Một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn

Về Chuyện kể năm 2000

Một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn 

 

Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) của tác giả Bùi Ngọc Tấn là một cuốn tiểu thuyết hay, hay nhất trong mấy chục năm cuối thế kỷ 20.

Cũng như mọi cuốn tiểu thuyết khác, CKN2000 kể một câu chuyện: Chuyện một người bị tù năm năm, được tha ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn không sống được, do gặp nhiều trở ngại trong việc kiếm sống và hàng chục năm vẫn bị ám ảnh nặng nề của những kỷ niệm trong tù, của thân phận “một con người không được công nhận”, một người không được tự do. Người này được tác giả gọi là Hắn và có tên là Nguyễn Văn Tuấn là một nhà báo và nhà văn. Người này ở trong tù mất tự do đã đành, mà ra khỏi tù vẫn không được tự do. Có chỗ trong tiểu thuyết gọi là “tù nội trú” và “tù ngoại trú”, tương đương với ngày xưa có người đã nói “cái lồng con” ở giữa “cái lồng to”. Mọi người đọc dễ dàng nhận thấy đây là một tiểu thuyết tự truyện, tác giả viết về cuộc đời mình mà không xưng tôi. Vì thế tác giả tự do tưởng tượng và hư cấu những chi tiết “như thật” rất tự nhiên và hấp dẫn. Chính vì vậy cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn rất lớn và xúc động người đọc sâu xa. Là chuyện kể về một người nhưng người đó có quan hệ với rất nhiều người: Những bạn tù đông đảo thuộc rất nhiều nguồn gốc xã hội, tù có án và tù không án, và bị buộc phạm rất nhiều tội khác nhau. Những người khác là những người thân trong gia đình: bố mẹ già, các anh em, vợ và các con, các bạn cùng công tác, các bạn thân và ít thân, các người có chức quyền có tác động và ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của Hắn. Và tất cả những hình ảnh về các con người này tập hợp trong cuốn tiểu thuyết làm hiện lên rõ ràng bức tranh xã hội rất thực và rất sinh động. Bức tranh hiện lên với những chi tiết cụ thể, nói rõ những đặc trưng của một xã hội trong một thời điểm cụ thể (đó là thời điểm từ 1968 đên 1975). Ta thấy có những bí thư, chủ tịch và các quan chức của ngành công an (giám đốc, đặc trách về văn hoá, đặc trách về hộ khẩu, giám thị nhà tù, quản giáo, áo vàng và áo xanh (công an vũ trang). Ta còn có thể thấy mối quan hệ giữa những vị này, người mới đối với người cũ, cấp trên với cấp dưới bênh vực và bao che nhau và thủ đoạn lừa lọc nhau và lừa lọc nhân dân. Đó là việc tự tay viết thư ra lệnh và thu xếp việc làm cho Hắn, rồi lại chỉ thị mật cho cấp dưới nhất định gạt đi và không bố trí việc làm.

Thế là một xã hội gồm có bộ máy rất to lớn, kềnh càng nằm rải các ngóc ngách đời sống nhân dân, qua việc kiểm tra hộ khẩu, nhiều tem phiếu và một hệ thống kiểm tra tem phiếu, cái xã hội ấy nổi bật lên một nét bao trùm là chỉ có một bộ máy hùng hậu để quản lý (cai trị) hai loại người: một loại là những người tuân phục, cam chịu, ủng hộ, tán thành bộ máy cầm quyền và một loại người không cam chịu, có những nhận xét và ý kiến của riêng mình đối với xã hội và bộ máy cầm quyền. Loại thú hai này không được công nhận, luôn bị coi là những tội phạm phải cảnh giác, theo dõi, buộc tội và cần cải tạo. Nói một cách khác, cái xã hội đó chỉ có hai loại người:

– Một là những người không phạm tội, “những người tốt”, tức là những người trong bộ máy và những người tuân theo và ủng hộ bộ máy. Bộ máy đó tự nhận là của nhân dân và làm việc gì cũng nhân danh nhân dân. kể cả những việc nhân dân không nhờ và không muốn làm.

– Hai là những người phạm tội, cần cải tạo, có án hoặc không có án. Loại này còn gồm cả những người đã phạm tội, đang phạm tội, sẽ phạm tội, có thể sẽ phạm tội, có những “dấu hiệu” phạm tội… Mà những “dấu hiệu” ấy thì nhiều lắm, có thể tìm thấy bất cứ ở đâu. Đó là những người có chút suy nghĩ độc lập, hoặc là có ý muốn nói lên chút sự thực hiển nhiên của cuộc sống.

Như vậy xã hội đó chỉ gồm những người là TA và những người không được công nhận là TA, và tất yếu là Nó, là chống đối là phản động là tội phạm. Đó là theo nguyên lý: Những ai không phải là TA thì chỉ là Nó, mà đã là nó thì chỉ có thể là địch. Cuốn tiểu thuyết này là cuốn tự truyện của một con người thuộc loại người “phạm tội” với tất cả ảnh hưởng của đời sống ở trong tù và ở ngoài tù, cảnh tình của vợ con, họ hàng, bạn bè và cả những người quen biết, những người đồng cảnh, hoặc là “đã phạm tội” hoặc là “đang phạm tội”. Ngay ở chương đầu, tác giả đã giới thiệu một loạt tiếng lóng của nhà tù; “khợp” = ăn, “giấu” = yểm, “tạt” = ăn cắp, “bồng” = mang vác, “bẩm” = báo, mách, “mều” = mỡ, “meo” = đói, “sột sệt” = đun nấu, ăn uống, “bành” = no. “chác” = đổi, “ken” = thuốc lá, “bắt tóp” = hút xái thuốc lào, “quả tắc” = quà, đồ tiếp tế, “tắc rằm” = quà nhiều, lớn, “biêu” = bao thuốc lá, “lệnh” = lạng chè… Và cứ như thế, những tiếng lóng này được hoà nhuyễn trong ngôn ngữ của suốt cuốn tiểu thuyết, nhất là những đoạn tả cuộc sống trong tù.

Cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc sống của một con người “đã từng phạm tội” và luôn luôn có thể “lại phạm tội”, tuy đã được ở “tù ngoại trú”.

Con người ấy trong tiểu thuyết gọi là Hắn. Trong tiểu thuyết, Hắn tồn tại và xuất hiện ở một quãng đời vào khoảng 20 năm trong đó có 5 năm ở trong tù, và trong suốt quãng đời mà Hắn sống đó, Hắn luôn luôn ngậm ngùi tủi hổ, dằn vặt, than thân trách phận, cay đắng về số kiếp một con người mất tự do nghiền ngẫm những lời buộc tội của bộ máy, cố ghép mình vào những tội đó mà không được, thế rồi ngày đêm cay đắng về số kiếp của mình, chỉ biết than thở với vợ và bạn bè. Vợ và bạn hiểu được cho Hắn, nhưng những người hiểu được điều oan khuất ấy cũng đều là những người “có nhiều khả năng trở thành người phạm tội” như Hắn. Chỉ có những ai tuân phục cúi đầu quên đứt đi thân phận của mình thì mới tránh được khả năng đó, có thể yên ổn làm ăn và thậm chí có khả năng thăng tiến.

Cái xã hội đang vận hành theo một cơ chế như vậy. Hắn là người nhìn thấy những điều đó, nhìn thấy cái sự thật ấy, không thể sống yên ổn được trong xã hội ấy. Hắn đã bộc lộ những dằn vặt và ngậm ngùi về số kiếp, thân phận Hắn mấy chục năm… và có lẽ còn như thế đến hết cả đời.

Với một hiện thực như vậy cho nên bố cục của cuốn tiểu thuyết không theo kiểu biên niên theo trật tự thời gian, mà cũng không có lối phục hiện, tái hiện lôi thôi. Cả 800 trang sách là một lời than thở. Một tiếng thở dài, một tiếng kêu than, một lời gào thét của một kiếp người, kiếp người mất tự do.

Hắn đã từng tin tưởng và vẫn còn tin tưởng, đã từng hào hứng say sưa với lý tưởng: Lý tưởng độc lâp, tự do và hạnh phúc cho đất nước, vậy mà Hắn cứ phải va chạm, chịu đựng, nếm trải những hiện thực cay đắng ngược lại với lý tưởng mà Hắn từng được giáo dục. Vì vậy văn chương trong cuốn tiểu thuyết là văn chương rất đặc biệt. Nó là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách… Vì vậy văn chương của cuốn sách phải nói là rất hay. Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý.

Suốt 800 trang sách là lời lẽ của một nỗi niềm. Đó là nỗi niềm cay đắng của một con người mất tự do. Cái con người (là Hắn ấy) lại là một người viết báo, viết văn, một người có hiểu biết, đọc sách nhiều, luôn chú ý quan sát mọi người và mọi hoàn cảnh sống, quan tâm nhiều tới sự thật và dối trá. Hắn bị kết tội và cãi lại sự kết tội đó nhiều lần ở nhiều nơi, nhiều lúc, gặp nhiều người ở Bộ Máy. Và Hắn đều yếu thế, không cãi được, thản hoặc có đôi người hiểu được và thông cảm với Hắn, hiểu được điều oan khuất của Hắn thì người đó cũng rơi vào thế yếu như Hắn, giúp đỡ riêng cho Hắn vài ba chục bạc rồi cũng bị “xử lí” theo địa vị của ông ta thôi.

Hắn bị kết tội nhiều đến nỗi Hắn thuộc hết những lời lẽ của những nhân vật kết tội Hắn. Và nhiều lúc Hắn đã dùng những lời lẽ ấy để mắng mỏ mình thậm tệ, hòng làm bớt đi cảm tưởng oan khuất nhưng càng làm thế thì nỗi niềm Hắn lại càng sâu nặng hơn và cay đắng hơn. Những người kết tội rất thuộc bài bản:

– “Chúng tôi lạ gì các anh. Chính các anh bảo viết thì phải lách mà. Các anh ai chả có tý “nhân văn giai phẩm”. Tại sao anh tuyên bố không thích vào Đảng? Tại sao anh bảo anh sẽ bẻ bút không viết nữa. Tại sao các anh chê bai các cô mậu dịch. Chê bai thế là chê bai chế độ, còn gì nữa?”

– “Chúng tôi thực hiện đầy đủ chính sách khoan hồng nhân đạo. Tội các anh nặng như vậy mà không đưa ra toà, không kết án, không bỏ tù, chỉ tập trung cải tạo thôi, nhân đạo quá còn gì?”

– “Các anh tưởng chúng tôi bắt các anh là chúng tôi sung sướng lắm đấy à? Chúng tôi vì các anh thôi, chúng tôi muốn giúp các anh nhận ra tội lỗi, trở thành người có ích cho xã hội, giúp các anh nâng cao cảnh giác cách mạng, giúp các anh tránh xa được sự lợi dụng của kẻ thù, giúp các anh không rơi vào tay của kẻ thù cách mạng. Thế mà các anh không biết. Các anh là chủ quan lắm, các anh không chịu nhận tội lỗi của mình”, v.v. và v. v.

Lý sự hùng hồn đến như vậy. Anh ruột Hắn cũng là một cán bộ cách mạng tầm cỡ, trong kháng chiến chống Pháp cũng đã bị bắt oan, bị tra tấn. Sau này được sửa sai, gặp lại những chú thanh niên đánh đập anh khi trước, anh trách họ: “Sao các chú tàn ác vậy. Đánh anh thừa sống thiếu chết?” Câu trả lời rất hồn nhiên: “Có phải em đánh anh đâu. Em đánh là đánh kẻ phản động, kẻ chống đối cách mạng. Em đánh vì cách mạng, đánh để bảo vệ cách mạng.” Anh ruột Hắn cũng rất thông cảm và giải thích cho vợ rất hùng hồn: “Người ta đều vì cách mạng cả. Vấn đề là xem cái động cơ hành động. Họ vì cái gì mà làm như vậy?” trong khi bà vợ nông dân rất thật thà cứ nói vung sự thật hiển nhiên lên: “Ôi, thời nào cũng vậy, quan bênh quan, chỉ có dân thường thời nào cũng khổ thôi.” hay “Ôi chao, cách mạng mà lại thế à?” Bởi vì chị cũng chỉ đơn giản so cái “nói” của cách mạng với cái “làm” của cách mạng thôi.

Tác giả đã nhìn rõ như vậy. Và tác giả cũng không bình luận gì thêm, không phê phán, cũng chẳng tán thưởng. Tác giả chỉ mô tả sự thật thôi, cái sự thật ấy tự nó có tiếng nói.

Có một đoạn tác giả khái quát rất cao cái tinh thần đối với dân của những người cầm quyền và thái độ tinh thần đối lại của những người bị cai trị “được giáo dục”. Tác giả tả một cuộc mắng mỏ của một ông giám thị đối với một phạm nhân trốn tù:

“Những anh nào có ý định trốn trại? Trốn đi đâu? Tôi đố các anh trốn đi đâu được đấy. Chạy ra nước ngoài à? Nước ngoài nó cũng không thèm dùng các anh! Hay vào Nam với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ? Anh nào có giỏi cứ đi!”

“Chúng tôi bắt được anh Sáng, nhưng dọc đường anh Sáng nhẩy vào hố phân trốn lần nữa. Cơm không muốn ăn, ăn cứt!”

Trong truyện cái anh Sáng này khao khát tự do năm lần trốn, năm lần bị bắt lại và vẫn cứ trốn. Và con người khao khát tự do đã trở thành con người “ăn cứt” đó.

Ông giám thị còn tiếp: “Mặt ông đanh lại. Khinh khỉnh, khinh khỉnh.” …Và: “Chính sách cải tạo nhân đạo của Nhà Nước ta rõ như ban ngày. Đưa các anh trở lại làm người, đưa các anh trở lại con đường ngay thẳng, hiểu rõ tội lỗi của mình, hiểu rõ giá trị củ lao động…” (trang 133- 135 tập 1 nxbTN).

Thật ra nhiều tù nhân nhận rõ tình hình, đã từng tuyên bố: “Cho kẹo chúng tôi cũng không trốn. Trốn đi đâu? Không có hộ khẩu, không có tem phiếu, sống làm sao?”

Nhưng cũng ở tập 1 trang 92, có đoạn thế này: “Cũng như hắn không tin cải tạo tốt thì sớm được trở về, không ai tin điều đó, mặc cho quản giáo nói, giám thị nói. Đôi bên quá hiểu nhau rồi. Người nói cứ nói. Thừa hiểu mình nói dối, chẳng ai tin, nhưng cứ nói. Rất thành thật thiết tha. Thuyết giảng chân lý, thuyết giảng con đường. Người nghe làm ra vẻ chăm chú, rất chăm chú, mê say. Nhận thức đường đi. Sáng lòng sáng mắt. Tuy biết tỏng rằng người nói cũng chẳng mảy may tin những điều họ nói, thì mình tin sao được. Nhưng vẫn làm ra vẻ tin, tin thật, tin lắm. Xuýt xoa, tấm tắc dù biết ngời nói nhìn thấu ruột gan mình. Vở diễn vẫn cứ kéo dài năm này sang năm khác. Vì không ai dám nói ra sự thật nên vở vẫn cứ diễn. Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng”.

Đoạn văn ngắn vừa kể thật là mấy nét ký hoạ rất sắc thực trạng quan hệ giữa người cầm quyền và nhân dân hiẹn nay. Những nét ký hoạ vừa sắc vừa chua xót lẽ ra nó phải đụng mạnh vào cái chốn lương tâm còn sót lại của giới cầm quyền chính thống mới phải.

Tác giả đã nhìn thấy và tái hiện hiện thực sâu sắc của xã hội. Tôi thấy tác giả là một tác giả hiện thực lớn, không biết ông ấy theo chủ nghĩa hiện thực gì, nhưng thật là một tác giả hiện thực lớn.

Khi nói về mục đích của nhà tù là cải tạo những phạm nhân để họ trở thành “người tốt” có ích cho xã hội, thì tác giả khái quát kết quả cải tạo ở các nhà tù là:  Vào tù, học được hai cái: một là ăn cắp, hai là nói dối. ở trong tù khổ quá, phải ăn cắp mới sống được, muốn ăn cắp thì phải biết nói dối.

Khi nói về “chính sách khoan hồng” của Nhà Nước ta là không xử án, không bỏ tù, chỉ tập trung cải tạo, tác giả thuật lại lời một ông tù già: “Các chú có biết khoan hồng là gì không? Khoan là thong thả, hồng là máu. Khoan hồng là thong thả rồi hãy giết.”

Tác giả này có nhiều cách lý giải độc đáo. ở một cuốn sách khác, ông ấy mượn lời ông Nguyên Hồng trả lời câu hỏi “Tại sao người ta cứ phải nói dối” bằng câu trả lời: Người ta phải nói dối vì người ta không muốn khác những người khác. Như thế có nghĩa là người ta đang ở một xã hội mà ai cũng nói dối cả, không nói dối thì thành ra khác người quá!

Tác giả có những nét ký hoạ thật tài tình. Ông ấy vẽ những mối quan hệ giữa giới quản giáo với tù nhân (cũng có thể hiểu giữa giới lãnh đạo và xã hội): Hai bên cứ có những tư duy và tình cảm đi theo hai vec tơ ngược chiều nhau, không thể gặp nhau được. Và như vậy, người oan càng kêu oan lại càng oan và người mong người khác “cải tạo cho tốt hơn” thì người đó lại càng lảng xa yêu cầu cải tạo đó. Cái vòng luẩn quản trong cuộc sống cứ thế kéo dài, gây khổ sở cho tất cả mọi người.

Tác giả vẽ ra một bức tranh cảnh giám thị cho phép tù ra gặp người nhà: Gọi tù ra, tù ra chậm mấy phút. Giám thị đuổi vào không cho gặp nữa. Tù vào nằm vật ra giường buồn quá, nghĩ đến nông nỗi người vợ vượt mấy trăm cây số đường gian khổ và đầy bom đạn lên thăm mà không được gặp. Nhưng về sau lại có lệnh gọi người tù đó ra gặp vợ. Cho gặp nhưng phạt, không cho nhận quà. Rồi cho nhận nhưng chỉ dược nhận một phần ba quà thôi. Trong quá trình gặp gỡ nói chuyện, người nhà của tù nhân cứ nhắc từng món quà đưa cho chồng, nắm xôi, gói thuốc lá, thuốc lào, gói ruốc thịt v.v… Cứ mỗi lần như thế lại xin phép giám thị với lý do thống thiết. Giám thị im lặng, không gật cũng không ngăn và cứ thế từ chỗ cấm nhận đến chỗ chỉ cho nhận một phần mà cuối cùng người tù cũng được nhận hết đống quà vợ mang lên (trang 28-38 tập 1).

Như vậy người giám thị đâu có ác. Ông ta cũng biết thương người, biết nghe lời phân giải nhưng lúc đầu ông ta làm ác như vậy chẳng qua ông ta quá quen thói tuỳ tiện biểu dương quyền lực của mình, tuỳ tiện dùng bừa bãi quyền lực của mình. Điều đó thành ra bản chất thứ hai của người giám thị và hình như nó cũng là bản chất thứ hai của những người cầm quyền.

 

II

 

Nhân vật chính của quyển tiểu thuyết là một người viết báo, viết văn. Quan hệ bạn bè toàn là những nhà văn và nhà báo. Cho nên trong tiểu thuyết rất nhiều cảnh sống liên quan đến văn nghệ. Trong đó nổi lên mấy nét đặc sắc, đó là những tâm lý, tình cảm, nỗi buồn và niềm vui của những người làm văn nghệ, tình bạn của những người làm văn nghệ: nghèo và trí cốt với nhau: một người bán máu để lấy tiền đãi bạn một bữa bún. Nét đặc sắc thứ hai là quan hệ giữa những người trong bộ máy nhà nước với văn nghệ và những người làm văn nghệ. Tôi nhớ có một thời từ ngay xưa, một người có quyền lực bao trùm, uy thế lồng lộng, một lần sau khi giải thích vai trò quan trọng và vẻ vang của văn nghệ trong cách mạng, lại nói riêng và nói nhỏ với một số ít người thân tín một câu là “cánh văn nghệ nó hay “xỏ” lắm, phải cẩn thận đấy!” Những cảnh mô tả trong tiểu thuyết đều phản ảnh nhất quán “tư tưởng chỉ đạo” nói trên.

Những vị công an, từ người chỉ đạo chung đến công an điều tra hình sự, công an đặc trách, công an hộ khẩu, công an giám thị, quản giáo (áo xanh, áo vàng) mà quan hệ với các văn nghệ sĩ đều có tâm lý và thái độ của nhà chức trách đối với những kẻ đã, đang phạm tội, hoặc chắc chắn sẽ phạm tội. Các ông đều bảo họ: Tôi biết các anh quá rõ! Các anh là chủ quan lắm! Các anh đều có một tý “nhân văn giai phẩm” cả. Đối với các ông ấy “nhân văn giai phẩm” là một tội nặng nề và hiển nhiên của văn nghệ đối với Nhà Nước, đối với cách mạng. Các ông đều tỏ ra là các ông cũng đọc nhiều, cũng biết nhiều tác giả. Có ông luôn luôn cầm trong tay cuốn sách nhưng nhìn kỹ thì đó là sách bổ túc văn hoá lớp 10!

Các ông tình nghi ai hay đã bắt ai thì các ông tìm mọi cách để có chứng cứ buộc tôi, mà chứng cứ rõ nhất, đầy đủ nhất là ở các bản thảo của tội phạm. Các ông lùng sục, tìm tòi ở tất cả các nơi mà tội phạm có thể qua lại: Nhà bạn bè, nhà bố mẹ, họ hàng, lục tìm tất cả các mẩu giấy có thể có để thu thập mang về nghiên cứu, tức là để lục tìm “chứng cứ của tội lỗi”. Trong khi ấy, tác giả của những tờ giấy đó đau xót khốn khổ. Họ sung sướng bao nhiêu khi đẻ ra những bản thảo đó thì nay cay đắng khốn khổ bấy nhiêu khi nhìn thấy nó bị thu thập bị vò xé, quăng quật. Và khi nhân vật tranh luận với một ông tỏ ra thông thạo văn nghệ, Hắn hỏi ông: Ông thu được các bản thảo của tôi, ông đọc nó, thấy thế nào? (ý Hắn muốn hỏi ông có thấy tôi chửi bới, chống đối chế độ ở đó không?) thì ông ấy trả lời: “Tôi bận quá, chưa đọc được”. Các ông ấy đều hứa hẹn trả lại bản thảo cho đương sự. Nhưng đương sự thì năm lần bẩy lượt đi lại hết nơi này tháng nọ vẫn chưa được nhìn lại những “đứa con” của minh rứt ruột dẻ ra. Các ông công an thì coi như nắm rất vững các chứng cớ phạm tội của văn nghệ sĩ, những chứng cớ thông thường là tuyên bố không vào Đảng, tuyên bố sẽ bẻ bút không viết. Ngồi nhậu nhẹt hay trao đổi phê phán những người mậu dịch cửa quyền, móc ngoặc, nhận xét các đảng viên ở cơ quan kém và dốt, các tệ nạn xã hội… Đó là những chứng cớ “bất mãn và chống đối”.

Còn ở các tác phẩm văn nghệ, các bản thảo thì bất cứ trang nào các ông cũng có thể có chứng cớ về những sự ám chỉ, xỏ xiên, chống đối. Trong tiểu thuyết có một chỗ tác giả nói lên sự tìm bới ấy ở trong hai phóng sự và truyện ngắn của Hắn. Đó là “Những tiếng động bị nhốt”, phóng sự về anh thợ hàn chui vào phuy xăng để hàn, có những tiếng nổ của que hàn. Những tiếng nổ đó được suy ra là tác giả nói đến những tài năng bị giam hãm, những tài năng bị thui chột và như thế là dụng ý phê phán Nhà Nước. Còn truyện “Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng” thì tác giả (của truyện) cảm xúc về tiếng một con dế và tưởng tượng ra một cuộc đấu tranh giữa một con dế dũng cảm với một lũ gián hôi sì xúm lại đánh nó. Nhưng các ông ấy nói rằng đó là viết xỏ xiên, “những con gián sống trong bóng tối béo núc hôi xì là ai? Anh đừng tưởng chúng tôi không biết đâu! Những con gián ấy là ám chỉ những đảng viên trong cơ quan báo (trang 322-323 tập1).

Rất nhiều chỗ có những đoạn mô tả cảnh các ông công an mắng mỏ các tội phạm văn nghệ, vạch tội lỗi của các văn nghệ sĩ. Mỗi người văn nghệ đều được mục kích cảnh bạn mình bị bắt, bạn mình bị theo dõi. bị hăm doạ, hầu như không ai được sống yên ổn. Nhân vật Hắn được ra khỏi nhà tù, đêm đầu định đến nhà một người bạn để ngủ một đêm tự do và gặp gỡ thì lại vào đúng ngày anh bạn vừa bị bắt, nhà chỉ còn ông bố và bà mẹ. Hắn vào ngủ trong phòng của bạn mà tưởng tượng cảnh bạn mình phải chịu những ngày đầu bị bắt, bị ở tù, bị thẩm vấn… Rồi khi về đến nhà, gặp người bạn thân nhất trước đây cùng làm một cơ quan, lại được bạn kể tỉ mỉ cho nghe cảnh bị theo dõi, bị các đảng viên và lãnh đạo Đảng ở cơ quan cảnh cáo dằn mặt. Có thể thấy rõ quyển tiểu thuyết đã khái quát mấy đặc điểm một số người:

1- Thực chất là không hiểu biết nhưng lại tự cho mình là rất hiểu biết, hiểu biết sâu sắc về văn nghệ và những người văn nghệ. Sự hiểu biết ấy đều dựa trên quan điểm “tư tưởng chỉ dạo” nói trên.

2-  Vì vậy thái độ của họ đối với văn nghệ sĩ thông thường là: coi thường (khinh rẻ hoặc khinh bỉ), không tin cậy và đầy nghi ngờ, lúc nào cũng phải cảnh giác sự chống đối, sự ám chỉ, đả kích.

3- Do đó, đối với các tác phẩm văn nghệ, đặc biệt đối với văn học, họ luôn có thể tìm ra được những bằng chứng của tội phạm, tội phạm chống đối, phản động. Nhiều khi sự thô thiển trong cách nhìn này còn tràn cả vào sân khấu, điện ảnh, tạo hình… và luôn cho rằng những câu hò vè, những chuyện tiếu lâm, thực sự là từ nhân dân, đều là sản phẩm của văn nghệ sĩ. Vì vậy họ hết sức theo dõi để nắm được những câu chuyện vui, chuyện tầm phào của vợ chồng và bạn bè văn nghệ sĩ. Vì thế có một đôi vợ chồng nhà báo đêm nằm tâm sự cũng phải đóng kịch, nói to những câu nịnh bợ dối trá và nói thầm những câu tâm tình. Một xã hội có những ứng xử như thế với văn nghệ thì làm sao văn nghệ có những sản phảm tốt đẹp, làm sao văn nghệ có đỉnh cao được.

 

III

 

Cuốn tiểu thuyết cũng có nói đến những thân phận, những số kiếp của một số không ít người. Đó là số kiếp của con người mất tự do, trong số đó dễ nhận thấy và dễ nhớ là số kiếp của mấy người như sau:

Già Đô là một ông thợ già, tay nghề rất giỏi, số phận đưa đẩy ông sống ở Pháp, có vợ và có con ở Pháp. Nhưng ông yêu nước, tin vào tay nghề của mình, quyết về nước để đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Nhưng ông đã quen cuộc sống trên đất Pháp, cho nên có điều gì bất bình thì ông lại “đấu tranh theo kiểu Pháp”, nghĩa là cầm biểu ngữ ngồi trước cửa nhà giám đốc. Ông lại hay nói tiếng Pháp và hay hát tiếng Pháp. Đó là biểu hiện “ông có thể liên hệ với nước ngoài, làm hại tổ quốc”. Ông bị tù và ông rất sợ chết trong tù, vì nó ứng với câu rủa “chết rũ tù”. Rồi ông cũng được ra khỏi tù, nhưng ra khỏi nhà tù, ông không có nhà, không người thân thích, không có viêc làm. Ông phải đi ăn xin, ngủ đường, ngủ chợ. Không sống được, ông phải nhặt rác và ăn cắp. Cũng không sống được, ông phải tìm đến con đường xin vào lại nhà tù. Ông cố ăn cắp để mong bị bắt và được vào trong tù. Nhưng nguyện vọng của ông chưa đạt được thì ông đã chết vì quá cực khổ và kiệt quệ. Ông đã tránh được cái chết “rũ tù”…

Đó là số kiếp Nguỵ Như Cần, bị tù (cải tạo) hơn 20 năm. Anh đã cắt đứt mọi quan hệ với  quê hương, gia đình, bạn bè và yên trí ở tù vô thời hạn. Nhưng rồi anh cũng được trả tự do. Chính đêm hôm trước ngày anh ra khỏi nhà tù thì anh tự thắt cổ chết. Và người ta thấy rõ nếu anh ra khỏi nhà tù anh cũng không có cách gì sống được, vì như tiểu thuyết nhiều lần nhắc cái cảnh: không có hộ khẩu, không có tem phiếu… mà anh lại hết thân thích bạn bè, thì tự do là cái hoàn toàn vô nghĩa với anh và anh phải tự kết liễu đời mình.

Đó là Giang và Sáng, hai thanh niên còn tươi tắn, khoẻ mạnh. Giang là con liệt sĩ, mẹ đi lấy chồng. Giang lang thang trộm cắp rồi bị bắt, ở tù. Còn Sáng là một thanh niên nông dân nhiều sức sống, không chịu được cảnh tù đầy, liên tiếp trốn khỏi nhà tù và liên tiếp bị bắt lại. Cứ vừa bị bắt lại thì Sáng đã tìm cách trốn ngay sau đó. Cứ thế đến lần thứ năm thì bị đánh đau lắm. Và sau đó không biết số kiếp Sáng ra sao, vì nhân vật chính là Hắn không gặp lại Sáng nữa. Ta cũng đoán được là số kiếp đó chỉ có thể là một kết cục bi thảm…

Trong các cảnh đời, tác giả còn vẽ nhiều cảnh tuy với nét bút sơ sài nhưng đầy thú vị. Đó la cảnh một gia đình có một bà chủ đặc sắc. Đó là bà Bượng. Chân dung của bà như sau: “Mọi người đều ghét bà Bượng. Ghét nhưng sợ. Đã có nhiều cuộc vùng lên chống lại bà. Nhưng đều thất bại. Bà kể vanh vách những chuyện trong gia đình người khác. Bà lôi cả danh hiệu đảng viên của ông bà Tri ra chửi” (trang 85-86 tập 2).

Bà là một “chửi sĩ” siêu sao. Tiểu thuyết viết thế này: “Bà chửi hiện đại. Bà không dùng những câu kinh điển chửi thằng dải chiếu ngang thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế nhà mày. Hay con gà ở nhà bà là con gà, về nhà mày nó là con hùm tinh đỏ mỏ ( … ) Bà có cách chửi của bà. Vừa hiện đại vừa mang tính thời sự nóng bỏng: Bọn sâu mọt, bọn đục khoét, bọn ăn đút lót. Bọn khốn nạn rồi sẽ bị truy tố. Bà nghèo nhưng bà trong sạch. Xã hội chủ nghĩa mà khốn nạn (trang 85 tập 2).

Sau đây là một vài đoạn “văn chửi” của bà, rất đáng thưởng thức: “Cha tiên nhân nhà mày. Bà giồng hai cây chuối ở đây thì có động mồ động mả nhà mày không, mà mày xui con xui bố mày ra vặn cho nó chết. Cái cây nó có tội tình gì. Thằng cha mà bẻ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng con. Thằng con mà vặn cổ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng cha ( … ) Bà bảo cho thằng già, thằng trẻ, con trai, con gái nhà mày biết, bà không ăn cắp, không ăn hối lộ của ai ( … ) Bà nói trước cho mà biết, sáng ra bà chưa súc mồm súc miệng bà chửi cho nó độc. Chửi đủ ba tháng mười ngày… Sáng một chập. Trưa một chập. Tối về bà chửi một chập. Tao nghèo tao tăng gia tao ăn. Bác Hồ dạy thế, tao làm. Tao không ăn hối lộ, tao không bòn rút. Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? Ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn” (trang 87 tập 2).

Bà lại có đoạn văn chửi hiện đại nữa như sau: “Cha tiên nhân thằng già thằng trẻ nhà mày. Bà nghèo bà lao động nuôi con nuôi cái bà. Bà không ăn hối lộ. Mày như con bọ hung, thấy đống phân là rúc vào. Mày ăn hết cả phần phúc đức của bố mẹ mày. Mở miệng thì toàn là cách mạng, đạo đức mà việc làm là bòn rút hại người. Tuần rằm nào cũng hương khói nguyện cầu mà lòng dạ mày toàn rong rêu (trang 88 tập 2).

Cách bà chửi cũng hiện đại: “Liền ba tháng mười ngày như vậy. Mỗi ngày được tái bản, câu chửi đều có bổ sung và phát triển. Sáng sớm chửi liền nửa tiếng xong, bà về ( … ) Chủ nhật bà đi người không. Không cầm ghế… Bà dõng dạc tuyên bố: Hôm nay 14 tháng 6 năm Bính Thìn, chủ nhật. Bà nghỉ”.

Còn rất nhiều cảnh sinh động của cảnh sống tem phiếu, xếp hàng, cửa quyền, ăn bớt, móc ngoặc… nhưng tác giả có chọn một cảnh để tả kỹ. Cảnh đó nhỏ như sợi chỉ (cái kim, sợi chỉ là cái nhỏ nhất mà). Đó là cảnh “chia chỉ”:

– Cứ chia đi, tí nữa cô nhận cho tôi, cho hai cụ với nhé.

– Mợ đem cho tôi cái bìa theo dõi.

Hắn giật mình. Sao nhà mình lại bị theo dõi nhỉ?

– Theo dõi gì hở chị?

– Theo dõi mua công nghệ phẩm. ( … )

ánh đèn lập loè sau luỹ tre thưa. Tiếng người cười nói, gọi nhau, chào hỏi, bàn cãi, gắt gỏng.

– Một trăm mười bẩy suất. Bốn mươi cuộn tất cả. Hai nhăm cuộn đen, mười lăm cuộn trắng.

– Thế thì cứ bốn người một cuộn. Bốn bốn mười sáu. Được một trăm mười sáu suất. Thiếu một suất, tính sau.

– Ai chịu cái suất thiếu ấy?

– Lại còn chỉ đen, chỉ trắng. Ai lấy chỉ trắng cho?

– Mỗi cuộn này bao nhiêu mét nhỉ?

– Cứ đóng hai cái cọc cách nhau mười mét, mỗi đường chỉ là mười mét. ( … )

– Chia chỉ đen trước, chỉ trắng sau (trang 413 tập1).

Chia xong thiếu mấy đường, lại đóng cọc lại, chia lần thứ hai, thừa ra ba cuộn, lại phải chia thêm. Đến khổ, có tí chỉ mà hết đêm. Mợ Cổn cho tôi đổi suất chỉ trắng lấy suất chỉ đen nhé. ( … )

– Mỗi cuộn mười một mét đấy. à mà đen mười một mét, còn trắng gần bẩy mét (trang 424, tập 1).

Đó là bức tranh sinh động về một cuộc sống mà Nhà Nước mong nó dược công bằng tuyệt đối. Và Nhà Nước đứng ra lo tất cả, từ cái kim sợi chỉ cho toàn dân. Đó là cái khó khăn phức tạp của sự yêu cầu tuyệt đối công bằng… Từ đấy người đọc dễ dàng hình dung ra toàn bộ cái quy mô và cường độ ghê gớm của cuộc sống tập trung bao cấp, tem phiếu, xếp hàng quàng lên đầu lên cổ mỗi người dân.

Quả là cuốn tiểu thuyết còn nhiều điều hay. Mỗi trang, mỗi dòng đều đầy ý vị của triết lý cuộc sống. Nó đều gợi cho mỗi người đọc phải liên hệ mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Ngẫm nghĩ về tự do và mất tự do, về tâm trạng và nỗi niềm, về cái khốn khổ và cay đắng của người mất tự do, ngẫm nghĩ về kiếp người và mỗi con người, ngẫm nghĩ về sự thật thà và giả dối, ngẫm nghĩ về tình yêu, tình bạn với những nét đẹp thật sâu xa mà cũng lộng lẫy. Rồi từ đó ta có thể nghĩ nhiều về xã hội, về đất nước và mong chờ, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp: Cuộc sống và xã hội tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn, tự do hơn.

Tóm lại đây đúng là một cuốn tiểu thuyết hiện thực lớn, xứng đáng là một sự kiện văn học của Việt Nam để mở đầu thế kỷ 21. Và cứ bình thường mà xét thì Bùi Ngọc Tấn xứng đáng là người tiếp bước Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.

 

Hà Nội tháng 7 năm 2000