã hội đó chỉ có hai loại người:

– Một là những người không phạm tội, “những người tốt”, tức là những người trong bộ máy và những người tuân theo và ủng hộ bộ máy. Bộ máy đó tự nhận là của nhân dân và làm việc gì cũng nhân danh nhân dân. kể cả những việc nhân dân không nhờ và không muốn làm.

– Hai là những người phạm tội, cần cải tạo, có án hoặc không có án. Loại này còn gồm cả những người đã phạm tội, đang phạm tội, sẽ phạm tội, có thể sẽ phạm tội, có những “dấu hiệu” phạm tội… Mà những “dấu hiệu” ấy thì nhiều lắm, có thể tìm thấy bất cứ ở đâu. Đó là những người có chút suy nghĩ độc lập, hoặc là có ý muốn nói lên chút sự thực hiển nhiên của cuộc sống.

Như vậy xã hội đó chỉ gồm những người là TA và những người không được công nhận là TA, và tất yếu là Nó, là chống đối là phản động là tội phạm. Đó là theo nguyên lý: Những ai không phải là TA thì chỉ là Nó, mà đã là nó thì chỉ có thể là địch. Cuốn tiểu thuyết này là cuốn tự truyện của một con người thuộc loại người “phạm tội” với tất cả ảnh hưởng của đời sống ở trong tù và ở ngoài tù, cảnh tình của vợ con, họ hàng, bạn bè và cả những người quen biết, những người đồng cảnh, hoặc là “đã phạm tội” hoặc là “đang phạm tội”. Ngay ở chương đầu, tác giả đã giới thiệu một loạt tiếng lóng của nhà tù; “khợp” = ăn, “giấu” = yểm, “tạt” = ăn cắp, “bồng” = mang vác, “bẩm” = báo, mách, “mều” = mỡ, “meo” = đói, “sột sệt” = đun nấu, ăn uống, “bành” = no. “chác” = đổi, “ken” = thuốc lá, “bắt tóp” = hút xái thuốc lào, “quả tắc” = quà, đồ tiếp tế, “tắc rằm” = quà nhiều, lớn, “biêu” = bao thuốc lá, “lệnh” = lạng chè… Và cứ như thế, những tiếng lóng này được hoà nhuyễn trong ngôn ngữ của suốt cuốn tiểu thuyết, nhất là những đoạn tả cuộc sống trong tù.

Cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc sống của một con người “đã từng phạm tội” và luôn luôn có thể “lại phạm tội”, tuy đã được ở “tù ngoại trú”.

Con người ấy trong tiểu thuyết gọi là Hắn. Trong tiểu thuyết, Hắn tồn tại và xuất hiện ở một quãng đời vào khoảng 20 năm trong đó có 5 năm ở trong tù, và trong suốt quãng đời mà Hắn sống đó, Hắn luôn luôn ngậm ngùi tủi hổ, dằn vặt, than thân trách phận, cay đắng về số kiếp một con người mất tự do nghiền ngẫm những lời buộc tội của bộ máy, cố ghép mình vào những tội đó mà không được, thế rồi ngày đêm cay đắng về số kiếp của mình, chỉ biết than thở với vợ và bạn bè. Vợ và bạn hiểu được cho Hắn, nhưng những người hiểu được điều oan khuất ấy cũng đều là những người “có nhiều khả năng trở thành người phạm tội” như Hắn. Chỉ có những ai tuân phục cúi đầu quên đứt đi thân phận của mình thì mới tránh được khả năng đó, có thể yên ổn làm ăn và thậm chí có khả năng thăng tiến.

Cái xã hội đang vận hành theo một cơ chế như vậy. Hắn là người nhìn thấy những điều đó, nhìn thấy cái sự thật ấy, không thể sống yên ổn được trong xã hội ấy. Hắn đã bộc lộ những dằn vặt và ngậm ngùi về số kiếp, thân phận Hắn mấy chục năm… và có lẽ còn như thế đến hết cả đời.

Với một hiện thực như vậy cho nên bố cục của cuốn tiểu thuyết không theo kiểu biên niên theo trật tự thời gian, mà cũng không có lối phục hiện, tái hiện lôi thôi. Cả 800 trang sách là một lời than thở. Một tiếng thở dài, một tiếng kêu than, một lời gào thét của một kiếp người, kiếp người mất tự do.

Hắn đã từng tin tưởng và vẫn còn tin tưởng, đã từng hào hứng say sưa với lý tưởng: Lý tưởng độc lâp, tự do và hạnh phúc cho đất nước, vậy mà Hắn cứ phải va chạm, chịu đựng, nếm trải những hiện thực cay đắng ngược lại với lý tưởng mà Hắn từng được giáo dục. Vì vậy văn chương trong cuốn tiểu thuyết là văn chương rất đặc biệt. Nó là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách… Vì vậy văn chương của cuốn sách phải nói là rất hay. Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý.

Suốt 800 trang sách là lời lẽ của một nỗi niềm. Đó là nỗi niềm cay đắng của một con người mất tự do. Cái con người (là Hắn ấy) lại là một người viết báo, viết văn, một người có hiểu biết, đọc sách nhiều, luôn chú ý quan sát mọi người và mọi hoàn cảnh sống, quan tâm nhiều tới sự thật và dối trá. Hắn bị kết tội và cãi lại sự kết tội đó nhiều lần ở nhiều nơi, nhiều lúc, gặp nhiều người ở Bộ Máy. Và Hắn đều yếu thế, không cãi được, thản hoặc có đôi người hiểu được và thông cảm với Hắn, hiểu được điều oan khuất của Hắn thì người đó cũng rơi vào thế yếu như Hắn, giúp đỡ riêng cho Hắn vài ba chục bạc rồi cũng bị “xử lí” theo địa vị của ông ta thôi.

Hắn bị kết tội nhiều đến nỗi Hắn thuộc hết những lời lẽ của những nhân vật kết tội Hắn. Và nhiều lúc Hắn đã dùng những lời lẽ ấy để mắng mỏ mình thậm tệ, hòng làm bớt đi cảm tưởng oan khuất nhưng càng làm thế thì nỗi niềm Hắn lại càng sâu nặng hơn và cay đắng hơn. Những người kết tội rất thuộc bài bản:

– “Chúng tôi lạ gì các anh. Chính các anh bảo viết thì phải lách mà. Các anh ai chả có tý “nhân văn giai phẩm”. Tại sao anh tuyên bố không thích vào Đảng? Tại sao anh bảo anh sẽ bẻ bút không viết nữa. Tại sao các anh chê bai các cô mậu dịch. Chê bai thế là chê bai chế độ, còn gì nữa?”

– “Chúng tôi thực hiện đầy đủ chính sách khoan hồng nhân đạo. Tội các anh nặng như vậy mà không đưa ra toà, không kết án, không bỏ tù, chỉ tập trung cải tạo thôi, nhân đạo quá còn gì?”

– “Các anh tưởng chúng tôi bắt các anh là chúng tôi sung sướng lắm đấy à? Chúng tôi vì các anh thôi, chúng tôi muốn giúp các anh nhận ra tội lỗi, trở thành người có ích cho xã hội, giúp các anh nâng cao cảnh giác cách mạng, giúp các anh tránh xa được sự lợi dụng của kẻ thù, giúp các anh không rơi vào tay của kẻ thù cách mạng. Thế mà các anh không biết. Các anh là chủ quan lắm, các anh không chịu nhận tội lỗi của mình”, v.v. và v. v.

Lý sự hùng hồn đến như vậy. Anh ruột Hắn cũng là một cán bộ cách mạng tầm cỡ, trong kháng chiến chống Pháp cũng đã bị bắt oan, bị tra tấn. Sau này được sửa sai, gặp lại những chú thanh niên đánh đập anh khi trước, anh trách họ: “Sao các chú tàn ác vậy. Đánh anh thừa sống thiếu chết?” Câu trả lời rất hồn nhiên: “Có phải em đánh anh đâu. Em đánh là đánh kẻ phản động, kẻ chống đối cách mạng. Em đánh vì cách mạng, đánh để bảo vệ cách mạng.” Anh ruột Hắn cũng rất thông cảm và giải thích cho vợ rất hùng hồn: “Người ta đều vì cách mạng cả. Vấn đề là xem cái động cơ hành động. Họ vì cái gì mà làm như vậy?” trong khi bà vợ nông dân rất thật thà cứ nói vung sự thật hiển nhiên lên: “Ôi, thời nào cũng vậy, quan bênh quan, chỉ có dân thường thời nào cũng khổ thôi.” hay “Ôi chao, cách mạng mà lại thế à?” Bởi vì chị cũng chỉ đơn giản so cái “nói” của cách mạng với cái “làm” của cách mạng thôi.

Tác giả đã nhìn rõ như vậy. Và tác giả cũng không bình luận gì thêm, không phê phán, cũng chẳng tán thưởng. Tác giả chỉ mô tả sự thật thôi, cái sự thật ấy tự nó có tiếng nói.

Có một đoạn tác giả khái quát rất cao cái tinh thần đối với dân của những người cầm quyền và thái độ tinh thần đối lại của những người bị cai trị “được giáo dục”. Tác giả tả một cuộc mắng mỏ của một ông giám thị đối với một phạm nhân trốn tù:

“Những anh nào có ý định trốn trại? Trốn đi đâu? Tôi đố các anh trốn đi đâu được đấy. Chạy ra nước ngoài à? Nước ngoài nó cũng không thèm dùng các anh! Hay vào Nam với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ? Anh nào có giỏi cứ đi!”

“Chúng tôi bắt được anh Sáng, nhưng dọc đường anh Sáng nhẩy vào hố phân trốn lần nữa. Cơm không muốn ăn, ăn cứt!”

Trong truyện cái anh Sáng này khao khát tự do năm lần trốn, năm lần bị bắt lại và vẫn cứ trốn. Và con người khao khát tự do đã trở thành con người “ăn cứt” đó.

Ông giám thị còn tiếp: “Mặt ông đanh lại. Khinh khỉnh, khinh khỉnh.” …Và: “Chính sách cải tạo nhân đạo của Nhà Nước ta rõ như ban ngày. Đưa các anh trở lại làm người, đưa các anh trở lại con đường ngay thẳng, hiểu rõ tội lỗi của mình, hiểu rõ giá trị củ lao động…” (trang 133- 135 tập 1 nxbTN).

Thật ra nhiều tù nhân nhận rõ tình hình, đã từng tuyên bố: “Cho kẹo chúng tôi cũng không trốn. Trốn đi đâu? Không có hộ khẩu, không có tem phiếu, sống làm sao?”

Nhưng cũng ở tập 1 trang 92, có đoạn thế này: “Cũng như hắn không tin cải tạo tốt thì sớm được trở về, không ai tin điều đó, mặc cho quản giáo nói, giám thị nói. Đôi bên quá hiểu nhau rồi. Người nói cứ nói. Thừa hiểu mình nói dối, chẳng ai tin, nhưng cứ nói. Rất thành thật thiết tha. Thuyết giảng chân lý, thuyết giảng con đường. Người nghe làm ra vẻ chăm chú, rất chăm chú, mê say. Nhận thức đường đi. Sáng lòng sáng mắt. Tuy biết tỏng rằng người nói cũng chẳng mảy may tin những điều họ nói, thì mình tin sao được. Nhưng vẫn làm ra vẻ tin, tin thật, tin lắm. Xuýt xoa, tấm tắc dù biết ngời nói nhìn thấu ruột gan mình. Vở diễn vẫn cứ kéo dài năm này sang năm khác. Vì không ai dám nói ra sự thật nên vở vẫn cứ diễn. Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng”.

Đoạn văn ngắn vừa kể thật là mấy nét ký hoạ rất sắc thực trạng quan hệ giữa người cầm quyền và nhân dân hiẹn nay. Những nét ký hoạ vừa sắc vừa chua xót lẽ ra nó phải đụng mạnh vào cái chốn lương tâm còn sót lại của giới cầm quyền chính thống mới phải.

Tác giả đã nhìn thấy và tái hiện hiện thực sâu sắc của xã hội. Tôi thấy tác giả là một tác giả hiện thực lớn, không biết ông ấy theo chủ nghĩa hiện thực gì, nhưng thật là một tác giả hiện thực lớn.

Khi nói về mục đích của nhà tù là cải tạo những phạm nhân để họ trở thành “người tốt” có ích cho xã hội, thì tác giả khái quát kết quả cải tạo ở các nhà tù là:  Vào tù, học được hai cái: một là ăn cắp, hai là nói dối. ở trong tù khổ quá, phải ăn cắp mới sống được, muốn ăn cắp thì phải biết nói dối.

Khi nói về “chính sách khoan hồng” của Nhà Nước ta là không xử án, không bỏ tù, chỉ tập trung cải tạo, tác giả thuật lại lời một ông tù già: “Các chú có biết khoan hồng là gì không? Khoan là thong thả, hồng là máu. Khoan hồng là thong thả rồi hãy giết.”

Tác giả này có nhiều cách lý giải độc đáo. ở một cuốn sách khác, ông ấy mượn lời ông Nguyên Hồng trả lời câu hỏi “Tại sao người ta cứ phải nói dối” bằng câu trả lời: Người ta phải nói dối vì người ta không muốn khác những người khác. Như thế có nghĩa là người ta đang ở một xã hội mà ai cũng nói dối cả, không nói dối thì thành ra khác người quá!

Tác giả có những nét ký hoạ thật tài tình. Ông ấy vẽ những mối quan hệ giữa giới quản giáo với tù nhân (cũng có thể hiểu giữa giới lãnh đạo và xã hội): Hai bên cứ có những tư duy và tình cảm đi theo hai vec tơ ngược chiều nhau, không thể gặp nhau được. Và như vậy, người oan càng kêu oan lại càng oan và người mong người khác “cải tạo cho tốt hơn” thì người đó lại càng lảng xa yêu cầu cải tạo đó. Cái vòng luẩn quản trong cuộc sống cứ thế kéo dài, gây khổ sở cho tất cả mọi người.

Tác giả vẽ ra một bức tranh cảnh giám thị cho phép tù ra gặp người nhà: Gọi tù ra, tù ra chậm mấy phút. Giám thị đuổi vào không cho gặp nữa. Tù vào nằm vật ra giường buồn quá, nghĩ đến nông nỗi người vợ vượt mấy trăm cây số đường gian khổ và đầy bom đạn lên thăm mà không được gặp. Nhưng về sau lại có lệnh gọi người tù đó ra gặp vợ. Cho gặp nhưng phạt, không cho nhận quà. Rồi cho nhận nhưng chỉ dược nhận một phần ba quà thôi. Trong quá trình gặp gỡ nói chuyện, người nhà của tù nhân cứ nhắc từng món quà đưa cho chồng, nắm xôi, gói thuốc lá, thuốc lào, gói ruốc thịt v.v… Cứ mỗi lần như thế lại xin phép giám thị với lý do thống thiết. Giám thị im lặng, không gật cũng không ngăn và cứ thế từ chỗ cấm nhận đến chỗ chỉ cho nhận một phần mà cuối cùng người tù cũng được nhận hết đống quà vợ mang lên (trang 28-38 tập 1).

Như vậy người giám thị đâu có ác. Ông ta cũng biết thương người, biết nghe lời phân giải nhưng lúc đầu ông ta làm ác như vậy chẳng qua ông ta quá quen thói tuỳ tiện biểu dương quyền lực của mình, tuỳ tiện dùng bừa bãi quyền lực của mình. Điều đó thành ra bản chất thứ hai của người giám thị và hình như nó cũng là bản chất thứ hai của những người cầm quyền.

 

II

 

Nhân vật chính của quyển tiểu thuyết là một người viết báo, viết văn. Quan hệ bạn bè toàn là những nhà văn và nhà báo. Cho nên trong tiểu thuyết rất nhiều cảnh sống liên quan đến văn nghệ. Trong đó nổi lên mấy nét đặc sắc, đó là những tâm lý, tình cảm, nỗi buồn và niềm vui của những người làm văn nghệ, tình bạn của những người làm văn nghệ: nghèo và trí cốt với nhau: một người bán máu để lấy tiền đãi bạn một bữa bún. Nét đặc sắc thứ hai là quan hệ giữa những người trong bộ máy nhà nước với văn nghệ và những người làm văn nghệ. Tôi nhớ có một thời từ ngay xưa, một người có quyền lực bao trùm, uy thế lồng lộng, một lần sau khi giải thích vai trò quan trọng và vẻ vang của văn nghệ trong cách mạng, lại nói riêng và nói nhỏ với một số ít người thân tín một câu là “cánh văn nghệ nó hay “xỏ” lắm, phải cẩn thận đấy!” Những cảnh mô tả trong tiểu thuyết đều phản ảnh nhất quán “tư tưởng chỉ đạo” nói trên.

Những vị công an, từ người chỉ đạo chung đến công an điều tra hình sự, công an đặc trách, công an hộ khẩu, công an giám thị, quản giáo (áo xanh, áo vàng) mà quan hệ với các văn nghệ sĩ đều có tâm lý và thái độ của nhà chức trách đối với những kẻ đã, đang phạm tội, hoặc chắc chắn sẽ phạm tội. Các ông đều bảo họ: Tôi biết các anh quá rõ! Các anh là chủ quan lắm! Các anh đều có một tý “nhân văn giai phẩm” cả. Đối với các ông ấy “nhân văn giai phẩm” là một tội nặng nề và hiển nhiên của văn nghệ đối với Nhà Nước, đối với cách mạng. Các ông đều tỏ ra là các ông cũng đọc nhiều, cũng biết nhiều tác giả. Có ông luôn luôn cầm trong tay cuốn sách nhưng nhìn kỹ thì đó là sách bổ túc văn hoá lớp 10!

Các ông tình nghi ai hay đã bắt ai thì các ông tìm mọi cách để có chứng cứ buộc tôi, mà chứng cứ rõ nhất, đầy đủ nhất là ở các bản thảo của tội phạm. Các ông lùng sục, tìm tòi ở tất cả các nơi mà tội phạm có thể qua lại: Nhà bạn bè, nhà bố mẹ, họ hàng, lục tìm tất cả các mẩu giấy có thể có để thu thập mang về nghiên cứu, tức là để lục tìm “chứng cứ của tội lỗi”. Trong khi ấy, tác giả của những tờ giấy đó đau xót khốn khổ. Họ sung sướng bao nhiêu khi đẻ ra những bản thảo đó thì nay cay đắng khốn khổ bấy nhiêu khi nhìn thấy nó bị thu thập bị vò xé, quăng quật. Và khi nhân vật tranh luận với một ông tỏ ra thông thạo văn nghệ, Hắn hỏi ông: Ông thu được các bản thảo của tôi, ông đọc nó, thấy thế nào? (ý Hắn muốn hỏi ông có thấy tôi chửi bới, chống đối chế độ ở đó không?) thì ông ấy trả lời: “Tôi bận quá, chưa đọc được”. Các ông ấy đều hứa hẹn trả lại bản thảo cho đương sự. Nhưng đương sự thì năm lần bẩy lượt đi lại hết nơi này tháng nọ vẫn chưa được nhìn lại những “đứa con” của minh rứt ruột dẻ ra. Các ông công an thì coi như nắm rất vững các chứng cớ phạm tội của văn nghệ sĩ, những chứng cớ thông thường là tuyên bố không vào Đảng, tuyên bố sẽ bẻ bút không viết. Ngồi nhậu nhẹt hay trao đổi phê phán những người mậu dịch cửa quyền, móc ngoặc, nhận xét các đảng viên ở cơ quan kém và dốt, các tệ nạn xã hội… Đó là những chứng cớ “bất mãn và chống đối”.

Còn ở các tác phẩm văn nghệ, các bản thảo thì bất cứ trang nào các ông cũng có thể có chứng cớ về những sự ám chỉ, xỏ xiên, chống đối. Trong tiểu thuyết có một chỗ tác giả nói lên sự tìm bới ấy ở trong hai phóng sự và truyện ngắn của Hắn. Đó là “Những tiếng động bị nhốt”, phóng sự về anh thợ hàn chui vào phuy xăng để hàn, có những tiếng nổ của que hàn. Những tiếng nổ đó được suy ra là tác giả nói đến những tài năng bị giam hãm, những tài năng bị thui chột và như thế là dụng ý phê phán Nhà Nước. Còn truyện “Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng” thì tác giả (của truyện) cảm xúc về tiếng một con dế và tưởng tượng ra một cuộc đấu tranh giữa một con dế dũng cảm với một lũ gián hôi sì xúm lại đánh nó. Nhưng các ông ấy nói rằng đó là viết xỏ xiên, “những con gián sống trong bóng tối béo núc hôi xì là ai? Anh đừng tưởng chúng tôi không biết đâu! Những con gián ấy là ám chỉ những đảng viên trong cơ quan báo (trang 322-323 tập1).

Rất nhiều chỗ có những đoạn mô tả cảnh các ông công an mắng mỏ các tội phạm văn nghệ, vạch tội lỗi của các văn nghệ sĩ. Mỗi người văn nghệ đều được mục kích cảnh bạn mình bị bắt, bạn mình bị theo dõi. bị hăm doạ, hầu như không ai được sống yên ổn. Nhân vật Hắn được ra khỏi nhà tù, đêm đầu định đến nhà một người bạn để ngủ một đêm tự do và gặp gỡ thì lại vào đúng ngày anh bạn vừa bị bắt, nhà chỉ còn ông bố và bà mẹ. Hắn vào ngủ trong phòng của bạn mà tưởng tượng cảnh bạn mình phải chịu những ngày đầu bị bắt, bị ở tù, bị thẩm vấn… Rồi khi về đến nhà, gặp người bạn thân nhất trước đây cùng làm một cơ quan, lại được bạn kể tỉ mỉ cho nghe cảnh bị theo dõi, bị các đảng viên và lãnh đạo Đảng ở cơ quan cảnh cáo dằn mặt. Có thể thấy rõ quyển tiểu thuyết đã khái quát mấy đặc điểm một số người:

1- Thực chất là không hiểu biết nhưng lại tự cho mình là rất hiểu biết, hiểu biết sâu sắc về văn nghệ và những người văn nghệ. Sự hiểu biết ấy đều dựa trên quan điểm “tư tưởng chỉ dạo” nói trên.

2-  Vì vậy thái độ của họ đối với văn nghệ sĩ thông thường là: coi thường (khinh rẻ hoặc khinh bỉ), không tin cậy và đầy nghi ngờ, lúc nào cũng phải cảnh giác sự chống đối, sự ám chỉ, đả kích.

3- Do đó, đối với các tác phẩm văn nghệ, đặc biệt đối với văn học, họ luôn có thể tìm ra được những bằng chứng của tội phạm, tội phạm chống đối, phản động. Nhiều khi sự thô thiển trong cách nhìn này còn tràn cả vào sân khấu, điện ảnh, tạo hình… và luôn cho rằng những câu hò vè, những chuyện tiếu lâm, thực sự là từ nhân dân, đều là sản phẩm của văn nghệ sĩ. Vì vậy họ hết sức theo dõi để nắm được những câu chuyện vui, chuyện tầm phào của vợ chồng và bạn bè văn nghệ sĩ. Vì thế có một đôi vợ chồng nhà báo đêm nằm tâm sự cũng phải đóng kịch, nói to những câu nịnh bợ dối trá và nói thầm những câu tâm tình. Một xã hội có những ứng xử như thế với văn nghệ thì làm sao văn nghệ có những sản phảm tốt đẹp, làm sao văn nghệ có đỉnh cao được.

 

III

 

Cuốn tiểu thuyết cũng có nói đến những thân phận, những số kiếp của một số không ít người. Đó là số kiếp của con người mất tự do, trong số đó dễ nhận thấy và dễ nhớ là số kiếp của mấy người như sau:

Già Đô là một ông thợ già, tay nghề rất giỏi, số phận đưa đẩy ông sống ở Pháp, có vợ và có con ở Pháp. Nhưng ông yêu nước, tin vào tay nghề của mình, quyết về nước để đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Nhưng ông đã quen cuộc sống trên đất Pháp, cho nên có điều gì bất bình thì ông lại “đấu tranh theo kiểu Pháp”, nghĩa là cầm biểu ngữ ngồi trước cửa nhà giám đốc. Ông lại hay nói tiếng Pháp và hay hát tiếng Pháp. Đó là biểu hiện “ông có thể liên hệ với nước ngoài, làm hại tổ quốc”. Ông bị tù và ông rất sợ chết trong tù, vì nó ứng với câu rủa “chết rũ tù”. Rồi ông cũng được ra khỏi tù, nhưng ra khỏi nhà tù, ông không có nhà, không người thân thích, không có viêc làm. Ông phải đi ăn xin, ngủ đường, ngủ chợ. Không sống được, ông phải nhặt rác và ăn cắp. Cũng không sống được, ông phải tìm đến con đường xin vào lại nhà tù. Ông cố ăn cắp để mong bị bắt và được vào trong tù. Nhưng nguyện vọng của ông chưa đạt được thì ông đã chết vì quá cực khổ và kiệt quệ. Ông đã tránh được cái chết “rũ tù”…

Đó là số kiếp Nguỵ Như Cần, bị tù (cải tạo) hơn 20 năm. Anh đã cắt đứt mọi quan hệ với  quê hương, gia đình, bạn bè và yên trí ở tù vô thời hạn. Nhưng rồi anh cũng được trả tự do. Chính đêm hôm trước ngày anh ra khỏi nhà tù thì anh tự thắt cổ chết. Và người ta thấy rõ nếu anh ra khỏi nhà tù anh cũng không có cách gì sống được, vì như tiểu thuyết nhiều lần nhắc cái cảnh: không có hộ khẩu, không có tem phiếu… mà anh lại hết thân thích bạn bè, thì tự do là cái hoàn toàn vô nghĩa với anh và anh phải tự kết liễu đời mình.

Đó là Giang và Sáng, hai thanh niên còn tươi tắn, khoẻ mạnh. Giang là con liệt sĩ, mẹ đi lấy chồng. Giang lang thang trộm cắp rồi bị bắt, ở tù. Còn Sáng là một thanh niên nông dân nhiều sức sống, không chịu được cảnh tù đầy, liên tiếp trốn khỏi nhà tù và liên tiếp bị bắt lại. Cứ vừa bị bắt lại thì Sáng đã tìm cách trốn ngay sau đó. Cứ thế đến lần thứ năm thì bị đánh đau lắm. Và sau đó không biết số kiếp Sáng ra sao, vì nhân vật chính là Hắn không gặp lại Sáng nữa. Ta cũng đoán được là số kiếp đó chỉ có thể là một kết cục bi thảm…

Trong các cảnh đời, tác giả còn vẽ nhiều cảnh tuy với nét bút sơ sài nhưng đầy thú vị. Đó la cảnh một gia đình có một bà chủ đặc sắc. Đó là bà Bượng. Chân dung của bà như sau: “Mọi người đều ghét bà Bượng. Ghét nhưng sợ. Đã có nhiều cuộc vùng lên chống lại bà. Nhưng đều thất bại. Bà kể vanh vách những chuyện trong gia đình người khác. Bà lôi cả danh hiệu đảng viên của ông bà Tri ra chửi” (trang 85-86 tập 2).

Bà là một “chửi sĩ” siêu sao. Tiểu thuyết viết thế này: “Bà chửi hiện đại. Bà không dùng những câu kinh điển chửi thằng dải chiếu ngang thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế nhà mày. Hay con gà ở nhà bà là con gà, về nhà mày nó là con hùm tinh đỏ mỏ ( … ) Bà có cách chửi của bà. Vừa hiện đại vừa mang tính thời sự nóng bỏng: Bọn sâu mọt, bọn đục khoét, bọn ăn đút lót. Bọn khốn nạn rồi sẽ bị truy tố. Bà nghèo nhưng bà trong sạch. Xã hội chủ nghĩa mà khốn nạn (trang 85 tập 2).

Sau đây là một vài đoạn “văn chửi” của bà, rất đáng thưởng thức: “Cha tiên nhân nhà mày. Bà giồng hai cây chuối ở đây thì có động mồ động mả nhà mày không, mà mày xui con xui bố mày ra vặn cho nó chết. Cái cây nó có tội tình gì. Thằng cha mà bẻ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng con. Thằng con mà vặn cổ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng cha ( … ) Bà bảo cho thằng già, thằng trẻ, con trai, con gái nhà mày biết, bà không ăn cắp, không ăn hối lộ của ai ( … ) Bà nói trước cho mà biết, sáng ra bà chưa súc mồm súc miệng bà chửi cho nó độc. Chửi đủ ba tháng mười ngày… Sáng một chập. Trưa một chập. Tối về bà chửi một chập. Tao nghèo tao tăng gia tao ăn. Bác Hồ dạy thế, tao làm. Tao không ăn hối lộ, tao không bòn rút. Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? Ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn” (trang 87 tập 2).

Bà lại có đoạn văn chửi hiện đại nữa như sau: “Cha tiên nhân thằng già thằng trẻ nhà mày. Bà nghèo bà lao động nuôi con nuôi cái bà. Bà không ăn hối lộ. Mày như con bọ hung, thấy đống phân là rúc vào. Mày ăn hết cả phần phúc đức của bố mẹ mày. Mở miệng thì toàn là cách mạng, đạo đức mà việc làm là bòn rút hại người. Tuần rằm nào cũng hương khói nguyện cầu mà lòng dạ mày toàn rong rêu (trang 88 tập 2).

Cách bà chửi cũng hiện đại: “Liền ba tháng mười ngày như vậy. Mỗi ngày được tái bản, câu chửi đều có bổ sung và phát triển. Sáng sớm chửi liền nửa tiếng xong, bà về ( … ) Chủ nhật bà đi người không. Không cầm ghế… Bà dõng dạc tuyên bố: Hôm nay 14 tháng 6 năm Bính Thìn, chủ nhật. Bà nghỉ”.

Còn rất nhiều cảnh sinh động của cảnh sống tem phiếu, xếp hàng, cửa quyền, ăn bớt, móc ngoặc… nhưng tác giả có chọn một cảnh để tả kỹ. Cảnh đó nhỏ như sợi chỉ (cái kim, sợi chỉ là cái nhỏ nhất mà). Đó là cảnh “chia chỉ”:

– Cứ chia đi, tí nữa cô nhận cho tôi, cho hai cụ với nhé.

– Mợ đem cho tôi cái bìa theo dõi.

Hắn giật mình. Sao nhà mình lại bị theo dõi nhỉ?

– Theo dõi gì hở chị?

– Theo dõi mua công nghệ phẩm. ( … )

ánh đèn lập loè sau luỹ tre thưa. Tiếng người cười nói, gọi nhau, chào hỏi, bàn cãi, gắt gỏng.

– Một trăm mười bẩy suất. Bốn mươi cuộn tất cả. Hai nhăm cuộn đen, mười lăm cuộn trắng.

– Thế thì cứ bốn người một cuộn. Bốn bốn mười sáu. Được một trăm mười sáu suất. Thiếu một suất, tính sau.

– Ai chịu cái suất thiếu ấy?

– Lại còn chỉ đen, chỉ trắng. Ai lấy chỉ trắng cho?

– Mỗi cuộn này bao nhiêu mét nhỉ?

– Cứ đóng hai cái cọc cách nhau mười mét, mỗi đường chỉ là mười mét. ( … )

– Chia chỉ đen trước, chỉ trắng sau (trang 413 tập1).

Chia xong thiếu mấy đường, lại đóng cọc lại, chia lần thứ hai, thừa ra ba cuộn, lại phải chia thêm. Đến khổ, có tí chỉ mà hết đêm. Mợ Cổn cho tôi đổi suất chỉ trắng lấy suất chỉ đen nhé. ( … )

– Mỗi cuộn mười một mét đấy. à mà đen mười một mét, còn trắng gần bẩy mét (trang 424, tập 1).

Đó là bức tranh sinh động về một cuộc sống mà Nhà Nước mong nó dược công bằng tuyệt đối. Và Nhà Nước đứng ra lo tất cả, từ cái kim sợi chỉ cho toàn dân. Đó là cái khó khăn phức tạp của sự yêu cầu tuyệt đối công bằng… Từ đấy người đọc dễ dàng hình dung ra toàn bộ cái quy mô và cường độ ghê gớm của cuộc sống tập trung bao cấp, tem phiếu, xếp hàng quàng lên đầu lên cổ mỗi người dân.

Quả là cuốn tiểu thuyết còn nhiều điều hay. Mỗi trang, mỗi dòng đều đầy ý vị của triết lý cuộc sống. Nó đều gợi cho mỗi người đọc phải liên hệ mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Ngẫm nghĩ về tự do và mất tự do, về tâm trạng và nỗi niềm, về cái khốn khổ và cay đắng của người mất tự do, ngẫm nghĩ về kiếp người và mỗi con người, ngẫm nghĩ về sự thật thà và giả dối, ngẫm nghĩ về tình yêu, tình bạn với những nét đẹp thật sâu xa mà cũng lộng lẫy. Rồi từ đó ta có thể nghĩ nhiều về xã hội, về đất nước và mong chờ, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp: Cuộc sống và xã hội tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn, tự do hơn.

Tóm lại đây đúng là một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn, xứng đáng là một sự kiện văn học của Việt Nam để mở đầu thế kỷ 21. Và cứ bình thường mà xét thì Bùi Ngọc Tấn xứng đáng là người tiếp bước Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.

 

Hà Nội tháng 7 năm 2000

Một thời không mất

Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn là một hồi ký văn học. Tác giả là nhà báo – nhà văn thuộc thế hệ sau hoà bình lập lại trên miền Bắc 1954. Tuổi đời của thế hệ này chênh nhau khoảng dăm bẩy tuổi. Có một cuộc Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất họp ngay ở Thái Hà ấp đã thành điểm quy tụ của lớp người này.

Giống như một cuộc chạy maratông, điểm xuất phát bao giờ cũng ồn ã, đông đảo, nhưng sau vài thập kỷ, theo Bùi Ngọc Tấn, người thành đạt (khác với thành tựu) cũng có nhưng ít thôi (tất nhiên), như Bùi Đức ái (Anh Đức), Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Nguyễn Kiên rồi Nguyễn Quang Thân…, còn phần đông “lớp tuổi tôi máu me ngày ấy, hình như sự cay đắng, vất vả nhiều hơn”.

Dẫu mỗi người một cá tính, cá tật, họ giống nhau ở lòng tin yêu hơi ngây thơ, trong sáng buổi ban đầu. Nhưng họ cũng luôn vấp phải những sự việc ấu trĩ của buổi ban đầu. Các nhà báo nhà văn trẻ bây giờ không khỏi ngạc nhiên khi biết có một nghị quyết chi bộ của một tờ báo đã cấm các nhà báo trong chi bộ viết văn (!) với lý do để tập trung xây dựng báo. Vì vậy nhà báo Tân Sắc (bút danh Bùi Ngọc Tấn lúc ấy) khi dự thi truyện ngắn phải ký tên “chui” là Lôi Động và được giải thưởng tạp chí Văn Nghệ (trước 1959). Khi đi dự cuộc trao giải, anh mới biết chính nhà thơ Xuân Diệu đã lôi cái truyện ngắn ấy ra từ đống truyện đã loại…

Nhưng tất cả mọi chuyện vui buồn Một thời để mất ấy chỉ là bối cảnh để tác giả cho hiện lên diện mạo, tính tình, lời ăn tiếng nói của nhà văn quá cố Nguyên Hồng từng một thời coi anh như một người bạn vong niên. Cũng dễ hiểu, bởi ở Hải Phòng lúc đó, lớp nhà văn trẻ thuộc Hội Văn nghệ Hải Phòng với Nguyên Hồng là tình thầy trò, số người viết lứa tuổi cứng cáp hơn như Bùi Ngọc Tấn mới được coi là lớp đàn em.

Phải nói Bùi Ngọc Tấn “thuộc” Nguyên Hồng đến từng hơi thở mới có được những mảng văn sinh động đến vậy về nhà văn này:

Bàn viết của Nguyên Hồng là một cái bàn tre, nông thôn thường dùng làm mâm ăn, giống cái chõng tre thu ngắn. Trước cái bàn viết ấy Nguyên Hồng trải chiếu, ngồi xuống đất viết. Thường làm việc gì anh cũng làm một cách tất bật, vội vàng qua quýt cho xong. Nhưng khi Nguyên Hồng chuẩn bị viết, tự dưng anh điềm đạm hẳn lại. Trang trọng, từ tốn. Những lúc ấy anh phải thu dọn xung quanh cho gọn gàng sạch sẽ. Anh quét nhà, anh sắp xếp lại những tập sách, giải chiếu xuống đất, vuốt ve mấy tờ giấy trắng, để bút để mực sẵn sàng. Rồi đi loanh quanh, đi ra đi vào, mặt mũi đăm chiêu khổ sở. Anh vẫn gọi việc ấy là dọn ổ đẻ. Còn cái chõng tre ấy Nguyên Hồng gọi là “mâm viết”.

Phương tiện đi lại của Nguyên Hồng là chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, khung ngắn, bàn đạp ngắn, ghi đông ngắn, người lớn ngồi trông như gấu, khi vận hành hai chân cứ nhoay nhoáy, nhoay nhoáy, đầu gối chạm ghi đông. Nó còn một đặc điểm nữa là không đạp ngược được. Quay ngược chiều ru líp là phanh, là khựng lại. Nhưng thời ấy cũng phải bình chọn, cũng phải phiếu, có khi hàng trăm người mới được một chiếc, hơn nữa lâu lắm mới có một đợt phân phối.

Chiếc xe ấy được nhà văn Nguyên Hồng âu yếm gọi là Cún. Khi ông dựng xe ngồi chơi ở bãi cảng, các em nhỏ thường gạ gẫm: “Cho cháu đi một tý nhé! Hay là cho cháu thuê, cháu có hai hào đây!” Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng tặng ông một chiếc xe đạp Thống Nhất, thế nhưng con cái giành nhau đi học, ông lại phải dùng Cún. Thật là ngượng khi gặp Thủ tướng giữa đường! “Chắc Thủ tướng cho là mình túng quá, bán rồi. Mình ngượng chín người, cứ đứng một tay giữ Cún. Cái con Cún khốn nạn phản chủ này, nó cứ kềnh càng trên đường, không quẳng đi đâu được”.

Nhà văn Nguyên Hồng mê bóng đá đến mức đang dẫn một đoàn nhà văn trẻ lên một tỉnh miền núi, nghe tin đội Hải Phòng thắng, ông bắt chánh văn phòng phải điện ngay về chúc mừng. Ông có thể khoái chí vì một cú sút đẹp mà ôm hôn người ngồi xem bên cạnh, không cần biết đó là ai. Bùi Ngọc Tấn phát hiện “Nguyên Hồng là nhà văn chống bao cấp đầu tiên ở nước ta” bằng hành động rời cả gia đình từ thủ đô về Yên Thế. Cử chỉ, lời nói của nhà văn trong lĩnh vực ẩm thực thật sống động bình dân qua nét phác hoạ của Bùi Ngọc Tấn: “Nguyên Hồng kênh cái mẹt có cái đùi chó bóng loáng lên, vục tay vào tận cái thúng bên dưới. Anh lục lọi, bấu bấu nắn nắn và lôi ra một tảng:

 – Chị chặt cho tôi miếng nầm.

Nguyên Hồng cúi cúi xem gói thịt và gia vị:

– Chị cho tôi thêm mấy nhát riềng.

(Chữ “nhát” đúng là chữ của anh. Không chết như chữ “miếng”, chữ “nhát” gợi một động tác, một hình ảnh, một âm thanh, một quá trình…)

Bùi Ngọc Tấn viết hồi ký về nhà văn đàn anh bằng bút pháp một nhà văn, cho nên anh đem đến cho người đọc những suy nghĩ độc đáo, có lúc lại như nói thay cho tâm trạng cả một lứa tuổi, như khi anh bàng hoàng nghe tin nhà văn Nguyên Hồng qua đời: “Khi thế hệ cha anh mình mất đi mình bỗng thấy trơ trọi. Không còn nữa cái tuyến một vẫn đứng chắn giữa mình với vô cùng, che chở cho mình bình yên sống. Mình không an toàn nữa. Mình bỗng thành tuyến đầu. Từ nay mình bị phơi ra trước họng súng bắn tỉa của Thần Chết”.

Lời nhận xét về thế hệ của mình : “… cay đắng vất vả nhiều hơn” đặc biệt vận vào anh, như anh từng tự thuật: “… tôi bị văng ra ngoài quỹ đạo...” Và Nguyễn Văn Chuông, nhà văn “trẻ” đã quá cố của Hải Phòng đã an ủi anh: “Anh không lâm nạn là anh hỏng đấy! Dạo ấy anh viết nhiều nhưng anh sắp hỏng, thật đấy! (anh như vậy)… có khi lại hay! Anh lại có cuộc sống không ai có được”.

Trong lời an ủi của Nguyễn Văn Chuông có một sự thật. Sự thật ấy đã hiển hiện ngay trên những trang hồi ức của anh ít nhiều ngậm ngùi nhưng sâu lắng tình người và trải nghiệm…

Một thời để mất là cách nói của Bùi Ngọc Tấn, nhưng anh đã không để nó mất đi trên gần hai trăm trang chân thành, sinh động, bởi sự thực… đã có một thời như thế!

 

Vân Long