Để đừng quên

Để đừng quên

Jean-Pierre Han

Dịch giả: Dương Tường

 

Đôi lời của Phạm Toàn

“Để đừng quên”. Quên làm sao được? Quên làm sao cho được!

Những gì ta đã trải, ta đã làm, ta đã yêu thương và thất vọng, làm sao ta quên cho được? Tôi còn đồ chừng rằng, ngay bọn ăn cắp của công (bây giờ gọi bằng bọn quan tham hoặc bọn tham nhũng) thì chúng cũng không bao giờ quên tội ác của chúng. Nhưng cái không quên trong sợ hãi nơm nớp của chúng hoàn toàn khác với cái không thể nào quên thanh thản của nhà văn. Bùi Ngọc Tấn không quên những nỗi đau mà anh trải qua, nhưng anh không hằn thù. Lấy gì làm bằng? Lấy cái giọng văn còn biết cười còn biết đùa cợt còn biết nheo mắt làm cái mốc đo sự cao cả của con người – của nhà văn – của Bùi Ngọc Tấn.

Bọn ăn cắp, bọn phá biểu tình chống Tàu, bọn bắt nạt Phương Uyên và Nguyên Kha, bọn vu cáo Hải Điếu Cày và Lê Quốc Quân, bọn thu gom dân khiếu kiện giữa đêm lạnh, bọn ép cung, bọn xử án theo những bản án bỏ túi, bọn ôm chân thằng Lý Cường (con hoang của thằng Bá Kiến dân gọi bằng Bá Cường Bắc Kiến) hè nhau đi hạ cờ tang ngay khi đám tang tướng Giáp còn đang tiến hành… bọn đó mới sợ ký ức.  

Còn đây, chúng ta, những người phanh ngực đi trong gió, chúng ta đi cùng ký ức Bùi Ngọc Tấn trong Chuyện kể năm 2000  được bạn Tuấn dịch cực kỳ hào hoa thành Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau và chúng ta không quên – dĩ nhiên, không quên không cùng nghĩa với hằn thù và báo thù. Cũng như Bùi Ngọc Tấn, chúng ta chỉ cần khai sáng thôi. Dân tộc này vẫn còn cần được khai sáng.

Phạm Toàn

 

Những nhà văn Việt Nam của thế hệ mới, những Nguyễn Việt Hà, Thuận hay Phong Điệp (để chỉ kể ngần nấy người) dù đã muốn coi nhẹ quá khứ của đất nước mình – cái đất nước mang trên mình vết sắt nung đỏ của những tàn khốc chiến tranh và những hậu quả của chúng – để có thể kể về thời hiện tại, cũng chẳng thay đổi gì được, quá khứ vẫn trở về và không ngừng trỗi dậy trở lại theo đà các xuất bản phẩm. Tình hình ấy càng mập mờ đối với độc giả Pháp vì các nhà xuất bản, như chúng ta biết, không nhất thiết ấn hành các bản dịch theo đúng thứ tự chúng ra mắt trong ngôn ngữ gốc. Vậy nên một trật tự niên đại văn học khác được thiết lập, có thể sinh chuyện.

Thành thử giờ đây, ra đời một cuốn sách – và dĩ nhiên, ta chỉ có thể lấy đó làm mừng – Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau[1], một cú bất ngờ hoành tráng của nhà văn tám mươi tuổi Bùi Ngọc Tấn, nổi tiếng và được công nhận ở Việt Nam hiện nay và cả ở bên ngoài – ông đã được tặng nhiều giải thưởng chính thức, nhưng không phải vì thế mà ông không bị rắc rối với các nhà cầm quyền nước ông trong một thời gian dài, rắc rối đây chỉ là một uyển ngữ. Chuyện kể năm 2000 được viết vào cuối thế kỉ vừa qua, từ những năm 1990. Bản thảo chạy vòng các nhà xuất bản cho đến khi một trong số đó, NXB Thanh Niên, đánh liều ấn hành vào năm 2000, sau khi đã xin được giấy phép. Kết quả đến nhanh chóng: cuốn sách bị tiêu huỷ theo nghĩa đen, nhưng Giám đốc nhà xuất bản không bị làm khốn đốn.

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Đọc cuốn tiểu thuyết này – tác giả nói rõ rành đây là một cuốn tiểu thuyết – người ta dễ dàng hiểu tại sao cái câu “chuyện kể năm 2000” này (đầu đề tiếng Việt của cuốn sách) là chuyện kể rất tỉ mỉ của một anh chàng Nguyễn Văn Tuấn nào đó, trong sách được gọi là “hắn”, có thể coi là bản sao của tác giả, nhà báo và nhà văn trẻ, cũng như ông hồi đó, “cây bút (đã) nổi tiếng trong số các nhà văn trẻ cả nước”, một sự nghiệp sáng sủa mở ra trước mặt hắn cho đến khi hắn bị bắt, đưa đi trại cải tạo vì cớ một trong số bản thảo của hắn đã phê phán chế độ. Điều mà hắn không ngừng phủ nhận – hắn không chịu nhận một lỗi mà hắn không bao giờ phạm – dù phải chịu án tù kéo dài thêm; hắn bị chuyển từ trại này sang trại khác trong 5 năm, từ 1968 đến 1973. Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp) giờ đây ra mắt hai năm sau Biển và chim bói cá, một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời khác của Bùi Ngọc Tấn, mà chúng tôi đã hết sức ca ngợi cũng ở đây (LF, 90, tháng 2 năm 2012). Vậy là có sự đảo ngược các sự việc được kể và cũng có một sự triển hoá trong kỹ thuật tiểu thuyết của tác giả, do đó có thể bị che khuất. Nhưng, như cái công thức được thừa nhận nói, độc giả sẽ khôi phục trật tự niên đại của các sự kiện.

Điều đó không mảy may làm mất đi sức mạnh của Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp), vả chăng, cách dịch mới của nhan đề (Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau) đã là một khởi đầu bình luận về tác động của cuốn sách và về tầm quan trọng mà người ta muốn tiên đoán cho nó, hay chí ít, người ta muốn nó đạt được. Đó là đặt cuốn sách lên một bình diện tinh thần, hay thậm chí, mẫu mực tinh thần. Điều mà tác giả (qua trung gian bản sao của mình, người kể truyện) cố sức phủ nhận suốt những trang sách. Thậm chí sự phủ nhận quyết liệt ấy làm nên toàn bộ giá trị của cuốn sách, toàn bộ tính nhân văn của tác phẩm. Nó cũng mang lại cho tác phẩm tính tổng thể của nó. Bởi vì câu chuyện về những năm “cải tạo” khủng khiếp ấy được kể, dĩ nhiên là với rất nhiều chi tiết, nhưng bằng một giọng đều đều, hoàn toàn không gây chút hiệu quả kịch tính nào và tránh cả đến vi lương nhỏ nhất của hận thù. Vả chăng, người kể truyện nói rõ rằng hắn không nhằm lên án hệ tư tưởng cộng sản. Bản thân hắn, hồi trẻ măng, đã gia nhập quân đội giải phóng, chiến đấu chống Pháp và đến giờ, vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Hắn xuất thân từ một gia đình những người hoạt động danh gia, “một gia đình chiến sĩ cách mạng từ trước khi cách mạng nổ ra và đã được tặng bằng ‘có công với Tổ quốc’ ”, điều khiến cho việc hắn bị kết tội, do hiệu quả tương phản, càng kinh khủng. Dĩ nhiên, nhân cuốn sách-lời-chứng này, người ta không khỏi gợi đến  Quần đảo Goulag của Soljénitsyne. Nhưng ngoài việc câu chuyện này là một tiểu thuyết, chứ không phải là một “khảo luận điều tra văn học”, vì cuốn sách của tác giả người Nga “không có nhân vật, cũng không có những sự kiện hư cấu”, nên Bùi Ngọc Tấn ưng đặt mình dưới lá cờ của Dostoïevski hơn, lá cờ Nhật ký ngôi nhà những người chết, như ông đã nhắc lại nhiều lần.  Vả lại, câu chuyện về những năm tù thật sự chỉ chiếm có một nửa tác phẩm (tức là không đầy 400 trang), toàn bộ phần hai kể lại sự cố gắng trở lại một cuộc sống bình thường mà không thể được. “Hắn sống trong hiện tại mà luôn luôn nghĩ về quá khứ, về những ngày trước khi bị bắt, về những ngày ở tù, đầu óc hắn lang thang từ hình ảnh này sang hình ảnh khác”. Từ hiện tại cũ của cái “lò luyện những tâm hồn” là những năm tù, người ta chuyển qua những cố gắng không ngừng trở lại quá khứ, và qua những khó khăn để sống cái hiện tại mới và, tệ hơn nữa, hình dung “những thế kỷ mai sau”. “Cái la bàn của tâm trí hắn, bất kể hắn nghĩ gì, cuối cùng, bao giờ cũng xoay trở về nhà tù”.

Thận trọng tránh mọi lâm li, Bùi Ngọc Tấn viết ở tầm cao con người, từ ngòi bút của ông, hiện lên cả một thế giới đầy những con người (ắt phải mất không dưới bốn trang gênêric để kể hết tên của họ), được khắc hoạ một cách không thể quên, trong khi ở chính giữa câu chuyện tối đen này, đột hiện lên những trang đẹp lạ lùng. Sống và rung động. Và người ta không thể quên những nhìn nhận và mô tả, rất nhiều, riêng biệt về người vợ của người kể truyện, những mô tả đầy âu yếm và tình yêu. Nói gì đây về một cuốn tiểu thuyết kinh hoàng, bắt đầu, bất chấp tất cả, bằng những câu như sau: “Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”. Vậy thì: toàn bộ những trang này, toàn bộ tác phẩm này, là để đừng quên, hay đơn giản là để mở những cánh cửa ra “những thế kỷ mai sau”.

J.P.H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BôxitVN

Nguồn bản gốc: Phụ lục L’Humanité 10/10/2013

 


[1] Bản dịch tiếng Pháp Chuyện kể năm 2000 lấy tên là Conte pour les siècles à venir.

 

Chuyện kể cho những thế kỉ mai sau

Một nhà báo – nhà văn đang thành công suôn sẻ thì bỗng bị bắt bỏ tù không xét xử một cách thô bạo, xem như phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Ông kể lại cái đói, cái sợ, cái đơn điệu của những ngày dài bất tận, đời sống xã hội giữa những người tù. Sau nạn tù, lại đến sự sỉ nhục nã theo ông. Không có cơ may thứ hai, không có “tái nhập” cho con người này, ở đất nước này. Không hằn học, với một sự thanh thản đến làm ta bối rối, Tuấn, nhân  vật chính của cuốn sách, kể lại cho chúng ta nỗi đau của ông, nhưng cũng nói với chúng ta về tình yêu, về dục vọng, về những ước mơ. Chúng ta gặp lại cách viết của Bùi Ngọc Tấn, giản dị, đầy chất thơ, nhạy cảm, thậm chí đôi khi ngộ nghĩnh. Một câu chuyện làm chao đảo. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934[1] ở Hải Phòng. Ông đã là cán bộ ở Hà Nội, rồi làm báo. Chấn thương tinh thần vì chiến tranh và tù ngục đã ngăn ông không viết nổi trong hai mươi lăm năm, điều đã mang lại cho sự nghiệp văn chương của ông một quãng lùi kì diệu để bao quát toàn cảnh, từ đó rộ nở tưng bừng. L’Aube đã xuất bản một tập truyện ngắn của ông, Une vie de chien (Cún) cũng như cuốn tiểu thuyết đẹp Biển và chim bói cá đã giành giải Henri Queffélec tại festival Sách và Biển Concarneau năm 2012.

Xin lưu ý: kiệt tác đấy. Vì bất kì lí do gì cũng không nên bỏ qua cuốn sách này, sẽ ra mắt vào ngày 22 tháng 8. Cảm ơn Marion Hennebert và nhà xuất  bản L’Aube đã cho phép chúng tôi phát hiện ra sự ngụp sâu phi thường ấy vào thế giới lao tù ở Việt Nam. Dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Alexandre Soljénitsyne và đến Quần đảo Goulag. Không có gì phổ quát hơn độ trệch dòng của những thứ isme ấy, những thứ chủ nghĩa dưới chiêu bài tìm kiếm lợi ích cho toàn nhân loại đã làm nẩy sinh ngay trong bản thân chúng hàng lũ quan toà công chức xoàng xĩnh, hạch tội chi li, tha hồ nở rộ… Trừ một điều là giọng điệu hoàn toàn khác với giọng nhà văn Nga vĩ đại. Không chút lâm li.      Điều đó khiến người ta nghĩ các trai :cải tạo ở Bắc Việt Nam không kinh khủng bằng Goulag chăng? Tôi nghĩ rằng đó chủ yếu là một lựa chọn của người kể chuyện, ưu tiên cho giọng mỉa mai cay đắng, hợp hơn với chất từ tốn Á Đông hơn nhiều so với những thổ lộ tâm tình làm ta rơi lệ của tâm hồn slave. Các nhà văn Việt Nam, nói chung, xuất sắc trong thể loại truyện ngắn, họ thích thêu dệt quanh những mảnh đời nhỏ cắt cúp một cách tinh tế. họ không giữ khoảng cách. Còn ông, Bùi Ngọc Tấn, ông không biết viết tủn mủn. Tháng giêng năm 2012, tôi đã giới thiệu với các bạn cuốn sách đẹp nhưng khá dài “Biển và chim bói cá”. Đã đến lúc Tấn mời chúng ta đọc tự truyện của ông, viết ở ngôi thứ ba, nhân vật chính không ai khác ngoài bản thân ông. Là người cộng sản tin thành, cha và anh em trai đều là cộng sản dấn thân hoàn toàn vào kháng chiến, là nhà văn, nhà báo được công nhận và đã nổi tiếng, đùng một cái, ông bị nghi ngờ là có tư tưởng phản cách mạng… Tất nhiên tất cả những gì ông viết đều bị tịch thu – mặc dù một số bài viết của ông vẫn tiếp tục có mặt trong các sách giáo khoa! Tư tưởng phản cách mạng? Trong một truyện ngắn, một chú dế bị một lũ gián to béo tấn công. Những con gián đó phải chăng là hình ảnh của những quan chức cộng sản? Trả lời những kết tội như thế cách nào đây, ngoại trừ bằng một cái nhún vai… Ông trải năm năm ở ba trại khác nhau, trong đó một trại là “trung tâm sàng lọc” ở Hà Nội, tại đó ông bị giam bên cạnh những tử tù. Ông tù không có án; nói cho đúng, tội của ông quá nhẹ để người ta có thể đem ra xử. Ông chỉ cần một sự cải tạo nhỏ ở trại lao động là vừa đủ. Lẽ ra, ông có thể được ra sớm hơn, sau ba năm. Có điều là vào đúng thời điển này, cái ông ngốc nghếch ây lại nói ông vẫn không biết người ta kết ông vào tội gì… Hấp! quay về trại liền! Cứ thế, trên hơn bảy trăm trang, đời sống của những người tù trong rừng được mô tả, tiếp theo là sự trở lại rất khó khăn của nhân vật chính với cuộc sống “tự do”. Tấn đã phác hoạ tất cả những nhân vật ông đã gặp trong cuộc đời đó, những bức hí hoạ đẹp thống thiết, như già Đô, một ông già đã sống cuộc đời phiêu bạt, đã tham gia Thế chiến II, lao động ở Bắc Phi, lấy một người phụ nữ Marseille… rồi nhớ quê hương trở về; như Giang, một chàng trai rất trẻ, con trai một anh hùng của cách mạng, trở nên lêu lổng, rồi cùng, trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Và biết bao người khác: Sáng, người không ngừng trốn trại… không ngừng bị bắt lại; Sơn, vốn là một kĩ sư, hoá điên, chỉ còn biết cầm chổi quét lia lịa không thôi, kể cả khi đã được tha, vân vân và vân vân…. Hàng loạt những nhân vật phụ, phác hoạ bằng một nét chì than sống động và sắc nhọn…

Cuộc sống ở trại. Dơ dáy bẩn thỉu, mùi hố xí, nước nước phát nhỏ giọt trong một cái bô tiểu, cái đói. Và nỗi ám ảnh phái kiếm tí gì ăn để bổ sung vào bát cơm gạo mốc và bát canh cá khô (thối) phân phối cho tù nhân.. Phần lớn bọn họ phải lao động ở bên ngoài (làm vườn, lò vôi, gánh than, gánh phân…) nhưng cấm không được mang thức ăn về. Vậy phải giấu từ con nhái, con thằn lằn, tí rễ sắn, củ khoai ráy (một thứ cây họ bầu bí có độc tố nhưng luộc chín có thể ăn được), những thứ ấy một khi nướng lên trên một bếp than (than cũng lén lút mang trộm về) sẽ là gia vị cho bát canh  .. Và vì tất cả bọn họ đều mơ ước tìm được tí rau mùi, rau húng, một nhánh sả cũng đem lại cái vị của những món cỗ ngày xưa ở nhà… Ông đã từng là một nhà văn trẻ xuất sắc. Những bài báo, những kịch bản phim, những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông đã khiến người ta biết đến ông. Người ta gặp ở nhà ông cả giới trí thức Hà Nội, hoạ sĩ, nhạc sĩ…Giờ đây, ông chẳng còn là gì cả. Vợ ông đã từng học Đại học. Với lòng đại lượng, chính phủ đã cho phéo bà tiếp tục học … cho đến khi họ đuổi bà và bà phải kiếm một chân phụ kho để nuôi bốn đứa con. Ngọc xưa là một thiếu nữ rất xinh, người con gái duy nhất quan trọng đối với ông. Để mang chút đồ tiếp tế cho người chồng bị tù, bà phải chịu bao nhiêu tiếng đồng hồ đằng đẵng trên xe hàng, qua đò, qua phà, đạp xe và có thể hôm ấy, người ta quyết định là người tù không được tiếp vợ đến thăm nuôi, hoặc giả đồ tiếp tế không được chuyển đến tay người nhận, hoặc giả chỉ một nửa số đồ tiếp tế ấy được chuyển… Hết năm năm, nhân vật của chúng ta được tự do. Được gặp lại cha mẹ, các anh trai mà một số cũng mắc vào vòng lao lí, thấy lại ngôi nhà nhỏ ở làng quê. Cuối cùng, gặp lại Bình, người bạn trung thành trong số những người trung thành, người duy nhất không bao giờ bỏ ông. Điều đó đã khiến Bình bị giám sát, theo dõi. Hễ ra khỏi nhà là lập tức, Bình có ngay hai cái “đuôi” theo sát như hinh với bóng. Ở phòng bên cạnh căn hộ của Bình, người ta đặt micrô. Thế là Bình oang oang trao đổi với Thao, vợ mình, những câu chuyện ca ngợi sự tốt đẹp và thành công của chế độ. Bạn có tin được không? Đó là một nhân dân kiệt máu trong một đất nước mà ở đó tất cả đều cần xây dựng lại, mọi người đều sắp chết đói và nhà cầm quyền trả lương cho hai người chỉ để theo dõi một người khác mà sai phạm duy nhất là làm bạn… với một kẻ “bị cải tạo” mà họ chẳng bao giờ tìm thấy được điều gì để kết tội!

Niềm vui của Bùi Ngọc Tấn bạn bè khi nhận được CKN2000 bản tiếng Pháp và La Mer et le Martin pêcheur tái bản loại bỏ túi.

Niềm vui của Bùi Ngọc Tấn bạn bè khi nhận được CKN2000 bản tiếng Pháp và La Mer et le Martin pêcheur tái bản loại bỏ túi.

Bui Ngoc Tan

Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Dương Tường, Đỗ Hoàng Diệu và Huy Đức

Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Dương Tường, Đỗ Hoàng Diệu và Huy Đức

Nhưng giờ, hẵng phải sống đã. Nhưng sống bằng gì? Bởi vì ngay cả khi ông đã được tự do, thì những người đã muốn diệt ông, như ông Trần, cảnh sát trưởng, cũng không hề có ý định cho phép uỷ ban phường ông cho ông làm việc…nên ông nhặt nhạnh đôi ba đồng bằng cách gom những túi ni-lông; làm miến, xin giấy mua giầy dép của mậu dịch bán lại… Hết cách. Và nỗi xấu hổ vì bị dồn đến bước ấy. Thế rồi, dần dà vòng siết được nới lỏng. Một quan chức đỡ hèn nhát hơn những người khác một chút cho phép ông kiếm được một chỗ làm tử tế.. Ông lại bắt đầu viết, kí một cái tên giả, dưới sự che chắn của Bình…  Phải, đây là chuyện kể về tất cả những thứ chế độ cực quyền cán bẹt con người bởi vì con người giữ được khả năng tự do tư tưởng, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Người trí thức, kẻ chuyên nghề tư duy, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Và để kiểm soát hắn, còn gì tốt hơn là giao cho một tay xoàng xĩnh, một tay ganh tị, chát chúa, giám sát hắn, sẵn sàng trả thù cho sự xoàng xĩnh của chính mình. Nhưng ta cũng phải nhấn mạnh bút pháp đẹp của Tấn. Một bút pháp rất hiện đại: những câu ngắn, khô giòn như bắn liên thanh. Làm sao không gắn cả người dịch, Tây Hà, vào đó? Chất u-mua, chất mỉa mai đặc Việt Nam, đâu có dễ chuyển đạt bằng tiếng Pháp! Tuy nhiên cũng phải phê bình một điểm: lẽ ra tác giả có thể tỉa bớt một chút. Chuyện nấu nướng vụng trộm trong trại, chuyện giấu cái rễ khoai ráy trong quần đùi, con chuột nhắt trong mũ, trở đi trở lại mười, hai mươi lần, cũng như những chi tiết về đời sống trong những nhà ngủ tập thể lộn mửa. Nhưng người ta cảm thấy con người này lên cơn: trong khi viết, những ki niệm trở lại với ông, chồm lên tim ông, và ông không thể ngăn mình truyền đạt lại chúng, lần nữa và lần nữa, ám ảnh bởi quá khứ. Ngòi bút buột khỏi tay ông.

Để kết thúc, còn có một nhân vật nữa: Rừng. Rừng nguyên sơ mênh mông của Bắc Việt Nam siết quanh các trại tù với những cây to và nhan nhản những loài thảo mộc. Với những dòng suối, những cây nhó sum sê quả. Chim chóc, tiếng rừng, tiếng gió, tiếng côn trùng xào xạc… chất thơ thuần khiết, chất thơ nguyên thuỷ đối lập với sự ngu si của con người. Một nhân vật đem lại cho câu chuyện hơi thở của tự do, không khí trong lành của cuộc sống đích thực. Vâng, một cuốn sách rất lớn…

Anne Hugo- Le Goff

(Dương Tường dịch)


[1] Bản tiếng Pháp in nhầm là 1954

Chuyện kể năm 2000 dịch sang tiếng Pháp

Tiếp theo việc dịch và in 2 tập sách của Bùi Ngọc Tấn (tập truyện ngắn Une vie de chien và tiểu thuyết La Mer et le Martin-pêcheur, giải thưởng lớn Henri Queffelec), nhà xuất bản Aube đã in và phát hành tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 với nhan để Un conte pour les siècles à venir (Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau), cũng do dịch giả Tây Hà dịch. Sách dầy 736 trang.

Dưới đây là lời giới thiệu in ở bìa 4 tập sách.

Tuấn, một ông già dầy dạn cuộc đời nhớ lại những kỷ niệm gần 30 năm trước. Đang thành công may mắn trong sự nghiệp làm báo và viết văn thì ông bị bắt, coi như phần tử nguy hiểm đối với cách mạng và bỏ tù 5 năm ròng không xét xử.

Điều khiến người đọc câu chuyện (có tính chất tự truyện) này là những năm tháng khổ đau ấy được kể lại thật thanh thản. Không chút hận thù. Trái lại, rất nhiều chỗ dành cho chất thơ như bay bổng bên trên sự tàn ác của con người. Cánh rừng cổ đại bao quanh trại giam được miêu tả trong vẻ đẹp kỳ vĩ của những con chim lạ cất tiếng hót với những âm sắc người. Hình ảnh một dòng suối trong vắt với một con tôm trắng tung tăng đùa trên nền cát trắng, đưa ta tới tiên cảnh. Cuốn sách cũng dành chỗ cho tình yêu: Đêm đầu tiên của Tuấn và Ngọc cũng như đêm gặp lại sau những tháng năm tù, thật tuyệt vời nhục cảm, ngời ngời một vầng trăng đồng lõa.

Cuốn sách mênh mông này, tác giả đề tặng con gái mình để truyền đạt lại ký ức của thế kỷ và để một số bi kịch khỏi lặp lại. Chúng ta đi xuyên qua Lịch Sử -lịch sử lớn và lịch sử riêng tư sâu kín- trong một bức tranh hoành tráng bậc thầy.

 

Bìa Chuyện kể năm 2000 bản tiếng Pháp

Bìa Chuyện kể năm 2000 bản tiếng Pháp

Nguyên bản Tiếng Pháp

Un vieil homme marqué par la vie, Tuấn, se remémore des souvenirs qui remonte à près de trente ans. Il connaissait une heureuse réussite dans sa vie de journaliste et d’ écrivain quand il fut arrêté comme élément dangereux pour la Révolution et emprisonné sans jugement pendant cinq longues années.

Ce qui étonne quand on lit ce récit (autobiographique), c’est la sérénité avec laquelle sont décrites ces années de souffrances. Aucune haine. Au contraire: une grande place est laissé à la poésie qui semble voler au-dessus de la cruauté des hommes. La forêt antique qui environne le camp ét décrite dans sa beauté grandiose; d’étranges oiseaux y font entendre leur chant aux accents humains. On atteint à la féerie avec l’évocation d’un ruisseau où une blanche crevette s’ébat sur fond de sable blanc. L’amour a également sa place; la première nuit de Tuấn et de Ngọc comme  celle de leurs retrouvailles après la prison sont merveilleusement sensuelles, éclairées par une lune complice…

Cet immense livre ét décidé par l’auteur à sa fille pour lui transmettre la mémoire du xxe siècle et éviter que certains drames ne se repètent. Nous traversons avec lui l’Histoire – la grande et l’intime – dans une fresque magistrale.

Cùng với việc in Un conte pour les siècles à venir, Aube cũng tái bản tập La Mer et le Martin-pêcheur (Biển và chim bói cá) xuất bản lần đầu năm 2012 dưới dạng bỏ túi.

Chim Bói Cá & Ngư Ông và Biển Cả …

Đôi lời giới thiệu

Cuối những năm 1960, nhà văn Bùi Ngọc Tấn bỗng dưng bị bắt vì tội gì chẳng rõ. Giá như ông Tấn sống vào thời nay, chắc ông sẽ bị án “trốn thuế” chẳng hạn – vì ông và đồng bọn nhà văn nhà thơ nhà báo đi bán máu nuôi thân và nuôi vợ con mà không khai nộp thuế, tội đó to lắm, vì là tội phá hoại tài sản nhân loại và dân tộc.

Không trốn thuế, cũng không có mấy bao cao su hỗ trợ pháp lý, nên thời đó, tuy không là đảng viên ĐCSVN, Bùi Ngọc Tấn được hân hạnh ghép vào cái án “chống Đảng” như các ông đảng viên sừng sỏ cỡ Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, và vô số ông (bà) khác trong một vụ án rất đông tội đồ không cần qua xét xử. Đó là thói quen trị nước của một Đảng cầm quyền tuyệt đối (bây giờ người lịch sự gọi là chế độ toàn trị, người ưa nôm na thì gọi là độc tài hoặc phát xít).

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn rồi cũng bỗng dưng được cho ra tù – và anh chấp nhận “được tha” – không sẵn dũng khí như ông nhà văn Vũ Thư Hiên đòi xét xử tử tế trước khi ra tù, thì liền được cho “lưu ban” thêm hai năm nữa, rồi cũng bị tống về nhà với vợ con.

Ra tù Bùi Ngọc Tấn viết Chuyện kể năm 2000 đầy tính nhân văn, mô tả cuộc sống trong tù mà không hề hằn học, chỉ có một giọng khi nên thơ khi hài hước đến nao lòng. Sau bản dịch tiếng Anh, bản tiếng Pháp của tác phẩm này sắp ra mắt bên Pháp, do anh Nghiêm Phong Tuấn dịch, cái tên sách dịch đã thấy hay và sang trọng rồi: Conte pour les siècles à venir – chuyện kể cho nhiều thế kỷ tới.

Bìa Chuyện kể năm 2000 bản tiếng Pháp

Bìa Chuyện kể năm 2000 bản tiếng Pháp

Bùi Ngọc Tấn sau khi ra tù còn viết cuốn tiểu thuyết khác, Biển và chim bói cá, lấy cảm hứng từ những công nhân đánh bắt cá của cái xí nghiệp ông Tấn được vào làm việc cho tới khi về hưu. Bói cá… đã được Nghiêm Phong Tuấn dịch và tác phẩm đã được giải cao tại Hội chợ sách bên Pháp, như Bùi Ngọc Tấn đã có lời cảm ơn sau “Tôi chào mừng Đại Hội Biển vàSách. Đạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này”.

Một bạn nhà thơ Việt Nam sống ở Pháp, ông Nguyễn Hữu Viện, đã xúc động viết đôi lời tặng dịch giả của Bùi Ngọc Tấn.

Nhân ngày Chủ nhật dẫu sao thì cũng cần thư giãn, lại được nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi bài tới nhờ đăng, xin có vài lời trước khi cùng bạn đọc rung đùi nhâm nhi những lời lẽ ngây thơ, yêu đời, mà trong cái đời ấy hẳn nhiên là có cả tổ quốc của chúng mình, và có cả những công trình đẹp đẽ đang đựng xây và cả những “công trình” sắp sụp đổ…

A hà hà, vui lên bạn ơi!

Phạm Toàn



Chim Bói Cá   & Ngư Ông và Biển Cả   ... 
à Anh Nghiêm Phong Tuấn, traducteur de « La Mer et le Martin-Pêcheur »...

Homme Libre, toujours tu chériras la mer !
La mer est ton miroir, tu contemples ton âme
Dans le déroulement infini de sa lame
Et ton esprit n'est pas un gouffre moins amer.
 (Baudelaire - L'Homme et la Mer de Baudelaire)
  

Chim Bói Cá   và  Ngư ông  cùng hạnh phúc chia sẻ Biển Đông 
Cho dù  ngư ông là người, Chim Bói Cá là vật 
Vì lẽ Người và chim không có lợi ích chung không biển 
 Và cả hai ngẫu nhiên cùng say sóng như nhau 
 Vì lẽ  cả hai không có lợi ích chung không cùng biển 
  Chim Bói Cá  thức dậy sớm mai
  Ngư ông  ngủ vùi sau một đêm trắng dài viết « lách »  
Chàng ngủ đến tận sáng muộn màng
Ôi Biển cả làm sao biết lòng Người lẫn lòng chim 
Nhưng cả hai đều là hai nhà đấu tranh bất tử !
 Hải Phòng -  Marseille đều cả hai  phố cảng 
Nơi ấy giấc mơ Pháp-Việt chạm đáy vô cùng 
 Không mất đi phẩm chất mộng mơ
 Vết tích ký ức trùng lập với vết hằn quên lãng 
Khẽ hở của trí nhớ là những tia chớp lân quang bừng sáng 
 Và  tia lửa này thiêu đốt tất cả những điều ghi nhớ lại 
Hà Nội – Paris  truy đời ta về nguồn cội của mình
 Tổ Quốc  chẳng qua chỉ là Mẹ hiền và Biển cả ! 
 Cả cùng hai Phap -Việt chan hòa 
  Paris  có thể  khai sinh bóng hình  Hà Nội 
 Và ngược lại  Hải Phòng  cũng có  khai sinh bóng hình  Marseille
 Vâng Nước Pháp đối với anh có gì xa lạ 
 Vì Nhà văn đã học tiếng Pháp từ thuở ấu thơ
 Thế hệ anh chứng kiến bao thăng trầm lịch sử 
 Và tác phẩm anh  lưu giữ ký ức của Dân Tộc mình
Tình yêu ấy nuôi dưỡng chúng tôi quả đầy bi kịch   đớn đau  
Uớc gì dập tắt nhiệt tình  bằng lệ biển … 
Kìa cánh buồm cuối chân trời nơi Chim Bói Cá bay lượn 
Chỉ một mình Chim Bói Cá chống chọi biển ngàn khơi 
Và sau cánh chim cả đàn chim con nhỏ đang chờ chim Mẹ 
Tôi hãy còn kỷ niệm những cánh chim biển
Trong mắt bão bất công tảo tần và bao phiêu lưu khủng khiếp
Hãy nhìn kìa !  Cuối chân trời bay lên Chim Bói Cá  Mẹ bay lên  .... 

Nguyễn Hữu Viện

Chuyện kể năm 2000

Mục lục

Lời giới thiệu

Chương:

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

31 32 33 34 35 36 37 38 39 40

41 42 43 44 45 46 47 48 49 50

51 52 53 54 55 56 57 58 59 60

61

      ckn2000-1ckn2000-2

 

Lời giới thiệu

 

Nhiều người hỏi tại sao người Việt Nam đã trải qua mấy chục năm chiến tranh mà chưa có tiểu thuyết lớn nào phản ảnh toàn cảnh một dân tộc trong cuộc chiến đằng đẵng tràn ngập khổ đau đó.

Nhưng trong thế kỷ 20 ở Việt Nam còn một biến cố khác cũng có kích thước lớn, tác động sâu rộng và gây nhiều đau khổ không kém chiến tranh. Ðó là việc thiết lập một chế độ độc tài toàn trị ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1950 và trên cả nước từ năm 1975. Chiến tranh đã gây những đổ vỡ vật chất, những máu lửa, chết chóc kinh hoàng; còn một chế độ công an bao trùm khắp mặt, chặt chẽ và tinh vi, cũng để lại những hậu quả xã hội và tinh thần lớn lao không kém, mà ảnh hưởng còn sâu đậm và lâu dài hơn chiến tranh nữa.

Chiến tranh tác động trực tiếp đến từng nhóm người, từng địa phương, trong một thời gian giới hạn, và khi chiến tranh qua thì người ta sẵn sàng quên đi để trở lại tiếp tục cuộc sống hàng ngày của mình. Những ngôi nhà đổ vỡ sẽ được xây lại, những nấm mồ sẽ xanh cỏ, những chiếc xe tăng sẽ han rỉ, những hố bom rồi cũng được lấp đầỵ Nhưng một chế độ chính trị thay đổi, đảo lộn tất cả đất nước, tất cả nếp sống hàng ngày, khi làm việc, khi đi chợ, các món ăn, cách chặt thịt gà lén lút, cách “phân phối” một cây kim một cuốn chỉ trong làng, các ngõ ngách phải đi qua khi đi xin việc, cho đến cách suy nghĩ, cách nói năng thưa bẩm; chế độ đó buộc chặt mọi cá nhân, mọi gia đình, mọi con người vào một guồng máy chuyên chế, soi xét và điều chỉnh từng hành vi, cử chỉ, lời nói, thậm chí đến các giấc mơ thầm kín trong đầu người ta; ảnh hưởng của một chế độ như vậy lan tỏa khắp mọi làng xã, thành thị, trên giường ngủ, trên trang báo, và nó kéo dài rất lâu, người sống trong đó cảm thấy là bất tận, sống mãi trong đó những thứ bất thường trở thành bình thường, tự nhiên.

Trong lịch sử Việt Nam chẳng mấy thời không bị cảnh chiến tranh, có khi liên miên mấy chục năm, dai dẳng hàng trăm năm, từ những lần phải chống ngoại xâm cho đến những cuộc nội chiến. Nhưng việc thi hành một chế độ độc tài và toàn trị kiểu Cộng sản thì mới xảy ra lần đầu, và hy vọng là lần duy nhất. Việc thiếp lập và duy trì một chế độ rập theo khuôn mẫu của Stalin ở Nga, lại được Mao Trạch Ðông cải biến cho phù hợp với xã hội Á Ðông, trong một hai thế hệ, có thể nói còn tác hại cho dân tộc Việt Nam một cách nặng nề và sâu xa hơn cả ba chục năm chiến tranh.

Có lẽ vì vậy các nhà văn Việt Nam không viết nhiều về những đau khổ thời chiến tranh nhưng họ viết rất nhiều về tình trạng xã hội đảo lộn, tan rã trong chế độ Cộng sản. Và tất nhiên những nhà văn đã sống ở miền Bắc Việt Nam thì có nhiều kinh nghiệm và chịu nhiều thất vọng cay đắng hơn các nhà văn sống ở miền Nam. Những tác phẩm của Dương Thu Hương, Phùng Gia Lộc, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Khắc Trường, v.v. đã phản ả nh nhiều bộ mặt xã hội miền Bắc dưới chế độ Cộng sản. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, kịch bản của Lưu Quang Vũ, v.v. cũng cho thấy các cảnh sống tàn bạo đến phi lý làm cho con người mất cả tính người, cái ác trùm lấp cái thiện, chiếm chỗ và đội lốt, nhân danh cái thiện ố tình trạng mà nhà thơ Nguyễn Duy gọi là “Thiện ác nhập nhằng ố công lý nổi lên phênh”. Hồi ký của Vũ Thư Hiên cũng có tính chất sáng tạo, nghệ thuật, vì diễn tả một con người bị bộ máy vô hồn đè bẹp trong lao tù như thế nào. Nhưng cho đến nay chưa có tác phẩm nào có tầm cỡ như  “Chuyện Kể Năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn.

*

Ðọc mấy chương đầu Tập Một, chúng ta thấy phảng phất bút pháp của Soljenitsyn trong “Một Ngày Trong Ðời Của Ivan Denisovitch”, bất cứ ai đã trải qua “nhà tù cải tạo” đều được sống lại cuộc sống trong tù, dưới mắt các quản giáọ Nhưng khi đọc tiếp vài chương nữa, độc giả sẽ khám phá ra một bút pháp độc đáo của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, cuộc sống nhà tù mở rộng ra và dài hơn, linh hoạt và phức tạp hơn, với chiều sâu không kém gì Soljenitsyn. Cuộc đời hiện ra trên các trang giấp chen lẫn hiện tại với quá khứ, trong tù và ngoài đời, từ người tù này sang người tù khác, hiện thực và mộng ước; với hàng chục nhân vật không ai quan trọng hơn ai, dù người kể chuyện đóng vai chính, mỗi người một tiểu sử, một lý do riêng để bị tống vào tù, rất phi lý nhưng lại rất hợp lý trong cái guồng máy công an toàn trị; tất cả các mẩu đời đều linh hoạt, sống động, đau khổ, đều nhẫn nhịn chịu đựng. Và tất cả đều có vẻ ngây thơ, hồn nhiên, hầu hết đều đã đặt niềm tin ở bộ máy vô hồn có toàn quyền xếp đặt cuộc đời mình, ra lệnh cho mình làm việc, chia khẩu phần cho mình, chỉ định mình dược liên hệ, gặp gỡ với ai, ra chỉ thị rõ rệt quy định cả những quan hệ xã hội, những ý nghĩ trong đầu mình nữạ Họ tin tưởng một cách hồn nhiên và ngây thơ cho đến và ngay cả khi bị tống vào tù, không bản án, không thời hạn.

Ðọc một phần Tập Một thì người đọc hiểu tại sao chính quyền Hà Nội phải ra lệnh tịch thâu ngay tác phẩm này lúc mới in xong. Vì nó thật quá. Sự thật tàn nhẫn hiện ra rõ ràng quá. Những nếp sống có thời ai cũng chấp nhận là bình thường, bỗng hiện nguyên hình với bộ mặt bất thường quá. Khi nhân vật chính trong chuyện ra khỏi nhà tù rồi mà đi đường nhìn ai cũng thấy quen quen, hình như ai cũng đã gặp ở trong tù rồi, độc giả phải thấy rờn rợn, cái cảm tưởng mình hiện giờ cũng đang sống dưới bàn tay sinh sát củ a các ông quản giáọ Cuốn sách đang khuynh đảo chế độ, phải bị đem cất, đem dấu kín đi, nó nguy hiểm cho những người cầm quyền quá. Nó đặt câu hỏi về nguyên ủy sinh ra quyền hành của họ, gợi ra nghi vấn về tính chính thống, hợp lý của bộ máy cầm quyền, mặc dù cuốn sách cũng do bộ máy đó in ra, đã được một ban kiểm duyệt của nhà xuất bản Thanh Niên, cơ quan tuyên truyền của một đoàn thể do các cán bộ được Trung ương Ðảng chỉ định trực tiếp lãnh đạọ Có lẽ các người cho xuất bản tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn cũng ngây thơ như nhà văn Tuấn, người kể chuyện, như già Ðô, như Vũ Lượng, như Giang,… những nhân vật trong chuyện này, khi tin rằng có thể kêu oan, có thể gợi tấm lòng thương xót của các ông công an thẩm vấn hay các ông vua con trong nhà tù. Phải chăng họ nghĩ rằng có thể in tác phẩm Bùi Ngọc Tuấn vào năm 2000, để hưởng ứng chiến dịch phê bình và tự phê bình, để “xây dựng đảng”, trong những ngày đảng CSVN kỷ niệm 70 tuổị Nhưng trong ngày đó, ông Tổng Bí Thư vẫn thở ra toàn những khẩu hiệu ca tụng chủ nghĩa Lê nin nít, đả đảo đế quốc, vẫn quyết tâm tiến tới Chủ nghĩa Xã hội, giống hệt như thời gian 1967 ố 1973 trong quãng đời của các nhân vật trong tập truyện này. Thế thì làm sao câu chuyện của những người tù này có thể đem ra kể lại được ?

Cuối cùng thì độc giả phải thấy rằng tất cả những đảng viên Cộng sản, những đồng bào miền Bắc tin và theo chế độ, những người miền Nam đi theo Mặt trận Giải Phóng, tất cả mọi người đều là những kẻ hồn nhiên, ngây thơ như các nhân vật trong chuyện này, và vì thế họ trở thành nạn nhân của bộ máy chuyên chính vô hồn, mà các bánh xe tiêu biểu trong bộ máy đó là những quản giáo Thanh Vân, những ông Trần toàn quyền sinh sát, ông Lan mặt ngựa chuyên nghề buộc tội bằng cách bắt người ta phải nhận tôi mà chẳng bao giờ cần nêu ra chứng cớ. Cho anh vào tù là để giúp các anh. Có bệnh thì phải để người ta chữa chọ Tội tuyên truyền phản cách mạng? Tức là tội nói thật! Anh phải thành khẩn nhận tộị Nhưng xin cho biết tôi phạm tội gì? Nhân vật chính cho đến phút cuối cùng vẫn còn tin tưởng ở Ðảng sáng suốt, tin ở lãnh đạo, bám víu lấy những cán bộ cao cấp nhưng lạc lõng vì hết thời như ông Hoàng, một nhân vật phảng phất hình ảnh Hoàng Hữu Nhân, từng là Bí thư thành phố Hải Phòng là nơi nhân vật chính sinh sống.

*

Có lẽ tác giả Bùi Ngọc Tấn đã dựa trên kinh nghiệm sống của mình rất nhiều khi viết cuốn tiểu thuyết mới ra được hai tập này. Sinh năm 1934, đi theo kháng chiến chống Pháp rồi làm cho tờ báo Hải Phòng Kiến Thiết, bị bắt trong chiến dịch bỏ tù nhóm Xét Lại, khi các ông Hoàng Minh Chính, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, v.v. cũng bị bắt.

Trong tập đầu độc giả đã nhìn thấy cảnh trong tù, tiêu biểu cho cuốc sống của mọi người trong xã hội, trong tập thứ hai, nhân vật chính về nhà, sống trong xã hội thật ngoài nhà tù, thì người đọc càng thấy sống ngoài đời còn khổ ải hơn nữạ Người ta không được phép sống lương thiện. Những người hiền lương, ngay thẳng nhất sau cùng cũng thành những tay buôn lậu, những tên ăn cắp. Họ phải tập nói dối, tập dấu diếm mới sống được. Guồng máy vô hồn của Ðảng Cộng sản biến mọi người thành kẻ cắp. Vì vậy già Ðô, sau khi được tha rồi sống vất vưởng mãi, cuối cùng lại làm đơn xin được trở lại nhà tù – và bị từ chối.Và một người tù hơn 23 năm khác, khi nghe tin được thả thì tự tử, vì đã tập sống theo lối mới, đã cắt đứt cuộc sống của mình với quá khứ, với xã hội bên ngoài.

Cuốn tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn vượt ra ngoài khuôn khổ những hồi ký và tiểu thuyết viết về nhà tù Cộng sản, ở Nga, ở Trung Quốc hay ở Việt Nam vì trong đó không phải chỉ có nhà tù, mà còn cả xã hội loài người bị khép vào án chung thân tập thể. Nhưng cũng như Soljenitsyn, Trương Hiền Lương hay Rybakov, Bùi Ngọc Tấn vẫn cho chúng ta thấy còn một cõi bình an ấm áp tình người, những niềm hy vọng không bao giờ chết trong cuộc sống xã hội khô cứng, lạnh lùng toàn mầu xám đó.

Chúng ta sẽ xót thương người phụ nữ thôn quê khi chị tính toán hàng phân phối “ba người hai cái kim, hai người thì được hơn một cái, nhà mợ bốn người hơn hai cái, hai nhà là bốn cái cả đấy”. Chúng ta chia sẻ niềm vui bất ngờ của cô Xoan khi cô được tặng cả một cuốn chỉ đen, niềm vui lớn lao trong đời vì cô biết sẽ đủ chỉ vá quần áo cho các con từ nay đến Tết, “sộp quá, khâu được đến cuối năm”. Chúng ta sẽ chia sẻ nỗi hân hoan của những người bạn chân tình, những nhiềm tin cỏn con mong có ngày công lý sẽ soi tỏ những hàm oan. Tình mẹ yêu con, con thương mẹ, tình bạn trong tù chia sẻ với nhau từng hạt cơm, tình yêu trắc trở giữa Giang và Len, con người tốt bụng không bao giờ từ chối giúp ai, rồi cả tình thầy trò giữa ông Hoàng và Tuấn. Và bừng sáng bên trên cảnh đời tối đen khô cứng chung quanh nhận vật Tuấn còn có tình yêu, tình yêu tinh ròng trong sáng thuần khiết đam mê hồn hậu ấm áp nồng nàn chung thủy của một người vợ, cũng là một người yêu vĩnh cửụ Cuối cùng, tình yêu thắng tất cả, tình yêu là nguồn cứu rỗi của con người. Người đọc sẽ nhận ra thông điệp nhân bản đó (chứ không phải guồng máy công an) mới là chủ đề lớn của tác phẩm này.

Tuổi Xanh ( Văn Nghệ, Mỹ)

 

Về đầu

 

Chương 1

 

Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên. Thế rồi hắn quên. Dù lúc xảy ra sự việc, hắn tự bảo: Mình sẽ nhớ suốt đời. Làm sao quên được những điều đáng nhớ như thế. Đó là những niềm vui hiếm hoi. Là những sự đau khổ đến tê dại. Không. Không thể nào quên được. Thế mà hắn quên. Thỉnh thoảng hắn muốn ôn lại quá khứ. Hắn không sao nhớ được. Kinh nhất là những đau khổ tột cùng mà cũng quên luôn. Tất cả không hằn được một đường vào nếp nhăn đại não. Có lẽ những nếp nhăn ấy đã bị lấp đầy rồi. Nên nó nhoè. Nó mang máng. Não hắn cứ bi những nhát búa dội vào đều đặn, liên tục. Nó lỳ.

Thế mà hắn vốn là người có trí nhớ tốt. Hắn buồn rầu hiểu rằng đầu óc hắn hỏng mất rồi. Nghĩa là chính hắn hỏng mất rồi.

Có người viết rằng con người ta có thể quên cả ngày sinh tháng đẻ của mình, quên cả cái hôn đầu tiên. Ngày sinh tháng đẻ hắn, hắn không quên. Hắn sinh ngày 3-7- 1934. Đó là ngày ta hay tây, hắn không biết. Mẹ hắn bảo hình như là ngày ta. Nếu vậy hắn sinh vào khoảng tháng 8 dương. Còn năm ta là năm Tuất. Năm con chó.

Cái hôn đầu tiên hắn cũng quên. Làm sao nhớ được. Nghĩ về năm tháng tuổi trẻ và đi ngược lên nữa về tuổi ấu thơ, hắn chỉ thấy một dòng thời gian tươi đẹp đến thắt lòng.

Tóm lại hắn quên nhiều thứ. Nhưng hắn không bao giờ quên cái ngày hắn được ra tù. Đó là một buổi sáng xuân. Chính xác hơn là ngày 3 tháng 4 dương lịch.

Năm đó cũng mưa dầm ghê gớm. Mưa bụi, thứ mưa mịn màng trắng rừng, trắng núi, mịt mở nổi trôi, bồng bềnh tiền sử. Chỉ có những hạt bụi rất nhỏ bay lượn, nhưng tất cả sũng nước. Đụng đến cái gì cũng ẩm kinh người. Đôi giày vải đi rừng của hắn chỉ ba ngày không nhìn đến đã mọc nấm. Thứ mưa trắng những đồi trẩu trên đường bọn hắn đi từ trại đến chỗ làm và ngược lại. Những cây trẩu lá non mềm nhiễm xạ mùa xuân, chỉ một đêm là đồng loạt trổ bạt ngàn những chùm nụ nhỏ hồng hồng.

Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, hắn hiểu rằng sắp đến mùa chim tu hú kêu đây. Sắp đến mùa hoa gạo nở đỏ rực đây. Hắn nhớ đến một khoảng trời xuân nào đó trong quá khứ. Những luống đỗ mềm trên đất tơi và ẩm. Những vạt cỏ chăng đầy mạng nhện, trĩu những hạt nước. Cành xoan ngoài cửa sổ. Dây tã trắng vợ hắn phơi trong nắng mới. Đó là cuộc sống ở thế giới bên kia. Hắn đi làm cùng anh em tù, mệt mỏi, buồn bã và không nghĩ tới ngày về. Họ là những tù không án. Họ đi tập trung cải tạo. Người một lệnh, người hai lệnh, người ba lệnh. Nhiều người tới sáu, bảy lệnh. Mỗi lệnh ba năm. Theo pháp luật họ chưa tới mức phải xử, chưa tới mức phải truy tố, ra toà. Họ chỉ bị tập trung cải tạo, nghĩa là nhẹ hơn án tù nhiều lắm. Nhưng chưa ai tù một lệnh (ba năm) mà được trở về. Chưa hết bọp này đã được gí thêm bọp khác . Cái án cao-su. Cái án tù mù. Cha mẹ ơi, đừng đợi. Em ơi, dù mùa xuân về, dù mùa xuân đi, em ơi đừng đợi Anh còn chờ dê đực đẻ con như ông Tô Vũ ngày xưa. Một anh tù đã làm bài hát về mình như vậy.

Ngày về của anh tù tập trung cải tạo nào ai biết được. Năm năm sống trong tù, hắn thấy nhiều người thuộc diện được tha, nhưng chỉ vài người tập trung cải tạo và đó là những sự kiện xôn xao cả trại. Còn toàn là tù nặng, tù có án. Năm năm tù hắn không dám kêu lâu, vì ở đây toàn những người kỳ cựu, những xê-ri AM, BM…

Một lính đánh nghẽo bị kết án tù sáu tháng vào trại, được một người tù già bĩu môi:

– Không bằng thời gian tao đi đái, đi ỉa trong tù.

Thời gian của bọn tù tập trung cải tạo được tính bằng lệnh. Họ hỏi nhau:

– Mấy lệnh rồi?

Hắn đã lê chân hết nhà tù này đến nhà tù khác. Hắn mụ mi đi. Nhưng sao mùa xuân vẫn hấp dẫn người ta thế. Hắn lẩm nhẩm một đoạn thơ cứ luẩn quẩn trong óc hắn mấy hôm nay, khi những cây trẩu đồng loạt trổ bông.

Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời

Quên tuổi tôi

Cắm sâu lưỡi dao năm tháng

Thời gian băng hà sọ não tôi

Cuộc đời trước hoang đường tiền sử

Từ thế giới này đã mất thói quen dùng lửa

Tôi hoá đá dần nỗi nhớ về thế giới bên kia…

Trong gần hai ngàn ngày tù dài dằng dặc thành một khúc đông cứng giữa cái sền sệt, đặc quánh của năm tháng cuộc đời hắn, ngoài ngày được tha, hắn côn nhớ rõ cả ngày trước đó, cái ngày cuối cùng hắn ở trong tù.

Chiều hôm trước khi được tha, hắn còn bị lôi thôi. Hắn bị trực trại khám nội vụ

Nội vụ của hắn khá tươm. Nghĩa là đủ mọi thứ. Nó chứng tỏ công lao, sự chăm sóc của vợ hắn. Rất nhiều người khác – đạc biệt là đám tù trẻ – không có được một tài sản như hàn. Một cái hòm gỗ thông sơn xám, nẹp sắt, nguyên là hòm đựng đạn mà một bạn đọc cho vợ hắn để vợ hắn gửi vào cho hắn. Hòm có khoá, một cái khoá Trung Quốc. Khi được gọi ra gặp mặt vợ, trông thấy cái hòm để cạnh chỗ vợ ngồi, mắt hắn sáng lên. Hắn chỉ sợ người ta không cho nhận cái hòm ấy. Cái hòm, đó là một thứ tổng kho, là sự giàu có, đầy đủ tiện nghi trong tù, lại là sự quan tâm của gia đình. Điều đó nâng cao vị trí của hắn ở trong tù, vị trí của hắn trước các bạn tù. Không gì đau khổ và bị xem thường bằng những người quanh năm không được gia đình lên gặp mặt như Nguyên Văn Dự, như Lê Bá Di chẳng hạn. Cái cảm giác bị bỏ rơi và không có một chút gì đáng giá trước mặt người khác thật là cụ thể. Anh chỉ là thứ tù hạng bét. Vả lại những người tù kỳ cựu, cơ chỉ đều có hòm. Điều đó còn nói rằng anh ta đã xác định được, đã chuẩn bị đầy đủ để sống lâu dài trong tù, khi anh ta không có án mà chỉ có lệnh tập trung cải tạo.

Tất cả những gì giá trị, hắn đều cho vào hòm. Mà những cái đáng giá nhất trong tù là thức ăn: muối vừng, ruốc thịt, đường, kẹo bánh, chè, thuốc lá. Chuột hết nhằm. Bọn đểu hết ăn cắp. Hắn đã bị mất hai gói kẹo mà hắn chắt chiu, chỉ khi nào mệt lắm, đói lắm mới dám ngậm, mút một chiếc. Đi làm về hắn thấy cái túi lòi ra phía cửa sổ, cái chiếu xộc xệch, hắn giật mình, lao vội đến, thò tay vào trong túi. Hai gói kẹo không còn nữa. Hắn chết lặng, lường hết được tổn thất. Một nhà buôn mất sạch gia tài cũng không đau khổ bằng hắn.

Khi vợ hắn lên tiếp tế, cái hòm ấy đầy ắp những xôi, bánh mì và thức ăn mặn. Nhưng đã bốn, năm tháng nay vợ hắn không lên. Chỉ còn lại một ít đường. Bù lại hắn có một túi ni-lông to cơm khô. Vừa cơm vừa cháy. Cơm độn ngô vàng vàng, trắng trắng.

Hắn dành dụm được bằng nhiều cách. Nhét được cái gì vào bụng trong lúc đi làm, đến bữa hắn lại bớt một ít ra phơi. Có nắm cơm khô, yên tâm. Cái lệ là: Chủ nhật không đi làm, bị cắt bữa sáng. Nhịn thông từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, dạ dày nhớ bữa. Đói. Bình thường đã đói, lại cắt bữa. Hoa cả mắt. Sáng chủ nhật, hắn bốc một nắm cơm khô cho vào cái ca, bung lên. Thế là có thể cầm cự được đến bữa trưa. Nếu chiều thứ bảy tạt được nắm rau cải hay củ su hào, lại có thêm quả ớt xanh nữa thì cứ gọi là đại tiệc. Cay cay, mặn mặn, mát mát, bùi bùi, nóng bỏng môi, xụp xoạp vã mồ hôi. Phở Hói, phở Tư Lùn Hà Nội cũng chẳng thú bằng.

Cái ca của hắn bằng nhôm đúc, nửa lít, lợi hại lắm. Cái ca theo hắn vào xà lim ngay từ ngày đầu tiên. Hắn kiếm được một cái đinh gỉ cùn trong khi đi đổ bô, đem về xà lim mài nhọn, sáng loáng và khắc vào đít ca, chung quanh ca bao nhiêu chữ số. Đại loại như: 8-12-1968 (ý hắn muốn kỷ niệm tròn một tháng bị bắt), 3-7 (ý nói ngày sinh của hắn và ngày hắn cùng vợ hắn yêu nhau lần đầu tiên), 8-3-69 (ý hắn nói đã hết lệnh tạm giam bốn tháng đầu tiên, hắn hy vọng sẽ được tha)v. . v. . Cái ca dày có thể làm cối giã. Hắn đã giã cành rau sắng nấu canh (lá là thịt, cành là xương, ngọt nước lắm), giã lạc giống ăn cắp được trong khi gieo ở Đồng Mít, cho nước, muối vào, đun lên xăm xắp làm thức ăn mặn, kéo dài cuộc sống được một tuần.

Lỷ Xìn Cắm, dân lò bát Móng Cái, người Hoa mãi võ đã từng thí võ ở Hà Nội, tù trước hắn hai lệnh, suốt mùa hè cởi trần, lưng cánh phản nâu cháy, thích cái ca lắm:

– Ca này của A Tuấn tốt lắm đấy.

Xìn Cắm ngắm nghía cái ca rồi hỏi:

– Không có năp à?

– Không.

Thế rồi một hôm hắn thấy Xìn Cắm chân khuỳnh khuỳnh chữ bát đi lại chỗ hắn, mặt mũi râu tóc bạc trắng như Hemingway cầm trong tay cái nắp ca bằng sắt tráng men mất núm. Xìn Cắm bảo hắn:

– A Tuấn đưa ca đây.

Xìn Cắm cầm ca, ấp cái nắp vào, vừa khít. Đưa trả lại hắn cái ca có nắp, Xìn Cắm nở nụ cười trẻ thơ, nụ cười Hemingway, rồi lại khuỳnh khuỳnh chữ bát về chỗ mình nằm. Thật là một người đôn hậu và tuyệt diệu.

Nhược điểm của cái nắp là sứt núm. Dễ thôi, cuộn giấy lại nút vào là xong. Cương, toán lâm sản, mượn cái ca đi rừng. Khi trả lại, ca đã dược quấn mấy vòng dây điện bọc nhựa, để cách nhiệt, cầm đỡ nóng. Thật là hoàn chỉnh. Cái ca có nắp càng thêm lợi hại. Gọn, xếp được ba khúc sắn nục nạc. Một ngón tay đỡ nắp, rồi dốc ngược, quay đít ca lên trên, vung vẩy đi thì trông hệt cái ca rỗng. Cứ thế mà qua mắt quản giáo, trực trại, mang sắn vào buồng giam.

Nội vụ của hắn còn có cái cặp lồng. Một cái cặp lồng ác chiến. Cặp lồng trong tù giống xe đạp của cán bộ công nhân viên thời đó. Vừa là phương tiện đi làm, kiếm sống, vừa là tài sản. Có cái cặp lồng đi làm tha hồ sột sệt . Đốt đống lửa lên, ninh lá sắn non, luộc mấy cái ngồng cải, nếu tốt số tạt được một con cải bắp nữa thì bành

Có cái cặp lồng, nhiều khi không tạt được gì cũng bành. Bạn tù kiếm được củ khoai, nắm rau sắng, túi hạt gắm, chục con nhái, cần sột sệt mà không có gì dể nấu, thì cặp lồng của mình đây, cứ lấy mà dùng. Tất nhiên người chủ cạp lồng sẽ là khách mời trong danh dự (miếng ăn thật quí, nhưng hắn vốn rất trọng danh dự).

Ngoài việc sột sệt cho mình và cho thuê dịch vụ như cách nói hiện nay, cái cặp lồng còn để đựng nước, một thứ luôn luôn thiếu. Và cuối cùng, khi bí lắm thì chác . Cả một tài sản đấy. Được nhiều thứ lắm. Chỉ những anh có máu mặt, anh em toán lâm sản, toán chăn nuôi, toán nhà bếp mới đủ lực chác cặp lồng.

Cái cặp lồng của hắn lại là ngăn dưới cái cặp lồng Liên Xô. Có nắp, có quai xách. To, cao thành, dày. Rang không sợ cháy. Nấu xong bị nhọ, lấy cát đánh bóng loáng, không sợ mòn thủng. Đúng là loại Pơgiô đờ luých! Đờ luých mante!

Hắn còn có cả một cái bi-đông nhựa. Tất nhiên bi-đông nhôm nhiều công dụng hơn. Cấu búp chè xanh, nhét đầy bi-đông nhôm, cho nước vào, cời than ở đống lửa ra, đặt bi-đông lên. Chóng sôi lắm. Quản giáo cứ tưởng mình đun nước trắng thôi. Chè búp nấu nước uống ngon hơn chè già nhiều. Nước xanh ngắt. Anh em Cầu Giát, Ba Làng cũng gọi là “nạc chạt”. Chất lừ đấy. Ngon hơn bất kỳ thứ chè xanh nào.

Nhưng bi đông nhựa cũng có công dụng. Nhất là loại bi-đông nhựa trắng mờ, sần sần như của hắn. Kín kín hở hở rất hay. Hắn đã yểm lạc ở đấy, bồng về. Lần ấy toán gieo lạc. Mỗi người ra lồ xúc một bát men lạc giống rồi đi theo từng luống. Hắn mặc hai quần dài. Quần dài bên trong được chít hai ống vào cổ chân. Chít chặt. Tím cả chân. Thế rồi vừa gieo vừa thót bụng, đổ lạc vào bụng.

Lạc tuồn qua bụng, qua đùi, xuống cái quần bên trong đã bị chít, giống như cách dân mình lấy gạo trong kho của Nhật năm đói 1945 mà hắn đã viết trong một tập sách.

Lần ấy, anh nào cũng kiếm được một hai ki-lô lạc giống. Nhưng tất cả đều bị thu khi về đến cổng trại.

Ai cũng bị khám. Khám cẩn thận, tỉ mỉ. Nắn cả người. Có lẽ anh em đánh hăng quá. Hoặc có ai bẩm . Giắt vào người: mất. Buộc vào khoeo chân: mất. Cho vào ống điếu: mất. Nhiều lạc quá. Đến nỗi ông Quân phải bảo nhà bếp lấy thêm lồ ra đựng lạc.

Hắn yểm lạc trong bi-đông nhựa, khoác tòn ten bên vai. Nhìn kỹ thì thấy bóng hột lạc nâu nâu qua lần nhựa mờ đấy. Nhưng các ông ấy không thể ngờ hắn lại có thể yểm một cách hớ hênh như thế. Các ông ấy không chú ý tới cái bi-đông nhựa, mà lại lục cặp lồng. lục bị của hắn, rồi nắn người hắn.

Hắn thoát. Mang được vào trại một bi-đông lạc giống, hột nào hột ấy tròn căng.

Sau lần ấy anh em khợp lạc ngay tại chỗ làm. Không nghĩ đến chuyện bồng về nữa. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ông quản giáo cho ngâm lạc giống vào nước phân loãng. Đành chịu.

Nội vụ của hắn còn có bộ đồ trà. Nói cho đúng cái ca con pha trà là của già Đô. Hắn chỉ có hai cái chén mắt trâu.

Khác với anh em trong tù toàn đắp chăn sợi, rét thì hai người đắp chung hai chăn, hắn có cái chăn bông to sù. Có lẽ đó là cái chăn bông duy nhất ở trại trung ương. Vợ hắn sợ hắn rét. Cũng phải kể thêm cái áo bông của hắn. Hai ki-lô! Gấp lại to gần bằng cái chăn bông. Thứ áo bông Trung Quốc chính hiệu. Cổ lông. Lần ngoài ka-ki xanh. Bông chần ngay vào lượt vải lót Anh Văn, anh ruột hắn, đi học thủy điện ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho hắn. Dạo còn làm báo hắn đã mặc. Hắn gọi là áo ngự hàn. Mặc vào gió mùa đông bắc chỉ có khóc. Những ngày đại hàn chi cực, đi cơ sở lấy tin xong, trở về cơ quan đứng giữa đám phóng viên tím tái vì rét, hắn kéo phía sau áo bông lên bảo Bình:

– Kiếm cái quạt quạt hộ vào lưng với. Nóng quá. Rôm đốt. Ngứa hết cả người.

Cái áo bông vào xà lim với hắn một ngày. Chả là hắn bị bắt vào đầu mùa rét. Khi hắn từ xà lim chuyển sang BD cái áo bông được cả B mến.

Cứ chín giờ tối, kẻng cấm, đi nằm, cái áo bông ấy biến thành của công. Mỗi ca hai tiếng, hai người thức gác, họ mượn cái áo bông của hắn. Ngồi thu lu giữa sàn xi-măng lạnh lẽo, cửa gióng sắt trống hốc, gió thốc vào, khoác cái áo bông của hắn ấm hẳn lên. Cứ thế ca trước chuyền cho ca sau.

Khi lên các trại trung ương, mặc cái áo to rộng ấy, yểm thứ gì vào người cũng dễ. Hắn còn nghĩ được cả cách yểm cải bắp vào áo bông. Chọn cái cải bắp chặt, xinh, to bằng đầu người, xắt đôi ra, đút mỗi nửa vừa khít một tay áo bông. Rồi khoác lên vai (khoác chứ đừng mặc), đi qua trạm gác ngon lành.

Chẳng ai đi tù lỉnh kỉnh như hắn.

Khi nhìn thấy ông trực trại đi vào, theo sau là Chắt, một người tù chuyên làm việc khoá cửa, mở cửa các buồng giam, mọi người dừng tất cả các công việc. Lúc ấy cả toán vừa đi làm về. Hắn cất cặp lồng nước, phơi xong bộ quần áo ướt và nằm ngửa trên giường mệt nhọc. Hắn nhìn lên mái nhà, mắt trống không. Cạnh hắn, già Đô với bộ râu rễ tre dài tới ngực, lốm đốm hoa râm, người nhỏ thó, đang ngồi xổm soạn những ca, những ống bương đựng nước, những gói, những quần áo ướt mới giặt.

Anh em trong buồng giam, người đang phơi quần áo, người quay vào vách, về phía đặt nội vụ, soạn những thứ tạt được hoặc kiếm được trong lúc đi làm, chí ít cũng là vài lít nước múc ở ngoài suối. Người nhanh hơn đã nằm duỗi dài trên sàn. Tiếng lục cục của những phản gỗ kênh, tiếng giũ quần áo ướt, tiếng một anh thử cái nõ điếu mới khoét chóp chóp và cả vài tiếng rì rầm.

Họ đến.

Tất cả im lặng. Những người đã nằm, ngồi nhỏm dậy. Hơn trăm con mắt nhìn người công an áo vàng và Chắt, người tù số một của trại, nghĩa là người tù “thơm” nhất trại.

Hai người đi về phía hắn. Già Đô giấu vội ca rau, làm đổ cả bi-đông nước. Hắn và già Đô cùng quê nên bao giờ cũng nằm cạnh nhau và bao giờ cũng nằm tầng trên, chỗ sát cửa sổ, gần cửa ra vào. Nằm ở những chỗ như vậy, thoáng sạch hơn, lại xa nhà mét Có chuyển buồng bao giờ hắn cũng nhanh chân nhảy lên chiếm chỗ trước cho mình và cho già Đô. Rất nhanh hắn đã kịp ấn con dao mảnh, rộng bằng ngón tay và chiều dài cũng như vậy, xuống cái khe giữa vách và sạp gỗ. Nó rơi xuống tầng sàn dưới không một tiếng động kim loại, bởi vì chỗ ấy cũng lủng củng những nội vụ của Voòng Kỷ Mình, một anh tù tập trung cải tạo, đã ở đến lệnh thứ tư.

Ông trực trại và Chắt nhảy phắt lên tầng trên.

– Vừa giấu cái gì đấy?

Ông ta quát to, nhưng giọng không nhiệt tình.

Hắn lễ phép:

Thưa ông, không.

Mặt hắn tỉnh bơ. Hăn nói dối thần tình. Vào tù hắn đã học được hai điều: ăn cắp và nói dối. Không ăn cắp vẫn sống được đấy. Nhưng khổ. Và buồn nữa.

Nếu không có cái lo lắng hồi hộp của việc ăn cắp và bồng của ăn cắp được về trại, thì buồn lắm, buồn không chịu nổi. Sung sướng biết bao khi mình vẫn lấy cắp và mang được về trại tất cả, vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các ông quản giáo. Ăn cắp với hắn còn có nghĩa phản kháng, tuy sự phản kháng đó hơi nguy hiểm. Nó dẫn tới kỷ luật, cùm xà lim, ăn cháo loãng.

Và nếu ăn cắp, nếu vi phạm nội qui, họ không bắt được quả tang thì chối. Chối phắt. Con dao, đó là sự vi phạm nội qui nặng đấy, dù chỉ lâ một mảnh sắt tây được mài sắc, dể cắt một cây rau cải nhổ trộm được, hay gọt vỏ một mẩu sắn chạy nhựa xanh lè vớ được trong rừng, chuột, sóc ăn nham nhở.

Ông quản giáo đứng trên tầng trên, đầu gần chạm cái giá dài làm bằng những cây nứa, một kiểu xích-đông chạy suốt phòng giam, trên ấy anh em tù để một phần nội vụ.

Chắt làm nhiệm vụ của mình. Chắt bắt đầu lục, giở tung nội vụ của hắn. ông quản giáo đứng nhìn, mặt nghiêm khắc. Không biết ông quản giáo có nhớ hắn không. Chứ hắn thì nhớ ông. Bởi thế nên hắn rất sợ ông. Với ông mọi việc đều có thể xảy ra.

 

Về đầu

Chương 2

 

Cách đây khoảng nửa năm, nghĩa là cuối năm 1972, một buổi sáng hắn cùng tất cả anh em tù xếp hàng đi làm thì ông quản giáo gọi tên hắn. Tên hắn và tên một số người khác.

Ngơ ngác, không biết có việc gì, hắn đứng tách riêng ra. Những người tù khác cũng đứng tách ra. Khoảng sáu bảy người. Ai cũng cầm một cái túi hoặc một mảnh ni-lông.

Khi sân trại đã vắng ngắt, hắn cùng những người tù còn lại đến sát phòng trực, ngay cổng trại.

Những người tù kia đi ra khỏi cổng. Hắn nhìn Chắt ngơ ngác. Chắt bảo:

– Vợ lên. Vợ lên hôm qua, không biết à?

Hắn đến đứng trước mặt ông trực trại, lễ phép:

– Báo cáo ông cho tôi về buồng lấy cái túi.

Ông trực trại – vẫn ông hôm nay đến khám nội vụ hắn, tên ông là Thanh Vân, đeo lon hạ sĩ, có nước da ngăm ngăm – nhìn hắn:

– Nhanh lên!

Hắn băng qua cái sân rộng về phòng, nhún mình đu lên sàn trên, cầm mảnh ni-lông và lao ra. Những người tù được gặp người nhà đã ra hết. Hắn thở hổn hển, cố nén niềm vui, giữ cho mình vẻ mặt kính cẩn và đau khổ:

– Báo cáo ông, cho tôi ra.

Hắn nhận được câu trả lời làm hắn choáng váng:

– Quay về buồng.

– Thưa ông…

– Về! Anh không được gặp nữa. Đến vợ con anh, anh cũng còn không thiết, còn nói gì nữa.

Hắn chết lặng và biết tội của hắn: Sự chậm trễ.

– Thưa ông, tôi đã xin phép ông cho tôi về lấy mảnh ni-lông.

– Sao anh không mang ra ngay từ đầu?

– Báo cáo ông, tôi không biết người nhà tôi lên.

– Sao những phạm khác lại biết? . –

Cái ấy thì hắn chịu. Hắn ngớ ra. Đúng là những người khác biết được gia đình lên. Còn hắn không biết. Nhưng hắn có phải là tù chuyên nghiệp đâu mà có lắm bạn bè ở mọi toán, mọi chỗ, thông tin cho hắn.

Dù đã năm năm tù, hắn vẫn cứ là hắn, rụt rè, cẩn trọng, không muốn mở rộng quan hệ với anh em tù. Hắn chỉ có thể cởi mở trong giới của hắn, những người viết văn, những người làm báo.

– Báo cáo ông, không ai bảo cho tôi cả.

Ông quản giáo tỏ vẻ thương hại hắn:

– Thôi, về buồng! Anh được nghỉ làm ngày hôm nay.

Với ông, được nghỉ làm là một đặc ân rồi.

Hán hiểu. Những ngày sống trong tù hắn hiểu ràng không thể và không nên nài nỉ điều gì khi người ta đã quyết định. Cái đó chỉ có hại cho mình. Vì người ta muốn tỏ cho anh biết người ta có quyền lực, có quyền quyết định về anh, dù quyết định ấy thế nào chăng nữa. Rằng anh là một con số không, hơn nữa, một con số âm. Anh không có một chút quyền cơ bản nào, hoàn toàn nằm trong bàn tay sắt của chính quyền và phải tuyệt đối chấp hành nó.

Hắn mang miếng ni-lông gấp gọn trở về buồng gíam. Cửa buồng vẫn mở. Anh em đi làm hết. Nội vụ xếp ngay ngắn, vuông thành sắc cạnh, đặt sát vách san sát tầng trên tầng dưới, bên này bên kia, ô cao ô thấp, ô dày ô mỏng, ô cộm lên hòm xiểng, ô chỉ một mảnh chăn sợi mỏng tang. Mỗi ô nội vụ là một cuộc đời.

Hắn ngồi, rót một ca nước từ bi-đông của già Đô. Uống. Hắn nghĩ đến vợ hắn đang ở ngoài kia. Vợ hắn ở sát biển, xa lắm, lên tận chốn rừng sâu này với hắn.

Bây giờ vợ hắn gần lắm, ngay ngoài kia thôi mà hắn không được gặp. Hắn không ngờ vợ hắn lại đi tiếp tế cho hắn trong hoàn cảnh gay go như thế này. Máy bay Mỹ bắn phá khắp nơi. Máy bay Mỹ cháy ngay trên trời, hắn nhìn rõ. Phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống trại trong, các ông cán bộ đuổi bắt được đưa về tỉnh. Ôi! Vợ hắn! Hắn đã viết thư cho vợ nói bóng nói gió rằng: Ngày về của hắn không biết đến bao giờ. Hẳn khuyên vợ hắn nên suy nghĩ kỹ, kẻo không lỡ dở. Điều đó chỉ làm cho hắn thêm yên tâm sống trong tù. Hắn càng đau khổ gấp đôi khi vợ hắn vì hắn mà huỷ hoại cuộc đời.

Thế nhưng vợ hắn không bỏ hắn. Lại còn lên thăm hắn. Hắn thương và yêu vợ thêm nhiều lần. Giờ đây càng thương. Càng đau. Người ta sẽ trả lời vợ hắn là hắn cải tạo không tốt, nên lãnh dạo trại không cho gặp. Tât cả những người không được gặp mặt đều chung một lý do như vậy.

Vợ hắn, một cô gái nhỏ xíu, một cô nữ sinh Hà Nội, cơn gió thổi cũng bay, bước vào giữa trận bão cuộc đời này mà không được chuẩn bị gì hết. Thoắt một cái, từ bình minh của cuộc đời, của tình yêu hạnh phúc, của niềm tin, nàng đã ở ngay tâm bão.

Chiều hôm qua cơn bão đã cuốn nàng từ biển đến đây Một thung lũng giữa rừng già Việt Bắc. Từ P. tàu xe lên Hà Nội, ăn đợi, nằm chở, ngủ vạ vật ở ga Hàng Cỏ… Rồi đi tàu, rồi đạp xe ba chục cây số đường rừng dến dây với niềm tin sẽ được gặp chồng.

Hắn nghĩ đến cảnh vợ hắn trở về, mang theo cả đồ tiếp tế. Lại ngần ấy đường dất. Bom đạn, cầu đò. Tàu hoả phải tăng bo. B52 bắn phá… Hắn hình dung ra được vì hắn cũng trải qua cảnh ấy trong chiến tranh.

Hắn ngồi uống nước một mình, muốn khóc mà không khóc được. Hắn thương vợ đến đứt lòng. Hắn hình dung rất rõ vợ hắn, người nhỏ nhắn, dáng đi hơi ngả ngả về phía trước. Không biết nàng có phi-dê tóc nữa không. Lâu quá rồi hắn không được gặp vợ. Kể từ khi chuyển lên trại này gần một năm rồi, vợ hắn lên thăm hắn lần này là một. Xa xôi quá. Đi thuận tàu xe cũng phải mất ba ngày. Lại đang bắn phá. Nguy hiểm lắm. Lại còn một điều nữa. Hắn đã tù lâu. ừ thì so với Nguỵ Như Cần hơn 20 năm, Nguyễn Văn Phố 18 năm với rất đông anh em Cầu Giát, Ba Làng từ năm 1956 tới nay, thì hắn còn là mới. Nhưng năm năm cũng lâu. ừ, năm năm đã gọi là lâu được chưa?

Giá hắn tù đến chín năm thì có thể nói là lâu được.

Ba lệnh như bọn Hỉn Sán, Xìn Cắm mới được nói về mình là người tù lâu. Năm năm tù không lâu, nhưng cũng đủ làm kiệt sức vợ hắn, cạn dần những cố gắng của vợ hắn.

Hắn bình tĩnh đón nhận sự cạn kiệt ấy, như mọi người tù lâu khác, như mọi người tập trung cải tạo khâc. Không thể bắt vợ phải khổ mãi về mình. Phải để cho vợ con bình thường hoá cuộc sống. Đó là sự chia sẻ trở lại của người tù với gia đình bên ngoài.

Lâu không gặp vợ, hắn yên tâm tù, bởi lẽ hắn nghĩ vợ hắn không vất vả vì hắn. Không có hắn, nàng đã khổ cực lắm rồi. Hắn quyết hoàn toàn đơn độc thích nghi với đời sống trong trại. Không mơ ước ngày về. Chịu được đói. Đói: dạ dày vơi và đói chất. Và tạt tốt Tạt nhanh như sóc. ăn được mọi thứ. Nhái, lá sắn, củ ráy đã ăn được. Tốt. Phấn đấu ăn những thứ khác mình vẫn còn sợ chưa dám ăn. Đừng hướng về những quả tắc của vợ mà hướng về trại. Như rất nhiều người tù lâu đã làm vậy.

Hắn đã xác định được thì vợ hắn lên.

Hắn hình dung vợ hắn như những lần hắn gặp trước ở trại QN. Đôi mắt nhìn hắn thương xót và đau dớn như chính nàng đang bi hành hạ. Khuôn mặt ấy đã chết hẳn nụ cười. Khuôn mặt của những người chịu đựng tai họa, gắng hết sức mình chịu đựng, đứng vững. Khuôn mặt của những người không nghĩ gì đến bản thân, sẵn sàng làm tất cả cho người mình yêu thương.

Nhìn khuôn mặt nàng, hắn hiểu hết những gì nàng đang gánh chịu ngoài đời. Hắn uống một ngụm nước lạnh nữa, vì hắn cảm thấy lồng ngực nóng bỏng. Và hắn nằm. Dù sao hôm nay cũng được nghỉ buổi làm. Hắn tự động viên.

Một lúc sau có tiếng chân người đi đến. Hắn vẫn nằm, bắp tay che mặt. Ai thì ai, hắn không cần. Hắn dang muốn chết.

Tiếng Chắt:

– Buồng này còn ai không nhỉ?

Chắt đến khoá cửa buồng. Hắn nhỏm dậy:

– Tôi! Có tôi ở nhà!

Chắt hai tay nắm hai cánh cửa đang định đóng lại, bước vào:

– Sao, ông ấy không cho gặp à?

Chắt đứng dưới đất, ngước mặt lên, nói chuyện với hắn, giọng thông cảm. Hắn vẫn ngồi trên sàn trên. Hắn lắc đầu:

– Vào lấy miếng ni-lông ra thì anh em đã đi hết rồi ông ấy không cho ra nữa.

– Vợ lên từ chiều hôm qua cơ mà. Lên với một người nữa.

Lại một thông tin mới. Ai? Ai lên thăm hắn nhỉ?

– Già hay trẻ?

– Khoảng ba mươi. Đàn ông.

Giọng Chắt vô tình, thản nhiên. Chắt với hai má hóp, giọng nói khàn khàn, vung vung chùm chìa khoá khổng lồ:

– Thế không có đứa nào bảo cho biết à?

– Không. Anh có trông thấy nhà tôi không?

– Có. Hôm qua bà ấy đến từ sớm. Hôm qua lên đông. Người nhà Phố, toán 12, mãi tối mịt mới đến. Gần hai mươi người cơ mà.

Chắt đi ra cửa:

– Anh ở nhà, khỏi phải khoá nhé?

– Anh bảo nhà bếp bớt lại suất cơm tôi.

Chắt bước ra. Một lúc sau thấy anh em tù nhà bếp gánh nước sôi lên đổ vào các phuy ùm ùm. Nước sôi hay nước nóng? Nước nóng thì chắc chắn hơn.

Hắn mang các thứ dụng cụ đựng nước của hắn và già Đô ra vợi vào ca, cặp lồng, bi-đông, ống bương, bát men… Hắn dặt tất cả lên sàn trên. Rồi hắn đu lên, xếp gọn vào đầ n giường. Hắn rửa mặt bằng cả một cặp lồng nước. Một cặp lồng khác vò lại khăn mặt.

Nghỉ ở nhà chỉ thích nhất khoản nước. Không phải tranh nhau, chậm chân là hết, hoặc có nghiêng thùng đi mà vét cũng chỉ được vài ca.

Khoảng mười giờ, hắn mang bát xuống nhà bếp. Anh em mang cơm các toán đã tề tựu.

Trong sân bếp gần trăm con vịt non, có con đã cắt tiết nhưng vẫn vẫy cánh lết ra một nơi, quét theo một vệt máu, những con đã nhúng nước sôi vứt riêng một góc. Một cái thùng to đầy vịt đã cắt tiết ở nách, ở gáy, ở chân, chớp chớp mắt long lanh. Nước trong thùng đỏ như máu. Một anh ấn hai tay vào quẫy lộn lũ vịt ấy. Đó là anh ta vò nước lã trước khi nhúng nước sôi.

Những con còn khoẻ vẫy cánh bắn tung toé nước máu lên mặt, lên tóc, lên người anh ta. ở trong lồng những con vịt nhép kêu hếp hếp, hếp hếp. Vịt bé quá, còn đang mọc lông. Chắc người ta bị nhỡ lứa, bị cấm đồng.

Thì ra món thịt vit ông chánh giám thị hứa hẹn là vậy.

Một anh nhà bếp rên lên:

– Thui thôi, không nhổ được đâu.

Người ta thui. Lông cháy, da ám khói. Đen xì. khét lẹt.

– Này ngồi xuống, hộ cánh này một tay.

Một anh nói với hắn. Chắt thông cảm:

– Đang buồn, vợ lên không được gặp.

Hắn nhận suất cơm. Cơm nhận riêng thế này thường được nhiều. Đầy bát hai mươi Mùi cơm trộn mì thơm ngào ngạt. Nhưng hắn không thấy đói. Hắn vẫn còn thương vợ hắn. Hắn vẫn còn đau, còn tê dại.

Ôi sao người ta lại có thể độc ác đến như vậy. Hắn không hiểu nổi. Hắn vẫn không quên ông Thanh Vân.

Chiều chiều, khi anh em tù đã bị khoá trong các buồng, ông thường đi bách bộ ngoài sân. Hai tay khoanh, ấp một quyển sách vào ngực, ông đi tư lự, nhiều khi mỉm cười một mình như một nhà thơ hay nhà triết học.

Nằm sấp trong buồng giam, nhìn qua cửa sổ ra sân, hắn thấy ông Thanh Vân thật buồn cười: ông ta cố làm cho mình thành một nhà tư tưởng. Một lần ông chậm rãi, đếm bước ngay sát cửa sổ, hắn ngã người: Qnyển sách áp vào ngực ông Thanh Vân là quyển Hoá học lớp 10. Ông ta lại đang làm ra mình là một nhà trí thức. Ông có thể là một người hiền lành, chất phác, cày ruộng giỏi, thương người, nhưng ông cố tỏ ra từng trải, có quyền lực. Chưa đủ, ông còn muốn mọi người biết là mình có tri thức, phải phục tùng mình tuyệt đối.

Hắn đã phục tùng ông Thanh Vân. Nhưng phục ông thì không. Không bao giờ. Hắn thương hại sự nghèo nàn của ông. căm giận sự độc ác của ông. Sau này khi được tự do, hắn nghĩ về ông có độ lượng hơn: ông ta cũng chỉ là nạn nhân, là sản phẩm của một hoàn cảnh, một chính sách, đang hoàn thiện mình để sống trong những điều kiện mới.

Buổi chiều, giữa lúc hắn đang nghĩ đến vợ hắn, đến đoạn đường vợ hắn đã đi được để về nhà, thì Chắt vào gọi:

– Ra, cán bộ gặp.

Lóe lên hy vọng. Hắn vội giắt vào bụng mảnh vải nhựa.

Không phải ông Thanh Vân ngồi trong phòng trực. Một ông quản giáo già, người miền Trung, da mặt thiết bì, cao lớn. Chưa một người tù nào một lần thấy ông cười. Tên ông là Quân.

– Báo cáo ông, tôi là Tuấn, có mặt.

Ông Quân nói nhạt nhẽo:

– Anh ra gặp gia đình.

Hạnh phúc bất ngờ quá. Hắn nói với ông Quân giọng lễ phép:

– Cám ơn ông. Báo cáo ông, tôi đi.

Ông Quân quay đi nhìn chỗ khác. Với ông, hắn không còn đứng đấy nữa.

Hắn đi ra, rảo bước về khu gặp mặt. Một căn nhà lưng chừng đồi, cách cổng trại hai trăm mét, lẩn trong các lùm cây, người đứng lố nhố. Hắn vừa đi vừa nhìn xem có thấy vợ hắn đang đứng đó không? Buổi chiều, nhưng còn đông, vì có những người đã được gặp mặt rồi, nhưng vẫn phải ngủ lại sáng hôm sau mới về.

Kia rồi! Vợ hắn! Đúng vợ hắn. Không phải trong suy nghĩ, trong tưởng tượng nữa mà vợ hắn bằng xương bằng thịt. Cái dáng của vợ hắn dù có lẫn trong hàng nghìn vạn con người hắn vẫn nhận ra được ngay. Hắn vấp một cái điếng người.

Tim hắn đập rộn lên. Một người đứng cạnh vợ hắn, nam giới, cao, giơ tay vẫy hắn. Bình. Người bạn thân nhất của hắn.

Hắn đi chậm lại. Hắn muốn kéo dài phút giây hạnh phúc của thời gian chờ đợi này, thời gian vượt qua quãng đường ngắn ngủi này. Anh em tù đang làm dưới ruộng khoai. Những bộ quần áo xám bạc phếch. Họ đang đứng nhìn về phía hắn, thèm khát được như hắn.

Lúc hắn bước tới chân đồi. có tiếng gọi vợ hắn và Bình vào trong nhà.

Hắn bước lên bậc cấp. Người đầu tiên hắn nhìn thấy là ông Thanh Vân. Vợ hắn và Bình ngồi ở phía cuối chiếc bàn hình chữ nhật to dài. Ông Thanh Vân ngồi đầu này.

– Báo cáo ông, tôi có mặt.

Ông Thanh Vân chỉ tay vào một cái ghế ở giữa:

– Anh ngồi xuống. Trại giải quyết cho anh được gặp chị ấy, nhưng anh không được nhận đồ tiếp tế.

Lại thế nữa. Nhưng thôi. Không đề nghị, không van xin. Đồ tiếp tế là những thứ cứu sống mình nhưng cũng không là gì cả. Điều quan trọng là được gặp vợ, hai vợ chồng đôí thoại. Được nhìn nhau. Được nhìn Bình, người bạn không bao giờ bỏ hắn.

Những câu đối thoại không biết bắt đầu từ đâu, luôn bị ám ảnh bởi sợ hết giờ. Những câu đối thoại có sự hiện diện của ông quản giáo, chỉ là những điều dối trá. Thì thôi, hãy nói cho nhau nghe những điều dối trá. Chúng ta đã học cách nghe những lời dối trá để qua đấy biết được sự thật. Ông Thanh Vân đã lại lúi húi vào quyển sách giáo khoa. Lần này là quyển Vật lý lớp 10. ông là một người vừa thâm canh, vừa quảng canh trí tuệ.

Vợ hắn lên tiếng trước:

– Anh có khoẻ không?

Hắn nhìn vợ. Nhìn thẳng vào mắt vợ. Vợ hắn cũng nhìn vào mắt hắn. Hai người nhìn nhau. Họ đọc trong mắt nhau tình yêu thương, nỗi khổ cực, sự đau đớn, niềm tin, sự phẫn uất. nỗi tuyệt vọng, lòng xót thương không bờ bến, sự khao khát bên nhau và nỗi hận không làm được cả vũ trụ nổ tung lên.

Im lặng khá lâu. Ông Thanh Vân ngẩng lên. Không nhìn lại, hắn vẫn cảm thấy cái ngẩng lên ấy.

Có lẽ ông ngẩng lên vì không thấy hắn trả lời.

– Em có khoẻ không?

– Em khoẻ, thầy mẹ khoẻ, các con khoẻ.

Ai cũng khoẻ cả, điều ấy hắn không tin.

– Sắp rét rồi, nhớ quàng khăn cho các con, kẻo chúng nó viêm họng.

– Bé Dương hay ốm lắm. Ba ngày khoẻ, bảy ngày ốm.

Dương là đứa con út. Vợ hắn đẻ khi hắn đã bị bắt, hắn chưa biết mặt.

– Em có vất vả lắm không?

Vất vả. Em phải làm thêm. Tối các con ngủ, rửa bát, giặt giũ xong, em lại lấy bàn là ra là quần áo cho mậu dịch. Anh Thân xin cho. Mỗi tháng cũng thêm được 15 đồng.

Hắn chẳng biết khuyên vợ thế nào, động viên vợ thế nào. Hắn cam chịu bất lực. Sự bất lực của một người từng làm chủ gia đình, đứng mũi chịu sào, cáng đáng mọi việc, kiếm đủ tiền nuôi vợ, nuôi con. Công việc trong nhà hắn cũng chẳng nề hà, kể cả nấu cơm rửa bát để vợ được nghỉ trong khi nuôi con mọn.

Hắn thở dài.

Hắn không muốn thở dài trước những ông quản giáo, vì hắn cho rằng tiếng thở dài của người tù sẽ đem lại niềm vui cho họ. Hắn không muốn tỏ ra mềm yếu trước mặt người khác. Nhưng lúc này tiếng thở dài là cái van xả xúp-páp an toàn. Nếu không người hắn sẽ nổ tung lên mất. Cả người hắn như một quả núi lửa, nghẹn ngào.

Họ nói chuyện về bố mẹ. về sự học hành của các con. Ôi, bố mẹ hắn giờ dây gánh vác tất cả gánh nặng con cái của hắn. Hắn thật là một thằng bất hiếu, một thằng khốn nạn. Và lũ trẻ, bao giờ gặp lại. Những đứa con gần như không bố…

– Anh đã viết đơn đi các nơi…

Bình bây giờ mới lên tiếng:

– Ngọc vẫn viết, nhưng không ai trả lời.

Hắn lặng im một lúc:

– Anh vẫn đi làm bình thường. Lên trại này có dễ chịu hơn. Thôi, em không phải lên thăm anh nữa. Còn bao việc em phải lo.

Ngọc giàn giụa nước mắt, những dòng nước mắt lặng lẽ. Hắn nhìn vợ không bằng lòng. Cái nhìn ấy muốn nói: Đừng khóc em. Có ai thương chúng mình đâu. Những giọt nước mắt của em anh không trả được.

Ông Thanh Vân rời quyển sách Vật lý lớp 10, đứng lên:

– Thôi. Hết giờ gặp. Anh Tnấn chuẩn bị về trại.

Bình cúi xnóng xách cái bọc to vẫn để dưới ghế, đặt lên bà n:

– Báo cáo đồng chí…

Đã lâu lắm mới nghe thấy tiếng “đồng chí” hắn giật mình. sợ hãi về tiếng đồng chí lạc lõng, phạm thượng ấy. . Nhưng hắn trấn tĩnh ngay. Bình không bị đi tù, Bình chỉ là người nhà tủa người tù. Bình vẫn là phóng viên báo Đảng và vần có quyền gọi ông Thanh Vân là đồng chí. Nhưng hắn vẫn sợ ông Thanh Vân xúc phạm Bình, hoặc sau này sẽ có hành động trù dập hắn…

– Báo cáo đồng chí, xin đồng chí cho anh Tuấn dược nhận chút quà gia đình đem lên.

Không được. Chúng tôi chiếu cố lắm mới cho anh Tuấn được gặp mặt hôm nay.

Vợ hắn nài nỉ. Bình nài nỉ. Hắn chưa bao giờ thấy vợ và người bạn thân thiết của hắn nài nỉ ai như vậy.

Cả hai vốn là những người tự trọng, rất tự trọng. Ông Thanh Vân cười tươi động viên:

– Thôi, chị với anh cứ mang về. Lần sau lên chúng tôi cho nhận.

Giả dối đến thế là cùng. Hắn cắn chặt răng, người run lên vì buộc phải im lặng. Hắn ghê tởm nhất thói đạo đức giả.

Bình đứng dậy. Hắn sợ Bình không giữ được bình tĩnh. Hắn nhìn Bình van vỉ. Bình hiểu cái nhìn ấy.

– Thưa đồng chí, đang lúc chiến tranh, chúng tôi vượt bao đường đất mới lên được đến đây. Cả nhà cố gắng chắt bóp dành cho anh Tuấn ít quà để anh ấy có thêm sức khoẻ cải tạo. Kẹo, bánh, vừng, ruốc, thì để làm sao được đến chuyến thăm sau. Với lại chưa biết đến bao giờ chúng tôi mới lạí lên thăm anh ấy được.

Hắn nhăn mặt. Nhăn mặt vì chữ cải tạo Bình nói.

Hắn không làm gì để phải cải tạo. Hắn không có tội gì hết. Chưa một người công an nào nói hắn mắc tội gì. Lệnh bắt hắn: tuyên truyền phản cách mạng. Hắn đã bác bỏ trong hỏi cung và không ai buộc tội hắn.

Người ta ấn cho hắn cái lệnh tập trung cải tạo với tội: Phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Thật là biến hoá ảo thuật khôn lường.

Bình ơi! Mày không hiểu gì hết. Nếu có tội thật thì vào đây cũng không cải tạo được gì đâu. Trước đây tao cũng nghĩ như mày, nhưng bây giờ tao tin chắc như vậy. Đây chỉ là một địa ngục rợn người, với mục đích rõ ràng: làm cho người ta khiếp sợ.

Hắn vẫn ngồi, nói với Bình, trước khi ông Thanh Vân có ý kiến:

– Thôi, Bình ạ! Đừng nói nữa, vô ích. Mình ở đây mình biết: ỡ đây các ông ấy đã quyết định thì cứ vậy mà làm. Đề nghị cũng không được đâu. ở dây rất nghiêm khắc. .

Hình như mấy tiếng cuối làm ông Thanh Vân bằng lòng. ông cười, khuôn mặt bầu bĩnh, ngăm ngăm, chất phác và thoả mãn.

Ngọc đặt tay lên bọc quà, im lặng. Hắn nhìn hai người. Chưa bao giờ hắn gặp mặt mà phải ngồi xa vợ như vậy. Phải đến hơn hai mét. Chỉ vì trại này đóng cái bàn to quá. Thật sự, lúc đó hắn không cần gói quà to tướng đặt trên bàn kia. Hắn không muốn vợ hắn và Bình phải cúi mình vì hắn. Cả bốn người vẫn ngồi.

Hắn lại cảm thấy ông Thanh Vân cúi xuống quyển Vật lý. Hắn nhìn gò má đã khô nước mắt của vợ:

– Đi có vất vả lắm không?

– Có anh Bình đi cùng, ctĩng đỡ.

Hắn nhìn Bình:

– Mình chỉ còn có cậu.

Bình nói:

– Tuấn biết đấy, mình cũng chỉ có cậu…

Hai người không dám mày tao với nhau trước người cán bộ thay mặt chính quyền. Một quãng đời đã chết thấp thoáng hiện ra.

Chợt ông Thanh Vân ngẩng lên nhìn Ngọc:

– Thôi. Chị có thể để lại cho anh Tuấn một ít quà.

Một ít thôi. Khoảng một phần ba chỗ ấy.

Cả ba người dứng lên. Ngọc nhanh nhẹn giở túi vải, nhấc từng thứ để ra bàn như sợ người công an thay đổi ý định.

Hắn cầm tấm ni-lông bước lại gần vợ. Hắn nhìn bàn tay nổi gân của vợ đang xếp. Hắn lại nhìn trộm rất nhanh mái tóc của vợ hắn, rõ từng sợi tóc. Cả những chân tóc ở đường ngôi, da dầu trăng trắng.

Năm cái bánh mì. Một gói to cơm nếp (nấu sáng nay ở dây đấy. Em mượn nồi của trại), ruốc thịt (em giã ở phố), vừng (thầy mẹ giã ở quê cho anh dây). Đường (gói đường này của anh Chân), súp bò (súp bò này của anh chị Thân). Bánh quy kem (của thằng cháu Côn). Bàn chải. Thuốc đánh răng.

– Nhiều quá rồi dấy.

Ông Thanh Vân chỉ vào từng gói: ” Cái này, cái này. Thế thôi”. Vợ hắn vẫn rút trong túi ra những đồ tiếp tế Và bây giờ mới là những thứ quan trọng nhất, giá trị nhất: một gói to thuốc lào, một tút thuốc lá Tam Đảo, và bốn gói chè (hai gói loại 1, hai gói loại 2).

Mắt hắn sáng lên. Chỉ những người trong tù mới biết giá trị của những thứ đó. Gói thuốc lào này (nhìn sợi thuốc hắn biết của bố hắn giồng) có thể hút thoải mái nửa năm, kể cả cho đi chút ít và hút chung với già Đô. Còn thuốc lá, chè. Đó là chìa khoá vạn năng để có tất cả. Đó là ngoại tệ mạnh, là đô-la. Mọi thứ đều tính ra đơn vị “biêu” (bao thuốc lá) và “lệnh” (lạng chè). Hắn nhặt những thứ quan trọng nhất để riêng ra.

Chè, thuốc lào, thuốc lá, vừng, ruốc, đường… Những thứ gọn nhẹ nhưng giá trị, chiến đấu lâu dài được, để dành được. Gói xôi tú hụ, hắn nhìn mà buốt ruột. Bớt được mấy bữa cơm. Tha hồ phơi. Mà lâu lắm rồi không dược ăn của nếp. Từ Tết đến giờ. Mười tháng rồi. Nhưng thôi. Vợ hắn cúi gằm xuống (để tránh cái nhìn của ông quản giáo):

– Xin anh cho chồng tôi nhận mấy cái bánh mì ăn sáng.

Ông quản giáo lặng im. Vợ hắn đưa gói cơm nếp sang đống của hắn, trên mảnh ni-lông trải rộng.

– Gói xôi nữa, xin anh cho nhà tôi được nhận gói xôi.

Ông Thanh Vân lặng im. Gói xôi nằm trên mảnh ni-lông.

– Còn gói bánh kem anh cho nhà tôi được nhận nốt.

Thấy ông quản giáo im lặng, Bình tươi tắn:

– Còn mỗi hai gói kẹo cầm về nó chảy nước ra mất.

Đó là hai gói kẹo lạc xốp. Đã tưởng hết, Ngọc lại lôi từ dâu ra gói kẹo cứng nữa.

– Cái này chúng tôi định để ăn dường. Nhưng thôi, anh cho gửi nốt. Cám ơn anh.

Chưa hết. Bây giờ mới thật sự là món cuối cùng.

Ngọc giở ví, lấy ra năm đồng:

– Anh cho nhà tôi nhận để chi tiêu.

Ông Thanh Vân cười hồn nhiên. Đó là nụ cười của cậu bé nhà quê chất phác, hồn hậu, đáng yêu, độ lượng trước những trò ma lanh, vặt vãnh:

– Anh có phiếu lưu ký không?

– Dạ, có.

– Đưa đây.

Hắn móc trong túi ra tờ giấy biên nhận của trại.

Phiếu của hắn chỉ còn mỗi đồng, đã tiêu hết tháng trước: Trại phân phối mỗi người một gói chè Hà Giang và mười điếu Nhị Thanh. Hắn mua cả tiêu chuẩn của già Đô. Chả là già Đô không có tiền âm phủ .

Ông Thanh Vân nhận tiền, ghi và ký phiếu.

Thế là hắn được nhận tất cả. Từ chỗ không có dược gặp vợ, đến chỗ được gặp nhưng không được nhận quà, rồi nhận một tí quà và cuối cùng được nhận tất cả. Thật là kỳ diệu. Hắn không ngờ câu nói của hắn với Bình: “ở đây các ông ấy quyết định là cứ thế mà làm. Đề nghị không được đâu. ở đây rất nghiêm khắc” lại có tác dụng quan trọng thế.

– Anh Tuấn về trại!

Mệnh lệnh nghe cũng không đến nỗi gắt gỏng.

Hắn túm bốn góc miếng ni-lông, đứng lên. Vợ hắn đứng lên. Bình đứng lên. Vợ hắn lặng người nhìn như muốn nuốt lấy hắn.

Hắn vác quả tắc bước nhanh ra cửa, xuống các bậc cấp. Hình như Ngọc nhớ ra là mình đã quên điều quan trọng nhất. Nàng vội chạy theo mấy bước. Hắn nghe thấy vợ hắn nói phía sau:

– Anh giữ gìn sức khoẻ nhé. Em ở đây, mai mới về. Bây giờ muộn rồi. Tết này em không lên nữa đâu.

Hắn quay lại nhìn vợ lần nữa và đi về trại.

 

Về đầu

 

Chương 3

 

Đã hơn bốn tháng kể từ ngày Ngọc lên thăm hắn.

Hắn vừa cảm thấy như mới gặp Ngọc hôm qua, lại vừa như thấy lâu quá rồi, một thời gian đằng đẵng. .

Tất cả mọi thứ Ngọc đem lên đã gần hết. Khi Chắt mở hòm của hắn, trong hòm chỉ còn chừng vài lạng đường chảy nước, một bọc các túi ni-lông giặt sạch cuộn bó vào nhau và một túi cơm khô, thứ cơm độn ngô vàng vàng, trăng trắng.

Nhưng trong hòm hắn lại có một cái bếp than. Đó là một cái ống bơ sữa bò có mấy que thép làm ghi chia đôi hộp. Phía dưới đục làm lỗ thông gió. Cái bếp được để sang một bên.

Chắt cùng hắn giũ tung cái chăn bông to sù, vỏ bằng vải ka-ki vụn đã sờn thủng ở những gân cạnh đường may cộm lên. Không có gì đặc biệt. Bị. Đấy mới là cái cần xem. Hắn khoác bị đi làm và khoác bị về. Một túm rau thơm ướt dẫm nước gói trong một mảnh ni-lông. Một củ su hào bánh xe đã vặt trụi lá hắn tạt được ở một vườn rau bên kia suối. Lúc rửa chân tay đi về hắn tót sang, hai tay quơ hai cái là xong…

Ông Thanh Vân gật gù hài lòng.

Quả tớm ” rồi! Hắn bình tĩnh nghĩ. Chắt đặt nắm rau thơm, củ su hào ra một chỗ. Ông Thanh Vân lấy chân đá đá vào cái hòm ra hiệu. Chắt kéo cái hòm ra phía ngoài. ở giữa hòm gỗ và bức vách là một cái ống quần tù rách một đầu đã được khâu liền, đầu kia buộc túm phồng phồng như một con chuột cống. Đó là một túi đựng than củi. Chắt nhấc cái túi ra. Hắn ấp úng:

– Báo cáo ông. Tô; bị ốm quá, mạn phép ông mang tí than về nấu cháo…

Không thèm nghe, không thèm nói nửa lời, ông Thanh Vân đá vào các thứ phạm qui và đá cả vào cái hòm. Rồi ông tụt xuống dất. Hắn nhấc vội túi đường, túm ni-lông trong hòm. Chắt xếp các tang vật vào hòm, cắp mang ra.

Còn lại những người tù im lặng. Rồi mỗi người một câu, ầm lên”. Thế là mất sột sệt rồi”, “ông ấy làm căng quá nhỉ”, “Tôi giả A Tuấn con dao đây”. , “Mẻ to rồi” “Chắc có thằng nào bẩm”. Một anh tù trẻ măng nhảy từ sàn bên kia sang chỗ hắn. Đó là Cân, giáo dân phát Diệm, mới vào tù mấy tháng nay. Nước da Cân vẫn sáng, săn và thấy rõ hồng cầu. Không giống nước da tù ngăm ngăm tai tái, bờn bợt, sưng sưng kín mít nỗi lòng, khuôn mặt Cân vẫn còn nét riêng, đó là cái linh hoạt, cái biểu hiện tình cảm ra bên ngoài. Từ con người Cân vẫn còn bóng dáng uyển chuyển của Tự do, của đồng ruộng, của luỹ tre gió thổi.

– “Hẳn có một thằng chó nào bẩm đây.! !

Hắn nói và nhìn vào một anh tù ngồi ở sàn bên kia, cũng tầng trên, chênh chếch chỗ hắn ngồi. Già Đô tiếp: Đó là cái chắc”. Già cũng nhìn vào người đó.

Trong tù cũng như ngoài đời, hắn căm thù nhất sự phản bội.

Rất nhiều cái nhìn hướng về anh tù sàn bên kia.

Đó là Hợp, một anh lính ngụy quê ở Bắc Ninh đã tập rung cải tạo tới năm thứ chin. Vẫn bình thản chữa cái bẫy chuột, anh ta chép miệng:

– Đã khổ thế này rồi mà còn hành hạ lẫn nhau. Chó lại đi giết chó.

Nhìn Hợp, nghe Hợp nói, hắn lại phân vân, không biết có phải Hợp bẩm không. Anh ta mới ở trại Phú Sơn chuyển về. Cũng như hắn ở trại Q.N chuyển lên.

Sau 16 tháng 4, số lẻ các nơi nườm nượp về đây. Xe chạy đi chạy lại và nhả ra bao nhiêu tù mặt lạ hoắc.

Anh em ở Phú Sơn cho biết: Hợp thích bẩm, sớ để lập công, sớm được trở về. Muốn gì hắn cũng phải tổ chức bữa uống chè tối nay. Vẫn phải sột sệt. Để cho kẻ nào làm li-cai-tơ thấy rõ họ đã thất bại. Thực lòng hắn rất đau. Nhìn vào chỗ để nội vụ trống một khoảng, hắn xót. Cái hòm. Cái hòm không thể thiếu được của hắn. Hắn đã viết thư cho vợ xin cái hòm sau vụ mất cắp hai gói kẹo. Và vợ hắn đã đèo bằng xe đạp đi gần trăm cây số lên cho hắn. Hắn đã mang cái hòm vào trại trước bao cặp mắt thèm thuồng của các bạn tù. Cái hòm đã gắn với hắn đi bao toán. Từ Q.N đến V.Q. Cái hòm với bao nhiêu công dụng. Cái hòm gia sản, tổng kho. Cái hòm ấy mà chác, giá trị không kém cái cặp lồng tốt nhất.

Hắn tiếc túi than. Đây là một túi than đặc biệt. Không phải loại than củi thông thường. Đi làm, việc đầu tiên là phát hoả cái đã. Kiếm cây que đốt lửa đùng đùng. Mùa rét thì sưởi. Mùa hè thì hút thuốc lào. Dúi ngầm vào đó củ khoai, cái bắp ngô nếu tốt số tạt được. Anh nào thích than thì đi tìm củi chắc vứt vào, rồi nhặt than ra, lấp đất lên. (Tất nhiên là phải rình lúc quản giáo không có mặt). Rồi liệu mà bồng về. Đó chỉ là thứ than hoa thường thấy.

Mẻ than vừa mất của hắn là một mẻ than đặc biệt. Lâu rồi toán hắn đốt lửa trên một gốc cây to. Lửa cháy ngún xuống rễ sâu dưới lòng đất. Phải đến tuần lễ sau hắn mới lang thang ra đấy bới đống tro, xem còn ít than sót lại không và phát hiện ra những cái rễ cháy âm ỉ trong đất từ bao giờ. Chúng đã tắt, còn lại than.

Hắn bới đất. Nậy một khúc than nguyên hình rễ cây. Một khúc nữa. Hắn đào. Im lặng đào. Lưng một bị than. Thỏi nào thỏi ấy như than đá, nặng, óng ánh, rơi vào nhau kêu thành tiếng sang sảng. Hắn đã bồng về trại trót lọt, mặc dù hôm ấy ai đi qua cổng trại cũng bị khám. Hắn đã chuẩn bị. Hắn cho than vào cái ống quần tù để dưới đáy bị. Hắn để bộ quần áo ướt lên trên. Và cái ca rỗng nằm nghiêng ở phía trên nữa, cạnh cái khăn mặt ướt. Sau cùng là cái điếu cày nằm chênh chếch từ đáy bị tới miệng bị.

Thấy khám xét: nhiều người sợ hãi. Hắn rướn lên đứng trên cùng. Chờ khám xong một toán, hắn hớn hở bước lên, tay chành sẵn miệng bị. Ông quản giáo không nhìn, phẩy tay ra hiệu cho hắn vào.

Hắn bước qua bao nhiêu của cải quí như vàng vất dưới đất, ngay cạnh lối đi, sát bốt gác: nắm lá khoai, túm lá sắn non, túi than, những bó đóm. Có cả những mẩu sắn và mấy củ khoai, chẳng biết của ai mà sao không khợp ngay ở chỗ làm đi, bồng về đến đây để mất.

Mẻ than đã nằm gọn trên giá, sau cái hòm. Mẻ than nặng, đượm, chắc, bỏ mấy hòn cháy suốt cả tối, không phải thêm than. Hắn mới sột sệt mấy bữa, còn đun được mươi ngày nữa mới phải lo.

Thế là bây giờ tay trắng.

Hắn ra sân đi bách bộ cho khuây.

 

Về đầu

 

Chương 4

Buổi chiều hôm ấy cũng như bao buổi chiều khác.

Những giây phút tự do cuối cùng của một ngày. Những giây phút chưa bị nhốt cuối cùng của một ngày. Chỉ lát nữa thôi, bọn hắn sẽ được lùa vào trong chuồng. Khoá. Nhốt. Như nhốt gà nhốt vịt. Như nhốt trâu bò.

Xam xám, vật vờ, cánh phạm đi quanh sân trại. Người đi một mình, nghiền ngẫm như bao chiều rồi nghiền ngẫm. Người khoác tay nhau rủ rỉ. Chẳng hiểu họ chuyện những gì. Chẳng qua là tri kỷ gượng mà thôi. Vì ở cái chốn này không một ai tin ai. Không một ai cởi mở cùng ai. Cũng có những ngoại lệ, cũng có những người tin nhau. Nhưng chẳng có chuyện gì để nói mãi cùng nhau suốt năm này sang năm khác, bởi vì cuộc đời tù của họ có gì đâu ngoài một chuỗi lặp đi lặp lại những đói, khổ, buồn, nhớ, tuyệt vọng…

Nhưng buổi chiều hôm ấy có một sự kiện làm thay đổi cuộc sống đều đều, buồn tẻ trong trại: Một chiếc xe ô-tô bịt bùng từ ngoài cổng tiến vào sân trại. Mặc dù có tấm vải bạt phủ kín đầy bụi bị mưa dầm làm bết thành từng mảng, nhìn chiếc xe, anh em tù biết ngay là có phạm mới. Không sai. Từ ca-bin, các ông công an nhảy xuống. Cửa sắt cuối đuôi xe mở.

Và hơn hai chục người ăn mặc toàn xi-vin khoá tay đôi một nhảy xuống. Đám tù mới đứng cụm vào một chỗ ở đầu dốc, lối lên hội trường.

Đôi bên đứng cách nhau một khoảng an toàn vừa đủ tò mò nhìn nhau. Hắn cũng đứng ngó đám lính mới. Những người mới đến còn chưa nhuộm một màu tù vì chưa mặc quần áo số, nhưng chỉ ngày mai thôi, đố ai phân biệt được cũ mới từ quần áo đến dáng đi. Lại bắt nữa. Đến bao giờ mới được ra hở giời?

Bỗng có tiếng gọi to bên cạnh hắn:

– Vĩnh! Kiều Xuân Vĩnh!

Tiếng Phố.

Một người cao, gầy đứng giữa đám tù mới giơ cánh tay không bị khoá lên hoa hoa trên không dáp lại:

– Chào anh Phố. Khoẻ không?

Phố cười rất tươi. Phố cùng toán hắn, nay đã chuyển sang toán chăn nuôi.

– Khoẻ. Nhớ trại quá, lại vào à? Lâu chưa?

Anh tù tên Vĩnh cười:

– Cáo chết ba năm quay đầu về núi. ở Cổng Giời về được hơn hai năm. Đang làm thợ mộc thì bị xúc.

– Đến đây khi nào?

– Vĩnh đến đúng 17 giờ 30 giờ GMT, nhưng còn đỗ ngoài kia làm thủ tục nhập kho. Vĩnh đã gặp ông giám thị: “Báo cáo ông thượng uý giám thị phân trại. Tôi đại uý Kiều Xuân Vĩnh có mặt”.

Đứng giữa đám tù bị còng tay ngơ ngơ ngác ngác, Vĩnh lại cười. Cười kha kha.

Tất cả há hốc mồm nghe. Phố bảo với mọi người xung quanh:

Cậu Vĩnh này là đại uý trẻ nhất đấy. Tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt ít ngày là lên trung uý ngay. Rồi do có tướng quân sự lại đẹp trai, tiếng Pháp nói như gió, nên được cấp trên phong đại uý. Chết vì cái đại uý. Tăng trước bảy năm…

Câu chuyện Phố nói bị ngắt quãng vì anh em được phân công trực nhật đã bưng những xoong cơm xoong canh (tù chuyên gánh cơm chỉ có nhiệm vụ gánh cơm nước một bữa trưa ra chỗ làm và lấy suất ăn sáng) từ nhà bếp đi lên cái dốc xoai xoải tới giữa sân. Cả trại ầm lên. Tiếng gọi nhau “Khợp thôi! ” “Khợp thôi! ”. Tiếng gõ bát đũa. Tiếng đếm bát đũa của từng mâm. Tiếng chân người huỳnh huỵch chạy từ xa về buồng giam, nhảy lên sàn lấy bát đũa chạy vội ra.

Bữa cơm chiều hôm ấy sao mà ngon. Dù lòng hắn không yên. Lòng anh tù tập trung cải tạo làm sao mà yên được. Yên tâm cải tạo, câu ấy đúng với ai, chứ không đúng với anh tù không án. Ngon như cơm tù. Phải ghi vào từ điển thành ngữ ấy.

Nhưng hãy bắt đầu từ việc chia cơm đã. Đó là một sự im lặng. Im lặng tuyệt đối. Trong sân trại, anh em tù đứng thành mấy chục vòng tròn. (Bao nhiêu mâm thì bấy nhiêu vòng). Những vòng người quần xám, áo xám, mắt trắng dã, mặt nghiêm nghị, căng thẳng, chăm chú nhìn nồi cơm, nồi canh, đếm số bát. Một nhận xét đầu tiên:

– Cơm hôm nay sao ít thế nhỉ?

– Cơm nát.

– Lại độn nhiều khoai quá.

– Đánh đánh cho nó đều, Cân ạ.

– Rau cũng ít quá.

Đó là những thất vọng dù quen thuộc, nhưng vẫn là thất vọng. Cơm đã ít. Lại độn khoai. Lại chỉ có một món rau lõng bõng nấu trong vạc đen sì.

Cách đây ít lâu, ông chánh giám thị đã thực hiện được lời hứa: Bữa ăn có nhiều món. Rau bắp cải mọi khi luộc thì nay chia làm hai: Thái nhỏ muối dưa xổi và luộc. Một tý rau thơm. Một tý muối hoà với nước hàng làm nước chấm. Nhiều bữa có một con cá khô mủn hoặc hai miếng thịt vịt đang đâm lông ống vừa thui vừa luộc, khét lẹt, mỏng dính. Bốn năm món chia chác thật phức tạp. Cân chia ba bốn lần.

Nguyễn Vàn Phố nói:

– Tôi mà làm giám thị, tôi sẽ cho ăn nhiều món hơn nữa. Để chỉ chia thôi cĩmg đã chết. Không còn thời gian nghỉ nữa.

Sau những tiếng xì xầm, giờ đây cả sân lại im lặng. Và căng thẳng. Quá căng thẳng. Tất cả dán mắt vào cái muôi của người chia cơm, vào cái bát được đưa lên cân. Nghĩa là một que củi thẳng và khô làm cán cân. Một đầu treo hòn cuội. Đó là quả cân.

Một đầu làm cái quang để vừa một cái bát men hai mươi. Người ta đã lấy một cái bát của một anh cố định làm trọng lượng bì. Qua thực tế người ta khía những nấc ở cán làm định mức trọng lượng. Nấc ngoài là nấc mười tám cân. Nấc trong là nấc mười lăm cân, mười ba cân. Thông thường việc chia có thừa thiếu chút ít. Thừa thiếu càng trở nên phức tạp, khi nhà bếp thổi khô quá hoạc nát quá như hôm nay làm đảo lộn trọng lượng bình thường, phải thêm bớt nhiều lần. Nhìn thìa cơm đổ thêm vào bát mình thì vui, nhưng nhìn cái thìa của người chia cơm xắn tàn bạo vào suất cơm trong bát mình nó vẹt lẹm đi, buốt lòng như có ai bấu rứt đi quả cật. Xén rồi lại xén nữa vì vẫn chưa đủ. Chưa hết một vòng.

Sao lại nhích vào thế, Kỷ Mình?

– Cơm hôm nay ít lắm à?

– Nhưng nó nát, nó nặng.

– Nặng cũng ít à?

– Gượm, để cho nó đứng hẳn lại đã. Cân còn đang đảo mà.

– Ôi! Trông kìa, có hai muôi thôi mà đã được một suất rồi. ít quá!

Kỷ Mình và Cân cứ chia, cứ xúc. Cầu sao còn được tản nữa. Chứ thế này thì ít quá. Có khi còn được tản nhiều là khác. Nhưng mới có sáu suất mà đã vẹt nửa xoong cơm rồi. Lại miếng khoai kia. Cầu sao nó đừng vào bát của mình. Miếng khoai to quá.

– Dầm dầm khoai ra, Cân ạ. Cho nó đều.

– Được rồi. Được rồi.

Cơm trong nồi còn ít quá. Khéo thiếu mất. Không, nhưng mà chỉ còn ba suất nữa thôi. Trong xoong to trông nó thế, chứ ba suất thì đủ. Một suất nữa rồi. Sao suất này trông có vẻ nhiều thế nhỉ. à! Nó đã bốc hơi một ít. Đỡ nát hơn. Suất ấy của ai nhỉ. Cán. Cán may rồi. Ai chẳng biết được chia ở cuối cùng bao giờ cũng nhiều hơn một tý vì cơm đã nguội đã bốc hơi.

Nhưng Cán thì không chú tâm đặt bát ở cuối hàng đâu. Chỉ có Lê mới làm như vậy. ở QN, Lê cứ làm như vô tình ra sau và đặt cái bát men mười sáu của Lê ở cuối hàng. Việc ấy kéo dài được nửa tháng thì bị Kỷ Mình và cả toán phát hiện ra. Nhưng không ai nói gì. Chỉ có Kỷ Mình trả lời bằng hành động. Kỷ Mình cân cơm và đổ ở cuối hàng trước. Khi Lê chuyến bát về đầu hàng, Kỷ Mình lại cân cho bát đầu hàng trước. Lê xắp bát ở giữa hàng, Kỷ Mình đổ từ giữa hàng xoè ra hai đầu. Như một trò chơi ú tim. Như chuyện cổ tích vậy. Lê chẳng dám nói gì. đành ngậm đắng nuốt cay.

Kỷ Mình chia rất công bằng và không một lần nào suất cua Kỷ Mình nhiều hơn suất của người khác. Kỷ Mình vẫn dằm dằm vun vun xúc xúc. Đáy xoong đã lộ ra, những hột cơm dính với khoai bê bết.

– Không biết chỗ kia chia đôi có được hai suất không? Một suất. Hơi nặng một tý. Xúc ra nửa thìa. Phải nói Kỷ Mình xúc rất chính xác. Mười mấy năm chia cơm có khác. Còn lại trong nồi hơi ít, nhưng trông thế thôi. Vét vào, vun vào chắc chắn se đủ. Đủ là tốt. Sao? Kỷ Mình còn bớt lại à? Không xúc hết à. Xem nào. Vẫn hơi tươi! Xắn một nửa thìa rồi. Vẫn còn tươi hơi ngỏng. Một xíu nữa. Cái cân bềnh lên hạ xuống. Lại hơi chúc. Ngón tay Kỷ Mình gầy gẩy mấy hạt cơm ở đầu thìa xuống bát. Được rồi. Ngang cân rồi. Chỉ gần chục hột mà ngang cân. Các cụ bảo “con ruồi đỗ nặng đồng cân”. Đúng thật. Thế là được tản rồi. Mỗi người được một thìa đấy. Còn bát này, bát này chưa. . Bát này chưa. Kỷ Mình nhoài người ra đổ vào những bát ở xa. Còn một tí nữa. Tản nữa. Mồi người hơn chục hột. Còn miếng cháy nữa đấy. Bẻ ra làm hai mươi slất. Được chưa. Thôi mang vào nhé”. Một tý, một tý không cần à! ” Nói thế thôi chứ ai mà không cần. Miếng cơm trong tù ngọt hơn cả đòng đòng.

Mọi người cúi xuống nhấc bát cơm, bát canh đứng lên. Có anh đổ ụp luôn bát canh vào bát cơm, cho cù dìa đảo đảo, đứng ăn ngoém hết tại chỗ. Có anh bưng ra ngồi ở góc sân. Kỷ Mình còn lấy tay nhặt mấy hạt cơm dính vào thành xoong.

Hắn và già Đô hai tay hai bát bưng vào buồng. Già Đô cẩn thận trút hai bát rau làm một. Rồi già giở cái cặp lồng của hắn ra. Một cặp lồng rau ngân ngẩn. Cả ngày chỉ ngồi chặt hom sắn, già Đô với hắn cấn vội được một nắm rau tàu bay, khi đi ngang qua khu cơ quan, già tranh thủ suốt được một nắm lá ớt, lá hoa mào gà. Mặc ông áo xanh hét:

– Anh kia làm gì đấy. Có đi vào hàng không?

Hai tay hai nắm rau, ngắt cả cành, già trở về hàng và vừa đi vừa ấn chiến lợi phẩm vào bị. Nhìn già, hắn nghĩ đến những nơi già đã đi qua, đã in dấu chân: Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel. Marseille…

May là chỗ làm có nhiều rau tàu bay. Người ta bảo an rau tàu bay hại máu. Bọn hắn ăn chỉ thấy ngon. Còn lá mào gà, lá ớt ăn như rau dền vậy. Họ lặng lẽ nhai. Mỗi người một tâm tư. Đắm chìm trong tâm tư ấy

Vũ Lượng từ nhà mét bước ra. Đó là một anh tù tre hơn hắn, cằm vuông: má hóp, râu quai nón. Tay xách một cặp lồng bốc khói, thơm ngào ngạt, thật hấp dẫn. Mùi thơm váng cả buồng giam. Nhưng hắn không quay đầu về phía ấy.

ở trong tù thái độ đối với miếng ăn là quan trọng. Rất quan trọng. Nhận một quả tắc. Thái độ đối với quả tắc thế nào đây. Không thể mời tất cả mọi người. Nhưng cũng không thể quay mặt vào tường, ăn một mình những món ăn ngoài đời, những món ăn của tự do. Cũng không thể chờ đến lúc đi ngủ, chui vào màn ăn một mình trong bóng tối, tiếng giở các túi ni-lông loạt soạt. Tạt được củ sắn, một kỳ công đấy. Thiết kế rất công phu, chớp thời cơ ngàn năm có một, bồng về trót lọt, đói hoa mắt, nhưng chớ ăn một mình. Trong tù quan hệ con người bị lột truồng. Không thể che đậy. Không thể giả dối. Không thể đánh lừa được ai. Có hai điều quyết định nhất khi anh sống trong tù: Một là thái độ của anh trước bạo lực. Nghĩa là thái độ trước các ông công an, các ông quản giáo, các ông giám thị. Thái độ trước tù đày. Hai là thái độ trước miếng ăn trong khi lúc nào cũng đói rã rời.

Giữ được hai điều đó anh sẽ là người tù chân chính. được cộng đồng công nhận. Mà giữ được hai điều đó nghĩa là phải sẵn sàng chấp nhận những công việc nặng nhọc nhất, meo nhất. Đừng mơ tưởng đến toán nhà bếp, đi nuôi ong, chăn trâu. (Ai bảo chăn trâu là khổ. Không, chăn trâu sướng lắm chứ. Đúng thế đấy. Chăn trâu sướng lắm. Vì được tương đối tự do. Thoải mái sột sệt). Đừng hy vọng cái án cao-su co lại.

Hắn làm được cả hai điều ấy một cách đơn giản tự nhiên. Không phải cố gắng. Vì đó là bản chất của hắn. Chưa bao giờ hắn bẩm, sớ, phản bội anh em, để mua về cho mình một chút lòng tin của giám thị. Điều này dễ thôi. Vì hắn biết chẳng ai tin bọn hắn. Vì hắn biết các ông ấy chỉ là thủ kho. Là những người giữ chìa khoá kho chứa một mặt hàng dặc biệt, biết đi lại, ăn uống như người, nên càng phải cẩn tắc.

Bởi vậy hắn còn tìm mọi cách tránh gặp gỡ các ông ấy. Cái dạo mới từ trại Q.N chuyển lên đây, tù các nơi dồn về nườm nượp, xe con, xe tải, xe ca ngược xuôi như một bến xe náo nhiệt, cái dạo ấy hắn đã được chỉ định làm toán trưởng. (Chắc là có sự bàn giao của trại Q.N, một sự bàn giao tốt về hắn). Hắn lễ phép trình bày với các ông ấy là sức khoẻ hắn kém, hắn không am hiểu nông nghiệp, nên không làm toán trưởng toán làm đồi được. Giám thị đã chỉ định một người khác.

Thực ra hắn không muốn làm toán trưởng dù toán trưởng, không phải lao động. Chỉ xem xét anh em làm, đôn đốc nhắc nhở anh em. Đi theo ông quản giáo nghe ông nói về công việc, nhắc nhóm này làm dối, nhóm kia ngồi nghỉ quá lâu rồi đấy, hút thuốc gì mà hết nửa ngày thế, nắng cũng nhúc nhắc ra làm thôi, từ sáng đến giờ chưa được mấy công việc. Rồi: “Báo cáo ông, cho anh em củng cố lại cái nhà phân”“. Báo cáo ông, chỗ sắn bị nhổ trộm ấy, tôi đã hỏi nhưng khong biết ai. Anh Chí Lồng Sếnh không làm ở đấy Anh Lượng cũng bảo không có ở đấy. . “. ,

Những việc ấy hắn không làm được! Quá sức của hắn. Hắn chỉ có thể sống và làm khổ sai như những anh em tù bình thường khác. Dù phải làm đến kiệt sức. Dù có phải phơi mình ở nương sắn tháng Sáu, nắng chang chang, dù có phải lội xuống suối lạnh buốt giữa mùa đông tháng giá, tím bầm hai chân, vục nước gánh lên đồi tưới rau, phải đút hai bàn chân cóng lạnh không còn cảm giác vào đống lửa, hắn cũng vẫn thấy dễ chịu hơn việc làm toán trưởng, suốt ngày báo cáo ông, báo cáo ông… Dù bàn chân cóng dại cho vào lửa mãi mới thấy nóng, khi đã thấy nóng rồi rút vội chân ra, nhưng cái nóng ở chỗ gan bàn chân da dày, cứ khoan mãi vào người, xoáy mãi vào người, bổi hổi bồi hồi, xnyên lên tận bẹn, phải nằm lăn ra bên cạnh đống lửa mà xuýt xoa, mà kêu, mà cười ra nước mắt thì vẫn còn hơn. Vì bên cạnh mình khỏng phải là ông quản giáo mặc bộ quần áo vàng. Mà là già Đô, là Lượng, là Cân. là Lê Bá Di cũng đang lăn lộn với cái nóng dùi xuyên tuỷ như mình. Làm toán trưởng. không phải lao động, nhưng mất tự do đến hai lần, luôn phải giữ nét mặt kính cẩn và đau khổ, phải quát giục anh em tù khác. Hắn không làm được.

Hắn cũng chưa bao giờ đặt miếng ăn lên trên nhân phẩm. Điều này khó hơn. Cũng may hắn là người cầm bút. Cái máu sĩ đã giúp hắn.

Lượng không về chỗ mình mà cầm cặp lồng đến thẳng chỗ hắn, nụ cười trên khnôn mặt đỏ và nhọ:

– Khợp không? Làm tý nhớ?

Đó là một sự chia sẻ với tổn thất hắn vừa chịu. Là sự tuyên chiến với người vừa bẩm để hắn bị khám, bị thu nội vụ. Như một lời tuyên bố của đồng minh trong khi lâm chiến. Lại càng quý giá vì người ấy là Lượng, một người quá coi trọng miếng ăn, luôn luôn đói. Lượng cùng quê, thổi kèn clarinette, mới bị đưa lên gần một năm nay. Làm sao bị bắt tù lại là tù chính trị thì có mà trời hiểu. Món quà tặng của Lượng, giá trị vật chất là to lớn, tuy chưa biết rõ nội dung nhưng giá trị tinh thần còn to lớn hơn nhiều.

Hắn hỏi, giọng ấm áp:

– Gì đấy?

– Gà đồng.

Hắn ỡm ờ:

– ếch à?

Đào đâu ra ếch. Lượng cũng ỡm ờ:

– Không. Em của ếch thôi.

– Nhái à?

Lượng gật gật.

Hắn chìa nắp cặp lồng ra. Lượng xúc cho hắn non nửa, khoảng dăm con. Lượng bảo:

– Sột sệt ở chỗ làm rồi. Về chỉ hâm lại thôi. Nguội ăn sợ tanh. Tanh như nhái mà lại.

Rồi Lượng về chỗ. Chỗ của Lượng cạnh chỗ Cân, sàn phía bên kia.

Lượng sột sệt nhái rất khéo. Chỉ với muối thôi. Nhtíng căn bản là có ớt. Và một tý rau thơm. Hắn gọi sang sàn bên với Lượng:

– Đặc sản. Ngon lắm! Mai có lại tiếp tục nhé.

Lượng cười:

– Giá có tý mều thì thì tuyệt.

– Một tý thịt ba chỉ nữa.

Lượng cười rất tươi:

– Một tý đậu phụ, một tý chuối xanh, một tý lá lốt một tý nghệ, một tý rau rút!

– Thế thì thành món cháo rìu đấy.

Lượng rất vui. Vui vì đã giúp đỡ được bạn, người đã giúp đỡ Lượng rất nhiều. Lượng muốn đến với hắn trong lúc hắn đang gặp khó khăn. Như hắn đã làm thế với Lượng. Lượng muốn ăn chnng với hắn: nhưng hắn đã có già Đô rồi. Việc hắn ăn chung với già Đô làm Lượng nể phục. Vì già Đô không tiền lưu ký. Không có ai gặp mặt. Không một quả tàc. Thông thường người ta chọn người ăn chung, ngoài phần tình cảm cũng phải “môn đăng hộ đối” nghĩa là người của ngon vật lạ chỉ trông vào trại thì ăn với nhau, người nhận tắc ăn với người nhận tắc. Lượng ăn một mình như số đông anh em tù với phương châm Cá nhân tác chiến cá nhân bành

Hắn hỏi khẽ già Đô:

– Bên Pháp người ta có ăn ếch không?

Già Đô cũng trả lời rất khẽ:

– Có chứ, ăn mạnh. Nhưng chỉ ăn đùi thôi. Bên Đông Âu không ăn.

Họ nói gần như thì thào. Sợ có ai nghe tiếng, bẩm với cán bộ là già Đô với hắn ca ngợi Pháp.

– Chỉ tẩm bột rán chứ gì.

Già Đô gật đầu.

– ăn thế không ngon. Tôi thích nhất ếch om. Nó còn nguyên vị ếch.

– Nó là do thói quen thôi. Dân mình an được mắm tôm: nhưng không thể ăn được phó-mát. Mà đó lại là thứ rất ngon. Nhất là phó-mát Hà lan. Ngon và bổ nữa.

Tôi chưa được ăn phó-mát. Mắm tôm cũng không biết ăn. Nhưng vào đây biết ăn rồi.

Tự nhiên già Đô ngồi thăng lên. nhai một cách chăm chỉ. Hợp đã vào. Mấy người khác đã ăn xong ở ngoài sân, mang bát vào. Và đã xách ống bương, cặp lồng nước ra rửa bát.

Thấy Jợp. Lượng hỏi to như có ý khiêu khích.

– Ngon không?

Ngồi ở sàn bên dưới, Voòng Kỷ Mình trả lời thay hắn:

– Hẩu xực à.

– Không biết mai còn làm ở đấy nữa không? Nhiều nhái lắm.

Kỷ Mình đã ăn xong chui ra đứng giữa lối đi:

– Mai vẫn làm ở đấy. Lúc đi tắm thấy ông quản giáo nói với ông vũ trang thế mà.

– Vẫn trảm mộc xì quát, Kỷ Mình pác à?

Lượng làm ra vẻ giỏi tiếng Hoa.

– Lượng phấn khởi quá đấy. – Hắn nói.

Lượng vừa nhai xương nhái vừa cười:

– Tối nay, anh bảo gì Lượng cũng làm.

Rửa xong bát đũa, hắn đi ra ngoài sân, qua chỗ Lượng đang lấy cát đánh cặp lồng. Bàn tay Lượng nhọ nhem. Cặp lồng nấu xong phải đánh ngay. Để mai còn xách đi làm. Các ông ấy thấy nhọ là chết với các ông ấy. Nấu trong nhà mét, cấp tập: nhọ lắm.

Nấu ở chỗ làm đỡ hơn. Cời than hồng ra đặt lên. Không có than thì đắp đất chnng quanh nồi, cặp lồng rồi nấu. Hoặc không đắp đất, có nhọ đấy, nhưng đánh rửa ở ngoài snối vẫn thoải mái hơn. Có nhưng anh ăn luôn ngoài suối chỉ đánh cặp lồng không. Có anh mang cả cạp lỏng đựng thức ăn đang sôi xuống suối đánh cát. Vớt nước vào cặp lồng, cặp lồng bốc khói, khô ngay, nóng cả cát ướt.

Ngày nào cũng đánh cặp lồng là một cái thú. Đánh tỷ mẩn. Cả đáy, cả nắp, cả bên trong bên ngoài, cả cái gờ, cả chỗ quai, cả những chỗ lõm vào. Sáng loáng. Một ông áo xanh đã phải kêu lên:

– Các anh thật lạ. Đem nấu cho nó nhọ. Rồi lại đánh cho nó sáng. Mai lại nấu lại nhọ, lại đánh. Rõ ràng các ông không hiểu bọn hắn. Không đánh sáng gô, cặp lồng, nó sẽ két lại ngay. Nhọ, không cho được vào bị khi cần phải yểm một cái gì đó. Để gô, cặp lồng nhọ đen là tự tố cáo mình trước các ông áo vàng. Là khiêu khích các ông ấy. Là mất cái thú chăm sóc cho gia tài của mình, cái cần câu cơm của mình. Là nhỡ ra khi cần phải chác là mất hẳn đi một nửa giá trị.

Hắn cầm ống bương nước giội cho Lượng, bảo Lượng tối sang uống chè rồi hắn đi bách bộ quanh sân. Đám tù mới đến có Kiều Xuân Vĩnh đã biến đi đâu. Chắc là nhốt rồi. Nhiều người như hắn đi quanh cái sân rộng. Quanh quanh. Như kiến trong miệng chén. Hắn nhìn trời âm u. Lại sắp mưa đây. Bao nhiêu buổi chiều rồi. Nhửng buổi chiều cứa vào lòng. Những buổi chiều tuyệt diệt. vô phương. Hắn bỗng nhìn thấy Cân. Cân đang ngồi với một người trên cái ghế băng ở đầu hội trường trên cao. Hắn bước về phía đó. Nhận ra Hoá đang ngồi bên Cân, hắn lảng ra chỗ khác. Hoá là một tu sĩ. . Theo cánh tù nói, Hoá đã lợi dụng những buổi giảng đạo để kích động giáo dân chống lại chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp, và gây rối an ninh trật tự. ở trong trại vẫn có một vài anh em, như Cân tìm đến Hoá để xưng tội, rửa tội. Thật là kỳ lạ.

Và bây giờ Cân đang ngồi bên Hoá.

Hoá ở toán khác.

Hắn đã có một cuộc đối thoại với Hoá, khi Hoá còn cùng một toán với hắn. Hai người xới sắn. Mỗi người một bên luống. Những cây sắn cao ngang đầu gối. Băm băm gốc sắn, vun đất ở rãnh lên luống. Đó là công việc nhẹ nhàng. Nhưng làm lâu cũng mệt.

Cũng thở. Hắn hỏi Hoá số lệnh Hoá đã chịu. Hoá bảo kém một năm đầy ba lệnh.

Hắn bảo: “Thế thì anh có nhanh cũng phải mười năm”. Nếu tù hai lệnh là sáu năm, thì sang năm thứ bảy đã được về. Đằng này Hoá đang ở năm thứ tám. Thế là phải ba lệnh. Hết lệnh thứ ba, người ta mới xem xét. Có được ra ngay thì cũng một năm nữa.

Tổng hợp các người tù tròn lệnh (ba năm, sáu năm, chín năm, mười tám năm…) cững phải mất vài tháng.

Suy nghĩ, cân nhắc, họp hành hàng tháng. Và nếu mình có trúng số độc đắc. được có tên trong danh sách tha, thì cũng phải chờ vài tháng quyết định, vào sổ đóng dấu gửi từ Bộ về trại. Rồi trại vào sổ, xem xét và có thể giữ lại ít ngày…

Hắn cũng nghĩ thế. Hoá bảo:

– Có nhanh nhất cũng phải hai năm nữa.

Rồi Hoá cười:

– Nói thế để có cái mốc mà nghĩ đến thôi. Hai năm nữa được về là tốt lắm rồi.

Hắn cũng nghĩ đến cái mốc của hắn. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Thế mà chỉ cần cái khúc đệm để được ra tù thôi cũng tính tới hàng năm rồi!

Sự kiện dồn hết anh em số lẻ về đây và những người mới bị bắt như Cân, Lượng là một triệu chứng xấu. Rất xấu. Sau một thời gian ngưng chiến, máy bay Mỹ ném bom trở lại càng làm cho tình hình của bọn hắn xấu đi.

Hoá hỏi:

– Anh là cộng sản à?

– Cả nhà tôi là cộng sản. Là đảng viên. Nhưng tôi thì chưa. Tôi là quần chúng.

– Vì sao anh chưa được kết nạp?

– Đã có lúc tôi phấn đấu, nhưng chưa được vào.

Hoá nhìn hắn từ đầu đến chân. Định nghĩa cái nhìn ấy là: Anh nói thật. Tôi quí anh vì anh nói thật.

– Vì sao anh bị vào đây? Tôi có tò mò quá không?

Tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng”.

– ở đây anh em gọi là tội nói sự thực.

Đó là một lời khen. Nói sự thực là một việc khó khăn, nguy hiểm. Từ xưa đến nay vẫn thế. Bao giờ cũng là một việc nguy hiểm. Bố hắn đã nói nhiều lần: Trung ngôn nghịch nhĩ. Thế mà đến bây giờ hắn mới hiểu được điều ấy.

– Chắc là anh viết báo có điều gì…

Hắn cười. Không trả lời. Ai cũng tưởng hắn viết lách gì đó bôi đen chế độ. Cũng như ai cũng biết hắn là nhà báo. Là cộng sản. Cả trại tù này biết hắn là cộng sản. Có người nửa đùa nửa thật nói với hắn:

– Ông cộng sản bị tù đày nhiều, ông ấy cải tiến nhà tù khiếp thật.

Đúng là nhà tù của ta đã cải tiến rất nhiều. Những khe hở của nhà tù đế quốc đã bị bịt kín. Một cái bánh chưng gửi vào cũng được cắt ngang dọc, xem có tài liệu gì trong ruột bánh không, không sao để dành được, chỉ hai ngày sau là mốc xám dài bằng đốt ngón tay đã mọc xù lên dọc hai bên vết cắt. Khi còn giam cứu, gói đường gửi vào cũng bị đổ tung ra. Bao thuốc bị bóc. Điến thuốc bị xé. Hắn và Hoá thận trọng trao đổi. Trong tù rất thận trọng. Chẳng nên làm phức tạp tình hình. Chẳng nên làm mình thêm lo lắng. ở ngoài đời tự nhiên đã bị khoác cái tội tuyên truyền phản cách mạng”. Vào đây lại thêm tội chóng đối thì chỉ có mục xương. Nên tù chính trị ai cũng giữ mồm giữ miệng. Chỉ cởi mở với rất ít người đã qua thử thách. Như với già Đô. Với Giang.

Chẳng ai nói với ai những điền sâu kín trong lòng, nhưng tất cả đều hiểu rằng: Không ai chấp nhận cái thứ tù không án. Tù không có ngày về. Không một ai chấp nhận chế độ ăn uống lao dịch khủng khiếp mà họ đang chịu đựng. Hắn quý trọng anh em tù Công giáo. Tất cả đều sống kiên cường, đúng mực. Tốt với bạn tù. Không ai là Giuđa. Không ai bẩm sớ. Có lẽ đó là anh em thực hiện lời dạy của Chúa. Thử thách này cũng là thử thách trước Chúa.

Thấy Cân đang ngồi với Hoá, hắn vòng về phía sau hội trường. Ngồi một mình. Đấy là nơi cao nhất của quả đồi được lấy làm trại tù. Hắn nhìn anh em đi vật vờ, vô mục đích. Những thân hình xác xơ trong những bộ quần áo xác xơ. Những cái đầu cúi chậm rãi đếm bước. Chờ thời gian trôi. Chờ tối xuống. Để ngày mai lại hệt như hôm nay.

Hắn nhìn hàng rào ken dày dưới chân đồi. Cỏ mọc lút. Không ai dám tới. Ra đấy làm gì, nếu không có ý định trốn trại. ở đó vắng teo. Như cầu Hiền Lương, khu phi quân sự. Tháng Tám năm ngoái, bọn hắn đã được ra chỗ đó. Bão. Bão to làm hàng rào đổ mấy chỗ. Bọn hắn phải đẵn gỗ, đẵn cây, đẵn nứa giồng lại. Chỉ một ngày xong. Để nhốt chính bọn hắn.

Bao giờ thì mình cũng tự làm hàng rào, làm nhà tù nhốt mình. Đời là thế!

Già Đô đến ngồi cạnh hắn. Già đã đi đảo một vòng và biết khối tin thời sự. Già bảo:

– Cái đám mới lên ấy nhốt chung với toán lò vôi.

Chưa phân toán. Có một anh ở Bộ N tên là Đức. Từ Hoả lò chuyển lên. Còn cái anh Kiều Xuân Vĩnh chính họ Cao. Dòng dõi Cao Bá Quát. Sau vì sợ tru di tam tộc nên đổi thành họ Kiều. Thấy bảo chỉ thêm cái chấm vào thôi thì chữ Cao thành chữ Kiều.

Hắn cơ hồ tuyệt vọng:

– Tình hình xấu lắm, cụ ạ. Ngoài ấy lại đang bắt.

– Hội Vũ Lượng thổi kèn làm gì mà cũng tù chính trị.

– Thì tôi với cụ làm gì mà cũng tù chính trị. Mưu đồ gì. Chống đối gì. Chỉ có tin tưởng ở các ông ấy quá.

– Tội của chúng mình không phải là mất lòng tin mà là tin tưởng quá.

– Sống thế này không điên kể cũng lạ thật.

– Tôi cũng mong tôi điên. Thật khốn nạn vì mình vẫn không điên lên được.

– Đêm qua, tôi mơ thấy con bé con bên Pháp. Nó vẫn như lúc tôi từ biệt nó. Tôi mơ thấy quán rượu của bà Jeannette. Tôi vào ngồi ở quán. Con bé chạy ra hỏi: Que buvez vons? Vẫn cái giọng nói ấy. Nó chẳng nhớn lên chút nào. Tôi ôm lấy nó: “Không nhận ra bố à? Con mèo con của bố”. Nó khóc, nó giãy tụt khỏi tay tôi. Rồi nó gọi: “Mẹ ơi Có khách! ! Vợ tôi ra đứng sau quầy: “ Ông dùng gì? Tôi cũng nói như một người khách: “Cho một cốc vang và một xăng-đuých! ! . Kỳ lạ… Bà Jeannette cũng không nhận ra tôi. Tôi thì nhận ra cả hai. Nhưng cứ ngồi uống như một người khách lạ.

Già Đô cúi đầu. Hắn thở dài, thèm được như già Đô, giọng rầu rầu:

– Tôi mất. khả năng nằm mơ rồi. Đã bao lần tôi ao ước năm mơ thấy vợ, thấy con. Nhất là các cháu. Lần cuối cùng tôi nằm mơ là thời gian còn ở xà lim 75 cách đây hơn ba năm rồi. Phải nói, tôi mong năm mơ thấy các cháu lắm. Thế rồi cầu được ước thấy. Tôi nằm mơ thấy thằng cháu lớn. Hai bố con ở dưới đầm. Nước tới cổ tôi, cổ cháu, mênh mông, nắng loá. Sóng nữa. Tôi bơi lại chỗ cháu. Và cứ thế túm đầu thằng bé mà tát nó, đánh nó. Nó khóc, nó khóc thảm thiết: “Con lạy bố rồi, bố đừng đánh con nữa”. Tôi vẫn cứ ấn nó xuống và đánh. Nó nhô lên, tóc ướt đẫm. Nó khóc. Nó gào khóc đau đớn: Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Tôi choàng tỉnh. Run lên. Toát hết mồ hôi. Trống ngực đập thình thịch. Nghĩ thương con quá. Sao tôi lại đánh nó? Tôi chỉ mong nằm mơ thấy chúng, được gặp chúng trong mơ để ôm ấp, yêu chiều. Thế mà mơ thấy nó tôi lại đi đánh nó.

– Tôi cũng thế. Tôi cứ ngồi uống như một khách hàng, thế mới khổ chứ.

Hắn lặng im. Hắn đang nghĩ đến cái ước mơ nằm mơ thấy con của hắn, nằm mơ thấy thằng lớn một lần nữa để hắn sửa chữa tội lỗi làm bố của hắn. Sao hắn lại đánh con hắn như đánh đòn thù? Sao hắn lại là một thằng bố độc ác, vũ phu đến thế Thàng bé gào lên trong mơ, những tiếng gào thảm thiết cứ vọng mãi bên tai hắn: “Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Sao phải lạy bố, hở con? Ôi! Con tôi, những đứa con khổ dau, côi cút ở bên kia thế giới.

Hắn than thở:

– Đêm nào đi ngủ tôi cũng ao ước nằm mơ thấy cháu một lần nữa. Nhưng từ bấy đến nay tôi không nằm mơ thấy gì hết. Tôi hoàn toàn mất khả năng nằm mơ rồi. Đấy là lẩn nằm mơ cuối cùng của tôi. Tôi thương nó quá.

– Tôi cũng ít nằm mơ. Giá đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy Marseille. Thật là một thành phố… Không. Hải Phòng không thể nào bì được. Hải Phòng xa biển.

Đằng này biển gầm thét ngay nơi mình ngủ. Thật là vĩ đại Những người dân ở đấy thẳng thắn, cởi mở, vui tính… ông Martin với cây đàn violon và cả bầu đàn thê tử đến đâu là hội ở đó. Trẻ con người lớn quây lấy. Thật là những người vô tư lự.

– Đời cụ thật sung sướng. Biết đây, biết đó. . Tôi thì từ bé lên rừng, ăn rau muống của cách mạng. Bây giờ lại lên rừng. Rau muống chẳng có mà ăn.

– Tôi về nước với bao ý định tốt đẹp. Thật không ngờ.

– Tôi ao ước được như cụ. Được một lần leo lên tháp Eiffel đứng trước Khải Hoàn Môn.

Họ nói với chính họ. Mỗi người mang trong lòng nỗi khổ đau quá lớn, đến nỗi trong một lúc không còn khả năng tiếp thu được nỗi lòng người khác.

Có tiếng kẻng vang lên. Một hồi dóng dả dội vào rừng xanh. Kẻng điểm danh buổi tối.

 

Về đầu

 

Chương 5

 

Mọi người lặng lẽ trở về, tụ tập ở khoảng sân trước cửa buồng giam. Chờ cho đến khi thấy ông Quân, theo sau là Chắt từ buồng bên đi dến, tất cả về chỗ ngồi. Người nào ngồi đúng chỗ người ấy. Người sàn trên chiếu thẳng xuống người sàn dưới, đôi ngồi sàn bên này đối đối xứng với đôi ngồi sàn bên kia, xếp bằng tròn, tay đạt lên đùi, ngửa lòng bàn tay lên, đầu cúi nhìn xuống. Đó là nội qui bắt buộc.

Ông Quân đi giữa hai hàng sàn gỗ. Ông đi giữa hai hàng tù quần áo số xám xịt ngồi thành dãy như bụt mọc. Ông dứ dứ cái bút máy vào từng người, miệng lẩm nhẩm. Ông đếm bên phải, ông đếm bên trái. Dứ bên trên, dứ bên dưới. Những mặt tù lì lì, bí ẩn. Vẻ mặt ông Quân lạnh lùng, khó hiểu không kém.

Người ta đã tính những lần ông Quân phải đếm trong ngày. Sáng mở cửa ra: Đếm. Di làm: Đếm. Trưa về: Đếm. Chiều đi làm: Đếm. Đi làm chiều về: Đếm. Đi ngủ: Đếm. Tổng cộng sáu lần đếm trong ngày.

Trại cứ tính một nghìn tù cho chẵn. Vậy thì một ngày ông Quân phải đếm sáu nghìn người. Một năm ông phải đếm hơn hai triệu người. Mà ông làm quản giáo đã được hai chục năm rồi, làm từ khi tập kết. Ông đã đếm bốn chực triệu người tù.

Thật là một sức lao động vĩ đại.

Một năm hai triệu khuôn mặt mệt mỏi, lở dờ, xám xịt diễu qua mặt ông. Có lẽ vì soi mãi vào tấm gương ấy, ông cũng biến dạng: Mệt mỏi, lạnh, chai, không một tình cảm nào biểu hiện ra ngoài. Ông đã nhiễm phóng xạ của bọn hắn.

Ông đã đếm xong.

Ông bước ra.

Chắt đóng hai cánh cửa, khoá lại.

Khi cánh cửa đóng lại một lúc, nghĩa là đủ thời gian để ông Quân vâo phòng bên cạnh, phòng giam ồn lên. Nói. Tẩm quất. Sắp xếp lại nội vụ. Và sột sệt.

Lửa lại cháy đùng đùng trong nhà mét. Khói mù mịt. Chất đốt chủ yếu là nứa. Không hiểu sao họ vẫn kiếm ra nứa.

Có một lần hắn đã lấy được cả một cây nứa để giữa sân trại, trước mắt các ông áo xanh và các ông áo vàng đứng trên năm bốt gác chính và phụ cao ngất. Trước mắt hàng trăm người tù. Đi làm về, thấy bó nứa để giữa sân, ngon quá, hắn nhìn lên các bốt gác quan sát. Rõ ràng người trên bốt quay mặt vào sân (nhìn sinh hoạt trong sân tù, dù sao cũng vui hơn nhìn ra rừng già, nhất là buổi chiều tà). Hắn thản nhiên rút một cây nứa dài, chạy vào buồng, gác lên quá giang, cạnh những cây nứa khác, phơi bộ quần áo ướt của hắn và gìa Đô lên đấy. Vừa xong, thì một ông quản giáo chạy vào buồng, giận dữ:

– Anh nào vừa ăn cắp cây nứa chạy vào đây Đâu rồi!

Hắn đã nằm dài trên sàn, lờ đờ khuôn mặt, dửng dưng với những lời quát nạt của ông. Cứ để ông ta tìm trong gần trăm bộ quần áo số này kẻ đã cầm cây nứa chạy vào đây. Cây nứa của hắn cũng như mọi cây nứa khác đang mang trên mình những bộ quần áo tù rỏ nước, như đã nằm đấy từ bao giờ.

Đó là cách dự trữ chất đốt an toàn nhất và cũng là thứ chất đốt tuyệt diệu nhất đảm bảo cả bốn tiêu chuẩn: nhanh, dễ nhóm, dễ dập, chóng sôi. Chất đốt còn là những mẩu củi, cành cây gẫy, quang sảo rách, thùng gánh nước đái vỡ . . “. Nghĩa là tạt được, bồng được về thì vẫn có thức đun.

Người không đun nấu thì quây quần từng nhóm nói chuyện, người nhóm bếp than đun nước pha trà. Anh khác quay mặt vào tường giở suất cơm ra ăn. Có thể anh ta kiếm được cái gì lưng lửng bụng lúc đi làm, nên lùi bữa lại, để đêm đỡ dói. Có thể anh ta ăn thêm với đồ tiếp tế. Những chỗ nào nổi bếp than, được coi là loại giầu có, sang trọng”. Nhẩm xà, uống chè. Có chè uống đều đặn dâu phải chuyện dùa. Phải rất mạnh. Chè lạng là nhất. Thứ này quá sang. Cũng có lần hắn thắng đậm. Hắn tạt được một nắm ở chỗ sao chè của trại. Chè Hà Giang, chè loại hai, đều sang. Chè “chín hào ba” cũng là lý tưởng, được đánh giá ngang với chè U, thứ chè bồm, đồng bào thiểu số ở U sao, ngai ngái mùi ám khói. Bí quá thì lấy lá một loại cây, pha uống ngăm ngăm, ngòn ngọt, hình như có mùi cam thảo. Bọn hắn gọi là cam thảo nguyên.

Hội chè của hắn được mọi người vì nể. Uống khá đều, cho ít chè thôi, lúc tàn thì dặt lên ninh. Hai cái chén hạt mít lau tráng cứ bóng loáng. Tất nhiên vừa uống vừa nghe ngóng. Có tiếng mở khoá thì phải vứt ngay được bếp than đi trước khi ông ấy đến. Có khi ông ấy im lặng đi chung quanh buồng không một tiếng động. Như hổ.

Hôm ấy hắn vẫn sột sệt. Già Đô đưa cái ca con tí xíu của già ra. Đó vừa là cái ấm vừa là cái siêu, ưu điểm là mỏng, đun rất chóng sôi. Hắn lấy bó ni-lông đựng các đồ tiếp tế đã ăn hết và đã được giặt sạch mà ông Thanh Vân để lại cho hắn. Hắn chọn hai túi, một túi đựng kẹo, một túi dựng xúp, và hắn xé một mảnh quần đùi cũ. Hắn bện hai thành phần giẻ và ni-lông thành hai cái đũa dài. Đó là những thanh nhiên liệu.

Già Đô lấy ra một dụng cụ chuyên dùng khác: Một vòng tròn bằng dây thép lồng vừa khít ca có tay cầm dài chống nóng. Già Đô cầm ca. Hắn dun. Lửa bập bùng dưới đít ca. Khồi nhiều. Nóng ít. Khói và mùi ni-lông khó chịu. Nhưng không sao. Đượm ra phết. Ca mỏng. Nước đã kêu kêu.

Có tiếng chân đến cửa sổ của hắn. Hắn dụi ngay lửa xuống cái bát sắt đã chuẩn bị sẵn. Rất nhịp nhàng, già Đô đặt cái ca lên trên. Hai bàn tay người nào nắm vào cửa sổ. Tất cả giật mình. Người ấy đu lên: Chắt! Hắn hoảng.

– Khét lắm đấy, các bố ạ. ông ấy biết là chết đấy. Này, cho miếng cháy này.

Chắt đưa qua cửa sổ cho hắn miếng cháy con và biến mất.

Hắn bị bất ngờ. Ngạc nhiên và ấm lòng. Hắn mới lên đây được một năm. Nhưng thấy tù trật tự trại ở đây khác hẳn Q.N. Tù trật tự trại Q.N là Thất, một anh tù to béo đỏ au, một vận động viên, trưởng phòng thể dục thể thao một huyện, án hai năm vì biển thủ công quỹ. Không trò chuyện với ai bao giờ, lúc nào cũng đi sau ông Quân (Phải, vẫn là ông Quân. Ông Quân cũng từ Q.N chuyển lên trại này sau hắn ít ngày) như cái đuôi. Có lẽ vì suất ấy quá thơm, nên anh ta giữ gìn cẩn thận lắm. Khi tù đi làm, khi tù về trại, Thất đứng bên này cổng, đối diện với ông Quân. Thất cũng đếm. Thất nhắc nhở tù bỏ nón, bỏ guốc. . Đi dép thì được. Đi guốc qua mặt quản giáo là không được. Là không tôn kính cán bộ. Là vô lễ.

Nhưng Lê Bá Di đi guốc. Lê Bá Di thì không thể có dép. Người Quảng Trị, tù cúng đã mười năm, gia đình không thể theo đuổi từ trong ấy lên mãi VQ, QN mà tiếp tế được, Lê Bá Di hoàn toàn sống bằng trại. Bữa ăn sang nhất của Di là ba lạng thịt trâu kho chuội choại ngày Tết. Một năm có một lần. Không thuốc đánh răng, không khăn mặt (Di lấy quần áo rách làm khăn mặt) không tiền lưu ký, không bít-tất, không dép… Lê Bá Di đẽo lấy guốc đi. Và cứ đi guốc qua cổng.

Thất gọi nhắc nhở. Lê Bá Di cứ đi. Không biết Di không nghe tiếng, hay biết nhưng cứ làm theo ý mình. Thất chạy tới túm vai Di quát mắng và chỉ xuống đôi guốc, sừng sộ. Di cúi xuống nhặt guốc và bỗng nhiên, hắn và tất cả không ngờ: Di quật guốc vào mặt Thất. Hẳn là chỗ guốc ấy có cái dinh lòi ra. Thất vuốt mặt. Mặt đầy máu. Tay đầy máu.

Thất im lặng. Ông Quân im lặng. Bọn hắn im lặng đi qua. Hắn không ngờ Di lại hành động như vậy. Di cùng toán với hắn. Người nhỏ thó, trán hẹp, đầu nhỏ, nhưng quai hàm bạnh ra. Những anh em cùng tù với Di ở Cổng Giời bảo: trước Di không thế đâu. Nhai sắn nhiều nên quai hàm mới bạnh ra. Ai nhai sắn nhiều đều có kiểu mặt hổ mang bành như vậy.

Râu Di đen sì, kín cằm, kín mồm, môi dưới thưỡi ra thâm thâm, cứ như nhọ mõm. Di không chơi thân với ai. Việc Di, Di làm. Lầm lũi như cái bóng. Nhưng gánh khá. Gánh khoán, Di cứ chơi sáu mươi ki-lô phân trâu bò chạy vài cây số, lội bốn suối, vượt vài dốc.

Di cũng rất tự trọng. Có lần hắn cho Di một véo thuốc lào, thế là hôm sau gặp nhau ở bờ con suối cạn, Di dúi cho hắn hai cái bánh khoai vừa bằng cái trôn bát, như hai cái bánh trứng cáy ở quê hắn, toàn xơ. Chắc Di tranh thủ xuống ruộng khoai đã dỡ, mót dược.

Di lành. Di khổ. Di ít nói. Bỗng nhiên Di khùng. Nhưng Di lại bị hành hạ theo cách khác.

Buổi chiều đi làm về, hắn đã lấy nước uống và đang đi sang bên toán mộc chơi, thăm Giang, người bạn tù cùng giam ở 75, thì sau lưng hắn có tiếng rầm rầm. Tiếng thét. Tiếng kêu ú ớ. Hắn quay lại. Thùng nước đổ chỏng chơ. Một dám đông đang đá, đạp, đấm. Lê Bá Di nằm lăn dưới đất. Ba Đen, Phi Cốc, Triều Phỉ, Lập Ba Tai… những tù tập trung hình sự cao lớn, bấy lâu ngứa ngáy chân tay đang đánh đòn hội chợ. Toàn những miếng hiểm. Toàn những miếng vào bụng, vào sườn, vào ngực. ợ. ợ. Cứ mỗi đòn Di nhận, Di lại ưỡn lên. Ưỡn, nhưng không kêu. Chỉ ợ ợ. Đòn cuối cùng là một cú đánh bằng gót của Ba Đen nện thẳng xuống mỏ ác. Tứ chi Di rúm lại. ợ. ợ.

Thoắt một cái, tất cả đã biến hết. Trận đòn rất nhanh. Như chưa hề xảy ra. Chỉ một mình Di. Quần áo xám, số đỏ, lấm láp nằm co trên đất. Mắt nhắm nghiền thiêm thiếp. Một lúc sau, Di mở mắt, chớp chớp. Không nhăn nhó, không kêu rên một lời, Di gượng ngồi dậy. Nhặt cái gô lăn lóc, đứng lên phủi quần áo. Đi dến chỗ thùng sắt chắt tí nước cặn còn sót lại, cầm gô vào buồng đặt lên sàn như không có chuyện gì xảy ra.

Hắn đi về phía toán mộc và thấy ông Quân đang lặng lẽ hút thuốc sâu kèn ở cổng trại. Ông có biết không? Hẳn là ông biết. ầm ầm như thế làm sao không biết. Cũng như cả trại biết Thất đã xuỳ bọn đàn em dạy Lê Bá Di một bài học. Và cũng là dạy tất cả cánh phạm bài học.

So với Thất, Chắt thật dễ chịu. Có lẽ cũng vì Chắt tù lâu quá rồi. Chắt, tập trung hình sự, đã ngót chục năm. Chắt hiểu cánh tập trung. Hắn chưa kịp nói lời cảm ơn với Chắt về miếng cháy thì Chắt đã đi. Hắn lại nhóm lửa. Lác đác vài bếp than. Còn tất cả nằm dài im lặng. Như những xác chết. Anh em đang “mặc niệm tới gia đình”. Hắn lấy ra hai cái chén mắt trâu men trắng. Hắn tự hào về hai cái chén của mình.

Hai cái chén sứ men trắng này làm hội của hắn nổi lên. Nó cũng giống như ngoài đời, người ta uống nước bằng chén cổ đời Lý, đời Trần. Quá ư sang trọng. Bởi vì trong tù người ta uống nước bằng nắp ca, bằng bát… Có chè mà uống là tốt lắm rồi. Hai cái chén “tù bảo” ấy hắn đem từ trại QN lên. Kỷ mệm của Cương, người sĩ quan trẻ tuổi nhất của khoá huấn luyện cuối cùng của lớp sĩ quan Đà Lạt. Cương gầy gò. Không gia đình. Chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, nhưng đã chín năm tù. Răng rụng hết. Móm. Đầu trọc. Nom mặt Cương giống hệt cái sọ đầu lâu nằm giữa hai khúc xương bắt chéo trong tấm biển Nguy hiểm chết người. Cũng hốc mắt sâu thế nằm dưới cái sọ to. Cũng hai má hóp, quai hàm xương xẩu. Cương ở toán lâm sản. Cùng với những người tù thiểu số lực lưỡng. Những Hỉn Sản, Cắm Xìn (không phải Xìn Cắm) những Tằng Xình Quay… leo núi như dê rừng. Cương loẻo khoẻo, nhưng vẫn vác những bó nứa, những cây gỗ đúng tiêu chuẩn. Một buổi lang thang trong rừng đào măng cho ông quản giáo, Cương đi vượt sang bên kia núi và thấy một cây lớn. Trong một hốc trên cây, một bát hương, tàn hương phủ đầy mùn lá mùn gỗ mục. Một cuộn giấy đựng hương phải cố gắng lắm mới nhận ra hình dạng. Và bốn cái chén mắt trâu.

Cương đi đến cây vả gần đấy, hái mấy trái chín để vào trong hốc cây thay cho đồ lễ và xuýt xoa khấn vái thần núi, thần rừng cho xin hai cái chén. Cương đem chén xuống suối, đánh rửa sạch sẽ rồi đem về cho hắn. Mãi sau này hắn mới biết tất cả những chuyện ấy. Hắn cũng thấy hơi chờn chợn.

Nhưng đó là chuyện về sau.

Hai cái chén ấy làm hắn với già Đô nổi tiếng. Nhiều người mang cả chè sang đây uống. Những người thân như Xìn Cắm, Tảng ở QN, Lượng, Cân ở VQ thì mượn về uống tăng hai. Nhưng hôm nay hắn muốn mời Cân và Lượng sang cùng uống với bọn hắn. Hắn tụt xuống đất và leo lên sàn bên kia. Ngay chỗ Cân. Cân đang ngồi giữa chiếu, xếp bằng tròn, quay mặt về phía tường. Hắn xển dến cạnh Cân, đạt tay lên vai Cân thì thào:

– Sang uống…

Hắn bỗng im bặt, vì Cân ngồi im như tượng gỗ. Không quay lại. Cũng không trả lời. Hắn hiểu. Cân đang cầu nguyện, đang độc thoại trước Chúa. Lượng nằm, thấy hắn tới, vùng dậy:

– Anh về đi, Lượng sang ngay. Ba người ngồi xụp xoạp. Già Đô uống bằng bát vậy. Cam hảo nguyên đã ngấm. Nước đỏ ngăm ngăm, ngòn ngọt. Vẫn còn cái thú tuyệt vời này. Hôm nay phải uống lâu một tý, già Đô ạ. Uống chè, nhắm cháy. Ngon hơn cả bánh đậu xanh. Hơn cả kẹo trứng chim. Chắt thật là một người tốt. Cám ơn anh. Tôi sẽ nhớ anh cho đến lúc chết. Lượng ơi, tý nữa hát cho mình nghe.

Từ chỗ tận cùng xã hội này, mình đã thấy tận cùng của cái phi lý. Đúng như Lượng nói: Nếu như bây giờ được tha về nhà, có tiếng gõ cửa, ra mở, thấy có một người tự xưng là Giời thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Cứ việc mời Giời vào uống chè mà không phải băn khoăn. Mọi việc đều có thể xảy ra. Sao lại không có một ông Giời xuống uống chè với mình được. Cân nó vẫn còn cầu nguyện. Nó dọn mình trước Chúa. Nó có một niềm tin vào Chúa. Còn mình chẳng biết tin vào đâu nữa”. Sung sướng thay những kẻ có lòng tin”. Đó là một câu phương ngôn Pháp.

Mỗi người đến đây bằng một con đường khác nhau. Một hoàn cảnh khác nhau. Hắn khác. Lượng khác. Già Đô khác. Nhưng đều giống nhau ở một điểm: Sự ngây thơ. Nhẹ dạ. Cả tin. Và đều phải trả giá. Ngọc có lại thăm Trà Mi. Mình mong muốn hai người thân thiết với nhau. Hắn uống cam thảo nguyên và im lặng. Lượng, già Đô im lặng.


Về đầu

 

Chương 6

Đêm ấy hắn không ngủ được.

Hắn nghĩ tới xà lim, tới khu phạt đang chờ hắn. Đó là một khu nhà nhỏ xây riêng. Tường gạch, mái bê-tông khuất nẻo sau một lùm cây rậm. Chứ không giống những nơi giam tù thường, tường là những cây gỗ bàng bắp chân ken lại sít nhau, mái lá…

Hắn đã nằm xà lim ở P hơn một năm trong khi giam cứu. Nhưng không thể so sánh được với những xà lim ở VQ. Ai đã ở những xà lim này khi ra không còn hình người nữa.

Chính Vũ Lượng đã ở xà lim bảy ngày. Kỷ luật với Lượng là mười ngày cùm, húp cháo loãng. Đó là thời gian hai người ở toán văn nghệ. ở toán này thì nhàn. Cũng phải giồng giọt, cày xới, cũng có thợ cày, nhưng còn tập diễn kịch Người mẹ địch hậu”, tập hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Nhưng đói. Văn nghệ sĩ thuộc toán văn nghệ trại VQ này cũng đói. Món cải thiện duy nhất là ớt chỉ thiên. Nơi toán văn nghệ sơ tán là một hẻm rừng. Không biết ai đã trồng mấy cây ớt chỉ thiên, nhú quả nào, vặt quả ấy, ăn chỉ thấy hôi xì. Có lần hắn vạch lá tìm được một quả già còn sót, ăn cay mà nhớ tự do cồn cào.

Một cú tạt tập thể vĩ đại của toán văn nghệ đã làm xôn xao cả trại. Gặt hái được nhiều mà cuối cùng chẳng ra gì. Cũng chẳng ngờ đâu sự tình lại xảy ra như vậy. Một buổi chiều đi xới sắn ở nương sắn mới đốt trở về, ông quản giáo, ông vũ trang tự nhiên thấy tù chạy hết vào rừng. Ông Vui quản giáo phụ trách toán, kéo violon tàm tạm, vốn dĩ rất lành, thét:

– Làm cái gì thế?

Ông vũ trang gầm lên:

– Đứng lại!

– Nổi loạn à à à

Không ai nghe. Những bộ quần áo xám chạy đến bìa rừng. Hắn lao theo anh em.

Những tiếng súng cảnh cáo xé màng nhĩ. Mặc. Một rừng ớt chỉ thiên chĩa những quả đỏ ối lên giời. Nằm mơ cũng chẳng thấy. Băng qua một con suối. Vượt lên một vạt toàn cỏ săng và những cây con lúp xúp. Tới giáp rừng già. Rừng ớt lưu niên đại thụ sum suê, chen chúc, có thể trèo lên được.

Lại những tiếng súng bắn lên trời. Không gì giữ được anh em tù dừng lại. Tất cả lao tới như hoá dại. Ngắt. Hái. Suốt cả quả xanh, bẻ cả cành. Rồi một tiếng súng đanh. Hình như có tiếng kêu hoảng hốt:

– Chết rồi!

– Chết rồi!

Nhưng chẳng ai để ý. Những bàn tay vượn vẫn thoăn thoắt nhét ớt vào túi. Vất ớt vào nón. Vận ớt vào người. Đổ nước đi để nhét ớt vào cặp lồng, vào ống bương.

Ông vũ trang còn trẻ hơn ông Thanh Vân chạy đến, mặt tái mét, run lên vì xúc động.

Một tiếng súng đanh ngay tại chỗ làm mọi người dừng hết việc hái lượm. Mặt ông đằng đằng sát khí:

– Tôi… bắn…

– Quay về ngay! Tôi bắn!

Ông Vui nắm chắc khẩu súng lực, bước tới, nhìn bọn hắn đầy vẻ căm thù:

– Tập hợp!

Cho đến lúc ấy hắn mới biết A Thềnh, một trong những thợ cày của toán, đã trúng đạn, nằm vật trên đám cỏ săng, cạnh những cây ớt ngoài cùng.

Ông vũ trang, khẩu tiểu liên báng rỗng lăm lăm:

– Tất cả tập hợp bên suối!

Cả toán mang ớt đi cạnh xác A Thềnh nằm nghiêng co quắp. Hắn liếc nhanh: A Thềnh mồm há hốc, chiếc răng vàng sáng loé giữa hàm răng nâu xỉn bắt đầu rụng, áo bông xanh vỡ toang. Máu còn đang sủi bọt từ ngực qua áo tràn xuống đất thành vũng. Những quả ớt chín, những quả ớt xanh. cả lá ớt nữa trong bàn tay A Thềnh xoè năm ngón.

Hắn thấy nhói ở ngực và là người đầu tiên dốc cặp lồng ớt xuống đất. Hắn cảm thấy có máu A Thềnh ở đó.

Tới suối, hai ông cán bộ bắt tập hợp và khám rất kỹ. Một quả ớt cũng không lọt.

Bọn hắn ủ rũ đi về buồng. A Thềnh nằm lại. Cán ở lại. Cùng ông vũ trang. Chắc là để làm biên bản.

May cho bọn hắn. Dạo ấy đang B52. Trừ anh em quản chế và nhà bếp, các toán sơ tán cả ngày lẫn đêm. Nếu không, tất cả hẳn đã vào xà lim. Với lại cũng chẳng xà lim đâu mà cùm cả một toán năm sáu chục người. Bọn hắn chỉ bị hạ mức ăn xuống chín ki-lô. Phải nói rằng đói lả.

Đói và nhớ A Thềnh, người Nùng già đã đem lại cho bọn hắn nhiều phút cười thả phanh. Nhất là Lượng. Vì Lượng hay trêu chọc A Thềnh hơn cả. Bởi vì bọn hắn đã tìm ra điểm yếu của A Thềnh: A Thềnh rất sợ bị coi là lẩm cẩm.

Đi làm về, mỏi nhừ, đói, một tay xách bị quần áo ướt một tay xách dồ đựng nước, rã rời cả phần xác lẫn phần hồn, rã rời đến từng sợi tóc, bọn hắn trêu A Thềnh cho vui lên một tý. A Thềnh suýt soát sáu mươi, mặt đẹp, má hóp, tay xách một ống bương nước dài dễ đến nửa thùng nước. A Thềnh có cách đi rất lạ. Chân cứ vất ra dằng trước, ngửa ngửa đầu về phía sau, kiểu đi của những người chuyên lên dốc, xuống dốc, không quen đi ở đường bằng.

Một anh từ phía sau tiến lên, đi ngang A Thềnh buông một câu:

– A Thềnh lẩm cẩm rồi.

A Thềnh giật mình như bị đụng vào chỗ hiểm, đính chính ngay, giọng vẫn nhẹ nhàng:

– Tôi-Không-Lậm-Cậm-Đâu.

Một anh khác tiến lên thế chỗ anh vừa nãy:

– A Thềnh lẩm cẩm đấy. Tôi bảo thật đấy.

A Thềnh nghiêm mặt cất giọng cao đã hơi run run, giọng của người bị xúc phạm:

– Tôi! Không Lậm Cậm Đâu

Anh thứ ba bước lên với giọng khinh bỉ ra mặt:

– Lẩm cẩm thế còn cứ chối. Nhận đi!

A Thềnh có vẻ mặt tử vì dạo của người kiên quyết dấu tranh cho sự thật, bảo vệ chân lý trước bọn xuyên tạc trắng trợn:

– Tôi! Không! Lậm! Cậm! Đâu!

Theo thế xa luân chiến, Lượng đang đi đằng trước, đứng lại chờ A Thềnh. Cằm vuông, má hóp, râu ria, Lượng quát anh em không được trêu Thềnh pác. Mặt A Thềnh dịu lại. A Thềnh nhìn Lượng trìu mến và cảm động. Lượng nắm tay A Thềnh, ngả hẳn vào vai A Thềnh, đầu gối chạm cả vào cái ống bương đựng nước của A Thềnh, thân mật nỉ non:

– Chỉ có tôi quí Thềnh pác. Thềnh pác có đồng ý thế không?

A Thềnh gật gật sung sướng, tuy môi vẫn hơi run run vì vẫn chưa nguôi tức giận. Nhưng thấy tất cả mọi người, kể cả già Đô tóc hoa râm, mặt chằng chịt những vết nhăn sâu hoắm, cũng long lanh cặp mắt chờ đón trận cuởi sắp tới, thì A Thềnh lại cảnh giác. Lượng càng ỏn thót:

– Chúng nó xấu với Thềnh pác lắm. Chỉ tôi tốt, tôi mới nói thật với Thềnh pác thôi.

A Thềnh dãn mặt ra chờ đợi. Lượng nói to dằn từng tiếng:

– Thềnh pác lẩm cẩm quá rồi!

Vừa nói, Lượng vừa du A Thềnh ra và cười hề hề.

Tất cả phá lên cười. Cười ngặt nghẽo. Cười chảy cả nước mắt. A Thềnh loạng choạng vì bị Lượng đẩy, gắng đứng vững, mặt đỏ tía, gầm lên với trời xanh:

– Tôi! Không! Lậm! Cậm! Đâu!

Và đi vượt lên, chân lại càng vất ra phía trước. Những người tù ít cười nhất, lầm lũi nhất cũng cười. Lê Bá Di cười, già Đô cười. Già Đô đi cạnh hắn, cái áo bông xanh vá víu, chằng đụp những mụn vá bạc phếch xé ra từ những quần áo tù rách mủn (mấy năm tù cái áo bông của già cũ quá rồi, trông già đeo kính cặm cụi vá áo, khâu bít-tất thật rất sầu đời).

Già cười sảng khoái trước trò chơi của Lượng. Già bảo hắn: “Không biết A Thềnh có biết lẩm cẩm là gì không mà sợ thế” Và gọi to:

– A Thềnh này. Tiếng Kinh lẩm cẩm là tốt đấy. Người lẩm cẩm là người quý lắm à. Tốt lắm à. Bành lắm à.

A Thềnh giận. A Thềnh không thèm trả lời ai nữa. Hình như A Thềnh cũng chỉ biết mỗi câu tiếngKinh ” Tôi-Không-Lậm-Cậm-Đâu”, khi nói cứ ngắt ra từng chữ.

Vắng A Thềnh. Con người cao dong dỏng. Mặt đẹp. Má hóp. Cái ống bương nước quá khổ. Buồn. Buồn nhưng phải làm sao cho vui lên. Lượng tìm cách bắt chuyện với anh Mán. Anh Mán hoàn toàn không nói được tiếng Kinh. Anh em người dân tộc cho biết anh ta mồ côi bố mẹ. Đi ở chăn trâu. Làm cháy rừng. Tập trung cải tạo. Điều kỳ lạ là anh ta cũng số lẻ. Anh Mán từ QN lên VQ cùng một chuyến với hắn. Cao lớn, lộc ngộc. Quần áo tù cỡ đại mặc vẫn ngắn cũn cỡn. Mặt mũi vuông vức nhưng ngây ngô. Suốt tháng chẳng thấy nói, chẳng thấy cười. Cũng chẳng biết anh ta buồn hay vui. Nhưng rõ ràng anh ta biết rét biết đói. Vớ được cái gì cũng ăn. Kể cả dế sống. Mùa rét thích sưởi. Quàng chăn sợi đi làm. Quản giáo bắt để chăn ở trại. Rồi thấy anh ta không có cái áo rét nào lại cho mang đi, nhưng bắt phải gấp gọn khi qua cổng trại. Cao hơn mọi người một cái đầu, một nách kẹp cái chăn, nách kia kẹp đôi gưốc mộc tự đẽo to như cái hòm, anh Mán là hình ảnh vui mắt nhất trong lúc đi ra đi vào cổng trại mùa đông năm ấy. Đến chỗ làm, đứng ở ruộng khoai, nương sắn, tấm áo choàng phấp phới lại càng buồn cười. Lượng gọi anh là Ôtemô.

Thấy toán đi làm về rầu rĩ quá, Lượng đến quàng tay anh Mán:

– Ôtemô. Anh tên là Ôtemô phải không?

Đứng chỉ đến vai anh Mán. Lượng ngước cặp mắt long lanh nhìn lên chờ đợi. Khuôn mặt, ràng vàng của anh Mán cúi xuống. Một cái nhìn hoá đá. Một khuôn mặt hoá đá. Lượng kéo hẳn cái chăn đầy rệp của anh Mán khoác trên vai, quấn vào mình:

– Đétđêmôna đâu? Đétđêmôna đẹp lắm. Vợ anh đẹp lắm. Nó có tắc cho anh không?

Im lặng. Như không nghe thấy. Như không có Lượng đang ôm ngang sườn.

– à thôi. Đang đói. Không nói chuyện tình yêu. Đúng rồi, đói bỏ mẹ còn yêu đương gì.

Và Lượng chuyển gam:

– Thế, thế hôm nay bắt được mấy con nhái rồi?

Anh Mán vẫn đi. Vẫn là hoá đá. Vẫn là- câm lặng. Bình thản. Nghiêm trang. Không một dấu vết phản xạ.

Lượng lắc đầu, rời anh ta ra:

– Chịu bố!

Lượng là nhân vật nổi trong toán. Vì tật háu đói. Vì tính tình lăng xăng. Vì Lượng số đen. Hễ tạt cái gì ra tấm ra miếng một tý như nhổ sắn, bẻ bắp cải… y như rằng bị tít.

Lượng còn nổi vì giọng hát và dàn dựng những tốp ca. Khi tập, Lượng lĩnh xướng. Tiếng Lượng vang vang: – Ơi cô gái ơi! Đã bao đêm canh bên nòng súng… Cán, có số năm tù bằng Phố, mười tám năm, là toán trưởng toán văn nghệ. Nghe anh em nói lại, Cán là Việt kiều về thăm đất nước. Khi xách va-li ra sân bay thì được mời ở lại vì có những hoạt động nghi vấn (anh em cũng không biết rõ là những hoạt động gì) bị nghi là gián điệp và vào tù. Mười tám năm, bao nhiêu của ngon vật lạ đều do trại cung cấp, Cán rụng mười bảy cái răng và thong manh. Cán bảo Lượng:

– Lượng ở ngoài chắc nhiều em mê lắm nhỉ?

Lượng dược phân công gánh cơm, một việc mọi người đều mơ ước: Được gần nhà bếp. Được đi về một mình. Không có quản giáo đi cùng. Rộng rãi thời gian. Không giấu được phấn khởi, Lượng bảo hắn:

– Lượng ổn rồi, Lượng sẽ chú ý đến anh.

Đường xa, nhiều dốc, nhiều suối, gánh cơm canh cho mấy chục người ăn, Lượng so vai, rụt cổ, gân cổ đỏ rực, nổi lên như lươn, mồ hôi ướt đầm áo. Lượng coi thường vất vả. Lượng tươi hơn hớn. Lượng đã giữ lời hứa: cho hắn khi dúm muối, khi bọc ớt. Hắn thái ớt ngâm muối trong túi ni-lông, thêm vào đó mấy đọt măng või luộc. Mặn mặn, chua chua, cay cay, thơm nữa. Coi như một món thức ăn mặn.

Cái dạo mới lên đây, Lượng đói suốt ngày. Đến nỗi một hôm thấy già Đô kêu đầy bụng, không ăn hết suất cơm (thực ra sau khi mấy anh tù chết, già hoảng không thiết sống) Lượng thốt lên rất thành thật “Sướng nhỉ! ” Thấy ai ăn cái gì, mắt Lượng cứ sáng lên, cứ phải nhìn vào đấy một tý. Lượng không làm chủ được bản thân mình trước miếng ăn. Hắn thông cảm với Lượng. Ai mới vào mà không bị thế. Ăn ít, không có chất, làm nhiều, giao nước. Đến bữa cơm, cố giữ mình bình tĩnh, hắn vẫn ăn như hổ đói. Lùa. Nhai. Nuốt. Hắn ăn mà không hiểu mình ăn gì. Khi biết mình đang ăn cơm, muốn nghiền ngẫm nhẩn nha, thưởng thức hương vị bùi bùi, ngòn ngọt của cơm độn ngô, hay vị deo dẻo của sợi mì lẫn trong cơm thì cái cùi-dìa đã vét quèn quẹt xuống đáy bát men rồi. Mới sáu giờ chiều, bị nhốt nằm trong buồng nhìn ra thung lũng đã đói. Đã mong đến bữa mì sáng mai. Hắn đã viết thư cho vợ hắn: Anh nghĩ tới em không nhiều hơn nghĩ tới mẩu sắn, củ khoai nhặt được ở dọc đường. Ai mới vào tù cũng phải qua cảnh đói vàng mắt ấy. Đúng là vàng mắt. Có lúc mắt chl nhìn thấy chập chờn một đốm vàng vàng.

Lượng may, Lượng rút ngắn được thời gian đó. Anh em trong toán ghét cái tươi hơn hớn của Lượng”. Nó bành”“. Chỉ có mình là meo thôi”“. Có hôm nó gánh vào rừng khợp no cháy! ”. Không có đâu”. Bán tín bán nghi.

Một hôm trại được ăn cá mè. Tin đồn xôn xao từ mấy hôm trước. Cũng là tù nói tội nghe thôi , nhưng thường đúng. Anh em hướng về khoản gia vị: ớt, rau thơm, củ sả. Cái gì cũng phải có củ sả.

Bao nhiêu lâu nay thèm chất tanh. Lại cá tươi mới tuyệt. Chứ thứ cá khô mực, nấu riêu chỉ thấy xương sống, xương đầu, hốc mắt vàng khè như xương cải mả chìm trong thứ nước nâu nâu, đỏ dực, lờ lờ thì nói làm gì. Tanh và khắm đến lộn mửa. (Khi thấy xoong riêu cá khô ấy, hắn ngạc nhiên: Thì ra nhà tù mình cũng cho tù ăn cá mục).

Lần này là cá mè tươi thứ thiệt. Thật tràn trề hy vọng và mong đợi từng giờ. Gần trưa mọi người ngong ngóng về phía con suối, nơi cái đầu cui cúi, cái đòn gánh cong tnu trên hai vai rụt lại của Vũ Lượng vẫn hiện ra. .

Khi Vũ Lượng lội qua khúc suối lượn quanh lối mòn tới gần bìa rừng, nhìn cái đòn gánh nhún nhảy, mọi người hỏi to: .

– Có không?

Vũ Lượng gào lên:

– Có!

Ai cũng biết là có gì. Vũ Lượng lấy vạt áo tù lau mồ hôi đang túa ra đầy mặt để lộ ra cái bụng lông lá bóng ướt mặc dù đang mùa rét.

Cân chuyên chia cơm đến trước tiên. Cân cũng về toán văn nghệ, đóng vai nữ rất giống. Có lẽ vì nước da Cân còn sáng và quan trọng hơn vẻ mặt Cân còn có cái linh hoạt chứ không bì bì, chết như những người tù khác. Vẻ mặt Cân vẫn còn sống động, vẫn còn nói lên hỉ, nộ, ai lạc của đời thường. Cân reo:

– Cá mè.

Anh em quây quanh những xoong cơm, những xoong cá mè kho xăm xắp nước. Thế rồi, không biết ai đã nói gì với ông quản giáo. Từ trong lán ông bước ra:

– Không được chia vội. Để đấy đã.

Tất cả ngơ ngác. ông bắt Lượng gánh mấy xoong cá mè trở về nhà bếp. Không chờ cá, anh em chia cơm ăn với những thứ gì mình có, mình sột sệt được. Trưa ấy thì sột sệt lu bù. Tranh thủ sột sệt.

Lát sau ông áp tải Lượng ra. Mặt ông hầm hầm.

– Chia đi!

Những xoong cá lần này quả có đầy hơn thật. Nhà bếp đã bù. Lượng đã ăn cá dọc đường. Chẳng biết mấy con. Lượng bị vào xà lim. Hắn còn nhớ hôm Lượng được tha từ xà lim ra, tuy Lượng mới bị cùm, ăn cháo loãng có bảy ngày, chưa hết hạn.

Cũng may là hôm ấy, ông thiếu tá chánh giám thị trông coi cả bốn phân trại từ trong trại ra nói chuyện. Cả trại được nghỉ làm, lên hội trường nghe ông nói. Ông nói rất lạ. Trái ngược hoàn toàn với những điều hắn được dạy dỗ, đối xử. Từ ngày vào tù hắn chỉ quen nghe sỉ vả. Nghe mạt sát. Bọn hắn là một lũ tội phạm. Mỗi người một kiểu khác nhau, nhưng cùng phạm những tội ác với nhân dân, với cách mạng, với Đảng. Bọn hắn là địch. Còn nguy hiểm hơn địch. Pháp, Mỹ, mũi lõ mắt xanh, ầm súng bắn vào nhân dân, ai cũng nhận ra. Nhưng bọn hắn khó nhận diện hơn, nên càng nguy hiểm. Tội lỗi ấy không đáng được đối xử như những con người. Không đáng thở bầu không khí chung với nhân dân. Không đáng được gọi là người Việt Nam, một dân tộc anh hùng. Dân tộc xấu hổ vì bọn hắn. Tuy nhiên Đảng vẫn tin tưởng ở cái phần người còn lại trong mỗi kẻ bọn hắn. Đảng nhen nhúm chút phần còn sót lại ấy.

Và bọn hắn dược đối xử đúng như vậy. Con trâu cày, con lợn giống còn được các ông quản giáo vỗ về, vuốt ve tình cảm. Bọn hắn, không ai dám mơ tưởng đến hạnh phúc lớn lao ấy. Một lời động viên thông cảm thôi cũng không dám màng. Không được như những cây rau. Luống rau cải bắp, luống rau muống có sâu, hắn phải đem bình vô-pha-tôc ra xịt ngay. (Bọn hắn ốm thử đi xin viên thuốc ở chỗ ông Chắn, công an y tá xem). Gặp ai cũng phải gọi là ông, là bà. Gặp bà công an kế toán bế con trai lên bốn đi chơi là phải kính cẩn:

– Bà với ông đi chơi ạ!

Nhưng hôm ấy ông chánh giám thị nói rất lạ. Không xỉ vả mạt sát ai hết. Lại giảng về hai chữ đồng bào. Cùng một bào thai. Cùng một bọc. Cùng máu đỏ da vàng. Con Rồng, cháu Tiên. ông nói mọi người phải quên dĩ vãng. Quá khứ là quá khứ. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai mới là quan trọng. Phải nghĩ đến tương lai. Đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam của Vua Hùng dể lại. Ai nghĩ đến quá khứ là tội lỗi. Thật lạ Nghe mà mát ruột, mát gan. Nghe mà nghi hoặc. Mà cảnh giác. Mà co người lại. ông nói: Các anh không phải gọi chúng tôi là ông nữa. Mà gọi là anh. Là chị. Rằng chúng tôi sẽ giao cho các anh tự quản. Giao hẳn chìa khoá cho các anh. Sao lại không nhỉ. Rằng từ nay mỗi bữa sẽ có nhiều món ăn. Rất lạ. Lạ đến mức không tin dược. Không một ai tin. Tất cả im phăng phắc. Theo dõi từng câu từng ý. Từng điệu bộ, cử chỉ. Từng nét mặt. Như trẻ con theo dõi xiếc. Theo dõi người dạy thú. Người tung hứng. Người ảo thuật. Hắn liên hệ đến bài báo mà Phố mới đọc cho cả B cùng nghe, sau tin về toà án Bertrand Russell: Xoá bỏ hận thù, khôi phục tình thương. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Rất phi giai cấp. Khác hẳn những bài báo trước đó. Giữa lúc ấy có tiếng thét to, đều, ngắt ra từng tiếng của anh em bị phạt xà lim:

– Chúng – tôi – xin – dược – nghe – ông- chánh – giám – thị – nói – chuyện.

Đó là sáng kiến của Lượng. Chắt mang cháo xuống xà lim, nói cho Lượng tin quan trọng ấy. Cả năm ông chánh giám thị mới ở trại trong ra trại ngoài, Lượng gọi to anh em ở các xà lim khác, thống nhất gào lên, vì ở xà lim đến hội trường khá xa. ông chánh giám thị lúc đầu không để ý. Nhưng cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại từ phía sau núi vọng lại ông lắng nghe.

– Cái gì thế nhỉ

Tù chỉ đợi có thế.

– Báo cáo ông, anh em ở xà lim xin dược nghe ông nói chuyện ạ.

Ông như chợt hiểu. Hình như đến lúc này ông mới biết trong trại của ông có những người ấy. Ông lại đang nói về tình thương, nghĩa đồng bào, nên thản nhiên nhất đời ông hạ lệnh:

– Cho các anh ấy ra.

Vũ Lượng đi ra. Xiêu xiêu. Cùng nhiều người nữa. Hắn chưa bao giờ nom thấy Vũ Lượng như thế. Râu quai nón đen sì, km má. Mắt trũng sâu, lông mày rậm. Tóc rối. Cợp. áo bông xanh rộng thùng thmh. Quần tù xám bạc. Lượng bị mất máu nghiêm trọng. Lượng trông thấy hắn, bước tới. Hắn nhích chỗ, dành cho Lượng. Lượng đứng nghiêm:

– Báo cáo ông chánh giám thị, chúng tôi, anh em trong xà lim có mặt.

– Các anh ngồi xuống.

Lượng ngồi cạnh hắn. Nghĩa là cách dãy trên cùng khoảng ba bốn hàng. Tất cả ngồi bệt xuống những miếng gỗ đặt song song trên nền đất. Hắn nắm chặt tay Lượng. Lượng nói khẽ:

– Meo lắm

Không biết bằng cách nào, (giờ hắn cũng không nhớ) hắn đã có cái bánh mì đưa cho Lượng. Lượng bóp chặt cái bánh, hai tay khoanh trên đầu gối nhô cao, gục đầu xuống ngoạm. Bàn tay Lượng rứt bánh mì, rứt rất mạnh vì bánh dai, nhưng lại cố để không có một chuyển động đáng ngờ nào. Lượng cúi đần nhai. Lượng gục đầu ngoạm và rứt. Vai hơi lắc sau mỗi cái rứt. Cái hàm râu ria chuyển dộng, nghiền, nghiền. Lượng thở. Phì phò. ăn gần hết cái bánh Lượng mới ngừng một tý, ngước đôi mắt trắng sâu lên sân khấu cao, nơí ông chánh giám thị đang đứng trước bục. Xà lim là như thế.

Hắn sẽ vào xà lim. Củ su hào. Túi than. Nắm rau thơm. Quá đủ rồi.

Hắn trằn trọc, lo lắng, suy nghĩ. Gần năm năm tù hắn chưa phải vào những khu nhà biệt lập, hẻo lánh vắng vẻ ấy, trừ hơn một năm giam cứu. Hắn không sợ vào đó là vi phạm kỷ luật, sẽ bị kéo dài thời gian lao cải. Cũng như hắn không tin cải tạo tốt thì sớm được trở về. Không ai tin điều đó, mặc cho quản giáo nói, giám thi nói. Đôi bên quá hiểu nhau rồi. Người nói cứ nói. Thừa hiểu mình nói dối, chẳng ai tin, nhưng cứ nói. Rất thành thật. Thiết tha. Thuyết giảng chân lý. Thuyết giảng con đường. Người nghe làm ra vẻ chăm chú. Rất chăm chú. Mê say. Nhận thức đường đi. Sáng lòng, sáng mắt. Tuy biết tỏng rằng người nói cũng chẳng mảy may tin vào những điều họ nói, thì mình tin sao được. Nhưng vẫn làm ra vẻ tin. Tin thật. Tin lắm. Xuýt xoa, tấm tắc, dù biết người nói nhìn thấu ruột gan mình. Vở diễn cứ thế kéo dài từ năm này sang năm khác. Và vì không ai dám nói ra sự thực ấy, nên vở vẫn cứ diễn. Cứ giả cách nói. giả cách nghe. Giả cách tin tưởng.

Có là loài vật đâu mà không hiểu được điều sờ sờ ra trước mắt. Nguyễn Văn Phố cải tạo tốt thế mà mười tám năm đã được về đâu. Anh em. Cầu Giát, Ba Làng đã được về đâu. Tù án hôm trước đánh nhau, hôm sau hết án vẫn được về. Tập trung cải tạo lâu hay chóng là tuỳ thuộc vào tình hình chính trị xã hội chung, đâu có phải vì chấp hành nội qui. Lại càng không phải vì nắm lá rau thơm. Hắn rất thích rau thơm. Gặp là hắn hái. Mùi tàu, rau húng láng, húng chó, rau mùi… Mà mang những thứ ấy về cũng chẳng việc gì. Có lần trực trại khám, bắt dược cũng bỏ qua đi. Hắn đã láu, nhưng không qua được mắt ông ta. Hắn cho các thứ rau thơm vào túi ni-lông, gói vào giữa cái khăn mặt ướt, cầm tay, đi qua chỗ khám, về trại một cách thản nhiên.

– Anh kia! Đứng lại!

Hắn bình tĩnh quay lại, chành miệng bị ra trước mặt ông trực trại một cách tự tin. Bị của hắn hôm ấy chỉ có bộ quần áo ướt giặt ỏ suối sau khi lao động. Cái điếu cày đã súc sạch nước điếu, kỳ cọ sạch sẽ, cái ca rỗng.

Nhưng ông trực trại, hôm ấy cũng là ông Thanh Vân, không thèm ngó vào bị. ông bảo hắn:

– Giở khăn mặt ra. Hắn tưởng ông ta thu túi rau thơm, nhưng ông chỉ nói:

– Các anh tài lắm.

Rồi ông lắc đầu, vẻ không hiểu nổi:

– ăn cái gì mà hôm nào cũng có anh mang rau thơm vào trại?

Ông không thu. Có lẽ ông chỉ muốn tỏ rằng đừng có qua mặt ông. Không nổi đâu. Ông biết hết. Ông lờ đi cho thì được đấy thôi.

Hắn thầm cảm ơn ông quản giáo và rất muốn nói với ông: Thưa ông, ông không hiểu chúng tôi. Rau thơm là hương vị của gia đình, hương vị của tự do.

Nhai ngọn húng, ngọn mùi làm sao không nhớ đến ngày giỗ, ngày tết, ngày ăn tươi, ngày có khách, bố mẹ, vợ con quây quần đầm ấm. Nhớ đến, sống lại những giờ phút ấy. Và nghĩ rằng, tin rằng vẫn còn những cái ấy, kể cả những mùi rau thơm ấy dang đợi mình ở thếgiới bên kia. Dù có phải ở đây năm năm, mười năm, hoặc đến bao giờ chăng, thì vẫn còn những cái đó chờ đợi và có thêm nghị lực để vượt qua từng ngày. Từng ngày. Từng ngày một. Hắn nghĩ ngợi, trở mình và thở dài. Già Đô nằm cạnh, khe khẽ:

– Cụ chưa ngủ à?

Hắn chưa đến bốn mươi. Khi bị bắt mới băm tư tuổi. Nhưng già Đô vẫn gọi hắn bằng cụ. Trong tù không được ông ông tôi tôi. Đó là nội qui. Nó lẫn và hạ thấp tiếng ông khi gọi ông quản giáo. Tiếng ông chỉ để nói với cán bộ.

– Chưa!

– Tôi cũng không ngủ dược.

Hắn ngồi dậy nói to:

– Báo cáo! Tôi, Nguyễn Văn Tuấn, số tù CR880. Dậy hút điếu thuốc.

Hắn nói vu vơ như vậy, vì đó cũng là nội qui. Hắn đang tra thuốc vào nõ thì ở mãi phía cuối, gần nhà mét có tiếng nói:

– Tôi, Nguyễn Văn Dự, số tù BM229, dậy bắt cái tóp (l) của anh Tuấn.

Thế là không được kéo cho đã, kéo đúng qui cảch. Qui cách hút thuốc trong tù đã được tiêu chuẩn hoá. Sẽ nói sau về những cái điếu cầy tiêu chuẩn, nổi tiếng và những người hút thuốc nổi tiếng trong trại. Qui cách hút thuốc làọ đầu tiên là mồi thuốc không to, không nhỏ. Vê vừa phải và dặt nó nằm gọn trong cái nõ sạch bong không có tí xỉ nào. Đóm ké, làm bằng gỗ ké, lột dễ như lột giang, trắng, mềm, còn tươi nước cũng cháy đượm. Hắn lúc nào cũng có từng nắm đóm ấy của anh em toán lâm sản cho. Chỉ một khúc gỗ ké bằng cổ tay, lột ra, hút bại.

Đưa đóm vào bập bập mấy cái, kéo vừa phải, lia ngọn lửa quanh cho cháy hết mồi thuốc và dùng hơi dâng nước trong điếu lên sát miệng nõ như nước triều dâng cho tàn thuốc tắt, kết lại thành một viên. Hất mạnh cái điếu, xì một ít nước ra với tàn thuốc. Động tác xì này thật tuyệt. Đầu hơi cúi xuống, rồi hất mạnh lên. Cái tàn có thể bay vòng cầu, qua đầu người khác, rơi đúng chỗ mình muốn cách đó vài ba mét, (hắn đã đạt trình độ xạ thủ ấy) nghỉ một tý (có người còn lấy tay xoa xoa miệng điếu) rồi mới ngửa đầu, dưa điếu lên, kéo nhanh một hơi dài. Động tác cuối cùng này cũng lắm cách. Nhiều người đặt điếu chếch về một bên mép mà rít. Phần lớn những anh tù trẻ, tập trung hình sự, cánh lái xe… thích như vậy. Hắn thuộc trường phái chân phương (anh em tù tập trung chính trị thường thuộc trường phái chân phương) hắn úp miệng điếu vào giữa mồm. Tiếng điếu rúc lên lanh lảnh. Rời điếu ra. Thừ thượt một lúc. Rồi nhả khói. Đê mê.

Có anh bắt tóp mất hẳn thú ấy. Chỉ dám kéo một ít. Dành thuốc và dành cả khói lại trong diếu. Qui trình bi phá vỡ, mà lại vỡ ở phần kết thúc tuyệt vời nhất.

Dự biết ý, thì thào:

– Anh cứ kéo mạnh đi.

Hắn lắc đầu đưa điếu cho Dự: “Đủ rồi”.

Dự kéo cái tóp và làm ra vẻ say sưa. Hắn biết Dự hút thế này chẳng ăn thua gì. Cũng như hắn, chẳng đã. Hắn lấy ra gói thuốc lào chỉ còn lại bằng nắm tay, nhưng ưu điểm là được lèn rất chặt để chống mốc, rút ra mấy sợi đưa cho Dự. Dự vê vê lại: Khoảng ba điếu. Dự gật gật với hắn, ra ý cám ơn. Hắn bảo khẽ: “Hút đi” Dự lắc đầu. Rồi Dự bám vào cái trụ gỗ vuông hẫm bóng, tụt xuống về cho. Dự không hút, Dự để dành. Từ chỗ gần nhà mét, có tiếng Dự: “Tôi, Nguyễn Văn Dự số tù BM229 bắt tóp xong, về chỗ”.

 

Về đầu

 

Chương 7

 

Già Đô lúc đó mới dậy hút. Hút thuốc lào đêm không cần kéo cho kêu. Chỉ hạ điếu dể điều chỉnh mức nước điếu là sẽ có tiếng kêu vừa phải. Già Đô lo cho hắn. Già không nói, nhưng hắn biết. Sự im lặng của già cũng là một lời động viên, một sự chia sẻ. Già là công nhân kỹ thuật của một xí nghiệp cơ khí, cũng bị đưa lên QN với hắn một lần. Tới QN hắn với già Đô cùng về một toán: toán tăng gia. Hắn làm đơn kêu oan, già Đô cũng làm đơn kêu oan. Nhưng không ai nói với ai. Hắn không biết già mắc tội gì. Chỉ biết khi từ 75 ra đi, già mày râu nhẵn nhụi. Lên đây già bắt đầu để râu. Mãi về sau, khi thân nhau, hắn mới biết già Đô đã lang bạt nhiều nơi đến thế. Già là một lính thợ Pháp quốc trong đại chiến thế giới thứ hai. Từ Pháp già đã tới Algérie, Maroc (cái lý lịch ấy thật tai vạ cho già). Già đã là thợ đốt lò dưới con tàu Commerce Maritimes thuộc hãng Đầu Ngựa. Hải Phòng – Marseille là hành trình những năm tuổi trẻ của già. Làm được hai năm già thôi việc. Chỉ vì già không chịu được những lời mắng nhiếc của chủ, những “Cochon! ” , những “Espèce dandouille” từ miệng những người Pháp mỗi khi già làm chưa vừa mắt bọn chúng. Già nắm chặt cán xẻng, mắt long lên:

– Ông không được phép sỉ nhục tôi

Già bỏ tàu lên thành phố Marseille. Vào quán rượu quen. Uống. Uống nhiều. Và không trở về tàu nữa. Lang thang ở Marseille cho đến đồng frăng cuối cùng, già tìm được việc làm trong một xưởng sửa chữa xe có động cơ. Từ xe gắn máy, các loại ô-tô tới xe nâng, cần cẩu. Tại đây già bị động viên vào một đơn vị cơ giới. Già sang Maroc, Algérie, vẫn làm nhiệm vụ sửa xe.

Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc. Già trở về Marseille. Trở về xưởng cũ. Lấy vợ. Cô Jeannette bán hoa quả ở gần bến cảng lớn bổng lên khiến già ngỡ ngàng, xao xuyến. Hai vợ chồng vay vốn mở một tiệm rượu nhỏ. Khách là những người phu pooc-tê, những thuỷ thủ, những người thợ nhan nhản ở thành phố Marseille.

Rồi già biết quê nhà đã được độc lập. Niềm sung sướng lớn lao và nỗi nhớ quê hương, nỗi sầu biệt xứ bỗng cồn cào trong lòng không chịu nổi. Càng không chịu nổi khi biết tin hiệp nghị Genève đã ký kết. Một nửa đất nước được độc lập. Lại thêm thôi thúc vì chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo đất nước là người từng lâu năm ở Pháp, cũng từng là một mạch-lô. Già về nước. Khi đó bà. Jeannette đã sinh cho già một cô con gái xinh đẹp, có nước da trắng của bà, có mái tóc và đôi mắt đen của già Đô. Mặc bà vợ khóc can ngăn, già nhất định về nước. Rồi già sẽ sang đón bà về. Độc lập rồi, xây dựng sẽ rất nhanh. Đất nước sẽ phát triển rất nhanh. Dân tộc ta thông minh, cần cù, chiu khó lại được bao nước giúp đỡ. Đất nước đang cần những bàn tay như già.

Già vào làm ở xí nghiệp cơ khí T. Đó là những ngày hạnh phúc. Già bảo vậy. Khi đó xí nghiệp được phục hồi từ một cơ sở cũ của Pháp. Điều mấu chốt là phải có việc làm, phải có dược hợp đồng sản xuất đầu tiên. Vận may đã đến với xí nghiệp.

Giám đốc đi cùng với già trên chiếc xe Java 05 lên Thái Nguyên. Già đã bỏ một ngày xem xét, sửa chữa chiếc xe tòng tọc này đạt mức tốt nhất. ở đó có một nhà máy giấy cần được khôi phục. Đi lên suôn sẻ. Công việc thì hơi kinh. Nhà máy giấy bị bom. Các bộ phận hoen gỉ rải rác trong rừng, lẫn với cây cối. Người ta hỏi giám đốc của già:

– Các anh làm được không?

Già không biết giám đốc trả lời thế nào vì già quá biết máy cái máy tiện cổ lỗ của xí nghiệp. Nhưng giám đốc cười khì.

– Có gì mà không làm được. Nhà máy tôi là nhà máy cơ khí mà. Rỗi, mời các anh xuống tham quan xí nghiệp.

Thật đúng là khẩu khí của một giám đốc, một người thợ công binh xưởng.

Tìm được việc làm, hai người phấn khởi phóng xe về. Chiếc Java 05 không phụ công già sửa lăn nhanh trên con đường bụi đất đỏ. Tới thị xã Thái Nguyên già bị công an huýt còi, kiểm tra bằng. Cả hai người đều không có bằng và cũng không có tiền nộp phạt.

Vét các túi chỉ còn sáu hào. Ngồi trong đồn công an, giám đốc bảo họ:

– Các anh còn giữ chúng tôi lâu thì cho chúng tôi báo cơm.

Sự việc không biết ra sao, nếu không có một anh công an đi xe máy Terrot hai ống xả về đồn. Nhìn chiếc xe phụt khói và nghe tiếng máy giảm từ từ trước khi dừng hẳn, già Đô bảo:

– Xe bị rơ séc-măng. Xăng xuống không đều. Ga kẹt.

Anh công an xuống xe nhìn già, ngơ ngác:

– Đúng. Xe đi chậm bị gằn. Cứ phải phóng nhanh mới êm. Sao bác biết?

– Nghe tiếng tôi biết. Để tôi sửa cho.

Già lấy dồ nghề mang theo ra. Họ xúm lại quanh già, thành kính nhìn những động tác của già, thành kính nhìn già tháo gỡ, vặn siết các bộ phận máy.

Sau vài lần nổ thử, già nhảy lên xe, phóng chậm và tăng ga đi về cuối phố. Rồi già trở lại, già lượn vòng số 8, già chồm xe vượt qua một cái rãnh nhỏ và đột ngột khựng lại. Đó là những trò thông thường của các chàng sửa xe ở Marseille.

– Được rồi đấy. Nhưng khói vẫn đen. Phải thay séc-măng. Khi nào có tôi thay cho.

Cả đồn công an tròn xoe mắt nhìn già, kính phục một người thợ lành nghề, một diễn viên xiếc tài ba trong nghề lái mô-tô. Họ cảm ơn và mời hai người khách ra về, không quên dặn:

Lần sau đi nhớ mang bằng lái xe, hai bác nhé”.

Còn sáu hào. Mỗi người một bát phở trâu trên dọc đường di.

Công việc khôi phục nhà máy giấy bắt đầu. Xí nghiệp cơ khí T sống lại: Già nhận phần khó khăn nhất: Khôi phục nồi hơi của máy xeo giấy. Già thử áp lực nồi hơi bằng nước. Già “bút-sê” những lỗ thủng vì mẫnh bom bằng đồng đỏ…

Mấy năm sống gian khổ, nhưng già sung sướng vì đã toại nguyện. Già đã dược làm việc cho Tổ quốc.

Ông giám đốc rất quí già. Nhưng rồi ông giám đốc chuyển di. Ông Phin giám đốc mới, từ Sở chuyển về.

Những năm tháng nặng nề của già bắt đầu.

Muốn tạo nên một không khí hoàn toàn mới, ông giám đốc Phin xét nét những người mà ông cho là thân cận với ông giám dốc cũ. Già Đô cũng nằm trong diện ấy. Nhưng già không quan tâm, già nghĩ: Già chỉ muốn làm việc. ông giám đốc nào mà chẳng muốn người dưới quyền làm việc. ít họp công doàn, không chịu viết bích báo, già bị nhận xét là chuyên môn thuần tuý. Cái lý lịch đi lính cho Pháp hẳn có một tác dụng quan trọng khác nữa. Không được là đốc công, già bị chuyển về tổ cơ điện làm thợ, với lý do đó là một ngành quan trọng: “Khâu yếu hiện nay, phải tăng cường đề chuẩn bị tốt cho sản xuất”. Người thay già nhận chức đốc công là cháu ông Phin mới thợ bậc bốn.

Già không quan tâm dến điều ấy. Già cũng không quan tâm đến chuyện ông Phin có xe đạp phân phối rồi lại nhận phiếu mua xe đạp phân phối nữa, mà là chuyện ông lấy sắt thép trong xây dựng cơ bản về xây một căn nhà cho ông. Chính ông trưởng ngành cơ điện biết rõ xe ô-tô chở sắt thẳng từ kho kim khí về nhà ông. Dư luận xì xầm, nhưng không ai dám nói. Họp ngành, già nêu ý kiến. Không ai hưởng ứng già, mặc dù ngoài cuộc họp họ rất ủng hộ già. Hội nghị công nhân viên chức, già nêu vấn đề. Không ai giải quyết. ông giám đốc kỷ luật già vì tội đã vu cáo ông ta. Ông chuyển già đi dọn nhà tiêu, quét xung quanh khu làm việc, hạ xuống bậc lương khởi điểm. Già kiện lên Sở. Ông giám đốc Sở, một thành uỷ viên, bác đơn của già. Già bị đuổi việc và cũng bị đuổi luôn khỏi chiếc giường một trong khu tập thể.

Không có gia đình, già bơ vơ.

Già đấu tranh theo kiểu Pháp: Làm một cái biểu ngữ. Ngồi ngay cổng xí nghiệp. Tay cầm biểu ngữ. Chữ kẻ trong miếng gỗ dán vuông, có cọc cắm ấy là: Phản đối giám đốc xí nghiệp T vô cớ sa thải công nhân.

Thế là già vào 75. Già lên QN. Trong tù già cô đơn như ngoài đời già cô đơn. Một hôm xếp hàng đi làm, nhớ đến một bài thơ của Vũ Hoàng Chương, hắn khe khẽ dọc. Già ngồi phía trước quay lại:

– Vẫn yêu đời nhỉ?

Đến lúc ngồi nghỉ ở bờ suối, hắn hát một mình bài hát hồi hắn học tiểu học, không hát mà ư ủ trong cổ thành nhịp điệu:

Liberté. Liberté chérie

à toi. mon coeur

à toi, ma vie

Thế là già hát thành lời. Tất nhiên là lời Pháp. Già không biết Lê cũng có mặt ở dó. Lê còn trẻ, chưa dến ba mươi, mặt trái xoan, nhưng nhiều trứng cá quá. nên trông cứ thâm sì. Mắt sắc, cứ đảo quanh. Thông minh hay gian giảo. Có lẽ gian giảo nhiều hơn. Lê cũng từ 75, từ bê dê với hắn chuyển lên. Lê là tù án. Một lịch. Về tội gì Lê không nói. Nhưng khi Lê nhận cáo trạng, anh em giật lấy xem và biết tội của Lê: Đột vòm vào nhà các cô gái công trương ăn cắp hai va-li quần áo (họ ghét còn nói là hai va-li ấy toàn xi-líp diềm bâu và vải màn hành kinh).

Lê bị cả bê dê ghét. Trong những buổi học tập về tội lỗi, về chính sách cải tạo nhân đạo của Đảng, hễ Lê bắt đầu ngồi thẳng lưng và liếm môi là bọn hắn biết Lê sắp phát biểu. Lê liếm môi trên, liếm môi dưới mấy cái liền như kiểu tra dầu mỡ trước khi vận hành máy. Sau đó bọn hắn chờ động tác thứ hai: giơ tay. Cách Lê giơ tay nó dứt khoát, tin tưởng với một ngón tay trỏ chỉ ra phíà trước và bốn tiếng kèm theo rết nhmh: “Tôi có ý kiến”.

Lê nói. Bây giờ mới là giai doạn cơ bản trong trong noi khiếp sợ của bọn hắn. Lê nói. Lý luận. Thực tiễn. Sự nhân đạo. Tội lỗi của phạm. Thái độ trong chúng ta. Sự thành khẩn. Chỉ có một con đường. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ ch. ạy lại. Ngày xưa kim ngân phá luật lệ. Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Bây giờ pháp luật nghiêm minh. Trị bệnh cứu người. Con người là vốn quí nhất. Tính nhân đạo. Tính ưu việt. Công ơn Đảng, Bác. Tội lỗi cllúng ta. Quân giải phóng Miền Nam anh dũng hy sinh. Miền Bắc cánh đồng năm tấn. Tương lai xán lạn.

Lê nói dài. Nhiều. Đúng. Thông suốt. Cháo chảy.

Bọn hắn nghe và nhìn vào môi Lê. Hễ Lê còn liếm môi thì bài diễn văn của Lê còn…

Mắt Lê đăm đăm nhì vào đám thính giả vô hình. Buổi học tập nào Lê cũng nói ngần ấy điều như vậy Có lẽ người ta cũng ngờ ngợ rằng Lê đã thấm nhuần, Lê ăn năn hối hận, nếu không có một sự việc xảy ra: Lê yểm một cải bánh mì trong lúc chia. Thế là màn kịch của Lê đổ nhào. Bị xử một gậy , Lê kêu nặng quá. Và Lê mong dược ở lại 75. Thế nhưng Lê lại phải đi trại Trung ương. Lê cay cú lắm. Lê đi trươc hắn. Hắn gặp lại Lê ở QN, cùng toán. Lê lao dộng hăng. Tích cực bẩm, sớ. Để được giảm án. Lê đã bóp cổ Voòng Kỷ Mình để Voòng Kỷ Mình lè ra khỏi miệng quả vải thiều vừa tạt được, nhưng chưa nuốt trôi xuống cổ. Lê cầm quả vải ướt nhoe nhoét ấy đi báo cán bộ.

Già Đô hát bằng tiếng pháp trước mặt Lê có nghĩa là trước mặt cán bộ. Già bị gọi lên giáo dục: Không được nói tiếng nước ngoài. Nói tiếng nước ngoài là phạm nội qui.

Già cãi: Tôi không nói chuyện bằng tiếng nước ngoài. Tôi chỉ hát vài câu tiếng Pháp thôi. Thế còn anh em người dân tộc nói tiếng Hoa thì sao?

Già cãi rất có lý. Đúng là anh em người dân tộc toàn nói với nhau bằng tiếng Hoa. Đến nỗi hắn cũng thuộc những câu như: “Kỷ tố tỉm” (mấy giờ rồi) “Thủ ngồ mẩu kéng là chà” (đói không sợ bẩn) “Cổi trầu hẩu, tắc kin mìn nhị xập xây tỉm, tỉu háy cái lẩu phồ” (cải tạo tốt, được gặp mặt hai bốn tiếng, ngủ với vợ). Đó là những câu ngồi nhổ cỏ xọng lên cho vui. Và những câu chửi “Tỉu cái nẩu nả, tỉu cái nẩu mủ. . “.

Cái lý ấy của già khiến già bị phạt. Ba ngày xà lim, hạ mức ăn xuống chín ki-lô. Già đã hiểu cái điều hắn hiểu từ trước, nhưng chính hắn cũng không thực hiện được: Đừng cãi lý với kẻ mạnh. Kỳ ấy hắn mới nhận tiếp tế. Hắn tặng già Đô mấy suất cơm để già Đô ăn thêm, còn lại phơi khô. . Đó là một hành động cho máu. .

Thế rồi tình cờ, già Đô với hắn nằm cạnh nhau khi chuyển buồng. Hắn với già ăn chung. Để bù lại những thứ già được hưởng của hắn, già tích cực tạt. Và già để râu. Có lẽ già hiểu cái thứ dấu tranh kiểu Pháp ấy hại già. Để râu có lợi hơn. Có thể vì thế mà chóng được về cũng nên.

Râu già Đô mọc nhanh. Dài và hoa râm. Tóc già rễ tre. Râu già rễ tre. Chô râu mép lại được hai chòm lông mũi nhọn hoắt cũng rễ tre và cũng hoa râm xông ra chi viện. Khi ăn râu mép, râu cằm, lông mũi trông đến buồn cười. Già rất giữ ý. Già chỉ ăn một ít những thứ tiếp tế hắn lấy ra, mặc dù già tạt được kha khá. Già có thể nướng khoai ngay trước mặt cán bộ mà cán bộ không biết. Già kiếm dược cả quả bí xanh gọt vỏ đưa cho hắn xuống suối ăn sống, mát ruột suốt nửa ngày. Chiến công lớn nhất của già là già đã tóm gọn dược một con rồng đất, to bằng cổ tay. Già đang làm thịt một con chão chuộc ở dưới suối thì có tiếng động ngay dưới tảng đá cuội lớn già ngồi. Già ngó xuống: Một con rồng đất. Già vồ hụt. Nó chạy nhanh. Chạy như kiểu thằn lằn và nó chắc cũng là một loại thằn lằn, nhưng có vây lưng từ gáy xuống tới đuôi. Tóm lại: Một chú khủng long bé tý và nhanh nhẹn. Già đuổi, nó leo lên cây. Bò rất nhanh. Tới lưng chừng, nó dừng lại, ngỏng cổ lên nghe ngóng. Già Đô bám vào thân cây leo lên. Thấy động, con rồng đất leo lên cao nữa.

Anh tù nuôi ong Nông Văn Thắng, người Tày, đang đi tìm những tổ ong rừng, bắt về gây đàn cho trại, khi đó cũng có mặt. Anh kêu to:

– Đừng lên, nó chuyển sang cây khác mất dấy. Thắng rời gốc cây trong đó có những con ong bay vụt ra. Thắng huýt sáo. Con rồng đất ngỏng cổ lên nghe. Thắng bảo:

– Giống này, cứ huýt sáo là nó đứng yên cho bắt.

Nhưng không ai có thể leo lên cành cây chót vót. Thắng giúp già Đô làm cái thòng lọng. Anh chặt một cây nứa dài vót phần ngọn dẻo, làm một cái tròng. Già Đô cầm cây nứa leo lên. Vừa leo vừa huýt sáo. Hoá ra già Đô huýt sáo trong và rất hay.

Liberté, Liberté chérie!

à toi, mon coeur

à toi, mạ vie

Đó là khúc hát về tự do đã đưa già tới kỷ luật. Nhưng lúc này già chỉ huýt sáo, chứ không hát lời. Nghe tiếng sáo, con rồng đất ngây ra. Đến khi già Đô đứng vững trên một cành cây, giơ cái thòng lọng lên cao hơn đầu con rồng đất thì già không huýt sáo được nữa. Già nín thở. Thế là tất cỉ anh em dưới đất đều huýt sáo. Như một bầy hoạ mi. Chỉ trừ Lê, Lê không thèm nhìn già Đô, không thèm nhìn con rồng. Lê nhìn vào hốc cây nhỏ bên suối, nơi những con ong thợ từ đấy bay vụt ra. Lê lẩm bẩm:

– Tổ này phải bao nhiêu là mật. Ngày nào mình cũng đi qua mà không biết.

Không ai để ý đến Lê. Tất cả đều dẩu mồm ra huýt sáo và nhìn lên già Đô, nhìn lên cái thòng lọng đang hạ dần xuống, run run, đảo dảo trên đầu con vật nó vẳn ngây ra nghe tiếng nhạc!

– Được rồi!

Tiếng reo đồng thanh như tiếng những người xem bóng đá khi bóng vào lưới.

Con vật giãy giụa. Già Đô tròng tuyệt diệu. Đúng cổ. Già thả chúc cái tròng xuống. Thắng đỡ lấy cây nứa.

Thịt con rồng đất trắng nõn, hai thăn lưng tròn chắc như thăn lợn. Trông thế mà gần miệng cái ca của hắn. Khi làm lòng, già còn bắt được mấy con cua cắp vào lòng. Thắng lợi thật giòn giã. Hai người ăn được ba ngày. Họ không mời Thắng. Họ biết Thắng chẳng thiếu gì. Mật ong với Thắng là thứ bình thường. Cả trứng gà nữa. Da Thắng đỏ au. Khi từ Q.N chuyển lên VQ, hắn và già Đô cùng chung một cái khoá tay. Chia nhau mỗi người một nửa chiếc còng số 8. Hắn tay phải, già Đô tay trái. Không biết đi đâu, vì sao phải đi. Đến cuối thị trấn, xe dừng cho anh em tù đi đái. Cứ đôi một nhảy xuống. Hắn và già Đô “hai ba nào” nhảy rất đều. Nếu lệch nhau, kéo nhau ngã dúi, còng số 8 cắt vào đến xương.

Trải qua thử thách năm tháng, hắn biết già Đô quí hắn. Già không ngủ được cũng vì lo cho hắn. Hắn động viên lại già:

– Không có chuyện gì đâu. Cụ cứ yên tâm.

Hắn hút một điếu nữa, lần này được kéo thoải mái, rồi nằm xuống. Già Đô cũng nằm. Lẻ tẻ mấy người nữa dậy hút thuốc hoặc vào nhà mét. Anh em nằm im đấy thôi chứ ít người ngủ được.

Những đêm mất ngủ trong tù thật khủng khiếp. Còn những điều gì không nghĩ đến. Cả những chi tiết hồi còn bé tí tưởng đã quên hẳn rồi bỗng vụt sống lại. Như hắn đã nhớ tới một sáng mồng năm tháng Năm, ngủ dậy thấy trời mưa mà hắn buồn mãi. Hắn nghĩ ngay: Phải giết sâu bọ trong nhà, ăn chè đỗ đen trong nhà, không được ra ngoài sân. Hắn còn nhớ rõ cái sân sáng hôm đó. Rơm tươi ướt đẫm nước mưa. Cây dâu ở phía góc sân cũng thế.

Hắn gọi mẹ, chìa mười dầu ngón tay, mười dầu ngón chân về phía mẹ. Hắn rút những cuốn lá ở các đầu ngón tay, đầu ngón chân ra. Móng tay móng chân hắn đỏ lừ. Có một cuộn lá rơi ra trong lúc ngủ. Ngón ấy không đỏ bằng các ngón khác. Thôi cũng được. Mẹ hắn cầm bàn tay bé xní của hắn ấp lên mặt. Hắn ôm lấy mẹ.

Đêm nay hắn lại nhớ tới buổi sớm Tết Đoan ngọ ấy. Mẹ ơi. Mẹ chẳng ngờ con lớh lên lại đến nông nỗi này. Phía sàn bên kia có tiếng “xạch”. Dưới ánh lù mù của ngọn đèn không thông phong ở cửa nhà mét, khói nhiều mà sáng ít, hắn thấy Hợp khe khẽ vén màn đứng lên. Rồi tiếng xuýt xoa, thất vọng của Hợp “Bé quá! ” Cái bẫy chuột của Hợp đã sập. Cái bẫy làm bằng miếng gỗ con, với một khúc dây thép uốn có lò xo. Hợp đặt trên giá, lẫn vào đám nội vụ. Không biết Hợp lấy gì làm mồi?

Lâu lắm lại thấy “xạch” một cái nữa. Rồi lại tiếng Hợp thất vọng một mình: “Bé quá”. Làm gì có chuột to. Chuột to đã bị Dự bắt chén hết rồi. Chạy vun vút trên giá là những con chuột nhắt. Con nhỏ lông xám và con to lông vàng hươm. Hắn nghĩ cũng có thể Hợp bẩm thật. Hợp khổ quá. Vợ Hợp đã bỏ Hợp. Chẳng còn ai lên tiếp tế. Hợp đét. Hợp meo. Ngay thuốc lào cũng gay. Hắn không hiểu làm sao Hợp vẫn có thuốc lào hút. Trong khi ấy hắn nhận tắc. Tiếng giở các túi ni-lông đựng thức ăn cứ loạt soạt loạt soạt ở chỗ hắn làm Hợp không chiu được. Có thể thế.

Lại có tiếng “xạch”. Bẫy lại sập. Và tiếng Hợp reo khe khẽ: “Đây rồi”. Có lẽ đã nửa đêm”. Báo cáo. Tôi, Nguyễn Văn Tuấn, số tù CR880, dậy đi đái”. Hắn vào nhà mét. Khai cay mũi, chảy nước mắt. Nhà mét ngày nào cũng cọ rửa, nhưng anh em về chỉ một tiếng là đã khai cay mắt. Hắn nhắm mắt, nín thở, đái, co bụng lại mà đái cho nhanh. Cái mùi khai thật khó tả: Nó đặc sếnh, có thể bốc vào tay được. Nó có gai cứa vào lỗ mũi, chọc lên óc như kim loại. Như rắc ớt vào mắt. Sau này đi làm, hắn đã ngửi lại mùi nhà mét ở xí nghiệp. Đó là mùi trong nhà máy lạnh bị bục ống ga. Có công nhân đã ngất ngay tại chỗ. Thợ sửa chữa vào đó phải đeo mặt nạ.

Mùi a-mô-ni-ắc.

 

 

Về đầu

 

Chương 8

 

Cả trại vừa “đánh đồng thiếp” đi được một lúc thôi chứ mấy, thì có tiếng súng nổ chói đanh ngay mang tai. Rền từ rừng xanh vọng về. Liên tiếp năm sáu phát. Tất cả choàng dậy. Ngơ ngác. Sợ hãi. Tiếng Cán quát:

– Tất cả ngồi yên tại chỗ. Cả trại vẫn im lặng như chết. Lại hai tiếng súng nữa. Cách nhau. Phát một. Có tiếng chân người chạy. Tiếng gọi nhau. Và tiếng béc-giê sủa ồm ồm.

– Lại có thằng nào trốn trại rồi.

Tiếng ai đó lầu bầu. Giọng Nghệ An. Một lúc sau là Lê Bá Di giọng Quảng Trị:

– Báo cáo, Di Lê Bá Di, số tù 127, vào nhà mét đi đái.

Im ắng. Bên ngoài im ắng lắm. Có lẽ anh tù trốn đã chạy được vào rừng. Cuộc rượt đuổi diên ra xa trại. Anh ta có trốn thoát được không? Ai thế nhỉ?

Tất cả ngồi dậy trong màn, chờ đợi một sự kiện gì đó nhưng chẳng có gì xảy ra. Thế là lại chen chúc nhau trong nhà mét. Boi lại về màn. Hắn và già Đô như cùng ngả lưng xuống chiếu một lúc. Già chép miệng:

– Trốn đi đâu được mà trốn cơ chứ.

Lại nằm. Lại nghĩ. Nghĩ đến anh tù trốn trại chui lủi trong rừng. Đến các ông công an, đến đàn chó đang lùng sục. Rồi nghĩ dến thân phận mình tù không án, ngày về chẳng có. Thôi. Đừng nghĩ gì nữa. Tất cả sẽ qua. Đến cả cuộc đời mình rồi cũng qua nữa là… Khi đã hoàn toàn yên lặng, có tiếng chân người ngoài sân. Loang loáng ánh đèn pin. Tiếng Chắt khàn khàn:

– Dậy nhé! Tất cả dậy! Dậy! Điểm danh.!

Lại bật dậy. Chui ra ngồi ở đầu màn. Lại xếp bằng tròn. Tay để trên đùi. ngửa lên. Người sàn trên sóng đôi với người sàn dưới. Sàn bên này đối xứng với sàn bên kia. Ông Thanh Vân mát hầm hầm bấm đèn pin soi vào mặt từng người. Rồi đi ra. Chắt lại khoá cửa. Hai người đi sang buồng khác. Còn ngủ nghê gì được nữa. Ngao ngần hết cả người. Nhưng nằm xuống chiếu rồi Lượng vẫn vui vẻ nói lên tâm trạng chung của anh em khi bị điểm danh đột xuất, khi bị rọi đèn pin vào mặt:

– Báo cáo cán bộ. Ai trốn thì trốn, chứ chúng tôi cho ăn kẹo cũng không trốn. Có trốn thì trốn thời gian sơ tán rồi. Chúng tôi cứ phải có hộ khẩu, có sổ gạo không là chết đói.

Nằm trong màn Lượng cứ báo cáo với bóng đêm như vậy. Không ai hưởng ứng Lượng. Tất cả cố gắng tìm đến với giấc ngủ bị ngắt quãng.

Hắn cũng cố chợp được một lúc. Trở dậy trời đã sáng. Sáng hôm ấy trời nắng. Đã cảm thấy cái nắng của đầu hè. Mây bục. Bay. Dồn. Lộ ra những khoảng trời xanh thèm khát gần trăm ngày nay.

Thấy tiếng chân ông Quân, tất cả xuống đất. Ca, ống bương, bi-đông, khăn mạt chở sẵn. Ông Quân mở toang hai cánh cửa và rất nhanh nép sang một bên tránh cái mùi người, cái mùi hôi hôi của hơi người, quần áo giày dép chăn màn, nhà mét bị nhốt một đêm ào ra. Cái mùi đó, những người ở trong nhà quen mũi không thấy. Còn người ngoài không ai chịu được. Nó nặng. Có trọng lượng. Nó ùa ra như nước ùa khi cánh cửa đập mở. Nó nồng nặc cứ thẳng cửa tràn ra sân. Có lẽ vì thế mà đất sân ở đó đen sạm lại và tất cả những cây trẩu trồng đối diện với các cửa buồng đều còi cọc lá bị cháy táp không lớn được. Đó là một loại không khí có áp suất lớn, được cấu tạo khác hẳn với khí quyển của trái đất. Chả thế có những hôm ông cán bộ khác mở cửa buồng thay ông Quân, vừa mở tung cánh cửa, ông như bị đánh mạnh vào ngực, giật mình lùi lại, nép vội vào một bên làm cho cả bọn cười rộ lên.

Những người tù xếp hàng hai bước ra trước cái bút dứ dứ của ông Quân. Thiếu một người. Tù gọi ầm:

– Còn ai trong ấy ra mau lên.

Dự thắt vội dải rút quần, từ nhà mét chạy ra. Dự buồn đi đồng, đã định nh đến lúc đi làm, nhưng không chịu được. Thân tù thật khổ. Đi ỉa cũng vội. ỉa không hết cứt.

Ngoài sân anh em tù thoải mái hít thở không khí trong lành. Nhiều người không đánh răng, chỉ súc miệng. Hắn vẫn có thuốc đánh răng, nên già Đô cũng được đánh. Hắn phải bảo mãi già Đô mới chịu đấy. Già cười:

– Trâu bò nó có đánh răng đâu mà răng nó trắng thế. Các cụ nhà mình có đánh răng đâu mà các cụ vẫn sống lâu.

Mấy anh tập thể dục. Hắn cũng múa may vài đường cơ bản. Chỉ riêng Nguyễn Văn Phố, tù mười tám năm tập rất đều. Tập thể dục đều, tắm đều và làm việc cũng đều nữa.

Phố cũng là tổ trưởng như hắn. Anh em nghỉ, hắn nghỉ, Phố vẫn làm. Phố chỉ làm việc nhẹ thôi: Đánh luống, xới cỏ. Phố làm không vội vã, cứ nhát một đều đặn, chăm chỉ. Nắng tháng Sáu, anh em dạt cả vào gốc cây tránh nắng, Phố vẫn một mình với cái cuốc giữa nương, mồ hôi đầm đìa. Hắn bảo Phố.

– Anh nghỉ cho anh em nghỉ với chứ.

– Anh em cứ nghỉ đi, mình làm quen rồi, nghỉ nhiều lại chán.

Phố ở Phú Sơn về. Hắn ở QN lên. Đi làm với nhau nhưng không nói chuyện với nhau. Tù vốn giữ mình, giữ mồm, giữ miệng. Hắn vừa đưa nhát cuốc vừa lẩm bẩm một mình:

Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương

Hắn đang nghĩ về quá khứ, nghĩ về những áng thơ bất hủ dù không được in lại.

Bỗng Phố hỏi:

– Anh thích Nguyễn Nhược Pháp lắm à?

Hắn nhìn Phố, kính trọng một người tù có kiến thức. Phố cũng như trăm ngàn người tù khác. Quần áo xám bạc, da đen tai tái. Dòng chữ đỏ in trên ngực: AM xê-ri kỳ cựu. Hắn đáp:

– Vâng. Tôi thuộc Nguyễn Nhược Pháp từ nhỏ.

Phố buông cuốc:

– Tôi cũng thích Nguyễn Nhược Pháp. Tôi còn thích và kính trọng cụ Nguyễn Văn Vĩnh, thân sinh Nguyễn Nhược Pháp nữa.

Đến lượt hắn rời cuốc. Hắn không ngờ Phố lại còn biết cả cụ Nguyễn Vàn Vĩnh: “Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè, đến khi gió bấc thổi” . Hắn thuộc từ lúc còn bé tí. Bố hắn mua về cho hắn cả một quyển ấy, khi bố hắn sang phố. Còn những “chuột nhắt, mèo và gà trống” những “cá to cá bé nuốt nhau” …

Từ ấy hai người hay trò chuyện. Phố đọc cả thư con gái út đã mười tám tuổi cho hắn nghe. Phố có một cái gáo múc nước bằng tôn hoa nhà gửi cho. Đi làm về, dù xa dù gần, Phố cũng xách theo một gáo nước suối. Sáng hôm sau tập thể dục xong, Phố tắm. Đầu Phố ít tóc nhưng chải mượt. Nóng lạnh, hôm nào Phố cũng tập thể dục, cũng tắm. Có lẽ Phố bình thường hoá cuộc sống trong tù.

Anh em rửa mặt đánh răng, đi đái đã vãn. Số trực nhật đã xuống bếp lấy suất ăn sáng. Những cặp mắt hướng về nhà bếp. Trong tù thì chỉ có đợi ăn. Chia thức ăn sáng đơn giản hơn. Mì nấu muối, hay sắn, hay khoai lang. Cũng cân. Nhưng. chỉ một lần cân thôi. Sợ nhất khoai lang như hôm nay, vớ phải củ hà thì meo suốt sáng.

Tiếng kẻng gọi đi làm. Hắn cùng mọi người bị bọc, bước ra sân. Hắn trông thấy Hợp nhét con chuột nhắt vào bị. Con chuột cứng quèo, co lại trông càng béo, to hơn ngón tay cải, vàng hươm. Đúng là một con chuột cụ. Trưa nay Hợp sẽ có thứ sột sệt cải thiện rồi. Các toán xếp thành hàng hai, ngồi trên sân hướng về cổng trại dốc thoai thoải. Trông như những mô đất xám xếp thành luống gù gù kín cả sân trại. ở phía cổng, ông Quân nhìn tờ giấy gọi to:

– Phạm nhân Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thế Hiển ở lại.

“Xà lim rồi”. Hắn ghé tai già Đô, nói nhỏ. Hai người bao giờ cũng xếp hàng đôi cạnh nhau. Già Đô vội lục bị, dúi cho hắn hai củ khoai lang. Đó là toàn bộ suất sáng của già. Già không ăn, già để phòng xa cho hắn. Rất nhanh, hắn nhét vào bị của hắn, sợ người khác trông thấy.

Một người tách hàng tù đứng ra. Đó là Hiển, một anh tù trẻ. Có tiếng quát: “Anh Tuấn đâu? ” Hắn nặng nề khoác bị đứng lên, đi ra khỏi hàng, về phía cổng. Hàng nghìn con mắt nhìn vào hắn.

Ông Quân tay cầm quyển sổ, tay cầm bút máy:

– Toán rau xanh! Toán rau xanh đứng lên.

Nón rách, quần áo xám, cúi mặt, phớt đời, lầm lì, khó hiểu đi hàng đôi chầm chậm trước mặt ông Quân. Ông cầm cái bút máy, cứ mỗi hàng tù đi qua, lại dứ một cái, miệng lẩm nhẩm đếm. Rồi ông ghi vào sổ.

ở trong buồng trực, nhiều ông công an áo xanh, công an áo vàng đang uống nước, hút thuốc cười nói. Khi người cuối cùng trong toán ra cổng trại, một ông công an vũ trang xách khẩu súng dựa vào tường, khoác lên vai đi theo. Và một ông công an áo vàng, đó là ông quản giáo phụ trách toán.

– Toán làm đồi! Lại một toán tù quần áo xám uể oải chậm chạp, tuyệt vọng đứng lên. Số tù đỏ, số tù đen in ở lưng, ở ngực áo, ở ống quần. ông Quân lại giơ bút dứ dứ. ông đếm từng đôi, miệng lẩm nhẩm. Trong phòng trực lại một ông quản giáo có súng lục, một ông công an vũ trang khoác súng trường đi ra.

– Toán may!

– Toán lò vôi!

– Toán lò gạch

Cứ thế sân trại rỗng. Phòng trực rỗng. Ông Quân đi vào cái phòng trực rỗng ấy, ngồi xuống ghế, đặt quyển sổ lên bàn làm tính cộng.

Hắn nhìn thấy anh tù trẻ và bước về phía anh ta:

– Tập trung hay án?

– án. Anh bọp à?

Hắn gật đầu lo lắng:

– Không biết các ông ấy gọi lại làm gì.

Hiển không giấu được niềm vui:

– Em hôm nay hết án. Lo quá, chỉ sợ ông ấy cho thêm cái bọp. Khi nhận dược thư bố em, em mới yên tâm.

– án mấy

– Đúng một năm, ăn đủ, ở đủ. Chẳng được giảm ngày nào. Người nhà em lên đón từ hôm qua.

Ông Quân đã cộng trừ xong, buông quyển sổ:

– Anh Hiển vào đây.

Hiển bước vào phòng. Một mình hắn đứng chờ. Lại càng lo lắng, càng buồn, càng nẫu ruột. Trên đầu hắn là cái bốt gác chính ngay ở cổng trại. Có tiếng lục cục ở trên đó. Tiếng dựng súng, tiếng kéo ghế, tiếng chân người. Một đầu mẩu thuốc đỏ lừ rơi xuống gần chân hắn.

Kìa Hiển đã ra. Hiển nhảy cbân sáo ra cổng sau khi vẫy hắn. Nụ cười sáng bừng. Đó là những bước chân dầu tiên của tự do. Cái vẫy tay mới tuyệt vời. Nó vừa là biểu hiện của tự do vừa là bản thân tự do. Không ai dám vẫy tay vui tươi một cách chân thành như vậy trước mặt ông quản giáo khi còn là một thằng tù. Những giây phút đầu tiên được trở lại làm người tự do mà hắn chứng kiến. Chỉ thoắt một cái đã thay đổi hoàn toàn dù vẫn mang trên người bộ quần áo xám có in số. Thật không thể hiểu được.

Nhưng hắn không kịp suy nghĩ nhiều. ông. Quân hiện ra ở cửa, ra hiệu cho hắn vào. Hắn nhìn thấy cái hòm gỗ của hắn vứt chỏng chơ dưới đất. Nắp hòm mở, bên trong màu gỗ trắng, bên ngoài màu sơn xám. Cái hòm đã gắn bó với hắn ba năm tù. Cái hòm trung thành không bỏ hắn suốt từ toán tăng gia sang toán rau xanh trại Q.N. Rồi theo lên V.Q với hắn. Toán làm đồi, toán văn nghệ, toán chăn nuôi…

Ông Quân ngồi xuống ghế chậm chạp. Lấy ra một tờ giấy đánh máy, đánh vần từng chữ. Hắn biết thế vì thấy miệng ông lẩm nhẩm. Rồi ông để trễ kính xuống sống mũi, ngước nhìn hắn qua phía trên mắt kính:

– Anh tên chi?

– Báo cáo ông. Tên tôi là Nguyễn Văn Tuấn.

– Ngày tháng năm sinh?

– Mồng ba tháng Bảy năm 1934 ạ.

– Quê quán?

Hắn nói quê quán.

– Về đem nội vụ ra đây. Anh được tự do.

Giọng ông hờ hững.

 

 

Về đầu

 

Chương 9

 

Hôm ấy là mồng ba tháng Tư năm 1973. Hắn nhớ. Cứ mỗi lần bận bịu, suýt quên, hắn lại nhớ đến con số ấy để khói quên đi cái ngày quan trọng nhất của mình. Ngày sống lại. Về sau, chắc chắn hơn, hắn ghi vào một quyển sổ. Bẵng đi vài năm lao vào kiếm sống, vật lộn để tồn tại, nhớ lại ngày ấy hắn đâm lẫn lộn. Mồng bốn tháng Ba hay mồng ba tháng Tư. Hắn giở sổ ra xem. Nhưng vẫn còn ngờ ngợ. Có thể ngay lúc ghi hắn đã nhầm lẫn mất rồi. _ Đến khi dọn dẹp giấy má, tìm lại được bức thư hắn viết cho vợ hần ngay tối hôm sau khi được tha trong một căn buồng Hà Nội thì hắn mới thật tin. Đúng 3-4- 1973.

Tuy nhiên lúc nào hắn cũng nhớ rất rõ ngày hôm ấy. Nhớ từng chi tiết.

“Về đem nội vụ ra đây. Anh được tự do”. Hắn không té xỉu. Không chết lặng đi, không dựa lưng vào tường để khỏi ngã. Không cắn môi để khỏi cười trước ông quản giáo như những nhà văn giàu tưởng tượng có thể nghĩ và viết.

Hắn bị bất ngờ. Đúng. Hắn không ngờ hắn được tự do, trong khi những người mười tám năm, hai mươi mốt năm vẫn còn ở lại. Con số năm tháng ấy không gợi mấy trong lòng hắn, nhưng đến khi nghe Phố nói:

– Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi. Năm nay vợ tôi 5l tuổi rồi.

Thì hắn bàng hoàng. Hiện thân của đau khổ ở Ngưyên Văn Phố nhỡn tiền cũng làm hắn hoảng. Nhưng đến khi đau khổ mười tám năm tù hoá thân thành một người phụ nữ thì hắn rợn người. ôi! Đời một con người. Tuổi ba mươi đang là tuổi chín nhất của người phụ nữ. Tuổi của chăm sóc và đòi hỏi chăm sóc. Tuổi của yêu đương và đòi hỏi yêu đương. Hắn rỏ những giọt nước mắt trong lòng khóc thương người phụ nữ Hà Nội 5l tuổi mà hắn chưa biết mặt. Hắn rỏ những giọt nước mắt trong lòng khóc thương vợ hắn đang đang ở tuổi chín ấy, phải goá sống, phải vật lộn, đè bẹp, giết chết lòng mình, giết chết tuổi trẻ, giết chết những đòi hỏi yêu đương, sống trong cô đơn và nhục nhã.

Hắn bị bất ngờ vì nó đã đến, tuy vẫn chờ đợi nó, đồng thời hắn lại nghĩ rằng nó đã đến quá muộn. Phải, nó đã đến quá muộn. Hắn có tội gì mà phải ở đến năm năm. Lẽ ra nó phải đến lâu rồi. Hắn cười, nhìn ông Quân như muốn ông xác nhận lại điều ông vừa nói, điều quan trọng tột cùng đối với hắn, nhưng ông Quân không để ý gì đến hắn. Với ông, hắn không còn ở đây nữa. ông đang để tâm trí vấn một điếu thuốc sâu kèn. Ông chỉ hút thuốc rời, vấn lấy và không lúc nào rời điếu thuốc trên môi.

Hắn nói:

– Cám ơn ông! Xin phép ông tôi về buồng

Ông Quân vẫn nhìn vào điếu thuốc đang quấn dở, gật đầu, không quay lại. Hắn về buồng, cho vào bị bộ quần áo tù thay đổi, hai cái chén mắt trâu. Hắn nắn lại hai củ khoai mềm mềm, sự phòng xa của già Đô nếu hắn vào xà lim. Hắn ấn cái bị vào góc trong cùng nội vụ của già. Hắn muốn cho già nhiều nữa, nhưng hắn sợ có người nào dó phát hiện, già không nhận được. Tốt nhất là thông qua quản giáo, thông qua trại.

Hắn chỉ đút vào cái túi khâu bằng một ống quần tù cái ca có cả nắp của Lỷ Xìn Cắm, cái bút máy Pilot ngòi cánh sẻ bằng vàng 14 ca-ra không có mực từ mấy năm nay, xấp thư từ vợ con bố mẹ hắn gửi vào cho hắn. Rồi hắn đem hết nội vụ ra. Bê, xách, ôm đeo. Hắn đặt tất cả xuống đất trước mặt ông Quân.

– Báo cáo ông! Tôi để tất cả những thứ này nhờ trại chuyển cho mấy anh. Hắn chỉ cái hòm:

“Cái này cho anh Lê Bá Di, cả khoá nữa ạ”. Hắn chỉ cái áo bông Trung Quốc to xù, rộng thùng thình: “Cái này cho anh Đô”. Hắn chỉ cái chăn bông: “Cái này cũng cho anh Đô! . Hắn cảm thấy tự do đang nhập vào hắn để hắn từ một xác chết biến thành người khi nói những câu ấy: Hắn đã có thể nhờ vả các ông quản giáo, có quyền đối với những thứ của hắn và cho hết tài sản đồ sộ, quí giá tạo thành cuộc sống người tù của hắn. Ông Quân gật, ừ. Rồi ông chậm rãi bảo:

– Anh ghi lại đi Đây bút giấy! Ghi đi! Hoá ra ông Quân rất coi trọng lời dặn của hắn. Hắn bỗng thấy quí ông, thấy ông thật tốt. Chưa ai coi trọng lời dặn của một thằng tù. Phải, đến lúc này hắn vẫn còn là một thằng tù. Hắn mới chỉ đi hết đoạn đường tù của hắn, nhưng chưa đặt chân sang đến bên kia, chưa đặt dù chỉ một chân thôi sang phần của tự do.

Phải người không có trách nhiệm ừ ào để đấy. Hắn biết sao được. Mà biết thì đã làm sao?

Hắn cảm thấy mình dược đối xử như một con người, khi cầm bút giấy ông Quân đưa, nhìn đống nội vụ ngổn ngang, ghi chép. Tự nhiên hắn thấy phải gấp rút Hắn không cớ thời gian. Hắn vội lắm rồi.

Thuốc lào cho anh Nguyễn Văn Hợp, bi-đông cho anh Vũ Lượng, cặp lồng cho anh Dự…

Ông Quân cầm tờ giấy hắn đưa, rồi lại nhìn dống nội vụ của hắn:

– Chu cha. Anh này đi tù mà cứ như ở nhà. Lắm đồ.

Đấy là hai cái chén mắt trâu hắn đã để vào trong bị xếp sang chỗ già Đô rồi, ông không trông thấy đấy. Ông Quân đưa cho hắn một tờ giấy có đóng dấu son cả chữ ký của của ông thượng uý giám thị phân trại.

– Anh vào trại trong, lối đi vào thôn Khởi Nghĩa. Lấy giấy tờ của trại chính.

Hắn chào ông Quân, phấn khởi nên chào to, cởi mở, tuy vẫn kính trọng…

Hắn bước ra khỏi cổng trại. Nhìn về phía ngọn đồi xa xa, nơi hắn đoán là cả toán đang chặt hom sắn. Hắn đã rứt ra khỏi họ và bỗng trào lên niềm thương xót những người còn ở lại chịu kiếp tù đày. Tôi đã được tự do. Tôi đã được ra khỏi trại. Tôi đã thoát khỏi cuộc sống tù tội. Tôi trở lại làm người. Chào anh em đang tiếp tục cuộc sống âm phủ. Tôi đã trở về dương thế. Hắn bỗng nhớ đến điều mọi người sợ nhất: Chết trong tù. Chết là hết thôi. Nhưng mang cái tiếng chết rục tù thì nhục nhã quá. Già Đô sợ nhất điều ấy. Tuổi già đã cao. Cứ có một anh tù nào chết là già lại lo. Già như trông thấy nụ cười độc ác của ông giám đốc Phin “Thằng ấy tao cho chết rũ tù rồi”.

Hắn dừng hẳn lại. Nhìn về phía đồi. Một mỏm đất nhô lên giữa vòng vây của rừng xanh. Hắn tìm bóng dáng già Đô. Hắn nói với già trong ý nghĩ “Tôi thì không thể chết ở trong tù được rồi! Già cũng vậy. Sẽ gặp nhau ở P”.

Hắn tin rằng sẽ gặp lại già, gặp lại Lượng. Cân thì khó gặp. Kỷ Mình cũng khó. Vì hai người ở xa. Kỷ Mình đã từng tâm sự với hắn:

– Tôi đi tù vì cái chính trị tôi cao, A Tuấn à!

Cái chính trị cao của Kỷ Mình là đấu tranh vạch mặt những người trong uỷ ban, trong ban chủ nhiệm hợp tác xã làm sai chính sách, rằng họ là những phìa, tạo mới. Rằng họ đã lấy mìn của bộ đội, nổ mìn dưới suối đánh cá. Rằng họ đã bán quế của hợp tác xã, đút tiền vào túi họ. Thỉnh thoảng Kỷ Mình lại thở dài hối hận:

– Tôi đi tù vì cái chính trị tôi cao à!

Anh em vẫn lúi húi làm. Chẳng ai ngẩng lên nhìn hắn. Để hắn vẫy tay, khuơ nón chào từ biệt.

Tự do quả là mệt cái gì lạ thật. Cũng con đường ấy nhưng nay đi mà thấy nhẹ như bay. Cả khu trại rộng mênh mông kia không có sức hút với mình nữa. Con đường này cũng không còn lực hút. Đồi, rừng, ruộng không còn lực hút. Chúng không còn là chỗ vẫn để mình đi làm, mình về trại. Chúng không cỏn là chỗ để giết dần, giết mòn mình. Mình đã tách khỏi từ trường. Đã tách khỏi chúng.

Hắn ngẩng lên nhìn trời. Trời nắng cuối xuân.

Trời xanh và mây vẫn bay. Đẹp. Cây đa Tân Trào nổi tiếng xa xa mọi hôm chỉ gợi lên vẻ thâm u xa vắng, hôm nay cũng đẹp. Những thân chính, những rễ phụ hơi võng trắng xoá trong nắng, tán lá rợp nền trời.

Trên đường, hắn gặp mấy ông quản giáo, mấy ông công an vũ trang. Cả mấy thỏi nam châm này cũng không còn lực hút. Hắn vẫn chào và bỗng hiểu rằng những người từng gắn chặt với hắn ấy từ nay chỉ là người xa lạ.

Đã vượt qua khu nhà khách. Nơi hắn gặp Ngọc mấy tháng trước. Hắn cũng thấy lố nhố người. Những người từ các nơi về đây, mệt mỏi và đau khổ. Chờ gặp mặt. Mười lăm phút nhìn nhau ngắn ngủi của những người ở hai thế giới. ôi! Cái vòng đời không bao giờ hết. Đã qua cái dốc về phía sau quả núi mà hắn chưa đi đến bao giờ. Đến một ngã ba. Đi theo ngả nào? Hắn đứng phân vân lựa chọn. Đó là cảm giác tự do đầu tiên đối với hắn: Được phân vân. Được đứng trước một ngã ba, tự mình lựa chọn con đường. Tự do là được quyền do dự.

Một người đi xe đạp từ phía sau tới. Quần ka-ki màu be, áo sơ-mi trắng bóng. Người tự do đầu tiên hắn gặp. Hắn định hỏi thăm đường, bỗng người ấy phanh xe gọi to:

– Anh… anh gì nhỉ. Anh cũng được tha đấy à?

Bấy giờ hắn mới nhận ra Hiển, anh tù án được tha trước hắn ít phút. Có lẽ Hiển quên tên hắn vì hắn cũng chỉ là một trong trăm ngàn người tù đang bị giam giữ. Còn hắn nhớ tên Hiển vì Hiển là khát vọng tự do của hắn.

– Anh đi lấy giấy phải không Lên đây em đèo. Thật may mắn. Đã may thì may đủ đường. Hiển ở toán chăn nuôi. Rất thông thạo đường lối. Hắn nhảy lên poóc ba-ga xe đạp.

– ở đâu ra xe thế này?

– Cái cộ này người nhà em mang ở P lên. Anh cũng ở P à?

Thật là hạnh phúc của người tù án. Họ sung sướng biết bao. Người nhà biết trước ngày về lên đón mang theo cả xe đạp, cả quần áo. Vợ con hắn bây giờ vẫn nghĩ rằng hắn còn đang trong tù, lo lắng, mòn mỏi chờ ngóng ngày hắn được về. Em. Anh đã được tự do. Anh đang được tự do. Anh sẽ về với em. Cố chờ một hai ngày nữa thôi, em ạ. Xe đi. Gần năm năm hắn mới lại được ngồi trên xe đạp và bây giờ hắn mới thực sự biết thế nào là tự do.

Tự do đó là tốc độ.

Ngồi trên xe đạp đi trên con đường nhỏ, hai bên là rừng rậm, chỉ khoảng mười ki-lô-mét một giờ, hắn thấy cây lá chạy vun vút về phía sau. Gió vù vù qua tai. Gió phạt hai bên má hắn mát rượi. Hắn bỏ nón ra cho gió thổi vào tóc. (Bọn hắn vẫn độ; nón đi làm cho mát. Ngoài ra cái nón còn dùng để che nhiều thứ tạt được khi đi qua ông trực trại.)Hắn xoè bàn tay ra cho gió lùa qua kẽ tay. Hắn thực sự cảm thấy mình tự do.

Các cảm giác, gió, tốc độ, di chuyển ấy hắn không bao giờ nghĩ đến, quên hẳn đi rồi, vụt đến, quen thuộc, thân thiết và thích thú lạ thường. Cho mãi về sau này, cứ nghĩ đến ngày được tha, hắn lại nhớ đến cảm giác gió ùa phạt qua hai má hắn. Cảm giác ấy gắn liền với buổi sáng hắn được ra tù nên nó là tự do. Năm năm. Phải hiểu cái tốc độ năm năm vừa qua của hắn. Đó là một năm xà lim và sáu tháng được ra buồng chung. Chỉ năm một chỗ. Nằm trong một hộp bê-tông. Ngồi. Nằm. Đứng. Ngồi. Nằm. Đứng. Bắt rệp. Nhìn kiến tha cơm. Nói vọng sang với Đô, người tử tù xà lim bên kia chờ ngày đem bắn. Không nhìn thấy trời. Chỉ có cảm giác trời qua những nan chớp chéo xuống ở mái sát trần, có hàng song sắt to và dày. Không có một sự xáo động nào của không khí. Suốt ngày nhờ nhờ, đục đực. Rồi ba năm ở hai trại trung ương, có tốc độ đấy nhưng là tốc độ con rùa.

Hắn đi làm. Mọi người đi làm. Đầu cúi, lê từng bước. Chậm chạp chỉ có lợi cho bọn hắn. Thời gian đi đường là thời gian lao động. Đi nhanh ra chỗ làm làm gì. Lúc làm cũng vậy. Cả bọn ngồi xổm, mân mê từng lá cỏ và rứt. Rồi xển sang chỗ khác. Còn chậm hơn tốc độ con sên.

Chỉ một lần hắn đạt tốc độ cao trong khi làm việc. Đó là lần đi gánh than ở cách trại Q.N mười cây số. Không hiểu sao lại có hàng đống than trong rừng.

Hắn cùng anh em quẩy phân ký leo lên. Vừa leo vừa thở. Nhưng gánh xuống còn mệt hơn. Gánh than nặng kéo hắn xuống dốc. Hắn phải chạy cho nhanh. Trông thấy hòn đá nhọn, cái gốc cây vát cũng quàng chân vào, không tránh được. Gánh than nặng trĩu cứ lôi xuống không thể nào dừng lại. Rồi lại quẩy phân ký leo dốc. Thở. Mồ hôi đẫm tóc, đẫm áo. Rừng im lặng, ngột ngạt. Muỗi. Vắt. Ruồi vàng. Trong một lúc dừng chân khi leo dốc, hắn rên lên thành lời:

– Bố mẹ vợ con có biết lúc này mình khổ thế nào không? Chỉ lần ấy hắn có tốc độ. Nhưng không có gió nào lọt tới rừng già. Còn cứ ngồi xển mà nhổ cỏ. Ai quát cũng mặc. Cả bọn cứ ngồi, cứ xển. Nước sông, công tù. Công của thằng tù vô tận. Đó là khi đi làm. Khi về cũng vậy. Về trại sớm hơn chục phút để vào buồng giam sớm ư? Cứ lê bước, cúi đầu nhìn đất, ngửa mặt nhìn trời. Thời gian là tra tấn. Thời gian là đau khổ, nhục nhã, ê chề, quằn quại. Muốn quăng đi, ném đi khúc đời tù tội rỏ máu này, dù tuổi sống bớt đi mười năm cũng được. Tù đọng, mục nát từ trong lòng. Trong cuộc đời. Trong sự di chuyển. Tù đọng mực nát ở chung quanh. Thế rồi bỗng nhiên là bánh xe lăn nhanh. Là tiếng gió thổi vù vù qua tai. Là gió phạt hai bên má. Là đi đến một nơi mình chưa biết. Là nói cười với người bạn tù vừa quen, được tự do trước mình mười lăm phút và đã mặc quần áo của người tự do. Hai người tự do nói chuyện với nhau như không hề có những năm tháng tù đày như vẫn được tự do từ trước tới nay. Không phải tập cho quen. Không có gì bỡ ngỡ. Vâng. Con người ta sinh ra vốn là tự do.

 

Về đầu

 

Chương 10

Khu văn phòng trại trong, nghĩa là Tổng trại, nơi ông thiếu tá, chánh giám thị làm việc, ở cách trại của hắn khá xa. Đường đi quanh co sâu mãi vào rừng. Hắn chỉ nhớ được rằng toàn cây cối. Nhà lá ẩn trong những lùm cây. Một ông cán bộ trả lời khi hắn hỏi thăm đường:

– Các anh được về hở. Đi qua cái nhà kia khoảng trăm mét thì rẽ phải. Rồi đi thẳng hơn cây số nữa là đến.

“Cái nhà kia” nhô ra từ một ngoẹo núi. Hai người đi về phía ấy. Hắn giật mình khi trông thấy con béc-giê đầu tiên từ một ngách núi đi ra. Nó như một điềm gở Như báo trước một tai hoạ. Con béc-giê to lớn, ướt át, thè lưỡi đỏ đọc, đuôi cúp, theo sau là một ông công an cầm dây xích. Rồi bốn con béc-giê khác cũng ướt át, cũng to lớn lần lượt hiện ra cùng với một đoàn áo vàng, áo xanh, tất cả ướt đẫm. Một anh tù quần áo xám rách tơi tả bị trói hai tay quặt về phía sau đi ở giữa. Chỉ nhìn lướt qua (không dám nhìn kỹ, dù đã được tự do) hắn cũng nhận ngay ra Sáng. Anh tù trốn trại đêm qua! Anh tù ấy là Sáng. Và Sáng đã bị bắt lại.

Hiển vội xuống xe. Hai người sợ hãi nép vào một bên đường. Lúc Sáng đi qua, hắn liều nhìn thẳng vào Sáng. Vẫn là cái nhìn của Sáng. Nhìn đấy nhưng chẳng nhìn thấy gì. Cái nhìn vô hồn vô cảm trên khuôn mặt nhẫn nhục, cam chịu.

Hiển bảo hắn khi đoàn người đi qua:

– Tay này quản chế đây mà.

– Toán lò rèn. Tên là Sáng. Người cùng huyện mình đấy. Bốn lần trốn trại rồi.

Hiển tròn mắt:

– Lần này là năm à?

– Năm. Lần nào cũng bị bắt lại.

– Tay ấy án hay bọp?

– Bọp.

Hiển ra chiều thông cảm:

– Bọp thì gay thật. Trông hắn gầy quá. Về cùm xà lim chỉ có chết. Trốn thế qué nào được mà trốn. Chắc lần này cạch rồi.

Hắn không biết Sáng đã cạch chưa. Bởi vì cái khát vọng tự do của Sáng ghê gớm lắm. Cùng giam ở 75, cùng từ bê dê (buồng D) chuyển lên Q.N, ngồi cùng một chiếc ô-tô với hắn, chân ướt chân ráo tới QN một ngày, Sáng đã chuẩn bị trốn trại ngay, nhưng chẳng hiểu vì sao bị lộ. Ông Thanh cán bộ ban giáo dục, tạm thời phụ trách toán hắn, gọi Sáng ra. Ông kê một cái bàn ngay chỗ toán hắn làm, ngoài trời, đầu hội trường, quát tháo ầm ĩ. Tất cả bọn hắn xanh le mắt.

Sáng bị cùm ngay. Xà lim ngay. ăn cháo loãng ngay. Mười ngày sau mới được ra. Sáng vào toán quản chế. Toán mộc. Cùng với Giang.

Mười ngày xà lim ăn chảo loãng, cùm đủ dể thay đổi vóc dáng Sáng. Không như Lê Bá Di phải mất nhiều năm nhai sắn mới có bộ mặt hổ mang bành, Sáng thay đổi rất nhanh. Từ mặt tròn, Sáng trở thành mặt dài. Nước da Sáng vốn rất trắng khi ra có màu xanh cớm nắng, thiếu hồng cầu. Người thon hơn. Thế mà chỉ mười hôm trước Sáng còn là một cậu bé nông thôn tầm thước, đẹp trai, trắng trẻo, có khuôn màt tròn trĩnh, má phính, tóc mượt mà. Đó chỉ là vết nắn lại con người Sáng, vết nắn nhẹ nhàng đầu tiên. Sáng còn được nắn lại nhiều lần nữa.

Là một thanh niên nông thôn đi tù, Sáng không có bạn. Sáng sợ bọn Triều Phỉ, Lập Ba Tai, Ba Đen. Vốn đã xa lánh anh em trong toán, Sáng lại càng cô đơn. Chiều chiều, trước lúc khoá buồng, Sáng đứng một mình, dựa vào gốc cây ở sân trại, hoặc ngồi lên tảng đá cuội to, lối vào trạm xá, nhìn ngắm những người tù khác đi lại vật vờ với đôi mắt trong trẻo và sầu thảm.

Chỉ hơn một tháng sau Sáng lại trốn trại. Trốn ban ngày. Ngay ở chỗ làm. Khi các ông công an phát hiện và bổ vây thì Sáng đã đi xa rồi. Lần ấy Sáng đi nhanh vì Sáng yểm được bộ quần áo trong lúc đóng số tù. áo sơ-mi trắng, quần ka-ki, bộ quần áo diện Sáng vẫn mặc sang P xem diễu hành, xem bắn pháo hoa ngày 2 tháng 9, bộ quần áo ấy không bị đóng số. Vượt khỏi hàng rào khu quản chế, Sáng trút bộ quản áo tù, mặc vào người bộ xi-vin.

Nhưng Sáng đi đâu được. Là một cậu bé nông thôn, nơi xa nhất Sáng đến là thành phố P. Họ hàng Sáng toàn ở quê. Sáng chỉ có thể về làng. Các ông công an cũng phán đoán như vậy. Các ông về làng Sáng, bắt được Sáng đang ăn cơm với mắm cáy, rau muống luộc dưới bếp cùng với bố mẹ và chị Dậu. Sáng bị đưa lên ô-tô về trại. Chẳng lẽ lại trói Sáng, còng Sáng ngay trước mặt bố mẹ Sáng. Và hình như các ông ấy cũng cho rằng Sáng chỉ nhớ nhà, đói mà trốn về thôi. Lúc đó cả trại chưa ai hiểu được khát vọng tự do của cậu bé nông thôn mới mười tám, mười chín tuổi kia.

Xe đi, tới một thị trấn miền rừng thì dừng lại. Đã trưa. Các ông ấy phải ăn cơm. Sáng ngồi uống nước ngay cạnh. Thế mà chỉ thoắt một cái Sáng biến mất. Các ông bỏ dở bữa cơm. Tìm. Huy động cả dân phố tìm.

Sáng vẫn biến mất, không một dấu vết. Cuối cùng một ông công an tìm thấy Sáng trong hố phân sầu. Đó là một thùng phân người, phân súc vật ngâm với nước giải, súc vật chết. Sáng lặn xuống dưới, mồm ngậm một ống- đu đủ thò lên xuyên qua lớp phân nổi đóng thành bánh dày cứng ở bên trên để thở. Sáng bị đưa về trại. ông Lâm tập trung bọn hắn lại nghe ông nói về đường lối cải tạo con người, về Sáng:

– Những anh nào có ý định trốn trại? Trốn đi đâu? Tôi đố các anh trốn đi đâu được đấy. Chạy ra nước ngoài à? Nước ngoài nó không thèm dùng bọn các anh. Hay vào Nam? Với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ? Được đấy nhỉ. Anh nào có giỏi cứ đi.

Đúng là không trốn đi đâu được! Ngày xưa các cán bộ cộng sản có thể ở nhà một cơ sở hàng tháng. Giờ đây ai nuôi anh được một tuần.

– Chúng tôi đã bắt được anh Sáng, nhưng dọc đường anh Sáng lại nhảy vào hố phân sầu trốn lần nữa. Cơm không muốn ăn, ăn cứt.

Mặt ông đanh lại, khinh khỉnh, khinh khỉnh. Ông tiếp:

– Làm người không muốn lại muốn làm con vật. Con vật biết suy nghĩ cũng không hành động như vậy Có tội mới phải vào đây. Vào đây chỉ có một con đường duy nhất: Chịu sự cải tạo. Chính sách cải tạo nhân đạo của Nhà nước ta rõ như ban ngày: Đưa các anh trở lại làm người, đưa các anh trở lại con đường ngay thẳng. Hiểu rõ tội lỗi của mình. Hiểu rõ giá trị của lao động…

Sáng không được nghe bài nói chuyện của ông Lâm. Sáng đang nằm trong xà lim. Cùm. Mười lăm ngày cháo loãng cầm hơi. Lần này Sáng được nắn lại mặt mũi một cách căn bản. Đầu cắt trọc. Trên cái mặt choắt lai, trông đầu Sáng to ra một cách kỳ dị. Mũi tự nhiên to ta. Mồm như vẩu. Toàn răng là răng. Xanh bóng. Gió thổi cũng bay. Lướt đi. Trong bộ quần áo xám đóng số đỏ rộng thùng thình. Nhưng không có gì dập tắt được khát vọng tự do của Sáng. Hai tháng sau Sáng lại trốn trại. Lần này Sáng cáo ốm. Tù ốm, khi bị dồn vào một buồng, khi được ở lại buồng mình (tất nhiên là đều khoá). Trong một lần ở lại buồng toán mộc – toán Sáng, Sáng đã thủ sẵn một lưỡi cưa. Sáng cưa chấn song cửa sổ (chấn song gỗ to bằng cổ tay). Cưa đứt xong Sáng gắn lại bằng vôi. Khi chuyển buồng Sáng nhận chỗ nằm ngay cạnh cửa sổ là vì mục đích ấy. Sáng chờ. Sáng chờ một đêm mưa bão. Vẫn để nguyên màn mắc chui ra. Vượt qua giao thông hào. Trèo qua hàng rào cao. Vào rừng. Mãi đến sáng, trại mới biết Sáng trốn. Báo động toàn trại. áo vàng. áo xanh. Và chó. Vào rừng sâu. Trèo lên những đỉnh rừng cao nhất. Xuống thung lũng. Phục kích đón lõng. Cả ngày. Cả đêm. Các ông dắt chó qua chỗ hãn làm tỉnh táo, khoẻ khoắn và khô ráo. Khi trở về ướt đẫm người, ướt đẫm chó, mệt mỏi bơ phờ tức giận.

Sáng bị bắt lại sau năm hôm chui lủi trong rừng.

Lần trốn trại thứ tư phải đến nửa năm sau. Sáng trốn theo lối nhà mét. Nhưng lần ấy Sáng bị lộ. Các ông để Sáng trèo qua mái buồng giam, trèo qua hàng rào cao vây quanh trại mới thả chó ra. Sáng vừa tiếp đất thì lũ chó chồm lên. Các ông để chó làm việc với Sáng. Năm con chó cắn xé một anh tù kiệt sừc như một cái giẻ vật vã dưới đất. Không còn mảnh quần áo nào lành. Ngực, mông, đùi Sáng đầy những vết răng chó. Sáng tắm máu. Lại xà lim. Mức xà lim tăng dần lên. Lần thứ ba một tháng. Lần này hai tháng. Phải đè bẹp ý chí của Sáng. Phải để cho những ai có ý định trốn trại nhìn vào Sáng. Hết hạn phạt ra khỏi xà lim,

Sáng không thể gầy hơn được nửa. Đã định hình rồi, Sáng chỉ khác trước có đôi mắt. Đôi màt lờ đờ. Sáng như không nhìn thấy gì. Không nhìn thấy ai. Như người đang sống ở đâu đâu. Đôi mắt Sáng chỉ nhìn thấy chập chờn định mệnh.

Hắn kính trọng khát vọng tự do của Sáng, con người hành động của Sáng, nhưng hắn cũng nghĩ như Lượng, như ông Lâm, chánh giám thị trại Q.N: Không thể trốn đi đâu được trong xã hội quản lý tuyệt vời hoàn chỉnh này: Sổ gạo, phiếu thực phẩm, sổ hộ khẩu, phiếu chất đốt. Đúng là chỉ có một con đường: Chịu đựng. Chịu đựng cho đến bao giờ là tuỳ ở ý thích của các ông ấy. Bởi thế lại càng phải giữ mình, giữ mồm. giữ miệng, cẩn thận từng li từng tý. Không tin một ai. Giữ kín lòng mình. Không cởi mở với một ai. Không phàn nàn kêu ca điều gì. Dù như vậy là quá sức mình. Nhưng đó là cách duy nhất để còn có ngày về. Hắn đã làm được như vậy. Cả trại đã làm được như vậy, trừ một số ít anh em cánh trẻ.

Ngồi trên cái xe đạp Hiển đèo đi lấy giấy tờ để thoát khỏi trại, hắn cứ nhìn về phía trại, cứ nhìn theo đoàn cán bộ cùng với chó dong Sáng về trại, về cái vòng tròn hàng rào những cột cọc gỗ nứa vây ba phần tư quả đồi nằm lọt trong lòng chảo, bốn chung quanh núi cao rừng rậm. Dù đã khuất sau ngoẹo núi, hắn như vẫn nhìn thấy đoàn người dẫn Sáng đi ngược lại ấy. Hai vec-tơ ngược chiều. Hắn đến với ánh sáng. Còn Sáng đi vào bóng tối. Buổi sáng này là tuyệt vời với hắn. Buổi sáng này là tuyệt vọng với Sáng, là đổ sụp với Sáng. Đời. Bày ra lắm trò chơi đến thế. Lại một lần nữa hắn cảm thấy tất cả chặng đường ghê rợn hắn vừa bỏ lại sau lưng. Và hắn muốn mau mau thoát khỏi nơi này, mau mau về với tự do, về với bố mẹ, vợ con, bè bạn.

 

Về đầu

 

Chương 11

Từ hai căn nhà lợp lá cọ hình thước thợ lẩn dưới tán lá những cây to vọng ra tiếng cười nói làm Hiển và hắn tin rằng mình đã đến nơi định đến. Hiển dựng xe ở vách. Hai người rụt rè bước vào. Trước mặt hắn là một khung cảnh quen thuộc. Đó là nơi làm việc văn phòng, mà từ khi đi công tác hắn đã sống và trưởng thành, vì thế hắn còn thấy gần gũi nữa. . Là nơi cán bộ công nhân viên ngày ngày đến với sổ sách giấy tờ và được công nhận cái danh hiệu vẻ vang là người nhà nước. Tủ đứng mậu dịch xếp liền nhau. Bàn mậu dịch cùng đánh một mầu dầu bóng. Những người công an nam nừ mặc sắc phực ngồi trước bàn. Một cái bàn chỉ dể ấm chén, phích, gầm bàn có sọt để điếu cầy.

Thấy hắn vào, tất cả im câu chuyện. Hắn và Hiển đưa giấy tờ cho một cô thượng sĩ:

– Báo cáo bà. Chúng tôi đến lấy giấy tờ.

Người này chỉ sang bàn bên. Một cô trung sĩ trẻ da ngăm ngăm, xấu xí, quê mùa cầm lấy tờ giấy.

– Anh chờ một tý.

Đã lâu lắm hắn mới nghe thấy âm thanh của phái đẹp. Nó trong. Vang. Ngân nga. Nó lăn vào lòng người êm dịu.

Cô trung sĩ vào sổ và giở một cái cặp ba dây. Cô bảo Hiển sang bàn bên (chắc hồ sơ tù án để riêng). Bên ấy cũng là một trung sĩ. Tiếng máy chữ bỗng rộ lên rào rào, giòn tan, vui vẻ. Cô trung sĩ đứng lên mở tủ. Cô quá béo. Hàng cúc áo quân phực chật căng, tóc xoã xuống vai mềm mại. Hắn cảm thấy cô xinh đẹp, uyển chuyển nữa. Hãy thông cảm với hắn. Hắn là người có thẩm mỹ. Nhưng hắn đã nhìn những khuôn mặt sát khí đằng đằng của các ông quản giáo súng lục trễ hông, các ông vũ trang lạnh lùng, súng trường lệch vai quá lâu rồi. Ngày đêm, chung quanh hắn chỉ là những người tù, toàn đàn ông quần áo xám một màu, những số tù di động, những nước da bờn bợt, sưng sưng, cử động chậm chạp, nhìn xuống, miệng mím, đôi mắt mệt mỏi lờ đờ. Thấy những người không thuộc đối tượng quen thuộc ấy, hắn đều thích thú.

Như hôm chuyển trại từ Q.N lên dây, cùng già Đô “hai ba nào” nhảy xuống đái, hắn bỗng nhiên nhìn thấy đồng bằng. Những bà mẹ ngồi ở vệ đường với quang gánh cải bắp. Những đứa bé cởi truồng, thò cả chim chạy theo người lớn, vừa chạy vừa khóc trong tiếng vọng về của một phiên chợ gần đâu đó. Hắn như tỉnh lại. Lúc này hắn thấy các cô sao mà uyển chuyển và duyên dáng, nhất là mái tóc. Những mái tóc mềm mại óng ả chảy xuống vai. Thì ra cuộc đời vẫn tồn tại những mái tóc như vậy.

Cô trung sĩ đưa cho hắn một tờ giấy nhận tiền:

– Anh chờ một tý, chị thủ qũi sắp về.

Hắn bảo Hiển:

– Khéo muộn mất. Sắp trưa rồi. Cô trung sĩ thông cảm với hắn:

– Ô-tô có đến ba giờ chiều cơ. Anh tranh thủ nhận quần áo và thay, trả quần áo cho trại.

Cô mở một tủ khác, đưa cho hắn bộ quần áo nâu. Hắn biết ai về cũng được phát bộ quần áo nâu này. Bộ quần áo của tự do đấy. Mặc bộ quần áo ấy anh là người tự do. Đó là bộ quần áo khao khát ước mơ. Hắn cầm bộ quần áo gụ, mới tinh, hỏi lối và đi sang phòng thay quần áo. Chỉ một mình hắn. Hiển không nhận quần áo nâu. Hiển đã có bộ cánh người nhà đem lên, Hiển không cần. Phòng thay quần áo liền bên, hơi tối, vì các cửa đều đóng. Những cây luồng buộc từ cột nọ sang cột kia, chạy bốn chung quanh. Rất nhiều quần áo tù cũ vắt ở đây. Muỗi đói vo ve bay lên, rồi lại đậu xuống những chữ số đỏ đen lòi ra ở những chiếc quần ảo mốc hôi hám, dấu vết trút lại của những người thoát khỏi tù đày, về với tự do.

Hắn thay nhanh. Hắn ngắm nghía bộ quần áo nâu mặc trên mình, vuốt vuốt nếp áo, kéo cái ống quần, hớn hở và sung sướng như hồi còn bé, mẹ hắn may cho hắn bộ quần áo nâu khi hắn ở vùng giáp ranh về từ biệt mẹ, đi lên Thái Nguyên. Lần ấy, chính mẹ hắn vuốt tà áo, kéo gấu quần cho hắn. Từ xám chuyển sang nâu, hắn đã đổi màu. Hắn không vắt bộ quần áo tù của hắn lên cây luồng để trả trại. Hắn gấp và cuộn tròn bộ quần áo cũ, lấy dây dải rút ở cái quần dài quấn lại như bó giò thật chặt, rồi đút vào ca, cho ca vào túi. Cái túi nom chẳng phồng ra bao nhiêu. Cái trò yểm hắn thạo. Hắn muốn đem bộ quần áo tù CR 880 của hắn về nhà, cho vợ hắn, bạn bè nom thấy màu tù, cái đã khoác lên người hắn cả quãng đời vô tận vừa qua. Hắn muốn đem về làm kỷ niệm.

Hắn nghe thấy tiếng người rộ lên bên văn phòng. Tiếng các cô thánh thót, ríu rít, tiếng đàn ông cười vui. Hắn hiện ra ở cửa văn phòng với bộ quần áo nâu.

Và hắn lại nhìn thấy ông Thanh Vân. Ông đang kiễng chân giơ một tệp sách lên cao giữa gần chục bàn tay trắng trẻo của các cô công an từ hạ sĩ đến thượng sĩ.

Một cô kéo tay ông Thanh Vân xuống:

– Đưa đây xem nào.

Một cô khác:

– Hay không đấy?

Cô trung sĩ béo tin tưởng: .

– Truyện Thanh Vân chọn thì nhất rồi.

Người ta đang giải lao. Người ta đang nô đùa một tý.

Ông Thanh Vân đặt mấy quyển sách xuống bàn. Các cô mỗi người một quyển. Hắn thấy một quyển truyện của người bạn hắn. Và kìa Quyển “Người gác đèn biển”. Quyển truyện của hắn. Quyển truyện hắn viết. Hắn đã là người viết văn. Tên hắn in trên bìa sách chứng tỏ điều đó.

Như có một ma lực, hắn bước đến chỗ ấy. Hắn buột kêu to như gặp lại con mình:

– Thưa các ông các bà, đây là sách tôi viết.

Mọi người ngơ ngác. Cả Hiển cũng không hiểu câu hắn vừa nói.

– Cái gì? Anh nói gì?

Đấy là câu hỏi của ông Thanh Vân. Han cầm lấy quyển truyện. Bìa có đóng dấu của trại. Hắn nhìn mãi vào những chữ tên hắn in trên bìa sách. Thật không tin được. Bề thế, trang trọng như nhiều tên tác giả khác, như mọi người làm văn hoá khác. Mọi người đáng được kính trọng khác. Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời. Hắn choáng váng muốn ngã. Hắn lật trang trong”. Mùa hè đã về trên biển. Câu mở đầu quyển truyện của hắn. Bỗng nhiên hắn đối mặt với tuổi trẻ của hắn. Tuổi trẻ phơi phới và tin tưởng. Coi thường mọi vất vả khó khăn. Buổi gặp gỡ với độc giả do Thư viện Hà Nội tổ chức khi hắn tròn ba mươi tuổi. Những độc giả trẻ đáng yêu tuyệt vời. Những giờ phút trí tuệ thăng hoa. Nhưng đêm khuya, như một con ngựa kéo cày, đánh vật với ngôn ngử. Và những chuyến ra khơi mê hoặc. Sóng cứ to lên mãi. Nước cứ xanh lên mãi. Biển đó. Loà nắng. Sóng dào dạt. Gió dào dạt. Hắn từ tàu xuống xuồng. Tàu chỉ đu đưa. Còn xuồng thì tung lên hạ xuống. Hắn nắm chắc thang dây ướt và bẩn. Chở sóng hút xuồng xuống, hắn nhảy. Những người khác nhảy. Sóng bắn lên mặt. Lên môi. Mặn. Xuồng vọt lèn, vào đảo. Con đường trên đảo rải toàn san hô. Hắn bám vách núi đá lên Bàn Cờ Tiên. Mồ hôi dính áo. Những cây bòng bòng héo nẫu đứng im phăng phắc. Tay bám vào những thớ đá. Chân bám vào những thớ đá. Mạt úp vào đá. Hơi đá nóng phả ra. Thở cả mang tai. Hầm hập. Hầm hập. Và bỗng nhiên tóc bay tung. Gió tới tấp Mát lạnh khuôn mặt. Đã lên đến đỉnh: Bốn phía chân trời.

Hắn lắp bắp như người nghẹn thở:

– Quyển sách của tôi!

Cô trung sĩ nhìn giấy tờ của hắn. Rồi lại nhìn tên hắn in trên bìa sách. Cô đưa tờ lệnh tha cho ông Thanh Vân đọc. ông ngẩng lên nhìn hắn chàm chú từ đầu đến chân. Rồi với giọng hiểu biết:

– Anh lại Nhân văn Giai phẩm chứ gì?

Hắn lắc đầu:

– Báo cáo ông. Nhân văn Giai phẩm có từ năm 1956, tôi bị bắt năm 1968.

– Thế anh bị bắt về tội gì?

Đúng như hắn nghĩ: Trại chỉ là cái kho. Có lệnh nhập thì nhập. Có lệnh xuất thì xuất. Ban giám thị, ban giáo dục, ban quản giáo chỉ là người giữ kho. Ông Thanh Vân, thuộc ban giáo dục, còn hỏi hắn: Anh bị bắt về tội gì?

Đối thoại sao được với ông Thanh Vân. Mỗi người một mặt bằng khác nhau. Làm sao có thể hiểu được tiếng nói của nhau. Làm sao ông có thể dịch nghĩa tội tuyên truyền phản cách mạng của hắn như anh em tù à! Tội nói sụ hật”.

Hắn chỉ cười mà không trả lời ông Thanh Vân. Hắn cầm tờ lệnh tha từ tay cô trung sĩ. Hắn đi đến bàn thủ quĩ lĩnh tiền. Biết nói gì với ông Thanh Vân. Ông có biết Nhân văn Giai phẩm” là gì không. Hay ông chỉ nghe nói đến như một tên tội chung cho tất cả những người làm vàn nghệ. Hẳn ông xuất thân từ một gia đình cốt cán ở nông thôn, được số phận nuông chiều, khi bé chăn trâu cắt cỏ. Lớn lên đi học, rồi đi công tác thoát ly, vào đây làm quản giáo. Đến bây giờ hắn mới thấy ỏng còn trẻ quá. ông chỉ mười tám, mười chín tuổi.

 

Về đầu

 

Chương 12

 

Bữa cơm tự do đầu tiên của hắn là bữa cơm hắn ăn ở quán án cạnh quốc lộ. Hắn không nhớ hắn ăn những món gì. Hắn chỉ nhớ dấy là quán cơm bán cho những người lao động. Một quán bên đường. Hắn cũng nhớ được là hắn vừa ăn vừa nhìn sang hàng bán bánh cuốn ngay bên cạnh. Hắn nhớ thế, vì khái niệm bánh cuốn đã quên đi bỗng sống lại trong đầu hắn: ở mãi trong tù hẳn hắn quên đttt món ăn thuở bé hắn rất thích này. Mẹ gọi là bánh tráng. Thế mà hắn suýt quên.

Hắn ăn cơm một mình, chẳng thấy ngon miệng. Bữa ăn ấy chẳng làm sao nhớ được. Hắn vừa ăn vừa sẵn sàng vửt bát đũa xuống chạy ra, nếu có ô-tô đến. Hắn đợi ô-tô một mình. Hiển đã đi ra trước bằng xe đạp với cả một đàn tháp tùng. Hiển đã dắt hắn đi mua chè ở nhà dân. Hắn nghiện chè, chưa bao giờ hắn có nhiểu chè như thế.

Hắn có tiền. Hắn được trại phát mười tám đồng. Đó là tiền trả công cho năm năm tù của hắn. Cầm món tiền. hắn nghĩ ngay đến việc tiêu. Mua chè. Chè ở đây nhiều, rẻ và ngon. Ai ở đây về cũng mua chè.

Hắn cũng mua. Hai ki-lô.

Hắn chỉ để lại số tiền vừa đủ về tới Hà Nội. Cái bọc của hắn bây giờ phồng căng. Hoá ra bộ quần áo nâu là bộ quần áo có một phẩm trật tột cùng trong trại, ra đến đây lại là bộ quần áo chỉ cái thứ hạng thấp nhất trong xã hội. Nó nói với mọi người rằng hắn là một tên tù mới được tha. Ai cũng hiểu hắn là một tên tù vừa mãn hạn, một tên tội phạm bị pháp luật trừng trị, cải tạo nay được trở về, bắt đầu học lại cách sống lương thiện. Dân ở đây đã quá quen với những người mặc quần áo nâu như hắn.

Bà chủ quán hỏi hắn:

– Chú có uống chén rượu không? Tôi rót nhé. Tôi không tính tiền đâu.

Rõ ràng bà biết hắn vừa ở đâu ra. Nhưng không hỏi: “Chú bị có lâu không? ” Hay “Chú về tận đâu? ”

Và bà muốn thết hắn chén rượu mừng. Tuyệt vời làm sao. Cái tình người đầu tiên hắn hưởng khi trở lại với thế giới này.

Cứ ngồi đây, ô-tô qua luôn. Từ giờ đến tối còn nhiều ô-tô.

Hắn ngồi nép vào một góc quán, tay ôm cái bọc, nhìn trời, nhìn nắng và sốt ruột. Mặt trời đã chênh chếch trên đầu cây đa Tân Trào xa xa rồi”. Cây đa Tân Trào đồng chí Giáp ra quân, Trần Dần đã viết như vậy về cây đa này đấy.

Mãi mới có tiếng xe từ xa”. Xe đến đấy! ” Bà chủ quán bảo hắn. Hắn đứng bật lên, tay cầm cái nón chóp cũ vẫy vẫy chiếc xe ca đang tới. Xe đông người vút qua trước mặt hắn. Người đứng lèn nhau cả ở bậc lên xuống. Hắn hoảng hốt và tuyệt vọng. Nhưng bộ quần áo nâu đã cứu hắn.

Hắn nghe tiếng một phụ nữ trên xe hét to:

– Ông tài, dừng lại cho người ta lên. Người ta vừa ở trại ra. Cho người ta lên.

Đó là tiếng nói của thiên thần, của người mẹ Việt Nam lúc nào cũng hiểu được khổ đau của người khác.

Hắn vứt cái nón chóp xuống vệ đường, trèo lên lách vào phía trong. Xe chuyển bánh về Hà Nội.

 

Về đầu

 

Chương 13

 

 

 

Cuối tháng 9 -1954, hắn đã làm một cuộc hành trình cuốc bộ từ Việt Bắc về Hà Nội. Đúng hơn là về một làng gần thị xã Hà Đông, rồi đi ô-tô về Hà Nội. Cuộc đi bộ hàng trăm ki-lô mét kéo dài nhiều ngày ấy với hắn là những ngày hội. Không thấy mệt. Hay có thấy nhưng cứ hơn hớn. Lúc bấy giờ hắn cảm thấy người ta xếp đặt thế giới này cho bọn hắn. Như câu hát của trẻ em hiện nay “Trái đất này là của chúng mình”. Bọn hắn toàn đi qua những vùng mới giải phóng. Những vùng Tây mới rút. Đồng bào, nhất là thanh niên và trẻ em các làng xóm quây lấy bọn hắn, ngắm nghía bộ quần áo màu cỏ của bọn hắn… Bọn hắn nhảy múa tới khuya và nằm ngử ở các gia đình, có khi ở sân đình. Rồi lại đi. Đi giữa ban ngày. Đi ngay trên đường nhựa. Đi và gặp nhiều đoàn khác cũng về xuôi. 


Nằm chờ ở một vùng Hà Đông, bọn hắn được tập trung ở một sân đình rộng. Và hắn không thể ngờ được: Anh Diệu, người anh con ông bác ruột, ở Tuyên Quang, cũng có mặt trên sân. Hắn hiểu: Tất cả cơ quan đầu não của ta đã có mặt ở đây, áp sát thủ đô, sẵn sàng vào Hà Nội.

Hắn nhớ – điều này hắn nhớ – giọng trầm và chậm của ông bác sĩ, phó chủ tịch Uỷ ban quân chính Hà Nội căn dặn bọn hắn:

– Các đồng chí hãy nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Người cán bộ kháng chiến nghìn vàng không mua được”.

Hắn lại trúng số độc đắc: Được lựa chọn trong số người vào Hà Nội trước, chuẩn bị cho Đại quân ta vào Thủ đô.

Bọn hàn, những thanh niên hai mươi tuổi, kiểm tra lại từng cái (ây buộc bát sắt trên túi ba-lô. kéo lại xanh-tuya, rồi lên ô-tô. Tới một chỗ, có xe ô-tô của Tây đón. Hắn giữ được nét mặt tỉnh bơ khi các nhà báo chụp ảnh ở nơi đón tiếp. Ngồi cùng ô-tô với hắn là một người lớn tuổi, nghĩa là gần ba mươi, một thanh niên đã chiến đấu và rời Hà Nội cuối năm 1946, đi kháng chiến. Đồng chí Vũ, đoàn phó “Đoàn thanh niên công tác” của hắn.

Xe tải nhà binh, có mui, có ghế ngồi bắt vào thùng xe. Phía cuối xe là hai lính thuộc dịa, nước da nâu, cầm stíng dể ngang đầu gốl. Hắn ngồi cạnh đồng chí Vũ. Hắn chỉ nghe nói đến Hà Nội khi hắn đi học trên Thái Nguyên. Những chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, những Nam Đồng, ô Chợ Dừa. Những tên gọi qua thơ Văn Cao. nhạc Nguyễn Đình Thi, bút ký Trần Đăng. Những tên gọi ấy là khát vọng, là lương tâm của hắn, của những người đi kháng chiến.

Hắn ngồi im nghe đường nhựa kêu dòn dưới bánh xe lăn.

Bỗng nhiên Vũ lẩm bẩm một mình, rất khẽ:

– Ngã Tư Sở!

Và một lúc sau:

– Khâm Thiên

Rồi: .

– Ga Hàng Cỏ

Tiếng thì thầm của Vũ làm hắn xúc động hơn cả tiếng gào: “Hà Nội ơi, ta đã trở về! ”. Hơn cả những giọt nước mắt chảy trên mả người chiến sĩ. Hắn biết xe đang đi qua những nơi ấy. Hắn xúc động không kém gì người chỉ huy của hắn khi xe vào giữa lòng Hà Nội.

Giờ đây hắn cũng xúc động như vậy khi xe chạy qua đê Yên Phụ về bến Nứa, khi gió mát sông Hồng phả vào mặt hắn. Lúc đó đã chiều tà. Đèn dường đã bật. Ôm cái túi có hai cân chè, một cái ca, bộ quần áo tù yểm được và một bọc thư từ, hắn đi dọc những phố xá đông đúc, chả ai để ý đến hắn. Hàng Đậu, Hàng Đường, Hàng Đào. Như một người từ cung trăng rơl xuống. Còn hơn cả Trần Đăng hồi kháng chiến “một lần đến Thủ đô”, “đi giữa thành phố len dạ và ánh sáng”.

Trời đã tối hẳn. Người, xe, tàu điện. Cửa hàng đèn điện. Hồng Vân, Long Vân kem máy. Hắn nắn túi. Còn ít tiền. Hắn mua ba chiếc kem hết ba hào. Đi xuôi về phía Thuỷ Tạ. Ngồi xuống một gốc cây tối và khuất. Cắn, mút. Hớp những chỗ kem chảy. Ngọt. Bùi. Mát lạnh. Thế giới vẫn còn nền văn minh này: Làm cho mọi thứ lạnh đi.

Lần này về Hà Nội hắn mua kem ăn ngay. Không như dạo 1954 vào tiếp quản. Kỷ luật tiếp quản là không được vào quán ăn uống”. Người cán bộ kháng chiến nghìn vàng không mua được”. Đóng ở nhà thương Đồn Thuỷ, bọn hắn cử người đạp xe đi mua kem Cẩm Bình cho vào túi mang về, cả đơn vị cùng ăn. Bờ Hồ vẫn như xưa. Vẫn những cách đi ấy, cách ngồi chơi hóng mát, tìm sự tĩnh lặng trong ồn ào ấy. Những đàn ông ấy, đàn bà ấy, trẻ con ấy của cuộc dời. Mặt hồ phẳng lặng, gợn ánh điện như những ngày nào hắn vào tiếp quản, như những ngày nào hắn cùng vợ hắn, còn là một cô nữ sinh tóc xoã, ngồi ghế mây uống nước chanh đá, ngắm mặt hồ huyền bí và thấy trong lòng mình những điều huyền bí đang đến: Tình yêu.

Hắn nhận ra hồ. Hắn nhận ra Hà Nội. Nhưng hồ, Hà Nội không nhận ra hắn. Không nhận ra người quần áo nâu, ôm tay nải đang mang trong lòng mình bao nỗi mềm cảm xúc khi về tới Hà Nội, về tới Hồ Gươm. Con đường đôi cạnh hồ này đây, bọn hắn đã hát vang những bài ca kháng chiến, dù đêm đã khuya, đêm thu tiếp quản, đường nhựa ướt đẫm mưa thu. Mưa vẫn say sưa hát, bởi vì hạnh phúc là được đứng trong hàng, hát đồng ca.

Bốt Hàng Trống, nay là đồn công an. Hắn đã bị nhốt ở đây, ngày 9-10-1954, trước hôm tiếp quản một ngày.

Sáng mồng chín như thường lệ, bọn hắn lên chiếc xe Citroen đen cùng với một sĩ quan Pháp, đi tiếp quản các công sở. Lẽ ra một sĩ quan ta đi cùng với một sĩ quan Pháp, nhưng có lẽ bên Pháp đã rã đám vì ngày mai mồng 10 tháng 10 đã phải rút khỏi cầu Long Biên, nên họ chỉ cho một sĩ quan đi với ba người phía hắn.

Tới ngôi nhà 14-16 phố Hàng Vôi, xe đếng lại. Hắn xuống xe đi tới ấn chuông. Thay vì một người Pháp đi ra như mọi ngày, hắn thấy một cô gái ló đầu sau cửa xếp. Hắn giật mình lùi lại. Lần đầu tiên trong đời, hắn giáp mặt một người như vậy. Đầu uốn quăn như cái rế, môi son đỏ chót, má phấn. Cô gái còn giật mình hơn cả hắn. Chỉ thiếu kêu rú lên như giẫm phải rắn.

Hắn định trình bày, nhưng cô gái không nói một lời, biến mất. Một lúc sau, một người đứng tuổi, béo. tốt mặc pi-gia-ma ra, vẫn đứng sau cửa sắt:

– Các ông nhầm. Đây là nhà tư.

Và đi vào.

Hắn đứng ngoài phố một mình, bộ quân phục xám. Phía bên kia phố là những ngôi nhà bốn tầng nhiều cửa sổ. Lính Pháp, lính ngụy… kín các cửa sổ, nhìn xuống hắn.

Các em nhỏ xúm lại quanh hắn trước tiên. Rồi người lớn đứng vòng ngoài. Họ đến để chiêm ngưỡng hắn, biểu lộ lòng quý mến những người kháng chiến, những người chiến thắng. Một người nói với hắn:

– Anh vào nhà tôi. Đứng thế này nguy hiểm lắm.

Nhưng một chiếc xe Citroen sơn trắng đã đến. Một người Pháp to lớn bước xuống (hẳn ông mặc pi-gia-ma đã gọi điện thoại tới). Hắn đưa giấy tờ của hắn. Giấy của Uỷ ban Liên hợp. Trung tá Đoàn Thế Hùng ký, Cô-lô-nen Galibe ký. Người ta mời hắn lên ô-tô về bốt Hàng Trống…

Hắn nhìn vào bốt Hàng Trống, lối đi hun hút nơi hắn đã ngồi trên chiếc Citroen trắng. Lối đi ấy bây giờ vắng, nhưng hôm ấy hai dãy lính bồng súng, lưỡi lê sáng quắc. Hắn sợ hãi, lo lắng và yên tâm ngay, khi thấy mấy đồng chí bộ đội đeo quân hàm ngồi trong buồng làm việc. Suốt ngày hôm ấy hắn phải ngồi ở bốt Hàng Trống, trong một căn buồng trên gác, nhìn sang bên kia đường Tràng Thi, san sát những biển hàng có vẽ những chiếc giày rất to, những mái đầu cua các hiệu uốn tóc, những hiệu chụp ảnh. ở căn gác đối diện, một cô gái quần trắng, áo trắng, nằm trên ghế xích đu đọc báo Tia Sáng, số báo Tia Sáng cuối cùng.

Mãi tối hắn mới được về Đồn Thuỷ trên một chiếc xe chở bánh mì, có hai người lính Âu Phi gác.

Hắn thở dài, tiếng thở dài chào bốt Hàng Trống. Tiếng thở dài vĩnh biệt một thời.

Hắn đã đặt chân lên phố Bà Triệu. Đường phố vẫn như xưa. Mùi hoa sữa. Hắn khựng lại vì vấp phải mùi hoa sữa. Con đường này, mùi hoa này là tuổi trẻ của hắn. là tình yêu của hắn. Nàng đi cạnh hắn như đi trong mơ.

Nhiều kỷ niệm quá. Hắn tự nhủ phải bình tĩnh.

Hắn nắm chặt cái ca trong túi vải. Hắn đi trên vỉa hè rộng. Hắn tìm một số nhà, nhà một người bạn thân của hắn.

Hắn không muốn về nhà anh chị Diệu ngay bây giờ. Cũng gần, ngay phố Ngô Văn Sở thôi. Hắn biết, anh chị rất quí mến và thương hắn. Chả là anh chị đều làm ở một cơ quan báo, đánh giá cao khả năng của hắn và tin ràng hắn chẳng có tội gì.

Nhưng bạn hắn hiểu hắn hơn. Bao giờ bạn hắn cũng hiểu hắn hơn. Nhất là Phương. Nguyễn Vũ Phương, biên tập viên điện ảnh.

Lối đi nhỏ chạy cạnh ngôi nhà mặt đường dẫn sâu vào dãy nhà trong. Hắn hiện ra ở cửa.

– Thằng Tuấn

Bố mẹ Phương kêu lên và ôm lấy hắn, rồi quay lại đẩy hắn ra xa mà ngắm nghía:

– Về bao giờ? Tuấn! Trời ơi Được về rồi hả?

– Con được tha sáng nay. Con vừa về đến đây.

Hắn tìm kiếm điều hắn đang mong. Bố mẹ Phương hiểu, nhưng không nói. Hắn không thể im lặng được nữa:

– Phương đi chơi, hả bác?

Hắn nhận được câu trả lời bất ngờ nhất:

– Nó bị bắt rồi, con ơi.

Như chỉ chờ có vậy, mẹ Phương oà lên khóc.

 

Về đầu

 

Chương 14

 

Hắn vẫn hình dung ngày trở về của hắn khác cơ. Khác thế nào, hắn không biết. Trong tù, những người tù tuyệt vọng đố nhau: Nếu được tha thì về nhà lúc nào là tốt nhất. Đa số nói: Về nhà vào buổi tối. Đứng nép ngoài cửa, yên lặng nhìn vào trong nhà, xem bố mẹ hay vợ con đang làm gì. Để biết được, để nhìn thấy được một buổi tối bình thường của gia dình khi mình ở trong tù.

Bữa ăn mẹ Phương nấu cho hắn, hắn nhớ. Hắn nhớ bát mì sợi nóng hổi. Có cả rau muống đầu mùa, mềm xanh. Cả mấy miếng đậu rán, ớt bột. Nhưng nóng. Nóng quá. Hắn không quen ăn nóng. Năm năm hắn chỉ quen ăn nguội, nguội tanh nguội ngắt. Mùa rét, ăn xong run cầm cập.

Hắn thổi, hắn húp xì xoạp. Có cả mỡ nước. Mỡ lợn thật, không phải mỡ hoá học. Mồ hôi hắn vã ra, nước mũi chảy như lúc ốm. Mẹ Phương đứng nhìn hắn ăn, lấy khăn tay chấm nước mắt. Bà ép hắn:

– ăn nữa nhé Còn một tí nữa thôi!

Hắn lắc đầu:

– Con no lắm, no lắm rồi.

Hắn sẽ không bao giờ quên bát mì gia đình nóng bỏng ấy. Nóng và tình thương xót. Suốt buổi tối, trong khi trò chuyện, bố mẹ Phương nhìn hắn như qua đó tìm hiểu những gì Phương đang chịu trong tù. Hắn biết vậy. Hắn hiểu, hắn không được phép gây thêm một mối lo lắng suy nghĩ nào đối với bố mẹ Phương đã quá thừa đau khổ.

Nhưng dù hắn có nói chăng nữa, cũng chẳng ai hình dung được những điều gì đang đến với Phương. Chỉ có hắn biết được thôi. Ngay cả chính Phương nữa, Phương cũng không biết được những gì sẽ đến với mình. Hắn vẫn cứ rợn người khi nghĩ đến một anh tù cựu nhìn hắn dạo hắn mới bị bắt. Hắn bị giam ở khu 76. Hắn cũng chẳng biết đó là khu gì, chỉ biết cả mấy dãy xà lim nằm lọt thỏm giữa tường bao có dây thép gai chạy điện, chỉ có hắn và một anh tù nữa, mỗi người một xà lim. Anh tù kia còn trẻ, mặt xanh rớt, đầy trứng cá.

Trong một lần ông quản giáo mở cửa cho hắn đi đổ bô, hắn thấy anh tù trẻ dang ngồi nhổ cỏ dưới nắng. Thật là hạnh phúc đến khó hiểu. Hắn lễ phép:

– Thưa ông, xin phép ông cho tôi được nhổ cỏ.

Ông quản giáo đứng lặng như trời trồng. Khi đã hiểu ra, ông giận dữ sập mạnh cánh cửa. Hắn phải ngả người về phía sau, suýt nữa cánh cửa đập vào mặt hắn. Cái bô cứt và nước đái trong tay sánh rớt xuống chân hắn. Có tiếng khoá cửa. Hắn bị trừng phạt vì hắn, một kẻ có tội đang giam cứu mà lại đi đề nghị những điều như vậy với quản giáo.

Thế rồi anh tù trẻ chuyển đi, còn lại một mình hắn. Một mình hắn trong một dãy xà lim mênh mông. Hơn một tháng sau khi bị bắt, hắn được gọi ra cắt tóc. Một người tù mặc quần áo xám với cái hòm cắt tóc, chiếc ghế đẩu, đã đứng sẵn dưới tán lá chuối sát tường. Hắn ngồi xuống ghế. Ông quản giáo dứng cạnh, suốt thời gian cắt tóc, không rời mắt khỏi hai người. Hắn mủi lòng nhìn những nạm tóc xanh đen của hắn rơi xuống đất. Không ngờ máu huyết mẹ cha cho lại rơi xuống xó nhà tù. Hắn rơm rớm.

Lựa lúc người tù cắt tóc quay lưng lại phía ông quản giáo, che khuất hắn, hắn ngước nhìn anh ta. Đó là một người đứng tuổi, râu mép có những sợi bạc, da sạm. Và cặp mắt anh ta dang nhìn hắn làm hắn rùng mình. Anh ta nhìn hắn như nhìn một người đang đi về cõi chết. Đó là vĩnh biệt, là ái ngại, là thương xót, là đồng cảm, chia sẻ. Cái nhìn buốt xương sống, lạnh tim, báo cho hắn biết hắn mới chỉ ở tầng đầu địa ngục và đang tiếp tục xuống từng nấc thang khủng khiếp.

Cái nhìn của một con vật hiểu thế nào là lò sát sinh nhìn con vật khác ú ớ, lớ ngớ bước vào mà không biết mình đang bước vào đâu.

Mãi sau này hắn mới biết 76 là khu trọng phạm. ở đó là án tử hình, là án chung thân, là đi chuyến tàu suốt.

Đôi mắt người ấy như một lời tiên tri, một định mệnh. Nhưng hắn tin ở hắn. Hắn không có tội. Hắn sẽ được tha một ngày gần đây thôi. Phương bây giờ mới bước những bước đầu tiên như hắn khi đó. Đến bao giờ Phương mới đi hết đoạn đường của Phương. Đoạn đường ấy thăm thẳm, ghê rợn, khủng khiếp vô tận, mà nhĩng người ngoài cuộc không thể nào hiểu được. Hắn choáng váng. . Hắn như nhìn thấy Phương đừng trước mặt hắn. Tầm thước, mắt đẹp và thông minh, cằm hơi vểnh ra, kiểu cằm Maiacôpxki. Hắn nhìn thấy Phương cười. Hắn nghe thấy cả tiếng cười và sau đó là câu nói:

– Tuấn ạ! Tao vừa đi Hải Dương về. Thăm trại chăn nuôi lợn giống. ở đấy tao thấy con lợn đực nhảy lên phóng tinh vào con lợn gỗ. Cọn lợn ấy quả giàu sức tưởng tượng hơn anh em mình nhiều.

Phương có cách nói như vậy. Hài hước và cay độc. Đó là câu pha trò để chấm dứt đề tài bọn hắn đang thảo luận: Trí tưởng tượng. Sự cần thiết và không thề thiếu được của trí tưởng tượng trong sáng tác. Đó là điều bọn hắn còn kém, bọn hắn phải nâng cao. phương viết. Phương viết nhiều, nhanh và thông minh. Nhưng hắn nghĩ cái Phương thiếu là vốn sống. Có vốn sống, Phương sẽ là người đi xa.

Hắn lục lọi những kỷ niệm với Phương. Ngày Phương kéo hắn lên trại sáng tác kịch bản điện ảnh, đèo hắn bằng chiếc xe mô-bi-lét, ngừng đạp là ngừng nổ. Phương về nhà hắn, hắn đi mua cá song nấu chua, những tưởng bạn sẽ trầm trồ khen ngon. Nhưng Phương cười lăn lộn, rồi với lấy túi xách, moi ra một lọ ruốc thịt mang theo từ Hà Nội. Lúc ấy hắn mới biết Phương chỉ ăn được một loại cá là cá chép.

Thêm nữa là cá diếc vì cũng có vẩy trắng và ngoại hình giống cá chép. Tính nết khảnh rả như Phương, vào tù khó đấy. Lấy đâu ra cá chép?

Hắn như nhìn thấy Phương bê bô nước han gỉ vào trong xà lim. Thấy Phương gánh phân ở một xó rừng heo hút…

Không. Còn lâu. Còn lâu Phương mới được gánh phân ở xó rừng heo hút. Phương mới bị bắt hơn một tháng. Cũng vào một ngày thứ sáu. Trong một tuần, thế nào cũng có một ngày khủng khiếp đối với ai đó. Như mình và Phương là ngày thứ sáu. Sao tù chính trị lại hay bị bắt vào ngày thứ sáu nhl. Có lẽ vì còn ba ngày nữa mới sang thứ hai của tuần lễ sau, ngày đầu tiên của tuần lễ hỏi cung. Ba ngày ấy (kể cả ngày thử sáu) đủ để khám xét thêm nhữug nơi còn nghi vấn, xếp loại tài liệu và cũng đủ cho thằng tù nếm náp những phút giây địa ngục đầu tiên mà hiểu được cái gì đang chờ trước mặt.

Giờ đây đang là những ngày căng thẳng nhất, đau đớn nhất của Phương. Phương phải suy nghĩ, đối phó với những điều tệ hại nhất, bất ngờ nhất, vô lý nhất. Phương phải tập để quen với một hiện thực không thể nào quen được: sự mất tự do. Và đang tính toán chi li, keo kiệt từng ngày tù một như mọi người mới bị bắt khác. Phương phải thích nghi với cuộc sống xà lim. vì đã rơi ngược về tiền sử. Phải thích nghi với thời đồ đá, với bóng tối. rà lim, từ bỏ thói quen dùng lửa. Phải dùng răng nanh tách cái đũa tre, bóc ra một thớ tre trước khi trả nhà bếp bát đũa. Rồi khi đổ bô, tranh thủ nhìn trước nhìn sau, nhặt lâý một mảnh sành, giấu vội mang về xà lim. Vót, cạo mảnh đũa thành một cái tăm. Cái tăm ấy dùng suốt một đời tù giam cứu. Dùng cho đến khi mòn đi một nửa vì tù chính trị giam cứu lâu lắm. Móng tay móng chân dài phải lấy răng mà cắn. Cắn móng tay dễ. Cắn móng tay còn là một cái thú giải sầu. Cắn móng chân phải chờ sau khi đi tắm về. Móng chân mềm và sạch. Ngồi xếp bằng. Lấy hai tay bê một chân lên, cúi đầu xuông gặm. Móng ngón cái dày, nhưng dễ gặm vì thuận khi đưa lên miệng. Gặm ngón út khổ nhất, khốn nạn nhất. Đưa ngón út lên mồm, dù là chân trái hay chân phải, xường sườn cứ ngoẹo đi, đầu cứ vạy đi mới nhét được ngón út vào một bên mép mà nhay mà nhấm. Hơn một tháng, Phương phải gặm móng chân ít nhất một lần rồi.

Hoá ra đêm đầu tiên của hắn ở ngoài đời là một đêm mất ngủ giữa lòng Hà Nội. Hắn nằm dài trên cái giường Phương vẫn nằm. Một mình hắn trong một cái bán mái con con, ngay cạnh vòi nước.

 

Về đầu

 

Chương 15

 

Nằm trên cái giường của Phương trong cái bán mái của Phương. Hắn cứ có cảm giác giở mình hay quờ tay môt cái là chạm vào Phương. Phương đang nằm ngay bên cạnh. Tất cả đều nói về Phương. Phương như chỉ đi ra phố mua thuốc lá, sắp trở về ngay bây giờ. Căn buồng hẹp. Tường loang lổ. Nền gạch mục và mòn. Xếp sách trên giá. Tấn hình Xamôilôva treo trên tường. Vẫn y như trước. Chỉ thiếu Phương. Cái gối vẫn là cái gối của Phương. Chiếc màn này chắc không phải chiếc màn Phương vẫn nằm. Cả chăn nữa. Chiếc màn giưởng Phương, cái chăn của Phương hẳn đã theo Phương vào tù, họp thành nội vụ của Phương. Giường màn chăn gối hắn đã nàn, hai đứa ôm quặp lấy nhau khi trời rét, quạt phì phạch khi trời nóng. Biết bao chuyện trong những đêm như vậy

Hắn đã tự nhủ không có gì làm hắn bất ngờ được nữa. Thế rồi vẫn bất ngờ. Cái chuyện Phương bị bắt là một điều hoàn toàn không ngờ tới. Choáng và đau đớn. Đến nhà Phương mà Phương đã bị bắt giống như đến nhà một người bạn thì người ấy vừa được chôn xong, chỉ còn lại tấm ảnh trên bàn thờ với những câu đối, hoa huệ với khói hương nghi ngút. Còn hơn thế, vì chính hắn từ cõi ấy trở về gặp Phương với bao điều muốn nói với Phương, về cõi ấy. Và đã nghĩ rằng sẽ được nói cùng Phương biết bao nhiêu chuyện.

Phương ơi. Ngủ chưa? Đang trong giai đoạn lấy cung phải không? Người ta hỏi cung có nghĩa là người ta chăm chú bới tìm cho ra tội, chứ đâu có phải là tìm hiểu sự thực.

Người hỏi cung Phương là người thế nào? Bao nhiêu tuổi? Tên là gì? Có trình độ không? Cần nhất là có trình độ có văn hoá và biết được đôi chút về văn nghệ, về lao động nhà văn. Và khách quan. Không độc ác. Người hỏi cung mình tên là Lan. ông Lan rất mù mờ về văn nghệ, nhưng lại cứ đinh ninh rằng mình hiểu biết tỏ tường bởi vì “các anh vẫn nói viết là lách mà, ai còn lạ gì”. Thật sơ đẳng, nguy hiểm, tai hại và khó chịu.

Loại tù như Phương bị hỏi cung lâu lắm. Mới hơn tháng. Đang trong giai đoạn căng. Phương phải gắn bó với ông chấp pháp của Phương bao lâu. Người tù nào cũng có một ông chấp pháp của mình, họp thành một đôi, họp thành một cặp. Người nọ -là một bộ phận của người kia, người nọ tạo thành người kia. Giống như một chiếc giày của một đôi giày, thiếu đi một chiếc sẽ chẳng là gì cả. Ông Lan đã nói với hắn nhằm làm hắn hiểu rõ con người ông:

– Tôi đã thụ lý ba án tử hình, năm án chung thân và trên mười án hai mươi năm.

Ông Lan (mà sau này hắn biết còn được gọi là Lan mặt ngựa) rõ ràng là quá yếu, nên mới phải khoe khoang thành tích tuyệt vời ấy. Nhưng hắn vẫn vững tin vào hắn. Ba tháng sau khi bị bắt, hắn đã hỏi ông:

– Thưa ông. Xin ông cho biết nhận xét của ông về số bản thảo của tôi.

Ông Lan cười xuề xoà:

– Chúng tôi bận quá, nên chưa có thời gian đọc.

Ông Lan cười rất sợ. ông cười còn đáng sợ hơn khi ông làm mặt nghiêm. Nó giả dối. Nó rờn rợn. Ông Lan mặt ngựa có đôi mắt sắc lạnh. Khi cười đôi mắt ông càng lạnh lẽo hơn. Môi mỏng mím lại uy nghiêm làm phạm nhân thấy không thể giấu được điều gì. Hình như biết cái ưu thế ấy của mình, ông càng nghiêm nghị. Cặp mắt lạnh như thép nhìn chăm chăm vào hắn. Hắn có thói quen nhìn thẳng vào mặt người đối thoại.

Hắn nhìn lại ông. Hắn cũng cười. Cười khẩy nữa thì phải. Vì hắn không chịu được sự dối trá trắng trợn. Càng không chịu được sự cố tình.

– Thưa ông. Với lòng tin tưởng ở tinh thần trách nhiệm của ngành công an, tôi xin được nói với ông điều tôi nghĩ: Các ông đã đọc, các ông đã chia nhau đọc (hắn còn muốn nói các ông đã bắc kính lúp vào từng chữ của tôi để tìm ra những sơ hở, những sai sót), các ông đã nhờ người đọc và giám định. Có đúng như thế không ạ?

Mình nói và nhìn thẳng vào mặt ông chấp pháp. Ông chấp pháp của mình rất lạ. Không làm sao xác định được tuổi của ông ta. Khi mình thấy trẻ hơn mình. Khi già hơn mình. Khi trạc tuổi mình. Như lúc ấy mình thấy ông ấy già hơn mình. Ông chấp pháp của phương bao nhỉêu tuổi. Hẳn ông ấy cũng nhìn Phương như ông chấp pháp của mình nhìn mình. Các ông ấy có cái nhìn giống nhau. Căm phẫn, uy nghiêm, cái nhìn của công lý, của thiết diện Bao Công. Cái nhìn của cách mạng, của đất nước đang đổ máu nhìn kẻ tội phạm. Lại cả cái nhìn đau xót của đấng cứu rỗi nữa.

Hắn nhìn lại ông, bình thản, tự tin, không chút bối rối.

Con mắt ông Lan lạnh như thép. Con mắt hắn kiên nhẫn không lùi bước. Một thời gian đủ để ông Lan hiểu hắn, hắn nhìn chếch ra mang tai ông và nói tiếp:

– Ông không trả lời, nghĩa là đã đọc. Và đã kết luận. Nhưng các ông không cho tôi biết. Vậy thì vấn đề theo tôi nghĩ là như thế này.

Hắn ngừng lại một lát:

– Những kết luận ấy có lợi cho tôi. Thưa ông, có đúng thế không ạ?

Hắn lễ phép hỏi ông. Ông Lan cười như một cách trả lời: “Anh toàn nói chuyện tầm phào. Chẳng đâu vào đâu”. Nụ cười của người lớn trước nhũng câu hỏi ngây thơ của trẻ con. Hắn ngồi im trên ghế, một cái trụ vuông xây nhô từ nền nhà lên. Đến lúc đó hắn mới biết có những cái ghế như vậy. Loại ghế bất di bất dịch. Mùa đông ngồi tê buốt và mùa hè vẫn lạnh cả đít. Dành cho tội phạm.

Ông Lan ngồi sau chiếc bàn gỗ thông thường. Ông đang cầm bút tô lại những dòng chữ ngoài bìa xếp hồ sơ của hắn: Cung vấn Nguyễn Văn Tuấn. Từ cái ghế xây xi-măng lạnh lẽo hắn nhìn rõ những hàng chữ ấy ông muốn cho hắn biết rằng ông không thèm nghe hắn, những vẫn để hắn nói. ông là người biết điều.

Hắn biết sau lưng ông là Sở Công an. Với ban giám đốc, với các phòng ban, với các trinh sát. Với những cuộc hội họp phân tích bản khai cung của hắn. Với quyết tâm tìm ra tội của hắn. Bởi vì qua cách hỏi cung của ông Lan, hắn biết người ta không khách quan nữa. Người ta vặn vẹo xuyên tạc soi mói.

– Nếu các ông không đưa ra những kết luận của các ông tôi xin phép được đưa ra kết luận của tôi: Những bản thảo của tôi là tốt. Tôi ca ngợi Đảng, ca ngợi nhân dân, ca ngợi lãnh tụ. Tôi ca ngợi cuộc sống mới.

Ông Lan vẫn im lặng. Mắt nhìn xuống. Vẻ tự kiềm chế và chán ngán. Toàn bộ dáng người ông như muốn nói: Nói nữa đi, nói cho thích đi. Rồi tôi sẽ chỉ cho anh biết…

Đấy họ là như thế đấy. Còn mình thì cử nói toạc vấn đề, chẳng úp mở gì. Đã xác định phương châm “mềm dẻo về thái độ, cứng rắn về nguyên tắc thế mà vẫn có lúc mình to tiếng dồn ông chấp pháp. Đến nỗi ông ta cười nhạt:

– Anh xử sự hơi ngược đấy. Lẽ ra chúng tôi phải có thái độ như anh bây giờ. Nhưng anh thấy đấy chúng tôi vẫn bình tĩnh…

Mình nói luôn:

– Thưa ông. Nếu ông ở vào hoàn cảnh của tôi, một người bị xúc phạm, bị lăng nhục, tôi tin ông cũng xử sự như tôi.

Ông ta lại cười, lạnh lẽo và rờn rợn. Mình còn nhớ ở phòng hỏi cung bên cạnh những hôm trước vẫn còn vang lên tiếng quát tháo, lúc đó có tiếng reo: Tôi đọc lại cho anh nghe nhé: “Tôi bước vào phòng thấy Liên đang ngồi ở giường. Tôi ôm lấy Liên, đè Liên xuống giường. Liên đẩy tới ra. Tôi lâý trong túi một miếng sắt vuông mỏng mà tôi đã chuẩn bị từ ở nhà, cắt đứt dây rút quần Liên. Tôi kéo quần Liên xuống và lấy tay đút dương vật vào âm hộ của Liên”. Đúng không nào. Ký vào! Giọng đọc của ông chấp pháp bên đó lanh lảnh, reo vang, phấn khởi, vừa diễn đạt được tâm trạng của người phạm tội hiếp dâm lúc y hành động, vừa phản ánh niềm vui của ông chấp pháp đã đánh gục đối thủ. Đến nỗi ông Lan phải chạy sang nhắc:

– Khe khẽ cho bên này làm việc!

Thật chẳng ra làm sao. Bên này đang toàn những vấn đề văn chương, tư tưởng, bên kia lại cứ oang oang nhữug âm hộ với dương vật. Cho nên khi trở về ngồi trước bàn, ông chấp pháp của mình càng nghiêm nghị.

Vệt môi mỏng của ông càng mỏng. Nom ông gần như cau có. Hắn thông cảm với ông. . ông chấp pháp bạn ông đã chiến thắng rồi. Còn ông, ông vẫn phải đánh vật với hắn. Với phần tử ngoan cố như hắn.

Ông Lan hất hàm hỏi hắn:

– Anh nói hết chưa?

– Báo cáo ông, hết.

Ông ra một đòn quyết định:

– Anh không viết như thế, ai người ta in cho anh? Anh bôi đen chế độ người ta gô cổ anh lại.

Hẳn ông Lan không chỉ có cái sắc sảo của riêng ông. Ông còn là kết tinh trí tuệ của tập thể. Một tập thể những người có trình độ, có mọi phương tiện trong tay. Có nghiệp vụ. Có quyền lực và đang sử dụng hết công suất của bộ máy quyền lực ấy như nhà tù xà lim, phát động bè bạn hắn, thông tín viên của hắn chống lại hắn. Cả những người cơ hội, những người cầu an, những người trung thực. Ông đang có mọi lợi thế. Nhưng hắn một có niềm tin lì lợm vào mình. Niềm tin lì lợm vào công lý. Vào sự công bằng của luật pháp xã hội chủ nghĩa. Hắn coi thường mọi lợi thế của ông. Hắn đã đọc ở đâu đó lời nói của một người cộng sản trong tù: Chúng ta đúng. Vì thế chúng ta mạnh. Chúng (bọn Pháp) có cả một guồng máy khung bố, nhưng không đàn áp nổi vì chúng không đại diện cho chính nghĩa.

Vốn là người sách vở, hắn nghĩ: Hắn đúng, hắn không sợ. Hắn thấy ngón đòn của ông. Lan ngây thơ quá. Ông trở thành thế yếu (dù ông đang nhốt hắn trong xà lim, dù ông thông minh, có cả tập thể hỗ trợ). Vì ông không khách quan trung thực.

Hắn khinh ông, hắn khinh tất cả những người không trung thực. Những kẻ gắp lửa bỏ tay người.

Mình không ngờ ông Lan lại đi nói một câu ngớ ngẩn đến thế. Mình sửng sốt và nghiêm nét mặt vì những điều sờ sờ trước mắt mà ông Lan cố tình không nhìn thấy. Cố tình không chịu hiểu. Thưa ông. Có ai bắt tôi phải viết những tác phẩm của tôi đâu. Chính ông cũng đã nói trong một buổi hỏi cung tôi: Văn là người. Văn của tôi là con người của tôi. Đó là tình yêu của tôi, là sự tự giác làm việc của tôi, suy nghĩ của tôi. Là máu của tôi. Là trái tim của tôi. Thưa ông, không ai gí súng vào tôi, bắt tôi phải viết những sáng tác ấy. Ông Trường Chinh có nói: “Mọi sáng tác đều bắt nguồn từ trong tim”. Nêú những chân lý Phố biến ấy của chủ nghĩa Mác-Lê-nin còn phát huy tác dụng thì sao tôi lại nằm ngoài quy luật.

Hắn hiểu rằng hắn đã bị đẩy vào vòng đấu. Trong đấu trường chỉ có một mình hắn. Vợ con, bố mẹ, anh em, bạn bè, không ai bên cạnh. Một mình hắn đã bị tước vũ khí. Hắn không chỉ đấu với ông Lan, ông Quảng, ông Trần. Hắn còn đấu với cả những dãy xà lim nặng nề hoang vắng 76, một mình hắn ở. Hắn đấu với sự cố tình bẻ queo luật pháp, bẻ queo sự thật của những người đạo đức chẳng hơn hắn, yêu nước chắc chắn không hơn hắn.

Phương ơi. Trần trụi, nhưng phải thắng. Dù thế nào chăng nữa. Ông Lan đã phải lùi một bước trước sự thật mình nêu ra.

– Anh đừng chủ quan với những tác phẩm của anh. Chúng tôi sẽ nói với anh vào những thời điểm thích hợp.

Ông Lan của mình hay nói hai tiếng “thời điểm ” lắm. Một câu nữa ông hay nói là:

– Anh cứ về nghĩ kỹ đi, chúng tôi có đủ kiên nhẫn.

Chao ơi! Đức kiên nhẫn của ông Lan mới đáng phục làm sao! ông có dư thừa kiên nhẫn. Ông kiên nhẫn về sống với cơ quan ông, bạn bè ông, vợ con ông. Còn mình về xà lim. Mình cũng phải học ông rèn luyện sự kiên nhẫn sống trong xà lim. ông đã chứng minh ông có đủ kiên nhẫn chờ đợi mình hối cải, chờ đợi mình thấy rõ lỗi lầm của mình. Ba tháng sau, mình không được hỏi cung. Chín mươi ngày đêm xà lim, ngày nào đêm nào cũng dài như vô tận. Mình đoán, lại một đợt tìm tài liệu mới nữa đây. Lại những cuộc họp phân tích bàn cách giải quyết nữa đây. Mình nằm. Một mình. Mình nhắm mắt, quay mặt vào tường vẩy xi-măng cách âm lổn nhổn, nhọn hoắt như ốc nhồi. Mình hát thành lời khe khẽ. Mình hát thầm trong óc. Những bài hát in dấu trong đời chúng mình. Thời chống Pháp là những bài Sông Lô. Trùng trùng quân đi như sóng. Qua miền Tây Bắc, Hồng Hà chơi vơi mang nước trên nguồn về xuôi. Mình lẩm nhẩm như ở đài phát thanh: “Các bạn thính giả thân mến, trong chương trình ca nhạc kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng Hai tháng Chín hôm nay chúng tôi xin giới thiệu “… , “và Diệt phát-xít, Bao chiến sĩ anh hùng, Kìa xa xa nơi Côn Đảo ớ hờ”.

Rồi ngược lên nữa: Con thuyền không bến, Thiên Thai, Trên sông Bạch Đằng… Thứ nhạc thời chúng mình còn bé tý. Một buổi chiều thứ bảy vắng vẻ mình nghe thấy từ xa vọng lại một giọng huýt sáo rất trong một bài hát Pháp:

Qu avez vous fait de mon amour

Qu avez vous fait de mon bonheur

Mình đoán người này ít nhất bằng tuổi chúng mình trở lên vì bài hát ấy có từ khi chúng mình còn nhỏ. Mình hát câu tiếp theo để thay cho một lời chào:

étrange femme

và hỏi to:

– Mâý năm rồi

Tiếng trả lời vang vọng lại xa xa:

– Sáu năm rồi.

Sáu năm xà lim. Mình rợn người. Người ta quả có lòng kiên nhẫn. Người ta quả có lòng kiên nhẫn chờ mình lâu như thế”. Chúng tôi có đủ kiên nhẫn” dịch nghĩa ra là: “Anh khớng nhận thì anh cứ nằm mãi trong xà lim”. Phương chắc chắn cũng phải học bài học kiên nhẫn. Có anh tù chính trị nào thoát được bài học đó. Bài học kiên nhẫn mình còn đang học dở thì đã chuyển sang xà lim 75 rồi.

Hắn cởi truồng nằm trong xà lim, thiếp đi vì nóng. Và choàng tỉnh vì nóng. Người hầm hập. Mồ hôi toát ra. Hắn nhỏm dậy nhìn vết mồ hôi in thẫm trên những tấm ván lim thành hình một bộ xương người. Hắn ngắm nhìn bộ xương của hắn và nghĩ đến 1úc chết. Hắn lẩm bẩm một mình.

– Xương mình to thật.

Hẳn trở dậy. Phải tắm. Phải lau đi cái mồ hôi dính nham nháp khắo người. Phải làm dụi mình một chút. Không chỉ hầm hập, ngột ngạt xà lim. Còn cháy trong người. Còn lò lửa trong óc.

Mình nghĩ đến cái bể nước nhà mình. Đến gáo nước đầy trong vắt múc lên giội từ vai hay đỉnh đầu trở xuống cho hạ nhiệt toàn thân. Thiên đường đấy. Và mình sẻ nuởc uống trong bô ra cái ca nhôm nửa lít. Tiêu chuẩn nước tắm của mình: Nửa lít bớt ra từ khoản nước uống. Nhúng khăn mặt vào ca. Lau. Lau từ mặt xuống cổ. Lau từ cổ xuống ngực. Xuống bụng. Dấp nước khăn mặt, rồi khoanh tay đập, đập vã vào lưng. Rồi lau xuống bẹn, xuống chân, cho đến khi cái khăn mặt nóng lên vì vắt nước đi. Vắt vào cái nắp bô vệ sinh để ngừa cho khỏi bắn nước bẩn vào bô ra ngoài. Rồi mới nghiêng nắp cho nước chảy vào bô. Cái thứ nước vắt ra ấy nâu nâu đen đen đặc nhơn nhớt. Bô đầy thì vắt nước lên tường xà lim cho nước vào tường. Cũng thấy người dễ chịu. Còn dễ chịu vì lúc tắm là lúc không để ý tới thời-gian-xà-lim. Nó qua đi mà chẳng tra tấn được mình như mọi lúc. Nhưng không bao giờ lâu đã lại hầm hập. Không thể tắm nữa. Còn phải dành nước đế uống. Thì ngồi nhìn lũ kiến tha cơm…

Những con kiến bò ngoằn ngoèo vào tổ. Những con đi ra gặp những con đi về đều đứng lại. Như thăm. Lại cũng như kiểm tra. Hắn cố tình thả xuống một hòn cơm to. Lũ kiến bu lại. Đông. Rất đông. Không trông thấy cơm đâu. Như một hòn kiến động đậy. Cả những con kiến to. Thuở nhỏ hắn và anh Văn hay chơi kiến. Đặt cho kiến các loại phẩm trật chức tước tùy theo kiến to kiến nhỏ khác nhau. Kiến vua. Kiến quan. Kiến cai. Kiến đội. Kiến quân. Hắn và anh Văn nghĩ ra một trò: Bắt châu chấu, cào cào đã bẻ càng thả cho kiến đốt. Cuộc chiến đấu thật quyết liệt Trong những cuộc chiến như vậy bọn kiến cai, kiến đội được anh em hắn hò cổ vũ nhiều nhất.

Trong quyển Hải Đăng, nhà xuất bản đã ký hợp đồng in, nhưng hắn cứ nấn ná sửa đi sủa lại, rồi bị công an thu, có tả đàn kiến. Đó là kỷ niệm ấu thơ của hắn. Chỗ đó được nhà xuất bản rất khen. Cả đoạn tả con chuột nhắt nữa. Con chuột ở với người gác đèn biển. Bữa cơm, con chuột nhắt nhanh nhẹn chạy ra nhặt những hột cơm rơi và nhìn anh bằng đôi mắt đen láy. Nó là bạn với anh, là cư dân trên cái nhà đèn giữa biển. Nó làm anh đỡ cô đơn. Có những lúc anh im lặng theo dõi cái sinh vật bé tí xíu ấy chạy chỗ nọ chỗ kia, nghe ngóng, tha thẩn. Nó cũng cô dơn như anh. Nhưng không hiểu nó có biết nó cô đơn không? Mong rằng nó không biết nó cô đơn, bởi vì diều ấy làm nó dễ sống hơn.

Thế rồi một hôm anh đùa với nó. Đùa hơi quá. Anh dang tay giậm chân đuổi nó, kéo cả những thứ dưới gầm giường, nơi nó vẫn ẩn nấp để dọa nó. Cu cậu sợ, vọt qua cửa sổ. Anh chạy ra nhìn theo. ở chỗ ấy sóng biển sôi sục. Anh cứ đứng lì nhìn biển ào ào bọt trắng. Tiếc. Thương. Ân hận. Buồn rầu. Tự trách móc mình.

Mình viết những điều nó cứ vận vào mình. Trước đây mình cảm phục sự chịu đựng cô đơn của người anh hùng gác đèn biển. Nhưng anh ta còn có con chuột. Còn có bầu trời, mặt biển và những con tàu. Chúng mình đã bỏ xa anh ta. Bởi vì chúng mình sống trong xà lim. Những tiếng xà lim mình và Phương đã đọc trong những hồi ký cách mạng. Nó lấp lánh ánh hào quang cao cả, anh hùng, lãng mạn. Chúng mình cũng sống trong xà lim, nhưng không mang vầng hào quang ấy. Ngược lại đó là sự hạ nhục. Nhưng lương tâm chúng ta trong sáng. Và chúng ta bình đẳng với tất cả. Từ nay không ai có thể lòe chúng ta về chuyện tù đày, không ai có thể làm lóa mắt chúng ta về báu vật ấy. Chỉ có điều chúng mình không thể nào hiểu nổi vì sao đang là đồng chí bỗng dưng lại biến ngay thành kẻ thù như vậy.

Hắn ngơ ngác nói với ông Lan:

– Thưa ông. Làm sao tôi lại chống Đảng, chống cách mạng. Không có cách mạng, tôi có thể làm gì? Một anh lý trưởng. Chánh tổng. Hoặc hương sư. Đảng đã trao cho tôi cây bút để tôi trở thành nhà van. Cách mạng đã tạo nên một hiện thực phong phú anh hùng, tốt đẹp như thế để tôi thể hiện trong sáng tác. Rõ ràng các ông không hiểu tôi. Làm sao tôi lại đi chống cách mạng, chống Đảng.

Ông Lan đã tập hợp khá đầy đủ những yếu tố bất mãn của hắn: Không được đề bạt, ngoài Đảng, kêu ca mậu dịch, kêu ca cuộc sống khó khăn, tuyên bố không sáng tác, chán cả vợ con.

Vào xà lim ít ngày, nghe hỏi cung ít ngày, hắn đã quen. Hắn không thấy uất nghẹn nữa. Hắn đã quen với thói bẻ queo các hiện tượng phục vụ việc hãm hại hắn. Như hôm đầu tiên hắn được gọi. Nghĩa là ba hôm sau khi hắn bị bắt.

Ông Lan chỉ ghế cho hắn ngồi:

– Sao? Suy nghĩ nhiều lắm phải không?

Hắn cởi mở chân thành với tinh thần của người đồng chí:

– Thưa anh. Tôi không thể nghĩ được rằng tôi lại bị bắt.

Chưa đáp lại câu nói của hắn, ông Lan giảng giải về nội dung xưng hô cái đã:

– Các anh bây giờ là đối tượng của cách mạng. Chúng tôi là ông, là bà. Đây là nội quy chung. Nhưng riêng trường hợp anh có thể gọi tôi là anh ẹũng được.

Trong “lần thứ nhất giao duyên ” ấy mình đã được ông Lan đặt đúng vị trí của một tên tội phạm chống Đảng, chống chế độ. Và sự gia ân ông Lan dành cho mình mới to lớn làm sao: Được gọi cán bộ là anh! Bắt một người vô tội vào tù, biệt giam xà lim, rồi cho người ấy một biệt đãi được gọi cán bộ là anh. Làm sao mình có thể hiểu được họ. Phương có được ưu tiên như mình không. Và có sử dụng đặc ân ấy không.

Sau đó ông Lan mới giảng cho hắn về điều chính yếu một cách thản nhiên, gần như ôn tồn:

– Tất nhiên. Không một kẻ phạm tội nào lại nghĩ rằng mình bị bắt. Thằng ăn cắp nếu nó nghĩ nó sẽ bị bắt, nó đã chẳng đi ăn cắp. Con điếm cũng vậy. Nếu nó nghĩ nó sẽ bị bắt, nó đã chẳng đi làm điếm. Đó là quy luật.

Hắn thấy nghẹn ở cổ vì bảng xếp loại của ông Lan và việc hắn nghĩ hắn không thể bị bắt lại đúng quy luật của bọn tội phạm, chẳng có gì là lạ.

Nằm trong căn phòng của Phương, trong bóng tối của các cửa đóng kín, hắn trở về với những ngày đầu tiên ấy. Hắn được dẫn vào một phòng có những hai cái bàn. Một dành cho ông Lan. Và cái thứ hai chất đầy những bản thảo giấy tờ của hắn. Hắn được phép giở đống tang vật ấy. Xếp loại. Cùng với ông Lan xếp loại.

– Hải đăng tiểu thuyết

– Hoa cau truyện dài

– Làn sóng thứ nhất tiểu thuyết

– Những người đang sống kịch bản phim

– Những chuyện trên một vùng cửa biển Tập truyện ngắn

– Đầu cầu Trường ca

v. v. .

Hơn một nghìn trang pơ-luya, với thứ chữ nhỏ ly ti. Miệt mài. Sao lại mộng du được dài như vậy. Hắn tự thấy hoảng lên vì kết quả lao dộng to lớn của chính hắn. Lẽ ra hắn đã được hàng nghìn đồng nhuận bút. Quyển Hải đăng nhà xuất bản đã vào kế hoạch, giục hắn đưa in nhiều lần, nhưng hắn còn cố sửa. Sửa đến từng dấu phẩy. Hắn muôn quyển đó là chef d oeuvre của hắn.

Kịch bản Những người đang sống thì đã ký hợp đồng với xưởng phim và đã được ứng trước sảu trăm đồng. Đó là nhở công sức của Nguyễn Vũ Phương. Hắn lại được sờ vào những tở giấy mà hắn đã mười năm miệt mài với bao mộng mơ, sự cố gắng vươn tới cái trần của mình, như một người thi đấu thể thao, luôn phải đạt mức cao nhất có thể đạt được. Lại cũng như một con kiến cần cù, kiên nhẫn tha từng bụi tấm về tổ. Trong một buổi hỏi cung sau này, hắn đã buộc lòng phải giảng giải cho ông chấp pháp để đáp lại lời buộc tội của ông là hắn bất mãn, chán không muốn viết, muốn bẻ bút.

– Thưa ông. Hơn một nghìn trang pơ-luya nếu in ra sẽ thành một nghìn năm trăm trang, nghĩa là dày bằng bộ Tam Quốc. Hãy cứ cho là tôi chỉ nháp có một lần và chép sạch một lần thì tôi đã viết ba nghìn trang. Mà phần lớn tôi viết về đêm, ngày lễ, ngày chủ nhật. Nếu chỉ viết Việt Nam Dân chu Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc ngoài giờ chính quyền được ba nghìn trang cũng là một sức lao động không nhỏ. Đó là chưa kể còn phải lấy tài liệu, sống với nhân vật, suy nghĩ, sắp xếp…

Nhưng giờ đây những tập bản thảo ấy chỉ là những tờ giấy vô hồn. Làm gì có văn chương, cuộc sống, tiếng cười, tình yêu, mặt trời, biển cả. Những tờ giấy ấy chỉ đơn giản là tang vật của vụ án. Như một bộ quần áo ăn cắp, như một cái chìa khóa vạn năng có thể phá mọi ổ khóa, như một đống tài liệu phong phú để lật tẩy bộ mặt thật tội lỗi của hắn. Hẳn ông Lan tin chắc rằng sẽ tìm thấy những câu, những chữ, những ý nào đấy chứng tỏ hắn là kẻ xỏ xiên, bất mãn, căm ghét chế độ. Ông hỏi hắn về những tờ giấy rời, sắp xếp nó vào đúng tập như một biên tập viên nhà xuất bản nhiệt tình, ân cần, trách nhiệm.

Lúc ấy mình không nghĩ gì, Phương ơi. Những bản thảo của mình sao xa lạ thế. Mình dửng dưng với nó. Khi người ta bị bắt, bị nhốt vào xà lim, nghệ thuật là vô nghĩa. Hơn thế còn là một sự mỉa mai, giễu cợt. Lúc bấy giờ mình vĩnh biệt chúng mà mình không biết. Mình vẫn tin rằng chúng sẽ trở về với mình, vì chúng đươc viết ra với những ý nghĩ tốt đẹp thế cơ mà! Rồi họ sẽ hiểu mình. Mình sẽ được ra. Đây chỉ là sự hiểu lầm đáng tiếc. Chúng sẽ trở về với mình. Lúc ấy mình đâu đã biết được đặc tính “Không bao giờ mắc sai lầm, luôn luôn đúng, luôn luôn công minh sáng suốt” của họ. Bởi vậy sau này nhớ lại lần soạn bản thảo sáng hôm ấy mình mới hiểu ra ràng mình là một người bố sắp bị hành quyết được sờ vào thi thể các con mình.

Ông Lan giở một bọc nhỏ. Nhìn vào, hắn biết ngay là họ đã về quê khám nhà bố hắn. Truyện Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng để ở quê nay cũng đã nằm trên bàn. .

Khổ thân bố. Bố là người được cả huyện kính nể nay phải mang vết nhục này. Khi ông Lan lập biên bản về những bản thảo, sổ tay, thư từ nhật ký xong và hắn đã ký vào đó, ông hỏi hắn:

– Anh còn giấy tờ cần chuyển về cơ quan hay gia đình không? Chị ấy vẫn ở trên trường, chưa về. Chúng tôi đã về quê, gặp cụ. Nói chung là cụ xác định được.

Lúc bấy giờ mình mới nhớ ra. Mình móc túi áo. Mảnh biên lai may áo sơ-mi. Cái giấy công tác đi ngoại thành và gần chục cái vé phà, mỗi vé năm xu. Mình gửi cả cho ông Lan. Để ông ấy đưa cho Ngọc. Trở về xà lim, mình hiểu rằng mình không còn chút liên hệ nào với cuộc đời nữa. Và nghĩ đành phải chờ thôi. Cắn răng lại mà chờ thôi. Chờ người ta đọc. Chờ người ta hiểu. Chờ thời gian. Thời gian xà lim thì Phương đã biết nó thế nào rồi. Mà thời gian xà lim cũng chỉ mới là khúc dạo đầu.

Hình như có tiếng động gì đó. Nó từ xa nhòe nhoẹt mơ hồ. Rồi đậm đặc lại và rõ dần. Ngay bên tai. Tiếng gõ sắc gọn. Hắn tỉnh hẳn. Tiếng gõ cửa. Hắn trở dậy đầu óc nặng nề nhức nhối như mọi sáng trong tù. Hắn ngơ ngác nhìn. Chiếc giường ba xà, cái màn rộng làm hắn hiểu. Hắn không bị tù nữa. Hắn tự do. Hắn đang ở Hà Nội. Có tiếng gọi hắn ngoàì cửa. Và tiếng cười nói: “Vẫn ngủ”. Hắn kéo móc. Đã năm năm rồi hắn mới được kéo móc từ bên trong, tự mình mở cửa cho mình bước ra. Bước ra đón khách.

Vũ Mạc, Lê Bàn và Hường đứng trước mặt hắn. (Bố Phương đã dậy từ sớm, dạp xe đi tìm những người theo ông là thân thiết với hắn và ông đã không lầm). Bốn người đứng lặng nhìn nhau. Nhìn từ đầu đến chân. Nhìn từng khuôn mặt. Cười. Sung sướng. Thân thiết. Rồi từng người một ôm lấy hắn. Đây Vũ Mạc người bạn ngang tàng, hơn tuổi hắn, con một nhà văn nổi tiếng và không bao giờ nói về bố mình. Đại đội trưởng thời Điện Biên Phủ nhưng giờ đây không còn gì cả, kể cả danh hiệu đảng viên và công việc.

Đây là Lê Bàn, người bạn đọc thời kháng chiến, lúc nào cũng như vậy, không thể biến đổi được, chân thành tốt bụng, trung thực, thủy chung. Hường nữa. Hắn cảm động vì Hường đến. Hường vừa là bạn của vợ hắn, vừa là vợ của Khắc, một người bạn chung của tất cả.

Mãi sau này hắn mới biết Mạc đã bỏ vợ, yêu Hường. Hường cũng đã bỏ Khắc, về ở với Mạc. Mãi sau này khi Khắc đã lấy vợ, hắn cùng Bàn và Khắc gặp nhau tại một ngã ba đầu phố, Khắc giới thiệu đầy vẻ trịnh trọng: “Đây, ông Tuấn, cựu chính trị phạm. Đây ông Lê Bàn, bạn của ông Vũ Mạc, người đã cướp vợ tôi”.

Bàn cười ré lên:

– Chức danh gì dài thế “ông Lê Bàn, bạn của ông Vũ Mạc, người đã cướp vợ tôi”.

Hắn cười to:

– Chưa bằng mình. Có ghi trong lý lịch đàng hoàng. Mục chức vụ cao nhất đã qua: Đại biểu dự thính hội nghị công nhân viên chức phân xưởng vòng hai.

Thời gian đã hàn gắn nỗi đau của Khắc, hồi phục năng khiếu hài hước của hắn. Nhưng đó phải là một thời gian tính bằng thập kỷ.

Hắn nói chuyện tù. Bố mẹ Phương và ba người bạn nhìn hắn như nhìn một người được cấu tạo bằng một chất liệu khác, như nhìn một người từ vùng đất bí mật nào đến, như hán là của mặt tràng rơi xuống. Hắn đã phải nói dối nhiều chuyện. Hay nói đúng hơn, hắn không kể những điều khủng khiếp nhất trong tù. “Họ không đánh chúng con đâu” “Ăn thì đói lắm. Nhưng giam cứu thì không đói mấy đâu”. Nói thế là nói sự thật, nhưng nói sự thật kiểu ấy lại chính là nói dối. Thì ra hôm bắt Phương, Bàn đến. Bàn lang thang và ghé vào nhà Phương. Từ lối đi vào nhỏ hẹp gần máy nước, Bàn đã oang oang:

– Ông Phương có nhà không? Cậu cả có nhà không?

Bàn hơi lạ vì nhà đông người nhưng không ai đáp. Một người lạ mặt còn trẻ, áo bông xanh đã bạc, quần ka-ki pích-kê hai đầu gối – Bàn nhớ rất rõ, những miếng vá to hơn bàn tay – chặn Bàn ở đầu sân:

– Anh hỏi anh Phương có việc gì?

Bàn đáp vô tư nhất dời:

– Tôi là bạn anh Phương. Anh Phương có nhà không anh.

Người kia lạnh tanh giữ chặt lấy ghi-đông xe đạp của Bàn và nhìn Bàn từ đầu đến chân:

– Anh Phương hôm nay bận. Chúng tôi là người bên an ninh.

Lúc bấy giờ Bàn mới để ý đến cái xe com-măng-ca đít vuông đỗ sát hè phố, ngay cửa số nhà đông hộ này. Bàn quay xe đạp, còn ngoái lại một lần nữa. Bàn thấy trong nhà, sách vở ngổn ngang. Phương đứng ở một góc nhà môi mím chặt, nhìn những đống sách bừa bãi. Bố mẹ Phương đứng ở một góc khác im lặng.

– Hôm bắt mày thì thế nào?

Bàn hỏi để kết thúc bài phóng sự miệng. Hôm bắt hắn chỉ có mình hắn. Phương còn hạnh phúc hơn hắn. Còn được từ biệt bố mẹ. Hắn chẳng có ai để chia sẻ nỗi kinh hoàng.

Vợ hắn đang trên trường đại học, con hắn ở quê.

Chỉ có một mình hắn trong căn buồng và trong cả cái số nhà gần mười hộ, trước đây chật ních người, lúc nào cũng vang lên tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người lớn quát mắng, giờ vắng tanh. Mọi người đi sơ tán. Với cái thẻ đặc biệt, hắn được ở lại thành phố. Hắn trịnh trọng nói với bạn bè: Hắn là phóng viên chiến tranh. Hắn đã lên Sở Dầu lúc bị bắn phá. Hắn viết về trung đội tự vệ nữ nhà máy đóng tàu bắn rơi máy bay Mỹ… Hắn cũng thấy sợ bom đạn, rốc-két, nhưng cái cảm giác lãng mạn lón hơn. Hắn cười, bảo bè bạn:

Còn lâu mình mới chết. Viên đạn giết mình còn chưa đúc xong. Nó vẫn còn ở dạng quặng nằm trong lòng mỏ một bang California nào đấy”.

Những đêm bảo động, đèn thành phố tắt hết. Hắn nhìn thành phố quen thuộc của hắn lạ hẳn đi. Những căn nhà như nhẹ đi, in trên trời xám. Đường phố cũng vậy. Mờ mờ. Hắn thấy thích và nghĩ rằng chỉ trong chiến tranh, cả một thành phố mới mất điện. Sau này chiến thắng, có lẽ phải tổ chức những đêm mất điện để mọi người thấy được một vẻ đẹp khác của thành phố.

Buổi sáng hôm mồng 8 tháng 11 ấy, tối hôm trước hắn còn được vé xem phim chiêu đãi nhân dịp Cách mạng Tháng 10 Nga, bộ phim tài liệu Đôi cánh tháng 10 nói về sức mạnh của không quân Xô-viết. Hắn trở dậy, xuống bể nước đánh răng rửa mặt. Hắn thấy người công an hộ tịch đi thẳng vào phía trong. Hắn biết anh này. Anh ta đã mấy lần về quê hắn, tán tỉnh cô cháu họ hắn, ở sát tường nhà bố mẹ hắn.

Hắn không để ý đến anh ta. Hắn nghĩ chắc anh ta vào tìm ai đó ở phía trong. Thế rồi anh ta quay ra cổng. Một lát sau năm người bước vào. Nhanh. Rầm rập. Hai người mặc quần áo công an và anh hộ tịch. Một người mặc thường phục và ông Thụ thợ cắt tóc ngay bên cạnh (về sau hắn mới biết thủ tục bắt người phải có người dân ở tiểu khu ký vào biên bản).

Hắn nhìn đoàn người lạ lùng ấy tiến về phía hắn. Người mặc thường phục đến thẳng chỗ hắn ngồi ở cầu rửa nói dõng dạc:

– Anh Nguyễn Văn Tuấn. Hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây. Câu nói ấy còn cứ vang mãi bên tai hắn. Cho dù đến năm thứ một trăm năm thứ một nghìn, cứ nghĩ đến – câu nói ấy lại vang lên rõ từng âm sắc. Đó là câu mở đầu những ngày tù đày của hắn và sau này hắn mới hiểu nó không chỉ là những ngày tù đày của hắn, nó còn mở đầu những ngày đau khổ nhục nhã của bố mẹ hắn. Nó tiêu diệt cả vợ hắn, kéo sang tận đời con hắn.

Câu nói ấy mở đầu tất cả. Nó bám vào cuộc đời vợ chồng, con cái hắn. Như keo e-pô-xit dán sắt tàu thủy. Làm sao không nhớ!

Hắn và mọi người lên gác. Một căn gác gần như rỗng. Một cái giường ba xà. Một cái bàn viết. Một thùng xe Java 05 bạn hắn cho hắn. Nắp thùng đã có người xin mất. Chỉ còn năm mặt: ba tấm dài hai tấm ngắn. Cái áo quan không có ván thiên ấy, hắn lật nghiêng đi, áp mặt trống vào tường cho kín. Hắn trải chiếu lên trên làm đi-văng, làm chỗ ăn cơm. Bên trong thùng hắn đựng sách. Chỉ có vậy. Còn lại là sàn gỗ lim lúc nào cũng được lau bóng. Hắn vốn ưa sạch sẽ. Hắn không chịu được một hạt cảt trên sàn dính vào chân khi bỏ dép ngoài của bước vào. Hắn giật mình thấy tất cả những người khách không mời mà đến đi cả dép bẩn xồng xộc vào nhà, những chiếc déo lốp in vết đất rõ như đóng dấu ngang dọc trên sàn gỗ bóng thẫm. Hình như đến lúc ấy hắn mới thực sự hiểu rằng hắn không còn là hắn nữa. Họ nghiêm giọng bảo hắn:

– Anh đứng nghe chúng tôi đọc lệnh:

VIệT NAM DăN CHủ CộNG HòA

ĐộC LậP – Tự DO – HạNH PHúC

**–

LệNH TạM GIAM

Hắn chỉ nhớ lệnh nói hắn bị bắt bốn tháng vì tội “tuyên truyền phản cách mạng”.

Rất thông thạo, mấy người kéo mạnh cái hòm gỗ thông, cúi xuống vứt ra từng cuốn sách. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Gót sắt, Hugo. Chiến tranh và hòa bình. Những quyền sách hắn nâng niu như sau này những thủy thủ tàu buôn nâng niu tấm hộ chiếu xuống tàu đi Nhật. Đó là gia tài của hắn. Là hành trang để hắn đi đến tương lai.

Hắn chắt chiu dành dụm. Bóp mồm bóp miệng để mua. Hắn thó ở tủ sách cơ quan hắn, tủ sách các cơ quan khác. Hắn nửa đùa nửa thật: “Ăn cắp sách mà cũng gọi là ăn cắp à? Ăn cáp sách thì cũng phải biết đọc chứ? ”. .

Biết làm sao. Ma lực của những quyển sách mình yêu, thế nào cũng phải có, mà không thể trích ra một khoản tiền để mua. Tháng nào cũng căng. Tháng nào cũng hụt. Chuông nguyện hồn ai. Phía Tây không có gì lạ. Sông Đông êm đềm. Chuyện núi đồi và thảo nguyên. Pauxtôpxki. Quăng ra với một thái độ khinh bỉ và ghê tởm vì đó là nguyên nhân tội ác. Hơn thế. Còn dính líu tới tội ác, khuyến khích, bao che – hiểu theo cả nghĩa đen – cho tội ác.

Bừa bãi. Bụi bặm. Tung tóe. Đổ vỡ. Tan nát. Đó là những gì lúc đó hắn nhìn thấy, nhưng phải đến mãi sau này hắn mới hiểu rằng đó chỉ là bước khởi đầu.

Họ không chú ý tới sách in mà bới móc, tìm kiếm, nhặt nhạnh tất cả những giấy tờ có chữ viết của hắn.

Những tập bản thảo của hắn. Bản đã đánh máy, bản viết tay. Toàn giấy pơ-luya. Hắn có thói quen viết bằng giấy pơ-luya. Chữ hắn nhỏ lí ti. Bao nhiêu chữ mới được một trang pơ-luya mỏng dính. Nhưng nhiều trang pơ-luya xếp lại sẽ thành một chiều dày. Chiều dày ấy động viên lại hắn.

Hắn viết đang giai đoạn sung sức. Đó là kết quả những ngày đi xuống xí nghiệp lăn lộn với anh em thợ như một người bạn. Là những đêm miệt mài, không biết trời sáng từ bao giờ. Là những hình ảnh cố nắm bắt. Là những gì mong manh ẩn hiện mà hắn cố glữ lại, đóng đinh lên trang giấy. Là tình yêu của hắn đối với Đảng, với chủ nghĩa cộng sản mà hắn tin vì đó là khoa học. Là sự trân trọng quý mến những con người hắn gần gũi, cảm phục. Là trách nhiệm đối với bè bạn, vợ con. Là ý chí kiên cường của bản thân. Là thông minh bùng nổ giữa mụ mị nghĩ suy. Máu của hắn. óc của hắn. Mười năm mài miệt trong một cơn mộng du dài của hắn. Nửa đêm thức giấc vùng dậy chỉ ghi vội một chữ, một chữ chính xác. Không được lười để sáng mai. Quên ngay. Hắn đã có kinh nghiệm. Bữa cơm, vợ hỏi vài câu, nghe nhưng không hiểu vì còn nghĩ, còn mộng du tài năng, mộng du chữ nghĩa.

Tất cả vứt ngổn ngang ở một bên lò sưởi, cách xa đống sách đã in. Hắn nhìn người ta quăng quạt xếp giấy của hắn. Chao! Hắn đã nghiền ngẫm, chọn lựa từng từ, vuốt ve từng tờ, xếp cho ngay ngắn, ngắm nhìn độ dày của nó để tự động viên mình. Hắn nhìn những mảnh cắt dán, những trang thêm vào phải đánh những số phụ: a, b, c…

à đây! Sổ tay. Họ lật xem. Sổ tay của 15 năm làm báo. Của những giao thừa với công nhân xi-măng. Của những mã hàng năm mới trên cảng. Của cô kỹ thuật thủy văn trên đảo đi ngược chiều gió thổi. Của vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương…

Và thư từ. Thư bè bạn động viên nhau viết. Thư nhà xuất bản trả lời. Những bức thư đề nghị vay tiền của hắn, những tùy bút kinh tế thật hay và lâm ly gứi nhà xuất bản của hắn.

Nhật ký. Thoáng tấm ảnh vợ hắn thời con gái trên trang đầu. Những tờ lịch dán vào nhật ký. Đó là những ngày hắn không ghi gì hết. Tờ lịch đó nói tất cả. Hắn và vợ hắn đã đi đến tận cùng của tình yêu. Một món tóc của vợ hắn buộc vào một trang giấy. Trong xà lim hắn nhẩm đọc một đoạn thơ về món tóc ấy:

Đầu gối lên cùm sắt gỉ han

Nghĩ tóc em xanh mười chín tuổi

Mái sương đêm những vì sao Hà Nội

Trang nhật ký anh

Tóc em xanh trang nhật ký

Trong hồ sơ mật an ninh

Cả đến tình yêu chúng ta cũng bị nhục hình

Cắn răng lại, em ơi đừng khóc…

Hắn có cảm giác bị lột truồng ra trước mắt mọi người. Ông Lan, người đọc lệnh bắt giam hắn dường như là một người tế nhị. Ông ra gấp quyển nhật ký lại, làm như lơ đễnh, quẳng vào đống giấy mà ông ta sẽ thu. Rồi nhanh nhẹn, ông mở miếng gỗ đậy lò sưởi nơi hắn dùng làm bếp, thu hết những giấy tờ hắn dùng để nhóm bếp. Người ta bó tất cả những gì có chữ viết của hắn như sắp đi cân chè chai. Ba bó nặng. Mỗi bó chí ít cũng phải gần chục ki-lô. Sau khi rút ngăn kéo bàn làm việc của hắn, ngó lại một lần nữa, người ta bảo hắn, câu nói đầu tiên sau mấy tiếng đồng hồ im lặng khám xét và làm biên bản.

– Anh chuẩn bị nội vụ về trại giam.

Hắn không hiểu. Người ta giải thích:

– Nghĩa là chăn màn, quần áo.

Nội vụ, một từ mới trong vốn hếng từ vựng của hắn.

Một người chỉ vào tập Anna ở đầu giường:

– Anh đang đọc à?

– Vâng.

– Anh mang vào mà đọc.

Hắn mang theo ba quyển Anna Karênina có chữ ký của người dịch tặng hắn. Cho đến bây giờ nghĩ lại hắn vẫn cảm ơn người công an ấy. Ba quyển ấy hắn đọc gần như thuộc trong xà lim. Hắn không ngờ lại phải ở tù lâu thế.

Lúc đó hắn choáng váng vì cái lệnh bốn tháng. Hắn bị bắt bốn tháng. Bốn tháng nữa hắn mới được quay về. Bao giờ mới hết, mới qua được. Hắn không nhìn từ biệt con đường ra cổng. Cái hầm tránh máy bay. Cây nhãn.

Hắn không nhìn chồng sổ tay giấy tờ, bản thảo trên xe com-măng-ca lúc ấy đã không thuộc về hắn nữa. Hắn chỉ nghĩ đến cái thời hạn khủng khiếp. Bốn tháng. Bao giờ cho hết bốn tháng để về nhà.

Hắn dông thẳng tới 76 mà không hề biết rằng mình đang ở khu biệt giam 76. Hắn hỏi lại đám bạn câu hắn đã hỏi bố mẹ Phương tối hôm trước: “Thằng Phương bị bát vì tội gì”. Và lẩm bẩm: “Tuyên truyền phản cách mạng là gay lắm: Y như mình. Rất chung chung nên rất gay”. Hắn hỏi tiếp:

– Bốn tháng. Lệnh tạm giam bốn tháng là dành cho những người tội nặng. điều tra phức tạp. Nhẹ chỉ hai tháng thôi. Nó bị giam ở đâu?

Bàn bảo:

– Chắc Hỏa Lò thôi.

Bố Phương nói:

– Hai bác chưa được vào thăm.

Hắn giải thích:

– Tù chính trị bao giờ cũng bị i-dô-lê . I-dô-lê hoàn toàn.

Hắn tránh chữ xà lim, nhưng lại nói ngay tới chữ ấy:

– Suốt mười tám tháng xà lim cháu không được gặp mặt vợ cháu. Cho mãi tới khi lên Q.N. Kinh nhất là các con mình vẫn cứ lớn lên, khác đi trong khi mình không được ở bên cạnh chúng. Bố Phương le lói một hy vọng.

– Liệu nó có được giam ở Sở Công an không? Họ nhận tiếp tế ở đấy.

– Vâng. Cũng có thể.

Hắn đã nói dối. Một lần nữa hắn lại nói dối. Nhận tắc ở Sở Công an. Nhưng giam ở Hỏa Lò. Cũng như anh em tù ở trại Cổng Giời, nhưng để lại gia đình địa chỉ: Công trường 75B Hà Nội. Nghe như ở vùng Mễ Trì, Đan Phượng.

Mạc, Hường thì thầm với nhau điều gì đó, rồi đứng dậy dắt xe đi. Bàn đưa cả chìa khóa buồng cho Hường. Còn lại hắn, Lê Bàn, bố mẹ Phương. Cũng như mọi người, hắn chưa bao giờ nghĩ rằng phương có tội. Hắn tin Phương như tin hắn. Phương có thể màc những chuyện này chuyện nọ nhưng chống lại cách mạng thì không. Tuyên truyền phản cách mạng lại càng không. Hắn nhớ đến dạo hắn còn công tác ở Hà Nội. Những chủ nhật, hai người ngồi với nhau tới khuya. Và những tối lang thang, ngồi bệt xuống thảm cỏ Hồ Tây. Dự định. Mộng ước. Động viên nhau làm việc. Cắm trước mặt mình những cái mốc từ gần đến xa: Pôlêvôi, Kadakêvich, Phađêep, Sôlôkhôp.

Hắn biết rõ Phương như hắn biết rõ hắn. Phương muốn gì? Cũng như hắn, Phương coi thường vật chất. Chỉ mong muốn viết được, khái quát được một giai đoạn cách mạng. Phương cũng như hắn đều là người ngoài Đảng, đều trung thực. Cũng như hắn, Phương thích mấy câu thơ Maia:

Thực ra ngoài chiếc áo sơ-mi tươi tắn

tôi chẳng cần gì.

Trước Bộ kiểm tra Trung ương Đảng

Những năm trong sáng tương lai

Vượt qua lũ nhà thơ bạc lận cờ gian

Tôi sẽ giơ cao tờ chứng minh thư Đảng

Là toàn tập thơ bônsêvích tôi làm

“Tuyên truyền phản cách mạng” tội danh của Phương cũng là tội danh của hắn. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó chỉ có thể là Phương đã nhìn thấy và báo động về những cái xấu xa đang mọc lên trên lưng chế độ như nạn móc ngoặc đang hình thành và bắt rễ trong các ngành mậu dịch. Nạn cửa quyền trong các cơ quan tiếp xúc với dân. Bệnh thành tích, hình thức, điêu dối trong báo cáo và cuộc sống. Chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần đã làm thiệt hại bao nhiêu đến sự nghiệp chung v. v… Phương đã nhìn thấy những gì trái với bản chất xã hội chủ nghĩa, muốn lên tiếng bảo vệ những lý tưởng của cách mạng. Vì cách mạng. Vì cách mạng là xương máu của bao thế hệ. Vì mình là người tâm huyết, một lòng theo cách mạng. Là sự nhìn nhận cuộc sống đúng với hiện thực, không phải chỉ một màu hồng. Là lòng mình yêu thiết tha nhân dân này, đất nước này, Là chống lại sự bất công mới đã có và đang có như một thứ nấm mốc lây lan. Để cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự nghiệp tốt đẹp hơn đúng với mục tiêu của nó.

Và như vậy là nhìn đời đen tối. Là bất mãn. Là chống đối. Là vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.

Chẳng lẽ mình không có quyền suy nghĩ, không có quyền nói lên, không có quyền tỏ thái độ? Chẳng lẽ mình không còn có quyền yêu nước. Chẳng lẽ lòng yêu nước cũng bị độc quyền? Không. Có thể độc quyền xuất khẩu, độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất muối, nhưng không thể độc quyền yêu nước!

Hắn nhìn nét mặt đau khổ, tối sầm của bố Phương, một cán bộ lâu năm vừa nghỉ hưu sau khi Phương bị bắt. Hắn nghĩ đến cái lệnh tập trung cải tạo mà bao người chịu. Cái án cao-su. án Tô Vũ chăn dê. án dê đực đẻ. Hắn nói: Cái chính là làm sao họ đem xử thằng Phương. Mẹ Phương ngắm nghía hắn, rổi thở dài:

– Thằng Phương yếu, không được như anh, ở trong ấy lâu nó không chịu nổi đâu.

Bàn nhíu mày:

– Nó đang làm một kịch bản phim về chiến tranh. Có vẻ thú lắm. Trước khi bị bắt mấy hôm, gặp nhau, nó còn khoe với tao.

Hắn lại nghĩ đến những người bắt hắn. Họ muốn lập công. Họ muốn tỏ ra là những người trung thành, có năng lực. Họ đã vận dụng một chỉ thị nào đấy, như thời gian hắn bị bắt là chủ trương pha-lê hóa thành phố… Thế là hắn trở thành một thứ hòn chèn, chèn cái chân ghế vốn khập khiễng của họ, hoặc một bậc thang trong cầu thang danh vọng của ai đó.

Tới gần trưa hắn từ biệt bố mẹ Phương. Bàn đèo hắn đến nhà Bàn. Bàn không ở Đền Ngọc như hồi hắn chưa đi tù, mà đã chuyển về một căn buồng hẹp phố Phùng Hưng. Vũ Mạc, Hường đã ở đó. Mùi thịt nướng thơm lừng. Hường má đỏ ửng, mắt long lanh ươn ướt vì khói.

Bún chả. Rượu. Rau muống chẻ giòn tươi. Đủ các loại rau thơm. Những cọng rau thơm khát vọng. Bốn người ăn. Chuyện. Hắn kể về những ngày đầu tiên bị ném vào xà lim, cái việc Phương đang chịu. Cũng như mọi người bị vào đấy, hắn đo chiều ngang chiều dọc chuồng nhốt hắn, xẹm mỗi chiều mấy bước chân. Xà lim 76 hẹp. Ngang ba bước bình thường. Nghĩa là một mét tám. Dài bốn bước ngắn. Nghĩa là hai mét. xà lim 76 có một cái bục xi-măng làm giường nằm. Lạnh lắm. Cũng như két-sô bên 75. Hắn đã một lần vào két-sô đổ bô. Tường quây kín mít dãy xà lim két-sô. Cách ly của cách ly. Liếc rất nhanh vào một cái cửa ghi-sê để xem bên trong. Cũng sàn xi-măng.

Thoáng trong bóng tối một gióng chân gầy, một cái lưng cong đang cúi, hai tay nâng bàn chân lên miệng… Nhấm móng chân! Cũng như mình thôi. Nhưng nếu mình ngồi, đấy lại là một chuyện. Nếu mình ngồi nhấm móng chân là đang quên đi tất cả thân phận xà lim, là mình đang được giải trí… Là giờ phút thư dãn dễ chịu hằng mong đợi. Vì cũng phải trải qua trăm nghìn cơn chết móng chân mới mọc đủ dài để gặm. Nhưng đứng ngoài nhìn vào thấy bố ấy đang còng lưng nhét ngón chân vào mồm thì thật không thể nào duyệt được.

Sang 75, mỗi chiều xà lim rộng hơn tới gần một bước chân. Bốn bước chiều ngang. Bốn bước rưỡi chiều dài. Những ngày đầu vào 76 cứ thế mà đi mà đếm. Một hai ba. Một hai ba bốn. Chiều ngang ba bước là vừa phải. Chiều dài chỉ ba bước rưỡi thôi. Vậy bước ngắn một chút. Bước ngắn quả là khó.

Chóng mệt. Mà không bước được chứ. Thì cứ bước bình thường, chỗ nửa bước còn lại ấy bỏ. Nào, một hai ba. Một hai ba. Đi từ sáng đến trưa. Nghỉ. Rồi lại đi đến chiều. Đi cho đến mệt lử. Đi để tự trấn tĩnh mình. Đi cho mình dịu lại. Đi để khẳng định niềm tin vào bản thân. Đi để nghĩ đến khi nào được ra sẽ kể cho bạn bè nghe mình đã đi trong xà lim như thế nào. Đi mà thương, mà hiểu nỗi lòng những con thú bị nhốt trong chuồng. Rồi nhớ đến bài Nhớ rừng của Thế Lữ. Nghĩ đến những người cộng sản bị tu đày. Những năm tháng tù đày ấy là những ánh hào quang lấp lánh ánh sáng huyền thoại rọi chiếu vào lịch sử dân tộc. Đó là đồ trang sức đẹp nhất cho những người làm chính trị mà không phải thế hệ nào cũng có được, dù cho thèm khát đến mấy. Lại nghĩ đến những người thành đạt, muốn nhảy vào gặt hái trong mọi địa hạt kể cả địa hạt thơ ca, những người muốn vĩ đại ở mọi lĩnh vực. Tự nhốt mình trong buồng. Rồi đi đi lại lại tìm tứ thơ như mình đang đi thế này. Cũng một hai ba, quay. Một hai ba, ba rưỡi, quay. Tìm tứ thơ vất vả lắm chứ. Đi nữa. Một hai ba. Một hai ba, ba rưỡi. Ba rưỡi, ba, hai, một. Nào các vị đã làm được một bài thơ mới nào chưa. Thế là cười. Cười một mình… Nhưng có cái này đúng là rất lạ. Khi bị giam lâu trong xà lim được ra ngoài, lạ nhất là trông thấy những người đi xe đạp. Ai đi xe đạp cũng như con gấu. Gù gù. Chân ngắn. Nhoáy nhoáy. Thật đấy. Ai cũng thấy thế. Chẳng riêng mình đâu. Một năm rưỡi mới trông thấy người đi xe đạp, khi ngồi trên ô-tô từ 75 chuyển đi Q.N, khóa chung tay với già Đô. Nhìn mọi người đi xe đạp thành gấu hết.

Ba người bạn gần như ngừng ăn. Nghe. Nghe hắn kể về tiếng chim kêu. Các loại. Như tiếng chim báo hiệu bình minh trong tù. Chưa sáng hẳn, rừng còn dày đặc một màu, con chim ấy đã bay dọc theo lán giam của hắn. Lán hắn nằm ở bờ dốc, ngay phía ngoài, sát hào và tường rào cao. Con chim rừng bay dọc thung lũng. Tiếng chim to lên rất nhanh. Như tiếng lợn bị chọc tiết. Và cũng tắt đi ngay vì con chim bay rất nhanh. Hắn cứ thót cả tim. Trở mình nằm sấp, hắn nhìn ra của sổ. Nhìn ra hàng rào cao dày. Con thằn lằn không chui qua được. Hắn nhìn ra rừng hoắm sâu những thung lũng, những khe núi, chờ trời sáng, chờ quản giáo tới mở cửa để ra ngoài.

Tinh mơ nào cũng một con chim ấy, bay dọc hàng rào của trại, từ phía dốc vào thung lũng. Nghĩa là ngang qua đầu hắn. Vừa bay vừa phóng ra những tiếng kêu thất thanh ấy. Như một mũi dao khoan xoáy vào không trung. Chẳng hiểu có việc gì mà nó bay sớm thế, nhanh thế và kêu thét lên như thế. Hắn chưa bao giờ trông thấy nó mà chỉ nghe thấy tiếng eng éc như tiếng lợn vút qua. Đó là tiềng chim báo bình minh của hắn.

Rồi tiếng chim khó khăn khắc phục. Bọn hắn đều biết phải chịu đựng, phải khắc phục, vượt qua những ngày dài đằng đẵng, những nỗi khổ cực không ai hiểu nổi này. Phải nói ai nghĩ ra chuyện bỏ tù thật là vĩ đại. Nhân loại phải tìm được tên người ấy để mà lưu danh, để mà tạc tượng. Người đã có sáng kiến vĩ đại khiến tất cả mọi quốc gia trên trái đất này đều áp dụng. Vĩ nhân ấy phải rất hiểu bản chất tự do của con người. Có gì đâu. Chỉ tước đoạt tự do của anh thôi. Bắt anh, nhốt anh ở một nơi. Anh phải tuân theo lệnh của tôi. Phải đứng, đi. ngồi, ăn, làm, nghỉ theo lệnh của tôi. Anh không còn một mối dây liên hệ nào với những người thân thiết của anh. Thế mà hóa ra địa ngục. Thế mà hóa ra tận cùng khủng khiếp.

Tiếng chim ở bên này rừng: Khó khăn.

Tiếng rừng bên kia đáp lại: Khắc phục.

Đó là những lời nhắn nhủ, những lời đồng cảm.

Nhưng nếu cứ nhắc đi nhắc lại, chỉ nhắc đi nhắc lại những lời đồng cảm thì đến phát điên mất. Đừng. Đừng làm như vậy. Đó chính là sự lãnh đạm đối với đau khổ của con người, vô tình, hơn nữa giả dối đến mức tệ hại nhất. Đó chính là vô đạo đức. Khó khăn… Thôi. Đủ rồi. Cái điệp khúc này tao nghe mãi rồi. Thuộc lòng rồi. Bao giờ chả thế. Hãy ngậm ngay mồm lại Rừng ong ong. Thung lũng ong ong. Không khí hầm hập. Nóng từ rừng núi toát ra và cũng từ rừng núi vọng ra lời nói vu vơ mà cứ xoáy vào lòng:

Khó khăn.

Khắc phục.

Rồi con chim Còn khổ. Đó mới thật là tiếng của kinh hoàng. Còn khổ. Còn khổ. Không. Không thoát được cảnh này đâu. Còn khổ. Còn khổ. Đừng mong đợi một ngày qua làm gì. Ngày mai cũng sẽ hệt như ngày hôm nay. Có án đâu mà tính đã qua được một ngày, rằng mình đã có thêm cái vốn, rằng cõi đời khốn nạn của mình đã bớt được mọt ngày, để tăng thêm nghị lực sống. Còn khổ. Còn khổ. Rừng núi báo cho các anh biết đấy. Luật pháp báo cho các anh biết đấy Chúng tôi không giấu giếm.

Còn khổ. Những người tù nhẫn nhực cúi đầu chịu đựng. Còn khổ. Voòng Kỷ Mình mặt dăn dúm, quắt queo, nhăn nheo như quả táo tầu khô, hao hao mặt khỉ, nhìn trước nhìn sau, xoay lưng lại, vặt vội nắm rau muống còn ướt đẫm phân tươi, ấn vào gô để tí nửa mang xuống suối rửa. Còn khổ. Hắn quẩy thùng nước phân thứ một trăm trong ngày, leo dốc, thở ra cả mang tai, mặt trời đốt vai rát bỏng. Dòi ở hố phân bám vào chân hắn trắng xóa, con rơi xuống đất theo từng bước chân huỳnh huỵch, con vẫn tiếp tục bò ngược lên tận bẹn. Còn khổ. Sao bây giờ vẫn chưa nghỉ giải lao. Còn khổ. Cái lưng cánh phản gù gù của Lỷ Xìn Cắm nâu thẫm như đồng lóa lên dưới nắng. Còn khổ. Già Gọi quệt tay áo ngang mặt. Nước mắt hay mồ hôi? Còn khổ. A Thềnh, người tù già dân tộc Nùng đi sang luống rau khác, bàn chân không quen đi ở mặt bằng cứ vất ra phía trước. Còn khổ. Còn khổ. Già Đô quắc mắt nhìn vào rừng sâu, rít lên: “Còn khổ cái con cặc tao đây này”. Còn khổ. Hắn đã tưới xong gánh phân và đi xuống múc gánh khác. Hố phân rộng như một cái ao còn khổ, bậc cấp kè đá gan gà vững chãi. Nước từ suối chảy xuống theo một lạch nhỏ róc rách còn khổ mặt hố phân đóng bánh như bê-tông xám đen. Anh em gánh vệ sinh vừa từ trong trại ra đổ ụp xuống mấy thùng phân tươi, rồi lặng lẽ bước về phía suối cọ thùng. Còn khổ. ừ, thì Còn khổ. Xong rồi. Chấp nhận. Được chưa? Còn khổ. Quên đi. Khuấy phân ở chỗ cầu bến này đã. Cho phân tan ra còn khổ cho nhặng bay lên xoáy vòng tròn đen đặc vù vù như ong vỡ tổ còn khổ, nhặng đâm cả vào mặt vào cổ vào tay, nhặng đậu cả lên tóc còn khổ cho dòi cuồn cuộn. Còn khổ. Vớt những giấy những giẻ những mảnh quần áo còn khổ những mảnh chăn quất quít những đóm nửa cây que mà anh em người dân tộc dùng như một thứ giấy vệ sinh, vất lên bờ hố. Còn khổ. Lội xuống cúi cúi ghé thùng múc. Còn khổ. Hơi nóng mằn mặn bốc lên chàm vào mắt vào mồm. Còn khổ. Loạng choạng lên dốc với một ý chí, một quyết tâm mới không biết từ đâu đến. Còn khổ… Còn khổ. Đừng dọa tao. Tao sẽ sống. Dù còn khổ. Khổ đến bao giở chăng nữa tao vẫn cứ sống.

Còn khổ còn khổ còn khổ còn khổ còn khổ còn khổ. Một loạt tiếng chim liên tiếp trong trẻo véo von trêu chọc. Những tiếng chim non nhí nhảnh. Nhịp điệu cũng nhanh. Nhanh và trong. Như lũ trẻ vô tư tót bụng trêu chòng những người bất hạnh mà không biết ràng mình đang làm khổ họ. Còn khổ. Tiếng một con chim bố chững chạc nghiêm trang một giọng phán truyền đầy hăm dọa như định mệnh cất thành lời Còn. Khổ. Còn. Khổ. Tiếng con chim già trải đời ôn tồn báo trước như an ủi, xót thương mà sao vẫn muốn khùng lên vạc lại. Còn khổ. Những người tù tuyệt vọng nhìn nhau. Còn khổ. Hẳn rồi. Nhưng còn khổ đến bao giờ? Có lần hắn nghe thấy một giọng trầm từ rừng sâu vọng ra. Một buổi chiều rừng nhợt nhạt hoang vu.

Cooòn khôôổ… Tiếng nghe uể oải và mệt mỏi. Đúng là tiếng của đất, của rừng than thở một mình, đồng điệu với tiếng rên không thành lời âm thầm trong lòng hắn. Và tiếp theo là tiếng thở dài của rừng sâu. Thỉnh thoảng rừng vẫn thở dài như vậy. Hắn gai người… Còn một loài chim nữa. Hắn cũng chỉ nghe thấy có một lần. Hôm ấy hắn định về trại (hắn đã được giữ chân coi vườn), thì từ phía sau rừng đi ra một ông công an vũ trang. Ông bảo hắn:

– Các ông ấy đánh cá phía trên đấy.

Hắn như mở cờ trong bụng, cầm ca chạy lên. Hắn cứ theo dòng suối vào sâu mãi. Trời thâm u đầy mây như sắp đổ mưa rào sớm. Giữa rừng lại càng sầm lại. Một mình hắn với cái ca. Bỗng tiếng chim kêu rất to ngay bên cạnh như tiếng người: “ới con ơi! ” Tiếng ơi không nhỏ dần đi mà lại to lên. Đúng lúc to nhất thì đột ngột tắt. Rừng sâu lịm đi. Hắn bỗng thấy rừng hoang vắng quá. Hắn chờ một tiếng gọi tiếp theo. Hoặc một người bước ra. Nhưng rừng cừ tối dần lại. Hắn hoang mang không biết đó là tiếng người hay ảo giác. Về sau, lên VQ, gặp anh em đã ở Hà Giang, họ bảo có con chim ấy. Chưa ai trông thấy nó, nhưng nhiều người đã nghe thấy nó gọi con. Họ đặt tên là chim ới con ơi. Bàn cười:

– Riêng chuyện chim kêu đã viết được một chương rồi.

Hường nhìn hắn trìu mến:

– Ngọc chưa biết anh về đâu nhỉ? Nhìn kiểu cười tủm tỉm của Hường, hắn biết Hường đang rất vui. Cái kiểu Vũ Mạc đối với Hường làm hắn biết Hường là người đem lại hạnh phúc cho Vũ Mạc. Họ không nói với hắn trong lúc này. Nhưng hắn hiểu. Chỉ có điều hắn không biết Hường đã bỏ việc để yêu Mạc, tránh mọi thứ kiểm điểm lôi thôi ở cơ quan. Cũng như hắn không hiểu được để có bữa bún chả, Mạc đã đi bán máu. Lúc đó Mạc đã là lính me . May là hôm ấy bệnh viện không mua máu ngoài. Hôm ấy bệnh viện chỉ giải quyết nội bộ. Nghĩa là chỉ mua máu của những người làm trong bệnh viện. Mạc là khách quen. Vẫn được nhận. Lại không phải xếp hàng. Phải đến năm sáu năm sau, Lê Bàn mới nói cho hắn biết chi tiết ấy. Bàn cười rinh rích: Chúng tao không dám nói. Sợ mày kinh, ăn không ngon. Sợ mày nghĩ là mày đang ăn thịt nó. Nó bán máu và bán luôn cả cái phiếu đậu bồi dưỡng. Chao ơi Bè bạn.

 

 

Về đầu

 

Chương 16

 

Hắn không ngờ phải đứng chân ở Hà Nội mất hai ngày. Hắn tự nhủ: Ngọc đã phải chờ đợi hơn một ngàn ngày rồi, hai ngày nữa đáng là bao. Với lại cũng là ngoài ý muốn của hắn. ăn cơm ở nhà Lê Bàn xong, hắn đi gặp anh chị Diệu. Đang giờ làm việc, hắn đến thẳng tòa báo. ở một góc sân, một người cởi trần, đầu trăng xóa như bông, toàn bọt xà-phòng đang cuốc đất, chung quanh mấy con ngan đang đâm lông ống nhoai vào đớp giun. Hắn thông cảm với cái đầu trắng xóa ấy. Chả là trong tù xà-phòng hiếm lắm. Hắn gội đầu và cũng cứ xoa gãi tràng ngầu lên, rồi đi kỳ cọ chân tay, xong đâu đấy mới giội nước lên đầu. Nó ăn hết gầu, chỉ mất ít xà-phòng nhưng sạch. Người ấy trông quen quen. Hình như là Con-Đĩ-Ngựa. Một người hắn không bao giờ nghĩ đến trong những nám tháng tù tội. Đã quên hẳn đi rồi, như quên món bánh tráng nhìn thấy trong khi ăn bữa cơm tự do đầu tiên ở vệ đưòng chờ ô-tô đến.

Hắn nhìn lại một lúc và nhận ra đúng là Con-Đĩ-Ngựa. Chỉ vì cái đầu ông ta ngầu bọt xà-phòng nên trông hơi lạ đi. Hắn bật cười. Cười một mình khi nghĩ đến những chuyện về ông ta. (Được cười, thật sung sướng biết bao). Thực ra hắn chưa một lần tiếp xúc với ông, nhưng chị Diệu đã kể cho hắn nghe mọi chuyện về ông. Một cán bộ lâu năm. Vào tù ra tội. Trong tù, bọn Pháp hỏi: Ai ủng hộ Liên Xô đứng sang một bên. ông là người đầu tiên hiên ngang đứng sang bên đó. Chúng tra tấn ông. Gí cả bàn là nung đỏ vào lưng. Vết sẹo ấy vẫn còn. Nếu hắn đứng ở phía trong bếp nhìn ra thế nào cũng thấy. Ông ở tập thể, nhưng không ăn tập thể. Nấu riêng. Tiểu táo. Ba lạng thịt phiếu ông mua mậu dịch, thật trớ trêu, như một trò đùa của định mệnh, lần nào cũng toàn bạc nhạc. Từ cửa hàng mậu dịch về, ông đi các phòng, chìa miếng thịt cho mọi người xem, phẫn uất:

– Con đĩ ngựa đây. Con đĩ ngựa nó bán cho miếng thịt thế này đây. Đấy là ông nói về cô mậu dịch viên đã bán thịt cho ông. Chẳng biết mặt mũi tính tình cô ta ra sao mà ông phác họa chân dung cô như vậy. Từ ấy ông được anh em trong tòa báo gọi lâ Con-Đĩ-Ngựa. Ông rất vui vẻ nhận cái tên ấy, cái tên ông rủa sả cô mậu dịch. Còn tên Chính, đồng chí Đỗ Trọng Chính chỉ được dùng đến trong các cuộc họp cơ quan và chi bộ.

Hắn rụt rè bước lại định hỏi Con Đĩ Ngựa về anh chị Diệu, thì chợt nhìn thấy chị Diệu đang nói chuyện với một phụ nữ còn trẻ. tóc phi-dê trong một phòng có máy chữ.

Chị Diệu ctĩng trông thấy hắn. Chị chạy ra kêu lên:

– Ơ Chú Tuấn. Chú Tuấn đã về rồi đây này.

Chị nắm lấy tay hắn. Chị vẫn như vậy. Hơi đẫy ra. Hai chị em nhìn nhau một lúc lâu.

– Em về hôm qua.

Chị Diệu nắm tay hắn kéo vào cửa phòng:

– Cô Hà ơi! Eng Tuấng eng đã về rồi đây này.

Hắn đã nhận ra cô gái phi-dê. Cô Hà, cô thư ký đánh máy nhìn hắn. Cô cười rất tươi, đến nỗi hắn ngờ ngợ không hiểu cô có biết hắn vừa ở chốn nào về không? Hắn thích thú vì chị vẫn giữ nguyên tính hài hước. Như không có những ngày tù của hắn. Như hắn vẫn ở P lên gặp các nhà xuất bản buôn văn bán chữ, chứ không phải hắn đi tù về. Và hẳn là chị vẫn nói với cô Hà về cái tài bắt chước các tiếng địa phương của hắn.

Cũng như rõ ràng chị vẫn thích được nói chuyện với hắn. Hai chị em vẫn có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì. Chị nói thật có duyên. Cái ngày hắn chưa đi tù, chị kể về đám người chạy rầm rập ngoài phố như có báo động. Chị gọi hỏi, không ai trả lời. Có một bà tổt bụng nhất không quay đầu lại, vừa chạy vừa thét lên để chị biết:

– Cá mè ô 5

Chị cười giàn giụa nước mắt:

– Tức là mậu dịch bán cá mè cắt ô 5. Còn ô thì đi mua.

Chị kể chuyện Tết nào Sở Thương nghiệp Hà Nội cũng triệu tập các cơ quan lên họp và Tết nào chị cũng được nghe ông phó giám đốc mở đầu bài nói bằng câu:

– Tết năm nay chúng tôi cố gắng bảo đảm bằng năm ngoái.

Có thể ông ta quên rằng năm nào ông cũng nói câu mở đầu kinh điển ấy. Vì một năm ông chỉ nói một lần. Còn chị thì chị nhớ. Vì năm nào chị cũng phải nghe. Mười mấy năm chị làm quản lý, đồng chí phụ trách báo cứ đến Tết đưa tờ giấy triệu tập họp cho chị, lại bảo:

– Này, ông cố gắng bằng năm ngoái mời họp đây. Bà đi họp xem Tết nhất ra làm sao.

Chị Diệu để hắn đứng ngoài sân, chạy lên gác tìm anh Diệu. Cả ba đi bộ về nhà. Chả là nhà anh chị Diệu ở liền cạnh cơ quan. Anh Diệu lấy ngay một bộ quần áo: cái áo sơ-mi pô-pơ-lin trắng ngắn tay, quần ka-ki và cả xanh-tuya của anh đưa cho hắn.

Hắn lại thay màu. Không màu nâu nữa. Trông hắn đã giống với đời thường. Dù vẫn còn lúng túng, ngượng nghịu với bộ cánh xi-vin chưa thể nào quen ngay được.

Anh chị Diệu ngắm nghía hắn như nhà điêu khắc ngắm nghía tác phẩm của mình vẻ hài lòng. Chị Diệu xuống nhà và trở lên với một tút thuốc lá Tam Đảo. Thật tuyệt vời. Chị bao giờ cũng vậy. Chị chỉ là chị dâu và anh Diệu là con ông bác, nhưng anh chị coi hắn như em ruột. Vì bản tính anh chị. Vì hắn đã công tác ở Hà Nội mãi, có chủ nhật nào không lên nhà anh chị chơi, hoặc ăn cơm, ăn chè ở nhà anh chị. Anh Diệu cũng suýt lao đao, khi cho đăng báo bài phóng sự dài kỳ về nạn gái điếm còn lại ở thủ đô sau tiếp quản. Người ta phê phán anh là đã đi vào những đề tài nhằm khêu gợi thú tính, bôi đen chế độ. Trong khi bao đề tài khác, bao mặt trận xây dựng khác đang cần sự có mặt của người cầm bút. Anh cũng là người vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.

Hắn đỡ tút thuốc lá trong tay chị Diệu, bóc ra lấy một điếu hút, bụng nghĩ: ở trong ấy, đây là cả một gia tài. Giải quyết được bao nhiêu thứ. Mỗi biêu một lệnh . Chỗ này được một cân chè đây. Uống với già Đô được hơn tháng, tối nào cũng sột sệt không phải lo nghĩ. Chị Diệu nhìn hắn hút mà cảm thấy sung sướng.

Chị Diệu: Chú đã điện cho cô Ngọc chưa?

Hắn: Em không biết trước. Có phải tù án đâu mà biết, mà điện.

Chị Diệu: Cô ấy mừng lắm. Lần nào cô ấy lên đây cũng khóc.

Anh Diệu: à! Hình như Vũ Phương cũng bị bắt rồi phải không?

Hắn: Vâng. Hôm qua em ngủ nhà nó. Về đến đây em mới biết.

Chị Diệu: Khổ thân cậu ấy. Lúc chú mới bị bắt, cứ đến đây hỏi thăm tin tức thằng Tuấn.

Hắn hỏi tin tức gia đình. Đợt B52 vừa qua làm hắn rất lo. Hắn cứ tưởng người nhà, họ hàng thân thích hắn bị sứt sát vì đều có mạt ở những nơi trọng điểm. Nhưng không. Tất cả nguyên vẹn. Cả nhà hắn chỉ có hai người đi xa: Hắn và thằng Hải con anh Thân, anh ruột hắn. Hắn đã về, chỉ còn mỗi thằng Hải đi bộ đội đã tham gia đánh chiếm Huế và hiện nay vẫn còn trong B.

Hắn không nhớ được bữa cơm ăn ở nhà anh chị Diệu. Hắn chỉ nhớ tối hôm đó hắn ở nhà một mình: Anh chị đã lấy vé xem phim. Hắn giục anh chị đi xem, đừng bỏ vé vì hắn. Cán buồng của anh chị Diệu vẫn như năm năm trước. Vẫn cửa sổ trông ra cây phi lao ấy, cái sàn lim lau thẫm bóng ấy, cái giường ấy. Nơi để xô nước ấy, cái bàn quay mặt vào lò sưởi ấy.

Đây là thiên đường hò hẹn của hắn với Ngọc khi hai người yêu nhau. Hình như cái hôn đầu tiên trong đời hắn là ở đây. ở đây hay ở Vĩnh Tuy, hắn không nhớ nữa.

Dạo ấy hắn là phóng viên báo T. ăn, ngủ, làm việc, ở cùng một nơi, một căn nhà phía cuối đường Bà Triệu. Ngọc ở ngay bên kia đường đối diện với cơ quan hắn. Chỉ cần nhìn thấy Ngọc ở cửa là có thể ra một tín hiệu: Hơi hất đầu về phía ngã tư Tô Hiến Thành và nhận tín hiệu của Ngọc: Một cái gật đầu khe khẽ. Thế là hắn đạp cái xe Parker biển xanh ra ngã tư chờ Ngọc tới. Hai người lên cơ quan anh Diệu, mượn chìa khóa nhà anh chị. Chị Diệu vừa đưa chìa khóa vừa nói:

– Lại đón cô Ngọc lên chơi hở. Tý nữa, nếu chúng tôi đi vắng cả, thì cứ đưa chìa khóa cho cô Hà nhé.

Ngọc cầm đĩa đi mua xôi ruốc, xôi lạp xường. Hai người ngồi ăn. Ngọc gọt mắc coọc, Ngọc pha nước chanh. Ngọc làm nghiêm:

– Em. Không được trêu chị. Để yên chị làm. Cứ quấy chị thôi. Hư lắm.

Trong căn buồng này hai người đã quên tất cả thế giới đang tồn tại. Nàng lúc đó mới 19 tuổi. áo ngắn tay bồng vai. Tóc xõa ngang lưng. Dáng đi hơi ngả về phía trước. Tiếng guốc của nàng như tiếng hài pha-lê của Lọ Lem, như tiếng guốc lên thang trong thơ Quang Dũng . Hai người đi, cũng chẳng biết là đi đâu nữa. Đời vui. Người vui. Mình vui. Đi cho hết những phố phường, những vỉa hè Hà Nội. Di cho hết những đêm đầu hè như đêm nay mà hắn vốn rất yêu và nàng cũng rất yêu. Đi vì nàng đi bên hắn. Nàng cũng háo hức như hắn. Hắn nhìn nghiêng và thấy cánh tay nàng tròn được cái tay áo lụa may bồng lên ôm rất khít. Một ánh đèn màu từ rạp Majestic hắt ra. Gò má nàng, mái tóc nàng, cả người nàng, cả cây cối chung quanh nàng đều nhuộm xanh như không có thực.

 

Về đầu

 

Chương 17

 

Hắn nhớ lại tất cả.

Hà Nội là thành phố của hắn.

Hà Nội là thành phố những năm tuổi trẻ tươi đẹp nhất của hắn.

Không phải chỉ là thành phố một thời yêu Ngọc.

Đó còn là thành phố một thời tin tưởng. Một thời tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Học xong phổ thông, vào thanh niên xung phong, tiếp quản Hà Nội. Ngày 9-10- 1954 từ bốt Hàng Trống trở về nhà thương Đồn Thủy, thao thức không ngủ. Xem đồng hồ, nghe đồng chí Vũ nói: “Giờ này, Tây đang rút khỏi cầu Long Biên “. Đi dọc hành lang sang nửa nhà thương Đồn Thủy bên kia, bọn Tây đóng bên đó đã đi hết cả. Bọn Tây (chắc là nhân viên thầy thuốc) già, to béo vẫn nhìn bọn mình tập thể dục đầu này hành lang, toàn lứa tuổi hai mươi, trẻ măng, nhưng tự tin khi tiếp xúc với họ vì “sau lưng ta là Điện Biên Phủ”. Sớm 10-10 ra khỏi nhà thương Đồn Thủy, sang bên kia đường, nơi vẫn gặp các sĩ quan Pháp để cùng lên ô-tô đi tiếp quản công thự. Muốn òa lên khóc: Nơi ấy đã treo tấm ảnh Bác Hồ gầy gò với chòm râu thưa. Một khẩu hiệu vắt ngang đường: Hoan nghênh đại quân ta vào giải phóng Thủ đô.

Rồi những đêm nhảy múa với công nhân nhà máy điện, nhà máy đèn, nhà máy nước. Cô gái Cửa Bắc xinh đẹp sáng bừng lên khi mời được mình vào nhà chơi. Cả nhà cô, cả mấy nhà gần đấy sáng bừng lên một niềm sung sướng và kiêu hãnh vì bộ quần áo màu cỏ của mình ở trong nhà họ.

Và từ chối đi học nước ngoài. Lúc đó đã được chọn về làm phóng viên báo T. Thỏa mãn khát khao từ khi còn đi học: Trở thành người cầm bút. Sống ở Vácxôvi, Praha, Mạc Tư Khoa thật tuyệt vời nhưng sao bằng sống giữa Thủ đô Hà Nội. Tùy viên văn hóa, kỹ sư, bác sĩ chỉ có thể là những viên chức mẫn cán, sánh sao được với lao động nhà văn. Nguyện vọng cả đời đã thành sự thật. Cánh cửa đời rộng mở. Tự tay mình dựng xây sự nghiệp. Tương lai mình do mình định đoạt. Lăn lộn với cuộc sống. Ghi. Đọc. Viết. Trao đổi với bè bạn. Cả một lớp bạn cùng lứa trẻ trung, vui tươi, thông minh, tài năng, hóm hỉnh, tin tưởng ở nhau, lúc nào cũng là nguồn động viên nhau làm việc.

Những đêm trong buồng tập thể, tuân theo nội quy tắt đèn để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác, ra bật ngọn điện cầu thang ngồi đọc sách tới khuya. Những lúc giành ra-két đánh pinh-pông, quần nhau suốt ngày không mệt. Giọng Nguyễn Vũ Phương liến láu đọc bài tổng kết về các văn nghệ sĩ tên có chữ Xuân:

– Xuân Diệu, Xuân Thiêm là Xuân tượng trưng. Xuân Hồng, Xuân Thâm là Xuân màu sắc. Về khí tượng có Xuân Vũ, Xuân Phong. Xuân âm nhạc là Xuân Cang, Xuân Khánh. Còn nếu bạn muốn nghiên cứu Xuân giáo dực chúng tôi có Xuân Sách, Xuân Trường…

Mình mượn xà-phòng của Vũ Mạc để giặt. Tất cả đứng ở bể nước nhìn mình mài xà-phòng của Vũ Mạc vào bộ quần áo bẩn. Vũ Mạc nhại thơ Nêruđa:

Hãy đến xem

Tuấn xát

xà-phòng

Hãy xem

Tuấn xát xà-phòng

Hãy đến xem Tuấn xát xà-phòng

Đêm ba mươi Tết, xuôi tàu từ Mục Nam Quan về Hà Nội với anh lái xe hỏa. Tới cơ quan là giao thừa, đốt pháo ở cơ quan khói mù mịt. Đập lúa trên sân nhà đồng chí bí thư chi đoàn vùng chiêm trũng Hà Nam. Về Bắc Giang chống hạn, nghiêng sông đổ nước vào đồng. Chuyến đi Thanh Hóa khi mới yêu Ngọc, cả thế gian là sầu nhớ, vừa đến tỉnh đoàn đã vội hỏi đường ra bưu điện, đánh điện về cho Ngọc.

Quốc khánh mùng 2-9, dậy từ lúc cả thành phố còn đang ngủ. Náo nức. Đứng ở cửa chờ Ngọc. Nhìn sang cánh cửa bên kia đường vẫn khép. Rồi nàng mở cửa nhẹ nhàng bước ra áo dài trắng, quần trắng, đồng phục của trường đi đón ngày Quốc khánh. Hai đứa nắm tay nhau đi trên đường phố vang tanh. Không một bóng người. Như thành phố dành riêng cho ta. Vẫn chưa thể quen được với ý nghĩ mình có cả một người con gái để mà yêu quý. Có tên của người ấy để mình lên tiếng gọi. Cảm ơn em về tình em yêu anh. Cảm ơn mẹ cha, mẹ cha sinh em ngày ấy để cho anh 19 năm sau đó. Để bây giờ em là của anh. Để em đi bên anh và để anh yêu. Đi đâu bây giờ em? Còn sớm quá. Em dịu dàng và tinh khiết như bầu trời đêm trước lúc rạng đông này. Phố Tô Hiến Thành trong mơ. Ra tới phố Huế vẫn là trong mơ. Tay trong tay đi mãì trong phố vắng. Kia rồi một cửa hàng vừa mở. Mình và Ngọc là những người đầu tiên bước vào hiệu. Uống cà-phê sữa. Nhìn nhau. Rồi chia tay khi trời rạng sáng. Nàng đi tới trường. Mình đến Ba Đình trong khối các cơ quan trung ương.

Buổi trưa, nàng lại sang. Nàng đã tắm gội, tươi tắn lạ thường. Đến chiều hai đứa ra bờ Hồ Hoàn Kiếm, tìm một chỗ ngồi từ lúc mặt trời vừa lặn để xí một chỗ cho đến tối. Để được ngồi giữa đám đông cũng yêu đời như mình. Để đảm bảo được nhìn thấy pháo hoa trên hồ. Những chùm pháo hoa trên bầu trời mịn như nhung có lẽ là những gì đẹp nhất, kỳ ảo nhất mà con người sáng tạo ra. Mình vừa ngước nhìn pháo hoa vừa quay lại nhìn nàng. Nàng mở to màt nhìn trời. Cặp mắt nàng, gương mặt nàng với bao màu sắc của pháo hoa ngày hội lướt qua. Nàng còn kỳ diệu hơn, xinh đẹp hơn mọi chùm pháo hoa đẹp nhất.

Về đầu

 

Chương 18

 

 

Hắn thở dài.

Hắn thở dài trong căn buồng vắng vẻ. Sau hai ngày đầy ắp các sự kiện, căng thẳng vừa qua hắn muốn được yên tĩnh. Và hắn đã được yên tĩnh. Lúc anh chị Diệu xuống thang là lúc hắn đi tắm. Mùi xà-phòng Thiên Lý làm hắn ngỡ ngàng. Sau này hắn còn được dùng nhiều loại xà-phòng thơm sang trọng, đắt tiền như Camay. Lux, Fa, Zest, nhưng sẽ chẳng có một thứ xà-phòng thơm nào tạo một cảm giác lâng lâng, dễ chịu, quí phái như bánh xà-phòng Thiên Lý ấy. Đó chỉ là một loại xà-phòng nội hóa, sản xuất ở Hà Nội, đã biến mất tự bao giờ khi hàng ngoại tràn vào. Năm năm hắn chỉ dùng vài bánh xà phòng giặt Liên Xô 72%. Nước suối trại Q.N vốn dĩ rất tốt. Khăn mặt hắn không xà-phòng cũng trắng bong. Quần áo tù sạch như tẩy, rõ từng sợi vải. Mồ hôi dầu cũng đi hết. Đó là thứ nước suối kỳ lạ. Trại tù nào chẳng nằm trong một lòng chảo. Bốn chung quanh là núi cao rừng rậm.

Trưa hè hầm hập lửa. Không một phe phẩy gió.

Mặt trời đốt vai hắn. Trong lồng ngực hắn lửa đất. Bàn chân giẫm lên đất bỏng giãy. Hắn cố gánh hết 70 gánh nước từ suối chạy lên tưới dọc các luống rau. Đó là tiêu chuẩn buổi sáng (buổi chiều 50 gánh). Hắn nghĩ đến Ngọc để trời đất dịu lại. Vừa run rẩy leo dốc, hắn vừa gọi Ngọc để lò lửa trong người hắn dịu lại

Từ nơi này anh sẽ gọi tên em

ơi dòng suối mát trái tim bốc lửa

Anh lại bay tung ước mơ suy nghĩ

In chân trời trên mỗi vòng xiềng

Làm thơ, đối thoại với Ngọc, hắn nghĩ được về tương lai. Hắn quên được vất vả. Nhưng rồi thực tại vẫn như bốc lửa. Người hắn như bốc lửa. Khi tiếng còi của ông vũ trang báo hiệu hết giờ, hắn cùng mọi người xuống suối tắm giặt để về trại. Lúc đó các toán quản chế làm việc trong khu hàng rào quây kín cũng được dong ra suối.

Mệt nhọc, đầm đìa mồ hôi, cái đói cắn vào bụng, hắn ngồi phịch xuống một tảng đá cuội, ngâm chân giữa suối. Mát dịu tới phổi, mát tới óc. Mặc anh em tắm. Hắn ngồi thở và nhìn nhưng thân thể trần truồng rải dọc lòng suối cạn. Người nằm cho nước chảy từ đầu đến chân. Người ngồi bệt cho nước vòng qua sườn. Người ghẻ cùng mình. Những bắp tay xăm trổ. Những bắp đùi, những bộ ngực trổ. Vĩnh biệt. Hận đời. Ngày tận thế. Mỏ neo. Trái tim rỏ máu có mũi tên xuyên qua. Rắn thè lưỡi. Đàn bà khỏa thân. Có người còn trổ cả trên lưng một bức tranh sơn thủy có núi có sông, có thuyền buồm, có lũy tre, hàng cau, có đàn cò vẫy cánh. Một anh dùi cả vào “chim” và đeo vào đó một cái pơ-lắc bằng nhôm lõng thõng. Cả bọn xúm lại cúi nâng cái pơ-lắc lên đọc: Vĩnh biệt em yêu.

Hắn vẫn có tính tiểu tư sản. Chỉ riêng mình hắn không tắm truồng. Hắn vận quần lót. Hắn thấy xót xa khi nhìn hàng ki-lô-mét dài dưới suối, những thân hình trần truồng kỳ cọ, giặt giũ, người nọ tắm nước bẩn của người kia. Hắn ngồi nghỉ một lúc, rồi mới tắm. Nước suối chỉ chảy qua một tý dưới chân thôi, cơn nóng đã dịu hẳn. Ngồi lâu là không muốn tắm nữa. Cái thứ suối kỳ lạ. Khác hẳn với suối VQ, suối QN trong vắt. Chảy nhanh. Tù xuống tắm, vẩn đục lên nhưng lại trong ngay. Và lạnh. Về mùa hè cũng buốt.

Một lần đi chặt nứa, hắn đã ngược mãi lên phía trên dòng suối tìm vả. Nghe anh em bên toán lâm sản nói trên ấy có vả. Vả hay mọc bên suối. Hắn ngược lên. Cứ ven suối mà đi. Rừng im phăng phắc. Cây lá héo nẫu. Mồ hôi dính áo. Hàn không tìm thấy vả chín. Chỉ có vài quả còn xanh.

Nhưng bù lại, hắn thấy một vùng nước rộng. Vẫn là con suối, nhưng ở đây lòng suối tràn ra. Nước trong. Rõ cát. Rõ từng con cá nhỏ bơi trên cát. Chung quanh những thân cây ngả ra, rể cây ngâm dưới nước.

Im lặng. Không một tiếng chim.

Mặc dù đang ở tù, hắn vẫn xúc động. Cái vốn thẩm mỹ vẫn còn trong người hắn. Hắn bỗng nhớ đến đảo Long Châu, khi hắn xuống xuồng lách vào vụng. Cũng nước trong vắt. Cũng cát trắng và những con cá nhiều màu. Hắn cởi bỏ hết quần áo. Lội xuống. Nước lạnh làm hắn rướn người lên. Rồi òa bơi. Lâu lắm mới bơi. Hắn lội vào trú nắng dưới một gốc cây và bỗng đứng trước một phát hiện: một lối nhỏ phía sau cây. Hắn bơí theo lối ấy. Nước vẫn trong và cát vẫn trắng dưới chân.

Một mình hắn với thiên nhiên. Hắn quên trong phút chốc thân phận tù đày. Hắn đứng trước một cửa hang ngập nước. Hắn lội vào. Những rễ cây từ trần hang xòa ra dưới nước, trắng xóa như vôi. Con tôm nhỏ dập dờn trước mặt hắn cũng trắng xóa như vôi. Mình trắng, râu cũng trắng cong vút. Hắn đuổi con tôm. Nó bung mình nhởn nhơ giữa một thế giới trắng xóa trong làn nước trong vắt và mát lạnh. Nếu bắt được, hắn sẽ ăn sống. Hắn nô giỡn với con tôm và bỗng thấy lạnh run người.

Hắn bơi vội ra, mặc quần ảo và vác nứa về trại. Con suối Q.N là thế. Dòng nước Q.N là như thế. Suối V.Q chảy chậm, nước đục và không mát. Mồ hôi dầu, mồ hôi muối, không có xà-phòng giặt không thể sạch. Một năm trên ấy hắn không có xà-phòng.

Khái niệm xà-phòng thơm bỗng đến. Nó gây sốc. Nó làm sống lại cả một quãng đời.

Năm năm rồi, hắn mới tắm trong buồng tắm, dù chỉ là một buồng tắm hẹp tối om, sát gần nhà xí, một buồng tắm chung cho cả khu nhà. Hai xô, một thau. Thế là đủ. Hắn kỳ cọ cho hết cái mùi tù bám vào hắn. Năm năm mới được tắm kỹ càng, kỳ cọ kỹ càng. Muốn tắm đến bao giờ thì tắm. Không vội vàng, lúc nào cũng chờ đợi tiếng quát “thôi”, “lên”! của ông quản giáo hay ông vũ trang. Tắm ở 75 có cái sướng: nước nhiều, nhưng thời gian căng hơn. Phải hợp lý hóa đến mức cao nhất. Vứt quần áo bẩn dưới chân. Múc nước giội vào người, nước sẽ chảy xuống quần áo, làm ướt quần áo. Hai tay kỳ khắp người trong lúc hai chân giẫm giẫm lên đống quần áo ướt, người cứ nhảy như con choi choi. Rồi tìm một trụ vuông, dựa lưng vào cạnh trụ, mài lưng vào đó (động tác kỳ lưng đấy). Mài lưng, nhưng vẫn nhảy nhảy đạp chân lên đống quần áo ướt để vò quần áo. Người kỳ xong, quần áo ctĩng vò xong. Rồi tráng cho người, tráng cho quần áo. Cầm quản áo, giội xuôi vài gáo. Thế là sạch, thế là xong.

Chậu còn không có, nói gì đến xà-phòng.

Tự do là như vậy.

Tự do là không phải khỏa thân trước mặt người khác. Không phải tắm trước sự canh gác tò mò của người khác (lúc đó hắn thấy mình như súc vật). Tự do được múc nước từ xô giội vào người trong nhà tắm đóng kín, không có ai đứng nhìn mìnhvới con mắt thù địch và sốt ruột. Tự do là được thoải mái kỳ cọ. Là bọt Thiên Lý ngầu trên tóc, khắp mình mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu lâng lâng.

Hắn tắm và ý thức rất rõ là lại có được thân thể mình. Từ nay thân thể hắn là của hắn, thuộc về hắn. Hắn vuốt ve hai cánh tay, xoa lên ngực, đưa tay xuống bụng xuống đùi, quành tay ra sau lưng, đưa tay xuống dưới, cảm thấy hài lòng với. thân hình mình vẫn còn đang độ tráng niên. Bỗng sống lại tình yêu thân thể, một tình yêu tưởng đã quên đi, một tình yêu tưởng đã không còn.

Hắn lại kỳ một lần nữa, lại xoa lên mọi chỗ một lần nữa. Hắn khám phá người hắn từng xen-ti-mét. Và mỗi tế bào trên thân hình hắn đều ứng với một tế bào một thân hình khác: Thân hình vợ hắn. Hắn vuốt ve người hắn và nghĩ tới những chỗ ấy trên người nàng. Thế rồi người hắn không chỉ là người hắn nữa. Hắn đang vuốt ve vợ hắn. Dù nhà tắm tối, hắn vẫn nhắm mắt lại. Nàng. Nàng đang khỏa thân trước mặt hắn. Hắn hình dung rất rõ thân hình vợ. Kể cả những nhược điểm, như cái núm về bên phải hơi bị thụt vào bầu vú khi còn con gái, chỉ tới lúc nuôi con mọn mới trở lại bình thường như núm về bên kia; và dù đã sinh con, hai núm về vẫn đỏ hồng. Nốt rồi đen chỗ này, bên ngực trái. Nốt ruồi đỏ, nốt ruồi son chênh chếch phía trên chỗ ấy… Hắn đã chiêm ngưỡng nàng từng xen-ti-mét một. Chỉ sau khi đã yêu nhau nhiều lần, nàng mới cho hắn nhìn nàng khỏa thân. Lần đầu tiên được nhìn nàng khỏa thân không phải ở đây, nhà anh chị Diệu, mà là ở khu tập thể cơ quan. Lần yêu nhau đầu tiên cũng tại đấy. Đúng tối mùng 3 tháng 7, ngày sinh nhật hắn. Mọi người đi chơi hết. Hắn ở nhà chở Ngọc. Hắn và Ngọc ngồi trên cái giường cá nhân kê sát tường trong một căn buồng trên tầng hai phố Bà Triệu, vừa là nhà ở vừa là nhà làm việc. Hắn kéo Ngọc cùng nằm xuống. Cảm giác có một người con gái nằm sát cạnh mình song song từ đầu đến chân mới lạ lùng và cảm động không thể nào tin được. Không nén được cảm xúc đang tràn ứ, hắn nằm nghiêng ôm lấy Ngọc và rồi ấp lên người Ngọc. Lần yêu nhau đầu tiên bắt đầu như thế. Là cái sự bán khỏa thân của cả hai lúc nào không biết. (Hay có biết mà làm như không biết. Kể cả Ngọc. Bởi vì lúc ấy Ngọc hơi nhấc người lên cơ mà). Không hẳn là sung sương. Mà bàng hoàng. Và đau. Và chảy máu. Không chỉ nàng chảy máu. Cả hắn. Hắn cố nhìn khuôn mặt nàng lúc ấy để biết những gì đã đến với nàng mà không được. Hắn cố nhìn xuống phía dưới mà không được. Nàng không cho hắn nhìn. Nàng ghì đầu hắn xuống chiếu, vít đầu hắn xuống sát tai nàng, không cho hắn ngẩng đầu lên. Mà hắn muốn nhìn biết bao.

Yêu nhau xong hai người đạp xe đèo nhau đi phố. Không muốn bị bắt chợt chỉ có hai người trong nhà. Không xấu hổ, không sợ bị phê bình, mà là không muốn nghe những lời bỡn cợt chế giễu, dù rất xa xôi bóng gió cũng vẫn là dung tục việc làm thiêng liêng của họ. Với lại phải đi để chia sẻ niềm vui với đường phố, với người, với cây. Phải đến với khoảng không thoáng đãng để nói với trời đất rằng họ đã thực sự là người lớn, đã thực sự là đàn ông là đàn bà, họ đã đi tới chốn tận cùng ấy của thế giới này, họ đã gắn bó cùng nhau từ nay và mãi mãi. .

Hai vợ chồng (có thể gọi là hai vợ chồng từ đấy) đạp xe xuống Lò Đúc, qua Phà Đen, ngồi trên bờ cỏ Vĩnh Tuy đón gió sông Hồng. Nàng để hắn thoải mái khám phá nàng. Tin cậy. Trao thân. Run rẩy đón nhận với bao khát khao sung sướng. Qua bàn tay hắn nhận biết người nàng còn rõ ràng hơn nửa tiếng đồng hồ trước đó trong căn buồng phố Bà Triệu. Chỉ đến khi trở về, rủ nhau ăn phở, dưới bóng điện sáng trưng treo trước quầy phở vỉa hè, nàng mới phát hiện ra vạt áo sơ-mi trắng của hắn có những vết máu đỏ tươi. Hắn vội ngồi sát vào quầy để không ai nhìn thấy. Hai người cười với nhau, nụ cười thông đồng và ngời ngời hạnh phúc.

Khi ăn phở xong, nàng lại phát hiện ra cái đồng hồ đeo ở cổ tay nàng đã rơi mất từ bao giờ. Thế là lại đèo nhau trở lại Vĩnh Tuy. Xác định ngay chỗ hai đứa vừa ngồi. Cả hai cùng cúi tìm. Dưới trời sao, sáng lên ánh mạ của chiếc Nikles trên bãi cỏ.

Ngày mùng 3 tháng 7 năm ấy. là một ngày như vậy của hai vợ chồng hắn. Hắn đã tìm trên các báo những sự kiện lớn trên thế giới xảy ra trong ngày mùng 3 tháng 7 nam ấy, cắt những tin ấy ra dán vào nhật ký, quyển nhật ký đã bị Sở Công an thu. Hình như Tổng thống Pháp tuyên bố một câu gì đó. Mỹ thử bom nguyên tử, cả tin và Adenauer nữa… Những mẩu tin đó dán bên cạnh tờ lịch mùng 3 tháng 7, trang sau cài món tóc của Ngọc cắt tặng… Chao. Giá hắn nhớ được những mẩu tin ngày ấy.

Hắn chậm rãi lau khô người, mạc vào mình bộ quần áo anh Diệu cho, xách chậu xô bước lên thang gác. Cảm giác sạch sẽ, mát mẻ, tỉnh táo, mùi xà- phòng thơm của thế giới xa lạ mà quen thuộc tỏa ra từ người hắn làm hắn cảm thấy phút chốc mình bỗng trở thành người quyền quý.

Và phải được đối thoại với nàng. Ngay lúc này. Ngay lúc này, không chậm trễ. Phải được có nàng ngay bên cạnh để mà ôm ấp, trìu mến, để kéo nàng vào lòng, để bế nàng đứng lên, để đặt nàng nằm xuống, để khỏa thân cùng nhau, hoàn toàn không có chút ngăn cách nào dù chỉ một lượt vải mỏng. Bàn anh Diệu có sẵn giấy bút. Hắn viết. Hắn viết trong yên lặng hoàn toàn.

Em!

Anh đã từ địa ngục trở về. Hai ngày rồi, anh đã được tự do. 48 tiếng, đúng hơn cho đến giờ phút này anh mới đuợc tự do 36 tiếng đồng hồ. Còn một đêm nay nữa và ngày mai anh sẽ về với em. Chỉ chậm lắm là thì mai thôi, em ạ. Nghĩa là còn khoảng 16 tiếng xa nhau nữa thôi, em ơi. Anh sẽ lại bên em như em viết: chúng ta tưởng như không thể xa nhau quá một tuần.

Thế mà đã năm năm. . Thật khủng khiếp khi nhìn lại cái ngày bắt đầu. Cái ngày thứ sáu 8- 11- 1968 ấy.

Em buồn, đau đớn và nhục nhã lắm, phải không em. Không, đừng nhục nhã. Anh đã nói nhiều lần với họ rằng: tôi sống theo phương châm: sống sao có thể nhìn thẳng vào mắt mọi người mà không xấu hổ. Chúng ta không có gì để phải nhục nhã, Ngọc của anh ạ. Anh tự hào vì em. Anh tự hào vì những gì anh đã chịu đựng, đã vượt qua. Và anh sắp về với em. Anh sắp được ôm em vào lòng. Chao ơi! Bao giờ được như vậy. Ngồi ở nhà anh chị Dịệu, anh viết những dòng này với em, mà nhớ em cồn cào bứt rút đến tận đầu ngón tay anh. .

Khổ thân em. Em vẫn chưa biết anh đã được tự do và đang về với em. Em vẫn còn lo lắng cho anh thêm hai ngày vô ích. Lỗi đó tại anh. Tại anh không về ngay được với em. Hãy tha lỗi cho anh, không cất đi cho em được hai ngày đau khổ âý…

Hắn viết lộn xộn và cất bức thư ấy vào xếp thư vợ con hắn gửi cho hắn mang từ trại về. Ngọn đèn đỉện, vuông giấy trắng trên bàn viết của anh Diệu, căn phòng yên tĩnh cùng với việc hắn vừa viết một bức thư dài lắm hắn nhớ đến cái bàn viết của hắn. Đã bao đêm hắn ngồi viết như đêm nay, nhưng không phải để trò chuyện với vợ hắn mà đối thoại với toàn thế giới. Nghĩa là hắn sáng tác. Hắn thích hai câu thơ Maia:

Tôi se quên năm quên tháng quên ngày

Đóng cửa cô đơn ngồi bên giấy trắng

Ngồi bên giấy trắng. Một hạnh phúc tuyệt vời. Ngọn đèn bàn chiếu một ô sáng. Cẩn thận hơn, hắn lấy một tờ báo, khoanh thành cái bù đài, úp chụp xuống để khỏi làm chói mắt vợ con đang nằm trong màn. Khi vợ con hắn đi nằm là lúc hắn ngồi bên giấy trắng. Trên khuôn sáng nhỏ ấy, xếp giấy càng nổi lên màu trắng tinh khiết, trang trọng mời chào. Đó là thế giới của hắn. ở đó có trời, có biển, có người. Có tình yêu và bất hạnh. Có một ngọn cây cao vút, quê hương của một thủy thủ. Cả làng không ai trèo lên được ngọn cây, ngoại trừ một người, một người đui cả hai con mắt. Có người gác đèn biển, chiều chiều nhớ tiếng gà con bị mẹ bỏ chiêm chiếp vào chuồng muộn. Anh cứ đứng nhìn con cua bơi, những ngoe xanh vụng về gạt nước, bị sóng đánh lạng đi như người ném thia lia. ở đó có sóng biển xô như núi. Một con cá cơm nhỏ xíu nhảy lên không trung, lộn mấy vòng, rơi xuống, rồi lại thong thả bơi đi. Có người bí thư chi bộ địch hậu uống một bát nước mắm cho nóng người, đội rong, lội đầm trở về làng, giành lại nhân dân.

Có đêm tháng 10 trên sân hai vợ chồng người xã viên già. Có cuộc đời người giám đốc nhà máy cơ khí hay như tiểu thuyết. Có khẩu pháo 14 ly 5 trên sân thượng một xí nghiệp. Có một đầu cầu khói lửa Cát chảy thành thủy tinh, kính trên cửa sổ xưa xcanh, vụn thành cát nhỏ

Đó là lòng hắn yêu Đảng, lòng hắn yêu cuộc sống. Là cái máu thi đấu của hắn với những trở ngại, khó khăn: Vốn sống, thời gian, kiến thức. Là lòng hắn quyết tâm đạt được những gì cao nhất so với khả nàng của hắn. Là tình yêu của hắn với vợ con, món nợ hắn phải trang trải với đời, với bạn bè, với Ngọc. Ngày đi làm đêm hắn viết. Hắn có thói quen thức khuya.

Hạnh phúc là được thức khuya trong yên lặng. Hạnh phúc là những dòng chữ kín từng trang. Là bóng tối mờ mờ trong phòng. Và ở một góc nhà, màn buông, tiếng vợ con thở nhẹ nhàng trong giấc ngủ. Hạnh phúc là lúc đêm khuya cặm cụi, bỗng cảm thấy có người đứng sau lưng. Buông bút, ngả người trên ghế, đầu đã chạm ngay vào ngực vợ. Linh cảm không nhầm.

Nàng đứng sau lưng tự bao giờ. Nàng đứng yên lặng nhìn mình làm việc. Nàng đưa tay ép nhẹ đầu mình vào ngưc nàng. Đầy đặn. ấm. Mềm. Mình dụi đầu vào đó và ngước mắt nhìn lên, thấy rõ dưới cằm nàng có một vết sẹo nhỏ, chỉ nhìn từ góc độ ấy mới thấy; vết sẹo khi nàng còn bé tí, bị vập vào miệng chum nước. Đứng phía sau, nàng ấp hai tay vào cằm mình, thì thào:

– Đói không?

Gật đầu. Thế là hai vợ chồng khóa trái cửa, để con ngủ trong màn, đi ăn phở khuya. Ông hàng phở Ngã Bảy quen.

Hắn mong thời gian đi nhanh.

Đêm thứ hai hắn ngủ ở Hà Nội, vẫn là một đêm trằn trọc dài dằng dặc như một đêm VQ, một đêm QN, một đêm xà lim 75.

Về đầu

 

Chương 19

 

Sớm hôm sau, hắn ra Bến Nứa. Trong túi hắn rủng rỉnh tiền. Anh chị Diệu cho. Một xe ca đã đông người ngồi. Và ở bậc lên xuống người đứng vòng quanh anh ét.

Hắn sấn đến. Hắn lách vào. Nhiều người làm như hắn, tiền cầm sàn trên tay, nhưng anh ét không thèm nhận tiền của ai. Anh mắng những hành khách già bằng tuổi bố mẹ anh như mắng con anh vậy.

– Hết vé rồi. Khổ lắm nữa.

– Đã bảo. Không tin thì cứ đứng đến mai.

Mọi người tản ra, buồn rầu. Nhớ đến chuyến xe tù trại về đây, hắn rút tờ lệnh tha ra. Quên cả xấu hổ nhục nhã, hắn ấp úng.

– Báo cáo anh, tôi mới ở tù ra. Tôi mới được tha. . , năm năm…

– Đã bảo là hết mà. Tù thì tù, nhưng cũng phải còn chỗ chứ!

Tuy anh ta nói thế nhưng hắn vẫn thấy có người lên xe. Sau này, khi đi buôn thuốc lá, hắn hoàn toàn hiểu bọn tài ét ấy. Chỉ cần đàng hoàng bước lên xe, không vé, ngồi vào ghế và khi người ét đeo kính râm, còn trẻ nhưng đã để ria mép đến, thì đưa cho anh ta gấp đôi, gấp ba số tiền vé với vẻ mặt thản nhiên, từng trải là được.

Hắn nuốt hận vì người ta cho hắn biết: Cả ngày hôm ấy chỉ có một chuyến ô-tô duy nhất. Tàu hỏa cũng không có. Hắn không bịa đâu. Hắn có thể nói rõ ngày hôm đó. Lấy ngày hắn được tha cộng thêm hai ngày nữa: Ngày 05-4-1973. Ngày hôm đó ở Hà Nội gặp những ai, nói chuyện những gì hắn không nhớ. Hắn chỉ nghĩ đến vợ con. Một ngày hôm ấy chắc chắn dài hơn bất kỳ một ngày tù nào khác.

Hắn giở bộ quần áo tù cho anh chị Diệu xem. Cái màu quần áo xám nhợt, lâm thâm mốc đen vì mồ hôi, chữ số đỏ trước ngực, sau lưng, dưới gối, cái màu ấy ở trong tù còn khả dĩ, chứ ở ngoài đời trông quá thể. Hắn mặc bộ quần áo ấy vào. Hắn đứng giữa nhà, cười hồn nhiên:

– Trong tù đúng là thế này đây, anh chị ạ.

Chị Diệu rơm rớm nước mắt, gắt lên.

– Thôi, chú cởi ra đi.

Anh Diệu lắc đầu:

– Trông sợ quá. Cứ như Jean Valjean đang ở trong nhà.

Chị Diệu thở dài:

– Khiếp. Trong ấy người nào người ấy đều như thế cả. Hàng nghìn người…

Hắn muốn nói với anh chị: Cái chính là cái vẻ mặt của những người tù cơ. ở đây em không còn bị tù nữa nên vẻ mặt em không đại diện cho ai cả…

Hắn nghĩ hắn đã có lại nụ cười, có lại sự phản xạ trên nét mặt. ít nhất là sau hai ngày tự do nó cũng linh hoạt hơn nét mặt ông Quân trực trại.

Hắn đã đúng. Nhưng hắn không ngờ xóa được nét mặt tù đâu phải dễ. Cái dấu ấn còn để lại lâu. Rất lâu. Nó in vào hắn cho đến tận cuối đời, cho đến lúc chết như đóng bằng sắt nung đỏ. Điều ấy thật đúng như vậy. Chẳng hạn như hắn luôn tự bảo mình là người không có tội, không việc gì phải xấu hổ với mọi người. ấy thế mà cái ý thức cùng đinh mạt hạng mà hắn luôn phủ nhận cứ tồn tại trong hắn, cái dáng người khép nép, ngồi đâu cũng cố thu nhỏ lại vĩnh viễn là dáng ngồi của hắn. Và cho đến tận những năm cuối đời, hắn còn phát hiện ra mình có một thói quen nữa: Thói quen gãi tai khi nói chuyện với người khác, dù bất cứ ai. Gãi tai cả khi nói chuyện với con mình. Thói quen kỳ cục ấy hình thành từ những tháng năm tù tội và định hình trong chuỗi ngày dằng dặc tiếp theo – những ngày hậu tù – mà hắn không hay. Ngay khi biết mình có thói quen buồn cười ấy, hắn vẫn không sao sửa được. Vẫn cứ là gãi tai trong khi đối thoại. Vẫn cứ là gãi tai ngay khi nói chuyện với con.

Hoặc dễ xác định hơn là cứ xem ảnh hắn. Cứ xem những bức ảnh hắn chụp hai, ba mươi năm sau, vẻ u uất đau khổ lo lắng trên mặt hắn cứ hiện ra. Tấm ảnh chụp ở Đồ Sơn khi hắn đã được đi làm lại càng thảm thương. Hắn đứng trên sân sau khách sạn Vạn Hoa lộng gió và cao ngất. Nhìn ra bốn chung quanh. Nhìn về Hòn Dấu bao kỉ niệm. Đảo Hòn Dấu gắn với những năm tháng đẹp nhất của đời hắn. Hòn Dấu có đất có cây, có rừng rậm. Khoai lang Hòn Dấu ngon nổi tiếng. Luộc khoai, chủ khách ngồi ăn. Làm bùi nhùi soi thuốc bắt “cum cum” . Những con cua đá thấy ánh sáng, giương đôi mắt nằm im không động đậy Hắn cùng cả tổ khí tượng hải văn reo hò mỗi khi có một con “cum cum ” được bỏ vào thùng. Tuổi trẻ lúc đó là cùng chung lý tưởng. Lầ chan hòa cởi mở. Là tiếp nhận nhau vào một tập thể mà không dị ứng với một tế bào lạ. Anh chị em trên đảo cùng lớp tuổi hắn đón hắn như một người quen cũ. Cô cán bộ khí tượng hải văn tình nguyện ra đây sau một chuyện tình dang dở kéo hắn lên cái đài quan sát, giảng cho hắn cách ngắm máy đo sóng và hắn hiểu rằng những bản tin thời tiết hàng ngày hắn nghe trên đài ngắn gọn khô khan chính là bắt nguồn từ những hoạt dộng lặng lẽ của biết bao người như cô. Cô đưa cho hắn xem tập thơ cô làm trên đẫo, trong đó cô gọi con chim biển “Hãy dừng cánh trông, con người chiến thắng, phong ba bão bùng”.

Hắn như nhìn thấy rõ cô dắt bò, tài sản của cả tổ, đi dọc ruộng khoai lang và âu yếm nhìn nó gặm cỏ. Thấy cô từ khu nhà tắm đi lên, tay bưng nón quần áo ướt, tóc búi rất cao, áo phin nâu, ngả người leo dốc như đi ngược chiều gió thổi. Hắn như sống lại một tối xuống bến đón anh em dưới đài quan sát, gặp cả tổ đi lên. Đèn pin lập lòe giữa lối đi hẹp trong rừng cây trên đảo. Cô gái hải văn đi đầu, vai cô vắt biết bao quần áo của cánh thanh niên, như một cái giá lưu động. Theo sau là đám con trai quần đùi áo may-ô cười nói ồn ã. Nhìn đống quần áo đàn ông trên vai cô, tự nhiên hắn cảm thấy buồn buồn, gần như ghen tuông thất vọng…

Đâu rồi chàng phóng viên thuở ấy. Đâu rồi lớp người thuở ấy? Số phận ra sao rồi lớp thanh niên ấy? Liệu bao giờ sẽ có lại lớp thanh niên như thế nữa. Một lớp thanh niên mới tuyệt vời và vô tư làm sao, một lớp thanh niên có thể làm nên tất cả.

Một bàn tay đặt lên vai hắn. Hắn quay lại. Đồng chí thứ trưởng kiêm tổng giám đốc kéo hắn ra chụp ảnh màu bàng máy ảnh tự động Konica. Đồng chí thân tình trách hắn:

– Trời đất quỷ thần ơi! Tôi dưa ông ra nghỉ Đồ Sơn mà ông cứ buồn rười rượi. Tôi chán cho ông quá!

Hắn giật mình. Hắn đang thanh thản. Hắn có buồn đâu. Hắn chỉ đang nhớ lại một tí chút kỷ niệm. Thế mà người ngoài nhìn hắn buồn rười rượi. Thật không dễ gì xóa được cái dấu ấn nung đỏ trong tim ấy.

 

Về đầu

 

Chương 20

 

Hắn đã về đến P. Tàu hỏa đang đưa hắn vào ga.

Hắn gọi xích-lô. Không mặc cả. Hắn đã phải ở lại Hà Nội thêm một ngày nữa. Nghĩa là từ lúc cầm quyết định, nhận tiền của trại là ba ngày rồi. Hắn không thể chiu đựng lâu được nữa. Anh Diệu đã gọi điện ra ga. Nhà ga cho biết trừ một ngày đột xuất không có tàu, nhà ga vẫn có hai chuyến tàu trong ngày.

Hắn đi chuyến tàu sớm. Hắn dậy từ tinh mơ. sự xếp hàng mua vé hôm đó thật khổ ải. Hành khách dồn lại từ hôm trước. Không. Hắn quyết chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Hắn ra ga Hàng Cỏ từ lúc còn tối đất. Hắn là một trong những người xếp hàng đầu tiên.

Khi ấn cái vé bằng giấy các-tông hình chữ nhật có ghi giá tiền 2 đồng 05 vào túi, hắn sung sướng như người vớ được của. Hắn đi lang thang trong sân ga. Hắn đã đút số tiền anh Diệu cho vào túi quần trước, nhưng hắn vẫn cảnh giác. Trong tù Giang là đã dặn hắn: Đó là chỗ an toàn hơn túi sơ-mi, hơn túi quần sau. Tiền để ở đó rất khó đá.

Ngoài sân ga, người ngồi, người đứng, người trải nỉ-lông nằm ngủ. Một dãy người đang ngồi hướng về một của bán vé còn dóng im ỉm, bỗng đồng loạt đứng lên chạy cả về một phía: Rầm rập, hốt hoảng, vội vã. Và lại tranh nhau, xô nhau đứng rồi ngồi, hướng cả vào một cửa ghi-sê khác cũng đóng im ỉm. Hắn hỏi một thanh niên ngồi cuối hàng, giọng lễ phép và được một câu trả lời ngắn, đanh như phát súng CKC:

– Vinh nhanh!

Cũng súc tích như “cá mè ô 5”, câu trả lời đó có nghĩa là lấy vé tàu nhanh đi Vinh. Nhưng hắn không hiểu. Không hiểu, nhưng không dám hỏi thêm nữa. Hắn nghĩ đến vợ hắn. Đã bao lần vợ hắn lang thang bồng bế con cái, vật vạ ở ga để đi học đại học, để đi tiếp tế cho hắn. Bị móc túi, bị mất cắp cả túi xách. Khóc rồi về. Hắn đã kể chuyện vợ hắn bị mất cắp sạch cho Giang nghe. Giang là bạn tù, là lính mổ. Giang rất thân với hắn. Giang kêu:

– Thôi Anh đừng kể nữa. Em sợ lắm!

ở sân ga, hắn quan sát nhưng chàng lính mổ vật vờ. Đã ở nơi ấy ra rồi thì dễ nhận thôi. Những anh trạc tuổi 17, 18 cứ lượn vòng ngoài. Hay ngồi hàng nước. Thường đi có đôi. Nét đặc biệt là quần áo Tô Châu. Để mọi người, nhất là dân quác tưởng nhầm bộ đội. Và móng trắng. Dép nhựa Tiền Phong có quai hậu, cài khóa tử tế. Để bùng cho nhanh mà. Nhiều lính móng trắng.

Trong tù những lính móng trắng bị tỏi , ngoài đời lại có những lính móng trắng khác. Bao giờ hết được. ở tù ra, hắn nhìn bọn này với một phần thông cảm hơn. Hắn không chỉ ghê tởm, căm ghét như trước. Hắn nghĩ xã hội, gia đình phải chịu trách nhiệm môt phần. Như Giang chẳng hạn. Giang là con liệt sĩ…

Thông cảm với các chú thì thông cảm, nhưng anh vẫn phải cảnh giác. Hắn thò tay vào túi quần, nắm chặt gần chục đồng còn lại. Hắn lên tàu và rất nhanh tìm được chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Bao nhiêu năm rồi đói thèm cửa sổ. Khi tàu ra khỏi thành phố, hắn mới thực sự biết thế nào là tốc độ. Thì ra tự do là liên tiếp nâng cao tốc độ. Hôm đi ô-tô từ trại về Hà Nội, hắn đứng giữa những người là người. Mãi đến khi gần về đến Hà Nội, xe mới vắng một chút. Nhưng hắn vẫn phải ngồi ở giữa xe. Hôm nay hắn ngồi ngay cạnh cửa sổ. Gió thổi tung tóc hắn, như muốn rứt tóc hắn ném đi. Còn tàu thở hồng hộc. Cố lên. Nhanh nữa lên. Đồng bằng, lũy tre. Những hàng bạch đàn hai bên những con mương. Cầu sắt, một cái vó bè, những chiếc ô-tô ngược trở lại và những chiếc ô-tô xuôi theo đoàn tàu, chạy song song chỗ hắn ngồi một lúc, rồi vượt lên…

Hắn xuống ga P. Hắn đã tính trước. Tàu về P. lúc mười một giờ. Giờ ấy hẳn vợ hắn đã đi làm về. Vợ con hắn hẳn ra Ngã Bảy mua rau. Ngồi trên xích-lô, tay ôm cái túi vải, hắn bỗng cảm thấy buốt hai chân. Hắn hồi hộp quá. Ông xích- lô không biết gì về tâm trạng hắn, vẫn phóng nhanh. Hắn muốn ông đi chậm lại. Để hắn tìm trong những phụ nữ đang quay mặt vào phía những người bán hàng ngồi trên vỉa hè kia xem ai là vợ hắn. Hai mắt cá chân hắn buốt. Buốt trong tủy, chạy từ mắt cá chân lên đầu gối. Như người mắc bệnh phong thấp. Như người bị lạnh quá. Cả đời hắn chưa thấy thế bao giờ. Hắn khẽ nhấc một chân lên. Rồi chân kia. Không. Chán hắn vẫn cử động được, nhưng đau và khó khăn. Cầu cho chân hắn đừng đau. Xích-lô dừng lại. Hắn trả tiền và xách túi vào nhà. Hắn không muốn gặp ai trong căn nhà đông hộ này. Và hắn đã gặp may.

Hắn bước nhanh lên gác. Nhẹ nhàng không một tiếng dộng. Như một con mèo. Hắn nhô người lên cầu thang. Nhìn vào nhà hắn. Cửa mở. Hai đứa trẻ đang ngồi chơi trong nhà. Con chị, thang em. Hắn nhận ngay ra chúng. Đã 5 năm, nó đã lớn, khác trước rất nhiều. Đó là nói về con chị. Còn thằng em. Thằng con bé của hắn. Hắn chưa hề gặp. Nhưng hắn cũng nhận ra đó là con hắn. Con chị kêu lên:

– Bố!

Nó đứng bật dậy chạy ra. ôi! Nó đã lớn như vậy. Nó đã lớn như thế này ư? Hắn ôm và bế bổng đứa con gái lên. Trong bếp, thằng lớn đang nấu cơm thò ra. Nó đứng chôn chân ở cửa bếp. Nó toét mồm cười:

– Bố về.

Và chạy lại phía bố. Ba bố con ôm chặt nhau. Hắn ghì những mẩu đời của hắn. Hắn ghì những mảnh thịt xương của hắn. Hắn hít má con hắn. Trong nhà thằng bé đứng ngơ ngác. Nó không dám ra.

– Dương ơi! Bố về. Ra với bố!

Chị nó gọi nó. Hắn đứng quay về phía thằng bé con, hai tay dang rộng chờ đợi. Thằng bé ngước đôi mắt trẻ thơ nhìn người đàn ông râu ria xa lạ mà anh chị nó gọi là bố. Nó vẫn nghe ông bà, mẹ, anh chị nói về bố. Khi nó khóc, mọi người dỗ nó: “Nín đi, bố về, bố yêu “.

Thời gian sơ tán, nó ỏ nhà ông bà, với thằng Téng, bằng tuổi nó, thằng Đường kém tuổi nó, đều là con bác nó. Tối nó được ngủ với ông, nhưng chỉ được ôm lưng ông, còn thằng Đường bé hơn, được ông nằm nghiêng ôm vào lòng.

Chủ nhật nào bố thằng Đường cũng về. Thằng Đường, thằng Téng gọi bố. Bác nó bế thằng Đường lên. Rồi bác nó bế nó. Nó gọi bác bằng bác. Không phải bố. Nó mong bố. Chủ nhật càng mong hơn. Mong mãi. Nó hỏi mẹ: “Bố đi đâu hả mẹ Sao bố không về ”.

Chính nó một hôm đã nghiến răng, mắt long lên, bảo mẹ: “Con với mẹ đi đánh điện cho bố về với con đi”. Nó biết nó có bố. Nó vẫn chờ lúc bố nó trở về. Hôm nay bố nó đã về. Nó do dự bước về phía bố.

Một bước, hai bước.

Hắn không thể chờ đợi được ntta. Hắn chạy vào, xốc thằng bé con lên, chạy quanh căn buồng hẹp. Hắn ghì thừng bé vào ngực. Hắn nâng thằng bé lên đỉnh đầu. Rồi hắn ngồi xuống giữa nhà. Đứa con trai sinh ra khi hắn đi tù, đứng trong vòng chân khoanh tròn của hắn.

Thằng bé hình như bây giờ mới thật tin rằng đây là bố nó. Chỉ có bố mới có thể yêu nó như thế. Bố nó đã về. Từ lúc sinh ra, nó không có bố, nay nó cũng đã có bố như thằng Téng, thằng Đường.

Nó ôm lấy cổ bố, nép vào ngực bố.

– Bố ơi Sao bố đi lâu thế?

Đó là một câu hỏi. Một lời trách móc. Hay tiếng than thân?

Những giọt nước mắt to nóng lăn trên má hắn.

Hắn không giữ được. Hắn quệt ngang, sợ thằng bé trông thấy. Không thể để tổn thương tới một tâm hồn 4 tuổi. Không thể bắn những mũi tên vào dôi mắt trẻ thơ 4 tuổi.

Một lúc sau, khi đã nằm ngửa trong vòng tay hắn, bé Dương đưa tay lên cằm hắn, chạm vào những sợi râu rễ tre của hắn.

Nó nỉ non:

– Bố ơi! Bố già chưa, hả bố?

Hắn cúi xuống nhìn đôi má non bệu, cái miệng xinh xinh hé mở có mấy cái răng sữa trắng nhỏ như gạo nếp của đứa con đang đợi hắn trả lời. Hắn áp mặt vào ngực thằng bé, nghe rõ tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực nhỏ nhoi. Hắn day day mặt vào đấy, thầm thì trong óc: “ôi con tôi. Bố già rồi. Bố chết rồi. Bố đã qua một kiếp. Bố vừa sống lại về với con đây.

 

Về đầu

 

Chương 21

 

Thế là cuối cùng hắn đã về đến nhà hắn. Đến căn buồng của hắn. Nghe tiếng guốc lên thang gấp gáp, như chạy, hắn biết là vợ hắn đã về. Tiếng lên thang của vợ hắn có một nhịp điệu riêng. Dù đã năm năm hắn vẫn nhận ra. Hắn bật ra hành lang. Vợ hắn đang lên tới giữa cầu thang, ngửa mặt nhìn hắn. Phải khóc năm năm mới có được nụ cười như nàng. Phải tuyệt vọng năm năm, tủi nhục khắc khoải năm năm, góa bụa năm năm mới có được khuôn mặt sáng bừng lên như nàng lúc này.

Hàng chục năm sau này khi tóc nàng đã bạc, nàng hỏi lại hắn:

– Anh bế em lên ngay ở cầu thang, anh còn nhớ không?

Cái ngày hắn mới bị bắt, cứ mỗi lần đạp xe về nhà, nàng lại ngước nhìn lên cửa sổ tìm bóng hắn và lại một lần nữa, nàng buồn rần hiểu rằng hắn đã đi tù. Nàng sẽ bước vào nhà chỉ có một mình nàng vắng lạnh (các con nàng đã đi sơ tán). Nàng khao khát nghe giọng nói của hắn, khao khát nhìn dáng đi của hắn trong căn buồng nàng đã sống với hắn, đã quen và quý mến bè bạn của hắn, đã đẻ bốn đứa con với hắn.

Cái phản xạ nhìn lên cửa sổ tìm bóng hắn phải hàng năm sau nàng mới bỏ được.

Nàng ôm lấy hắn bằng xương bằng thịt. Nàng òa lên khóc. Và nàng nín bặt. Nàng cười. Hắn vuốt dọc lưng nàng. Người vợ đau khổ, tuyệt vời của hắn. Trong một bức thư gửi từ trại tù, nhờ một người bạn được tha, yểm mang về cho nàng, hắn viết: “Trước đây anh yêu em, giờ anh yêu và kính trọng em “.

Hắn kéo vợ hắn và gọi lũ con hắn vào buồng. Hắn dang tay ôm bốn mẹ con. Hắn ý thức được rằng: Đây là tất cả gia đình hắn. Là vợ con hắn, là da thịt hắn mà người ta đã cắt lìa. Và hắn đã có, lại tất cả. Vợ hắn hiểu những điều hắn đang nghĩ. Nàng chúi đầu vào vai hắn:

– Con Nguyệt đang ở quê với ông bà.

Nguyệt là tên đứa con thứ ba của hắn.

 

Về đầu

 

Chương 22

 

Lẽ ra hắn đã được về nhà sớm hơn. Hắn đã được ôm vợ con hắn vào lòng sớm hơn. Lẽ ra hắn bớt được hai cái Tết trong tù. Bớt được hai Tết, chứ không phải hai năm. Vì thực ra chỉ là mười bốn tháng.

Hắn đã được di lý từ Q.N về 75 vào giáp Tết năm 1971. Ngày thì hắn không nhớ. Hắn chỉ nhớ là gần Tết, vì trại đã mua trâu về chuẩn bị cho tù ăn Tết. Đi làm, qua cổng trại, lượn qua chỗ ngoẹo suối, chỗ ấy nước sâu và đứng, là nơi rửa rau vo gạo eủa nhà bếp. Trên bờ khúc ngoẹo ấy, chiều hôm trước đi làm về, bọn hắn chỉ thấy đống rau bắp cải già đã băm để sang hôm sau rửa và nấu. Mùa lạnh, kiểu ủ rau như vậy còn đỡ. Chứ về mùa nóng, rau muống băm ủ một đêm, hôm sau rau ở bên trong vàng hết. Lá rụng ra hấp hơi nóng sực. Rau muống của trại lại là thứ rau muống Trung Quốc, chính toán hắn trồng, gốc to như gốc nứa tép. Ông quản giáo bắt để già rau mới cho cắt. Nhiều ngọn bò dài như rau khoai lang. Cầm gốc rau hất mạnh lên đầu, rễ con ở các đốt vẫn còn đứt lịch phịch. Rau đã vậy. Nhà bếp lại cầm từng nắm băm như băm rau lợn, để sáng hôm sau bốc vào lồ xuống suối khuấy cho nhanh. Có bát rau còn cả một miếng phân bò khô dính vào rễ.

Mùa rét ở các trại trung ương thật khủng khiếp. Lạnh lắm. Thấu xương. Lạnh từ suối, từ đất bốc lên. Từ trong núi đá tỏa ra. Từ trên trời xuống. Và lạnh tê ngay trong ruột. Lạnh từ trong những cơ thể thiếu ca-lo, cạn kiệt vật chất, tinh thần, cạn kiệt hy vọng.

Thế mà sáng hôm ấy, cả đám người đói rét, mụ mị, lê từng bước chân ra khỏi cổng trại, cúi gằm mặt trước cái bút máy của ông Quân dứ dứ, bỗng náo nhiệt hẳn lên. Mắt long lanh. Háo hức. Tự nhiên lại trò chuyện. Dù chỉ rì rầm. ở đám đất gần nhà bếp như có phép lạ, năm con trâu đã buộc. Năm con trâu sừng kềnh càng. Những bộ sừng đồ sộ choãi rộng, trông lại càng đồ sộ, kềnh càng trên cái đầu quá khổ đối lập với thân hình còm cõi, đếm rõ từng rẻ xương sườn to và cong. Cái chỗ lõm ở xương hông và khấu đuôi có thể đổ được nửa thùng nước. Xương vai đội lên. Mắt con nào con ấy đầy dử. Lông cứng sù ra trắng những trứng rận. Chỉ có một con khẽ phe phẩy cái đuôi. Một con nằm cố đứng lên nhưng không nổi, choãi chân loạng choạng, rồi lại phục xuống, đít phun ra phân loãng. Những con trâu ấy là tín hiệu báo mùa xuân của họ. Là những bông hoa đón năm mới của trại tù. Là biểu tượng Tết cổ truyền dân tộc của họ. Đó là những con trâu không thể kéo cày được nữa, những con trâu già, ốm của địa phương.

Cương, toán lâm sản, người đã tặng hắn cái chén uống trà, dân kỳ cựu ở trại này cho biết: Trước đây nhân dân cho trại, vì họ không có thói quen ăn thịt trâu. Nhưng thấy năm nào trại cũng cần, họ bán. Muốn gì thì gì, năm con trâu ấy cũng nói với họ sắp Tết rồi.

Tết chẳng là gì đối với phạm, ngoài hai điều phấn khởi: Cả trại được nghỉ ba ngày và khẩu phần thịt trâu đang chờ đợi họ. Hai lạng hay ba lạng. Cuộc tranh luận triền miên không dứt.

Buổi sáng, khi đi làm, hai nghìn con mắt sáng lên phóng về lũ trâu già, ngạc nhiên, thích thú. Buổi trưa, khi đi làm về, hai nghìn con mắt bao bọc lấy trâu, âu yếm và hứa hẹn.

Buổi chiều, khi đi làm, hai nghìn con mắt nhìn trâu thăm nom sức khỏe, bàn tán, ước lượng, đo ướm, tha thiết và chờ đợi.

Lúc chiều tà đi làm về, hai nghìn con mắt nhìn trâu sỗ sàng, hau háu như muốn dùi, muốn đâm thủng cả da trâu.

Hắn ngạc nhiên. Sao lũ trâu có thể chịu đựng nổi mỗi ngày gần vạn cái nhìn như vậy? Những cái nhìn bắn ra tia lửa hẳn hoi mà trâu chỉ xiêu xiêu thôi. Không đổ.

Mấy con trâu đã thổi một luồng không khí mới vào trại, làm thay đổi bộ mặt của cả trại. Bởi vì khi trâu về cũng là lúc con đường vào trại đông nườm nượp những người tiếp tế. Đi lấy phân xanh, đi làm đồi, đi phá đá lò vôi là nhìn thấy họ trên đường. Họ đi một mình, từng tốp hai, ba người có khi tới mười người, những ngày cao điểm tới mấy chục người, với những gói, những túi những bị bọc to nhỏ khoác trên vai, gồng gánh hay chằng buộc ở poóc ba-ga xe đạp. Tết, trại bao giờ cũng cho nhận tiếp tế nhiều hơn bình thường.

Những tin sót dẻo tò rỉ từ cánh tù tự giác, từ toán nhà bếp và nhất là từ trật tự trại được truyền nhau loang ra toàn trại như những vệt dầu rỏ xuống nước: Ngày hôm nay bao nhiêu người tiếp tế, nhà ai tắc rằm lắm, những bốn cái bánh chưng, ai được nhận cả một nồi thịt kho tầu, mẹ thằng Xuân già thế mà vẫn phải đi tiếp tế vì con vợ nó bỏ nó rồi, còn vợ thằng Trịnh đẹp nhất trong số người lên tiếp tế mấy hôm nay, cái thằng ấy thật mèo mù vớ cá rán…

Những quả tắc nặng trĩu được phạm khoác về trại, tiếp thêm dòng sinh lực vào trong trại. Những người không gia đình, bị gia đình bỏ rơi vì tù lâu quá rồi, hoặc gia đình ở quá xa thì đành đứng nhìn cánh tù đi ra cổng gặp người nhà hay khoác túi tiếp tế bước qua cổng trở về với con mắt thèm khát, ghen tị, dửng dưng và cam chịu.

Vỏ giấy kẹo, đầu đày thuốc lá, cả lá bánh chưng vung vãi quanh các lán nom thật lạ và vui mắt. Mấy anh ngồi xổm, nhặt những đầu mẩu thuốc lá gom lại, xé ra làm thuốc lào hút dần.

Cánh tù già pha trà, bóc bánh kẹo, tụ tập chỗ này chỗ kia, sàn trên sàn dưới mời nhau trịnh trọng như trong gia đình những ngày Tết đến. Còn cánh tù trẻ vùi đầu vào bài bạc.

Vẫn chỉ là ba cây . Lấy một cỗ bài tú-lơ-khơ ra, đã sẵn quy định về giá trị từng loại cây, từng loại hoa, đánh ít người, đông người đều được. Lấy đồ tiếp tế ra đánh. Lấy tiêu chuẩn Tết của trại sẽ có ra đánh. (Người ta tranh luận về số thịt trâu hai lạng hay ba lạng không chỉ cho vui mà có ý nghĩa này nữa)

Ngoài thịt trâu, mỗi người còn được hai cái bánh chưng bằng lòng bàn tay, như kiểu bánh gói cho trẻ con đặt trên nồi bánh chưng sôi sùng sực trong các gia đình những đêm ba mươi Tết. Thịt, bánh đều được đổi ra ken . Ra Đrao. Tam Thanh, Nhị Thanh, Hoàn Kiếm, Điện Biên . Một bao Tam Thanh một lạng thịt trâu. Một bánh chưng của trại mười điếu Nhị Thanh (hay bảy điếu Tam Thanh). Một bánh chưng gia đình tiếp tế hai bao Đrao v. v… và v. v… Giá cả cũng có điều chỉnh chút ít tùy theo thị trường và gây tranh cãi, nhiều khi gay gắt, nhưng đều dựa vào mặt bằng chung, đều được thống nhất trước khi vào cuộc.

Đi làm về là ba cây. Chiều chờ cơm, ba cây. Tối, ba cây. Chủ nhật, ba cây.

Sòng bài của Triều Phỉ ở ngay đầu bê (buồng) tầng trên, giáp cửa ra vào. Chỉ Triều Phỉ mới dám ngồi đánh bài. Bởi vì quản giáo đi kiểm tra, hay có khi không phải là kiểm tra mà chỉ đơn giản gọi phạm ra gặp mặt, vừa bước vào cửa đã nhìn thấy ngay. Quản giáo đến, tất cả úp bài xuống chiếu, ngồi nhìn nhau im bặt như đang liên hoan thì ngừng câu chuyện, nhưng giấu sao được các ông ấy. Dù mình ngồi sàn trên, các ông ấy không nhìn thấy cỗ bài, nhưng chỉ thoáng qua các ông ấy đã biết. Thấy trong đám bạc có Triều Phỉ, các ông ấy bước ra, chẳng nói năng gì. Cũng có ông nói:

– Các anh đánh bạc dấy à?

Triều Phỉ thay mặt cả hội, cười rất tươi, ỏn ẻn trả lởi ngay:

– Không phải đánh bạc đâu ạ. Chúng tôi đánh ván bài cho nó vui. Thưa cán bộ, Tết nhớ nhà quá ạ.

Cũng thôi. Nếu không có Triều, gay đấy. Cỗ bài bị thu. Chỗ ken để trong chiếu bạc cũng bị thu. Kèm theo những lời đe dọa. Đánh bạc với Triều Phỉ có một điều kiện đặc biệt: Không được ăn non. Nghĩa là người thua chưa đứng dậy thì người thắng cũng chưa thể dứng lên. Người thua còn chơi thì người thắng chưa thể rời chiếu bạc. Triều Phỉ có thể ngồi từ sáng tới chiều tối với bài bạc. Ai khen Triều giỏi thì Triều cười khiêm tốn:

– Chưa thấm đâu với ông bố mình. Thời gian máy bay đánh vào thành phố, bom nổ ầm ầm, cháy, khói mù mịt mà mấy hôm liền cụ không về nhà. Cả nhà bổ đi tìm. Tưởng cụ chết ở đâu rồi. Mò tìm khắp thành phố. Đi ra các cầu, bến phà, ra cả ngoại thành. Đã tưởng người chúng tôi hy sinh ở đâu rồi. Mãi sau vớ được cụ đang ngồi dưới hầm ngay cạnh Nhà hát Lớn giữa thành phố. Bốn ông. Đánh chắn. Bí tứ. Bánh mỳ khô vứt lăn lóc. Bi-đông nước thì đầy. Đái ngay dưới hầm. Khai đéo chịu được. ỉa thì lên bên trên hầm. Gọi cụ, cụ bảo: Nói mẹ mày cứ yên trí. Mai tao về. Mai nào đã về. Bao giờ thua nhẵn túi cụ mới về. Chứ tiền cứ ra ra vào vào là không. Mồng thất! Rằm tây đen!

Triều phì cười:

– Cho nên mới xảy ra một chuyện: Ngài về quê đưa đám ma ông cậu, tức là tớ gọi bằng ông về đằng ngoại. Về đưa ma mà ở tới bốn chín ngày ngài mới ra. Bốn chín ngày hết tiền thì ra, chứ không, còn ở đến giỗ dầu. Quái nhân thế chứ!

Và Triều kết luận:

– Cho nên các chú có đánh với anh cũng phải theo nguyên tắc ấy: Bao giờ người thua đứng dậy thì người thắng mới được đứng lên. Đến bách nhật, đến giỗ đầu cũng phải ngồi. Ngày chủ nhật trước Tết còn vui hơn Tết. Gần trăm người nhận tiếp tế. Trại đã giết trâu. Món lòng trâu đánh dấu kỷ nguyên giáp Tết. Chia chác tưng bừng. Suất nào cũng phải đủ lòng non, lòng già, sách và tí tiết luộc. Món lòng trâu làm mọi người cảm thấy hời hướng mùi thịt trâu kho đang tới gần.

Triều Phỉ ngồi cả ngày trên chiếu bạc. Chủ nhật, bát mỳ xăng người lái cũng không, người nhai mấy cái bích quy, người làm miếng bánh chưng trong qủa tắc mới nhận, rồi tót lên sàn trên chiếm chỗ.

Đánh cho đến trưa. Gọi lấy bát đũa ra chia cơm cũng không nhúc nhích. Bạn tù phải lấy hộ, nhận cơm hộ dem vào. Thỉnh thoảng mới tạm ngừng chơi, vì một anh buồn đái quá, tụt xuống chạy vào nhà mét. Thế là tất cả cùng xuống, cùng chạy theo anh ta vì ai cũng đã tức cứng bụng.

Đã nhiều người đứng lên vì thua cháy túi. Cả quả tắc mà vợ con, bố mẹ, anh em thu vén, dành dụm vất vả lo toan chắt bóp đem lên đến tận nơi, gửi vào với bao xót thương, chuẩn bị cả tháng giời, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ bay biến. Còn chăng là điếu thuốc lá phì phèo trên môi. Nhưng những người này đứng lên, những khác lại ngồi xuống.

Không đánh thì chầu rìa. Xem người khác đánh. Quan sát xem có sự gì gian lận không. Xem ai vận dỏ.

Xem người ta thua bao nhiêu. Được bao nhiêu. Bê cơm bê canh hộ người đánh. Bất kể là ai, thân hay không, đàn anh hay đàn em của mình. Dù sao cũng còn hơn đi loanh quanh vớ vẩn ngoài sân trại.

Đến chiều thì chỉ còn bốn người chơi. Triều Phỉ, Giang, Thông còn gọi là Thông Cháy và một anh tù có tai rách thành tua tên là Lập, Lập Ba Tai. Giang nhiều lúc đã tưởng ra hết nhưng rồi lại vào. Vào rồi lại ra. Thông cũng vậy. Triều thì đỏ, phía sau lưng Triều, giáp với vách gỗ chất những bị, những túi, những bánh chưng, những thuốc lá, thuốc lào, kẹo cứng, kẹo xốp, những đa cơm, những da lòng trâu nguội tanh, nguội ngắt. Đó là những gì Triều thu được trong canh bạc. Giang phải kêu lên:

– Công nhận ông này đỏ thật đấy. Năm mà cũng vơ được của cả làng.

Triều vơ được của cả làng vì Triều cầm trang.

Triều quơ bài thoăn thoắt, hai tay hai nắm như một nghệ sĩ xiếc, vừa lấy ngón tay cái bật bật những quân bài, vừa lồng bài tay nọ vào bài ở tay kia. Những quân bài được đan ken vào nhau. Triều chia cỗ bài được trang ấy ra. Lập Ba Tai trán mướt mồ hôi vì thua quá nhiều, giằng lấy cỗ bài, đảo đi đảo lại, rồi nhanh nhẹn rút ra một quân. Bốn nhép. Tất cả khe khẽ:

– Tứ lùi.

Triều chia bài. Một tay rải đều. Ngón tay đeo một cái nhẫn tự tạo bằng nhôm có đổ mặt nhựa đỏ gẩy đều như máy làm bắn ra những quân bài rất đúng chỗ.

Được quân nào người ngồi chơi bài đưa tay ra úp lên, chầm chậm kéo vào lòng mình, khum khum lòng bàn tay, từ từ đưa ngang mặt ngắm nghía, rồi lại nhẹ nhàng thận trọng úp nó xuống chiếu, lấy tay giữ chặt như sợ nó bay mất, sợ người khác trông thấy khiến vận đỏ ở quân bài sau không đến. Tới quân bài thứ hai. Cũng như vậy. Sự im lặng hồi hộp càng tăng khi Triều chia quân bài thứ ba. Đây mới là quân bài quyết định. Khi lá bài vừa chạm chiếu, những bàn tay đã vồ lấy, kéo về lòng và cứ úp sấp quân bài dưới chiếu, cứ đè một bàn tay lên như vậy, còn xem lại hai quân bài có trên tay, khẽ nhích quân bài phía trước xuống để nhìn thấy cái đầu quân bài phía sau ló ra, xác minh một lần nữa những con số mình đã xem, rằng từ nãy đến giờ nó vẫn là nó, không có gì biến đổi rằng mình vẫn chờ đợi con số thứ ba ấy. Vận may hay rủi đang đến cùng con bài dưới chiếu dây. Lúc ấy mới từ từ nhấc con bài dưới chiếu lên ngang mặt, hồi hộp và hy vọng. Dù con bài ấy xấu hay tốt cũng cứ cắm nó lên tay, xòe ba con cho chúng xếp hàng cạnh nhau, duyệt cả đội hình một lần nữa, rồi quăng nó ra vì một tịt, hay xòe ngay ngắn trên chiếu với một chút hy vọng mỏng manh vì số điểm ba cây cộng lại chỉ là số sáu, con số bảy dở dang.

Triều bao giờ cũng là người lên bài sau cùng và là người hạ bài sau cùng.

Lập thua. Lập cứ thua. Khi đã thua hết cả quả tắc, chơi ván bài cuối cùng, vừa xem xét thận trọng từng quân xong, Lập đã vứt bài xuống chiếu ngay:

– Xem nào! Xem chuyến này có được cầm trang không nào?

Triều Phỉ vẫn giữ ba cây bài đã xếp gọn trong lòng bàn tay, mặt lạnh như tiền.

– Giang. Lật lên.

– Tôi chín đây. Hai con bảy. Một con năm. Năm rô.

– Thông Cháy.

– Tôi ba. Đen quá.

Triều Phỉ vơ những điếu thuốc lá trên chiếu vào lòng và lúc ấy mới chìa ra ba quân bài của Triều. Mười. Mười rô. Hai quân át. Một quân tám rô. Lập

Ba Tai đứng phắt lên:

– Đ mẹ. Đéo chơi nữa. Ông Phỉ hôm nay đỏ đéo chịu được. Mình tưởng mình mười có bảy rô là ăn chắc rồi. Ai ngờ ông ấy lại đè mình.

Triều vừa trang bài vừa cười thỏa mãn:

– Đừng thấy đỏ nghĩ chín, em ơi. Cao nhân tất hữu cao nhân trị.

Và hỏi những người còn lại:

– Chơi ba nhé.

Giang gật:

– Tiếp tục. Còn láng đây.

Thông Cháy cũng gật. Ba người cùng vào nhà mét. Khi trở ra đã thấy Lập cùng bát cơm và mấy miếng lòng trâu chờ sẵn.

– Chia bốn. Chơi nốt suất cơm sáng nay.

Triều để suất cơm của Lập cạnh những suất cơm được bạc khác và xì ra năm điếu thuốc Tam Thanh.

Năm ván liền Lập thua. Lập thản nhiên:

– Chia tiếp. Anh Triều ứng cho em suất chiều nay.

Triều lại đếm thuốc lá, vừa đếm vừa hỏi:

– Chiều nay ăn cơm với gì ấy nhỉ?

– Xương trâu.

– Đây Năm điếu.

Lập lại thua nhẵn. Lập như đã bị mê đi rồi.

– Tiếp tục suất mỳ sáng mai, suất cơm trưa mai.

– Đây! Một điếu bữa sáng. Bốn điếu bữa trưa.

– Sao lại bốn? Năm chứ.

– Trưa mai ăn da trâu, bố ạ.

Ai cũng biết quy trình thịt trâu của trại: Lòng rồi đến xương, rồi đến da (còn thịt dành cho Tết) mà cái món da trâu thì khó ăn thật. Tanh và khắm. Dính như keo. Lập chấp nhận sự hạ giá, nhưng còn nói thêm:

– Da trâu chúng nó cũng liếm được hai suất đấy, bố ạ.

Lại đánh. Vừa đánh vừa tranh thủ xúc cơm, bốc cơm lên mồm. Triều bảo Lập:

– Có đói làm miếng mày.

Không khách khí, Lập thò tay bốc cơm trên cái đĩa men vừa nãy còn là của Lập.

Họ đánh cho đến lúc lấy cơm chiều, chia cơm chiều. Không ai buồn nhúc nhích. Ba Đen phục vụ họ, nhận cơm, nhận thức ăn hộ họ. Dồn vào hai xoong. Xoong cơm có bốn mô, gạt ra bốn góc. Còn xoong xương để lẫn lộn. Ba Đen hỏi Triều:

– Đem mấy cái này đi chác nhé! Để thiu ra à?

Triều Phỉ gật gật. Vì còn đang mải mê vào những quân bài. Ba Đen bưng mấy suất cơm, mấy suất lòng trâu đi ra. Ba Đen không thú chơi bài. Ba Đen thích chác hơn. Ba Đen nắm rất vững ai có cái gì, ai cần cái gì, ai thiếu gì. Ba Đen làm cái việc điều hòa.

Lập lại thua. Tới điếu thuốc lá cuối cùng, nghĩa là ván bài cuối cùng, được quân nào, Lập vật ngửa ngay quân ấy, bất cần đời. – át nhép.

Quân thứ hai: Tám pích. Hai quân mà chín. Thật ít hy vọng. Lại đang đen. Ai cũng nghĩ Lập sẽ trắng tay, phải rời chiếu bạc. Quân bài thứ ba vừa rơi xuống chiếu, Lập đã quơ lấy, ấn vào đũng quần, rồi vật ra. Tất cả cùng kêu lên:

– Nhất cụ!

Quân át cơ với trái tim đỏ chót nằm giữa chiếu. Lập sướng quá, bất ngờ quá, thét to:

– Cái b. của tao thiêng thật. Nhất cụ!

Nói rồi, Lập lại đưa quân bài lên miệng hôn đánh chút. Lập được ván ấy. Lập được cầm trang. Tưởng nhẵn túi, đứng lên, ai ngờ lại thắng. Hy vọng vận đỏ sẽ đến với mình từ đấy…

Hắn sang toán mộc mấy lần dịnh trò chuyện với Giang bảo Giang thôi đi, đừng chơi bạc nữa. Giang chỉ nhìn hắn cười cười, rồi lại chăm chú vào quân bài. Hắn biết chẳng thể nào kéo Giang ra khỏi đám bạc được. Hắn lo lại như năm ngoái, Giang thua nhẵn, hai anh em phải ăn chung nhau một suất thịt trâu.

Hắn có ngờ đâu trưa hôm sau hắn phải chuyển đi Giáp Tết rồi mà lại chuyển đi. Một mình hắn chuyển đi. Gánh phân nhà bò về, cất cặp lồng ở chỗ đặt nội vụ, hắn đem bát ra chia cơm, suất cơm và suất da trâu lạnh ngắt.

Già Đô lẩm bẩm một mình:

– Sắp ba Tết rồi đây.

Hắn thì sắp bốn Tết rồi.

Hắn vừa ăn vừa nghe Ba Đen hát to ở phía ngoài:

Người ta ăn Tết tưng bừng

Ba Đen ngồi đợi bánh chưng trong tù

Người ta ăn Tết lu bù

Ba Đen trong tù ngồi đợi bánh chưng

Người ta ăn tết tưng bừng…

Cứ loanh quanh chỉ có bốn như cải kiểu “Con kiến mà leo cành đa”… Ba Đen hét to. Có vẻ bất cần. Nội dung bài hát, giọng hát nghêu ngao của Ba Đen có nghĩa là: Tết, tôi nhớ nhà. Tôi tù đến bao giờ? Các ông bảo tôi không yên tâm cải tạo. Cũng được. Các ông bảo tôi kích động người khác. Cũng được. Tháng này là tháng củ mật. Các ông sợ tù trốn trại, tăng cường canh gác, đề phòng. Các ông cho tôi vào xà lim cũng được. Các ông bảo tôi chống đối tinh vi cũng được. Kéo dài thời gian cải tạo cũng được.

Mỗi người là một cái lò-xo đã bị nén xuống tột cùng. Mà cỗ máy, khối thép đồ sộ khổng lồ còn cứ ấn xuống mãi. Cho tới bẹp dí. Tiếng hát ê a của Ba Đen làm hắn nhớ tới những tiếng gào thét vào những đêm 30 Tết khi hắn còn ở xà lim. Tiếng gào thét vang lên từ những B nữ. Thảm thiết. Ai oán. Trong đêm giao thừa, nó vọng đến tai hắn đang nằm co trong xà lim tối đen, lạnh lẽo và bị bỏ quên…

Hắn ăn cơm với già Đô. Lòng trâu ngon, nhưng da trâu đúng là khó ăn. May mà có thêm món muối vừng của Giang. Giang đã nhận tắc từ hôm 20 Tết. Gia đình Giang không lên mà là Phu, một người bạn của Giang. Bao giờ cũng là một người bạn của Giang lên tiếp tế. ở chỗ gặp mặt về, Giang xách cặp lồng xôi sang chỗ hắn ngay. Nhìn qua cửa sổ, thấy Giang đi tới, già Đô tót ra ngoài. Già tránh. Dù sáng hôm ấy là chủ nhật. Treo mỏ. Muôi mỳ xăng người lái cũng không. Dạ dày lép từ tối hôm qua cơ. Mong từng phút tới lúc nhà bếp gánh nước đổ vào thùng ở sân ùm ùm để mang các thứ ra lấy nước. Rồi lại mong từ đấy đến bữa cơm trưa. Buổi sáng chủ nhật cắt ra làm hai như vậy đỡ dài hơn. Nó có cái mốc ở giữa. Chóng tới bữa cơm trưa hơn dù biết bữa cơm trưa cũng chỉ lằm gọn trong một góc dạ dày rỗng. Các ông giám thị cứ bảo các anh ở nhà ăn mười ba cân (gạo), vào đây ăn mười ba cân, mười tám cân, hai mốt cân, hơn ở nhà rồi. Quả là làm việc nặng, gồng gánh mười tám cân, lâm sản, thợ xẻ, đập đá, lò vôi ăn hai mốt cân thật đấy. Nhưng có no đâu. Gạo bốc hơi từ kho, từ ông giám thị cân gạo, từ anh em nhà bếp đem cơm đi chác, từ đàn gà béo núc hai chục con của ông quản giáo phụ trách toán bếp… Với lại chỉ có chỗ cơm ấy và một tý rau nấu muối. Có chất gì đâu mà no. Cơm và rau chỉ ở trong dạ dày không quá một tiếng đồng hồ. Các nhà khoa học đã nói vậy. ắt là phải đúng.

Già Đô đói như hắn đói, như mọi người. đói. Nhưng già chỉ có thể ăn của hắn. Già không thể ăn của bạn hắn. Giang còn đang phấn khởi vì vừa gặp bạn:

– Em sẻ cho chúng nó rồi. Đây của anh em mình. Già Đô đâu rồi?

– Ngồi đây. Chờ anh.

Hắn bảo Giang và đi sang các toán khác tìm già Đô. Già Đô đang ngồi bên toán lâm sản, chỗ hội chợ điếu. Các loại điếu cày sáng loáng. Và đủ loại âm thanh của các nõ điếu rúc lên. Ngẫu nhiên thôi. Thoạt đầu mấy anh lâm sản sở tại đem điếu ra. Điếu của toán lâm sản toàn loại oách. Rồi bạn bè đến chơi mang điếu đến. Thế là mấy tay áp-phe có mặt ngay. Ngày Tết nhiều người nhận tắc. Cánh không gia đình biết họ rằm, cũng muốn moi của họ. Một cách lương thiện thôi. Đem điếu, lược đến gạ gẫm. Những cái điếu, cái lược tự sản xuất với sự kiên nhẫn của người tù khổ sai đẹp như đồ kim hoàn, nổi tiếng đến tận cục lao cải.

Hắn tìm thấy già Đô trong đám người đang đẩy mạnh hoạt động thương nghiệp ấy. Trắng xóa những lá đề những đai điếu chạm trổ và mù mịt khói thuốc. Khoảng hai chục cái điếu cùng bắn loạn xạ. Đủ các cung bậc. Rít lên chói màng nhĩ. Già Đô ngồi cạnh Dần, một anh lái xe kẹp chết người, cùng toán, nổi tiếng là mê điếu. Dần mân mê ngắm nghía cái điếu của Ba Đen, vốn vừa là tay sản xuất, vừa là tay phe đại tài Dần đang gièm pha cái điếu mà chỉ thoáng trông, hắn cũng biết là loại đờ luých man-te và Dần kết lắm rồi.

Hắn kéo tay già Đô:

– Cụ về đi.

Già Đô giãy nãy:

– Về làm gì?

– Về tôi bảo cái này.

Già Đô kiên quyết, vẻ hơi lạnh lùng:

– Tôi ngồi đây tý nữa tôi về.

Hắn nhìn già Đô và đến lúc ấy hắn mới dể ý thấy lông mày già Đô cũng bạc rồi. Chẳng ai đoán được tuổi già là bao nhiêu nữa.

– Cụ về một tý thôi. Tôi van cụ.

Giọng hắn khẩn khoản. Già Đô biết hắn sẽ không về nếu già còn ngồi lại. Già miễn cưỡng đứng lên, đi theo hắn, bỏ lại sau lưng đám hội chợ đông vui, tiếng Dần dẹt giọng, dè bỉu:

– Bốn biêu cái điếu. Có mà diên à?

Và tiếng Ba Đen bình thản, tự tin:

– Tùy ông anh thôi.

Thấy già, Giang trách:

– Con không đồng ý tý nào. Anh Tuấn với già thế nào, thì con với già thế vậy.

Ba người ngồi ăn xôi lạc. Giang kể chuyện bên ngoài. Bao giờ cũng vậy, người ra gặp mặt không chỉ mang về gói quà tiếp tế, mà còn mang theo chuyện bên ngoài. Qua đó biết được tình hình gia đình, tình hình xã hội. Đó là một chút tia nắng từ nơi dương thế rọi vào chốn này. Chút tia nắng ấy thường tăm tối, ảm đạm. Gia đình sinh sống khó khăn. Chiến sự còn đang căng. Lại bắt bớ. Tuyệt vọng càng tuyệt vọng. Già Đô nhai kỹ, ăn chậm. Già muốn ăn ở mức ít nhất, tuy già có thể ăn hết một nửa chỗ cơm nếp này vẫn còn thòm thèm. Dẻo. Thơm. Ngọt. Ngậy. Bùi. ăn đến đâu tỉnh đến đấy. Những người như già, như Dự, Lê Bá Di… ngày Tết chẳng hy vọng gì tắc tế. Chẳng hy vọng gặp ai. Càng buồn. Càng thấy mình thuộc tầng lớp thấp kém. Càng thấy mình bị bỏ rơi. Bỏ rơi hoàn toàn. Không một chút xíu gì liên hệ với cuộc đời nữa. Sống dưới cặp mắt thương hại và coi thường của anh em tù, nên lại càng tự trọng. Hắn bốc những hột lạc, ấn vào véo xôi của già, gỡ một cơm rơi vào giữa chòm râu rậm rịt hoa râm của già.

Giang bảo:

– Chị Ngọc phải giáp Tết mới lên, anh nhỉ?

Hắn cũng đoán nhtt vậy. Thường vợ hắn vẫn tiếp tế cho hắn vào những ngày giáp Tết. Có năm đến hai tám Tết. Vì lúc bấy giờ mới có bánh chưng mà gói. Dù như vậy cập rập. Rất cập rập. Hắn thương vợ. Vất vả quá. Bình thường Tết đến đã có bao nhiêu thứ phải lo toan. Hắn đi tù. Ngọc một mình lo Tết. Lại còn lo tiếp tế cho chồng. Tàu xe. Đường sá. Phà đò. Tới nơi, ngủ lại một đêm. Hôm sau gặp chồng mười lăm phút. Rồi về. Bấy giờ mới yên tâm lo cái Tết ở nhà, lòng vẫn không ngưôi xót thương chồng ăn Tết trong tù.

Nghĩ vậy, nhưng hắn vẫn rất mong gặp vợ. Không có cách nào khác, dù biết vợ vất vả khổ sở vì mình. Càng gần Tết càng mong.

Nhưng Tết năm ấy vợ hắn không lên. Hay đúng hơn vợ hắn không phải vượt hàng trăm ki-lô-mét lên QN thăm hắn vì hắn đã được chuyển về 75.

Cái buổi trưa đang ăn cơm với già Đô, có món da trâu ninh, miếng nào miéng ấy dày tới cả chục xăng- ti-mét, thêm tí muối vừng mằn mặn thơm lừng của Giang, vừa ăn vừa nghe Ba Đen ê a hát, hắn bỗng thấy ồn ào ở buồng bên. Và những tiếng thét:

– Giang! Thôi! Tao bảo mà!

– Anh Triều đùa đấy!

Hắn buông bát cơm ăn dở chạy sang bên toán mộc. Giang lăm lăm cầm lưỡi bướm sáng loáng trong tay. Đó là thứ đục bản to dùng để đục phá, bóc gỗ. Nó tách những thớ gỗ chắc như gỗ lim một cách ngon lành. Mặt Giang trắng bệch. Môi đã mỏng, mím lại thành một vệt thẳng. Tay Giang nắm chắc lưỡi bướm sắc ngọt. Trước mặt Giang là Triều Phỉ cao lớn, chủ canh bạc hôm qua.

Triều Phỉ là trùm anh chị ở P. Cùng giam ở bê D 75 với hắn, với Giang. Tất cả cánh hình sự đều quy phục Triều Phỉ. Một điều anh, hai điều anh đầy mến phục. Triều phỉ xăm trồ thì khiếp lắm. ở bụng là những con rắn uốn khúc mổ vào bướm cô dầm khỏa thân. Một bên đùi là Triệu Tử Long phò A Đẩu. Đùi bên kia là Trương Phi râu quai nón cầm mâu đứng trên cầu Trường Bản. Lưng: Đại chiến Xích Bích. Triều Phỉ khoe với hắn khi còn ở 75:

– Công an bắt em cởi truồng. Chụp ảnh các cảnh trổ. Chụp từng bộ phận một.

– Em là Triều Phỉ, vì trước em để tóc dài ngang vai. Em đi thuyền cát, lên phố, một chân đất, một chân giày, tóc xõa. Trông như phỉ.

– Em mặc quần ống tuýp. Công an mấy lần rạch ống quần của em, nhưng em vẫn mặc quần ống tuýp.

Triều Phỉ rất đẹp trai. Cao lớn, da trắng như da con gái, luôn cắn cắn môi trên, môi dưới cho dỏ. Lên QN, Triều Phỉ thêm nốt ruồi ấn Độ giữa hai lông mày. Quần áo tù, Triều cắt lại hết. Không rộng thùng thình nữa, mà chật căng. Bó từ ngực tới ống, rất bít dít. Giặt phơi xong, gấp vuốt cẩn thận, để đầu giường gối lên, mặc phẳng như là. Hôm đóng số tù, Triều đóng kín số CR 832 đằng trước đằng sau; những chữ số nằm trong khung chữ nhật, to xếp thành hàng từ ngực xuống chân, từ vai xuống gót đen sì, vuông thành sắc cạnh. Tù thấy vậy thích lắm. Nhưng quản giáo bực. Triều biết, vẫn cứ thản nhiên: “Thưa ông, đóng thế này cho đẹp”. Cánh hình sự càng nể Triều Phỉ.

Lên Q.N, Triều dùi chim, đeo vào đó cái pơ-lắc khắc chữ: “Vnh biệt em yêu”. Lên Q.N, Triều còn lập một chiến công khiến cả bọn càng tôn sùng: Đánh thắng Ba Đen.

Lên Q.N, Triều gặp Ba Đen, thủ lĩnh đám tù hình sự ở trại. Đôi bên không chịu nhau. Đánh nhau. Tay bo. Ròng rã cả tháng. Đi làm về lại dánh. Im lặng đánh. Không kêu một tiếng. Không nói một lời. Chỉ có tiếng rầm rầm trong buồng. Nhảy từ sàn bên này sang sàn bên kia. Dồn nhau từ cửa ra vào tới cửa nhà mét. Từ lối đi hẹp giữa hai sàn, dưới đất vọt lên sàn trên. Nửa đấm bốc. Nửa võ Tàu. Cả giu-đô Nhật Bản.

Cả hai đều cao lớn, trên một mét bảy. Ba Đen cũng có một thân hình rất dẹp, ngực nở bụng thon. Chỉ có cái khác: Triều Phỉ trắng trẻo, còn Ba Đen đen bóng. Gần một tháng tỉ thí, cả hai tím mặt, sưng tay, gãy răng, hộc máu. Có lẽ về nghệ thì không ai thua ai. Kẻ tám lạng người nửa cân. Nhưng đây là cuộc dối đầu về ý chí. Ai bền gan hơn, quyết tâm hơn sẽ thắng. Cuối cùng Ba Đen chịu thua, xin làm đồ đệ. Vậy mà bây giờ Giang dang đứng trước Triều Phỉ. Giang nắm chắc lưỡi bướm, giọng lạnh đi:

– Tôi biết anh. Anh cũng biết thằng Giang. ý anh thế nào?

Thì ra, sau khi thắng lớn cả ngày, tối qua Triều Phỉ chơi ba cây đại bại. Người thắng là Giang. Triều Phỉ khất Giang, chờ nhận tắc sẽ trả. Sáng nay Triều Phỉ gặp mặt, nhận tắc nhưng chưa chịu trả nợ Giang.

Khi đi làm về, Giang đã thủ sẵn một cái bướm. Lập Ba Tai nắm lấy cổ tay đang cầm lưỡi bướm của Giang:

– Thôi! Giang ơi!

Giang dùng bàn tay còn lại chém mạnh vào tay anh tù tai rách và hoa lưỡi bướm, gầm lên:

– Thằng Lập Ba Tai kia. Mày định can khéo để tao chết đấy phải không Lui Tôi nói trước nhá. Bất kỳ ai đến gần tôi là tôl xơi đấy. Đừng trách!

Lưỡi bướm sáng loáng vạch một vòng tròn trong không trung. Triều Phỉ đứng khoanh tay cười nhạt:

– Mày định thịt tao dấy à?

– Tôi không biết. Tôi hỏi anh một lần cuối: Hôm qua anh bảo nhận tắc thì trả. Hôm nay anh nhận rồi. Anh có trả không?

Ai cũng biết Giang sẵn sàng dổi mạng. Vì danh dự, vì luật chơi. Phải tôn trọng luật chơi. Triều có thể đánh bật lưỡi bướm của Giang, diệt Giang đến mức quỵ, nhưng khi khỏi, khi dậy được, khi Triều ngủ Giang sẽ thực hiện luật chơi.

Nếu không mọi người coi Giang không hơn một con sên, Giang sẽ không sống được. Không đâm Triều hôm nay, chắc chắn ngày mai Giang sẽ phải đâm người khác. Giang lấy của Triều cả quả tắc, nhưng có thể Gĩang sẽ mời Triều ăn cả quả tắc ấy. Còn việc thua mà không trả lại là chuyện khác. Bao nhiêu con mắt nhìn vào khuôn mặt trắng bệch của Giang, cái cách cầm lưỡi bướm của Giang. Cũng như mọi người, hắn thấy trước máu sẽ chảy.

Không biết việc gì xảy ra, nếu Ba Đen không kêu lên:

– Anh Triều đừng đùa nữa. Anh là chúa hay đùa.

Triều cười khì khì:

– Tao đùa một tý

Và thản nhiên bước lại khoác vai Giang vẫn đang cầm lưỡi bướm:

– Tao thử xem mày là thằng thế nào. Tao công nhận mày có bản lĩnh.

Tất cả thở phào. Hắn hiểu thêm Giang. Càng tin Giang. Quý Giang. Hắn quay về ăn nốt bữa cơm. Đi được mươi bước thì gặp già Đô. Già Đô hớt hải:

– Tôi tìm mãi. Cụ về ngay, ông quản giáo chờ. Hắn về buồng. Một ông quản giáo đã đứng ở cửa buồng giam:

– Mang hết nội vụ ra ngoài.

Hắn ngơ ngác. Cả toán ngơ ngác.

– Thưa ông. Tôi chưa ăn cơm xong.

– Anh đi đâu mà chưa ăn?

– Tôi đi vệ sinh.

Nói làm gì chuyện sang toán mộc. ít nói là tốt nhất.

– ăn đi rồi mang nội vụ ra. Anh có lưu ký không?

Thế nghĩa là đi hẳn. Cắt đứt quân số ở đây. Bối rối.

Cả hy vọng. Vận may hay vận rủi chờ đợi. Cũng là nhắm mắt đưa chân. Thân tù bao giờ cũng lành ít dữ nhiều.

Già Đô giúp hắn bó chăn màn, ấn quần áo, khăn mặt, điếu, bi-đông, cặp lồng, bàn chải, cả túi vừng đang ăn dở vào bị, vào hòm. Hắn nói khẽ:

– Để vừng lại. Cụ sang gọi Giang hộ tôi.

Giang sang. Nhìn đống nội vụ của hắn đã xếp gọn giữa chiếu, Giang hết hoảng:

– Anh đi ngay giờ à?

– Anh đi đây.

Cả toán không ai nói một câu. Họ chỉ biết im lặng nhìn hắn. Già Đô vẫn chưa hết ngơ ngác. Hắn thì thào:

– Cụ còn nhớ địa chỉ tôi không?

– Nhớ. Số… Điện Biên Phủ.

Già Đô thì không có địa chỉ để hắn nhớ. Xăng vòm. Cái giường cá nhân già nằm trong khu tập thể xí nghiệp đã có người khác thay thế rồi. Hắn nói với Giang mặt lạnh tanh:

– Có về trước đến thăm chị nhé. Kể chuyện anh trên này.

Giang còn lạnh hơn cẫ hắn:

– Anh đi!

Ông quản giáo đã đến. Hắn nhìn nhanh một lượt anh em trong toán từ nãy tới giờ vẫn ngồi yên nhìn hắn, cả sàn dưới lẫn sàn trên. Tất cả nhìn lại. Không một lởi. Không một tiếng động.

Hắn bị bọc bước ra.

Gió rừng thốc vào mặt hắn.

Hắn bước những bước nặng trĩu.

Trước mắt là trống rỗng. Là những trại tù mới.

Phải mất hơn ba năm, anh em trong toán mới hiểu mình. Mình mới quen với anh em, với công việc. .

Phải mất hơn ba năm mới tìm được những người như Giang, như già Đô. Những người cùng khổ thương nhau, sưởi ấm cho nhau. Thay cho bố mẹ, vợ con, gia dình. Lại phải ra đi. Hắn lại thấy hoàn toàn cô đơn. Lại thấy như thời gian mới bị bắt vào xà lim 76. Hắn theo ông quản giáo đi qua cổng gác. Qua chỗ ngoẹo suối. Qua chỗ vẫn buộc trâu ăn Tết. Qua nhà bếp. Tới cái xe com-măng-ca Rumani đít vuông đậu ở bên kia cầu bắc qua suối, lối đi vào trại, nơi bọn hắn vẫn xuống tắm. Hai người công an áo vàng đã đứng chờ sẵn.

Một người lái xe. Một người ngồi sau với hắn. Hắn rúc chân vào đống nội vụ lỉnh kỉnh của hắn cho đỡ rét. Hắn im lặng. Không dám hỏi mình đi đâu. Để làm gì. Vì sao lại phải đi. Bởi vì hắn biết hắn không được hỏi. Không được phép hỏi. Hắn như một thứ đồ vật người ta mang đi đâu thì đi đấy. Thế thôi. Xe nổ máy, lao đi, để lại một làn bụi đỏ mù mịt. Vĩnh biệt rừng, vĩnh biệt lòng chảo Q.N khủng khiếp nhưng đã thành thân thiết này.

Xe đi. Rừng núi chung quanh. Lòng hắn rối bời. Rối bời và hy vọng. Hy vọng đến mức không dám nghĩ đến nữa. Trong tù hắn đã luyện được thói quen giết chết hy vọng. Hãy biết cái thực tại đang xảy ra. Thực tại xe đang chạy. Thân tù đi đâu chẳng là một thằng tù, chẳng nằm trong quân số cục lao cải. Bỗng người công an ngồi cạnh hắn kêu lên:

– Đến rồi đấy!

Hắn giật thót. Người ta đưa hắn xuống đây hay sao?

Xe dừng lại. Người lái xe nhảy xuống, biến mất.

Hắn ngồi iin lặng. Người ngồi cạnh hắn giở thuốc lá ra hút. Hắn liếc nhanh: Tam Thanh bao bạc. Người ấy hỏi hắn: “Hút không”. Hắn lễ phép: “Báo cáo ông, có”. Hắn châm thuốc bằng bật lửa của hắn. Hắn hút và im lặng. Hút chưa hết điếu thuốc lá, người lái xe đã về Hắn không tin ở mắt mình nữa. Những cành đào. Những cành đào to mập. Không có lá, chỉ những búp non xanh hơi nứt. Và những cánh hoa đào phơn phớt hồng. Những nụ đào âng ấng dọc các cành non. Hai người cho đào vào thùng xe, nghĩa là ngay trước mặt hắn. Họ lấy dây buộc để khỏi giập nát. Họ bàn nhau về cành đào thứ ba dành cho ông Trần nào đấy.

Hắn chưa thể quen ngay được với thứ hoa tạo nên niềm kiêu hãnh trong ngày Tết ở ngoài đời. Nhưng rồi chính hắn nhớ ra: Nhà hắn cũng có một cây đào trồng ngay ở đầu hồi, trên nền nhà cũ, cái nhà hắn sống suốt tuổi ấu thơ mà Tây đã đốt ngay từ cuối năm 1946. Bố hắn bảo: “Thất trảm thành đào”. Bảy lần chém, bảy lần mọc mới thành cây đào thực sự. Hắn nhớ đến bàn thờ nhà hắn. Mâm ngữ quả nhà hắn đẹp như mâm ngũ quả ngoài đình. Giao thừa, hắn bưng mâm ra đặt trên một cái ghế đẩu giữa sân. Hắn im lặng nhìn bố thắp hương khán trời đất. Lúc đó thật là thiêng liêng. Hắn nghe được cả tiếng nói cây cỏ…

Xe chạy. Những cành đào đập đập vào ngực áo bông của hắn. Cái áo bông Trung Quốc to sù có một hàng số CR 880 ở ngực, một hàng chữ số CR 880 ở lưng. Những nụ đào cứ dụi dụi vào hàng số tù ấy. Thì ra người ta đã bàn nhau từ trước về chuyến đi này. Kết hợp giải hắn và mua đào sắm Tết. Hắn hiểu được rằng người ta đang chuẩn bị mọi thứ cho Tết, cho ngày vui, ngày đầu năm, ngày đoàn tụ. Ngoài đời đang bận bịu tất bật, lo lắng và sung sướng. Chợ hoa, chợ Tết, mua sắm, may mặc, màu sắc, hàng hóa…

Hắn ngắm những nụ đào, những bông dào nở sớm. Đẹp. Mỏng manh. Vô tình. Hắn nhớ đến một câu văn cũ hắn rất thích: “Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đa chết dần dần”. Không. Hắn không chết dần dần. Hắn đã chết rồi. Hắn đã bị tước đoạt cuộc sống rồi. Hắn nghĩ đến anh em trong trại. Mù mịt. Heo hút. Thăm thẳm. Và đàn trâu già vừa bi giết. Đó là tất cả thế giới, tất cả mong ước của những người tù để dón Xuân.

Xe lại đếng một lần nữa. Anh lái xe nhảy xuống. Hẳn điểm dừng này cũng đã được định trước. Anh ta bê từ dưới suối lên một hòn đá cuội bằng quả mít nhỏ. Rồi lại xuống bê thêm hòn nữa. Thở hổn hển, nhưng hài lòng.

– Đá thế này chứ. Nén bằng đá xanh có mà thối hết hành với dưa.

Cả chuyện ấy nữa. Cải nén, hành nén. Năm nào vợ hắn cũng mua ít hành nén với dưa. Có cả mía cho vàng và ngọt. Thật cầu kỳ. Người ta sung sướng với những lo lắng. Càng tỉ mỉ nỉềm vui càng trọn vẹn. Tất cả cho giờ phút giao thừa. Tất cả cho ba ngày Tết. Thế giới ấy gần gụi với hắn. Hắn đã trái qua. Hắn đã tất bật. Hắn đã lo lắng. Hắn đã sung sướng. Hắn hiểu được niềm vui của những người công an đang áp tải hắn. Những người chồng đảm đang chiều nay sẽ đem về cho vợ con cả một sự ngạc nhiên và hạnh phúc. Sắp Tết rồi.

Hắn cố nuốt một tiếng thở dài, giữ cho mình một bộ mặt dửng dưng.

 

Về đầu

 

Chương 23

 

Hắn lại bước vào 75. Lần thứ hai hắn bước vào 75. Những tưởng không bao giờ quay lại.

Cánh cửa sắt mở ra cho hắn bước vào và khép lại nuốt chửng hắn. Những ngày mới bị bắt năm nào chàm vào mặt hắn. Nhưng không giống lần trước bỡ ngỡ, hoảng loạn và tuyệt vọng, lần này hắn như một người trở về chốn cũ. Hơn nữa lần này trở về đây lòng hắn phập phồng hy vọng. Anh Chân, anh cả hắn đã vào trại QN thăm hắn, báo cho hắn biết:

– Anh đã gặp ông Trần, giám đốc Sở Công an P. , trình bày đề nghị… Ông Trần có nói với anh là chỉ giữ hắn ít ngày nữa cho hắn bớt chủ quan đi thôi, trong năm nay sẽ cho hắn về. ít ngày nữa là nửa năm tù rồi còn gì, từ ngày ông Trần nói với anh Chân. Với lại đến giờ cũng là hết năm rồi. Ông Trần và anh Chân trước đây cùng công tác với nhau. Ông Trần là bí thư huyện ủy, thì anh Chân là huyện ủy viên, trưởng ban quân sự huyện. Hai người đã cùng nhau lặn lội xông pha tổ chức nhân dân, xây dựng cơ sở, đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, diệt ác trừ gian… Tên hai người – đều nằm ở những dòng đầu tiên trong sổ đen của Pháp. Hắn được gặp anh Chân ở phòng khách của cán bộ, không có công an ngồi cùng. Chỉ hai anh em với nhau. Anh Chân nói những vất vả của anh trong khi tìm gặp ông Trần. Nhiều lần, người thường trực đều bảo ông Trần đi vắng. Đón ở nhà. Không gặp. Cứ ngồi ở cửa suốt trưa nắng.

Anh còn ghé sát tai hắn:

– Lâm, chánh giám thị ở đây hứa với tao sẽ cho chú gặp mặt hai bốn tiếng. – Anh nói khẽ hơn. – Tao mới xin cho nó một cái phiếu xe Favorit.

Hắn với anh Chân rất thông cảm, yêu quý nhau. Ngoài tình anh em, còn có một lý do riêng nữa. Anh Chân cũng bị ta bắt tù oan mười tám tháng. Anh cùng mấy chục cán bộ đảng viên khác bị bắt vào cuối những năm chống Pháp trong một vụ nhầm lẫn đau xót. Một tỉnh ủy viên (có quen bố hắn và hay lại nhà hắn) tự tử. Anh Chân bị cùm cả hai chân giữa rừng, dưới một cái mái che. Mỗi người một mái che. Riêng biệt, xa nhau. Đó là xà lim dã chiến. Mỗi người được một nắm cơm to bằng quả trứng, có dùi lỗ cho muối vào. Cứ thế bẻ ăn, không có đũa. Sợ tù lấy đũa đóng vào lỗ tai tự tử. Anh bảo: “Rất ấu trĩ vì ở rừng thiếu gì cành cây. Muốn tự tử lúc nào chẳng được”. Điều kinh khủng nhất là một buổi chiều anh thấy có tiếng chân người đi tới. Rồi tiếng nói khe khẽ với người lính gác sau một lùm cây: Đêm nay có tin Tây nhảy dù xuống đây để cứu bọn gián điệp. Lệnh trên: Nếu vậy thủ tiêu”. “Nghe đúng là tiếng thằng Thuấn bên Doãn Khê”. Hắn cũng biết Thuấn. Một thanh niên rất hăng hái, tham gia cách mạng cùng với anh Chân và rất quý anh Chân. Cả hai cùng vào chiến khu Đông Triều một đợt, cùng về cướp chính quyền ở Thanh Nguyên. Thuấn và anh không tư thù gì nhau. Thuấn chỉ truyền đạt lệnh trên với tất cả lòng căm thù anh, căm thù bọn đã làm tay sai cho giặc, phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc. (Nhưng thật buồn cười, chỉ ít ngày sau Thuấn cũng lại bị bắt, bị cùm ở một lán xà lim ngay cạnh lán xà lim của anh, anh nghe rõ tiếng Thuấn bị đánh kêu oai oái).

Khi Thuấn đã đi, anh bị người lính gác trói chặt. Dù vẫn bị cùm. Trói hai chân. Trói hai tay. Lại trói chân giằng lên tay. Anh đã vào sinh ra tử, bị Pháp bắt, tra tấn, anh đã chui theo đường cống, trốn từ căng Máy Chai ra… nhưng chưa bao giờ anh sợ như vậy. Tiếng gió ngàn từ xa làm anh toát mồ hôi: Anh tưởng như tiếng máy bay địch. Một ánh đèn pin của đội tuần tra cũng làm anh nghĩ là ám hiệu dón máy bay nhảy dù. Anh không tin được rằng mình sẽ sống đến sáng hôm sau. Tóc anh bạc từ dêm ấy. Những chuyện đó hắn nghe lâu lắm rồi. Hắn nghe, thích thú như một người viết văn có một chi tiết hay. Vậy thôi. Hắn nghe và bỏ qua. Lúc ấy lòng hắn đang phới phới. Anh Chân bị bắt ở chiến khu Đông Bắc thì hắn đang ở Việt Bắc. Hắn đi thanh niên xung phong. Hắn vào tiếp quản Hà Nội, hát ở đường đôi bên Hồ Hoàn Kiếm. Rồi hắn đi làm báo. Hắn đi viết văn. Hắn về nông trường đầu tiên của đất nước: Nông trường bông Gia Lâm. Hắn dự lễ thông xe tuyến đường Hà Nội – Lạng Sơn mà không biết rằng anh Chân đập đá ở công trường Chẹ…

Trong tù, hắn nhớ lại những điều anh Chân kể và trách mình vô tình. Hắn nhớ lại chuyện con tò vò của anh. Cùm hai chân, anh rình con tò vò làm tổ trên mái. Nó bay đi rồi nó tha về một ít đất. Nó nhào luyện đất xây tổ. Anh chờ đến ba ngày. Cái tổ đã gần xong. Anh ưỡn người về phía sau, xoài tay ra để đạt tầm với xa nhất, bẻ một cành cây nhỏ. Anh lấy răng tách cànn làm hai, thành một cái kẹp. Anh chờ con tò vò chui vào tổ thò ra cái đít mòng mọng. Anh chỉ đợi có vậy. Anh đưa cái cành nhỗ kẹp đít con tò vò. Anh ăn sống nó.

Trải qua những điều như vậy, hẳn anh hiểu tình cảnh hắn đang chịu. Hơn hai người anh khác của hắn.

Anh đã vất vả vì hắn. Vào tận trại thăm hắn. Những điều anh nói với hắn đang thành sự thật. Hắn sẽ được tha vì hắn đã được về 75. Hắn không nhớ được một người nào trong cái bê hắn ở. Đông. Rất đông. Mà không nhớ được một tên người, một nét mặt.

Lại những gì gợi nhớ đến bê dê bê hắn ở cũ. Cái bể đựng nước uống ở đầu hồi phía cửa ra vào, xây sát tường. Phía trên là nộí quy. Kẻ hẳn vào tường. Nằm ở gần đó chỗ sạch nhất là nhóm trung tâm . Giữa nền xi-măng là một rãnh nước chảy suốt xuống cuối nhà, phía ấy có nhà mét. Anh em nằm trên các ván lim hai bên. ở đây mọi người đều mặc quần áo đời thường vì chưa thành án, còn giam cứu, hoặc đã xử nhưng chưa được chuyển đi.

Gần trăm con người nhìn hắn bước vào. Với hòm xiểng, cặp lồng, bi-đông, chăn, ca, điếu và nhất là với bộ quần áo số. Tất cả đều kính nể vị tiền bối. Vị đàn anh, người đã dày dạn tù đày, người đã trải qua tất cả. Người đã biết nhiều điều. Ngày ấy cũng đã có cảnh trùm chăn đánh táp-lô . Cảnh ngầm dúi đồ tắc tế cho nhóm trung tâm dể đút lót. Nhưng hắn hiểu rằng hắn được kính trọng. Vì sau lưng hắn là rừng. Là các trại trung ương. Là sự từng trải. Là những điều anh em ở đây tò mò muốn biết và lo sợ phải tiếp nhận. Hắn được nằm ngay cạnh nhóm trung tâm và trả lời câu hỏi của anh em về trại trung ương bằng một câu. Câu ấy hắn đã được nghe khi hắn chuyển từ xà lim sang bê dê cách mấy năm về trước. Câu ấy làm hắn khi đó lớ ngớ – ớn xương sống:

– 75 là thiên đường của nhà tù.

Thế mà đúng như vậy.

Không trại nào có thể so sánh được với 75. Trước tiên đây là một trại tạm giam. Vẻ mặt con người chưa bị mài nhẵn bởi đau tê. Vẫn quần ka-ki, áo sơ- mi. Cả quần xi-mi-li pha ni-lông nữa (loại quần sang nhất hồi đó mà người ta chỉ cần đổi lấy một gói bánh bích-quy). Nước máy. Chất bột thì cũng chỉ một thỏi hai gạt đấy. Nhưng không có cân, không phải dùng cân. Đã đành ở đây có những chiếc bánh mỳ vét bao một nửa là mọt, bửa cái bánh mỳ ra đỏ hồng màu hoa đào, do con mọt thôi ra. Nhưng ở Q.N thì cũng có những bát mỳ xăng người lái đầy những con sâu mỳ béo núc nổi váng.

Rau thì không đâu có thể bì với 75 được. Rau của 75 là rau mậu dịch. Mùa nào thức ấy. Giáp vụ cũng chỉ ít thôi. chứ rau ở Q.N thì quá thể. Rau ở Q.N trông mong vào trại (nghĩa là trông mong vào toán của hắn). Lúc giáp vụ rau, cơm chỉ có muối. Cuối xuân phá bắp cải, su hào, trồng rau muống là chết. Rau muống lên xanh chưa được ăn, còn phải để nhân gióng sang ruộng khác. Rồi đến mùa thu rau muống ra hoa, lại phá rau muống trồng cải thìa. cải xanh. Lại chết đợt nữa. Mỗi đợt gần hai tháng thèm rau. Gần hai tháng đói. Trông mong vào mấy lát bí xanh, mấy lát bí đỏ chìm nghỉm trong bát nước, “phải thuê thợ lặn mò”. Nếu được bữa khoai sọ, tỉnh đến hôm sau. Mà chính giữa vụ rau cũng kém đây xa. Thứ rau muống Trung Quốc già nhai toàn xơ, nhưng cứ nuốt cả xơ cho đầy bụng. Theo sách khoa, còn chống táo bón nữa cơ đấy. Thứ rau cải bắp già để cả cây, không rửa, cả lá già, lá xanh vứt vào bể. Bể cao hơn đầu, kín một gian kho, phải vài chục khối. Leo vào bể lấy dưa cân cho nhà bếp, dòi leo lên đến tận bẹn. Dòi trắng thành bể, h lại thành vầng ở góc bể.

Ở 75 rau lại có mỡ. Dù là mỡ hóa học bám vào bát mất một nửa. ở 75 lại có cả khoai tây bi để cả vỏ nấu muối làm thức ăn rất chắc dạ.

Ở 75 có nước máy, có điện. ở 75 không phải đi làm. Không phải gánh khoán một ngày bốn tạ phân từ chuồng bò về vườn ngoài, vườn trong, qua bốn suối, leo bảy dốc, xuống bảy dốc, chân chạy huỳnh huỵch, dội lên mang tai. Qua suối là khốn nạn nhất. Phải chạy qua những tảng đá cuội lớn rải rác ngang lòng suối. Họ gánh khỏe, họ gánh quen, họ lướt bàng băng. Hắn chỉ cố được sáu mươi cân, vắt được một chân vào tảng đá giữa suối rồi, nhưng không sao bước nốt chân kia sang được. Hắn cứ choạng hai chân giữa hai tảng đá. Bên dưới nước chảy xiết. Lẽ ra phải lấy đà ngay, nhún người bước tiếp ngay, nhưng đã thở ra mang tai rồi. Đầu gối đã run lập cập rồi. Ngã xuống suối không sợ, nhưng tiếc gánh phân. Đã đi được nửa đường. Nếu không có Lê Bá Di đã sang trước bên kia suối, đặt gánh phân quay lại kéo, không biết hắn còn đứng đến bao giờ.

Di cũng chỉ khỏe hơn hắn một tý thôi, chứ không thể bằng những người khác, nên Di vẫn đi tụt lại.

Qua được suối, hắn thở. Chỉ vì cố thêm chục cân. Hơi quá sức. Sức hắn, năm mươi cân là vừa. Là dẻo vai. Nhưng như thế phải tám chuyến. Hết cả thời gian đi kiếm. Xuống ruộng khoai, lên nương lạc đã dỡ, lấy đòn gánh đào đào bới bới, nhặt củ lạc, mẩu khoai dỡ sót. Hay ngược lên những nhánh suối cạn tìm ráy. Thật không ngờ củ ráy ăn cũng ngon. Thứ củ hồi bé, hắn vẫn giã ra với cua đồng, để cho thối, nén xuống ao làm mồi nhử cá rô, cá trê. Ném được một lúc, tăm cá cứ ngầu lên. ăn ráy ngứa, cu cậu đớp lung tung. Thả lưỡi câu xỏ mồi tép đúng chỗ ấy, cái phao cứ chổng ngược lừ lừ. Giật cá trê sướng lắm, eng ẻng, eng ẻng, kéo mãi mới lên. Vào tù hắn mới biết củ ráy sột sệt rất hay. Củ ráy sống thì ngứa, chứ luộc chín ăn gần như khoai sọ. Không ngứa lắm đâu. Chả thế mà các cụ vần gọi củ khoai, củ ráy, Bọn Thuận Sứt, Hỉn Sán được đi gánh phân là mừng. Họ gánh những chín mươi cân, một tạ. Nghĩa là buổi sáng ba chuyến, buổi chiều đủng đỉnh một chuyến nữa thôi. Tha hồ đi xa, lang thang kiếm sắn, kiếm củ mài, những thứ cao cấp.

Hắn cố gánh sáu mươi cân, để giành lấy một hai tiếng đồng hồ cầu may ở gần gần thôi. Vì quanh đây nghe chừng ít có thứ nuôi sống được người. Ngay củ ráy cũng khó.

Hắn rủ Lê Bá Di nghỉ hút thuốc lào. Di vốn rất thích thuốc lào của hắn. Thuốc lào trồng vùng đất chua nó đượm, nó ngọt khói. Hai người không nói một câu, xuống suối rửa phân bò ở chân. Hắn cởi cái điếu vẫn treo một bên đầu đòn gánh, lấy thuốc lào mời Di. Tiện tay hắn véo cho Di một véo. Hai người ngồi im lặng nhả khói, nhìn rừng. Rồi Di nhìn hắn. Hắn cũng nhìn lại Di. Bốn con mắt tù gặp nhau. Cùng cảnh ngộ, thương nhau, nhưng không ai dám cởi mở cùng ai. Hắn chờ đợi Di nói một điều gì đó. Vừa chở vừa sợ hãi. Bởi vì nếu trong lúc hai người ngồi hút thuốc lào bên hai gánh phân giữa rừng này mà Di bộc bạch, mà Di tâm sự, mà Di than thở, thì hắn biết rằng hắn không thể nào giữ dược. Hắn cũng sê bộc bạch, tâm sự, than thở cùng Di. Như vậy thật không nên chút nào. Nguy hiểm cho hắn. Nguy hiểm cho cả Di nữa. Di như cũng chờ hắn nói một điều gì đó và cũng sợ hắn nói. Rồi bằng một động tác dứt khoát, Di móc cái điếu vào một đầu đòn gánh, đứng lên:

– Đi hè!

Hắn cũng đứng lên. Cả hai đều đã thắng được cái ý định muốn nói, muốn nghe. Mỗi người vẫn giữ được mình nguyên vẹn là một vòng tròn kép kín, không san sẻ giãi bày.

Lại huỳnh huych, huỳnh huych. Đòn gánh lẳn vào vai. Lại leo dốc. Lại qua suối. Lại xuống dốc. Ngón chân choãi ra bấm vào một đoạn đường trơn bên suối. Đã tới được cái dốc dài ven trại. Chỉ còn cố lên đỉnh dốc, rồi xuống một cái dốc thoai thoải, một bên sát hàng rào cao vút, một bên sát vực sâu suối thẳm, băng qua chiếc cầu gỗ, quành qua đầu sân trại, khi cán bộ làm việc, qua một cầu bê-tông, rồi leo một dốc không đáng kể là tới vườn ngoài. Đến đó là chỗ cân phân.

Khi tới gần đỉnh dốc sát hàng rào trại ấy, thì trờiơi, Hắn không tin ở mắt mình nữa. Một bãi phân trâu mới tinh ở giữa đường. Sao bọn Hỉn Sán đi trước không thấy. Chắc là con trâu kéo gỗ nào mới đi qua đây ỉa một bãi. Đúng rồi. Vết cây gỗ miết xuống đất còn bóng đen lên đây này. Nhưng Lê Bá Di đi trước rồi. Lê Bá Di đã đỗ lại. Lê Bá Di sẽ hót bãi phân ấy. Bãi phân mới đẹp làm sao. Tròn. To. Không khô, không ướt. Thật không chê vào đâu được. Hẳn là cứt của một con trâu khỏe. Kìa, Lê Bá Di vẫn đứng. Lê Bá Di chống đòn gánh chờ hắn. Hắn mồ hôi đầy mặt, mồ hôi dán áo vì chạy gằn. Tiếng huỳnh huỵch dội từ gan bàn chân lên óc. Tới chỗ Di, Di bảo:

– A Tuấn hót đi.

Đó là món quà tặng tuyệt vời. Hào phóng tuyệt vời lòng tốt tuyệt vời.

Hắn cúi xuống bốc bãi phân trâu. ấm cả tay. Nở cả ruột. Đống phân to, dễ đến năm cân. Năm cân chỉ phải gánh một phần tư đường đất. Hắn vét kiệt. Vét tới những hòn sỏi con. Thế này bố thắng Thuận Sứt cũng chẳng làm gì được. Nó đã làm như vô tình lấy đầu đòn gánh bẩy bẩy gánh phân của Hỉn Sán vừa cân xong, đổ sụp xuống nhà phân và bới ra một hòn đá phải đến ba cân. Nó thấy mình gánh nặng hơn bình thường là nó sẽ bới của mình ra cho mà xem. Tha hồ mày bới, chỉ có ít cát và sỏi dính vào phân thôi, con ạ.

Hắn quệt tay vào cỏ, gánh phân đi tiếp.

ở 75 không có những cảnh ấy. ở 75 lại còn gần. gia đình. Tháng tháng nhận tắc. Được gặp mặt. Những người không có gia đình cũng vẫn hơn. Chẳng nói gì cao xa. Ngay món nước mắm thôi, trại trung ương bao giờ có. ở đây, nếu ăn bánh mỳ nước mắm, mỗi người được những mấy thìa. Loại nước mắm tám hào mậu dịch nguyên chất. Dồn nước mắm thừa được hàng bát chậu giả nhà bếp. Chả bù cho ở Q.N toàn rau nấu muối. Hôm nào nhà bếp lỡ tay nấu canh mặn đắng thì lại rất vui. Chung nhau dồn dịch vào cặp lồng, chưng lên lấy muối cho vào ni-lông để dành sột sệt.

Một ưu việt dễ thấy nữa của 75 là ma túy, tức là chất khói. Thuốc lá cũng khan, nhưng không đến nỗi. Còn thuốc lào thì thoải mái. Chỗ nào cũng thuốc lào. Thật đúng thiên đường

 

Về đầu

 

Chương 24

 

Về lại 75 lần ấy, hắn nhớ tới cái bê dê của hắn. Nó ở phía đằng kia cơ. Cách một cái nhà nữa, một cái bê nữa.

Hắn nhìn những người trong BA này lạ hoắc, chắc ở BD cũng vậy. Đã bao nhiều lớp tù rồi. Chẳng thể nào tìm được một khuôn mặt quen. Hắn nhớ tới Giang, tới Triều Phỉ, tới già Gọi, già Đô. Lớp ấy đã trở thành kỳ cựu ở Q.N. Hắn nhớ tới hai ông Minh trong B. Một ông Minh là máy trưởng, ông Minh máy trưởng về nông thôn chữa máy bơm thuê. Ông lấy tiền nhôm ra đúc piston. Một ông Minh khác là thợ thủ công lấy nhôm lá dập thành xu. Cả hai ông đều phạm pháp. Một ông phá hoại tiền tệ, một ông làm tiền giả. Hai ông gặp nhau ở BD. Giá hai ông gặp nhau trước thì đâu đến nỗi.

Ông Minh máy trưởng mê hắn lắm. Vì những buổi kể chuyện của hắn. Nghe chuyện Cây phong non trùm khăn đỏ ông xuýt xoa: .

– Trời ơi! Cái chỗ chị vợ đánh rơi bó củi, hay quá. Và:

– Đúng. Những rơ-moóc sau này có lắp phanh ấy.

Cứ lúc sắp đi ngủ là hắn kể chuyện cho anh em nghe. Cả B im phăng phắc. Hắn kể Lôi vũ . Hắn kể Người thầy đầu tiên . Dạo ấy hắn còn nhớ. Hắn kể cả câu đối thoại.

Những chuyện kể của hắn làm anh em thích lắm.

Không một tiếng ho. Hút thuốc lào cũng khe khẽ thôi.

Nhưng hắn chỉ kể được mấy chuyện thì bị cấm. Không biết vì sao. Có lẽ người ta không muốn hắn gây ảnh hưởng trong tù. Người ta không muốn phạm nhân quên mất việc phải suy nghĩ về tội lỗi, quên mất sự đau khổ, dù chỉ chốc lát. Chắc ông Minh máy trưởng dược ra rồi. Tội của ông chỉ bị nhiều lắm là sáu tháng.

ở BD hắn đã quen Giang.

Trong tù hoặc là tin tuyệt đối, hoặc là không tin. Và không được nhầm lẫn. Hắn tin Giang ngay, thán Giang ngay. Hắn đã không nhầm lẫn.

Giang cũng yêu hắn, quý hắn. Có thể xả thân vì hắn. Mới mười tám tuổi, Giang đã bị tù lần này là lần thứ hai. Giang là con liệt sĩ. Bố Giang, ông Giang Văn Khoát bước vào cách mạng hồn nhiên như cả lớp thanh niên hồi đó. Cách mạng đúng là một ngày hội. Là cuộc biểu dương ý chí, biểu dương lực lượng. Là những cuộc mít-tinh với hàng trăm, hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng to nhỏ cùng vẫy phất trước cửa Nhà hát Lớn. Là những nắm tay giơ lên hướng về Nam Bộ. Là những bài hát cách mạng đến phố nào, ngõ nào cũng thấy bay lên. Là khát vọng đổi đời đã được thực hiện. Là tiêu diệt bọn thực dân, phát-xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp, kinh hoàng: chấm dứt cảnh chết đói vàng bủng, khô quắt, còng queo ở các vỉa hè, các chợ, các ngã tư…

Nhưng khi bọn Pháp trở lại, cách mạng là cầm súng bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền. Cách mạng là đổ máu.

Anh thanh niên Giang Văn Khoát cầm súng bảo vệ cách mạng cũng hồn nhiên như khi anh tham gia cách mạng. Từ biệt vợ con, anh vào tự vệ và sau này về một đại đội độc lập hoạt động ở ngoại thành. Vợ anh bỏ gánh hàng rong trên vai xuống, từ thành phố dắt con trở về làng, sống với đồng ruộng “Mẹ con cố nuôi nhau. Nó có hỏi, bảo tôi ở lại phải làm ăn. Độc lập tôi về”

Nhưng không phải mãi tới độc lập anh mới về thăm vợ và con gái (khi ấy anh chỉ có một đứa con gái).

Làng anh ở vùng giáp ranh, thỉnh thoảng anh lại có dịp về nhà. Trong một trận chống càn, đơn vị anh đã tham gia bảo vệ huyện ủy. Anh là một trong những người chốt giữ lối đi độc đạo vào làng. Anh cùng một số đồng chí nổ súng, giật mìn, ném lựu đạn, chặn bước tiến của quân Pháp để các đồng chí khác cùng huyện ủy rút an toàn sang bên kia sông. Anh đã ngã xuống và không trở về nữa. Không trở về đơn vị.

Không trở về với con gái, với người vợ đang chửa đứa con thứ hai. Ltíc đó là đầu những năm năm mươi. Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

– Đẻ em thì bố em chết rồi. Em không biết mặt bố.

– Không có bố em thì các ông to chết rồi. Các ông ấy hay đến nhà em lắm. Tết nào cũng lại thắp hương ở bàn thờ bố em.

Trong BD, Giang đã thì thầm với hắn như vậy. Giang không biết mặt bố. Chị Hiên thì biết. Biết và nhớ. Chị Hiên hơn Giang mười tuổi. Ngành họ Giang Văn ở thôn Đại Hòa còn lại mỗi bố Giang. Ông nội Giang cũng chỉ sinh được hai con: Một giai, một gái. Cô Miên và bố Giang. Giống như bố mẹ Giang chỉ sinh được hai con: Chị Hiên và Giang. Có điều khác là cô Miên chỉ hơn bố Giang hai tuổi. . Giang là người nối dõi tông đường duy nhất của dòng họ Giang Văn. Bởi vậy thuở nhỏ Giang được gọi bằng cái tên xấu xí: Cứt. Lên năm vẫn gọi là Cứt. Sau mới nghĩ đến chuyện đặt tên cho Cứt. Tên gì? Cô Miên bảo: Thôi thì gọi nó là thằng Giang. Lấy tên họ Giang mà đặt cho nó. Nó là thằng họ Giang cuối cùng còn lại. Từ đấy đứa con trai dộc nhất của liệt sĩ Giang Văn Khoát có tên Giang. Giang Văn Giang.

Giang Van Giang được quý, được chiều. Mẹ chiều. Chị Hiên chiều. Cô Miên càng chiều hơn. Giang lớn lên. Giang đi học. Và Giang bỏ nhà ra đi. Vì mẹ lấy chồng. Giang không chịu được sự có mặt của người bố dượng. Mẹ Giang quấn quít với hạnh phức mới. Nhưng vẫn đi tìm Giang. Chị Hiên cũng đi tìm. Giang về nhà ít hôm rồi lại đi. Cuộc sống lang thang đường phố thích hợp với Giang. Đám bạn bè kbu phố Bờ Sông thích hợp với Giang. Những cuộc ấu đả của bọn trẻ lêu lổng như nam châm hút Giang tới. Cuộc sống lưu manh đường phố nhận thêm một đứa trẻ vào lòng. Giang không kể Giang đã đi móc túi như thế nào. Nhưng hắn biết Giang đã đi móc túi vì Giang dặn:

– Anh cứ để tiền ở túi phía đùi ấy. ở đấy rất khó đá. Để ở túi quần sau, túi ngực là mất ngay đấy.

Giang giảng cho hắn cách đánh hị . Đồng hồ đeo ở cổ tay mà mất đấy. Lấy đồng hồ đeo tay ctĩng không khó lắm. Đi một đứa lấy cũng được: nhưng tốt nhất là đi hai đứa. Còn đánh nghẽo thì phải đánh lúc người ta mới dựng xe, khi còn biết rõ chủ xe. Xe dựng lâu không biết chủ xe đâu là không dám đánh. Đừng tin ổ khóa. Khóa ăn thua gì. Bọn đánh nghẽo mở khóa xe anh còn nhanh hơn anh mở. Bọn lính mổ, lính đá cũng phân chia khu vực đấy. Xâm phạm vào khu vực của nhau là chiến tranh. Bởi thế nên mới có chuyện băng Yên Dương đánh nhau với băng Cầu Đỏ ầm ĩ cả thành phố “Tức là bọn chúng em đánh nhau với bọn Tùng Cốc đấy”.

Giang oán gia dình, oán xã hội, oán hờn số phận. Giang oán cả mẹ. Giá mẹ Giang không đi bước nữa thì có lẽ Giang không đến nỗi. Cô Miên thì càng suy nghĩ như vậy. Cô Miên cũng góa. Nhưng cô ở vậy nuôi con. Giang bảo:

– Mẹ em cao số lắm. Lấy ông này mấy năm thì ông ấy bị uốn ván chết.

Khi ông bố dượng chết, Giang hay về nhà hơn.

Ngủ. Xúc gạo, mỳ đem bán. Lấy trộm tiền của chị Hiên, lúc đó đã đi buôn chuyến.

Cả nhà buồn. Mẹ khóc, chị Hiên khóc. Cô Miên khóc. Một hôm, ông huyện ủy đã được bố Giang cứu sống thời kháng chiến đến chơi nhà. Ông là cốp. Cốp nặng. Ông thắp hương trước bàn thờ bố Giang, thì thầm khấl vái, nói chuyện với cả nhà lâu lắm. Ông hứa với vong hồn bố Giang, quyết giúp đỡ mẹ Giang, cứu Giang, dể Giang khỏi trở thành một thiếu niên hư hỏng. Đó là trách nhiệm của ông với người đồng chí đã mất, lòng biết ớn của ông đối với người đã cứu sống ông. Bằng uy tín và ảnh hưởng của ông, ông đã gửi được Giang vào học tập ở trại cải tạo trẻ em. Cả nhà cảm ơn ông. Thôi, nhà không dạy được thì gửi nó vào đấy. Nhờ Nhà nước dạy. ở đó vừa dạy văn hóa. vừa dạy nghề. Mấy năm sau nó sẽ thành một thanh niên khác.

Năm ấy Giang mới mười bốn tuổi. ở đó Giang đã được học thêm văn hóa. Giang biết giồng rau, vun luống khoai. Giang được biết con người sống bằng lao động, sống phải lao dộng. Mọi của cải trên đời dều do lao động làm ra. ở đó Giang được đưa vào khuôn phép. Nhưng ở đó, Giang từ chỗ chỉ quen biết một số bạn phố Bờ Sông, nay đã quen hầu hết bọn thiếu niên hư ở thành phố. Giang còn học được nhiều điều khác. Có chuyện gì lũ trẻ choai choai hư hỏng không nói cho nhau nghe trong những lúc rảnh rỗi, nhớ nhà, buồn chán. Trong những ngày nghỉ, những đêm buông màn đi ngủ. Những ngón đá. Những thành tích. Những chiến công. Trong câu chuyện được thêu dệt thêm, huyền ảo, anh hùng, lấp lánh, kích thích. Cả những đề tài của người lớn, nhưng nhiều đứa đã trải qua, luôn luôn hấp dẫn và mê hoặc: Đàn bà. Một điều nữa Giang học được là: Phải biết trả giá. Tự mình khẳng định mình trước tụi bạn. Nhất là đối với những người nhỏ con như Giang, mà chúng tưởng nuốt được một cách ngon lành. Cần thì trả giá bằng tính mạng mình.

Giang nổi tiếng là lì, là liều. Bọn trại viên Kim Đồng lớn hơn cũng phải kiêng nể, không dám bắt nạt Giang.

Bọn chúng càng nể Giang khi thấy Giang nhất định không ra gặp mặt, không nhận tiếp tế. Nhà đến thăm, Giang không ra. ông cốp nặng đến xem cháu tiến bộ đến dâu. Giang không ra. Ông đi cả xe com-măng-ca, chở không biết bao nhiêu quà tới. Ông gửi quà lại nhờ ông giám thị chuyển cho Giang, Giang không nhận. Giang căm thù ông, căm thù tất cả.

Hai năm sau Giang ra khỏi trại. Giang càng ít về nhà hơn. Vì Giang đã có thêm nhiều bạn. Băng nào cũng thích Giang. Giang nhanh. Hào phóng. Bất cần. Giang biết cư xử. Giang đánh rất liều.

Giang bảo hắn:

– Em biết là chúng em hư. Nhưng xã hội phải chịu trách nhiệm một phần. Một phần lớn. Chúng em cũng như Tám Bính trong Bỉ vỏ.

Thì ra Giang đã đọc Bỉ vỏ. Đã đọc Những ngày thơ ấu. Giang rất yêu nhà văn Nguyên Hồng, ao ước được gặp nhà vàn. Với Giang, Ngnyên Hồng là nhà văn của Giang, của những người như Giang. Hắn chân thành nói với Giang:

– Không, em ạ. Đứng về mặt xã hội là như vậy. Nhưng ở góc độ em, em phải thấy trách nhiệm của mình là lớn, là quyết định.

Giang có cả một lý luận bào chữa cho việc mình đi ăn cắp:

– Xã hội bất công. Người giàu kề nghèo. Người sang kẻ hèn. Những người giàu do buôn bán, mua rẻ bán đắt, những người giàu có do móc ngoặc, do ăn cắp được của Nhà nước, do có một ngành nghề tốt như mậu dịch viên v. v… Lấy của những người đó chút ít chả sao. Họ vẫn cứ tiếp tực giàu. Họ vẫn sống đàng hoàng hơn mọi người. Đối với họ giá đột vòm lấy hết cũng đáng. Chẳng việc gì phải cắn rứt lương tâm. Bọn Giang chỉ làm giảm bớt sự bất công sẵn có.

Hắn nhìn thân hình còm cõi, nhỏ bè của Giang, khuôn mặt già trước tuổi, xương xẩu của Giang, cảm thấy xót xa. Một tình cảm giống như tình cảm cha con bỗng trỗi dậy trong lòng hắn. Giang cũng vậy. Giang quấn quít lấy hắn, tẩm quất cho hắn.

Hắn nói với Giang những bất công mà cuộc đời bao giở cũng có (hắn thú thật giờ đây mới hiểu sâu sắc). Hắn nói con người phải có một ý tưởng để mà theo đuổi. Hắn cho Giang biết Nguyên Hồng là người bạn vong niên của hắn. Nguyên Hồng rất thân với hắn, hay ăn ngủ ở nhà hắn. Thật là một bất ngờ với Giang. Hắn kể chuyện Nguyên Hồng mua vé xổ số, Nguyên Hồng mua miếng nầm chó về nhà hắn giội nước phích, bắt hắn ăn và đánh thức cả vợ hắn đang ngủ phải dậy ăn như thế nào. Giang cười rinh rích khi hắn bảo cả hai vợ chồng hắn không biết ăn thịt chó, nhưng nể nhà văn cứ cho vào mồm nhai trệu trạo rồi nuốt. Giang bảo:

– Khi nào ra, em đến nhà anh thế nào cũng gặp ông Nguyên Hồng đấy nhỉ.

Vẻ háo hức trong câu nói của Giang khién Giang lại đúng là một cậu bé ngay thơ. Hai anh em quý nhau, nhưng cũng phải cẩn thận lắm. Muốn dặn nhau cái gì phải đưa mắt ra hiệu cùng vào nhà mét, nói thầm trong ấy. Rồi người ra trước, người ra sau. Mặt tỉnh khô. Đừng để lộ ra thân thiết với một ai. Người ta sẽ chuyển một trong hai người đi B khác ngay.

Hồi ở BD, một hôm Giang bị gọi ra với nhiều người. Khi về tất cả đều đen nhẻm mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân. Hắn hỏi Giang đi đâu về. Giang bảo đi chụp ẫnh lăn tay. Triều Phỉ cao lớn múa các ngón tay đen sì nhịp nhàng như gõ vào phím đàn:

– Đánh pi-a-nô rồi!

Thế là biết rằng số anh em đó sẽ chuyển. Mấy tối sau, người ta trả tiền lưu ký. Thế nghĩa là hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất. Thế nghĩa là sáng mai sẽ đi. Đi đâu? Trại nào

Tối hôm ấy, hắn và Giang không còn giữ ý gì nữa. Đằng nào mai Giang cũng đi rồi. Giang sang hẳn chỗ hắn ngồi. Hai anh em ăn bánh quy, pha nước cam. Giang ôm lấy cổ hắn.

Sáng hôm sau, Giang đi. Không ngờ hai anh em lại gặp nhau ở Q.N. Khi xe ô-tô dưa bọn hắn đến QN. trông thấy Giang đang làm ở sân trại, hắn mừng… Lúc đó Giang còn làm linh tinh bên ngoài. Về sau Giang về toán quản chế. Toán mộc.

Còn ai ở BD nữa nhỉ? Lê. Lê với hai va-li quần áo ăn cắp. Lê với bài phát biểu thao thao bất tuyệt. Lê bóp cổ Voòng Kỷ Mình. Lê đã được ra rồi. Và già Gọi. Già Gọi vào trại trong dịp trước Tết. Bình thường nhà giam chỉ mở cửa ba lần trong một ngày. Sáng hai lần (một lần đi vệ sinh, một lần đi lấy cơm), chiều một lần đi lấy cơm và lấy quần áo phơi ngoài sân. Gần Tết, cửa mở liên tục cả ngày. Cả đêm. Gióng sắt xoang xoảng. Cửa sắt rầm rầm. Nghe mà ghê người. Những người mới vào ngơ ngác. Những người mới vào bình thản. Những người mới vào bê bết máu. máu khô trên tóc, máu khô trên áo. Đó là những lính mổ bị bắt và bị đánh. Dịp Tết, lính mổ hoạt động mạnh. Những người mới vào còn hoa mắt chưa nhận ra ai giữa cái đám đông ngồi trong buồng giam mênh mông này. Những những người trong buồng nhận ra ngay người cùng hội: Chờ cho bạn bình tĩnh, họ mới đến gặp. Thì thầm hỏi thàm tin tức gia đình, hỏi thăm tin bè bạn. Nhìn lên mái buồng giam cao vút suy nghĩ.

Trong cái đám tứ chiếng giang hồ bị bắt vào dịp Tết ấy có gíà Gọi Đầu cắt bốc, râu lởm chởm, mặt vuông, ráng hơi hô, phúc hậu và quê mùa. Vẻ quê mùa chân chất hiện trên nét mặt, hiện trong cử chỉ, trong cách nói.

Bọn tù trẻ xúm lại trêu già.

– Bố làm sao vào đây? Cứ nói mà, không sợ gì cả. Rồi con bảo giám thị tha cho bố.

– Con gái bố đẹp không? Con làm con rể bố nhé.

– Bố có biết Triều Phỉ là ai không? Chính hắn đang đứng trước mặt bố đấy.

– Triều Phỉ ăn thịt người đấy, bố ạ.

– Mắc tội gì, bố thành khẩn khai đi. Không giấu được đâu. Tội gì người ta cũng tìm ra được. Khai thì được khoan hồng. .

Cả bọn đang nhâu nhâu như vậy, bỗng già hỏi:

– Thế tôi hỏi các chú: Khoan hồng là gì, các chú có biết không đã?

Tất cả ớ ra.

– Chịu chưa?

– Chịu. Khoan hồng là gì, bốnói chúng con nghe nào”

Già nghiêm trang:

– Khoan là thong thả. Hồng là máu. Khoan hồng là thong thả rồi hãy giết.

Tất cả cười ồ. Phục già là bậc “Cao thủ võ lâm “.

Già Gọi giải chiến mắc màn dưới gầm sàn, ngay trên nền xi-màng lúc nào cũng chảy nước vì trời nồm.

Nhiều người phải nằm như già. Đông quá. Cũng may, con già đã kịp gửi vào cho già mảnh nilông. Với lại chỉ đến khi kẻng cấm, mắc màn đi ngủ mới phải chịu xuống gầm sàn, còn vẫn được ngồi ké vào một chỗ bên trên. Già rất ít nói. Chỉ bó gối ngồi trầm ngâm và cười hồn hậu trước những lời trêu chọc của cánh trẻ thành phố.

Nhưng khi lên đến trại Q.N, hắn mới hiểu già. Chỉ một mình già dám đứng lên giữa hội trường, đối thoại với ông Lâm, chính giám thị. Già nói oang oang:

– Thưa ông giám thị. Tôi mắc tội gì? Tôi không mắc tội gì mà phải vào đây. Đề nghị ông giám thị cho xem xét lại. Nếu tôi có tội, tôi xin ông đem tôi lên rừng cho hổ báo ăn thịt. Hay vứt tôi xuống nước để tôi trầm hà dáy biển.

Già nói rành rọt, lễ độ và già ngồi xuống. Tất cả đều kính nể già, vì ông Lâm là người ghê gớm. Da sát xương. Răng trắng nhỏ, khi nói cứ rin rít. Tù chỉ mong có ngày mưa để nghỉ. Lúc sắp đi làm, thấy nổi cơn cớ, ai cũng mong mưa ập xuống. Nhưng đến khi đi làm rồi mới mưa. Toán mộc, toán may… làm trong nhà vẫn phải làm việc.

Bọn hắn được về trại vì làm ngoài trời. Về đến nơi, tưởng được nghỉ, nhưng có lệnh ra hội trường học tập. ông Lâm đã cho đặt cái đài Orionton chạy pin và mắc loa xuống phía dưới. Ông tận dụng thời gian, không cho tù được nghỉ.

Ông đứng giảng bài rất có duyên. ông “cù” phạm cười rinh rích. Vừa chửi vừa “cù”. Hơi rẻ tiền nhưng hợp với trình độ chung.

– Các anh phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về tội lỗi của bản thân mình. Phải nghiêm khắc với bản thân mình. ăn cắp thì nói ăn cắp. Lại đi nói: Thưa ông tôi, tôi, tôi mắc bệnh tham ô ạ. Hiếp dâm thì nói là tôi mắc bệnh tò mò!

Phạm nhân thoải mái cười. Bỗng ông nghiêm mặt.

– Chúng tôi không đánh các anh như bọn dế quốc. Có anh nào vào đây bị đánh không? Giơ tay lên xem nào. Có thì cứ phát biểu. – ông nhìn bao quát rồi tiếp – Không ai bị đánh, phải không? Chúng tôi không đánh như bọn Pháp. Nó đánh chỉ đau một lúc thôi. Chúng tôi có cách của chúng tôi. Nó êm êm mà đau. Nó ngấm lâu. Ngấm đến cả đời. Ông nói mà không cười. Ông có khuôn mặt lạnh lùng, khinh khỉnh. ông tận tụy với công việc. Ông tin ở công việc ông làm. Thế mà trong lúc ông đang giảng say sưa hào hứng như vậy, già Gọi đứng lên xin được “trầm hà đáy biển nếu như có tội “. Già vững tin ở già như ông giám thị tin ở ông giám thị.

 

Về đầu

 

Chương 25

 

Buổi chiều định mệnh đã đến khi hắn được gọi ra gặp mặt. Giá như không có buổi chiều hôm ấy, không có buổi gặp mặt chiều hôm ấy, hắn đã được tha từ đầu năm 1972 rồi. Có nó, nên ông ấy đã bàn lại, cân nhắc lại và thấy rằng không thể tha hắn được. Các ông ấy đã định tha, nhưng các ông ấy đã nghĩ lại. Hắn phải tù thêm mười bốn tháng nữa. Mười bốn tháng chẳng là bao so với một đời người. Nhưng mười bốn tháng tù là đáng kể. Một ngày tù dài bằng mười thế kỷ ở ngoài đời. Hơn bốn trăm ngày nào ít ỏi gì đâu. Hơn bốn trăm ngày, nhưng lại có hai cái Tết tù, bốn cái bánh chưng con và sáu lạng thịt trâu kho ăn Tết.

Vả lại nào có biết đâu khi bị giải trở lại Q.N để đi tù tiếp, mình chỉ tù tăng hai này có mười bốn tháng. Mười bốn tháng ghê sợ thật, nhưng còn ghê sợ gấp vạn lần là ý nghĩ tuyệt vọng, lần này đi là không có ngày về. Tù không án, các ông ấy đã tốt, đã định tha, thế rồi mình không kìm giữ được, vẫn cứ nghĩ sao nói vậy, khiến các ông ấy thấy nếu cho mình ra, mình vẫn chủ quan, mình làm đơn từ kêu khiếu cửa này cửa khác, phiền đến các ông ấy. Dù cái sự phiền hoàn toàn không đáng kể, không thể là mối đe dọa tới uy tín của các ông. Vì hắn làm sao chống lại được cả Sở Công an và nhất là chống lại một ông lãnh đạo toàn bộ khối nội chính bao gồm cả ba ngành công an viện kiểm sát, tòa án, với bề dày thành tích như một huyền thoại, với quyền sinh quyền sát trong tay. Nó chỉ có thể là một mối bạn tâm nhỏ nhoi. Nhưng ngay mối bận tâm nhỏ nhoi ấy, một chút gợn lên ấy cũng không thể có. Bởi thế nên lại từ 75 ra đi làm sao dám nghĩ đến ngày về. ôi! Chút lòng trung thực từ sau xin chừa . Đã bao lần tự nhủ thế rồi mà cái tật nghĩ sao nói vậy vẫn không sửa được.

Lẽ ra không có tăng hai, không đi coi vườn, không lên V.Q, không gặp Lượng, Cân, Phổ. Lẽ ra không phải chịu mười bốn tháng khổ đau, không nhìn A Thềnh chết, không thấy chiếc xe công nông nổ bành bạch chở xác anh Mán ra rừng. Sau này khi nỗi đau đã dịu, nhìn về quá khứ mười bốn tháng ấy (chỉ bó gọn trong mười bốn tháng tù thêm ấy thôi) như người ngoài cuộc đứng nhìn vào cuộc dời ai đó, hắn tự bảo: Chẳng nên ân hận làm gì. Số phận đã bắt nếm chén đắng cay thì đành cạn chén. Khi đã là vật thể nghiệm, hãy thể nghiệm hết mình. Nhưng rồi nghĩ tới bố mẹ giờ đây khuất núi, nghĩ tới Ngọc, tới các con, những người ruột thịt vì hắn mà phải chịu thêm mười bốn tháng khổ đau, hắn lại thấy vết thương đã lành dấu rồi bỗng dưng rỏ máu. Cõi mù mịt ấy của số phận lẽ ra đừng nên có. Cõi tuyệt vọng ấy đừng nên có đối với những người thân.

Và nó bắt đầu từ buổi gặp mặt ở 75. Chao! Một khi cứ nghĩ rằng sau buổi gặp mặt ấy là được về với Ngọc. Dù đã tập cho quen với thất vọng, luôn xác định rằng đời mình là một chuỗi những khốn nạn liên tiếp nối nhau mà sao khi xảy ra vẫn không thể nào chịu nổi, vẫn là quá sức chịu đựng của một con người.

Đang kể chuyện các trại trung ương cho anh em trong B nghe, hắn vội theo ông quản giáo đi ra. Lúc ấy đã tan tầm. Chỉ một mình hắn được ra gặp mặt, không một phạm nhân nào khác nữa. Rõ ràng đây là một cuộc gặp mặt đặc biệt dành cho hắn. phòng gặp mặt cũng là một phòng làm việc nào đó của cán bộ. Ông Lan, anh Thân (anh thứ hai của hắn) và Ngọc. Hắn biết tan tầm vì Ngọc nói: “Vừa tan tầm là em đến đây ngay”. Ngọc mới nhận được tin hắn về sáng nay. (Trước đó trong những cuộc họp cán bộ toàn thành phố, anh Thân đã được nhiều người kín kín hở hở rỉ tai là đã có chủ trương cho hắn được về). Ngọc và anh Thân được mời lên Sở Công an, người ta thông báo hắn đã đứợc chuyển về 75. Sở Công an yêu cầu gia đình và anh Thân giúp đỡ bên an ninh để hắn trở thành người công dân tốt. Và chiều nay, lúc tan tầm hai người có thể vào thăm hắn. Ngọc mua vội mấy gói kẹo mang vào cho hắn. Nhìn nét mặt Ngọc, hắn hiểu Ngọc hy vọng như thế nào. Ngọc gầy guộc, cam chịu, ít nói, nhưng hắn đọc trong mắt Ngọc niềm hy vọng lớn lao. Bên cạnh niềm hy vọng ấy, hắn còn cảm thấy nỗi lo sợ bị thất vọng. Anh Thân vẫn như vậy. Vào tuổi anh ít có thay đổi.

Và ông Lan. Gặp ông hắn bàng hoàng. Hắn lại nhìn thấy ông, nhìn thấy định mệnh. Định mệnh của hắn hiện thân thành một con người. Mắt sắc lạnh, mặt dài hơi gẫy, môi mỏng dính. Hắn đã quên hẳn ông rồi. Đi trại trung ương hắn không nhớ tới ông nữa. Hắn chỉ nhớ tới bố mẹ, vợ con. Hắn chỉ nghĩ tới củ khoai, mẩu sắn nhặt được ở dọc đường. Bởi hắn đói. Hắn phải đi làm khổ sai. Hắn phải tồn tại.

Về 75 hắn chỉ nghĩ tới việc được tha. ở đây, đêm nằm nghe vọng tiếng còi ô-tô tải, nghe chương trình nhạc tập thể dục buổi sáng, hắn cảm thấy bằng tất cả các giác quan hơi thở và nhịp điệu của thành phố. Thành phố hắn đã yêu đến từng viên đá lát vỉa hè, từng làn khói nhà máy. Thành phố lúc nào cũng mang mùi gió biển. Thành phố quê hương hắn đã về làm việc và sinh sống. Hắn đã rời Hà Nội về đây, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nghe theo lời khuyên của các nhà văn đàn anh, mơ ước và tin tưởng đầy lòng, chắt chiu tích cóp từng chi tiết cuộc sống với khát vọng sẽ khái quát một giai đoạn mới của thành phố đã sang trang. Tác phẩm của hắn sẽ dầy ánh nắng là tiếp theo những trang đen tối của đời thợ trong Bỉ vỏ, Sóng gầm .

Nằm ở 75 lần này hắn thấy gần nhà lắm rồi. Từ đây về nhà hắn chỉ mười lăm, hai mươi phút xe đạp. Dọc bờ sông Trà thẳng đến nhà băng, quành về Ngã Bảy. Hắn hình dung rõ từng ngọn cây, những dòng người đi xe đạp ngược xuôi. Hắn hình dung ra căn buồng của hắn, vợ con hắn.

Hắn vẫn nằm ở dây mà nhà hắn chỉ cách đó một đoạn đường. Hắn thức trắng đêm. Hắn nghĩ ngợi. Hắn nằm im, mắt mở chong chong. Chờ đêm qua. Chờ sáng. Chặng đường hắn đã đi… Dài. Đen tối. Sắp tới nơi rồi. Trời sắp sáng rồi.

Hắn chỉ nghĩ vậy. Hắn đâu có nghĩ đến ông Lan.

Nhìn thấy ông, hắn bàng hoàng. Thì ra số mệnh hắn gắn chặt với ông. Thì ra trên đời vẫn còn có con người này. Thì ra ngồi ở đây, nhưng ông vẫn không rời mắt khỏi hắn suốt chuỗi ngày dài vô tận ấy, ngay cả khi hắn biệt xứ trong rừng sâu các trại trung ương.

Ông Lan ngồi đó như một cái hố sâu chắn ngang con đường hắn trở về. Như bức tường đá cao vút, kiên cố, bên trên có hàng rào dây thép gai chạy điện của trại giam này mà hắn không thể nào vượt qua.

Ông Lan ngồi đó, mặc áo bông xanh cười nói với anh Thân (rõ ràng trông ông già hơn hắn), như một tai ương được báo trước. Như một tiền kiếp nào đó đang nói về những bước đường hắn phải trải qua, khỏng thể nào tránh được.

Ông Lan ngồi đó chập chờn như một ảo ảnh nói chuyện với vợ hắn (lúc này trông ông trẻ hơn hắn) là hiện thân cho toàn bộ sức mạnh của cỗ máy khổng lồ nghiền nát đời hắn, đời vợ hắn.

Nhưng ông Trần đã quyết định. Ông Trần là giám đốc, là thường vụ. Một quyết định của ông Trần không ai được bàn cãi. Ông Trần đã nói với anh Chân. Cả ông Trần, cả ông Lan dều không thù hằn gì hắn. Ông Lan có thể đã dính líu quá sâu vào vụ này, chứ ông Trần thì không. Một ông thường vụ vào sinh ra tử, toàn thành phố nhìn vào, nhất định sẽ công tâm. Hắn tin như vậy. Hắn tin hắn sẽ được tha, bởi ông Trần đại diện cho công bằng và nhân ái, bởi hắn không có tội.

Ngọc nói: “Anh đã về gần. Mừng lắm. Cả nhà mong anh về”.

Bao giờ nhìn Ngọc hắn cũng cảm thấy vừa gần gũi, vừa xa vời. Ngọc đấy, cách hắn một cái bàn con, nhưng là hai thế giới. Ngọc đâu có phải đi từ nhà đến đây. Em đi suốt nghìn đêm thương nhớ lại. Hắn đã có một câu thơ như vậy sau buổi gặp Ngọc ở Q.N. Hắn cũng không phải đi từ buồng giam ra gặp Ngọc. Anh giết dần từng giây địa ngục đợi chờ em.

Anh Thân vẫn với vẻ xã giao mềm mỏng như bản chất của anh:

– Các anh bên công an nói với tôi sẽ giải quyết cho chú về, nhưng chú phải xác định…

Hắn đưa mắt nhìn anh Thân như chính anh đang lăng mạ hắn. Anh Thân bỏ dở câu nói. Ông Lan hướng cặp mắt quyền uy vào một thính giả vô hình.

– Đúng. Trước hết anh phải xác định được những sai lầm của mình. Phải nhận thức được thiếu sót của bản thân. Chúng tôi giam giữ anh không ngoài mục đích ấy.

Còn gì trắng trợn hơn. Gian dối hơn. Đạo đức giả hơn. Đểu hơn. Hắn bình tĩnh:

– Thưa ông. Cho đến giờ tôi chưa được biết tội của tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi có tội gì.

Ông Lan cười nhạt, quay về phía Ngọc và như thanh minh: “Đấy. Anh ấy cứ thế. ”

Sau này hắn tự giày vò, nguyền rủa mình vì đã nói ra câu ấy. Giá hắn đừng thấy nghẹn nơi cổ. Giá hắn đừng nói. Bình tĩnh trước những lời giả dối. Dùng cái giả dối để ứng xử với sự giả dối như bao người đã làm thì đâu đén nỗi. Hắn lại phải trở lại Q.N như số mệnh đã hẹn trước. Như mũi tên đã lắp lên dây cung căng sẳn. Cứ thế lao di, vào cõi mịt mù của số phận. Tết đó hắn ở 75. Đó là cái Tết thứ tư trong tù. Sau Tết mấy ngày, hắn bị đưa đi. Tinh mơ, ông già B trưởng đã kể chuyện giấc mơ của ông ta. Ông mơ thấy ô-tô đến đón người trong B ra đi. Hắn chẳng nghĩ ngợi gì. Dạo ấy hắn không tin mộng triệu. Hắn vẫn chờ được trở về. Điều hắn nói với ông Lan có gì mới đâu. Hắn đã nói với ông Lan nhiều lần. ở Q.N hắn đã làm nhiều đơn kêu oan. Đến lúc anh em lục tục trở dậy, gấp gọn nội vụ dể ngay ngắn sát tưởng thì có tiếng mở khóa buồng giam.

– Anh Tuấn mang hết nội vụ ra ngoài.

Hắn ra đi, còn nghe thấy tiếng ông B trưởng nói khe khẽ:

– Tôi mơ thấy có xe ô-tô đến đón mà.

Cho đến lúc ấy hắn vẫn nghĩ rằng hắn có thể được về. Nhưng khi đã dặt hòm xiểng, chăn màn, cặp lồng, túi và ngồi trên chiếc xe com-măng-ca Rumani đít vuông thì hắn hiểu cái gì đang chờ hắn. Hắn hiểu hắn lại tới chốn nào. Sau này khi đã được tha, đọc lại những bức thư viết cho vợ thời gian đó, hắn sống lại nỗi đau ngày ấy.

Em của anh vô cùng thương và yêu quý!

Anh đã hai lần viết thư cho em. Hẳn em không nhận được. Anh đã nhắn nhiều tin về cho em. Anh trở lại Q.N như định mệnh bắt phải về. Thôi thì cho là chúng ta không có cuộc đời nữa. Khi mà họ cố tình. Van xin thế là đủ. Giờ phải đấu tranh. Anh đã xin gặp ban giám thị trại, nhưng các ông ấy không cho gặp. Vì có lẽ cũng ngoài sức giải quyết của các ông ấy. Sức khỏe anh ngày càng yếu. Anh chỉ mong em đừng do dự. Và khi nguồn thành phố đã tắt thì phải mở bằng được con đường Hà Nội. Gửi đơn đi các nơi. Và phải dùng biện pháp tích cực nhất: Trực tiếp gặp các vị lãnh đạo.

Trong những chuyện này em phải có nghị lực. Đưng nghe lời bàn tán hoài nghi của thầy mẹ, các anh. Anh tin rằng trực tiếp gặp các vị lãnh đạo sẽ giải quyết được tất ca. Đảng bao giờ cũng sáng suốt. Hắn em cũng tin chồng em hoàn toàn vô tội. Anh đã chứng minh rằng anh theo Đảng, chứ không chống Đảng. Họ không bác bỏ anh khi có mặt anh. Sao bây giờ họ lại nói tội của anh với em, với các anh một cách vắng mặt anh như vậy. Và không nhận tội thì không được về. Nhưng nhận tội gì đây. Không nhận tội thì tù đến bao giờ. Phải có lòng tin rằng sự thật sẽ thắng, Đảng rất quan tâm đến con người, em ạ. Để có quyết tâm và không tuyệt vọng.

Trở lại Q.N anh mới nhận được thư em viết trước Tết kể chuyện em đón con Thương ra chơi ngày Nôen. Anh không dám đọc nữa. Đến bây giờ sắp 1-5 rồi, anh vẫn không dám đọc lại bức thư em. ôi! Lẽ ra anh đã được về rồi. Không còn ở trại Q.N này để nhận nó, đọc nó. Anh không dám cầm đến nó. Và vẫn chưa đọc hết nó. Thư em gửi Giang đã nhận được.

Chúng ta hy vọng gì ở tương lai. Anh chỉ nghĩ đến nấm mồ chờ anh và chờ tất cả mọi người. Bởi vì bất kỳ ai rồi cũng đều phải từ biệt thế giới này. Cuộc sống thật là một điều kinh khủng. Ngày gần đây anh còn hy vọng được trở về trông thấy bố mẹ già. Giờ đây hy vọng ấy cũng tắt rồi. Anh phải tiêu diệt nó ngay từ bây giờ, để sau này, khi anh trở về mà bố mẹ không còn, hoặc khi anh chết không về gặp được bố mẹ nữa thì cũng quen được với điều đau đầu ấy.

Em! Thương em vô cùng. Thương các con quá. Bao giờ tôi được ôm ấp, vuốt ve các con tôi. Bốn năm rồi tôi không trông thấy chúng. Chúng đã lớn. Chúng đã lớn, nhưng với anh chúng vẫn bé bong như những ngày anh mới bị vào tù. Vẫn những tiếng nỉ non, những trò chơi bốn năm trước – Và lẽ ra giờ đây anh đang chơi đùa với chúng.

Em của anh! Em đã chịu tất cả những đắng cay mà một người có thể chịu. Bao giờ gặp lại em. Gặp lại tình yêu của anh, niềm hy vọng của anh mà nhờ có nó anh đã sống qua được những ngày này.

Nếu em không làm được việc kêu oan cho anh, thì anh không có ngày về. Sự thật là như vậy. Đừng lên thăm anh làm gì. Vất vả quá. Khổ thân em. Anh đã quen chịu đựng…

Bức thư khá dài này không phải chuyển theo đường chính thức của trại (mỗi tháng trại cho gửi một lần). Bửc thư kể lể khổ đau và dặn biện pháp đấu tranh này chắc chắn nhờ một bạn tù được tha giấu mang về cho vợ hắn. Nhưng hắn không nhớ được người hắn gửi.

Đã lâu quá rồi. Hắn chỉ nhớ cái xe com-măng-ca đít vuông đã chở hắn đi. Hắn nhớ vì cái sản phẩm Ru-ma-ni ấy được cải tiến mà hắn không tưởng tượng nổi. Nhìn bề ngoài nó hoàn toàn là một cái xe bình thường. Nhưng bên trong được ngăn thành bốn ô. Bằng sắt và tôn lá. Bốn cái xà lim lưu dộng.

Chỉ có một mình hắn trong một ô cuối. Hắn dán mắt vào miếng kính to bằng bàn tay ở đuôi xe, nhìn con đường phía sau. Rồi hắn ngồi xuống ghế. Nhắm mắt, hắn cũng biết xe đi về đâu. Con đường này hắn đã đạp xe ít nhất mỗi tuần hai lượt. Lượt về. Lượt đi. Thuộc từng cái dốc, từng ổ gà. Mấy chục năm nay.

Xe qua phà được khoảng hai mươi phút. Hắn đoán đã đến chỗ rẽ. Rẽ phải. Nhưng xe lại quẹo trái. Xe đi lối tắt rồi. Nghĩa là về đúng qua đầu làng hắn. Đang ngồi hắn nhổm lên nhìn qua ô kính tí xíu. Không nhìn ra được phía trước để thấy quê hương từ xa chạy lại gần mình. Hắn nhìn về phía sau. Kia rồi. Đã qua cái lò gạch. Nghĩa là sắp đến lối rẽ vào làng. Con dường này, vợ chồng hắn đã đèo nhau trên chiếc xe Thống Nhất vợ hắn được phân phối. Những chiều thứ bảy đạp xe về. Tắm rửa, giặt giũ cho các con. Cởi hết quần áo của chúng, rồi ôm lấy những thân hình nhỏ nhoi, trần truồng, thơm tho, giẫy giụa ấy mà kỳ cọ. Dù chúng có nô nghịch, bẩn thỉu, đất cát, mồ hôi mồ kê cũng vẫn là thơm tho. Rồi dọn mâm chõng ra sân ăn cơm với bố mẹ. Vừa ăn vừa nhìn trời chiều xanh trên đầu, trời chiều xanh bốn chung quanh. Những chiều chủ nhật đạp xe đi. Các con líu ríu ra cổng tiễn. Bố mẹ dặn dò phải cẩn thận bom đạn. Hẹn với bố mẹ, hẹn với các con chiều thứ bảy tới lại về.

Lại đèo nhau trên chiếc xe đạp phân phối. Không thấy ngại. Không thấy mệt. Có những hôm phà chết máy, những hôm giờ cao điểm, tắc nghẽn, ghi-đông xe đạp cứng ngắc ở cửa bến, tiến không được, lùi không được. Những hôm máy bay bắn phá phải vòng lên đi lối Bến Kiền, nhá nhem rồi còn vác xe lội bãi lên đò, phù sa trơn nhẫy, hai vợ chồng bị bọc kéo nhau suýt nhào cả xuống sông. Qua đò là tối mịt. Có tiếng bà mẹ khóc con hy sinh trong B thảm thiết từ một xóm vọng ra. Tối như bưng. Càng tối vì hai bên đường những cây phi lao cao vút. Chợt tất cả như cô đặc đen kịt lại. Hoảng hồn phanh vội. Cho cả chân xuống đất mà phanh. Thấy hai đứa đã chui vào gầm một xe chở tên lửa đỗ ven đường. Tám chín giờ tối mới về đến đây. Đến đây là coi như hết mệt nhọc. Là sắp sửa tới nhà.

Đây rồi. Con đường rẽ vào làng. Con đường đất núi đỏ au. Hai hàng bạch đàn sóng nhau chạy từ đường cái qua cầu vào đến đầu thôn Nội. Đi giữa hai bờ tre rợp bóng tới một khúc ngoẹo là về thôn Ngoại.

Chỗ đó là ruộng lúa. Hai vợ chồng hắn đã để sổng con vịt mua phiếu ở đó. Nó tuột dây trói chân, nhảy xuống ruộng. Hắn vội để ngả xe đạp ở bờ đường, lội xuống ruộng. Ngọc cũng xắn quần lội. Hai người lừa, dồn nó vào chỗ dặt ngả xe đạp. Hắn túm được con vịt khi nó đang leo dốc lên đường cái.

Con vịt. Con đường làng. Con đường quành ra đầu trạm xá, đi qua chợ đến một dầm nước mênh mông. Con đường dẫn đến nhà hắn. Cái cổng tre. Vườn. Sân… Bố mẹ hắn đang ở đấy. Con hắn đang ở đấy, Ngọc đang ở đâu? Còn ở đây hay đã sang phố đi làm rồi, em ơi!

Bấy giờ vẫn còn là Tết. Kìa một làn khói lên. Lúa xanh. Tre xanh. Xa rồi. Mất hút rồi. Hắn vẫn dán mắt vào cửa kính. Đã thấy một thị trấn nhỏ. Đến làng Xuân Lãng rồi! Đu. Một gốc đu. Đông người. Một em nhỏ, ba người đàn ông có tuổi ăn mạc đẹp đi trên đường. Chắc là đi chúc Tết.

Qua làng rồi Hết rồi Hắn ngồi phịch xuống ghế, nhìn bốn bức tường thép hẹp xung quanh. Ngọc ơi! Có biết anh đi rồi không? Ngày về không có đâu, em ạ. Xe qua một ổ gà. Hắn bị xóc, đầu đập vào tường thép.

Chiếc xà lim đi động hẹp. Rất hẹp. Vẫn lăn đi.

 

Về đầu

 

Chương 26

 

Bữa cơm đầu tiên hắn ăn với gia đình hắn. Con Thương và anh nó, thằng Hiệp ngồi đầu nồi. Cả nhà quây quần quanh cái mâm nhôm chỉ có hai món: Một quả trứng bác dành cho bé Dương và một bát ô-tô cá khô nấu với rau diếp, sáng tác của thằng Hiệp. Nó không muốn chơi với thằng Dương. Việc khó khăn ấy, nó đẩy cho em nó. Nó nhận phần nấu cơm.

Sau những giây phút choáng váng vì niềm vui bất ngờ quá lớn, Ngọc đã để ý ngay đến nữa cơm. Nhìn mấy chiếc lá rau diếp chín nhũn trong nồi riêu cá khô, nàng định xuống thang ra Ngã Bảy, nhưng khi biết bé Dương có tiêu chuẩn một quả trứng gà bác với cà chua, hắn nhất định giữ Ngọc lại. Hắn không muốn Ngọc đi đâu cả. Hắn không muốn xa Ngọc trong lúc này.

– Anh ăn kiểu gì cũng ngon mà.

Trừ mỗi mình thằng Hiệp ăn vội. Còn cả nhà vừa ăn vừa nhìn ngắm nhau. Vắng đàn ông lạnh nhà, vắng đàn bà lạnh bếp. Hắn đã về. Căn nhà của mấy mẹ con không lạnh nữa rồi. Cái Thương vừa ăn vừa bón cho em. Nhưng bé Dương không nghe, cứ đòi bố chúc. Nó vẫn chưa hết bỡ ngỡ vì có cả một người bố đang ngồi trước mặt nó, chúc cho nó, ăn cơm cùng với nó, với mẹ Ngọc, với các anh chị. Thỉnh thoảng nó lại ngừng nhai nhìn bố chăm chú. Hắn cũng nhìn nó ân yếm và đưa tay vuốt vuốt đứa con mà hắn biết hắn có từ gần bốn năm nay, nhưng đến giờ mới được nhìn thấy.

Đúng như Ngọc viết trong thư gửi cho hắn khi hắn còn ở tù: Anh cứ hình dung bé Dương giống hệt thằng Hiệp, nhưng lại có lúm đồng tiền nữa. Ai cũng khen xinh. Có hôm nó bảo: Xinh thế mà chẳng được cái gì ăn cả. Buồn cười lắm, anh ạ. Hắn nhìn Ngọc và thấy Ngọc đang nhìn mình như muốn hỏi: “Em nói có đúng hhông”. Hắn gật đầu: “Đúng”.

Thằng Hiệp lùa vội mấy bát cơm, buông bát đũa, lấy xe đạp của mẹ xuống gác: “Con đến chú Bình, đến bác Thân đây, rồi mẹ cho con mang xe đạp đi học luôn, không muộn mất, mẹ ạ”. Hắn thấy con hắn đứa nào cũng lớn quá. Lạ hẳn. Nhưng hắn vẫn nhận ngay ra là con hắn.

Bé Dương đứng lên, nắm chặt hai tay, răng nghiến lại (để biểu hiện quyết tâm của nó) nói:

– Mẹ về ông bà bắt bốn con gà của con cho bố.

Ngọc và con Thương cười vang. Để hắn hiểu hết ngọn nguồn câu nói ấy, Ngọc bảo:

– Chả là thế này. Em mua cho bốn đứa bốn con gà. Em Dương nhận hết bốn con: Của con, của bố. Con chị chúm chím cái mồm, bắt chước thằng em, rồi bảo:

– Em hôm nay hào phóng thế nhỉ. Cho bố cả bốn con.

Hắn xốc bé Dương lên lòng. Bé vẫn tiếp tục câu chuyện của bé:

– Mẹ phải về ngay đấy.

Bé Dương, cái sinh linh kỳ diệu nhỗ bé của hắn mà hắn đang bồng bế trên tay được nuôi trong bụng mẹ bằng nước mắt là kết quả tình yêu giữa hai vợ chồng trong những ngày tự do cuối cùng của hắn khi hai người còn được gần nhau, khi hắn đưa nàng đi học. Đó là những ngày mãi mãi chói sáng, mãi mãi tươi đẹp, mãi mãi ghi nhớ trong cuộc đời tăm tối của hắn. Bởi bản thân sự tuyệt diệu của những ngày ấy. Bởi sau đó là tù tội, là chia cắt, là đen tối. Nào ngờ chuyến đưa Ngọc lên trường đại học, trở về thì bị… Nào ngờ xa Ngọc lần ấy là đi vào cõi khác. Cuộc đời hai vợ chồng cũng giống như những cây phi lao trồng dọc đường quốc lộ, trồng dọc hai bên đường Thanh Nguyên, từ phà Tắm về nhà bố mẹ.

Khi đưa Ngọc đi, hàng cây xanh tốt biết bao. Khi để Ngọc ở trường trở về, hàng cây mơn mởn đang tuổi trưởng thành với những cành lá kim xanh trĩu nặng xếp thành hình chóp đã bị vặn cụt ngọn, những thớ gỗ ở chỗ gẫy đó xoắn lại đứt phựt như người ta xoắn vặn nắm rau muống. Cái vệt cơn bão số 7 năm 1968 đi qua còn để lại, cơn bão muộn đã gần cuối thu thật hãi hùng. Cũng như cây bị xoắn đứt ngang thân, ít lâu sau hắn bị bắt. Hay đó là điềm báo trước mà hắn không biết. Hạnh phúc và tai họa gần kề nhau như thế đấy. Lúc hàng cây đang xanh, lúc hai vợ chồng ngồi trên tàu hỏa lên Hà Nội và đi tiếp đến trường trong lòng biết bao náo nức là lúc cơn bão đã hình thành đâu đó ở biển Đông. Và cũng lúc ấy người ta đã lập hồ sơ chuẩn bị bắt hắn rồi.

Chuyến đi cùng nhau năm ấy lên trường đại học sẽ vĩnh viễn nằm trong trí nhớ hắn. Chỉ cần quên hết chung quanh, chỉ cần bật một kênh nào đó trong dĩ vãng là có một con tàu đang lăn bánh trong buổi chiều tà hầm hập, tiếng bánh gang dằn vào những chỗ nối, tiếng còi giật lên vang vọng, trong toa người đứng người ngồi chen chúc như nêm.

Và cũng bởi vì còn đang chiến tranh, chưa biết tàu chỉ chạy đến ga nào, đến đâu thì phải xuống để về trưởng. Địa chỉ trường Ngọc sẽ học hoàn toàn mới mẻ đối với cả hai. Nên hắn lấy vé tới ga cuối cùng. Ga Vũ ẻn.

Đó là chuyến tàu đưa Ngọc đến tương lai để bằng chị bằng em, bằng bè bạn. Cuối cùng mơ ước học đại học của Ngọc đã thành sự thật. Nàng đã phấn đấu. Liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Có thừa số năm công tác quy định. Cơ quan đã cử nàng đi. Nàng thức đêm ở giường khi hắn ngồi cày ở bàn. Để ôn tập.

Tàu đi. Tiếng rầm rập mà nghe như tiếng hát ca. Nóng ngột ngạt, nhưng câu chuyện của hành khách trong toa vẫn cứ vui vẻ từ chuyện này nhảy sang chuyện khác. Dù đã tối rồi chẳng nhìn thấy mặt nhau. Đột nhiên tàu đưng lại. Nhao nhao. Đỗ đây à? Còn chay nữa không? Thôi. Cứ xuống đứng cạnh đường sắt một lát cho mát.

Hàng quà nhiều. Đèn con sáng như sao sa. Những bà mẹ, những em bé, những n. ười vợ của một vùng quê mang ra đây nắm cơm nếp đỗ đen, quả bòng, quả na, nồi bún riêu, mẹt thuốc lá. Tàu lại chuyển bánh. Tất cả bám đu lên. Rồi trời đen kịt lại. Tàu đang đi vào một vùng gió mát lạnh hơi nước. Mặt mũi nóng bừng dịu lại. Mưa. Mưa chéo. Gió ào ào bên ngoài. Cánh cửa đóng kín: nhưng vẫn có những giọt nước li ti bắn vào mặt họ. Ngọc ngồi nhích lại gần hắn. Tiếng hồng hộc của con tàu đang lao đi trong đêm mưa gió làm hai người quên được một chút lo lắng đến quãng đường còn lại. Nó có cái gì động viên, kích thích họ. Thế rồi cơn mưa tạnh đột ngột như đã đột ngột trút nước. Gió nhẹ. Cửa mở. Mát lạnh hai má. Tàu dừng hẳn. Lần này thì xuống tàu thật rồi. Hai vợ chồng chờ lấy xe đạp. Về đâu?

Những người bán hàng mời chào. Có cả những quán nhỏ, treo đèn, có ghế có bàn. Hắn và Ngọc ăn phở. Hắn thích ăn phở.

Khi trả tiền ông chủ quán xong, như một phép mầu, số hành khách xuống tàu đã biến đi đâu hết. Chỉ còn lại hai người. ông hàng phở chỉ cho họ biết lối đi ra đường quốc lộ. Con đường tối lượn quành sát một sườn núi bị vạc hoắm vào.

Hắn và Ngọc nhìn nhau. Ngọc nhìn quanh và phát hiện có một ánh đèn giữa cánh đồng phía xa. Họ nhận ra đấy là cánh đồng vì trăng đã lên. Một vầng trăng muộn to lớn trên bầu trời không một hạt bụi. Một vầng trăng muộn tuổi thơ.

Hai người dắt xe về phía đó. Như những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ trong rừng, trèo lên cây cao thấy ánh lửa trong nhà phù thủy đằng xa.

Nhưng họ không phải là những đứa trẻ và đấy cũng không phải là nhà của phù thủy. Đấy là một nhà kho hợp tác giữa đồng. Sân gạch rộng. Lúa tháng Tám xanh trĩu lá chung quanh trải ra đến mờ sương. Làng xóm chỉ là một vệt đen mãi xa.

Hắn dắt xe thiếu nhi Liên xô (anh Chân đã mua cho hắn cái xe này), Ngọc dắt xe Thống Nhất với chậu men, túi dết, ba-lô, túi xách…

Một người đàn ông đứng tuổi đang ngồi lau súng giữa nhà. Nghe hắn trình bày, ông ta vui vẻ:

– Cô chú cứ nghỉ ở đây!

Ông ta pha nước, nói về cơn dông, về đường đi đến cái xã có trường Ngọc học sơ tán. “Cũng gần đây thôi. Hai chục cây số nữa là đến, dễ đi lắm “.

Rồi ông ta đứng dậy:

– Súng đây. Chú trông kho giúp tôi. Hợp tác hôm nay giết lợn. Tôi đi lấy ít lòng ra anh em mình uống rượu.

Người sao đáng yêu. Vừa gặp đã tin ngay. Không hỏi giấy. Không hỏi đăng ký kết hôn. Lại trao cho cả súng. Có lẽ mặt mũi bọn hắn trông cũng lương thiện.

Khi đó con người đối với nhau còn tốt. Còn có lòng tin. Còn coi nhau như anh em.

Đi gần hết sân, ông thủ kho quay lại:

– Bể nước mưa đầy ở đầu nhà đấy. Rửa mặt mũi đi. Hay là tắm luôn cho mát.

Ông đi và mất hút vào cánh đồng mờ mờ hơi nước.

Trong xà lim hắn đã nhiều lần nhớ lại đêm hôm ấy Ngọc cũng biết hắn đang nghĩ tới điều gì. Nàng bảo:

– Chuyến vừa rồi lên thăm anh, em lại đi qua Tam Dương. Cùng một lối đi, anh ạ.

Nàng chỉ nói vậy. Hắn hiểu, điều đó với nàng có ý nghĩa gì. Con đường ấy sáng hôm sau hắn với nàng từ biệt ông thủ kho ra đi. Rồi từ Vĩnh Tường ngược lên. Vừa gò lưng đạp xe trên con đường nhựa hai bên trồng toàn những cây bồ kết dại vừa đọc Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi . Mỏi là ngồi nghỉ. Mua na ngồi ở gốc cây vệ đường mà ăn, mặc người qua lại.

Hắn nhường Ngọc đi xe Thống Nhất bon hơn, dễ đi hơn. Nàng lại đi qua Tam Dương, nghĩa là nàng lại sống lại cái đêm tuyệt vời ấy.

Nàng vợi nước mưa. Bể nước mưa đầy. Nước từ máng vẫn còn chảy ri rỉ xuống bể. Nàng cúi xuống vớt nước lên ngực để quen với nước lạnh. Hắn giội ào. Nước mát làm hai người tỉnh lại, xuýt xoa vì sung sướng, được rửa sạch bụi bậm của cả một ngày. Ngọc cẩn thận nhìn chung quanh và đứng thẳng người lên giội như hắn. Lần đầu tiên hắn thấy trăng vàng chảy trên người, trăng vàng chảy trên da thịt vợ hắn. Trăng chiếu lên người nàng. Trên đầu nàng là vòm trời thu không một gợn mây, chỉ một vầng trăng to tròn, gần như trong suối, im lặng, đang tỏa sáng. Chung quanh nàng là đồng lúa chạy tới mờ sương. Loang loáng phía xa những chuôm ao dát bạc giữa đồng.

Hắn nhìn tấm thân trần của vợ hắn lồ lộ giữa trời như lần đầu tiên hắn được thấy. Đó, nàng lại bước những bước uyển chuyển tới bể. Nàng bước lên bậc và cúi xuống múc nước, một bên vai nhô lên. Nàng bước ra xa bể, nghiêng người giội gáo nước lên vai. Trăng lại chảy trên người nàng. Trăng chảy từ vai đến gót chân nàng, tràn ra sân gạch. Trăng chiếu trên người nàng thành những mảng sáng và tối. ở những bờ sáng tối gặp nhau, rực lên những viền vàng.

Tất cả đang lịm đi. Không một tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Trời đất vừa được tắm rửa sau cơn mưa lành lạnh đêm thu, tinh khiết lạ thường. Hắn nhìn trời, nhìn trăng và lại nhìn Ngọc. Biết hắn đang nhìn, nàng quay lưng về phía hắn. Hắn lùi ra xa hơn để nhìn nàng trong toàn cảnh, để đặt nàng đúng trong bầu trời này, để đặt nàng dưới trăng này, giữa cánh đồng gió nhẹ này. Rồi hắn bước tới bể, múc một gáo nước giội cho nàng. Nàng đứng im, ngoan ngoãn. Những búp tóc đen ướt nước sau gáy càng làm nổi làn da nàng tràng ngần. Nàng đưa tay ra phía sau cuộn lại. Hắn thấy ngay eo nàng, chỗ sống lưng thắt lại trước khi cong ra có một khoảng nước loang và khô đi rất nhanh. Hắn múc một gáo nước giội cho hắn từ đầu xuống. Vẫn ướt đẫm như vậy, hắn ôm nàng, khe khẽ hờ hờ như nàng làm bằng thủy tinh dễ vỡ. Nàng thoát khỏi tay hắn, bảo hắn:

– Mặc quần áo vào đi. Ông thủ kho sắp về.

Điều đó chỉ kích thích thêm hắn – cái việc hai vợ chồng hắn như vụng trộm. Hắn kéo nàng ra giữa sân:

– ở đây có thể nhìn thấy ông ấy từ xa. Không sợ. ở đó trăng càng vằng vặc.

Ngọc đă ở trong vòng tay hắn. Ngọc mát lạnh đêm thu trong tay hắn, đầy đặn, mềm mại và ngoan ngoãn. Hắn hôn lên khắp người Ngọc. ở đâu trên người nàng cũng một mùi nước mưa tươi mát và tinh khiết ấy. Mùi của trăng, của đêm thu, của cánh đồng, của sương, của trời đất sau cơn mưa có trên mọi chỗ da thịt nàng. Hắn bế Ngọc lên, rồi lại đạt Ngọc xuống. Hắn ép Ngọc vào người mình, cảm thấy tim nàng đang đập dồn phía ngoài lồng ngực hắn. Ngọc vẫn ngoan ngoãn và im lặng. Ngọc đứng úp mặt vào vai hắn. Hắn thấy hơi thở Ngọc nóng hổi ngay nơi cổ. Hắn cảm nhận hết người nàng, vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Và bỗng nhiên nàng thức tỉnh.

Nàng ghì lấy hắn, mỗi lúc một mãnh liệt hơn. Nàng rướn lên ép chặt vào người hắn. Nàng đưa tay vuốt dọc người hàn, rồi quay mặt hắn về phía trăng, nhìn ngắm. Môi nàng hé mẻ. Hắn cúi xuống. Cái hôn này còn hơn cả những cái hôn ở nhà anh chị Diệu, còn hơn cả những cái hôn ở Vĩnh Tuy.

Nàng lại lùi ra xa để nhìn hắn trong toàn cảnh. Nhìn hắn từ đầu đến chân như hắn đã nhìn nàng. Mặt nàng tràn đầy ánh trăng. tình yêu và hạnh phúc.

Hắn bước tới, nhẹ như không có trọng lượng. Sân gạch sạch và mát rượi sau cơn mưa. Hắn quỳ xuống, vòng tay về phía sau đỡ lấy nàng. Nàng đứng run rảy như sắp ngã. Hắn áp má vào người nàng vẫn đang mát lạnh. ở đó những giọt trăng vàng li ti còn đọng rối bời làm hắn choáng ngợp. Và bỗng thấy mình lạc giữa mênh mông. Một mênh mông xoai xoải lớn dần lên không còn trời và đất. Một mênh mông im lặng chờ đón hắn và dù có tới đó cả nghìn lần thì đây vẫn là lần đi tới đầu tiên. Như trở về hang động sơ khai.

Như mưa xuân mịn màng một thời thơ ấu. Như lạc giữa một khu rừng nguyên sinh, những cây cao hoang vu ẩm ướt vút lên, khe suối êm đềm chảy và khúc ngoặt sau suối hứa hẹn một thảm cỏ xanh rờn, trên đó là lâu đài cổ tích. Không còn nữa trời đêm, cánh đồng, sân gạch vằng vặc. Chỉ mát rượi nơi má, nơi cánh tay vòng ôm đỡ nàng, mà họng thì khô khát.

Và những giọt tráng sát môi hắn, sát mi mắt hắn cứ lớn dần lên mãi. Hắn chầm chậm ngậm lấy trăng vẫn còn đang chảy xuống, văn còn đang đọng lại lung linh. Trăng tan trên môi, trên miệng. Trăng ngấm vào đầu lưỡi. Một thứ nước thần tiên. Ngọc cong người ép đầu hắn vào đó như người hụt hẫng bám vào điểm tựa, như người. sắp chết chìm giữa biển níu lấy cá phao cứu mạng. Rất nhanh, nàng quỳ xuống, ôm lấy hắn từ phía lưng, thì thầm:

– Để đến đêm. ông thủ kho sắp về.

 

Về đầu

 

Chương 27

 

Bữa ăn không ăn cũng no, nhìn nhau nhiều mà ăn ít: bữa ăn chỉ có cá khô nấu rau diếp ấy, hắn và Ngọc chưa thể nói chuyện gì với nhau được. Biết bao chuyện muốn nói. Bắt đầu từ đâu? Vả lại từ nay là sống bên nhau, còn nhiều thời gian. Không giống như mười lăm phút gặp mặt trong trại, trước sự hiện diện của ông quản giáo. Hắn chỉ kể hành trình của hắn từ trại về nhà.

Hắn kể chuyện hắn ở Hà Nội hai ngày vừa qua, hắn kể chuyện buổi sáng hắn được ông Quân gọi ở lại. Hắn lấy ra bọc chè hắn mua, cái ca nhôm có cả nắp của Lỷ Xìn Cắm, bộ quần áo nâu và tút thuốc lá của anh chị Diệu. Hắn chẳng có quà gì cho lũ trẻ.

Ngọc đỡ tất cả từ tay hắn. Tới bộ quần áo xám, Ngọc giũ nó ra, lật phía trước, phía sau nhìn ngắm, từ hàng chữ số viết bằng sơn cứng lại, chỗ bạc sau lưng áo, cái cổ áo ghét bẩn tới chỗ mốc lâm thâm đen ở ngực áo và hai ống quần. Nàng ấp bộ quần áo tù của chồng lên mặt, rồi cất vào tủ.

Vừa lúc ấy Bình đến. Bình chạy lên thang gác, nhảy hai bậc một. Chỉ nghe tiếng chạy rầm rầm, hắn cũng biết ngay là Bình. Chẳng ai có thể đến với hắn như thế. Bình ào vào nhà và đứng sững nhìn hắn:

– Từ cõi chết anh trở về chói lọi . Xem nào. Béo. Đen.

Ngọc ngờ ngợ:

– Anh ấy hơi sưng sưng. Em đang lo. Bình nhìn lại bạn, cảm thấy Ngọc nói đúng. Bình và hắn ôm lấy nhau. Hắn vỗ vỗ vào lưng Bình như muốn nói: Tao đã về. Tao vẫn có một thằng bạn thân thiết là mày. Tao vẫn như xưa. Hắn lại được trong vòng tay bè bạn.

Bé Dương đứng lên, chạy đến, kéo áo Bình:

– Bố Tuấn đấy

Bình xốc thằng bé lện. Anh nghiến ngấu thằng bé:

– Bố Tuấn đấy hử? Bố Tuấn về với Dương, với mẹ Ngọc đây hử?

Bé Dương nũng nịu:

– Chú Bình làm ngựa cơ

Ngọc mắng yêu con:

– Dương, đừng nũng chú. Thương, bế em, con, để chú nói chuyện,

Cái Thương bê mâm bát vào bếp, rồi trở ra đón em. Nhưng Bình đã phủ phục xuống sàn. Bé Dương đã cỡi trên lưng chú. Bình bò chầm chậm, rồi anh chồm những bước dài, lồng lên như ngựa phi. Thằng Dương vừa sợ, vừa thích. Nó túm chặt tóc Bình, cười khanh khách. Đã lâu lắm nó mới vui như vậy. Mới thấy cả nhà vui như vậy. Nó vừa cười vừa nhìn bố. Nó vẫn chưa quen có bố. Nhưng nó tin đây đúng là bố nó.

Nhìn hai chú cháu nô đùa, hắn hiểu rằng trong những ngày hắn đi vắng, những ngày hắn ở Hintơn theo cách nói của những người tù, Bình vẫn sang nhà hắn, động viên vợ hắn, nô đùa với các con hắn.

Đến bây giờ hắn mới biết cái tủ đứng mới đóng là kỳ công của Bình. Bình chỉ vào cái tủ:

– Tác phẩm đầu tay đấy.

Cái hòm xe Java 05, tủ sách của hắn, đi-văng của hắn, quan tài ba tấm dài hai tấm ngắn thiếu mất ván thiên của hắn đã biến thành cái tủ đứng sơn xanh. Bình đã thu nó lại thành bốn tấm dài, hai tấm ngắn, có chân, có cánh, mở ra mở vào được nhờ có bản lề phía ngoài bào nhẫn cẩn thận. Tủ nom hệt chiếc quan tài dựng đứng. Bình bảo:

– Hết bốn ki-lô-gam đinh tất cả. Để đảm bảo mộng mẹo chắc chắn. Đóng hình quan tài nhằm mục đích lưỡng dụng vì đang B52. Rất có thể dùng vào việc khác.

Hắn pha trà. Cái ấm pha trà của hắn vẫn là cái ấm ấy, có chữ “Thương binh” vắt từ vòi sang quai ấm, nhưng sao hắn vẫn thấy ngờ ngợ. Lạ lẫm. Con Thương giơ tay bế em, nhưng bé Dương không chịu, bé tót lên lòng bố.

Ngọc lên cơ quan báo cáo xin phép nghỉ và đi chợ. Còn lại hắn và Bình. Lại ngồi trên cái ghế dựa này, bên cái bàn này.

Một thời xa lắm rồi hai người cũng ngồi như vậy. Hắn uống trà và ngạc nhiên. Phải mãi về sau hắn mới quen cách uống trà trước kia của hắn, cách uống trà của ngoài đời. Đó là sự chênh lệch về nhiệt độ. Thứ chè bọn hắn uống nóng bỏng mồm. Cho chè vào cái ca mỏng của già Đô, đun lên sôi đều rồi rót, uống. Uống xong dồn bã từ hôm trước tới hôm sau đem ninh lại. Cái ca đầy bã chè, sôi lim rim. Hắn thấy kiểu uống chè ở nhà phí quá. Món bã đổ đi ấy, làm như bọn hắn, cho ninh lại vẫn còn được nước, uống vẫn ngon. Hắn cất bọc chè và lấy tút thuốc lá Tam Đảo ra.

Hắn chưa bao giờ dám hút cả tút thuốc lá Tam Đảo một cách vô lo nghĩ như vậy. Bởi vì đấy là gần nửa tháng lương của loại cán bộ như hắn, tuy giá mậu dịch chỉ bốn đồng. Anh chị Diệu quả thật quan tâm đến hắn. Bình kể lại những điều Bình đã viết trong thư gửi lén vào cho hắn. Rất đơn giản. Thư viết bằng giấy pơ-luya, viết cả hai mặt bằng thứ chữ li ti để chứa được một lượng thông tin nhiều nhất, rồi gấp, cuộn lại cho thật nhỏ. Trong khi hắn nhận đồ tiếp tế thì đưa vào tay hắn cùng với gói vừng, gói bánh…

Đã nằm trong quân số cục lao cải, người ta không ngặt nghèo lắm trong chuyện thư từ như khi còn giam cứu. Tuy nhiên cũng phải hết sức cẩn thận. Bị lộ là kỷ luật. Không được nhận một thứ gì.

Bình ôn lại buổi chiều hôm trước khi hắn bị bắt.

Bình sang nhà hắn dạy hắn lau xe đạp. Lau dầu cái xe thiếu nhi Liên Xô anh Chân mua hộ hắn theo giá cung cấp. Cả hai đều thực hiện đúng quy trình một ông thợ sửa xe đạp: Ngậm một điếu thuốc lá đã tắt lệch ở một bên mép và nói về cái xe đạp của một nhà nhiếp ảnh bạn họ. Xe tòng tọc “Tất cả mọi bộ phận đều kêu, trừ có cái chuông” nhưng lại kẻ trên khung cả một cái mác dài như một dòng khẩu hiệu: Alfa de luxe Tubes Peugeot. Thế là cái xe của nhà nhiếp ảnh, thứ hàng thủ công chính hiệu của mấy ông thợ gò ấy luôn được nhắc đến với đầy đủ phẩm trật dài dòng như tên một nhà quý tộc Tây Ban Nha:

– Cho mình mượn cái Alfa de luxe Tubes Peugeot mình đi đằng này.

– Cái Alfa de luxe Tubes Peugoet tuột xích rồi!

Lau xong xe đạp, hai người quấy bột mỳ ăn. Độn tới năm mươi phần trăm bột mì. Đưa gia công bột mỳ thì hao, lại mất nhiều tiền. Đành phải ăn vậy thôi. Có mỡ thì rán, nhưng mỡ đâu lắm thế. Đành cho nước quấy nấu cháo. Vợ con Bình cũng đi sơ tán. Hai người tiện đâu ăn đấy. Cả hai đặt cho món ăn khó nuốt này một cái tên khá hay: cháo Kasa. đó là thứ cháo bọn hắn đọc trong các tiểu thuyết Nga.

– Trong tù tao đọc thư mày viết về những điều ấy, mày có biết tao cảm thấy thế nào không? Tao cảm thấy tao đã bị mày xúc phạm.

Bình tròn mắt không hiểu.

– Tao nghĩ mày vẫn còn hài hước được nghĩa là mày không hiểu tao. Mày không biết tao sống trong hoàn cảnh khủng khiếp như thế nào.

Ngừng một lát, hắn tiếp:

– Bây giờ tao sung sướng vì thấy mình vẫn còn hài hước được.

– Trong ấy tao không hiểu. Nhưng ở ngoài đời, mày phải hài hước. Hài hước mới sống nổi. Mà mày cũng đừng dại gì đánh mất cái khả năng quý báu ấy của mày.

Hắn hóm hỉnh:

– Cháo Kasa, xe Alfa de luxe Tubes Peugeot. Còn cây dương xỉ nữa.

Đó cũng là một loại cây bọn hắn gặp quá nhiều trong các truyện nước ngoài. Hắn đã chỉ vào cây phượng trên đường hỏi Bình: Cây gì đây? Bình đáp đầy tự tin về kiến thức uyên bác của mình: Cây dương xỉ.

Bình cười ầm lên như bắt quả tang hắn đang nghịch ngợm:

– Tao vẫn nói mày là thằng có trí nhớ tốt mà. Thôi, để yên tao nói. Mày có hình dung sáng hôm sau, tao đến cơ quan như thế nào không, tổng biên tập họp cơ quan thông báo: “Tên Tuấn đã bị bắt”. Tao rụng rời chân tay. Tất cả chúng nó đều nhìn tao.

– Lúc ấy khoảng mấy giờ?

– Tám giờ.

Lúc ấy hắn mới nghe tuyên bố bị bắt thôi, chứ chưa bị bắt. Lúc ấy đang khám nhà. Với tất cả sự thành thạo. cẩn thận, tỉ mỉ, lịch sự và tế nhị nữa. Phải đến hơn mười giờ sáng hắn mới vào xà lim 76. Hắn bị nhốt khoảng một tiếng đồng hồ thì có tiếng mở khóa cửa: Ra nhận suất cơm. Hắn nhìn suất cơm tù đầu tiên trong đời đã đặt dưới đất từ bao giờ. Một bát chậu men cơm ngô, một bát chậu men canh rau cải củ và một bô nước uống âm ấm. Cái bô han gỉ, nước trắng mà trông như nước vối. Hắn dần quen với thứ cơm để dưới đất ấy, thứ nước đựng trong bô sắt han ấy. Hắn vừa uống vừa soi gương. Cái bô han làm nước có màu sẫm, soi gương rất tốt. Râu tóc hắn cợp ra. Hắn trông thấy bóng mình mà kinh. Nhất là râu. Râu cằm, râu mép. Uống nước, nước đọng cả trên râu từng giọt. Hệt như cảnh những người tù râu ria bưng gáo nước to tướng lên miệng uống trong phim hắn đã xem.

Mày bị bắt được nửa tháng, họ bắt đầu gọi tao. Bình tiếp tục kể. Bây giờ hắn mới biết người ta đã tìm tài liệu về hắn ghê gơm như thế. Bình bị gọi hỏi liên tiếp (người ta thừa biết Bình là bạn thân của hàn). Cũng với những nội dung ấy: Sáng tác của hắn. phát ngôn của hắn. Quan hệ bè bạn của hắn. Thái độ đối với các đồng chí đảng viên trong cơ quan của hắn. Họ tập trung khai thác hai bài viết của hắn: “Những tiếng động bị nhốt” và “Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng”.

Trong tù họ cũng đã hỏi hắn về hai sáng tác này. Hắn thất vọng nghĩ: Thật là bới lông tìm vết. Hắn đã lễ phép và chán ngán nói với ông Lan như nói với những người cố tình không chịu hiểu:

– Thưa ông. Tôi bây giờ cái tóc cái tội.

“Những tiếng động bị nhốt” là bài phóng sự in trong tạp chí văn nghệ của thành phố. Hắn viết về những người thợ cơ khí làm phuy xăng, phải chui vào trong phuy hàn giữa khói hàn bị nhốt và tiếng nổ bị nhốt của que hàn chảy dưới hồ quang. Hắn ca ngợi những chiến sĩ thầm lặng, bình thường trong cuộc chiến tranh giao thông vận tải. Hắn đặt cái tên ấy cho hấp dẫn. Vậy mà người ta tìm cách lái cái tên ấy sang một nội dung khác: Những tài năng bị giam hãm, những tài năng bị thui chột.

Còn căn nguyên chuyện”Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng” là xức cảm của hắn khi về quê thăm con ra. Đứng ở cửa mở khóa, hắn chợt nghe thấy tiếng dế kêu trong buồng hắn.

Tiếng dế cri cri, crang crang, to, vang, vui vẻ như đang ở trong tổ của nó, như nó là chủ căn buồng. Đó là tia chớp như Pauxtôpxki viết, để cơn mưa chữ của hắn xuất hiện về một chnyện trong chiến tranh. Hắn nghe dế ca và hơi phật ý về sự tự tin của dế. Con dế từ đâu đến. Nhà hắn trên gác, giữa thành phố. Làm sao dế đến được. Hắn hình dung: Bom Mỹ hất dế lên. Dế bay giữa những ngôi sao rơi, những viên đạn phòng không đỏ lừ. Dế đến căn buồng một ông thuyền trưởng đang chở hàng vào khu vực cán gáo. Những con gián chuyên sống trong bóng tối béo núc, hôi sì, xúm lại đánh dế… Dế đã sử dụng những cú đá tuyệt diệu, bắp chân khỏe mạnh, thân hình rắn như sừng của mình được tôi luyện trong sương đêm, trong nắng sớm để tự bảo vệ, dù dế nhỏ hơn.

Ông Lan cười nhạt bảo Bình:

– Có chuyện gì mà anh và anh Tuấn không nói với nhau. Anh Tuấn viết truyện ấy là viết xỏ xiên. Những con gián chuyên sống trong bóng tối, béo nức hôi sì là ai. Anh đừng tưởng chúng tôi không biết đâu.

Và ông cũng tỏ ra không lạ gì bọn hắn:

– Các anh nói với nhau: Viết thì phải lách mà!

Bình vẫn một mực giữ ý kiến của mình:

– Đây là một truyện hay, viết về đề tài chiến tranh. Còn những con gián cũng có thể hiểu rộng ra là những gì trái với bản chất cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống Mỹ và chống lại những gì phi xã hội chủ nghĩa.

– Anh đừng bao che cho anh Tuấn. Vô ích. Vì chính anh Tuấn đã nhận với chúng tôi rồi. Những con gián ấy là ám chỉ những đảng viên ở cơ quan báo.

Bình vẫn từ tốn:

– Vâng. Nếu vậy thì đến bây giờ tôi mới biết cái dụng ý ấy của anh Tuấn.

Bình bảo hắn:

– Tao thừa biết là nó bịa, nhưng tranh luận làm gì.

– Tao thì phải tranh luận. Tao không có chỗ lùi nữa.

– Phía sau chúng ta là Mạc Tư Khoa

– Ngồi lấy cung, tao vẫn nhìn thấy tay ấy viết. Mày có biết nó viết thế nào không? Con rế trong căn buồng ông thuyền trưởng. Tao thực sự chán ngán. Lấy cung một người viết văn mà những chữ bình thường nhất cũng viết sai chính tả.

Tất cả những ai quen biết hắn đều bị gọi hỏi. Các cộng tác viên ở các cơ quan xí nghiệp, những người viết trẻ vốn yêu mến và có quan hệ với hắn. Ngoài việc viết lách là chuyện phát ngôn của hắn.

Chuyện hắn kêu ca mậu dịch cửa quyền, móc ngoặc là nặng nhất. Rồi đến chuyện thái độ đối với một số đảng viên trong cơ quan. Phải nói rằng Bình đã chịu đựng rất nhiều. Mỗi khi có giấy của Sở Công an mời Bình, mọi người lại xầm xì bàn tán. Đang thì thào với nhau, thông thạo và hiểu biết về các sự kiện lớn ấy trong cơ quan, tất cả im lặng khi Bình đến.

Bách, bí thư chi bộ, biên ủy báo, một đại úy chuyển ngành, trực tiếp phụ trách khối công nghiệp, nghĩa là trực tiếp phụ trách Bình và hắn, mời Bình ngồi, lặng lẽ đưa giấy mời của Sở Công an cho Bình với vẻ mặt bị xúc phạm. Bách ngồi rung đùi chờ lời phát biểu của Bình, nhưng Bình xem giấy mời xong, cho vào túi áo sơ-mi và đứng lên.

Bách ngơ ngác trước thái độ kỳ lạ ấy của Bình:

-Đồng chí Bình, ngồi lại tôi trao đổi.

Đã gọi nhau là đồng chí tức là căng rồi đây. Bình quay lại, giọng nói giữ đúng nguyên tắc để đáp lại giọng nói của Bách:

– Đồng chí bảo gì cơ ạ?

– Đồng chí ngồi xuống đã.

Bình ngồi lặng im, giữ cho mình vẻ khiêm tốn cần thiết.

– Đồng chí có ý kiến gì về giấy gọi này?

– Tôi không có ý kiến gì cả.

Bách nghiêm nét mặt:

– Đây là một việc gây tổn thất lớn đến uy tín của báo. Báo chúng ta là báo Đảng. Một phóng viên bị bắt. Một phóng viên khác bị công an gọi hỏi.

– Tao im lặng. Biết nói với nó cái gì. Nó nói có phần đúng của nó. Nhưng tao tởm nhất là nó nói với vẻ mặt đau khổ, vẻ mặt của người bị lăng nhục.

Trong khi mình bết rõ rằng nó đang sung sướng. Nó dang hả hê vì nó thấy mày và tao bị khốn nạn. Cái mà chúng mình kỵ nhất là thói đạo đức giả. ở đâu cũng có bọn ấy. Thói đạo đức giả càng tập trung ở những người đang làm hại người khác. Tao đã hiểu được điều đó.

Hắn nhớ lại có lần ông Lan nói với hắn: “Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ anh. Kéo anh ra khỏi con đường tội lỗi. Anh tương bắt anh chúng tôi vui lắm hay sao. Anh đã lầm. Chúng tôi đau đớn. Vì đó cũng là tổn thất chung. Trị bệnh cứu người. Đó là mục đích của chúng tôi “. Hắn đã hỏi lại ông Lan: Nêú vậy, sao các ông không báo động, cảnh cáo tôi ngay khi tôi có những dấu hiệu đầu tiên của sự phạm tội Có phải tôi không bị bắt không? Tôi bị bắt nghĩa là Đảng mất một cán bộ.

ôi! Thật là ngây thơ. Đến mức ngây ngô nữa. Nhưng hắn thành thật. Rất thành thật.

Ông Lan không trả lời. Ông chỉ cười, vẫn là nụ cười của người lớn trước câu hỏi của trẻ con, không thể giải thích được ngoài câu: “Khi nào lớn lên con, cháu, hay em sẽ hiểu “. Lúc ấy hắn trông ông rõ ràng già hơn hắn rất nhiều. Thế rồi, một hôm nghe ông Lan khoe mình đã thụ lý bao nhiêu án chung thân, án tử hình, hắn tự cười mình sao lại hỏi ông Lan câu hỏi ngây thơ ấy.

Trị bệnh cứu người. Hắn đang được cứu đây. Thật không thể chịu đựng nổi. Hắn nhìn ông Lan một lần nữa, rất nhanh. Và hắn sửng sốt: ông bỗng trẻ, rất trẻ, chỉ thuộc thế hệ đàn em hắn

– Bách khuyên tao: Càng gặp khó khăn càng phải tích cực công tác. Không được tiêu cực. Tiêu cực chỉ có hại cho bản thân.

– Tao tin nó nói thật. Mày có biết tại sao tao hiểu nó nói thật không?

– Mày có máy phát hiện nói dối à? Trong xà lim tao cũng đã đề nghị đưa máy phát hiện nói dối đến để kiểm tra lời khai của tao.

– Tao biết nó nói thật vì tư dưng giọng nó trong veo. Lên cao đúng một ốc-ta .

Hai người cười giàn giụa nước mắt. Đúng rồi. Bách có kiểu nói như vậy, Khi nào xúc động (thân thiết, giận dữ, vui vẻ, lo lắng…) tự nhiên Bách nói giọng nữ. Hắn bỗng nhớ ra đặc điểm ấy của người thủ trưởng trực tiếp cũ của mình.

– Nó bảo: Lãnh đạo yêu cầu đồng chí phát biểu trung thực với công an về anh Tuấn. Đó là trách nhiệm công dân của đồng chí.

– Nói sự thật về anh Tuấn là trách nhiệm công dân của tôi.

Bình biết khi Bách nói đến trách nhiệm công dân là nói đến nhiệm vụ của mỗi công dân phải tố giác bọn phản động. Nhưng Bình nói đén trách nhiệm công dân là nói đến trách nhiệm bảo việc thực thi pháp luật mà trong trường hợp này rõ ràng có sự nhầm lẫn.

– Chi bộ, biên ủy cũng sẽ có trách nhiệm của mình.

Không chịu được giọng nói nước đôi ấy lâu hơn nữa, Bình đứng lên lễ phép:

– Báo cáo đồng chí, tôi sẽ trung thực. Các đồng chí yên tâm.

Câu chuyện giữa hai người bạn bị ngắt quãng. Lại có tiếng guốc lên thang. Anh chị Thân đến muộn vì chị Thân nằm bệnh viện. Nhưng được tin hắn về, chị vẫn xin phép bệnh viện tới gặp hắn. Chị gầy gò, cổ cứng đơ, vẹo về một bên. Chị bị thần kinh tọa. Anh Thân cười vang, nụ cười của anh bao giờ cũng quyến rũ.

– Tôi đang chuẩn bị vào bệnh viện thăm bà ấy, thì cu Hiệp đến. Cứ đứng giữa nhà cười. Hỏi có việc gì cũng không nói. Tôi biết ngay: Bố về phải không? Nó vâng. Mừng quá, vội vào bệnh viện báo tin cho bà ấy.

Chị Thân nói rất khó khăn, nhưng chị vẫn cố gắng nói. Giọng chị yếu ngắt ra từng tiếng:

– Cả nhà chỉ có hai chú cháu đi xa. Chú đã về. Mừng quá. Còn thằng Hải nhà tôi, chẳng biết ra sao. Chẳng thấy thư từ tin tức gì.

Đôi mắt chị rầu rầu nhìn hắn.

Hắn biết thằng Hải đi B dài . Hắn không biết động viên chị Thân thế nào. ở đó chiến sự luôn ác liệt. Nhiều người. Rất nhiền người không trở lại. Về sau này, hắn được nghe một câu nói của bố mà hắn cho là đúng: “Cũng là cái phúc cái phận cả thôi “.

 

Về đầu

 

Chương 28

 

Buổi tối.

Hắn ở nhà hắn buổi tối.

Bao nhiêu người tù đã mong ước được ở nhà mình buổi tối.

Hắn tự loại hắn ra để tưởng tượng được một buổi tối bình thường của vợ con hắn, khi hắn còn ở Hintơn.

Thằng Hiệp, cái Thương học bài. Bé Dương bắt mẹ kể chuyện cổ tích. Căn buồng êm ả. Ngọn điện sáng. Bức tranh Hemingway to treo trên tường của họa sĩ Thế Hùng vẽ tặng khỏng còn nữa. Không, không thể nào loại được hắn ra khỏi gia đình hắn. Bởi vì hắn đã có mặt ở nhà. Dù hắn không nói một câu. Dù hắn nằm ở phía ngoài chiếc giường ba xà. Vợ hắn nằm trong. Bé Dương nằm giửa. Bé ôm lấy mẹ, nhưng thỉnh thoảng lại quay sang phía hắn, sờ lên mạt hắn. Hắn cầm bàn tay xinh xắn, bé bỏng xoa xoa lên mặt mình. Bé Dương cười. Bé bảo mẹ:

– Không. ứ. Con nghe chuyện “Ba giọt máu đào” cơ.

Ngọc nhỏm lên nhìn hai bố con. Nàng cười:

– Ngày xưa ấy mà. Có hai mẹ con ấy mà.

Đó là cách kể chuyện của nàng. Mỗi cân lại thêm hai tiếng “âý mà”. Nàng đã học cách kể chuyện của bé Dương khi bé kể lại chuyện cho mẹ, cho anh Hiệp, chị Thương nghe.

Hắn nhìn hai đứa con lớn. Chao! Chúng lớn quá rồi. Hắn nhẩm tính: Thằng Hiệp mười bốn. Con Thương mười hai. Tóc thằng Hiệp dày quá. Cả tóc con Thương nữa. Giống hệt tóc hắn. Khi hắn chưa đi tù tóc chúng mỏng và mềm như tơ. Hắn nhìn cái lưng thằng Hiệp quay lại phía hắn.

Hắn nhớ đến giấc mơ của hắn khi còn trong xà lim, thằng Hiệp bị hắn đánh túi bụi, gào khóc trên đầm nước. Nó khác hẳn với những gì mình vẫn tưởng tượng về nó. Nó khác hẳn hôm mình mơ gặp nó, đánh nó. Và nó không hay biết tý gì về chuyện mình đã đánh nó, mình đã đau khổ, đã ân hận như thế nào. Nó lớn quá rồi. Nó đang lúi húi kẻ một hình gì đấy. Nó học rất tập trung tư tưởng. Ngọc bảo: Nó học rất giỏi. Thi học sinh giỏi thành phố. Hắn tự hào về điều đó. Hắn nghĩ: ít nhất thằng bé cũng mang gien của hắn. Ngày trước hắn cũng học rất giỏi. Hắn bỗng nghĩ đến cái Tết tự do cuối cùng cách đây năm năm. Vợ chồng hắn, lũ con anh Chân thay nhau tát cái ao giữa vườn. Ao nhỏ, nhưng nhiều cá. Toàn cá thả. Bố mẹ hắn thả đủ loại: rô phi, trôi, chép…

Khi ao cạn: mặc dù trời Tét, hắn vẫn cho thằng Hiệp lội bùn bắt cá. Ngọc càn nhằn:

– Nó viêm họng mất thôi. Anh đến là chiều con.

Thằng Hiệp mặc quần đùi (dạo ấy đã biết xấu hổ) da hồng lên vì rét, bước xuống cần rửa, rón rén lội xuống bùn. Và nó chạy. Nó chạy ra chỗ con cá chép đang phi trong một lạch nước nhỏ chạy dọc ao tới nong . Nó ngã soài trên bùn, nhưng không vồ được con cá chép.

Cả nhà đứng trên bờ nhìn thằng bé cười ầm ĩ.

Ngọc thét:

– Cẩn thận không cá nó đánh vào tay đấy.

Nó đã bắt được con cá đầu tiên: Một con trôi non nửa cân, nằm trơ trên bùn. Con cá quẫy, bùn bắn đầy mặt, cu cậu thích chí quẳng con cá vào giành và lội đi bắt con khác.

Chị Chân đang ở dưới lòng ao thét lên:

– Hiệp ơi! Lội vừa vừa thôi, để bác dồn tép lại đã. Tép lắm lắm.

Hai tay chị gợt gợt bùn hoa, dồn về phía lạch nước nhỏ giữa ao để tép xuôi về nong, ở đó chị đã chắn một cái rổ. ở đó tép nhảy lao xao.

Chờ thằng Hiệp bắt được vài con cá, hắn gọi con lên. Sẵn nước nóng trên bếp lò, hai vợ chồng tắm gội cho thằng bé. Chỉ một loáng sau, cu cậu đã được mặc quần áo ấm và hắn đã bắt gặp mấy lần cu cậu ngồi ở giữa, hai con em gái hai bên, há hốc mồm nghe anh kể chuyện con cá chép cố giãy…

Hắn biết hắn đã đạt được ý định: Ngày hôm nay sẽ in đậm trong trí nhớ thằng Hiệp. Kỷ niệm tuổi thơ của nó sẽ phong phú hơn. Tâm hồn nó sẽ phong phú hơn.

Nhìn đứa con đã thành một thiếu niên say sưa học, đầu tóc bù xù cúi xuống quyển vở, hắn hiểu rằng con hắn đã thoát khỏi tầm tay của hắn rồi. Suốt thời gian nó lớn lên ấy, hắn không có ở bên. Hắn còn đang ở thế giới bên kia. Thì con hắn cứ lớn lên dù không có hắn ở bên…

Hắn thở dài, nhìn sang cái Thương. Hắn muốn được bế bổng con bé lên, đặt nó nằm sấp trên ngực. Nghe tiếng con bé thỏ thẻ nỉ non:

– Con với bố là đôi bạn tí teo. Nhỉ! Bố nhỉ!

Hay:

– Con với bố kể chuyện đi. Kể chuyện chung nhau cơ.

– Vâng! Cũng được!

Thế là: Hắn: Ngày xưa

Con Thương: Có hai bà cháu.

Hắn: ở trên núi.

Con Thương: Một hôm bà ốm.

Hắn: Em bé quàng khăn đỏ.

Con Thương: Đi mua cho bà chiêc bánh a-tô.

Đó là truyện cổ Grim, nhưng hắn bịa thêm. Có cái chi tiết bánh ga-tô chỉ vì con bé gọi bánh ga-tô là bánh a-tô. Hắn cũng nói bánh a-tô như con gái.

Dạo chiến tranh bắn phá, thỉnh thoảng hắn lại đón con Thương ra ở với hắn. Đó là những khoảng thời gian ngừng bắn ngắn ngủi, hoặc là khi Mỹ tuyên bố xuống thang, chỉ hạn chế khu vực bắn phá ở khu 4. Hai bố con đi đâu cũng có nhau. Báo một suất cơm tập thể, ăn chung, luộc mỳ hòa nước mắm. Đi uống cà-phê đá. Con Thương uống loãng thôi. Và ngọt. Xin thêm thìa đường nhé. Vâng. Có đây. Thêm thìa đường cho con gái. Bà chủ quán cà-phê quen còn nói thêm: “Mắt hai bố con ông giống nhau quá. Có đuôi như đuôi lươn ấy”.

Con Thương giống hắn. Giống những nét đẹp của hắn. Nhất là cặp mắt. Những nét xấu, thô của hắn không có trên nét mặt con Thương. Thành ra con bé nom có chiều sâu, sau này lớn lên các cô cứ khen là có nét. Những tối buồn, hắn nằm xuống cho con Thương tẩm quất. Con bé ngồi trên lưng bố, đấm, bám, cò mổ, kiến bò. Hắn có máu buồn. Hắn cười rinh rích. Con Thương thích chí càng kiến bò thêm. Và nó nhổ lưng. Hắn bí mật bẻ đối ngón tay kêu đánh “cốp” đúmg lúc con bé kéo lưng hắn.

Đứa con gái thích thú reo lên:

– Kêu nhỉ! Bố nhỉ!

Hắn thở dài đau đớn. Những năm tháng tươi đẹp nhất của hắn không còn nữa, đã bị giết chết rồi. Hắn muốn đánh đổi tất cả để lại có con Thương bé bỏng nằm sấp trên người hắn, ôm lấy hắn, kể chuyện chiếc bánh a-tô.

Hắn muốn lại được giặt quần áo cho nó, móc từ cái túi áo hoa bé tí xíu của nó, lấy ra những sợi len vụn nhiều màu, những mảnh giấy gấp vuông ván, những mẩu lá khô, những mảnh vải cỏn con. Hắn đặt những thứ ướt đẫm nước ấy lên mặt bể, nhìn ngắm, cười một mình. ôi Con tôi. Những thiên thần. Thế giới của con kỳ diệu biết bao, thần tiên biết bao. Không một người lớn nào có thể xâm phạm tới.

Những mảnh vụn của lá, của giấy, của vải không hồn trước mặt hắn sẽ có cuộc đời, có trò chuyện, có yêu ghét, giận hờn khi bàn tay xinh xinh của con hắn chạm tới. Hắn nhìn nghiêng con gái. Nó ngồi ở đầu bàn, nhường phần giữa bàn cho anh. Ngọc bảo hắn: Con Thương rất ngoan. Trông em, đi chợ, rửa bát, xếp hàng mậu dịch mua thực phẩm…

Con Thương chịu thương chịu khó, nhường nhịn, quán xuyến mọi việc, giúp đỡ mẹ khi hắn vắng nhà. Hắn muốn gọi con Thương ra giường, cầm tay nó, vuốt đôi vai non nớt của nó đã sớm phải gánh chịu.

Và hắn hiểu rằng không thể nào có được quãng đời trước nữa rồi.

Hắn khẳng định được bằng thực tế mất màt mà hắn nghĩ đến trong tù. Những mất mát đối với người ngoài là không đáng kể, thậm chí khó hiểu hoặc rất bình thường, nhưng với hắn là nỗi đau không thể nào hàn gắn được. Đó là điều hắn đã nói ở nhà bố mẹ Phương: Kinh nhất là các con mình cứ lớn lên, cứ khác đi trong khi mình không ở bên cạnh chúng. Có tiếng “tút! , “tút” từ chiếc loa công cộng ngoài Ngã Bảy vọng vào cắt ngang dòng suy nghĩ của hắn, kéo hắn tới một thế giới khác. Đã chín giờ. Hắn nghĩ tới trong ấy. Trong ấy bây giờ là giờ mắc màn đi ngủ. Hắn trở về trong ấy. Hắn trở về những lòng chảo giữa rừng xa xôi, tối tăm, heo hút. Bốn tối trước hắn còn ở đấy. Bên cạnh là già Đô. Già Đô nằm, còm cõi. chòm râu bạc chĩa lên đình màn. Ai nằm vào chỗ hắn cạnh già. Hẳn già đang nghĩ đến hắn đã được tự do, đã về với gia đình. Lượng, Cân, Voòng Kỷ Mình và các anh em trong toán hẳn cũng đang nghĩ về hắn. Họ nghĩ về hắn là họ nghĩ về họ, về số phận của họ. Họ mong đợi có một ngày như hắn.

Giang thì chưa biết hắn được tha. Lúc này Giang có thể không nghĩ về hắn. Vì Giang còn ở lại trại Q.N. Hắn xa Giang đến nay đã gần một năm. từ hôm tù số lẻ chuyển đi.

Hôm ấy trại như một đàn ong vỡ tổ. Vỡ tổ nhưng hoàn toàn im lặng. Im lặng hơn bất kỳ một sáng nào khác. Các buồng giam cánh tập trung hình sự, cánh tù án cửa đóng im ỉm. Chỉ có những buồng giam anh em tập trung chính trị được mở. Mọi người xếp hàng đôi định bước ra, nhưng ông quản giáo đứng chắn ở phía ngoài ra hiệu đưng lại. Kông chỉ một ông Quân, mà những ba ông quản giáo. Cả ông Lâm, chánh giám thị. Các ông quản giáo tra danh sách, gọi tên từng người. Mang hết nội vụ ra. Ngơ ngác. Không phải tha rồi. Tha sao lại đông thế này? Đi! Đi đâu? Vì sao phải đi? Vì sao lại dồn đi đông thế Và vì sao vẫn còn một số khá đông số lẻ ở lại? Cửa lại đóng. Lại khóa. Lại nhốt. Người ở ngoài, người bên trong nhìn nhau qua song cửa. Và vẫn im lặng. Im lặng đánh răng, rửâ mặt. Im lặng đặt bát xuống đất chia mỳ bên đống nội vụ ngổn ngang. Im lặng ăn muôi mỳ muối.

ăn xong, rửa bát xong mà các cửa buồng vẫn đóng im ỉm. Anh em ở lại bu vào các cửa sổ sàn trên, sàn dưới nhìn ra như những đám ong bu vào lỗ hổng. Hắn nhìn sang buồng giam toán mộc tìm Giang. Kia rồi Giang Cặp mắt sắc và đôi môi mỏng của Giang nhìn hắn. Khi hắn ôm hòm, khoác chăn, xách túi (già Đô đã mang cho hắn rất nhiều thứ rồi đấy) xếp hàng ra cổng, nghe như có tiếng Giang gọi hắn. Hắn gật đầu chào Giang. Những cặp mắt gọi nhau trong im lặng. Người đi cũng như người ở lại, lo lắng, bồn chồn, héo nẫu.

Hắn bước xuống bậc cấp, qua cổng. Hắn đi hàng đôi bên cạnh già Đô. Trước mặt hắn là một đôi khác: Lê Bá Di và Dự, hai ô số tù đỏ in trên hai lưng áo gù gù bạc trắng. Đi đâu? Tù bao nhiêu năm rồi vẫn còn phải đi. Vậy đến bao giờ mới được về? Máy bay Mỹ còn bắn phá. Tình hình xã hội biết bao giờ ổn định. Hẳn còn rất gay go. Tuyệt vọng. Im lặng. Cam chịu đến lì lợm. Không cả một tiếng thở dài. Đi vì không thể đứng lại. Đi vì hàng trăm người trong đoàn cùng đi. Đi như định mệnh. Đi như số phận. Như cuộc đời mình là vậy. Cái bút của ông Quân dứ dứ. Đầu cúi, không nhìn thấy, mà chu cảm thấy thế. Tới chỗ ngoẹo suói. Tới sân cơ quan thì dừng. Những chiếc ô-tô tải bịt kín đã chờ sẵn. Vất nội vụ và nhảy lên xe. Khóa tay lách cách. Các ông công an thao tác rất gọn. Hai tù một khóa. Hắn tay phải. Già Đô tay trái. Chất thép lạnh ôm lấy cổ tay hắn tởm lợm. Hắn thấy già Đô nhăn mặt như người buồn nôn.

Thế là xa Giang từ đấy, nhưng vẫn tự an ủi: Còn có già Đô. May sao lên V.Q hắn với già Đô cùng về một toán.

Hắn về. Già Đô suy nghĩ nhiều. Già ăn với ai? Già tù bao lâu nữa. Bà Jeannette chắc lấy chồng lâu rồi. Già cũng nghĩ vậy. Già tự trách mình đã có lỗi với bà, với cô con gái. Chúc già luôn nàm mơ thấy Marseille, thấy vợ, thấy con.

“Đây là buổi phát thanh Quân đội nhân dân”.

Giọng người phát thanh viên đanh thép hào hùng. Đã chín giờ. Nhanh quá. Lần đầu tiên sau nhiều năm hắn thấy thời gian đi nhanh. Chín giờ. Đó là giờ sợ hãi nhất của một ngày. Mỗi người đều im lặng đơn độc chiến đấu với đêm dài. Như con người ta ai cũng phải im lặng, đơn độc chiến đấu với cái chết. Lại một đêm tới. Một đêm trong ngàn vạn đêm. Biết bao giờ chấm hết. Chín giờ. Ai về chỗ người ấy. Các nhóm sột sệt kết thúc. Cân đã cầu kinh xong, quay ra (tất nhiên Cân đọc kinh thầm trong óc. Cũng như Cân lần tràng hạt bằng cách xoay, bấm từng đốt chiếc nhẫn dóng trúc bằng bạc ở ngón tay).

Ngọn điện tối đi rồi lại sáng. Hai lần như vậy để báo hiệu. Người ra vào nhà mét tấp nập. Tiếng phản kênh bị giẫm lên. Người đu lên tầng trên. Người chui xuống tầng dưới.

Màn mắc. Phía trong buộc vào cái giá để nội vụ. Phía ngoài buộc vào cái sào nứa dùng để vắt khăn mặt.

Ngọn điện lóe lên một lần cuói cùng, rồi tắt hẳn. Chỉ còn ngọn đèn dầu không bóng đặt trên một cái giá gỗ phía trên cửa nhà mét. Khói tỏa ám lên tường, bên dưới nhỏ, phía trên xòe ra thành hình một bó hoa. Một bó hoa màu đen trên tường ngoài nhà mét. Tất cả đã vào màn. Nằm. Không ngủ. Im lặng. Mặc niệm tới gia đình. Những cái màn sóng nhau. Trong mỗi màn là một người nằm duỗi dài nhắm mắt như trong một chiếc quan tài.

Tất cả nằm, trừ Sơn.

Sơn đứng ở cửa nhà mét, hai tay khoanh trước ngực, màt ngước lên nhìn ngọn đèn dầu, nhìn bó hoa màu đen. Sơn cứ dứng như vậy. Rất lâu. Miêng lẩm nhẩm không thành lời, không thành tiếng. Dạo mới vào tù, Sơn béo khỏe. Được ít lâu Sơn sọm đi. Sơn là kỹ sư ở cảng. Sơn dính vào vụ đánh quả béc vòi phun, anh-giếch-tơ gì đấy. Sơn bị ba năm. Sơn không chịu được những lời “chích ” của cánh tập trung hình sự, đi đến choảng nhau. Sơn thân cô thế cô. Ngày nào cũng bị đòn. Thế là Sơn phải chuyển toán. Từ toán mộc, Sơn sang toán hắn. Toán hắn nhiều người già không hay gây gổ. Sơn đứng làm gì mà mắt cừ đăm đăm, thành kính ngước lên bó hoa đen ấy. Có lần hắn bảo Sơn khi hắn từ nhà mét đi ra:

– Thôi, đi ngủ đi. Muỗi nó khênh đấy.

Sơn nhìn hắn như nhìn một người lạ lẫm không quen biết. Rồi lại ngước nhìn đăm đăm lên bó hoa đen.

Mãi về sau hắn mới biết Sơn là cháu một người hắn quen. Quen và có những kỷ niệm. Một phụ nữ rất yêu hắn. Thảo nào hắn thấy như đã gặp Sơn ở đâu rồi.

Có hôm Sơn đứng như vậy từ sớm. Những người lục tục trở dậy đi vào nhà mét đã thấy Sơn đứng đó. Họ tránh để khỏi chạm vào Sơn, để Sơn khỏi đứt dòng suy nghĩ. Họ tránh Sơn như tránh một cây cột mới trồng giữa lối đi.

Sơn nói gì? Nghĩ gì? Thần kinh? Tập luyện? Nào ai biết. Nhưng tất cả đều cho rằng Sơn hỏng mất rồi. Hắn không ngủ được. Hắn còn thức nghe tiếng thở căn buồng của hắn. Hắn nhìn lên tường nhà. Bóng cây xoan từ nhà bên cạnh không còn nữa. Nó không còn khi hắn chưa bị đi tù cơ. Phải rồi. Hắn đã nhớ ra. Hắn đã viết về cây xoan ấy trong một đoạn ký:

Cành xoan vẫn hiện ra, in bóng lao xao trên bức tường mỗi khi hai vợ chồng trẻ tắt điện đi ngủ. Một ngọn đèn đường hắt bóng xoan bên nhà hàng xóm qua cửa sổ mở ào buồng họ. Họ nằm bên nhau, trò chuyện, than thờ, bàn tính cuộc sống và yêu nhau bên bóng xoan luôn lay động trên tường. Thế rồi một hôm tắt đèn đi ngủ, người vợ nằm xuống bên chồng, bỗng thấy nhà mình sao khác lạ, như không phải nhà mình nữa. Nàng thấy thiếu vắng một cái gì thân thuộc. Và nàng đã hiểu. Hôm nay không còn bóng xoan trong nhà này nữa. Nàng nhìn quanh vẫn không thấy bóng xoan đâu. Bóng xoan thân thiết, người bạn nàng đặt hết niềm tin cậy, đã nghe mọi chuyện riêng tư, bí mật của vợ chồng nàng, đã nhìn nàng nằm cạnh chồng nàng. Người bạn tin cậy mà nàng đã cho nhìn ngắm thỏa thích thân hình nàng. Có lúc nàng còn đứng lên, nhìn bóng mình rõ như cắt giữa đám lá xoan quấn quít xung quanh, in cả trên người nàng, trên thịt da nàng, lao xao vì gió thổi. Nàng như nghe thấy cả tiếng rì rào, mặc dù vẫn hoàn toàn im lặng, chỉ có đôi mắt của chồng nàng say đắm chiêm ngưỡng nàng. Nàng đã xoay người để in bóng nhiều góc độ lên bóng xoan, vì chồng nàng thích thế. Bóng xoan đã chứng kiến nàng ân ái cùng chồng, đam mê và hạnh phúc.

Phải rồi, hôm nay thiếu mất bóng xoan, thiếu người thứ ba trong căn buồng của vợ chồng nàng, người thứ ba chỉ khi tắt đèn đi ngủ mới tới, xôn xao trước hạnh phúc của nàng, người bạn thủy chung, đem vào theo trời đất đêm khuya, khiến nàng có cảm giác thoát khỏi thành phố chật chội, thoát khỏi những lo toan hàng ngày, đang cùng chồng nằm giữa thiên nhiên, có sao trời cây cỏ, có gió lùa giữa khoảng không. Hôm nay chỉ một ô vuông của ánh đèn đường. Nàng ngơ ngác hỏi chồng: “Cây xoan đâu rồi anh. ” Chồng nàng ôm lâý nàng an ủi: “Ngưi ta đã đẵn xoan đế lát một cái hầm trú ẩn”, Nàng buồn rầu thấy như chính một phần nàng đã mất đi.

Bình rất thích đoạn ký ấy. Anh “khuếch trương” thêm:

– Viết về chiến tranh phải như vậy. Chiến tranh đi vào từng ngóc ngách cuộc sống con người. Cả trong lúc ngủ. Nổ súng chỉ là động tác cuối cùng.

Không còn bóng xoan nữa. Cái ô sáng hình chữ nhật chết cứng trên tường, không hồn, nhưng vẫn có tác dụng tạo ra một thứ phản quang dìu dịu, giúp hắn nhìn rõ màn của vợ con hắn.

Ngọc, con Thương, bé Dương nằm ngủ trên chiếc giường ba xà. Thằng Hiệp một mình một màn ở gần cửa, ngay dưới sàn. (Hắn nghĩ: Chắc là mọi ngày mấy mẹ con vẫn nằm như vậy).

Hắn nằm ở góc trong cùng.

Hắn nằm và nghĩ ngợi.

Hắn nghĩ tới hơn một ngàn đêm trong tù hắn đã trải. Những đêm xà lim 76, cuộc đời bị chém ngang, vết chém tươi máu, máu chảy như không bao giờ cạn từ trái tim hắn, trái tim nàng, trái tim bố mẹ già tưởng đã cạn máu lâu rồi. Máu chảy từ đôi mắt các con thơ. Máu chảy từ những trang giấy hắn viết nám trong két sắt an ninh. Những đêm xà lim 75 kín mít trong một hộp bê-tông. Về mùa lạnh, lạnh buốt ruột. Về mùa nóng lại càng khủng khiếp. Hắn trần truồng gối đầu lên cùm sắt. Để đỡ đau đầu, hắn trảí lên đó một cái quần đùi. Không thể nằm xuôi. hắn đành nằm ngược như vậy. Phản gỗ xà lim vừa hẹp vừa ngắn, lại có cái cùm sắt cộm lên ở một đầu. Nằm xuôi phải ghếch chân lên cùm. Chân mỏi và rất đau, nằm lâu không chịu nổi. Thay vì cho chân vào cùm, hắn gối đầu lên cùm. Đó là tư thế có thể chấp nhận được.

Nhưng dù ở tư thế nàọ cũng phải để ý khi giở mình. Phản nằm quá hẹp, giở mình ra phía ngoài là rơi xuống đất. Giở mình vào phía trong, mặt, đầu gối đập ngay vào tường vẩy cách âm, lổn nhổn những con ốc xi-măng nhọn hoắt, điếng người. Muốn giở mình an toàn, phải nhấc người lên một chút, nhích chuyển người một chút, rồi mới lật nghiêng đi. Lâu dần thành phản xạ, hắn làm được như vậy cả trong lúc ngủ. Hắn nằm, gối đầu lên cùm và nghĩ tới người tử tù nằm ở xà lim chênh chếch phía bên kia phải cho chân vào cùm. Thỉnh thoảng hắn lại hét to, hỏi Đỗ, người tử tù bên ấy:

– Ngủ chưa?

– Chưa.

Tiếng Đỗ đáp xa xăm. Vì Đỗ nằm quay đầu về phía tường xa, chân Đỗ trong cùm ở phía cửa, phía hành lang. Chân Đỗ quay về phía hắn. Sau nửa năm xà lim 76, hoàn toàn im lạng, sang xà lim 75 được đối thoại. Tỉnh người. Dù là bên này nói vọng sang bên ấy.

– Hát lên đi.

– Cửa nhà bán hết i i… a cho chân vào a a a. Cùm!

Tiếng Đỗ ê a vọng sang vẫn xa xăm như vậy. Cả tiếng cười sau đó cũng xa xăm như vậy. Hắn biết Đỗ vẫn nằm mà hát, mà cười. Nếu Đỗ ngồi, tiếng Đỗ nghe gần hơn một tý. Được nói với đồng loại, được nghe tiếng đồng loại, dù đồng loại ấy đã mang cái chết trong mình, đang đợi giờ phút nhận những viên đạn vào ngực để về với đất, vẫn hơn là nói với bóng đêm, nghe tiếng của bóng đêm.

Khi mới chuyển sang xà lim 75, lần đầu tiên trông thấy Đỗ, hắn ngơ ngác. Ông quản giáo mở cửa xà lim của hắn, hắn cầm bô, cầm khăn mặt bước ra hành lang nhập bọn với mấy người đang đứng chờ ông quản giáo đi vào mở xà lim phía trong cùng. Một người mặc quần áo sọc – bộ quần áo tù cổ điển, đúng quy tắc – bước ra. Người ấy cúi đặt bô xuống đất và nhanh nhẹn cầm cái xiềng (lúc ấy hắn mới để ý đến đống xiềng xích để ngay cửa xà lim) thành thạo, thuần thục, bấm vào chân mình đánh “tách” rồỉ cầm tiếp cái khóa vòng ở đầu xích bên kia bấm vào cổ chân còn lại: “tách”. Chưa hết. Đỗ, người ấy là Đỗ, cầm sợi xích sắt giữa hai cổ chân kéo lên, buộc vào dải rút quần. Đỗ đi đến đâu loảng xoảng đến đó, như Jean Valjean trong nhà tù kín, đeo nhạc trên người.

Đấy là lần đầu tiên hắn nhìn thấy cái xiềng. Và cũng lần đầu tiên hắn thấy một người tự xiềng mình gọn gàng, thuần thục như vậy.

Đỗ râu ria như hắn râu ria, pi-gia-ma sọc, cầm bô ngang người, khóa hai chân, xích sắt va đập loảng xoảng cùng hắn đi đổ bô. Từ nay hắn đã có bạn: Bạn đi, bạn về. Từ nay hắn không cô độc nữa. Đỗ bao giờ cũng làm vệ sinh lâu hơn hắn. Vì Đỗ còn phải làm thêm một việc: Giặt cái giẻ chùi đít.

Miếng giẻ nâu băng bao thuốc lá. Đỗ vò, vắt khô, để trên nắp bô lật ngược cho khỏi rơi. Hôm nào tắm, Đỗ được mở xiềng ở bể. Đống xích và khóa nằm gọn ngoài sân. Tắm xong, Đỗ lại cúi xuống “tách “, tách”. Rồi lại buộc dây xiềng lên dải rút để nó khỏi kéo lê trên đất. Đỗ cùm về đêm. Ngày xiềng. Cổ chân Đỗ rời xiềng là cho vào cùm, nên đen bóng như sừng, như vai trâu.

Hắn ở với Đỗ lâu nhất. Phải đến nửa năm. Đỗ mắc tội giết vợ. Khi còn làm báo hắn đã nghe chuyện. Vậy là Đỗ đã tù đến ba năm. Hắn cứ tưởng Đỗ bị bắn chết lâu rồi. Hóa ra Đỗ vẫn nằm chờ được tha tội chết.

Đỗ là dược sĩ cao cấp đã có vợ, bốn con. Lại có người yêu là dược tá. Vợ Đỗ bị chết. Pháp y mổ, thấy trong tử thi có xianuya thủy ngân. Đỗ bị bắt. Đỗ nhận đã lấy độc dược bảng A này trong kho cho vợ uống.

Đỗ bị tử hình. Xử án xong, tưởng Dỗ bị bắn ngay, cô dược tá về buồng giam, xé màn để tang Đỗ. (Cô bị kết án hai năm tù). Bà quản giáo giải thích thế nào cô cũng không tin.

Chỉ đến khi trại bố trí dân Đỗ đi đổ bô quành qua bê nữ để cô trông thấy, cô mới cất bỏ khăn trắng. Nhưng Đỗ bảo với hắn: Thật sự kho dược của Đỗ chỉ có ôxy xianuya thủy ngân, chứ không phải xianuya thủy ngân. Đó là hai chất hoàn toàn khác nhau. Chất độc trong người vợ Đỗ là ở mấy vỉ thuốc của việt kiều Tân Đảo. Đỗ cùng phái đoàn y tế đi thu theo chủ trương của Bộ

– Mình thấy cái présentation hay, ở dạng vỉ (dạo ấy thuốc dạng vỉ còn hiếm) nên đem về nhà.

Đến đoạn này hắn quên. Đại ý Đỗ nói chữ đóng trên vỉ viết tắt, Đỗ hiểu là thuốc đau bụng. Đỗ cho vợ uống.

Muốn gì thì cũng do mình nên vợ chết. Đỗ cam chịu mọi hình phạt. Đỗ đã viết đơn xin tha tội chết lên Chủ tịch nước. Đỗ hy vọng sẽ được tha tội chết. Ban ngày xiềng, Đỗ được đi lại trong xà lim, Đỗ thò khuôn mặt râu ria ra cái ô nhỏ có chấn song như một ghi-sê ở cửa xà lim, nói chuyện với hắn. Hai người đứng rất giỏi. Phải cúi khom khom vì ô ghi-sê thấp, mà đứng được từ sáng tới lúc quản giáo mở khóa cho nhận cơm sáng.

Được đối thoại, được nghe, được nói, được trao đổi, được than thở, được trút nỗi niềm, được nhận một lời đổng cảm, dù là vẫn ở cách xa nhau, mỗi người một xà lim riêng biệt, sao mà hạnh phúc. Nghĩ lại nửa năm nhà mồ 76 hắn rợn người.

Trò giết thời gian được nhiều nhất là đánh cờ với Đỗ. Đôi bên kêu to như kiểu đánh tổ tôm điếm. Xa bát bình ngũ. Mã lục thoái tứ. Tốt tam tiến nhất. ở 76 hắn dánh cờ một mình. Cấu những mảnh vỏ cam thành những chữ M (mã) T (tốt)… úp mặt vỏ cam đỏ lên làm quân đỏ, lật mặt cùi trắng lên làm quân trắng. Hắn đánh cả hai bên. Cũng pháo đầu mã đội, tiến công. Cũng lên tượng thế thủ. Cũng pháo tuần hà rình bắt xe. Cũng xuống xe cản tượng, nổ chiếu bí. Những nước cờ thuộc lòng. Đi nhanh như máy. Kết cục các ván cờ đều hòa. Hắn chẳng làm sao lừa nổi hắn. Không biết có ai tự lừa dối được mình không, chứ hắn thì hắn chịu.

Sang xà lim 75, hắn có người để đấu trí. Hắn có người để lừa, để bị lừa, để nghĩ, để thoát khỏi thế bí, để phản công. Bên xà lim hắn, bên xà lim Đỗ đều có quân, xướng quân nào đi quân ấy. Nhưng Đỗ đánh thấp, hắn cứ thắng luôn. Cũng mất đi một phần thú vị.

Chiều đến, khi ông quản giáo vào mở khóa lần cuối cùng trong ngày là hắn buồn. Hắn đưa bát đũa ra ngoài và nghe từ bên xà lim Đỗ hai tiếng “tách” mở khóa xiềng, tiếng sập cùm, tiếng khóa cùm, rồi tiếng vứt xiềng ra ngoài hành lang, tiếng khóa xà lim

Đỗ tiếng gióng sắt xoang xoảng ngay đầu hành lang, lối đi chung vào dãy xà lim của bọn hắn, tiếng xoang xoảng của gióng sắt cửa, phía ngoài sân xê-rom… thì hắn buồn. Hắn không được nhìn thấy mặt Đỗ thò ra cửa ghi-sê nữa. Đỗ bị cùm rồi. Tiếng Đỗ bỗng trở nên xa xăm:

Cửa nhà bán hết i i a… cho chân vào a a a, cùm.

Quanh đi quẩn lại Đỗ chỉ hát có mỗi câu ấy.

Một mình hắn đối diện với đêm dài. Hắn nói vọng sang với Đỗ.

– Ngủ chưa?

Khuya rồi hắn cũng gọi sang.

– Chưa.

Tiếng Đỗ vọng lại. Hắn gọi to:

– Nghe mình hát nhé

Hắn hát. Những bài hát thời Thiếu nhi Cứu quốc Hội. Những bài hát thời kháng chiến. Những bài hát thời hòa bình. Nhưng dù có cố thế nào cũng chẳng sao trốn được đêm dài xà lim đang chờ đợi hắn. Hắn mắc màn. Cái màn to rộng, màn cưới của vợ chồng hắn, dùng đã mười năm rồi, hắn túm tụm lại cho vừa sàn xà lim.

Đầu gối lên cùm sắt gỉ han

Màn cưới rách xà lim trò chuyện

Màn cưới cũ tàn dần kỷ niệm

Thơ của hắn đấy. Đến kỷ niệm cũng tàn. Thật là buồn nản. Hắn nằm, đầu gối lên cùm, sau khi đã để sẵn mảnh sắt tây – một nửa vòng tròn ống bơ sữa bò ở vị trí thuận tay. Nằm chờ trong bóng tối. Bóng tối xà lim thì ghê gớm lắm. Hình hộp. Có thể xắt được từng lát như thạch. Hắn nằm trong bóng tối xà lim chờ rệp đốt.

Không phải đợi lâu. Từng đàn rệp ngửi hơi người kéo nhau ra ngay. Mặc cho nó đốt. Nhay nháy. Có con còn như rứt một tý thịt. Cứ nằm yên. Xác định đúng tọa độ rệp. Nghĩa là nó ở khe gỗ nào, quãng nào. Khẽ cầm mảnh sắt tây ống bơ, đưa thứ vũ khí hủy diệt ấy lại gần khu vực có rệp, rồi như một nghệ sĩ xiếc uốn dẻo làm sao đưa mảnh sắt tây đúng dọc khe có rệp mà vẫn giữ nguyên người mình ở nơi rệp cắn, để các vị cứ yên tâm xài tới số. Rồi rất nhanh, nhỏm dậy lia mảnh sắt tây đến tọa độ chết, siết đi siết lại. Kiểm tra kết quả bằng cách cúi xuống ngửi: Mùi bọ xít nồng nặc là đại thắng.

Lại nằm. Chờ một đám khác. Không lâu dâu. Rệp nhâu nhâu. Đấy. Lần này những hai chỗ. Một ở bắp chân. Một ở bả vai. Chỗ bả vai là khó diệt đây, vì gần tay cử động…

Cứ như vậy tới khi mệt quá thì thiếp đi. Cho các cậu thoải mái dùng bữa… ở xà lim thật khổ đủ mọi đường. Khổ rệp. Khổ muỗi. Khổ mùa đông, khổ mùa hè, nóng khổ, rét khổ, tắm khổ, thở khổ, nhìn khổ, khổ cô đơn, khổ thiếu ánh sáng và khổ vì không có lửa hút thuốc lào. Có khi hết diêm cả tháng. Mà ở xà lim không có diêm hút thuốc lào vặt còn biết làm gì nữa.

Hắn cầm que diêm cuối cùng ra cửa gọi vọng sang xà lim bên kia:

– Đỗ ơi Ra xem mình hút thuốc lào này. Đỗ thò mặt ra cửa ghi-sê. Đỗ cũng nhịn thuốc mõm mòm rồi. Ba que diêm hắn nhờ ông quản giáo chuyển cho Đỗ ctĩng đã cách đây mấy hôm rồi.

– Thèm không?

Hắn trêu Đỗ. Hắn giơ cái điếu tự tạo bằng vỏ bao diêm lên. Hắn vê thuốc bỏ vào nõ. Hắn giơ que diêm cho Đỗ trông thấy. Hắn gại gại que diêm vào bao cho nóng. Đỗ cười:

– Hút đi. Thở khói mạnh sang bên này cho mình ngửi với.

– Buồn cười nhỉ. Hút thuốc lại bảo thở khói. Nuốt hết đấy. Đừng hòng ngửi khói của mình.

Đỗ vờ vĩnh nài nỉ:

– Nuốt một nửa thôi. Thở sang bên này cho mình một nửa.

Hắn làm ra vẻ mềm lòng:

– Thôi được. Dành cho cậu một phần tư. Một phần tư là quá lắm rồi.

Hắn bật que diêm. Đỗ cười khinh khích:

– Hút đi. Bạn hút cũng như mình hút.

Xòe que diêm cháy bùng. Hắn đưa que diêm vào nõ điếu. Nhưng hốa ra ở cái ô cửa ghi -sê có một luồng không khí hút qua. Rất nhẹ, nhưng cũng đủ làm tắt que diêm. Que diêm tắt ngay trên mồi thuốc. Hắn chưng hửng. Đỗ cười phá:

– Hút hàng thế. Nuốt hết cả lửa à?

Hắn cũng cười và hút cái hơi thuốc hôi hôi trong điếu vào mồm cho đỡ nhớ.

Một buổi chiều, khi quản giáo đã mở cửa xà lim để đưa bát đũa rếch ra ngoài, ca khu vực xà lim yên ắng như không có người ở, hắn chợt thấy khói. Khói mới đầu nhạt, loãng, về sau đặc dần. Khói trườn từ sân xe-rom ngũ giác – sân trung tâm có mái vòm của năm nhánh xà lim chụm lại – vào dãy xà lim của hắn. Khói cứ bò vào chầm chậm, đặc dần, không mở được mắt. Đỗ lúc ấy bị cùm gọi vọng sang:

– Khói phải không?

– Khói.

– Khói ở đâu thế nhỉ?

– Không biết. Khói lắm.

– Thế này mình thành chuột cống rồi còn gì nữa.

Một lúc sau nghe tiếng ông quản giáo quát ngoài sân xê-rom: “Anh nào làm gì khói thế? Muốn chết hả”. Ông mở khóa xộc vào các dãy xà lim (kể cả dãy xà lim hắn), cuối cùng tìm ra nguyên nhân: Một anh ở dãy xà lim nào đó xé cả nửa cái chăn sợi Nam Định làm nùn giữ lửa. Thì ra chẳng riêng gì bọn hắn hết diêm.

Nhịn thèm nhịn nhạt biết bao nhiêu ngày, một sáng đi đổ bô hắn bỗng nhìn thấy lửa. Chẳng hiểu vì lý do gì ông quản giáo dẫn hai người đi làm vệ sinh theo một lối hắn chưa từng đi. Qua một gốc bàng thì ngoẹo. Rồi qua B nữ. Lần đầu tiên nhìn thấy B nữ. Cũng như những B khác nhưng ngắn hơn. Và biệt lập. Thấy hai người xà lim, một người lại mặc quần áo sọc bị xiềng, tất cả chị em trong B nhất loạt quay ra. Gần chục cháu bé theo mẹ vào nhà giam chạy ùa tới nắm gióng sắt buồng giam, mắt sáng lên nhìn bọn hắn như nhìn những con thú lạ. Chúng không quên cất tiếng chim non ríu rít chào ông quản giáo:

– Chúng cháu chào cán bộ!

– Chúng cháu chào cán bộ

Đi qua B nữ, bọn hắn nhìn thấy lửa. Lửa trong nhà bếp. Lửa rừng rực trong bếp, dưới những vạc lớn. Củi chụm lại bốc cháy đùng đùng. Than hồng như trong suốt. Thật kỳ diệu. Tuyệt vời. Lại có cái điếu cày để bên cạnh. Điếu cày, chứ không phải điếu bằng vỏ diêm vẫn hút. Không ai bảo ai, Đỗ và hắn cùng đứng lại.

– Báo cáo ông đã lâu quá chúng tôi không có lửa hút thnốc. Xin phép ông cho chúng tôi hút một điếu…

Có thể vì vụ khói ở xà lim làm ông thông cảm hay vì dễ tính, ông quản giáo gật đầu. Hai người đặt bô xuống đất, vào bếp. Đỗ hút trước. Móp má kéo cho đã.

Vừa thở khói xong thì lảo đảo và gục xuống. Vì nhịn cả tháng rồi. Lại đói. Tóc Đỗ cháy khét. Hắn vội kéo Đỗ ra. Ông quản giáo hoảng, quát:

– Thôi! Không hút nữa!

Đỗ lờ đờ nhìn ông, vẫn còn say, nên chưa thể tỏ ra được với ông rằng mình biết lỗi. Hắn nằn nì:

– Thưa ông! Tôi ngồi xa bếp

Cuối cùng ông quản giáo xiêu lỏng:

– Hút, nhưng bao giờ tôi bảo thôi thì thôi. Nghe không?

– Báo cáo ông! Vâng

Hắn hút. Bập lửa, kéo.

– Thôi!

Hắn rời điếu, há mồm phà ra: không có tý khói nào.

Ông quản giáo gật gật ra hiệu hút tiếp.

Lại bập bập. Lại kéo. Lại thôi. Lại há miệng. Lại mới chỉ có tý khói nhạt thếch trong miệng Chẳng qua là vì cái điếu cày này to quá. Ba lần hút mới xong điếu thuốc.

Thời gian hắn ở chung dãy xà lim với Đỗ, có nhiều người đến, nhiều người đi. Họ chỉ ở ít ngày. Hắn nhớ nhất một người ở sát cạnh xà lim hắn, có thể gõ tường hẹn nhau nói chuyện.

Tối hôm ấy hắn nghe. tiếng xoảng xoảng của gióng sắt đập vào cánh cửa, từ xa, lại gần. Hắn hồi hộp chờ. Tiếng mở khóa vào sân xê-rom. Rồi mở đúng dãy của hắn. Và tiếng mở khóa xà lim ngay cạnh xà lim hắn. Tiếng chân người. Rồi lại tiếng xoảng xoảng từ gần tới xa. Hàn biết quản giáo đã đi rồi. Hắn biết buồng bên không chỉ nhốt bóng tối nữa. Buồng bên đã nhốt người. Hắn gõ vào tường. bên kia có tiếng gõ lại. Thế là bắt đầu một cuộc chuyện trò.

Hắn ra cửa hỏi người “hàng xóm” mới chuyển đến liền bên:

– ở đâu về”

Bên kia đáp:

– Sơn Tây.

Tiếng Đỗ xa xăm:

– Bộ đội à?

Bên kia dáp:

-Vâng

Hắn:

– Bị lâu chưa?

Bên kia đáp: .

– Mười sáu tháng rồi.

Tiếng Đỗ xa xăm:

– Trên ấy khá không?

Bên kia đáp:

– Khá

Hắn:

– Người nhà có hay đến thăm không.

Bên kia đáp:

– Mẹ em tháng nào cũng đến. Tiếp tế cho nhận hết.

Tiếng Đỗ xa xăm:

– Nhà giam quân đội mà.

Hắn:

– Về đây xử à?

Bên kia đáp:

– Vâng

Tiếng Đỗ xa xăm:

– Thế là xử bên Hòa An đấy.

Người mới đến dặn hắn:

– Sáng mai em để cái điếu cày bằng đất nung dưới cái chổi. Các anh cầm chổi làm vệ sinh thì lấy luôn nhé.

Người tù mới đến ở với bọn hắn ba ngày. Anh ta còn quá trẻ: Mười chín tuổi. Qua trò chuyện, hắn lập hồ sơ người bạn mới: Còn bé ở nhà chăn trâu, đi học. Mười bảy tuổí đi bộ đội (tuyển quân vay một tuổi). Huấn luyện ba tháng ở Yên Tử. Rồi đi B. Đã đánh nhau vài trận. Nhiều người chết quá. Sợ. B quay. Đồng đội đuổi theo. Bắn chết đồng đội. Bị bắt. Bị giam ở nhà tù quân đội Sơn Tây. Trên ấy đối xử tốt. Được đi lao động.

Ba ngày sau, người ta đưa đi xử (xử ở tòa án quân đội bên Hòa An. Đúng như Đỗ nói). Ngày ấy chắc xử nhiều tù. Đỗ lại phải cho mượn bộ quần áo tù sọc sọc (trại cũng chỉ còn ít bộ pi-gia-ma cổ điển, đúng quy tắc này để phạm nhân mặc ra tòa và cho những người án tử hình như Đỗ). Bộ quần áo thay đổi của Đỗ mới giặt, chưa khô. Hôm ấy Đỗ đánh độc một cái quần đùi, ngồi trong xà lim như một con cóc cụ.

Đến tối mịt, hắn mới nghe tiếng gióng sắt va đập vào cánh cửa sắt. Từ xa. Lại gần. Xoang xoảng. Rầm rầm. Tiếng mở cửa xà lim của hắn. Tiếng mở khóa xà ìim bên cạnh. Hắn căng người chờ đợi, nghe ngóng. Sau khi anh ta bị đưa đi xử, hắn và Đỗ đã thảo luận về mức án của anh ta. Tử hình? Chung thân? Hai mươi năm?

Hắn nghe thấy tiếng chân anh tù trẻ bước vào xà lim. Và cả tiếng chân ông quản giáo vào theo. Hắn choáng váng vì bước chân vào theo ấy. Đó là bước chân của cái chết. Bởi vì nếu án hai mươi năm hay chung thân, ông quản giáo chỉ đứng ngoài khóa xà lim thôi, không phải vào để đóng cùm. Hắn cảm thấy hết sự im lặng màu đen của người chết nằm dưới mộ. Không còn ai sống nữa. Đỗ đã chết nằm trong mộ bên kia. Anh tù trẻ chết ở mộ bên cạnh. Hắn thở khe khẽ trong bóng đen đặc quánh ngôi mộ của hắn.

Nhưng hắn vẫn cố hy vọng. Có thể ông đi vào vì một việc gì đó. Và hắn nghe thấy tiếng sập cùm. Thế ìà hết. Tiếng khóa cùm đánh tách như tiếng ai bóp cò súng mà viên đạn thối. Hắn thấy lạnh buốt ở ngực.

Chỉ những người án tử hình mới phải cùm như vậy.

Hắn nhớ đến lần đi xem bắn hai tên cướp ở Thái Nguyên. Ven một rừng thông. Một tên già. Một tên trẻ. Cả hai bị trói chặt vào cọc. Tên cướp già răng đen, cố giãy giụa. Tên cướp trẻ hoàn toàn như một cái xác, rũ xuống vì quá kinh hoàng trước cái chết.

Đang là thời chống Pháp, án thi hành vào buổi. Dưới ánh đèn bão, hắn thấy sáu người giơ súng lên. Những tia lửa xanh lẹt lao tới người bị hành hình thì biến mất. áo họ bỗng nhiên rách toang. Ngực vỡ ra. Đầu ngoẹo về một bên. Một người cầm súng lục bước lại gần những cái xác còn đang bị trói, bắn thêm vào thái dương mỗi người một phát đạn. Viên đạn hất đầu họ ngoẹo từ bên này sang bên kia. Đó là viên đạn bắn bồi, viên đạn nhân đạo, chấm dứt sự đau đớn, viên đạn bảo đảm rằng bản án đã được thi hành.

Hắn nhớ lại những điều ấy và lại lấy tay xoa lên ngực.

Im lặng rất lâu dù ông quản giáo đã đi ra. Dù Thần Chết dường nhu không còn ở đây nữa. Hắn và Đỗ không dám nói chuyện với nhau. Rồi hắn nghe thấy tiếng khóc thút thít. Và tiếng nghẹn ngào: “Mẹ ơi” Tiếng rên tuyệt vọng mới ghê gớm làm sao. Nó làm hắn thấy rõ sự ưu việt của hắn. Hắn vẫn đứng ngoài vòng, vẫn mang cuộc sống trong người, còn có cuộc đời chờ đợi ngoài kia. Khác với hai người đã mang trong mình cái chết. Thần Chết đã đánh dấu. Chỉ còn chờ vung lưới hái lên thôi.

Thế rồi bỗng có tiếng gõ vào tường. Hắn gõ lại.

Nhịp nhanh. Vội vã.

– Em bị tử hình, các anh ơi!

Tiếng anh ta bỗng trở nên xa xăm, điệu xa xăm quen thuộc của Đỗ, của người bị cùm, đầu quay về mãi phía xa. Điệu xa xăm của người đã là của đất, tuy còn nơi dương thế, nhưng đã thnộc về cõi âm rồi.

Hắn im lặng. Biết nói gì với anh ta?

Tiếng Đỗ xa xăm vọng về:

– Không bắn ngay đâu. Mình đây này: Còn sống ba năm nữa đây này.

Đỗ đã giúp hắn. Đỗ biết phải nói gì với người nhận án tử hình.

Hắn phát triển thêm ý của Đỗ:

– Còn được làm đơn chống án cơ mà.

Tiếng anh tử tù xa xăm:

– Các ông ấy cũng bảo em làm đơn chống án. Nhưng không biết có ăn thua gì không?

Tiếng Đỗ xa xăm vọng về:

– Phúc thẩm có y án, còn được làm đơn lên Chủ tich nước xin tha tội chết. Có làm đơn chống án nhớ nói đi bộ đội năm mười bảy tuổi. Nhớ nói bị vay tuổi.

Hắn:

– Mai xin giấy làm đơn ngay đi.

Tiếng đáp xa xăm:

– Vâng.

Tiếng Đỗ xa xăm vọng về:

– Nhớ nói chnyện vay tuổi. Có thể được xét đấy.

Trong đời, hắn chưa bao giờ tha m gia một cuộc đối thoại nào lạ lùng ghê gớm như thế. Hắn hình dung Đỗ và anh lính trẻ, hai người hai đầu, chân bị cùm chặt đang ngồi nới với bóng tối. Hắn đứng ở giữa. Dạo mới chuyển sang đây hắn cũng đã thử nhấc cái cùm lên, đặt cổ chân vào cái lỗ tròn khoét giữa miếng gỗ lim vuông vức bên dưới và sập cùm xuống để biết cảm giác bị cùm. Đêm ấy hắn cũng làm như – vậy để thông cảm với hai bạn tù, bụng nghĩ: “Thế là cả dãy đều cùm. Cùm một trăm phần trăm”.

Im lặng. Lâu. Lại có tiếng gõ. Hắn gõ lại ngay.

– Sáng mai, lúc đi đổ bô, em để cái bánh bẻng dưới cái chổi, anh lấy mà ăn nhé. Bọn bạn nó cho nhiều lắm. Mà em có ăn được đâu.

Đúng là những ngày ra tòa thì bành. Gia đình cho ăn. Bè bạn cho ăn. Nhưng sao nuốt được. Anh ta chỉ có bánh bẻng, chứ không có cơm nếp. Vậy là gia đình không có mặt.

Hắn lại tháo cùm ra cửa đứng chờ. xem anh ta có nói gì nữa không? Có gõ vào tường nữa không. Nhưng im bặt. Hẳn anh ta đang nằm nghĩ đến phiên tòa, đến cuộc đời ngắn ngủi của mình. Đến mẹ. Đến làng. Đến tuổi ấu thơ. Thời đi học. Đến nỗi sợ hãi trong rừng Trường Sơn. Đến lúc ra trường bắn.

Chờ mãi. Vẫn im lặng. Đỗ cũng chẳng nói gì. Đứng cho đến khi máu dồn xuống hai chân, hắn quay vào mắc màn. Trong xà lim không có đinh. Chỗ treo dây màn là một lỗ tròn bằng ngón tay khoét vào tường xà lim. Đặt dây màn vào trong lỗ. Rồi lấy giấy ấn vào đó làm thành một cái nút giữ màn. Hắn sờ mò bốn cái lỗ trong bóng tối xà lim. Và tìm ra ngay vì đã quá quen thuộc. Chui vào màn. Không ngủ. lm lặng. Như hai người kia. Không ngủ. Im lặng.

Hơn ngàn đêm tù mới có một đêm vui. ấy là một đêm ở V.Q. Dự vớ được một con chuột leo bằng cái chuôi dao. Chuột đực, choai choai. Dự rất sát chuột. Nói chung, Dự sát các loại chuột, thằn lằn, rắn. Chẳng mấy con thoát khỏi tay Dự. Nhóm nằm gần nhà mét, tầng trên phải tán tỉnh mãi Dự mới đồng ý cho thuê con chuột ấy với giá một véo thuốc lào. Dự sợ mất. Cả nhóm phải đảm bảo với Dự sẽ đền một bao thuốc lá Tam Đảo, một thứ ngoại tệ mạnh trong tù. Trước tiên là chiêu đãi Dự tại chỗ hai điếu thuốc lào.

Bằng một thanh nứa khô và một ít chỉ, một anh tù nguyên là thợ điện đã chế tạo luôn một thứ dụng cụ để con chuột vẫn sống, vẫn mạnh khỏe mà không phải cầm vào nó, và mình vẫn hoàn toàn cách điện. Tay trái anh ta giơ con chuột bị treo ngược lên cao, gần chỗ hai dây điện chạy song song ở giữa buồng giam. Một khúc dây điện ngắn đã được ngoặc vào dây trực.

Anh ta gí đầu dây kia vào con vật. Nó giãy giụa. Nó kêu váng buồng giam. Mọi cặp mắt đều hướng về phía con chuột:

– à! Mày còn định chống đối hở?

Anh thợ điện đi tù vì tội đánh quả công-tơ của xí nghiệp lại nín thở, thận trọng đưa một đầu dây điện vào mình con vật. Vừa chạm nguồn điện, con chuột tung vọt lên cao, phi thân như chớp, rồi giật xuống, đánh đu, lồng lộn, giãy giụa trên sợi chỉ xe treo thõng, thét những tiếng chin chít man rợ.

Anh thợ điện cười khoái trá, không ngờ trò chơi này lại thú vị như vậy. Chung quanh anh bao nhiêu cặp mắt sáng lên tò mò thích thú.

Tất cả tù xô về phía cửa nhà mét. Một anh thét:

– Gượm. Để lập phiên tòa xét xử cho nó đàng hoàng.

Đám dông reo hò. Những lời hưởng ứng thật muôn hình muôn vẻ.

Sự nhất trí cao ấy lại đẻ ra vấn đề mới khi một người hỏi:

– Ai làm chánh án

ừ nhỉ. Đã có tòa phải có chánh án chứ. Một giọng Nghệ An nằng nặng, nhưng rất du dương.

– Dự đâu? Dự bắt được chuột đệ Dự làm chảnh ản.

Lý do ấy thật giàu sức thuyết phục. Tiếng reo:

– Chánh án Lê Văn Dự. Hoan hô!

Mọi cặp mắt đổ dồn vào Dự. Nhưng Dự ngượng nghịu giãy nẩy:

– Tôi không làm chánh án đâu.

Một người đnh đạc bước ra khoảng trống giữa sàn, bệ vệ ngồi xuống. Râu hùm, hàm én, sát khí đằng đằng, anh ta xếp bằng tròn, úp hai bàn tay lên hai đầu gối. Đó là Vũ Lượng. Cách đi ấy, cách ngồi ấy, nét mặt ấy của Lượng khiến mọi người hiểu rằng đích thị chánh án đây rồi.

Sau khi uy nghiêm nhìn lướt cử tọa một lượt, Lượng hắng giọng, cất tiếng sang sảng:

– Hôm nay mở phiên tòa công khai, xét xử tên Chí Văn Chuột, tuổi ba tháng. Theo cách tính tuổi của chuột thì tương đương với hai mươi bốn tuổi của người. Tức là đã đến tuổi trưởng thành, can tội…

– Tội phá hoại!

Lượng cao giọng:

– Tội xâm phạm tài sản công dân, gọi nôm là ăn cắp. Sau đây tòa công bố cáo trạng. Cáo trạng này đã tống đạt cho bị can. Hồi hai mươi giờ ngày… tên Chí Văn Chuột đã lợi dụng sơ hở, đột nhập nội vụ anh Chí Lồng Sếnh tha đi một mẩu sắn dài 5 xen-ti-mét, một đầu đã bị chạy nhựta. Khúc sắn này là tất cả gia sản của anh Chí Lồng Sếnh. Là mồ hôi nước mắt của anh Chí Lồng Sếnh, khó khăn lắm mới tạt được trong lúc đi gánh phân nhà bò. Hai ngày sau đó, ngựa quen đường cũ, y lại đột nhập nội vụ của anh Nguyễn Văn Đô, cắn nát túi đựng cơm khô của anh Đô. Nạn nhân đuổi bắt, y còn chống cự, cắn vào ngón tay cái của anh Đô, gây thương tích nghiêm trọng.

Nhiều tiếng thét đầy phẫn nộ:

– Hai mươi năm cấm cố!

– Tập trung cải tạo cho nó chết mẹ nó đi!

– Chung thân!

Một anh phân tích rất dài dòng:

– Tôi đề nghị dành nó một cái bọp. Chỉ có bọp mới khiến nó tỉnh ngộ thôi. Tên này đã mất hết tính chuột. Nó không chỉ ăn cắp của già Đô là người ngoài. Nó ăn cắp của cả người trong họ, cùng dòng họ Chí nhà nó. Thưa quý tòa, chúng tôi đã mở cuộc điều tra. Tên Chí Văn Chuột là cháu ruột anh Chí Lồng Sếnh. Mặt anh ta vênh lên khi tung ra phát hiện mới của minh. Cười òa. Cười đến chảy nước mắt vì mối quan hệ họ hàng nhằng nhịt ấy và nhìn cả vào Chí Lồng Sếnh. Chí Lồng Sếnh cũng cười.

Chánh án cười ngoác đến tận mang tai và cố làm mặt nghiêm hỏi a Sếnh.

– Có lúng (đúng) vậy không Chí Lồng Sếnh pác à?

Bình thường, cậy răng Chí Lồng Sếnh cũng không nói một câu, nhưng hôm ấy vui quá, Sếnh cũng lựa theo cách nói của mọi người:

– Lúng ố. Lúng vậy à.

Lại cười. Ai cũng sợ quản giáo đến, nhưng lúc này không còn giữ được nữa. Mắt long lanh quên đi phút chốc thân phận tù đày. Một anh nghẹn ngào như sắp đứt hơi:

– Không được nói thế, a Sếnh à. Phải nói: Páo cáo cái tòa à. Cái thằng Chí Văn Chuột này lúng là cháu lích tôn của tao ớ. Tao không nói dối cái tòa lâu ớ. Cứ cho nó đi tù vài chục phiên chợ cho tao ớ…

Lượng huơ huơ tay.

– Bà con giữ trật tự! Nghe tòa tuyên án.

Và Lượng đọc án quyết bằng một giọng mi mi nơ trầm hùng vừa dõng dạc vừa đau xót:

– Xét tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội gây ra những hậu quả không lường hết được, xét nhân thân bị can phạm tội có hệ thống, phạm tội một cách liên tục, bền bỉ, dẻo dai, vững chắc, gây ra những tội ác to lớn và béo tốt, tòa tuyên bố dành cho bị can mức án cao nhất.

Lượng đột ngột đứng, vênh mặt nhìn quanh cử tọa như để đoán định tác động tâm lý sẽ xảy ra của những tiếng tiếp theo, cảm nhận hết sức nặng của lời phán quyết sắp nói ra, rồi bổ tay xuống không khí, đanh thép:

– Tử hình!

Hình như những bầu máu nóng đã được hâm lên. Cả sự say máu lẫn sự say công lý. Tất cả vỗ tay hưởng ứng rầm rầm.

Lượng lại dõng dạc:

– Bản án có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.

Lần này reo hò to quá khiến toán trưởng phải nhổm lên nhắc nhở:

– Khẽ chứ! Khẽ chứ! Trực trại đến thì phiền!

Như chỉ chờ lệnh tòa, anh thợ điện mau mắn, giơ con chuột về phía sợi dây điện, định gí vào nó, thi hành bản án. Có tiếng thét:

– Dự phiên tòa hôm nay có nhiều bà con người dân tộc. Xin phép tòa cho tôi dịch ra tiếng dân tộc để bà con hiểu.

Chánh án Lượng nhíu mày như đang phải quyết định một điều hệ trọng lắm:

– Được. Về nguyên tắc, tòa cho phép.

Tất Tình, người ấy là Tất Tình lĩnh án tù mù , một danh ca trong đoàn Bồ câu trắng, đứng lên với giọng tê-no (sau này mỗi khi ôn lại cái đêm thiên tải nhất thì, nghìn năm có một ấy, Lượng lại khẳng định chất giọng Tất Tình lúc ấy là chất giọng tê-no, cũng như giọng của Lượng khi tuyên án đúng là mi mi trầm hùng). Tình dịch cứ văng ra từng cụm từ đầy hăm dọa:

– Ngộ tả nị cắng xải.

– Siẻo cu!

– Lảo sư

– Treo.

– Lủng lẳng

– Cố xải

– Cắng xải!

– Dâu tí xìn

Cười phát đau cả bụng. Nấc. Đói. Giàn nước mất Chí Lồng Sếnh lại cười một lần nữa (một buổi tối mà Chí Lồng Sếnh cười tới hai lần, đủ biết vui như thế nào):

– Không piết cứ pắt chước tiếng dân tộc là lại xeo cu lảo sư treo lung lăng là cái gì ớ. Ai cũng nói thế ớ…

Một bàn tay thọc vào chỗ kín của Chí Lồng Sếnh, túm chặt lấy và một khuôn mặt lởm chởm râu ria ghé sát vào mặt Sếnh:

– Tức là cắt cái này của a Sếnh ớ. Treo lên ớ.

Bị bất ngờ, Chí Lồng Sếnh giật thót người:

– Không lược lâu ớ.

Đao phủ (anh thợ điện) đứng lênh khênh trên cao tỏ vẻ sốt ruột cầm mẩu dây có điện hai trăm hai mươi vôn giơ lên cùng với con chuột. Con vật mõm nhọn râu ria, quay đi quay lại nhìn mọi người, mắt nhỏ đen bóng ngơ ngác.

Lại một ý kiến chính xác không ai bắt bẻ được:

– Hãy trông bị can. Bị can chỉa hiểl gì hết, xin phép tòa để tôi dịch ra tiếng chnột cho y biết tội lỗi của y và bản án dành cho y.

Anh ta đứng lên bớc tới chỗ anh thợ điện đang cầm con chuột treo thõng, nhìn nó trừng trừng như thôi miên, rồi mồm dàn ra mổ mổ về phía nó như cố làm cho đồ ngu ấy hiểu được cái họa ghê gớm sắp ập xuống đầu nó:

– Chít chít! Chút chút! Chụt chụt! Chí chít! Chụt chít! Chụt chí chụt! Chít chít! Chết!

Chờ dứt trận cười, anh thợ điện ra tay. Phải nói con chuột rất khỏe. Không ai ngờ con chnột nhỏ mà có sức chịu đựng như vậy. Nó oằn. Nó giãy. Nó quăng lên quật xuống. Nó vãi cứt, vãi đái, vãi cả tinh trùng. Nhưng khi sợi dây điện rời ra, mắt nó lại đã long lanh. Cuộc vui không biết còn kéo dài đến bao giờ, nếu không có một hồi kẻng vang lên. Kẻng cấm. Đã đến giờ đi ngủ. Đã đến giờ mặc niệm tới gia đình. Tiếng kẻng làm mọi người ngơ ngác:

– Đã chín giờ rồi cơ à?

– Nhanh quá nhỉ.

Lần đầu tiên trong tù thời gian đi nhanh. Phiên tòa vội giải tán. Dự nhận lại con chuột còn sống nguyên tuy đã mệt lử và một véo thuốc lào to bằng quả cau trả vào suất thuê con chuột. Mọi người vội mắc màn. Rồi chen chúc xô đẩy nhau trong nhà mét. Và chui vào màn. Đèn điện vụt tắt. Tối om. Nhưng niềm vui vẫn theo vào tận trong màn. Những tiếng cười khe khẽ trong bóng đêm:

– Hùng ơi! Mày học tiếng chuột bao giờ đấy?

– Công nhận con ấy khỏe thật. Mấy lần đã tưởng nó chết hẳn, thế mà lại giãy.

– Đ. mẹ. Nó phụt cứt vào giữa mặt con nhà Trịnh lợn.

– Dự ơi! Vứt đi thôi! Chnột chạy điện ăn vào ung thư đấy.

lm lặng lâu. Tưởng đã ngủ cả.

Lại tiếng thì thào:

– Cứ thấy cái gì trăng trắng tia ra. Không phải nước đái. Không phải cứt. Hóa ra tinh trùng chuột. Kinh thật đấy.

– Nó lại nghĩ ra Chí Văn Chuột là cháu ruột Chí Lồng Sếnh thì thánh thật.

Và tiếng cười khinh khích cố nén.

Đêm ấy khi đi ngủ người ta không mặc niệm tới gia đình.

Đêm ấy người ta chìm vào giấc ngủ với những điều buồn cười và thích thú đến thế.

 

Về đầu

 

Chương 29

 

Hình như có ai vào màn của hắn. Hắn cảm thấy như vậy và mở mắt. Ngọc. Ngọc ngồi cạnh hắn, một tay chống xuống chiếu, người hơi ngả, nhìn hắn. Tóc Ngọc xõa xuống hai má bầu bĩnh. Hắn vốn rất ưa ngắm khuôn mặt nàng lúc hơi cúi xuống này.

Hắn nắm lấy bắp tay Ngọc gầy guộc, tay kia vòng qua lưng nàng kéo nàng nằm xuống. Nàng ngoan ngoãn, nhẹ nhàng như một con mèo. Hắn rất khẽ, nhích người chnyển sang nằm nghiêng, vòng tay ôm lấy nàng. Nàng nằm im, cảm nhận điều nàng hàng mong ước, nay đã thành sự thật: Có chồng nằm bên cạnh. Nàng đang nằm bên cạnh chồng nàng. Mọi thứ ở chồng nàng đều thân thuộc với nàng, từ mùi mồ hôi, hay chỉ là cái mùi rất riêng biệt từ cơ thể hắn, từ cách hắn nắm tay nàng, cách kéo nàng nằm xuống.

Đúng. Chồng nàng đã ở cạnh nàng. Nàng sợ dây là giấc mơ. Nhưng đúng là sự thật. Cũng như hồi hắn mới bị bắt, nàng mong đấy là một giấc mơ, nhưng lại là sự thật, một sự thật tàn nhẫn, đau đớn. Công nhận nó là điều chẳng dễ dàng gì. Nàng đưa tay vuốt tóc chồng, sờ lên mặt mũi hắn, rồi khẽ đẩy hắn nằm ngửa. Nàng ngồi dậy. Nàng sờ nắn khắp mọi chỗ trên người hắn như một người mù, chủ nhân của một báu vật đã bị mất, nay có lại trong tay.

Rồi nàng gục mặt lên ngực hắn. Hắn đưa tay vuốt tóc nàng, vuốt dọc lưng nàng. Nàng nằm úp hẳn lên người hắn. Nàng nhắc thầm trong óc: Đúng là anh. Anh đã về với em.

Nước mắt nàng rỏ trên ngực hắn. Hắn đau quặn trong lòng, lấy tay vỗ về nàng.

Có một ngày, sau khi bị bắt được ít lâu hắn đã ôm lấy tên nàng mà thì thầm trò chuyện như hôm nay hắn ôm nàng bằng xương bằng thịt trong tay.

Nàng đã gửi tên nàng tới đó, tới xà lim 76. Đấy là bức thư đầu tiên nàng viết cho hắn. Bức thư chỉ có hai chữ Tuấn + Ngọc. Viết bằng mực Cửu long, phía trong gấu áo sơ – mi. Cái áo sơ-mi hắn cắt ở một hiệu may phố Hoàng Văn Thụ chưa kịp lấy thì bị bắt, phải gửi hóa đơn cho ông Lan. Hai chữ ấy chứa đựng một lượng thông tin rất lớn. Hắn biết Ngọc đã ở trường về. Ngọc đã gặp ông Lan. Ngọc đã biết cái tin khủng khiếp này. Đó là tiếng Ngọc kêu mất hắn, gọi hắn từ thế giới bên kia. Là lời Ngọc nói với hắn: Em tin anh không có tội. Em luôn ở bên anh.

Mười năm hạnh phúc và, tin tưởng, người ta đã giằng hắn ra khỏi tay Ngọc. ở bên kia trời, Ngọc gọi hắn. Tiếng gọi lặng câm mà sao hắn thấy vang động cả không gian.

Chữ Ngọc dù viết trên gấu áo sơ-mi vẫn là chữ Ngọc. Hắn vẫn nhận ra. Hắn thấy như đang được đối thoại với vợ. Đêm ấy, trong xà lim tối, đầy tiếng muỗi kêu, hắn thấy đỡ cô đơn. Vì có chữ của Ngọc. Ngọc đã gửi tên Ngọc đến để tên nàng chịu tù cùng với hắn. Và những chữ, những câu cứ tự nó đến, tự nó sắp xếp trong óc hắn:

Thấy lại em rồi! Chữ em tên chúng ta gấu áo

Hai tiếng đau vỡ hai giọt máu

Hai cuộc đời gọn hai tiếng gọi nhau

Giản dị yêu thưong trung thực tự hào.

Hôm nay xà lim anh nghe em gọi

Hai tiếng tên ta mắt con mong đợi

Hai tiếng tên ta xót lòng mẹ cha

Kỷ niệm mười năm chết một đời xa.

Mắt trong mắt nhau chiếc hôn Hà Nội

Giọt mưa xuân ấm những mái đầu

Hiện tại trắng lặng câm hai tiếng gọi

Mất cuộc đời, mất cả cái hôn đau.

Cuộc sống hôm nay tối tăm phản phúc

Niềm tin chúng ta rắn hơn sắt thép

Không được bên chồng, em gửi tên em tới xà lim

Cùng với anh, ngục tối nhốt tên em.

Cùng với anh, ngục tối nhốt tên em.

Ngục tối nhốt tên nàng cùng với hắn. Hắn thấy đỡ đi cái lạnh trong lòng, những đêm đông năm năm trước ở xà lim 76.

Đêm nay Ngọc đang khóc trên ngực hắn. Nàng khóc thổn thức. Đó là những chất chứa, dồn nén nay mới được vơi đi. Hắn chỉ biết có mỗi việc: Im lặng, vuốt ve nàng. Và thỉnh thoảng lại cố nuốt một cái gì đang làm nghẹn cổ hắn. Một lúc san, Ngọc. nín bặt, người nàng chùng lại. Nàng mệt nhọc, mềm nhũn trên ngực hắn. Nàng lại vỗ về lại hắn. Những ngón tay nàng đan vào ngón tay hắn.

Nàng khóc bởi vì cuối cùng niềm mong ước của nàng đã thành sự thật. Nàng khóc bởi vì nàng đã phải làm ra vẻ cứng rắn quá nhiều và quá lâu nữa. Việc đó thật quá sức nàng. Mười chín tuổi, nàng lấy hắn. Trinh bạch, ngây thơ, tin tưởng ở người mình yêu, tin tưởng ở đời. Rời Hà Nội, nàng theo về P. với hắn. Nàng dựa vào hắn như một cây non dựa vào cả khóm cây. Càng sống chung với hắn, nàng càng thấy yêu hắn. Càng thấy số phận mình may mắn, lấy được người chồng có tài năng, yêu vợ, yêu con và được bạn bè quý mến. Một người chồng luôn biết nàng muốn gì. Một người chồng có nghị lực, có mơ ước. Một người chồng hiểu rằng nàng đã chịu những thiệt thòi khi lấy hắn và sẵn sàng đền bù lại. Đó là những thiệt thòi nàng tự nguyện đón nhận như: Không đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, những lúc hắn miệt mài với đọc với viết để nàng nằm một minh, những đêm giao thừa hắn đến với công nhân xi- măng, công nhân cảng, những lúc bạn bè đến chật nhà mà nàng phải lo cơm nước trong khi túi tiền đã cạn…

Nàng biết chồng nàng là một cây bút nổi lên trong đám viết trẻ cả nước. Hứa hẹn một tương lai. Sáng tác của hắn được in với một số lượng lớn. Hắn đã được Thư viện Hà Nội mời lên tiếp xúc với độc giả khi hắn ba mươi tuổi. Các nhà xuất bản, các báo gửi thư về cho hắn, đặt viết… Hắn gọi viết là cày. Hắn bảo Ngọc:

– Em đi ngủ trước nhé. Anh cày đây.

Chồng nàng cày khỏe. Bạn bè đều khen sức viết, khen cái chất cuộc sống, chất thơ trong sáng tác của chồng nàng.

Hắn là chỗ dựa của nàng. Từ việc nhà đến việc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Hắn mua hàng xe mùn ở một xí nghiệp đóng tàu nơi hắn đến viết bài. Hắn đèo nàng đi làm một ngày bốn lần đi về. Hắn tranh thủ về sớm nấu cơm, rồi đi dón nàng. Cái mơ ước mua thêm một chiếc xe đạp nữa của hai vợ chồng không biết bao giờ mới thực hiện được. Hắn kiếm khá tiền, tiền nhuận bút báo. Tiền nhuận bút sách. Tiền nhuận bút ứng trước kịch bản phim. Tiền nhuận bút tái bản, nhuận bút người ta dịch sách của hắn. Không viết mà cũng có tiền. Thật cứ như của vớ được vì nó nằm ngoài kế hoạch.

Được bao nhiêu tiền, hắn đưa cho nàng hết. Để nàng chi tiêu. Hắn chỉ giữ vài đồng tiêu vặt. Hết, hắn lại hỏi nàng. Có những lần, nàng mỉm cười ngượng nghịu:

– Anh phải đi Hà Nội thôi, anh ạ.

Hắn cười lo lắng:

– Hết tiền rồi phải không?

Thế là hắn đi. Khi mang tiền về. Khi không. Thương chồng vất vả, nàng giặt quần áo cho hắn.

Nhưng hắn gạt đi. Nàng tặng hắn cái hắn quý nhất, thích nhất: Sự ái ân. Nàng ôm hắn trong vòng tay của nàng.

Lấy hắn đã mười nằm, nàng lúc nào cũng là một cô nữ sinh Hà Nội trong suy nghĩ, lo toan. Đã có chồng nàng. Vả lại nàng cũng chẳng có thể làm được gì hơn.

Đi làm về, nàng vui đùa với con cái, nghe chồng kể những chuyện, những chi tiết hay hắn thu thập được trong cuộc sống. Nàng im lặng nhìn hắn viết, đọc những quyển truyện hắn đưa cho. Và yêu nhau. Thế rồi tất cả gánh nặng trút lên vai nàng. Còn hơn cả cái gánh hắn đã mang. Với nàng, cuộc sống không còn là màu hồng của niềm tin hạnh phúc và tuổi trẻ nữa. Cuộc sống là màu sắc của nhà tù. Là sự khắc nghiệt của tường đá caơ vút, bên trên có những hàng dây thép chạy điện. Là cái gì sâu hút thăm thẳm ở trong ấy và trong cuộc đời. Là sự vô vọng. Năm năm, Nàng không ngờ nàng đã chịu đựng được năm năm. Điều gì đã làm nên nghị lực.

Có nhiều người đã khen nàng. Nàng thầm cảm ơn người đã động viên nàng. Nhưng nghĩ: Trói lại mà đánh ai chẳng phải chịu.

Chỉ một mình nàng biết được nguồn động viên lớn nhất giúp nàng vượt qua được tất cả, chính là chồng nàng. Cứ nghĩ hắn đang ở trong ấy, cứ nghĩ đến những điều hắn đang phảỉ chịu đựng, nàng lại có thể dứng lên trước những khó khăn. Khi một thanh niên hai mươi tuổi, hết hạn tù sáu tháng từ 75 ra, mang đến cho nàng ba quyển Anna Karênina, nàng nhìn người đó mà thèm muốn được như anh ta. Anh ta từ chỗ hắn trở về. Anh ta được sống với hắn. Đã chuyện trò với hắn. Anh ta hiểu tất cả những điều ở trong ấy, những điều hắn đã chịu đựng đã trải qua. Những điều nàng chỉ tưởng tượng đến thôi.

Qua người bạn tù trẻ của hắn, nàng biết rõ hơn cuộc sống trong tù. Nàng biết hắn ở xà lim 75, xà lim 76, sang BD, rồi đi Q.N. Nàng biết hắn được anh em tù quý mến và kính trọng. Nàng cho rằng đó là lẽ tất nhiên. Chồng nàng bao giờ cũng tốt với mọi người. Chồng nàng nhìn mọi người ở gỏc độ tốt. Cái nhìn đọ lượng và nhân ái. Chồng nàng biết xử thế, dù là trong tù. Chồng nàng có bản lĩnh.

Cầm ba quyển Anna Karênina nhàu nát, nàng nghĩ: Suốt gần hai năm ngày nào hắn cũng bầu bạn với bộ truyện này, đã lật giở từng trang. Nàng không biết rằng đưa được ba quyển Anna cho anh bạn tù trẻ thật là một kỳ công. Hai người nằm xa nhau. Không thể công khai cho nhau mượn truyện trong buồng giam chung. Quản giáo biết sẽ tịch thu ngay.

Đêm ấy nàng lật từng trang quyển truyện. Trang bìa lót có chữ ký của người dịch: Tặng Tuấn – Ngọc Dương Tường. Đó là một thuở xưa và nàng càng hiểu hơn cái thực tại đắng cay. Nàng đọc bộ truyện. Nàng đã đọc Anna Karênina khi hắn còn chưa bị bắt. Khi nàng còn sống có đôi hạnh phúc. Nàng đọc lại không phải để thưởng thức văn chương của Tolstoi mà là để hiểu những gì hắn đã đọc. Nhất là những hàng chữ hắn ghi ở lề sách, những chỗ ngắt chương – những chỗ ấy có một khoảng giấy để trắng. Hắn ghi nhật ký ở đó. Rất vắn tắt vì khoảng giấy rất hẹp. Và nhợt nhạt vì cái bút Pilot của hắn hết mực, phải hút nước ở bô nước uống han gỉ vào để mực từ vét-xi, từ cựa thôi ra. Những dòng chữ quặn lòng nàng.

Ngày… Biết con Thương sáng tìm bố mà không được gặp bố. Con!

Ngày… Tiếng vợ chồng chim ríu rít mãi ngoài cửa sổ. Tiếng chim non chiêm chiếp. Những cơn chết trong lòng.

Trưa thứ 93: 93 là một tên truyện của Hugo. 93 cái bánh mỳ. 92 bữa cơm xà lim. 92 đêm. 13 chủ nhật xa con. Còn đúng 24 ngày nữa là vừa 4 tháng. Con gà gáy xa gọi mình về với mẹ cha.

Ngày… 28 Tết. Thứ sáu. Đêm qua mơ thấy Ngọc và con Nguyệt. Con Nguyệt hỏi: “Bố. Cái áo chim cò đâu? ” Hai mẹ con nó ngồi bón cơm cho nhau ở trong buồng. Có cái gương to. Một con quỷ vào cắn mạt mình. Mình muốn soi gương để tìm mặt nình có vết lõm sâu. Rồi Ngọc ngã xuống hố nước lụt. Bế Ngọc lên giường. Suýt chết. Đứng ở cầu ao nói với mẹ: “Con ở trong tù chỉ nhớ cầu ao này thôi”. Mình hỏi mẹ: “Đôi ngan đâu? ” “Nhốt rồi”. Mẹ bảo: “Cá to lắm. Chỉ chờ mày về thôi”. Một đêm toàn mộng mị. Bắt đầu ngày 99. Râu tóc tốt quá.

Ngày… Bước vào tháng thứ bảy. Mưa rào. 182 ngày xà lim. Sắp đến chương Kitty đẻ đây. Bao giờ vợ tôi đẻ.

Ngày… 324 ngày xà lim. 324 buổi sáng anh ngồi một mình trong màn cưới của chúng ta. Nó đã cũ rách. Một thời xưa, em ơi. Những vết muỗi no máu anh, anh giết chúng trên tường xà lim, đỏ tươi máu anh, đã đen lại. Rồi lại đỏ. Rồi lại đen. Ngày… Bao giờ chấm dứt cảnh quay mặt vào tường nhai cơm một mình.

Nàng đọc, nước mắt chảy lặng lẽ.

Nàng đã khóc nhiều. Nhưng chỉ khóc một mình. Hắn đã gửi thư ra khuyên nàng:

“Hãy cứng rắn và can đảm, em”. Nàng cũng thấy cần phải như vậy. Khóc than nào có ích gì.

Thời gian còn học ở trường đại học, nàng cũng thấy cần phải như vậy. Khóc than nào có ích gì. Thời gian còn học ở trường đại học, nàng cắn răng lại mà học. Nàng hiểu nàng đã tụt xuống một nấc thang khác. Trước mắt bạn học, trước mắt thầy giáo, nàng là một phần tử không trong sạch, một người có chồng bị bắt tù vì đã chống lạí cách mạng. Trước con mắt mọi người, còn tội lỗi nào xấu xa hơn, ghê tởm hơn? Nàng đã viết nhiều thư cho hắn, nhưng chắc hắn không nhận được. Nàng ctĩng không nhận được thư hắn suốt thời gian nàng đi học. Anh em sinh viên nhiều người rất thương nàng. Mỗi lần nàng về P. thăm con, nghe ngóng tin tức của hắn, họ lại chở nàng ra bến xe. Nàng viết thư cho hắn: “Chúng mình lại sắp có con rồi, anh ạ. Con đường đi qua Vĩnh Tường ăn na, anh còn nhớ không. “.

Nàng xin phép bố mẹ chồng, đón con Thương lên Vĩnh phú để nàng đỡ buồn. Những khi nàng về P, một mình nó ở lại. Tám tuổi, nó đi be bờ tát cá, được một nồi cá diếc, kho, ăn dè phần mẹ. Nó biết cái gì đến với bố mẹ nó, anh em nó. Nó biết bố nó bị người ta bắt đi tù. Nó thương bố, thương mẹ. Có đêm thức giấc, nó thấy mẹ khóc thầm. Nó ôm lấy mẹ. Nó tự tắm giặt lấy để đỡ cho mẹ. Nó nấu nướng chờ mẹ đi học về. Nó muốn nó thật ngoan để mẹ vui.

… Vui thì nàng không vui được. Nhưng nàng đỡ được sự lo nghĩ về con cái. Để nó ở lại trường, nàng yên tâm. Nàng hiểu con Thương tám tuổi đã biết thân biết phận và điều ấy làm nhói lòng nàng.

Nàng về nghỉ đẻ mang theo cả nó về. May sao đúng dịp nghỉ hè của cả hai mẹ con.

Nàng nhận được giấy của Sở Công an gọi nàng lên thẩm vấn. Và thẩm vấn hết ngày này sang ngày khác.

Chỉ còn ba ngày nữa đẻ, nàng vẫn phải ngồi từ sáng đến trưa nghe người ta hỏi, người ta tra, người ta căn vặn. Nghe người ta giảng về đường lối chính sách, về sự trị bệnh cứu người. Và nghe người ta sỉ nhục chồng nàng. Nàng ngồi, bụng chửa vượt mặt, xảy xẩm choáng váng, máu tụ tím bầm chân, da mặt bóng và trong, tái xanh như người sốt rét. Nắng tháng Sáu như thiêu và sự căng thẳng làm mồ hôi chảy thành dòng trên người nàng.

Những điều ông Lan nói hắn là một phần tử bất mãn, chống đối, trai gái, hắn đã nhận hết tội lỗi cứ trôi tuột qua tai nàng. Nàng không hề tin chồng nàng như vậy Nàng ngơ ngác: “Sao công an lại đi làm cái việc chia rẽ vợ chồng người ta nhỉ? ”. Nàng chỉ muốn được nằm nghỉ. Nàng mệt quá. Đầu óc quay cuồng, ngồi cũng còn không nổi, nữa là nghe những diều phân tích. Họ gọi nàng liên tiếp. Như muốn tấn công vào hệ thần kinh vốn đã suy yếu của nàng. Nàng trả lời ngắn và không giấu giếm sự mệt mỏi. Nàng phẫn nộ vì người ta sỉ nhục hắn, nhưng nàng chỉ khẽ khàng:

– Thưa anh. Tôi không biết những hành vi phạm pháp của chồng tôi.

– Bây giờ nghe anh nói, tôi mới biết chồng tôi đối với tôi không tốt như vậy.

Đứa con trong bụng đạp mạnh. Nàng cố ghìm để khỏi kêu lên, cảm thấy ngây ngất như dang cùng với cái ghế từ từ chìm sâu xuống lòng đất.

Ngồi trước mặt, ông Lan mím cạp môi nghiêm khắc, nhìn nàng chăm chú như thôi miên:

– Bên an ninh chúng tôi mời chị lên đây để giúp chị thấy rõ bản chất của anh Tuấn. Chính sách của Đảng là rõ ràng. Chị cũng thấy đấy. Chồng làm chồng chịu, bố làm bố chịu, con làm con chịu. Anh Tuấn bị bắt, chị vẫn được đi học. Chế độ ta ưu việt ở chỗ ấy…

Nàng cảm thấy sắp ngất đến nơi. Nàng nhăn mặt và bíu vào ghế cho khỏi ngã. Để tĩnh trí, để đầu óc sáng suốt trở lại, nàng nghĩ đến chuyến đi của nàng với hắn lên trường gần một năm trước. Lúc đó anh ở bên em. Hai chúng mình lên tàu mà không biết xuống đâu. Chị phải cùng với bên an ninh chúng tôi giúp đỡ chồng chị tiến bộ. Chúng tôi đã có đủ bằng chứng. Chúng mình tắm với nhau ở sân kho hợp tác giữa đồng. Anh cứ ca ngợi mãi ông thủ kho. Đã bao lần em đi từ trường về qua con đường ấy. Em cũng rất cảm ơn ông ấy. Đó là một thực tế, chính anh Tuấn đã nhận như vậy. Nhà anh chị có lúc nào không nhiều khách. Mất cảnh giác trong giao du. Phát ngôn bừa bãi… Em chưa một lần nào rẽ vào kho hợp tác dể gặp lại ông ấy. ông ấy không hiểu đã cho chúng mình những gì. Ông ấy không hiểu rằng ông đã tốt như thế nào. Sao lúc ấy chúng mình còn trẻ thế. Em cảm thấy mình hoàn toàn suy sụp, mình già lắm rồi. Như một bà già đối đối mặt với cái chết. Chị với trách nhiệm làm vợ, mà chúng tôi biết chị là người vợ rất yêu chồng, phải cùng chúng tôi cứu anh ấy. Rất may là chúng tôi đã dừng anh ấy lại kịp thời. Tuổi trẻ đã chết hẳn rồi, anh ạ. Anh. Bây giờ. Giờ này. Cái lúc em đang ngồi để người ta hỏi cung này, anh ở đâu? Anh có biết em bị hành hạ thế này không? Anh đã biết chúng mình sắp có con nữa chưa? Theo tính toán của em chỉ ngày một ngày hai thôi.

Đúng như nàng dự tính. Sáng hôm sau nàng trở dạ.

Thằng Hiệp, con Thương sợ hãi nhìn mẹ vật vã, rên rỉ.

– Hiệp ơi. Sang gọi chú Bình cho mẹ…

Thằng Hiệp chạy sang cơ quan báo, đúng lúc đang họp toàn thể phóng viên. Bình xin phép Phan Lâm, tổng biên tập báo, đưa Ngọc đi bệnh viện.

Bế đứa con mới sinh, nàng nghĩ tới nỗi cô đơn, sự hãi hùng, cái nghèo túng đang vây quanh nàng. Nàng nhờ người đi mua xôi. Đẻ xong nàng đói. Đói và nghĩ rằng mình lỡ hẹn với ông Lan. Ông Lan vẫn chờ nàng để hôm nay làm việc tiếp. Nàng không thể nhờ ai đến báo cáo với ông Lan rằng nàng đã đẻ “mẹ tròn con vuông”, nàng đang nằm bệnh viện, nên không thể tới để ông hỏi cung tiếp được. Rồi nàng nghĩ: Công an có mặt khắp nơi. Hẳn ông không cho là nàng nói dối.

Đợt hỏi cung dở dang ấy được tiếp tục sau khi nàng đẻ, sau khi nàng từ bệnh viện về nhà. Thấy mẹ về con Thương, thằng Hiệp mừng như chó gặp lại chủ. Gần một tuần lê chúng sống với cô đồng hồ bên cạnh. Nay mẹ đã về. Lại có thêm em bé đế chúng bồng bế, nựng niu, chuyện trò. Chúng được ăn cơm với mẹ, ngủ với mẹ. Với cả em bé. Chúng được làm vui lòng mẹ để mẹ đỡ buồn.

Vừa về nhà: Ngọc đã phải mò xuống bể (nay luôn cạn) vét nước, giặt giũ. Những người hàng xóm nhìn nàng ái ngại. Nàng tránh những cái nhìn ấy. Hai mươi ngày sau khi sinh con, nàng nhận được giấy gọi của Sở Công an. Chắc các ông ấy cũng nghĩ nàng đã hoàn toàn bình phực và phải kết thúc đợt hỏi cung đúng kế hoạch để hoàn chỉnh hồ sơ về hắn. Cũng có thể các ông ấy cho rằng nàng là người hiểu hắn nhất, đồng thời là cái mắt xích yếu nhất và dây là thời điểm thích hợp – thời điểm người phụ nữ sau khi đẻ – dễ tấn công nhất, để từ nàng mà kết thúc vụ án có vẻ như sẽ lằng nhằng này.

Nàng ngồi nghe ông Lan ân cần hỏi thăm chuyện sinh nở của nàng. Ông Lan quan tâm đến cả trọng lượng sơ sinh của đứa bé, hỏi nàng đặt tên nó là gì. Ông ân cần hỏi nhiều đến sức khỏe nàng, hoan nghênh nàng dự định vẫn tiếp tục đi học. Ông nói đến trách nhiệm của nàng với chồng, trách nhiệm làm mẹ của nàng với các con. Cả trách nhiệm làm bố của hắn. Những điều ông làm cũng chỉ vì trách nhiệm ấy. Nếu nàng muốn hăn sớm trở về…

Nàng không nhớ được ông Lan đã hỏi những gì, đã ghi chép những gì. Nàng chỉ nhớ nàng tức sữa. Nàng nghĩ đến con, đến đứa bé mới sinh mà đã chịu bão tố rồi. Thằng bé ngủ chưa. Để con chị nấu cơm.

Thằng bé đái ỉa, con chị có biết đường thay cho em không? Nàng đã dành dụm được một hộp sữa, bảo con Thương pha vào chai cho em bú. (Nàng đã tráng nước sôi chai và núm về cao-su sẵn cho nó trươc khi lên Sở Công an). Không biết nó có làm được không. Khéo thằng bé lại sặc mất thôi. Nắng tháng Bảy gay gắt, nàng ngồi im lặng, mồ hôi đẫm áo. Căng hết thần kinh để nén sự phẫn uất từng phút từng phút chực bùng lên. Căng hết thần kinh để chịu đựng. Hai bầu về tức sữa, cương lên cứng như đá, nóng rực như phát sốt. Khi sữa chảy ướt đầm áo, ngồi trong phòng hỏi cung, nàng hiểu rằng lúc đó thằng bé ở nhà đang khóc, đang đòi bú.

Mấy ngày liền như vậy.

Kết thúc cuộc hỏi cung nàng tắt hy vọng. Nàng biết những gì sẽ đến qua câu hỏi moi móc, đầy ác ý và hiểm độc của ông Lan. Qua cả những lời ông giảng giải, động viên nàng tin tưởng. Qua cả những lời bộc lộ sự thông cảm của ông đối với nàng, với các con nàng, sự đau xót của ông khi ông phải làm những việc như vậy.

Nàng đưa bé Dương lên trường tiếp tục học, dù giờ đây việc học hành khó khăn quá sức nàng. Con Thương vừa đi học vừa trông em. Không biết ý kiến của hắn, nàng tự quyết dịnh vẫn tiếp tục học. Đó là khát vọng của nàng và cũng là mong ước của hắn. Nàng tin hắn sẽ ủng hộ quyết định của nàng, không bỏ dở, không chịu lùi bước trước khó khăn. Mỗi lần nghỉ lễ, nghỉ học kỳ, nàng bế bé Dương ra bến xe. Về Hà Nội. Về nhà. Để nghe ngóng tin chồng. Để sống trong không khí đùm bọc của bố mẹ chồng, để săn sóc thằng Hiệp, con Nguyệt.

Vất vả, đau khổ, nghèo túng, nheo nhóc, nhưng nàng vẫn học. Nàng không chỉ học cho mình. Nàng còn học cho cả hắn. Khi mang bầu bé Dương. nàng ăn rở khoai lang. Giờ nàng cũng ăn thêm nhiều khoai, bởi vì tiền đâu mà đong gạo chui nấu cơm ăn sáng. Con Thương đi móc cua, nấu canh cua đồng, mẹ con cải thiện. Mùa nóng, nàng vừa thức khuya học, vừa quạt cho các con. Mùa rét, rét trên vùng núi giá băng cả không khí, cứng đơ đến từng ngọn cỏ, ba mẹ con ôm nhau đắp cái chăn một của hắn được phát hồi hắn đi thanh niên xung phong, quá cũ và mỏng. (Cái chăn bông to nàng đã gửi vào tù cho hắn). Nàng học không nợ một môn nào.

Nàng cắn răng lại mà sống, mà nuôi con, mà học. Mặc mọi người bình phẩm, khinh bỉ, xầm xì. Điều đau khổ nhất không phải là những khó khăn về vật chất, tuy nó thường xuyên là mối ám ảnh, đe dọa, nhọc nhằn, làm méo mó đi khuôn mặt nàng. Nỗi đau khổ nhất là không thể than thở cùng ai. Nó đóng cục lại trong người nàng. Nó kết lại trong tâm nàng. Nó làm nàng xa lánh mọi người, nàng cô đơn với nỗi đau quá lớn, không có ai để mà thổ lộ. Các con còn nhỏ quá. Bố mẹ chồng đã già, lại phải nuôi con cho nàng, nàng không thể hành hạ thêm các cụ. Anh em mỗi người một phận. Bè bạn, những người tốt chỉ biết nhìn nàng với cặp mắt ái ngại. Vả lại biết nói chnyện gì. Vả lại ai cũng còn phải vật lộn để sống, ai cũng mang trong lòng một nỗi lo âu.

Thanh minh là chồng nàng không có tội ư? Kêu ca khổ ư? Không được. Những điều đó bao hàm một ý chống đối. Hơn nữa chồng nàng bị bắt quá lâu rồi. Với mọi người không còn là chuyện thời sự nữa. Chỉ riêng mình nàng chuyện đó vẫn còn tươi máu.

Không. Không ai có thể hiểu được điều kinh khủng ấy. Cái điều không có một người để mà chia sẻ. Đó là sự khủng khiếp nhất trong suốt năm năm hắn đi tù Chẳng có ai hiểu được.

Tết thứ hai hắn ở trong tù, nàng vẫn chưa được gặp mặt hắn. Nàng gửi tiếp tế cho hắn. ăn Tết xong, nàng bế bé Dương mới bảy tháng và con Thương đi tàu lên trường. Mọi tính toán của nàng trong chuyến đi ấy đều sai lệch. Chỉ vì muốn ở lại thêm một ngày với bố mẹ, các con, muốn ở gần nhà giam 75 thêm một ngày, nàng đi tàu đêm lên Hà Nội.

Mười giờ tối mồng sáu tết, ba mẹ con từ ga Hàng Cỏ đến nhà anh chị Diệu. Nàng định ngủ ở đó, sáng hôm sau đáp tàu đi Vĩnh Phú. Nàng một tay bế con, một tay xách túi lần mò từng bậc thang gác tối. Con Thương không nói một lời, mang nặng không kém mẹ, theo sau. Nàng gõ cửa. Không ai trả lời. Nàng lấy tay sờ cánh cửa. Hai khóa. Nàng choáng váng và thất vọng. Bác đi vắng rồi, con ạ. Ba mẹ con lại dò dẫm xuống thang.

Đứng dưới lòng đờng, nàng suy nghĩ, rồi bảo con:

– Đi con.

– Đi đâu hở mẹ?

Con Thương mệt, nhưng nó thương mẹ nó hơn. Nàng dắt tay nó.

– Đến đền Ngọc.

– Nhà ai hở mẹ

– Bác Lê Bàn.

Lê Bàn ở đền Ngọc với cụ Từ, Nàng biết vậy vì chồng nàng vẫn nói.

Quãng đường dài như như vô tận. Qua chiếc cầu, nàng bước vào trong đền. Vắng quá. Không một ai. Mọi cửa đều đóng. Nàng gọi tên Bàn. Nàng chờ tiếng trả lời và dáng người quen thuộc của Bàn bước ra.

Nàng đi cầu may qua các khung cửa im lặng như tở. Nàng đứng nhìn mạt nước hồ thăm thẳm. Giá bây giờ có hăn ở bên, để nàng dựa vào hắn, để hắn quyết định, để hắn đưa nàng di. Bây giờ, chính nàng phải quyết định. Chính nàng là trụ cột. Nàng nhìn xuống mái tóc con Thương, nó cũng đang nhìn ra mặt hồ, không dám hỏi mẹ. Về Cửa Nam thôi, con ạ.

Nó ngoan ngoãn đi theo nàng. Người nàng rã rời. Con Thương lầm lũi, có lúc ngã chúi. Nàng xách thêm cái túi cho nó. Nhưng nó không nghe:

– Con mang được. Con chỉ buồn ngủ quá. ở Cửa Nam có ai. hở mẹ?

Nàng im lặng.

– Cửa Nam không có ai đâu, con ơi. Nhưng mẹ sẽ tìm chỗ cho con ngủ.

Nàng xông vào nhà người gác được tàu xin ngủ nhờ. Nàng chìa cho họ nhìn bé Dương bảy tháng để thêm trọng lượng cho lời cầu khẩn. Nhưng người ta không cho. Dù nàng van xin. Người ta bảo nàng ra đồn công an mà ngủ.

Nàng bơ vơ giữa thành phố Hà Nội của nàng. Thành hố những năm tháng đẹp nhất của tuổi dậy thì, tuổi con gái, tuổi yêu. Thành phố nàng cắp sách đến trường. Bè bạn ríu rít như một bầy chim, áo dài màu như một vườn hoa. Thành phố nàng đi lao động xã hội chủ nghĩa, đắp đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất. Thành phố một thời tin tưởng. Thành phố của mối tình say đắm với hắn, của cuộc đời rộng mở mà nay không chỗ dung thân.

Mấy anh nàng đều ở tập thể và quá xa. Còn những người bạn khác thì nàng không muốn phiền vào những lúc đêm hôm khuya khoắt. ôi, lòng tự trọng của một người sa cơ thất thế. Cách xử sự của người bị dồn đến bước đường cùng. Nàng trải ni-lông nằm ở trước cửa mậu dịch Cửa Nam.

Con Thương lăn ra ngủ. Bé Dương ngậm vú.

Nàng kéo chân con Thương vào, ủ cho nó. Nàng định thức suốt đêm trông con, trông đồ đạc. Nhưng nàng không chịu được nữa. Nàng nằm xuống, lấy áo bông, lấy khăn, lấy tã đắp cho con, cho nàng. Nàng ngủ chập chờn trong nỗi lo sợ bị mất cắp, con nàng bị lạnh và trời có thể đổ mưa…

Sau này nhớ lại, nàng tự nhủ: Thật may, thời đó an ninh xã hội còn chưa đến mức như bây giờ. Chưa tệ hại như bây giờ. Nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ đến…

Hôm sau nàng lên trường. Nàng học. Không gì cản trở được nàng học tập.

Hai năm trôi qua như vậy.

Thì có công văn từ P. gửi lên trường gọi nàng về. Nàng không được học nữa vì lý lịch xấu, có một tên chồng đi tù, phản cách mạng. Nàng bị đuổi học.

Điều ấy thật choáng váng tuy nàng đã lường trước. Nó đã đến, chấm dứt chuỗi lo lắng, nơm nớp, hồi hộp trong suốt thời gian nàng đi học. Nàng chỉ thật sự thất vọng vì cái công văn bỏ ngỏ. Cái công văn chính thức không cho nàng đi học gửi lên trường, không được dán kín, vứt ở văn thư và được chuyền tay nhau rất nhanh. Người ta đọc chỉ vì tò mò. Đề tài ấy làm vui lên được đôi chút những người sống ở vùng trung du xa xôi hẻo lánh này.

Hai lần nhục nhã, hai lần đau đớn, nàng thu xếp chăn màn, phích, chậu, nồi, quần áo, tã lót. Nàng đi trước hàng trăm con mắt như người bị gọt gáy bôi vôi.

Ba mẹ con rời trường. Lại những cảnh vạ vật bến tàu, bến xe. Con Thương hiểu tất cả. Nó chơi với em ở những chỗ nghỉ. Nó mang nặng những lúc đi đường. Thằng Dương bé bỏng nào biết gì. Nó bú, nó ngủ. Nó đái, ỉa. Nó khóc. Mặt nó đỏ bừng lên như người bị sốt vì nắng, nóng.

Ba mẹ con đi, dắt díu như người phiêu bạt.

Ba mẹ con đi, bồng bế như người chạy loạn năm nào. Nàng hiểu rằng nàng không còn hy vọng gì ở tương lai.

Nàng biết nàng đã bị bịt mọi lối, mọi con đường tiến thủ. Nàng chỉ có thể sống theo cái nghĩa tồn tại sinh vật. Tồn tại sinh vật cũng vô cùng khó khăn. Một mình nàng phải kiếm sống cho năm miệng ăn, lại phải dành dụm đi tiếp tế cho chồng. Tồn tại sinh vật với nàng cũng khó khăn, vì chính nàng cũng đã bị triệt hạ, bị đốn ngã.

Trở về cơ quan cũ, nàng được chuyển sang làm phụ kho, làm bốc vác. Những kiện vải nặng, những chồng quần áo may sẵn oằn lưng. Nàng cắn răng chịu đựng, cố gắng trong mọi việc như những người sa cơ thất thế biết mình phải làm gì và không được phép có một biểu hiện chán nản hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Phải đứng vững, dù thế nào chăng nữa. Phải đứng được và đừng ngã.

Nàng đã hiểu nàng chỉ được hưởng cái gì người ta cho hưởng. Bắt phong trần phải phong trần. Nàng chấp nhận và mong ước phần tối thiểu nhất: sự đoàn tụ Nhưng làm sao có được. Ông Lan đã giảng cho nàng: Chổng nàng có tội, nhưng chiếu cố đến cả hai gia đình đều có công với cách mạng, trên không đưa ra truy tố. chỉ đưa đi tập trung cải tạo. Sau nay giả dụ có phải can án nữa thì chỉ tính là có tiểu sự chứ không phải tiền án. Đó là sự nhìn nhận toàn diện, khách quan, có lý có tình: Vừa tính đến mức độ phạm tội của hắn, vừa tính đến đóng góp của gia đình với cách mạng.

Nàng không hiểu sự khác biệt giữa án và tập trung. Nhưng nàng mong chồng nàng được ra tòa. Nếu chồng nàng có tội thì hãy công bố cho mọi người, kể cả nàng và gia đình được biết những tội lỗi ấy.

Nàng cũng nghĩ không bao giờ chồng nàng lại can án, nên cái điều hắn được coi như chỉ có tiền sự chứ không phải tiền án với nàng cũng bằng thừa.

Nàng chỉ biết chồng nàng đi tù một cách hoàn toàn phi lý và dần dần nàng hiểu thực chất cái án tập trung. Nàng làm đơn đi khắp nơi. Với nỗi đau trong lòng, nàng kêu gọi công lý. Hắn cũng viết thư bí mật gửi ra cho nàng, bảo nàng làm đơn kêu oan cho hắn. Nào là Trung ương, nào là Quốc hội, nào là Thanh tra, nào là Bộ Công an, nào là Tổng Công đoàn… Nàng ghi những địa chỉ trên phong bì mà lòng lại hy vọng. Đó là những người, những nơi cả nước đặt niềm tin, những nơi quyết định tất cả. Những người sáng suốt, công minh, nhân hậu, thương dân, mong dân được hạnh phúc. Đó là Đảng của giai cấo vô sản và nhân dân lao động đã ghi trên lá cờ của mình dòng chữ: “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, là một chính quyền của dân, do dân, vì dân, khác hẳn mọi chế độ thống trị trước về bản chất, đối lập nhau như nước với lửa. Vả lại nàng chỉ xin điều tối thiểu nhất, đơn giản nhất: Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Nàng chỉ mong chồng nàng được hưởng luật pháp. Nhất định đơn của nàng sẽ được cứu xét. Nàng bảo bố chồng cũng làm đơn nhân danh một người cha già, một gia đình tham gia cách mạng trước tháng Tám năm 1945 đã được tặng bằng khen “Có công với nước”.

Vừa đi làm, vừa lo về quê thăm con, lo tiếp tế cho hắn, nàng còn lo đơn từ, đánh máy gửi lên Trung ương và tìm cách đưa tận tay các ông lãnh đạo thành phố. Nhưng nàng chẳng gặp được ai. Nàng chỉ nhìn thấy những chiếc ô-tô bóng loáng từ những biệt thự sang trọng và kín đáo lao ra phố, phả bụi vào mặt nàng. Người bảo vệ nắm vai nàng, đẩy nàng về một bên:

– Đến cơ quan. Có việc gì đến cơ quan.

Đến cơ quan. Nghĩa là đơn của nàng, niềm tin của nàng, toàn bộ hy vọng của nàng bị ném vào sọt giấy.

Không một ai trả lời nàng. Không một ai hiểu được rằng đằng sau những dòng chữ đánh mấy bình thường ấy là máu, là nước mắt, là đời người, là hy vọng sống lại.

Tiếng kêu cứu của nàng rơi vào hư vô. Không một hồi âm. Nó lọt vào thăm thẳm.

Giá ông Hoàng còn làm bí thư thành ủy ở đây. Hẳn là nàng đã được gặp rồi. Ông Hoàng còn làm bí thư thì chồng nàng đã chẳng bị bắt. Nếu ông Hoàng còn làm bí thư thành ủy. Một câu nói của ông Hoàng sẽ quyết định tất cả. Sẽ trả lại cho nàng cuộc sống. Trả lại cho chồng nàng, các con nàng cuộc sống. Cất được cho bố mẹ nàng khổ đau, nhục nhã. Nhưng ông Hoàng đã về Hà Nội. Làm một phó ban gì đó của Trung ương.

Ông Hoàng rất biết hắn. Có lần sau khi đọc một loạt bài điều tra của hắn về công tác quản lý xí nghiệp, ông Hoàng đã cho mời hắn sang làm việc riêng với ông, trò chuyện rất tâm đắc.

Hắn đã kể cho nàng nghe tất cả. Hắn hớn hở bảo nàng:

– Anh vừa uống trà chỗ ông Hoàng về. Thật là một người tuyệt vời. Ông Hoàng gọi điện cho anh: “Có trà ngon sang mình uống nhé”. Hoặc: ông Hoàng gọi điện hỏi anh có đi Hà Nội không? ô-tô rộng. Mai anh đi nhé. Lên Nhà Thanh Niên xem có vay thêm được ít tiền tạm ứng nào không?

Hắn tặng ông Hoàng sách của hắn, kể với ông những dự định. Rồi một hôm, Cao, phóng viên báo T, cháu ông Hoàng về công tác, đến nhà hắn nói với nàng về hắn: ông Hoàng nói với tôi: “Thằng Tuấn nó viết được tiểu thuyết lớn về công nhân đấy”.

Giá ông Hoàng còn làm Bí thư thành ủy ở đây…

Nàng đến đưa đơn và xin gặp ông lãnh đạo thành phố đương nhiệm. Nhưng không thể nào gặp được.

Bình, người bạn thân nhất của hắn và giờ đây là người nàng có thể bàn định, kể lể nỗi niềm, lắc đầu bảo nàng: ông K (tên ông lãnh đạo thành phố hiện nay) là giám đốc Sở Công an chuyển sang. Ông Trần là quân của ông K. Thế nào ông K chẳng bênh ông Trần. Ông K lại mâu thuẫn với ông Hoàng. Mà Tuấn được ông Hoàng cưng. Kêu ở thành phố không ăn thua gì đâu, kêu lên Trung ương mới có hy vọng được giải quyết.

Kêu lên Trung ương. Nàng đã kêu lên Trung ương. Nàng đã kêu vào thăm thẳm.

Ba năm qua đi. đã hết lệnh đầu tiên. (Nàng đã biết cách tính thời gian tù bằng lệnh, một cách tính thật khoáng đạt, hào phóng). Hắn vẫn chưa được về. Anh Thân gặp gỡ những ông Quảng, ông Lan ở các hội nghị do thành phố tổ chức. Người ta nói với anh: Hắn chưa được về vì chưa chịu nhận tội, hắn vẫn còn chủ quan lắm. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” đâu phải chuyện đùa. Bắt một người đã khó. Bắt một cán bộ công nhân viên càng khó hơn. Phải cân nhắc, suy tính, đâu chúng tôi dám làm bừa. Phải có đủ tài liệu trong tay”.

Vậy là hắn phải tù thêm lệnh nữa rồi. Anh Chân tìm mọi cách gặp ông Trần, người bạn cùng một cấp ủy trong những năm chống Pháp gian khổ nhất. Ông cũng bảo anh Chân là hắn đánh giá mình không đúng, chủ quan lắm. Ông Trần cũng như các ông Quảng, ông Lan không bị tù mà chỉ bắt người khác vào tù thôi, nên không hiểu để hắn ở thêm ít ngày nữa đói với hắn, đối với nàng là như thế nào. Họ đều thuộc câu nhất nhật tại tù, nhưng hẳn chẳng bao giờ nghĩ đến thực chất ghê gớm của câu nói ấy. Sao lại có thể giúp một người chữa bệnh chủ quan bằng cách cho người ta vào tù nhỉ.

Nàng lại phải chờ đợi hơn nửa nằm nữa mới được tin hắn trở về 75.

Nhưng rồi hắn lại ra đi.

Lúc hắn ngồi trên xà lim lưu dộng, đi qua đầu làng trên đường trở lại Q.N là lúc nàng đang đi làm. Cơ quan đã chuyển về thành phố. Nhận được tin khủng khiếp ấy nàng hoàn toàn gục ngã. Nàng định đi Q.N thăm hắn, nhưng chuyến đi thăm cứ bị lùi lại. Bé Dương bị viêm họng. Rồi nàng ốm. Rồi công việc cơ quan.

Rồi đến ngày 16 tháng 4, B52 rải thảm. Cả thành phố náo động. Nàng và con Nguyệt kẹt ở bến phà. Hàng nghìn người nghẽn ở bến, mắt đăm đăm nhìn lên trời chờ máy bay đến, chờ bom rơi giết chết mình. Nàng không hiểu đã lấy đâu ra sức khỏe, một tay giữ con Nguyệt để nó khỏi lạc, khỏi bị xô đẩy, tay kia giữ ghi-đông xe dạp bị kẹt cứng suốt nửa ngày ở đó.

Rồi nàng thấy mình ở giữa phà. Con Nguyệt vẫn đứng bên cạnh nàng.

Nàng đạp xe, với túi xách treo ghi-đông, túi dết khoác ngang lưng, con Nguyệt phía sau, vượt hai mươi ki-lô-mét về nhà. Bố mẹ chồng, ba đứa con chạy ra đón nàng, mừng như nàng vừa sống lại.

Hai tháng sau nàng chuẩn bị đi Q.N thăm hắn thì nhận được thư hắn: Hắn đã chuyển trại rồi. Lại một lần nữa nàng gục ngã. Nàng tự nguyền rủa mình. Vì sao khi hắn còn ở QN, nàng không đi thăm hắn? Đã đành là con ốm, công việc cơ quan, nhưng nếu quyết tâm, nàng vẫn đi được.

úp mặt trên ngực chồng, nàng nghĩ tới con đường đi Q.N, rồi con đường đi V.Q xa hàng trăm ki-lô-mét. Nàng đạp xe đạp. Phà, đò, nhiều dốc, nhiều đèo. Chiều tà vẫn một mình, với bao túi tắm, miệt mài giữa núi rừng. Nàng không ngờ trong người mình lại có ngần nấy sức lực, ngần nấy quyết tâm. Khi đi còn hăng hái vì ý nghĩ sắp được gặp chồng làm nàng thắng được mệt nhọc, vất vả. Khi về mới thật là một cực hình. Mệt mỏi, ê ẩm, rã rời và một câu hỏi: bao giờ gặp lại chồng. Nhất là khi mở khóa bước vào buồng, một mình, trống rỗng. Vĩnh biệt những con đường rừng hàm dọa nuốt chửng đời người ấy. Vĩnh biệt kiếp sống đen tối ấy. Chồng nàng đã trở về căn buồng này cùng nàng, quen thuộc, dù từ một thế giới khác, nhưng vẫn là chồng nàng, quen thuộc. Như trước đây. Như nàng vẫn nghĩ. Như nàng vẫn mong đợi.

Nàng lại nhẹ nhàng nằm xuống cạnh hắn.

 

Về đầu

 

Chương 30

 

 

Họ nằm bên nhau im lặng. Lắng nghe đêm mùa xuân yên tĩnh, ô vuông sáng in hình cửa sổ. Lắng nghe hơi thở của các con, hơi thở của chính họ. Lắng nghe căn buồng êm đềm của chính họ.

Họ lắng nghe sự bên nhau. Đây là khát vọng đã biến thành sự thật. Một sự thật phải trải qua cay đắng đến không tin được, nhưng cuối cùng đã đến. Khi bé Dương hỏi hắn già chưa, hắn trả lời trong óc “Bố đã qua một kiếp. Bố vừa sống lại… ” Nhưng đâu chỉ có hắn qua một kiếp. Cả Ngọc nữa. Ngọc cũng qua một kiếp. Ngọc cũng vừa sống lại.

Kiếp tới của hai người là gì, họ chưa nghĩ đến. Chắc là đầy chông gai, nhưng sẽ vượt qua vì không có kiếp nào đáng sợ bằng cái kiếp họ vừa trẫi. Vả lại lúc này đâu phải nghĩ đến những điều ấy. Hãy tận hưởng sự bên nhau. Những giây phút đầu tiên bên nhau. Hãy tận hưởng điều mong đợi mòn mỏi đã thành sự thật.

Họ nằm bên nhau im lặng để cùng nhau xác nhận sự bình yên và bão táp qua rồi. Họ nằm bên nhau và cuộc đời như không tồn tại, chỉ có họ gần gũi triền miên trong thời gian kỳ diệu. ôi Bây giờ mới lại thấy thời gian là kỳ diệu. Thời gian sao ngọt ngào đến thế Chỉ có hai bàn tay đan vào nhau. Tay Ngọc đan vào tay hắn. Từ nay chúng ta sẽ không rời xa nhau nữa.

Từ nay chúng ta lại không xa nhau nổi một tuần. Từ nay và vĩnh viễn.

Họ không nói một lời, nhưng cả hai hoàn toàn hiểu nhau. Người này biết người kia đang nghĩ gì. Ngọc gỡ tay khỏi tay hắn, quàng qua ngực hắn. Hắn cầm bàn tay Ngọc ấp lên miệng. Họ cảm thấy một điều gì đó đang bắt đầu, một điều gì đó đang đến…

Không cuống cuống vội vã như lần gặp Ngọc hăm bốn tiếng khi còn ở trại Q.N, lúc Thất, tù trật tự trại bước ra, chỉ còn hai người trong buồng gặp mặt, hắn và Ngọc đã lao vào nhau, ghì chặt lấy nhau. Bởi vì hai người lúc đó vẫn ở hai thế giới, sự gần gũi là của bố thí, đồng tiền bố thí lấy ra từ chính kho tàng của mình đã bị tước đoạt. Kết quả của sự ban ơn đó là tính bằng giây. Bởi vì chỉ hăm bốn tiếng sau người ta đã giằng Ngọc ra khỏi tay hắn, đuổi hắn về cõi chết.

Ngồi trong nhà gặp mặt mà vẫn nghe thấy tiếng chân huỳnh huỵch của những người gánh phân nhà bò đang nhoai người leo dốc bên kia suối. Thấp thoáng toán lâm sản với những vác nứa hình hộp đè nghiêng đầu người về một bên. Tiếng xô búa xủng xoang của toán lò vôi. Và bộ quần áo tù mặc trên người… Sự gần gũi còn là ê chề nhục nhã.

Anh bỗng giàu có vô cùng khi có thêm

kỷ niệm của em

Khi bàn tay em không còn là xa lạ

Không phải trong tù nhớ lại nữa. Nhớ từ thời mới yêu nhau, sao em là của anh, anh không hiểu nổi, sao anh có tên em, để anh lên tiếng gọi. Bàn tay này ngày xưa non mềm thon thả ngây thơ biết bao. Bàn tay nhỏ gầy lam lũ vất vả đau khổ ấy đây. Hắn ấp bàn tay Ngọc lên má, lên mắt, lên trán hắn. Nàng quay người về phía chồng, thì thào:

– Anh!

Hắn cũng xoay nghiêng trở lại ôm lấy nàng. Hắn hít những hơi dài trên má nàng, trên tóc nàng, và bây giờ đến lượt hắn, hắn vuốt dọc thân thể nàng. Hắn siết chỗ eo lưng, ép chặt Ngọc cũng đang nằm nghiêng vào mình và luồn tay qua lượt dây chun, xoa mãi xoa mãi xuống phía dưới bóp mạnh, rồi xoa nhẹ nhàng, rồi lại bấu vào đó. Trong tù hắn đã bao lần nhớ lại, bao lần thèm khát được đưa tay luồn qua lượt dây chun… Hắn nghèn nghẹn:

– Em

– Anh!

Nàng thì thầm đáp lại. Một cái hôn dài, dài như vô tận, lúc đần chỉ là mọt mơn trớn êm ái dịu dàng, triền miên như không bao giờ hết, như từ nay – hạnh phúc, như từ nay ố cuộc sống. nhưng rồi dần dần trở nên dồn nén, cấp bách và nghẹt thở. Người nọ riết vào người kia như để được tan vào nhau, hòa cùng nhau làm một. Anh hôn em cáí hôn dài mười năm đứt đoạn. Cái hôn này là nối vào cái hôn bị chém dó. Hắn nhìn thấy trong ánh sáng mờ mờ đôi mắt Ngọc đang ngước nhìn hắn. Đôi mắt nồng nàn ấy của nàng hắn đã nhìn thấy khi hai người ngồi dưới trời sao Vĩnh Tuy. Khi hai người ở nhà anh chị Diệu. Đôi mắt nồng nàn ấy của nàng hắn đã nhìn thấy khi hai người ở sân kho hợp tác. Hắn khẽ đặt nàng nằm ngửa để lại được luồn tay qua dây chun một lần nữa và run run sờ lần tìm lại những gì thân thuộc trên người nàng. Đau khổ có in dấu vết ở đây không? Đắng cay thấm đượm thịt da em. Nhưng như cây vẫn bắt rễ vào đất, cuộc sống sẽ từ đây tiếp tục. Cuộc sống vẫn còn đợi chúng ta. Anh sẽ đền bù lại.

Chúng ta vẫn sống. Tiếp tục sống trong hạnh phức. Như những ngày xưa. Giờ đây chúng ta càng hiểu ý nghĩa của sự gần gũi này. Chúng ta đã mong đợi. Chúng ta đã tuyệt vọng. Nhưng chúng ta đã đạt được.

“ôi Em”. Hắn lại thì thầm. Hắn thấy lại những gì hắn vẫn nghĩ đến, vẫn tưởng tượng mà không thể nào tưởng tượng nổi.

Hắn ngồi dậy. Hắn ngồi im lặng nhìn thân hình nàng đã cởi bỏ hết quần áo mờ mờ trong màn, như một tín đồ phương Đông khoanh tay tĩnh lặng trước bình minh chờ đón mặt trời mọc.

Và như một chiến binh trải qua trăm ngàn trận mạc bỏ lại cái chết sau lưng trở về nơi chôn rau cắt rốn, quỳ hôn mảnh đất quê hương, hắn cúi xuống hít một hơi dài.

Hắn nhận vào người hắn tất cả trời đất. Hắn như tan đi. Ngọc chới với đưa tay kéo hắn.

Hắn ngoan ngoãn làm theo nàng.

Trong giây lát cả hai cùng thấy lại tất cả những gì đã mất. Nó sáng lòa như một đám cháy ở chân trời. Dấu chấm hết một chương dài đen tối. Một thực tại hắn hằng nghĩ đến trong những tháng năm tù tội. Là chấm dứt những hồi ức của nàng u uất, cô độc. Là lại có một người để mà than thở, để mà chia sẻ, để mà yêu thương. Là có thêm đôi vai nữa cùng mình gánh vác. Là đoạn tuyệt những đêm dài ghê sợ, gọi người ở thế giới bên kia trò chuyện bằng độc thoại. Là chấm dứt nỗi kinh hoàng khi mỗi tế bào trong người đều nổi loạn đòi sống, tiếp theo là cuộc hành quyết chính bản thân mình. Là lại được như những người bình thường khác. Là những gì còn đó nguyện vẹn mà không bạo lực nào có thể cướp đi. Là điều tốt đẹp nhất trên cuộc đời này. Đúng là điều tốt đẹp nhất còn lại trên cuộc đời này. Là yêu nhau. Là lại đươc yêu nhau. Là trở về quá khứ mười lăm năm trước. Là cuộc sống. Là quyết sống, dù thế nào chăng nữa. Đó là con đường chạy từ tiềm thức tới một nơi còn thẳm sâu hơn tiềm thức. ở đó thăm thẳm trên đầu và thăm thẳm dưới chân. Hắn và nàng lại đi trên con đường đó. Mặc cho mỗi bước đi chân trời lại cứ lùi xa. Sung sướng hám hở, hạnh phúc, dấn thân, tuyệt vọng, họ lại đi trên con đường quen thuộc ấy về chốn tận cùng.

Bây giờ hắn biết rằng sự việc đúng là như vậy.

Phải là như vậy. Đã là như vậy. Đang là như vậy. Sẽ là như vậy.

Và hắn bỗng nghe thấy nàng thì thầm bên tai như đau đớn:

– Đúng.

– Đúng.

 

Về đầu

 

Chương 31

 

Cái dốc xoai xoải bến Tắm này là như thế. Dòng sông Đằng là như thế. Trong kịch bản phim đã ký hợp đồng với Cục Điện ảnh nhan đề Những người đang sống (và nhờ công sức của Nguyễn Vũ Phương, hắn đã được tạm ứng sáu trăm đồng) có một cảnh phà Tắm sang ngang. Hắn thích cảnh ấy. Đó là một đặc trưng thành phố hắn ở. Có thể dùng trực thăng quay toàn cảnh hai đầu bến lát đá xoai xoải, chiếc ca- nô xình xịch kèm cái phà to bè giữa dòng, rồi quay cận cảnh làm một cái travelling nét mặt từng người và cuối cùng đặc tả đôi trai gái yêu nhau đang qua phà Tắm về quê trình diện bố mẹ. Bến Tắm đã vào cả trong sáng tác vẫn như trước đây, cái bến phà gần gũi lần nào cũng qua hai lần ấy ở xa 75 là thé, thoáng đáng là thế, phóng khoáng mênh mỏng là thế mà cũng gắn bó với đời tù của hắn.

Vẫn là trời riêng, mây riêng. Gió riêng. Gió của những khoảng không vô tận mặt biển thổi vào. Gió sông Hồng làm hắn xúc động, nhưng ví sao được với gió sông Đằng. ở đây nhìn xuôi dòng, bãi sú bốn mùa xanh, xanh mãi thấp mãi về phía xa hút tầm con mắt. ở đó là chân trời, góc biển. Năm năm giam hãm hắn đã qua phà Tắm ba lần. Kỷ niệm hãi hùng về bến phà với Ngọc là ngày 16 tháng 4, cùng con Nguyệt mắc kẹt giữa hàng nghìn người chen chúc qua sông. Với hắn là chuyến đầu tiên rời 75 ra đi cùng đông anh em trên chuyến xe bịt bùng, chứ không phải hai chuyến sau chỉ có một mình trên chiếc xe com-măng-ca đít vuông từ Q.N về 75 ăn Tết rồi lại từ 75 trở lại Q.N.

Đứng trên bến phà không thể không nghĩ tới ngày hôm ấy, không thể không nghĩ tới chuyến ra đi đầu tiên ấy. Đi đâu không biết. Nhưng chắc lên rừng. Đau đớn là suốt thời gian chống Pháp hắn ở rừng, hắn cùng rừng bầu bạn, hắn tin tưởng ở rừng. Nay rừng làm hắn khiếp sợ. Rừng đợi hắn trở về để rừng đày đọa giam hãm hắn, và khi trông thấy màu xanh lầm lì hăm dọa của rừng, lòng hắn thắt lại, thì trong xe có những tiếng gào lên:

Rừng ơi! Ta đã về đây, đem sức của đôi tay lao động,

khó hhăn không quản ngại.

Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay…

Tiếng hát của những người đã chai sạn với rừng tù.

Đau đớn từ lúc xe mới rời 75, còn đi trong thành phố, anh em khe khẽ nói tên những đường phố xe đang qua như những lời vĩnh biệt. Đau đớn là không có cách gì báo tin cho bố mẹ, vợ con, anh em biết mình không còn ở P. nữa. Mình đã bị đưa đi rồi. Biệt xứ rồi.

Lại càng chăm chú nhìn đám đông trên dốc phà. Hy vọng bố sang phà. Hoặc vợ về quê. Hoặc chỉ một người quen thôi, để người ấy về kể lại rằng đã nhìn thấy hắn đi. ở góc đầu dốc phà, bốn năm người cả người lớn trẻ con đứng tụm lại. Họ không qua phà. Họ đứng nhìn vào xe. Họ gật đầu. Họ khẽ vẫy. Một gia đình nào đó được báo trước tù chuyển đi sáng nay, kéo cả ra đây đứng chờ để được nhìn thấy người thân của mình lần cuối… Họ chỉ dám đứng xa xa. ôi! Giá vợ con hắn đứng đó. Để hắn nhìn thấy một lần. Bỗng cả phà nhốn nháo. Một tiếng phụ nữ gào khóc:

– Sáng ơi! Em đi đâu đấy, hở em? Hắn nhớ lúc đó. Đang ngồi trên xe, còng chung với một người nào đó, hắn và nhiều người bị xô nghiêng. Sáng nhoài ra kêu to:

– Chị Dậu ơi. Em đi rồi. Không ở 75 nữa, chị ơi!

Sáng thật may mắn. Bao nhiêu người thèm được nói một câu như Sáng, nhắn một lời như Sáng. Ông công an quát lên:

– Im! Không được nói chuyện với người tự do, biết không?

Người đàn bà còn trẻ vứt quang gánh – chắc là gánh rau đã bán xong – cuống cuồng chạy lên dốc phà, len qua hai người soát vé ngược trở ra. Rồi chị chạy xuống với một ôm bánh mì. Xe đang xuống dốc và bò qua cầu phà. Chị nông dân quẩy gánh theo xe, tới sát ông công an nằn nì.

– Không được. Chị đi ra ngoài kia.

– Tôi chắp tay tôi lạy anh. Anh thương cho nó được nhận mấy cái bánh mì. Chị em tôi không ngờ được gặp nhau ở dây…

– Đã bảo không được là không được. Nguyên tắc. Biết không?

Chị nông dân mặt đỏ bừng, rồi tái nhợt đi, đứng chết lặng với đống bánh mì trên tay. Rồi chị òa lên:

– Em ơi! Sáng ơi Em có tội tình gì mà khổ thế này.

Sáng ngồi trong xe run lên bần bật:

– Thôi, chị Dậu ơi. Chị về nói với thầy mẹ hộ em…

Những người trên phà nhìn chị bằng đôi mắt ái ngại. Nhưng không ai nói giúp chị một câu. Không ai mnốn dây vào việc không phải của họ. Ông công an mở khóa cửa sắt. Cái cửa sắt có những ô vuông như xe chở lợn mở ra. Sáng bị đẩy vào trong cùng.

– Em đi đâu đấy, Sáng ơi?

– Em cũng không biết.

Tiếng Sáng bên trong gào lên. Và hắn bỗng thấy một cái gì vựt vào trong xe, qua cánh cửa sắt còn để mở. Anh em tù nhặt lấy chuyển cho Sáng. Tiền. Hai tờ giấy bạc một đồng gấp gọn. Ông công an thét:

– Gì đấy? Tiền hở? Đưa đây. Đã bảo đưa đây mà. Có đưa không?

Sáng rút trong túi ra hai đồng nộp cho công an.

– Đến trại nộp lưu ký. Ai cho phép các anh cầm tiền hở. Chị kia lui ra. Đã bảo bịt mẹ nó miếng bạt ở phía sau thì không bịt. Cho kín mít lại là xong.

Ông công an giận dữ khóa sập cửa, hầm hầm nhìn vào trong xe, lại nhìn ra ngoài. Chị nông dân bán rau khóc hu hu: .

– Sáng ơi. Em đi khỏe mạnh, giữ gìn, chóng về với thầy, với mẹ, với chị, em ơi…

Chị ngồi thụp xuống phà, xếp những cái bánh mì vào sảo còn dính mấy cái lá rau, rồi gục xuống gối. Trong ô-tô mặt Sáng trắng bệch như tờ giấy.

Ngày ấy – mới có ba năm thôi mà sao như đã mấy chục năm rồi – Sáng còn rất trẻ, mặt mui bầu bĩnh, dáng dấp của một thanh niên mới lớn. Ngày ấy, trời cũng nắng cuối xuân như hôm nay, cái nắng làm người ta muốn tám gội, giặt giũ, phơi phóng, quét dọn để xếp cả một mùa mưa dầm lại.

Hôm nay tròn một tuần lễ hắn được tha, cũng là tròn một tuần Sáng trốn trại, bị bắt và bị cùm xà lim. Khi hắn đi ra khỏi trại, thì Sáng bị trói dong ngược về trại. Sáng là người trả cho tự do cái giá bằng cả cuộc đời mình, nhưng Sáng luôn thất bại.

Đứng chờ phà, qua phà và đạp xe trên dường về quê thăm bố mẹ, hắn cứ để ý trong đám đông, nhất là trong đám người quang gánh có ai là chị Dậu không. Gặp chị, hắn sẽ nhận ra ngay, cho dù chỉ trông thấy chị có một lần cách đây ba năm trước. Có thể hắn sẽ nói với chị một câu gì đó cũng nên. Nhưng chắc chắn hắn không dám nói với chị những gì Sáng đã chịu. Càng không dám nói với chị Sáng đang bị cùm.

Hắn cứ lặng lẽ đạp xe đi. Không nói. Ngọc cũng vậy. Thmh thoảng hắn lại rời một tay cầm lái, thõng xuống ngang hông, làm như đung đưa, vung vay để chạm vào người Ngọc.

Hiểu ý, ngồi phía sau, Ngọc nắm lấy bàn tay ấy. Hai người nhè nhẹ bóp tay nhau. Rồi lại rời ra khi thấy có người đi ngược lại. Lại nắm lấy ghi-đông. Lại đạp Hệt như hồi mới yêu nhau ở Hà Nội. Nhưng giờ đây là nắm tay nhau đi trên đường đời khổ đau, nắm tay nhau vượt qua vực thẳm, đâu phải tay trong tay rạng rỡ bước vào đời.

Từ nay chông gai trước mặt. Mà trách nhiệm sống lại nặng nề hơn. Nặng nề đối với những người vì mình mà chịu đau khổ. Nặng nề đối với những đau khổ của chính mình. Và nặng nề đối với những người đã gây ra đau khổ cho mình nữa.

Qua phà, đạp xe về quê thăm bố mẹ, như đứa trẻ mới lớn nhận thức thế giới, hắn cũng vừa tái sinh, nhìn mọi vật bằng con mắt ấu thơ: Dòng nước xanh dào dạt quanh phà, những con roi thả mình dập dờn trong nước, hàng phi lao ngày nào bị cơn bão vặn cụt ngọn nay đã lại tốt tươi, cánh đồng màu, lúa đang thì con gái, con trâu đang thong thả gặm cỏ, những người đi trên đường, cả con dường đất đỏ nữa… tất cả đều làm hắn mở to con mắt.

Và cho đến kiếp này hắn đã sống qua hai kiếp. Một kiếp trước khi bị bắt. Một kiếp trong tù. Cả ba kiếp cùng căng mọi giác quan, cùng cất tiếng và cùng suy ngẫm. Ngọc cũng vậy. Người nọ là một phần của người kia. Điều xảy ra với người này cũng là xảy ra với người kia. Họ chia sẻ cùng nhau tất cả. Hôm nay Ngọc cũng như lần đầu tiên đi trên con đường quen thuộc này, đồng thời nàng cũng đang đi trên con đường này hai kiếp trước.

Và họ im lặng.

Chỉ đến khi gần tới đầu làng, nhìn thấy con Nguyệt đứng ở dưới gốc cây phi lao và chạy lại phía họ, hắn mới nói:

– Con Nguyệt kìa.

Hắn nhận ra con bé ngay. Dù con bé đã lên mười.

Hắn xuống xe. Ngọc đi bộ cạnh hắn. .

– Bố

– Mẹ

Hắn ngồi xuống, một tay giữ xe đạp, một tay ôm con. Con bé xấu hổ vì nhiều người qua lại nhìn bố đang ôm nó. Hắn vuốt cái đuôi gà con con sau gáy con gái:

– Con ra đây lâu chưa?

– Con ra lâu rồi. Bác Văn cũng về. Đang chờ bố.

Ba người đi thong dong. Hắn quàng tay lên vai con Nguyệt. Đây là con đường hắn đã trở về trại Q.N lần thứ hai, Tết năm kia. Một mình trên chiếc xà lim lưu động, bốn chung quanh là tường thép.

– Con học lớp mấy rồi?

– Con học lớp Ba. Học bác Minh ấy, bố ạ!

Khi hắn bị bắt, con Nguyệt mới học vỡ lòng. Bố hắn dạy. Cả ba đứa lớn, đứa nào cũng được ông dạy. Con Nguyệt đã viết thư vào cho hắn, khi hắn ở xà lim 76. Hắn biết là bố đã đọc cho nó viết. Cầm mảnh giấy có hàng chữ mới tập viết của con gái, hắn tê dại. Phải một lúc sau hắn mới bình tĩnh lại được. Phải một lúc sau hắn mới nhớ lại được những nét riêng của đứa con gái út (khi đó con Nguyệt là út). Tám tháng đã hai tay xách hai quả dứa đi lẫm chẫm quanh nhà. Thời gian sơ tán về quê, mới bốn tuổi, nó đã tự động sáng tác ra thư của mẹ gửi cho nó và cầm tờ giấy đọc cho ông bà nghe: “Con ớ nhà đừng tuấy (quâý) ông bà. Mẹ hôn con rồi”. Ông bà quý nhất nó vì nó là bé nhất. Ông bà ra làm vườn, con Nguyệt cũng lon ton ở vườn nghịch ngợm đất cát. Có lần máy bay Mỹ vụt qua, hốt hoảng vì tiếng động cơ sát ngay mang tai, ông xô cháu xuống rãnh và nằm che lên cháu. Mẹ hắn bảo:

– Hai ông cháu lấm bê lấm bết từ đầu đến chân, tắm cạn giếng nước. .

Chủ nhật hắn về nhà. Con Nguyệt cứ chuyền từ tay hắn sang tay Ngọc.

Mẹ lại bảo:

– Mỗi sáng một quả trứng gà đấy. ăn thế gà đẻ không kịp. Rát đít nó.

Và:

– Cái mắt cứ loang loáng, loang loáng. Sáng như đên pha ô-tô.

Đúng là con Nguyệt có cặp mắt rất đẹp. To. Sáng. Trong. Thông minh.

Cô đơn trong xà lim 76, hắn nhớ lại tất cả. Hắn thấy tê dại đi khi nghĩ đến đôi mắt con. Giờ đây con nhìn đời ra sao, con gái tôi sáu tuổi? Và không có người để trút nỗi niềm. hắn lại lẩm nhẩm mấy câu thơ:

ôi con tôi cái nhìn con sáu tuối

Chào con bên kia trời vời vợi

Dưới mắt con trời đục có trong không?

Trong tù, hắn rất sợ việc hắn bị bắt sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn các con hắn, làm thui chột chúng. Đó là điều không thể nào tránh được, nó là một trong những nỗi đau của hắn. Ngọc bảo:

– Con Nguyệt cũng thi học sinh giỏi đấy, anh ạ.

Hắn muốn bế con Nguyệt lên, nhưng nó đã lớn rồi. Giá ở nhà thì hắn đã bế.

– Bốn con gà mẹ mua cho chúng con, hai con đẻ rồi.

– Nhớ bố không?

– Có.

Nó nép vào bố. Đi một quãng, bỗng nó đưng lại hỏi bố.

– Bố ơi, cho con đạp xe một tý, bố nhá?

– ừ con biết đi rồi à

– Con biết đi rồi.

Con bé sung sướng dắt xe, rồi vắt chân qua gióng chéo. Nó đạp mấy vòng. Thỉnh thoảng nó cố ngồi lên yên. Rồi nó lại tụt xuống, vừa đứng vừa đạp. Đi một quãng. nó quành trở lại chỗ bố mẹ. rồi lại đạp đi. Nó đi khá, tay lái chắc, không đảo, hắn yên tâm. Hắn đã rẽ qua cầu, đi trên con đường đất đỏ có hai hàng bạch đàn. Qua thửa ruộng vợ chồng hắn để sổng con vịt mua phiếu. Con Nguyệt đạp xe mất hút sau lối ngoẹo ở trạm xá. Nó về nhà báo cho ông bà, các bác biết cái tin quan trọng: Bố nó sắp về tới nơi.

Cả nhà dừng mọi công việc ra cổng đón. Nó quay lại chỗ bố mẹ dang đi ở bờ đầm. Và nó xuống xe, đi cùng bố mẹ.

 

Về đầu

 

Chương 32

 

Trong tù hắn nghĩ tới căn buồng ở Ngã Bảy của hắn, như nghĩ tới một tổ ấm đã bị phá tan và hắn nghĩ tới căn nhà lá, mảnh vườn của bố mẹ như nghĩ tới một thiên đường đã mất.

Đúng là hắn có cảm giác trở lại thiên đường, khi cùng với bố mẹ, anh em, vợ con bước qua cái cổng tre, đi trên lối hẹp vào sân. Một bên là cây chay đầu ngõ xòe bóng mát. Một bên là cây bưởi đỏ vươn cành ra khỏi hàng rào, quệt lá vào tay hắn. Cây cối nhận ra hắn. Mỗi tấc đất nhận ra hắn. Mảnh sân, cây bưởi trắng cạnh sân, cái giếng nước, cây mắc coọc. Hai cây cau lão lang cạnh giếng. Cây đào đầu nhà (thất trảm thanh đào), con chó vàng già. Tất cả nhận ra hắn. Hắn cũng nhận ra tất cả.

Hắn đã mơ ước, khát vọng được thấy lại, được sống giữa mảnh vườn này, mái nhà này, với bố mẹ, với các anh chị, với con chó vàng già… Hắn đang đi vào thiên đường, đi vào mơ ước, đi vào khát vọng.

Bố. Mẹ. Anh chị Chân. Anh chị Văn. Các cháu đều lớn cả. Cả những đứa mới xuất hiện khi hắn đi tù. Những thàng Téng, thằng Đường con anh Văn. (Anh Văn lớn hơn hắn hai tuổi, nhưng lấy vợ muộn. Ngoài ba mươi mới xây dựng gia đình. Anh Văn cưới vợ đầu năm thì cuối năm hắn bị bắt).

Hắn lại được nghe tiếng nói của bố. Được nhìn mẹ. Mái tóc bố bạc trắng. Mái tóc mẹ dỡ hơn. Bố mẹ già đi nhiều. Hắn cảm thấy mình là người có lỗi. Là một thằng con gây quá nhiều đau khổ cho bố mẹ. Trút quá nhiều gánh nặng lên bố mẹ.

Hắn đâm mất tự tin khi nói chuyện với bố mẹ, anh chị. Đây là lần đầu tiên hắn cảm thấy mất tự tin, cái cảm giác sau này sẽ còn trở về với hắn nhiều lần.

Hắn nghĩ chỉ vì hắn nên bao nhiêu người khổ. Tiếng cuốc trên đồi sỏi Thái Nguyên của bố mẹ vang lên trong bao đêm xà lim lại rõ ràng bên tai hắn. Những nhát cuốc tóe lửa “bắt sỏi đá thành sắn” để nuôi hắn đi học, hy vọng ở hắn, tin tưởng ở hắn. Đã có thời hắn là niềm tin của cả nhà, là ngôi sao nổi nhất trong bốn anh em, đem lại cho bố mẹ niềm kiêu hãnh. vì những bài báo của hắn. Vì những sáng tác của hắn được in nhiều, được phát động đọc trong cả nước.

– Thế sao không cho cháu nào về chơi? – ông Chân hỏi. Ngọc thưa:

– Dạ. Các cháu còn mắc học. Chúng con lại không có xe đạp.

Ông Chân pha trà. Biết hắn thích uống đặc, ông cho vào ấm thêm một ít trà nữa. ông và ba con trai ngồi trên sập. Phái phụ nữ xuống bếp sắp bữa. Chỉ còn thiếu anh chị Thân là hoàn toàn đông dủ.

Đó là toàn bộ hương vị gia đình mà hắn vẫn nhớ tới, vẫn khao khát.

Thịt gà. Rượu. Rau thơm nhiều vô kể. Bữa cơm vui, nhưng không ai nhắc đến chuyện hắn ở đâu về. Vì có lũ trẻ. Buổi chiều, anh Văn, chị Thảo về cơ quan ở Hà Bắc. Anh Văn là kỹ sư thủy lợi đang xây dựng một công trình lớn ở Hà Bắc. Nhận điện của anh Thân báo tin hắn được tự do, anh tranh thủ về một ngày gặp hắn. Công trình đang ở giai đoạn không thể vắng mặt anh. Ngọc cũng một mình đạp xe ra phố. Không thể để lũ trẻ ở ngoài ấy mà không có người lớn.

Buổi tối cả nhà, nghĩa là ông bà Chân, anh chị Chân và hắn giải chiếu ở hè ngồi nói chuyện. Bây giờ mới là những chuyện về hắn. Về những ngày hắn đi xa.

Con Nguyệt vừa ra hạ cái cổng tre xuống và cài chốt, trở vào ngồi học bài, thì có tiếng gọi:

– Mợ Cổn ơi

Mợ Cổn là tiếng gọi chị Chân. Đứa con lớn anh chị tên là Cổn, hiện đang đi làm ở mỏ. Nông thôn có cách gọi như vậy. Lấy tên con lớn để gọi bố mẹ. Ông Chân bà Chân là tiếng gọi bố mẹ hắn. Bác Cổn, mợ Cổn, chú thím Cổn là tiếng gọi anh chị Chân.

– Ai đấy nhỉ?

– Ra sân đội nhé.

– Cô Xoan đấy phải không?

– Làm gì đới?

– Chia chỉ.

– Cứ chia đi. Tí nữa cô nhận cho tôi, cho hai cụ với nhé.

– Mợ đem cho tôi cái bìa theo dõi.

Hắn giật mình. Sao nhà mình lại bị theo dõi nhỉ. Chắc là vì mình đi tù. Thật khốn khổ, nhục nhã. Chị Chân tìm lục và cầm ra cổng một mảnh giấy bìa gì đó Hắn hỏi, khi chị trở về:

– Theo dõi gì hở chị?

– à. Theo dõi mua công nghệ phẩm.

Hắn nhẹ cả người. Sân đội sản xuất ở sát ngay lũy tre nhà bố mẹ hắn, bên kia con đường đất nhỏ hoắm đầy những lốt chân trâu. Suốt buổi ngồi nói chuyện ở hiên, hắn nhìn thấy ánh đèn lập lòe sau lũy tre thưa, tiếng người cười nói, gọi nhau chào hỏi, bàn cãi, gắt gỏng.

– Một trăm mười bảy suất. Bốn mươi cuộn tất cả. Hai nhăm cuộn đen, mười lăm cuộn trắng.

– Thế thì cứ bốn người một cuộn. Bốn bốn mười sáu. Được một trăm mười sáu suất. Thiến một suất.

– Tính sau.

– Ai chịu cái suất thịếu ấy. Ông nhé!

– Lại còn chỉ đen, chỉ trắng. Ai lấy chỉ trắng cho.

– Mỗi cuộn này bao nhiêu mét nhỉ?

– Cứ đóng hai cái cọc cách nhau muời mét. Mỗi đường chỉ là mười mét.

– ở dưới Si thật tiện. Nhà nào cũng có cau. Cứ mắc vào gốc cau. Khỏi phải đóng cọc.

– Chia chỉ đen trước. Chia chỉ trắng sau.

– Giá hai mươi cuộn chỉ đen, hai mươi cuộn chỉ trắng thì còn dễ. Đằng này hai nhăm cuộn chỉ đen, mười lăm cuộn chỉ trắng.

Anh Chân châm một điếu thuốc, bảo hắn:

– Chú tù sao khổ bằng tôi. Cho chân vào cùm. Loại cùm gỗ lim to. Nằm lên bảy cây róc.

Anh giải thích thêm:

– Tức là giát giường nằm. Đặt ngay xuống đất. Chỉ có bảy cây róc thôi. Mỗi thằng một lều. Nằm bên này thấy bên kia đồi, ông Sương kêu rống như bò, góc dưới rừng, cụ Bảo bị đánh kêu oai oái. Đang họp chi bộ, cứ thấy họ mời từng người một ra. Rồi không thấy quay lại nữa. Chỉ còn ba người thì họ vào bảo: Đồng chí Nguyễn Ngọc Chân. Ra gặp cấp trên. Họ dẫn mình vào một cái hang. Vừa bước vào đã thấy hai mũi súng gí vào ngực: “Giơ tay lên”. Lúc bấy giờ tôi còn nghĩ: Để quay phim đây. Thì “bốp, bốp”. Mấy quả đấm nổ đom đốm mắt. Hộc máu mũi ra. Trói nghiến lại ngay. Mình vẫn không hiểu ra sao cả. Cứ thế là đi. Rồi cùm. Hôm sau, ông lãnh đạo đến gặp: “Các anh phải khai hết. Đây là thành khẩn với Đảng”. Biết cái gì mà khai. Không khai thì đánh. Đánh dữ. Đấm. Đá. Cùi tay đánh vào ngực. Đá vào mạng mỡ. Kêu váng cả rừng. Thằng nọ nghe tiếng thẳng kia kêu mà lạnh cả người. Nghĩ sắp đến lượt mình.

Ngừng một lát, anh tiếp:

– Cái lúc chuyển tù mới sợ chứ. Mỗi thằng một xiềng. Đi đêm. Xiềng kêu loảng xoảng vang cả rừng. Như cả một đoàn ngựa đang hành quân thời Trần Quốc Toản. Mười tám tháng sau, Trung ương về bảo: “Sai hết rồi, các đồng chí ơi! “. Tất cả chạy ra vặn cây chuối rừng non ăn đã. Chỉ thương ông An tự tử. Cụ Bảo bị thủ tiêu. Chết mất.

Chị Chân hỏi:

– Nhưng sau này ông có gặp lại những thằng nó đánh ông không?

– Có chứ. Nó bảo: “Anh thông cảm” ố “Thông cảm cái gì mà đánh tao thừa sống thiếu chết? ” ố “Em không đánh các anh, mà đánh bọn gián điệp phá hoại cách mạng. Em không đánh vì tư thù. Em đánh vì cách mạng. Đặt địa vị anh, anh có làm thế không? ”

Anh cười:

– Nó nói đúng. Nó làm hoàn toàn vì động cơ trong sáng. Vì cách mạng cả thôi. Anh Chân bị mười tám tháng. Hắn năm mươi nhăm tháng. Bố thì chỉ bị mấy tháng trong cải cách ruộng đất. Lâu rồi, bố nói: Nó trói giật cánh khuỷu. Lúc bấy giờ lại nghĩ: Mình vẫn nói trói giật cánh khuỷu. Thì ra trói giật cánh khuỷu là thế này đây.

Chín nám tản cư ở Thái Nguyên vừa về đến làng làm một túp lều trên nền nhà bị Tây đốt từ năm 1947, gặp ngay cải cách ruộng đất đợt 5. Ông Chân bị bắt. Bà Chân lang thang, ngủ ở lều chăn vịt giữa đồng, bới trộm khoai lang ăn. Anh Chân đập đá ở công trường đường sắt. Anh Thân không dám về nhà. Anh Văn đang học ở nước ngoài. Còn hắn ở báo T về Kẻ Sặt viết bài ca ngợi cải cách ruộng đất đợt 5, đợt Điện Biên Phủ chống phong kiến. Khi còn ở Thái Nguyên, ông Chân đã biết cải cách ruộng đất. ông không bao giờ nghĩ rằng ông là địa chủ. Hơn nữa nhà ông tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám. Suốt thời gian kháng chiến, ông ở Thái Ngưyên. Các con ông tham gia kháng chiến. Ta xem ra thời nào cũng vậy thôi, các anh ạ. Quan bênh quan. Là người dân thời nào cung khổ.

Chị Chân chép miệng:

– Cách mạng gì mà thế.

Anh Chân nổi cáu:

– Không thể nói thế được. Cách mạng không chủ trương như vậy. Đấy là sai lầm của những cá nhân. Sai lầm trong quá trình thực hiện.

– Sao không kỷ luật. bỏ tù những cá nhân làm sai ấy đi?

– Có kỷ luật. Kiểm điểm rút kinh nghiệm chử. Bà không biết thì thôi. Kỷ luật rồi lại đề bạt. Tôi còn lạ gì.

– Vấn đề cơ bản là xét cái động cơ của người ta. Người ta phạm sai lầm cũng chỉ vì muốn cách mạng thắng lợi. Phạm sai lầm vì cách mạng là chuyện đáng được tha thứ. Tôi đã tha thứ cho bọn hành hạ tôi.

Câu chuyện giữa anh chị Chân thường là như thế. Hai anh chị rất thương quý nhau. Anh bị Pháp bắt khi đang là huyện ủy viên, trưởng ban quân sự huyện. Có tin đồn anh đã bị chúng bắn, cho vào bao ném xuống sông Cầu. Chị Chân giết gà đem xuống đình Đổng Lý cúng, rồi đi xem chân giò. Người xem bảo: “Chân giò tốt lắm. Nguời này không thể chết được”. Chúng giam anh ở căng Máy Chai. Anh theo đờng cống nhà xí chui ra, bơi qua sông Đằng. Lúc ấy nước đang lên to. Anh bơi đến kiệt sức mà vẫn thấy nước mênh mông. Anh gọi tổ tiên và buông người để chết thì chân chạm bãi sa bồi. Về được ít lâu, anh bị ta bắt cùng với gần trăm người nữa. Chị Chân lại lo tiếp tế cho chồng. Lần này khủng khiếp hơn.

Là một người sát với thực tế, chị luôn đưa ra những dẫn chứng và nhận xét khác suy nghĩ của anh. Như vấn đề vào hợp tác xã, chị không vào. Anh quát: Không vào để người ta bôi gio trát trấu vào mặt tôi à? Không vào thì ly dị!

– Không vào, làm sao tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cứ định con trâu đi trước cái cày đi sau đến bao giờ?

Chị vào hợp tác xã. Chị đi nhận thóc chia của đội. Họ được nhận trước. Chị và một số ít người nữa cứ chờ. Đến mười một giờ đêm. Hết thóc. Chị quẩy quanh gánh không về nhà. Ba lần liền như vậy. Chủ nhật anh ở nơi công tác về. Chị kể lại chuyện ấy và cằn nhằn với anh. Thế là anh lại gắt um lên: “Hợp tác xã là con đường tất yếu”…

Hắn biết cuộc tranh cãi tối nay giữa hai anh chị là vì hắn. Hắn thấy anh có lý. Chị cũng có lý. Hãy đứng về phía những người gây ra sai lầm mà xem xét. Vấn đề sẽ được sáng tỏ. Trừ một số những trường hợp lồng cá nhân vào đó, người mắc sai lầm phần lớn đều có động cơ trong sámg. Vì cách mạng họ làm. Dù có thê thảm: Chết người, oan khuất… Cách mạng là thiêng liêng, là kết quả xương máu của bao thế hệ. Không thể buông lơi cảnh giác. Nếu có hơi quá đi một tý với nhân dân cũng là vì quyền lợi, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhưng chị cũng có lý. Cứ nhìn vào thực tế như chị nhìn, những cái đó gây ra bao tổn thất cho cách mạng, cho nhân dân. Hợp tác xã làm sao vững mạnh được khi cả một sân thóc mồ hôi nước mắt ấy lại trao cho ba người: đội trưởng, đội phó, thư ký đội quản lý. Biết bao nhiêu gánh thóc chạy ngoan ngoèo, lắt léo về nhà họ. Biết bao nhiêu xã viên phải ngồi chờ phát chẩn đến gần nửa đêm để nhận được một cân trả lời: “Hết thóc” và quẩy quanh gánh về không? Còn như cái vụ nhìn các đồng chí thành gián điệp mà anh Chân bị bắt đấy, đối với những người bị chết như ông An, cụ Bảo thì nói làm sao?

Chị Chân lại thở dài:

– Nhà mình đi theo cách mạng từ thời bóng tối. Ông đi đệ tứ chiến khu Đông Triều. Nhà có hai cụ, bốn ông con giai đều đi theo cách mạng. Ba người bị cách mạng bắt.

Anh Chân cười vô tư nhất đời:

– ừ nhỉ? Không tính các bà con dâu thì tỷ lệ bị bắt nhà này là năm mươi phần trăm cơ đấy. Nhưng đã bảo đấy là sai lầm. Có làm có sai. Sai thì sửa. Cụ không được sửa sai à? Tôi không được sửa sai à?

– Còn chú Tuấn?

– Chú Tuấn rồi cũng được sửa.

Hắn cũng tin như anh Chân. Hắn nghĩ: Khách quan mà nói, ông Trần bắt hắn có thể là để lập thành tích, hưởng ứng phong trào. Nhưng cũng có thể do ông Trần nhìn hắn qua lăng kính trung gian. Nếu vậy phải làm cho ông Trần hiểu. Gặp được ông Trần là việc khó. Nhưng phải gặp bằng được. Kỳ này ra phải làm đơn gửi từng vị lãnh đạo thành phố. Tất nhiên là có chủ tịch, bí thư thành ủy. Một cá nhân có thể có những điều này nọ với mình. Nhưng một tập thể thì không. Nhất là một tập thể thường vụ Thành ủy, Một tập thể những người có thành tích, có quá trình cống hiến, đạo đức cách mạng, luôn tập hợp mọi người bàng tác phong nêu gương. Chế độ ta là chế độ công bằng. Chân lý sẽ được sáng tỏ. Ông Chân bảo:

– Những chuyện các anh chị nói chỉ nói trong nhà thôi. Nói ra ngoài không có lợi, nhất là nhà mình bây giờ. Bố Tuấn lại càng phải giữ gìn mồm miệng. Cần nói, nói có nơi có chốn. Bao giờ cũng thế. Bệnh từ mồm vào. Họa từ miệng ra. Thời nào thì thời, ngu si hưởng thái bình, các anh chị ạ.

Rồi ông tiếp:

– Bây giờ bố Tuấn về là mừng rồi. Lo quá. Chỉ sợ bố con, mẹ con không được gặp nhau nữa. Bố mẹ già như ngọn đèn trước gió, như quả chín trên cành. Cũng may giời còn để cho mạnh khỏe. Còn người, thế là tốt rồi. Người ta đi chiến đấu năm bảy năm, không tin tức gì thì sao.

Chị Chân hỏi:

– Thế sao chú lại không có tên trong danh sách ở 75?

Hắn ngớ ra:

– Sao cơ hả chị?

– Chú bị bắt được ít lâu. chú Thân xin Sở Công an giấy giới thiệu đến 75 để thăm và tiếp tế cho chú. Họ cho giấy. Tôi với con Thương sang phố, tìm đén trại giam vào gặp tay công an ấy, nó cũng tốt lắm. Nó kéo ghế mới ngổi cẩn thận. Nó tra sổ. Không có tên chú. Tra đi tra lại. Không có Nguyễn Văn Tuấn nhà báo nào giam ở đấy.

– Có lẽ em ở bên 76.

– 76 thì cũng có tên chứ. Đằng này nó tra hết tập này đến tập khác đều không có. Tôi bảo con Thương: “Bác cháu mình về thôi, con ạ”.

Anh Chân cả quyết:

– Chủ trương nó không cho gặp thì nó làm ra như thế. Nó cấp giấy, nhưng nó lại gọi điện xuống trại giam nói: Chúng tôi cấp giấy, nhưng anh không được cho gặp. Nó đang muốn đè bẹp tư tưởng mình mà lại. Tù chính trị, tưởng chơi à!

Phải rồi. Có lẽ là như vậy. Sau đó chính ông Lan bảo hắn: Con anh ra thăm anh, hình như là con bé thứ hai. Nhưng chúng tôi bảo cháu hãy về, lần sau đến gặp bố. Ông Lan đã đạt mục đích khi thông báo cho hắn tin ấy: Làm hắn đau đớn. Hắn đã ghi vào một trang trong tập Anna: “Biết con Thương ra tìm bố, nhưng không gặp. Con”.

Hắn nghĩ đến con Thương năm đó lên tám tuổi, ngồi nem nép bên cạnh bác trong trại giam tìm bố, rồi lủi thủi ra về, không được gặp! ấn tượng ấy sẽ tồn tại suốt đời nó như thằng Hiệp sẽ tồn tại suốt đời ấn tượng được xuống ao bắt cá ngày Tết năm nào.

Bà Chân cũng nhớ đến hồi con mình mới bị bắt:

– Đang hái lá chè thì có tiếng xe ô-tô. Mấy đứa nhà này kêu lên: “Bố, Bố về”. Thằng Hiệp, con Thương, con Nguyệt ra cổng đón mới khổ chứ. Rồi hỏi: “Bố cháu về không, chú? ”

Ông Chân nói tiếp:

– Đến tôi cũng còn tưởng là bạn của bố Tuấn. Hai người vào. Tôi bảo: Em nó có về không anh. Mãi sau mới biết họ đã bắt con mình. Họ về khám nhà.

– Có phải một người mặt dài dài? – Đúng, ta còn nhớ môi mỏng dính. “Lan mặt ngựa”. – Hắn nghĩ. – Họ nói: “Thưa cụ, anh Tuấn có nhiều biểu hiện chống đối cách mạng. Chúng tôi đã bắt giữ”. Nghe rụng rời cả chân tay. Không còn hiểu ra sao nữa. Sợ quá. Hồi cải cách cũng không sợ bằng. Nó lại bảo: “Gia đình ta là gia đình cách mạng. Để xảy ra việc này thật đáng tiếc. Nhưng cách mạng không thể nương nhẹ với những phần tử chống đối. Anh Tuấn khai có để một số bản thảo, tài liệu ở nhà. Chúng tôi yêu cầu cụ trao cho cơ quan an ninh”.

– Hôm ấy là thứ mấy, hở thầy?

– Buổi chiều hôm anh bị bắt.

– Thừ sáu.

– Đúng. Nghe tiếng ô-tô, ta cứ nghĩ: Sao bố Tuấn về sớm thế. Còn hai hôm nữa mới chủ nhật cơ mà. Họ còn bảo: “Cụ cứ yên tâm. Chúng tôi bắt anh Tuấn không ngoài mục đích giúp đỡ anh Tuấn tiến bộ”. Thôi, bây giờ sự việc đã xảy ra. Bố Tuấn đã về. Lại tính kế làm ăn. Tương lai còn dài. Ta nghĩ khổ nhất là mẹ Ngọc.

– Khổ!

Anh Chân chép miệng xác nhận:

– Khổ nhất thím ấy đấy.

– Bố mẹ thấy con cái thế mà không làm sao được. Chỉ biết cầu mong tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi, gia đình đoàn tụ, thế thôi.

Hắn im lặng. Vợ hắn khổ. Hắn biết. Và hắn biết sau vợ hắn là bố mẹ. Lo làng cho hắn. Thương hắn.

Xót xa cho hắn, cho vợ con hắn.

Bốn đứa con hắn có đứa nào không qua tay ông bà nuôi, được ông bà chăm bẵm, yêu chiều, nâng niu. Đứa thì cai sữa gửi về ông bà. Đứa sơ tán chống Mỹ thời Jhonson. Đưa thời Nixon. Có lúc cả ba đứa và rồi cả bốn đứa. Có đứa nào không được ông dạy những chữ cái đầu tiên, dạy hết vỡ lòng.

Công ơn cha mẹ như núi Thái Sơn, hắn lấy gì đền đáp được. Bình thường đã khó rồi. Giờ đây lại tụt xuống đáy như hắn.

Hắn muốn nói một câu gì với bố mẹ, nhưng lưỡi cứ cứng lại.

Đám chia chỉ ngoài sân đội đã van vãn. Những đốm lửa lập loè tản vào các ngõ. Có tiếng gọi:

– Mợ Cổn ơi!

Chị Chân ra mở cổng. Một phụ nữ ngoài năm mươi gầy sắt lại đi vào:

– Ông! Bà Cậu Cổn! Ai thế này nhỉ? Cậu Văn đấy à.

– Không phải. Tuấn đấy

– Cậu Tuấn đấy hở? Về bao giờ đấy?

Hắn chào người đàn bà, nghĩ: Không biết cô Xoan nói “về”! là ý nghĩa gì? Về quê bao giờ đấy, hay ra tù bao giờ đấy?

Cô Xoan chìa ra gần chục cuộn chl, vừa đen vừa trắng:

– Chia xong, thiếu mấy đường. Lại đóng cọc lại. Chia lần thứ hai, thừa ra ba cuộn. Lại phải chia thêm. Đến khổ. Có tý chỉ mà hết đêm. Mợ Cổn cho tôi đổi cuộn chỉ trắng lấy suất chỉ đen nhé. Nhà mợ, các cậu ấy với các cháu vận quần áo trắng. Nhà tôi toàn quần áo nâu, quần áo đen thôi. Mỗi cuộn mười một mét đây. à, mà đen mười một mét. Còn trắng gần bảy mét.

Anh Chân gạt đi:

Thôi, biếu cô cả. Thật đấy. Tôi đi cửa hàng nào mà không mua được một hai cuộn.

Cô Xoan bị bất ngờ trước món quà tặng giá trị ấy:

– Ai lại thế. Ai có tiêu chuẩn của người ấy chứ. Đội lại trừ công điểm của mợ rồi.

Anh Chân phải nói mãi, cô Xoan mới tin ràng cô là chủ mấy cuộn chỉ ấy mà không phải bỏ ra công điểrn. Cô cứ ngớ người:

– Thế cậu mợ lấy gì mà khâu? Nhà tôi được thế này thì sộp quá. Khâu được đến cuối năm. Chúng nó mặc quần áo hại lắm. Hôm nay vá mai đã rách rồi. Mí bảo cứ chạy chỉ vá quần áo cho chúng mày cũng chết mất thôi. à mà nói khâu mới nhớ ra. Ba người hai cái kim. Nhà cụ hai người, hơn một cái. Nhà mợ bốn người hơn hai cái. Hai nhà là bốn cái đấy.

Chị Chân nhận bốn cái kim cho hai nhà cùng cái bìa theo dõi (cái bìa theo dõi làm hắn hết hồn). Chị mách cô Xoan cách nhnộm chỉ trắng: Vuốt vào lá giầu không. Rồi đem nhấn bùn. Đen lắm.

Về đầu

 

Chương 33

 

Cả nhà đã ngủ. Ngọn đèn trên bàn thờ leo lét. Hàn vén màn nhìn mẹ nằm cạnh con Nguyệt ngủ lăn ngủ lóc. Rồi lại vạch màn nhìn bố đang ngủ trên sập. Hắn nhìn mái tóc bạc càt ngắn của bố. Sao mà giống đầu Lỷ Xìn Cắm thế. Bình thường khi nhìn Lỷ Xìn Cắm, hắn không nghĩ đến bố. Nhưng đến khi đứng ở gốc cây mào gà chỗ cửa trạm xá nhìn vào, khi ông Chắn, công an y tá, vén tấm vải trắng che cửa lên, thấy xác Lỷ Xìn Cắm đắp chăn trên giường đầu quay ra phía ngoài. Nhìn đầu Lỷ Xìn Cắm từ phía đỉnh, vuông vức, cắt ngắn, bạc trắng, hắn tưởng như bố đang nằm.

Già Đô sợ chết trong tù. Còn hắn, hắn sợ bố mẹ chết mà hắn vẫn ở trong tù, không được gặp mặt, thì thật khốn nạn quá. bất hiến quá, nhục nhã quá.

May sao bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh, chờ hắn trở về Bố mẹ thương hắn, vẫn sống, tránh cho hắn cái tội bất hiếu ấy.

Hắn nghe tiếng thở đều đều của bố mẹ và con gái, mà chưa biết được rằng đã lâu lắm rồi cả nhà mới có một giấc ngủ bình yên như đêm nay. Sau này, khi bố mẹ đã mất, con Nguyệt đã lấy chồng, nhân một chuyện gì đó, nó bỗng kể lại thời gian còn bé ở với ông bà, thời gian bố còn trong tù, đêm đêm lên giường đi ngủ với bà, nó thấy ông đứng trước bàn thờ, thắp hương khấn vái. Nằm nghiêng trong lòng bà, nó quay ra nhìn bàn thờ, chỉ thấy ngọn đèn vặn nhỏ, đầu ba nén hương mới thắp đỏ hồng và bóng ông đứng im bất động. Nó biết ông đang khấn trời phật tổ tiên, ông đang cầu xin cho bố. Hơn một ngàn đêm, đêm nào cũng vậy…

Hắn khẽ khàng tém lại màn cho bố. Đi ra sân. Một mình hắn đứng giữa sân. Dưới ánh sao, cây cối trong vườn hình như cũng ngủ. Bên nhà anh Chân cũng tắt đèn từ lâu rồi.

Trên đầu hắn là bầu trời yên tĩnh. Hắn lắng nghe sương xuống. Và hắn nhìn sao. Đọc những dòng chữ ghi trong sổ tay của vợ, hắn biết Ngọc cũng nhiều đêm nhìn sao và nói thầm với sao:

“Sao có biêt anh ta đã ngủ chưa? Hẳn sao nhìn thấy anh ta ở một vùng rừng xa lắm… ”

“Không Ngọc ơi. Sao trời không nhìn thấy anh đâu. Anh cũng chẳng thấy sao. Tối đến bọn anh chỉ quanh quẩn trong buồng giam hoặc đi vào nhà mét”

Hắn bỗng nhớ đến một tối cả trại được xem phim, hắn đã không xem. Ngồi giữa sân ở cái chỗ mọi khi vẫn xếp hàng đi làm, hắn cứ ngửa mặt nhìn trời. Hắn tìm những ngôi sao thân thuộc. Hắn nhìn những chỏm cây rừng chung quanh đu đưa trên nền trời mịn như nhung. Muôn vì sao lấp lánh ánh sáng yếu ớt và huyền bí. Ông Thần Nông đâu? Hai mắt con vịt nữa. Không thấy. Và chòm sao gì như một hình tứ giác. Cái gầu sòng. Ngôi Bắc Đẩu. Sao Hôm đâu? Không nhìn thấy. Khuất rừng chàng? Hay đã lặn mất rồi? Những ngôi sao bè bạn suốt tuổi ấu thơ. Mảnh sân nhà hắn. Hắn và anh Văn đuổi bắt đom đóm. Hắn muốn đứng lên tìm hai ngôi sao ở phía Đông, thấp gần đường chân trời. Dạo hành quân từ Thái Nguyên về tiếp quản Hà Nội, hắn luôn gặp hai ngôi sao ấy. Trong ánh chiều tà, nó sáng và chênh chếch như hai ngọn đèn pha ô-tô vừa nhô lên ở một đoạn đường dốc và cua lượn.

Hắn nhìn sao và thỉnh thoảng lại liếc nhìn ông quản giáo. ắn nhìn sao vụng trộm. Sợ bị quy là chống đối, không xem phim. Mặc cho anh em thỉnh thoảng lại ồ lên vì mọt cảnh gì đó, hắn cứ bí mật nhìn trời.

Không có nghệ thuật nào hấp dẫn được hắn (cái thứ nghệ thuật mà hắn biết quá rõ), rứt hắn khỏi trời sao mà hắn đã phải xa cách mấy năm. Và có lẽ cũng không ai nhìn sao như hắn nhìn hôm ấy. Nhìn và tự hỏi: Biết bao giờ mới lại được một đêm nữa ngắm sao. Điều kỳ diệu là đang độ mưa dầm, đêm ấy bỗng quang mây. Cả một trời sao mênh mông trên đầu hắn.

Hắn nhìn sao như người nhìn lần cuối. Hắn không dám nghĩ mình sẽ còn được hưởng hạnh phúc lớn lao này một lần nữa. Cũng bởi vì dạo ấy hắn mới từ 75 trở lại trại Q.N lần thứ hai, thực sự ngấm đòn của ba từ cửa miệng: án cao-su.

Từ trên xà lim lưu động com-măng-ca Rumani đít vuông đã được cải tiến, hắn khoác nội vụ vào nhà bếp. Đang giữa trưa. Ông Lâm chánh giám thị đứng trong bếp, đang đọc cái bảng ghi tên từng mâm cơm, số người ăn, mức ăn của từng mâm. ông lẩm bẩm:

– Mâm Tuấn. Tuấn nó về rồi, còn cứ để mâm Tuấn.

Hắn lặng lẽ đứng phía sau ông mà ông không biết. Hắn lại trở về toán cũ. Toán tăng gia. Lại nằm cạnh già Đô. Lại gặp Giang, Lê Bá Di, Dự, Kỷ Mình. Nhưng hắn được nhận công việc mới. Được là tù tự giác. Được gia nhập nhóm tù quý tộc. Như Thắng nuôi ong, Thuận sứt chăn trâu. Như Cần trại cá. Như Quý nhà bò. Hắn được coi vườn trong, một mảnh đất bằng phẳng giữa ba bề núi cao, ba bề rừng cây vây quanh mà bọn hắn khiêng đá đắp đập ở con suối đầu vườn.

Cảm nhận bằng từng tế bào cái sự thật không có ngày về, hắn không biết gì cuộc sống. Người rũ xuống như tên cướp trẻ bị trói vào cột bắn nằm nào. Đó là sự kinh hoàng trước cái chết. Nỗi niềm càng đau khi vừa trở về trại Q.N thì đã có một bức thư của Ngọc chờ sẵn. Thư viết gần hai tháng trước. Khi hắn còn ở QN đợt một, khi hắn chưa về 75, hắn và Ngọc chưa gặp nhau trong những ngày giáp Tết. Nếu không đi tù, tăng hai, hẳn hắn không phải nhận bức thư này

Anh thương yêu. Hôm qua Nôen, em về quê thăm bố mẹ, các con và đón con Thương ra chơi.

… Không. Không thể nào đọc nổi lá thư. Nó như dao cứa vào lòng. Bởi vì cứ nghĩ rằng lẽ ra mình đã về với con là mắt lại nhòa đi, tim co thắt và lòng tan nát. Bức thư bình thường như mọi bức thư tù khác mà cho mãi đến về sau hắn cũng không dám đọc lại. Nó đè nặng lên hắn trong những ngày ở lại Q.N. Nhất là những ngày ấy lại đang độ mưa dầm, ướt sũng núi rừng. Mà ở vườn trong lại càng hoang vàng.

Chỉ có một điều kích thích hắn là nghe anh em tù thì thào mảnh vườn này có ma. Một anh chăn bò nằm ngủ trưa trong vườn cứ có người đến ngoáy mũi, choàng mắt dậy chẳng thấy ai. Nhắ m mắt thiu thiu lại thấy tiéng cười khinh khích và tiếng chân chạy thình thịch. đến đời anh chản bò sau cũng vậy. Hai con bò đã buộc vào gốc cây núc nác, không biết ai cởi ra, đi giữa luống rau, đầu cử nghênh lên như có người dắt, hết luống này sang luống khác, tịnh không ăn một ngọn rau nào. Anh em bảo đó là hồn ma của hai anh tù đầu tiên chết chôn ở đây trước khi có khu Gò Thằng Công (tên anh em đặt cho mảnh đất ven rừng chôn những xác tù). Hy vọng càng âm ỉ khi hắn tìm thấy hai cái mả sau nhà ủ phân đã đổ, giáp với bìa rừng. Hai cái mả chỉ còn là hai mô đất con con mọc um tùm những cây cứt lợn.

Một buổi chiều, anh em trong toán đã về hết, một mình ở lại với rừng, hắn lê tới đầu vườn, vịn vào một gốc cây to xù xì, rêu phong ẩm ướt, ngước mắt nhìn trời, nhìn cây, nhìn hai nấm đất hoang thì thàm van vỉ:

– Ma ơi. Hai anh tù đã chết ở đây ơi. Hãy thương tôi! Giúp tôi. Ra đây trò chuyện cùng tôi. Các anh muốn làm gì tôi cũng được.

Hắn ngồi xuống, khoanh tay gục đầu trên gối rất lâu. Bởi phải nhắm mắt lại thì ma mới tới. ý nghĩ một bàn tay xương xẩu lạnh buốt đặt trên vai, một người đã chết tự bao giờ đứng bên hắn, chờ hắn ngẩng đầu lên làm hắn ớn lạnh. Nhưng vẫn nhắm mắt chờ. Vẫn cứ nhắm mắt chờ một khi đã quyết dấn thân vào một thế giới chưa hề biết mà nay hay nghĩ đến và mong ước. Lâu. Lâu lắm. Như có một cái gì tê lạnh trên vai, thế mà khi ngẩng đầu lên vẫn là một mình giữa rừng già với bóng tối đang trườn rất nhanh trên thảm lá mục, quấn quanh những gốc cây. Những giọt nước đọng trên tán rừng đều đều nhỏ giọt. Một tiếng chim còn khổ rất trầm. Chỉ một tiếng còn khổ duy nhất buồn bã, mệt mỏi cất lên. Rồi đến tiếng thở dài của rừng sâu.

Còn hơn cả sự cô đơn. Còn hơn cả sự tuyệt vọng. “Không ngờ đời mình lại trải qua những phút như vậy” Đứng giữa sân nhà bố mẹ với bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ, trong im lặng sương rơi, hắn nghe rõ tiếng thở dài của rừng lúc ấy. Một tiếng rên trong lòng hắn đáp lại tiếng thở dài của quá khứ.

Mà cái sân này, mảnh vườn này, cây cối trời sao này đẹp biết bao! Bố mẹ, con gái đang ngủ trong nhà êm đềm, xót thương biết bao. Sáng hôm sau ngủ dậy, hắn đã thấy bố đứng sân tập thể dục. Từ lúc lớn lên đến giờ hắn thấy bố tập thể dục rất đều đặn. Mẹ thì ngồi ở cửa bếp băm rau khoai cho lợn. Và con Nguyệt ăn cơm nguội với cá kho xong: “Cháu chào ông bà, con chào bố, con đi học”. Hắn nhìn theo đứa con gái nhảy chân sáo đi trong bóng mát hàng cây, áo hoa bạc, quần đen vải phíp ngắn, tay xách túi đựng sách vở, món tóc duôi gà với cái cặp ba lá i-nốc trắng đập đập sau gáy, Hắn nghĩ: Con bé lớn quá rồi. Không có bố mẹ, Ngọc xoay xở ra sao?

Sau khi uống trà, hắn cùng ông bà Chân ra vườn.

Làm vườn là một thứ lao động dễ chịu. Mệt thì nghỉ. Khát thì uống. Nắng thì vào nhà. Tất nhiên với một điều kiện: Làm vườn nhà mình, chứ không phải làm vườn của trại.

Vườn ông bà Chân thuộc loại đẹp nhất làng. Quất, cam, bưởi, chanh, cau… giồng thành hàng thành lối, chia thành từng mảnh nhỏ. Phân chia từng mảnh ấy là những rãnh sâu dẫn nước từ ao ngoài, tận phía nhà anh Chân. Những luống thuốc lào lá dày dặn, ngọn nào ngọn ấy đều tàm tắp. Thứ thuốc lào bố vẫn trồng và gửi vào trại cho hắn. Để hắn hút, hắn cho già Đô, Lê Bá Di hút, cho Dự bắt tóp… Để hắn trở thành người có máu mặt trong tù, được anh em vì nể.

Hàng na anh Văn vãi hột ngày hắn chưa đi tù nay đã cao, đang xòe lá, chĩa những nụ hoa cứng xuống phía dưới ngào ngạt hương thơm. Bà Chân bảo:

– Na tơ. Sai lắm. Đến mùa ăn không xuể. Con Nguyệt ngày ăn mấy quả.

Mùi lá quất hắc. Mùi hoa cau nhè nhẹ. Mùi gió thổi qua cánh đồng rộng, thoáng đãng. Tiếng những người đi trên đường làng trò chuyện với cách phát âm rất riêng biệt của quê hương ngay bên ngoài bờ tre. Đúng là thế giới của hắn, vương quốc của hắn. Hắn giẫy cỏ. Ông Chân đi ra cái rãnh to ở giáp bờ tre nhấc đó. Được mọt đĩa con vừa tôm tép, vừa cá mại đòng đong. Vẫn nhỉ xưa. Vấn như xưa dù nông thôn thay đổi rất nhiều, con người thay đổi rất nhiều.

Thế nhưng chẳng làm sao tìm được cái làng ngày xưa của hắn. Làng hồi hắn đi thả diều. Hắn lấy lá tre làm thuyền. Có khi làm thuyền bằng cái mo cau, trên đó thả những con cào cào châu chấu đã bẻ càng để chúng khỏi nhảy, khỏi bay, giả làm những thủy thủ. Làng hồi hắn ở Nhi đồng cứu vong hội, đánh trận giả tới tối mịt mới về nhà, sà vào mâm cơm.

Mảnh đất có hàng rào tre bao bọc bốn chung quanh, phía Nam là nhà anh Chân, phía Bắc là nhà bố mẹ, nơi hắn đã lớn lên cũng không như trước nữa. Không phải vì Tây đã đốt mất căn nhà gạch, cây mít ở sau nhà đã chết. Cái chính là cuộc đời đã đổi khác rồi. Hắn đổi khác rồi. ứớc ao một lần thấy lại ngày xưa, hắn nằm ngửa ở sân, nhìn trăng lên sau ngọn tre, lấp lánh trên đầm, đổ bóng cây dừa và bụi tre xuống lối đi từ cổng vào. ở đó tối om, đom đóm lập lòe. Trong mảnh vườn này, hắn đã chui vào vạt áo đoạn của bố tránh rét, đi quanh vườn những sáng mùa đông, nghe bố đọc thơ:

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi

Cái chết của hắn là ở đây. Là cứ nhớ mãi, nhớ đến tuyệt vọng những cái đó. Cứ nhìn thấy mãi những chiếc thuyền bằng lá tre của hắn trên bờ đầm dào dạt nước, nhìn thấy mãi những đêm trăng thuở nhỏ, nghe vọng mãi tiếng cha ngâm thơ ngày trước. Vì thế hắn mới đi viết văn. Hắn mới được giải thưởng. Rồi nghĩ rằng mình có tài, hắn mới về P, lao vào cuộc sống để viết tác phẩm của đời mình. Vì thế hắn mới bị bắt. Không viết văn, không về P làm sao hắn bị đi tù.

Trong tù hắn đã nghíền ngẫm những điều ấy. Thì ra từ lúc còn bé tý, từ lúc nghe mẹ kể Thạch Sanh, Tấm Cám, nghe bố đọc xuân du phương thảo địa và sau này là hoàn quân minh châu song lệ thùy cuộc đời đã chuẩn bị cho việc bắt hắn mấy chục nằm sau đó âu cũng là cái số hắn phải như thế.

Con Nguyệt chiều chiều bới tóc sâu cho bố. Hạnh phúc thật ngọt ngào. Nó thủ thỉ kể chuyện trường, lớp:

– Tổ con học ở nhà bà Vách bán bún riêu, bố ạ. Đi xa lắm. Mãi tận Bến Nải. Bốn tổ học bốn nơi. Tổ con tổ một là tổ Giỏi. Tổ hai là tổ Khá. Tổ ba kém hơn là tổ Chăm. Tổ bốn kém nhất là tổ Ngoan. Thầy giáo là bác Minh. Đến lớp là cắm cờ lên bàn. Thầy giáo dạy tổ này xong đi sang tổ khác. Chúng con lại chơi. Nói chuyện. Nhảy. Hát. Xem bà Vách làm bún ngon lắm. Thèm lắm, bố ạ. Bà ấy cứ khoanh khoanh thành từng lá. Rồi bà ấy nấu riêu cá mũn, gánh đi bán. Thỉnh thoảng bà lại cho con năm xu được một bát chiết yêu…

Nó khoe nó học nhất lớp, thầy giáo nào cũng tranh nó về lớp mình (chắc là để lấy thành tích), không được thì dỗi. Nó kể chuyện nó đi dỡ sắn cho thầy hiệu trưởng, cả bọn ăn hết nhẵn nồi cơm to của thầy mà chẳng dỡ được bao nhiêu sắn. Nó đã học lớp Ba. Sách giáo khoa của nó có cả một bài trích của hắn. Sao thế nhỉ? Sao người ta vẫn còn in của hắn?

Có lẽ Sở Công an chưa kịp tư giấy đi các nơi chăng? Lại một lần nữa hắn nghĩ hắn đã đánh một đòn nặng vào gia đình. Đi tù quả là một điều xấu xa ghê tởm, đáng để mọi người khinh bỉ.

Gia đình hắn là gia đình cách mạng thời tiền khởi nghĩa, được tặng bằng Có công với nước, một gia đình nề nếp gia giáo. Ông Chân lại là người cao tuổi trong họ. Từ việc ma chay, cưới xin đến việc đắp đường, người ta đều hỏi ý kiến ông. Ông làm chủ tịch xã ngay sau Tổng khởi nghĩa và làm chủ tịch Mặt trận huyện cho tới năm 1947. Bốn người con trai đều đi làm cán bộ, đều đi thoát ly từ hồi chống Pháp.

Thế mà lại có một đứa con bị bắt đi tù. Ô-tô công an về tận quê khám nhà. Thật đau khổ nhục nhã cho bố. Câu chuyện hắn đi tù hẳn là ầm ĩ lắm, nên mới xảy ra vụ thằng Hiệp đánh nhau. Dạo ấy cu Hiệp học lớp Bốn (nghĩa là hắn đi tù được hai năm, đã chuyển lên trại Q.N). Trong lúc ra chơi, một thằng bé học sinh người thôn Nội vừa nhảy lò cò vừa đânh vần: Tờ. Tờ u tu. Tất cả bọn trẻ cười rộ và nhìn vào thằng Hiệp. Thằng Hiệp ức lắm, nhưng vẫn yên lặng, giả cách không nghe tiếng. Đến lúc thằng bé thôn Nội quay lại nhặt mảnh ngói vỡ để chơi tiếp, nó vòng qua mặt thằng Hiệp và được kích thích bởi tiếng cười của các bạn, nó lại chõ vào mặt thằng Hiệp. Lần này thì: Tờ, Tờ u tu huyền tù.

Thằng Hiệp lấy hết sức bình sinh đấm vào mặt thằng bé thôn Nội đã xúc phạm đến bố nó. Thằng kia ngã xuống đất. Hai cái răng cửa bị gãy. Máu đầy mặt. Nó khóc. Nó lăn lộn dưới đất. Cả trường náo động. Cả hai thôn náo động.

– Cái thằng bình thường lành thế mà hóa ra cục. Ông Chân bảo hắn như vậy. Hắn hình dung được hoàn cảnh bố lúc đó. Nhà thì có người đi tù, mà bố mẹ anh em, chú bác thằng bé kéo đến chật ngõ, chật sân, đòi đưa thằng bé đi bệnh viện, đòi bồi thường. Thầy hiệu trưởng, thầy chủ nhiệm đến nhà bàn bạc, dàn xếp. Thằng Hiệp mặt tái xanh trốn xuống bếp. Cái khổ là có người muốn lợi dụng hai cái răng gẫy của đứa trẻ ấy. Thôn Nội toàn họ Đào. Thôn Ngoại toàn họ Nguyễn. Bí thư họ Nguyễn thôn Ngoại. Chủ tích họ Đào thôn Nội. Bí thư tóc đã bạc, nhưng về họ hàng dây mơ rễ má còn là cháu hắn, gọi hắn bằng chú, gọi ông Chân bằng ông. Về chuyện vai lứa ở làng phải nghe anh Văn kể. Anh Vản học ở nước ngoài, nên ít khi về làng. Gặp một thanh niên, anh chào:

– Anh đi chơi đấy hở?

Anh thanh niên tươi cười:

– Anh là con ông Chân? Ta là chú anh đây.

Đến khi gặp một cụ già râu tóc trắng như cước, anh Văn lễ phép:

– Chào cụ ạ

– Bác Văn phải không? Em đây mà.

Chẳng biết đâu mà lần. Thành ra đi đường gặp ai anh cũng “vở vở “vở vở” trong họng, nửa như chào hỏi, nửa như vâng đáp lại lời chào. Ông bí thư quyết tâm giúp em Hiệp, nhưng ông chủ tịch lại làm cho ra nhẽ. Mâu thuẫn giữa hai thôn, hai dòng họ. Tranh giành quyền lực mà. Chủ tịch xă đưa giấy mời ông Chân ra trụ sở. Dù sao ông chủ tịch họ Đào cũng chứng tỏ mình là người biết điều, kính trọng ông Chân, kính trọng công lao gia đình ông, tuổi tác ông và thái độ ăn ở, chấp hành chính sách của ông. Nhưng vẫn phải mất một số tiền bồi dưỡng, thuốc men cho cháu. Ông Chân phải đưa cho bố thằng bé thôn Nội hai mươi lăm đồng.

– Thật là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. – Không biết nó đấm thế nào mà gẫy răng con người ta. Cái thằng gớm thế. Ông Chân vừa vun gốc chanh vừa nói. Hắn cười. Hắn yêu thằng Hiệp. Con cả anh nào cũng chậm chạp, ít nói, mà anh này gớm thế. Hắn nhìn ra cái ao, Tết năm nào hắn cho thằng Hiệp xuống bắt cá. Rồi hắn chống cuốc đứng nhìn bố đang bỏ phân mục vào gốc chanh. Nhìn mẹ hái chè xanh.

Không phải chống cuốc đứng ở vườn trại Q.N, vườn trại V.Q nhìn a Thềnh, Chống Xường, Kỷ Mình, Vũ Lượng, già Đô nữa.

Về đầu

 

Chương 34

 

Hắn ở nhà ba ngày. Ba ngày ấy, hắn sống bằng cả ba kiếp sống. Cái hội chứng sống nhiều kiếp trong một lúc chỉ hắn mới có, chỉ những người mới ở tù ra mới có. Thực ra hắn chưa biết có nó. Hắn chưa ý thức được rằng mình mang bệnh ấy. Sống mà luôn nghĩ tới quá khứ, những ngày chưa bị bắt và nhưng ngày ở trong ấy, từ chuyện này lan man sang chuyện khác. Đúng là từ chuyện này lan man sang chuyện khác. Khi con Nguyệt nhổ tóc sâu cho hắn, thủ thỉ bên tai hắn, hạnh phúc êm đềm đến thế, hắn lại nghĩ đến con Thương ngày nào còn bé hơn con Nguyệt tẩm quất cho hắn. Và lại nghĩ đến Giang. Giang cũng nhổ tóc sâu cho hắn. Rồi con Nguyệt kéo tay hắn hớn hở: “Con với bố đi đến xem có bao nhiêu quả dứa đi. Năm nay dứa sai lắm, bố ạ”. Hắn dẫn tay con bé cùng đi dọc bờ những rãnh xẻ trong vườn. Hai hàng dứa trồng hai mép rãnh đang ra những quả non. Hai bố con cùng đếm.

Con Nguyệt liến thoảng:

– Một, hai, ba, năm, cây này hai quả đấy, bố ạ. Một quả chúc xuống rãnh đây này, bố trông thấy không, sáu, bảy…

Hắn cũng đếm. Hắn chỉ đếm được đến mười thì nghĩ đến cái tên Vịt Bầu. Nghĩa là chậm. Vì số 10 là niềm tự hào của Vịt Bầu. Vịt Bầu chậm, nhưng cũng tạt được khoai khi xới khoai. Vặn củ khoai non lau vào vạt áo cho hết đất cát phân gio, rồi tém gọn vào mồm ngậm nhai. Khi xới ngô cũng thổi ác-mô-ni-ca, cho bắp ngô vào mồm xoay một vòng là hết mấy hàng hạt… Và nương dứa của trại ập đến. Nương dứa mênh mông vạc vào một bìa rừng, cỏ mọc rậm rịt. Những bụi le cao vút chen với dứa, lá sắc như dao cạo che khuất hắn. Nhưng dứa vẫn rất nhiều quả. Lại nhiều quả đang bắt đầu chín. Hắn lại chỉ đi một mình. Thật là thiên tải nhất thì, nghìn năm có một. Hắn trẩy đúng mười quả. Dễ lắm. Lấy chân đá vào cuống dứa.

Gẫy ngay. Toàn những dứa thơm căng. Cho vào thùng, rồi quẩy lủi vào một bụi rậm giữa rừng. Khợp. Không có dao, hắn tìm một chỗ gồ lên của rễ cây. Đập Quả dứa vỡ đôi. Hắn gặm. Ngon. Thơm. Ngọt lịm. Đúng là cơ hội ngàn năm có một. Quả thứ hai vẫn ngon. Quả thứ ba đă thấy rát lưỡi. Đã thấy lợi như bị cào. Nhưng vẫn ngon. Nước dứa ngấm vào người rần rật. Rát lưỡi đấy, nhưng không được bỏ. Có thể yểm vào một chỗ, để dành, nhưng biết bao giờ mới quay lại mà ăn. Tù nay làm đồi này mai làm đồi khác. có khi vài tháng sau mới quay lại nơi làm cũ. Hắn gặm. Tiếp tục đập. Tiếp tục gặm. Lợi đã chảy máu. Máu đỏ tươi khi hắn quệt mép. Máu đỏ hồng ở chỗ thịt dứa dính vào mảnh vỏ hắn cầm trên tay.

Quả thứ bảy. Mỗi lần gặm đau như xé lợi. Máu tươi chảy xuống tới càm.

Quả thứ tám. Lưỡi vừa chạm vào miếng dứa đã rụt ngay lại như chạm vào sắt nung đỏ. Cố. Phải cố. Phải ăn hết. Không được bỏ. Đây là lượng. Đây là chất. Nhai trệu trạo thôi. Rồi nuốt. Nhưng hàm ếch cũng chảy máu tươi rồi. Cũng bong hết lớp da non, cũng rách toạc ra rồi.

Quả thứ chín. Khá lắm. Đã được tám quả. Còn quả này nữa. Hắn đau đớn giàn giụa nước mắt. Giá có dao gọt, xắt thì đỡ hơn. Đằng này lại gặm. Dứa tác động đến mồm miệng nhiều gấp mấy lần. Hắn thừ người nhìn quả dứa thứ chín đã đập vỡ làm hai, Nước quả dứa bị giập trong khi đập ri rỉ, óng ánh. Nước dứa dính bết tay hắn. ở miệng hắn, nước dứa dính lẫn máu hồng hồng.

Hắn gặm nửa quả dứa thứ chín. Tra tấn. Đúng là tra tấn. Giá mà để dành được. Đau. Mồm như bị lở loét xối lên óc. Hắn gặm nửa quả dứa còn lại. Máu chảy nhiều quá. Hắn giằng mạnh cái lõi. Nó bựt ra, kéo theo nhiều thịt dứa. Hắn gặm chỗ thịt ấy. Đỡ đau hơn khi nó còn dính vào vỏ, lúc gặm thỉnh thoảng lại có một cái mắt dứa cào vào lưỡi như dao cạo khía. Nhưng vẫn là tra tấn. Vẫn là máu me nhầy nhụa. Hắn ăn hết quả dứa thứ chín và ngắm nghía cái lõi. Nó tròn tròn phủ kín một lượt máu, hồng hồng như một khúc xương lợn còn dính thịt. Hệt như khúc xương lợn còn dính thịt nham nhở. Hắn vất cái lõi hồng hồng ấy vào đám vỏ dứa đã gặm. Hắn nhìn quả dứa thứ mười. Hắn thở dài, đứng lên, ném quả dứa vào bụi. Không ai có thể làm được một việc quá sức mình. Hắn chỉ cố được chín quả. Dù là nghìn năm có một vẫn phải vứt đi thôi.

Hắn lần mò xuống suối. Mồ hôi như tắm. Bỗng thấy ngứa ran khắp người vì nóng, vì muỗi đói, ruồi vàng. Hắn ngâm mình dưới suối và thấy tỉnh táo trở lại. Bữa trưa hôm ấy, hắn chỉ xúc vài thìa lấy lệ. Vì đau. Vì no. Chỗ cơm còn lại hắn phơi khô, để dành cho những sáng chủ nhật bị treo mỏ.

Từ ấy Vịt Bầu không còn là Vịt Bầu nữa. Chỉ Vịt Bầu mới tạt được một lúc mười quả dứa. Cứ bảo Vịt Bầu chậm mãi đi. Thần tạt đấy. Nhưng sự đánh giá mới ấy không bền. ít lâu sau anh em trong toán lại trêu chọc Vịt Bầu, vì Vịt Bầu cùng Dần đi tạt sắn bị Thuận sứt bắn rụng.

Hai người đã cẩn thận lắm. Không đi từ dưới lên mà tạt từ rừng xuống. Chui vào giữa nương thì Dần bảo: Nghe như có tiếng mõ trâu. Khéo thằng Thuận sứt ở đây đấy”. Hắn sợ. Thuận sứt chăn trâu không tha một ai. Hắn và Dần nằm xuống thảm lá sắn nghe ngóng động tĩnh. Vẫn im ắng. Một đàn chim thiên đường sặc sỡ từ đâu bay tới đỗ xuống bìa rừng. Nhớ đến một chuyện của Hemingway viết về chiến tranh Tây Ban Nha, về con quạ trên cây thông lối đi vào trận địa bay lên là bọn phát-xít tới, hắn bảo Dần theo dõi đàn chim. Con chim cuối cùng vừa đáp xuống thì con đầu đàn đã tung lên kéo theo cả đàn. Hắn và Dần nằm im một lúc nữa. Rồi cùng bò đến một gốc sắn mập đầy mắt. Đầu tiên là phạt đứt cái chạc ba ngọn sàn đã. Để nó khỏi rung rinh. Và nhổ. Được gốc đầu tiên. Bốn củ gẫy. Xoắn vặn bốn củ. Hơi tiếc vì phần ngon nhất còn nằm dưới đất. Gốc thứ hai. Đất rắn quá. lâu không mưa. Cong lưng. Nín thở. Vãi cả rắm mà không suy suyển. Nào. Cố. Hai ba nào. ị… ị… ự… ự… Bỗng Dần ngổi phịch xuống đất, đưa tay về phía lưng kêu lên Khe khẽ:

– Bỏ mẹ rồi! Chết cha rồi! Sút lưng rồi!

Và nằm ngửa giơ bốn vó lên giời, quằn quại trên lớp lá sắn khô.

Vừa lúc ấy một giọng khoái trá vang lên: “Các anh làm gì ở đây. ”. Thuận sứt! Thuận sứt cười hề hề, nhặt bốn củ sắn gẫy về báo cáo cán bộ. Trông rất đểu. Cái thằng chó má ấy chỉ chừa tật bẩm báo, khi Hỉn Sán bắt quả tang nó đang “làm tình” với con trâu cái của toán ở dưới suối. Nó đã vào rất sâu trong rừng. Nó đã tháo cả mõ trâu ra. Nhưng nó lại kêu họ, họ lúc làm tình. Thế là Hỉn Sán túm được.

Mình chỉ bị hạ mức ăn. Dần còn bị sút lưng, nằm ngổi dặt dẹo. Lẽ ra phải biết khi đàn chim văn công bay đi là chắc chắn có người ở bên dưới. Lẽ ra để lùi lại Đừng tạt ngay hôm ấy…

– Nhưng làm sao chờ đợi được. Sắn đang xuống củ. Tất cả trí tuệ hướng về nươhg sắn, mong được bữa bành.

– Bố bảo gì? Con đếm hết hàng này là một trăm hai bốn quả. Bố đếm được bao nhiêu?

Con Nguyệt giật tay áo kéo hắn, ngước cặp mắt long lanh nhìn hắn.

Hắn ép con vào sườn mình. Hai bố con cùng đi đếm tiếp mà lòng hắn quặn đau. Con học giỏi mà làm gì? Đời con rồi khổ dấy. Con không còn là một đứa trẻ bình thường nữa. Lỗi tại bố. Tất cả là tại bố. Con chưa hiểu gì đâu. Nhưng bố thấy trước rồi. Đen tối lắm. Lý lịch của con sẽ ghi “Bố. Đi tù “. Các cấp sẽ xác nhận: “Bố phản động. Đi cải tạo năm năm”. Dòng chữ ấy bám vào con suốt đời. Không chỉ đời con. Đời con con nữa. Con là thịt xương của mẹ, của bố. Giá con là con một người nào khác, đời con sẽ không đến nỗi…

Hắn ôm lấy con gái. Hôn vào má nó. Hắn cứ tưởng về quê với bố mẹ, hắn có thể thư thái lại. Như trước đây “bước vào tới cổng là bỏ lại sau lưng tất cả”

Khi mới nhận giấy tha từ tay ông Quân, bước những bước đầu tiên trong trại V.Q thấy nhẹ băng băng, hắn đã nghĩ tới cái lực hút nhà tù không còn tác động đến hắn. Thật ngu xuẩn và nông cạn. Nó là cả một từ trường như từ trường quả đất, luôn kéo mũi kim la bàn chỉ về hướng Bắc. Có xoay la bàn thế nào chăng nữa, kim chỉ rung rinh chuyển động, rồi lại im lìm một hướng quay về phía Bắc.

Cái kim la bàn trí não hắn có nghĩ tới chuyện gì rồi cũng lại quay về đó.

Những chuyện trong tù cứ tự nhiên nó đến. Nhiều khi chẳng cần một mối liên hệ nào. Khi bà Chân ngồi ở cửa bếp mổ cá, bà gọi: “Nguyệt ơi! Trèo lên hái cho bà mấy cái lá me đi”, hắn hiểu rằng mong ước của hắn đã biến thành sự thật. Trong tù hắn đã ao ước được nhìn thấy mẹ đi chợ về biết bao. Và khi từ 75 lên Q.N lần thứ hai, được giữ chân coi vườn, đem màn xuống suối vây bắt cá, bắt những con cá suối bé tý gầy nhom bỏ vào ca, vẩy cá bám vào tay, hắn nghĩ đến đúng cảnh này.

Vậy mà ngay lúc ấy, ngay lúc lũ gà xông vào mổ vây cá, ruột cá trên thớt, mẹ lấy dao huơ đuổi làm chúng giạt ra, hắn lại thấy trước mắt những ô vuông trên cánh cửa xà lim và những đôi mắt xà lim đầu tiên nhìn hắn, hắn cũng đăm đăm nhìn lại. Những đôi mắt xà lim 75 im lặng ướm chườm lên mắt hắn vào cái hôm hắn từ 76 chnyển sang.

Sau nửa nằm 76 không một bóng người, sang 75 lần đầu tiên nhìn thấy những đôi mắt ấy. Những đôi mắt trong những ô vuông xà lim đối diện nhìn sang. Giống nhau. Rờn rợn. Câm lặng. Âm thầm. Khắc khoải. Dò hỏi. Rã rời. Cam chịu. Nhẫn nhực. Chở đợi. Tò mò. Cảnh giác. Và hình như cả vui vẻ nữa, vì có thêm người cùng chung cảnh ngộ. Những đôi mắt thoi thóp chút ánh sáng còn leo lét bên trong. Những đôi mắt nói rất nhiều. Không thể diễn đạt bằng lời những đôi mắt ấy. Chỉ có thể thể hiện nó bằng ống kính. Nhất là khi mới chân ướt, chân ráo bước vào. Ngơ ngác vì sự chuyển buồng. Ngơ ngác với cái chuồng mới của mình. Vất nội vụ vào một góc và bước ra cửa xà lim quan sát thế giới qua cái ô vuông bằng bàn tay. Lom khom nhìn ra hành lang tối. Nhìn sang bên kia. Bắt gặp những đôi mắt ở những ô vuông xà lim đối diện nhìn lại. Không thấy người. Chỉ những đôi mắt. Lần đầu tiên thấy những đôi mắt xà lim. Những đôi mắt xà lim nhất loạt hiện ra nhìn lại. Những đôi mắt từ đường chân trời bên kia nhìn lại.

Ai? Họ là ai? Người. Không. Con người không nhìn nhau như thế. Những đôi mắt như những tấm gương soi, soi rõ cuộc đời mình. Mỗi ô vuông chỉ vừa đôi mắt. Không thấy mặt Không thấy người. Không biết tuổi tác. Không thể chỉ bằng đôi mắt đã biến dạng mà biết được già hay trẻ, cao hay thấp. Chỉ có hai con mắt. Con mắt cửa sổ tâm hồn. Con mắt cửa sổ xà lim. Con mắt của những cuộc đời xà lim. những số phận khác nhau, lần đầu gặp gỡ quan sát làm quen, bởi vì mãi sau mới là câu chào đón tiếp đầu tiên: “Bị lâu chưa? ” Những đôi mắt mà hễ ai nhìn thấy dù chỉ một lần cũng đủ cả đời ám ảnh.

Còn khi bố cầm chổi quét sân, tiếng chổi quèn quẹt trong mảnh sân nhỏ còn vương lại ánh nhợt nhạt cuối cùng của một ngày và trong nhà con Nguyệt đã châm đèn thì còn có thể nghĩ đến một cái gì khác, một ai khác ngoài Sơn. Tiếng chổi cuối cùng của một ngày vẫn hứa hẹn một buổi tối bình yên, đầm ấm, hạnh phúc, êm ả đến phẳng lặng của nông thôn sum họp bây giờ đây nghe mà buồn đến tái lòng. Không thể tách bạch được dâu là tiếng chổi của bố, đâu là tiếng chổi của Sơn.

Sơn kỹ sư bốc xếp, án ba nám, đêm đêm khoanh tay nhìn bó hoa đen trên tường nhà mét, Sơn đã được giao quét trại khi anh tù chuyên quét trại mãn án. Không thể không nhớ tới đôi lồ của Sơn. Nhớ tới cô giáo Hạnh vợ Sơn lên thăm Sơn. Và nghĩ tới Phượng, dì Sơn. Người quen trong thời oanh liệt, người mới biết trong nhà gặp mặt trại Q.N.

Lần đầu tiên gặp Hạnh hắn không để ý. Hắn chỉ gật đầu chào Phượng. Lúc ấy Phượng đang ngồi cạnh Ngọc. Lúc ấy hắn mới biết Sơn là cháu gọi Phượng bằng dì. Hai dì cháu chắc chỉ hơn nhau dăm tuổi. Thoạt nhìn thấy Phượng hắn cảm thấy nhục nhã vì bộ quần áo tù hắn đang mặc trên người, vì dáng vẻ tiền tụy của hắn trước các ông công an. Bởi Phượng là người đã chứng kiến hắn từng sống như thế nào, bởi Phượng có một thời đã đem lòng yên hắn. Phượng đánh máy ở cơ quan Ngọc. Ngọc vẫn nhờ Phượng đánh máy bản thảo cho hắn. Những bản thảo đã in, chưa in, bị công an tịch thu đều do Phượng đánh máy hộ. Coi như Phượng đã đọc toàn bộ sáng tác của hắn. Hình như Phượng quý hắn. Hắn cảm ơn Phượng về sự giúp đỡ. Hắn ký tặng Phượng sách.

Ngọc mời Phượng đến ăn cơm những ngày chủ nhật, những khi hắn có nhuận bút. Hắn để Ngọc tiếp chuyện Phượng. Hắn nấu án. Hắn nấu ngay ở lò sưởi trong nhà và quay lại: Cô chủ, cô khách quay đi nhé. Tôi nếm đây. Dạo ấy Phượng còn ở tập thể. Một mình Phượng trong căn buồng hẹp ở công ty. Chồng Phượng dạy học trên Hà Nội thỉnh thoảng mới về. Cao lớn, nước da bánh mật, răng trắng đều, lại được hai lúm đồng tiền bên má, đôi mắt lấp lánh, Phượng rất tươi tắn và quyến rũ. Ngọc kể lại: ông phó chủ nhiệm công ty đã tán tỉnh sàm sỡ với Phượng bị Phượng cự tuyệt thẳng thừng. Tuy nhiên để ông yên tâm, hoàn hồn, Phượng nói với ông sẽ giữ bí mật cho ông chuyện đó, không báo cáo với lãnh đạo. Phượng đã giữ lời hứa. Phượng chỉ nói với Ngọc thôi. Không biết Phượng đã nói với Ngọc những gì về hắn mà một hôm đi làm về, Ngọc nửa đùa nửa thật bảo hắn:

– Cái Phượng nó yêu anh đấy.

Hắn cười. Hắn biết Phượng là người ham đọc sách, đã đọc hết tỉ sách còm cõi của hắn. Đã đọc nhiều sách khác. Phượng yêu văn học. Phượng yêu những trang hắn viết. Rồi Phượng có cảm tình với người viết những trang ấy. Có thể là như thế.

Một buổi sáng, hắn ở nhà viết bài thì Phượng đến gặp hắn, chỉ giữa hai người thôi, không có Ngọc. Lần đầu tiên chỉ có hai người, không có Ngọc.

Phượng đưa cho hắn những trang bản thảo quyển Hải đang mới đánh máy xong. Cũng lại là lần đầu tiên Phượng tự mang đến. Những lần trước Phượng đều gửi Ngọc cầm về. Hắn đỡ xếp giấy trong tay Phượng, cảm ơn Phượng và nói. Phượng đánh máy đẹp quá.

– Anh viết đến đâu rồi. Đưa tiếp cho em.

Hắn đưa xếp bản thảo tiếp theo cho Phượng. Phượng cúi nhìn những dòng chữ li ti của hắn, những chỗ hắn dập xóa, những chỗ hắn thêm vào.

– Chữ tôi có khó đọc lắm không?

– Đọc được. Em quen với chữ anh rồi.

Phượng nhìn thẳng vào mắt hắn trìu mến:

– Văn anh đẹp lắm.

Và hỏi hắn về quyển Hải đăng, về những dự định sáng tác của hắn. Đôi mắt Phượng lấp lánh. Nụ cười của Phượng càng sâu hơn những vết lúm đồng tiền. Phượng bỗng trở nên nhí nhảnh, duyên dáng, hóm hỉnh, nũng nịu. Hắn nhớ đến thời hạn nộp bài cho ban biên tập và hỏi Phượng mấy giờ rồi. Phượng không trả lời. Tay Phượng đang để trên bàn: đỡ xếp bản thảo. áo sơ-mi ngắn tay, bắp tay Phượng tròn đầy màu bánh mật. Cổ tay Phượng đeo cái đồng hồ nhỏ xíu. Phượng hơi nhíu mày về sự quấy rầy của hắn, càng như mải chăm chú đọc những trang mới viết của hắn và đưa cả cánh tay tròn trĩnh có đeo đổng hồ sát về phía hắn. Để hắn xem giờ. Để hắn cầm lấy tay Phượng đưa lên mà tự xem giờ. Đó là một kiểu mời yêu. Một kiểu nói: “Em yêu anh. Em là của anh”. Hắn cầm lấy tay Phượng. Hắn cầm lấy cả cánh tay mát rượi có đeo đồng hồ ấy kéo về phía mình. Phượng rời xếp bản thảo đứng lên, ngoan ngoãn bước lại gần hắn. Hắn cũng đứng lên. Hắn ôm hôn Phượng. Hẳn Phượng vẫn chờ đợi cái hôn ấy, vì Phượng ép chặt vào người hắn.

Hắn thở gấp. Phượng cũng thở gấp. Hình như mặt hắn tái đi, vì mặt Phượng cũng tái đi. Hắn nhìn Phượng, thấy đôi mắt Phượng trong trẻo long lanh như mắt thiếu nữ. Phượng bỗng trở thành thiếu nữ. Thiếu nữ đến tuổi yêu, đang yêu và được yêu. Hắn nắm tay Phượng lần nữa, nhưng Phượng khẽ khàng gỡ ra, lắc đầu chỉ ra cửa như muốn nói: “Chúng mình hãy cẩn thận. Nhỡ có người lên”. Phượng vuốt lại tóc, cầm xếp bản thảo trên bàn, nhìn hắn gật gật như hỏli “Em về nhé. Đồng ý nhé”. Và xuống thang. Phượng xuống thang như nhảy từng bậc một dù vẫn nhẹ nhàng. Từng bước chân thiếu nữ nhún nhảy, nhí nhảnh, nghịch ngợm, vai khẽ nhô lên hạ xuống theo từng bậc thang. Hắn nhìn theo mà thấy Phượng trẻ lại như chỉ mời sáu mười bảy tuổi.

Câu chuyện xảy ra lúc mười giờ và kết thúc hai tiếng đồng hồ sau đó khi Ngọc đi làm về. Không hiểu sao Ngọc đã biết tất cả. Đã lâu quá rồi. Gặp Phượng ở nhà gặp mặt trại QN, những kỷ niệm ấy chỉ thoi thóp ở một nơi nào đó của ký ức, không đủ sức cựa mình dưới chiều dày lớp chăn liệm của thời gian và sự kiện. Cái hôn duy nhất thoảng qua của một thời đã chết và không bao giờ còn tái sinh được nữa, chẳng gợi gì đói với một người đang sống trong tù ngục với cái đói, với u uất, với xà lim, với lao động khổ sai, với tiên diệt cuộc đời. Hắn chỉ cảm thấy xấu hổ vì tư thế súc vật của hắn. Và ngạc nhiên: Không biết Phượng thăm ai. Nhà Phượng cũng có người sa vào thiên la địa võng này ư? Ngọc bảo:

– Phượng lên thăm cháu. Cũng ở đây. Em với Phượng cùng đi với nhau lên hôm qua. Phượng gửi cho anh gói cà-phê đây này. Nhưng không biết các ông ấy có cho nhận không?

Nhìn Sơn ngồi đối diện với Phượng, hắn mới hiểu vì sao hắn thấy Sơn quen quen, như đã gặp nhau ở đâu rồi. Sơn rất giống Phượng. Ngày ấy Sơn đã khoanh tay đàm đăm đửng nhìn ngọn đèn không bóng, nhìn bó hoa đen ở cửa nhà mét. Từ ấy hắn và Sơn thân nhau hơn. Hai người rủ nhau đi xa kiếm vả. Không có vả chín, họ ăn vả ương và cả hai cùng bị say, nôn thốc nôn tháo cho đến khi dạ dày chỉ còn nước chua. Rủ nhau vào các nhánh suối cạn. Lật những hòn đá, bắt cua. Bắt nhái. Tìm ráy. Ráy hay mọc ở đầu những nhánh suối cạn lúc nào cũng ẩm ướt và bên trên là cây cối dây leo chằng chịt. Tìm món này có cái nguy hiểm là sẵn vàt. Giống vắt cắn rất êm. Không đau. Chỗ nó cắn máu cứ chảy mãi. Phải lấy lá nón dán vào mười cầm được máu. Thuốc lào cũng chẳng ăn thua gì. Có con cắn no máu về đến buồng giam cũng vẫn không biết. Nó hút máu quá căng, nên rời ra chiếu rồi mà máu từ mồm nó vẫn cứ ựa ra đỏ tươi. Sơn bỏ các thứ vào cặp lồng. Cả nhái, cả cua, cả rau tàu bay, mẩu khoai lang, ráy nấu thành một thứ sền sệt. Đúng là sột sệt. ôi! Đại tiệc. 

Sau này đi làm miến với Giang, hai anh em ngồi ở chỗ làm, đêm khuya nhìn con chim săn mồi vụt qua quầng sáng ngoài cửa sổ, cánh vỗ êm ru, hắn lại nhớ đến Sơn. Vì hắn nghĩ đến những con chim rừng, những con sóc cũng bay êm như thế. Rồi lại nghĩ đến tiếng vắt đo trên lá mục. Chim bay êm, còn vắt đo lại nghe tiếng rào rào.

Hôm ấy, đang đi tìm ráy với Sơn, thì hắn thấy vắt ngay trước mặt, chỗ hắn định đặt chân xuống. Hắn quay sang chỗ khác. Lại vắt. Chỗ nào cũng vắt.

Hắn nhảy lên một gốc cây to bị cưa cụt gần đó. Một gốc cây cao lưng lửng. Hắn đứng im trên gốc cây nhìn ra chung quanh. Nhìn xuống xem có khóm ráy nào không. Nhìn lên xem có thấy dây gắm, quả vả nào không. Vì hắn bỗng nghe như có tiếng rì rào. Hắn lắng nghe. Quả là có tiếng rì rào thật. Hắn chăm chú nhìn xuống. Vắt. Vắt đói đo trên những lá mục. Cơ man là vắt nhỏ nhít như những sợi tóc vàng vàng.

Bốn chung quanh, vắt ngóc đầu về phía gốc cây hắn đứng. Mỗi chiếc lá mục phải đến mấy con vắt. Mà lá rừng thì nhiều vô kể. Vắt ngửi thấy hơi người dồn đến. Vòng vây đang thít quanh hắn. Hàng vạn con vắt hăm hở hướng tới quăng mình như những con sâu đo.

Hắn nhìn xuống gốc cây hắn đứng. Đoàn vắt tiên phong đang leo lên gốc cây. Hắn hoảng sợ, nhún người nhảy vọt qua vòng vây của vắt, chạy xuống suối, ngồi phệt trên một tảng đá, kiểm tra từng kẽ chân, vén quần lên xem chỗ khoeo sau gối…

Hắn hú gọi Sơn. Có tiếng hú cúa Sơn đáp lại từ xa. Một lúc lâu thấy Sơn xách về một củ ráy to. ở chân Sơn, mấy vết máu chảy: Vắt cắn.

Khi anh tù quét trại mãn án, Sơn được thay chân ấy. Hắn mừng cho Sơn. Đó là một công việc được tin tưởng. Sơn quét không chê vào đâu được. Quét suốt ngày. Từng buồng giam. Cọ rửa nhà mét. Cái đòn gánh luôn trên vai. Khi gánh nước. Khi đôi lồ. Và chổi. Các loại chổi. Chổi cùn cọ nhà mét. Chổi dài – làm bằng một loại cành cây mềm đã rụng hết lá – quét buồng, quét chung quanh. Luôn chân luôn tay. Khi đã sạch sẽ tất cả, Sơn ngồi vào chỗ khuất nghỉ một tý. Nhưng chỉ thoáng thấy bóng ông quản giáo ông vũ trang mãi ngoài cổng, Sơn đã đừng lên vờ lấy cái chổi. Lại quét.

Rõ ràng Sơn quét trại tốt hơn anh tù trước. Rác rưởi cây que quanh nhà xí công cộng cũng không còn (anh em tù người dân tộc chùi đít bằng cây que, đóm, nứa… vương vãi khắp nơi). Gánh nước cọ gần chục nhà mét. Quét gần chục buồng giam. Quét chmg quanh các buồng. Quét lối đi. Dọn nhà đái, nhà xí công cộng… Khối lượng công việc thật đồ sộ. Sơn im lặng làm. Sạch sẽ. Cẩn thận. Chu đáo. Nhặt từng đầu mẩu thuốc lá. Từng cái đầu đóm. Cải vỏ kẹo. Cái lá rụng. Không một ông quản giáo nào chê Sơn. Sức lao động Sơn bỏ ra phải gấp mấy lần khi Sơn còn đi làm cùng với toán.

Bù lại, Sơn được ra vào trại tự do. Và nhất là được biên chế vào toán nhà bếp. Được ngủ được ăn với toán nhà bếp. Được bành. Bành, nhưng trông Sơn vẫn chẳng thấy khác đi tý nào. Vẫn cứ xanh bóng. Vẫn khó đám đăm. Không biết về toán nhà bếp Sơn có còn đứng ở cửa nhà mét nói chuyện với bó hoa đen nữa không? Cái vụ anh-giếch-tơ, béc vòi phun, Sơn kiếm được bao nhiêu? Cái giá phải trả thật là ghê gớm. Rồi hắn cười chua chát:

– ít ra Sơn còn kiếm được tiền để phải trả giá ba năm. Còn gần năm năm của mình là cái giá phải trả vì mình đi viết văn, đi làm báo, vì những ý nghĩ ngu xuẩn, dại dột, ngông cuồng của tuổi trẻ. Đáng đời thằng cáo!

Về đầu

 

Chương 35

 

Những ý nghĩ bi quan nhất rồi cũng qua đi. Hắn từ biệt cha mẹ ra phố với quyết tâm của một người lính xông vào cuộc chiến đấu mới. Hắn tự nhủ: Tất cả đã qua rồi. Năm năm tù đã qua rồi. Nỗi đắng cay của Ngọc đã qua rồi. Những lo nghĩ xót xa đau đớn của bố mẹ cũng qua rồi. Cả chuyện thằng Hiệp đánh gẫy răng thằng bé thôn Nội cũng qua rồi. Cuộc sống ở phía trước. Dối với hắn phía trước là gì nhỉ Chắc chắn nhất phía trước của hắn là bốn đứa con. Là thằng Hiệp đã thành một thiếu niên. Là con Thương chịu thương chịu khó. Là con Nguyệt quần phíp vá tung tăng đến trường. Là bé Dương nằm trong lòng hắn hỏi hắn: “Bố ơi! Sao bố đi lâu thế, Bố già chưa, hả bố”. Và còn dặn đi dặn lại “Bố mẹ bắt gà ra cho con nhé”. Chính vì bốn đứa con mà hắn không thể lùi bước. Phải tìm mọi cách khôi phục công lý. Phía trước của hắn là làm sao đền đáp được công ơn cha mẹ. ông Chân đã bảo hắn, khi hắn trở ra phố.

– Bố mẹ chẳng mong gì hơn là con cháu khỏe mạnh, bình an. Con về là bố mẹ mãn nguyện rồi. Con người ta tránh không khỏi số. Bố mẹ được như thế này là quý lắm. Cảm ơn trời phật tổ tiên. Người ta còn ông, mất bà. Còn bà, mất ông. Được song toàn hiếm lắm. Tuy tuổi cao, nhưng giời còn để cho khỏe mạnh, kinh tế chưa phải nhờ đến con cái. Các cụ để lại cho mảnh vườn, còn gọ gẵng sống được. Hơn người rồi. Bom đạn Pháp, Mỹ, gia đình ta nguyên vẹn. Thế là phúc cả mả dày. Con ra ngoài ấy cố gắng cùng với mẹ Ngọc bàn cách làm ăn. Mẹ nó tốt thật đấy. Có gian khổ mới thấy được. Làm dâu, làm vợ như nó hiếm đấy.

Phía trước của hắn là phải gặp được ông Trần, các ông thường vụ. Phải đòi được bản thảo. Phải tìm mọi cách đòi lại cuộc sống đã bị tước đoạt.

Trở về P trên chiếc xe ô-tô khách hôm trước, hôm sau hắn sắp xếp giấy tờ ra đồn công an đăng ký hộ khẩu. Hắn xem lại tờ lệnh tha mà cô trung sĩ ở tổng trại V.Q đã đưa cho hắn. Có hai điều hắn nhớ:

– Tha hắn về địa phương hắn ở trước (thành phố P).

– Hắn được tha vì cải tạo tốt.

Điều thứ nhất là vô cùng quan trọng. Người ta có thể tha hắn về nguyên quán, nghĩa là về quê, nghĩa là hắn không thể đăng ký hộ khẩu ở thành phố, nghĩa là không sổ mùn, không sổ gạo. Nghĩa là hắn phải ở chui với Ngọc, với các con hắn. Điều thứ hai mang tính chất thủ tục nếu không nói là hài hước. Ai được về mà không cải tạo tốt.

Ngày hắn trở lại 75, nếu được tha thì cũng đã cải tạo tốt từ ngày ấy rồi. Về chữ cải tạo này, Dần lái xe kẹp chết người đã có ý kiến nghe cũng có lý: “Cải tạo là thay đổi bản chất. Những người bản chất tốt vào đây sẽ được xấu đi. Có đúng không nào? ”

Hắn suy nghĩ: Sao người ta lại tha hắn nhỉ. Hắn vẫn làm đơn kêu oan. Hắn vẫn không chịu nhận những gì người ta muốn hắn nhận. Người ta có thể kéo dài thời hạn đi tù của hắn. Làm gì được? Có thể họ vẫn còn một chút lương tâm, một chút lòng trắc ẩn. Có thể có người nào thấy năm năm ông ta sống với vợ con đã là lâu, nên sực nhớ ra năm năm tù của hắn cũng là quá lâu rồi so với cái tội chủ quan, tự kiêu tự đại, viết nhiều, không muốn vào Đảng của hắn. Kể ra năm năm cũng là lâu chứ. Quá nửa cuộc trường kỳ chống Pháp còn gì. Hẳn phải có ý kiến ông Trần. Chắc ông Trần trong một cuộc họp nào đó đã cười bảo bọn ông Quảng, ông Lan:

– Thằng Tuấn tù thế cũng đủ rồi đấy. Các cậu liệu làm thủ tục cho nó ra đi.

Thế là hắn được tha. Được về, được thoát khỏi tù tội. Hắn nộp giấy tờ ở đồn mà lo. Nhiều người đi tù về không được đăng ký hộ khẩu đấy. Dù lệnh tha có ghi rõ. Người ta nhận giấy, nhận sổ hộ khẩu và bắt hắn làm đơn hứa sẽ nghiêm chỉnh chấp hành chính sách sửa chữa khuyết điểm… Hắn làm đơn. Người ta bảo hắn chờ.

Hắn chờ.

Đó là thời gian nhiều bạn bè đến thăm hắn. Họ đã biết hắn về. Người ta đến thăm hắn cho phải dạo. Để có thể nói với người khác: “Tuấn về rồi, biết chưa. Mình mới đến thàm xong ” Câu ấy có nghĩa: Mình là người trung thực. Không sợ hãi. Thtỉy chung như nhất.

Hắn biết vậy vì những người đó chỉ đến thăm hắn có một lần thôi. Rồi biệt tăm. Cái máu sĩ của anh em văn nghệ vốn rất nặng.

Tiếp những người bạn cũ hắn nghi nghi hoặc hoặc. Ai cũng có thể là đặc tình của công an. Đặc tình là chữ hắn học được ở trong tù. Đó là cộng tác viên (lâu dài hay một vụ việc cụ thể) của công an. Hắn nghi có cơ sở. Hắn vấn không hiểu vì sao các ông công an đến khám nhà hắn lại thông thạo như vậy. Vào nhà là kéo ngay cái hòm đựng sách. Mãi sau này mới biết cỏng an có bộ phân kỹ thuật, chuyên mở khóa trộm, hắn nghĩ: Cũng có thể công an đã mở khóa vào nhà hắn nhiều lần khi hắn đi vắng. Trong những ngày chờ đợi hộ khẩu, hắn và Bình tha hồ trò chuyện cùng nhau. Đó là hai người bạn hiểu nhau, hiểu từng chân tơ kẽ tóc, đến từng cái xấu của nhau, có thể nói hết mọi chuyện cùng nhau như nói với chính mình. Và dù có phải xa nhau bao lâu, khi gặp lại, họ vẫn có thể nói chuyện với nhau về tất cả, như chỉ mới chia tay nhau hôm trước và tiếp tục câu chuyện dở dang.

Giờ đến lượt Bình kể về những ngày Bình sống xa hắn. Nỗi nhớ hắn mỗi khi heo may về.

– Những ngày ấy tao sờ thấy kỷ niệm. Thèm được kéo mày ra một quán cà-phê. Uống và im lặng nghe heo may. Thế thôi. Những lúc ấy tao càng thấy thiếu mày.

Hắn cũng đã biết tình cảnh của Bình khi hắn bị bắt qua những thông tin vắn tắt vào trại và những câu chnyện bập bõm Bình nói mấy hôm trước đây. Nhưng hắn không ngờ người ta làm ghê gớm thế. Bmh bị gọi hỏi, căn vặn. Hẳn rồi. Người ta nói với Bình rất đúng:

– Hai anh là một mà lại. Có điều gì các anh không nói với nhau.

Người ta hỏi Bình về bài thơ chống thuế nông nghiệp của hắn. Bmh cả quyết không có bài thơ nào như vậy. Đến khi các ông công an đưa ra những bằng chứng cụ thể, thì Bình ngớ người vì đó là một bài nhại thơ Chinh phụ ngâm của Yên Thao. Hắn đọc. Để cười. (Con người ta cũng cần cười chứ).

Thuở trời đất nổi cơn thuế má

Bọn nhà nông nhiều gã lao đao

Xanh kia thăm thẳm tầng cao.

Vì ai gây dựng nên tao thế này

 

Trống ngoài đình lung lay bóng nguyệt…

Hắn cười:

– Đúng! Đúng. Trong ấy họ cũng hỏi tao về bài thơ ấy. Tao nói rõ đầu đuôi và khẳng định, nếu bài thơ có nói về thuế thì đó là thuế chế độ cũ vì có câu Trống ngoài đình lung lay bóng nguyệt. Chế độ ta không có trống thúc thuế.

Hắn chẳng thể nào nói được với các ông ấy về tài nhại thơ của Yên Thao, là người hắn không quen mà chỉ nghe Vũ Mạc nói lại. Hắn bảo Bình: Trong ấy họ hỏi tao rất nhiều về mày.

– Họ hỏi những gì?

– Không chịu rèn luyện, lập trường tiểu tư sản bấp bênh. Coi thường đảng viên. Tự kiêu tự đại. Tự do vô tổ chức. Nhưng hỏi nhiều nhất là truyện Người chết không cô độc của mày.

Bình cười nhạt. Anh lại cảm thấy mình rơi vào một trò ngu ngốc. Đó là truyện đạt tới giá trị nhân bản cao của anh. Và người bạn bao giờ cũng khắt khe với những gì anh viết là hắn cũng đánh giá nó cao. Truyện viết về một người bị bệnh ung thư, biết rõ thời hạn sống còn lại của mình. Trong những ngày cuối cùng ấy anh ta sống như thế nào với những người chung quanh, kẻ xấu người tốt, người anh yêu, người anh ghét. Truyện chưa in. Không hiểu sao họ cũng biết và hỏi anh dữ thế.

Gọi hỏi Bình là một việc. Họ còn cử hàng đoàn trinh sát theo Bình không rời. Đó là điều đến bây giờ hắn mới biết. Hắn tròn mắt, nhớ lại câu nói của Vũ Lượng về điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả có một ông trời gõ cửa đi vào nhà mình uống chè. Bình bàng hoàng khi biết mình có “đuôi “. Đến lúc ấy anh mới thực sự hiểu điều bạn anh đang chịu là sự mất tự do. Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù. Anh bắt đầu biết anh bị theo dõi vâo một buổi chiều thứ bảy, khi đèo Thao về một làng ngoại thành thăm hai đứa con trai sơ tán ở nhà chú em. Anh đang mải miết đạp, Thao ngồi ở poócbaga bỗng bấu vào tay anh, nói khẽ:

– Hình như đang có ai theo dõi chúng mình.

Đó là đòn đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là cuộc đời nữa.

Trời đất đảo lộn. Cuộc sống dù sao cũng là cuộc sống. Vẫn có trời. Có gió. Có mây. Có cánh đồng, có đường phố. Có lúc giận vợ. Có lúc nô đùa với các con. Và viết. Nay sắp mất tất cả. Không. ăn bánh nắp hầm, ăn ngô bung cũng được. Sống với sự giả dối cũng được. Nhưng đừng bị vào tù. Bởi vì còn sống còn hy vọng. Bị bắt là chết. Chết cả chút hy vọng cuối cùng. Cuộc sống với bao vất vả khó khăn lo lắng, nhiều lúc đến mụ mị đi của anh có thể bị tước đoạt bất kỳ lúc nào. Giờ đây anh tính từng ngày, như người ung thư trong Người chết không cô độc. Nghe vợ báo tin có người theo, anh thấy trống rỗng ở ngực. Cảm giác ấy anh đã thấy một lần vào buổi sáng thứ sáu họp cơ quan, nghe Phan Lâm nói: Tên Tuấn đã bị bắt

– Em để ý lâu rồi. Hai đứa.

Giọng Thao run run:

– Cứ thấy họ đi cách mình một quãng. Mình đạp nhanh, họ đạp nhanh. Mình đạp chậm, họ đạp chậm. Đừng. đừng quay lại. Cứ thế. Kệ em.

Thao áp hẳn vào lưng anh mà nói. Anh nghe rõ từng tiếng, dù gió mùa đông bàc ào ào qua tai. Anh sôi lên vì sợ hãi, tuyệt vọng. Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng Iồ để hại mình. Đạp xe đi, anh cứ thấy vương vướng ở phía lưng. Dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Lạnh. Và bẩn. Và dính. Anh thở dài. Cuộc đời đến thế là hết. Lẽ ra mình phải biết trước. Mình chủ quan như thàng Tuấn chủ quan. Cứ nghĩ rằng mình hoàn toàn vô tội thì không bị bắt. Lẽ ra phải biết người ta có thể bắt mình bất cứ lúc nào. Anh điên lên đạp như người mất trí. Thao kêu khẽ:

– Anh làm gì thế? Chậm thôi!

Thao biết chồng đang nghĩ gì. Thao biết Bình đang sôi sục.

– Họ cũng đạp nhanh. Hoàn toàn đúng rồi.

Bình đột ngột phanh xe, bảo vợ:

– Đái

Anh đưa xe cho Thao giữ, bước những bước thong thả và đưa mắt nhìn rất nhanh về phía sau. Cách chỗ anh đứng khoảng năm mươi mét có hai người vừa dừng xe đang làm ra vẻ thản nhiên giơ tay chỉ trỏ về phía làng xa… Anh bật diêm châm một điếu Trường Sơn. Thứ thuốc này đắng ngắt và anh cũng chẳng thèm thuốc, nhưng anh cần kéo dài thời gian để xem những người bạn đồng hành kia diễn những trò gì, diễn bao lâu nữa. Anh thấy họ vẫn đứng múa chân múa tay như đang tranh luận sôi nổi lắm. Anh lững thững xuống bờ ruộng và đi mươi bước. Anh làm cái việc tiểu tiện. Tiểu tiện thật. Thong thả anh quay trở lại Lúc này tha hồ nhìn. Hai người, áo bông xanh cả. Một quần xanh công nhân. Một quần màu sáng. Xa quá. Vả lại đã chiều tà. nên anh không nhìn thấy mặt họ, nhưng trông dáng người anh biết họ còn trẻ.

Họ đang chụm đầu lại. Cũng hút thuốc lá. Hình như họ chuẩn bị lên xe vì thấy anh đã nắm vào ghi-đông và ghếch một chân qua yên. Đúng lúc ấy, anh bảo Thao: Em đi giải đi.

Thao hiểu ý anh. Thao đi. Đi xa hơn Bình. Tìm chỗ khuất. Bình đứng trên vệ đường làm ra vẻ bình thản. Anh quay nhìn tứ phía cho có vẻ vô tư, rồi mới nhìn phía sau. Họ đã lên xe đạp. Đạp được mấy vòng một người xuống xe. Người kia cũng xuống. Họ cúi cúi như kiểu lồng lại cái xích bị tuột. Đó là vở diễn của họ. Nghiệp vụ của họ.

Đủ quá rồi. Hiểu quá rồi. Khi Thao khẽ ngồi lên xe, anh đạp một mạch. Không thèm quay đầu lại. Thao cũng im lặng. Chỉ một lần anh nghe Thao nói:

– Chúng nó vẫn theo.

Cái cảm giác mình như một con mồi và họ như những người thợ săn đến với anh lúc đó. Anh biết anh chưa bị bắt thôi, chứ anh đã bị mất tự do rồi. Không thể gọi là tự do khi mình đi đâu, làm gì (kể cả đi đái), gặp ai, trò chuyện bao lâu cũng có người quan sát và ghi vào sổ: “Đối tượng P2 về thăm con. Không đi la cà các nhà hàng xóm. Ngủ ở nhà… ”Vì chắc anh cũng phải có một bí số. Nhưng không biết họ đặt cho anh bí số gì nhỉ? P2 hay A18? Hay T5? Thật là một trò chơi chết người. Và thật buồn là mình lại ở trong vòng chơi đó.

Vợ chồng anh dắt xe vào căn nhà quen thuộc của chú em. Anh ôm hai đứa con trai và nghĩ đến những đứa con của Tuấn. Nghĩ đến bạn anh lúc bị bắt mà không biết trước rằng sẽ bị bắt như anh. Từ nay cái gì cũng nhắc anh nghĩ đến nhà tù, đến những hình phạt bạn anh đã chịu và anh sắp phải chịu.

Anh uống trà với chú em mà không biết mình uống gì. Anh đang nghĩ đến những cái đuôi. Cẩn thận thật. Những hai cái đuôi. Hai cái đuôi hôm nay cũng có mặt ở đây. ở làng này. Mà không ai biết. Vậy là họ đã theo anh lâu rồi. Từ bao giờ nhỉ? Mình đã mất tự do từ lâu rồi, nhưng vẫn cứ tưởng là mình tự do. Mình vẫn vô tư, vẫn cứ tưởng mình như những người bình thường khác. Được là người bình thường sung sướng biết bao.

Anh ra sân, đứng nhìn trời đêm. Làng quê ban đêm thật im ắng và buồn tẻ. Mới chập tối đã chẳng thấy tiếng động nào. Ngoài tiếng chó sủa. Cả làng không ai biết có một cuộc săn đuổi chết người, một trò chơi chết người cũng êm ả như thế này đang xảy ra ở đây. Những người dân quê bao giờ cũng chất phác và đơn giản. Anh thèm được như họ. Anh thèm đánh đổi những hiểu biết của anh, cái đầu của anh lấy cái đầu của họ. Anh thèm đánh đổi số phận của anh lấy số phận của họ.

– Tao thấy Đông và Tây gặp nhau. Bố tao nói: Ngu si hưởng thái bình. Còn Gribôiêđôp có vở kịch Nỗi khổ vì có trí tuệ. Tao đã bao lần căm thù cái trí tuệ ít ỏi nghèo nàn mà mình trót có. Giá tao cứ ở quê cày ruộng thì sao bị bắt.

Hắn tạm ngắt câu chuyện Bình kể. Bình cười:

– Và trước đây chính chúng mình đã phê phán nộị dung tiêu cực trong câu nói của các cụ. Nó mang cái bi quan của người làm nô lệ. Giờ đây chúng mình là chủ. Không phải chỉ là chủ xã hội, chủ chế độ. Còn làm chủ khoa học, làm chủ thiên nhiên và…

Hắn rống lên cùng với Bình, như song ca:

– Làm chủ bản thân mình

Cả hai được một trận cười. Hắn nói những điều đã nghiền ngẫm:

– Chúng ta quá rành việc phê phán. Chúng ta vạch những hạn chế của tất cà những người, những chế độ, những chủ nghĩa đi trước chúng ta và chỉ có chúng ta mới đúng. Chúng ta đứng cao hơn họ. Hêghen hạn chế. Cách mạng Pháp hạn chế. Hugo hạn chế. Tolstoi hạn chế. Nguyễn Du hạn chế. Hạn chế bởi nhân sinh quan. Hạn chế bởi giai cấp. Bởi triết học. Bởi lịch sử. Bởi thời đại. Vân vân và vân vân. Chúng ta là chân lý. Chúng ta cao hơn họ một đầu. Nhưng người ta đọc Hngo. Đọc hàng thế kỷ. Tất nhiên không phải ai cũng là Hugo, cũng là Nguyễn Du. Nhưng cái điều phải soi lại mình thì không làm. Phải tìm xem tại sao các nhà văn Việt Nam viết về những người đang sống, viết về người ta mà người ta lại không đọc, hoặc đọc rất ít. Người ta xô nhau tìm đọc một ông Sha kespeare đã chết từ đời nào bên Anh viết về những người L mã cách đây hàng bao thế kỷ? Đó là cái gì?

Bình trở lại câu chuyện về những cái đuôi:

Đêm ấy tao đang đứng ở sân một mình, nhìn trời nhìn đất cho tĩnh trí thì một bóng đen ở phía vườn bước ra. Tao giật mình. Tưởng họ đến. Tưởng họ đến đọc lệnh bắt. Nhưng hóa ra Thao. Thao vừa đi vừa xem xét xung quanh nhà. Tao nghĩ thương Thao quá. Mày đã biết từ trước tới nay tao chưa hề yêu Thao. Thao chưa được tao đối xử một lần như mày đối với Ngọc. Tao ôm lấy Thao ở giữa sân. Thao khóc. Tao đoán không phải Thao khóc vì sợ, mà khóc vì được tao thương yêu. Thao thì thầm:

– Anh đừng nói gì với chú Tụy (thằng em tao) cả nhé.

Tao đáp:

– Tất nhiên rồi.

Đó là đêm ghê gớm nhất của Bình. Còn sau này anh cũng dần quen với việc có đuôi. Dần quen với ý nghĩ sớm muộn mình cũng bị bắt. Anh hiểu rằng nếu Tuấn bị bắt, thì anh cũng có đủ tiêu chuẩn để bị bắt. Tuấn có tội, anh cũng có đủ số tội Tuấn mắc. Ai chả có lúc kêu ca mậu dịch. Ai chả có lúc kêu độn nhiều ngô quá. Nhận xét các đồng chí đảng viên có thật còn là những người tiền phong gương mẫu không là bậy bạ rồi. Lại còn đụng đến bí thư nữa. Người bí thư bao giờ cũng đại diẹn cho một đảng bộ. Đụng đến bí thư Bách là đụng đến Đảng. Ai chẳng thấy phần lớn những sáng tác hiện nay rơi vào công thức sơ lược, minh họa một chiều. Ai cũng muốn viết hay hơn, nhữg nhân vật với những số phận, những kẻ thù có thực, những nhân vật với chiều sâu nội tâm, chứ không phải là những người phát ngôn chính sách, hoặc những người lười chuyển biến. Nhưng không ai nói gì. Còn mình thì cứ bô bô. Sau khi Thao phát hiện anh bị theo dõi chặt chẽ, không rời nửa bước, anh hiểu tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Càng choáng váng hơn trong tinh mơ thứ hai, khi hai vợ chồng đạp xe về thành phố. Dậy sớm. Đồng hồ báo thức để lúc hai giờ. Cả hai đều mới chợp mắt. Cả đêm trằn trọc suy nghĩ, sợ hãi và căm phẫn. Khẽ khàng ra khỏi chăn. Hai đứa con vẫn ngủ. Đánh răng rửa mặt. Pha một ấm trà. Nước phích từ tối qua ngưội. Nhưng không sao. Đã thành thói quen. Cứ phải uống một tý vào buổi sáng. Tuy cũng đã dậy. Nhìn các con đang ngủ mà quặn lòng. Đưa tay nhẹ lên má chúng, ấm sực. Bụng nghĩ: “Nếu chưa bị bắt thì hết học kỳ này phải đưa chúng về phố thôi. Nếu mình bị bắt thì vẫn phải để chúng ở đây, một mình Thao trông sao nổi” Lại nghĩ: “Không biết cá chìm còn ở đây không? ”

Cả ngày hôm qua chủ nhật. Thao trong khi chợ búa đã để ý, nhưng không bắt gặp họ. Họ lặn ở đâu? Rất kỹ. Sương xuống. Xuyên qua áo bông. Buốt vai. Trăng tròn và to chênh chếch đỉnh đầu. Hai vợ chồng đạp xe đi áo bông, khăn bịt tai mà vẫn run. Cả làng còn ngủ. Thanh bình quá. Con đường trục chạy qua làng, trăng sáng gập ghềnh. Không một ai. Đi trong hun hút. Sớm thế này chắc đuôi chẳng biết. Hai vợ chồng không nói, nhưng cùng chung một cặp mắt dò tìm. Hoang vắng. Không cả tiếng chó. Chỉ có sương và trăng đỏ chênh chếch phía Tây. Tiếng Thao xuýt xoa ở ngay lưng.

Đã qua một chỗ ngoẹo và sắp tớí nơi họp chợ. Một người đang đi bách bộ trong ánh trăng suông ở giữa đường. “Kia rồi”, Với mẫn cảm của người bị săn lùng, cả hai cùng nghĩ như vậy và cùng bấu vào nhau thay lời nói. Im lặng đạp xe đi tới. Người ấy vẫn đi bách bộ, như không quan tâm đến ai, như đang mang trong lòng một nỗi phiền muộn lớn. Nhìn thẳng vào người ấy từ xa. Lúc đi ngang qua cố nhìn rõ mặt. Đó là tự nhiên thôi. Đêm hôm gặp người, ai chẳng cố nhìn cho rõ mặt. Không nhìn mới là không tự nhiên. Người ấy cũng nhìn mình.

Một khuôn mặt trẻ, bình thản nhẫn nại trên đôi vai so lại dưới sương. Đã vượt qua người ấy. Hẳn Thao nhìn rõ hơn. Họ theo dõi mình ghê quá. Như một đối tượng cực kỳ nguy hiểm. Một con thú lớn. Bình không ngờ bộ máy chuyên chính mà anh vốn kính trọng và lãng mạn hóa qua những cuốn tiểu thuyết phản gián lại huy động đến mức này để thực hiện sự chuyên chính với anh. Chắc Tuấn cũng bị theo dõi chặt chẽ như vậy mà không biết. Có lẽ như nó lại hơn. ít nhất nó vẫn được sống bình thường cho tới khi bị bắt.

Đi quá chợ mươi mét, anh thấy thấp thoáng sau bờ tre thưa một ngôi nhà có ánh lửa. Một người đang đi ở sân. Quần áo tề chỉnh. Rõ ràng người thành phố. Thì ra họ chốt ở nhà này. Nhà ai nhỉ? Nhà thằng Tâm, một ngụy binh đã bị ta bắt, nhưng cho “hướng lượng khoan hồng”. ở nhà này thật tiện. ít khách khứa ra vào. Bất ngờ. Lại sát ngay đường cái.

Bình đạp xe thong thả. Để cho hai cái đuôi khỏi vội vã. Để cho họ thấy anh chẳng biết gì, hoặc có biết nhưng rất bình tĩnh, tự tin. Khỏi đầu làng, quay lại, thấy hai cái đuôi đen đen đã ở một cự ly thích hợp. Cự ly theo dõi đường trường.

Sao đêm ấy trăng to đến thế. To đến mức kỳ lạ. Quá ác. Và đỏ. Đỏ như máu đỏ. Sương xuống. Giá buốt. Cánh đồng đất ải trắng mờ. Im lặng tuyệt đối. Đi mãi vẫn một vầng trăng to, đỏ như máu. Một cánh đồng đất ải vắng tanh, sương giăng mù mịt. Và hai bóng đen im lặng phía sau.

– Chúng tao sang phà. Còn vắng. Thấy hai bạn dắt xe xuống. Đứng xa chỗ chúng tao. Chúng tao đạp xe đi quành lối phà K sang Nhuế. Phà K vắng. Không thấy bọn họ. Tưởng là nó thôi không bám nữa. Hai vợ chồng đạp xe và không thấy có người theo. Bắt đầu trò chuyện, nhưng đến gần Ngọ Đường, dắt xe dọc đường tàu, lại thấy sau lưng mình hai cái bóng ấy. Mày hình dung được không?

Bình nhăn mặt vẻ ghê sợ. Cho đến bây giờ anh vẫn còn thấy rõ mồn một cảnh tượng kỳ quáỉ đó. Nó kỳ quái như một chuyện của Jack London: Trên Bắc cực mênh mông tuyết trắng, không một sinh vật, một con sói bò theo một con người. Cả hai im lặng bò. Quyết bò đến chết. Quyết bò đến sống. Như đó là mục đích sinh ra ở đời này.

Anh đã quen với những cái đuôi. Và anh dễ dàng nhận ra nơi họ đạt vị trí để theo dõi anh khi anh về nhà anh ở thành phố. Một lần anh đạp xe ra cổng và bất chợt thấy cánh cửa chớp ngôi nhà bên kia đường hơi giật mình. Thoáng một bóng người sau khe hở dọc cánh cửa sổ và bờ tường chỗ bản lề. à, họ đứng rình mình ở đó. Thản nhiên, anh đạp xe đi. Và đưng lại mua một điếu thuốc lá. Anh nhìn thấy đuôi. Đuôi đưng mỗi khi anh đưng. Nhưng cũng có lúc đuôi đạp xe qua và chờ anh ở phía trước. Có lần thử cắt đuôi. Đạp nhanh, rẽ vào những lối ngoắt ngoéo. Anh đã làm được. Nhưng chỉ để thử thôi. Chứ anh biết đó là cả một thiên la địa vọng, không thể nào thoát được. Anh phát hiện ra đặc điểm dễ nhận nhất của đám trinh sát này là: Trẻ. Dép nhựa Tiền Phong trắng, có quai hậu, thứ hàng cực hiếm và sang trọng, giá mậu dịch chỉ có mấy đồng, nhưng giá chui những hai mươi nhăm đồng, nửa cái cán sự mỗi , nửa cây xoan của anh. Vậy là móng trắng.

Thế rồi một hôm Bình thấy một thanh niên đi vào nhà ông bà Toàn ngay bên cạnh nhà Bình. Còn trẻ, dép nhựa trắng Tiền Phong có quai hậu. Móng trắng dắt xe đạp. ở poóc ba-ga có buộc một cái hòm gỗ thông còn mới đánh dầu bóng màu đỏ, đi thẳng từ bậc cấp qua mảnh sân nhỏ bên nhà ông bà Toàn vào nhà và ở lì trong đó.

– Mày còn nhớ bà Toàn không nhỉ?

Bình hỏi. Hắn vừa cười vừa gật đầu:

– Nhớ. Nhớ chứ.

Một chuỗi hồi ức sống lại. Bà Toàn, răng đen, ngoài năm mươi, chỉ cao một mét ba thôi, nhưng tất cả mọi người trong căn nhà đông hộ Bình ở phải kiêng nể. Cái miệng bà quang quác, quang quác. Giành nhau một tý đất. Một chỗ để sọt rác Chửi mèo mắng chó. Nghe xem nhà ai động dao thớt, nhà nào rán mỡ. Ai mua đâu mà được cả xe mùn. Cây chuối nhà sát cửa gầy gò mà ra một buồng quá to… Bà chẳng sợ ai, sẵn sàng đấu khẩu lẫn phê bình… vũ trang. Bà quắc mắt hỏi một bà ở dãy nhà ngang:

– Tay bo à? Tay bo thì tay bo!

Bà vỗ đùi nhảy lên để nhấn mạnh cho lời thách đấu. Sự phẫn nộ, vẻ khinh bỉ lộ rõ trên nét mặt bà đang hừng hực ý chí quyết thắng.

Bình đã tổng kết: Trong một số nhà trước đây chỉ có một chủ, nay lúc nhúc nhiều tổ ấm, những tổ ấm này lại đang sinh sôi nảy nở, ắt phải xảy ra tình trạng thập nhị sứ quân và sẽ tiến lên “thế chân vạc”.

Rồi đến tập quyền. Một vị có đủ phẩm chất, sẽ chiến thắng các sứ quân khác, trùm lợp lên tất cả. ở chỗ Bình, người chiến thắng là bà Toàn.

Nhà Bình và nhà bà Toàn là hai căn buồng liền nhau, vuông vắn, xinh đẹp nhất chỗ đó. Hai căn buồng ở và tiếp khách của chủ Tây ngày trướẹ, thông nhau bằng một cánh cửa, phía dưới bưng bằng gỗ, phía trên là những ô kính nhỏ. Những ô kính vỡ đã được bịt kín bằng giấy. Tuy nhiên văn không ngăn được tiếng động. Bên kìa kéo ghế, bên này nghe tiếng. Nghe được cả tiếng ho. Để kín hơn nữa, bên ông bà Toàn căng một cái rèm. Bình đặt vào chỗ hõm của bờ tường (cánh cửa ở phía ông bà Toàn nên phần bờ tường hõm là của anh) những thanh gỗ làm giá sách. Và để những thứ linh tinh: ống đựng bàn chải đánh răng, phin pha cà-phê, gói thuốc lào hút dở, lọ thuốc đau mắt… Đôi bên cách biệt hơn trước. Cách âm cũng tốt hơn trước.

Phía trước nhà hai người có một mảnh sân. Cuộc đàm phán ngăn đôi mảnh sân kéo dài, vì ở phía nhà Bình có hai cây xoan. Nhà bà Toàn chẳng có cây nào. Cuối cùng anh đồng ý chia đôi: mỗi người một cây. Anh bắt chặt ngay. Để khỏi muỗi. Bà Toàn đẵn xoan mang về. Còn cây xoan của Bình, Bình bán. Bà Toàn bảo: “Để tôi mua cả một thể”. Ông Toàn bảo: “Tôi giả anh cái cán sự mỗi”. Nghĩa là năm mươi đồng, tương đương với lương cán sự một. Bình đồng ý ngay, tuy cây xoan giá những cán sự ba, nghĩa là sáu tư, sáu nhăm đồng. Đẵn xoan xong, đến việc rào ngăn. Bà Toàn bảo bà chưa có điều kiện, chưa có tiền mua cây que, vì bà biết một mình Bình, Bình cũng làm. Qnả nhiên, đúng vậy.

Không chịu được cách khôn lỏi, quá đáng của bà Toàn, Bình quyết phản công. Phản công êm dịu. Một cách tấn công hòa bình. Hay đúng hơn, một thứ tâm lý chiến. Bình xuống bếp (làm ở ngoài sân, gần bếp nhà bà Toàn) đem dao thớt ra chặt nhát một như người chặt thịt gà. Những nhát đanh. Lại gọi vợ:

– Sang bác Tuấn suốt mấy cái là chanh nhé. Thịt gà không lá chanh như anh không nàng.

– Mua ớt chưa? Cơm không ớt như quật thớt vào mặt.

– Lần sau mua con gà non non tý nhé. Con này khí cao tuổi đấy. Làm một tý “rạo ” (rượu) nữa chứ nhỉ?

Bình cứ oang oang những mệnh lệnh “âm sâm ” như vậy. Và phải nói Bình ứng tác nhưng câu tục ngữ về ăn uống rất cừ. Thao và hai cậu con giai chết lặng vì cười. Vừa thở như sắp đứt ruột vừa rên rỉ, lại phải cố trả lời với một giọng điệu tự nhiên, sao cho đừng có tiếng nào vỡ toác ra vì cười.

– Con xin lá chanh rồi.

– Làm gì cứ ầm ĩ lên thế?

Bình không cười. Bình vẫn tỉnh khô. Anh đang tưởng tượng ra một con gà nằm trên thớt và tập trung tư tưởng vào những nhát dao. Những nhát dao đúng là chặt thịt gà, những nhát dao nhói lòng hàng xớm.

Nhà Bình có mọt con gà. Kể ra nó cũng có vẻ gà trống thật. Trụi. Trụi cả lưng, cả bụng. Da đỏ hon hỏn. Mào to đỏ đọc rủ về một bên mắt, trông càng dữ. Như một chú gà trống choai choai. Thế nhưng nó đẻ trứng. Hai cậu con giai gọi bố í ới ngay chỗ chuổng gà cạnh hàng rào thưa mới ngăn hai nhà:

– Ơ, bố này, con gà sống nhà mình nó đẻ, bố ạ!

– Đâu?

– Trứng đây này, to không?

Ba bố con cầm con gà trụi, da đỏ, mào đỏ rủ về một bên măt ấy lên, vuốt ve âu yếm như nó là một con gà đẻ ra vàng vậy. Nó đẻ cách nhật, nhưng ngày nào ba bố con cũng reo:

– Lại một quả trứng nữa đây này!

Con gà đẻ mà cứ im thin thít, chẳng thấy cục ta cục tác. Đúng là gà trống đẻ thật rồi. Trứng lại to, đỏ au.

Bà Toàn giả điếc, không thèm để ý đến chuyện vặt ấy. Nhưng rồi bà không chịu được. Như chính bà vừa bị mất cướp. Bà kêu lên:

– Nhà người ta trồng lau ra mía. Nhà mình trồng củ tía ra củ nâu.

Mấy bố con lại cười. Cười lặng lẽ. Khi đó Bình đã bảo hắn:

– Chẳng còn gì vui nữa. Thì vui bằng sự đau khổ của người khác vậy.

Hắn cũng đã bảo lại Bình:

– Và ngược lại, thấy người khác hơn mình thì mình đau khổ. Thế mới bỏ mẹ chứ!

Khi thấy móng trắng vào nhà ông bà Toàn. Bình giật mình. Anh cài trái cửa và rón rén đi về phía giá sách, áp tai nghe ngóng, êm ả. Chẳng nghe được tiếng nói chuyện. Họ làm gì mà im ắng thế. Có tiếng kéo ghế. Rồi lại im lặng.

Đứng lâu quá, mỏi chân, muỗi đốt. Bình lăn ra giường. Hẳn là họ đến đặt máy ghi âm. Cái hòm gỗ thông quang dầu mới tinh ấy hẳn là đựng máy móc. Không biết họ mới đến lần đầu hay đến nhiều lần rồi? Cũng có thể anh ta là khách hay con cháu bà Toàn đến chơi. Bình tự tranh cãi. Nhưng anh này trông rất lạ. Chưa thấy đến lần nào. Dù sao cũng phải cảnh giác. Chờ đến khi nghe tiếng líp xe đạp giòn lách tách từ sân ra cửa, anh nhỏm dậy và nhìn thấy phía lưng người đó. Đặc một dáng vẻ của những cái đuôi anh vẫn gặp. Cái hòm gỗ thông cũng không còn trên poóc ba-ga xe đạp nữa. Cố trấn tĩnh, anh ra sân. Ông bà Toàn cũng vừa bước ra. Bà Toàn hỏi anh:

– Anh Bình hôm nay không đi làm à?

Câu hỏi đầy ẩn ý. Nụ cười của ông Toàn cũng có vẻ thế nào ấy. Rõ ràng họ đã biết hết chuyện về mình. Họ biết mình bị đình chỉ công tác. Biết mình bị theo dõi.

– Không, hôm nay cháu mệt, nghỉ ở nhà.

Bình trả lời một cách thản nhiên. Anh quay vào buồng. Lại cài trái cửa. Im lặng. Khẽ khàng nhấc từng quyển sách ra khỏi giá. Từng thứ trong cái đống vạt vãnh của sinh hoạt gia đình. Đến lúc ấy anh mới biết cái rèm nhà ông bà Toàn không treo nữa. Và thấy đầu một sợi dây đồng nhỏ, sáng từ bên ông Toàn xuyên qua một tờ giấy dán thay cho một ô kính bị vỡ. Anh khom khom nhìn đầu sợi dây đồng. Anh giơ tay định sờ vào sợi dây. Bàn tay anh chững lại khi gần chạm vào nó. Có tiếng gõ cửa. Anh giật mình. nhìn đống sách vở ngổn ngang. Anh im lặng nghe ngóng. Gõ cửa nữa.

– Ai?

Không thể để cho họ thấy cảnh anh đang dọn dẹp, tìm tòi này. Tiếng Thao:

– Mở cửa cho em.

Bình thở phào. Bước vào nhà, Thao giật mình:

– Làm gì thế này, anh?

Bình giơ tay huơ huơ ra hiệu im lặng. Anh cài cửa và hỏi Thao:

– Em về sớm thế?

– Còn sớm gì nữa. Mười một giờ hơn rồi.

Đến lúc ấy anh mới biết đã tan tầm. Đã trưa rồi.

Anh kéo Thao, chỉ cho Thao mẩu dây đồng mới sáng đỏ lên. Hai vợ chồng xuống bếp nói chuyện. Thao im lặng. Rồi Thao thì thào:

– Có thể là một sợi dây ông ấy buộc cái gì đó. Nó đâm sang. Nhưng mình cứ phải cảnh giác. Để em sang xem…

Vốn rất tháo vát nhanh nhảu, Thao vớ cái bát con và cái cùi-dìa, xăm xăm sang ông bà Toàn. Bình chỉ biết nhìn Thao, lo lắng, không dám gọi Thao lại dặn dò.

Anh nghe thấy tiếng Thao vui vẻ trong buồng nhà ông bà hàng xóm:

– Ông bà còn mỡ không, cháu vay một thìa. Nhà chẳng có cái gì ăn. Định chưng ít mắm tôm mà lại hết mỡ.

Một thoáng sau, Thao cầm thìa bát trở về, nói to từ sân bên ấy:

– Ông bà cũng hết mỡ rồi, anh ạ.

Và Thao kéo Bình ra góc xa nhất, ghé sát tai Bình, nhưng Bình đã nói to:

Thôi, ăn mắm tôm sống cũng được.

Thao thì thầm:

– Cái hòm. gỗ thông để ở giáp cửa an sang nhà mình. Phủ vải. nhưng em vẫn nhận ra. Cao đúng bằng đầu giường chúng mình.

Bình thót ruột. Tai họa đã đến gần lắm, sát đầu giường anh. Thao im lặng. Cả hai khe khàng xếp lại sách vở trên giá. Không gây ra một tiếng động nhỏ.

Bình và Thao định chuyển giường về đầu buồng kia, không kê ở sát giá sách nữa, cho xa sợi dây đồng. Nhưng bàn đi tính lại, lại thôi. Cứ phải giữ nguyên sự sắp xếp như cũ. Để không ai có thể nghĩ mình đâ biết, đã đề phòng. Chỉ có điều bây giờ nằm trên giường chớ than thở về những khó khăn. Lại càng không được kêu ca bất cứ chuyện gì. Đừng thở dài. Chỉ được nói chuyện vui. Đúng. Tương kế tựu kế. Chỉ nói chuyện vui. Chỉ lạc quan cách mạng. Không bao giờ bi quan. Lại càng không bất mãn. Nhưng cả hai đều rất vụng về. Năm ấy sương muối, rét đậm. Lúa chiêm mới cấy chết khô. Hoa màu cháy lá. Cau rụng xuống gốc từng đống. Nhưng vừa nằm vào giường Thao đã láu táu:

Năm nay thời tiết thế này được mùa lớn đấy anh ạ.

– Được mùa chứ. Các hợp tác xã bây giờ thâm canh ghê lắm. Có những huyện đạt 5 tấn rồi. Bây giờ Thái Bình đang quyết tâm xây dựng toàn tỉnh đạt 5 tấn.

– Được mùa vài năm chẳng mấy chốc mà sướng.

Bình định nói một câu đầy phấn khởi nữa tiếp theo, nhưng thấy Thao cười rung cả chăn, anh cũng cười, hai vợ chồng cười không thành tiếng. Bình trở mình ôm lấy Thao, thì thầm vào tai Thao: “Nói như cứt ấy”. Và luồn tay vào người Thao. Hai vợ chồng càng cười dữ hơn. Vẫn không thành tiếng. Sức cộng hưởng làm giát giường rung cành cạch…

Mỗi tối một chuyện. Họ phải thống nhất đề tài trước khi lên giường, ai nói trước, ai nói sau, không quên rút kinh nghiệm vở diễn tối hôm trước. Địa điểm hội nghị là giứa sân. Không phải trong bếp. Vì dưới bếp cũng sợ. Biết đâu đấy. Hai người ngồi xổm giữa sân. Âu sầu, ủ ê lo lắng, nhưng cũng có lúc tinh nghịch, hài hước, vì cũng cần cười lên tý chút, căng thẳng quá lâu rồi, chán quá rồi.

– Báo cáo đồng chí chứ… – Thao nói khẽ với giọng phát biểu trong các cuộc họp cơ quan, – đề tài chiến đấn hơi nhiều rồi đấy. Hay là chuyển sang mục ngành thương nghiệp xây dựng tổ lao động xã hội chủ nghĩa đi. , thực hiện điều Bác dạy: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Bình đáp lại lời vợ bằng giọng lưu manh đường phố.

– Tớ vẫn thấy cần phải nói về nông nghiệp. Vì nông nghiệp là cơ bản. Nhưng đăng ấy phát biểu đếch ra làm sao. Đang sương muối bỏ mẹ đi. Lúa chiêm xuân chết gần hết, đằng ấy lại bảo thời tiết thuận lợi…

Thế là trên chiếc giường sát với cửa ngách thông sang nhà ông bà Toàn, hai vợ chồng tối nào cũng nói những lời ca ngợi, hôm nay là nhà máy xi-mảng khôi phục sản xuất, ngày mai là giọng hát Tường Vi…

Bình cảm thấy không chịu đựng được nữa rồi. Nhiều lức anh nghĩ: Thà bị bắt ngay còn hơn lo sợ phấp phỏng mãi thế này. Những lúc ấy anh mong được như hắn.

Suốt ngày một mình quanh quẩn như một cái bóng trong căn buồng im lìm vắng lặng. Không ai đến chơi với anh nữa. Người ta sợ anh như sợ bệnh truyền nhiễm. Rất tự trọng, khinh bỉ cuộc đời đen bạc, khinh bỉ những người từng xoắn xuýt, cởi mở với anh, nay tìm cách lánh xa anh, anh làm như không quen họ. Cho nên anh thật sự sung sướng, cảm thấy hạnh phúc, một niềm an ủi lớn lao, khi Lê Bàn xuống thăm anh.

Anh đang ngồi dựa lưng vào tường đọc sách và chờ đợi điều sẽ phải đến thì có tiếng gõ cửa. Anh giật thót người. Nhìn ra: Lê Bàn. Lê Bàn từ Hà Nội về. Anh bật dậy, ra đón. Lê Bàn nắm chặt tay anh, nhìn anh như không tin vào mắt mình. Cái nhìn sung sướng, nhưng vẫn còn vẻ hoảng sợ của một người vừa thấy người thân sống lại.

– Thằng Bình! Chúng nó đồn ầm lên là mày bị bắt rồi.

Tiếng Bàn xen lẫn tiếng thở ví xúc động. Bàn vẫn có kiểu nói oang oang như vậy. Bình giơ tay lên miệng ra hiệu “suỵt” và ghé vào tai Bàn thì thào:

– Khẽ chứ. Nói gì ra ngoài. Nhưng hãy vào đây uống nước đã.

Bàn nhìn lên trần nhà, rồi lại nhìn quanh. Anh hiểu Bình đang bị theo dõi chặt chẽ.

– Thao đâu?

– Bà ấy đi làm chưa về.

– Thằng Vũ Mạc gặp tao. Nó bảo nó gặp thằng Lê Phong. Thằng Lê Phong bảo nó là mày bị…

Bàn lại bỏ dở câu nói. Anh chưa quen được với cách nói chuyện lúc to, lúc thì thầm, cùng một lúc diễn ra hai cuộc nói chuyện. Một cuộc nói chuyện công khai để cho người thứ ba nghe và một cuộc nói chuyện bí mật chỉ có hai người.

Bàn nhíu mày khe khẽ:

– Chúng mày gay quá nhỉ?

Và anh nói to:

– Uống nước đi, trà ngon quá.

Nhưng anh không nống nước mà ghé tai Bình:

– Thăng Vũ Mạc cũng định xuống thăm cái Ngọc luôn thể, nhưng nó bị ngã, gẫy chân. Nàm bệnh viện năm ngày rồi. Bó bột. Khổ quá, anh em…

Bình nhìn Bàn và cười. Niềm vui của Bình quá lớn. Đã bao lâu rồi anh không có một người bạn để mà trò chuyện, mà tâm sự, mà trút nỗi niềm. Anh cứ đọc một mình câu thơ của Trần Dần. Câu thơ chưa in, anh chỉ được nghe Vũ Mạc đọc lại:

Hãy chỉ cho tôi nơi nào tôi đổ bớt được tôi đi

Anh quen Lê Bàn, Vũ Mạc qua hắn. Cả đám bạn Hà Nội của hắn là bạn anh. Tuổi trẻ, nghề nghiệp và nhất là cách sống đã gắn bó họ lại.

Sau khi hắn bị bắt, Lê Bàn đã về thăm Ngọc. Biết Ngọc đi học, Bàn chọn ngày xuống thăm. Ngày lễ Noel. Bàn cùng Ngọc chuẩn bị đồ tiếp tế cho hắn. Bàn gửi vào bọc quà của Ngọc tý chút của anh: Hai gói thuốc lá (Anh còn định gửi nhiều nữa, nhưng Ngọc bảo thôi vì ở 75 người ta cho nhận ít. lắm). Bình làm cơm mời Bàn và Ngọc. Lúc đó Bình chỉ blết là mình sẽ gay go thôi, chứ không ngờ lại đến mức này. Bình kéo Bàn xuống bếp, nhưng rồi lại thấy không an toàn, anh và Bàn ra giữa sân ngồi:

– Mày về đây cũng bị theo dõi đấy. Thôi, đừng về nữa. Nguy hiểm lắm. Căng quá nhỉ”

Bình gật.

– Cái Ngọc có nhà không?

Bình lắc.

Bàn thở dài:

– Lâu quá tao không gặp cái Ngọc. Có tin tức gì về thằng Tuấn không?

– Nó không có thư ra.

Vừa chuyện, Bình vừa để ý bên nhà ông Toàn. Bà Toàn đi xuống bếp, rồi lại đi lên. Một cách rất đáng ngờ. Bình lại kéo Bàn vào trong nhà. Lấy sách ra đọc.

Và đi chơi phố. Bình để ý: Có đuôi bám. Bình bảo Bàn: “Có đuôi đấy”. Tức mình, vào một hiệu cà-phê bất chợt. Chẳng cần biết đuôi ngồi đợi ở chỗ nào.

Bàn ở lại với Bình đến chiều và trở về Hà Nội bằng tàu tối. Bình nhớ lời dặn của Bàn:

– Có gì bảo Thao báo chúng tao ngay nhé! Hai người chia tay mà đều nghĩ không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau.

Bàn đi. ít ngày sau, lại một biên tập viên một nhà xuất bản ở Hà Nội về công tác, gặp Bình ngoài phố. Anh ta gọi Bình rất to, vẻ mừng rỡ:

– Lên Hà Nội đi. Cần đấy. Thu xếp lên Hà Nội mấy ngày. Thật đấy.

Bình hiểu ý anh biên tập viên tốt bụng. Trên ấy đã ầm lên cái tin anh bị bắt. Sự hiện diện của anh là một lời cải chính. Nhưng anh không lên Hà Nội. Việc đó không cần thiết. Vả lại anh đã thoát khỏi hiểm nghèo đâu. Anh vẫn chờ tai họa đến.

Anh có một thói quen mới: Tới đâu cũng phải nhìn trước nhìn sau, quan sát xem họ có đặt máy ghi âm không. Kể cả nhà chú em ở ngoại thành. Anh không được tự do trên chiếc giường anh nằm, ngay trong căn buồng của anh. Những lúc ngủ với vợ, anh cũng không dám gây ra những tiếng động. Không dám thì thầm vào tai vợ những điều anh bất chợt nghĩ ra lúc đó. Cứ lặng lẽ. Hùng hục. Như những con vật Anh không nghĩ ra được điều gì nữa. Anh chỉ nghĩ đến cái máy ghi âm. Anh không muốn làm trò cười cho họ qua cái băng ghi âm khi họ chụm đầu nghe lại. Hóa ra anh đã phải làm vụng làm trộm cái việc này với vợ anh. Nhưng vẫn có một cặp mắt lạnh lùng ở đâu đấy chăm chú im lặng nhìn anh. Một thời gian dài anh không làm được việc ấy, mặc dù trước đây anh vốn là người chăm chỉ. Một thời gian dài anh hoàn toàn bị liệt.

Đuôi vẫn bám. Họ thay đuôi luôn. Anh biết mình đang đứng sát bờ vực thẳm. Chân trong nhà tù. Chân ngoài nhà tù. Anh nằm quay mặt vào tường, lẩm nhẩm một mình, ca ngợi mậu dịch, những người làm dâu trăm họ. Chửi phim Số phận con người, Bài ca người lính là sợ hãi chiến tranh, ca ngợi hợp tác xã nông nghiệp là một biện pháp để làm giàu tập thể, đi lên sản xuất lớn.

Bình cười. Nước mắt, nước mũi giàn giụa, như đứt hơi:

– Lúc đó tao nghĩ đến mày. Nếu mày sang, thấy tao như vậy hẳn mày lạ lắm. Tao sẽ giải thích mày hiểu tao đang luyện để khi nằm mơ cũng không nói sai chính sách.

Bây giờ Bình cười. Chứ lúc đó Bình lo đến mụ người. Bản thảo đưa về nhà chú em, hóa ra không ổn. Lại phải đưa đi nơi khác. Anh bảo Thao giắt bản thảo vào người mang dần ít một đến gửi ở nơi bất ngờ nhất: Nhà ông anh họ Thao làm giám đốc trưởng Đảng. Khi về, Thao bảo anh: “Xong rồi. Anh yên tâm. Không có ai theo em cả. Em đã kiểm tra cẩn thận”. Anh sợ những bản thảo của anh bị cơ quan đặc trách văn hóa thu, rồi để mục nát trong kho như hắn đã bị như vậy. Người có thể bị bắt, nhưng cố cứu lấy bản thảo. (Sau này, một trong những bản thảo ấy là quyển tiểu thuyết Năm tháng đã qua được giải thưởng viết về công nhân).

Thao vốn đoảng, ít săn sóc tới Bình, nay bỗng trở nên chu đáo. Thao mua thêm cái màn một. Thao mua vải bảo chồng cắt thêm bộ quần áo. Thao xin ở đâu về cái ba-lô con cóc bộ đội cũ. Nhìn cái ba-lô, Bình hiểu ngay ý nghĩa mục đích (Hai vợ chồng đã quen nói chuyện bằng cách nhìn nhau). Rồi quần đùi, áo may ô. Khăn mạt, bàn chải, thuốc đánh răng. Bình im lặng nhìn vợ loay hoay, nhấc ra xếp vào, chăm sóc cái ba-lô. Thao khẽ hất hàm như muốn hỏi anh:

– Được chưa?

Anh gật đầu.

Ngày nào Thao cũng phải mở ba-lô một lần. Hôm cho thêm vào đó nắm thuốc lào, cái lược. Hôm chục bao diêm, dăm gói thuốc lá Berati. Hôm mấy tờ báo để đi vệ sinh. Hôm gói tăm. Anh lục trong tủ sách lấy ra hai quyển Chuông nguyện hồn ai anh thích. Anh cho vào ba-lô cùng với quyển học tiếng Nga. Chớ có quên món sách. Vào trong ấy không có gì đọc, buồn chết. Thao xuống bếp cầm lên cái ca, cái cùi-dìa. Rồi lại một thứ quan trọng: Cái chăn Nam Định. Chưa hết. Hôm sau lại thêm một cân đường. Một gói thuốc APC. Chẳng khác gì một cửa hàng tổng hợp. Anh nhấc chiếc ba-lô nạng và phồng căng, khoác lên vai, đi bách bộ quanh nhà như đang tập hành quân. Anh toét miệng cười:

– Được rồi. Cứ thế này đi…

Anh bỗng im bặt và ghé sảt tai Thao thì thào: vào 75 được rồi.

Thao nói to:

-… đi biển. Kỳ này anh định đi biển bao lâu?

Đây là câu nói dành cho máy ghi âm, câu nói tiếp vào câu nói dở dang của Bình. Không thể để máy ghi âm ghi câu nói lơ lứng của Bình: “Được rồi. Cứ thế này đi ” mà không thêm vào đó một ý cho trọn nghĩa.

Hai vợ chồng cứ thế âm thầm chuẩn bị cho việc đi tù của Bình. Và chính thời gian đó họ sống như trong tuần trăng mật. Rất ít khi đụng đến kim chỉ, giờ đây Thao ngồi hàng tiếng đồng hồ đính lại những cúc áo bị đứt, khâu lại những chỗ bị sứt chỉ trên quần áo của Bình. Rủ nhau đi ăn phở. Đi uống cà-phê. Trong chuyện “sinh hoạt văn hóa ” (danh từ Bình gọi việc vợ chồng yêu nhau) Bình đã xác định lại “Không thể để như người impuissant ” . Như thế là không được. Là thua. Là đã bị nốc-ao. Không thể đo ván sớm thế. Tự do là sự nhận thức được tất yếu khách quan và hành động theo tất yếu. Ta đã biết tất yếu khách quan. Ta phải giành lại phần tự do tối thiểu. Họ lại yêu nhau chăm chỉ. Cả ban ngày lẫn ban đêm. Họ tạm quên đi những lủng củng vẫn chia rẽ họ.

Cứ mỗi lần anh nhận đước giấy mời (và cả giấy gọi nữa) lên Sở Công an thẩm vấn, anh lại nhìn cái ba-lô. Anh nghĩ mình có thể đi luôn. Không quay lại nữa. Nhưng chẳng lẽ lại khoác ba-lô đi để người ta thẩm vấn. Người thẩm vấn anh là ông Quảng, trưởng phòng đặc trách văn hóa. Ông Quảng hỏi anh về hắn. Về anh. Cái logic ông Quẫng đưa ra là: Bọn anh là những kẻ bất mãn. Từ bất mãn cá nhân đi đến nhận thức sai lạc về xã hội và bất mãn đối với chế độ. Thật là một logic quái đản, quá sơ lược và hạ thấp con người. Nhưng anh không bắt bẻ cái logic ấy. Anh trình bày rằng anh không bất mãn cá nhân. Anh được cơ quan đánh giá đúng mức. Anh được tạo điều kiện thâm nhập thực tế, viết bài, sáng tác.

Họ hỏi anh về “Người chết không cô độc”. Anh nghĩ: Thật ra đó là một chuyện rất lành, ca ngợi con người mới, nhưng nó trở thành con ngoáo ộp vì cái tên của nó.

Ông Quảng cười nhạt:

– Anh và anh Tuấn đã nói với nhau là sẽ bẻ bút không viết nữa cơ mà.

Anh lại thừ người suy nghĩ. Khi đã nhớ và hiểu ra, anh nói cho ông trưởng phòng đặc trách văn hóa biết hai cảm giác đối lập của người viết văn: Lúc tự cho mình là thiên tài, coi thường tất cả. Lúc lại thấy mình hoàn toàn bất tài, bất lực, ngu ngốc: “Những lúc đó, chúng tôi tự thấy mình nên bẻ bút, đừng tự huyễn hoặc mình. Nên chấm dứt hoàn toàn việc viết lách đi thôi”.

Ông đặc trách văn hóa lắc dầu, không che giấu thất vọng về sự thiếu thành thật ấy:

– Anh đừng ngụy biện. Thái độ tốt, nhất của anh là chân thành. Điều đó có lợi cho anh hơn Anh và anh Tuấn phản đối đường lối văn nghệ của Đảng, phản đối viết “người mới, cuộc sống mới”

Anh nghĩ: Có lẽ ông Quảng muốn nói người thật, việc thật. Đúng là văn chương nếu quá nhấn mạnh người thật việc thật như hiện nay thì thật đáng buồn. Đó là chủ nghĩa thực dụng đến thô thiển, là giết chết nền văn học và ngu xuẩn. Nhưng anh trả lời đúng vào câu hỏi của ông Quảng:

– Chúng tôi không phải là Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân để có thể viết về cuộc sống cũ. Chúng tôi chỉ có thể viết về cuộc sống mới. Vì vậy chúng tôi không có lý do gì phản đối viết người mới, cuộc sống mới. Và thực tế những sáng tác đã in hay đang viết của chúng tôi đều viết về người mới, cuộc sống mới.

Họ kể cho anh nghe những tội lỗi hắn đã nhận trong tù (mà anh biết ngay là bịa đặt). Anh lễ phép trả lời

– Đến bây giờ tôi mới biết.

Qua những buổi thẩm vấn, anh hiểu rằng họ không buộc tội được hắn, không kết luận được hắn mắc tội gì. Khi Ngọc ở trường về anh sang nói cho Ngọc biết mọi diễn biến chung quanh việc họ hành anh. Mặc cho đuôi bám. Mặc cho việc đó đến tai Sở Công an. Anh không thể bỏ mặc Ngọc trong cơn hoạn nạn. Con ngựa đau cả tàu chê cỏ. Anh cố gắng đối xử sao cho bằng một con ngựa. Anh đưa cho Ngọc gói bích-quy, gói chè để Ngọc gửi vào cho hắn. Anh nói Ngọc cố học, đừng bỏ dở. Ngọc biết anh lúc nào cũng như trước đây, thầm cảm ơn anh vì anh đã động viên Ngọc rất nhiều. Nhưng Ngọc không biết rằng chính Ngọc đã có sức mạnh động viên vợ chồng Bình sống. Nhìn thấy Ngọc, họ hiểu ngay rằng họ vẫn còn quá hạnh phúc.

Anh nói cho Ngọc biết những suy nghĩ của anh: Hắn sẽ được tha vì họ không buộc tội được hắn. Đến bây giờ họ vẫn còn đang tìm tội hắn. Tìm làm sao được vì lẽ giản đơn: Hắn không có tội mà tìm. Bình hỏi: Tôi biết trong ấy Tuấn rất triệt để và giữ vững nguyên tắc. Điều ấy là một bảo đảm an toàn cho tôi. Đến giờ phút này tôi tin rằng họ không bắt tôi đâu. Đó là nhờ Tuấn.

Ngọc im lặng. Ngọc không tin ở điều gì nữa. Bình tiếp:

– Một hòn đá, không nhá được. Nhá thêm hòn đá nữa làm gì.

Nghe Bình kể, hắn bảo:

– Tính tao mày biết. Có thì nhận. Không có thì không nhận. Dù điện giật, dùi đâm, dao cắt lửa nung . Dù phải ở năm năm, sáu năm xà lim như người tù huýt sáo bài “Qũavez vous fait de mon amour” cũng vậy thôi. Chỉ có điều các đồng chí đối với tao quá thể.

Bình không bị bắt. Không bị tù nội trú như hắn. Bình tù ngoại trú. Hắn bật cười vì từ ngữ mới lạ ấy. Bình tròn mắt:

– Chữ ấy không phải của tao, của thằng Lê Bàn đấy. Không khác gì tù thật mà. Chỉ không bị bắt thôi. Mày cô đơn trong tù thì tao cô đơn ở ngoài tù. Mày suy nghĩ căng thẳng, tao cũng vậy. Mày bị nhốt thì tao bị giám sát. Mày không được viết, tao cũng vậy.

Hắn biết Bình bị đình chỉ công tác gần một năm. Nhưng hết đợt hỏi cung ấy Bình vẫn sáng tác. Quyển tiểu thuyết giải A của Bình được hoàn thành trong thời gian ấy. Hắn hỏi:

– Quảng, trưởng phòng đặc trách văn hóa. Quảng người thế nào nhỉ?

– Hơn tuổi chúng mình. Cao lớn, mặt mũi đầy đặn, phúc hậu.

Mãi gần hai nằm sau khi ra tù hắn mới gặp ông Quảng, ông trưởng phòng đặc trách văn hóa trong buổi gặp ông Trần. Đúng như Bình nói: ông Quảng cao lớn, đầy đặn, phúc hậu, đáp ứng được điều mong mỏi của hắn về diện mạo. Vì trước khi gặp ông Quảng, hắn thấy những người sát hại hắn đều có vẻ mặt dữ dằn độc ác. Ông Trần có dáng dấp gian hùng. Ông Lan thì mặt ngựa. Ông chánh giám thị V.Q da sát xương… Mà nếu tả như vậy người ta sẽ bảo hắn là xuyên tạc, là bôi xấu các ông ấy. Tự hắn cũng phản đối cách miêu tả như vậy. Văn chương ta hay rơi vào công thức ấy. Vì sao lại tả Mỹ như con khỉ đột? Tả ngụy như con quỷ hiện hình. Họ cũng như chúng ta, là những con người, là bố, là chồng, là anh, là em. Họ có những khuôn mặt con người.

Những đao phủ thời nay, có những kẻ tai dơi mặt chuột, nhưng nhiều người có lời nói dịu dàng, nhân đức, có bộ mặt đầy đặn, phúc hậu, nụ cười của đức Phật tòa sen. Bát Lê hiện đại là như vậy. Bát Lê không hoa mắt. Bát Lê chỉ cứu người. Khuôn mặt béo tốt, đầy đặn, dáng người bệ vệ của ông Quảng đã đáp ứng được những điều hắn mường tượng về người đao phủ mới. Đình chỉ công tác một năm, Bình lại được viết báo. Nhưng phải ký tên khác. Bình ký: Anh Lê. Có nghĩa là anh Lê Bình. Tưởng rằng chỉ ký tên ấy một thời gian thôi. Ai ngờ lâu thế. Hắn hỏi:

– Thế liệu bao giờ mày ký tên Lê Bình?

Bình cười:

– Cứ thế thôi. Anh Lê. Rồi ông Lê. Rồi Cụ Lê thôi.

Bình đã đem cho hắn mấy số báo “để có cái mà đọc cho đỡ buồn “. Có số đăng bài của Anh Lê. Sắc sảo, súc tích, chữ nghĩa rất khá. Trau chuốt. Bao giờ Bình viết cũng hơn hẳn các phóng viên khác. Tội nghiệp. Có anh còn chưa biết đặt câu. Viết tin chưa xong. Phổ biến là kiểu này: Để hưởng ứng đợt thi đua chào mừng ngày Quôc tế lao động 1-5. Chấm. Chấm luôn ở đây. Rồi mới đến xí nghiệp X đã tổ chức đợt thao diễn. . So sánh Bình với nhứng người ấy là sỉ nhục Bình. Hắn không bao giờ đi so sánh như vậy. Bằng những bài báo chất lượng, Bình muốn nói với mọi người: đưng vùi dập một con người. Bình muốn tỏ rõ mình làm việc tốt và bình tĩnh trước mọi biến cố. Bình vẫn là Bình. Như trước đây. Và tất nhiên là vẫn như trước đây cả trong quan hệ với hắn. Khi hắn chuyển lên trại Q.N, Bình lên thăm hắn. Phải có giấy tờ. Bình xin cơ quan, xin tổng biên tập Phan Lâm. Phan Lâm không cho giấy. “Báo không làm việc này. Đồng chí xin giấy của công an”. Đó là điều Bình không làm được. Công an không cấp giấy cho Bình. Công an chỉ cấp giấy cho Ngọc. Bách bảo:

– Đồng chí định đi thăm anh Tuấn, cái đó tùy đồng chí. Nhưng theo tôi thì không nên. Anh Tuấn phạm pháp, bị pháp luật xử lý. Đồng chí nên tỏ rõ lập trường trong lúc thử thách này. Thử thách với đồng chí là nghiêm trọng đấy. Báo chtúng ta là báo Đảng.

Có thể những điều Bách nói là chân tình. Anh cũng chân tình đáp lại:

– Cảm ơn những điều đồng chí đã khuyên tôi. Tôi nghĩ: Nếu anh Tuấn có tội là có tội với Nhà nước, với Đảng và đã bị Đảng, Nhà nước trừng trị. Tôi với anh Tuấn là bạn. Tôi đi thăm động viên anh ấy cải tạo cũng là điều tốt chứ ạ. Bình tới Q.N vớì thẻ nhà báo của mình. Đi với Ngọc. Dù anh biết đó là điều nguy hiểm. Nó như một kiểu thách thức dư luận. Như một kiểu chọc tức các nhà chức trách, mặc dù anh không nghĩ thế. Anh chỉ nghĩ: Nếu anh còn là anh thì anh phải lên thăm hắn. Và chỉ đến lúc đó Bình mới hiểu nỗi vất vả, gian khổ trong mỗi chuyến đi thăm chồng của Ngọc. Bình đã chuẩn bị cho cái xe Thống Nhất tòng tọc của Ngọc ở trạng thái tốt nhất. Anh lau dầu, thay bi moay-ơ, trục, phuốc. Anh rút lại dây phanh. Anh mang theo kìm, cờ-lê, nhựa vá. Anh bảo Ngọc: Yên tâm rồi. Chỉ còn mỗi đứt xích là chịu thôi.

Lời Bình rất độc. Xe đứt xích. Đứt xích lúc Ngọc đầm đìa mồ hôi gò lưng leo dốc, những cái dốc đường rừng ngủ mơ thấy cũng sợ. Cái xích quá cũ. Đạp cứ cời lên. Lên dốc nó không chịu nổi. Chữa ở đâu đây. Bốn chung quanh là rừng núi. Hai người dắt xe đi mãi mới thấy một quán sửa xe ven đường vắng vẻ. Sung sướng, mừng rỡ như vớ được của.

Sửa xong xe lại mải miết đạp. Không ai nói một câu. Đường heo hút, cô quạnh. Tới một chỗ gió mát. Bến đò kia rồi. Ngọc động viên anh:

– Qua bến đò đi bảy cây số nữa là đến thôi.

Hai người dừng xe thở. Triều xuống kiệt. Chỉ thấy một dòng nước mãi xa. Một con đò cắm mãi xa. Còn là bãi sa bồi thoai thoải.

– Mày không thể hình dung được cảnh buồn như thế nào. Mặt trời đã lặn. Phía xa một dòng nước không biết về đâu. Bãi sú… Tao cởi dép, xắn quần vác xe có bọc tiếp tế lội xuống bãi lầy. Lút đến gối. Ngọc vác xe không. Rút mãi mới kéo được chân lên. Cái xe đè ở cổ. Loạng choạng. Lội mãi tới nơi. Lúc lên đò phù sa ở chân trơn suýt ngã. Ông lái đò cởi trần chít khăn đầu rìu, chắc như nắm cơm, đen đủi, phong sương chống sào đẩy thuyền ra. Đến giữa sông mới hỏi: “Sao cô chú đi muộn thế” Hẳn là ông ta đã chèo đò ở đây bao năm rồi và ông biết những khách qua đò của ông sẽ đi tới chốn nào. Chúng tao vác xe lội bùn lên bờ, còn nghe thấy ông ấy nói: “Đạp nhanh, không tối đấy, Hai thằng lại mải miết đạp. Rừng chiều buồn thật. Càng buồn vì đường đi đến nhà tù. Tới trại, Ngọc còn phải lo biết bao việc: Trình báo giấy tờ. Mượn nồi nấu cơm ăn tối và để sáng mai nấu cơm nếp cho mày… Đêm ấy dù đạp xe mệt nhừ người, nhưng chẳng làm sao ngủ được. Tao nằm gian đầu này. Ngọc nằm gian đầu kia. Chỉ mong trời sáng. Chưa sáng đã mở cửa đi về đầu nhà phía Ngọc. Tao gọi: “Ngọc dậy chưa? ” Bà ấy trả lời ngay giọng rất tỉnh táo: “Anh Bình đấy à? ” Và mở cửa ngay. Thì ra bà ấy cũng không ngủ và đang ngồi chờ sáng.

Hắn cắn môi. Cắn chặt môi để khỏi thở dài. Vì hắn lại thấy nhói đau. Lần ấy ra gặp mặt, trông thấy Bình mà nước mắt hắn cứ trào ra. Đấy là lần duy nhất hắn khóc – mà khóc vì trông thấy Bình. Gặp Ngọc, hắn chưa khóc bao giờ. Hắn khóc vì hắn đã làm bạn vất vả, vì những điều khổ ải hắn đã chịu vì thương cho thân phận hắn và vì bất lực trong uất hận. Hàn khóc vì Bình lên thăm hắn, vì cuộc đời vẫn dành cho hắn những điều tốt đẹp đến thế. Hắn cắn môi vì thương Ngọc. Giá Ngọc lấy người khác thì đâu đến nỗi.

Theo chồng về biển, biển ly loạn

Thương cho đời mẹ, hận cho chồng

Những câu thơ của ai đó hắn vẫn đọc cho Ngọc nghe, không ngờ lại là sự thật.

– Lần đần tiên tao thấy một trại tù. Tao cứ nhìn lối đi vào trại mà nghĩ, mà tưởng tượng mày đang nằm trong ấy. Không biết trong ấy thế nào. Đúng là một thế giới khác, bí mật, không ai có thể biết. Tao chỉ muốn được nhìn thấy chỗ mày ngủ, được sờ vào cái bờ rào nhốt mày. Lại cái đận lên V.Q. Tao choáng người vì nó bảo mày cải tạo không tốt, không được gặp. Tao công nhận Ngọc bình tĩnh. Không có gì tỏ ra buồn hay thất vọng, mặc dù tao biết Ngọc choáng như thế nào. Tao cũng choáng cơ mà. à, cái tay thượng sĩ ấy tên là gì nhỉ?

– Ông Thanh Vân.

– Tên hay đấy nhỉ! Nghe quê đặc. Cố làm ra tỉnh, nhưng vẫn lộ chất quê ra. Ngẫm cho cùng tay ấy là người tốt.

Hắn cười:

– Khi tốt, khi xấu, chẳng biết ra làm sao. Giáo giở nhỉ thời tiết vậy.

Ông Thanh Vân, ông Quân, ông Lâm… Những con người tạo thành kiếp trước của hắn. Hắn mới xa các ông ấy chưa được nửa tháng mà như đã lâu lắm rồi. ở đây thời gian không được đo bằng chiều dài thông thường. Một ngày không phải tính bằng một vòng trái đất tự quay quanh trục. Thời gian được tính băng chất lượng cuộc sống.

Hình như phải đến hai tháng sau khi được tha, hắn mới được hộ khẩu. .

Anh hộ tịch cầm quyển sổ họ khẩu đến tận nhà đưa cho hắn, kèm theo giấy mời hắn ra đồn. Đồn phó Nguyễn Thị Yên ký. Vậy là hắn đã được đăng ký hộ khẩu. Quyển hộ khẩu do Ngọc đứng chủ họ. Dòng chữ ghi tên hắn ngay dưới tên Ngọc đã bị xóa đi – Một dòng chữ bên cạnh: Đi cải tạo ngày 08- 11- 1968. Nay tên hắn dưới tên bé Dương. Dòng cuối cùng Một hàng chữ ghi chú: Đi cải tạo về ngày… tháng… năm… Bây giờ lại là một giai đoạn mới. Đến phòng lương thực xin tiêu chnẩn gạo. Đến phòng thương nghiẹp xin tiêu chuẩn thực phẩm, công nghệ phẩm. Rồi về cửa hàng gạo đăng ký, cửa hàng thực phẩm đăng ký… ở đâu cũng một chồng sổ cao, ở đâu cũng dày đặc người. ở đâu cũng là khổ ải? Những chuyện đó làm được đến đâu thì làm. Từ từ cũng được. Quan trọng nhất là hộ khẩu. Hắn đã làm xong. Và hắn ra đồn theo giấy hẹn.

Về đầu

 

Chương 36

 

Hắn đến đồn đúng giờ. Cái giờ hẹn lửng lơ: Chín giờ sáng. Hắn đưa giấy cho anh công an thường trực. Người thường trực chỉ vào buồng trong. Phòng trong đông người. Những bộ sắc phục công an màu vàng bao giờ cũng làm hắn nhớ đến những năm tháng vừa trải qua ở các nhà tù. Những giây, phút, giờ, ngày, đêm, tháng, năm ấy dù đã qua rồi nhưng vẫn chưa đi vào kỷ niệm. Nó lừng lững bên hắn. Đổ bóng xuống hăn như đỉnh Phan Si Pan chất ngất đổ bóng xuống người đứng ở dưới chân.

Bà Yên một phụ nữ còn trẻ, thu lại cái giấy do chính bà ký và đưa hắn vào một phòng bên cạnh. Một người mạc thường phục đang ngồi trước bàn làm việc chờ hắn.

Hắn có trấn tĩnh để đứng vững.

Để khỏi ngã.

Để khỏi bật ra một tiếng kêu thảng thốt.

Để bình tĩnh nhìn vào định mệnh.

Ông Lan! Hắn lại nhìn thấy ông Lan. Hắn nhìn thấy ông Lan đang ngồi chờ hắn. Bà Yên ngồi xuống chiếc ghế ở đầu bàn. Hắn ngồi xuống cái ghế đối diện với ông Lan, theo lời mời của bà Yên. Hắn hiểu bà Yên- chỉ ký giấy mời hắn ra dồn. Người đối thoại với hắn là ông Lan.

Ông Lan vẫn như vậy. Nghiêm khắc. Không có tuổi. Sắc lạnh. Quyền uy. ý thức được công việc mình làm là cao cả thiêng liêng. Vững tin ở sức mạnh trong tay để bắt hắn quy phục dù hắn có cựa quậy, chống đối. Ông hỏi thăm tình hình hộ khẩu của hắn, tem phiếu của hắn. Đấy quả là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống con người, đối với hắn. Nhưng hắn hiểu ông Lan không quan tâm đến điều ông vừa hỏi. Ông thừa biết hắn đã được hộ khẩu. Câu hỏi thăm nhập đề của ông dịch nghĩa ra là lời kể ơn: “Chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh”. Hắn thành thật cảm ơn ông Lan, bà Yên, cả Sở Công an nữa về điều ấy. Khi cầm quyển sổ hộ khẩu có tên hắn. hắn đã thấy nét mặt Ngọc sáng lên như thế nào. Điều ấy mang giã trị to lớn về mặt pháp: công nhận hắn dủ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu thành phố bảo dảm mọi tiêu chuẩn cho hắn như những công dân khác, xác nhận hắn được ở với vợ con hắn.

Có thể ông Lan tin những lời cảm ơn của hắn là thành thật vì ai cũng biết điều ấy mang lại cho hắn nhiều thứ cơ bản lắm. Ông hỏi về dự kiến tổ chức cuộc sống của hắn. Hãn thở dài. Hắn cũng chưa biết sinh sống bằng cách gì. Vấn đề đó sẽ phải nghĩ đến, nhưng bây giờ thì chưa. Hắn cũng còn một ít tiền. Tiền các anh chị cho. Bình cho. Mười cân gạo của bố mẹ mà Ngọc đèo đi. Một người anh em kết nghĩa của anh Chân là thợ gò, rất quý hắn cho hắn những năm chục. Quần áo cũng kha khá. Mỗi người cho một bộ. Hơn nữa hắn lại quen kham khổ. Ngọc cũng vậy. Cả lũ trẻ nữa. Đều quen kham khổ.

Hắn chẳng cần thuốc men bồi dưỡng. Hắn chỉ cần nghỉ ngơi ít ngày. Hắn lễ phép nói với ông Lan:

– Thưa ông, tôi cũng chưa nghĩ được rằng mình sẽ sống bằng cách nào. Làm gì để sống. Không ngờ được gặp ông hôm nay, tôi xin ông cho tôi xin lại số bản thảo của tôi. Đó là công sức mười năm lao động của tôi.

Ông Lan nghiêm khắc nhìn hắn:

– Chúng tôi sẽ trả anh vào một thời điểm thích hợp.

Đó là một cách nói không cho bàn cãi, van xin. Như cách nói của một ngườl giàu có đuổi người ăn mày ngày nào cũng được mình cho của bố thí nay lại đến quấy rầy trong lúc đang ăn.

– Đi đi, để lúc khác.

Hắn dị ứng với hai tiếng thời điểm của ông. Một cách hẹn trả để không bao giờ trà. Hắn biết nói nữa cũng vô ích. Hắn ngồi im. Ông Lan động viên hắn ở nhà tích cực chấp hành chính sách, nhìn về tương lai. Con cái hắn đã lớn đang cần sự có mặt của hắn, của người bố. Chính vì vậy mà Sở đã để cho hắn về. Và tin rằng hắn sẽ biết rút kinh nghiệm, trở thành người công dân tốt.

Điều nhân đức của ông làm hắn nhếch mép cười. Không kìm giữ được, hắn nói thẳng với ông Lan.

– Thưa ông. Việc đầu tiên tôi phải làm là trình bày vấn đề của tôi trước Đảng. Điều ấy chứng tỏ tôi còn tốt, tôi vẫn có lòng tin. Nếu tôi không đặt vấn đề ra để Đảng xem xét lại nữa thì tôi xấu rồi, tôi mất lòng tin rồi.

ở đồn công an về, hắn cứ bàng hoàng mãi. Hắn không ngờ lại gặp ông Lan. Không ngờ số phận hắn gắn chặt với ông Lan đến thế. Ông Lan vẫn không buông. tha hẳn. Vẫn không quên hắn. Năm năm rồi ông vẫn không quên hắn. Cả khi hắn đi các trại. Cả khi hắn được tự do, hắn được ra tù. Hắn hiểu quãng đời còn lại của hắn thế là hết. Bởi vì nó gắn chặt với ông Lan, với Sở Công an. Họ không rời hắn. Như Gia- ve không chịu rời Jean ValJean. Không. Không đúng. Sự so sánh ấy khập khiễng. Jean Valjean ít ra còn có tội. Hắn thì không. Chưa ai buộc tội hắn. ông Lan cũng không phải là Giave. Thật ra Giave là một cảnh sát rất có trách nhiệm, tận tụy và vô cùng trung thực. Đất nước này đang cần những Giave.

Gặp ông Lan hắn lại nhìn rõ những ngày hắn mới bị bắt. Hắn cùng ông Lan soạn đống bản thảo. Phòng hỏi cung vắng vẻ. Dãy xà lim 76 hoang vắng. Dãy xà lim 75 tối tăm. Những trại tù. Những người tù mòn mỏi và những vùng rừng trùng điệp heo hút.

Và điều khủng khiếp nhất đã đến với hắn trong suốt một thời gian dài sau đó. Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người đi trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ. ở trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”.

Những người đi trên đường khóng một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu. Khắc khổ. Suy nghĩ. Uể oải. Mệt mỏi. Đi mà chẳng nhìn thấy gì, chỉ thấy nỗi lo mang nặng trong lòng. Đi như co người lại. Như kéo lê quá khứ. Và sợ hãi tương lai.

Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy.

Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ lại nhiều người đi tù về đến thế. Đất nước lắm người đi tù đến thế? ”

Và hắn hoảng lên: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi”

Về đầu

 

Chương 37

 

 

Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày hắn được ra tù.

Người kể chuyện này lấy làm khó xử trong cách gọi hắn, trong cách đặt nhân xưng ngôi thứ ba cho hắn. Chả lẽ gọi hắn là ông, là ông ấy. Gọi một thằng tù như vậy sợ hơi khó nghe. Hơn nữa chắc bạn đọc đã quen với từ “hắn” trong suốt phần một.

Còn một lý do nữa: Cũng rất khó xác định tuổi tác của hắn. Người đoán hắn năm mươi. Người bảo sáu mươi. Người nhìn mái tóc bạc và nét mặt nhăn nheo của hắn, cả quyết: Hắn không thể dưới sáu mươi nhăm tuổi.

Vậy là hắn không có tuổi, như ông Lan không có tuổi.

Cứ gọi hắn là hắn, chẳng sao. Hắn không tự ái đâu. Nhưng đừng bảo hắn sáu mươi nhăm tuổi, hắn buồn. Hắn buồn vì nghĩ rằng hắn sắp đến cõi rồi.

Hắn đã đưa bố mẹ hắn, nhiều bạn bè hắn ra nghĩa địa, ngắm nhìn những dòng chữ ghi trên mộ chí những ngôi mộ không quen. Người chết đủ mọi lứa tuổi. Già. Trẻ. Trung niên. Có cả các cháu bé. Những nấm mồ hoàn toàn yên lặng mà sao nói nhiều đến thế.

Hắn cũng để ra nhiều đêm nhìn sao. Không. Không phải nhìn sao như ở trại Q. N. Như cái đêm về nhà bố mẹ sau khi ra tù. Hắn không nhìn sao để tìm lại những người bạn ấu thơ, tìm lại những gì đã mất. Hắn nhìn sao, nhìn vào đêm sao thăm thẳm mà ngẫm ngợi về cuộc sống con người. Hắn phát hiện ra:

Nhìn lâu vào trời sao cũng có cùng một cảm giác như nhìn vào mộ chí. Thấy rõ cái vô cùng của trời đất và cái hữu hạn của một kiếp người. Thật vô nghĩa cho những cái bong bóng xà-phòng, những con côn trùng bé tí. Thế nhưng những cái bong bóng xà-phòng ấy, những con côn trùng bé tí ấy chà đạp nhau, hành hạ nhau, tiêu diệt nhau, mưu toan, dục vọng, lừa đảo, chém giết, đầy đọa… nhau, thích thú vì đã ngoi lên, đã làm khổ được đồng loại. Những người ấy hẳn chưa bao giờ nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng.

Hắn nghĩ chắc chắn ông Lan, ông Trần và những ông khác có dính đến vụ án của hắn chưa bao giờ nhìn sao, nhìn các nấm mồ như hắn đã nhìn. Bởi vì bất kỳ ai đã trò chuyện với các nấm mồ, đối thoại với các vì sao đều sẽ tốt hơn, nâng cao được nhân bản, giảm đi sự tàn ác, bất công với đồng loại. Họ đều sẽ hiểu cái phù du, cái vô nghĩa lý của một kiếp người.

Hắn đâm thương các ông ấy. Bởi vì chính các ông ấy – cũng như hắn – sắp tới cõi rồi. Tuổi già đến. Ai cũng sẽ hiểu được cái hữu hạn của cuộc đời. Cái cô đơn sẽ đến. Vợi cho ai được những gì đè nặng lương tâm? Trò chuyện với con cháu cũng như trò chuyện với lương tâm. Không thể nào dối trá. Vậy thì nói gì? ông Trần, ông Lan, ông Quảng (trưởng phòng của ông Trần mà sau này hắn biết là một trong những người gây đau khổ cho hắn) tự nói gì với lương tâm mình để sống được thanh thản. Rồi hắn lại lẩm bẩm: “Nhưng không biết các ông ấy có lương tâm không nhỉ?”

Đấy hắn cứ nghĩ ngợi kiểu như vậy.

Nhiều lúc hắn tự biết hắn đã hỏng, và chấp nhận điều đó. Bởi vì hắn đã cố chống lại nó nhưng không được. Hắn buồn rầu: “Mình đã bị tiêu diệt. Tiêu diệt hoàn toàn”. Bây giờ hắn chia cuộc đời hắn thành những thập niên. Thập niên thần tiên. Đó là thập niên đầu tiên khi hắn biết có hắn trên cuộc đời này. Thập niên này dài lắm. Mong từng ngày đến Tết. Mong từng ngày đến mùng ba tháng ba, ăn bánh trôi. Mong đến mùng năm tháng năm, giết sâu bọ. Mong đến xá tội vong nhân, đến Trung thu. Mong bằng tuổi anh Văn mà không sao bằng được.

Thập niên thứ hai: Thập niên tin tưởng. Dù đi đâu, ở đâu. Bến Tắm, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế. Thái Nguyên… Dù gian khổ đến mấy cũng không lay chuyển được niềm tin của hắn. Niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, niềm tin vào cuộc kháng chiến, vào tương lai của chế độ xã hội chủ nghĩa, vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.

Thập niên thứ ba: Làm việc. Hạnh phúc. Mộng du (Làm báo. Lấy Ngọc. Viết sách). Thập niên thứ tư: Dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm dưới đáy. Đấu tranh đòi hưởng sự công bằng, đòi hưởng luật pháp.

Thập niên thứ năm: Chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu….. trò chuyện với vô cùng.

Mấy thập niên thôi là hết cuộc đời.

Tất nhiên nội dung các thập niên không tách bạch bằng một tiếng kẻng. Như trong sách chính trị đã hướng dẫn: có manh nha và có tiền đề. Thập niên sau manh nha ở thập niên trước. Thập niên trước tạo tiền đề cho thập niên sau. Cuộc sống con người cũng như các giai đoạn của kháng chiến, của sự phát triển sức sản xuất, quan hệ sản xuất.

Đến đây đầu óc hắn lại mụ mị đi. Cái chất phóng xạ ấy của hắn mạnh lắm. Nên ít người nói chuyện với hắn.

Phải nhận rằng hắn rất tỉnh táo, nhận biết đtíợc điều nguy hại đang đến với hắn: Sự hỏng từ từ. Và hắn quyết chống lại. Dai dẳng. Kiên quyết. Dù thất bại.

Như cái hồi mới ra tù: Nhìn ai cũng thấy quen quen, ngờ ngợ như đã gặp ở trại nào, nhìn ai cũng thấy như người mới ở tù ra, hắn tự cảnh tỉnh ngay. Nhưng cảm giác ấy cứ bám vào hắn, xua đi không được. Giống người đi biển lâu ngày, khi lên bờ, vẫn thấy mình đu đưa, bập bềnh theo nhịp sóng mà ta gọi là say đất, hắn mắc chứng say tù.

Và cũng như người say đất, hắn phải có một thời gian mới rứt ra được khỏi lực hút ám ảnh hắn. Lực hút của nhà tù, của gần hai ngàn ngày đêm đóng dấu vào não hắn, vào từng tế bào hắn, bốc khói, cháy khét và ngấm đượm. Không ai hiểu được điều hắn đang trải qua khủng khiếp đến thế nào. Hắn cảm thấy một cái gì không an toàn. Một cái gì sắp nổ tung. Hắn thấy bọn tù mới được tha ấy đông lắm. Nhan nhản. chen chúc lẫn lộn với những người bình thường và cũng làm ra vẻ mình là người bình thường. Mọi người đều tưởng họ là người lương thiện.

Họ hệt những người hoạt động tình báo. Chỉ có điều đội quân Z7, A15, B61 này đông quá. Hắn có cảm tưởng như sắp bị lật đổ đến nơi. Rất đáng báo động. Nguy hiểm mà không ai biết được sự nguy hiểm. Vì không ai nhận ra họ. Họ giống hệt mọi người. Họ giấu biệt quá khứ đen ngòm của mình, chuỗi ngày tháng sống trong địa ngục của mình, sự đau khổ nung nấu tim gan mình, nhưng hắn vẫn nhìn thấy, vẫn nhận ra. Vì họ đều đã bị đóng dấu nung đỏ.

Cảm giác ấy càng tăng lên khi một buổi chiều, con Thương đi học về bảo hắn:

– Bố. Có ai hỏi bố ở dưới nhà ấy?

– Ai con?

– Con không biết, trông lạ…

Hắn xuống thang. Hai người quần nâu, áo nâu đứng dựa lưng vào tưởng chỗ bể nước. Quen quen. Đúng rồi. Min: toán chăn nuôi, người đã giũa răng cho hắn. Còn một anh nữa mặt loang, tay loang. Thấy hắn, cả hai cười rất tươi. Người mặt loang bảo:

– Anh không nhận ra em à?

Trời ơi. Thì ra là Dự. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp. Dự cũng đã được ra rồi. Dự bảo:

– Em bị cháy, bỏng.

Hắn mời hai người lên nhà, nhưng Dự lắc đầu:

– Thôi, chúng em đứng ở đây thôi. Hắn liếc nhanh vào cửa sổ của gia đình gần bể nước. Những cặp mắt tò mò, khinh bỉ đang nhìn bọn hắn. Bọn hắn thì chẳng lẫn vào đâu được. Bây giờ bè bạn hắn rặt một loại như vậy.

– Lên nhà! Lên nhà chuyện nào. Đừng đứng đây!

Hình như ba tiếng cuối “dừng đứng dây”có tác dụng. Họ rón rén lên thang gác. Có lẽ cả đời hai người khách chưa được bước lên thang gác lần nào.

Dự bảo:

– Em hỏi cô đồng hồ ngoài cửa. Cô ấy bảo anh ở trên gác.

Hắn pha nước và hỏi Dự:

– Còn thuốc hút không?

– Em còn.

Hắn lấy ra bọc thuốc của hắn, rứt cho Dự một nắm to. Vừa uống hết chén nước thì Ngọc đi làm về.

Thấy Ngọc, cả hai sợ hãi:

– Thôi, chúng em đi đây.

Hắn rất muốn giữ hai người lại, ăn với hắn một bữa cơm và trò chuyện đôi chút, nhưng hắn nể Ngọc. Đúng hơn là sợ. Hắn đưa mắt nhìn Ngọc và nhìn hai người bạn tù. Ngọc thấy thương hắn và thương hai người bạn tù của hắn. Chỉ trông vẻ mặt, dáng người cũng biết họ đang lâm vào hoàn cảnh như thế nào. Nàng đau xót hiểu rằng thế giới của hắn – và cũng là thế giới của nàng – từ nay đã hoàn toàn đổi khác, bạn bè đến nhà toàn những người cặn bã, mạt hạng. Nhưng hắn hiểu và thương xót những con người ấy, nên nàng cũng hiểu và thương xót những con người ấy. Nàng niềm nở như niềm nở với những nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh trước đây vẫn đến chơi nhà:

– Mời hai anh ở lại ăn cơm với chúng tôi. Cơm rau mắm thôi, có gì mà ngại.

Hình như hai người tù chỉ đợi có vậỳ. Hắn nhìn Ngọc, cái nhìn biết ơn. Đúng là gặp Dự ngoài đường hắn không nhận ra.

Vì vết loang hồng hồng, trắng trắng chạy từ má chéo xuống cổ. Cả ở tay nữa. Dự bảo:

– Suýt chết đấy, anh ạ.

Và Dự kể lại chuyện cháy chiếc xe ô-tô của trại. Dự xông vào cứu. Bỏng cả mặt, cả người. Nằm trạm xá hàng tháng. Dự bao giờ cũng vậy. Coi vỉệc trại như việc nhà. Làm hăng vì cái tính nó thế. Dự được giám thị kết nước da nghĩa là có việc gì đột xuất lại gọi Dự đi. Chủ nhật. Ngày nghỉ. Làm đường. Chữa lại đập Sửa lại cái bậc cấp ở khu cơ quan. Dự đều được gọi. Lúc về Dự chuyện như pháo rang. Những là ông Quân nói gì, ông Vui, ông Thanh Vân đi bắn chim ra làm sao. Rổi bà Mùi nhà – bếp – cán – bộ tốt lắm. Đắp lại bếp lò cho bà ấy, bà ấy cho một đa thịt, bắt ăn hết, không được mang vào trại.

Đi làm mệt nhọc, nhưng Dự thuật lại ầm ĩ, sôi nổi, phấn khởi, dù nhiều khi mất mồ hôi mà chẳng được gì, một nửa cân sữa bổi dưỡng cũng không. Chỉ được xuống suối tắm. Tắm bồi dưỡng. Dự làm hắn liên tưởng đến một anh cố nông, bỗng lạc vào nhà các quan, trở về huyên thuyên trò chuyện.

Hắn vẫn nghĩ Dự có một cái gì đó ngớ ngẩn. Không ngớ ngẩn mà lại xông vào dập ô-tô cháy. Ai khiến? Ngộ nhỡ bỏng chết thì sao? Hay co quắp chân tay, tàn phế thì sao? Hình như Dự hài lòng với cuộc sống trong tù. Chưa bao giờ thấy Dự kêu ca phàn nàn. Chẳng ngớ ngẩn mà lại đưa đầu cho hắn cắt tóc. Tù mà được cắt tóc thật như người bình thường được đi tắm Đồ Sơn. Trại vẫn có một anh chuyên làm việc cắt tóc. Đừng tưởng việc làm của anh ta nhàn nhã hơn mọi người. Tông-đơ cùn, bóp đến phát hạch ở nách. Đứng đến tụ máu ở chân. Khi anh ta mãn án được về, ông Lâm có sáng kiến trao bộ đồ cắt tóc cho Thất quản lý. Các toán mượn về cắt cho nhau ngày chủ nhật. Thế là ai cũng thành thợ cắt tóc. Hắn cũng cắt. Mọi người nghi ngờ khả năng của hắn. Dự ngồi ngay xuống cái ghế ở nhà àn thản nhiên:

– Anh cắt cho em.

Hắn cầm tông-đơ dũi tóc cho Dự. Tông-đơ cùn, đầu Dự bẩn, tóc lại dài, cợp. Hắn bóp. Tóc đứt, tóc chưa đứt giắt vào tông-đơ, nhổ lên lịch phịch nhưng Dự không kêu mà chỉ nhăn thôi. Dự ngồi cúi cúi. ngoan ngoãn. Hắn dũi và thỉnh thoảng lại phải chờ, vì một anh mượn tông-đơ sửa lại cái mai. Nói chung các đồ dùng cắt tóc được luân phiên sử dụng để ba bốn “ông thợ” phục vụ ba bốn “ông khách” cùng một lúc.

Cuối cùng mái tóc đầu tiên trong đời hắn đã được hắn sửa sang xong. Đó là một tác phẩm điển hình của những người mới tập cắt tóc: cóc gặm, làn sóng, răng cưa, bên dướí trắng, bên trên xoè ra một vành như đống rơm bị rút nham nhở. Dự đưa tay xoa lên gáy, phấn khởi:

– Nhẹ cả người. Anh cạo cho em.

Hắn lại phải chờ. Vì dao cạo còn bận. Cuối cùng hắn cầm dao, liếc liếc vào bàn tay và cạo. Bấm mai cái đã. Hắn hoảng: Lưỡi dao khoét ngay một lớp da trắng hếu và ở chỗ đó những giọt máu tươi rịn ra…

Hắn xuýt xoa:

– Chết rồi.

– Không sao, anh cứ cạo đi.

Đến lúc đó hắn mới biết cạo mặt còn khó hơn dũi tông-đơ. Lưỡi dao cùn cứ nhảy nhảy băm băm trên trán Dự thành những vệt ri rỉ… Hắn bảo Dự: “Thôi, xong”. Dự đứng lên lấy lược chải đầu, lấy tay cào tóc ở vai, ở cổ. Lấy áo đập khắp người (nước đâu mà tắm) Lúc bấy giờ hắn mới thấy mệt, đầu nhức lên vì qụá căng thẳng.

Dự được về sau hắn hai tháng. Đợt ấy về khá đông. Hắn nghĩ có lẽ những câu đăng báo, nói trên đài đã bắt đầu được thực hiện chăng: “Xóa bỏ hận thù, khôi phục tình thương”. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Hơn mười anh số lẻ về một lúc, xôn xao cả trại. Tuy toàn những người trên ba lệnh. Phố đã về. Dân Cầu Giát vẫn chưa được về. Cả Cán nữa. Cán thì về với ai? Cương nữa, gia đình Cương đi Nam hết từ năm 1954. Một mình Cương ở lại. Đủ để người ta nghi vấn, đặt vấn đề và không thể tha Cương. Có ai tin được rằng Cương ở lại miền Bắc chỉ vì một cô gái. Vũ Lượng, Cân, già Đô cũng còn ở trên ấy. “Bọn lính mới ấy mà”.

Dự đã về quê, nhưng thấy không thể sống được ở quê. Bố mẹ Dự đã mất. Không anh chị nào chịu cho Dự ở. Với lại làm công điểm cũng đói lắm. Nông thôn rất đói. Đấy là chưa kể đi tù về, ở nông thôn chẳng ai coi mình ra gì.

Dự chỉ đảo qua nhà một hôm. Rồi ra Hà Nội. Gặp Mỉn. Min rủ xuống P “tìm anh Tuấn xem sao, anh ấy về được mấy tháng rồi”. Tất nhiên là nhảy tàu. Tiền đâu lấy vé. Trên tàu họ kiểm tra vé thì chìa cái lệnh tha ra.

– Thế anh chưa làm gì à?

– Chưa.

– Gay go quá. Chúng em không biết xoay cách gì đây.

Cả ba cùng thở dài.

Hai người bạn tù nhìn căn buồng. Nhìn Ngọc và lũ trẻ bận bịu đi ra đi vào, đong gạo, nhặt rau, giặt giũ, phơi phóng quần áo, mắt họ ánh lên vẻ thèm thuồng. Dù bị bỏng, dù bị một vết loang đỏ và trắng chéo ngang mặt xuống tới cổ, nét mặt Dự vẫn quê mùa, chất phác, Dự ngửa mặt nhìn lên trần, nhìn cái quạt cóc quay xoe xoe, rồi nhìn ra cửa sổ lẩm bẩm:

– Nhà anh như động ấy nhỉ.

Hắn cố giữ để khỏi bật ra một nụ cười chua chát.

Hắn càng không hiểu vì sao Dự bị bắt. Lại là tù chính trị. Số lẻ đàng hoàng. Hắn không tin Dự là tù chính trị. Cái số lẻ của Dự là một sự nhầm lẫn. Cũng như hắn tù chính trị lại có số CR880. Số chẵn. Thì hàng vạn, hàng chục vạn người tù, cũng phải nhầm lẫn chứ.

Nhà hắn mà được Dự khen như động. Một cái buồng hơn hai mươi mét vuông. ưu điểm là cửa sổ nhiều và rộng. Trần cao, chỉ có một cái giường ba xà, bộ bàn ghế…

Dù đang lâm vào hoàn cảnh bi đát nhất, hắn cũng hiểu Dự và Min còn khốn nạn hơn hắn rất nhiều. Họ chỉ ao ước được như hắn.

Hình như Dự muốn hỏi cái gì đó mà không dám.

Hắn khe khẽ:

– Có cần gì không, hở Dự?

Dự lấy hết can đảm:

– Anh còn bộ quần áo cũ nào không?

Hắn đứng lên ngay. Quần áo hắn có. Nhiều người cho hắn. Quần áo cũ của chính hắn cũng còn. Hắn tặng hai người hai bộ. Một bộ cũ nhưng còn lành. Một bộ đã pích-kê ở đầu gối và ở mông. Hắn giục:

– Thay luôn đi, thử xem có vừa không?

Hình như cả hai đều không muốn mang trên người bộ quần áô nâu. Họ ra nhà giải. Thay ngay. Dự mặc bộ lành, Min mặc bộ vá. Đúng là dễ trông hơn. Bình thường hơn. Trà trộn với đời thường được rồi. Thế là hắn lại nhớ đến những người quen quen, ngờ ngợ hắn gạp trên đường. Nhan nhản. Hệt như những người thường. Chẳng ai biết rằng số người này đã trải qua những năm tháng nung luyện đặc biệt. Nhiệt độ trong người họ khác hẳn mọi người. Hắn thấy lo. Hắn hoảng. Sao mà đông thế. Hắn lại hơi mụ mị đi. Ngọc phải giục hắn:

– Anh nói các anh ngồi dẹp lại để con nó dọn cơm.

Cơm độn mì. Một bát canh rau đay. Một bát mắm tôm chưng. Chủ khách quây quần. Cơm nước xong, hai người khách đứng dậy xin phép đi ngay.

Hắn biết Dự và Min chẳng có chỗ nào mà đi ở cái thành phố này. Nhưng hắn không thể lưu hai người lại. Nhà hắn quá chật. Hắn cũng có quá nhiều điều phải lo. Chính hắn cũng không biết phải làm gì để sống.

Tối hôm sau cô chữa đồng hồ ngoài cửa bảo hắn:

– Hai anh hôm qua lại đến.

Thấy hắn ngớ ra. Cô nói rõ hơn:

– Cái anh bị bỏng ở mặt với một anh nữa ấy…

Hắn ngạc nhiên. Cô đồng hồ nói tiếp:

– Hai người đứng suốt buổi chiều ở bên kia đường, nhìn sang ngõ bên này.

Hắn thấy nhói lòng. Nhói lòng ở chỗ Min và Dự không dám vào nhà hắn. Họ đói. Họ cần chỗ nghỉ ngơi, chỗ ngồi than thở.

Họ thèm nhìn vào một gia đình… Họ cứ đứng dựa bờ tường ngôi nhà bên kia đường mà nhìn sang. Đứng suốt một buổi chiều ở vỉa hè bên kia đường nhìn sang rồi đi. Đi đâu?

Cô chữa đồng hồ nói là đúng. Cô rất thông cảm với hắn. Cô rất thương Ngọc và mấy đứa nhỏ. Ngày hắn đi xa, cô thấy con Thương ngồi khóc một mình ở giữa cầu thang. Khóc từ bao giờ, sưng cả mắt. Thằng Dương đứng bên cũng khóc. Cô hỏi nó vì sao. Thì ra nó đi xếp hàng mậu dịch mua thịt. Mẹ Ngọc đưa cho nó một đồng. Nó cho vào túi, suốt trong lúc xếp hàng nó lúc nào cũng nắm chặt cái túi. Nó oà lên: “Thế mà mất rồi, cô ơi”. Cô đồng hồ dỗ dành nó. Cô cho nó một đồng.

Nếu không phải cô đồng hồ, mà là một ai khác trong số nhà này nhìn thấy hai người ấy và biết họ là bạn tù của hắn, hẳn sẽ bàn tán, khinh bỉ hắn, khinh bỉ họ, đó là chưa kể người ta còn dặn con, dặn vợ: “Cửa rả cẩn thận. Quần áo kéo vào đi… “

Hắn cứ nghĩ Min và Dự còn đến nhà hắn một lần nữa. Nhưng hai người biến mất. Lặn mất. Thỉnh thoảng hắn vẫn nhớ đến họ. Nhớ đến lúc hắn xuống nhà, nhìn thấy Dự, Min dựa vào tường, sợ sệt nhìn hắn. Rồi hắn tưởng tượng ra cái lúc hai người đứng bên kia đường nhìn sang bên này suốt một buổi chiều…

Không biết họ làm gì, họ sống ra sao.

Đó là thời gian rất khó khăn.

Một mình Ngọc di làm nuôi cả nhà: một người chồng thất nghiệp, và ba đứa con (con Nguyệt đã có ông bà nuôi) với đồng lương ít ỏi: phụ kho 45 đồng. Có ngày nàng đạp xe đi làm mà chưa nghĩ kiếm đâu ra năm xu để mua mớ rau đay đem về nấu muối cả nhà chan húp. Cũng may mà có sự giúp đỡ của anh Thân – một người quen nửa thành phố – sau ba tháng nghiên cứu, xem xét, phòng lương thực đã cấp sổ gạo cho hắn. Hắn xuýt xoa vì ba mươi chín cân gạo bị mất ấy, nhưng Ngọc thì mừng. Nàng sợ hắn không được cấp sổ gạo, hoặc còn phải chờ đợi nữa. Với nàng điều gì cũng có thể xảy ra. Nàng hoảng sợ với tất cả. Đó là một nét mới hắn thấy ở nàng. Hắn càng thương nàng hơn.

Hắn không muốn quàng thêm cái ách nữa lên vai nàng. Hắn muốn san sẻ với nàng gành nặng nàng mang quá lâu rồi..

Nhưng làm gì?

Làm gì để sống?

Bình dạy hắn lau xe đạp. Lau cái xe đạp của Ngọc, Bình bảo:

– Nghề này sống được đấy, mày ạ.

Trước khi đi tù, Bình đã dạy hắn lau dầu xe đạp. Lúc ấy Bình gọi việc lau dầu xe đạp là tập thể dục trí óc.

Nhưng hắn vốn là kẻ vụng về. Công việc mang tính chất kỹ thuật nhất với hắn là đóng guốc cho Ngọc mà đinh không khoằm, không đóng vào tay.

Trong trại, những hôm đi rừng, hắn phải nhờ người mài dao hộ: Khi Kỷ Mình, khi Sơn, khi Hỉn Sán, già Gọi. Hắn mà mài, con dao cứ sáng loáng lên, chứ không sắc. Hắn lau xe đạp thì lau thôi, chứ hắn biết hắn chẳng làm được nghề này. Chỉ móc lốp vào vành cũng thấy gay go rồi.

Hắn ra trước cửa thành đoàn, la cà ngồi chơi ở vườn hoa với một anh tù V. Q. Anh này tên là Phúc mù, vì hai mi mắt trên có hai nốt ruồi đen sì mọc ra thây lẩy như hai cái đầu vú. Phúc có kiểu nói tục không chịu được. ở trong tù thì: Sáng ra chưa kịp, đ.mẹ… Đánh răng rửa mặt đã gọi đi làm rồi..

Và:

– Các chàng mà đèo các nàng đi chơi, đ.mẹ… Châm kim là chết với em, đ.mẹ… Ba hào chứ năm hào cũng trả ngay. Hí hí…

– Bây giờ về, đ.mẹ… không biết con gái đã có cơm chưa đây.

Phúc có kiểu nói như vậy. Cứ đến chữ đ.mẹ là Phúc chấm câu. Hắn tập sự thêm, nhưng Phúc gắt:

– Bố đ.mẹ. Làm hỏng hết rồi. Tôi bảo bố đ.mẹ nới ra cho tôi, bố lại đ.mẹ đi vặn vào. Cháy hết sám của tôi rồi.

Hắn cãi:

– Không. Tôi vặn ngược chiều kim đồng hồ mà.

– Khổ lắm. Cái bàn ép của tôi làm ngược răng. Vặn ra tức là đ.mẹ vặn vào. Vặn vào đ.mẹ tức là vặn ra, bố ạ!

Hắn về nhà nghĩ cách kiếm sống. Lại những ý kiến bàn tán:

– Hay là mua xe bò kéo. Sống lắm.

– Xe bò những ngày mưa còn phải lo cho bò ăn.

Có loại bò nghỉ làm là nghỉ ăn. Đấy là xích-lô máy. Cứ làm cái xích-lô máy chạy bến Tắm – bến Rầng chẳng inấy chốc mà khá.

Nhưng lại có ý kiến gàn. Công an không cấp đăng ký cho hắn đâu. Hắn cũng thấy là không được. Hắn lấy đâu ra tiền mà mua bò kéo, mua xe, mua xích-lô máy? Không biết bao nhiêu ý kiến. Có hai người quen biết bình thường, nhưng tỏ ra rất nhiệt tình trong việc tìm kiếm việc làm cho hắn. Một anh bàn đi chụp ảnh ở nhà quê. Kiếm được. Một anh khác bảo: Có một việc bên Thanh Nguyên. Trông máy bơm. Cách bến Tắm mấy cây số thôi. Nhà cửa có rồi. Tha hồ cất vó tép. Một anh còn cho hắn cả một gói chè loại hai. Anh kia thì cứ đến nhà luôn, bàn tính với hắn mọi khía cạnh trong nghề chụp ảnh.

Sao ngày xưa chỉ quen biết bình thường mà nay nhiệt tình như vậy. Điều ấy làm hắn suy nghĩ. Hắn tin rằng họ đúng là người của xịa. Cho đến bây giờ, cùng với thời gian, hắn càng tin rằng họ là đặc tình, được công an cử đến gặp hắn. Xịa cũng muốn hắn có một việc làm do xịa xếp đặt, để xịa quản lý, để hắn nằm trong sự quản lý của xịa. Hai người này cũng chẳng ác cảm gì với hắn, họ có việc đến công an (một anh có ông anh ở Nhật sắp về, một người có đứa con ngoài giá thú) thế là được công an bảo: “Anh Tuấn mới về, chúng mình phải giúp anh ấy có việc gì làm ăn. Hiện nay có việc này… anh là bạn anh ấy, anh thử dến thăm anh ấy… “

Hai người kia hiểu đây là nhiệm vụ được giao.

Họ vốn thông minh, hơn nữa việc này là việc thiện, không sợ lương tâm cắn rứt…

Dứt khoát là như vậy. Hắn đang tù chính trị, người ta sợ hắn như hủi, tránh hắn chẳng được, lại còn lo việc làm cho hắn. Có mà điên. Giữa lúc ấy Thế Hùng đến.

Thế Hùng là một họa sĩ. Anh đã làm cho nhiều cơ quan xí nghiệp, nhưng rồi anh phát hiện ra rằng: Đó là nơi chôn vùi tự do của anh. Lương thấp, lại gò bó. Hùng vẽ nhiều đi nhiều. Và chuyến đi dài nhất là chuyến đi tìm mình. Anh tìm anh. Tìm cả đời. Anh làm việc khỏe, không lúc nào không ghi chép. Anh vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài, phấn màu. Lúc mang một chút Rêpin. Lúc bốc lên, xoáy lên một khoảng trời Van- Gogh. Lúc lại ngây thơ như Rousseau, người nhà đoan Pháp vẽ tranh.

Hắn quý Hùng vì sự tìm tòi ấy. Dù hắn sợ sự tìm tòi ấy quá dài mà Hùng vẫn chưa định hình. Hắn hay giễu Hùng:

– Thế nào, ông Gauguin còn dánh nhau với ông Van Gogh không, mày?

– Hai ông ấy hoà với nhau rồi. Để về một phe xúm lại đánh tao. Tao chấp tuốt.

Hùng đã rủ hắn và Bình làm triển lãm cho sở nông nghiệp: chuyên đề về phân bón. Hắn đặt lời. Hùng vẽ tranh. Mấy chục chiếc. Tất nhiên Hùng phải cáng đáng mọi việc quan trọng nhất. Hắn vụng chân vụng tay, hắn đi mua sơn. Căng vải quét nền trắng. Chấm xanh làm bèo hoa dâu. Bình làm mảng. Hùng tô nềt ngoài. Chính trong đợt làm ấy, Hùng vẽ tranh con Thương. Dạo ấy đang chiến tranh bắn phá, chỉ có hai bố con ở phố. Hắn mang cả con Thương đi làm tranh. Chú Hùng bắt cháu ngồi một ngày và kết quả là một bức tranh đẹp đến mức không ngờ.

Hùng mới đi vẽ ở miền núi về, nên đến thăm hắn hơi muộn. Khi hắn đi tù, Hùng lấy một cô vợ hai. Hùng kéo hắn sang nhà cô vợ mới này. Một cô y tá nhà máy xi-măng xinh đẹp, đã ly dị và có một con với người chồng trước.

Hùng đến ở với cô vợ hai và thỉnh thoảng mới quay lại phố Cầu Gỗ, nơi người vợ cả và sáu đứa con lúc nào cũng đón tiếp anh trong bầu không khí trước lúc bão đến.

– Sao mày làm ăn lằng nhàng thế?

Hắn hỏi cho có chuyện. Vì hắn biết anh em Hùng đều đã khuyên can Hùng. Vợ Hùng đã bao lần định “xé xác con đĩ”. Cơ quan không nói gì Hùng vì Hùng không có cơ quan, nhưng nhà máy xi-măng hành hạ cô Hà (cô vợ trẻ của Hùng), kiểm điểm lên xuống.

– Rất may. Cô ấy đã ly dị.

Hùng bảo hắn:

– Đi với tôi. Tôi sẽ có cách cho ông kiếm sống. Bao nhiêu năm tôi có làm biên chế đâu mà vẫn sống.

– Mày còn có nghề vẽ. Chỉ riêng làm tranh cổ động thôi cũng đã tươm rồi.

Hùng cười khì khì:

– Tươm chó gì. Không đủ tiền mua thuốc vẽ, mua vải. Không có bà Cầu Gỗ thì chết nhăn răng.

– Thế sao lại đi với bà này. Bà ấy nuôi mày…

Hùng ngắt lời:

– Bi kịch. Bi kịch. Đừng hỏi nữa.

Bà “Cầu Gỗ” có một cửa hàng bán chăn bông, gối bông. Các loại áo gối thêu chim bồ câu, hoa păng-xê, hạnh phúc, tuổi trẻ, ngủ ngon…

Hùng đưa hắn đến nhà Hà, một căn nhà bé xíu, nền vẫn còn cỏ đâm lên. Chung quanh toàn là cỏ. Nhưng cũng có cầu rửa làm bằng một tấm sắt có những lỗ thủng tròn rất đều bắc lên mấy viên gạch, có rãnh thoát nước. Và một cái bếp xinh xinh. Hà cao dong dỏng, xinh và trẻ. Chỉ khoảng hai mươi nhăm tuổi. Hùng cười chỉ vào vợ đang bế con, chỉ vào nhà:

– Một túp lều tranh, hai trái tim vàng.

Và bảo vợ:

– Anh Tuấn.

Hà cười với hắn như một người quen cũ.

– Em đi mua gì làm cơm.

Hà ẵm con nhỏ đi chợ. Hùng đòi bế con, nhưng Hà không nghe. “Nó quấy, để hai anh nói chuyện”.

Hùng còn dặn theo:

– Cá rô nhé. Một món thôi. Cho nhanh.

Nhìn Hà, hắn hiểu Hà dám đánh đổi tất cả để có Hùng. Và hắn lo ngại: Không biết Hùng có đáp ứng được tình yêu của Hà không?

Hà mang về một mớ cá rô và một bó rau muống. Hắn cảm thấy dễ chịu vì Hà đối với hắn không có chút mặc cảm nào. Kính trọng. Tin cậy. Cởi mở. Hẳn là Hùng đã nói nhiều về hắn với Hà. Hùng bế con cho Hà làm cơm:

– Thằng này vừa đầy năm đây. Hà có một đứa con với thằng chồng trước. Nó ở đây. Nhưng hôm nay nó về nội. Cả nhà cô ấy phản đối việc cô ấy lấy tao. Nhưng bạn mày không phải tay vừa. Cũng nhiều sức hấp dẫn lắm.

– ồ! Bạn tao, tao còn lạ gì. Nó là chú ruột Đông-Gioăng.

Bữa ăn ngon. Cá rô rán giòn tan. Có cả rượu. Hà bảo:

– Ngày anh còn đi vắng, em đã sang nhà với anh Hùng thăm chị.

Câu ấy làm hắn cảm động. Hắn cảm thấy Hà là người tuyệt vời. Khi Hà bưng mâm bát xuống rửa, Hùng xốc xốc thằng bé lên lòng:

– Mình nghĩ cũng kinh. Ba thứ con. Đất nước có ba thứ quân thì mình có ba thứ con. Con riêng của mình. Con riêng của vợ. Con chung. Hùng lại cười khinh khích. Anh mở tủ, cái tủ sắt con, lấy ra một tập giấy sơn các màu, đã xén thành hình chữ nhật.

Làm cái này được. Tí nữa đi với mình. Đến gặp mấy cô hiệu trưởng quen.

Đó là giấy thủ công cho học sinh cấp một. Hắn và Hùng đạp xe đi mấy trường nội thành. Các cô hiệu trưởng quen chào Hùng rất nhiệt tình. Hắn xấu hổ vì cái trò đi gạ gẫm thế này. Nó có cái gì tư hữu, vụ lợi, đáng lên án, nếu không nói đây là một hình thức đi ăn mày. Nhưng Hùng cứ nhe hàm răng chín chín ba không ám khói vàng khè dẻo quẹo:

– Đây, ông bạn tôi, chuyên gia về mặt hàng này. Các chị có thể ưu tiên cho chúng tôi.

Các cô pha trà mời bọn hắn và hứa sẽ trả lời sau. Bọn hắn lại đi trường khác. Hùng luôn động viên hắn:

– Yên tâm. Chỉ cần được một trường thôi là tạm ổn.

Đi chào hàng như vậy hắn đã gặp những cô giáo quen, những cộng tác viên của báo. Nhưng hình như cả đôi bên đều cố tình không nhận ra nhau. Cũng như khi gặp Hạnh, vợ Sơn ở một trường cấp hai, hắn và Hạnh đều lúng túng. Cả hai cùng muốn hỏi nhau một câu gì đó ngoài cái chào xã giao. Nhưng biết nói gì, “Anh ra tù bao giờ?” “Sơn được ra chưa, hả chị?” Chẳng lẽ lại hỏi nhau như vậy ở chốn đông đúc này. Chung quanh họ, các em nhỏ ríu rít, bọn chúng đều trạc tuổi thằng Hiệp, con Thương. Và các thầy, cô, những nhà sư phạm đạo mạo, nghiêm trang đứng nói chuyện ở sân hay đi vào các lớp. Hắn chỉ lí nhí: “Chị dạy ở trường này ạ. “

Cô giáo Hạnh nhìn hắn với vẻ ái ngại. Đó là cái nhìn của Ngọc nhìn bọn Min, Dự. Thế Hùng vẫn cười nhe hàm răng ám khói thuốc, liến thoàng:

– Chúng tôi chuyên sản xuất giấy thủ công, bảng – không – phấn phục vụ ngành giáo dục. Các chị cần loại dày hơn cũng được, loại mỏng hơn cũng được.

Thôi Hùng ơi Đừng nói nữa. Không bịp nổi ai đâu! Người ta thừa biết mình vừa ở đâu về. Người ta thừa biết mình chẳng làm được trò gì, thừa biết chúng mình là những tên bịp bợm. Hắn nở nụ cười gượng gạo với bà hiệu trưởng. Hạnh cúi đầu chào tất cả và đi vào lớp. Thế là hắn lại nghĩ đến Sơn. Sơn có lẽ đã hết ba năm. Được về rồi. Hắn muốn biết Sơn đã làm ăn gì chưa mà hắn chưa hỏi được.

Vừa lúc ấy có một người cầm cái chổi to dài hiện ra ở đầu sân trường, lối đi ra khu nhà xí. Người ấy quét. Quét lia lịa. Chỉ nhìn người ấy đưa một nhát chổi, hắn đã biết ngay là Sơn. Sơn đã được về. Sơn đã xin được việc làm ở ngay chỗ vợ Sơn dạy học. Khi hắn chia tay bà hiệu trưởng và nhận ở bà một lởi hứa hẹn, Sơn đã quét ra giừa sân. Sơn nhận ra hắn. Sơn gọi to:

– Anh Tuấn!

Sơn cầm chổi chạy tới. Tiếng gọi làm bà hiệu trưởng đang đi về vàn phòng, quay lại. Như cảm nhận báng gáy cái nhìn ấy của bà, Sơn đứng khựng. Hạ chổi. Quét. Nhìn trước nhìn sau. Quét. Dù sân trường sạch bong. Sơn vừa quét vừa tiến lại hắn. Hắn rỉ tai Hùng:

– Một người bạn ở trong ấy.

Hai người nắm chặt tay nhau. Sơn kéo hắn về nhà. Vợ chồng Sơn ở trong một căn buồng nằm trong khu tập thể của trường, phía sau ngôi nhà hai tầng dùng làm lớp học, có tường vây quanh, cách biệt.

Cả khu tập thể, cả chung quanh trường, khu nhà vệ sinh đều có những nhát chổi của Sơn. Sạch như ly. Không một mẩu giấy, một đầu mẩu thuốc lá, một cục phấn vỡ, một mẩu ngói non chơi lò cò.

Sơn pha nước mời hắn và Hùng. Sơn cũng về được vài tháng nay. Đúng rồi. Sơn tù sau hắn gần hai năm. Một năm giam cứu. Hai năm ở Q. N. Cũng ăn đủ ở đủ Thế là Sơn được ra vào dịp tháng Năm. Khi hắn chuyển lên V. Q, Sơn đang làm quét trại ở Q. N. Vậy là Sơn tham gia hội tù quý tộc khoảng mười sáu tháng. Thật đại phúc. Cái nghề quét dọn ấy lại được tiếp tực khi Sơn đã tự do. Kể ra cũng hơi khốn nạn, vì vợ Sơn là cô giáo dạy ngay ở trường. Nhưng dù sao cũng còn hơn thất nghiệp. Dù sao cũng còn hơn ăn bám.

Hắn thực sự ngạc nhiên và hoảng khi biết Sơn vẫn thất nghiệp. Trường có thuê Sơn đân! Không ai khiến Sơn quét. Vợ Sơn đã cấm Sơn không được quét. Nhưng Sơn cứ quét. Vợ Sơn rầy la khóc lóc, đốt chổi, chặt chổi, giấu chổi. Sơn lại có chổi mới. Bó buộc chặt chẽ vào một cái cán dài. Lại xênh xang di ở sân, lia những nhát chổi khoáng đạt. Lại lúi húi ở sau khu nhà xí quét dọn, cọ rửa… Đều đặn. Tỉ mẩn. Chăm chỉ. Các em học sinh đi làm vệ sinh trường lớp ngơ ngác hỏi cô giáo:

– Thưa cô, sạch thế này có phải quét nữa không ạ?

Cô giáo Hạnh chỉ còn muốn độn thổ. Nhục nhã, thương chồng, Hạnh phải cố gắng lắm mới có thể tiếp tục ở lại trường. Bạn bè khuyên. Bà hiệu trưởng khuyên giải Hạnh. Hạnh đã nói với Sơn mọi lời. Nhưng cô không biết khuôn mặt chồng đang ngây thộn kia nghĩ gì. Cô đã khóc biết bao đêm…

Những chuyện đó về sau hắn mới biết. Nhưng lần gặp Sơn ở trường ấy, hắn đã nhìn thấy trước kết cục dù Sơn đã trở lại dáng hình ngày trước: khuôn mạt đầy đạn, da nâu mịn, răng trắng đều. Sao mà giống Phượng Đang ngồi trong nhà nói chuyện với hắn, thấy cái lá bạch đàn mới rụng ngoài cửa, Sơn vội ra, nhặt cho vào sọt rác. Và khi nghe tiếng ồn ào của học sinh hết tiết học, biết các cô giáo đã ra khỏi lớp, Sơn cứ lăm le đứng lên vớ lấy cái chổi, định ra quét…

Hắn phải quát:

– Sơn! Ngồi đã nào!

Sơn miễn cưỡng ngồi lại, dáng vẻ bồn chồn đau khổ, lấm lét nhìn sang phía trường học. Hắn kéo Thế Hùng ra về. Sơn không giấu được vẻ vui mừng, cầm chổi đi theo hắn. Vừa tới sân trường, Sơn đã hạ chổi. Hắn nghe thấy “tiếng chổi tre xao xác hàng me” của Sơn phía sau. Hắn cảm thấy những cái nhìn của bà hiệu trưởng, của các cô giáo, của các em nhỏ bàn vào gáy hắn rát rạt. Hắn đỏ nhừ mặt: Mọi người thừa biết hắn ở chốn nào về. Tiếng chổi của Sơn tố giác hắn!

– Vợ Sơn tốt thật đấy.

Hùng bảo hắn khi hai người ra khỏi trường. Hắn cũng công nhận thế. Nhưng hắn nhìn thấy trước rằng Hạnh không thể chịu đựng được Sơn lâu hơn nữa.

Đúng như hắn đoán. Hạnh gặp Phượng, gặp mẹ Sơn khóc lóc, xin ly dị. Hoặc ít nhất cũng phải ly thân. Phải để Sơn ở nơi khác. Không thể để Sơn trong trường được.

Lúc đó Phượng đã về ở với chị. Hai chị em bán nhà ở Hải Liên, mua một mảnh vườn ven phố. Đó là thời gian hắn làm miến thất bại, làm hợp tác xã cơ khí thất bại và đang chầu chực ở công ty phế phẩm xin khâu bao tải.

Hắn đang đạp xe đi, lòng nặng trĩu thì Phượng gọi hắn. Đã dừng lại, nhưng nhìn thấy Phượng, hắn uể oải đạp tiếp. Phượng chạy theo:

– Anh Tuấn! Dừng lại! Em bảo! Em không nghĩ gì khác về anh đâu.

Hắn không quan tâm đến mọi người nghĩ về hắn như thế nào. Hắn chỉ muốn chôn chặt quá khứ.

Không muốn nghĩ đến nó nữa. Nó đã chết rồi, còn khơi dậy làm gì. Hắn đang tự nghiền hắn thành bột, nhào nặn lại mình, mà Phượng thì nhắc đến cái hình hài của hắn ngày trước. Phượng gợi hắn nghĩ đến cái quá khứ hắn phải chôn đi. Phượng nắm chặt ghi- đông xe hắn:

– Vào em đi.

Cái nhìn của Phượng van vỉ, cầu khẩn như chính Phượng là người có lỗi với hắn. Hắn ngần ngừ.

Phượng nói tiếp:

– Em còn giữ một bản thảo của anh.

Câu nói ấy hơn mọi lời mời. Hắn ngoan ngoãn đi theo Phượng. Một cái ngõ to, dài, sâu. Ao. Vườn. Một mảnh sân xinh xinh. Một căn nhà lợp ngói.

– Phượng ở đây à? Thích quá nhỉ.

Hắn chưa vào nhà ngay. Hắn đứng ở sân ngắm quanh. Vườn khá rộng. Đánh thành từng luống. Ươm những cây gì đó, chưa mọc. Nhưng kìa! Một luống đã mọc rồi. Lá to xoè ra. Hình tim. Bóng. Một loại cây quen thuộc với hắn. Hắn đã tìm, đã thấy ở Q. N. Nhưng hắn vẫn còn ngờ ngợ:

– Trồng dọc mùng à, Phượng?

Phượng rầu rầu:

– Thằng Sơn đấy. Nó trồng ráy.

Như có tiếng sét đánh vào gáy. Hắn cố không thở dài. Đến lúc ấy hắn mới biết Sơn đã về đây, không ở với Hạnh nữa. Hắn bước ra vườn, cúi xuống những khóm ráy mơn mởn và hắn nghe tiếng Sơn gọi hắn. Hắn quay lại. ở dẻo đất hẹp sau nhà, Sơn đang cởi trần, chặt những cây cam cuối cùng.

Làm sao thế Sơn?

– Chặt đi. Thứ này vô tích sự.

Hắn đứng như trời trồng trước cảnh tượng lạ lùng này: Những cành cam đang mang quả bị chặt ngổn ngang. Sơn cầm con dao rựa giơ thẳng cánh bổ vào những cành cam khác. Bên cạnh đó là mai, cuốc… Đến lúc ấy hắn mới để ý thấy cái rãnh nhỏ bao chung quanh vườn đã mọc toàn ráy xanh um. Phượng kéo tay hắn:

– Thôi. Kệ nó. Anh vào nhà đi. Nó phá hết cả cái vườn này đấy. Bao nhiêu là cam. Bây giờ toàn ráy.

Khi đã vào trong nhà, hắn lo lắng bảo Phượng:

– Cẩn thận, không nó hỏng mất.

Phượng bình thản như từ lâu đã chấp nhận một thực tế phũ phàng:

– Nó hỏng rồi. Cho nó làm theo ý nó. Cho nó giồng ráy khắp nơi còn đỡ. Cấm nó là nó bỏ nhà đi. Lang thang. Vườn cam khi mới dọn đến đẹp lắm, anh ơi. Nó chặt hết. Chả lẽ lại gửi nó xuống Đặng Thất . à mà còn ghi chép nữa chứ.

Và Phượng tìm đưa hắn quyển sổ của Sơn. Trang đầu Sơn viết nắn nót:

PHụC Vụ CôNG CUộC KHáNG CHIếN

CHốNG Mỹ CứU NướC – CẩM NANG HàNH QUâN

Sơn viết cẩn thận, không xóa một chữ. Chắc là đã nháp rồi mới chép vào sổ:

– Vừa hành quân vừa nấu ăn. Bảo đảm yếu tố cơ động của trận đánh và chiến dịch. Ông cha ta từ thời Lê Lợi, Quảng Trung đã rất chú trọng để tạo nên yếu tố bất ngờ.

Thức nấu: Tốt nhất là sắn. Khoai lang lâu chín hơn. Cách làm: Sắn bóc vỏ, xắt thành khúc vừa bằng chiều dài của gô. Khi hành quân, người đi trước xách gô Người đi, sau dùng nứa đốt lửa, đưa vào đít gô. Từ chỗ làm về trại đã sôi, chín. Chú ý: Cho ít nước để chóng sôi. Sắn chín bằng hơi.

Nướng sán trong năm phút. Thời gian nghỉ ngơi ít ỏi bên suối, các chiến sĩ có thể nướng sắn bằng cách:

Đốt lửa. Cho củ sắn vào giữa ngọn lửa (không sợ cháy). Đốt khoảng năm phút cho củ sắn nóng già. Rồi vất xuống suôí. Sắn nở tung. (Nguyên tắc nóng gặp lạnh). Nêú địch đến cũng có thể áp dụng cách này để xóa dấu vết. Khi quản giáo đi thì lội xuống suối vớt lên. Sắn bị nhã và nhạt. Nhưng ăn vẫn tốt.

Định kiến sai lầm về rau tàu bay: ăn mất máu, có hại… phải được xóa bỏ. Rau tàu bay có tên khoa học là Gynura Crepidioides Benth. Rất nhiều chất bổ. Mát. 2, 5% protit. 1, 9% glucid… Ngoài công dụng riêng, khi hỗn hợp với các chất khác sẽ có tác dụng kỳ lạ (sẽ nói ở phần sau). Là nguồn sống quan trọng của các chiến sỹ Trường Sơn.

– Cây ráy. Có tên khoa học là Alocasia odora. Chỉ có ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Nam Trung Quốc và châu úc (Có thể châu úc trước đây dính liền với Đông Nam á nên đã có đươc may mắn này). Sản lượng chưa điều tra. Là nguồn thực phẩm quan trọng, nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Đã được cha ông ta đúc kết:

 

Củ khoai, củ ráy. Dễ trồng. Sản lượng lớn. Trong tương lai sẽ cứu loài người khỏi nạn thiếu lương thực. Có thể trồng ở sa mạc. Phủ xanh xa mạc. Nhưng phải giải quyết vấn đề nước vì ráy thích ẩm. ăn hơi ngứa. Cách khử ngứa: Nâú lẫn với rau tàu bay, ếch (có thể thay bằng nhái), lá sắn non.

Hắn rời quyển sổ và im lặng nghe tiếng đánh gốc cam huỳnh huỵch ở phía sau nhà. Đó. Tiếng những nhát cuốc của phu đào huyệt mai táng một con người sống.

Đó. Sơn đang cởi trần, mồ hôi, đất cát, mím môi đánh bung những rễ cam dưới đất với tất cả sự chăm chú thiêng liêng của người mở đường cứu vớt nhân loại khổ đau. Huỵch. Huỵch… Phượng đứng sát vào hắn như che chở khi thấy hắn run lên. Hắn lạnh sống lưng vì chợt hiểu rằng một điều gì còn khủng khiếp hơn nhiều đang chờ đợi hắn. Lấy quyển sổ bưng mặt một lúc, hắn gập đưa trả Phượng. Phượng nhìn hắn như muốn nói: “Em biết anh ở chốn nào về”. Hắn tránh cái nhìn đăm đăm ấy và cảm thấy Phượng nắm hai bàn tay hắn. Phượng muốn chia sẻ với hắn cái quá khứ ghê gớm hắn vừa trải qua. Cái quá khứ ghê gớm ở một chốn Phượng đã tới nhưng không thể nào biết được. Cái quá khứ bí mật hiện hình thành Sơn dang hùng hục ngoài vườn. Cái quá khứ bí mật hiện hình thành hắn đang ngồi trước mặt Phượng dẫn đến thực tại này không thể nào thoát được. Phượng ôm lấy đầu hắn Phượng cúi xuống ép má Phượng vào má hắn thương xót. Hắn thấy ướt ở má. Phượng khóc. Không. Đã đoạn tuyệt với quá khứ, phải đoạn tuyệt đến cùng. Hắn đứng lên:

– Cám ơn Phượng. Phượng cho tôi xin lại bản thảo. Truyện gì đấy, hở Phượng?

Phượng lau nước mắt, mở tủ, giờ một gói giấy bọc ni-lông cẩn thận. Phượng đưa cho hắn một xếp pơ- luya đã đánh máy, phẳng phiu. Hắn nhìn: Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương – Truyện ngắn. Lại thấy choáng váng. Như cái hôm ở trại trong, trước khi được tha, nhìn thấy quyển Người gác đèn biển. Lại thấy chập chờn quá khứ. Những ngọn phi lao xanh. Khói xi-măng cuồn cuộn. Nắng chiếu xoai xoải trên dòng sông chảy ra khơi.

Phượng biết những gì hắn đang nghĩ. Phượng bảo:

– Truyện này em thích. Em đánh thêm một bản. Đó là bản thảo duy nhất còn sót lại trong số một nghìn năm trăm trang bản thảo của hắn. Hắt lật từng tờ cho đến trang cuối cùng…

Hắn run run:

– Cám ơn em

Lần đầu tiên gọi Phượng bằng em. Và cũng là lần cuối cùng. Phượng nắm chặt tay hắn, ngã hẳn vào người hắn. Hắn nâng khuôn mặt Phượng lên. Lại một lần nữa nhìn thấy quá khứ trong gương mặt ấy.

Uất hận, đau đớn, cam chịu, hắn nói với vẻ của người trở về cõi chết:

– Vĩnh biệt Phượng!

 

Về đầu

 

Chương 38

 

Cái cảm giác chán ngán của hắn cứ tăng dần theo với ngày tháng. Hùng đã đưa hắn đi một số trường ngoại thành, nhưng vẫn không đạt kết quả, mặc dù nếu có nơi nào nhận mua, hắn cũng chưa biết cách sản xuất loại giấy sơn màu cho các cháu cắt hình, cắt chữ này.

Hết Kiến Quốc, lại Hổ Lao. Bữa trưa ăn ở Kiến Quốc. Nhà một ông đảng uỷ. Cơm xoàng. Mắm cáy, tôm rang. Nhưng bữa chiều ở Hổ Lao thì khá. Tại nhà một giáo viên. Một con gà thiến luộc. Nước xáo đập hành. Rau thơm. Thế thôi. Cơm gạo quê nữa chứ. Rượu ngang. Ba người khà khướt. Iâu lắm mới được một bữa ngon như vậy. Hùng cuộn mấy bức truyền thần chân dung vợ chồng chủ nhà vẽ dở dang tự bao giờ đem về thành phố làm nốt. Hùng bảo hắn trên đường về: “Hay là cậu học nghề truyền thần. Nhanh thôi. Chịu khó đi nông thôn. Làm quanh năm không hết việc đâu!. Nhưng rồi chính Hùng lại gạt đi: “Được ăn cơm nữa đấy. Có khi cả thịt gà như hôm nay. Nhưng nghĩ cũng khốn nạn lắm. Mình cứ như ông phó cối”.

Hắn vẫn nằm ở nhà, chờ đợi một cái gì chính hắn không biết. Sáng ra, cả nhà mỗi người một bát cơm nóng rưới nước mắm, rồi Ngọc đi làm. (Con Thương dậy sớm. Bao giờ nó cũng dậy sớm nấu cơm. Con bé khi trước leo lẻo cái mồm mà nay chịu khó quá chừng, cứ lặng lẽ làm mọi việc, cả ngày chẳng nói một câu). Mấy bố con ở nhà. Hắn hút thuốc lào vặt. Không có cả tiền mua diêm, hắn giữ lửa bằng cái đèn con. Rồi bóng vỡ. Không có tiền mua bóng nữa, hắn để đèn khuất vào chỗ lò sưởi, khoanh một tấm giấy cong cong chắn gió.

Ngọn đèn không bóng ấy làm hắn nhớ đến ngọn đèn trong tù. Không phải ngọn đèn ở cửa nhà mét tạo thành bó hoa đen một thời Sơn vẫn đăm đăm trò chuyện, mà là ngọn đèn không bóng cũng khoanh một mảnh giấy thế này đặt trong thùng gỗ. Phía trên thùng là những cái nón úp chếch, úp nghiêng để không lọt ra một tí ánh sáng nào, không làm cháy nón mà vẫn có thể thò đóm vào châm lửa hút thuốc lào. Đó là những đêm đông rét cắt ruột ở V. Q, khi hắn còn ở toán văn nghệ. Đó là thời gian Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.

Máy bay bắn phá bay lượn cả đến đây, nên bọn hắn không bị nhốt trong trại nữa. Mỗi toán sơ tán một nơi. Toán hắn ở một cái lán xa. Xa lắm. Sát rừng. Đi làm là gần. Ngay cạnh. Không có ai gác. Và cũng chẳng ai trốn. Toàn bọn tù mõm cả rồi. Với lại, trốn đi đâu được? Không hộ khẩu, không tem phiếu, sổ gạo. ở đâu được lâu. ở đâu cũng lòi ra. Bấy giờ chẳng ai đủ sức nuôi người khác. Nuôi mình còn khó nữa là. Tù hình sự, trộm cắp, lưu manh có trốn thì trốn. Tù chính trị không trốn. Ông Vui quẫn giáo nằm ở một gian đầu nhà. Ông cũng khổ chẳng kém gì bọn hắn. Đêm đêm, bọn hắn ở trong nhà hút thuốc lào vặt. Sột sệt. (Toàn xài lá sắn non thôi. Thứ này ninh kỹ, ăn bùi, bã deo dẻo như cao-su). Vũ Lượng nhớ kèn, nhớ đàn, Vũ Lượng đứng giữa nhà thét lên:

– Im lặng nhé, Palôma nhé.

Lượng ngửa đầu, cằm hơi đưa ra. Tay giơ ngang trước mặt. Tất cả im phăng phắc. Tất cả nhìn vào cái bóng lờ mờ của Lượng đứng cạnh thùng gỗ, nơi đặt ngọn đèn không thông phong, phía trên úp nón để chặn ánh sáng, đề phòng máy bay Mỹ. Chỉ có tiếng gió mùa đông bắc lạnh lẽo thổi qua mái nhà, xô vào rừng ào ào như tiếng suối lúc gần lúc xa. Ngoài ấy là rừng hoang vắng và đêm đen khô buốt.

– Te… Te…

Tiéng kèn đột ngột vang lên. Đúng là tiếng kèn lanh lảnh và chờ đợi. Tiếng kèn sang trọng, cung đình, như Lượng vẫn nói.

Chờ những âm thanh kỳ diệu ấy lan đi vào đến rừng sâu, chỉ còn lại dư vang trong sự im lặng chờ đợi, Lượng mới cất lên những tiếng kèn đáp lại.

– Tè te te…

Tiếp đó là những tiếng kèn đĩnh đạc, chậm rãi, tự tin của câu mở đầu bài Palôma nổi tiếng:

– Te te té tè te…

Bỗng một bóng người nhỏm dậy và một tiếng kèn trầm hòa theo như tiếng vọng của rừng xa…

– Te tè…

Đó là Tất Tình đã ở hết ba lệnh. Đó là Tất Tình, nhạc công của một đoàn văn nghệ Hà Nội trước đây, nằm trong tổ chức quân thứ hành chính lưu động của Pháp. Bây giờ ta gọi là bọn tâm lý chiến. Tình biết chơi nhiều nhạc cụ. Nhưng trong trại chỉ có một cái mandoline của Cán. Khi Tình chơi mandoline, hắn nghe tiếng đàn réo rắt như ở một đài phát thanh nào đó. Lượng bảo: “Chắc chắn Tình là một trong hai người đánh đàn mandoline hay nhất Việt Nam”.

Cái đêm sơ tán B52 ấy, nhìn hai người kèn mồm vừa vui lại vừa não lòng.

Sao mà giống. Sao mà thiết tha. Bị kích thích bởi khỏng khí im lặng, thành kính của cả toán, Lượng không chơi kèn nữa. Anh đệm contrebasse. Người Lượng gù gù xoay quanh cây đàn tưởng tượng.

Pùm. Púp. Pùm.

Dù ánh đèn bị che chắn, mọi người vẫn trông thấy cái bóng cao, đứng thẳng của Tất Tình đang thổi saxo, và dáng gù gù của Lượng xoay quanh cây đàn contrebasse tưởng tượng, một tay nắm cần đàn, tay kia bật dây: “Pùm. Pum. Pùm”… Vừa rất thật lại vừa ma quái.

“Trời ơi!” Lượng kêu lên, ôm lấy Tất Tình. Cả hai đổ sụp xuống đất, thở hổn hển. Hắn hiểu nỗi nhớ của họ. Trong bóng tối hắn đưa cho hai người cặp lồng lá sắn hắn đã ninh đến nước thứ ba.

Lượng lúc nào cũng đói. Lượng ăn lá sắn chấm muối ớt. Hắn cũng ăn. Tình ăn. Nói chuyện về những đêm ca nhạc. Về ngày về. Thế là Lượng lại hát:

Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê, đến bên luỹ tre.

Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè chở đón người về.

Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ.

Tiếc rằng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ.

Tất cả nằm im trong bóng đêm như những xác chết.

Ai mà chẳng có một người mẹ đang chờ đợi và trong số này hẳn cũng có những người mẹ chờ đến loà cả mắt. Cầu sao cho mẹ mình đừng loà vì chờ đợi. Cầu mong khi mình về mắt mẹ còn sáng để nhìn thấy con của mẹ.

Một đêm cả bọn đang ư ử như vậy, có tiếng ông quản giáo quát ầm ĩ. Tiếng mở khóa, tiếng xô cánh cửa và tiếng ông Vui thét lên:

– Chết hết cả bây giờ. Các anh định giết người đấy à? Các anh định làm chết hết cả hay sao. Có ra ngay không? Máy bay nó đến bây giờ chỉ có chết. Tù cả nút.

Bọn hắn chưa hiểu ra sao, nhưng phá lên cười.

Cười thoải mái. ông Vui gầm lên:

– Còn cười à? Ra mà xem

Trong cơn tức giận, hoảng hốt, ông không biết vì sao tù lại cười, nhưng rồi ông hiểu. Ông nghe thấy một tiếng lầu bầu trong bóng đêm:

– Báo cáo cán bộ, chúng tôi đã tù cả nút rồi ạ.

Cả toán theo ông Vui ra cửa và quành lại phía sau, về phía rừng. Quả đáng sợ thật. Bọn họ hiểu vì sao ông Vui cáu ghê thế.

Cả một cây cổ thụ khô ở sườn đồi bốc lửa đỏ hồng. Rừng rực. Gió mùa đông bắc từng cơn vụt vào thung lung làm cho ngọn lửa tạt đi và những mảng than hồng bị bóc ra bay, cuộn lên trời đêm. Buổi chiều bọn hắn đi làm, nhóm lửa ở gốc cây. Ai ngờ nó lại bén vào cây như một cây đuốc khổng lồ. Đang là mùa hanh, gió mùa… Cả bọn ngây ra ngắm, thích thú nhìn cột lửa giữa rừng. Bọn hắn không sợ máy bay. Có máy bay càng vui. Chết được ngay đâu mà sợ. Mà có chết đã làm sao. Có khi còn là điều may mắn. Anh em mang nồi, thùng, xô, cặp lồng xuống suối xách nước ngược lên dốc. Mấy anh đứng đái vào cây rồi mới múc nước giội “Cho nó khỏi phí bãi nước đái”.

Quả thật hắn chưa trông thấy cảnh gì ghê gớm như thế. Rừng đen kịt. Trời đen kịt. Gió hú. Cây than cao vút. Đỏ từ gốc lên ngọn. Và trên cao là một ít lửa bập bùng soi thấp thoáng vạt rừng già. Gió lồng lộn, lạnh buốt, bóc từng mảng than ném đi vẽ thành những đường đỏ lừ tung lên, cuộn xuống.

Trong lần đến gặp Mi, vợ Lượng, hắn đã tưởng rằng mình có thể nói cho Mi biết cuộc sống của Lượng trên ấy. Lượng đã đưa thư vợ, ảnh con cho hắn. Mi viết thư cho Lượng kèm theo quà và cảm ơn ông Quảng. Ông trưởng phòng đặc trách văn hóa – người đứng đằng sau ông Lan. Người đã dồn hắn và cả Lượng đến thế giới bên kia. Mi viết cho Lượng, nhắc đến những đêm mưa, hai vợ chồng thức giấc, nghe mưa, trò chuyện. Lượng bảo:

– Nếu anh được về trước Lượng, anh phải đến nhà gặp Mi nhé, kể chuyện cho Mi biết Lượng sống trên này.

– Thằng lớn nhà anh. Lượng về, Lượng sẽ dạy nó thổi kèn. Lượng đảm bảo việc đó.

Hắn về trước. Hắn đến nhà Mi. Hắn biết Mi đang làm ở một cơ quan văn hóa của thành phố.

Nhà Mi có mẹ chồng và hai đứa con. Nhưng hôm hắn đến, mẹ và con Lượng đều đi vắng. Hắn đến vào buổi tối. Cửa đóng. Hắn gõ cửa. Và chờ. Hắn gọi: “Chị Mi ơi”. Hắn đã định về, thì Mi ra. Chỉ nhìn thoáng qua hắn cũng hiểu rằng hắn đến không đúng lúc.

Một người đàn ông đang ngồi ngay ngắn, quá ngay ngắn trên ghế. Chính vẻ cứng đơ ấy của người đàn ông và vẻ ngượng nghịu của Mi làm hắn biết hắn đến không đúng lúc. Anh hỏi ai?

Hắn đứng ở cửa và nói khẽ nơi hắn đã sống, đã từ đó trở về. Vũ Lượng nhắn hắn nói với gia đình rằng Vũ Lượng vẫn khỏe.

Mi đứng nghe. Lịch sự cảm ơn. Mi không mời hắn vào nhà. Mi trông đẹp hơn bức ảnh Lượng giữ trong tù. Thoang thoảng mùi nước hoa. Hắn chào Mi, chào người đàn ông. Mi nói: “ông anh tôi” để giới thiệu khi hắn đã quay gót.

Hắn thở dài. Hắn lại nghĩ đến Lượng. Mi có quyền có bạn trai, có người yêu. Hắn chẳng trách Mi. Nhưng hơi nhanh. Lượng mới tù được hơn một năm chứ mấy. Hãy cố chờ thêm ít lâu nữa. Còn khối thời gian để lương tâm Mi khỏi cắn rứt.

Ngày về của anh tập trung cải tạo là một dấu hỏi khoan mãi vào thần kinh, vào tâm trí và không có lời giải đáp. Lượng sẽ còn ở đó đến bao giờ? Lượng vẫn nghĩ Mi đang đau khổ vì xa Lượng. Lượng tự hào vì Mi. Trà Mi của Lượng. Tấm ảnh Trà Mi và hai đứa con, gặp ai Lượng cũng khoe, Lượng cất rất cẩn thận, bọc trong hai lần túi ni-lông.

Sau kỳ bị xà lim, Lượng phát khùng. Thích thì làm. Không thích là nghỉ. Đi làm Lượng chú ý tìm rau tàu bay, bắt nhái hơn là làm. Hình như đã được làm chánh án xử con chuột của Dự một lần, Lượng thích làm chánh án, thích đối thoại với những con vật trước khi ăn thịt nó. Bắt được con nhái nào, Lượng cũng giơ cao lên ngang mặt, quát nạt, rồi mới vất vào cạp lồng:

– à. thằng này. Mày còn định lẩn trốn hả. Định thoát khỏi tay tao hả? Không được đâu, con ơi. Tội mày nhẹ, nên chúng tao không xử. Đó là chúng tao chiếu cố đến mày. Tập trung thôi. Tập trung cải tạo.

– à, thằng này bé quá. Thiếu niên. Mày bảo mày chưa đến tuổi chứ gì. Đúng là mày chưa đến tuổi, thằng nhóc. Thì tao cứ vay tuổi của mày. Trẻ con tao cũng xài. Lớn tao cũng xài.

Lượng lại bẻ đùi vất vào cặp lồng.

Đến con khác Lượng lại giơ lên ngắm nghía.

– Được đây, vừa mắt bố đây. Bố kết nước da đây. Nhảy hở? Đã sa vào thiên la địa võng này mà còn định trốn hả? Ngu thế hả con…

Và những tối đọc báo Nhân Dân (ông chánh giám thị nói: Các anh phải quên dĩ vãng, hướng về tương lai, phải có báo đọc) Phổ cất giọng rành rọt đọc tin toà án Bertrand Russell xử án Nixon, anh em gào lên:

– Cho nó cái bọp

– Cho thằng Nixon đi tập trung cải tạo.

Tiếng Lượng gào to nhất. Và cười: “Có thằng Nixon ở đây cho nó nếm mùi tập trung với anh em mình để nó biết thế nào là lễ độ”. Rồi Lượng lại hát:

Ai có về trên bến sông Tương

Nhắn người duyên dáng tôi thương

Sao đành nỡ dứt tơ vương…

Lượng có biết chuyện gì đã đến với vợ Lượng, với Lượng không? Nếu biết, Lượng sẽ phản ứng ra sao? Hắn đã từng viết thư cho Ngọc, mong muốn Ngọc được giải thoát, mong muốn Ngọc rời bỏ hắn, đừng gắn bó với cuộc đời chó má của hắn, để hắn yên tâm đi tù, chịu cho hết cái án dê đực đẻ. Nhưng Ngọc viết thư vào cho hắn với một giọng trách móc và đau đớn: “Có lẽ anh cho rằng mình có quyền được cao thượng và muốn đối xử với người khác thế nào cũng được hay sao? Em hoàn toàn không ngờ anh có thể có những ý nghĩ như vậy…”

Khi ấy hắn đã về 75 để được tha, nhưng rồi lại trở lại Q. N, tiếp tục đi tù. Lượng và Mi chưa qua cái tận cùng thất vọng ấy. Lượng mới đi tù, đến nay mới được hơn một năm thôi. Trà Mi vẫn còn nhớ những đêm mưa, hai vợ chồng thức giấc trò chuyện. Hắn hiểu được những đêm mưa đối với những cặp vợ chồng trẻ. Bồng bềnh không gian. Sạch sẽ. Tinh khôi. Mát rượi. Hai người song song nghe mưa. Tiếng mưa kéo về một thuở hồng hoang.

Hắn không trách Trà Mi. Nhưng hắn thương Lượng. Hắn thương những người như Lượng, như hắn. Biết bao người đi tù đã mất vợ, mất con. Vợ lấy chồng khác. Con đi lang thang, ăn cắp, ăn trộm, vào tù. Họ bị bỏ rơi ngay ở trong tù. Cái dinh lũy cuối cùng ấy để mình trốn tránh, để mình ẩn náu, để mình đêm đêm tìm về cung không còn nữa. May mà hắn không rơi vào cảnh ấy. Nhưng sự buồn thảm không vì thế mà không đầy ắp cuộc đời hắn. Bên cạnh nỗi đau bị tiêu diệt, việc kiếm sống quá khó khăn. Cuộc sống không có chỗ cho hắn. Hắn không thể ngồi được vỉa hè. Vì cái máu sĩ của hắn. Vì trước đây hắn đã khá nổi tiếng ở cái thành phố này, mà bây giờ nếu hắn ngồi vỉa hè sẽ là một bằng chứng chứng tỏ rằng hắn đã bị đánh gục. Hắn đã thua. Hắn đã bị trừng phạt, và chấp nhận trừng phạt.

Hắn không muốn thế.

Cuộc sống vỉa hè là cuộc sống rất bấp bênh và bị lên án: Thỉnh thoảng người ta lại mở một đợt càn quét vỉa hè. Phải nói sức sống vỉa hè thật là dai dẳng. Hàng đoàn công an, phòng thuế, quản lý thị trường, khu phố… giằng từng quang rau muống, xách từng sảo cà chua, thu từ nồi bún riêu, rá xôi. Vỉa hè sạch bách được vài ngày. Rồi như Phạm Nhan, nó lại mọc ra. Lại phải mở một đợt càn quét mới. Biết bao giai thoại, huyền thoại chung quanh việc đó. Nào là một anh quản lý thị trường kéo cái thúng của bà bán xôi đội trên đầu xuống, thế là cả một nồi cứt ụp lên mặt anh ta. Rồi chuyện mấy anh liên ngành thu nồi bún riêu vào trụ sở đang ngồi đánh chén với nhau thì bà bán bún vào, bà móc túi lấy ra mấy quả chanh để các thủ trưởng dùng “vì riêu nhà em hôm nay ít chua”…

Thật láo toét. Đúng là phản ứng giai cấp, phản ứng của bọn tiểu tư sản thị dân bị đụng đến quyền lợi. Điều đó dễ hiểu. Tiểu thương là phi xã hội chủ nghĩa, là mảnh đất hàng ngày, hàng giờ phát sinh chủ nghĩa tư bản. Đó là sự chống lại chủ nghĩa xã hội một cách tự giác hay không tự giác, là đối lập với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh ai thắng ai vẫn chưa được giải quyết, còn gay go quyết liệt, phừc tạp khó khản không phải một sớm, một chiều mà diễn ra suốt thời kỳ quá độ. Cũng phải tính đến khả năng có bọn phản động, bọn phá hoại đang đứng đằng sau giật dây chống phá. Phải tìm ra được bọn ấy. Phải liên tục mở những đợt tiến công. Đó là tất yếu. Có cuộc đấu tranh cách mạng nào thắng lợi dễ dàng. Càng gần thắng lợi lại càng gian nan.

Một trong những kết quả của đợt quản lý thị trường ấy là Phúc mù không hành nghề ở cửa thành đoàn nữa. Cả mấy người bán thuốc lá ở đó cũng biến mất.

May cho hắn, Ngọc xin được việc dán hộp giấy cho Công ty may. Ngọc mượn cả xe cải tiến của Công ty. Mấy bố con hắn lên nhận.

Xuất hiện ở Công ty vợ trong một tư thế như vậy thật là khổ tâm, nhưng biết làm sao. Ngọc cũng không muốn hắn đi nhận các-tông, nhận giấy, nhưng một mình thằng Hiệp làm không nổi. Niềm vui có công việc làm át cả sự nhục nhã xấu hổ. Với lại Ngọc đã chuẩn bị chu đáo, hai bố con hắn chỉ việc kéo xe đi thôi. Cô Linh, thủ kho chính, một đảng viên, rất quý Ngọc. Cô cũng là một phụ nữ “goá sống” còn lâu hơn cả Ngọc. Chỉ có cái khác là chồng Linh đi bê (Nam) còn hắn đi tê (tù). Hai người thương nhau. Thời gian sơ tán, thời gian hắn còn đi xa, cả hai trông coi hàng nhà len, hàng nhà vải. Có lấy đến cá tạ len cũng không ai biết. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện ăn cắp. Ngày ấy tiếng ăn cắp còn bị ghê tởm, còn bị mọi người khinh bỉ và lên án. Một hôm Linh ấp úng bảo Ngọc, mặt đỏ lên như chính Linh đang làm một việc xấu xa:

– Ngọc ơi, có ít len vụn tổ đan họ mới nộp lại đấy, hay là mày lấy đan cho con Thương cái áo cộc tay.

Ngọc sợ hãi:

– Chết, ai lại thế

– Khoảng hơn lạng len vụn ấy mà. Đan cải hoa dâu cho con được đấy.

Linh thương Ngọc. Hai người cùng xa chồng.

Linh còn được lương của chồng, lương đại uý với các tiêu chuẩn mà vẫn thấy khó khăn.

Sau này cả Linh, cả Ngọc cùng xuýt xoa nhớ lại mà tiếc rẻ:

– Chỉ mình ngày xưa là ngu thôi. Chúng nó bây giờ không có gì là không ăn cắp. Thằng to ăn cắp to. Thằng nhỏ ăn cắp nhỏ.

Hắn dán hộp. Và ngay lập tức tạo thành quy trình. Đầu óc hắn vốn như vậy. Phải có một số kẹp bằng sắt. Phết hồ vào các-tông cứng và khuôn lại hình hộp, phải có kẹp sắt kẹp cho đến khi hồ khô. Nhưng cái khó là phết hồ lên những băng giấy dài để viền góc hộp và cái nhãn to có in chữ Tocontap cạnh hình chiếc áo sơ-mi cổ cứng. Phết xong phải dán ngay. Để chậm giấy bị ẩm và mủn ra.

Dán được một lúc cả sàn nhà đầy hồ. Các giẻ lau tay đầy hồ. Bốn chung quanh tường chất đầy toàn hộp rỗng. Có lúc tự nhiên chồng hộp đổ nhào, đổ cả vào mâm cơm.

Khi đem đi trả hàng mấy bố con xếp lên xe mới khổ. Hộp rỗng cồng kềnh, không thể ghì chặt, ghì chặt thì bẹp hộp. Để lỏng thì hộp rơi. Phải tháo cả hai giát giường đặt lên thành xe cải tiến. Và xếp hộp lên. Ngọc nhất định không cho hắn lên cơ quan Ngọc nữa. Thằng Hiệp, con Thương xe được rồi. Ngọc bảo: “Hộp rỗng nhẹ thôi. Để bố ở nhà trông em”. Ngọc bảo vậy, nhưng hai đứa vừa xe đi, xóc mấy cái đã đổ hết hộp xuống đường. Phải xếp lại và lấy dây đan từng mắt như mắt võng, úp lên trên hộp.

Bây giờ hắn vẫn nhớ rõ ràng buổi trưa ấy. Hộp đổ ngổn ngang, cái lấm, cái nghiêng, nắp một nơi, hộp một nẻo. Mấy bố con mê mẩn nhặt, xếp và về nhà tìm thêm dây chằng buộc. May mà đường lúc ấy vắng ô-tô. Hắn đứng nhìn theo hai đứa con bé tý đứa kéo, đứa đẩy cái xe hộp cao ngất đi một quãng xa mới quay vào. Ngọc đang chờ hai đứa ở công ty. Chậm lắm là mai sẽ có tiền, thêm vào để Ngọc chi tiêu. Đó là món tiền đầu tiên hắn góp vào với Ngọc. Hắn cảm thấy yên tâm vì còn gần một nửa chỗ các-tông chưa dán. Còn ít ra là một xe hộp nữa.

Về đầu

 

Chương 39

 

Việc gia công ấy khi có khi không, rất thất thường.

Hết đợt làm hộp, hắn lại nghỉ. Cứ ngồi hút thuốc lào, châm lửa từ cái đèn con đã vỡ thông phong. Cái đèn con mà Bình nói: “Ngày xưa nó đã từng có một cái bóng”. Mỗi sáng, Ngọc xách xe đi làm, hắn lại cẫm thấy mình là người có lỗi và đồng thời cũng nhẹ cả người vì Ngọc đã đi làm, ở nhà chỉ có hắn và mấy dứa con. Hắn có thể nằm nghỉ vì hắn cảm thấy mệt mỏi. Dạo này hắn hay đau đau ở ngực. Có vợ ở nhà, mình cứ năm ườn thân xác, thật bất tiện. Hình như cái lần ngã khi khiêng đá ở suối trại Q. N vẫn cỏn ảnh hưởng…

Trong tù hắn là người khoẻ mạnh. Hắn cảm ơn bố mẹ đã cho hắn hưởng khí huyết ấy của các cụ. Tiêu hoá tốt, không bị đường ruột, gánh gồng được… Không ốm vặt.

Chỉ có chứng đau đầu. Một năm rưỡi giam cứu làm gì không đau. Trong xà lim có mà đầu thép cũng đau. Trong xà lim, sợ nhất là lúc trưa, từ mười hai giờ trở đi. Anh tù nào chẳng thức giấc từ sớm. Ba bốn giờ sáng đã thức rồi. Nàm chờ trời sáng. Nghĩ. Nhớ. Lo. Ai vào đây cũng lo. Không có tội cũng lo. Lo thót ruột. Lo sao thoát được cảnh tù tội. Lo có những kẻ hại mình, những kẻ ngậm máu phun người. Thiếu gì những kẻ không bằng lòng mình, những kẻ ghen ghét. Và bây giờ thì giậu đổ, bìm leo. Rồi tự vấn lại mình. Thấy mình cũng có nhiều câu nói bậy bạ, cần phải chấn chỉnh. Như nói về nông thôn đang xuất hiện bọn cường hào mới, như nói rằng những người có năng lực, sống bằng sự làm việc của mình, không sống bằng đầu gối. Đảng thì bận gì đến mày mà mày lại nói: Nếu cứ đảng viên mới được đề bạt vào cương vị lãnh đạo, thì tất yếu có một loạt đảng viên cơ hội, quần chúng cơ hội sẵn sàng làm mọi việc để được vào Đảng. Rồi lại nói: Bây giờ nếu có vợ bán gạo, người yêu bán thịt, một “dì” nữa bán bách hoá thì không phải lo nghĩ gì.

Những câu nói đó có khi rải rác cách nhau hàng năm trời, trong lúc nhiệt huyết bàn thế sự với anh em bè bạn nay được gom lại, để cạnh nhau thì rõ ràng mình là kẻ bất mãn, chống đối thật rồi, không cựa quậy đi đâu được. Cũng giống như những hoá chất bình thường để cạnh nhau sẽ nổ tung và biến thành một chất hoàn toàn mới. Mà các vị công an, tác giả vụ án của hắn hẳn không thể bao giờ mắc sai lầm bắt nhầm người. Họ vốn là những nhà hoá học đầy tài năng. Không như những người khác, các ông ấy rút ngắn, cắt bỏ mọi khoảng cách thời gian để những câu nói, những hiện tượng bất mãn rải rác ấy liền kề nhau. Thế là nổi lên bản chất của hiện tượng. Thế là tổng hợp được điều cốt lõi từ những sự việc bình thường nhất. Bộ mặt thật vẫn ngụy trang che giấu bỗng hiện ra như tờ giấy ảnh ngâm vào thuốc hiện hình. Thế là nhìn vấn đề dưới con mắt nghiệp vụ, được nhãn quan cảnh giác cách mạng chiếu sáng, vạch trần được một kẻ bất mãn, một kẻ biến chất,, hoạt động chống phá tinh vi. Hết đường chối cãi. Có ai khiến anh tâm huyết. Có ai khiến anh chõ vào những công việc không phải của anh. Anh làm như anh sáng suốt hơn cả Đảng. Khoan hãy nói đến đúng sai, nếu anh nhiệt tình, nếu anh xây dựng sao anh không nói có tổ chức? Sao anh không nói trong cuộc họp? Sao anh không kiến nghị với Đảng? Đảng là của dân. Do dân. Vì dân. Không lý gì có lợi cho dân mà Đảng không làm. Tôi nói có đúng không?

Thật dại dột. Cái trò chính trị xó bếp. Và cũng đáng đời thôi, khi mày là một tế bào của cuộc sống bình thường. Hiểu nó. Thở hơi thở của nó. Mày hiểu sự thật ở nhà máy cơ khí nổi tiếng toàn quốc đốt pháo mừng công hoàn thành 110% kế hoạch năm trước hai ngày (và mày có được mời dự tiệc liên hoan cùng với bao nhiêu chức sắc trong thành phố tại tầng hai mậu dịch Ngã Bảy), nhưng sau đó lại có hàng đoàn thợ bí mật ra bãi để máy, sửa chữa, lắp thêm chi tiết cho máy lô-cô, việc làm ấy kéo dài hết tháng Giêng, vì phần lớn chưa thành thương phẩm. Số máy ấy còn nằm han gỉ ở bãi cho đến giữa năm sau, do chẳng có nơi nào cần, hơn nữa chất lượng quá tồi. Mày hiểu chị Chân nguyền rủa hợp tác xã khi ba lần chị đi nhận rạ, chầu chực cả tối, gọi tên từng người, cân từng cân rạ chỉ được tòn ten một quẩy không đủ dọi mái nhà bị dột, không bằng chị vơ một lúc rạ rơi dọc đường. Mày hiểu nỗi đau của những con đĩ ngựa mỗi khi mang từ cửa hàng mậu dịch về ba lạng thịt bạc nhạc Và mày khẳng định Bách không đủ tư cách là một đảng viên bình thường, đừng nói là bí thư, là biên uỷ…

Cũng tại mày thôi. Tại mày có cái đầu cứ biết tổng hợp, suy nghĩ, không chịu để người khác suy nghĩ hộ. Nhưng cái đầu suy nghĩ cũng chẳng việc gì, nếu cái mồm mày không nói ra. Chỉ tại cái mồm. Hoạ tự khẩu xuất. Bệnh tòng khẩu nhập. Bố vẫn thường dặn như vậy. Lẽ ra không được nói những điều mình nghĩ với bất cứ ai, kể cả vợ. Người thứ hai biết đã không là bí mật nữa rồi. Chuyện ông vua có tai lừa hẳn mày còn nhớ. Rồi lại còn bè bạn xa gần cứ đến ăn ngủ ở nhà. Hoàn toàn không nên. Sự lui tới của bè bạn từng làm mày yêu đời, yêu nghề, kích thích mày làm việc đã giết mày. Sự quý mến của bè bạn đã giết mày. ăn. Uống. Chuyện. Cười. Nói. Văn chương. Thế sự. Cái giá phải trả cho sự làm việc, cho nghề nghiệp, cho thành công đắt quá. Bởi vì đã viết văn là phải suy nghĩ. Đã có tí chút thành công và còn hứa hẹn một điều gì nữa, đã cởi mở chân thành lại coi sáng tác là lẽ sống của cuộc đời, thì bạn bè sẽ đến với mình thôi. Chết là ở chỗ ấy. “Nhà anh ngày nào cũng một khay bã chè cơ mà”. Họ biết hết. Không thể giấu họ điều gì. Bài học này cay đắng quá. Lẽ ra không nên có bạn. Không nên nói. Không nên suy nghĩ. Nhưng đã là con người phải có bạn bè. Có cái đầu phải suy nghĩ. Và không thể không nói những điều suy nghĩ với bạn. Đừng ngụy biện. Thế còn bao người khác, họ không có bè bạn hay sao. Họ không nói hay sao. Họ không suy nghĩ hay sao. Chỉ có điều họ không nói như anh. Không suy nghĩ như anh. Không kết bạn như anh. Ngưu tầm ngưu. Mã tầm mã. Bọn bất mãn các anh chơi với nhau, câu kết với nhau. Không ai đứng ra tuyên bố thành lập tổ chức, nhưng thực sự là tổ chức đấy. Thế là có tổ chức mà không có tổ chức. Không có tổ chức mà vẫn có tổ chức. Tinh vi lắm. Nhưng không thoát khỏi con mắt nhân dân đâu. Không che giấu được ai đâu.

Khó mà cãi được những tội sờ sờ ra như thế. Chút lòng trung thực từ sau xin chừa. Đến bao giờ được ra. ôi! Quãng đời trước thật là hạnh phúc, thật là tươi đẹp. Chẳng bao giờ còn quay lại nữa.

Cứ thế mà nghĩ. Mà chờ trời sáng. Chờ ông quản giáo tới mở cửa để đi đổ bô. Rồi lại vào. Lại nghĩ. Di quanh quẩn, năm xuống, rồi lại nhỏm dậy. Đứng lên, rồi lại nằm xuống. Chờ quản giáo mở cửa, lấy cơm. An xong, khoảng hơn 10 giờ chứ mấy. Nằm. Rồi lại ngồi dậy. Đứng lên. Sực nhớ đến mấy con rệp nhốt trong túi giấy bóng kính bao thuốc lá Berati. Lại đem ra chơi dù hôm qua đã chơi rồi.

Học Đỗ, làm thí nghiệm xem rệp nhịn đói được bao lâu. Đỗ bảo nhốt ba tháng nó vẫn chưa chết. Chẳng biết có đúng không. Hắn mới nhốt con rệp được đúng tám tuần lễ thì buồn quá, không chờ được, đã dem con rệp ra cho nó hút máu. Tám tuần lễ nhịn đói, con rệp gần như khô đi. Mỏng và trong vật vờ như tờ giấy bóng. Nhưng khi bắt ra để trên cổ tay chỗ mạch đập, chỗ các ông lang hay bắt mạch, ngửi hơi máu, ngửi hơi người, cu cậu tỉnh ngay, bò, xoay xoay và chổng đít lên cắn da hút máu. Đau, nhưng cố chịu để xem nó hút máu như thế nào. Say sưa làm. Đứng im một chỗ. Chân gại gại trên da buồn buồn. Chỗ nó cắn không đau nữa mà ngứa. Cứ bình tĩnh, không đi đâu mà vội. Cho mày hút đẫy bầu đấy. Hẳn là một bữa đại tiệc. Cu cậu lịm đi. Nhìn rõ vệt máu đỏ tươi chảy xuống bụng lềp kẹp mỏng tang của nó như dòng máu khi tiêm ven chảy vào xi-ranh. Thế rồi những lần sau đó chẳng tính thời gian để kiểm tra thí nghiệm của Đỗ nừa, mỗi khi buổn quá lại bắt nó ra cho hút máu. Khi một tuần. Khi nửa tháng. Lại còn xếp những que diêm sóng hàng bắt ba bốn con rệp chạy qua que diêm, như kiểu chạy vuợt rào. Chân bé xíu mà chạy rất nhanh, vượt qua que diêm rất nhanh. Cũng lồng lên như ngựa.

Thú vị. Nhưng chơi lâu cũng chán. Nhất là những con rệp cứ rẽ ngang, định chui vào kẽ ván. Cái giống rệp sống cuộc đời tăm tối âm thầm quá.

Lại nhốt rệp vào túi giấy bóng Berati. Lại đứng lên. Lại ngồi xo ró một mình. Lại nằm. Lại nghĩ. Lại nhìn vết ố ở trên tường gần cửa xà lim, nơi vẫn đứng lom khom nói chuyện với Đỗ. Vết ố giống hệt cái đầu Dostoiepski. Cũng cái sọ to, đôi má hóp, cặp mắt sâu và chòm râu dài. Buồn bã. Khắc khổ. Kiên nghị. Chịu đựng Nhẫn nại. Càng nhìn càng giống Đốt. Rồi nhìn chữ “Khánh” khắc trên tường xà lim. Khánh nào nhỉ. Có phải Khánh cướp của giết người trên thuyền ầm cả thành phố dạo hắn còn làm báo không? ông Tri viện kiểm sát ngày ấy đã nói với hắn là vụ Khánh không xử được, vì Khánh treo cổ tự tử.

Khánh xé màn buộc vào gióng sắt chắn cửa sổ thông hơi, rồi treo cổ chết, chân vẫn chạm vào sàn. Nếu là Khánh ấy thì Khánh đã chết ở đây, trong xà lim này. Cửa sổ treo cổ Khánh, cái cửa sổ từ khi lắp đến nay chưa một lần được mở. Mình đã bẻ một nan chớp, đu người lên, nhìn thấy B lao động, thấy anh tù động kinh đang ăn cơm bỗng ngã vật xuống đất, rồi lại bò dậy nhặt bát xúc cơm ăn tiếp. Nhưng Khánh lấy gì khắc vào tường bê-tông nhỉ? Phải là một cái đinh to. Mình thì chẳng thể có cái gì. Mảnh sắt tây giết rệp cũng là của anh tù trước để lại. Anh ta giấu rất khéo. Ngay dưới cái cùm. Anh ta là ai? Mắc tội gì? Hẳn anh ta chẳng biết ai sau anh ta sẽ dùng con dao tự chế này. Cũng như mình chẳng biết ai sẽ dùng con dao này sau mình. Chỉ cần mình yểm khéo. Và người ấy tìm thấy. Nhưng người ấy là ai? Một tên giết người? Một phần tử chống đối? Hay một kẻ buôn thuốc phiện lậu? Còn những ai sẽ đến đây. Cái xà lim này còn nhốt những ai? Đúng tội Oan khuất? Người ấy chưa được sinh ra. Chưa là một tế bào trên cuộc đời này. Già rồi. Hay đang là một em bé lẫm chẫm biết đi và sà vào lòng mẹ.

Bởi vì đã có xà lim là phải có người bị nhốt. Bởi vì đã là cuộc đời thì phải có những người lao tù và những người cao sang quyền quí, những tội phạm và những người canh giữ tội phạm. Mình đến sau Khánh ba năm. Ba năm trước, chẳng bao giờ mình lại nghĩ phải vào xà lim như Khánh và mình kinh tởm Khánh. Bây giờ minh vẫn kinh tởm Khánh, nhưng mình hiểu những gì Khánh đã chịu, bởi Khánh đã sống giống hệt mình ở đây, ngay trong cái nhà mồ này. Khánh tự tử chân vẫn chạm sàn thì ghê thật. Hẳn Khánh rất quyết tâm và đã hoàn toàn tuyệt vọng. Vậy là người ta đã gỡ Khánh xuống, đặt Khánh nằm trên miếng ván gỗ này.

Hắn ớn lạnh, và gạt ngay những ý nghĩ khủng khiếp tiếp theo về chuyện lưng hắn vẫn đặt lên những miếng ván lim đã đặt xác Khánh, về chuyện hắn sống chung với một cái xác trong xà lim tối tăm như một nấm mồ. Hắn cảm thấy Khánh vẫn có mặt ở đây Vẫn im lặng đi lại như hắn vẫn im lặng đi lại. Và vì cái xà lim quá hẹp, quá tối, Khánh cứ phải né tránh hắn, nhưng sẽ đến một lúc hắn và Khánh đâm sầm vào nhau.

Hắn tự bảo: Thôi. Không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Hãy nhìn Đốt. Giống quá. Khi khom lưng nói chuyện với Đỗ, cúi xuống vừa trông thấy vết vôi tróc trên tường, mình đã nhận ra ngay là Đốt. Đốt có mặt trong xà lim với mình vì Đốt biết mình đau khổ. Thế kỷ trước Đốt bị lưu đày. Đến thế kỷ này mình bị lưu đày Rất nhiều người đã bị lưu đày. Đốt đến với mình, động viên mình sống. Và Đốt hẳn cũng đã động viên Khánh treo cổ. Tôi không muốn chết Đốt ạ, tuy sống thế này còn khổ cực hơn chết. Tôi vẫn muốn sống dù biết rằng cuộc đời thế là hết rồi. Nhưng còn vợ, còn con, còn bố mẹ, anh em, bè bạn. Phải sống dù khốn nạn đến đâu. Nhưng đã sống thì phải sống dai, sống lâu. Để thấy cuộc đời này thay đổi. Tôi tin là sẽ phải thay đổi. Nhưng lâu. Rất lâu. Chỉ sợ tôi không còn sống đến lúc ấy.

Hắn ao ước được sống đến lúc ấy. Để được “cô đơn ngồi bên giấy trắng” kể lại những gì đã trải. Kể lại cuộc đối thoại với Đốt. Ngày xưa hắn thương Đostoiepski tù đầy, nợ nần, nghèo túng. Và bây giờ hắn nghĩ hắn khổ hơn Đốt về mọi mặt: Nợ nần, nghèo túng, tù đầy. Nhất là Đốt đã hết hạn lưu đầy. Hắn chỉ mới bắt đầu.. Ông Lan đã bảo là ông có đủ kiên nhẫn. Đó là phẩm chất của ông, mà dù khiêm tốn ông vẫn cứ nói ra, vì ông buộc lòng phải nói. Còn câu nói nào táng tận lương tâm hơn, đểu hơn, khủng khiếp hơn. Hẳn là hắn sẽ phải ở đây cho đến chết. Nhưng hắn không thể nhận những điều hắn không có. Cho dù ông Lan có kiên nhẫn đến đâu chăng nữa. Cho dù hắn phải húc đầu vào thép. Cuộc đối đầu giữa hai ý chí. Hắn quyết không để bị bẻ gẫy.

Thế là mọi ý nghĩ lại quay lại thực tế xà lim, thực tế hắn bị bắt, mong đợi được hỏi cung. Và không biết ở ngoài kia người ta đang gọi hỏi những ai, tìm những tội lỗi gì về hắn. Người ta có đủ mọi lợi thế. Người ta lại có cả một tập thể tinh thông nghiệp vụ, trí tuệ sắc sảo, đang tìm kiếm và không bỏ qua những sai sót nhỏ nhất của hắn. Còn hắn bị tước đoạt mọi thứ, cô đơn tại đây. Buổi hỏi cung tới sẽ là những vấn đề gì. Hắn sẽ phải trả lời ra sao. Bắt người dễ. Tha người khó. Rõ ràng các ông ấy không có ý định tha mình.

Lại bồn chồn. Lại cố nén một cái gì đó trong lòng. Lại nằm xuống. Lại đứng lên. Thời gian cứa từng nhát vào thân thể, vào trí não, vào thần kinh như vật chất cùn, rắn và gai. Cho tới một hai giờ trưa thì đã thức, đã suy nghĩ, dằn vặt, quanh quẩn hơn mười tiếng đồng hồ liền. Thần kinh bị kéo càng hết cỡ. Hắn đập đầu vào tường vẩy cách âm. Hắn đập thái dương, đập trán, dập gáy để cái vòng đầu hắn được hưởng sự vỗ về của những con ốc xi-măng nhọn hoắt trên tường xà lim. Đầu óc tê đi. Dại đi. Dịu đi. Hắn đã đập thế bao lần. Hàng tỷ tế bào thần kinh đã chết. Mà cái giống ấy đã chết là không sinh lại. Thảo nào vợ hắn bảo hắn mụ mị đi, bảo hắn như người ngớ ngẩn. Đại loại khi thấy đa rau muống luộc xanh non và bát nước rau đánh giấm chua là hắn kêu lên:

– Rau ngon nhỉ! Xanh quá!

Trong tù có thể ăn thịt trâu nhưng không thể có rau muống luộc. Bọn nhà bếp nó bảo luộc một bữa rau muống vất vả bằng mấy giết trâu. Vì phải luộc từng mẻ, được mẻ nào vớt ra nong. Mấy mẻ lại phải thay nước. Nếu không nước rau đặc thành cao mất. Luộc cho hàng nghìn người thì đến bao giờ. Thế mà ngọn rau cũng cứ đen sì. Nàm năm tù chỉ được ăn mỗi bữa rau muống luộc.

Ngọc mang về cây nứa làm sào phơi là hắn lại nói:

– Đi rừng đẵn nứa là khổ nhất. Nứa mọc thành khóm, những cây bên ngoài đã chặt rồi, mình phải chặt cây bên trong, gốc nứa xóc vào tay. Sợ lắm.

Và không có gì kìm hãm được hắn, hắn tiếp:

– Lại còn cái ngọn nứa mới khốn nạn cơ. Cao phải đến sáu bảy mét, luồn vào cành cây cổ thụ, dây nhợ 6. 5 chằng chịt. Co người mà giật, rồi đu người kéo xuống. Bọn đi rừng quen họ chém nứa để đầu mặt lại. Mình chưa có kinh nghiệm chém mất đầu mặt, khi đu lên, cây nứa bị tay bóp mạnh giập đánh “rốp” suốt vào lòng bàn tay…

Và hắn xoè bàn tay ra, những vết sẹo cắt ngang lòng bàn tay hắn. Ngọc và lũ trẻ phải nhắm mắt lại. Ngọc gắt:

– Thôi, anh đừng nói nữa, kinh lắm.

Nhưng hắn không thể không nói. Cái gì cũng gợi những ngày tù. Cái hôm mỗi sổ được mua một ki-lô bánh mì trừ vào tiêu chuẩn gạo, hắn vừa ăn vừa nói:

– Có những cái bánh mì đỏ hồng. Như thắt lưng các cụ ngày xưa. Mọt nó thôi ra đấy. Toàn mọt, nhưng vẫn phải ăn. Chẳng lẽ vất đi.

Ngọc nhìn hắn van xin:

– Em lạy anh. Anh đừng nói những chuyện ấy nữa.

Hắn biết Ngọc không mnốn nghe “những chuyện ấy”. Ngoài Bình ra, hắn chẳng còn ai tâm sự. Mà Bình còn bận công việc, thỉnh thoảng mới đến.

Thì hắn tâm sự một mình. Hắn ngồi lâm bẩm một mình:

– Không phải ăn rau nấu chảo gang. Cứt của mình không đen sì như cứt lợn nữa.

– Cái răng hôm nay lại đau mới chết chứ.

Thế là một chuỗi liên tưởng: Min đâu? Còn đi với Dự hay mỗi người một phương rồi? Giang sắp được ra rồi đây. ăn đủ ở đủ cũng chỉ tháng sau thôi.

Hắn có hàm răng chắc. Không đẹp nhưng chắc và tốt. Khi hắn nằm xà lim 76, một cái răng hàm bắt đầu bị đau. Đó là cái thứ hai từ trong ra, hàm dưới, bên phải. Hắn ăn bánh mì và một chút bánh mì giắt ở mặt nhai. Mỗi bữa một tí. Mặt nhai thủng. Thỉnh thoảng lại đau. Xói lên óc. Đau đến vã mồ hôi. Ngọc gửi vào lọ dầu cao sao vàng, hắn lấy tăm chấm cao vào lỗ đau cho tê đi. Nhưng cũng chỉ được một lúc. Thế rồi hắn lên QN. Hôm ấy đúng ngày sinh nhật hắn, hắn đang gánh nước tưới thì Sơn đến. Sơn dúi cho hắn chiếc ngô nướng. Một bắp ngô dài, đẫy, vừa nướng xong: “Quà sinh nhật anh đấy”. Món quà sang trọng của người bạn chí tình. Nó chứng tỏ mình vẫn là một con người. Dạo ấy Sơn chưa nhìn hoa đen, Sơn chưa đứng ở cửa nhà mét như một cây cột mới trồng. Sơn chỉ gầy thôi, trán cao bóng lọng, da mặt bóng lọng.

Hắn giắt vội cái bắp ngô vào cạp quần. Nóng bỏng. Cứ phải luồn tay vào lăn từ chỗ nọ sang chỗ kia không thì chín thịt bụng mất. Nóng không chịu được. Tưới hết gánh nước, cái bắp ngô đã nguồi nguội, hắn quẩy thùng đến trước ông vũ trang:

– Báo cáo ông, tôi xin phép ông tôi đi ngoài. (Rõ ràng thừa một chữ tôi nhưng đó là cách đạt câu của anh em tù để tăng cường sự lễ phép. Cách đặt câu ấy sau này khi đi làm hắn vẫn dùng để nói với các sếp).

Ông vũ trang phẩy tay như có ý bảo: Đi đi. Hắn quẩy thùng xuống suối. Đặt thùng ở bờ suối, rửa chân tay, rồi lội qua suối sang bên kia, vào trong một bụi rậm, tụt quần và… lẽ ra ỉa thì hắn lại ăn. Hắn cầm bắp ngô đưa lên miệng. Không được chủ quan với các ông ấy. Tù hay ỉa non đái ép. Có anh ngày xin đi ỉa mấy lần, nhưng chẳng ỉa ra tí phân nào, mà cứ ngồi lì hàng nửa tiếng đồng hồ trong rừng. Thế là các ông ấy mò tới tận nơi kiểm tra. Tụt quần, thò đít ra là yên tâm dù có bị muỗi đói xô đến đốt, ngứa gãi mẩn đỏ cả hai mông. Các ông ấy từ xa thấy vậy là không đi đến nữa.

Cái bắp ngô thơm lừng dù đã nguội hẳn. Hắn gặm một miếng và nhai. Rắc. Chiếc răng hàm bị sâu vỡ đôi. Hoá ra là bắp ngô già, khi nguội cứng như đá. Hoá ra cái răng hàm của hắn đã ruỗng hết bên trong. Cái răng hàm gẫy. Adieu un dent.

Nó gẫy cũng được thôi, nhưng nó còn lại một nửa nhọn hoắt như lưỡi mác. Khi nói chỗ ràng nhọn ấy cào vào lưỡi. Lưỡi nhiễm trùng. Sưng vù. Không nói được. Cổ nổi hạch. Đau. Nuốt nước bọt cũng khó. Không ăn được. Uống nước cũng đau. Hắn phải nhờ Giang ăn cắp một cái giũa trong xưởng mộc, bồng về trại, đưa cho hắn. Rồi hắn lại mang ra chỗ làm. Lừa lúc gần trưa vắng vẻ, hắn đưa giũa cho Min, làm ở toán chăn nuôi gần đấy. Hai người ngồi thụp xuống khuất sau bờ tường chỗ con lợn đực giống ở phía cuối dãy chuồng lợn giáp với bìa rừng.

Thấy người, con lợn đực giống kêu “hộc hộc” “hộc hộc” rung cả chuồng. Đó là một con tê giác thì đúng hơn. Có lẽ nó phải thọ vài chục tuổi. Nó dài hơn hai mét, nặng khoảng dăm tạ. Da dày nặng trĩu như muốn tách ra khỏi thịt chảy xệ xuống thành một thứ áo giáp đạn bắn chưa chắc đã thủng. Hai mắt húp híp lúc nào cũng có hai cục dử bằng ngón tay. Lông nó cứng như dây thép và chỉ cần nghe thấy tiếng một con lợn cái nào ở phía xa là nó ghếch chân lên tường thò đầu ra “hực, hực”, rồi phóng tinh vào tường chuồng như tưới. Không một con lợn cái nào chịu được nó. Khi nó ghếch hai chân trước lên làm cái việc truyền giống, con lợn cái to nhất cũng sệp xuống đất bẹp rúm như con lợn hàng mã. Trưa hôm ấy nó cũng ghếch chân lên tường, thò cái mõm bè bè, dài như gầu sòng ỏhộc hộc”, mép vén lên, hai răng nanh trắng nhởn chĩa ra như răng lợn lòi và chăm chú quan sát bọn hắn qua đôi mắt ti hí đầy dử.

Hắn há mồm bảo Min: “Đấy đấy. Thấy chưa” Min đưa giũa đè cái lưỡi cứ cong lên của hắn:!Thảý rồi. Rồi. Thè lưỡi ra nhé. Thè dài ra. Thế. Min giũa, “Kít kít kít kít” và dừng lại hỏi hắn: “Đau không?” Hắn lắc đầu, đưa đưa lưỡi, rồi thò tay vào mồm kiểm tra:

– Cho thêm mấy nhát nữa đi.

Cẩn thận, Min nhỏm lên nhìn chung quanh xem có ông công an nào đến không, rồi lại cầm giũa “Kít kít kít… “

Khi việc chữa chạy đã xong, hai người đứng lên, con lợn sợ hãi “hộc hộc” mấy tiếng, hạ chân xuống đứng ở giữa chuồng im lặng, mắt híp nhìn xéo bọn hắn và hoàn toàn bất động như một bức tượng. Hắn quay đi, nhổ ra một đống nước bọt to lẫn với mùn răng và bước xuống suối. Hắn vốc nước suối, súc miệng, rồi vứt giũa vào bụi rậm. Cái giũa sắc cực tốt. Giang lấy cắp cho hắn là Giang sẵn sàng chấp nhận xà lim. Trong tù người ta kị nhất là trữ muối và ăn cắp giũa. Đó là những thứ để trốn trại.

Mất cái đầu nhọn, chiếc răng không cà vào lưỡi nữa. Lưỡi hết sưng, hạch cổ biến mất. Hắn lại ăn uống, nói nàng được bình thường. Nhưng chiếc răng thỉnh thoảng vẫn đau, thỉnh thoảng vẫn hành hạ hắn. Một hột cơm rơi vào hốc tuỷ là đủ chết. Đau vã mồ hôi. Đau lăn đau lộn.

Được tự do, chiếc răng ấy vẫn làm hắn khổ. Hắn tiếc hàm răng chắc của hắn. Ngọc bảo: “Hay là anh đi nhổ đi. “Hắn nói: “Nhổ một chiếc là nó xô cả hàm”. Thực ra hắn ngại. Ngại đến bệnh viện. Ngại đau.

Về đầu

 

Chương 40

 

Ngọc bảo hắn:

– Sắp dán túi ni-lông rồi. Em đã làm đơn xin công ty. Nhà mình được một suất. Nhưng lần này không nhận cá nhân mà phải tổ chức thành một tổ, do ông Quỳnh, phòng kỹ thuật, đứng ra chịu trách nhiệm trước công ty. Hắn phấn khởi. Chờ. Phải chờ. Hắn đã quen chờ. Hắn đã học được bài học: Phải biết chờ đợi. Cuộc đời là một sự chờ đợi. Cao hơn chờ đợi, cuộc đời còn là hy vọng nữa. Hoàn cảnh dù khốn nạn đến đâu, cũng cứ hy vọng. Đó là cái phao bám vào để đủ sức trôi dạt giữa đại dương số phận. Trong khi chờ đợi. trong khi hi vọng thì tất nhiên là sống trong thực tại tối tăm.

Cứ mỗi sáng Ngọc đi làm hắn lại cảm thấy mình là người có lỗi. Còn hơn thế. Đó là cảm giác của người ở nhà nhìn người khác vì mình mà đi ra mặt trận. Thật đau khổ và nhục nhã. Sau khi Ngọc vác xe đạp khuất hẳn xuống thang, hắn đi ra đi vào, hút thuốc lào, gấp máy bay cho thằng Dương, làm ngựa cho nó cưỡi, nằm sấp cho nó tẩm quất. Hắn muốn sống lại những ngày lũ con còn bé. Rồi hắn xem sách học của hai đứa lớn. Và giục con đi nấu cơm. Đến lúc sắp tan tầm, mấy bố con mê mẩn dọn dẹp, lau nhà cho bóng nữa để làm vui lòng Ngọc.

Những hôm mậu dịch bán thịt, bán gạo sang kỳ… những hôm ấy hắn mới lập được tý chút công lao với vợ với con. Hắn mong đến những ngày ấy, vì mấy lạng thịt phiếu, mấy cân gạo hút, mấy cân ngô… mang từ cửa hàng về là một sự kiện trong cuộc sống của nhà hắn, thổi vào mỗi người một luồng sinh khí, vì nó là cái để mọi người bàn tán chuyện trò. Đó là sự kiện xáo động cả số nhà hắn ở. Họ chuyện về những miếng thịt họ mua, ngon hay không, cân thiếu hay đủ nhiều mỡ hay nhiều nạc, ba chỉ hay mông sấn, lợn to hay lợn nhỏ, có bà còn vớ phải cả miếng thịt lợn hoi nữa. Thật đau khổ. Họ bình luận về cô bán thịt, về cái sự xếp hàng, về dự định chế biến mấy lạng thịt này. Người lọc hết mỡ rán ăn dần, người bảo có ít thịt nạc giã ruốc cho cháu, người tuyên bố sẽ luộc hết cho mấy bố con nó một bữa. Thèm nhạt đến khổ. Rồi ăn rau cả tháng cũng được. Ngày ấy nhà nào cũng có mùi. thịt thơm lừng. Họ chuyện về chỗ gạo đong ngon hay không, xúc ngay dưới đất hay dốc từ bao nguyên ra, hột vàng nhiều hay ít, gạo tấm hay gạo dẻo. Có bà còn xúc lẻ gạo trên lòng bàn tay đi so đọ với các nhà, mặt mũi hớn hở vì được mẻ gạo ngon hơn các nhà khác. Cũng gạo “mậu” cả đấy, nhưng bao nhiêu loại. Mình không quen, ăn may thôi. Có một ông quen mậu dịch viên, được họ chỉ cho bao ngon, nhưng ông ta không lấy hết cả bao, mình lấy sau vớ được chỗ mấy cân thừa ấy. Sự may mắn ấy không xảy ra hai lần trong một đời người. (Ngọc đã một lần được may mắn như vậy. Nửa đêm thức dậy, nàng cứ thấy vui. Nghĩ mãi mới nhớ ra rằng nàng đong được 20 ký gạo ngon. Niềm vui thấm vào giấc ngủ). Rồi đến khoản độn. Nếu là ngô thì đơn giản thôi. Nếu là mì, thật cả một vấn đề. Ai bị mì vụn, mì gia công chua lòm. Ai được mì đóm, mì sò, mì trắng… Những câu chuyện phấn khích nói đến tận tối mịt chưa hết.

Những ngày được mua ấy (mậu dịch có lên lịch cẩn thận) cả nhà hắn gọi là “ngày cá mè ô 5”, chẳng riêng xóm hắn, cả khu phố đều tất bật, vất vả, lo lắng, bận rộn, âm sâm: rộn ràng, ríu rít, rôm rả, râm ran.

Những ngày ấy, hắn dậy từ lúc còn tối đất. Chiến công bao giờ cũng được bắt đầu một cách thầm lặng như vậy. Hắn cùng Ngọc đã tính toán từ tối hôm trước lượng gạo, lượng độn, hay lượng thịt được mua hết bao nhiêu tiền để khỏi nhầm lẫn. Nhưng hắn chỉ ra đi người không. Còn lâu mới bán. Khi đi làm Ngọc sẽ cầm ra cho hắn tiền, phiếu và đồ đựng. Cửa hàng mậu dịch lúc hắn đến còn vắng tanh. Nhưng ngoài khung cửa đóng im ỉm, những khuôn cửa bảo vệ kho tàng của cải, niềm vui hạnh phúc mà mỗi người sẽ được chia theo khẩu phần và thang bậc xã hội đã được tiêu chuẩn hoá bằng các loại phiếu bao giờ cũng có sẵn những cái lốt: Gạch vỡ, mũ nón rách, bát mẻ, ống bơ gỉ, mảnh cạp rá gẫy, niêu đất thủng, mảnh giấy xi-măng, đá củ đậu, cán ô gẫy… Mỗi thứ ấy là một sổ, một hộ, một người. Có khi là hai ba sổ, hai ba người. Nhấc cái nón mê. bên trong bốn hòn gạch vỡ. Vậy là năm người tất cả.

Đấy là những lốt người ta xếp từ tối hôm trước. Hắn tìm nhặt một hòn gạch để vào cuối hàng rồi đứng sát cục gạch đó. Và thật sung sướng nếu có ai đến đá tung tất cả những cái lốt ấy đi và quyết định một trật tự mới, công bằng hơn:

– Xếp người. Ai có mặt thì xếp. Không có cái trò này.

Thật là một người dám chịu trách nhiệm, một anh hùng.

Những người đang lục tục tới cũng ủng hộ giải pháp công bằng ấy. Hắn đứng vào hàng. Dòng người cứ dài ra, dài mãi, ngoằn ngoèo. Và vẫn cứ dài thêm mãi. Hắn đứng chờ. Uất ức nhìn những người đến sau, nhưng thản nhiên, vênh váo ném vào cửa quầy cái sổ ưu tiên. Rồi ngẫm ngợi. Thấy mình đã giúp được vợ con tý chút. Không có hắn, Ngọc, con Thương phải làm việc này. Chờ. Lâu. Lâu lắm. Trời rạng dần. Rồi sáng bạch. Rồi mặt trời lên. Rồi người đi làm. Đường đông. Rồi vắng. Mới thấy những người mình mong đợi đến. ôi! Những thiên thần. Những cô gái, có cả những bà đã đứng tuổi, ý thức được tầm quan trọng của mình, phẩm giá đức hạnh cao quí của mình, vị trí chót vót trong xã hội của mình, nghiêm nghị dắt xe lên hè, mở khoá. Không thèm nhìn ai, họ gọi nhau, họ dựng xe, họ đi mua nước uống, họ bật quạt, họ cười nói oang oang.

Thấy họ đến đám đông đang bồn chồn nôn nóng, sốt ruột, cau có, làu bàu trong miệng tự nhiên thay đổi hẳn. Họ chỉnh đốn lại hàng ngũ. Họ giấu biệt vẻ mạt lúc nãy, làm ra vui vẻ tươi tắn, thú vị vì được xếp hàng để “các cô mậu”khỏi phật ý. Dừng để các cô ấy mếch lòng. Đừng để các cô ấy thấy mình sốt ruột. Cũng có người không kìm được, ngọt ngào:

– Tới giờ rồi, bán thôi chị ơi…

Thật là một sai lầm tai hại. Không ai thèm trả lời kẻ hỗn xược ấy. Người ta lại giờ sổ ra,cộng trừ. Người ta lại ra uống nước và cười nói to hơn. Cứ phải nén cái gì từ cổ xuống. Cứ chờ. Mãi cũng phải được chứ.

Thế rồi tất cả mở cờ trong bụng, reo lên từ đáy lòng khi thiên thần bước ra ghế ngồi trước bàn ngay chỗ cửa ghi-sê. Tiếng reo ấy làm thiên thần khó chịu. Bằng chứng là thiên thần lại quay vào phía trong một lúc rồi mới ra, lật sổ xem xét, im lặng, chăm chú hệ trọng, trang nghiêm. Thiên thần ngẩng lên nhìn vào đám đông vô liêm sỉ, hay quấy rầy, không để ai yên nhưng đã biết lỗi và đứng im phăng phắc:

– Lào! Đưa sổ đây! Lăm người một. Từ từ chứ lào. Đã bảo lăm sổ một. Ai là Tẩm!

Một ông già móm mém bật trả lời không chậm một giây:

– Em đây! Dạ! Em là Tẩm đây.

Tất cả nhìn cô mậu dịch viên. Cô lật sổ gốc. Cô ghi định lượng. Cô ký vào sổ gạo của ông già. Cô không nói một câu. Ông già khe khẽ:

– Cô cho em đong 6 ký được không? Em vay nhiều quá rồi. Tháng vừa rồi 1ắ m khách quá. Có chú em ở Hà Nội về chơi, lại có mấy đứa cháu từ quê ra.

– Sang kỳ chỉ bán mỗi sổ một phần ba định lượng.

Ông im lặng. Sổ của ông, hộ độc thân có 13 ký ríỡi (các con ông đã đi chiến trường cả). Được đong bốn ký rưỡi. Một phần ba ngô là ký rưỡi. Ba ký gạo. Cô mậu nhìn vào ba rem tính tiền và nói: l đồng 47. Ông già đưa ra hai tờ giấy một đồng.

– Có tiền nẻ không?

– Dạ. Em không ạ. – Ông già nói như người có lỗi.

Ba bốn người chạy từ dưới lên:

– Tiền lẻ đây ạ.

Một em bé trạc tuổi con Thương nhanh chân đến trước tiên. Nó đưa cho cô mậu dịch viên những đồng một xu hai xu năm xu bằng nhôm và những đồng tiền giấy một hào. Tiền lẻ hơn thẻ thương binh. Nó sẽ được đong trước. Chẳng ai dám ghen tỵ với nó. Hắn sợ nhất những sổ ưu tiên, những bao tải có buộc túi ni-lông đựng sổ gạo kèm theo tiền. Hắn sợ nhất những cái túi vải có đựng phiếu thịt và tờ giấy xin mua bao nhiêu thịt. Những suất ấy được cắt trước. Lại toàn chỗ ngon. Có khi đến lượt mình chỉ còn ít bạc nhạc. Một lần hắn đến cửa hàng từ sớm để mua thịt mà không mua được. Phiếu TR của thằng Dương ctĩng không mua được. Phiến BĐ cũng không mua được. Hôm ấy cửa hàng chỉ về có mấy cân thịt mà có đến ba người cầm phiếu bán máu đứng chờ. Thịt bà đẻ không bán. Thị trẻ em không bán.

Thịt chỉ bán cho những người bán máu. Hắn về tay không và nghĩ đến Vũ Mạc. Thịt hiếm thế này Vũ Mạc kiếm được đây. Vũ Mạc bán máu và bao giờ cũng bán nốt mọi thứ phiếu bồi dưỡng.

Về đầu

 

Chương 41

 

Vạn vật biến chuyển. Đúng như vậy. Năm năm tù trở về, hắn ngạc nhiên nhất là bể nước của số nhà hắn ở đã cạn khô. Một cái bể ngầm gần mười khối, ống chì, lúc nào nước cùng đầy tràn mà nay chẳng còn một giọt. Người bảo tại cây bạch đàn của ông Tri giồng ngay trên đường ống. Rễ nó vặn vẹo ống chì làm tắc ống. Rễ nó đâm thủng ống chì và thút nút ở trong ấy. Đó là ý kiến của bà Bượng. Cũng có thể thế. Dọc từ tường hoa vỉa hè vào đến bể nước, ông Tri, một ông làm ở viện kiểm sát đã giồng một rặng bạch đàn từ ngày hắn chưa đi tù. Giờ đây những cây bạch đàn ấy chọc thẳng lên trời xanh. Có lẽ đúng tại dãy bạch đàn ấy thật. Chứ không làm sao ống nước lại hỏng?

Nhưng ông Tri thì lại bảo tại bà Bượng giồng rau, giồng chuối, cuốc vào đường ống đặt ngầm dưới đất. Không còn biết đâu mà lần nữa. Chỉ biết rằng tự nhiên bể nước cạn khô. Cái bể nước khi trước lúc nào cũng đầy, trong vắt.

Không có nước cả xóm phải đi gánh. Ngọc đặt một cái thùng chứa con con trong bếp, nguyên là thùng đựng đất đèn, quà tặng của Thao và Bình. Nước thì xách ở ngoài máy công cộng, cũng gần thôi. Khi máy khoá phải đi sang phố khác, xa hơn. Ngọc trích trong khoản tiền hắn được anh em bạn bè cho, mua một đôi thùng tôn đen, quét sơn hắc ín. Hắn hai tay hai thùng xách băng băng. Chỉ có giặt là hơi phiền. Phải mang ra vỉa hè, giặt ngay ở vòi nước. Năm năm đi xa về, hắn thấy trong số nhà của hắn một thanh niên lạ mặt, da thiết bì, tiếng oang oang như lệnh vỡ, con rể gia đình ông bà Bượng, công an bên dưới. Anh ta cũng là công an. Hắn rất sợ chất giọng nam trung sang sảng của anh ta, nhất là tiếng anh ta quát:

– Trên gác lại giội nước đấy hở? Ai giội đấy?

Hắn giội nước vào cái hố tiểu trên gác. Từ cái hố tiểu ấy, nước xuống một đường ống đặt sát tường phía trong nhà xí bên dưới. Anh thiếu uý công an thét làm hắn rụt tay lại.

– Đang ngồi ỉa thì giội nước, bắn hét cả người đây này.

Hắn thò đầu ra cửa sổ xin lỗi:

– Vâng, vâng, tôi không biết.

– Chết thật, các bố…

Bà Bượng, bà mẹ vợ anh thiếu uý thấy cần phải chen vào cuộc đối thoại:

– ống nó bục đấy, chú ạ.

Thế là lại phải thuê người đục tường, gắn lại cái ống. Hắn cũng chẳng hiểu tại sao cái ống lại bục, nếu không có người đập.

Hắn sợ nhà ông Bượng. Ông Bượng là công an. Con gái là công an. Con rể là công an. Nhưng chính ông Bượng lại thông cảm với hắn. Trong một lần gặp nhau ở cầu rửa, nơi hắn đã nghe lời tuyên bố lịch sử “Hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây”, ông Bượng bảo hắn:

– Tôi đã đọc hồ sơ của chú. Bây giờ chúng nó khốn nạn thế đấy. Đảng viên cũng còn hại nhau đến nơi.

Ông Bượng làm ở phòng hồ sơ. Hắn nghe ấm cả lòng. Nhưng ông Bượng chẳng có tác dụng gì ở số nhà này. Mọi công việc, mọi tác động đều ở bà Bượng. Bà là người ghê gớm. Một cái bóng bao trùm lên tất cả. Bà không biết chữ, chỉ ở nhà cơm nước. Một công việc vất vả, khó khăn, vì đồng lương của ông có hạn. Bà phải đảm bảo cho cả gia đình tám người. Sáu đứa con và hai ông bà. Cuộc sống của gia đình bà cực kỳ eo hẹp. Lũ con bà chưa đứa nào học hết cấp hai. Sáu đứa con gái. Đứa lớn, xinh đẹp, đứa làm khổ hai ông bà nhiều nhất, cái đứa bây giờ là vợ anh thiếu uý công an ấy. Nó sống với những bản năng, không ai có thể ngăn cản được. Bố đánh, mẹ khuyên, nó nghe, nhưng đâu vẫn đóng đấy. Nó đi chơi, cả ngày lẫn đêm. Có khi nó về nhà, nhưng sợ bố mẹ, định đi nữa. Thương nó nhịn đói, Ngọc gọi lên, cho nó ăn cơm nguội. ăn xong, nó lại đi.

Có nhiều chàng trai đến nhà ông bà Bượng, nửa như con nhận nửa như cháu họ xa, ý định lăm le làm rể ông bà. Nhưng rồi chính chàng rể tương lai lại phải cùng với ông bố đi lùng sục cô con gái cả đêm (có khi cả hắn cũng được ông Bượng huy động vào việc ấy)

Dáng người thon thả, eo nhỏ ngực nở, da trắng, má non bễu, mắt đen long lanh, nó có vẻ đẹp của tuổi trẻ tuyệt vời, tuổi trẻ không gì sánh được.

Bây giờ hẳn ông bà đã yên tâm về nó. Cả nhà chỉ có cô gái lớn ấy ít nói. Ông Bượng cũng đã xin cho nó làm công an.

Còn năm cô gái sau, cô nào cũng học được tính chua ngoa của bà. Mẹ con bà chỉ chua ngoa với những người dám chống lại bà thôi. Chứ với hắn thì không. Hắn và Ngọc vốn biết điều. Tránh mọi va chạm. Có miếng ăn cũng ý tứ, biết kín đáo. Hắn không nấu ở bếp chung dưới nhà. Bếp của hắn là cái lò sưởi, ngay trong buồng. Hắn vừa nấu vừa viết, nói chuyện với Bình: cùng với Ngọc tiếp Phượng. Sau này hắn nấu trong cái xép đựng rượu của Tây ngay trên gác. Lũ trẻ đã lớn, phải nấu nồi to, lò sưởi bị chật. Thi thoảng Ngọc lại cho lũ trẻ nhà bà quả chuối, quả ổi… Nhiều tối bà lên gác chuyện với Ngọc về cuộc đời gian lao của bà, vất vả từ bé, gánh vã, buôn rau, đánh nhau với cảnh binh… Bà còn dạy lũ trẻ nhà hắn một bài hát chơi đi trốn đi tìm. Cả nhà nhập tâm ngay vì nó rất lạ: Xi bà loong toong cà. Xi bà các tùng bê. A lê đi ra. Búp-bê đi ra. Con kiến đi ra. Con ma bắn bùm. Cào cào bám đít. Bọ xít thối tai. Mời anh đi ra!

Công bằng mà nói, bà cũng có vài tác dụng tích cực trong cuộc sống của số nhà đông hộ này: Như sáng chủ nhật, đôn đốc vệ sinh. Chỉ đích danh những người đi ỉa mà không chịu giội nước (hệ thống giật nước thời Tây để lại không dùng nữa, vì không có máy bơm, bơm lên bể trên sân thượng). Tiếng bà sang sảng, như tiếng anh con rể, cả khi dạy dỗ con cái, nói cạnh nói khoé, hay chửi nhau tay đôi. Hắn trước đây chỉ nghiên cứu bà một cách không tự giác, theo cái vô thức của người viết, mà không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc viết về bà, vì điều đó sẽ là bôi đen chế độ, bịa ra những nhân vật xa lạ với hiện thực.

Giờ đây hắn sợ bà. Như sợ ông an, nh sợ những người cần phải sợ, phải giữ gìn cẩn thận.

Ngoài một hộ độc thân, một công nhân lái cần cẩu chân đế ở cảng đi làm ca kíp như một cái bóng, dưới nhà có ba gia đình, và cả ba gia đình luôn bất hoà, luôn cãi nhau. Hắn cũng chẳng nhớ được vì sao họ cãi nhau. Có thể vì con ngan của bà Tri ỉa một bãi ngay cửa nhà bà Bượng. Hay vì nấu chung bếp, nắm mùn bị mất. Vì nồi cá đang kho bị vẹt di. Vì mùi xào nấu của một nhà nào đấy thơm quá. Hình thành một thế chân vạc. Như Ngụy, Thục, Ngô. Khi Nguỵ, Thục liên kết. Khi Thục, Ngô liên kết. Khi Ngụy, Ngô cùng chống Thục. Nhưng bà Bượng dù có liên minh hay không, bao giờ cũng vững như bàn thạch.

Cái nhà ở gần bể nước, nhà ông Tăng, cán bộ liên hiệp xã, một gia đình thuộc loại có máu mặt, thế đang lên (cán bộ thủ công nghiệp cả một khu phố cơ mà) cũng đã tưởng có thể coi thường bà như coi thường những người khác, như coi thường hắn. Và ông ta đã phải nhận một bài học. Một bài học nhớ đời.

Ông Tăng là người chiếm đất làm căn nhà đầu tiên ở khu vườn mênh mông của cái biẹt thự này. Ngôi nhà xinh xinh gần hai mươi mét vuông thôi. Ông chẳng nói với ai, nhưng phải nói với bà Bượng, vì bà giồng ở đó mấy khóm chuối. Ông Tăng phải đền tiền và chị chị em em ngọt xớt với bà. Rõ ràng cái nhà ấy làm được là do của đút lót.

Thế, một người quen hắn, viết lách tạm tạm cũng muốn đi vào sự nghiệp văn chương, sau phát hiện ra mình nhầm lẫn, bèn chuyển hẳn sang làm nhựa, một ngành nghề mới mẻ, dễ phất. Thế đã biếu ông Tăng toàn bộ chỗ ngói lợp, lại còn thuê xe bò chở đến tận nhà cho ông. Mỗi người, mỗi tổ hợp tác lo một tý. Còn bao nhiêu người làm thủ công khác nữa.

Dạo ấy Thế bắt đầu giàu. Từ một máy đùn nhựa, Thế dựng thêm một máy đùn nữa. Chuyên sản xuất guốc nhựa, dép nhựa. Thế có một bọn lau nhau làm thuê. Hắn ngỏ ý xin làm ở chỗ Thế, nửa đùa, nửa thật:

– Mình với cậu đều đã học Mác. Hiện nay mình đang không có ai bóc lột. Cậu bóc lột mình đi.

Nói có vẻ đùa thế thôi, chứ trong bụng hắn rất muốn Thế nhận lời. Giá Thế thuê hắn. Giá Thế bóc lột hắn. Sung sướng biết bao. Nhưng Thế bảo: “Thợ thừa rồi”. Chỉ có điên mới nhận một người bạn hơn tuổi, vốn là bậc đàn anh vào làm công cho mình. Thế không điên. Dạo ấy Thế đã biết phải tránh những người nào và giao dịch với những người nào. Ông Tăng là một nhân vật quan trọng, phải mời đi ăn, phải nhớ những ngày rằm tháng Tám mà đem bánh nướng bánh dẻo đến, Tết phải có gà thiến, gạo nếp (dạo ấy chưa sính rượu ngoại, thuốc lá ba số biếu ông…

Nhà ông Tăng lúc nào cũng đông người lui tới.

Sau khi xây nhà xong, ông Tăng tổ chức gả chồng cho con gái. Khách khứa nườm nượp. Xe đạp chật vườn. Mượn cả nhà cô đồng hồ trên gác để khách lên ăn uống. Ông mời tất cả hàng xóm. Trừ nhà hắn.

Pháo nổ mù mịt. Thuốc lá thơm lừng. Giày bóng loáng lên xuống thang rầm rập. Ông Tăng đưa đón khách, luôn miệng cám ơn. Khách say sưa. Cười ha hả. Nói to tát. Ông Tăng nhận tiền mừng. Toàn những món sụ. Những dân thủ công coi dây là dịp may để lấy lòng ông Tăng. Những cán bộ khu phố, thành phố, công an, những bạn nhậu với ông, những hàng chức sắc, hái ra tiền…

Hắn đóng chặt cửa. ở trong nhà, hút thuốc lào khan. Cảm thấy nhục. Hắn và vợ con hắn không thể quên được nỗi nhục trong ngày hôm đó.

Cũng như hắn không thể quên được sáng hôm sau. Cả nhà ông Bượng, nói đúng hơn là bà Bượng, các cô con gái và anh con rể là người đàn ông duy nhất trong số đó, khiêng cái chuồng gà to, lợp lá từ phía trong chạy ra. Người khiêng, người đỡ mái, đỡ cột cho nó khỏi đổ, vừa chạy, vừa í ới “hai ba nào”, “đỡ đỡ cái cửa… “và đặt ngay cạnh căn nhà mới xây của ông Tăng, nơi cô dâu chú rể còn đang thiêm thiếp. Đó là một hình thức khẳng định chủ quyền đất đai, vùng biên giới”.

Bà Bượng giồng chuối, rau dền, rau cải, dây khoai lang ở mọi chỗ. Phải đến vài trăm mét vuông. Ông Tri chiém được một ô con và trồng một dãy bạch đàn sát tường. Về sau ông còn quây sân lại. Bà Bượng đã nhiều đất. Bà đành phải nhìn phần đất ngon lành rơi vào tay người khác. Mọi người đều ghét bà Bượng. Ghét nhưng sợ. Đã có nhiều cuộc vùng lên chống lại bà, nhưng đều thất bại. Bà kể vanh vách những chuyện trong gia đình người khác. Bà lôi cả danh hiệu đảng viên của ông bà Tri ra chửi.

Bà chửi ông Tăng. Chửi hiện đại. Bà không dùng những câu kinh điển, chửi thằng rải chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế nhà mày. Hay con gà nhà bà là con gà, về nhà mày nó là con hùm tinh đỏ mỏ.

Bà có cách chửi của bà. Vừa hiện đại vừa mang tính thời sự nóng bỏng. Bọn sâu mọt. Bọn đục khoét. Bọn ăn đút lót. Bọn khốn nạn rồi sẽ bị truy tố. Tưởng rằng vơ vét được mà khinh bà ư? Bà nghèo, nhưng bà trong sạch. Xã hội chủ nghĩa mà khốn nạn (ôi! Hắn chưa bao giờ nói nàng bậy bạ như vậy mà đã vào tù rồi. Có lẽ vì hắn là người có học. Làm sao có bọn khốn nạn trong xã hội xã hội chủ nghĩa được).

Trong đầu ỏc đã mụ mị đi của hắn vẫn còn văng vẳng tiếng chửi của bà. Có lẽ vì nó đã làm hắn vui lên một chút trong những năm tháng cùng cực ấy.

– Cha tiên nhân nhà mày. Bà giồng hai cây chuối ở đây thì có động mồ động mả nhà mày không, mà mày xui con xui bố mày ra vặn cho nó chết. Cái cây nó có tội tình gì. Thằng cha mà bẻ cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng con. Thằng con vặn cây chuối của bà thì cũng như vặn cổ thằng cha nhà chúng mày. Bà ở nhà, không có việc làm thì bà giồng cây chuối để cho con bà thêm miếng ăn, mà có bao giờ bà ăn một mình bà đâu. Đất của nhà nước bà giồng. Đến khi nào chính phủ đòi thì bà giả. Có phải đất từ đường hương hỏa nhà mày không, mà mày làm như vậy. Cứ bảo làm sao lắm mồm. ở với cái quân khốn nạn thế làm sao mà không nói được. Nó lại bảo như ở đây bao nhiêu năm, ai thế nào thì người ta biết. Bà báo cho thằng già, thằng trẻ, con trai, con gái nhà mày biết, bà không ăn cắp, không ăn hối lộ của ai, bà làm còm cọm bà nuôi con, hai cây chuối này mà chết thì bà bắc ghế chửi ba tháng mười ngày. Bà nói trước cho mà biết. Sáng ra bà chưa súc mồm súc miệng bà đã chửi cho nó độc. Chửi đủ ba tháng mười ngày. Ai lại cái cây như. thế mà nó làm chết, có khác gì Mỹ – Thiệu không” Hôm nay là ngày mồng bốn tháng sáu năm Bính Thìn . Tao còn chửi đủ ba tháng mười ngày. Sáng ra chưa súc mồm súc miệng tao chửi một chập. Trưa tao chửi một chập. Tối về tao chửi một chập. Thằng già bẻ của tao là nó bẻ cổ con, cổ cái nó, thằng trẻ bẻ của tao là nó bẻ cổ cha nhà nó. Tao nghèo, tao tăng gia tao ăn. Bác Hồ dạy như thế tao làm. Tao không ăn hối lộ. Tao không bòn rút mà chúng nó phải ghen ghét.

Bà thực hiện đúng những lời mà có lẽ trong lúc hăng lên, ngẫu hứng bà tuyên bố. Chửi liền ba tháng mười ngày. Sáng ra chưa súc mồm, súc miệng đã chửi cho nó độc. Nhưng bà chỉ chửi có một chập buổi sáng, bớt đi hai chập trưa và tối. Bà không chửi đứng. Bà xách cái ghế đẩu ra, ngồi cho nó đàng hoàng. Có lẽ bà nghĩ thế cũng đủ vì buổi sớm mai bao giờ cũng là quan trọng nhất. Chửi vào buổi sớm mai lời rủa của bà sẽ ám suốt cả một ngày.

Sáng sớm từ trên giường xuống bà đã xách chiếc ghế đẩu ra ngồi chỗ gần cửa sổ nhà ông Tăng, bắt đầu những lời kể tội và những câu nguyền rủa:

– Cha tổ thằng chồng không biết dạy con vợ, con vợ không biết dạy thằng chồng. Thằng con không biết bảo thằng bố. Thằng bố không biết bảo thằng con. Nhân dân lao động còn khổ vì chúng mày. Bao nhiêu chiến sỹ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn.

Cả nhà hắn nín thở lắng nghe, không dám gây ra một tiếng động mạnh, không dám thò đầu ra cửa sổ lấy khăn mặt, không dám xuống nhà đánh răng rửa mặt, nhịn cả ỉa vì sợ bà trông thấy, bà lôi vào cuộc. Trong xà lim hắn phải luyện mãi mới có thói quen đi đồng buổi sáng trước khi đổ bô để đỡ mùi hôi thối ướp vào xà lim, vào người, vào nội vụ. Trong đợt ba tháng mười ngày này hắn đã điều chỉnh ngay tắp lự thói quen ấy vào buổi chiều. Chả cứ gì hắn. Cả số nhà lúc ấy đều lặng ngắt như tờ, như còn đang ngủ mê ngủ mệt.

– Cha tiên nhân thằng già thằng trẻ nhà mày. Bà nghèo bà lao động nuôi con nuôi cái bà. Bà không ăn hối lộ. Mày như con bọ hung thấy đống phân là rúc vào. Nào. Cả nhà ra đây xem cây chuối này bị bẻ hay là nắng nó chết. Bà giồng mày bẻ thì bà phải chửi. Mày không bẻ thì làm gì mày động lòng. Mày ăn hết cả phần phúc đức của bố mẹ mày. Mở miệng thì toàn là cách mạng đạo đức, mà việc làm là bòn rút hại người. Tuần rằm nào cũng hương khói nguyện cầu, mà lòng dạ mày toàn rong rêu. Hay là bà giồng ở đây là giồng vào mả tổ mẫ tiên mả cụ mả kỵ nhà mày. Thì mày cũng bảo với bà một câu. Rằng đây là mả tổ nhà tôi…

Liền ba tháng mười ngày như vậy. Mỗi ngày được tái bản, câu chửi đều có bổ sung và phát triển. Sáng sớm, chửi liền nửa tiếng xong bà về. Rót nước súc miệng. (Bà không đánh răng. Chỉ súc miệng). Gọi con cái bằng một giọng khác hẳn, “Hà ơi”. “Loan ơi”. “Dậy. Dậy”. Rồi ra quét sân. Giục lũ con ăn cơm nguội đi học. Bình thường như đã quên hẳn chuyện chửi nhau. Chủ nhật bà đi người không. Không cầm ghế. Bà đủng đỉnh lẹp kẹp đến chỗ bà vẫn đến, chõ vào cửa sổ nhà ông Tăng, dõng dạc tuyên bố..

– Hôm nay ngày 14 tháng 6 năm Bính Thìn, chủ nhật. Bà nghỉ.

Rồi lẹp kẹp đi vào. Hắn chỉ chờ tiếng dép ấy để sinh hoạt trở lại bình thường, chấm dứt cảnh nín thở toạ sơn quan hổ đấu.

Có một lần Bình sang nhà hắn sớm vì một việc gì đó đúng vào thời gian bách nhật, Bình đã nghe thấy bà Bượng chửi. Bình cười:

– ái chà. Lại chửi cả làng Vũ Đại.

Hắn phải giơ tay ra hiệu cho Bình nói khẽ. Bình thì thào:

– Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: Chắc nó chừa mình ra.

Và Bình đánh giá tương quan lực lượng nếu Bình thi đấu với bà Bượng. Anh nói chỉ vừa đủ nghe:

– Tao thua. Tao hàng. Tiết mục “ngày hôm nay mười bốn tháng sáu năm Bính Thìn, chủ nhật, bà nghỉ” thì vô địch rồi. Võ sĩ hạng nặng. Poids lourd. Mình chỉ loại ruồi thôi. Địch sao được.

Nhà hắn bây giờ chỉ còn Bình lui tới. Đúng thôi. Không phải người ta sợ đâu mà vì hình như tất cả đều đã đọc Nítsơ: “Thật khủng khiếp khi nhìn thấy kẻ không mang gánh nặng nào khác ngoài sự bất công họ phải chịu”. Hắn nhếch mép cười khi nhớ lại những ngày rầm rập bạn bè. Bao nhiêu người đến với hắn.

Người ta đến vì hắn là một người đang nổi lên. Đến với hắn, để nhờ hắn đọc cho một truyện ngắn. Để hắn giới thiệu với một người bạn hắn ở nhà xuất bản. Đến với hắn để có thể nhìn thấy Nguyên Hồng đang nằm phe phẩy cái quạt nan, hoặc uống rượu với lạc rang ở sàn nhà hắn. Để có thể nói với cô bạn gái mới quen rằng đã gặp Quang Dũng đang ngồi vẽ ở cửa sổ nhà hắn. Để có những thông báo dí dỏm, nhưng chính xác và nhất là độc đáo về lớp viết văn trẻ…

Nghĩa là đến nhà hắn để được kích thích làm việc, được sống trong không khí văn chương và lấp lánh đồ trang sức làm bằng văn nghệ. Trong số những người thành thật quý mến, tin tưởng và phục tài năng của hắn, có một thông tin viên trạc tuổi hắn. Đó là một người bạn tốt, trăn trở với nghề viết và đang hoàn thành một tập truyện ngắn. Nhiều chủ nhật, hai người ngồi với nhau, kể cho nhau nghe những dự định, những chi tiết…

Khi hắn về đã được vài tháng, nghĩa là chuyện được tha của hắn không còn là thời sự nữa và những người hăng hái, sĩ diện cao nhất, đều đã đến thăm hắn một lần lấy lệ để sau đó có chạm trán ngoài đường cũng giả cách không trông thấy, hắn gặp anh thông tin viên ham viết lách, quý mến hắn, đang sửa đồng hồ ở cửa hàng cô đồng hồ đầu ngõ. Lúc ấy anh ta đang đứng ở một tư thế làm hai người nhìn thẳng vào nhau. Anh ta luống cuống:

– Tuấn! Về bao giờ?

Và giơ tay định bắt tay hắn.

Hắn nhếch mép, nhìn anh ta, khinh bỉ và hét lên:

– Vâng! Chào anh!

Anh thanh niên càng luống cuống hơn:

– Sao? Khoẻ chứ? Mình không biết cậu về…

Hắn nhắc lại câu nói với đầy đủ sắc độ như người bật lại máy ghi âm:

– Vâng! Chào anh!

Và hắn đi lên gác. Hắn cảm thấy nghẹt thở. Cái câu chào như chửi vào mặt người ta ấy hắn không chỉ nói với anh ta. Đó là những gì dồn nén lại trong lòng hắn đối với cuộc sống tráo trở và bẩn thỉu. Là sự lợm giọng đối với chất người sa sút mà anh thông tin viên kia chỉ là đại diện.

Bình là những gì tốt đẹp nhất cuộc đời vẫn dành cho hắn. Bè bạn có ai lên thăm hắn, ngoài Bình. Hắn chuyển trại nào, Bình lên trại ấy trong hoàn cảnh chính Bình cũng đang khốn nạn. Điều đó là khiêu khích nền chuyên chính. Là thách thức về lập trường quan điểm. Là coi thường nguyên tắc. Là đem sinh mạng chính trị của chính mình ra đùa cợt. Là một cách lên án đám đông bè bạn. v. v… và v. v…

ở thành phố này hắn vẫn còn một nơi để đến: Nhà Bình. Sau này khi Bình đã chuyển về Hà Nội, hắn hiểu được cái khủng khiếp có thật của nhân vật trong Đostoiepski khi con người không có nơi nào để đi đến nữa. Không có ai để than thở về nỗi khủng khiếp ấy, hắn lại lẩm bẩm một mình như gần đây hắn hay lẩm bẩm một mình:

– Không còn nơi nào để đến thì khủng khiếp thật! Không ai hiểu được điều ấy đâu.

Hắn lắc đầu khiến Ngọc ngơ ngác nhìn hắn. Ngọc xót xa thấy rõ con đường hắn đang đi, cái đích hắn sẽ đến. Nàng đau khổ hiểu rằng: Cả hắn, cả nàng không có cách gì thoát khỏi cái mà cuộc đời đã dành cho hai người. Nàng thương chồng, nàng thương nàng. Nàng cam chịu. Nàng tìm nguồn an ủi ở những nơi thờ cúng, ở khói hương…

Nàng lập bàn thờ ở nhà. Và nàng đi lễ…

 

Về đầu

 

Chương 42

 

Không ai hiểu được như hắn về nỗi mệt mỏi, ê ẩm của sự không được làm việc. Đó chính là tra tấn. Cứ lờ vờ, chờ đợi. Nhen lên trong mình hi vọng. Rồi lại tự mình gạt đi. Xác nhận hiện tại đáng buồn. Rồi sống bằng thì tương lai. Temps futur. Je vivrai. Tu vivras. Il vivra. Như hắn đã học ngày xưa. Cái temps présent của hắn bao giờ cũng u ám. Điều sung sướng trong thì hiện tại của hắn là được nghĩ đến thì tương lai. Không ai cấm được hắn mơ mộng. Cũng như không ai cấm được hắn nhớ lại những thầy giáo Thứ , những nhân vật của Nguyên Hồng, thất nghiệp, đi rạc cả cẳng xin việc mà không để mất đi trong lòng mình tia hi vọng cuối cùng.

Dần, anh lái xe kẹp chết người được giảm án ba tháng nên đã được về, cho hắn cái mỏ hàn điện có buộc vào đầu một mảnh đồng làm dụng cụ dán túi ni-lông. Bí quyết dán túi ni-lông là: Đặt tờ giấy bóng kính đè lên túi nhựa, ở giữa đệm một miếng vải mỏng. Miết miếng đồng nóng lên trên giấy bóng là được. Nhiệt phải vừa đủ. Thiếu nhiệt túi sẽ bị bong. Nóng quá túi cháy quăn lại.

Có cái mỏ hàn của Dần hắn tập dán. Đưa thẳng một nhát, với tốc độ vừa phải. Nhanh quá cũng không dính.

Nhưng mỏ hàn truyền nhiệt sang miếng đồng đỏ rất kém. Vì nó không được hàn liền mà chỉ buộc bằng mấy vòng dây đồng xuyên qua những cái lỗ phía trên. Dần hứa sẽ xoay cho hắn một mỏ hàn dán túi ni-lông thật sự. Và Dần đã giữ lời hứa.

Hắn đã đến nhà Dần. Dần cũng chưa biết làm gì. Định đi bốc vác, nhưng ngại chứng sút lưng sau kỳ nhổ sắn năm nọ ở trại Q. N. Thỉnh thoảng giờ giời nó vẫn hơi nhoi nhói. Có lẽ đi đạp xích-lô. Hai người ngồi hút thuốc lào. Vợ Dần đi làm chưa về. Chỉ có hai đứa con quanh quẩn trong nhà. Mà nhà Dần cũng còn tuềnh toàng lắm. Chưa đâu vào đâu. Cả dãy người ta đều làm lại rồi, chỉ còn nhà Dần và hai hộ nữa.

Hai người ngồi xa-lông, bộ xa-lông Đức sang trọng hồi đó. Dần bảo:

– Vừa đóng xong bộ này thì đi Hintơn đấy. Ngồi xa-lông nhìn vào gầm giường, lủng củng những chậu men, chậu nhôm, phần thưởng của nhà máy sắt tráng men, nơi vợ Dần “công tác”. Hắn nhìn tấm ảnh đôi trên tường: Dần và vợ Dần còn rất trẻ… ánh đèn của ông thợ chụp ảnh làm mái tóc hai người có những chỗ trắng ra, đôi môi của vợ Dần mọng lên hạnh phúc. Dần trong ảnh là một thanh niên bụ bẫm, có đôi mắt sáng, tin tưởng ở bản thân, ở cuộc sống.

Dần cười:

– ảnh chụp sau khi cưới đấy. Mười năm rồi.

Hắn cầm lấy cái điếu, hút thuốc. Dần hỏi:

– A Tuấn không mang được cái điếu nào về à? Hắn lắc đầu.

Dần vẫn gọi hắn bằng “A”. Là kiểu gọi trong tù. Gọi theo cách gọi của những người tù dân tộc. A có nghĩa là anh. A Tuấn. A Phủ. A Thềnh. Thềnh Pác… Hắn chỉ có cái lược. Cái lược hắn giắt trong bụng và đưa cho vợ hắn, khi còn ở trại Q. N, trong lần được gặp mặt hai bốn tiếng. Khi hắn về vẫn thấy còn, nhưng rồi không hiểu dứa nào lấy trộm mất. Chắc là lũ trẻ dưới nhà.

Hắn không sưu tầm lược, sưu tầm điếu như Dần. Dần say mê với những báu vật ấy. Cái điếu của Dần là cái điếu được làm ra với một tâm hồn. Một quyết tâm đạt tới sự hoàn thiện. Thân điếu là một gióng dùng già đã được chuốt bóng tới mức không chê vào đâu được. Không một vết xước. Không một vết lồi lõm. Tuy vẫn có cả hai đầu mặt phía trên, phía dưới, nhưng ở đó là hai vòng nhôm đai lại sáng bóng. Lại không phải vòng trơn. Nó có hoa văn. Một dây hoa như hoa cúc nổi ở hai cái đai, kiểu “mình khô hoa ướt”. Và tấm lá đề úp vào chỗ cắm nõ điếu không phải bằng nhôm đâu nhé. I -nốc chính hiệu dấy. Ngay hình cái lá đề cũng đã điệu. Không phải hình bầu dục, hình thoi thông thường. Đoạn giữa có những nếp uốn lượn vì đó là những khúc uốn lượn của hai con rồng, hai con rồng cách điệu, đuôi rồng quẫy lên phía trên, xoè ra hai bên, và ở phía dưới cái nõ một quãng cân đối, vừa phải, đầu rồng chụm lại, với những mắt rồng đổ nhựa long lanh, những vây rồng, những vuốt rồng, những mây, những râu, những răng… dữ dội trên một nền i-nốc sáng loáng. Cái nõ nữa. Bằng nhôm thôi. Nhưng không tròn như bình thường. Nó được đúc mặt gồ mâm xôi và có hình ngũ giác.

Vừa trông thấy cái điếu ấy trong tay Ba Đen, Dần đã mê tít. Dần mân mê ngăm nghía. Giá bốn “biêu” hơi căng. Chưa có cái điếu nào quá ba “biêu”. Nhưng đến khi thử cái nõ, Dần không suy nghĩ gì nữa. Cái nõ này có thể thay đổi âm điệu. Khi là “chuột rúc bồ thóc”. Khi là “sơn ca ngang trời”.

Bốn biên. Dần nổi tiếng vì cái điếu. Vì dám bỏ ra bốn biêu cho Minh Ba Đen lấy cái điếu. (Chác ngay hôm gần tết khi hắn sang toán lâm sản, gọi già Đô về ăn xôi lạc với Giang.)

Dạo ấy vợ Dần mới lên tắc cho Dần một tút Tam Thanh. Dần đang rằm. Và những chủ nhật. những ngày nghỉ, để quên đi nỗi nhớ vợ, nhớ con, Dần đem điếu ra súc, đánh rửa lau bóng từ ống điếu bằng dùng, tới các bộ phận bằng kim loại. Dần lấy ngón tay cái bịt nõ điếu và móp má hít: không lọt tí hơi nào. Lỗ khoét ở đốt dùng rất khéo, cắm nõ rất khít. Tuy vậy Dần vẫn xòe các ngón tay ra, lấy lòng bàn tay ấn ấn, day day vào nõ cho nó khít thêm. Dần lại xùn nước ra. Rồi Dần đặt chếch vào một bên mép, hít những hơi ngắn. Pơ róp. Pơ róp. Róp. Róp. Dần xùn nước. Nước trào xuống lá đề uốn cong, ốp vào thân điếu. Dần lại lấy giẻ lau. Rồi Dần cầm cái lông gà ấn vào nõ. Dần xoay xoay cái lông gà, xoắn nó kéo nó ra, ấn nó vào…

Và Dần xách cái điếu sáng bóng, tiêu chuẩn hoá ấy đi các toán, la cà, trò chuyện. Dần hút bằng điếu của Dần. Ai muốn hút Dần cũng cho. Cú kéo cuối ctìng ở cái điếu ấy nghe thật sướng. Đúng là “hoạ mi ngang trời”. Giòn tan. Trong lanh lảnh. Trại cũng có từng phong trào, như ta bây giờ gọi là cơn sốt. Cơn sốt điếu. Ai cũng phải có một cái. Những cuộc triển lã m tự phát về điếu. Những hội chợ điếu. Đủ các loại. Rồi đến cơn sốt lược. Lược cong. Lược hình chữ nhật. Lược i-nốc. Lược đuya -ra. Lược nhôm có đổ nhựa v. v…

Phải nói đó là những sản phẩm tuyệt diệu, kết quả của một quá trình phân công lao động, từ khâu khai thác vật tư, tới khâu thiết kế gia công. Cuối cùng là khâu lưu thông phân phối. Nghĩa là chác.

Chạy vật tư là các toán tự giác, chủ yếu là các toán chăn nuôi, lâm sản. Nhôm các loại: vụn, thỏi, lá đều được. Đuya ra dày, mỏng đều được. Nguyên vật liệu được bí mật đưa vào cho toán quản chế. Có nhiều phương thức trao đổi nguyên vật liệu: Đặt hàng gia công. Mua đứt, bán đoạn. Bán nguyên liệu, mua thành phẩm. Trong khu hàng rào vây kín, ba toán quản chế với xưởng may, xưởng mộc, xưởng rèn kia có đến ba ông áo vàng, ba ông áo xanh đi lại quan sát. Nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra. Nấu lại, đổ lại nhôm. Cán lại nhôm. Xẻ đuya-ra cho mỏng. Cưa cắt hình theo thiết kế. Cắt răng lược. Khoan nõ điếu. Đánh bóng. Dũi hoa. Đổ nhựa trang trí.

Có khi làm giấu các ông công an. Có khi làm ngay trước đôi mắt tò mò thích thú thèm thuồng của các ông ấy. Nếu các ông ấy cho phép làm là phải trả giá đấy. Hoặc “làm hộ cái lược, được không?”. Hoặc “làm lại cho cái lá đề nhé”. (Khi các ông ấy nhờ thì có tiếng được không, tiếng nhé ở cuối câu. Tiếng ấy làm mình thấy trở lại là người trong chốc lát). Có ông không có đuya-ra những vẫn phải có lược cho ông áy. Thế là mất cả chì lẫn chài. Có ông đưa một nguyên liệu lấy một sản phẩm (chỉ mất chài thôi, không mất chì). Tốt lắm thì đưa hai nguyên liệu lấy một sản phẩm (coi như được trả công đàng hoàng). Lắm khi cả toán còn được nhờ vào một sản phẩm. Tỷ như nhận một cái lược vừa ý và cảm thấy hài lòng, cán bộ cho toán tắm lâu hơn một tý. ở đây các ông công an cũng phải theo chế độ đổi chác nguyên thuỷ. Và hoá ra các ông ấy cũng giống bọn hắn. Cũng lây nhiễm bọn hắn. Cũng cảm thấy mình đang ở một nơi chốn mịt mù. Cũng nhớ gia đình. Cũng muốn có một món quà gửi về cho người phương xa. Tuy nhiên bọn hắn đã tổng kết: Cán bộ áo xanh bao giờ cũng thông cảm với bọn hắn hơn cán bộ áo vàng, tuy không nói ra miệng. Nhưng đâu cứ phải nói thành lời. Chỉ nhìn kiểu ngồi ôm súng dài dưới gốc cây của ông áo xanh suốt thời gian bọn hắn lao động, cách phẩy tay của các ông. ấy khi bọn hắn khúm núm lễ phép đến báo cáo đi ỉa và cặp mắt vời vợi của cán bộ áo xanh là bọn hắn hiểu các ông ấy chẳng thú vị gì sống ở cái lòng chảo này. Có ông còn nói hẳn với phạm nhân:.

– Tôi có khác các anh là mấy đâu.

Bởi thế nên các ông áo xanh rất thích làm lược, không nhờ làm điếu, làm lồng chim như các ông áo vàng. Làm lược gửi về cho người mình thương nhớ là vấn đề tình cảm. Làm lồng chim, làm điếu đã thuộc phạm trù hưởng thụ rồi.

Trong khu tù quản chế lao động có đủ dụng cụ. Cưa. Giũa. Lò. Bễ. Khuôn đúc. Khoan. Và những cái dũi chuyên dùng. Đó là dụng cụ để khắc vào nhôm, vào đuya-ra, to hơn que diêm, dài hai mươi phân, một đầu bẹt và sắc, làm bằng thép cứng. Cầm cái dũi ấy nghệ nhân tỳ ấn xuống, chuyển trọng tâm sang trái, rồi sang bên phải dũi. Mặt miếng kim loại đã được đánh bóng bị bóc lên thành những đường gờn gợn và những hình vẽ nổi lên. Nếu là đuya-ra thì phải lấy hết sức dồn xuơng dũi. Đuya-ra cứng như thép. Nhưng dù nhôm, đuya-ra hay i-nốc, cái dũi thể hiện được tất cả. Từ một mặt hồ với con thiên nga đang bơi. Một cây trúc quân tử. Hay một cánh cò cô đơn lặng lẽ bay về phía mặt trời lặn.

Nội quy trại tạm giam hay trại cải tạo nào cũng có câu: “Cấm mua bán đổi chác!” nhưng không ở đâu thực hiện được điều đó. Vì nó trái tự nhiên. Dù ở trại tù, nhưng trái tự nhiên cũng vân không thực hiện được. Trong cơn sốt lược, cơn sốt điếu, trại như một xã hội đặc biệt có phân công. Anh em quản chế, cánh đói nhất, nay là lực lượng sản xuất quyết định, cũng cải thiện được vị trí về cả chính trị lẫn kinh tế. Được coi trọng, được săn đón, được no. Có sữa. Có thuốc. Có chè. Có cả rau.

Giang vào loại nghệ nhân điêu luyện. Giang làm cho hắn cái lược, do một anh tù án hai năm, vẽ mẫu. Anh này cũng ở toán quản chế, chuyên vẽ các loại điếu, lược, lồng chim, hộp thuốc lá, là người vẽ mẫu đẹp nhất trong những người vẽ mẫu của các “tờ-rớt” công nghệ.

Hắn quý anh ta vì anh ta vẽ cho hắn một cái mẫu tuyệt vời. Nắm lược là một con sư tử phực trước một quyển sách để mở, một cây nến đang cháy, sáp chảy thành một đường viền gồ ghề cuối chỗ tay cầm. Lược thẳng, tạo dáng khoẻ. Phải hiểu hắn lắm mới vẽ được mẫu ấy.

Giang đã chác được một miếng đuya-ra to bằng hai cái quạt. Của Cương bên toán lâm sản, người sĩ quan Đà Lạt có hai má hóp giống sọ đầu lâu trên bảng “Nguy hiểm chết người”. Cương đã bồng về buồng lâm sản. Cuộc mặc cả diễn ra đơn giản. Cương bảo Giang: “Tuỳ mày, giả anh bao nhiêu thì giả. Ai chứ mày, anh không nghĩ ngợi gì”. Cương vốn là người thoải mái, phóng khoáng, lại có cảm tình với hội của hắn và Giang. Giang chỉ hỏi: “Anh thích gì? Ken hay chè?”. “Ken. Thích ken. Thèm lắm rồi!”. Giang đưa Cương ba bao Tam Thanh, một bao Nhị Thanh. Trả như vậy là phẫi chăng. Không rẻ, không đắt. Dạo ấy Giang nhiều thuốc. Thuốc chác được, không nghiện, nhưng cũng phì phèo. Có ken là có tất cả. Nếu chè là dollar thì ken là sterling hay mark. Giang đã đưa được mảnh đuya-ra từ buồng lâm sản về buồng toán mộc. Giang bảo hắn: “Em đánh gập nó để quấn được vào người. Mảnh đuya-ra dày lắm. Hình như là một miếng cánh máy bay. Mai em bồng ra chỗ làm. Lúc uốn nhiều thằng biết quá. Em chỉ sợ có thằng bẩm, bị thu mất thì “điếng”.

Bồng vào. Bồng ra. Thật đến khổ. Rồi cưa. Mảnh đuya-ra quá dày. Phải bóc vát đi. Chỗ bóc ấy cũng làm được một cái lược nữa. Tóm lại toàn những việc cần đến sự kiên nhẫn của những người tù khổ sai. Thật may, chính họ là những người như thế. “Mảnh máy bay ấy quá rắn. Gia công cực khó”. “Em cắt xong rồi. Giũa cứ lỳ ra. Trời, chỗ mấy giọt sáp làm mới chết người chứ. Mai em đánh bóng, rồi cưa răng”. “Em đánh bóng rồi. Hết hai tờ giấy nháp. Tưởng đánh bóng nhanh, hoá ra lâu quá. Chưa cưa được. Cưa xong còn phải đánh lại. Bóng lắm. Soi gương được. Đẹp lắm. Đuya-ra sáng chói mắt”. “Em cưa rồi. Đuya-ra vừa rắn vừa giòn. Phải cẩn thận từng tý một. Gãy một răng là thôi đấy. Thay mấy lưỡi cưa. Em chác một nửa miếng to cho thằng. Lập ba-tai rồi. Con ấy thích lắm. Coi như chỉ mất một biêu mà được nửa mảnh”. “Em chưa thấy cái lược nào như thế. Đánh bóng lại rồi. Công nhận hắn Ninh hắn ấy vẽ cho anh cái mẫu mô-đen thật đấy. Em đã định mô-đi-phê khắc một dây hoa chìm dọc sống lược, nhưng lại thôi. Để trơn đẹp hơn”.

Suốt một tuần, cứ chiều chiều đi làm về trại hai anh em gạp nhau trước lúc khoá buồng, Giang lại thông báo cho hắn diễn biến của quá trình làm lược, mà chẳng thấy lược đâu.

Cho đến một hôm Giang bảo:

– Còn đổ nhựa nữa là xong. Em phải kiếm bằng được cái nhựa màu đỏ tươi này đổ vào mắt con sư tử. Anh xem màu nào đẹp?.

Giang chìa ra một mẩu cán bàn chải đánh răng và một cái cúc áo nhựa bé xíu chắc là ở một cái áo hoa trẻ con nào, như áo con Thương, con Nguyệt nhà hắn. Cũng màu đỏ tuy sắc độ có chênh nhau một tý. Hôm Giang hẹn sẽ mang lược về, gặp Giang sau buổi làm chiều, mỗi người một hàng trước cổng trại, trước mặt ông Quân, hắn nhìn Giang dò hỏi, nhưng Giang như không nom thấy hắn. Hay có trục trặc gì. Cho đến khi vào trại, lấy nước xong, Giang mới sang, bám sàn nhảy lên chỗ hắn:

– Pít-xơ-mô!

Đó là lời chào của Giang trong những lúc phấn khởi. Kể cả chào gặp gỡ, chào từ biệt. Nó còn là lời dặn bí mật nữa. Thực ra pixmô theo tiếng Nga có nghĩa là bức thư, nhưng Giang dùng với nghĩa như vậy Giang nằm sấp xuống cạnh hắn, quay đầu ra cửa sổ. Chỗ ấy nhìn ra bờ rào cao, không ai đi lại. Chỉ sáng sáng có con chim báo bình minh kêu lên như tiếng lợn bị chọc tiết vút qua phía ngoài hàng rào thôi. Giang rút từ bụng ra cái lược. Hắn hoa mắt trước miếng kim loại đã được gia công sáng loá ấy. Và vồ lấy. Dày. Nặng. Như một thứ hàng mỹ nghệ đẹp nhất. Không ai có thể chê nó một điều gì. Đạt tới trình độ tuyệt mỹ. Còn hơn cả hàng mỹ nghệ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật. Cái bản vẽ trên giấy không thể so sánh được với tác phẩm của Giang. Nó sống. Nó có hồn. Có chiều sâu. Có ánh lửa của ngọn nến. Có bóng tối mà con mắt đỏ độc nhất của con sư tử dữ dội và buồn rầu nhìn vào đăm đăm bất động. Phần sống lược dày trên mức bình thường, không uốn cong mà thẳng như một đường kẻ. Bóng. Bóng lừ. Bóng đến mức không tin được. Càng về phía đầu răng càng mỏng đi. Những chiếc răng đều tăm tắp. Hắn gại thử răng lược. Kêu như chuông ngân nga. Già Đô cũng phải trầm trồ, xuýt xoa. Giang bảo:

– Phải làm giấu. Sợ mấy ông quản giáo thấy, xin. Không cho, họ tịch thu. Làm gì được họ. Anh chải thử xem răng có nhọn quá không. Có đau không? Không hở? Làm lược khó nhất là cái ấy. ăn da đầu, nhưng lại không đau.

Báu vật ấy hắn không dùng. Hắn cho vào đáy hòm. Sợ quản giáo biết, các ông ấy tịch thu. Sợ mất cắp. Sợ không gửi ra được cho Ngọc. Cái lược, cái điếu, quả là đẹp, dường như là tất cả cuộc sống của những người tù, được làm ra bằng lòng kiên nhẫn, ý chí, tình cảm và đôi tay của những nghệ nhân ra đến ngoài đời có thể trở thành lạc lõng, hoạc ít ra nó không hiểu được đúng mức. ít người hiểu được những gì người tù gửi gắm vào trong đó. Như cái điếu của Dần. Như cái lược của hắn.

Khi về nhà, nhìn thấy cái lược ấy, hắn như gặp lại người bạn cũ. Ngọc, con Thương vẫn dùng. Chải xong để trên nóc tủ, cái tủ nửa tủ nửa quan tài. Thế mà bỗng nhiên không cánh mà bay. Có thể những lần mẹ con xuống nhà gội đầu, nhà dưới họ biết. Hắn nghĩ đến lũ con gái ông Bượng. Chuyên ăn cắp guốc, dép..

Mất cái lược, hắn tiếc ngẩn ngơ. Cho đến hôm Giang về, Giang hỏi hắn:

– Cái lược còn không anh?

Giang cũng buồn khi biết cái lược Giang làm để hắn gửi về cho Ngọc đã mất.

Giang về, đến thăm hắn không chỉ một mình. Giang đi với bà Phê Đô Thớt. Hắn đang lúi húi dán túi, thì Giang hiện ra ở cửa, kêu to:

– Pít-xơ-mô!

Hắn vứt mỏ hàn, chạy ra. Hai anh em ôm chầm lấy nhau. Một cô gái trẻ đứng nép ngoài cửa, lí nhí “Em chào anh”. Giang bảo: “Bà Phê Đô Thớt đấy”. Rồi Giang cười sung sướng, dụi dụi đầu vào vai hắn.

Không. Lúc này hắn không quan tâm đến bà Phê Đô Thớt. Hắn không quan tâm đến một ai. Hắn chỉ biết một người bạn thân thiết quý mến của hắn vừa thoát khỏi tù ngục. Vừa trở về với cuộc sống con người. Một người bạn nhỏ, nhưng đau khổ lớn lao, sánh ngang với những người đau khổ nhất trên cuộc đời này. Một người bạn sinh ra để đau khổ. Để đi tù. Đi tù từ bé. Một người sa ngã đáng thương xót, khiến mỗi người phải tự hỏi mình đã làm gì cho những người như vậy vợi bớt khổ đau. Mình có trách nhiệm gì với sự đau khổ ấy. Một người bạn mà nhân cách sống trong tù thật đáng kính trọng. Đã cùng nhau chia sẻ đến giọt tận khổ cuối cùng. Và đã cùng nhau thoát nạn.

– Về bao giờ?

– Em về hôm qua. Cứ tưởng anh chưa được về.

– Anh về mấy tháng rồi!

– Bọn bọp ở Q. N, cả số chẵn, số lẻ đã ai được về đâu. Em tưởng đến đây gặp chị. Hoá ra gặp anh.

Giang cười sung sướng.

Đến lúc ấy hắn mới để ý đến bà Phê Đô Thớt. Hắn không ngờ bà Phê Đô Thớt đẹp thế. Như trong mơ. Cao vừa phải. Nở nang. Da trắng mịn. Trong tù Giang đã đưa cho hắn xem ảnh cô gái này. Cái hình cắt ra từ tấm ảnh chụp chung nào đó. Bé xíu. Chỉ thấy một khuôn mặt đầy đặn đang cười giữa một làn tóc xoã.

Len – tên thật của cô gái – chuyện với hắn như với một người trong nhà. (Hẳn là Giang đã nói về hắn với Len). Hắn hơi ái ngại cho Len. Vì khuôn mặt cô phúc hậu, đầy đặn và xinh đẹp. Đó là khuôn mặt của những người xứng đáng được hưởng hạnh phúc, yên ổn. Mà Giang thì sóng gió. Giang hồ. Dữ dội. Và cho đến bây giờ vẫn hoàn toàn là con số âm. Rồi hắn lại mong Len, chính Len, chính nhờ có len mà số phận Giang sẽ được đổi khác. Trong tù hắn đã nghe bao chuyện Giang kể. Giang không giấu hắn những chuyện chơi bời. Giang sống rất bụi. Có biết điều gì Giang chưa trải qua. ăn cắp. ăn trộm. Đánh nhau. Cở bạc. Trai gái. Có lần Giang ghé sát tai hắn, thì thầm, mặt đỏ lên vì xấu hổ:

Thằng Thông cháy ấy mà. Anh có biết không, mẹ nó bán chè chai. Em đã ngủ với mẹ nó. Hôm em, đến nhà, nó đi vắng. Thế là mẹ nó cứ kéo em lên giưởng.

Thông cháy cùng một bang với Giang. Đánh cờ rất giỏi. Khi sắp hết án sinh ốm. ốm thật vì lo. Cơm tù quý thế mà nó không ăn được. Mồm miệng đắng ngắt. Mất cả ngủ nữa. Càng gần đến ngày mãn án càng lo. Rộc đi. Quị hẳn. Đi khám, ông Chắn cho nó nghỉ thật, không phải “ấm vồ “(ốm vờ). Nó sợ không được về. Nó thấy nhiều bạn nó bị bắt, tập trung cải tạo lên đây. Nó sợ bị gí thêm cái bọp nữa thì tàn đời. Cái thằng này rất buồn cười. Một hôm quản giáo vào buồng gọi:

– Lê Đình Thông. Ra gặp mặt.

Quá phấn khởi, sung sướng, Thông cháy đang nằm, bật dậy kêu lên:

– Bố chờ con mãi!

Quản giáo giận tím mặt, quát:

– Anh bố con với ai thế? Anh kia?

Cả buồng cười rộ. Thông sợ hãi:

– Dạ, thưa ông, không, tôi quen miệng ạ. Xin ông tha lỗi cho ạ. Tôi đội ơn ông lắm ạ.

– Mẹ anh lên tiếp tế cho anh. Tôi vào báo cho anh, anh bố con với ai?

Ông giận dữ đi ra. Và tất nhiên Thông bị cắt gặp mặt, cắt tiếp tế. Nhưng Thông không chịu thua.

Ngay lập tức Thông phác một kế hoạch: Nhắn bà mẹ chè chai gửi đồ tiếp tế cho những người nhà bạn tù nhận hộ mỗi người một ít. Kết quả Thông cháy có đủ quả tắc tuy không được gặp mặt. Bạn bè của Giang là như vậy. Phương ngôn Pháp có câu “Hãy cho tôi biết bạn của anh, tôi sẽ nói anh là người thế nào”. Bởi thế hắn lo cho Len và lo cho Giang.

Về đầu

 

Chương 43

 

Thỉnh thoảng Len lại cùng với Giang đến chơi nhà hắn. Len xin hắn dán túi và nhìn những bó túi ni-lông óng ả đã dán hoặc chưa dán nằm ở một góc nhà. Cái giống này nặng. Ba bố con phải xuống tận quá Bốt Vuông xe về. Hai chuyến xe cải tiến đầy. Dễ đến mấy tạ. ông Quỳnh nhận thế nào giao thế ấy. Nghĩa là giao theo bó. Mỗi bó một trăm túi. Thôi thì đủ loại. Có loại hình ống chỉ đưa một đường là thành túi Có loại thành từng miếng chữ nhật dài, phải gấp lại dán hai đường hai bên. Có loại là hai mảnh rời, phải dán ba đường. Loại to. Loại nhỏ. Loại đút vừa chiếc áo sơ-mi. Loại to bằng nửa cái bàn, ni-lông dày dán đến khổ. Mỗi đường dán dài gấp đôi. Mỏ hàn phải đưa rất chậm mới “ăn” vì ni-lông dày, cứng.

Hắn dán. Kiên nhẫn. Sung sướng. Được làm cho mình. Được làm góp phần với vợ, nuôi con… Dù đang là mùa hè, mồ hôi nhễ nhại. Thằng Hiệp, con Thương cũng dán thay cho bố. Chúng nó thích làm vì công việc này có tính chất kỹ thuật. Nhưng ngồi lâu, người mỏi nhừ. Dán nhiều, khoản giấy bóng kính hao lắm. Nó cong, nó giập, khô gãy vì mỏ hàn nóng bỏng cứ miết đi miết lại. Giấy bóng kính trở nên đục và giòn, bẻ gãy như bánh đa.

Ngọc mang về giấy can in. Cái này cũng được. Không tốt bằng giấy bóng kính, chóng hỏng và dán lâu hơn. nhưng không sao. Điểm chính là không phải bỏ tiền mua.

Trong một lần hắn đang dán túi như vậy, Len tiến đến đống túi ni-lông, nhấc lên một cuộn hỏi hắn và Ngọc với vẻ vô tư nhất đời:

– Cái này bán tốt lắm. Sao anh chị không bán đi mấy bó?

Hắn cười ngượng nghịu, hắn thấy Len đang cho rằng hắn là một tên ăn cắp. Len tròn mắt nhìn hắn:

– ở hàng người ta bán lẻ mỗi túi năm hào đấy Mình giao cho họ rẻ cũng được ba hào.

Lúc đó Ngọc cũng ở nhà. Ngọc bảo:

– Chị sợ rồi thiếu…

Ngọc cũng cười ngượng nghịu. Như bị bắt quả tang mình đang ăn cắp. Chưa bao giờ họ bàn với nhau chuyện ăn cắp như vậy. Điều Ngọc lo hắn lại không lo. Hắn cố gắng để giải đáp cho Ngọc:

– Thiếu thì không sợ.

Hắn nhìn những bó túi ni-lông to bằng nửa cái bàn một:

Cắt đôi bó này ra. Một trăm thành hai trăm ngay. Len bảo:

– Họ chỉ đếm bó chứ không cân, phải không chị? Mỗi bó một trăm túi, hả anh?

Len cứ nói, hỏi và đếm thử một bó. Rồi Len chọn ra một bó đẹp: loại túi mỏng, 35 x 50 (xăng-ti-mét). Len đếm lại:

– Họ đếm đúng lắm. Chẵn một trăm đấy, anh chị ạ! Anh chị cho em xin một cái túi lẻ nữa nào.

Hắn đưa cho Len mấy túi lẻ nữa. Thực sự hắn không quan tâm nhiều đến việè Len bán hộ hắn. Cái trò ăn cắp thế này không bền. Một bữa ăn cắp để sống. Mười bữa khác không ăn cắp được thì sao? Hắn không sống bằng nghề ăn cắp. Hắn muốn sống bằng sức lao động của hắn, dù có kham khổ, nhưng được đảm bảo bằng công việc làm, bằng mồ hôi của hắn. Điều đó mới bền, mới quan trọng. ăn cắp ở trong tù thì được. Vì đó là phản kháng, là giành lại cái mình bị tước đoạt. Là biện pháp tồn tại, là để có những hồi hộp lo âu, niềm vui mà quên đi thời gian tra tấn, mà vượt được từng ngày. Nhưng ở cuộc đời, ở ngoài xã hội thì không thể ăn cắp mà sống. Nhục. Xấu xa. Đê tiện. Và không ai có thể sống cả đời bằng của ăn cắp.

Hắn không ngờ cuộc đời hắn sau này gắn chặt với việc ăn cắp. Không ăn cắp trắng trợn, không thò tay móc túi người khác. Không phá kho nhà nước.

Nhưng vẫn là ăn cắp. Bởi vì không ăn cắp khó mà tồn tại Không phải chỉ mình hắn. Chung quanh hắn bao nhiêu người ăn cắp. ăn cắp bí mật. ăn cắp công khai. Bàn nhau ăn cắp. Khoe của ăn cắp. Chia nhau của ăn cắp. ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp được. Phá một triệu chỉ để ăn cắp một hào. Ai không có gì ăn cắp thì ăn cắp thời gian. Và nếu thời gian của mình chứ không phải của nhà nước, thì đành rơi vào số phận hẩm hiu, đói nghèo, do đó đáng khinh bỉ: Làm người lương thiện. Có biết bao loại ăn cắp, bao kiểu ăn cắp. ăn cắp bẩn thỉu. ăn cắp sang trọng. ăn cắp trèo tường khoét ngạch. ăn cắp đi xe hơi, bệ vệ, đĩnh đạc, đường hoàng. ăn cắp kiểu gà què. Kiểu chuột. Kiểu mèo. Kiểu sói. Kiểu hổ. ăn cắp để sống, để đỡ đói. ăn cắp để làm giàu. Để ngoi lên một địa vị cao sang. Càng ăn cắp càng giàu có, càng được mọi người kính trọng. Tệ hại nhất là ăn cắp, nhưng vẫn dạy dỗ mọi người chống ăn cắp, vẫn thuyết giảng lý tưởng một cách rất thành thật, thiết tha.

Nhưng đó chỉ là số ít (tính theo tỷ lệ phần trăm, chứ con số tuyệt đối thì nhiều lắm lắm). Phần lớn ăn cắp để tồn tại. ăn cắp, mà không muốn mình phải ăn cắp. Như hắn. Hắn ăn cắp, mà ý thức được mình đang làm một việc đau khổ. Mà mong muốn, mà khao khát chấm dứt được cảnh này. Hắn muốn làm người lương thiện. Ai? Ai đã nói như thế nhỉ? Chí Phèo! Chí Phèo thét lên với Bá Kiến:

“Tao muốn làm ngttời lương thiện”. Cả nước này có bao nhiêu người muốn được như Chí Phèo, thét lên như thế. Cả nước này có bao nhiêu người muốn kêu to: “Tôi muốn làm người lương thiện. “

Về đầu

 

Chương 44

 

Cái khoản ba mươi đồng, tiền bán túi ni-lông Len và Giang đưa như một quả tạ ném vào cán cân kinh tế nhà hắn. Ngọc đi đến một quyết định táo bạo: Tổ chức một bữa liên hoan nhân dịp Giang về. Tất nhiên phải có cả bà Phê Đô Thớt. Chỉ bỏ ra dăm đồng thôi là có được một bữa kha khá.

Len nhận lời, nhưng không đến. Lũ trẻ hỏi Giang:

– Cô Len đâu, hả cậu Giang?

Chúng không gọi Giang bằng chú. Chúng gọi Giang bằng cậu. Giang muốn thế. Gọi bằng chú nó thường, nó nhàm. Gọi bằng cậu nghe thân hơn. Giang bảo. “Cậu là em mẹ. Cậu Giang có họ về đằng mẹ Ngọc”.

Ngọc cũng hẫng. Ngọc bảo Giang:

– Hôm nào cô ấy đến đây, chị phải mắng cho một trận.

Giang cười:

– Kệ nó. Hôm nay nó phải về Nam Định.

– Về Nam Định làm gì?

– Bà cô ông bác gì ốm.

Bữa ăn không phải vì thế mà kém vui. Một đĩa thịt gà mua chợ. Một ít thịt lợn (phiếu trẻ em của thằng Dương) làm chả nem. Và bún. Thằng Dương cả thèm chóng chán. Nó giành hai cái gọng. Mặc cho thằng Hiệp tán tỉnh:

– Xương đấy. Cho anh một cái. Em ăn sao hết hai cái. Đi! Dương!

Hắn đã ăn mấy bữa cơm khách: ở nhà anh chị Thân, nhà Bình, nhà anh út thợ gò, em nhận của anh Chân… Ngon. Cá chép hấp. Tôm rán. Mực xào… Thịt gà thịt lợn… Mỗi bữa ăn một thực đơn khác nhau, nhưng cùng có một điểm giống nhau: Không ai hỏi hắn về chuyện hắn đi tù, vì sao hắn bị tù và hắn đã ở trại tù nào… Không ai đả động đến điều chí cốt khiến hắn phải đi xa gần năm năm và bây giờ trở về (do đó nên mới có bữa cơm vui này). Người ta lảng tránh, người ta không hỏi, người ta sợ cái đề tài cấm kỵ ấy. Phải. Đó là một đề tài cấm kỵ. Chính vì vậy mà bữa ăn ngon, đầm ấm, nhưng thiếu sự đồng cảm tinh thần.

Bữa ăn với Giang thì khác. Dù không nói đến kỷ niệm tù vì có lũ trẻ, hắn và Giang vẫn hoàn toàn đồng cảm.

Hai người bàn nhau cách kiếm sống. Giang định đi làm mộc. Cái nghề Giang học được ở trong tù.

Thế rồi Giang kể chuyện chị Giang. Chị Hiên đi buôn bột dong riềng. Lãi lắm. “Anh chưa gặp chị em. Chị em đẹp lắm. Không như em đâu”.

– Hay là anh em mình làm miến?

Đó chỉ là một câu hỏi vu vơ sau bữa ăn, nhưng rồi hoá ra thành sự thật. Thời gian đó làm miến đang phát tài. Nhiều người xây nhà.

Đã có những thuận lợi đầu tiên. Địa điểm, nhờ Phu, người bạn chuyên đi tiếp tế cho Giang. Nhà Phu dưới An Thái, chỗ hồ bơi đi vào. Phu có một mảnh vườn rộng, một căn nhà đã xây tường, nhưng chưa có mái. Giang đưa về nhà hắn một người tên là Ky, ở phố Huyền Trân, hình như do Len giới thiệu với Giang. Ky trông thấy hắn, mê tít:

– Anh Giang có nói với em: Anh em mình thành lập một tổ hợp tác làm miến Về mặt thủ tục anh lo. Tuy mới gặp anh, nhưng em thấy chị và các cháu thế này là em tin. Anh làm tổ trưởng rất tốt. Tuổi anh giao dịch rất đẹp. Với người trẻ cũng được. Với người già cũng được…

Sau này hắn mới biết Ky có nhà mặt đường, nhưng còn bố mẹ. Ky muốn tự lực. Nghề làm miến rõ ràng sống tốt. Nhất là Ky có hai thông tin “chính xác”: Chị Giang buôn bột dong riềng, hắn có một người em làm miến rất giỏi.

Điều thứ nhất đúng, nhưng điều thứ hai Ky bị lừa. Mà chẳng riêng Ky. Giang bị lừa. Hắn cũng bị lừa.

Chính hắn cũng tin rằng “em” hắn biết kỹ thuật miến. Đó là một người họ Đoàn, lớn tuổi hơn hắn, nhưng về vai vế trong làng, họ nội ngoại gần xa lại là em. Gọi hắn là bác. Hắn gọi là chú. Chú Mai. Chú Mai, một trong số ít ỏi người làng ra thăm hắn khi hắn đi tù về. Chú Mai đã từng đi bộ đội hồi kháng chiến chống Pháp, rồi đi dạy học. Và bị ta bắt ít ngày. Rồi được tha. Nhưng bị thải hồi. Dạo đó hắn cũng chẳng quan tâm đến những số phận như Mai. Hắn chỉ biết Mai về làng, làm bún nuôi lợn, con cái buôn gồng bán gánh, nay chợ này mai chợ khác. Đoàn Mai thăm hắn và rủ hắn đến một người bạn học của hắn: Huynh, giám đốc một Công ty xây dựng. Hắn cũng không hiểu vì sao, bằng những nguồn tin nào, Mai lại biết Huynh là bạn hắn. Thật là kỷ tài. Mai cả quyết:

– Nhưng có đúng Huynh cụt tay, Nguyễn Văn Huynh trước ở Uỷ ban kế hoạch, có vợ là bà Nguyên, mới li dị là bạn bác không nào?

Thế thì đúng rồi. Thế là Huynh và Nguyên đã li dị. Thời gian còn làm báo, hắn vẫn gặp Huynh và được Huynh rất tôn trọng. Tôn trọng về sức học. Tôn trọng về tài nàng. Đám cưới Huynh – Nguyên ở Hà Nội, hắn có tới dự. Nguyên, một cô gái xinh đẹp và cho tới năm nám trước vẫn còn là một thiếu phụ xinh đẹp, ăn mặc đúng thời trang.

Nhìn thấy hắn, giám đốc Huynh reo lên:

– Tuấn. Tớ chưa đến được, đừng chửi nhé.

Những người ngồi quanh thấy giám đốc nói với hắn như vậy, ngoái lại nhìn cả vào hắn. Hắn cảm thấy tự tin hơn. Hắn đã chuẩn bị sẵn thái độ. Nếu Huynh có lời nói hay cử chỉ gì trịch thượng hắn sẽ bỏ về ngay. Mai bấm tay hắn, vẻ tin tưởng. Huynh tiếp:

– Ông này là bạn học từ bé. Nay phó thường dân thôi. Nên càng quí. Chờ mình một tý được không? Huynh đứng lên đưa bao thuốc lá cho hắn.

Huynh xử dụng một bàn tay phải còn lại rất thành thạo. Vẫn cái kiểu vừa giữ bao diêm vừa bật diêm như thế. Một cánh tay áo rỗng nhét vào cạp quần như thế.

Huynh trở lại bàn làm việc. Bao nhiêu người xin chữ ký. Hợp đồng san nền. Xin nhượng lại xi-măng. Thanh toán thuyền cát. Ký quyết định biên chế chính thức cho những người hợp đồng. Duyệt giá chữa cần cẩu…

Huynh vừa giải quyết công việc, vừa nói to những lời giải thích: Tại sao được, tại sao không được. Vừa kêu ca chửi bới khâu cung cấp nguyên vật liệu, chửi bới cả một ông uỷ ban quan liêu nào đó. Hắn nghe thấy một người cười hề hề với giọng nịnh ra mặt:

– Thủ trưởng cứ như Phidel Castro ấy.

Cuối cùng chỉ còn bọn hắn.

– Lại đây. Uống nước. Sao? Ngọc có khoẻ không? Thời gian mày đi, tao đến nhà mày mấy lần, nhưng không gặp Ngọc. Mày vẫn khỏe đấy chứ? Trông thì sức khoẻ tốt đây. Đến chơi hay có việc gì? Nhiệt tình. Tốt. ủng hộ ngay khi biết lý do. Và cho qui cách. Nhưng lại nói thêm:

– Phải đi gặp trưởng phòng cung tiêu. Nó trực tiếp làm. Hay là thôi. Chờ một tý. Mình gọi điện cho nó. A lô, Thi đấy phải không? Kế hoạch cọc tre còn không nhỉ? Sao? Đủ rồi à? Phải chờ à? Mấy tháng nữa? Thế hả? ừ! ừ! Được!

Thế có nghĩa là không thành rồi. Mai rất tiếc. Hắn cũng không hỏi Mai vì sao Mai biết Huynh là bạn học với hắn. Chỉ riêng một điều ấy hắn đã tín nhiệm Mai. Hắn tâm sự với Mai về ý định làm miến của hắn. Mai cười thản nhiên:

– Tưởng gì chứ làm miến thì được. Tôi làm mãi rồi. Lập cả một tổ hợp tác bên Xuân Lãng. Nhưng kích rích quá, lại thôi. Tôi có thể giúp bác về kỹ thuật được. Không những thế tôi còn mua cho bác đủ số phên phơi với giá rẻ. Chỉ bằng nửa giá phên mới, ngay bên Xuân Lãng thôi.

Mai nói vậy. Cứ như chuyện dễ ợt. Hắn thấy só hắn thật may. Thế là cái ý làm miến càng được khẳng định. Hắn làm đơn lên tiểu khu, lên phòng thủ công. Tất nhiên cũng phải có dủ các mục: Tên tôi là… số nhà… hoàn cảnh gia đình khó khăn (cụ thể) xin được cấp phát đăng ký lập tổ hợp tác (phải là hợp tác, cá nhân thì đừng hòng.) Làm miến tại… Tôi hứa sẽ… v. v…

Hắn rất hồi hộp. Không biết người ta có duyệt đơn không? Hắn đã nhờ anh Thân và Bình tác động, nói hộ, nhưng cả hai không quen ai ở tiểu khu. Anh Thân bảo. “Cứ làm ở tiểu khu, xong lên phòng thủ công thì anh quen. Thằng Ngoãn, em ông Trần ấy mà”. Anh động viên hắn “họ cho chứ làm gì không cho, làm miến chứ làm gì đâu mà không được”. Hắn cũng nghĩ thế nhưng hắn vẫn lo. Cuộc đời chẳng biết đâu mà lường. Điều gì cũng có thể xảy ra.

Hắn làm đơn xin sản xuất ngay tại nhà mình cho đỡ lôi thôi. Sau khi có giấy phép rồi thì xin chuyển địa điểm sau. Ông tổ trưởng nhận đơn và hẹn hai hôm nữa hắn sang trụ sở. Hai ngày ấy thật là lâu. Ông tổ trưởng này hiền lành không như ông tổ trưởng trước. Có vẻ ông ấy không gây khó khăn gì đâu.

Ông tổ trưởng xác nhận hoàn cảnh hắn. Tiểu khu đồng ý. Ký tên. Đóng dấu. Với lời ghi: Không được làm ảnh hưởng đến trật tự trị an chung, bảo đảm sinh hoạt trong xóm… v. v…

Được giấy tờ, cả nhóm ba người (Bình bảo: “Ngõ ba nhà”) họp nhau ở nhà Giang và quyết định đẩy mạnh mọi hoạt động. Quyết tâm cao: Có miến bán vào dịp rằm tháng Bảy. Hôm ấy đã là mồng 2 tháng Bảy rồi. Chỉ còn hai tuần nữa thôi. Hắn, Giang và Ky ngồi ở phía sân sau, nơi trông ra dòng sông Nhị Bạc. Mẹ Giang, một bà già nhỏ, gầy đanh quánh, cứ mon men ra sân sau, lại bị Giang đuổi:

– Bà đi vào đi

Hắn biết mẹ Giang muốn nói với hắn mấy câu, nhờ hắn trông nom, dạy dỗ, kèm cặp Giang… Hắn biết mẹ Giang đặt rất nhiều tin tưởng vào hắn.

Hắn nhìn dòng sông xám trôi mải miết. Dòng sông loang loáng những gợn đèn từ các căn nhà hắt ra. Dòng sông hắn đã viết trong bản trường ca Đầu cầu, đang nằm ở một két hồ sơ tối tăm, bụi bặm, ẩm thấp của Sở Công an:

Em buông lưỡi câu không mồi

Bên dòng sông loang loáng dầu trôi

Không hay thuyền qua nước gợn

Không hay tàu qua nổi còi

Em chở con cá vàng vây đỏ

Giật lên cá biến thành hoàng tử

Như chuyện bà kể đêm xưa ôm bé vào lòng.

Đầu cầu.

Cổ tích thành dòng sông

Dòng sông thành cổ tích.

“Mình đã ca ngợi thực lòng. Mình đã tô hồng đến thế. Lãng mạn có cánh bay đến thế. Còn gì nữa nhỉ?

Ván gỗ trồi hàng đinh dài nhọn hoắt

Một chiếc thuyền tan bom nổ chậm đáy sông

Hết rồi, thuyền ơi!

Tiếng cười sang ngang

Bên bồi, bên lở

Đêm triều lên, nghe đại dương thở quanh ván gỗ

Ván gỗ trôi, mặt sóng đục ngầu

Nón bài thơ trôi băng băng vô tình hối hả

Nón tráng đẹp như gương mặt ai vừa đây đã không còn nữa

Nón che nghiêng gò má rám hồng

Chán mắt ai nhìn trái tim cuống quít

Nón trôi vun vút

Nón trôi từ đâu

Nón trôi về đâu

Nón trôi giữa những mố cầu

Bom chém dầy thân khắc nghiệt

Nón trôi nước xiết

Như mộ ai trôi

Trôi giữa dòng sông

Một cuộc sống không quen

Mà thân thuộc vô cùng.

Mình làm thơ cũng không đến nỗi nào. Mình đã làm những câu thơ ấy trên yên xe đạp. Trong lúc đợi phà. Trong những đêm một mình xa Ngọc, xa các con. Mấy năm rồi nhỉ?!

Hắn lại mộng du. Vì vậy Giang lại phải nhắc lại một lần nữa:

– Thế nhé. Mỗi người tạm đóng bảy yến . Ngày mai mang tiền đến anh Tuấn. Mua giấy dầu, mua luồng, đắp lò…

Bảy chục. Một món tiền to. Gần bằng cái cán sự bốn. Hơn lương hắn. Hắn chỉ cán ba thôi. Bảy chục.

Hắn đào đâu ra những bảy chục. Hắn nghĩ đến mấy bó túi ni-lông. Đã dán rồi, nhưng chưa giả hàng. Chưa xe xuống ông Quỳnh. Hắn yên tâm.

Hắn chọn ra được ba bó. Loại như Len đã bán lần trước. Hắn cắt những túi to, dày ra làm hai, dán lại một lần nữa, cho vẫn đủ số bó. Hắn đếm lại mỗi bó đúng một trăm túi. Nhưng bà phê Đô Thớt không đến. Bà Phê Đô Thớt có trục trặc gì với Giang. Hỏi Giang, Giang không nói.

Hắn phải mang đi bán. Bình bàn bán cho Thế, cái anh viết vàn không được đã chuyển sang nghề làm nhựa. Vợ Thế có một mẹt dép nhựa, túi ni-lông ở phố Ông ích Khiêm. Hắn cho cả ba bó vào trong một cái làn. Buổi trưa, hắn lò mò đến nhà Thế.

Thế khi đó còn đang ở trên gác, một căn gác hẹp. Thế đang nằm ngủ trên đi-văng. Hắn ngồi im lặng. Hắn biết mình đang làm phiền người khác. Giá như trước đây hắn khẽ hắng giọng, hay e hèm một tiếng và cười bảo Thế:

– Dậy đi. Ngủ thế trộm nó khiêng hết cũng chẳng biết đâu.

Và Thế choàng dậy, thấy hắn, hẳn Thế vui và niềm nở, chuyện như pháo nổ.

Bây giờ hắn ngồi im lặng nhìn Thế ngủ, ý thức được ràng mình đang quấy rầy người khác. Còn hơn thế. Hắn nhìn ba bó túi ni-lông trong làn mà nghĩ rằng hắn giống như một người đem cái tin đầu tiên của mình đến nhà riêng ông tổng biên tập báo uyên bác và từng trải. Giấc ngủ của Thế có vẻ mệt nhọc của người vật lộn với đời. Hắn đã nghe Bình nói: Thế nhờ Bình viết bài trên báo phê bình guốc nhựa, dép nhựa của hợp tác xã Bình Minh chất lượng xấu. (Hợp tác xã Bình Minh là Thế. Phải là một hợp tác xã mới được đăng ký sản xuất. Thế tổ chức một hợp tác xã mà thực chất là Thế và một số người làm thuê)

– Sao nó nhờ mày làm thế. Hàng bán cho ai được.

– Nó được miễn thuế mấy tháng. Nó bảo không bán được hàng vì bài báo.

Thế là bậc đàn anh trong ngành nhựa. Hẳn Thế sẽ giúp hắn trong lúc hoạn nạn này. Nhưng Thế vẫn ngủ. Hắn hy vọng Thế chỉ chợp mắt một lúc. Thế nằm trên đi-văng. Hắn ngắm cái quạt Marelli tuốc- năng hẳn hoi. Quay nhè nhẹ êm ru. Cần mẫn, tận tuỵ, im lặng làm phận sự và vững tin ở giá trị của mình. Hắn ngắm nồi miến gà ăn dở nguội tanh nguội ngắt, cái muôi cắm vào nồi, những sợi miến trương lên. Có cả lòng gà, và những miếng mộc nhĩ thái nhỏ đen đen. Hắn nhìn nồi miến gà ăn dở như nhìn biểu tượng của thiên đường sung túc, một sự thừa mứa, một viễn ảnh ngoài tầm tay, hắn không bao giờ dám nghĩ tới, dám ao ước. Hắn nghĩ đến vợ con, đến bát canh nấu muối trên mâm cơm nhà hắn. Hắn nghĩ đến cái quạt đi-na-mô xe đạp ở nhà Bình mà hắn vẫn thèm khát, đến những cái quạt nan phì phạch suốt đêm ở nhà hắn.

Hắn thở dài.

Không biết Thế còn ngủ đến bao giờ, nếu không có thằng con Thế đi đâu về chào hắn.

Thế tỉnh giấc, ngồi dậy, bảo:

– Sao không gọi tôi? Đến lâu chưa”

Hắn ngượng nghiụ, ấp úng mãi mới lôi ra một bó ni-lông, mặt đỏ gay vì xấu hổ, hình như cả nhục nhã nữa, vì nó tố cáo bước đường cùng của hắn và hắn là một tên ăn cắp.

-Bình nó bảo ông tiêu thụ hộ được cái này.

Thế đỡ lấy bó ni-lông ngắm nghía:

– Cái này không phải mình, mà là bà xã.

Hắn thở dài nghĩ đến cơ đận phải xách làn về:

– Bà ấy ngồi ở phố Ông ích Khiêm à?

– Không, bây giờ bà ấy ra cửa chợ. Tối mới ngồi ở Ông ích Khiêm.

Hắn trầm ngâm, không giấu được vẻ lo lắng, bồn chồn.

– Uống nước đi. Sao? Đã làm ăn gì chưa.

Hắn cười, đau khổ:

– Làm gia công mấy thứ cho công ty bà ấy, hết là nghỉ.

Thế thông cảm:

– Thôi, đưa cho mình cũng được.

Vẻ mặt hắn sáng lên, nhẹ nhõm lên, tươi tắn lên.

Thế nhìn vào cái làn:

– Còn nữa à?

– Ba bó cơ.

Hắn nói như người có lỗi. Thế giật mình trước tình thế khó khăn phức tạp ấy.

Hắn sợ hãi vội nói trước:

– Ông lấy được bao nhiêu thì lấy.

Thế thở dài như thấu hiểu trách nhiệm nạng nề của mình với bạn trong lúc bạn lâm vào bước đường cùng. Anh nhíu mày suy nghĩ rất lung:

– Tôi lấy cho ông hai bó. Mỗi bó hai nhăm đồng. Năm chục tất cả.

Thế đếm tiền. Hắn ngớ ra. Vì hắn tưởng mỗi bó ba chục. Len đã bảo bán lẻ những năm hào. Nhưng thôi. Cũng được. Biết bán ở đâu bây giờ. Mang ra chợ thì hắn không dám rồi.

Hắn cầm năm chục từ tay Thế. Thế bỗng lục lục tủ, miệng lẩm bẩm. “Xem còn tiền không, tôi lấy nốt cho ông, ông đỡ phải mang về. à còn đây! Xem nào. Còn hai chục. Hai chục, được không?”…

Hắn thở dài cám ơn Thế ra về. Thế dặn: Lần sau có cứ mang lên. Ba trăm chứ nữa cũng được. ăn xuống thang. Xong ba bó túi poliester. Bảy chục tất cả. Vừa một suất đóng cổ phần làm miến. Tuy khi đi, han và Ngọc đã tính được chín chục. Sẽ còn thừa hai chục để Ngọc chi tiêu. Hơi đau. Hơi hẫng vì mình đã tính trước. Đã lên kế hoạch. Đã vào sổ trong óc. Đã chắc chắn có chỗ dôi ra.. Nên mới buồn. Thế đúng là loại người như Mác nói, chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Mọi tình cảm đều để lên cán cân lợi nhuận. Hắn oán và khinh Thế. Nhưng hắn lại nghĩ: Không có Thế hắn biết bán cho aì? Của ăn cắp được, tốt lắm rồi. Thế còn phải chi nhiều. Cống nhiều. Như cái mái ngói cho ngôi nhà của ông Tăng bên dưới nhà hắn. Luật đời như vậy. Trấn người này nộp người khác.

Giang, Ky đều có tiền góp đúng hạn. Ba người đi mua tre luồng, gác lên bốn bức tưởng làm mái, mua giấy dầu… Hắn đang cởi trần cưa cắt leo trèo thì thằng Hiệp đến. Đi theo thằng Hiệp là Đoàn Mai, người em họ, kỹ thuật viên làm miến đại tài của hắn. Mai sang nhà hắn, nghe Ngọc nói chuyện, vội bảo thằng Hiệp đưa đến. Nhìn tất cả công việc đang diễn ra với một tốc độ khẩn trương vui vẻ và tin tưởng, Mai sững người. Hắn reo lên:

– Chú Mai Chú thấy được không. Mặt bằng này phơi miến thì vô địch rồi còn gì.

Mai tần ngần nói khẽ:

– Tưởng nói thế thôi. Hoá ra làm ngay à?

Hắn biết có trục trặc gì rồi. Hắn kéo Mai đi uống nước chè ngoài quán. Thì ra Mai không biết làm miến, nhưng cái chỗ phên phơi Mai vẫn bảo đảm cho, giá rẻ thôi. “Họ đang làm, nhưng tôi lấy là họ phải nhượng lại. Dăm chục chiếc giá cũng không được lấy cao”.

Hắn “báo cáo”ngay với nhóm diễn biến ấy. Nhưng Giang bảo “không cần kỹ thuật, chỉ cần phên thôi”.

Hắn về quê gặp Mai. Và cùng Mai sang Xuân Lãng mua phên, chất lên xích-lô, chở qua bến Tắm, về nơi làm miến. Qua lần đi này, hắn hiểu sâu sắc rằng Mai là người nói phét. Đó là toàn bộ số phên của một người làm miến đã giải nghệ lâu rồi. Và đang cần bán. Không biết sao Mai hay nói rộng thế. Bố hắn biết chuyện cũng bảo:

– Cái thằng nói một tấc đến giời.

Khi còn là giáo viên Mai không mẵc chứng ấy. Bị bắt, rồi bị thải hồi, Mai mới sinh ra như vậy. Mãi sau hắn mới biết lí do Mai bị bắt. Mai bị nghi vấn nằm trong một tổ chức phản động. Cái tổ chức phản động ở làng Cầu này bị phát giác là do một ông công an ở Sở về tìm thấy mấy cải kíp mìn giấu trong gầu tát nước treo dưới bếp nhà một tên lính nguỵ. Từ đó lôi ra cả một tổ chức. Hàng chục. Hàng mấy chục. Có cả người họ hàng gần với Đoàn Mai. Mai bị quơ. Rồi được tha. Nhưng bị thải hồi, bị đuổi khỏi ngành giáo dực. Đó là thời gian xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Củng cố, gìn giữ hậu phương đang là vấn đề sống còn của cách mạng.

Người khám phá ra vụ án này từ chỗ không ai chú ý, bỗng được tín nhiệm, được cất nhắc. Một cái bàn đạp để ông ta đi lên. Trong tù hắn đọc báo thấy ông ta được tham gia phái đoàn hội nghị bốn bên ở Tân Sơn Nhất. Ông ta là tượng trưng cho ngành an ninh thành phố. Là sự sắc sảo chính trị, vững chắc như đá tảng về lập trường. (Chính sự vững chắc về lập trường đã quyết định tất cả). Là kiến thức rộng rãi, là nghiệp vụ siêu đẳng, là tinh thần cảnh giác cách mạng tuyệt vời. Là sự thông minh ửng xử không chê vào đâu được với bọn địch ở hội nghị bốn bên. Là niềm tự hào của thành phố, là vinh dự cho những ai quen ông hay chỉ được nói chuyện cùng ông, nói chuyện về ông. Ông là cánh tay phải của ông Trần.

Tên ông là Lê Cộng.

Về đầu

 

Chương 45

 

Hệt như cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, khi bộ chỉ huy Cộng Hoà hay tin đối phương đã biết trước cuộc tiến công và đã đề phòng, lẽ ra họ phải dừng chiến dịch lại, nhưng không được nữa. Guồng máy đã khởi động rồi.

Chương trình làm miến của ba anh em cũng giống như vậy. Biết rằng không có người làm kỹ thuật, mà thời ấy kỹ thuật cũng là then chốt – nhưng không thể dừng được nữa. Mái nhà đã lợp. Bếp đã làm. Lò đã đắp. Chảo gang đã mua. Chậu hoà bột- một cái chậu nhôm to phế phẩm vì bị móp một chỗ do Thao mua hộ ở mậu dịch giá 25 đồng- chum ngâm bột. Điện đã mắc. Một cái giường và bộ ấm chén đặt trong căn nhà rộng, vừa lợp xong giấy dầu. Cửa sổ, cửa ra vào làm tạm bằng tre. Mấy cái đòn ngồi uống nước. Cái điếu cày… Và năm mươi cái phên phơi hắn đã xe về, tập kết về dựng ở tường khu vườn hoang. Lại cả một đống than to tướng.

Thế là nhẵn. Nhẵn cả hai trăm mốt của “ba anh thợ da thối”đang lăm le trở thành Gia Cát Lượng. Còn thiếu hai khoản quan trọng nhất. Hai khoản khổng lồ: Bột dong và máy thái. Ngày rằm tháng Bảy sắp tới nơi rồi. Chưa kể một điểm vô cùng quan trọng: kỹ thuật.

Giang báo một tin phấn khởi: Giang đã nói với chị Hiên, chị đồng ý bán chịu cho cả bọn một tạ bột dong.

Còn khó khăn về kỹ thuật thì thật không ai ngờ được người giải quyết lại là bà Phê Đô Thớt.

Len đến. Len và Giang làm như không trông thấy nhau. Len đứng nói chuyện với hắn. Giang bỏ đi nháo than. Len bảo: “Em lại nhà, chị bảo anh ở dưới này”. Khi biết cả bọn không biết kỹ thuật, Len nói:

– Hình như ngày mai các anh định nhóm lò phải không? Em thấy chị bảo thế. Chị đã đi xem ngày rồi. Dạo ấy hắn chưa tin điều Ngọc đã tin. Trên trốc cái tủ Bình đóng như quan tài dựng đứng, Ngọc đặt bàn thờ, ngày rằm, mùng một hương khói nghi ngút.

Đây lại là một nét mới nữa ở Ngọc, cùng với cái nét sợ hãi, lo lắng về bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra mà hắn đã biết từ ngày hắn được tha về.

Ky bảo:

– Mai mồng mười tốt ngày. Mà cũng phải làm mới có miến bán vào rằm chứ. Chưa có máy cắt thì đi thuê.

– Còn bột? – Hắn nêu một trở ngại – Chưa có bột, chị Hiên đã về đâu?

Len bảo:

– Chị Hiên chiều nay ở Nam Định về. Anh bảo anh Giang về nói chị Hiên để lại cho hai bao. Ngâm bột đi, em tráng cho.

Hắn ngạc nhiên:

– Em tráng được không? Em biết tráng đấy à? –

Hắn mừng quá gọi:

– Giang ơi

Giang đang bì bọp giữa đống than ở gần đấy, hai ống chân đen nhánh, giả cách không nghe thấy. Hắn bảo Ky ra nháo than cho Giang để Giang về nhà. Giờ này ô-tô Nam Định sắp về rồi. Giang đi ra ao rửa chân tay. Chỉ còn hai người, hắn hỏi khẽ:

– Cô cậu giận nhau đấy à?

Len mặt lạnh đi một tý, rồi nói:

– Em có con bạn làm miến mà. Em vẫn sang nhà nó, tráng hộ nó. Anh cứ yên tâm.

Hắn cười:

– Thế mà cậu Giang không nói gì cả.

– Anh ấy cũng không biết em tráng được đâu.

Thế là ổn rồi. Còn mỗi chuyện thái.

– Cứ tráng đi cái đã.

Giang rửa chân tay xong quay lại, vẫn không nhìn Len:

– Em về xem bột bạch thế nào nhé.

Chờ Giang đi một quãng, Len nói với hắn khe khẽ:

– Anh bảo anh Giang hễ có bột xe luôn lại đây, em chờ.

Hắn gọi to:

– Có bột thì đem lại đây ngay nhé.

Giang không quay lại, cũng không trả lời. Hắn hỏi Len:

– Có chuyện gì thế, em?

Len sa sầm mặt. không nói. Một lúc sau Len thở dài:

Chúng em… thôi nhau rồi.

Hắn hoảng hốt:

– Sao? Sao lại thế

Bố mẹ em không cho em quan hệ với anh ấy.

– Thế còn em?

Len rơm rớm nước mắt. Hắn còn nhớ rõ lúc đó.

Chưa bao giờ hắn thấy cô gái ấy xinh dẹp và đáng yêu như vậy. Len cúi nhìn xuống. Răng cắn lấy môi.

Cô cố giữ, nhưng vẫn để rơi những giọt nước mắt. Thế là Len nói. Rời rạc. Lộn xộn. Nhưng hắn hiểu. Len vẫn yêu Giang. Giang đã đối xử thô bạo với Len khi biết bố mẹ Len không muốn Giang đến nhà, khi thấy Len lỡ hẹn. Mà Len không thể đúng hẹn được. Vì bố mẹ Len… Hai ông bà đều làm ở nhà máy cơ khí Thống Nhất. Phân xưởng đúc. Hắn đã đến làm việc ở đấy nhiều lần. ở đó cái pông ru-lăng chạy chung quanh phân xưởng. Cái pông ru-lăng ấy đã nằm trong một trang của quyển truyện dài Làn sóng thứ nhất mà Sở Công an đã thu.

Không thể trách hai ông bà. Cũng không thể trách Giang, hay trách Len. Nhưng thương. Thương Giang. Thương Len.

Chiếc xe xích-lô bột đến lúc chiều tà. Giang nói:

– Chị Hiên cho chịu. Sau rằm tháng Bảy mới phải trả tiền.

Len bảo phải ngâm bột ngay. Phải có ít hàn the.

Cứ ngâm đầy vại. Tráng không hết để đến ngày hôm sau. Thay nước đều không việc gì hết. Càng trắng bột. Phải có người ở lại trông. Hắn và Giang ở lại. Ky về, Len bảo: “Em lại chị đây. Báo cho chị biết anh không về được”. “Bảo cháu mang cơm cho anh, cho cậu Giang luôn nhé!”. “Vâng!.

Buổi tối, cơm xong, hai anh em ngồi ôn chuyện tù. Chẳng thiếu chuyện gì không nói. Hoá ra là một đêm thức gần tới sáng. Náo nức với những dự định. Náo nức với những phép cộng trừ, giữa tiền bán miến và tiền mua bột, mua than, cái bây giờ ta gọi là đầu vào, đầu ra, là hiệu quả. Náo nức vì có thể có một công việc lâu dài.

Khi quen nhau cả hai là những thằng tù, muốn nói với nhau một câu phải hẹn nhau và làm như vô tình gặp nhau trong nhà mét. Giờ đây thoải mái chuyện trò. Cả hai đã tự do. Là những người tự do. Cái cảm giác ấy rất lạ. Như quen nhau từ cuộc đời trước, từ kiếp nào rồi. Lại cũng như mới quen. Rất lạ. Vì mình đã trở thành những con người. Dù vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo con vật: Nỗi lo kiếm sống.

Muỗi vo ve, đốt ở chân, ở mặt, ngọn điẹn trong buồng hắt ra mảnh vườn có ươm dây khoai lang, chơ vơ một cây nhãn khẳng khiu. Bọn hắn ngắm trời. Trời này còn nắng, không mưa. Trời cũng ủng hộ bọn hắn đây. Giang xem lại cái vàng bàng vải pô-pơ-lin trắng úp lợp lên trên vòng tròn bằng tôn tráng kẽm đặt trên chảo gang.

Bánh đa sẽ được tráng ở đấy. Hắn cạo cạo lại cái muôi b ằng sọ dừa nhẵn bóng. Rồi lại nhòm vào vại bột.

Khuya lắm rồi. Một con chim săn mồi vụt qua quầng sáng ngoài cửa sổ. Chính lúc ấy hắn nhớ đến Sơn, đến những con vắt đo rào rào trong buổi hắn và Sơn đi tìm ráy. Con chim đêm bay không một tiếng động. Cuộc sống không lúc nào ngưng nghỉ. Cuộc sống dù khốn nạn đến đâu cũng vẫn đẹp. Người ta chỉ làm giảm đi vẻ đẹp của nó thôi.

Tự nhiên hắn hỏi Giang:

– Trong tù, Giang sợ nhất cái gì?

Giang ngẫm ngợi:

– Em sợ nhất khám trại.

Hắn cười khoái chí:

– Đúng. Anh cũng vậy. Anh cũng giống Giang, sợ nhất khám trại.

Khám trại. Bình thường thôi. Còn được nghỉ buổi làm nữa. Mà sao sợ thế.

Tất cả mang nội vụ ra sân, ngồi ngả nghiêng với đống quần áo chăn màn, gô, ống bương, hòm, cặp lồng, bát, cùi dìa, khàn mặt, điếu, đóm… chờ đến lượt mình được khám. Cán mắt loà, ngả người vào đống chăn màn ít ỏi, vê đi vê lại trên cái đàn mandoline:

Tôi hát ngàn lời ca

Nồng nàn như nắng ban mai

Tiếng đàn rót vào tai những người tù chờ khám trại.

Họ cứ ngồi chầu hẫu với những thứ nội vụ ấy, trong khi ông công an và người tù trật tự trại còn ở mãi đầu kia khám những toán khác. Thật không khác gì con vật. Nắng vẫn phải ngồi. Mưa thì liều liệu dạt vào các hè buồng giam. Lúc đó không ai được vào buồng. Lúc đó trong các buồng đều có công an khám xét từ mái nhà đến gầm sàn. Cả trong nhà mét. Buồng nào cũng lôi ra được bao thứ: Dao, than, nứa, muối, rau, sắn… (Họ bảo ở Hà Giang có lần khám trại thấy ở trên mái nhà toàn dao phay – Thật là cả một kho vũ khí).

Những toán khám xong được trở về buồng. Nghe rầm rầm trong buồng. Họ quét bụi ở sàn, kê lại sàn. Giải chiếu. Đặt nội vụ. Họ kiểm tra những thứ đã yểm xem còn hay mất.

Những người tù chưa được khám vẫn còn vạ vật ngoài sân. Lo nghĩ tới củ su hào đã vùi vào đống mùn cưa trong nhà mét. Nắm than đã chôn xuống đất, tận gầm sàn dưới, con dao đã giắt trên mái nhà… v. v… Và chờ. Chờ đến lượt mình được khám. Chờ các ông ấy đến. Mặc cho tiếng đàn của Cán nỉ non:

Hùng thiêng như núi sông dài

Là một niềm tin…

Cứ thoải mái mà chờ. Mà hút thuốc lào. Nằm co quắp trên mảnh chiếu. Nhắm nghiền mắt tránh nắng. Lột thêm mấy cái đóm ké. Lấy cát đánh lại cái gô bị nhọ… Cuối cùng các ông ấy cũng đến. Tiếng đàn của Cán im bặt. Các ông dừng lại trước một anh tù. Anh ta đứng lên giũ tung chăn màn, bị bọc, mở nắp gô đậy nắp cặp lồng trước con mắt soi mói và cái đầu gật gù của ông công an.

Những bộ quần áo vá víu, những cái chăn, cái màn, vừa giũ một cái, rệp đã bàn tung ra như vãi mạ, khiến ông công an giật thót người lùi lại, còn anh em thì cười rộ lên. Rồi giơ hai tay để các ông công an nắn vuốt người. (Hắn thấy rõ các ông công an nhăn mặt lại khi nắn vì sợ bẩn, sợ rệp).

Hắn chẳng quên được cái cảm giác mình là súc vật trong lúc đó, suốt từ lúc ngồi theo từng toán với đống nội vụ, chờ được khám cho đến lúc khám xong. Phổ nói: Cách hành hạ tù nhân tốt nhất là cho ăn nhiều món để chỉ chia cũng chết, không còn thời gian nghỉ. Hắn nghĩ phải bổ sung thêm một biện pháp nữa: Tăng cường khám trại.

Đến khi được trở về buồng và ổn định nội vụ, lấy nước xong và chỉ còn chờ cơm, Tất Tình giằng lấy đàn của Cán. Tiếng đàn của Tất Tình cất lên như vừa tai qua nạn khỏi. Như sung sướng được trở lại thành người. Như vui mừng vì còn được nghỉ ngơi. Nhí nhảnh một làn dân ca Phần Lan. Gợn sóng một khúc sông Danube. Bát ngát đồng quê quan họ.

Bao nhiêu năm tháng đã qua đi. Bao nhiêu sức lực bọn hắn đã bỏ ra trong các trại tù. Làm mà không được một cái gì. Làm cho đến kiệt quệ, cho đến rã rời. Đó là điều mà người ta gọi là “cải tạo lao động”. Bây giờ mới được làm cho mình. Làm để bù lại những ngày tháng đã mất, bù lại quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Hắn chẳng bao giờ có ý định làm giàu. Hắn chỉ muốn làm để có tiền nuôi con, giảm nhẹ phần nào những thiệt thòi của Ngọc. Nhưng Giang thì say sưa với những dự định, những viễn ảnh.

Khi hắn ngủ dậy, mặt trời đã lên. Giang đã nhóm lò nước đã nóng già. Một lúc sau Ky đến. Và Len. Len làm toàn bộ công việc. Chắt nước trong chum ra. Rồi xắn bột. Bột trắng mịn, rắn như đanh. Hắn xắn thay Len. Chùn cả ngón tay mới được một miếng. Nhưng chỉ khó miếng đầu thôi. Miếng sau dễ hơn. Miếng bột mới xắn có góc cạnh để trong thau một lúc thì chẩy ra. Ky gánh nước. Cả bọn chăm chú nhìn Len hoà bột. Đó là kỹ thuật: Dừng loãng quá, đừng đặc quá. Cho vào một ít hàn the. Để giòn miến. Và một ít muối nữa. Để bánh đỡ vỡ, miến đỡ gẫy và ít hao vì muối hút ẩm.

Rồi Len đưa cái muôi bằng sọ dừa múc bột đổ vào văng. Đậy vung lại. Như tráng bánh cuốn. Chỉ có khác là xeo lá bột chín tròn tròn lấy ra, đặt lên phên, còn một công đoạn nữa: dùng tay kéo căng lá bột cho mỏng, đều. Lá bột co giãn như cao-su. Phải kéo sát ra hai bên mép phên, vắt chúng về phía sau, giữ cho miếng bánh đa không co lại. Mọt tay Len kéo, một tay Len ấn vào giữa lá bánh, ép làm cho nó giãn đều. Ngón tay Len cong cong, đỏ hồng vì nóng giữa lá bánh nghi ngút khói. Làm xong quay lại bếp mở vung, đã thấy muôi bột tráng trên tấm vải pô-pơ-lin đổi từ màu trắng đục sang màu trắng trong, hơi nước làm phồng lên từng chỗ. Len đưa cái que gợi gợi xung quanh miếng bánh đa, rồi luồn que vào giữa lá bánh, hất mạnh lên và đưa ra phên. Hãy để lá bánh khói ngùn ngụt ở đấy, múc một muôi bột đổ vào văng láng đều và đậy vung lại đã. Rồi mới kéo lá bánh. Lá bánh tròn thành lá bánh vuông. Một cái phên cao hai mét chỉ được ba lá bánh.

Hắn đem phên ra dựng ghếch vào bờ tường chỗ dãi nắng. Và trở vào. Cả bọn nhìn Len làm. Xúm vào căng kéo lá bánh Len mới tráng đặt lên phên. Hơi than, hơi nước. Gò má Len đỏ ửng. Trán Len lấm tấm mồ hôi. Hắn thấy Giang nhìn Len như người mất hồn. Biết mọi người đổ dồn mắt vào mọi cử động của mình, Len vẫn hoàn toàn tập trung cho công việc. Đến phên thứ tư hắn bảo Len:

– Em nghỉ đi anh làm cho. Anh làm được mà.

Len đứng lên. Hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu đặt trước bếp.

Về đầu

 

Chương 46

 

Cái hợp tác xã làm miến chính thức sản xuất không quá một tuần lễ. Tráng, phơi, gỡ bánh da (thao tác này khó, bánh giỏn quá thì bị vỡ). Xếp xuống đất cho nó ẩm lại để chờ đem đi thái.

Hắn ở lì dưới đó, không về nhà. Buổi trưa ăn nhì nhằng cái bánh chưng, buổi chiều thì Ky về nhà, còn hắn và Giang được con Thương hoặc thằng Hiệp mang cơm đến (lúc bấy giờ mới có xe đạp). Cứ như những ngày chủ nhật trong tù, một người được quả tắc và hai anh em ăn chung.

Bây giờ đến một việc bọn hắn không thể làm được: Thái miến. Phải dúng số bánh đa đã phơi khô ấy xuống nước, cho nó mềm trở lại. Rồi cho vào máy thái. Đó là hai quả lô bằng đồng có những đường lõm xuống làm thành răng cát. Có một cái vô-lăng to. Quay tay. Chưa kể những vô-lăng, những bệ, những vòng bi… Chỉ hai quả lô bằng đồng cũng đủ làm bọn hắn không dám nghĩ tới. Đắt lắm. Gần một nghìn đồng mới được một cái máy cắt.

Lại Len. Len đã gỡ cho bọn hắn khỏi những khó khăn ấy.

Len đến bảo bọn hắn: “Các anh cho bánh vào bao, đèo đi với em”. Lúc bấy giờ đã là chiều, hết nắng. Cần một người ở nhà ủ lò, dẹp phên… và trông nhà.

Giang bảo:

– Anh Ky ở nhà nhé. Hôm nay có khi ông phải ngủ ở đây đấy. ưu tiên ông nhiều quá rồi, chưa ngủ lại hôm nào.

Mặt Giang khó đăm đăm. Chẳng biết Giang nói thật hay đùa. Ba bao bánh đa đặt lên cái xe đạp của Ky cao chất ngất. Lồng cồng nên nhẹ. Ba anh em, người dắt xe, người đỡ bao. Họ đi im lặng, không ai nói một câu.

Quanh co, đường hẹp giữa những ruộng muống, những ao tù. Ra phố. Rẽ vào một ngõ khác. Hai bên đường rải những rác, những xỉ than… Hắn ngoan ngoãn theo Len như theo một người chị lớn tuổi, người đưa bàn tay dắt hắn đi những bước đầu tiên, chập chững. Đã trông thấy những phên phơi bánh đa, phơi miến, tín hiệu sắp đến nơi định đến. Cả ba bước vào nhà một người làm miến, bố cô bạn của Len. Lò. Bột. Chậu. Và cái máy cắt. Bây giờ hắn mới nhìn thấy cái máy, nhìn thấy hai quả lô với những răng vuông sắc bằng đồng đỏ sáng loáng. Nhìn thấy cái vô-lăng bằng sắt, to bóng vì tay người. Nhìn thấy cái khát khao của bọn hắn.

ở mảnh sân hẹp, dựng những phên phơi. Thoang thoảng mùi chua của nước bột chua, của những miếng bánh vụn ngâm từ những vại gần đấy. Và ở một cái chái góc sân, tiếng những con lợn trầm hộc lên. Thật là cơ chỉ, nền nếp. Đâu vào đấy. khép kín. , Phải nuôi được lợn, tận dụng bột bẹt rơi vãi, nước chua… “

Cơ ngơi người làm miến không quen biết mà Len đưa đến là lý tưởng của hắn, mơ ước của hắn. Hắn kính cẩn nhìn ông bố niềm nở đón tiếp hắn. Gặp ông, hắn sống lại cảm giác hồi hắn hai mươi tuổi lần đầu tiên gặp nhà vàn Nguyên Hồng. Và cái cơ ngơi của ông làm hắn khao khát giống như hắn đã từng khao khát viết được những trang Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu…

Hắn nhìn cô con gái ông, bạn của Len như nhìn một siêu sao. Cô con gái ít tuổi hơn Len, chỉ vừa thoát khỏi tuổi thiếu nữ thôi. Với vẻ chân thật, giản dị của một người lao động từ tấm bé, cô bắt tay ngay vào việc. Lấy nia đạt bên dưới máy cắt. Chọn những lá ẩm nhất thái ngay. Và Len nhúng những lá bánh khác vào chậu nước gần đó.

Cô gái xoay vô-lăng. Giang đưa lá bánh vào giửa hai quả lô, nó cuốn vào cả lá bánh làm dăn dúm và ùn lại ở khe răng, nhưng nó nhả ra những sợi miến ở phía sau. Những sợi miến sóng nhau, đều tăm tắp, với những vết cắt vuông, một màu ngà ngà. Không kìm giữ được niềm vui, hắn vớ lấy một túm miến giơ lên. Hoá ra không chỉ có những sợi dài. Có những sợi ngắn và miến vụn nữa.

Nhưng túm miến hắn giơ lên là một túm miến sóng, đều, mềm oặt chẳng thua kém bất kỳ một loại miến nào. Màu nó hơi ngả vàng, chứ không trắng nõn, như vậy càng được khách hàng ưa chuộng. Nó chứng tỏ miến không pha bột gạo hay bột sắn, dù nấu xong để lâu mới ăn miến vẫn giòn.

…Hắn nhoài người quay vô-lăng. Quả là một công việc nặng nhọc. Lá bánh càng to, máy ăn càng nặng. Có những lá bánh quá cỡ phải lấy dao cắt làm hai, làm ba. Mồ hôi dính áo hắn. Len bảo:

– Để em!

Len quay. Giang quay. Ông bố mời hắn lên uống nước, nhưng hắn xin phép. Hắn không thể nào ngồi uống nước, khi chính Len quay máy thái cho hắn. Chỉ riêng một chuyện này hắn đã thấy Len là người tuyệt diệu. Chỉ qua Len bọn hắn đã được ông bố cho sử dụng máy, lại còn cử cô con gái giúp đỡ bọn hắn.

Tối mịt bọn hắn mới cho miến vào bao xe về. Hôm sau lại như vậy. Vẫn có Len đi cùng. Hắn cảm thấy không thể làm phiền gia đình người làm miên lâu hơn nữa.

Khi chỉ còn hai anh em trong căn nhà chơ vơ giữa một mảnh vườn hoang hắn bảo Giang:

– Làm thế nào có máy thái, Giang nhỉ?

Giang như đã có một quyết định. Giang đứng lên đi đến cái chiếu để miến mới thái ở giữa nhà, lấy hai tay quơ cho hắn một túm miến sóng nhất, phải đến hai ki-lô. Giang bảo:

– Anh cầm về đưa cho chị. Để đấy. Kệ em. Bán hết chỗ này đã. Rồi tính sau. Em lo việc bán cho. Mai 14 rồi. Bán mười tư. Rằm là hết.

Hắn cho chỗ miến vào một cái bao, xách đi. Đi bộ dọc vỉa hè. Qua anh Thân hắn sẻ cho anh một nắm. Khi về đến nhà, hắn đổ miến ra rổ, khoe với Ngọc, với các con, như khoe quyển tiểu thuyết vừa mới xuất bản. Còn hơn thế. Quyển tiểu thuyết hắn có thể làm được. Hắn đã làm. Đó là nghề của hắn. Đây là toàn bộ cố gắng, quyết tâm của hắn làm lại cuộc đời từ cái vạch ngang xuất phát là nơi mình đã bị tiêu diệt. Không chịu thua. Phải sống. Người ta muốn hắn chết. Nhưng hắn vẫn sống. Dù đối với hắn, khi không viết văn nữa thì cuộc sống chỉ còn là tồn tại sinh vật. Biết làm sao. Cái bản năng sống của con người rất mạnh. Phải sống qua được cơ đận này. Rồi sẽ minh oan. Sẽ đi các nơi. Pháp luật xã hội chủ nghĩa quang minh chính đại. Chế độ xã hội chủ nghĩa là công bằng nhất thế giới. Có thể có những đám mây đen che phủ mặt trời, nhưng rồi mây sẽ tan, mây sẽ bay đi. Khong ai có thể làm cho hắn mất được niềm tin vào chân lý giản đơn: Có công thì thưởng, có tội thì phạt.

Phải tìm cách gạp được ông Trần!

Hơn một năm sau hắn mới gặp được ông Trần. Giờ đây nhớ lại hai năm mới ra tù cơ cực ấy mà sởn gai ốc, mà kinh ngạc không hiểu làm sao vẫn sống được. Hắn nghĩ: May mà dạo ấy mình mới 40 tuổi. Còn sức khoẻ. Còn chưa ngại công việc. Ngọc cũng vậy. Ngọc cũng còn sức bật. Năm ấy Ngọc mới 35 tuổi.

Những năm tháng sống trên trái đất này là quà tặng quý nhất mà tạo hoá dành cho mỗi sinh vật có cái may mắn được gọi là người. “Người ta chỉ sống có một lần. Cho nên đời sống quý giá vô cùng. “Vậy mà người ta lại thích thú đi tiêu diệt đời sống kẻ khác”.

Hắn đã bị cướp mất cuộc đời. ít nhất đến lúc đó, hắn cũng đã bị cướp mất những năm tháng đẹp nhất. Hắn mụ mị đi vì kiếm sống.

Sản xuất được tạ bột đầu tiên, cái hợp tác xã làm miến tan. Do Giang. Giang nói với hắn:

– Em không làm nữa đâu!

Hắn choáng váng. Thật bất ngờ. Nhưng thực lòng hắn thấy như trút được gánh nặng. Suốt ngày đêm ở giữa mảnh vườn này. Cơm cháo chểnh mảng, ngủ vạ ngủ vật, xa vợ, xa con, như một thứ tù giam lỏng. Vốn không có. Không thể mua chịu bột mãi. Không thể thái miến nhờ mãi. Ai bán miến cho? May mà Len (lại Len) bán giúp. Len bán hàng có duyên lấm. Len bán được một buổi thì bố mẹ ra chợ lôi về. Mắng, chửi. ầm ĩ. Cô bạn Len bán hộ. Chỗ miến vụn cô bán cho những nhà bán bún chả. Được giá. Họ cho miến vụn vào nhân chả nem. Bao nhiêu cũng hết.

Một buổi hắn đang ngồi xếp lại chỗ miến cuối cùng thì Len đến. Len bảo:

– Em trốn bố mẹ em, đi được một tý thôi. Em đến chào anh. Anh Giang có về anh nói với anh ấy đừng trách em. Vĩnh biệt các anh!

Len khóc, chạy qua vườn ra cửa, không quay lại nữa.

Nguyên nhân cái tổ làm miến tan chắc chắn có phần câu chuyện của Len. Khi nghe hắn thuật lại chuyện Len đến chào, mặt Giang tái đi. Môi đã mỏng mím lại chỉ còn là một vệt thẳng. Nét mặt ấy của Giang hắn đã trông thấy ở trại Q. N, khi Giang cầm lưỡi bướm đứng trước Triều Phỉ cao lớn. Và hôm sau hắn lại thấy khi Giang làm bốc thăm chia tài sản. Có ba vật đáng giá nhất phải chia: Cái chảo gang, cái chậu nhôm, và cái chum. Tiền bán phên, bán miến đủ trả tiền bột cho chị Hiên. Hắn bốc được trúng cái chậu nhôm. Giang bốc được cái chảo gang. Và Ky: Cái chum.

Hắn nhìn theo Ky bnồn bã ngơ ngác vác cái chum trên vai đi ra đường, hai bắp chân gầy cong cong của Ky bước qua vũng nước, đầu nghiêng lệch đi vì cái chum to cong đè một bên vai. Tiếng Ky rên rỉ:

– Tiền có phải vỏ don đâu.

Chờ Ky đi khuất sau bụi chuối phía ruộng muống, Giang bảo:

– Anh có lấy cái chảo làm gì không?

Hắn lắc đầu. Giang xuống bếp, cầm cả một hòn gạch ném mạnh vào chảo. “Choang”. Cái chảo vỡ vụn.

Giang trở vào ngồi ôm mặt. Hắn hút thuốc lào, lặng im. Một lúc sau Giang bảo:

– Anh em mình tính kế khác thôi.

Mỗi người tính một kế sinh nhai khác nhau.

Hắn chưa tính được kế gì thì gạo đã hết. Thao, vợ Bình xúc cho mấy bơ. Cô Linh, thủ kho chính, vợ ông đại uý đi B cho Ngọc mấy bơ. (Giờ chỉ còn Linh “goá sống” thôi. Ngọc đã có chồng ở bên rồi). Thao còn giúp được hắn nhiều hơn. Bình bảo hắn: “Mày bảo Ngọc xin giấy giới thiệu đến cửa hàng bà Thao mua giày ba-ta nhé”. Ngọc xin giấy giới thiệu mua một đôi, rồi thêm vào đó con số 0, thành mười đôi.

– Sáng mai bà Thao chờ mày ở cửa hàng. Chuẩn bị tiền, bà ấy bán cho chục đôi giày ba-ta.

Thao là kế toán ở cửa hàng mậu dịch. ở cửa hàng ấy có bà vợ ông Lê Cộng cũng tên là Thao nên gọi là Thao phồ, vì bà to lớn. Là cửa hàng phó, bà Thao phồ là một trong nhưtng người được quyền cấp giấy cho mua hàng. Uy tín của bà còn lớn hơn cửa hàng trưởng vì bà là vợ ông Lê Cộng. Sau khi dự hội nghị bốn bên về, tiếng tăm ông lên như sóng cồn, được cả hành phố bàn tán với một niềm kiêu hãnh.

Bà Thao phồ nể Thao vì bà nhờ Thao “theo dõi anh hộ chị”. (Chả là ông Cộng rất máu gái và bà Thao phồ rất ghen. Có lần ông đã rút súng bắn chỉ thiên giữa phố để dẹp bà Thao phồ đang đánh đu lấy ông mà xỉa xói). Thao, vốn là người đại hài hước và triệt để kinh doanh những phi vụ ấy, cười rinh rích thuật lại:

– Ông có biết tôi làm gì không? Thế là tôi lại đi gặp anh tôi nói: Chị đang nhờ em theo dõi anh đấy. Anh chỉ có tín nhiệm tôi quá thôi.

Thao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gián điệp hai mang. Cả anh, cả chị đều quý Thao, vì Thao không phát hiện được ở anh hành vi xấu xa đĩ bợm nào. Chị cho rằng anh đã biết sửa chữa, biết nghĩ lại và ghi cho Thao mảnh giấy:

Đoàn chiền thanh xí nghiệp 10 đôi ba-ta.

Với Thao thì được đoàn chiền thanh xí nghiệp do bà viết vào một mảnh giấy trắng, còn hắn phải có giấy giới thiệu xin mua để bà Thao phồ phê duyệt ở bên lề. Có giấy rồi, vợ chồng hắn phải lo chạy tiền vốn. Hắn chẳng vay ai được. Lại Ngọc. Ngọc lên công ty, giật nóng mỗi người dăm ba đồng.

Hắn cầm tiền lên cửa hàng mua giày. Và không biết bán ở đâu. Mua được hàng đã khó. Bán được hàng lại khó nữa. Không thể ôm một bọc giày lang thang ở chợ. Người ta có thể túm lấy anh. Ông bảo vệ chợ có thể hỏi: “Này anh kia, cho xem cái bọc. Giày à? Anh lấy đâu ra số giày này? Mua à? Mua ở đâu? Chỉ cho tôi. Hàng này là hàng nhà nước. Buôn gian bán lậu hả?” Thế là người xúm lại. Đông nghịt. Chỉ có độn thổ. Cứ cho là thoát được, vào được trong chợ, rụt rè đi đi lại lại, tia những hàng vàng khách, sà vào hỏi: “Chị có mua giày ba-ta không?” Để rồi nhận được một câu trả lời khinh khỉnh: “rẻ lắm. Mới lấy hôm qua rồi. Hôm khác đem lại nhé”. Hoặc phải mặc cả từng hào. Họ ấn bọc giày vào gầm quầy, (dù chưa ngã giá, chưa giả một đồng nào) giơ lên từng chiếc, chê bôi, lại nói to, ầm cả chợ. Bao nhiêu người qua lại nhìn mình như nhìn một con buôn (thật đáng khinh bỉ bọn buôn bán, chẳng sản xuất ra của cải vật chất, mà chỉ mua rẻ bán đắt, làm giàu). Tệ hại hơn, họ nhìn mình như nhìn một con sâu mọt, rút hàng của nhà nước.

Thật là một việc ngoài sức của hắn. Lại chính Thao đã giúp đỡ hắn. Thao hẹn hắn buổi tối sang nhà. Thao đưa bắn đi bán. Hai người đạp xe đi xa. Xa lắm. Hắn kêu lên:

– Sắp đến Phủ Lý chưa, bà Thao ơi!

Hắn phấn khởi đấy. Phấn khởi vì sắp có tiền đã hẳn. Lại phấn khởi vì có vợ chồng Bình, những người bạn không chê vào đâu được.

Thao đưa hắn đến một nhà quen có mặt hàng ở chợ Chính, bán hàng và nhận tiền.

Thi thoảng Bình lại sang. Bình nói cách khác: Chín giờ mai lên cửa hàng gặp bà Thao. Đoàn chiền thanh xí nghiệp đấy.

Cũng như cá mè ô 5, có nghĩa là kiên trì vượt mọi khó khăn, xếp hàng mua thực phẩm của mậu dịch trở thành câu nói Đoàn chiền thanh xí nghiệp mang nội dung lấy giấy giới thiệu ở xí nghiệp Ngọc làm, cầm lên để bà Thao phồ duyệt bán mười đôi giày ba- ta, trừ vốn đi, được lãi mười lăm đồng. Hắn đã hỏi Thao lai lịch cái chữ Đoàn chiền thanh xí nghiệp. Thao cười ngặt nghẽo:

– Ai mà biết được. Hình như có một đoàn cán bộ truyền thanh xuống cửa hàng một lần.

Hắn cãi:

– Không phải truyền thanh. Mà chiền thanh. Chiền thanh xí nghiệp. Là cái gì? Cả Ngọc, cả Bình đều cười. Lũ trẻ cũng cười làn.

Thao nghiêm túc:

– Ông biết không. Nguyên tắc viết những loại giấy tờ này là không được rõ ràng. Càng khó đọc càng tốt. Cần là cái chữ ký, cái số hàng.

Chữ ký của bà Thao phổ nguệch ngoạc; loằng ngoang. Chắc bà học chưa quá lớp hai. Nhưng chữ ký của bà thật giá trị. Mảnh giấy con con, một hai hàng chữ xiên xẹo và chữ ký như lò-xo của bà có giá to lắm.

Hơn mọi tờ giấy bạc. Tờ giấy bạc mệnh giá to nhất lúc đó là tờ mười đồng, tờ cụ mượt. Tờ giấy của bà đưa cho hắn giá mười lăm, hai mươi đồng. Tờ bà đưa cho người khác có giá năm, bảy chục. Tờ bà tự viết và ký cho mình lên tới tiền trăm.

ôi! Cái chữ đoàn chiền thanh xí nghiệp yêu quý ấy hắn đã được mấy lần. Mỗi chừ có giá trị thật cao. Vượt cả nhuận bút của Kipling chứ chơi đâu. Đến khi ấy Bình mới công nhận nhuận bút của ông thợ cắt tóc cho Bình chỉ ở hàng thứ hai. Đầu đuôi là thế này: Bình vào hiệu cắt tóc. Sau khi ngồi xuống ghế và được quàng khăn, Bình bảo ông thợ:

– Ông cắt cao lên nhé

– Vâng. Đuổi.

Bình nhắc lại:

– Ông cắt cao cho.

– Vâng! Đuổi.

Đến khi trả tiền. Bình đưa ba hào, ông cắt tóc nhã nhặn:

– Của ông cắt đuổi. Năm hào

Bình phải trả năm hào. Bình bảo: Đó là nhuận bút cao nhất. Một chữ hai hào.

Rõ ràng, “Đuổi, hai hào” chẳng thể nào bằng đoàn chiền thanh xí nghiệp tiền chục được.

Chỉ đáng tiếc là hắn được đoàn chiền thanh vỏn vẹn có ba lần. Hắn chỉ được hưởng hương hoa của ngành thương có ba lần. Để cấp cứu những lúc quá khó khăn mà sống.

Thế rồi một hôm Dần đến. Dần bảo Dần lập một hợp tác xã cơ khí, nhưng chưa có tài khoản.

– Giá có tài khoản thì có thể có hợp đồng làm quanh năm.

Dần rủ hắn vào vì Dần là một trong những người sáng lập. Hắn hứa sẽ lo được tài khoản. Đó là một việc cực kỳ khó khăn. Cả thành phố chỉ có trên chục hợp tác xã được mở tài khoản. Toàn những hợp tác xã danh tiếng. Quy mô như một xí nghiệp và thực chất cũng là xí nghiệp. Đảng, tổ chức chính quyền cử người làm chủ nhiệm, làm kế toán, làm bí thư đảng uỷ. Những hợp tác xã Hồng Minh, hợp tác xã Quyết Tiến. Kiểu hợp tác xã như bọn hắn đừng hòng nghĩ đến có tài khoản ở ngân hàng.

Nhưng Dần tin ở hắn. Hắn tin ở anh Thân. Công việc thuận lợi. Anh Thân bảo hắn đến nhà ông Ngoãn, trưởng phòng thủ công khu phố.

Hắn đến con người nổi tiếng này, lòng lo lắng, dù anh Thân đã bảo: “Ngoãn đồng ý cấp giấy lên ngân hàng. Chú đến đi. Rồi ở ngân hàng có gì khó khăn, tôi nói cho”.

Hắn lo vì Ngoãn là em ruột ông Trần, vì hắn đến nhà Ngoãn với hai bàn tay trắng. Mà hắn đã nghe nói nhiều về người phụ trách thủ công khu phố này. Về phạm vi ông ta cai quản, về những hợp tác xã ăn nên làm ra. Về dòng của cải đổ vào nhà ông ta. Về thanh thế của ông Trần mà ông được hưởng. Về những dịp lễ tết, nhà ông như ngày hội. Về những người chầu chực xin gặp ông mà không được ông cho gặp v. v… Tóm lại toàn những tin đồn ghê gớm. Ông là người ghê gớm.

Hắn đến nhà ông, nhờ ông, xin ông một chuyện tày đình: Cấp tài khoản cho một hợp tác xã chưa có trụ sở, chưa có một tý máy móc, chưa ký được một hợp đồng sản xuất nào. Hắn đến ông, bao thuốc lá cũng không, chỉ mang theo một bộ mặt khó đăm đăm.

Thật may. Hắn vừa đi vào thì gặp hai người khách bước ra. Một nam, một nữ. Chỉ thoảng trông cũng biết là những người giàu có, sang trọng. Quần áo của họ rặt những thứ lý tưởng, tiêu chuẩn hoá. Nam sơ-mi xanh nhạt, quần xi-mi-li màu mực Cửu Long. Nữ quần xa tanh là phẳng, áo phin nõn. Mặt họ bừng sáng lên những nụ cười. Hai xe đạp Peugeot líp kêu giòn tanh tách. Thoảng qua hắn một làn khói thuốc thơm.

Hắn bước vào nhà ông Ngoãn, rụt rè, sợ sệt gần như tuyệt vọng, với niềm an ủi duy nhất: Chỉ có một mình ông. Khách khứa đã về hết. Hắn sẽ nói được thoải mái hơn. Kể lể khó khăn và van nài dễ hơn. Dù có bị khước từ cũng đỡ nhục nhã.

Ngoãn nhận ra hắn ngay. Chả hắn giống anh Thân. Và chắc Ngoãn vẫn nhớ lời hẹn với anh Thân, nhắn hắn đến.

Ngoãn bắt tay hắn, cái bắt tay nhiệt tình chờ đợi.

Ngoãn mời hắn ngồi xuống ghế ở hành lang cho mát.

Rồi Ngoãn vào nhà, xách ra nào bia, nào bánh ngọt, nào thuốc lá, đặt cả lên cái bàn vuông con.

Ngoãn mở bia rót ra cốc và nói với hắn một cách chân tình:

– Ông ăn đi. Uống đi. Của người ta cho tôi đấy. Tôi không mất tiền đâu mà ông sợ.

Hắn ra về với bộ mặt đỏ ửng vì bia, cái công văn của phòng thủ công nghiệp gửi ngân hàng thành phố đề nghị cho hợp tác xã Đồng Tâm được mở tài khoản đút trong túi áo sơ-mi trắng, cái áo sơ-mi anh Diệu cho mà hắn mặc rất vừa.

Hắn không ngờ Ngoãn đối với hắn nhiệt tình như vậy Tốt và thông cảm như vậy. Ngược lại hẳn với những lời đồn đại. Hắn nghĩ: Hay là Ngoãn biết ông Trần đã gây đau khổ cho hắn. Và Ngoãn muốn làm giảm một phần nỗi đau của hắn chăng?

Về đầu

 

Chương 47

 

Suốt thời gian loay hoay lo tài khoản, chạy hợp đồng và thực hiện hợp đồng đầu tiên, hắn không gặp Giang. Giang lặn mất tăm. Len cũng không lại. Chẳng biết Giang sống bằng gì. Hắn đã tới nhà Giang. Không gặp mẹ Giang. Không gặp chị Hiên. Gọi “Chị Hiên” là gọi theo cách của Giang thôi. Chứ Hiên còn ít tuổi hơn hắn. Hắn chưa gặp người phụ nữ này nhưng nhà Giang có một bức ảnh Hiên phóng to treo trên tường. Đó là một thiếu phụ trẻ, ngoài ba mươi, cằm tì lên hai bàn tay đan vào nhau mềm oặt, má bầu bĩnh, cặp mắt đen và tư lự. Một ngón tay đeo nhẫn. Thõng xuống ngực một sợi dây chuyền mảnh. Một kiểu mặt khác hẳn Giang và mẹ Giang. Giang giống mẹ. Người nhỏ, mặt gầy, môi mỏng. Chắc Hiên giống bố.

Hiên trong ảnh thật tương phản với chồng: Anh Tuỳ, một công nhân xây dựng hơn tuổi hắn đã nghỉ mất sức và đi xây thuê. Đầu cắt bốc, mặt đen đủi và chất phác, bàn tay nứt nẻ vì vôi vữa. Người anh lúc nào cũng toả ra mùi của các bức tường đang xây. Anh pha nước mời hắn và bảo:

– Cậu Giang đi hơn tuần nay rồi.

Lũ trẻ con chữa lại câu nói ấy:

– Đến hôm nay là đúng mười ba ngày, bác ạ.

Hắn đạp xe về, lòng nặng trĩu. Giang đi đâu? ắt hẳn Giang lại tham gia vào một băng nào đấy. Điều đó thật nguy hiểm. Như có một cái gì đang sắp nuốt chửng lấy Giang.

“Nếu câu chuyện giữa Len và Giang thành thì đâu đến nỗi”. Hắn lại lẩm nhẩm một mình. Cái đó đã thành tật rồi. Nhưng hắn chưa biết hắn mắc thói quen ấy. Bởi vì khi hắn lẩm nhẩm là lúc hắn đắm chìm trong suy nghĩ.

“Nhưng không thể trách Len”. Hắn lại lẩm nhẩm. Không thể trách bố mẹ Len. Nếu có ai đáng trách thì người ấy là Giang. Mà trong chuyện này, Giang cũng không đáng trách hoặc chỉ đáng trách một phần…”

Phải đến khi bắt đầu thực hiện hợp đồng làm khay hấp mì sợi, Giang mới ở đâu về. Giang đến nhà, không gặp hắn. Hắn đang ở chỗ làm. Đó là một cái sân rộng, cũng của môt anh đi tù về mà hắn và Dần quen. Giang đến, khi hắn đang ngồi xổm giữa sân giơ búa đập mạnh vào cái đột. Hắn dừng tay. Giang ngắm nghía công trình hắn đang làm dở: Một lá tôn tráng kẽm đã đục thủng những hàng lỗ tròn (phi tám) đều tăm tắp. Mấy người nữa cũng đang làm như hắn… Tiếng búa, tiếng lá tôn bị va chạm kêu nhức óc. Ngổn ngang mặt sân, những mảnh tôn tròn xoe bị đục ra như những đồng xu nhỏ. Hắn ghé sát tai Giang:

– Lặn lâu thế.

Giang ngắm nghía hắn đục một lúc, rồi bảo:

– Tối em lại nhé. Bây giờ em đi đây.

Hắn nhìn theo bóng Giang nhỏ, gầy, dáng phong trần. Cũng giống Gorki, Giang không có tuổi thiếu niên. Từ thời thơ ấu Giang bước thẳng vào tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành. Trưởng thành trong tù đày, trong lớp người cặn bã.

Hắn lại đục tiếp. Dần đi đi về về, dốc ở túi ra những cái đột bằng sắt. Đột mới sắc, đục còn dễ. Đục được vài hàng là nó chùn lại. Hắn cảm thấy không thể đột được. Không đảm bảo kỹ thuật. Miếng tôn tròn bị cắt ra không có lối thoát. Nên nó không đứt hẳn. Nghiêm trọng hơn là đột như thế, lá tôn phẳng bị biến dạng.

Dần tần ngần:

– Phải có máy ép. Đặt lá tôn lên trên bàn ép…

Hắn dừng đột, ngắm nghía công trình của mình:

– Lá tôn chưa đục, phẳng là thế, đực đến đâu cong uốn lên đến đó.

– Thế này chưa chắc họ đã nhận đâu.

Dần đi. Đến chiều Dần về. Hắn và mấy nhân công thuê mượn nữa đang đục. Dần đá vào chân hắn:

– Đi đi! Dục làm chó gì. Đi với tôi!

Dần và hắn đi uống nước chè chén. Dần bảo đã tìm được một công nhân xưởng đóng tàu sẵn sàng bảo đảm hết hợp đồng cho mình.

– Nhưng còn giá cả ra sao?

Hắn lo lắng hỏi. Dần xì một tiếng:

– Bây giờ làm sao đừng để nó phạt lỡ hợp đồng là tốt lắm rồi.

Và Dần tính toán:

– Đ.mẹ. (Dần văng tục) Thằng Thăng chém mạnh quá. Mười phần trăm hợp đồng. Mất đứt với nó bốn trăm. Có thế nó mới cho ký. Nó là trưởng phòng kế hoạch mà lại…

Dần nói những con số… Tiền gia công của anh thợ xưởng đóng tàu, tiền thuế, tiền vận chuyển là vừa xoẳn.

Hắn cũng thấy cái hợp đồng sản xuất khay hấp mì sợi đâu có dễ nuốt, đối với một hợp tác xã như hợp tác xã Đồng Tâm. Tên là Đồng Tâm đấy, nhưng đâu có đồng tâm. Hợp tác xã có hơn mười xã viên, chỉ có hắn đục và Dần đi đi về về, dốc ra nhưtng cái đột. Còn mấy đứa choai choai quanh xóm ra đục thuê. Những xã viên khác biến đi đâu hết. Hoá ra cũng toàn những người đi tù về, nghề nghiệp người biết, người không. Vốn liếng không. Không ai phải góp. Có công nhất là Dần, người đã đứng ra tổ chức, lo hợp đồng và hắn chạy được tài khoản.

Hắn đồng ý với Dần. Sao cho không bị phạt là tốt. Tất cả việc thu xếp chuyển hợp đồng cho anh Thọ xưởng đóng tàu, hắn mặc Dần. Hắn nghĩ: Có thể những con số Dần đưa ra chưa thật chính xác. Nhưng hoàn cảnh Dần cũng khốn nạn, có khi còn khốn nạn hơn hắn. Dần không có ai giúp đỡ. Hắn còn bố mẹ, anh em, bạn bè. Hắn mong Dần sân siu được tí chút ở cái hợp đồng này. Dần ba đào quá. Còn hắn, hắn cũng chẳng mất gì. Chỉ mất ít thời gian. Mà thời gian hắn nhiều. Lại khỏi phải nằm một mình ở nhà, suy nghĩ. ít ra cũng có một cái gì đó để mình bận rộn, lo lắng và hy vọng.

Buổi tối hôm ấy Giang đến nhà hắn như đã hẹn. Giang thay đổi hẳn: Sơ-mi trắng là phẳng, cho vào trong quần. Quần xi-mi-li pha ni-lông màu be cũng là phẳng. Vừa trông thấy Giang, Ngọc đã reo:

– Cậu Giang. Đi đâu mà lâu thế?

– Em đi Tùng Dương, chị ạ.

– Anh đến nhà mấy lần đấy. Dạo này cậu làm ăn gì?

Giang cười: “Em nhùng nhằng”. Ngọc nhìn Giang dò xét. Nàng biết Giang chẳng có công việc gì làm ăn. Nàng thương Giang như nàng thương chồng nàng. Mỗi người một con đường đi đến tù đày. Một số phận đi đến tù đày và bây giờ cùng chung cảnh ngộ. Giang vẫy thằng Dương:

– Lại đây, cậu cho cái này.

Giang rút túi cho nó một gói nhỏ kẹo lạc. Và một cái còi. Nó đưa lên mồm thổi “toét toe”. Mắt nó sáng lên. Hết nhìn mẹ lại nhìn bố. Hai đứa lớn ngừng học.

Thang Hiệp giơ tay:

– Dương, cho anh xem nào.

Thằng Dương giấu vội về phía lưng và lại đưa cỏi lên mồm thổi.

– “Em đang làm cái này đấy, chị ạ!”.

Giang trỏ vào cái còi trong tay thằng Dương, bảo Ngọc.

Khi hai anh em đã xuống thang, Giang cười:

– Nói đùa đấy. Của anh Vũ em làm.

– Vũ nào?

– Con bà cô em. Anh chưa biết.

Giang đèo hắn đi chơi phố.

– Anh em mình vào đây uống nước chanh di.

– Sang thế

– Em có tiền.

Quán giải khát ở đầu đường Quang Trung, nơi trông ra chỗ Phúc mù chữa xe đạp ngày nào. Phúc đâu rồi? Phúc làm gì?

Họ vào trong nhà. Họ không muốn ngồi ngoài hè. ở đó có mấy thanh niên đang uống nước. Họ muốn yên tĩnh chuyện trò.

– Len đâu?

Giang châm điếu thuốc.

– Em không gặp.

Hắn thở dài.

– Thôi, anh đừng nói chuyện ấy nữa.

Hắn biết chuyện giữa Len và Giang thế là hết. Hắn kể chuyện hắn làm hợp tác xã Đồng Tâm.

– Anh không làm được đâu.

– Hợp tác không có gì cả thì làm ăn sao được.

– Giang đi Tùng Dương thật đấy à?

– Em đi thật.

– Em làm gì trên ấy?

Em buôn bán lằng nhằng.

– Khá không?

– Cũng được.

Đúng là trông Giang có vẻ có tiền. ít nhất là hai anh em cũng vào quán giải khát như những người sang trọng. Giang uống nước và nhìn hắn, nhìn vẻ mặt, dáng người được đúc từ cái khuôn đúc cán bộ công nhân viên nhà nước của hắn, mà dù thế nào cũng vẫn để lại dấu tích trên con người hắn, từ cử chỉ, kiểu tóc, cách ăn mặc. Dù năm năm tù, gần một năm thất nghiệp rồi, dấu vết cán bộ vẫn chẳng phai đi.

Giang cười rinh rích:

– Trông anh giống tây thật đấy.

Giang nhìn ra ngoài, chợt Giang kêu lên:

– Chết rồi, cái xe dựng đây đâu mất rồi?

ở chỗ vỉa hè ngay trước cửa, cái xe của Giang, bóng loáng, đứng trên chân chống, không còn nữa. Hai anh em chạy vội ra.

– Em vẫn tia đấy chứ. Vừa nãy vẫn còn.

Hai người nhìn về phía đầu đường, phía cuối đường hun hút. Không. Không ai đạp xe vội vã. Có mấy người đều đi thong thả với dáng bình thường nhất.

Hắn và Giang lặng lẽ quay vào. Giang đi đến sát tường nơi dựng bốn, năm cái xe của khách.

Giang hỏi từng xe và reo lên:

– Đây rồi. Ai lại dắt vào đây.

Bà chủ quán cười xoà:

– Em dắt vào đấy cho nó gọn.

Mấy anh ngồi uống nước cũng cười:

– Công nhận hai ông này bình tĩnh.

Giang giải thích:

– Căn bản là xe đi mượn mà. Nên không nhận ra.

Sau lần gặp ấy, Giang hay lại nhà hắn hơn. Trên nét mặt khó đảm đăm của Giang không hằn lên dấu hỏi to tướng: Làm gì sống đây. Giang như đã có hướng rồi. Cứ vậy mà làm. Rồi đến đâu thì đến. Chính vì thế mà hắn lo cho Giang. Lo, nhưng không dám nói, không dám hỏi. Vả lại biết khuyên Giang gì đây? Liệu có là đạo đức giả khi không tìm được một lối thoát nào cho Giang, mà chỉ đưa ra những điều thuyết lý. Lâm vào những hoàn cảnh này mới biết cuộc sống khó khăn tới mức nào. Điều hắn nghĩ về Giang, lo về Giang đã được xác định là đúng. Điều hắn phỏng đoán đã thành sự thật.

Một vòng xoáy mà Giang không thể thoát. Một hôm hắn và Bình đang ngồi nói chuyện thì Giang đến. Giang và Bình quen nhau qua hắn. Giang vác một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ lên gác, bảo hắn:

– Anh cho em gửi cái xe. Của một thằng bạn em. Nó đi tàu Hà Nội bây giờ.

Hắn gật đầu. Giang mang xe dựng vào cạnh lò sưởi.

– Em để vào đây cho gọn.

Hắn hỏi Giang khi Giang xuống thang:

– Gửi lâu không?

– Một hai ngày thôi, anh ạ.

Việc gửi đó là rất bình thường thôi, nhưng hắn và Bình nhìn nhau. Im lặng. Và hiểu. Bình cũng nghĩ như hắn: Giang lại đi đánh nghẽo. Hắn đứng dậy, lùi ra xa để nhìn cái xe đạp cũ kỹ trong toàn cảnh. Chưa bao giờ hắn nhìn thấy một đồ ăn cắp nào giá trị như vậy Hắn hiểu rằng có một người nào đó vừa mất cả gia tài, mất cả cần câu cơm, phương tiện kiếm sống đây Họ đang trình báo công an. Họ đang tìm. Họ đang nguyền rủa kẻ ăn cắp. Họ không thể biết được cái xe thân yêu, quen thuộc, trung thành của họ đang nằm ở chỗ nào đâu.

Chủ của chiếc xe này cũng giống hắn, không chăm chút, ít lau chùi, đi là đi, thế thôi… Không ai bảo ai, hắn và Bình cùng bước lại, cúi xem biển số. ở tấm biển sắt có hàng chữ nổi: TD. Xe ở Tùng Dương. Giang chuyển địa bàn, lên Tùng Dương nhập với một băng nào đó trên đấy. Cái khoá vòng vẫn còn, nhưng ổ khoá đã bị phá, long ra. Thật vô cùng nguy hiểm. Lao vào trò này, sớm muộn cũng sa lưới. Sớm muộn cũng trở lại Hintơn. Bên cạnh nỗi lo cho Giang, hắn còn lo Ngọc và lũ trẻ biết.

– Xe của bạn cậu Giang.

Lũ trẻ tin ngay. Còn Ngọc, không hiểu Ngọc có nghi ngờ gì không. Hắn không dám hỏi. Chỉ mong Ngọc thông cảm cho hắn. Và cho Giang nữa. Cũng may Giang chỉ gửi hắn hai cái xe tất cả. Chiếc sau là xe Favorit. Cũng lại dựa vào lò sưởi, ngay góc nhà. Ai vào cũng trông thấy. Chẳng lẽ lại đắp chiếu lên xe. Không tự nhiên. Mà để trơ ra thế này, thật nguy hiểm. Đập vào mắt mọi người. ở đời ai học được hết chữ ngờ. Có khi chính người quen của hắn lại nhận ra cái xe này của một anh bạn mới mất cách đây vài hôm. Lũ trẻ không hỏi han gì. Nhưng Ngọc nói: “Lại xe cậu Giang hở?”. Hắn nhìn Ngọc, đón nhận điều trách móc. Hắn thấy Ngọc cắn môi, tránh cái nhìn của hắn.

Bình sang. Bình ngồi xổm, lặng lẽ ngắm chiếc xe. Nó chỉ là sắt thép. Nhưng Bình cảm thấy nó côi cút. Anh xót xa cho chủ nó. Đó là một chiếc xe đã cũ. Và ở bộ phận nào cũng thấy rõ bàn tay chăm sóc của người chủ xe. Xe nam. Sơn đã sứt ở một số chỗ. Những chỗ sứt đó được chấm lại cẩn thận bằng một thứ sơn gần như cùng màu. Gác-đơ-bu gãy đã được nối lại rất khéo, chắc và khít. Yên xe rách đã được khâu. Một bên pê-đan gẫy được cưa ngắn đi và làm lại, nhưng vẫn đủ cả bi, côn… Bằng chứng là khi Bình lấy tay quay cái pê-đan ngắn, nó xoay tít. Lốp đã mòn nhiều, lốp sau trơ vải, nhưng không chỗ nào bị giập, chứng tỏ lúc nào cũng được bơm căng… Phanh, chuông vẫn còn đầy đủ…

Bình đứng lên, ra bàn uống nước: “Công nhận tay này giữ cái xe tuyệt diệu”. Hắn cứ hình dung người mất xe có khuôn mặt vuông vức, dáng cao lớn như anh lái cần cẩu chân đế ở dưới nhà. Anh ta cũng có một cái Favorit cũ.

Giang bị bắt trở lại vào mùa đông năm ấy. Mùa đông đầu tiên được tự do dài không kém gì một mùa đông trong trại.

Khi đó hắn đã thôi không làm hợp tác xã cơ khí nữa. Hắn bảo Dần:

– Thôi, ông xoay xoả thế nào tuỳ ông. Tôi không làm nữa đâu.

Hợp tác xã Đồng Tâm cho đến lúc đó mới thực hiện được một hợp đồng duy nhất: Làm khay hấp mì sợi. Hắn còn đi giả hàng cho Dần. Xếp khay lên một cái xe bò do Dần thuê. Dần đưa hắn mười đồng. Vừa trả tiền thuê xe, vừa ăn trưa…

Hắn, Dần đến nhà anh Thọ từ sớm. Toàn bộ công việc phải chuyển cho anh Thọ, một công nhân cơ khí. Anh lấy sắt thép dựng một cái bàn ép thủ công và thuê người làm ở nhà anh. Có dưỡng để tính lỗ. Có cần vít xuống là xong. Chất lượng không chê vào đâu được. Những hàng lỗ đều tăm tắp trên miếng tôn vẫn cứ phẳng lỳ.

Xe đi. Chiếc xe cao chất ngất những khay mì, đã được chằng buộc kỹ. Chú bé đánh xe (lớn hơn thằng Hiệp) ngồi trên cái ngáng buộc giữa hai càng xe. Hắn đạp xe theo. Dần còn nói lại một lần nữa:

– Có một số khay mình đục bị méo. Ông yên tâm. Cứ bảo thằng Thăng là tôi đã nói với nó rồi.

Tưởng nhanh, hóa ra quá trưa vẫn chưa xong giấy tờ. Đúng như lời Dần nói: Khay xấu khay đẹp Thăng nhận hết. Thăng ký hợp đồng với Dần. Thăng có suất. Dần thì chửi:

– Đmẹ. Thằng Thăng chém nặng quá.

Thăng lấy cho hắn bốn cái bánh mì nóng hổi, vừa ra lò (lò ngay gần đấy). Hắn hai. Thằng đánh xe hai.

Hắn đang dạt vào chỗ giọt gianh, tránh nắng, nhai bánh mì thì có người gọi hắn:

– Nhà báo! Làm sao đến nông nỗi này?

Hắn nhìn lên: ông Hưng giám đốc nhà máy cơ khí nay là giám đốc nhà máy mì sợi, một người quen từ lâu. Ông là cộng tác viên tích cực của hắn. Nhờ hắn, xí nghiệp ông được nhiều người biết. Nhờ ông, hắn hoàn thành mọi yêu cầu đột xuất của báo. Hắn thuộc từng phân xưởng của xí nghiệp, biết tên từng tổ trưởng sản xuất và thân cả với tổ trưởng tổ khá, các cá nhân có tay nghề có thành tích… Hắn viết nhửng tin những bài đạt yêu cầu, nếu không nói là sâu sắc. Giữa ông Hưng và hắn còn có cả một sự hợp đồng tác chiến mà đôi bên rất hiểu vai trò, nhiệm vụ của mình. Ví dụ như buổi tối, ông Hưng đang ngồi ở nhà với vợ con thì hắn đến. Hắn bảo ông:

– Anh đã đọc chỉ thị của thành uỷ về đợt thi đua chào mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 chưa?

– Rồi. Mới nhận được buổi chiều, sao?

Hắn trình bày. Ông Hưng hiểu ngay:

– Các ông cần tôi phát biểu hưởng ứng đợt thi đua chứ gì?

Và ông sốt sắng đi vào ngay vấn đề. Ông biết cái gì hắn cần. Ông bảo:

– Mục đích ý nghĩa đợt thi đua tỏi không nói. Cái ấy phần nhà báo. Thành tích thì chưa có vì chỉ thị mới nhận, chưa phát động, triển khai. Tôi phải nói xí nghiệp tôi sẽ hưởng ứng như thế nào. Đúng không?

Hắn gật đầu lia lịa: “Đúng, đúng, chủ yếu là biện pháp”.

Ông Hưng cười: “Nhất định rồi. Biện pháp là phần của chúng tôi”… Và hắn ghi. Cứ thế ghi. Ông nói về khâu yếu trong xí nghiệp. Đó là ngành đúc. Bên tiện, phay, bào thao diễn, năng suất tăng nhanh, nhưng thiếu phôi. Tại sao? Vì chất lượng. Trong khâu yếu này phải tìm ra khâu yếu nhất. Khồng thể chung chung được. Vì sao phôi hay bị rỗ? Cát? Hay gang? Hay kỹ thuật? Tức là không thể nói khâu yếu chung chung mà phải tìm ra khâu yếu của khâu yêú.

Sáng hôm sau báo đã có ngay bài hưởng ứng phong trào thi đua của giám đốc Đào Đình Hưng, in trên trang nhất. Cứ có việc đột xuất, cần gấp, hắn đến ông. Cũng có khi do mải chơi, nước đến chân mới nhảy. ông hiểu ngay việc ông phải làm. Ông giúp hắn, hắn giúp ông. Cơ quan báo tín nhiệm hắn. Thành phố tín nhiệm ông. Hắn và Bình gọi ông là “Giám đốc sở biện pháp”. Đúng, ông là con người của những biện pháp.

Ông đang đứng nhìn hắn. Hắn đang ngồi dạt vào vỉa hè tránh nắng và nhai bánh mì với thằng bé đánh xe bò. (Hắn giữ thằng bé lại để xem có phải chở cái khay nào về sửa không?).

Hắn vẫn ngồi. Hai tay hai cái bánh mì, một chiếc ăn dở, cười thản nhiên như những người biết tự trọng khi lâm vào hoàn cảnh tương tự:

– Anh Hưng Tôi giả khay mì.

Hắn cố giữ vẻ mặt của người bằng lòng, hơn nữa, bất cần số phận. Ông giám đốc nhìn hắn. Hắn tin là ông đã biết chuyện hắn đi tù. Ông ngần ngừ một chút: “Chưa xong à? Hay vào phòng tôi mà nghỉ?”. Hắn thật sự cám ơn ông. Cả một tình bạn ngày xưa còn lại câu mời thân tình ấy.

Ông đi. Hắn lại nhai. Và kéo thằng đánh xe bò ra quán uống nước. Nó đã khiêng với hắn mấy trăm cái khay mì… Mãi đến chiều mới xong mọi thủ tục. Có phiếu nhập kho. Có hoá đơn nhận hàng… Thằng bé cùng con bò đã về trước. Hắn đạp xe thong thả trên con đường nhựa vào thành phố. Hắn dành ra được mấy đồng trong số tiền Dần đưa. Hắn đưa cho Ngọc. Buổi tối, ăn cơm xong, Bình đến rủ hắn đi chơi phố. “Heo may. Lâu lắm mới được đi chơi heo may với nhau”. Hắn ngớ ra. ừ, heo may thật. Heo may đã về.

Cuộc sống khó khăn làm hắn không còn cảm thụ được thiên nhiên nữa. Thật khốn nạn quá. Mà làm sao hắn lại không thấy heo may nhỉ? Hắn chỉ thấy lành lạnh. Và Ngọc lấy khăn ra quấn cổ cho thằng Dương. Thế mà trong tù hắn nhận biết được heo may, lòng xao xuyến khi heo may xao xác đầy rừng, đầy trại. Heo may xao xác trời mây, xao xác mặt đất sân trại…

Heo may là phép mầu làm sống lại kỷ niệm. Như lúc này đạp xe với Bình, hắn nhớ tới một đêm trăng thu thời chiến tranh bắn phá. Hắn về quê thăm con và sang phà muộn. Thành phố vắng. Đèn điện tắt. Đường phố tràn ngập gió heo may bất chợt và ánh trăng lu.

Hắn đạp xe trên đường phố Hồng Bàng hun hút, lòng ngân nga bài “Con thuyền không bến”. Đường phố dài thăm thẳm chỉ có một mình hắn đạp xe ngược chiều với những chiếc lá khô gió cuốn xào xạc.

Bỗng hắn nghe thấy từ phía đối diện, dưới bóng những cây me, một tiếng huýt sáo rất trong bài hát hắn đang thầm hát:

Đêm nay thu sang cùng heo may

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Tiếng huýt sáo vang, trong trên đường phố như tiếng ngân trong lòng hắn. Một người vừa huýt sáo vừa đạp xe từ trong bóng tối những cây me đi ngược lại Đó là tiếng của trời, của gió, của lá, của thành phố vào thu. Hắn nhìn theo mãi con người đồng điệu trên đường phố vắng tanh mà lòng càng thêm yêu đời, yêu người, yêu thành phố có một người không biết mặt, không biết tên đang đạp xe về phía xa với tiếng huýt sáo nhỏ dần.

Hắn kể cho Bình nghe kỷ niệm ấy trong quán cà-phê và bảo:

– Hôm nay nếu không có mày tao cũng không biết là heo may nữa.

Bình cười ha hả:

– Mày ơi! Chính tao cũng có một thời quên Tết tháng Giêng, quên rằm tháng Bảy

Hắn cũng cười và tự nhủ sẽ cố gìn giữ khả năng quý báu ấy của mình: Biết cảm xúc trước thiên nhiên. Không thể để cảm xúc ấy bị tiêu diệt. Hắn hiểu nó đang mòn mỏi. Đối với hắn heo may hay một trận mưa đêm chợt tỉnh chỉ là những thứ xa xỉ. Như nồi miến lòng gà ăn thừa ở nhà Thế (hôm hắn đến bán ba bó túi ni-lông) mà hắn không thể nàocó được. Đó là những thứ không dành cho hắn. Nhưng hắn vẫn tự nhủ: Đừng lãng phí, đánh mất khả năng cảm thụ thiên nhiên, món quà trời phú của hắn. Cho tới mãi về sau, trong cuộc chiến đấu dai dẳng để giữ lấy khả năng ấy, hắn lại phát hiện ra một điều khác. Hắn chẳng lòng dạ đâu hưởng thụ thiên nhiên. Hắn làm sao tĩnh tâm được mà ngắm vầng trăng thu thăm thẳm, hay im lặng nhìn bầu trời chuyển từ đêm sang ngày, dìu dịu, nhàn nhạt, sự im lặng lúc đó luôn nhắc hắn nhớ tới biển ì ầm…

Lòng người phải yên tĩnh. Điều ấy không phụ thuộc vào hắn. Làm sao người ăn mày què, lê trên phà bằng hai đầu gối bê bết đất có thể nhìn sóng đang dào dạt quanh phà. Làm sao một người suốt ngày phải bịt miệng một ngọn núi lửa nghẹn ngào sôi sục trong lòng mình, lúc nào cũng lo kiếm sống, lại nghe được âm điệu, cung bậc thánh thót của con chim chích choè tinh mơ bay tới đỗ ở đầu nhà gọi mọi người dậy bằng khúc hót tự ngàn xưa:,

– Thiếu tiểu tu cần học (Còn nhỏ tuổi phải chăm chỉ học hành).

Hắn có bao việc phải lo nghĩ. Và bây giờ tất cả sự suy nghĩ là hướng tới việc đi làm bốc vác phân đạm ở Cảng. Chính Bình xin cho hắn. Bình có một người quen làm ở công ty phân bón cấp I. Hắn chẳng tin sẽ được đi làm chút nào. Nhưng Bình bảo: “Mày đi làm lao động có gì mà không xong”. Thực sự Bình cũng không tin. Bình nói vậy để tự trấn an mình. Bình không tin vì điều khó nhất là công việc phải làm ở cảng. Hắn làm sao ra đó được.

Bởi vậy một buổi tối khi người bạn ở công ty phân bón cầm đến nhà tờ giấy hẹn hắn đi làm hợp đồng ngắn hạn và giấy đề nghị công an Cảng cấp cho hắn thẻ ra vào Cảng, Bình bổ đến ngay nhà hắn.

Bình cười:

– Mày được đi làm rồi.

Và lục túi áo bông, nơi Bình đã đút hai tờ giấy của công ty phân bón. Túi áo bông rỗng. Hai tờ giấy đã biến mất. ôi! Hắn đã biết mà. Làm gì có sự may mắn quá như thế. Làm gì có cái sự xin mà được ngay. Số hắn là như vậy. Bình hoảng. Lo. Bình mượn đèn pin soi dọc đường. Tìm đi tìm lại. Lật từng mẩu giấy bẩn. Vẫn không thấy. Bình lồng ngay đến nhà người bạn đã giúp đỡ anh. Một tuần sau, Bình đem sang cho hắn hai tờ giấy với nội dung như hai tờ giấy đã bị mất. Anh cười: Lần này thì không thể mất được.

Anh moi ra từ trong túi áo sơ-mi, tận bên trong chiếc áo len và phía ngoài cùng là chiếc áo bông… Và bây giờ mới thật sự là nỗi lo lắng của cả hai: Cái giấy ra vào Cảng. Ai người ta cho hắn ra vào Cảng. Đó là các tàu quốc tế. Đó là biên giới. Mà hắn lại là một tên phản động.

Hắn đã được cấp giấy phép ra vào Cảng như mọi người bình thường khác. Như mọi người được tín nhiệm chính trị khác. Như những sự mất cảnh giác hồn nhiên khác. ở đồn công an Cảng, người ta làm việc đó một cách đơn giản bình thường và ghi rõ hắn được ra Cảng từ cổng nào, làm ở phạm vi kho nào, cầu số mấy. Bước qua cổng Cảng, đi làm, hắn thấy phẩm giá mình được nâng lên. ít nhất là so với bọn Giang, Min, Dự. Hắn thấy hắn vẫn có sự tín nhiệm chính trị. Và thoáng một chút tự hào vì lại được hoà vào dòng người lao động của nhà nước.

Phân đạm trắng xoá mặt sân, trong kho.

Cùng với mọi người (toàn nữ) hắn làm một công việc kì cục nhất đời: Lấy liềm bổ vào bao giấy, xé ra, dốc cho hết đạm và quẳng vỏ bao rách vào một đống. (Công ty xuất phân rời, nên phải làm như vậy). Làm thông trưa. Con Thương mang cơm đứng ngoài cổng chờ bố. Hắn ra lấy cặp lồng cơm vào. Đang là mùa cá nục ướp muối của mậu dịch. Hắn ăn cơm với cá nục muối kho dưa, cà chua, ngọt thỉn. Hắn làm việc đúng một tuần lễ thì hết việc. Trong một tuần ấy Ngọc đã bán cái áo len ngắn tay cải hoa dâu của con Thương đttợc hai mươi đồng. (Cái áo Linh bảo Ngọc lấy cắp len vụn ở kho đan cho nó). Hắn cung lập được thành tích: cuộn chặt và yểm về được hai cái vỏ bao u-rê lành (hắn đã tháo chỉ cẩn thận) để dán vào những ô cửa kính đã vỡ, chống gió mùa đông bắc. Người ta đưa hắn năm mươi đồng tiền công một tuần lễ làm việc, và bảo hắn tạm nghỉ, chờ việc. Lương quá cao.

Nhưng hắn biết là hắn không làm lâu được. Rất nặng nhọc. Bao đạm xếp thành hàng trong kho, đổ những bao trên thì dễ, nhưng phải moi cả những bao bên dưới. Bới, móc, kéo. Sút cả lưng. Điều đáng sợ nhất là hơi đạm phả vào mũi, vào cổ. Rát như khía. Có lẽ cũng vì thế, nên hắn ăn cơm cứ thấy ngọt thỉu.

Chờ mãi không được gọi đi làm tiếp, hắn chuyển nghề: Cuốn thuốc lá. Hắn nhờ Giang đóng cho cái bàn cuộn. Dễ thôi. Vài thanh gỗ thông. Mấy cái đinh. Căn bản là có một que hàn để làm que cuộn. Giang xem hắn căng giấy, tập cuộn. Cuộn bằng thuốc lào, bàng giấy pơ-luya. Bóc ra, cuốn lại, cứ vậy. Giang rất thích. Giang bảo có khi Giang cũng làm việc này. Giang mách hắn chỗ lấy thuốc. Cô Miên, cô ruột Giang buôn chè và buôn thuốc lá. Cô không đi đâu, cô chỉ ngồi nhà. Người bán, người mua đều tới nhà cô. Hắn được cô và anh con giai làm còi rất quý. Hẳn Giang đã nói nhiều về hắn. Cô Miên bảo:

Nhiều người cuộn làm. Họ lấy thuốc của cô, nhưng cô không buôn nhiều. Mặt hàng chính của cô là chè cơ.

Nửa tháng sau khi cuộn thuốc, mẹ Giang đến báo tin: Giang bị bắt ở Tùng Dương. Hắn chết lặng. Điều hắn lo đã trở thành sự thật. Mới về được nửa năm. Lại đi. Lần này gay đây. Tiền sự, tiền án cộng cả vào. Lĩnh đủ.

– Cậu ấy tạm giam ở Tùng Dương hay di lý về đây rồi.

– Em vẫn ở Tùng Dương

Người mẹ héo hắt. Mặt xám, quắt lại, môi mỏng dính. Da sát xương. Bé nhỏ. Hắn cảm thấy có lỗi với bà: “Giá anh cứ cố duy trì cái hợp tác làm miến thì đâu thế này!”. Hình như bà muốn nói với hắn như vậy. Bà chẳng biết thêm gì về Giang. Hắn lên nhà bà.

Lần này gặp Hiên, chị Giang. Hiên rất giống bức ảnh phóng to treo trên tường nhưng giẫn dị hơn và sống động hơn nên xinh đẹp hơn. Khổ người cân đối, nở nang, mặt mũi đầy đặn, má bánh đúc, mắt đẹp và khao khát dục vọng. Khác hẳn Giang, khác hẳn mẹ và càng khác lạ với người chồng làm thợ nề của Hiên. Hiên nhìn hắn chăm chú, thân mật như nhìn một người mình đã nghe nói tới rất nhiều, rất quý trọng mà nay mới gặp.

Nghe Hiên nói, hắn lại hy vọng Giang có thể được xử nhẹ. Giang chỉ tiêu thụ xe đạp ăn cắp. ít ra trong trường hợp này là như vậy. Lại Thông cháy. Thông cháy có người mẹ bán chè chai đã kéo Giang lên giường. Thông cháy bật lên khi được gọi ra nhận tiếp tế: “Bố chờ con mãi”. Thông cháy mãn án, chuyển địa bàn hoạt động về Tùng Dương. Thông cháy nhận hết về mình. Và khẳng định Giang chỉ là người tiêu thụ. Hắn nghĩ Giang chẳng phải chỉ tiêu thụ, Giang còn tham gia vào nhiều công đoạn khác, nhưng Thông cháy đã nhận hết cho Giang, Thông cháy sẽ không bao giờ nói khác. Cánh hình sự rất giữ lời hứa, có khí tiết trước bạo lực. Sẵn sàng chấp nhận. Trong tù đáng sợ nhất và đáng phải cảnh giác nhất là mấy ông cán bộ tham ô, ăn cắp… đi tù. Những người này hay bẩm, hay sớ, hay bán anh em để mưu cầu một chút tín nhiệm chính trị. Để được lọt mắt xanh, các ông quản giáo tin, cho làm việc nhẹ, hoặc cao hơn, được trại ghi tên vào danh sách “Cải tạo tốt, đề nghị giảm án”.

Vợ chồng Hiên, mẹ Giang quây lấy hắn, kể lể. Ai cũng than thở về sự bất hạnh, cũng nói Giang được chiều, Giang muốn làm gì thì làm, chẳng phải lo nghĩ gì. Hiên bảo:

– Cậu ấy muốn lấy mấy tạ bột làm miến cũng có. Em có đòi tiền ngay đâu. Cậu ấy làm cho vui thôi, chứ nhà này có để cho cậu ấy đói đâu.

Hiên thừ người. Vẻ thừ thượi càng làm cô hàng chuyến trắng trẻo, áo phin nõn, búi tóc đen lánh này xinh hơn. Bà mẹ quắt queo thở dài, giọng như mếu:

– Lại mấy năm nữa! Còn gì là người. Khổ!

Giang vẫn bị giam ở Tùng Dương. “Cũng phải ba gậy”. Hắn nhẩm tính: Chỉ tiêu thụ, tội có nhẹ hơn, nhưng đã sẵn có tiền án, tiền sự thì chẳng nhẹ tí nào. Nó chứng tỏ “y không chịu hối cải, ngựa quen đường cũ, phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để y ăn năn, hối lỗi”.

Tuy nhiên Giang có lợi thế là con liệt sĩ”. Cha y đã hy sinh để bảo vệ chế độ khi y còn rất nhỏ, mẹ lại đi lấy chồng khác. Thế là y rơi vào hoàn cảnh không người nương tựa, dạy dỗ!!. Ông ấy muốn nhấn mạnh, muốn phân tích kiểu gì cũng được, nặng cũng xuôi, nhẹ cũng xuôi. Hắn cứ lấy con số trung bình: Ba gậy. Vậy phải đến cuối năm 1976 mới về. Lựa lúc trẻ con xuống nhà, chỉ còn hai người, hắn mới báo cho Ngọc tin khủng khiếp ấy. Ngọc với hắn thống nhất: “Không cho trẻ con biết”. Ngọc bảo:

“Nhìn cậu ấy gửi xe là em biết ngay”. Rồi Ngọc lại bảo: “Thảo nào em nằm mơ thấy người ta đến bắt anh đi nữa. Em không dám nói với anh. Chỉ sắm lễ lên đền cầu xin các ngài được tai qua nạn khỏi…” Hắn lại đạp xe lên nhà mẹ Giang, gửi cho Giang một trăm điếu thuốc do chính tay hắn cuốn.

Rồi đến nhà cô Miên.

Người cô sọm đi. Có lẽ cô là người đau khổ nhất khi Giang bị bắt trở lại. Cô nhận hết lỗi về mình. Cô nhận lỗi với em ruột cô, liệt sĩ Giang Văn Khoát. Cô nhận lỗi trước dòng họ Giang Văn. “Tại cô. Lẽ ra cô phải bắt nó ở với cô. Nó ở với cô thì không đến nỗi”.

Cộ dằn vặt, đau khổ, ân hận. Cô thương Giang, giận Giang. Trong cơn đau xót thấm thía, cô nguyền rủa mẹ Giang. Tất cả là do con mẹ Thơi. Tại con mẹ Thơi không chịu đựng được như cô. Chồng chết không ở vậy được. Đi lấy chồng khác, thằng Giang mới bỏ đi.

Nó mới chán, mới không về nhà. Từ ấy cô có thèm đặt chân đến nhà con mẹ Thơi bao giờ đâu. Giỗ tết cô làm ở nhà cô. Lũ con có xuống thì xuống, chứ con mẹ không dám. Cũng biết sợ đấy. Những người đàn bà như vậy rồi xem có ra gì không. Cái loại đàn bà. Con gái có chồng, con rể ở ngay trong nhà mình, mà còn đi gọi giai về cho con gái. Để nó trả công, để nó cho một đồng đi hút thuốc phiện.

Điều cô nói làm hắn kinh hoàng. Thảo nào trong đôi mắt Hiên có những ánh lửa. Và giờ thì hắn đã biết nước da xin xỉn, sát xương, môi thâm của mẹ Giang là nước da của người nghiện thuốc phiện. Mẹ Giang nghiện, thảo nào mẹ Giang hút thuốc lào nặng thế.

Hắn nghĩ đến anh Tùy chất phác, đen đủi, đầu cắt bốc, người toả ra mùi vôi vữa, khi cô Miên nói: “Cả nhà ấy được mỗi thằng Tuỳ kéo lại thôi. Không có nó thì còn đốn nữa, hết cả phúc phận”. Cô tiếp: “Tướng thằng Giang giống y con mẹ nó. Mắt trắng, mội thâm, cô sợ rồi cũng không ra gì đâu”.

Hắn vẫn chưa bình tĩnh ngay được về chuyện cô Miên nói. Và hắn càng thương Giang. Bởi vì đến bây giờ hắn mới biết Giang sống trong một gia đình như thế.

Về đầu

 

Chương 48

 

Mỗi nghề đều có chuyên môn của nó. Cái chuyên môn quấn thuốc lá này nghe chừng hợp với hắn. Trước tiên là nhẹ nhàng. Và ở trong nhà. Không phải phơi mặt ra ngoài đường. Qua từng cân thuốc lá, hắn học tập, đi sâu vào nghề nghiệp. Và thấy thú vị. Thú vị vì kiếm được tiền là chủ yếu. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cái hay. Từ cách căng giấy trên bàn quấn, điều chỉnh điếu thuốc to, nhỏ tuỳ theo thời điểm khan thuốc hay ế thuốc, tới việc dùng hai bàn tay vặn vặn, tãi cả xếp giấy, tờ nọ so le tờ kia thành một hình van vát mà phết hồ, mỗi tờ giấy mỏng tang và nhỏ xíu chỉ dính một đường hồ nhỏ, thẳng như kẻ chỉ. Rồi bốc thuốc. Hắn đã đạt trình độ điêu luyện. Cho tay vào đống thuốc rứt một cái đưa lên bàn quấn là vừa một điếu thuốc. Không thừa. Không thiếu. Hắn quấn. Ngọc quấy hồ, ngồi cắt hai đầu điếu thuốc, xếp ra hộp. Cửa đóng kín mít. Ngọn đèn sáng… Căn phòng hoàn toàn yên lặng. ôi, hạnh phúc là như thế này đây! Ngày Noél năm ấy (thời đó còn nghỉ Noél) lũ trẻ về quê với ông bà, vợ chồng hắn phải ở lại làm mê mải vì có hai đám cưới đặt thuốc (do cô Miên nhận cho). Một nghìn điếu tất cả. Một ki-lô thuốc. Hắn quấn như máy. Chỉ nghe tiếng que hàn lăn trên bàn quấn. Và tiếng kéo lách cách của Ngọc cắt đầu điếu thuốc. Rồi Ngọc, áo bông xo ro, bịt khăn tu hú đi chợ mua tim gan lợn về xào. Như những ngày hắn có nhuận bút. Lũ trẻ về quê hết. Chỉ còn họ với nhau. ăn. Nhìn nhau. Giống như những ngày xưa. Hắn biết Ngọc đang hạnh phúc. Không kìm giữ được trong lòng, Ngọc bảo hắn lúc cơm xong, hai vợ chồng ngồi uống nước:

– Ước gì cứ như thế này mãi, anh nhỉ?

Hắn kéo Ngọc về phía hắn. Người Ngọc toả ra toàn mùi thuốc lá. Ngọc dụi dụi vào vai hắn. Im lặng. Chỉ có ngọn đèn toả sáng ấm áp trong căn phòng đóng kín các cửa tránh gió mùa và vợ chồng hắn.

Đây vừa là quá khứ trở về, vừa là khát vọng tương lai. Lẽ ra em không nên gắn bó với anh. Và cuộc đời em đã rẽ khác rồi. Rút cuộc anh chỉ là người đem đau khổ đến cho những người mình yêu quý. Bố mẹ, vợ con… Hắn vuốt tóc nàng và muốn nâng mật Ngọc lên mà nhìn vào gương mặt ấy, nhưng Ngọc cứ ép chặt vào vai hắn. Hắn hơi ngờ ngợ. Điều phỏng đoán của hắn là đúng: Khi lấy hai tay nâng đầu Ngọc dậy, hắn thấy gò má nàng đầm nước mắt. Ngọc vội lấy khăn lau mặt và nói như người có lỗi:

– Em đi rửa bát nhé. Anh cứ nghỉ một lát hãy cuộn.

Hắn không nghỉ. Hắn cuộn. Hắn lấy một điếu thuốc phế phẩm (làm hàng săng, chết bó chiếu) ra hút. Và gại giấy phết hồ…

Có rất nhiều loại giấy, cũng như có rất nhiều loại thuốc. Thuốc Lạng Sơn. Thuốc Hà Bắc. Sợi nâu. Sợi vàng. Giấy có gân ngang. Giấy không có gân. Giấy mậu dịch là tốt nhất. Gân nổi. Rất rõ. Hắn nói về loại giấy “vua chiến trường” ấy là gân cốt nổi lên ầm ầm. Điếu thuốc đẹp. Giao dễ. Nhưng đắt. Nói theo cách nói của các giám đốc bây giờ là giá thành đội lên. Khó giao. Phổ biến là giấy Trung Quốc. Giấy Hồng Đăng là loại giấy kém nhất. Không có gân. Tàn đen cứ ôm lấy điếu thuốc. Kông chịu tan vụn đi. Giấy Sơn Thuỷ tốt hơn. Có gân. Trắng. Tuy còn lâu mới bằng giấy cuốn những điếu Tam Thanh, Nhị Thanh, Trường Sơn, Hoàn Kiếm… (những điếu này vạch gân ngang điếu thuốc rõ làm sao. Và trắng. Trắng như trứng gà bóc. Kỹ thuật cuộn thuốc bao gồm mấy công đoạn.

Thứ nhất là sao thuốc. Hắn đặt cái chậu nhôm hoặc mâm nhôm lên trên bếp dầu vặn nhỏ lửa, cho thuốc vào đảo. Đảo bằng tay. Lấy tay ấn nắm thuốc xuống đáy chậu hoặc mâm, vét cho hết thuốc vụn đọng ở dưới lật lên phía trên, kẻo thuốc cháy. Thuốc mua về thường bị ẩm. (Cho nặng cân, lại dễ nén, dễ giấu, không bị vụn gẫy). Khi sao, hơi thuốc bốc đầy nhà nồng nặc. Rồi phun rượu hoà lẫn với nước cam thảo, nhưng căn bản phải có ít đường hoá học, cho ngọt môi, ngọt khói và ngọt lưỡi. Hắn không gọi là sao tẩm. Hắn nói với Bình là Aromatiser. Thuốc đã aromatisé ủ hôm trước, hôm sau mở ra mùi như mùi nho. Đúng “gout Virginia!”

Khó khăn nhất trong việc cuộn thuốc không phải là sản xuất mà là tiêu thụ. Hàng nước nào cũng có thuốc lá cuộn cả rồi. Như bố hắn nói “Đố nào vào ngàm ấy cả rồi”. Ôi! Lòng người cha già thương con xót cháu chỉ nói được có vậy, khi thằng Hiệp mang thuốc lá về làng giao cho mấy bà bán quà vặt ở đầu chợ mà cũng khó khăn. Ông thương hắn, thương thằng cháu trai còn bé mà đã phải nai ra kiếm sống. Hắn mang túi thuốc đi lang thang ngoài phố, rụt rè và đỏ mặt hỏi các chủ hàng nước. Cái khổ là hàng nước nào cũng có vài thanh niên rỗi việc ngồi lê la. Họ cứ nhìn cả vào hắn. Mà nào có bán được cho cam. Người ta lắc đầu. Người ta bảo còn, và đã có chỗ lấy rồi.

Bình phải đi với hắn. Đến những hàng nước Bình quen. Cũng không hơn. Bình lại rủ hắn vào quán cà- phê quen thuộc ngày xưa. Ông bà chủ quán nhìn hắn. hình như muốn hỏi điều gì, lại thôi. Hắn ngồi uống cà -phê. Ông chủ quán kéo ghế ngồi bên. Và khi Bình nói về công việc hắn làm, ông sốt sắng:

– Để tôi giao họ một ít. Mấy bà bán nước quanh đây này. Họ vẫn lấy đấy.

Hắn như mở cờ…

Hôm sau hắn lên tiệm cà-phê theo lời hẹn, nhận tiền và đưa thêm thuốc. Cái nghề “giao hàng” (danh từ của thằng Dương) bao giờ cũng phải nhận tiền sau. Ông chủ tiệm cà-phê đưa hắn ra gặp bà hàng nước cạnh đó để!hai người trực tiếp!. Hắn đưa thuốc cho bà được mấy lần, thì một lần bà nhất định không chịu trả tiền trăm thuốc hắn giao hôm trước. Hẳn là bà quên. Bà quên, chứ bà không định ăn quỵt của hắn, ăn xít của hắn. Bà nhớ rành rành đã trả tiền cho hắn. Hắn đỏ mặt lên, thì thầm với bà:

– Chưa. Bà nhớ nhầm đấy. Bà đã đưa cho tôi đâu.

Thế là bà mất bình tĩnh. Vì hắn đã coi thường trí nhớ của bà, hắn định đòi tiền bà những hai lần. Bà thét lên:

– Tôi nói cho anh nhé. Tôi giả tiền nhà anh từ hôm qua rồi. Anh nhớ lại đi. Không ai thèm lấy của nhà anh mấy đồng bạc đâu.

– Anh ăn nói lạ nhỉ? Tôi đưa tiền cho anh ở chỗ này.

Những người thợ chữa xe đạp, đám khách đang ngồi uống nước, cô bán bánh bao quay nhìn vào hắn. Hắn muốn nói với bà: “Bà nhầm. Tôi nhớ. Tôi chỉ giao cho mỗi mình bà. Bà đưa, tôi nhớ. Không. Bà chưa đưa cho tôi”. Nhưng bà đâu có ý định nghe.

Bà tiếp tục:

– Nể ông cà-phê tôi lấy thuốc cho anh, chứ tôi vẫn có chỗ rồi. Ai ngờ lôi thôi thế này.

Hắn xách cái túi đựng thuốc lá cuộn, quay ra, cảm thấy mình là tên lừa đảo, là một thằng ăn cắp.

Đó là kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc sống bám lấy vỉa hè của hắn. Cùng với một kỷ niệm nữa: Thằng cháu Côn, con anh Chân có một tút thuốc Tam Thanh. Dạo ấy đang khan thuốc. Hắn vay, đem bán để có thêm tiền đưa Ngọc. Hắn mang ra vỉa hè. Hắn đòi 22 (đồng), tuy giá gốc có bốn đồng. Người ta giả 20, hắn đồng ý. Tút thuốc được chuyển qua tay mấy người, mỗi người mấy bao. Họ trả tiền chỉ có mười đồng. Hắn ngơ ngác và phẫn nộ:

– Trả lại thuốc cho tôi. Các bà mua bán kiểu gì đấy?

Thế là một cô bán hàng thét lên:

– Giá mậu dịch bốn đồng, người ta giả mười đồng, còn gì nữa? ăn gì mà ăn lắm thế? Cũng phải để mỗi người một tý chứ?

Một cô khác cong cớn chỉ vào mặt hắn:

– Trông mẽ cũng biết là được phân phối cơ quan đây. Bòn hàng nhà nước được thế, chứ còn được đến đâu nữa

Mọi người lại nhìn cả vào mặt hắn. Và những bao thuốc của hắn đã biến mất dưới những vỉ, những rổ rá… Hắn cúi mặt như người phạm pháp, như người ăn cắp bị bắt quả tang… Hắn lỉnh nhanh khỏi chỗ ấy, còn nghe tiếng dè bỉu sau lưng: “Lại quen ai ký giấy phân phối đây”, “lại moi được ở chỗ nào đây”…

Dạo ấy hắn đã biết áp dụng cơ chế thị trường, biết cách tiếp thị sau một thời gian cuộn thuốc. Hắn thực hiện giảm giá, bán thấp hơn giá thị trường. Những cân thuốc đầu tiên không lấy lãi. Người ta giao bốn đồng (một trăm), hắn giao ba đồng rưỡi, ba đồng. Giấy Sơn Thủy đàng hoàng. Để nguyên khổ giấy cho điếu thuốc dài. Không xén ngắn như những người khác. Rồi lại nối giấy, cuốn những điếu dài gấp đôi mời những ông chủ quán. Bên mua, bên bán mỗi người một điếu thuốc lênh khênh trên miệng. Hắn đã chen được vào mấy hàng nước quanh nhà hắn. Hắn đạp xe về nông thôn, qua phà để mở rộng mối hàng. Cái lần giao hàng có cu Dương, hắn mua cho con hai hào củ ấu của bà hàng nước phố Kỳ Đồng. Đó là món quà đầu tiên hắn mua cho nó từ khi nó sinh ra, từ khi hắn đi tù về. Món quà đầu tiên thằng Dương nhận từ tay bố. Thằng bé mắt sáng lên, nhưng không cắn được vỏ ấu dày. Hắn phải lấy răng cắn hai đầi gai nhọn và tách sẵn cho con. Hai bố con ngồi vỉa hè, hắn uống nước chè chén và nhìn con ăn ấu”. Con chịu quá nhiều thiệt thòi so với các anh chị con, nhưng bố chỉ đền bù được có vậy thôi”. Hắn phủi phủi những vụn củ ấu trắng rơi trên áo bông thằng bé. Nó chẳng biết bố nghĩ gì. Nó thích được đi giao hàng. Có củ ấu cũng thích. Không có cũng thích. Nó thích được ngồi sau xe đạp, đi phố với bố. Cứ thấy bố lục thùng sàt tây lấy ra những bó thuốc đã cuộn cho vào túi, nó lại sán đến năn nỉ:

– Bố đi giao hàng đấy hở? Cho con đi với.

Chữ “giao hàng” thông dụng trong nhà là nhờ nó.

Công việc nghe chừng thuận lợi. Sau khi “đố đã vào ngàm! hắn mới nâng giá thuốc. Hắn chỉ cần năm nhà lấy thuốc thôi là mỗi ngày cũng được một, hai trăm thuốc. Đã thành quy luật, cứ gần Tết là khan thuốc. Lúc đó thả sức giao. Thả sức cuộn. Bình, Thao cũng cuộn. Sang nhà Thao cũng thấy Bình aromatiser, nghĩa là phun phì phì cả rượu cả nước bọt vào đám thuốc đã sao.

Thao bàn đi mua thuốc vụn của nhà máy thuốc lá Thăng Long độn vào giữa điếu thuốc. Và xén ngắn.

Thằng Hiệp cuộn thuốc tới khuya. Hắn phải thuê đóng thêm cầu (Giang không còn tự do để hắn nhờ nữa). Nó cuộn dẻo tay, nhanh hơn hắn. Nhưng thằng bé cố tình quấn lỏng để đỡ tốn thuốc. Ngọc phải lấy tăm nhồi thêm thuốc vào những điếu quá lỏng. Hắn giơ những điếu thuốc lỏng ấy lên không, soi soi một lúc và kết luận:

– Không khí thì nhiều mà thuốc thì ít.

Cả nhà cười vang. Đó là câu nói của những du kích Tây Ban Nha nói về điếu thuốc lá Robert Jordan mời họ trong tiểu thuyết của Hemingway.

– Chặt chặt tý nữa, Hiệp ạ.

Ngọc vừa cắt điếu thuốc vừa bảo nó. Nó cuộn tới khuya. Không có cả thì giờ học bài. Nó cuộn như vậy cho tới năm cấp ba. Hắn cũng không hiểu nó học vào lúc nào mà vẫn nhất nhì lớp. Lại là lớp chọn. Được đăng cả bài giải những bài toán khó trên báo “Toán học và tuổi trẻ “ ở Hà Nội. Không những thế báo còn đăng đề toán của nó nghĩ ra nữa. Có lẽ nó học trên đường đi tới trường. Như hắn hồi chống Pháp. Đến lớp nó ngáp. Ngáp nhiều. Cúi đầu ngáp để thầy cô không biết. Bạn bè bảo nó:

– Thằng này thiếu ô-xy.

Về đầu

 

Chương 49

 

Cái cơ chế thị trường tự phát và cứ tồn tại không chịu chết dù bị dẹp đi dẹp lại ấy đã dạy cho hắn biết rằng: Tháng Chạp âm lịch là tháng căng thẳng nhất về thuốc. Từ đầu tháng mậu dịch đã không bán thuốc ra nữa. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Thuốc đắt vọt.

Nhị Thanh, Trường Sơn cũng đắt như tôm tươi. Khi đó nếu được “Đoàn chiền thanh xí nghiệp “ một tút thuốc Đrao coi như đã có gần nửa tháng lương rồi. Đó là thời gian hốt tiền của mậu dịch viên bách hoá, của những người ký giấy phân phối. Mỗi ngày một cửa hàng lọt ra thị trường vài chục cây thuốc lá là có cả tiền nghìn. Mỗi mậu dịch viên có cả một đám “vệ tinh” là “con buôn”. Cuối năm cái gì chẳng ra tiền. Chiếu, vải hoa, chỉ. Bát, chén. Ô S mua xi-mi-li, ô nữ mua xa-tanh. Một vốn mười lời. Ai làm chủ hàng hoá, người ấy làm chủ xã hội. Đến nhà các mậu dịch viên có cả những chủ nhiệm, giám đốc, uỷ viên uỷ ban… Họ cũng cười nịnh các mậu dịch viên học lớp 7 dở dang, nói ngọng… Họ tự nguyện xin việc: Chuyển cho chồng cô mậu dịch viên về du lịch, bố trí cho con bà cửa hàng phó về bến xe khách, có cần xi-măng không, họ chạy cho vài tấn v. v…

Nắm được quy luật khan hiếm trước Tết, nhưng hắn không có cách nào khác. Hắn không có vốn mà dự trữ lấy mấy cân thuốc. Lúc đó giấy cũng khan. Lại nhiều người hỏi thuốc. Có người ở tận quê cũng đến nhà hắn. Lúc ấy cuộn thuốc thật tiếng tăm, danh giá.

Cô Miên cũng không có thuốc. Cô chỉ chạy được ít chè. (Chè cũng khan). Cô bảo: “Phòng thuế, công an làm dữ lắm. Cả ngày hôm qua chỉ có mười cân chè về đây thì cô được hai cân. Mất hết”. Rồi cô than thở về cuộc sống khó khăn. Cô tiên đoán giá chè thuốc còn lên nữa. Cô nhắc đến Giang. Và thế là cô lại bừng bừng nổi giận cái loại đàn bà chồng chết không ở vậy được. Nếu con mẹ Thơi cũng như cô thì giọt máu cuối cùng của dòng họ Giang đâu đến nỗi.

Hắn nghĩ đến chuyện đi Hà Nội mua thuốc. Phải đi ngay. Le temps c est de l or. Thời gian là vàng bạc.

Hắn thu xếp tiền nong, cầm hơn một trăm đồng lên Hà Nội. Vốn liếng hắn khá khá. Nhưng có buôn bán mới biết: Vốn bao nhiêu cũng ít. To vốn nhớn lãi. Một trăm cũng chỉ được vài cân thuốc, một nghìn (tờ) giấy là hết. Mà bây giờ mỗi ngày chí ít cũng giao được một ki-lô thuốc.

– Chợ thuốc à? ờ… ờ.

Lê Bàn nhíu mày:

– Hình như ở phố Hàng Mã. Tao vẫn mua thuốc rời và giấy cuộn ở đấy mà.

Thuốc rời là thứ thuốc vụn từ nhà máy Thăng Long. Bàn mua cả gói. Mỗi gói một lạng. Hút bại. Hắn bảo: “Thứ rời này cũng cần. Độn ở giữa. Tốt lắm”. Bàn đèo hắn đến đó. Không có thuốc sợi. Chỉ còn mấy lạng thuốc rời. Hắn mua tất. Bà bán thuốc bảo: Sáng mai ra đầu chợ Bắc Qua đón tàu Bắc. Thế là hắn có một buổi chiều đến thàm bố mẹ Phương và một đêm trò chuyện với Bàn, dù ruột gan hắn nóng như lửa đốt.

Đến nhà Phương hắn hình dung được tất cả những gì bố mẹ hắn phải chịu, Ngọc phải chịu khi hắn đi tù. Những người trong xớm nhìn cả vào mình, khi mình đi thẳng vào phía trong, qua vòi nước, qua nhà xí tới hai gian bếp mái lụp xụp tận trong cùng. Họ nhìn vì ở đây chỉ có bố mẹ Phương và một người con trai phản động đã bị bắt. Chỉ nguyên việc họ dừng mọi công việc, nhìn Bàn và hắn đi vào cũng đủ hiểu hai ông bà phải sống trong một không khí bao bọc như thế nào.

Chưa vào ngay buồng hai ông bà, phải dừng trước cái xép Phương ở đã. Cửa khép. Đẩy vào. Không còn Phương nữa. Nhưng vẫn còn cái giá sách, tấm hình Xamôilôva, cái giường ba xà thì vẫn như nghe thấy tiếng Phương cười, giọng nói của Phương và Phương đang quanh quẩn đâu đây. Vẫn là cảm giác trống vắng của người bạn đã chết, đã mang đi mai táng để lại. Nụ cười sáng bừng trên khuôn mạt héo hon, dăn deo, tàn tạ của mẹ Phương mới đau đớn làm sao. Nó nói rằng từ khi Phương bị bắt, rất ít người lui tới Mẹ Phương cũng đứng ngoài cửa im lặng nhìn càn buồng của Phương.

– Bác giai ngủ ở đây. Bác ngủ dưới kia.

Bố Phương không có nhà. Bố Phương đi tiếp tế cho Phựơng từ hôm qua, chưa về. Phương đã chuyển lên trại trung ương. Trại PL. “PL”. Khi tập trung anh em số lẻ về VQ. cũng có nhiều người từ PL. tới. Địa danh ấy không lạ với hắn. Những địa danh loại ấy không lạ với hắn. “Nó bị tập trung cải tạo, mày ạ”. Bàn bảo vậy ngay lúc đang đèo nhau trên xe đạp đến nhà Phương. Quả là tin chết người, nhưng hắn cũng đã lường trước cả. Bởi vì một khi không có chứng cứ cụ thể thì chỉ có cái rọ ấy để bỏ vào thôi.

Arrester sans preuve . Chẳng lẽ lại nhận có rải truyền đơn để được đem ra xử, rồi phản cung trước toà. Chẳng lẽ cứ nhận. Nhận hết. Cái gì cũng nhận. Bịa ra mà nhận… Đến thăm nhà có người đi tù, mà lại là tù tập trung cải tạo thật quá nặng nề, vì chẳng biết động viên gia đình ra sao. Bây giờ hắn mới hiểu điều đó. Bây giờ hắn mới hiểu cái nặng nề của những bạn bè đến thăm Ngọc ngày trước.

– Nó có khỏe không, bác?

Mẹ Phương lắc đầu:

– Thấy bác giai bảo khoẻ. Khoẻ làm sao được!

– Trại PL. cũng không căng lắm dâu. Cháu đã ở với nhiều anh em PL.

Hắn lại nói dối. Những lời nói dối vô tác dụng, vì hắn biết mẹ Phương cố tin lời hắn mà không tin được.

Vẻ mặt rầu rầu của bà như bảo hắn: “Trại nào mà không khổ. Đi tù là khổ rồi, con ạ”.

– Nó về toán nào?

Thấy Bàn và mẹ Phương ngơ ngác, hắn vội nói rõ hơn:

– Nó làm việc gì ở trên ấy?

– Gánh vệ sinh.

Thế nghĩa là được tin. Được là tù tự giác. Được ra vào trại tự do. Nhưng phải làm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Vất vả. Hôi thối. Cực nhọc. Gánh phân tươi cứ kìn kĩn, nặng trĩu bên vai, ám hết cả vào người. Ngày Tết lại càng khổ, lại càng vất vả. Anh em nghỉ làm, có bao nhiêu trút hết ở nhà xí trại. Nhưng không chỉ có vậy. Nhịn lâu, quanh năm đói chất, bỗng có món lòng trâu, tiếp đến món xương trâu, lại ba lạng thịt trâu già kho, đó là chưa kể món da trâu rắc vôi bột vất ở bờ suối được đem về bếp bung lên, tanh khắm buồn mửa, anh em đi ỉa chảy rất nhiều. Cánh trẻ no bụng, đói con mắt, khợp hết ngay một bữa. Những anh được bạc đu càng hăng. Không như hắn. Hắn ăn dè. Vừa kéo dài cuộc sống vừa đảm bao bụng dạ. Hắn, Chí Lồng Sếnh, một anh tù người dân tộc và già Gọi, người đã dám đứng lên xin ông Lâm, chánh giám thị trại QN. được quăng lên rừng cho hổ báo ăn thịt hay vứt xuống sông trầm hà đáy biển nếu như có tội, ba người chống đòn gánh đứng phía sau nhà xí.

Không sao kéo được thùng ra. Người đứng xếp hàng đi ỉa ở đằng trước. Ôm bụng. Đứng chéo chân. Gập người. Nhăn mặt. Anh này vừa đứng lên, anh kia đã chen vội. Vứt vào thùng cả quần đùi, quần dài, chăn sợi. Bê bết cứt. Hố xí bên này phân tuôn như giội nước. Bên kia nổ một tràng liên thanh xối xả và đột ngột tắt lịm. Bên kia nữa lục bục, lẹt bẹt như gõ thúng, gõ mẹt đuổi gấu ăn giăng.

Già Gọi rơm rớm nước mắt:

– Giờ này tuổi tôi là ngồi giữa nhà, bà con xóm làng, con cháu đến chúc Tết. Pha trà, rồi bưng mâm lên đây.

Chí Lồng Sếnh không nói. Cậy răng Chí Lồng Sếnh cũng không nói. Suốt thời gian ở cùng toán với Chí Lồng Sếnh, trừ cái tối xử án chuột, hắn chỉ nghe một lần Chí Lồng Sếnh nói. Đó là một đêm nghe tiếng nai gộ ở thung lũng. Chí Lồng Sếnh trở mình nằm sấp, nhìn ra phía bìa rừng ánh trăng bàng bạc, khe khẽ một mình:

– Con nai về ăn lá sắn non đấy.

Hỏi Chí Lồng Sếnh ngày Tết có nhớ nhà không. Chí Lồng Sếnh chỉ cười. Chí Lồng Sếnh cười rất đẹp. Mặt trái xoan, răng đều, lông mày thanh và dài, cong cong. Lông mi rợp. Nhưng khi cười đôi mắt Chí Lồng Sếnh càng buồn. Đôi mắt u sầu như đôi mắt Châu Ro .

Hẳn Phương cũng có một tổ gánh cứt. Một già Gọi nào đấy, một Chí Lồng Sếnh nào đấy. Hắn bảo:

– Gánh vệ sinh được là Phương nó có sức khoẻ đấy, bác ạ.

Câu nói ấy có sức thuyết phục. Mẹ Phương tươi lên đôi chút. Hắn lại bảo:

– Mong sao tình hình ổn định để nó chỉ ở đúng một lệnh ba năm. Cũng gần được một năm rồi. Nhanh thôi.

Mẹ Phương nhất dịnh giữ hắn ở lại ăn cơm và ngủ ở đấy. Nhưng hắn viện nhiều lý do để về chỗ Lê Bàn. Suốt dọc đường ngồi sau xe đạp của Bàn, hắn bỗng thấy Hà Nội khác rồi. Hà Nội không còn là của hắn, của Phương, của Ngọc của những người như hắn. Hà Nội vẫn đẹp biết bao, nhưng thờ ơ, xa cách biết bao.

Câu chuyện ở nhà Bàn cũng không kém phần bi đát nhưng dẫu sao hai người vẫn phá lên cười. Thì ra Bàn cũng đang bị treo giò. Và đã bị thẩm vấn nhiều lần. Khi giấy gọi. Khi giấy báo. Chưa một lần được giấy mời. Có thể do Bàn chơi với mấy người có vấn đề đã bị bắt. Trong đó có Nguyễn Vũ Phương. Họ nắm được cả Bàn chơi với hắn, hắn đi tù về là Bàn đến thăm ngay…

Sau những buổi gọi hỏi dồn dập, bẵng đi ít ngày, họ đưa giấy gọi Bàn đến vào buổi tối. Cái giấy gọi buổi tối làm Bàn sầu não, tuyệt vọng. Anh nghĩ mình không có tội, nhưng như vậy thì Phương, hắn và nhiều người khác anh quen đã bị bắt là có tội hay sao? Họ cũng như anh! Chính vì thế anh cho rằng lần này rất ít khả năng anh trở lại căn buồng hẹp của mình ở phố Phùng Hưng. Anh khóa cửa, đạp xe đến nơi hẹn đúng giờ. Không có ai gặp anh. Anh ngồi một mình giữa căn buồng rộng và ngọn đèn tròn sáng quá mức. Anh ngồi. Lo lắng. Nghĩ ngợi.

Rồi một người vào phòng. Anh đưa giấy gọi. Người ấy xem, giữ giấy và mời anh đi theo. Anh đi. Qua một hành lang vắng. Một cánh cửa khép. Người ấy đẩy cửa bước vào. Anh đứng ngoài chờ người ta bật đèn, vì trong đó tối om, nhưng cái ánh sáng anh mong đợi không thấy hiện lên.

– Anh Bàn, vào đây.

Người dẫn đường nhô ra nói với anh bằng một giọng thân mật. Anh bước vào căn buồng tối. Thận trong đưa chân ra phía trước dò đường.

– Anh ngồi xuống ghế.

Người dẫn đường bảo anh và khẽ ấn vai anh. Anh quờ tay chạm vào cái thành ghế tựa. Anh lay lay ghế. Chân ghế chắc chắn. Anh ngồi. Người dẫn đường bước ra, bỏ lại một mình anh trong căn buồng tối. Anh căng mắt nhìn và khi đã quen với bóng tối, anh nhận ra những bức tường tràng mờ, một tấm rèm sẫm đen, và hình bóng những chiếc bàn ghế.

– Chúng tôi…

Một giọng nói bất chợt vang lên. Bàn giật thót mình. Có một người đã ngồi trước ở đây chờ anh. Anh hiểu ngay đó là thủ trưởng, là người đối thoại với anh. Nhưng tại sao lại không bật điện. Sao lại như tiểu thuyết thế này.

– Chúng tôi mời anh đến đây để nói với anh một số việc mà theo chúng tôi là cần thiết.

Giọng trầm. âm vang. Rành rọt. Căn cứ vào giọng nói, anh đoán người đó trạc tuổi anh, và đây là người phụ trách cơ quan an ninh, phụ trách cơ quan điều tra. Một người có trách nhiệm, làm việc âm thầm vì an ninh Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. Một người có toàn quyền quyết định số phận của anh. Với bản chất dễ xúc cảm, anh thấy như bóng tối trong phòng đặc thêm, mặc dù anh có thể nhìn rõ màu sáng mờ mờ của những bức tường. Anh thấy như anh đang ở trong một căn hầm và có tiếng xè xè của cánh cửa quay lộ ra một cầu thang thăm thẳm xuống cửa đập sâu tít như trong Hầm bí mật bên bờ sông Ô- đê mà anh đã đọc. Da anh rờn rợn lạnh.

– Trị bệnh cứu người là mục đích của chúng tôi. Ngăn chặn là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi chính thức báo cho anh biết: Anh đã tê liệt tinh thần cảnh giác cách mạng. Không hiểu mình đang ở bậc thang nguy hiểm nào đâu. Văn nghệ sĩ các anh là như vậy. Rất ngu ngơ về lập trường. Rất non nớt mà cứ tưởng ta đây hiểu biết. Cái nguy là ở đấy. àm việc với anh, nhắc nhở anh, cảnh giác anh, điều đó là cần thiết. Cần thiết cho anh. Cần thiết cho cách mạng.

Những lời nói đanh thép, không cho cãi, những lời của chân lý, của đạo đức, của giai cấp, của sự cứu rỗi, khi xa xăm, như trên trời cao vọng xuống, lúc lại như ở dưới đất dội lên. Anh vẫn cố đoán mục đích, ý nghĩa của “pha ly kỳ” này. Và anh đã hiểu ra khi giọng trầm pha lẫn bi thương lại vang lên:

– Chúng tôi đánh giá anh đúng mức. Anh đi theo cách mạng một cách hồn nhiên của một anh tiểu tư sản bấp bênh. Phải liên tục rèn luyện để có thể phục vụ cách mạng được nhiều hơn. Tôi nghĩ đó cũng là nguyện vọng của anh. Chúng tôi mong muốn rằng từ nay anh sẽ cộng tác chặt che với cơ quan an ninh (anh cảm thấy hết trọng lượng của các từ ấy, sự thiêng liêng của nó toả ra trong từng âm sắc của người nói) để bảo vệ thành quả cách mạng. Anh cười nhạt không thành tiếng trong bóng tối.

Giọng nói vẫn vang lên như một mệnh lệnh:

– Anh hãy suy nghĩ. Điều đó chỉ có lợi cho anh và phù hợp với những gì anh vẫn nói về bản thân anh. Anh có thể từ chối, đó là quyền của anh. Nhưng anh hãy cân nhắc cái gì sẽ đến với anh. Chúng tôi đánh giá anh trên cơ sở việc anh làm chứ không phải lời anh nói.

Bàn cố nhiệt tình nói với bóng tối:

– Thưa các đồng chí. Dù tôi có bị cách mạng nghi ngờ thì dòng máu trong tôi vẫn là dòng máu cách mạng. Điều đó tôi không cần ai tin. Một mình tôi tin là đủ Bởi vậy tôi không bao giờ tha thứ hay bao che một tên phản cách mạng, chống dối lại chế độ.

Mãi sau này Bàn mới nghĩ đến cái máy ghi âm ở nhà Bình và anh đoán tối hôm đó họ cũng đặt máy ghi âm, ghi lại buổi nói chuyện. Anh thấy anh trả lời như vậy là đúng, là khôn ngoan, là kín. Và anh nghĩ họ tuyển anh làm đặc tinh thật cao tay. Ai cũng biết anh là người thẳng thắn, trung thực, có vấn đề với công an, anh là người tạo được yếu tố bất ngờ. Do đấy anh sẽ nắm được tình hình nhìều người khác, cung cấp cho họ rất nhiều về người khác.

Có một điều khốn nạn nhất là từ bấy đến nay không ai in của Bàn nữa. Một bài báo cũng không. Cơ quan cho Bàn tạm nghỉ. Bè bạn ở các báo, các nhà xuất bản đều tươi cười trả lại bản thảo của các anh với những lý do chính đáng không chê vào đâu được.

– Thế nhưng việc của tao, tay hộ tịch lại không biết gì, mày ạ.

Bàn chồm dậy vì nhớ đến chi tiết ấy.

Đó là lúc hai người đã buông màn và chuyến tàu Bắc khuya đã sầm sầm lao qua dốc cầu về phía Cửa Nam.

– Dạo rằm tháng Bảy vừa rồi, ông đại diện tiểu khu còn mời tao đi kiểm tra một số gia đình buôn bán vàng mã. Có cả tay hộ tịch. Nửa đêm chúng tao xộc vào các nhà. Tịch thu bao nhiêu thứ. Có cả cháo gà bồi dưỡng. Ông tiểu khu còn đề nghị tao viết bài cho số báo tường. Tao viết ký tên đàng hoàng.

Hắn reo lên:

– Được ký nguyên tên trên số báo tường

Bàn nghiêm trang:

– Quan trọng đấy. Ký tên ở tiểu khu cũng quan trọng đấy.

Rồi Bàn rinh rích:

– Tay hộ tịch thỉnh thoảng vào chơi, kể chuyện nhà này, nhà nọ trên đường phố. Ai chứa điếm. Ai nghiện. Ai có ba thằng con đều đi ăn cắp. Tay ấy bảo: Nhà nào cũng như nhà bác thì chúng cháu yên tâm.

Bàn lại cười ré lên, thú vị: “à! Tao còn được dự họp tuyên giáo tiểu khu mở rộng. Phong bao cẩn thận!”. Hắn cũng cười. Cười và mong chóng sáng. Để ra chợ xem có thuốc không. Tàu Bắc đã về rồi.

Sáng hôm sau, ăn mỗi người một nắm xôi, đôi bạn chia tay. Bàn lên cơ quan xem có lương chưa. (Không được giao việc, nhưng vẫn có lương). Hắn đảo qua chợ. Vẫn không thấy lái thuốc về. Cả chợ Bắc Qua, cả chợ Đồng Xuân. Đành phải ở lại đến chiều thôi. Hắn nhảy xe buýt về nhà anh chị Diệu. Hắn đã chia tiền thành mấy món, đút ở cả hai túi quần, còn một ít đút ở túi ngực áo bông, ấn mãi xuống sâu đáy túi. Đứng trên xe buýt đông người, chật chội, hắn căng người ra mà cảnh giác. Hắn đang mang trong người tất cả vốn liếng, sản nghiệp nhà hắn. Một cái đụng nhẹ của ai đó cũng làm hắn tập trung sự chú ý. Ai đi lướt qua mạt hắn, hắn cũng chờ đợi một hành động gì đó tiếp theo. Như một con thỏ lắng nghe gió đưa đến mùi của sói. Bằng tất cả mọi giác quan.

Bởi thế nên khi hắn chen ra cửa ô-tô để xuống xe ở bến đỗ phố Bà Triệu và bị kẹt giữa đám đông ùn lại cửa xe, hắn cảm thấy ngay có ai chạm vào túi ngực hắn. Hắn nắm chặt tay người ấy, thét lên:

– ăn cắp!

Đó là một người mặc quần áo Tô Châu, mũ tai bèo, lưng đeo ba-lô từ phía bên bước ra. Người ấy hất tay hắn, lách lên đứng ngay trước mặt hắn, cái ba-lô phồng căng đẩy hắn về phía sau. Người chen chân, hắn chỉ nhìn thấy cái mũ tai bèo cụp xuống gáy. Và một tiếng gầm còn to hơn tiếng thét của hắn:

– Chính mày ăn cắp!

Nhảy được xuống đường rồi, anh bộ đội chưa đi ngay. Anh ta đứng dưới lòng đường chờ hắn, chỉ tay lên phía cửa ô-tô nơi hắn đang bước xuống:

– Bà con! Chính nó là thằng ăn cắp.

Không ai bảo sao. Không ai muốn dây vào cuộc tranh cãi. Không ai muốn vạch mặt tên ăn cắp. Mọi người nhìn vào hắn, nhìn vào người mặc quần áo bộ đội một cách tò mò, rồi tản đi. Theo phản xạ, hắn đưa tay kiểm tra các túi tiền, và vẫn thấy còn nguyên. Đúng là ngón tay của người ấy đã chạm vào ngực hắn. ở đó hắn đút một ít tiền, nhưng nó chưa mổ được vì tiền nằm quá sâu.

Người ấy vẫn đứng dưới đường, xốc lại ba-lô, hất mũ tai bèo ra phía sau, chờ đợi hắn, sẵn sàng làm cho ra nhẽ xem ai là kẻ cắp. Một khuôn mặt loang. Một vết sẹo tràng chạy qua một bên má xuống tới cổ. Bàn tay anh ta giữ quai ba-lô cũng bị vết sẹo loang. Kiểu cháy của bom na-pan. Một anh thương binh ở trong B ra.

Người ấy gườm gườm nhìn hắn và reo lên:

– Anh Tuấn.

Hắn đã nhận ra. Họ nhảy bổ vào nhau trước sự ngạe nhiên của mọi người. Hắn ôm chặt anh bộ đội, ôm cả cái ba-lô phồng căng, thì thầm:

– Dự! Dự!

Hai người đẩy nhau ra và nhìn nhau một lần nữa. Hắn cười. Sung sướng, ngạc nhiên và thích thú vì anh thương binh bị bom na-pan ở B ra này lại chính là Dự. Dự mặt loang tay loang vì bị cháy ở trại V. Q. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp Dự đã xuống nhà hắn, ăn cơm một lần với hắn, xin hắn bộ quần áo, hôm sau còn đứng mãi ở bên kia đường nhìn sang nhà hắn, thèm thuồng một mái nhà, một gia đình như hắn, rồi bỏ đi. Hắn hỏi khi hai người đã sóng đôi trên hè phố.

– Min đâu?

– Vào kho rồi.

Dự đáp thản nhiên. Hắn bị bất ngờ:

– Vì sao?

– Tý nữa. Tý nữa em nói anh nghe.

Hắn thấy Dự thay đổi hẳn. Nhanh nhẹn. Xốc vác. Tự tin trên đường phố Hà Nội này. Họ đi ngược lên bờ hồ Hoàn Kiếm gió lộng. Rét xuýt xoa. Dự cười:

– Suýt nữa anh em mình xô xát.

Hắn nhìn Dự. Ngụ một câu hỏi. Dự hiểu:

– Em làm lính mổ. Chuyên trên tuyến xe buýt và tàu điện nội thành.

Hắn ngắm nhìn bọ quần áo đại cán Tô Châu của Dự. Và cái ba-lô, mũ tai bèo. Nhưng người ta còn có thể nghi anh bộ đội là giả cầy nếu không có vết sẹo do bỏng ở trại V. Q. Dự đã hoàn toàn trở thành anh thương binh từ trong khói lửa miền Nam trở về với gia đình miền Bắc. Dự hỏi:

– Giống không?

– Không chê vào đâu được.

Dự cười, rút trong túi áo đại cán bao thuốc lá.

– Tam Thanh đàng hoàng. Phải tới hai đồng rưỡi một bao đấy. Hai anh em hút. ấm cả cổ.

Hắn không ngờ Dự lại là lính mổ. Vì trong trại Dự chậm chạp, hiền lành, cù mì ít nói. Dự bảo hắn: “May mà em làm được nghề này. Lúc đầu cũng lo. Sợ lắm. Nhưng rồi quen. Em với Min. Min bị bắt tháng trước. Có lẽ vì Min không có sẹo như em”. Dự cười: “Có cái sẹo này hoá may, cái tay khoèo này nữa. Chẳng ai nghi ngờ gì”. “Nhưng tay này thao tác có ổn không?”. Dự giơ bàn tay sẹo loang trắng trắng hồng hồng có mấy ngón co quắp lên. Hắn chỉ thấy hơi gợn nhẹ ở ngực áo, mấy tờ giấy bạc đã nằm gọn trong tay Dự. Dự cười và ấn trả lại vào túi hắn. “Được không? Túi áo bông hơi khó. Túi áo sơ-mi dễ hơn”. Và Dự bảo hắn như Giang đã bảo: “Anh đừng để tiền ở túi áo”. Dự rủ hắn đi ăn. “Anh em mình phải có bữa liên hoan kỷ niệm chứ. Em mới thắng một quả đậm”. Thấy hắn ngần ngừ, Dự hỏi: “Anh có bận gì không?” Khi biết mục đích của hắn đi Hà Nội, Dự reo lên: “Thuốc lá à? Em sẽ đưa anh tới một nơi. Bảo đảm là có mà”.

Về đầu

 

Chương 50

 

 

Họ ngồi đối diện trong một góc nhà hàng Tiểu Lạc Viên. Phố Tạ Hiện, Phúc Long, Phúc Châu thân thuộc với hắn từ những ngày làm ở báo T. Bọn hắn hay lên đây uống trà buổi tối. ở đây bao giờ cũng đông đúc, tấp nập. Được hoà lẫn vào đám người đông vui, bận rộn và vô tư thật là thú vị. Khi ấy hắn mới ngoài hai mươi tuổi. Khi ấy anh Diệu bảo: “Các cậu tuổi hăm, sướng thật. Còn mình tuổi băm rồi, chán quá”.,

Đã hai mươi năm trôi qua. Bè bạn ở báo còn nhiều đấy, nhưng hắn nghiệm ra hầu hết những người có tài, có khả năng làm báo và sáng tác văn nghệ đều chẳng ra gì. Chẳng được tin cậy. Chẳng ai lên được chức tổ trưởng, trưởng phòng. Biên uỷ lại càng xa xôi. Xa xôi như ta ngắm nhìn sao Hoả vậy. Vì sao thế nhỉ? Tại lãnh đạo. Đã hẳn. Nhưng anh em cũng có lỗi một phần. Anh em có một cái gì đó không khớp với thước đo, với khuôn phép. Nó cứ vượt ra ngoài qui cách. Thừa một tý. Lại thiếu một tý. Thừa nhiệt tình, xông xáo, lán lộn, nắm chắc thực tế, hiểu quần chúng nghĩ gì, muốn gì. Nhưng lại thiếu cân nhắc khi phát biểu, đôi khi dẫn đến mất lập trường.

Thừa khả năng viết phóng sự, bút ký, điều tra, những bài phông cho số báo đặc biệt nên đi vào sáng tác văn chương là thứ làm ảnh hưởng đến việc viết báo. Thiếu tính khiêm tốn, thiếu sự tôn trọng trưởng phó ban, biên uỷ là cán bộ chính trị sang phụ trách duyệt bài. Cho họ là viết kém, không biết viết mà không nhìn thấy cái cơ bản là lập trường tư tưởng, những cống hiến của người phụ trách. Thừa quyết tâm cải tiến tờ báo, nhưng lại thiếu ý thức tổ chức và kỷ luật, thích là rủ nhau lên Tạ Hiện này uống trà trong giờ làm việc. Thật ngược đời. Những người tên tuổi gắn liền với những trang báo, được bạn đọc yêu mến lại là những phần tử phức tạp, phải uốn nắn, đấu tranh trong nội bộ cơ quan.

Quán Tiểu Lạc Viên này hắn đã đến với bạn bè những khi lĩnh nhuận bút, lĩnh tạm ứng. Bữa ăn cuối cùng trước khi bị bắt là khoản ứng trước hợp đồng kịch bản phim “Những người đang sống” với Vũ Mạc, với Nguyễn Vũ Phương cũng là ở đây. ăn xong Phương còn bảo: “Mày đưa tao mấy đồng. Tao mua xăng”. Đúng ]à cái mô-bi-lét cũ của Phương ngốn xăng khá dữ…

– Anh ăn gì?

Dự hỏi làm hắn lúng túng:

– Gì cũng được.

– Không, anh gọi chứ.

Hắn nhớ tới thực đơn bữa ăn trước khi bị bắt với bạn bè:

– Chim quay.

Bữa ấy cũng có chim quay. Nguyễn Vũ Phương thích món chim quay. Còn Vũ Mạc thích ba ba, bia ba ba. Ai nữa nhỉ? Lê Bàn. Lê Bàn bao giờ cũng giản đơn: Thịt gà luộc.

Dự gọi to:

– Hai chim quay.

– Một thôi. Để còn ăn thức khác. Có đủ tiền không đấy.

– Anh yên trí. Đủ mà. (Gọi to) Một chim quay thôi nhé!

Hắn: – Ba ba tần đi.

Dự: – Một ba ba.

Hắn: – Gà luộc nhé.

Dự: – Một gà luộc.

Hắn: -Thế thôi. Đủ rồi đấy. Quá nhiều nữa là khác.

Dự:- Anh uống gì?

Hắn: – Bia.

Dự sung sướng rót bia:

– Anh ăn đi. Uống đi.

Đôi mắt Dự long lanh nhìn hắn. Hắn thì thầm:

– Nào. Khợp!

Dự cười tít mắt:

– Sột sệt.

– Có nhớ Q. N, V. Q không?

– Em gần như đêm nào cũng nằm mơ thấy mình vẫn ở trong ấy.

– Đêm nào cũng vậy à?

– Có đêm em cùng với Xìn Cắm thái da trâu ở bếp. Thái đến toét cả tay. Một ngón tay lòi cả xương ra, đỏ hỏn. Da trâu ngập đầu, mùi khẳn như cóc chết. Xìn Cắm béo hơn lúc còn sống. Em vẫn nhớ là Xìn Cắm chết rồi. Em hỏi chuyện dưới âm, Xìn Cắm không nói. Cứ nhìn em, chảy nước mắt, buông dao đứng lên, đi vào rừng biến mất. Em định đi theo mà không sao đứng được. Chân cứ nặng như chì. Nhũn ra.

Hắn nhớ đến người tù lưng cánh phản, ngoại hình rất giống Hemingway, hàm răng trắng đều và nụ cười thơ trẻ, cho hắn cái nắp ca. Hắn nhớ đến đám ma Xìn Cắm, đến cái quan tài Xìn Cắm nằm trên xe trâu cùng với mai cuốc xuống dốc trại lộc cộc, lộc cộc. Đi đầu là ông Chắn, công an y tá. Ba anh lâm sản đào huyệt theo sau. ánh đuốc bập bùng hắt lên khuôn mặt Cương móm, trông càng giống hình vẽ trên bảng Nguy hiểm chết người. Rồi Hỉn Sán đi cạnh bưng bát cơm lồng, trên có quả trứng luộc, cắm một đôi đũa vót xù ra. Và một người nữa cầm một nắm hương đỏ hồng. Hắn nhớ đến sáng hôm sau, khi đang đánh răng rửa mặt thì Cương sang đưa cho hắn củ sắn luộc: “Này Xôi cúng Lỷ Xìn Cắm đây”. Hỏi ra mới biết mỗi anh đào huyệt được bồi dưỡng hai ki-lô sắn luộc.

Hắn vội hỏi sang chuyện khác. Sực nhớ tới tài nghệ bắt chuột của Dự trong trại, hắn hỏi vui để chấm dứt đề tài ấy:

– Dự có nằm mơ thấy chuột bao giờ không?

Dự ngạc nhiên:

– Sao anh biết? Em luôn nằm mơ thấy chuột. Không biết bao nhiêu là chuột. Mới đầu em đuổi một con chuột leo. Nó chạy vào nhà mét. Em chạy theo. Em đuổi mãi. Trong ấy khói um. Bao nhiêu người đang sột sệt. Khói không mở được mắt. Em quát: “Khéo cháy trại bây giờ! Có dụi đi không?” Họ cứ rút mái xuống đun. Rồi nhìn em cười. Răng cứ dài ra. Hoá ra toàn chuột. Phải đến hàng nghìn con xông vào cắn em.

Dự tỏ vẻ hoảng.

Có lẽ vì em ăn nhiều thịt chuột quá. Phải đến hơn chục hôm toàn mơ thấy chuột. Con to, con bé, con mẹ, con con. Con cười, con chơi, con chạy. Em thì chết rồi, mà hai con chuột cứ khoét mắt em. Sợ thật đấy. Tỉnh dậy, toát mồ hôi.

ăn mấy miếng Dự lại bảo:

– Cũng chưa kinh bằng một lần em nằm mơ không biết ở trại nào. Hình như ở Cổng Giời. Hay Phố Lu, hay V. Q. Tất cả trại không còn một ai. Vắng ngắt. Mấy chục buồng chỉ có mỗi mình em. Còn toàn quản giáo. Dễ đến mấy trăm. Họ điểm danh. Họ gọi toán tăng gia. Mỗi mình em. Toán chăn nuôi. Lại mỗi mình em. Toán lò gạch. Lại em. Toán lâm sản. Cũng em. Toán may. Cũng em. Em đã ra khỏi cổng đi làm. Lại có một em – khác ngồi ở sân, mỗi mình. Chung quanh toàn áo vàng đeo súng lục. Mà áo xanh cũng đông. Vòng trong vòng ngoài. Kinh lắm.

Dự cười. Hắn cảm thấy ghê ghê. Dự hỏi hắn:

– Anh có nằm mơ thấy nó không?

Hắn lắc đầu, buồn bã, nói một sự thật hắn đã nói với già Đô:

– Mình mất khả năng nằm mơ rồi. Không mơ thấy gì nữa.

Dự xuýt xoa:

– Anh sướng quá. Em chính thức mộng mị liên miên. Hết trại này đến trại khác. Thành ra ngày đi hoạt động, còn đêm nào cũng lại vào tù. Hắn nghĩ có lẽ Dự quá căng thẳng. Tác động đến thần kinh. Mà căng thẳng là phải thôi. Cái sống cái chết chỉ trong gang tấc.

– Phải tìm cách chuyển nghề thôi, Dự ạ.

Dự như đã suy nghĩ kỹ về chuyện đó:

– Chưa được. Phải cố một năm nữa. Nếu thắng quả đậm thì chuyển sớm hơn.

Và Dự cho hắn biết ý định: Dự cố dành dụm mua một cái túp ở bên kia Gia Lâm. Một mảnh vườn. Thế là bắt đầu làm lại cuộc đời. Giồng rau thơm. Nấu rượu. Nuôi lợn và lấy vợ nữa. Dự đã bàn với Min. Nhưng Min chưa thực hiện được đã bị bắt.

– Bây giờ được kha khá chưa

– Khó khăn lắm, anh ơi. Kiếm không phải dễ đâu. Có hôm đi từ sáng đến tối, vẫn Trần Văn Trều.

Bây giờ người ta cảnh giác lắm. Như anh đấy. Ai động được vào túi anh. Em hết sức tiết kiệm mới để được hơn trăm.

– Tiền để ngay trong ba-lô này à? Ngộ nhỡ…

Dự gật gù:

– Min để trong ba-lô, bị bắt, mất hết đấy. Rút kinh nghiệm Min, em chôn ở một nơi chỉ một mình em biết.

– An toàn không?

– An toàn. An toàn tuyệt đối.

– Chôn tiền à? Sợ mục mất.

– Em mua vàng. Anh yên tâm.

Hắn rụt rè hỏi Dự:

– Dự ơi, vì sao Dự bị bắt?

ở trong tù người ta không hỏi nhau điều ấy.

Không muốn tò mò, không muốn đi sâu vào bí mật của nhau. Nhưng bây giờ hắn thấy cần phải hỏi. Dự trả lời thật bất ngờ:

– Em là dân công giáo. Đức cha xứ em giao cho em mang một số giấy tờ tài liệu sang cho linh mục xứ đạo vùng bên. Trên đường đi thì em bị bắt…

– Sao không thấy Dự chơi với bọn Cân, Hoá nhỉ?

– Bọn họ bảo em khô đạo. Họ nói thế là nhẹ đấy.

Chứ em bỏ đạo rồi. Em không tín nơi Chúa nữa. Nếu có Chúa thì Chúa đã chẳng để em và bao con chiên của Chúa như vậy. Chúa dạy khác với cuộc đời nhiều quá. Làm theo lời dạy của Chúa cũng tốt, nhưng không sống nổi. Chẳng ai cho mình sống đâu. Phải tự mình thôi. Em đã chầu chực ở ga làm bốc vác. Không đến lượt. Em muốn làm xích-lô. Không có vốn mua xe. Em xin vào lò gạch đóng gạch. Không ai mướn. Người đông quá. Dâu cũng thừa người, anh ạ. Phải làm việc này thôi. Mà đã làm thì phải an toàn, phải thắng.

Họ vừa ăn vừa trò chuyện. Nhà hàng lúc ấy vắng, chưa đến giờ cao điểm. Hơn nữa khách ăn có vẻ sộp, lại là thương binh, loại khách cần phải chiều, đừng làm mất lòng họ, dù bất kỳ ở đâu, nữa là họ đang ăn uống. Dù bây giờ họ đã ăn uống xong lâu rồi và chỉ ngồi hút thuốc.

ăn xong Dự trả tiền (hết hơn mười đồng tất cả), hai anh em đến nhà người quen của Dự mua thuốc lá.

Lại quành ra phía đầu cầu. Ngoắt ngoéo vào sâu trong ngõ. Qua một vòi nước có cầu rửa. Sát một hẻm con tường gạch mục, với những ô nhỏ hố xí thùng. Thật không may. Chỉ có một đứa trẻ lên mười đang nấu cơm. Dự cười:

– Ngọ đấy à? Nấu cơm cho chú với nhé.

Thằng bé reo lên khi thấy Dự:

– Sao lâu quá chú không đến?

Nó pha nước mời khách và cho biết bố mẹ nó sắp về. Cách chuyện trò giữa nó và Dự làm hắn yên tâm.

Căn buồng tối, hẹp. Ngổn ngang những bản in tiền, vàng âm phủ.

Rất thông thạo, Dự đi vào góc nhà tìm tìm, bới bới và đu người lên gác lửng, sờ nắn…

– Yên trí. Anh yên trí.

Thằng bé con cười:

– Chú tìm gì?

– Có rồi. Bí mật. Bố mẹ đi có lâu không?

– Hai chú ngồi chơi. Bố mẹ cháu về bây giờ đấy mà.

Hai người ngồi hút hất mấy điếu Tam Thanh nữa. Dự hỏi thăm vợ con hắn, tình hình làm ăn của hắn. Hắn ngắm nhìn Dự. Lanh lợi, tháo vát, từng trải, xốc vác. Dự hôm nay và Dự hôm ngồi cho hắn cắt tóc ở trại Q. N thật khác hoàn toàn. Dự đã lột xác để trở thành một người khác. Đúng là không thể nhận được ra Dự… Chỉ đến khi biết rồi, nhìn kỹ vẫn thấy là Dự ấy.

Phải đến tan tầm chủ nhà mới về. Chỉ một anh chồng. Hơn tuổi bọn hắn. Xách một túi nặng.

Trông thấy Dự ở cửa, người ấy reo lên:

– Lâu quá mới gặp. Cứ tưởng…

Chợt thấy hắn, câu nói dừng lại ở đấy. Dự cười:

– Tưởng em vào kho rồi phải không?

Và giới thiệu:

– Anh Tuấn bạn em. Đã ở Q. N, VQ. Anh Lợi cũng ở QN đấy. Toán lâm sản. Lời giới thiệu ấy làm họ hiểu nhau ngay. Hai người hỏi nhau về thời gian ở Q. N. Thì ra lúc hắn lên QN, thì Lợi đã được tha rồi.

– Nhà tôi còn ở lại chờ chuyến tàu sau. Thuốc lá à? Người ta đặt hết cả rồi.

Mãi sau hắn mới biết vợ chồng Lợi bao thầu, mua lại những gì mà tổ công an, phòng thuế trên tàu tịch thu. (Tất nhiên là những thứ không đưa về trụ sở). Chủ yếu là chè, thuốc, những thứ nhẹ, còn sắn,. gạo, gà qué Lợi không làm. Hàng Lợi mua không nằm trong sổ sách, để anh em bồi dưỡng riêng. Lợi làm lâu rồi, đứng đắn và được tin cậy.

Tuy nói không còn thuốc, nhưng Lợi đã lại thoăn thoắt leo lên gác lửng kéo xuống một bọc to.

– Tình hình chè thuốc năm nay còn gay. Họ làm căng lắm. Không thoát một cân. Kiểu gì cũng không lọt. Để trong đàn ghi-ta cũng mất. Ba-lô cho vào bao đổ sắn lên cũng mất. Mất mà không dám nhận. Bao này của ai? Cái đàn này của ai Không dám ra xin. Cứ ngồi mà nhìn thôi. Chỉ béo bọn phòng thuế, bọn thị trường. Thu cho nhà nước một, thu cho chúng mười. Nó cướp được của người ta mà nó bán cho mình có rẻ đâu. Nhưng thôi, có hàng cho mình là tốt rồi. Tôi mua được nhiều hàng là nhiều người chết lắm đấy anh ạ. Đây. Thuốc đây. Anh lấy được mấy cân? Anh em mình với nhau cả. Anh bị bao nhiêu? Năm gậy à? Tôi chẵn mười niên. Gấp đôi anh. May mà được cô vợ tốt. Tiếp tế đều đặn, chờ chồng, nuôi con. Bây giờ còn đang phơi mặt ở ga. Chờ chuyến tàu sau. Kiếm miếng ăn vất vả lắm, anh ơi.

Hắn lấy năm ki-lô. Sợi loại hai thôi. Giá rẻ không ngờ: Mười bảy đồng một ki-lô. Lợi có cả giấy cuộn. Hắn làm một cây giấy Sơn Thuỷ. Thuốc khô. Loại này một cân phải cuộn được nghìn mốt, nghìn hai trăm điếu. Cho thuốc vụn quốc doanh vào giữa thì còn được hơn nữa. Thứ thuốc vụn ấy rất ngon, không nóng, tàn trắng, đậm đà. Chỉ tội đen. Đen và vụn. Thuốc giao được năm mươi. Bằng giá bán lẻ. Vậy là mỗi cân thuốc kiếm được đến ba chục bạc. Với thói quen nghề nghiệp hắn nhẩm tính rất nhanh. Như nhẩm tính nhuận bút in sách ngày trước. Loại mười tám đồng hay mười lăm đồng (một nghìn chữ). Tập sách khoảng bao nhiêu chữ. Nhuận bút cơ bản. Số luỹ tiến. Hắn tính ngay ra con số cuối cùng. Hắn trả tiền, cho thuốc vào túi, chân thành cảm ơn Lợi và cùng với Dự đi ra phố. Hắn nắm chặt tay Dự bùi ngùi:

– Tìm Dự thì tìm ở đâu?

– Từ chín giờ tối trở đi em có mặt ở ga. Em ngủ ở đấy.

– Có khi nào xuống P không?

– Chưa biết được. Nếu xuống dưới đấy, em sẽ lại.

Hắn vừa đi vừa ngoái nhìn về phía Dự đang đứng đón ô-tô-buýt. Dự tốt quá. Một tấm lòng vàng. Dù đang đi móc túi. Không biết có còn gặp nhau nữa không. Mong Dự đừng như Min, đừng như Giang.

Kia rồi, một cái ô-tô-buýt vừa đỗ. Dự bám vào tay vịn nhảy lên. Mũ tai bèo, ba-lô phồng. Quần áo Tô Châu bước khuất vào trong xe. Ô-tô chuyển bánh ngoặt về một ngã tư.

Hắn đi về phía nhà anh chị Diệu. ở đó hắn đóng chặt cửa lại, múc từng ca nước phun vào số thuốc lá mới mua được của Lợi. Hắn chia số thuóc ướt đẫm nước ấy thành từng phần, rồi cho vào một túi ni-lông dày, lật ngược cái ghế gỗ con như một thứ khuôn, hắn ép chặt thuốc lại, mới đầu lấy tay đấm vào túi thuốc, sau đứng lên, nhún xuống, ghì xuống. Mấy cân thuốc bị nén thành những bánh vuông vắn. Hắn lấy giấy báo gói riêng từng gói và đút vào túi lưới trông như những cái bánh chưng. Kinh nghiệm trong tù dạy hắn: Hãy yểm một cách hớ hênh nhất.

Hắn xin thêm anh chị Diệu tờ báo Cứu Quốc, cái bìa lịch mới, đút áp vào mấy cái “bánh chưng”và buộc trên quai túi chiếc khăn mặt. Mua được thuốc lá đã khó. Giữ được thuốc lá khó hơn nhiều. Còn quãng đường từ đây về P nữa. Bao nhiêu trạm thuế, bao nhiêu công an, bao lần khám xét. Mà hắn phải đem được tài sản này về cho vợ con hắn. Hắn dung dăng dung dẻ xách túi đi lại trong buồng và cười toe toét hỏi chị Diệu:

– Trông em giống cán bộ đi công tác chưa, hở chị?

Chị Diệu đã bao lần thấy hắn lên nhà chị để làm việc với nhà xuất bản, để nhận sách bản quyền mới in; nhận tạm ứng tiền nhuận bút, đem phác thảo bìa sách về ngắm nghía và góp ý với hoạ sỹ. Chưa bao giờ hắn hì hụi một mình như thế này. Trước đây hắn vừa đặt chân lên Hà Nội là tất cả bọn bạn hắn đều biết ngay. Chốc lại có người gõ cửa nhà chị:

– Chị Diệu ơi. Thằng Tuấn nó đâu rồi, hở chị?

– Chị Diệu ơi. Thằng Tuấn nó mới lên, hở chị?

Cũng có khi chẳng thấy hắn đâu, vẫn tưởng hắn đang ở P, nhưng nghe bọn bạn hắn hỏi, chị biết hắn đã ở Hà Nội và y như rằng một lát sau hắn đã có mặt tại nhà chị.

Chị biết đám bạn hắn giờ đây cũng đang gay go, tan tác cả. Những Lê Bàn, Trịnh Bão, Vũ Mạc, Phạm Văn Định, những Nguyễn Vũ Phương… Nhìn hắn đánh vật với mấy cân thuốc lá, nhìn hắn hí hởn đi lại trong buồng, chị cười chua chát:

– Rõ vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay.

Vào nửa cuối năm 1974 hắn có ba cuộc gặp gỡ quan trọng. Với ba người. Một người bạn tù. Và hai người khác mà cả hai đều có thể quyết định số phận của hắn. Người bạn tù là già Đô. Hai người kia là ông Hoàng và ông Trần. Ba người đại diện cho ba thế giới.

Già Đô là người của thế giới bên kia, thế giới thống khổ hắn vừa trải qua và còn đang bám theo hắn. Bám riết không rời. Như đuôi sao chổi bám vào nhân sao chổi. Hắn thích hình ảnh này. Dù sao hắn cũng trót dại đi viết văn. Hắn thích tư duy hình tượng.

Và hắn thấy hình tượng ấy được. Con người nhỏ bé mà đau khổ quá lớn. Không chạy đâu thoát. Dù có trốn vào đêm đen vũ trụ mịt mùng, nỗi khổ đau vẫn bám theo, mênh mông như vũ trụ.

Ông Hoàng đại diện cho thế giới của một số ít người (chắc là như vậy – càng về sau hắn càng tin như vậy) muốn làm được những điều mình nói. Một người trung thực. Muốn thực thi luật pháp, muốn trả lại cho hắn tất cả những gì hắn đã bị tước đoạt. Tóm lại ông là người tốt bụng, có trách nhiệm, nhưng lãng mạn và không tưởng.

Người thứ ba là ông Trần, người có phép màu làm thay đổi thế giới này của hắn. Đúng. Ông Trần có một chiếc gậy thần. Ông cầm gậy chỉ một cái, thế giới của hắn thay đổi hẳn. Với một số người, ông là tiên ông. Với hắn, ông là phù thuỷ. Ba cuộc gặp gỡ xếp theo trình tự thời gian: ông Hoàng, già Đô, ông Trần.

Mùa thu năm ấy mưa ngâu rả rích. Ngọc thắp hương cúng ràm từ mấy hôm trước. Ngọc bảo rằm tháng Bảy phải cúng sớm, để những cô hồn không nhà không cửa, đói khát, lang thang vào nhà mình ăn uống được no một bữa, rồi lại đi nhà khác kiếm ăn trong dịp xá tội vong nhân.

Hắn thấy Ngọc đã bước vào tuổi già, tuy nàng mới ngoài ba mươi. Bạn bè cùng lớp tuổi, Ngọc chỉ chơi với Linh. Nhưng chính Linh cũng như Ngọc, cũng bước qua tuổi trẻ của mình. Họ không chạy trốn tuổi ba mươi, tuổi chín nhất của người phụ nữ. Chỉ giản đơn là cả hai đã ở tuổi già trong lúc còn đang trẻ. ở cơ quan, hai người chỉ có nhau là bạn. Cả hai cùng có những người bạn mới ngoài cơ quan, tuổi bốn mươi, nám mươi, sáu mươi, cùng họ đi lễ các đền, các hội. Ngọc và Linh thuộc lòng ngày kỵ Đức Thánh Mẫu, ngày mở hội Phủ Giày, ngày mưa rửa cửa đền Kiếp Bạc. Những gì dính dáng đến thế giới này không hấp dẫn được họ ngoài chồng con, bố mẹ và các loại tem phiếu.

Họ đã nhìn thấy quá nhiều điều ở vào tuổi ấy. Họ đã chờ đợi quá lâu rồi. Họ đều mong mỏi được hưởng may mắn trong số phận, tuy mỗi người một hoàn cảnh đối lập nhau. Chồng Linh đi chiến đấu trong tự hào vinh dự, chồng Ngọc đi tù. Giờ đây người nọ thèm số phận của người kia.

Ngọc quá hiểu nỗi khổ trăm đường của người có chồng đi tù, túng thiếu nhục nhã, đau đớn ê chề, nàng thèm được như Linh. Còn Linh nhìn Ngọc có chồng ở bên mà nghĩ đến chổng mình trong B, cái sống là rất ít. Linh bảo Ngọc: “ Chẳng làm gì mà suy nghĩ, mà xấu hổ. Chồng mày không ăn trộm, ăn cắp, không tham ô, hủ hoá…” Thực sự Linh cho là Ngọc cũng như Linh, cả hai đều phải chịu mất mát, hy sinh cho cuộc kháng chiến này, cả hai đều phải chịu mất mát hy sinh cho chiến thắng.

Điều Linh nghĩ cũng là điều hắn nghĩ. Với hắn đó là sự thật. Chồng Linh vào rừng, xông pha bom đạn, đói khát, vất vả cho chiến thắng. Còn hắn, hắn hy sinh cái quý nhất: Tự do. Là cũng để cho chiến thắng. Hắn chịu đựng khổ nhục, đau đớn là để cho chiến thắng. Chiến thắng cần phải được đảm bảo bàng sự an toàn tuyệt đối ở hậu phương, hậu phương pha-lê hoá… ít nhất việc bắt hắn cũng có tác dụng răn đe những người khác, nếu hắn không có tội. Đóng góp vào việc răn đe, hướng mọi người toàn tâm toàn ý vào một mục tiêu duy nhất là sự đóng góp tích cực. Có nhiều cách đóng góp. Cách đóng góp của hắn đáng kể lắm chứ. Nó cũng được làm bằng đời người. Nó cũng được làm bằng nước mắt. Thực lòng hắn không tin chuyện hương khói. Hắn nghĩ: Chuyện con người là của con người. Đó là cuộc đấu tranh muôn đời giữa cái thiện và cái ác, nỗi thống khổ muôn đời của những kiếp người bị giày xéo, bị đày đọa, bị làm những hòn chèn cho cái ghế ngồi của các ông quan và các vị vua chúa. Tuy vậy nhiều lúc thấy Ngọc thành kính đứng trước bàn thờ, hắn mong những điều nguyện cần của nàng biến thành sự thật. Hắn không tin, nhưng hắn vẫn cứ mong muốn có các thánh để các thánh ban cho một phép mầu, để thánh thần thực hiện luật công bằng, vay trả, trả vay, đã được thể hiện trong truyện cổ tích và trong các chủ trương của Đảng, có công thì thưởng, có tội thì phạt. ờ hiền gặp lành. Kẻ ác bị trừng trị.

Bàn thờ nhà hắn vẫn đặt trên nóc chiếc tủ Bình đóng, sơn xanh, nom như cái quan tài dựng đứng. Dịp rằm tháng Bảy năm ấy, trời đang mưa ngâu, ẩm ám, bỗng nhiên bát hương nhà hắn bốc cháy. Buổi tối Ngọc kê ghế đứng lên, đặt hương hoa, bày đồ lễ, thay nước thắp hương, thì thầm khấn vái. Rồi Ngọc bước xuống sàn, đến ngồi ở giường đan len. Đan thuê phải tranh thủ từng phút. Đan ngay cho công ty Ngọc. Một lúc sau bát hương nhà hắn tự nhiên bốc cháy. Ngọn lửa sáng bập bùng căn nhà hẹp.

Ngọc buông que đan bật dậy ra đứng trước bàn thờ, kính cẩn chắp hai tay vái xuýt xoa “Lạy ngài, con chắp tay con lạy các ngài hiển linh, phù hộ độ trì cho chồng con là Nguyễn Văn Tuấn, quê quán… trú tại số nhà… được tai qua nạn khỏi, có công ăn việc làm, phù hộ cho con là Lê Thị Ngọc 35 tuổi…” Vẻ mặt nàng còn hơn cả sự ngạc nhiên và thành kính. Đó là vẻ mặt con chiên thấy Chúa hiển hiện. Và nàng chờ đợi. Nàng không dám nói trước, mà im lặng chờ đợi điều gì đó đang đến. Không phải điều bình thường. Một điều tốt lành to lớn. Hệ trọng. Có thể thay đổi cuộc sống của vợ chồng nàng. Cho mãi khi ông Hoàng đã tới nhà, đã ra đi, Ngọc mới nói: Thế là diềm báo trước của việc hoá bát nhang đã được ứng nghiệm.

Ông Hoàng đến vào buổi tối. Mất điện, nhìn bóng người cao cao của ông đi ngoài hành lang, hắn ngớ ra, không tin vào mắt mình và bật lên:

– Anh Hoàng…

Ông Hoàng không đi một mình. Có một thư ký cùng đi. Người thư ký trạc tuổi hắn, khuôn mặt thông minh, cặp mắt sắc sảo, cái cằm vểnh kiểu cằm Maiacôpski khiến hắn lại nhớ tới Nguyễn Vũ Phương đang gò lưng gánh vệ sinh ở trại P. L (Phương cũng có cái cằm Maia). Đó là phó tiến sỹ Huỳnh, sau này là thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc của hắn. Nhà chỉ có hai cái ghế. Hắn mời khách ngồi ghế còn hắn ngồi trên cái hòm giấy nện, nơi vẫn để những túi ni-lông đựng số thuốc lá sợi đã aromatisé của hắn.

Ngọc và lũ trẻ ngồi cả ở giường. Hắn cảm động đến mức luống cuống và mãi mới pha được nước mời khách. Ông Hoàng cầm chén trà, người thư ký nói với hắn, nhưng chính để nhắc ông Hoàng:

– Anh Hoàng tối không uống trà.

Ông ngoan ngoãn đặt chén xuống. Ông nhìn quanh căn buồng nghèo nàn. Nhìn mấy mẹ con Ngọc ngồi túm tụm ở giường, khuôn mặt rạng rỡ vì sung sướng và xúc động. Thiên thần hiện ra ở nhà Lọ Lem cũng chỉ có thể tạo cho Lọ Lem khuôn mặt như Ngọc mà thôi.

Ông Hoàng sẽ làm thay đổi đời hắn, thay đổi đời nàng và trong lúc chờ đợi, bằng vào việc đến thăm nhà, ông đã đem lại cho vợ chồng nàng niềm hy vọng lớn lao, sự nâng đỡ tinh thần và một cái vốn chính trị to lớn biết chừng nào. Nhà nàng từ ngày ấy còn có mấy ai đến. Thế mà đây không phải một người khách bình thường mà là một ông bộ trưởng, một ông bí thư thành uỷ…

Ông hỏi thăm việc học hành của lũ trẻ. Ông chỉ vào từng đứa. Thằng Hiệp lí nhí “Cháu học Chín ạ!” Ngọc sẽ còn mắng nó nhiều vì câu trả lời ấy: “Thưa bác, cháu học lớp Chín ạ. Chứ ai lại nói cháu học Chín ạ”. Ông chỉ vào con Thương, rồi thằng Dương: “Thằng này đẻ khi bố đi xa đây phải không?” Lại thêm một ví dụ về những nỗi khổ đau của nhân dân bày ra trước mắt ông. Những quyền cơ bản của dân đang bị vi phạm. Nhiều khi rất nghiêm trọng. Mà chính vì những quyền ấy của nhân dân, Đảng đã ra đời, đã chiến đấu. Chẳng cứ gì dân chúng, ngay trong số cán bộ, đảng viên, những đảng viên có cỡ cũng có người chịu bao đắng cay, nhiều khi là những tai hoạ hiểm nghèo. Họ đến ông, xin ông với cương vị của mình hãy tìm mọi cách giúp họ. Ông đã làm hết khả năng mình vì chân lý, vì trách nhiệm trước con người, vì lý tưởng của Đảng, dù nhiều khi phải chống lại cả một thế lực, một tập thể nhân danh tổ chức, nhân danh Đảng, dù ông biết sẽ rất phức tạp, khó khăn và nguy hiểm nữa..

Nhưng ông không chọn con đường khác, cách xử sự khác. Ông không trốn tránh. Ông nhận diện được kẻ thù nguy hiểm nhất của một Đảng cầm quyền. Đó là sự xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mất đi sự nhạy cảm với phong trào, với ước nguyện của nhân dân. Và mất đi điều quan trọng nhất của người dẫn dắt: Khả năng dự báo. Ông vẫn giữ được mối liên hệ ấy một cách dễ dàng, tự nhiên, không phải cố gắng chút nào. Ông đến với mọi người, mọi người đến với ông, cởi mở, chân thành, tin cậy và yêu quý. Trái tim ông vẫn còn nhạy cảm. Khối óc ông vẫn còn nhạy cảm. Hình như ông làm cán bộ lãnh đạo là một sai lầm. Trong ông có máu của một nghệ sĩ. Lẽ ra ông phải là một nhà thơ hay một nhà văn mới đúng. Ông nhìn lên nóc tủ. Nơi ấy là bàn thờ. Một ngọn đèn con. Một nải chuối… Khói hương. Ông biết cách đây không lâu Ngọc còn là một nữ sinh kháng chiến, theo chồng từ Hà Nội về đây với hy vọng, tin tưởng sẽ được góp sức mình xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống tốt đẹp chung cho mọi người và cho riêng họ. Mất lòng tin ở thế giới này thì phải đặt lòng tin vào thế giới khác. Sống cần được trao gửi niềm tin của mình vào đâu đó vì thuộc tính của con người là cần được dẫn dắt. Cuộc sống bị những người trần thế xô đẩy vào bước đường cùng thì chỉ còn trông cậy vào những thế lực huyền bí thay đổi lại. Ông nói vui với Ngọc:

– Một con bệnh mà mời những hai ông lang chữa chạy thì không được đâu. Ông lang này tự ái đấy.

Ông cười. Thoải mái, tự tin. Ông rút trong túi áo khoác ra năm mươi đồng (một xấp giấy bạc một đồng còn mới). Ông lại cười:

– Tôi sẽ lo in sách cho anh. Và trong khi chờ đợi, tôi cũng ứng trước tiền nhuận bút đây.

Hắn còn đang ngớ ra, thì ông hỏi hắn:

– Này Nhà xuất bản vẫn ứng trước tiền nhuận bút. Có phải không nhỉ?

Cả nhà đều cười. Hắn đỡ lấy xấp tiền. Thật ngoài sức tưởng tượng của hắn. Năm mươi đồng bạc dạo ấy rất lớn, nhưng còn lớn hơn nhiều là tấm lòng ông. Hắn biết không nên nói lời cám ơn vì điều ấy sẽ làm bình thường món quà này. Không, món quà của ông là vô giá. Tuy nhiên hắn vẫn nói: “Xin anh. Cám ơn anh”. Mãi sau này khi về xí nghiệp đánh cá, đi làm ở đó hắn mới biết đây là khoản tiền ông vay của công đoàn xí nghiệp. Ông nói với đồng chí thư ký công đoàn và ông giám đốc cũng đang có mặt trong phòng làm việc của công đoàn:

– Các anh có lên nhà, đừng nói gì với nhà tôi và các cháu số tiền này nhé. Tôi sẽ trả sau.

Ông nghĩ số tiền này chỉ để cấp cứu hắn thôi. Nó có giá trị động viên nhiều hơn. Cái chính là phải khôi phục lại công lý. Việc đó khó khăn, nhưng dù sao cũng trong tầm giải quyết của ông. Nhưng một lần nữa ông nhầm.

Sau này hắn nghĩ, ông Hoàng cũng có nhiều điểm giống bọn hắn. Sự ngây thơ, nhẹ dạ đáng yêu. Ông không nên làm chính trị. Chính trị đôi lúc hiện ra trước mảt hắn như những mưu mô, thủ đoạn, kiểu nói nước đôi, giấu đi những ý nghĩ thực của mình. Chính trị còn là lý trí. Rất nhiều lý trí. Để có thể lạnh lùng cầm bút tính toán số xương máu phải bỏ ra cho một trận đánh, dự trù tổn thất cho một chiến dịch. Cần thiết thì chấp nhận một sự hy sinh không tính toán. như nhữllg chi phí phải trả cho chiến thắng.

Hình như ông Hoàng không có những phẩm chất ấy ông lại càng không nên làm chính trị, khi ông có thể nghe được nhịp đập trái tim người khác, cảm thấy tiếng than thở trong mỗi nụ cười, hiểu rõ một câu hỏi nghi ngờ, câm lặng trong một cánh tay giơ lên tán thành nghị quyết. Và điều cuối cùng khiến ông là người lận đận vì ông vốn trung thực, ông gọi sự vật bằng tên của nó.

Hắn đưa đơn gửi ông một buổi trưa, nhờ Cao, một người cháu ông, cùng làm báo T. với hắn mang đến nơi ông làm việc. Khi đó ông đứng đầu một ngành của chính phủ. Hắn đưa đơn cho ông với danh nghĩa ông nguyên là bí thư thành uỷ.

Hắn đưa đơn và có bao nhiêu hy vọng trong lòng hắn vận ra cho hết. Bởi vì việc này không liên can gì đến ông Hoàng. Ông thôi không làm bí thư đến hơn chực năm rồi. Không biết ông có còn nhớ hắn không? Chẳng bao giờ ông lại vì hắn mà đi gây chiến với ông K, ông Trần, xông vào những việc trong vương quốc của các ông này. Bởi vì hắn đã viết không biết bao nhiêu đơn. Trước tiên là đón đường, chờ ở cổng để đưa đơn cho các ông thường vụ, phó bí thư, bí thư, chủ tịch… thành phố. Cũng là để bảo đảm nguyên tác trước khi kêu lên trên thôi, chứ trong thành uỷ chẳng có một người nào ngu ngốc đi bới chuyện của ông Trần, một ông thường vụ phụ trách nội chính bao gồm cả ba ngành công an, toà án, viện kiểm sát. Các ông thành uỷ nhẵn mặt hắn khi hắn còn làm báo, nay tránh mặt hắn. Không ăn thua nhưng cứ phải làm.

Âu cũng là để các ông ấy tự đánh giá mình trước lương tâm. Thế thôi. Mong rằng lương tâm các ông ấy chưa bị móm. Nó vẫn còn răng, nó vẫn còn cắn rứt. Rồi đơn lên Trung ương, lên các cơ quan quyền lực cao nhất, lên Ban Thanh tra… Cầm tay trực tiếp. Chầu chực mà chẳng gặp được người cần gặp. Và những đơn gửi qua bưu điện… Có lẽ đơn hắn không đến tay các vị ấy. Cũng như Ngọc, hắn lại kêu vào thăm thẳm. Chắc chắn đơn của hắn đọng ở văn phòng cùng với rất nhiều đơn khác. Vì vậy lần gửi đơn sau hắn kèm theo một đơn riêng tới các ông bí thư, thư ký, lời lẽ thống thiết. Đại loại: Xin ông thương đến, xin ông quan tâm, xin ông hiểu cho rằng sau những dòng chữ này là một cuộc đời, là sáu con người một lòng theo Đảng, là oan khuất, là sự tái sinh vân vân và vân vân. Hắn muốn lay động lòng trắc ẩn của những vị ấy, nhưng hình như họ đã quá quen với những lời van xin dù tha thiết đến đâu.

Nói cho đúng hắn cũng được người có trách nhiệm tiếp một lần ở Bộ Công an. Khi đưa đơn lên ông Bộ trưởng và ban thanh tra bộ, hắn chẳng mảy may tin tưởng. “Bố nào chẳng bênh con”, “Người trên nào không bênh thuộc hạ”. Ai cũng muốn nói với hắn những câu ấy, rằng kêu thì cứ kêu, chẳng ăn thua gì đâu.

Kể cả Ngọc và Bình, những người thương hắn nhất, hiểu hắn nhất, mong muốn điều tốt đẹp đến với hắn nhất. Họ khách quan hơn hắn. Họ biết rằng sẽ không có ai đứng ra giải quyết. Người ta nhận, người ta hứa hẹn và người ta xếp xó. Ai quan tâm đến đơn kêu, đơn khiếu, trong tình hình này hẳn nhiều như nấm sau mưa. Họ biết trước rằng tất cả chỉ là việc mình đánh lừa mình. Tốn kém mà chẳng ích gì. Hắn cũng biết vậy. Nhưng vẫn đánh lừa “sự tỉnh táo để không bị lừa” của mình. Mọi người hãy thử đứng vào địa vị hắn. Không có tội, bị bắt tù, khẽ thôi cũng năm năm. Tịch thu hàng nghìn trang bản thảo của mười năm lao động miệt mài. Vợ đang học đại học, bị gọi về. Còn con nữa, chắc chắn vào đại học sẽ khó khăn… Những điều đó xảy ra trong chế độ ta, chứ đâu ở chế độ cũ. Điều không chịu được chính là chỗ ấy. Nó xảy ra trong chế độ ta, chứ không phải chế độ cũ.

Nhức nhối lắm. Uất lắm. Hận lắm. Đau lắm. Người ta chỉ sống có một lần, sự tồn tại của trái đất đã là một xác suất vô cùng hiếm hoi trong hàng tỷ thiên hà. Được sinh ra trên trái đất lại là một xác suất hiếm hoi của một xác suất hiếm hoi. May mắn. Vô cùng may mắn. Kết quả của bao nhiêu ngẫu nhiên, thần bí. Đó là ân thưởng lớn nhất của số phận của trời đất. Con người là kết quả của toàn vũ trụ và có trách nhiệm sống trong vũ trụ.

Sống là gì. Có lẽ hắn không nói được rạch ròi. Nhưng chắc chắn sống không phải là Xìn Cắm cúi cúi trên những luống rau, cái lưng đồng hun đẫm mồ hôi loá lên dưới nắng, giờ đã tan biến trong thinh không, có còn chăng là cô hồn đang múa võ trên trời, Dự hỏi cũng chẳng nghe thấy, lẳng lặng vào rừng. Sống không phải là anh Mán, chăn choàng phấp phới, đôi guốc mộc to quá khổ kẹp ở nách, hẳn bây giờ đã quên tiếng mõ trâu và vẫn ngơ ngác lang thang tìm kiếm một điều gì chính anh cũng không biết, không hiểu nhưng anh vẫn đi tìm trên những vạt rừng chưa tàn lửa đốt nương.

Sống cũng không thể là già Đô luôn mang một gánh nặng trên vai, lẫn lộn trong bị bọc hành trang tàu Commerce Maritime, Khải Hoàn Môn, tiếng vang động ì ầm của Địa Trung Hải, tiếng gọi quê hương, cái ca dùng làm ấm pha trà, nhà máy giấy, con rồng đất túi lạc tiên chín thơm lừng và lúc nào cũng cô đơn như người xà lim, người dưới mộ.

Sống cũng không phải là Nguyễn Văn Phố tù 18 năm không án. Càng không phải là vợ Phố chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 5l tuổi vẫn còn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng…

Sống đâu phải như hắn. Đêm đêm gặm nhấm nỗi đau, ngày lo bữa ăn sinh vật và sợ hãi nghĩ đến tương lai. Sống vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền được sống trên trái đất này. Hắn không thể chấp nhận sự tiêu diệt đời hắn. Giống như Đỗ, người cùng giam một dãy xà lim với hắn, được ăn một bữa cơm có cả rượu, thịt gà, cá chép, rồi bị bịt mắt, trói và bắn chết, nhưng cho đến phút cuối cùng vẫn không chịu chấp nhận cái chết. Hắn biết hắn đang vác gậy chống trời. Luật pháp bây giờ trông mong vào sự quan tâm tốt bụng của một số người. Luật pháp bây giờ trông mong vào sự tình cờ, may mắn. Thì hắn đi kiếm sự quan tâm, lòng tốt bụng. Hắn đi kiếm sự tình cờ may mắn. Kiếm trong tuyệt vọng. Để có thể nhen lên được một chút hy vọng. Mà sống cho đến khi chỗ hy vọng cỏn con ấy đã cạn thì lại cầm đơn đi. Để lại nhen lên chút hy vọng mà gặm nhấm mút mát, ăn dè qua ngày đoạn tháng… Biết làm sao, con người ta cần hy vọng để sống.

Cái lần ấy hắn trở lại Bộ để xem đơn từ của hắn kêu đã được giải quyết đến đâu. Lang thang ngoài phố thôi. Chẳng đến nhà ai nữa. Đi bộ thì mệt. Mất thời gian. Đi xích-lô thì không có tiền. Hắn lễ phép trình chứng minh thư và trình bày với người thường trực. Người ấy quay điện thoại. Có tiếng trả lời trong máy. Người ấy gác máy, nói với hắn: “Bên Thanh tra hiện nay không có ai ở nhà”. Hắn im lặng ngồi chờ. Có nhiều người đến. Hai phụ nữ từ khu Bốn ra thăm chồng công tác ở Cục kỹ thuật cười nói rní rít và rủ nhau đi. Ba ông ăn mặc lịch sự, lấy chứng nhận để làm hộ chiếu đi nước ngoài. Họ nói chuyện cởi mở, tự tin, thân ái và bình đẳng. Vẻ thân ái bình đẳng của những người đồng chí cùng nhau giải quyết việc chung. Họ đến và họ đi, cố nén niềm vui sướng trong lòng mà khuôn mặt cứ người lên.

Còn hắn. Hắn ngồi im lặng như cái ghế. Không ai chú ý đến hắn. Chờ người thường trực ngẩng nhìn, hắn đứng lên, xin đồng chí (được gọi công an là đồng chí rồi. Không phải báo cáo ông nữa) gọi lại giúp xem. “Tôi là Nguyễn Văn Tuấn, đã có đơn từ đầu năm…” Chắc là vẻ mặt hắn khổ não lắm. Nên lại quay điện thoại. Lại nói: “Nhưng người ta ở mãi P lên. Tuấn. Nguyễn Văn Tuấn”. Lại những tiếng nói trong ống nghe như từ nơi tung thâm, huyền bí nào. Chắc chắn nơi ấy quyết định số phận của hắn. Người thường trực nghe và bảo hắn:

– Bác chờ một tý.

Hắn hồi hộp quá. Hắn đă làm bao đơn. Đây là lần đầu tiên đơn của hắn được người ta cứu xét. Một người cao gầy, quần bộ đội Tô Châu cũ vá, áo sơ-mi trắng cũng vá và nhàu, khoảng năm mươi tuổi bước vào phòng. Chỉ trông cũng biết con người khổ hạnh liêm khiết. Người thường trực hất hàm vào hắn ra hiệu. Người ấy hỏi:

Anh là Nguyễn Văn Tuấn ở P?

– Vâng.

– Anh theo tôi.

Hắn đi theo người ấy vào phía trong. Tạt vào một phòng bất kỳ, bàn ghế chỏng chơ. Bụi. Không có cả ấm chén. Rõ ràng là người ta tiếp hắn tạm bợ, được chăng hay chớ.

– Anh có mang giấy tờ cá nhân gì không?

Hắn đưa cái chứng minh. Người ấy nghiêm khắc nhìn hắn:

– Anh không có giấy tờ gì khác à? – Và không che giấu sự nghi ngờ, vì nghi ngờ là một biện pháp nghiệp vụ: – Lấy gì chứng tỏ anh vừa bị bắt ra.

Hắn sợ. Sợ ông ta nổi giận, hắn đã làm phiền đến ông. Hắn nói để ông hiểu hắn chỉ có mỗi tờ lệnh tha, đã nộp cho công an thành phố để làm hộ khẩu. Người ta đã thu tờ lệnh tha ấy. Hắn không dám man trá, bịa đặt ra chuyện hắn bị tù năm nám để quấy rầy các nhà chức trách. Ngay đến tờ giấy mời hắn ra đồn gặp ông Lan do bà Nguyễn Thị Yên ký cũng phải nộp lại cho công an nữa là.

Người ấy cố giữ bình tĩnh, nhưng vẫn lộ vẻ bất bình trong giọng nói để hắn tự biết rằng hắn là kẻ có tội, sự trừng phạt là đích đáng, hai năm rõ mười nhưng hắn vẫn ngoan cố, không thành khẩn, không biết điều, kiện cáo, khiếu nại, làm phiền đến cơ quan Nhà nước.

– Chúng tôi đã đọc đơn kêu oan của anh. Trong đơn anh nói anh công tác tốt, không vi phạm pháp luật.

Người ấy cười nhạt và không kìm giữ được nữa:

– Anh nói vô lý. Thế thì ai dám bắt anh. Anh lại không phải tề ngụy. Đang là phóng viên báo Đảng. Tự nhiên sao người ta bắt anh? Điên à?

Hắn sợ. Ông ấy đã nổi giận. Người trực tiếp thanh tra vụ án của mình nổi giận thì không còn chút hy vọng nào. Hắn thấy như đang ngồi ở phòng hỏi cung, nghe ông Lan quát tháo, rồi lại giở mặt mềm mỏng. Thất vọng, chết lặng đi, không nói được một lời hắn ý thức được đầy đủ thân phận sâu kiến của hắn.

Và hắn nói. Lễ phép, rản rỏi, kiên quyết. Hắn nhìn thẳng vào người đối thoại:

– Thưa ông Cho đến bây giờ chưa ai buộc tội tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi mắc tội gì. Nếu tôi có tội, tôi xin tình nguyện đi tù một lần nữa.

Người ấy cười nhạt:

– Vậy theo anh vì sao công an bắt anh? Người ta thù ghét anh à?

Thù ghét thì không. Còn tại sao người ta bắt hắn thì chỉ có những người ấy mới trả lời được. Hắn chỉ có thể phỏng đoán. Hắn phỏng đoán trên cơ sở những gì đã xảy ra và những gì các ông ấy đã hỏi hắn trong các cuộc hỏi cung.

Thời gian đó ở Hà Nội đã phát hiện một tổ chức chống Đảng. Toàn những cán bộ đảng viên. Có cả cán bộ cao cấp. P cũng phải có ở mức độ nhẹ để hưởng ứng Hà Nội. Chúng tôi đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Chúng tôi đã bóp chết từ trong trứng. Người ta chọn hắn vì hắn chẳng mở miệng chửi phim “Khi đàn sếu bay qua” và vẫn coi “Bài ca người lính” là một kiệt tác. Hắn chẳng thể nào khen được cách mạng văn hoá Trung Quốc. Tóm lại hắn không nói dối được. Hắn ngượng với chính hắn. Hắn lại có những yếu tố để dễ bất mãn. Hắn mâu thuẫn với bí thư chi bộ. Hắn không muốn vào Đảng, hắn trọn đời là một nhân sĩ yêu nước và tiến bộ. Hắn không giống mọi người. Hắn lại còn nói sẽ bẻ bút không viết nữa. Bất mãn quá rồi còn gì. Hắn chơi bời với một số người ở Hà Nội, người bị bắt, người đang bị theo dõi. Hắn bấp bênh về lập trường. Hắn tự kiêu, tự đại. Hắn mất cảnh giác và dễ bị lôi cuốn. Sau này hắn còn được biết ông bí thư thành uỷ K rất ghét hắn. Vì ông nghe tin là hắn khinh ông, coi thường ông. (Không biết có kẻ nào đặt điều bảo rằng hắn nói ông K mồm thối. Điều ấy đến tai ông K. Thật là một sự bịa chuyện bẩn thỉu, giết người). Thực ra hắn chẳng có khái niệm gì về ông, ngoài sự coi ông như mọi người lãnh đạo khác của địa phương mà hắn chẳng mảy may quan tâm…

Hắn thấy phải trả lời ông thanh tra một cách thành thật nhất:

– Thưa ông, tôi không biết vì sao.

Chừng như hiểu rằng không nên đi quá xa trong việc làm hắn hoảng sợ (phải giữ đúng vẻ cần thiết của một cơ quan tiếp dân – hắn cũng là dân chứ), ông cán bộ thanh tra quần áo tồi tàn, cẩu thả và chắc là rất nghèo và rất liêm khiết kia dịu giọng, vỗ về hắn, động viên hắn về nhà, yên tâm chờ đợi”. Chúng tôi sẽ làm việc lại với những nơi hữu quan. Hãy tin tưởng ở pháp chế xã hội chủ nghĩa. Không để lọt một kẻ gian, không bắt nhầm một người ngay”.

Ông thanh tra làm một điệu bộ như sắp đứng lên. Hắn biết cuộc tiếp hắn đã kết thúc. Mặc dù ông đã gập sổ, cài bút vào túi ngực, hắn vẫn ngồi, lấy hết can đảm, lí nhí:

– Xin lỗi ông, ông cho tôi được biết tên ông ạ.

Hắn đã dùng quá nhiều tiếng ông trong một câu nói. Lối đặt câu ấy đã thành tật trong những ngày bị tù khi nói với công an và bây giờ vẫn được dùng để nói với các nhà đương cục. Hắn cần biết tên ông để những lần kêu cứu vô tận trong tương lai hắn có thể nói với người ta rằng hắn đã gặp những ai, ở đâu. Cho nên dù ông có cho là xấc láo hắn vẫn cứ phải hỏi. Hiểu ngay lý do, người ấy nghiêm mặt, văng ra một cái tên như một lời thách thức:

– Vũ Chí. Anh ghi đi. Vũ Chí.

Về đầu

 

Chương 51

 

Hắn không ngờ đơn của hắn gửi ông Hoàng lại được ông giải quyết nhanh như vậy. Cao, người cầm đơn hắn đến chỗ ông Hoàng, hơn một tiếng sau đã lại có mặt ở nhà anh chị Diệu. Cao phấn khởi thuật lại: Nói đến hắn, ông Hoàng nhớ. ngay và kêu lên Nó bị bắt à. Năm năm cơ à? ông lắc đầu tỏ vẻ không tin.

Ông bảo Cao ngồi uống nước. Ông đọc ngay đơn. Gọi ngay điện thoại về P.

– Ông Hoàng sắp về P đấy. Thế nào ông Hoàng cũng gặp mấy ông dưới ấy.

Hắn cứ ngồi ngây ra. Thật hoàn toàn không ngờ được. Cao lại bảo:

– Này. Tối nay ông Hoàng mời cậu đến nhà. Bảy giờ.

Hắn không nói được vì xúc động. Cao nói số nhà, còn nhấn mạnh:

– Đây đi xuống, qua nhà ông.. (Cao nói tên một vị lãnh đạo có tên tuổi). Rồi đến nhà ông Hoàng. Hai nhà sát nhau. Nhà trước cửa có bốt gác là nhà ông Hoàng.

Và cười:

– Bốt gác ở nhà ông Hoàng, mà cũng là gác cả nhà bên cạnh. Hắn đến nhà ông buổi tối. Phố vắng, cây rợp. Rải rác những bốt gác ở hè… Nhìn kỹ số nhà mờ mờ, hắn lễ phép nói với đồng chí bộ đội đứng gác:

– Tôi đến gặp anh Hoàng. Anh Hoàng có hẹn tôi tối nay.

Hắn ấn chuông. Cổng sắt mở. Chính bà Hoàng ra mở. Hắn đi theo bà qua một cái sân, bà dẫn hắn đi dọc sườn nhà, tới một cái ga-ra ô-tô thì rẽ. Hắn không đi lối cửa chính. Hắn đi cửa dành cho người nhà người thân thuộc trong gia đình. Vào trong nhà rồi, hắn lại quành trở ra phòng khách. Ông Hoàng đang ngồi xem ti-vi.

ở đây tĩnh lặng. Cảm giác hắn nhớ nhất là hắn đang đi vào một khu phố Hà Nội ngày mới tiếp quản. Vắng. Rộng rãi. Cây cối in bóng trong ánh điện càng thêm huyền ảo. Quá khứ ấy đã qua rồi, nhưng vẫn còn ở đường phố này, ở những biệt thự êm đềm, rộng rãi, vắng vẻ này. Một cái gì mong manh như kỷ niệm, như truyện cổ tích của thời đại mới. Điều hắn nhớ nữa là ở một góc nhà những quả tên lửa cháy sáng rực đang lao lên trời, kèm theo tiếng rít của bom đạn. Cảm giác ấy rất lạ đến nỗi khi ngồi nói với ông Hoàng về chuyện hệ trọng nhất của đời hắn, hắn phải cố gắng lắm mới không liếc mắt về phía ấy, nơi đặt chiếc ti-vi Neptun. Lần đầu tiên hắn thấy sản phẩm ấy của trí tuệ con người. Màn hình sáng xanh của nó có thể hiện ra tất cả. Ông Hoàng đứng lên đón hắn. Ông nhìn hắn: “Ngồi đây”. Ông đã qua các nhà tù. Ông hiểu, hay ít nhất ông cũng cảm thông được với hắn. Ông bảo hắn:

“Tôi không biết, tôi không biết gì cả”. Hắn lễ phép trình bày với ông về vụ án của hắn, nếu có thể nói được như vậy. Bởi vì hắn có án từ gì đâu. Ông Hoàng gạt đi: “Thôi. Tôi biết rồi, tôi đọc đơn của anh rồi. Tôi sẽ điện về thành uỷ P. Sắp tới tôi về P, tôi sẽ làm việc với các anh ấy”.

Ông nhìn hắn, muốn tìm trên người hắn những dấu vết tù đày. Ông thấy ngay điều ấy. Đây là một phóng viên trẻ, tài năng, xông xáo, là cây bút xuất sắc trong thành phố của ông. Là người ông đã chăm chú theo dõi, đọc của anh ta từ những bài trên báo tới các sáng tác in ở trung ương, ở địa phương. Anh ta là gương mặt tiêu biểu về văn học, báo chí của địa phương. Ông đã bảo với Cao – cháu ông khi Cao ở Hà Nội về P công tác: “Thằng Tuấn sẽ viết được tiểu thuyết lớn về công nhân đấy”. Ông tin như vậy. Đó là lời dự báo của ông về hắn.

Ông nhìn hắn và se lòng. Dấu vết của tù tội, của sự tiêu diệt hiện lên quá rõ. Không còn là một thanh niên tràn đầy sức sống, nghị lực, quyết tâm, khiêm tốn, tự tin, cởi mở. Không phải là cặp mắt yêu đời hăm hở. Không còn dáng điệu của một phóng viên trong các cuộc họp do thành uỷ triệu tập, rút bút, lật sổ ghi chép, nắm bắt và suy nghĩ… Hắn ngồi trước mặt ông xo xúi, khép nép, sợ sệt, ấp úng… Hắn lễ phép một cách hơi quá mức, gần như khúm núm với chính ông. Dù ông biết rằng hắn quý ông, tin ông, bấu víu vào ông và ông dành cho hắn sự tiếp đón thân tình nhất mà, ông nghĩ, hắn chưa bao giờ được hưởng từ lúc đi tù về. Một lần nữa ông nhìn vào đôi mắt hắn. Xưa thông minh, trong trẻo, mà nay sao buồn thảm, u tối. Ông cố động viên cho hắn vui lên, nhưng nụ cười của hắn mới gượng gạo thảm thiết làm sao. Ông bảo hắn: “Khổ lắm phải không?” Hắn cắn môi lễ phép: “Thưa anh, khổ lắm!”. Ông khuyến khích hắn: “Kể đi. Kể chuyện tù cho tôi nghe đi!”. Hắn ngớ ra. Biết kể gì cho ông bây giờ. Bao nhiêu chuyện. Xà lim 76. Xà lim 75. Toán tăng gia. Trại QN. Tịch thu bản thảo. Chúng tôi có đủ kiên nhẫn. Lê Bá Di cho hắn bãi phân trâu. Xìn Càm cho hắn nắp ca. Già Đô nằm cạnh hắn. Anh Mán nằm trên xe công nông. Vợ hắn bị đuổi học…

Hắn quên không nhớ được đã kể những gì cho ông. Đụng đến chuyện tù đày là nó ập đến như một thác nước làm lẫn lộn hết cả. Hắn chỉ nhớ khi ở nhà ông về nhà anh chị Diệu thì đã muồn muộn. Anh chị Diệu là những người quý mến, kính trọng ông Hoàng. Anh Diệu kể lại một cuộc họp phóng viên các báo. Ông Hoàng nói chuyện về kinh tế và những biện pháp giải quyết. Giữa lúc các ngành đang đẩy mạnh chiến dịch làm sạch vỉa hè, dẹp hết tư thương. Ông nói quan điểm của ông: Buôn thúng bán mẹt còn tồn tại vì đó là yêu cầu của cuộc sống. Chỉ dẹp được khi mậu dịch làm được nhiệm vụ ấy, làm tốt hơn những người buôn bán nhỏ… Anh chị Diệu đều mừng cho hắn. Ông Hoàng can thiệp nhất định hắn sẽ được giải quyết. Với P, ông là người có uy tín lớn. Những người phụ trách thành phố hiện nay đều là cán bộ của ông…

Hắn thuật lại cho Ngọc và lũ trẻ nghe về kết quả tốt đẹp của chuyến đi Hà Nội, hắn ôn lại những kỷ niệm giữa hắn và ông khi hắn còn làm báo và phập phồng hy vọng.

Hy vọng tăng thêm khi sau đó mấy ngày, Phan Lâm, nguyên tổng biên tập báo, đương kim giám đốc Sở Văn hoá, thành uỷ viên cho người mời hắn đến cơ quan. Cái cơ quan văn hoá này trước đây hắn chẳng để ý gì đến, nay khinh khỉnh nhìn hắn. Hắn bước vào phòng giám đốc. Phan Lâm bắt tay hắn. Phan Lâm đã đến nhà thăm hắn khi hắn được tha về ít hôm. Đó là một người tốt bụng, hiểu biết những oan khuất của hắn, nhưng đành ngậm miệng. Giữa lẽ phải và sự cầu an, như tất cả mọi người, ông chọn cái thứ hai. Ông cũng đã khốn đốn trong cải cách ruộng đất, bị đình chỉ công tác. Ông biết thảm hoạ của những ai vướng vào mạng lưới vô hình…

Phan Lâm tươi cười, sung sướng vì được báo tin này cho hắn:

– Anh Hoàng gọi điện về cho mình. Mình báo cáo với anh ấy rất trung thực về cậu. Và mình bảo đảm với anh ấy rằng: Chắc chắn cậu không phải là một tên phản động. Anh Hoàng có ý định sẽ giải quyết cho cậu. Giải quyết toàn bộ đấy. Như vậy thì phúc cho cậu, phúc cho vợ con cậu.

Phan Lâm nhấn mạnh chữ phúc. Hắn cảm thấy trước mắt là những lời hứa hẹn, hứa hẹn thôi. Khi ông Hoàng, Phan Lâm tin thì hắn lại nghi ngại. Ông Hoàng giờ đây đâu còn là bí thư thành uỷ. Mặc dù Bình bảo: ông Trần sợ ông Hoàng lắm. Ông Trần chỉ là một trưởng phòng khi ông Hoàng đã là một cán bộ cao cấp của Đảng. Hắn hoài nghi tất cả. Vì hơn ai hết hắn biết người ta không muốn hắn vô tội như thế nào. Người ta quyết tâm tìm tội của hắn như thế nào. Người ta có đủ kiên nhẫn để bắt hắn phải nhận tội, người ta tàn bạo với hắn, với vợ hắn như thế nào.

Ông Hoàng là một chuỗi liên tiếp những bất ngờ với hắn. Ông đã làm cho hắn quá nhiều. Quá nhiều trong một thời gian ngắn. Rất ngắn. Ông là người duy nhất hắn từng biết, từng gặp – có trách nhiệm với con người, thực hiện được điều nhà thơ Roma cổ đại viết và Mác đã nhắc lại: “Tất cả những gì liên quan đến con người không xa lạ với tôi”. Ông là một mẫu người khác hẳn với “những hàng chức sắc”hiện nay. Không phải chỉ với hắn, ông Hoàng còn giơ tay nâng dậy nhiều người bị đánh ngã. Một thường vụ thành uỷ đang khốn đốn vì dám chống lại bí thư và phó bí thư đã được ông nhận về làm tổng cục phó. Thành uỷ đã gửi đơn lên Ban bí thư khiếu nại, nhưng ông đã bảo vệ thắng lợi quan điểm của mình. Ông nhảy vào trận chiến, phá vỡ thế gọng kìm của lãnh đạo một bộ và một quận uỷ để cứu một anh hiệu trưởng trường kỹ thuật vô tội sắp bị tiêu diệt… Lòng thương yêu con người ấy của ông đã hại ông. Ông có nhiều kẻ thù. Đó là thói vô trách nhiệm trước con người. Đó là những vị thủ trưởng tìm mọi cách tiêu diệt cán bộ dưới quyền để bảo vệ cái ghế của mình. Những kẻ cơ hội tham quyền, cố vị. Những quan cách mạng lộng hành, những người như ông K, ông Trần đã cho căng khắp thành phố những khẩu hiệu đỏ tươi để mọi người thực hiện, trừ họ:

“Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật “

Về đầu

 

Chương 52

 

Già Đô xuất hiện ở hành lang cũng bất ngờ như ông Hoàng xuất hiện ở hành lang. Cái hành lang vô thức in bóng những con người vóc dáng khác nhau (ông Hoàng cao lớn áo khoác ni-lông Đức loạt soạt, già Đô còm róm áo bông vá víu) ở hai cực đối nghịch nhau, nhưng cả hai cùng từ những điểm xuất phát giống nhau, đã từng có những tương đồng và giờ đây vẫn có những tương đồng.

Lúc đó là trưa, cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm. Bữa cơm trưa bao giờ cũng vội. Để tranh thủ ít phút nghỉ ngơi trước khi Ngọc đi làm và lũ trẻ di học buổi chiều. Thằng Dương bưng bát tự ăn, không phải bón nữa. Nó bỗng ngừng ăn, nhìn ra cửa. Cái cùi dìa cầm tay lơ lửng bên trên đùi. Cũng chẳng ai để ý đến nó. Nó cứ nhìn chằm chằm ra ngoài, hai bàn tay (có cả cái cùi dìa) nâng nâng ngang ngực.

– Dương! ăn đi con!

Ngọc dịu dàng bảo nó. Nàng gỡ cái cùi-dìa trong tay nó, lấy thêm thức ăn vào bát nó, đảo đảo và ấn vào tay nó. Nó vẫn nhìn ra cửa, mắt long lanh thích thú, bàn tay bé tí chạn chặn ở ngực như đang ước lượng một cái gì.

Cả nhà quay ra, nhìn theo nó. Một ông già nhỏ bé, mũ bông, áo bông rộng thùng thình dài tới gối, quần màu gụ còn mới, khoác trên vai một cái túi vải to, râu tuôn từ cằm xuống ngực.

Già Đô!

Già đứng đấy tự bao giờ, im lặng nhìn vào bữa cơm, không dám gọi. Đã có nhiều bạn tù đến chơi nhà hắn (Giang, Dự, Min, Dần) và sau này còn nhiều người đến nữa như bọn Kỷ Mình, Vũ Lượng… nhưng chẳng ai như già Đô Không ai đi đâu cũng mang theo cả gia tài trên lưng như già. Già ở đâu thì đó là nhà già. Có nghĩa già chẳng có nơi nào đặt cái túi vải chứa toàn bộ tài sản của già ngoài hai vai của mình.

Già vẫn như vậy. Mặt hằn những rãnh sâu chằng chịt. Những rãnh sâu khiến khuôn mặt già có một vẻ tạo hình riêng, rất hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh. Râu già cuồn cuộn chảy che kín cổ tới ngang ngang ngực. Lông mày chổi sể rợp trên đôi lắt nhỏ, mệt mỏi, đăm chiêu, ngơ ngác, những vẫn còn sót lại vẻ lanh lợi ngày xưa. Có thể nói khuôn mặt già là tập hợp những râu, tóc, lông mi đã hoa râm che gần kín, ở những chỗ nào không được che hết, lộ ra những mảnh nhăn chằng chịt, hằn những rãnh lõm sâu. Già vẫn như vậy cả về sắc diện nữa. Rõ ràng già chẳng vui lên tí nào khi đã được tự do. Chỉ nhìn qua người khách đứng ở hành lang, Ngọc đã biết đó là già Đô. Hắn đã nói với nàng về già. Và chỉ nhìn qua, nàng cũng biết già đang ở trong tình trạng khốn cùng, không có lối thoát. Còn tệ hơn cả bọn Min, Dự đến đây hồi năm ngoái. Nàng và vội bát cơm ăn dở, đứng lên. Nhà cửa quá chật hẹp. Có một người khách là đã phiền rồi. Ngày xưa hắn bảo:

– Chúng mình ở sang đấy. Một phòng ăn, một bếp, một phòng khách, một phòng ngủ cho chúng mình, một phòng ngủ cho con. Tất cả đặt trong một căn buồng hai mươi mét vuông.

Nàng nhìn chồng dắt tay già vào buồng. Lại một người có số phận khốn nạn, có cuộc đời khốn nạn. Tất cả nhìn già ái ngại. Kể cả thằng Hiệp, con Thương. Chỉ trừ mỗi bé Dương. Nó cứ dán mắt vào chòm râu cuồn cuộn của già. Nó giơ tay vuốt vuốt chòm râu tưởng tượng trên ngực nó.

Nàng pha nước mời già. Nàng xuống thang… Nàng muốn để hai người được chuyện trò thoải mái. Vả lại có bao nhiêu việc đang chờ nàng dưới ấy: Xách nước, giặt giũ, mua rau… Nàng nghĩ: Phải mời già Đô ăn bữa chiều với vợ chồng nàng. Nàng cảm thấy phải thế. Vậy là phải mua một cái gì đó. Mấy miếng đậu phụ, áp chảo qua loa (chẳng có mỡ đâu mà rán đậu). Rồi đem kho cà chua. Nấu bát canh dưa. ăn rau sống. Và một ít hành chẻ. Cố mua lấy hai quả trứng vịt. Rán lên, được một da. Nàng phác nhanh thực đơn và trở về với những thứ đó trong rổ, rồi đi thẳng vào bếp. Đoạn nàng gọi chồng ra, thì thào dặn dò. Hắn sung sướng gật đầu lia lịa.

Bây giờ chỉ còn bé Dương và hai người bạn tù đã bao đêm nằm cạnh nhau. Khi tiếng kẻng cấm, tiếng kẻng thu hồn dóng dả, ngân nga dội vào rừng xanh, mỗi người đều im lặng với nỗi đau của mình, cô đơn nghiền ngẫm nó, cũng như cô đơn chiến đấn với đêm dài, một mình vật lộn với giấc ngủ, sự tập dượt hàng ngày dể sau này sẽ một mình vật lộn với cái chết. Chẳng ai giúp được ai trong lúc lâm chung hàng ngày và lúc lâm chung vĩnh viễn ấy.

Bé Dương đi lại phía bàn vịn vào đầu gối bố, áp má vào đấy, ngước nhìn lên ông khảch lạ. Giờ thì thoải mái mà nhin mà ngắm bộ râu của già. Bộ râu ấy che kín cổ, xuống tới ngực và động đậy mỗi khi già nói. Chưa bao giờ bé được nhìn thấy một cái gì tuyệt đến thế. (Ông nội cũng để râu, nhưng bộ râu của ong nội chỉ bình thường như những bộ râu khác, bé chẳng quan tâm).

Già Đô trông như người từ trong truyện cổ tích bước ra. Già đưa cặp mắt hiền hậu nhìn bé. Già biết nỗi khát khao của bé: Được sờ vào bộ râu già. Già cũng biết ngay đây là thằng bé hắn vẫn kể chuyện trong tù, ngày ấy hắn chưa biết mặt. Thằng bé lên năm làm già xúc động. Thật chẳng có gì sánh được với những sinh vật như vậy. Nhìn chúng, lòng ta dịu lại. Nhìn chúng, tâm hồn ta thư thái, nó làm ta có thêm nghị lực, có thêm tình yêu để sóng. Nhất là với những người cô độc như già. Già bế bé lên, hít mùi thơm của dứa trẻ. Trong giây lát già tưởng như mình đang ở Mácxây hai mươi năm trước. ôi. Mùi của trẻ thơ. Già nhận ngay ra nó. Đã mấy chục năm, già vẫn nhận ngay ra nó. Dù ở Địa Trung Hải hay ven Tháí Bình Dtơng thì cũng giống nhau cả mà thôi. Già nắm bàn tay xinh xinh của bé đứa lên chòm râu cửng, điểm bạc của già. Già cười hồn hậu vì biết rằng đã làm thằng bé toại nguyện.

Thật ra mới đầu bé sợ. Rồi được già khuyến khích, bé vuốt cả chòm râu. Bé xoè tay như cái lược chải bộ râu của già. Bé vuốt từng sợi. Bé hoảng lên khi có một sợi râu rụng xuống…

– Dương. Để bác uống nước. Ra đây với bố.

Nó ngoan ngoãn sang ngồi lòng bố và chỉ lát sau hai mắt đã díp lại ngoẹo đầu vào ngực bố.

Già Đô về từ hôm qua. Nghĩa là được tha từ hôm kia. Cũng chẳng biết rằng mình được tha. Khi xếp hàng đi làm, người ta bảo ở lại… Về tới Hà Nội thì đã tối Ngủ ở ga Hàng Cỏ một đêm.

– Cụ có gặp Dự không? Nó vẫn ngủ ở ga Hàng Cỏ đấy

– Thế à? Nó ngủ ở đấy à? Đông lắm. Chẳng biết ai vào ai cả.

– Thế đêm qua già ngủ ở đâu?

– ở ga đây thôi. Nhưng ở đây họ đuổi quá. Trên kia đông. Dưới này mỗi mình tôi, họ đuổi. Già thở dài. Rõ ràng cuộc sống trước mắt của già chưa biết ra sao.. Lành ít. Dữ nhiều. Già suy nghĩ nhiều hơn trước.

Già cởi áo bông. Chính cái áo bông hắn cho. Già đã kịp vá đè lên chỗ ghi số tù ở sau lưng và ở ngực bằng hai mảnh vải xám, xé từ một quần tù. Già toát mồ hôi. Cái áo bông dày quá. Mặc thì nóng, không mặc thì lạnh. Già giở túi vải phồng căng như cái bao tải, rút ra một gói vải con con đựng khoảng hai lạng chè búp.

– Trại cho được bốn mươi hai đồng. Mua lạng chè.

Cụ cầm lấy uống.

Đó là món quà của người dù thế nào cũng nhớ tới bạn bè.

– Chẳng có gì, – già Đô vừa buộc lại vừa ấn ấn cái túi Có cái chăn bông cụ cho. Cái cặp lồng cũng cụ cho Dự. Nó được về nó lại cho tôi. Với cái ca con của tôi Bộ quần áo…

Hắn bảo già lấy ra cái cặp lồng, cái ca. Hắn đặt những thứ đó lên bàn. Lại nhìn thấy rừng. Lại nhai lá sắn non. Cái bếp than bé xm, ca chè sôi rim rim.

Lại nghe thấy tiếng kẻng thu hồn, tiếng kẻng mặc niệm tới gia đình. Hắn hiểu ngay rằng cái ca, cái cặp lồng, cái áo bông, chăn bông là toàn bộ tài sản của già và sẽ theo già cho đến lúc chết. Với hơn ba mươi đồng còn lại trong túi, già sẽ sống ra sao?

– Thật là một sai lầm lớn, cụ ạ.

Già nhắc lại câu tổng kết ấy. Già nói với vẻ cam chịu. Câu ấy hắn đã nghe già nói trong tù rất nhiều lần. Hắn sẽ còn nghe già nói nhiều lần nữa. Như bao nhiêu người đã phải nghe hắn nói chuyện hắn đi kêu oan. Hắn bỗng nhớ đến chị Tường Lâm của Lỗ Tấn, bị sói ăn thịt mất con, gặp ai cũng than thở: “Tôi ngu dại quá, không biết khi trời có tuyết thì sói nó ra…”

Nỗi đau quá lớn, chị nói để mọi người thông cảm, để vợi bớt sự giày vò trong lòng, để lên án chính bản thân mình. Mới đầu người nghe còn thương cảm. Nhưng khi cứ thấy chị nói mãi, nói mãi cái điệp khúc ấy người ta không chịu được. Đến nỗi vừa trông thấy chị người ta đã nói ngay với chị những điều chị định nói cùng họ: “Tôi ngu dại quá, không biết khi trời có tuyết…” và cười phá lên trước vẻ mặt ngây ngô của chị.

Không. Hắn không để mình thành kẻ ngớ ngẩn, không để mọi người giễu cợt sự đau khổ của mình như chị Tường Lâm. Mong sao già Đô cũng đừng như vậy.

Cán chưa về. Lượng chưa về. Cân chưa về. Lê Bá Di cũng chưa về. Kỷ Mình, Hỉn Sán chưa về… Phố đã về. Toán chăn nuôi về nhiều nhất. Sáu người, toàn những người trên bốn lệnh. Cái mandoline của Cán vẫn còn. Tất Tình chưa về. ăn thì vẫn thế thôi. Ông chánh giám thị hình như lên cục phó cục lao cải. Ông thượng uý lên thay. Ông phó giám thị thượng uý lâu lắm rồi. Quân hàm bạc hết rồi…

à! Nhưng mà cụ có nhớ Sáng không nhỉ. Sáng năm lần trốn trại ấy. Sáng ấy đấy. Sáng, hôm sau cụ về thì đêm trước trốn trại ấy. Sáng được xử. Khoảng ba bốn tháng sau thì có phiên toà xử Sáng. Xử ngay ở sân trại. Cũng có công tố, chánh án, luật sư bào chữa. Đủ cả. Người dự toàn tù. Sáng đầu cắt trọc, gầy lắm, đứng trước vành móng ngựa. Toà đọc cáo trạng. Toà hỏi. Toà luận tội. Toà bào chữa. Toà tuyên án Sáng tám năm tù về tội trốn tránh cải tạo. Sáng chỉ nói: “Thưa quý toà. Tôi thấy tôi chẳng có tội gì nên tôi trốn về. Các ông ở xã ghét tôi”. Anh em người bảo Sáng may. Hết lệnh bọp ba năm, ở thêm tám năm nữa là chỉ có mười một năm thôi. Người bảo nếu vậy Sáng bở quá. Phải cộng cả án cao-su lại với án tám năm. Ai cũng có lý. Chẳng biết ra làm sao.

Đó là những thông tin của già về những người trong trại.

– Yên trí rồi, cụ ạ. Có sao chúng mình cũng không chết trong tù nữa.

Hắn cười bảo già. Hắn vẫn nhớ đến điều già sợ nhất ấy Cứ mỗi đám ma tù, già lại thì thào vào tai hắn: Chúng mình cố đừng để chết trong tù nhé. Mà kinh thật những cái đám ma tù. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn kinh. Những đám ma không tiếng kèn, tiếng khóc, không người đi đưa mà chỉ có người đi chôn thôi.

Đám ma A Thềnh, đám ma Xìn Cắm, rồi đến đám ma anh Mán… Khác với Xìn Cắm, A Thềnh đi xe trâu, anh Mán ôtenlô đi xe công nông ra huyệt. Xìn Cắm đang khoẻ mạnh lăn đùng ra chết chứ, anh Mán ốm lâu, ngay khi còn sống nhìn đã sợ rồi. Ai cũng biết anh sẽ chết. Người vàng như nghệ. Phù nề trương nứt, rồi tóp lại. Ôtenlô nằm cạnh già Đô khiến già càng sợ. Đi làm về thì Ôtenlô đã chết. Tấm chăn sợi đắp trên người như dán xuống chiếu, chỗ hai bàn chân vút lên như cánh buồm. Hai lỗ mũi sùi ra hai đống bong bóng như bong bóng con cua đồng óng ánh màu quang phổ. Nó không vỡ dù anh chết được nửa ngày. Có lẽ nó đã biến thành thuỷ tinh. Chiếc xe công nông nổ lạch bạch lồng lên sòng sọc hất quan tài từ bên này sang bên kia thùng xe khiến hắn tự hỏi: “Không biết xóc mạnh thế kia những cái bong bóng ấy có vỡ ra không? “

Hắn định nói với già Đô – lúc ấy đương nằm sấp cạnh hắn, nhìn ra cửa sổ – một câu gì đó, nhưng già Đô đã thì thầm vào tai hắn:

– Cố dừng để chết trong tù, mang cái tiếng chết rũ tù, cụ ạ.

Sau khi chôn Ôtenlô, già hoảng thực sự. Suy sụp thực sự.

Già rất gầy. Mặt teo lại. Ho. Tức ngực. Hắn lục hòm quấy cho già một ít nước đường. Có mấy viên APC Ngọc gửi vào, hắn đưa cho già. Già uống thứ thuốc trị bách bệnh ấy. Nhưng vẫn dằn dọc. ít ngủ. Trở mình suốt. Già bảo già đau hết mình mẩy. Già nghỉ việc. ăn không hết suất cơm. Cứ bưng cơm về già lại nghiêng bát sẻ cho hắn một góc. Hắn nài nỉ già: “Cụ cố mà ăn đi”. Già lắc đầu: “Tôi không muốn ăn. Sức khoẻ dạo này kém quá”. Già không nói đến chuyện chết với hắn nữa. Vì vậy hắn biết già đang nghĩ đến chính điều ấy. Già đang sợ chính điều ấy.

Già chiến đấu với nó hay già đã thoả thuận rồi. Có cách gì cứu được già không? Gầy gò, mắt trũng sâu, lông mày cũng bạc. Già nằm ngửa, mắt đăm nhìn mái nhà. Ngoài cái chết ám ảnh, già đang nghĩ gì?

Già nằm như vậy hơn tuần lễ. Rồi già nghe lời hắn gượng đi làm. Cho vui. ở trại buồn lắm. Họ dồn người ốm vào một buồng khoá lại. Suốt sáng, suốt chiều. Quá thời gian giam cứu. Đã ốm lại càng ốm thêm.

Đi làm có anh có em. Thay đổi không khí. Già xới rau. Già thở. Già ngồi bên đống lửa. Vặt ngồng cải ninh húp nước cho mát ruột, có chất. Xuống suối giặt bộ quần áo đã nặng mùi. Già bắt nhái. Kiên trì moi chộp từng con núp sau chùm rễ si rậm rịt. Già chồm đuổi con thằn lằn bò trên tường kho dụng cụ. Già chộp hụt nó phía đuôi. Già nhảy đón dầu, chẹn được nó giữa những tiếng hò hét ầm ĩ. Già ngồi thở dốc rồi nướng con thằn lằn trên than hồng. Mỡ xèo xèo. Thơm phức. Cá rô cạn đấy. Hắn không ăn. Để già tẩm bổ. Rồi già nhận dao quắm di lấy phân xanh. Khi trở về người già thơm lừng mùi lạc tiên. Mùi lạc tiên sao quyến rũ. Đó là mùi của quá khứ, của làng quê, của thời thơ ấu tràn trề niềm vui sống. Già đưa cho hắn một túi lạc tiên chín ngọt lịm. Già vớ được một chỗ toàn lạc tiên. ăn no. ăn đến đâu tỉnh đến đấy

Cái giống lạc tiên thơm rất dai. Bàn tay hắn cứ thơm mãi mùi lạc tiên. Suốt đêm hắn ngửi mùi lạc tiên thơm mát từ người già, từ râu già, từ quần áo già toả ra qua hai lượt màn sang chỗ hắn. Và thật bất ngờ già khoẻ lại từ hôm ấy. Khoẻ từ hôm ấy cho đến tận hôm nay, đến ngày về như già đang ngồi trước mặt hắn. Hắn cầm tay già lắc lắc.

Già rầu rầu:

– Gay quá. Tôi khác cụ. Chẳng biết sống sao đây.

Hết sợ chết già lại lo sống. Sống quả thực khó khăn vất vả, nhất là với những người như già, không một ai thân thích. Không nơi nương tựa. Không một chỗ đặt ba-lô một chốn dung thân. Người bình thường đã khó. Với cái lý lịch đi tù, lại là tù chính trị, với tuổi tác như già, cuộc sống thật là một con đường hầm tối tăm, tắc tị. Hắn chẳng thể giúp gì được già. Hắn đã quá khó khăn. Thuốc lá cuốn có thời vụ. Đúng thời vụ cũng chỉ được đồng rau, suất gạo sổ… Mùa hè thì nghỉ, treo cầu lên tường. Không ai hút thuốc quấn. Nóng. Lại phải đợi đến mùa dông. Suốt mùa hè vừa rồi hắn chạy chọt khâu được vài chục cái bao tải của Công ty phế phẩm.

Chầu chực lĩnh bao, chầu chực đóng thuế, chầu chực lĩnh tiền công. Chao! Đại khổ cực mà chẳng được mấy đồng (Công khâu ba hào một cái bao. Khâu cả ngày đêm cũng được chục bao đấy, nhưng có bao đâu mà khâu).

Bây giờ đang là mùa cuộn thuốc đây. Nhưng người khôn, của khó. Lắm người cuộn quá. Mãi không giao hết một ki-lô thuốc.

Không cần hắn nói, chỉ nhìn qua, già cũng biết hắn sống chẳng dễ chịu gì. Già uống nước và kéo ghế nhích lại gần hắn, nói với hắn bằng một giọng rụt rè ấp úng:

– Tôi định nói với cụ một việc..

Già ngừng lời, ngồi thẳng người lên và nhìn xuống bàn đăm chiêu. Không biết có việc gì mà đắn đo, ngần ngại như vậy. Nhưng hẳn là việc hệ trọng.

Rất hệ trọng. Già nhìn quanh căn buồng một lúc, mặc cho hắn giục. Già rào đón:

– Thế này. Tôi cứ nói, nếu không được thì thôi, cụ đừng ngại gì.

– Nhưng mà có chuyện gì hở cụ?

Khuôn mặt già đau khổ. Rõ ràng số phận già tuỳ thuộc vào việc này, tuỳ thuộc vào câu trả lời của hắn. Già cũng rất khổ tâm vì già đã cùng đường rồi. Thực lòng già không muốn thế. Hắn đọc trên nét mặt già những điều ấy. Và cũng không hiểu hắn thì có thể giúp gì cho già.

– Tôi muốn nói với cụ, tất nhiên là không phải một mình cụ quyết định mà cả cụ bà nữa (ý già muốn nói tới Ngọc). Tạm thời thôi. Vì tôi chưa thu xếp đừợc. ở ga này không như ga Hàng Cỏ. Ga Hàng Cỏ ngủ được. Còn ở đây người ta đuổi.

Chuyện ấy già đã nói rồi, nhưng nghe nhắc lại hắn lờ mờ hiểu được điều già định nói.

– Với lại rồi cũng phải đi kiếm ăn. Chẳng lẽ đi đâu cũng mang cái túi này.

Già lấy hết cam đảm nhìn thẳng vào mặt hắn:

– Cụ bàn với cụ bà xem có cho tôi ngủ nhờ được không. Tôi biết các cụ cũng chật chội khó khăn… Tôi chỉ về ngủ buổi tối thôi. Còn ăn, tôi tự lo.

Hắn nhìn vào mắt già. Không thể nào từ chối được vẻ mặt ấy, đôi mắt ấy. Dù là chật chội. Chật chội đã đành, nhưng còn phiền phức, phiền phức trong sinh hoạt gia đình, đã hẳn. Lại còn chung quanh, toàn những người ghê gớm, nhưng người coi sự bất hạnh của mình là hạnh phúc của họ. Và sau cùng, còn chính quyền, còn công an. Hắn chẳng có tội gì mà còn bị công an bắt, bị chính quyền coi là một phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Chính quyền sẽ nhìn nhận thế nào nếu hắn, một tù chính trị lại đi chứa chấp một tù chính trị khác. Chắc chắn họ nhận định về hắn: Nếu trước đây nó không phản động thì bây giờ nó phản dộng. Cũng như hắn biết chuyện một người có gia đình bị xử lý oan trong cải cách ruộng đất giờ đây không được đề bạt vì “trước đây bố nó bị bắn oan trong cải cách, nó thâm thù cách mạng…” Già Đô cũng hiểu tất cả những điều ấy trong vẻ mặt hắn. Già gần như nói một mình:

– Tôi bí quá. Nếu cụ giúp được thì tôi cũng chỉ dám nhờ một thời gian ngắn thôi. Hắn rầu rầu:

– Vâng. Kể ra thì hơi chật chội, nhưng cụ cứ về tạm đây. Nhà tôi chắc cũng không có vấn đề gì đâu. Để tôi nói thêm. Chiều nay cụ cứ ở lại đây ăn cơm.

Lâu lắm anh em mình không ăn với nhau rồi. Hắn đỡ thằng Dương đã gục xuống gối bố, ngủ lăn, ngủ lóc, bế nó ra giường. Và bảo già xuống nhà rửa mạt mũi chân tay. Lại những cặp mắt tò mò của những người trong xóm nhìn già. Mà sao không nhìn cho được. Già còn lạ hơn ông già Vitali trong “Không gia đình” lúc khổ cực cơ hắn nhất. Hai người nói chuyện và đi thổi cơm. Trước khi đi làm Ngọc đã dặn nấu những món gì.

Ngọc tiếp đãi những bạn tù của chồng mình một cách đầy cảm thông và quý mến. Không ai có thể gợn một chút mặc cảm về hoàn cảnh của mình, khi nói chuyện với nàng. Nàng nhận lời ngay về việc già Đô ngủ lại ở nhà nàng. Nàng cư xử đúng như một người có đạo, dù Giatô giáo, Phật giáo hay đạo lý của những người cộng sản: Hãy thương yêu con người. ăn ở sao để đức lại cho con. Phúc đức tại mẫu. Cách cư xử của nàng với mọi người khiến hắn kính phục, học tập. ít nghĩ đến bản thân mình, rộng lượng, không có việc gì giúp đỡ được người khác mà lại không làm.

Hắn hiểu rằng cô nữ sinh kháng chiến ngày nào trong nàng chết hẳn rồi. Hắn chết. Cái chết của hắn kéo theo cái chết của cô nữ sinh ấy. Nhưng hắn chưa chịu chết. Hắn còn phải cựa quậy. Còn phải kiện. Phải kêu oan. Còn phải sống. Và còn phải viết nữa. Hắn phải viết vì đó là lý do hắn có mặt trên cuộc đời nay. Hắn phải viết về những gì hắn đã quý, đã yêu, đã sống, đã căm thù. Phải lồng vào khung kính những ngày rực nắng của tuổi ấu thơ. Cái tuổi mình đã biết có mình trên cuộc đời này để bây giờ nhớ lại mà buốt lòng. Phải đóng đinh lên trang giấy những kẻ sát nhân Bắt chúng đứng ngàn năm trên giá nhục hình. Mà mỗi lời thơ, sôi sục lòng anh, là một sợi dây treo cổ”.

Nghĩ vậy thôi chứ biết đến bao giờ. Khi biết bao chính sách không được cuộc sống chấp nhận “cứ trượt đi” như cách nói của Bình.

Những điều ấy hắn không dám nói với ai. Ngoài Bình. Bình bảo: “Trật tự xã hội này có cả phần của chúng mình xây dựng. Chúng ta đã một thời tự hào về nó. Bây giờ tao cố gắng bào chữa cho nó, nhưng không nổi. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm một phần”.

Biết tin già Đô đến ngủ ở nhà hắn, Bình đã cố tình gặp già, nhưng không được. Bình chỉ nhìn đóng nội vụ của già như nhìn những gì cỏn đó của một cuộc đời oan khuất. Bình không gặp già vì già về rất muộn. Tắt đài một lúc mới thấy già về. Già đi lên thang gác khẽ như một con mèo. Những bước chân mịn như nhung. Già khẽ xoay nắm đấm cửa. Không một tiếng động, cánh cửa nhẹ nhàng he hé, già rón rén bước vào, tay cầm cái túi xách giả da cũ mà Ngọc đã cho già. Trong ấy có một cái cặp lồng, cái ca con, quai túi buộc cái khàn mặt cũng của Ngọc đưa. Lúc ấy màn đã mắc. Nhưng ở cái bàn kê ngay nơi cửa bước vào chỗ hắn đã tiếp ông Hoàng – ngọn đèn có khoanh mảnh giấy vỏ bao phân đạm vẫn sáng. Lúc ấy có thể thằng Hiệp vẫn còn học bài. Có thể hắn vừa quấn xong thuốc lá. Ngọc đang thu dọn, hắn ngồi uống nước, chờ già. Hắn rót nước mời già. Chén nước nóng. Khi trà mới pha. Khi thì đã nhạt. Già đỡ chén, xách túi đi thẳng vào góc nhà. ở đó cái chiếu một đã trải. Tận phía trong cùng là cái chăn bông vải vụn gấp vuông vắn. Già uống chén nước nóng. Sụp. Soạp. Rõ ràng chén nước làm già thích thú. Nhưng già chỉ uống một chén. Già rón rén di ra bàn, đặt chén vào khay và lùi về chỗ già trùm chăn nằm ngủ.

Cũng có hôm cả nhà đã nằm, hắn dể ngọn đèn dầu vặn nhỏ. Già lặng lẽ đi đến chỗ của già, không có chén nước nóng, nhưng căn buồng đóng kín, ấm sực hơi người làm già dễ chịu. Già nằm im lặng. Hẳn già vẫn cô đơn chiến đấu với đêm dài. Già vẫn thức. Bởi vì khi ngủ, già rên. Nên khi già im lặng, hắn biết già thức. Hắn rất muốn biết già làm gì, ăn uống ra sao, có no không. Nhưng già không để cho hắn hỏi. Cứ về đến nhà là già mau chóng bước vào góc ấy và trùm chăn. Sáng hôm sau khi cả nhà tỉnh dậy, già đã đi rồi. Chăn đã gấp, chiếu đã cuộn ấp lên cái chăn. Giống cách xếp nội vụ trong trại. Già đi từ lúc còn tối đất. Già mở cửa rất khẽ, xách túi, xuống thang nhẹ như một con mèo. Già ra đường. Gió thốc lạnh buốt. Nhưng già đã có cái áo bông to lắm. Già thụt người trong áo. Già mở vòi nước công cộng, súc miệng, rửa mặt. Buộc khăn vào quai túi. Và đi. Như một người đang theo đuổi mục một đích lớn lao, một người đang có một công việc phải chịu vất vả, phải gấp lên mới kịp.

Cái chu trình ấy hình như không thay đổi. Hắn phát hiện ra sau hai lần lạng lẽ dậy theo già. Cho đến khi thấy già lững thững đi về phía trung tâm thành phố hắn mới quay lại. Gần như không ai trong số nhà này biết hắn chứa chấp một người như già. Tắt đài già mới về. Già đi lâu rồi cái loa công cộng ở Ngã Bảy mới nổi nhạc thể dục buổi sáng. Cũng may lại là mùa đông. Người ta ngủ sớm và người ta dậy muộn.

Một hôm, già Đô đi được lâu lâu, trời đã rạng, hắn nghe có tiếng gõ cửa. Chả lẽ lại là già Đô quay về Hắn mở cửa và không tin ở mắt mình: ông Hoàng. Gọn gàng trong bộ quần áo thun có sọc ở tay và ống chân mà bây giờ người ta gọi là “xét-tô măng” trông ông thon thả, uyển chuyển và trẻ hẳn ra. (Năm ấy ông mới ngoài năm mươi tuổi. Thế mà hắn cứ nghĩ ông đã già lắm rồi).

Hắn lúng túng vì những cái màn cũ rách, màu nước dưa rủ trên giường dưới sàn. Ông cười:

– Phê bình nhé. Dậy muộn. Dậy muộn.

Cả nhà nháo nhào trở dậy. Ông hỏi hắn gịong nghiêm túc:

– Sao thành phố bây giờ không thấy ai tập thể dục buổi sáng là thế nào nhỉ? Đã có một thời phong trào tập thể dục theo đài buổi sáng phát triển khá rộng rãi. Đến phố nào cũng có một số người tập. Nhưng bây giờ cái loa công cộng có vang lên nhịp điệu quen thuộc ấy thì cũng chỉ để cho chính nó mà thôi. Sau đó sẽ là chương trình giới thiệu giọng hát mới ở địa phương. Ngoại trừ một vài giọng hát tàm tạm, toàn bộ những giọng đơn ca nam nữ cùng với dàn nhạc đệm đều là sự tra tấn lỗ tai mọi người. Sự tra tấn kéo dài ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Có những lần chị Diệu về ngủ ở nhà hắn, chị nghe và bảo “Sao kêu đường sớm thế, chú?”

Lúc ông Hoàng đến nhà hắn là lúc đang “kêu đường”. Ông Hoàng lắng nghe:

– Ca sĩ nào chán thế mà cũng phát.

Sau khi nghe hắn nói về những ca sĩ lượm lặt ở các xí nghiệp, công ty, cửa hàng, chương trình này mở đầu một ngày mới cho mọi người, ông Hoàng lắc đầu:

– Tập luyện thì cứ tập luyện, nhưng không nên làm khổ tai mọi người. Cũng chẳng phải thế mới là đề cao văn nghệ quần chúng, đề cao văn nghệ nhân dân.

Trong buồng, mấy mẹ con gấp chăn màn, dọn dẹp với một tốc độ phi thường. Nhưng ông bảo hắn:

– Thôi, cứ đứng ngoài hành lang này nói chuyẹn. Hắn biết có một hội nghị gì đó ở thành phố, ông Hoàng về dự. Như vậy là ông đã gặp ông K, ông Trần.

– Tôi có gặp các anh ở đây. Việc của anh phải làm từng bước.

Thế nghĩa là ông đã vấp phải một vật cản. Cản được ông phải là một vật cản ghê gớm. Ông phải chịu lùi một bước. Nghĩa là ông K, ông Trần đoàn kết chặt chẽ chống lại ông.

Hắn hơi bị hẫng. Một thoáng thất vọng. Dù vẫn nghĩ rằng công việc chẳng dễ dàng. Ông K, ông Trần chẳng dễ dàng lùi bước. Đó là những người giờ đây lừng lững như những cây đại thụ, chỉ sông, sông cạn, chỉ núi, núi tan. Thân phận hắn chỉ là bèo bọt. Hắn chỉ biết “vâng” để đáp lại. Với những người như ông Hoàng không cần phải nói nhiều. Ông nhìn tháu lòng mình. Ông vẫn còn đau nỗi đau của người khác. ôi! Giá như ông vẫn còn làm bí thư thành uỷ kiêm chủ tịch ở đây. Việc của hắn thật dễ ợt. Ông Trần trước đây không dám vào gặp ông Hoàng, cứ đứng nép ngoài cửa…

– Tôi nghĩ phải giải quyết việc làm cho anh trước đã.

Ông trao đổi ngay ở hành lang dự định của ông: Xếp hắn về một xí nghiệp nào đó ở trong ngành mà ông thấy hắn có thể phát huy tác dụng. Rồi ông xuống thang. Hắn tiễn ông ra tận đường, nhìn mãi theo ông chạy dưới hàng phượng vĩ mùa này rụng hết lá. Hai bàn tay xoắn xoắn vào nhau ngang ngực.

Những bước chân hất lên. Toàn người ông một màu xanh lá cây của bộ xét-tô măng có những sọc trắng. Và đôi giày vải trắng. Ông chạy về nhà khách thành uỷ. Ông tiếp tục việc tập thể dục buổi sáng. Thật là một người có trách nhiệm với con người, tự nguyện mang những nỗi đau khổ của người khác.

Hôm sau, phó tiến sĩ Huỳnh lại ghé nhà hắn. Một mình phó tiến sĩ đi trên chiếc xe Vonga đen:

– Anh Hoàng mời anh ăn cơm trưa. 11 giờ 30 tại khách sạn Hùng Vương.

Hắn hỏi Bình về khách sạn ấy. Phố Hùng Vương những ba bốn khách sạn. Đoán mãi nơi ông Hoàng hẹn. Và đoán không nhầm. Hắn đến khách sạn dùng làm nhà ăn cho khách của thành uỷ.

Hai người ngồi một bàn. Bao nhiêu người nhìn hắn đối diện với ông. Ông Hoàng là một bí thư đã để lại trong lòng các cán bộ thành phố niềm quý mến, lưu luyến, sự kính trọng mà sau này nhiều bí thư khác không có được một phần. Có lẽ vừa do tài năng, vừa do đức độ của ông. Mọi người dồn mắt nhìn ông và nhìn hắn. Có nhiều người biết hắn. Và hắn ao ước: Giá ông Lan, ông Quảng, ông Trần trông thấy cảnh này.

Viên giám đốc khách sạn đến lễ phép hỏi ông Hoàng:

– Thủ trưởng dùng bia không?

– ờ! Bia. Cho tôi hai chai.

Đích thân viên giám đốc đem bia đến, hai chai Hữu Nghị. Ông Hoàng lục các túi. Túi áo khoác, túi áo trong, ông đứng lên lục túi quần. Thấy hào nào, xu nào ông xếp cả lên bàn ăn.

Những đồng tiền hào giấy, những đồng năm xu, hai xu bằng nhôm. Ông đếm được bốn hào bảy. Ông đưa tiền cho ông giám đốc và khất:

– Để chuyển sau về tôi trả nốt. Còn thiếu bao nhiêu nữa. Thiếu ba hào cơ à. Ghi nợ nhé.

Ông rót bia. Bia vàng óng trong cốc pha-ìê. Ông giơ cốc, cười thoải mái:

– Nâng cốc.

Tiếng pha-lê chạm nhau ngân trong. Bia mát lạnh. Ông nói cho hắn biết nơi hắn sẽ về công tác. Đó chính là một xí nghiệp khi còn làm báo hắn đã theo dõi, đã xuống công tác, lấy tin viết bài.

– Anh sẽ làm thi đua. ở đấy có một anh thi đua rồi, nhưng anh này không làm được.

ăn xong, ông rủ hắn đi bách bộ. Hè phố buổi trưa vắng và lạnh. Đó là một phố đẹp nhất P. Ông nói về nhà máy cơ khí mà ông theo dõi chặt chẽ và là một ngọn cờ thi đua trong cả nước mà hắn cũng rất am hiểu. Hai người ôn lại kỷ niệm một buổi đi tắm biển. Ông mời những ngưòi phá kỷ lục trong các đợt thao diễn kỹ thuật đi nghỉ mát. Hắn cũng có mặt trong buổi gặp mặt ấy của đồng chí bí thư thành uỷ. Ước gì trở lại ngày ấy. Ước gì ông lại về đây làm bí thư. Hắn lại nghĩ: Giá các ông công an qua đây nhìn hắn và ông Hoàng đang sôi nổi trò chuyện. Để các ông ấy hiểu rằng: Hắn không chết. Không phải ai cũng như các ông ấy. Vẫn còn những người tốt cứu hắn.

Buổi tối hôm ấy hắn kể lại cho Ngọc nghe tất cả. Nàng rất phấn khởi vì hắn sẽ được đi làm trong một ngày gần đây. Chẳng thể nào có được ngày xưa nữa, nhưng như thế đã là đổi đời rồi. Lại được đi làm. Có lương đều đặn. Dù ít ỏi nhưng ổn định. Và quan trọng hơn, đi làm, lại là cán bộ công nhân viên Nhà nước. Khôi phục được một phần về mặt chính trị. Cho hắn. Cho nàng. Và nhất là cho lũ trẻ. Nàng xúc động, nói với hắn, như người có lỗi:

– Tại em. Em nặng số lắm. Anh lấy em, khổ lây.

– Nhưng anh có quý nhân phù trợ.

Hai vợ chồng ngồi nói chuyện đến khuya. Ngủ sao được khi một tương lai khác đang đến giúp mình vợi bớt khổ đau. Giúp mình sống với một niềm hy vọng. Giúp mình ngoi lên được khỏi đáy, nó như cái hố phân sầu mà Sáng đã ngụp lặn.

Hắn còn muốn thức để chờ già Đô về. Tắt đài rồi. Lũ trẻ đã nằm trong màn, trùm chăn. Cái nắm đấm cửa bằng sứ khẽ xoay. Già Đô bước vào. Hắn gật gật khe khẽ:

– Cụ ngồi đây.

Ngọc về màn. Già Đô cảm thấy hôm nay có gì khác. Hắn rót nước, ghé sát già, thì thào:

– Mấy hôm nay, cụ làm gì?

Già trả lời ngay, không suy nghĩ:

– à! Nhùng nhằng.

Rõ ràng câu trả lời này già đã nghĩ sẵn từ lâu rồi.

Hắn thấy người già bốc lên một mùi nằng nặng. Như mùi thiu. Lại như mùi đống rác ngoài đường chưa kịp xúc lên xe…

– Có nước nóng. Già có rửa ráy không?

Già lắc đầu. Hắn kéo già đứng lên và cầm phích cùng già xuống nhà. Hai người đi rất khẽ. Hắn pha nước (rất khẽ). Già cởi áo bông và khẽ khàng vớt nước nóng lên mặt, lên tay…

Hắn biết già thoải mái và dễ chịu. Hắn dành cho già một bất ngờ nữa khi đã lên buồng: Hai khúc sắn luộc đúng quy trình ở trong ấy, khi toán đi làm chủ nhật được bồi dưỡng. Bóc vỏ, đun sôi, chắt nước, rắc muối lên để âm ỉ một lúc. Miếng sắn đậm đà, chỉ tội hơi nguội. Già ăn. Không từ chối như mọi hôm. Đó là lần duy nhất già ăn khi về nhà hắn buổi tối. Già cảm thấy hắn có điều gì vui. Hắn nhìn già, khe khẽ:

– Trông cụ gầy đấy.

Già gật gù:

– Gầy là phải thôi.

Có lẽ chỉ già mới biết già đã sống như thế nào, ăn những gì. Cái cặp lồng già mang đi có được dùng đến hàng ngày không.

Già đi nằm, không mắc màn như mọi tối.

Khi hắn chợp được một lúc mà hắn tưởng như đã lâu lắm rồi, có tiếng đập cửa và tiếng gọi to như ra lệnh:

– Mở cửa nhé! Kiểm tra hộ khẩu đây

Đó là điều hắn vẫn chờ đợi. Và hắn đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Hắn bật điện, mở cửa. Anh hộ tịch đi cùng ông tổ trưởng dân phố (nguyên tắc nó phải như vậy). Đêm hôm đập cửa vào nhà người ta đánh thửc cả nhà người ta đang ngủ phải dậy để đếm từng người mà sao họ không thấy phiền phức, bất tiện nhỉ? Có lẽ chẳng ai muốn, nhưng biết làm sao. Đây là công việc cần thiết, làm vì cách mạng, cái khổ tâm giảm đi được chín chín phần trăm. Công tác an ninh là một mặt trận sống còn, âm thầm lặng lẽ phải chịu khó và chịu khổ nữa.

Những nhà đương cục đứng chứ không ngồi. Họ đếm:

– Ai kia?

Cái nhìn hướng vào lùm chăn ở góc nhà, góc trong cùng cạnh chỗ thằng Hiệp.

Cái chăn lùng nhùng cọ quậy và một người ngồi nhỏm dậy. Già Đô râu dài, tóc xoã, dăn deo, sợ sệt, mắt nheo nheo vì chói ánh đèn.

Người ta nhìn vào hắn. Ngọc cũng đã ngồi dậy. Nàng cố chỉnh đốn y phực, vuốt tóc tai cho đỡ bù xù, bước ra:.

Dạ thưa các anh, đây là bạn nhà tôi ạ.

– Có đăng ký tạm trú không?

– Dạ, chưa ạ.

Im lặng. Người hộ tịch gật gù:

– Đưa sổ hộ khẩu đây.

Ngọc tìm quyển sổ ghi hộ khẩu, phát minh của ông Thương ưởng thời Chiến Quốc mà bây giờ toàn nhân loại đều học, nhưng thật đáng buồn cho Thương ưởng, chính ông ta đã chết vì phát minh ấy của mình.

– Còn một cháu nữa đâu?

– Dạ, thưa anh cháu về quê ạ.

– Có báo tạm vắng không

Thưa anh cháu bé về với ông bà cháu ạ.

– Tức là không báo tạm vắng chứ gì?

Hắn im lặng. Ngọc im lặng.

– Bác khách có giấy tờ gì không?

Già Đô hất hẳn chiếc chăn bông ra. Già tìm trong đống bùng nhùng chăn màn, áo, túi, lấy ra một tờ giấy. Đó là tờ lệnh tha.

Anh hộ tịch xem rất lâu. Lật mặt trước, mặt sau tờ lệnh tha như có sự gì giả mạo và nói một cách bí hiểm và hăm doạ:

– Mai, anh chị và bác lên dồn nhận sổ hộ tịch, nhận giấy.

Rồi đi ra. Hắn nghe xem họ có gõ cửa nhà ai, vào nhà ai nữa không. Tất cả im lặng. Người ta chỉ kiểm tra nhà hắn. Lũ trẻ ngồi trong màn đã lăn xuống chiếu, kéo chăn trùm kín đầu. Già Đô ra bàn định nói chuyện gì đó. Hắn bảo:

– Thôi, muộn rồi. Anh em mình đi ngủ đi. Có gì sáng mai bàn thêm.

Mọi người đi nằm. Nhưng nào ai ngủ được. Hắn không muốn bật điện khuya. Rì rầm khuya không có lợi.

Lo lắng. Suy nghĩ. Không biết người ta có thu sổ hộ tịch không? Có giữ giấy tha của già không? Và điều suy nghĩ nữa là: Bao nhiêu nhà, chỉ kiểm tra mỗi nhà hắn. Vì nhà hắn là nhà trọng điểm, người ta vẫn theo dõi, biết những ai đến với hắn. Biết cả già Đô về rất khuya và ra đi từ lúc còn tối đất.

Về đầu

 

Chương 53

 

Già Đô tự nhận hết về phần mình. Già cho rằng chỉ do già hắn mới bị lôi thôi. Nhưng hắn nghĩ khác. Hắn biết vụ kiểm tra, thu sổ hộ tịch này có dmh dáng đến việc ông Hoàng đã làm và đang làm cho hắn. Điều hắn đoán khá chính xác. Càng về sau thời gian càng chứng tỏ điều ấy. Những đơn từ hắn gửi đi, nếu có hồi âm đến P, người ta lại tổ chức kiểm tra hộ khẩu ngay sau đó. Ngọc cũng nghĩ như hắn. Với bản năng của những con thú bị săn đuổi, họ hiểu được cái ngôn ngữ của những hành động người ta làm với họ. Già Đô nghỉ đi làm sáng hôm sau. Ngọc chần mì, hoà nước mắm giấm ớt cả nhà ăn. Một bữa sáng đặc biệt sang trọng dãi già. Hắn ép già ăn hai bát. Già đói.

ăn xong, già mời Ngọc ngồi xuống để già nói chuyện. Già nhìn nhìn đăm đăm vào một điểm nào đó ở mặt bàn, những rãnh sâu phía đuôi mắt xoè hình nan quạt. Già nói chậm rãi, nghiêm trang:

– Hoàn cảnh tôi có khó khán, được cô chú giúp đỡ không biết lấy gì câm ơn cho được. Tôi cũng chỉ định nhờ cô chú dăm ba ngày. Nhưng hoá ra lâu, cũng gần hai tuần rồi. Cô chú quá tốt với tôi. Tôi cũng biết chẳng thể nào ở đây lâu được. Chỉ tạm thôi. Tạm thế là quá rồi. Nhà cửa cô chú chỉ có mấy bước chân, riêng gia đình ở đã chật. Lại còn tôi nữa. Các cháu mỗi ngày một lớn. Phải có chỗ cho chúng sinh hoạt, học hành. Thế rồi xảy ra cái chuyện hôm qua. Tôi thật ân hận, nghĩ mình lạm dụng lòng tốt cô chú…

Đúng như già nói. Hắn phải cố gắng rất nhiều trong việc thu xếp cho già ở đây. Dù già chỉ ở nhà hắn có bốn năm tiếng đồng hồ một ngày đêm. Dù già đã xếp gọn gàng các thứ vào góc nhà. Dù già đi về lẳng lặng như một cái bóng. Dù già đã hạn chế đến mức thấp nhất mọi nhu cầu: Từ chén nước uống, điếu thuốc lào (già đã cai thuốc) hoặc quả chuối hắn phần già, già cũng kiên quyết từ chối. Cuộc sống thật ghê gớm. Không ai có thể nghĩ được đến ai. Không ai có thể mở tấm lòng mình ra với người khác được.

– Hôm nay, xin phép cô chú tôi đi. Nói thật với cô chú, tôi cũng chưa có chỗ nào. Nhưng chẳng lẽ cứ ở đây mãi. Không có chỗ thì rồi cũng phải có chỗ chứ.

Rõ ràng già rất quyết tâm. Già băn khoăn:

– Liệu họ có thu hộ tịch, thu giấy không nhỉ?

Già nói như vậy để chia sẻ trách nhiệm đó thôi. Tất nhiên là phiền phức, nhưng sẽ nhận lại được sổ, được giấy. Có điều phải lễ phép, tỏ ra biết thân, biết phận, biết khuyết điểm, thiếu sót của mình. Đừng bao giờ khiêu khích những áo vàng. Hắn dị ứng với màu quần áo ấy, nhưng chưa bao giờ hắn coi những người mặc quần áo vàng là thủ phạm gây ra mọi đau khổ cho hắn. Hoặc cho già Đô. Họ chỉ là những người thừa hành. Những người bị sai phái làm việc này, việc nọ. Ngay cả những người như ông Lâm, trại QN, ông thiếu tá chánh giám thị VQ mà già Đô bảo đã được lên cục phó. Chẳng qua màu ấy gắn quá chặt với chuỗi ngày súc vật của hắn, nên hắn sợ mà thôi.

Già Đô chào Ngọc khi nàng xách xe đi làm. Già ôm thằng Dương. Đến hôm nay thằng Dương mới biết già vẫn ngủ ở nhà nó. Cái ông có bộ râu dài mà nó rất muốn được sở vào. Giờ thì nó thoải mái sờ. Nó chẳng ngửi thấy mùi chua từ người già, từ quần áo, râu tóc già bốc ra (Ngọc là người cực nhạy, nhiều lần lợm giọng vì cái mùi cống rãnh ấy. Nàng chỉ lặng lẽ lấy dầu xoa lên mũi). Nó vuốt râu già từ cằm, nhè nhẹ xuống chỏm râu dưới ngực. Già nắm bàn tay bé xinh của nó. Già thơm nó. Lại cái mùi của trẻ thơ. Cái mùi cuộc sống ven Địa Trung Hải. Mắt già đẫm lệ. Thấy già khóc, thằng bé sợ hãi rụt tay lại. Già vụt đứng lên, khoác bị bọc, chăn, chiếu, túi:

– Thôi, tôi đi!

Hắn theo già xuống thang:

– Thỉnh thoảng cụ lại nhé, thật đấy.

Về đầu

 

Chương 54

 

 

Sau này, ôn lại những kỷ niệm về già Đô hắn thấy đó là những kỷ niệm nặng nề nhất trong cuộc đời hắn. Hắn nghĩ: Chính hắn đã ích kỷ, chỉ biết mình và đã góp phần vào tội ác. Tất nhiên hắn thấy lời buộc tội ấy là vô lý, bất công, nhưng sao nó vẫn cứ dai dẳng thế. Chẳng làm sao rũ được ý nghĩ mình đã vô trách nhiệm với già. Khoảng một tháng sau, già Đô trở lại nhà hắn. ở nhà hắn đi ra như thế nào, già trở lại cũng y như vậy. Một Vitali cô đơn, bị bọc, rách rưới, mang xách, nặng mùi. Có một điều khác: Tàn tạ hơn, mệt mỏi hơn, nhưng ẩn một tia hy vọng vì đã tìm ra lối thoát.

Già hỏi hắn: “Cụ có giấy bút không? “Và nhanh nhẹn đỡ lấy những thứ đó từ tay hắn. Già đeo kính.

Cái kỉnh lão mắt tròn tròn cổ lỗ hồi đầu thế kỷ, một mắt lại vỡ rạn hẳn là quá nhẹ với già, nên già phải ngửa đầu ra phía sau mà nhìn vào tờ giấy. Già viết rất khó khăn. Bé Dương lại sán đến để chạm tay vào chòm râu rễ tre, cuồn cuộn của già, nhưng già khẽ khàng bảo nó:

– Đi chơi, để bác làm nhé.

Nó đi ra chỗ bố. Thì đành đứng đó nhìn chòm râu già vậy.

Bỗng già buông bút, nhìn hắn:

– Hay là cụ viết giúp tôi.

Hắn vui vẻ nhận lời. Già đọc:

– Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Kính gửi Sở Công an.

-à, gượm đã. Hay là kính gửi Ban giám thị trại VQ nhỉ?

– Nhưng mà nội dung đơn là gì cơ?

– Tôi xin trở lại trong ấy.

Hắn choáng người, đặt bút xuống, nhìn già chăm chăm.

– Tôi suy nghĩ kỹ rồi, cụ ạ. ở trong ấy tốt hơn.

Già chớp chớp mắt:

– Đời tôi là không gia đình. ở đâu cũng vậy thôi.

Hắn hiểu. Cuộc sống trong tù đối với già dễ chịu hơn rất nhiều. Nhưng phải chết ở trong ấy. Già không sợ nữa sao?

– ở ngoài này tôi không chịu đựng nổi nữa rồi.

Hắn cảm thấy già có lý: Với già sống ở ngoài đời đáng sợ hơn chết ở trong tù nhiều lắm.

– Thế thì phải làm đơn gửi Sở Công an. Trại người ta không nhận đâu. Phải là từ Sở đưa lên. Trại đã xuất kho mình rồi, ai người ta nhập kho mình nữa.

– ý tứ thế. Cụ viết giúp tôi.

Hắn viết. Già ngồi im lặng. Hắn bảo già:

– Cụ nghe tôi đọc lại nhé.

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Đơn xin vào lại trại cải tạo…

Già nghe, gật gù… “Được. Được”. “Già ký vào đây”. Già ký. Ký xong vẻ mặt già bỗng thay đổi. Từ hy vọng chuyển sang lo lắng. Không biết người ta có nhận đơn không? Già bảo hắn, giọng bi quan:

– Làm đơn thì làm, chứ chưa chắc đã ăn thua gì đâu, cụ ạ.

Đó là lần cuối cùng già lại nhà hắn. Việc nộp đơn xin vào trại của già không được chấp nhận. Già đi bới rác. Già lê la ở các cửa hàng mậu dịch, khách sạn. Dồn dịch những bát phở, vét đa, nhặt những mẩu bánh mỳ thừa. Già làm những việc đó vừa để nuôi sống mình, vừa với một hy vọng lớn lao: Già sẽ bị bắt lại, vì là một phần tử du thủ du thực. Già sẽ được tập trung cải tạo, nhưng lần này là tập trung hình sự, số chẵn như ông già Táy vét đĩa ở các cửa hàng mậu dịch, bi bắt chung cùng một dịp với già. Nhưng già không gặp may. Ngày ấy đang cần pha-lê hoá thành phố. Giờ đây thành phố đã trong sạch như pha-lê rồi, hoặc đã đục trở lại nhưng không cần pha-lê hoá nữa. Chủ trương ấy phát ra, đã thu kết quả và đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó.

Già đành phải ở lại ngoài xã hội.

Cái áo bông rách rộng thùng thình không còn biết nó là màu gì nữa. Trong lần đi giao thuốc lá ở một hàng nước tại cửa rạp hát cải lương gần chợ Chính, hắn đã thấy già, túi vải to tướng đang bới bới đống rác ở bên kia đường. Đó là mùa xuân năm 1975, cũng đang mùa mưa dầm, hắn đã ra tù được hai năm, đã được gặp ông Trần và quân ta sắp đánh Buôn Mê Thuột mở đầu công cuộc giẫi phóng toàn thể miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Hắn gọi già. Già không đáp, vẫn cứ cham chú vào công việc của mình. Hắn đi đến cạnh già. Già nặng mùi đến mức ở ngoài đường hắn cũng ngửi thấy. Trong chiếc áo bông đã mọc rêu, già nhìn hắn như nhìn một người lạ và lại bới bới. Già không nói một câu. Chẳng lẽ già không nhận ra hắn. Có thể già lú. Nhưng cũng có thể già quyết định không còn quen biết một người nào ở thế giới này để được hoàn toàn cô đơn. Nỗi cô đơn ấy cần thiết cho sự tự quên mình đi, để chính mình cũng không biết mình là ai nữa, nhờ đó mà kiếm lấy tý chút yên tĩnh tinh thần. Thế rồi sau đó ở các phố xuất hiện một ông già được bọn trẻ con chào đón nhiệt liệt. Một ông già nhỏ bé, râu dài cuồn cuộn. Túi vải to đeo lệch vai. Ông đi vào các nhà, ăn cắp. Ông chỉ dám kéo ít quần áo, tã lót phơi ở sân. Hoặc thó một đôi dép hớ hênh ngoài cửa. Nhưng chưa một lần ông lão thành công. Có một điều kỳ lạ là già bị lộ khi đang ăn cắp, nhưng không ai ghét bỏ già. Cũng chẳng riếc móc, đánh đập. Chẳng báo công an. Tới khi công an biết cũng chẳng đưa đi tập trung cải tạo. Thật là thất bại thảm hại. Chỉ có lũ trẻ là cứ làm ầm lên. Già vào một ngõ có nhiều quần áo căng ở dây phơi. Vừa thấy già, lũ trẻ trong ngõ đã reo ầm ĩ. Chúng mừng rỡ, vỗ tay hoan hô vang dậy. Già đi đến đâu ở đó dậy lên tiếng reo trong trẻo hồn nhiên của lũ trẻ chẳng một chút ác ý với già. Chính sự thích thú và có phần nào quý mến già của chúng đã khiến cho người lớn nhìn già bằng con mắt thương hại chứ không căm ghét. Nó đã hại già, làm già thất bại, già không được đi tập trung cải tạo, cũng như không ăn cắp nổi một đôi dép cũ. Có lần già đi vào khu nhà Bình. Hạnh phúc thật quá bất ngờ với lũ trẻ ở đó. Chúng vội nấp kín vào những chỗ khuất, nín thở nhìn ra sân. Khi già giơ tay định kéo cái áo may-ô của ông Tung phơi ngay đầu sân, cả lũ xô ra, reo lên ầm ầm. Tiếng reo đồng loạt bật lên, phấn khởi, vui sướng tự đáy lòng (như sau này chúng reo mỗi khi có điện) làm già giật thót mình. Già rụt tay lại.

Già bước những bước xiêu xiêu trở ra. Lũ trẻ ùa tới nhảy nhót, nghịch ngợm chung quanh. Chúng chế giễu già là không biết ăn cắp, là ăn cắp hạng bét và hoan hô già. Già chỉ mỉm cười độ lượng.

ở những ngõ khác, lũ trẻ hồi hộp chờ già tới với chúng. Chúng buồn bã, thất vọng khi già đi thẳng. Chúng vụt biến mất như chui xuống đất khi già rẽ vào nhà chúng. Với vẻ mặt sung sướng háo hức ranh mãnh, chúng chuẩn bị cho trò chơi vô cùng thú vị sắp xảy ra.

Như ông già Noel, già mang niềm vui đến cho đám trẻ. Nhưng khác với ông già Noel bất tử, già đem những ngày cuối cùng của cuộc đời già ra làm trò vui ấy.

Già cũng không nhớ được bữa ăn gần nhất của già cách đây đã mấy hôm rồi. Và già ăn cái gì vào bụng. Già không thấy đói nữa. Già đi như người mộng du. Già cảm thấy người già rất nhẹ. Già đi mà chân như không chạm đất.

Rồi đến một ngày già không đi được nữa. Già thấy mình đang phiêu diêu. Thật là một cảm giác khoan khoái dễ chịu, già chưa từng biết tới. Già đã chọn cho mình chỗ nằm để phiêu diêu: Một ngôi đình khá rộng sát nội thành, nơi thờ vị thần cách đây mấy trăm năm đã cắm lưỡi gươm làm mốc khai phá bãi sú để vùng đất chua mặn này ngày nay trở thành thành phố.

Ngôi đình đổ nát và bị bỏ quên. Thời sau Genève, thời già đi làm nhà máy giấy, ngôi đình là nơi tập kết lợn của Công ty thực phẩm. Người ta quây, ngăn dình thành từng ô. Những xe ô-tô chở lợn từ các nơi đổ xuống đấy để giết ngay hay nuôi mấy ngày rồi giết. Dạo ấy ngôi đình khá sầm uất. Ô-tô gầm rú. Xe đạp ghếch chật sân. Xe cải tiến lộc cộc chở gạo nếp đổi lấy phân lợn. Một dãy bếp lò nấu cám, nấu nước… Lợn sống đã vui. Cắn nhau. Gầm. Kêu. Eng éc. Hộc hộc. Nhưng lợn chết còn vui hơn. Lợn chết được tính vào tỷ lệ cho phép, được giải quyết nội bộ, không vào sổ sách kế toán, không phải bỏ tiền mua mà lại có thịt đem về nhà ăn hay bán.

Từ khi chiến tranh bắn phá, thành phố sơ tán, người ta không đưa lợn về đây nữa. Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng. Cứt lợn cũng hết lâu rồi. Chỉ còn dơi treo mình lủng lẳng.

Thật là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ lùng. Chẳng nhớ được một điều gì, chỉ thấy mình đang tan đi và đang bay…

Già không chết trong tù, đúng như có lúc già mong ước. Già cũng. không đến được với lũ trẻ nữa. Những ngày đầu chúng luôn nhắc tới già. Chúng nhớ già, chờ già, mong già.

Và chúng nhanh chóng quên già.

Quên hẳn.

 

Về đầu

 

Chương 55

 

Trước khi gặp già Đô lần cuối cùng cạnh đống rác gần cửa nhà hát vài tuần lễ, hắn đã được yết kiến ông Trần. Đó là điều hắn ao ước mong đợi từ ngày hắn được ra khỏi trại. Cũng như ở trong tù hắn đã mong mỏi biết bao về cuộc gặp giữa ông và anh Chân. Bởi vì ông là người quyết định số phận của hắn. Ông là người đã ký vào bản án tử hình của hắn. Có thể ông không định khai đao. Nhưng rồi ông đã phải khai đao. Ông không định trói hắn vào cọc và hạ lệnh cho đội hành quyết siết cò. Nhưng rồi ông lại làm như vậy. Tình thế xô đẩy. Có lúc chính ông cũng không làm chủ được hoàn cảnh. Hắn mong mỏi được gặp ông cũng chỉ vì ông có phép mầu, làm cho đầu hắn đã bị chặt lìa khỏi cổ dính lại với thân mình, làm cho lồng ngực hắn bị dạn bắn thủng lỗ chỗ, máu phun phè phè, bỗng dưng lành lại, da thịt mịn màng.

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Bố hắn vẫn dạy hắn như vậy. Điều mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu. Hắn không muốn bị quy chụp, bởi vậy hắn đứng về phía ông Trần để cắt nghĩa những việc làm của ông đối với hắn. Hắn muốn lý giải ông một cách khách quan. Kết luận cuối cùng rút ra chỉ có thể là một trong hai trường hợp sau đây:

1- Những thông tin về hắn đến với ông bị bóp méo, sai lạc.

2- Ông bắt hắn vì cách mạng. Nhưng khi ông biết bắt hắn là sai, ông không có cách nào sửa lại được. Ông đành phải hy sinh hắn. Giá hắn làm ở một xí nghiệp nào đấy, bị bắt vì tình nghi tham ô, ăn cắp, nay biết là oan có thể ông sẽ trả hắn về cương vị cũ. Đằng này hắn lại là phóng viên, một cán bộ có máu mặt, miếng không có nhưng có tiếng, quen biết rộng, khi bắt đã tạo thành dư luận ầm ĩ. Nếu thả lại càng ầm ĩ hơn.

Hắn đành phải chịu hy sinh thôi. Bao nhiêu người còn phải hy sinh tính mạng mình nữa kia. So sánh với hàng triệu người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người bị bắn oan trong cải cách ruộng đất và với cả nhiều người bị bắt oan nữa chứ, chắc chắn là như vậy, dù ngành có công minh đến mấy, thì sự hy sinh mất mát của hắn thật không đáng kể. Chỉ là hạt cát trong sa mạc. Ông không muốn hắn phải hy sinh, nhưng tình thế này ngoài ý muốn của ông. Ông phải kiên quyết để bảo vệ uy tín của ngành, của tập thể, một điều rất cần thiết cho nền chuyên chính.

Uy tín của ông là uy tín của ngành. Nó không còn là của riêng ông, của riêng ai nữa. Uy tín của ông là để phục vụ cách mạng. Nó thuộc về cách mạng, thuộc về nền chuyên chính, hơn lúc nào hết đang phải trấn áp thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng. Ông lúc nào cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng.

Vì cách mạng ông phải xử sự như một người bíết rằng hơi quá tay nhưng vẫn phải làm. Lưỡi gươm trấn áp phải tỏ ra sắc bén, hiệu quả. Ông thanh thản trước lương tâm vì cái động cơ của việc làm đó. Động cơ là xuất phát điểm của hành động, là tính mục đích của công việc. Nó biện minh cho hành động. Động cơ của ông trong sáng. Hoàn toàn trong sáng.

Điểm nữa, ông biết chắc mọi đơn từ của hắn gửi các nơi, các cấp đều trở lại nơi ông. Ông thừa biết cái cung cách người ta xử lý các đơn từ loại ấy như thế nào. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Ông lại là người giải quyết. Mọi đơn từ đều được kính chuyển về thành phố. Nghĩa là về ông. Ông giao lại cho đám cấp dưới của ông. Họ là những người thông minh, họ biết phải làm gì với những đơn ấy. Họ biết phải làm gì với hắn để đè bẹp ý chí của hắn. Điều quan trọng là phải đè bẹp ý chí của hắn. Khi ông cho đưa hắn về 75, ông đã định tha hắn. Của đáng tội, bắt con em một gia đình cách mạng có công với nước vì những chuyện có vấn đề tư tưởng như vậy tù bốn nảm là đủ cho việc ngăn chặn rồi. Nhưng hắn không biết điều. Ông cần phải cho hắn đi một tăng nữa. Hắn vẫn không hiểu được những điều tối thiểu, còn đang trong tù mà đã phát biểu khi ra sẽ khiếu nại. Quá tự tin và hung hăng. Nếu hắn biết thân biết phận, biết cách xử lý, nhận vài khuyết điểm nào đó – ai mà chả có khuyết điểm- hắn sẽ được ông đối xử một cách khác. Một cách đối xử chứng tỏ Đảng luôn mở đường cho những kẻ biết hối cải, chứng tỏ sự rộng lượng của riêng ông. Và dẫn dần ông lại cho nó những điều ông có thể cho được. Chỉ cần nó biết mình, biết người. Nó biết nó. Nó phải biết nó. Nó định lấy cái cương của cá nhân nó chọi lại cái cương của cách mạng. Húc đầu vào đá thôi, con ạ. Trứng chọi đá, chọi sao nổi. Cách mạng sẽ đè bẹp tất cả. Cái tăng bổ sung sau này là dành cho mục đích ấy. Chí ít thì cũng có thêm thời gian cho câu chuyện của hắn thành dĩ vãng. Để lâu cái gì chẳng hoá thành bùn. Ông chẳng bao giờ được chủ động trong xử sự. Ông xử sự, ông hành động theo cách bọn địch, bọn bất mãn, bọn phá hoại bắt ông phải hành động.

Cũng có thể ông chẳng nghĩ ngợi gì. Ông không nghĩ vì ông đã quen rồi, quen nhìn thấy máu rồi. Với lại chẳng qua ông không bắt được quả tang hắn mà thôi. Hơn nữa nếu trước khi bị bắt, hắn chống đối một cách không tự giác, vô ý thức, thì bây giờ ở tù ra hẳn là hắn đã và sẽ chống đối một cách triệt để, có ý thức. Điều đó phù hợp với biện chứng, với logic. Đối xử với hắn như đối xử với một tên phản cách mạng là điều buộc ông phải làm.

Hắn cũng công nhận rằng ông bắt hắn không phải vì tư thù, ác ý. Số cán bộ trung gian đã xuyên tạc hắn với ông. Những thông tin ban đầu của họ là không đúng (như: Hắn là người bất mãn, bẻ bút không viết nữa, đả kích chế độ trong nói năng, phát ngôn..). Những thông tin này có thể do bọn Bách ở báo, bọn xấu, bọn đố kỵ cung cấp. Cũng có khi chỉ là những câu chuyện vui của những người chẳng ác ý gì. Hắn lại không chịu ca ngợi Mao chủ tịch, không vẽ râu vào ảnh Khrusôp, không mạt sát phim “Bài ca người lính”. Đó là chưa kể hắn giao du rất rộng với bao nhiêu phần tủ đáng nghi ngờ ở Hà Nội. Những hiện tượng ấy ghép lại, được kết dính bằng một nhận định toàn bộ cho một ý đồ. Một sợi chỉ đỏ xuyên suốt như thường nói. Thế là ông Trần duyệt bắt thôi. Bởi vậy, hắn đã bao lần tìm gặp ông Trần nhưng không được, vì ông ở ngay trong sở. Có lính gác. Hắn chỉ đưa được đơn vào phòng thường trực. Hắn hỏi Bình:

– Ông Trần trông thế nào nhỉ? Thời còn làm báo, hắn chưa tiếp xúc với ông. Vì hắn không theo dõi nội chính. Hắn theo dõi khối công nghiệp. Có một lần ông Trần đến cơ quan báo cáo tình hình trật tự trị an cho anh em phóng viên, ông mở đầu bài nói cùng với một ý khi ông kết luận:

– Các đồng chí nghe để biết thôi. Ngành chúng tôi càng ít nói trên báo càng tốt. Hễ nói nhiều là tình hình không hay rồi đấy.

Hắn chỉ trông thấy ông có mỗi lần ấy. Hắn không nhớ được nét mặt ông. Bình bảo: “Mày có nhớ thằng Thanh Nhàn không? Ông ấy có kiểu người của thằng Thanh Nhàn”, “Thanh Nhàn nào?” “Thanh Nhàn xi- măng. Vẫn viết tin cho chúng mình ấy”. Hắn lắc đầu: “Quên rồi”. Bình nhăn trán suy nghĩ và bật kêu lên: “Trông ông Trần giống Lâm Bưu. Đúng. Đúng. Giống Lâm Bưu”.

Thật là một so sánh bất ngờ và kỳ lạ.

ấy thế mà khi gặp ông, hắn hiểu Bình có lý: Thấy ông người ta liền nghĩ đến Lâm Bưu, nhất là lúc Lâm Bưu đứng cạnh Mao chủ tịch, quyển sách đỏ cầm tay, Lâm Bưu ở cái tư thế profil nhìn bao quát cả đám quần chúng mênh mông Thiên An Môn ấy.

Dáng người ông nhỏ nhắn, lông mày rậm hơi chổi sể, khuôn mặt xương xương, hóp lại về phía cằm và cặp mắt nhỏ, hẹp ẩn dưới hàng lông mày rậm, lại càng nhỏ hơn mỗi khi ông cười. (Thực ra ông có cặp mắt lươn ti hí, nhưng hắn không muốn dùng chữ ấy).

Ngoại hình của ông làm hắn thất vọng. Nó chẳng chứng tỏ điều gì, ngoài cái cảm giác đó là một con chạch, rất khó nắm bắt, còn ngoi lên, còn ngoi lên nữa. Thật đối lập với ông Hoàng. Cao lớn, đẹp đẽ, khoan thai. Hắn hiểu ngay ông Hoàng không phải là đối thủ của ông Trần. Ông Hoàng tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tuyên chiến trước khi giáp trận. Còn ông Trần sẵn sàng đánh trộm sau lưng, hạ đối thủ ngay từ nhát dao đâm trộm ấy.

Không phải hắn ghét ông Trần hay yêu ông Hoàng mà gán ghép cho mỗi ông một vẻ xấu đẹp thích ứng. Hắn chỉ trung thành với hiện thực. Hắn vẫn phản đối kiểu xuyên tạc hiện thực, dẫn đến công thức nhàm chán: Về ngoại hình chính diện bao giờ cũng đẹp đẽ, còn phản diện thì tha hồ bôi bác.

Có một chi tiết nữa ở ông Trần mà hắn rất nhớ là trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng đồng tử mắt ông lại thu nhỏ lại. Hắn quả quyết như vậy vì hắn có thói quen nhìn thẳng vào mat người đối thoại, và hắn thấy điều ấy rất rõ. Khi ông Trần xúc động, đồng tử ông hơi co lại theo hình bầu dục, một hình bầu dục dựng đứng giữa lòng con mắt như nứt ra giữa hai mí mắt. Thật là dị tướng!

Hắn cũng không ngờ được gặp ông (đời hắn quả là liên tiếp những chuỗi bất ngờ). Lang thang tìm cách kiếm sống, đến nhà một người quen ở vùng ven đô để hỏi việc gia công sợi buộc lạp-xường, hắn thấy ông Trần bước vào sân cùng với mấy người nữa. Ngay lúc ấy hắn nghĩ đến Lâm Bưu và hắn biết đã gặp ai. Ông Trần đang đứng trước mặt hắn. Tiên ông và phù thuỷ đang đứng trước mặt hắn. Hắn lảng vảng ở vườn, chờ cho chủ, khách uống hết một tuần trà, mới vào nhà lễ phép tự giới thiệu và xin được gặp ông vào một ngày nào đó. Cố che giấu, nhưng vẫn để lộ một chút ngạc nhiên, ông nhận lời.

Hôm ấy ông Trần đến đấy ăn thịt chó, và sau đó anh chủ nhà cho hắn biết anh bị ông ấy căn vặn mãi: Có phải anh ta bố trí mời ông tới nhà để hắn gặp không? Đúng là ông nhìn sự việc không đơn giản xuôi chiều, rất trí lự và dưới nhiều góc độ.

Hắn ra về ngay để khỏi phiền anh chủ nhà, khỏi đưa anh vào thế khó xử. Hắn xúc động vì quá bất ngờ. Hắn đạp xe về chỗ anh Thân, thở hổn hển:

– Em vừa gặp ông Trần xong.

Hắn thuật lại chuyện và nói:

– Ông Trần hẹn cho em gặp rồi.

Anh Thân bảo:

– Gặp một ông thường vụ làm gì mà cứ cuống lên thế. Binh thường thôi.

Không bình thường đâu anh ơi! Đây là lần đầu tiên một ông thường vụ gặp hắn. Mà lại chính là ông Trần, người bắt hắn, người có cái gậy thần, người đã làm thay đổi cuộc đời hắn. Ông Trần nhận sẽ gặp hắn. Hắn chờ, chờ mãi. Ông Hoàng đã về nhà hắn hai lần rồi, ông Trần mới cho người đưa giấy mời hắn tới Sở. Không phải giấy gọi, giấy hẹn, mà giấy mời. Thật là tôn trọng và lịch sự.

Hắn đã chuẩn bị kỹ cho cuộc gặp này. Bình, Ngọc và hắn đã thống nhất: Phải rất linh hoạt. Đừng cứng nhắc đòi phục hồi, đòi bản thảo. Không ăn thua gì đâu. Phải tùy tình hình.

Hắn đến Sở. Cùng tiếp hắn có cả ông Quảng, trưởng phòng đặc trách văn hóa. Vậy là hôm nay hắn được gặp cả hai ông. Khác hẳn ông Trần, ông Quảng cao lớn, béo tốt, dầy đặn, phúc hậu và toàn nói những điều nhân đức. Ngoại hình và ngôn ngữ ông Quảng đáp ứng điều hắn vẫn suy nghĩ về những đao phủ thời hiện đại. Ông Trần mời hắn ngồi xa-lông, ông Quảng đóng vai người tháp tùng. Ông Quảng pha trà, rót nước, bóc bao thuốc lá Điện Biên bao bạc mời hắn. Bình đẳng, lịch thiệp, văn hoá, tôn trọng và hiếu khách.

Ông Trần ngả lưng vào xa-lông, nhìn hắn cười thoả mãn như một người lâu quá không được gặp hắn và vẫn mong gặp hắn như cái kiểu “bấy lâu vắng mặt khát khao”. Ông hỏi hắn thân mật như hỏi một cán bộ dưới quyền mà ông hiểu từ chân tơ, kẽ tóc:

– Thế nào? Thắc mắc lắm phải không?

Rõ ràng ông biết hết ruột gan hắn. Đã bao năm rồi hắn chưa được một ông công an nào hỏi một câu như vậy. Với giọng điệu cởi mở thông cảm như vậy.

Hắn cố nặn ra một nụ cười tươi tỉnh và khiêm tốn:

– Thưa anh, tôi như một đứa con bị bố mẹ đánh. Cảm thấy bị đánh oan, rất mong có dịp thưa lại cùng bố mẹ.

Câu trả lời ấy làm vừa lòng ông Trần. Hắn chờ câu nói tiếp theo của ông để đoán biết ông định giải quyết cho hắn vấn đề gì.

– Chúng tôi đã nhận được đơn của anh. Tôi nghĩ bây giờ trước hết phải lo việc làm cho anh đã. Có đúng thế không?

“Thế là ông khoanh lại vấn đề ấy: Việc làm! “

Hắn hiểu và tin chắc như vậy. Việc làm. Nhưng là việc gì chứ? Bảo hắn đi quai búa hay đi phụ nề?

Hắn nghĩ tới những công việc khổ sai hắn đã trải. Phải nói rõ. Không thể chung chung được.

– Thưa anh. Tôi bị thiệt thòi nhiều. Chẳng riêng tôi. Vợ tôi được cơ quan cử đi học đại học, đang học thì bị Sở Công an gọi về làm phụ kho trong khi bạn bè vợ tôi đều đỗ đại học và…

Ông Trần bật ngồi thẳng lên, ông ngắt lời hắn:

– Ai? Ai? Sao lại gọi chị ấy về?

Giọng ông ngạc nhiên, sửng sốt. Thật bất ngờ với hắn. Hắn vẫn tưởng chính ông Trần quyết định việc ấy Và lần đầu tiên hắn thấy đồng tử của ông co lại thành hình bầu dục dựng đứng giữa con mắt nhỏ. Ông nghiêm khắc nhìn ông Quảng như muốn hỏi: “Sao lại có chuyện ấy? Sao tôi không biết gì cả? Ai cho phép các anh làm như vậy?”

Ông Quảng với vẻ nhẫn nhục cao cả của một người làm điều thiện, nhưng buộc phải mang cái vỏ độc ác mà người ta dễ hiểu lầm, nhìn ông Trần với vẻ biết lỗi:

– “Báo cáo anh, dạo ấy anh Tuấn đang ở trong trại. Phải đưa chị ấy về vì các cháu không ai chăm sóc. Cả bốn cháu còn quá nhỏ.”

Sự tiêu diệt cuộc đời vợ hắn đã được người ta giải thích như vậy. Hắn căm thù và ghê tởm nhất sự dối trá mà đây lại là sự dối trá trắng trợn nhất với hắn. Sự đê tiện đến vậy là giớí hạn, là tận cùng. Hắn uất ức nhìn ông Quảng, cái nhìn ngây ngô như một con vật bị giết trước lúc chết. Nghĩa là hắn nhìn ông mà chẳng nhìn thấy gì. Hắn nhìn ông ma còn cố nén, cố giữ cho mạch máu khỏi vỡ toác ra. Ông Trần khinh khỉnh nhìn ông Quảng, cái nhìn chứa đựng dông bão, làm vơi đi rất nhiều bóng tối trong lòng hắn. Hắn tin rằng khi hắn về, ông Trần sẽ trút lôi đình và ông Quảng sẽ lãnh đủ, sẽ hiểu thế nào là những hành động vô nguyên tắc, tư thù cá nhân, phá hoại chính sách của Đảng. Hắn nói mà chính hắn cũng ngạc nhiên ở giọng điệu bình tĩnh của mình:

– Báo cáo anh đấy là sự đau khổ lớn thứ hai của chúng tôi. Về chuyện các cháu, chúng tôi đã thu xếp cho chúng về ở với bố mẹ tôi. Vợ tôi rất quyết tám khắc phục mọi khó khăn để học đại học.

Ông Trần trầm ngâm, tư lự. Rõ ràng ông đang gánh nỗi đau khổ của hắn. Như được ông khuyến khích, hắn nói tiếp:

– Bạn học của vợ tôi học xong đều là kỹ sư, trưởng phó phòng. Có người còn là chủ nhiệm. Vợ tôi về Công ty làm phụ kho. Tôi nói vậy để báo cáo với anh là chẳng cứ tôi bị thiệt thòi mà cả vợ tôi. Mong anh thông cảm với hoàn cảnh của tôi, cho tôi làm một việc gì đó hợp với khả năng và sức khoẻ của tôi, để tôi có thể có thu nhập.

Lời xin thật khiêm tốn, thiết tha. Ông Trần như chỉ mong hắn đề nghị điều gì đó để ông giúp hắn vợi bớt được khổ đau. Ông sốt sắng có pha chút long trọng để hắn hiểu ràng đây là những lời nói chính thống hắn có thể hoàn toàn tin tưởng:

– Tôi hôm nay nhân danh lãnh đạo thành phố, giám đôc Công an nói với anh rằng: Anh sẽ được làm một việc phù hợp với khả năng để từ đó có thu nhập.

ôi! Thật tuyệt vời! Ông Trần thương hắn. Dù sao ông cũng biết hắn đau khổ nhiều, mà hắn lại là em một người cùng cấp uỷ với ông, là con một gia đình cách mạng. Chưa một người công an nào nói với hắn như vậy. Người ta toàn răn đe hoặc nói như đánh đố.

Trong không khí cởi mở ấy, hắn dấn thêm một bước, cụ thể hơn:

– Thưa anh, tôi có thể làm thi đua được không ạ?

Hắn nói vậy vì hắn nhớ đến ông Hoàng. Ông Trần nhướn cặp mắt nhỏ lúc đó trông rất nhân từ bao dung và lấp lánh:

– Được chứ. Sao lại không. Thay mặt lãnh đạo thành phố tôi nói với anh là anh được làm thi đua. Thay mặt lãnh đạo thành phố tôi nói: các con anh được vào đại học. Anh hoàn toàn yên tâm.

Đó chính là điều hắn định sẽ hỏi ông. Là một nội dung cốt yếu hắn muốn được nói cùng ông. Hắn biết hắn đã gây đau khổ cho con cái. Cái lý lịch đi tù, phản cách mạng của hắn là một gia tài ghê gớm mà chúng nó sẽ thừa kế. Con địa chủ, con tư sản không được vào đại học. Đã hẳn. Ngay nông dân lao động không vào hợp tác xã, con cái dù học giỏi đến mấy cũng không được vào đại học. Nói gì đến con một thằng. phản động hiện hành. Hắn còn đang lựa lời tìm cách nói với ông chuyện con cái thì ông đã chủ động nói trước. Ông Trần quả đã nhìn thấu tim gan hắn. Hắn nhìn ông, cái nhìn kính trọng, biết ơn. Hẳn ông Trần đã hiểu lời nói của đôi mắt hắn, ông hỏi hắn:

– Thế, được chưa?

Hắn cám ơn ông, cám ơn lãnh đạo thành phố và ý thức được ràng đây là lần gặp duy nhất trong đời hắn với ông Trần, bởi thế cần phải tranh thủ làm cho ông hiểu hắn:

– Thưa anh, tôi nghĩ việc xử lý tôi là quá nặng. Tôi sợ rằng anh nhìn tôi qua những lăng kính trung gian. Tôi cũng phải báo cáo với anh rằng: Chưa ai nói tôi mắc tội gì.

Hắn im lặng. Ông Trần khuyến khích:

– Cứ nói tiếp đi.

– Thưa anh, tôi nói điều gì có thể anh không tin. Nhưng tôi nói điều này chắc là anh tin. Đó là tôi rất muốn ở nhà với vợ, với con, tôi rất sợ đi tù một lần nữa. Muốn vậy tôi phải biết những khuyết điểm của tôi để tôi rút kinh nghiệm, để tôi tránh. Cho đến bây giờ trong cơ quan an ninh, chưa ai nói cho tôi biết tôi có những khuyết điểm gì.

Hắn muốn nói rõ hơn: Thưa anh tôi chưa biết tôi mắc tội gì, tôi xin được biết để tôi tu dưỡng. Nhưng sợ rằng câu nói ấy ngụ vẻ khiêu khích, bôi nhọ cơ quan an ninh. Làm gì có chuyện đi tù năm năm mà chẳng biết mình mắc tội gì. Hắn phải thay chữ tội bằng chữ khuyết điểm. Thì khuyết điểm cũng là tội chứ sao. Hắn nói và nghiêm trang nhìn ông Trần, dò xem phản ừng trên nét mặt ông. Ông gật đầu như kiểu đã biết tình huống này từ lâu rồi. Ông nói với vẻ nhẫn nại, cam chịu của một Chúa cứu thế:.

– Tôi biết. Tôi biết anh thắc mắc nhiều. Phương pháp tư tưởng của anh khá chủ quan. Về chuyện ấy chúng tôi sẽ làm việc với anh vào một dịp khác. Chắc chắn anh sẽ được thoả mãn.

Lại những điều muôn thuở, những lời nói kiểu đánh đố làm hắn dị ứng. Nhưng hắn vẫn lễ phép vâng vâng. Hắn đã thực hiên được phương châm tự đề ra cho mình từ khi bị bắt. Thái độ mềm dẻo, khiêm tốn, nhưng cứng rắn về nguyên tắc. Không lùi bước trước bất kỳ ai, bất kỳ sự dung doạ nào. Như vậy, dù sao buổi gặp ông Trần cũng đạt được mục đích: Thay mặt lãnh đạo thành phố, Sở Công an, ông Trần đồng ý cho hản đi làm trở lại, hắn được làm thi đua, con hắn được đi học đại học. Đó là nhửng thắng lợi quan trọng. Đó là những yếu tố pháp lý mà hắn sẽ nắm lấy để nói chuyện với những người còn muốn giết hắn, đầy đọa hắn. Hắn đã làm ông Trần hiểu hắn hơn. Hiểu những gì hắn đã chịu, đang chịu, hiểu tâm tư nguyện vọng chân thành của hắn. Hiển nỗi đau của vợ hắn. Và hắn cũng hiểu ông Trần hơn. Hắn hiểu bọn cán bộ trung gian đã xuyên tạc hắn với ông. Chỉ bằng vào việc họ gọi vợ hắn về không cho học nữa là đủ biết bọn ấy thật độc ác và lộng quyền. Chính bọn ấy đang phá chế độ, phá Đảng, đang phá hoại lòng tin của quần chúng. Họ làm những việc tầy đình trắng trợn mà lãnh đạo không hay biết gì cả. Việc của hắn nếu ông Trần hay biết từ đầu thì đâu đến nỗi. Hắn tin rằng cùng với thời gian, ông Trần sẽ hiểu hắn hơn nữa và sẽ đối xử với hắn, với vợ con hắn không đến nỗi nào. Tất nhiên hắn chẳng mong ông kỷ luật, khiển trách mắng mỏ cái làng kính trung gian ấy, nhưng ông sẽ không đến nỗi khắt khe với hắn như chính bọn “lăng kính”, bọn ông Lan, ông Quảng.

Nghĩ đến Ngọc bị đuổi học, nghĩ đến lời giải thích của ông Quảng về chuyện gọi Ngọc về để trông nom con cái và sự sửng sốt của ông Trần, hắn căm thù vị trưởng phòng đặc trách ván hoá phương phi, phúc hậu và nghĩ hẳn ông Trần đã thấy được hắn bị đối xử quá đáng như thế nào. Hắn tin ông Trần bắt đầu nhìn thấy sự thật. Sẽ thay đổi cách đối xử với hắn. Ông đã hứa với hắn về công việc, lại có sự giúp đỡ của ông Hoàng, hắn sẽ thuận lợi. Điều đó là tối thiểu. Hắn phải được hưởng điều tối thiểu ấy. Hắn muốn được giải quyết tận gốc cơ. Hắn có tội hay không có tội. Bản thảo hắn tốt hay xấu? Bởi thế hắn lễ phép nói với ông Trần trước khi ra về:

– Thưa anh, tôi rất cám ơn anh đã cho tôi được gặp, cho tôi được đi làm và các con tôi sẽ được vào đại học. (Phải nhấn lại một lần nữa những điều quan trọng ấy chứ). Tôi tha thiết đề nghị anh chỉ thị cho tôi xin lại bản thảo của tôi. Đó là tất cả gia sản, công sức mười năm lao động miệt mài của tôi. Thực sự tôi đã bị tịch thu tài sản.

Hắn nói với giọng đau khổ van xin cầu khẩn của một kiếp giun dế nhỏ mọn để tăng thêm sức thuyết phục, để lời đề nghị của hắn không hàm một ý hỗn xược, xấc láo nào có thể làm ông phật ý. Ông Trần gật đầu và nhiệt tình đáp:

– Được, anh cứ yên tâm. Bản thảo của anh là của anh.

Hắn thuật lại cho Bình nghe. Bình gầm gừ, uất hận:

– Đã đành phải nhấn mạnh với bọn ấy để chúng nó hiểu không phải chỉ cái xe đạp, cái áo sơ-mi mới là tài sản, nhưng bản thảo của mày không chỉ là tài sản của mày, đó là tài sản quốc gia.

Đụng đến điều ấy là Bình uất hận. Đó là chỗ nhạy cảm nhất trong thần kinh của anh. Anh lầu bầu:

– Bọn phá hoại văn hóa.

Điều ấy hắn cũng thừa biết, hắn còn nghiền ngẫm nhiều hơn, nhưng hắn không dám nói ra. Hắn sợ với cả Bình, sợ với chính hắn. Hắn sợ cứ nói thế thì đâm quen đi, mà muốn không nói thì trước hết phải đừng nghĩ. Hắn rụt rè với mọi người và đâm ra rụt rè với chính mình. Rụt rè cả trong suy nghĩ. Thực ra hắn rất muốn nói với ông Trần: “Tôi không xin anh sự chiếu cố, sự khoan hồng. Tôi chỉ muốn được hưởng luật pháp. Tôi xin anh một lời buộc tội”.

Đó là những lời thẳng thắn, là bản chất của sự việc, là sự chân thành và cũng là mục đích của luật pháp, mục tiêu của Sở Công an nữa mà sao nghe cứ như khiêu khích. Nên chỉ đến khi ngồi một mình hắn mới nghiền ngẫm vụng những câu đối thoại ấy trong chốc lát. Cho nó hả trong đầu tí chút. Rồi thôi.

Về đầu

 

Chương 56

 

Tiếng lành đồn xa. Chuyện hắn gặp ông Trần và những lời ông Trần hứa hẹn với hắn đã được nhiều người biết. Chắc chắn anh Thân và Bình là những người háng hái phổ biến tin này, kèm theo vài lời bình luận về sự giải quyết có lý có tình của thường vụ – tức là của ông Trần, cũng có nghĩa là hắn chẳng có tội tình gì.

Sau buổi đó ít lâu, nghĩa là đã bước sang năm 1975, năm được ghi vào lịch sử đất nước và lịch sử đời hắn như những cái mốc quan trọng: Năm toàn thắng ở miền Nam, năm hắn được đi làm. Một người bạn thân của anh Thân, một người quen hắn, yêu quí hắn, đến nhà hắn mang theo nửa ki-lô chè búp loại ngon nhất, một xếp giấy trắng, một mớ những bản báo cáo đã đánh máy, bảo hắn:

– Lãnh đạo thành phố cho ông đi làm rồi, phải không? Ông về chỗ tôi. Trong khi chờ đợi, ông giúp tôi! Tôi phải báo cáo điển hình ở hội nghị tổng kết của Bộ Lao động. Ông cố giúp tôi. Chè đây.

Và lấy từ trong túi ra nửa cây thuốc Tam Thanh.

– Thuốc đây.

Đó là món nhuận bút đầu tiên khi hắn ra tù, khoản thù lao của ông Thưởng, trưởng phòng lao động khu phố. Ông cũng là một người khét tiếng với những dư luận bao quanh như ông Ngoãn, trưởng phòng thủ công, em ruột ông Trần.

Người ta thêu dệt rất nhiều chuyện không hay về ông Thưởng. Chuyện ông ăn đút lót, chuyện ông giàu có, chuyện gặp được ông còn khó hơn gặp bí thư thành ủy. Chuyện ông gây khó khăn cho mọi người trong việc cấp giấy đi làm… vv và vv…

Có lẽ chỉ hai điều đúng thôi: ông không biết đi xe đạp. Và từ sáng sớm đã có nhiều xe đạp đón ông đi ăn sáng. Ai mời được ông ngồi sau pooc – ba – ga chở ông đi thì đã có thể vênh mặt lên với người khác được rồi.

Hắn chỉ thấy ông là người tuyệt vời. Ông trước đây cũng là một cộng tác viên của báo. Hắn không để ý gì đến ông. (Vì ông thì chẳng bao giờ có thể là nguyên mẫu cho một tác phẩm văn nghệ được. Phải là những công nhân lò nung, những người thợ cơ khí, những người gác đèn ngoài đảo xa). Nhưng ông Thưởng biết hắn, để ý đến hắn, quí hắn. Lòng quí mến của ông là hoàn toàn thành thật, không vụ lợi. (Hắn thì đem lại cho ông mối lợi gì mới được chứ). Ông quí hắn, vì ông có viết lách chút ít (một quí viết vài ba cái tin thôi). Ông thấy rõ cái khổ của nghề cầm bút và tài năng của hắn. Ông quí hắn, vì ông là bạn với anh Thân. Ông thương hắn, vì ông biết hắn chẳng có tội tình gì mà trong ông vẫn còn sót một chút đặc tính của dân tộc: Sự thương vay.

Hắn đỡ các thứ trong tay ông, cảm thấy mình trở lại làm người khi cầm xếp giấy và những bản báo cáo ông đưa hắn làm tài liệu. Có lẽ Ngọc nói đúng: Hắn có quí nhân phù trợ. Ông Thưởng – cái ông trưởng phòng không biết đi xe đạp và chỉ quen biết bình thường này – bỗng trở thành ngôi sao chiếu mệnh cho hắn. Hắn nghĩ: Đời hắn nếu không có ông Hoàng, ông Thưởng thì sẽ ra sao? Đã bao lần hắn nói: Trên có ông Hoàng, dưới có ông Thưởng. Đó là những người hắn mang ơn cứu mạng. Những người sống tết, chết giỗ. Đấy mới thật là những “người thay đổi đời tôi”.

Thỉnh thoảng đến thăm và cũng là để xem bản báo cáo viết đến đâu rồi, ông Thưởng nhắc lại:

– Ông về chỗ tôi làm. Về với tôi. Đời ông có khốn nạn thế này ông mới phải về với tôi. Chứ không làm sao tôi dám nói vậy.

Đó là những lời có thể làm người ta khóc được. Vì vẫn được đánh giá đúng. Vẫn được coi trọng. Và muốn vợi cho nhau khổ đau…

Hắn viết cho ông cái báo cáo về giải quyết lao động ở một khu phố. Đây sẽ là báo cáo minh hoạ, bổ sung cho báo cáo tổng kết của Bộ trưởng. Hắn lại lúi húi ngồi viết. Lại thức khuya khuya một tý. Lại pha trà. Lại đốt thuốc. Lại bơm thêm mực vào cái bút Pilot ngòi cánh sẻ bằng vàng 14 cara, người bạn trung thành không rời hắn suốt năm năm tù tội, theo hắn vào tù từ ngày đầu tiên, ở xà lim 76, xà lim 75, lên đến tận V. Q. Hắn viết báo cáo công phu như viết một truyện ngắn. Đó là sáng tác đầu tay của hắn trong khúc đời mới. Ông Thưởng ghé lại đọc những trang đã viết và rất hài lòng. Một đệ tử đèo ông bằng xe đạp đến nhà hắn, và đúng giờ hẹn lại đón ông. Hắn nghĩ hắn sẽ làm quân của ông Thưởng thôi. Có một thủ trưởng như vậy, còn ao ước gì hơn. Ông Thưởng bảo: ông đã đặt vấn đề xin hắn với tổ chức khu phố rồi. Tất cả đều ủng hộ. Ông Trần đã bật đèn xanh thì cứ thế mà làm, chẳng ai nghi ngại điều gì.

Hắn làm đơn xin việc gửi ông Thưởng. Xin vào chỗ ông Thưởng có một điều thuận tiện là chỉ cần lá đơn ấy thôi. Làm đơn xin vào nơi khác phải qua chỗ ông Thưởng, phải qua phòng lao động. Ông Thưởng nhận đơn tại nhà hắn, nói cả với hắn về dự kiến phân công nữa. Hắn mong quá. Mong từng ngày. Càng mừng càng mong. Càng mong càng sốt ruột. Năm ấy lại mưa dầm. Mưa xuân ảo não, thúc giục. Thứ mưa xuân mịt mù trời đất, tê cóng trong lòng. Những ngày mưa xuân đầu năm 1975, già Đô quần áo lên rêu cắm cúi trên những đống rác mà hắn gạp lần cuối cùng ở cửa nhà hát. Hắn đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Hắn sắp đi hết đoạn đường của hắn. Già Đô cũng sắp đi hết đoạn đường của già. Bằng cách của già. Bằng cách nằm phiêu diêu và thấy mình như tan đi…

Vào lúc đó cả miền Bắc bàng hoàng vì chiến thắng.

Khi quân ta bắt đầu chia cắt quân địch, bao vây Đà Nẵng thì hắn nhận được giấy mời ra đồn của công an khu phố. Hắn nghi ngại. Hắn cảm thấy có một điều gì rất xấu đến với hắn. Linh tính mách bảo hắn. Và hắn đã không nhầm. Đích thân ông Khuổng, thiếu tá trưởng khu công an tiếp hắn. Cái quân hàm thiếu tá, lại là thiếu tá công an, thời đó giá trị lắm. Ông thiếu tá có dáng cao, gầy răng trắng, sít nhau rất đẹp. Ông tiếp hắn như một thiếu tá trưởng khu tiếp kẻ phạm tội đã hết hạn cải tạo: Bề trên, nghiêm khắc, lạnh lùng, khinh khỉnh vv

Ông chỉ ghế cho hắn ngồi:

– Thế nào” Mấy hôm nay anh có nghe đài không?

– Thưa thiếu tá, có ạ. Tôi nghe tin tức qua cái loa ở Ngã Bảy.

– Phấn khởi chứ?

Câu hỏi ấy có nghĩa là: Bọn chống Đảng, bọn phản cách mạng các anh còn hoài nghi, còn mất lòng tin nữa không. Cách mạng đang tiến bước, những bước quyết định. Các anh đã mở mắt ra chưa?

– Thưa ông, phấn khởi ạ.

Sao lại không phấn khởi khi cuộc chiến đẫm máu kéo dài ba mươi năm có thể sẽ chấm dứt. Quả là không ngờ tình huống xảy ra nhanh như vậy cùng với phương châm chiến lược nổi tiếng của ta: “Thần tốc” và phương châm chiến lược nổi tiếng của Thiệu: “Tuỳ nghi di tản!”. Đã có lúc tưởng chiến tranh sẽ kéo dài như Nam – Bắc phân tranh thời Trịnh-Nguyễn, như cuộc chiến trăm năm của Pháp. Hy vọng đây là lần đổ máu cuối cùng. Để lại sống trong hoà thuận. Để người đất mũi Cà Mau và người vùng biên giới Lạng Sơn gặp nhau có thể vỗ vai nhau, gọi nhau là người anh em. Bởi vì chẳng bao giờ một người đánh cá Phan Thiết lại nghĩ phải đi giết chết người thợ sơn tràng Bắc Giang và ngược lại. Chiến tranh là kế tục của chính trị. Đây là cuộc chiến của hai ý thức hệ, của hai hệ thống, đã có những lúc tưởng không có ngày cuối cùng, cuộc chiến dài nhất thế kỷ này có thể sắp kết thúc. Để có thể chấm dứt canh vay tuổi quân, cảnh làng xóm vắng ngắt thanh niên, cảnh xương máu trộn với bùn đất Trường Sơn. Những bà mẹ khóc con, những người vợ trẻ goá chồng đã là nhiều quá rồi trên dất nước này. Chiến tranh còn kéo theo nó bao nhiêu thứ. Chiến tranh ắt phải có người bạn đồng hành: Tù đầy. Không thể nào khác được. Dù nó xảy ra ở đâu. Hắn khẳng định phát hiện của mình. Chân lý ấy hắn đã khám phá ra bằng chính cuộc đời hắn. Sau này khi nghe tin ở nước nào trên thế giới đang có chiến tranh, hắn nghĩ ngay đến những nhà tù tất nhiên phải có ở nơi ấy nghĩ đến rất nhiều người đau khổ và oan khuất bị lưu đầy tăm tối, dù màu da nào, dù chưa biết mặt, nhưng đều là anh em, những người như hắn đã âm thầm góp vào cuộc chiến cái quí giá nhất của đời mình: Tự do.

Chính lúc đang ngồi với ông Khuổng, hắn lại nghiền ngẫm và khẳng định “công lao” của hắn đã đi tù để đóng góp vào chiến thắng. Không ai có thể bác bỏ được điều ấy. Không ai có thể tước đi của hắn niềm tự hào nhục nhã hắn có. Ông Khuổng chuyển giọng:

– Hôm nay chúng tôi mời anh ra đây để thông báo với anh một việc.

Đó là giọng nói của nhà đương cục. Ông lạnh lùng nhìn hắn:

– Chúng tôi đã quyết định: Anh không được đi làm.

Hắn choáng váng. Lúc đó hắn choáng váng.

Nhưng sau này nghĩ lại hắn lại thấy đó là những lời thành thật, dễ nghe. Hắn vẫn thường ao ước được nghe một câu nói thẳng thắn của các ông công an:

“Tao giết mày đây. Tao đang giết mày”. Thế là gọi sự việc bằng tên của nó. Là sự thẳng thắn, thành thật. Không giả dối, không đạo đức giả. Dù sao cũng dễ chịu hơn nhịều so với giọng điệu bi thương: “Chúng tôi giúp dỡ anh, cảnh tỉnh anh, để anh khỏi trượt sâu vào con đường tội lỗi”. “Chúng tôi để chị Tuấn về không học nữa vì các cháu còn bé, không ai bảo đảm”.

Hắn ngồi lặng đi.

Đã nghĩ rằng việc gì cũng có thể xảy đến với mình mà vẫn cứ lặng đi. Những việc tốt đẹp thế làm sao lại có được. Bây giờ mới thật không ngạc nhiên về bất cứ vấn đề gì nữa.

– Thưa thiếu tá, anh Trần thay mặt lãnh đạo thành phố, thay mặt Sở Công an đã nói với tôi là tôi được đi làm ở cơ quan nhà nước, được làm những việc phù hợp với khả năng…

Hắn nói và đau khổ nghĩ rằng: Lẽ ra trong buổi gặp ông Trần hắn phải viết ngay vào một tờ giấy nội dung quan trọng ấy và xin ông Trần ký ngay vào đó. Dù như vậy có lố bịch đi chăng nữa, có biểu hiện thiếu lòng tin đi chăng nữa, bất lịch sự chăng nữa. Ông Khuổng không che giấu sự giễu cợt:

– Điều ấy anh đi mà hỏi anh Trần nhé. Còn tôi nói: Anh! Không! Được! Đi! Làm!

Ông nói dằn từng tiếng, để nhấn mạnh tính xác thực, trọng lượng của quyết định, giống cách nói của A Thềnh: Tôi! Không! Lậm!Cậm! Đâu! ông còn bồi thê-m một đòn nữa. Hình như ông đoán được hắn đang nghĩ gì.

– Tôi đã chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu không được ký giấy cho anh đi làm.

Đúng là lúc ấy hắn đang nghĩ đến ông Hoàng. Ông Khuổng không cho hắn đi làm, ông Thưởng chịu bó tay, nhưng ông Hoàng thì chẳng đời nào. Ông Khuổng là ai, hẳn ông Hoàng không biết tới sự tồn tại của ông. Hắn nghĩ là hắn vẫn được đi làm, bất chấp ông Khuổng không cho hắn đi. Nhưng điều ông Khuổng vừa nói làm hắn hoảng sợ. Đúng là hắn phải chịu ông. Ông Hoàng cũng phải thua ông. Tiểu khu không xác nhận, không ký vào đơn, phòng lao động không thể nào cấp giấy cho hắn được. Một đòn chết tươi, không thể chống đỡ. Cái gót chân Asin mà các ông ấy đã nghiền ngắm rất kỹ. Hắn chỉ còn một con đường: Chết trong khi sống.

Về đầu

 

Chương 57

 

Hắn không thể chấp nhận điều ấy. Hắn tìm gặp ông Trần, nhưng sao gặp được ông. Hắn vẫn tin rằng nếu gặp được ông Trần, mọi sự sẽ được giải quyết. Hắn bảo với những người thân:.

– Chính ông Trần đã đồng ý cho tôi đi làm mà ông Khuổng lại bảo thế.

Nhưng anh Thân lắc đầu:

– Ông Trần nói vậy thôi. Việc này là do chính ông Trần.

Hắn ngớ ra:

– Sao? Anh bảo gì?

Anh Thân cắm phẫn:

– Bố thằng Khuổng sống lại cũng không dám làm trái ý ông Trần.

– Nghĩa là…

– Nghĩa là ông Trần nói với chú thế thôi, sau đó ông Trần chỉ thị cho thằng Khuổng những việc ngược lại để nó làm với chú.

Hắn cố bám vào một dẫn chứng khác:

– Cũng có thể chỉ là bọn trung gian. Như nhà em đang đi học bị bọn Quảng, Lan gọi về dấy, ông Trần có biết đâu. Em nói, ông ấy cứ ngớ ra.

Anh Thân càng căm phẫn hơn:

– Cũng là ông Trần hết. Không có lệnh ông Trần, thằng Quảng sao dám tự tiện gọi thím ấy về. Bố bảo!

Lúc bấy giờ hắn chưa tin ngay lời anh Thân. Hắn chỉ ngờ ngợ thôi. Nhưng khi bình tĩnh lại, hắn suy xét và thấy anh Thân đúng. Nhất là sau này khi ông Bượng đã về hưu, ông nói với hắn hết. Đúng là mọi điều đều ở ông Trần. Sao ông ác thế Hắn không hiểu nổi. ác và xảo quyệt. Hắn chưa từng gặp một người như ông.

Nhưng vậy sao ông lại gặp hắn, hứa hẹn với hắn?

Hắn suy nghĩ và thử đi tìm nguyên nhân. Tại ông Hoàng, nên ông Trần phải làm động tác giả ấy. Cũng có thể đơn giản là ông muốn gặp hắn, nhìn con người đã bị ông hại, nhìn cái xác chết còn muốn gượng gạo ngồi dậy. Cũng có thể ông muốn tạo một dư luận tốt về mình trong thành phố, chuẩn bị cho kỳ đại hội Đảng tới. Ông thâm hiểm thế, nào ai biết được vì sao ông gặp hắn. Chỉ có điều chắc chắn là ông Khuổng không thù oán gì hắn chẳng bao giờ lại làm một việc ngu ngốc là chống lại ông Trần, chống lại lãnh đạo thành phố. Điều ấy rõ ràng như ông Khuổng không là một người điên vậy.

Đúng như hắn dự đoán. Ông Trần lên như diều. Từ giám đốc Sở Công an ông lên làm bí thư thành uỷ. Rồi ông lên trung ương, làm thứ trưởng. Ông đi thăm các báo. ảnh ông in trên trang nhất, ngay dưới măng-sét. Hắn hiểu đời hắn không còn chút hy vọng gì nữa. Và hắn buồn rầu nghĩ: Những người như ông Trần mà được tín nhiệm như vậy thì chẳng riêng gì đời hắn, đời bao người khác cũng không hy vọng nhiều nhặn gì đâu

Về đầu

 

Chương 58

 

Thế là hắn đã bị bịt kín mọi lối. Chỉ còn một chút ánh sáng ở con đường dẫn đến ông Hoàng. Lại một lần nữa hắn được gặp ông Hoàng ở nhà khách thành phố vào một buổi tối. (Gần như những dịp về công tác tại P, có điều kiện, ông lại gặp hắn). Hắn thuật cho ông nghe mọi chuyện, từ chuyện ông Trần tới chuyện ông Khuổng. Ông nghe và im lặng.

Hắn không thấy vẻ bực bội trên khuôn mặt nhân hậu của ông, mặc dù rõ ràng như vậy là những người cán bộ cũ của ông gây ra việc oan trái nhưng không chịu sửa. Hơn thế, họ còn quyết chống lại ông, tuyên chiến với ông. Hắn lo sợ, vì hắn, ông đã bị xô đẩy vào một tình thế khó xử. Hắn nhìn ông như người có lỗi.

Ông giở cặp, lấy bút giấy ra viết. Đó là bức thư gửi giám đốc, bí thư đảng uỷ xí nghiệp đánh cá, nơi ông đã dự kiến cho hắn về làm việc. Là thủ trưởng của ngành, việc ấy với ông không gặp khó khăn. Nhưng còn cái giấy của tiểu khu. Ông hiểu chuyện ấy. Có lẽ chính ông sẽ phải xuất tướng để giải quyết cái việc cỏn con mà quan trọng này. Người ta đi làm mà cũng không cho. Thật không thể hiểu được. Cuộc sống sẽ ra sao, chế độ sẽ ra sao, nếu những việc như vậy tiếp diễn, bất chấp đạo lý, dư luận và lý tưởng của Đảng… Đồng chí Tổng Bí thư nói nếu nhìn một phụ nữ đẩy xe bò mà trong lòng không xúc động thì không còn là người cộng sản nữa. Ông nghĩ tới điều ấy vì ông bỗng thấy mình đơn độc. Lòng con người với con người xơ cứng lại rồi. Người ta dửng dưng trước những đau khổ xảy ra với người khác. Hoặc ít nhất, người ta im lặng. Chẳng có bộ luật xử những người im lặng trước nỗi đau khổ của người khác. Nhưng phải thấy đó là điều đáng sợ đối với xã hội. Đó là sự đồng loã, là môi trường để cho cái ác phát triển”. “Thương người như thể thương thân”. Câu ấy không thấy nhắc lại nữa. Vì nó không mang tính giai cấp. Hay xã hội ta tốt đẹp, không có những con người đáng thương nữa?

Đôi mắt ông đượm buồn, và hắn biết hắn là nguyên nhân nỗi buồn của ông. Hắn đỡ lá thư ông vừa viết gửi lãnh đạo xí nghiệp đánh cá, nghe ông căn dặn, động viên. Hắn muốn quì xuống cám ơn ông. Ra về, hắn nghĩ về ông. Ông như một nốt nhạc lạc lõng trơng dàn nhạc. Hẳn nhiều lúc ông thấy mình rất cô đơn…

Ngọc không nói gì khi xem bức thư của ông Hoàng. Nàng lại thắp hương. Bên cạnh cái nhìn trần thế giờ đây nàng có cái nhìn xa vắng. Cái nhìn hướng về một nơi nào đó xa vời, thăm thẳm. Nàng bảo hắn:

– Mai anh xuống xí nghiệp, đưa thư của ông Hoàng đi. Ngày mai tốt ngày đấy.

Giờ thì Ngọc tính toán rất kỹ ngày tốt ngày xấu. Hắn đi về phía cuối thành phố, nơi đặt trụ sở của xí nghiệp đánh cá với bức thư của ông Hoàng. Và những kỷ niệm lại đến với hắn. Hàng phi lao, nơi đây một lần hắn đã mua mấy cân cá mực vào dịp mồng hai tháng Chín do anh thông tin viên của xí nghiệp đã làm sẵn hoá đơn. Hàng phi lao đã to thế này, nhưng hắn vẫn nhận ra nhờ khúc đường nhựa lượn cong và con lạch dẫn nước thải đen chảy về phía bờ sông. Hắn cân mực chính ở chỗ này, chỗ có cái cống này. Và bãi sú bỗng hiện ra. Một dòng sông mải miết trôi xuôi.

Những cánh hải âu bay lượn. Đó chính là điều hắn vẫn nghĩ tới những trong ngày đêm bị nhốt ở một lòng chảo giữa rừng. Hắn như ngửi thấy mùi thoáng đãng của biển cả.

Điều đó chỉ tăng thêm sự hồi hộp khi hắn tới gặp ông giám đốc, ông bí thư đảng uỷ để đưa bức thư của ông Hoàng. ở đây người ta đã biết mọi chuyện về hắn. Ông Hoàng đã nói chuyện. Họ nhìn hắn dưới góc độ của ông Hoàng. Thật vô cùng thuận lợi.

Ông trưởng phòng tổ chức tiếp hắn, tôn trọng, cởi mở và thông cảm. Thật khác với những ông trưởng phòng tổ chức được miêu tả trong các sách thời đó. Thời đó người ta bắt đầu chán kiểu viết xuôi chiều. Người ta viết và cũng muốn gai góc trong những điều mình viết. Bí thư đảng uỷ, giám đốc thì không dám đụng đến vì giám đốc đại diện cho chính quyền, bí thư đại diện cho Đảng. Đụng đến các ông ấy là đụng đến chế độ, là khốn khổ cả đời. Các ông ấy không thể có khuyết điểm nhất là khi đã được điển hình hoá trong văn học. Nếu có đáng phê bình thì chỉ có thể là “đồng chí quá thẳng thắn thành ra đôi khi hơi nóng nảy”, hoặc như Bình nói: “Đồng chí làm việc nhiều quá, khuya quá, ít chú ý giữ gìn sức khoẻ để làm việc lâu dài. Sức khoẻ của đồng chí không còn là của riêng đồng chí. Nó thuộc về nhân dân. Nó là tài sản của nhân dân. Tôi thẳng thắn phê bình đồng chí. Dù đồng chí có hiểu nhầm tôi, nhưng tôi có bổn phận…” Vậy thì đành lôi mấy ông trưởng phòng tổ chức ra hành, vì ông là lãnh đạo, nhưng chỉ ở mức độ nào thôi. Trên ông đã có những người mẫu về đạo đức, về trí tuệ, về tác phong. Đó là giám đốc, là bí thư, những người đại diện toàn năng cho chế độ.

Ông trưởng phòng tổ chức nói rất thành thật:

– Có chỉ thị trực tiếp của anh Hoàng, chúng tôi chấp hành thôi. Không có vấn đề gì đâu. Anh không phải lo lắng gì cả. Anh về làm cho chúng tôi cái đơn và giấy giới thiệu của phòng lao động khu phố.

ắn chết lặng. Hắn đã biết đó là thủ tục bắt buộc phải có, nhưng vẫn hy vọng mình được ngoại lệ, vì ông Hoàng giới thiệu và đảm bảo. Hắn càng hiểu cái đòn của ông Khuổng (thực ra là của ông Trần – Ông Trần đánh chưởng qua tay ông Khuổng) là hiểm. Ngón đòn hắn không thể nào đỡ được. Đứng trước ngón hiểm đó hắn chỉ có thổ huyết. Cuộc đấu này giữa hắn và mấy ông không đồng cân đồng lạng. Hắn đã bị đo ván, không gượng dậy được, mà mấy ông còn xúm lại chơi đòn hội chợ diệt cho đến chết. Biết rằng không bao giờ ông Trần cho hắn gặp nữa, nhưng hắn vẫn đến Sở, đăng ký xin gặp. Còn biết bấu víu vào đâu. Khi ông Khuổng nói: “Tôi chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu không được ký giấy cho anh đi làm”, thì chỉ có ông Trần mới giải được câu bùa chú đó thôi. Hắn không được gặp ông và hắn nghe tin ông đi học Nguyễn ái Quốc. Đó là cửa ải ông bắt buộc phải qua, là Vũ Môn để cá chép hoá rồng.

Một chút hy vọng mơ hồ, mỏng manh mà hắn cố nhen nhóm đã tắt lịm.

Thôi. Đành chết trong cuộc sống.

Về đầu

 

Chương 59

 

 

Tôi tin lời ông bác sĩ nào đó đã nói với Chủy, nhưng tôi nghĩ đó còn là vấn đề khác nữa. Đó chính là sự sống đã thắng cái chết. Cuộc sống mới đủ sức xoá đi những đau khổ cũ. Cuộc sống mới tuy còn cả lo âu và những khó khăn, nhưng có rất nhiều niềm vui lớn.

Hắn đọc lại một lần nữa những câu cuối cùng trong truyện ngắn Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương của hắn. Truyện kể về một chị công nhân xi-măng hoạt động bí mật bị Pháp bắt, tra tấn dã man. Đến lúc lấy chồng (một anh thợ lò nung) mỗi khi mang thai chị lại bị ngất và thai sẩy. Trong những lần ngất đi ấy những vết giày đinh phòng nhì Pháp giẫm lên chị năm nào lại hiện về rõ mồn một, tím bầm trên người chi những lỗ tròn nhỏ của đầu đinh, cái gót hình vành cung có cá sắt và cái mũi bè bè của đôi giày lính. Những vết giày đinh ở bắp tay, ở lưng, ở cổ, ở ngực chị. Chiến tranh qua đi nhưng cái bóng dáng ghê tởm của nó chưa chịu buông tha người ta ngay đâu. Sau nhiều lần sa sảy, cuối cùng chị cũng đã vượt qua được tất cả, cái mầm sống trong người chị cũng vượt qua được tất cả. Chị sinh con. Mẹ tròn con vuông. Và từ ấy những vết giày đinh trên người chị biến mất. Những cơn ngất bất thình lình biến mất. Ông bác sĩ bảo đó là sự chuyển hoá trong cơ thể người phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nhưng hắn nghĩ đấy là sự sống đã thắng cái chết, cuộc sống mới đủ sức xoá đi những đau khổ cũ…

Truyện viết lấy ý từ một cô gái Lâm Động, bí thư chi đoàn khi hắn từ báo T về Lâm Động viết bài cho số báo xuân. Cái chi tiết những vết giày đinh tuồng như bịa đặt, nhưng lại là sự thật với cô bí thư chi đoàn, cô gái cùng quê, bạn hắn. Thời ấy cứ cùng lứa tuổi cùng chí hướng gặp nhau là bè bạn…

Hắn nhìn lại dòng ngày tháng hắn đã ghi khi hoàn thành truyện ngắn. Năm tháng ấy chẳng gợi một ý niệm gì. Một ngày nắng hay một ngày mưa. Lúc viết xong là chiều, sáng hay đêm khuya. Chẳng làm sao nhớ được.

Ngồi mơ màng một lúc, hắn gấp mấy tờ giấy đánh máy lại, cho vào túi ni-lông đựng thư từ. Đó là những trang bản thảo của hắn còn giữ lại được trong số trên một ngàn trang đã bị tịch thu. Nhớ Phượng. Phượng đánh máy thêm một bản mà không ngờ đó là bản duy nhất còn lại đốl với chính người đã viết ra nó.

Hắn đọc Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương lần này là lần thứ ba. Ba lần đọc. Mỗi lần một ý nghĩ khác nhau. Đã đành “văn mình, vợ người”, nhưng hắn đọc lại không phẫi để thưởng thức, nhấm nháp văn chương của hắn. Hắn đọc để trở về quá khứ. Đời hắn bây giờ chỉ còn quá khứ. Truyện ngắn ấy như hắn nghĩ, nói được hắn. (Viết bao giờ cũng là sự tự thể hiện mình, dù viết về ai, về điều gì. Hắn lúc nào cũng tin như vậy). Nó nói được khát vọng của hắn, của mọi người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, niềm tin vào cuộc sống mới đó. Khi hỏi cung, các ông công an có vặn vẹo hắn về quan diểm, lập trường, nhìn đời den tối, kêu ca, bất mãn… hắn đã dẫn chứng phản bác lại bằng những trang viết của hắn mà các ông ấy đã tịch thu, trong đó có “Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương”. (Hắn rất muốn nói thẳng với các ông ấy rằng, hắn có quyền bất mãn với những cái xấu và sự bất mãn đó là tích cực, là cách mạng, nhưng không dám. Thôi, đừng khiêu khích các ông ấy làm gì).

“Cuộc sống mới tuy còn cả lo âu và những khó khăn, nhưng có rất nhiều niềm vui lớn”. Ngày xưa hắn thành thật tin như vậy. Bây giờ đọc lại hắn thấy mình quá ngây thơ. Nỗi đau còn quá nhiều. Nỗi đau còn quá lớn. Nó chỉ thay đổi vẻ mặt, thay đổi y phục mà thôi. Nhiều người đã nhận ra điều ấy, trong đó có hắn. Nhưng còn rất nhiều người chưa nhìn thấy. Lại có vấn đề “đôi mắt” .

“Đôi mắt ngày ấy còn là đôi mắt trẻ thơ mà đã bị qui là phản động rồi. Và đó chính là cái mày gọi là cuộc sống mới”. Hắn chua chát nghĩ. Hắn lẩm bẩm rằng chính bọn hắn phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra trái với những mục tiêu của cách mạng. Hắn cùng bao người đã thành thật ca ngợi cách mạng. Đẩy lên thành sự tô hồng. Rồi đẩy quá nhanh tốc độ của sự tô hồng mà thành thật tin rằng mình chỉ nói sự thật hoặc báo trước sự thật. Để sau này nhìn ra thì không hãm được nữa. Tốc độ ấy cuốn theo cả những người đã tạo ra nó. Bọn hắn vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Và hắn lại thấy đổ vỡ, trống rỗng. Một lỗ sâu hoác, không đáy. Cảm giác trống rỗng của thất vọng, của niềm tin sụp đổ. Thà cứ được là con chiên loá mắt trước Chúa, trước nước thiên đàng, còn hơn bỗng nhiên chẳng thấy ảo ảnh đâu mà chỉ có thực tế trần trụi. Và hắn bỗng nhớ tới Dự. Hẳn Dự cũng đã trải qua những cảm giác ấy. Cho dù có đơn giản hơn, nhưng vẫn là những cảm giác ấy.

Đó là những gì hắn nghĩ khi đọc lại truyện hắn viết lần thứ nhất…

Lần thứ hai hắn đọc để rồi đem đốt đi. Sau khi xuống xí nghiệp đánh cá trở về, hắn ra phòng lao động gặp ông Thưởng, hỏi ông về cái giấy giới thiệu đi làm. Ông Thưởng nói như người có lỗi:

– Thằng Khuổng hiểm quá. Nó rất cáo. Nó không dám đặt vấn đề với tôi, mà nó nói với tiểu khu chúng tôi không thể làm được hồ sơ cho anh. Đó là nguyên tắc.

Rồi ông tiếp:

– Tôi cũng đã xuống tiểu khu. Đúng là thằng Khuổng đã chỉ thị cho họ như vậy, nhân danh khu uỷ. Bậy bạ thế chứ. Tôi cũng ở trong khu uỷ . Khu uỷ nào có nghị quyết như vậy.

Hắn cũng đã làm đơn lên tiểu khu, xin được đi làm. Ông phụ trách tiểu khu nhìn hắn vừa như ái ngại, vừa như khinh bỉ:

– Hiện nay chưa có việc gi cho anh đi làm đâu.

Hắn nói rõ là có nơi nhận hắn. Ông tiểu khu như đã biết mọi chuyện:

– Đâu thế mà được. Cơ quan, xí nghiệp nào cần người phải có chỉ tiêu về phòng lao động. Phòng lao động phân bổ cho các tiểu khu. Trên cơ sở ấy tiểu khu mới tuyển. Anh hiểu không? Không thể làm sai nguyên tắc được.

Hắn lại xuống xí nghiệp, chầu chực gặp ông trưởng phòng tổ chức. Ông trưởng phòng tổ chức khẳng định một cách rất vô tư rằng không có giấy của phòng lao động thì không thể tiếp nhận hắn dù có chỉ thị trực tiếp của Tổng cục trưởng.

– Với lại tôi cũng không giấu anh làm gì. Bên an ninh họ can thiệp vào chuyện của anh dữ lắm. Chưa đâu vào đâu, họ đã xuống đây hỏi han, dò xét và nói dứt khoát anh chỉ đựợc đi lao động.

Hắn chân tình nói với ông Thưởng:

– Tôi biết anh đối với tôi rất tốt, nhưng việc này ngoài ý muốn của anh. Tôi chẳng bao giờ quên được tình cảm của anh dành cho tôi.

Hắn hoàn toàn tuyệt vọng. Nguyền rủa cuộc đời, nguyền rủa số phận, nguyền rủa những người rượt theo đánh hắn khi hắn đã ngã gục, hắn quyết làm lại từ đầu. Hắn phải quên hắn đi. Phải chính mình cũng không biết mình là ai như già Đô đã làm. Cài trái cửa, hắn lấy bộ quần áo tù ra ngắm nghía, mặc vào người và đứng trước gương. Tấm gương tây vuông vắn mà thằng Hiệp đánh vỡ hồi nó lên ba, hắn giữ lại mảnh to nhất, vẫn dựng trên bệ lò sưởi. Trong mảnh gương vỡ, một anh tù CR 880 viết bằng sơn đỏ trên ngực. Chiếc quần dải rút xám, số đỏ ngang đùi CR 880. Đây mới thật là hắn. Là cái cuộc đời dành cho hắn. Là cái đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại cùng với hắn. Thành thật thú hết tội lỗi còn giấu giếm hoặc chưa nói hết. Thật thà tố cáo tội lỗi của đồng phạm và bọn phản cách mạng mà mình biết dù chúng đã bị bắt vào trại hay còn ở ngoài xã hội…

Nội quy đấy. Nào. Thử xem còn thuộc nội qui không. Hắn lẩm nhẩm trong óc và lẩm nhẩm thành lời lúc nào chính hắn cũng không biết.

Điều 8. Không được trao đổi tội lỗi cảa mình với người cùng giam. Không được trao đổi khi đi khai cung về hoặc nói những điều đã khai cho người khác biết.

Điều 9. Cấm mang vào trại những loại kim khí, dao, que sắt, vật nhọn sắc, gạch đá, dây thừng, thuốc nổ, dây cháy chậm, mìn, kíp mìn, các loại chất độc nước hay bột, quần áo bộ đội, cảnh sát, rượu, thuốc phiện. Không mang vào buồng giam những loại giấy bút, sách vở, diêm, bật lửa, dao cạo râu nếu không được phép của ban giám thị.

Điều 10. Không được lén lút mang giấy thông hành, chứng minh thư, các loại giấy chứng nhận khác, tiền nong vàng bạc vào trại. Ai có tiền, vàng bạc phải ghi lưu ký, lấy biên lai. Nêú có thể thì cho gửi về gia đình.

Điều 11. Không được tự ý đổi chỗ nằm và đi quá phạm vi đường cấm qui định ở trong trại. Không được sang khu vực khác, buồng khác. Không được đứng hát, nói chuyện, gọi tên người khác cùng giam ở khu vực khác trong trại. Không được tự ý mở cửa sổ con ở buồng giam riêng (xà lim).

Điều 12. Không được dùng bất cử hình thức gì để thông cung liên lạc giữa người nọ với người kia ở trong và ngoài trại.

Điều 13. Không được chuyển thư từ đồ vật cho bất cứ ai…

Hoá ra hắn vẫn nhớ rất rõ từng điều trong bản nội qui. Thì đã bao đêm mất ngủ, hắn cứ đứng ở buồng giam, trước cái bể đựng nước uống, cạnh chỗ nhóin trung tâm nằm, nơi sạch nhất, xa nhà mét nhất, thoáng đãng nhất, học 37 điều nội qui ghi kín một bức tường. Không phải một mình hắn. Nhiều người nữa. Đứng im lặng trong đêm khuya dưới ánh điện vàng vọt lầm rầm như người cầu nguyện. Đứng im lặng ở lối đi giữa hai sàn gỗ, hai bên là hai dãy màn thấp sít nhau. Lúc thì tất cả buồng như thiếp đi. Lúc rộ lên những tiếng mê sảng: “Khéo ngã! Khéo ngã! Con!”. “ối giời ơi! Lạy các ông. Đau quá! ự. ự”. “Mẹ ơi! Con ăn nhé!”. Lạ nhất là mọi người cùng thi nhau nói mê một lúc. Rồi những tiếng lầu bầu, tiếng nghiến răng, tiếng thở dài, chóp chép mồm khi trở mình. Và lại im bặt cùng một lúc. Những khi tù vào nhiều (thường là trước Tết) phải nằm ngủ dưới nền xi-măng ẩm ướt gầm sàn, chân thò ra cả chỗ người đứng học nội quy, nơi ấy có một rãnh nước chạy dọc buồng giam.

Chỗ trước bể nước ấy lúc nào cũng có nhiều người đứng. Đứng một lúc tê chân lại về chỗ, chui vào màn. Nằm ê ẩm lại ra đấy đứng. Đứng đó khi đã có kẻng cấm là phạm nội quy. Nhưng đứng đó học nội quy thì được, thì không phải là vi phạm nội quy. Và dù bất kỳ lúc nào dậy ra đấy lẩm nhẩm “sôi kinh nấu sử” cũng thấy hai ảnh tù trực ca ngồi giữa buồng giam. Cạnh cái sọt đựng điếu cày, gục đầu xuống gối im lặng. Hắn quên nhiều thứ. Trí óc hắn mụ mị, nhưng những điều trong bản nội quy hắn vẫn nhớ rành rành vì nó nhập tâm rồi! Hắn còn nhớ những điều ấy được viết như thế nào trên tường, đến chữ nào thì xuống dòng, chữ nào đã tróc sơn. Hệt như hắn vẫn nhớ cả tranh vẽ minh hoạ đi kèm theo những bài học trong các sách “Đồng ấu”, lớp Dự Bị khi hắn mới lên bảy, lên tám đi học ở trường làng và giờ đây vẫn có thể đọc thông một mạch: “Năm nay tôi lên bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé…” “Thầy bảo anh Xuân đọc. Anh đứng dậy, hai tay cầm quyển sách…” Hay Nhà ga. “Nhà ga là nơi xe lửa đậu để cho khách lên xuống. Ga nào cũng có chỗ bán vé, chỗ cân hàng…”

Hắn phấn khởi vì trí nhớ hắn vẫn khá, dù chỉ khá ở mặt nhớ nội quy nhà tù. Và hắn lại tìm cách thử trí nhớ một lần nữa. Hắn tự bảo: Không đọc thứ tự Đọc thứ tự thì ai chả thuộc. Đọc ngay điều 25 Cấm ăn những thức ăn thiu, sống, rau sống quả xanh và các thứ mà ban giám thị cấm. Đúng! Điều 18 Cấm không được tự ý sửa chữa quần áo của trại phát hoặc cho mượn. Đúng rồi. Nhân đôi lên xem nào 18 nhân 2 là 36. Điều 36! Bị can là phạm nhân nào vi phạm nội quy này tuỳ theo mức dộ nặng nhẹ mà xử lý theo các hình thức sau:

– Cảnh cáo ghi hồ sơ.

– Đình chỉ viết thư, nhận quà có thời hạn.

-Phạt giam buồng riêng. Cùm một chân từ l đến 7 ngày.

– Truy tố trước pháp luật.

Đọc luôn điều 37 đi. Điều 37. Điều cuối cùng. Chính dòng này chữ M hoa ở đầu câu bị tróc sơn đây. Mỗi bị can và phạm nhân được vào trại trong vòng hai ngày phải học tập nội quy này để nghiêm chỉnh chấp hành, tuân theo.

Rõ ràng thừa chữ được. Được bị bắt. Được vào trại giam. Được đóng thuế. Được đi dân công. Nhưng đứng ở góc độ nào mà phân tích thì chữ được dùng đúng, chứ không sai đâu, không thừa đâu. Được vào trại giam nghĩa là được cứu vớt, được ngăn chặn. Để khỏi mắc những tội to hơn, khỏi phải tù lâu hơn. Đó là vì lợi ích chính mình. Được đóng thuế xây dựng đất nước. Đất nước của ai? Của mình. Đóng thuế là xây dựng cuộc sống cho chính mình. Đây là vấn đề chỗ đứng. Là lập trường. Có lập trường đúng mới phân biệt được hiện tượng với bản chất. Cùng là hiện tượng đóng thuế nhưng khác nhau về bản chất. Cùng là việc đi phu, nhưng với ta là nghĩa vụ công dân. Cũng là hiện tượng đi tù. nhưng khác nhau về bản chất. Mình đi tù cho chính mình. Vì tương lai của mình. Mà cũng không phải là đi tù. Đấy là đi cải tạo. Chính xác lắm. Không cãi vào đâu được. ở nước ta ai cũng là nhà ngôn ngữ học.

Tự tra khảo mình về bản nội quy, lan man sang chuyện chữ nghĩa, hắn lại lấy thư ra đọc. Thư con Nguyệt năm nó lên 6 tuổi. Thư đầu tiên của Ngọc gửi vào xà lim 76 báo tin Ngọc mang bầu thằng Dương. Thư ông Chân gửi vào trại cho hắn. Và đọc lại Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương một lần nữa. Rồi đốt. Phải chặt bằng được quãng đời trước quăng đi. Quên đi. Đừng luyến tiếc làm gì. Hắn đưa xếp giấy đánh máy bản thảo vào gần ngọn đèn không có thông phong. Tay hắn run lẩy bẩy. Một góc giấy bắt lửa. Hắn nhìn ngọn lửa vàng đang liếm vào góc giấy mà thấy người bỏng rát lên như chính hắn đang bị đốt cháy. Mồ hôi đầm đìa, hắn vội vàng lấy – cả bàn tay ấp lên lửa. Hắn gục đầu im lặng.

Hôm đó nhà vắng. Ngọc đi làm. Lũ trẻ đi học. Bé Dương về quê với ông bà từ tuần trước. Hắn xem lại những trang bản thảo. Ngọn lửa mới bắt vào phần lề. Cũng có trang mất ít chữ.

Hắn hiểu rằng hắn vẫn cứ là hắn. Chẳng thể nào khác được. Chẳng thể nào đốt cháy quá khứ thành tro. Chẳng thể nào thay hết máu trong người, thay cả tim, cả óc. Không thể đầu hàng. Hắn bỗng nhớ đến già Đô và nghĩ: Không biết già có đầu hàng không? Hay chỉ thua thôi. Đi trên đường phố hắn để ý tìm bóng dáng quen thuộc của già, nhưng không thấy. Hắn đau xót nghĩ: Có thể già đã chết rồi. Đám ma già có những ai? Có đông bằng đám ma Xìn Cắm, đám ma Ôtenlô không?

Hắn đang định bàn với Ngọc, bán mấy cân mì lấy tiền đi Hà Nội gặp ông Hoàng, thì Bình tới. Bình bảo Bình nhận cho hắn một suất hợp đồng với nhà xuất bản về tập sách những điển hình tiên tiến, mà trong đó không thể thiếu được người gác đèn biển. Hắn viết cái bút ký về người gác đèn. Hắn đọc Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương một lần nữa để tìm lại cái hơi văn đã quên đi.

“Kỷ niệm về biển, kỷ niệm về người”. Anh Lê. Bình xuýt xoa với cái tít.” Khá quá. Mày vẫn là thằng đặt tít vô địch”. Không phải ngẫu nhiên có cái tên ấy đâu Bình ơi. Biển chỉ còn là kỷ niệm. Người cũng chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm xa vời và đã chết hẳn rồi. Hắn viết. Say mê. Dồn nén. Không giống cái truyện ký trước cũng viết về người gác đèn, nặng về thuật thành tích, đây là những khao khát khi còn đang trong lò lửa luyện đan thèm một ngọn gió mát rượi hơi nước từ chân trời thổi đến. Là hôm đi lấy than trong rừng ở trại QN, nhìn thấy hai cô gái Mán váy áo hoa văn sặc sỡ, vòng bạc sáng loá, lông mày cạo nhàn nước da vàng vọt, bỗng nhiên thấy xao xuyến, hiểu rằng một nửa thế giới là phái đẹp và mình đã đánh mất cuộc đời. Là hôm lấy phân xanh ở VQ, tự nhiên nghĩ tới con cá mòi khô và ao ước nhặt được nó trên đường. Bài viết có con chim hải âu bị chém cánh bay đến thả mình cạnh nhà đèn. Anh gác đèn nhận ra nó giữa hàng trăm nghìn con hải âu khác. Có nỗi nhớ cồn cào một bàn tay bật công-tắc điện những lúc nhá nhem để căn buồng sáng bừng lên… Hắn viết và biết rằng đây là lần cuối cùng hắn còn viết được, viết hay. Hắn như bị hút vào trang giấy.

Và cũng trong một đêm khuya ngồi viết, hắn bỗng cảm thấy Ngọc đứng sau lưng. Hắn ngửa người về phía sau, chạm đầu vào ngực nàng. Nàng ôm lấy đầu hắn. Hắn nói như người bị bắt quả tang đang làm một việc xấu xa:

– Anh chỉ viết lần này nữa thôi.

Ngọc nói, thương xót:

– Không hay gì cái nghề này đâu. Nó đã làm chúng ta khổ cả đời rồi.

Hắn viết rất nhanh. Chưa đầy một tuần lễ. Vừa nháp vừa chép lại. Bình kêu lên:

– Trong sáng quá. Tao không ngờ mày vẫn trong sáng như vậy.

Bình ơi! Lòng chúng ta có bao giờ không trong sáng. Có bao giờ chúng ta không yêu mến con người. Có bao giờ chúng ta căm ghét cuộc đời này. Có bao giờ chúng ta thù ghét ca dao Bình nhìn tên tác giả: Anh Lê. Anh bảo:

– Đến một lúc nào đó phải công bố đây là sáng tác của mày. Phải trả cho Xêda những cái gì của Xêda.

Có biết bao Xêda trên cuộc đời này. Hắn phải viết văn chui, đội cái tên phải đổi của Bình. Bình phải đổi tên. Anh Lê. Và Lê Bàn thì đang cố làm cho tên mình xuất hiện ở mọi nơi để nó trở thành quen thuộc. Báo tường ở tiểu khu. Vài dòng lượm lặt gần xa đăng ở góc trang về những ai béo nhất thế giới, ai nhổ nước bọt xa nhất thế giới. Bình được nói rõ: Vẫn được in nhưng phải đổi tên. Còn Bàn thì không ai nói gì. Người ta chỉ không in của anh thôi. Tức là một án treo lơ lửng. án treo có cái nguy hiểm là người ta lảng tránh anh như ngày nay người ta xa lánh người bị bệnh AIDS nhưng cũng có cái lợi là không chính thức tuyên án. Anh tận dụng điều này. “Nụ cười”, “Lựợm lặt gần xa”, ý kiến bạn đọc yêu cầu không vứt chuột chết ra đường. Ký Lê Bàn. Tiến lên viết những bài nếp sống văn hoá mới trên đài phát thanh. Cái loa Ngã Bảy thỉnh thoảng lại vang lên những bài của Lê Bàn dạy mọi người cách chào hỏi, cách cảm ơn, cách xin lửa hút thuốc lá, cách vào bệnh viện thăm bệnh nhân. Dù đang khốn nạn nhưng vì cái tính hài hước chưa chết hẳn, hắn bảo Ngọc và lũ trẻ:

– Im. Nghe bác Lê Bàn dạy mọi người cách hỏi thăm đường…

Chương trình “Phục hồi nhân phẩm”của Lê Bàn còn kéo dài kiên trì, dai dẳng.

Phải nói Lê Bàn có một khả năng vô tận về mặt này. Tiến lên một bước cao hơn, anh viết bài dự thi do Mặt trận Tổ quốc tổ chức. Giữa những bài viết của các vị hoà thượng, linh mục, các nhân sĩ, vàn chương anh cứ lấp lánh lên. Anh trúng giải và so với các vị cai quản các xứ đạo các thượng thư triều Nguyễn, anh còn là con nít. Anh ăn thêm một giải nữa, giải dành cho những người viết văn trẻ vì anh chưa đến sáu mươi hai. Trong thời gian ấy anh vẫn viết chui, đứng tên những người mới viết. Giao dịch với nhà xuất bản là họ, lĩnh nhuận bút là họ, anh được một phần họ đưa cho. Đã có người nhờ anh mà trở thành tác giả quen thuộc, những uỷ viên chấp hành chi hội văn nghệ địa phương. Làm thuê cho những tác giả mới, anh có giọng văn của người mới viết, anh biết phải viết như thế nào trong một đoạn để nhà xuất bản có thể góp ý yêu cầu sửa chữa.

Hẳn là có nhiều Xêda. Những gì phải trả cho Xêda hẳn là không ít. Nhưng đến bao giờ điều ấy được thực hiện? Nó quá xa vời, nó huyền viễn theo cách nói của bố.

Bình đánh giá cao sáng tác mới của hắn, nhưng hắn lại coi là một thứ tầm phào. Ai cũng viết được cái hắn vừa viết xong. Hắn vẫn có tật ấy. Suy nghĩ về những điều đã viết và thể hiện nó trên giấy giống như một trò thi đấu thể thao. Thích thú. Say sưa. Và như mê mụ đi. Nhưng tới khi viết xong thì chán. (Khi in xong lại càng chán nữa). Chán mình vì mình chỉ làm được có vậy. Thấy rõ khả năng hạn chế của mình. (Rổi đi tuyên bố sẽ bẻ bút, không viết nữa để bị kết luận là bất mãn và biến thành tội phạm).

Đưa bản thảo cho Bình, hắn coi như việc ấy đã kết thúc. Giờ đây có mong là mong sách in ra để được ít đồng nhuận bút. Bài này nhà xuất bản có tính mạt hạng cũng phải trên trăm đồng. ý nghĩ ấy động viên hắn nhiều hơn.

Về đầu

 

Chương 60

 

Rừng lại đang ở trước mặt hắn. Không phải một khu rừng thông thường. Rừng già QN đang ở trước mặt hắn. Hai năm sống ở QN hắn chỉ nhìn thấy nó từ góc độ đứng trong lòng chảo của trại. Hôm nay đi từ dốc U vào hắn nhận ngay ra nó. Một dải xanh thẫm, chất ngất, nhấp nhô, uyển chuyển giàng hàng, trùng điệp. Hơi nước, hơi sương hay mưa bụi mờ mờ. Những sắc độ thẫm nhạt tuỳ theo nhưng đoạn uốn lượn của rừng. Rừng già nào chẳng vậy. Thế nhưng dù lần đầu tiên đi từ phía U này, lần đầu tiên từ góc độ ấy, hắn vẫn nhận ra nơi hắn ở trong lò nung luyện. Bên kia nếp rừng lượn này là lòng chảo đã lưu đầy bọn hắn, ở nơi ấy rừng vút lên bốn chung quanh, ở nơi ấy Dần khi ngồi lê nhổ cỏ đã hỏi hắn:

– Thế này là làm cỏ vê đây phải không?

Hắn đã nói về từ corvée mà ta phiên âm là cỏ vê dùng để chỉ một công việc khổ sai. Chẳng cứ gì nhổ cỏ, chẳng cứ gì trong tù, ngoài đời cũng có bao người phải làm cỏ vê.

Đỉnh núi chất ngất kia là nơi Sáng đã ở năm ngày liền khi trốn trại mà không sao vượt được. Chỗ nào cũng có người, có chó. Và những viên đạn đã lên nòng. Cứ lối này đi vào là đến trại cá. Nhà bò ở phía bên kia. Chỗ Gò-Thằng-Công đi xuyên qua một rẻo rừng, một nương sắn, tới cái dốc xoai xoải cạnh tường rào trại, Lê Bá Di đã cho hắn bãi cứt trâu ở đó. Còn lối ra trại, lối ấy qua lò vôi, tới một con đường rải đá đối xứng với con đường hắn đang đi tới. Hắn đã mấy lần đi lối ấy. Một lần từ 75 đi vào. Một lần từ đó về 75, tưởng được tha. Rồi lại từ 75 trở lại, sau mấy ngày nằm khàn ở 75. Một lần nữa đi ra, khoá chung tay với già Đô, ngược lên VQ.

Hắn vừa đi vừa nhớ lại. Đường mòn ăn vào bìa rừng xoai xoải. Cỏ quệt vào chân. Lá cây vờn ra, có những cành tưởng đánh vào mặt làm hắn quay vội đi tránh theo phản xạ tự nhiên.

Một bên là rừng cao vút. Một bên là suối. Suối QN không trộn đi đâu được. Nước trong và cạn. Chảy nhanh trên những hòn sỏi, hòn cuội như xếp ở đáy suối. Những hòn đá to rải rác rẽ nước làm hai. Những cây cao bên bờ xoè tán lá. Thấp thấp bên suối là những cây vú bò, cây lưỡi hổ, mua và dương sỉ.

Lần theo con suối này sẽ đến được khu nuôi cá. ở đó có một người tù huyền thoại mà hắn đã gặp một lần cách đây ba năm, khi hắn được làm chân coi vườn. Trời ở đó rộng ra. Đất ở đó rộng ra. Núi thấp dần khiến có cảm giác rừng như nới rộng vòng vây. Một mình hắn từ vườn trong đi tới. Nghe rõ tiếng chân dội vào rừng. Hôm ấy là chủ nhật. Chặt ít cải bắp cho bếp trại và hái nửa lồ su su cho bếp cán bộ, hắn về bếp lấy cơm. ăn xong, lẽ ra cầm màn xuống suối đơm cá, hắn băng rừng về phía trại cá, về phía người tù huyền thoại.

Hăm hở quên cả mệt nhọc, quên cả thân phận tù đầy hắn đi và nghĩ đến Cần, người tù lâu nhất nhì trong cả nước. Người tù cùng một trại nhưng mấy ai biết mặt. Anh ta cũng giống như châu úc hồi đầu thế kỷ người ta nói đến mà không đi đến bao giờ. Hắn chỉ biết anh ta người miền trong. Họ Ngụy Như, một dòng họ nổi tiếng. Anh ta tù từ ngày đầu chống Pháp. Trước cả Nguyễn Văn Phố. Anh ta không có khái niệm gì về mậu dịch, về tem phiếu, những sản phẩm của chế độ đến với từng người mà thiếu nó cuộc sống không còn là cuộc sống. Khi lên trại VQ hắn mới biết tiếng tăm của Cần vượt khỏi trại QN đến tất cả các trại. Bao nhiêu người hỏi hắn:

– Anh có tù với Ngụy Như Cần không?

Dự còn vênh mặt lên:

– Tôi cùng một toán với Ngụy Như Cần, ở với Ngụy Như Cần mãi đây.

Dự bốc phét đấy. Thấy người sang bắt quàng làm họ đấy. Dự chưa hề cùng toán với Cần. Khi Dự từ Phố Lu về đây thì Cần đã trông trại cá rồi. Dự nhận vơ thế để cho oai, để được anh em kính nể.

Người ta nhắc đến Cần vì Cần vượt ra ngoài khuôn khổ. Cần là tận cùng của sự chịu đựng. Là nguồn an ủi cho những ai sa vào tù tội. Cần như ngọn đèn Long Châu xa xôi, mù mịt tít chân trời đêm đêm toả sáng mà những người gác đèn rải rác cửa sông trong này hướng về để tự động viên mình. Có ai tù lâu như anh? Hai mươi ba năm. Không gia đình. Không người thân thích. Anh vẫn sống. Mỗi người tù ít nhiều đều nhận ở anh một nguồn sức mạnh động viên, một lời an ủi mà anh không biết.

Anh lại càng được nhiều người nhắc đến vì gần như không ai biết mặt anh. Vì những con lợn rừng anh bẫy được khiêng về sân cơ quan, những gánh cá tươi rói gánh về bếp cán bộ, những con rết to bằng cái đũa cả dài hơn gang tay bò dựng đứng lạo xạo trong những cái chai cán bộ xách từ chỗ anh về để ngâm rượu. Người ta bảo anh là gián điệp Pháp. Có người lại bảo là người của Mỹ, nắm mạng lưới tình báo cả miền Trung. Có người bảo anh đã vận động thanh niên chống lại cách mạng… Nhiều tin. Khác nhau. Nhưng giống nhau ở một điểm: Anh chống lại cách mạng. Và không được xử. Hẳn những người bắt anh cũng không ngờ sẽ giữ anh lâu đến thế. Và anh cũng không ngờ anh bị tù lâu như thế.

Hắn đến gặp anh. Vượt qua một cánh rừng. Tới con suối bên kia rừng. Là cứ xuôi theo suối. Vừa nhô ra khỏi vạt rừng, bắt gặp con suối chặn ngang, con suối dẫn tới Ngụy Như Cần, hắn bỗng khựng lại vì suýt vấp phải đàn bướm. Một dải bướm vàng bay ngang qua mặt hắn. Hàng triệu con bay dọc suối. Những cánh bướm màu hoa cải như một dải lụa dập dờn trên không trung uốn lượn theo con suối ngoằn ngoèo. Nó từ đâu trôi tới và còn đi đâu nữa. Nó trôi giữa những hàng cây bên suối cành lá khum khum làm thành một đường hầm. Nó cong xuống sát mạt suối để tránh một tán cây xoè ngang. Nó bốc lên vì một cành cây khô gẫy nẳm chỏng chơ trên suối. Những cánh bướm vàng tươi, mỏng manh giống hệt nhau bay theo một hướng như trảy hội, quấy động không khí, lấp lánh lấp lánh trên nền xanh đen nghiêm nghị của rừng.

Im lặng quá.

Như không có cả tiếng suối chảy róc rách. Như một huyền nhiệm của vũ trụ, như sự bình yên thuở sơ khai. Và như một lời trách móc đối với hiện tại. Lời trách móc của quá khứ gửi về hiện tại. Hắn đứng nhìn đàn bướm, những cánh bướm xinh đẹp, mỏng manh giống hệt nhau diễu qua và bước theo chúng. Đàn bướm dẫn hắn đi mãi theo suối. Chúng bay như đã có một chủ định, náo nức và kỷ luật. Không một con nào đỗ lại dọc đường. Rõ ràng chúng phấn khởi với nhiệm vụ rừng giao: Dẫn hắn đi dọc suối. Dẫn hắn tới một người đã biến thành cổ tích ngay khi đang sống.

Đã tới cái đập ngăn dòng suối. Hắn biết sắp tới trại cá. Nước dâng cao, mặt nước rộng ra, trong leo lẻo, hút về một con mương nhỏ xẻ dọc sườn núi. Đó là con đập dẫn nước đến những ao cá. Trời ở đây như rộng ra. Vì núi thấp xuống. Vì cây cối bị đốn quang. Hắn đã nhìn thấy bảy cái hồ hình bậc thang nối tiếp nhau. Đó là ao cá. Là nơi Cần ở. Là sào huyệt của Cần. Như vui mừng vì đã dẫn hắn tới nơi, đàn bướm vàng tản ra, loãng ra, quẩn lại toả trên bầu trời rộng như một đám mây vàng lớn để chào từ biệt hắn. Rồi chúng thu lại, đậm đặc lại thành một dòng suối vàng lơ lửng chui vào tán lá rừng, trôi trên dòng suối bạc, lẩn mình trong đó.

Hắn đã tới được nơi con người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Những ao cá vuông vắn ăn vào sườn núi, chạy dài, nối nhau, công sức của những người tù đã vạc núi, khiêng đá, làm đập, xẻ mương… Nước róc rách tràn từ ao nọ xuống ao kia theo những cửa xây. Ao cao nhất nhận nước từ suối qua một con mương nhỏ, chảy xuống những ao dưới. Đó là một phương pháp thay nước để nước luôn có ô- xy. Những đàn cá rô phi, cá mè… ăn nổi, miệng ngớp ngớp, đứng xa nhìn như những giọt mưa rơi.

Lại càng tĩnh lặng.

Khi đàn bướm đã mất hút trong ngàn, lại càng tĩnh lặng.

Nhà người coi ao cá đặt ở trung tâm, gần ao thứ ba, thứ tư. Hắn đã nhìn thấy ngôi nhà con con dưới gốc cây lim to còn sót lại. Cạnh đó là mấy luống rau mà khi tới gần hắn thấy một nửa là su hào, cải bắp, một nửa là rau muống đầu mùa. Hắn bước tới căn nhà – nửa nhà nửa lều ấy. Không có một ai. Có thể anh ta đã vào rừng. Hắn đứng nhìn quanh. Và hú. Có tiếng chim ríu rít vọng lại, rồi một tiếng hú trả lời. Hắn nhìn về nơi ấy, một lùm cây nhỏ rậm rạp ven rừng. Lại một tiếng hú từ đó. Một đàn chim từ đó bay lên. Và một người rẽ lùm cây đi ra, bước về phía hắn, dáng đi quen thuộc của những người tù vừa đi vừa chúm miệng thả vào không trnng những tiếng chim thánh thót. Đàn chim rừng ríu rít lượn trên đầu anh ta bay theo anh ta tới giữa ao cá mới vút vào rừng. Đó là một người xương xẩu, cao lớn. Hắn khung xương anh ta rất to. Và anh ta có một sức khoẻ kỳ lạ để chịu đựng nhiều năm tháng đến thế. Nhưng cũng phải nói điều ấy là nhờ trại. Anh được trại giao công việc sao cho có thể sống đến ngày về. Tóc bạc, râu đã hoa râm, mắt lờ đờ, nhưng hàm răng còn tốt, trắng đều. Đấy mới thật là điều lạ. Hắn nhìn dòng chữ số đỏ trên ngực áo và ống quần anh ta: AB077. Nghĩa là đã qua Cổng Giời trước tất cả mọi người hắn gặp. Người ấy nhìn hắn:

– Lấy cá à? Giấy đâu?

Giọng miền Nam khiến hắn lại nhớ đến anh tù cắt tóc cho hắn hồi còn ở xà lim 76.

Người ấy là Ngụy Như Cần. Hắn lắc đầu:

– Không. Tôi coi vườn trong. Ra thăm anh, chơi thôi. Đứng một lúc Cần bảo:

– Vào trong này.

Chẳng ra nhiệt tình, chẳng ra lạnh nhạt. Hắn cứ tưởng Cần ở biệt lập thế này, có người ra chơi hẳn sẽ thích lắm, nhưng hình như Cần đã quen sống một mình. quen đối thoại một mình.

Lần đầu tiên hắn bước vào lán của một anh tù tự giác (Chỉ có ba cái lán như vậy. Của Cần nuôi cá, của Thắng nuôi ong, và của Quí nhà bò). Một cái giường, nội vụ gấp vuông vắn để ở đầu giường. Một cái hòm gỗ kê ở chân giường. Quần áo tù cái gấp, cái treo. Dao quắm, cuốc, xẻng. Bếp, than, tro. Củi. Bát đũa. Nồi to nồi nhỏ. Gạo đựng trong vại sành. Chum nước… Như một hộ độc thân ngoài đời. Cần đun nước bằng nồi. Chè có mùi ám khói. Khi biết hắn chính là người trại đã tha, rồi lại trở lại trại, Cần nhìn hắn một lần nữa:

– Thì ra anh.

Hoá ra dù ở biệt lập mãi đây. Cần cũng biết chuyện của hắn và có vẻ có thiện cảm. Uống đi anh. Con người ta có số cả. Tránh không khỏi số đâu. Anh cứ nghiệm mà xem. Biết được số mệnh của mình rồi thì cứ vậy mà sống. Đỡ phải suy nghĩ. Đỡ được đau khổ. Thế ra anh là nhà báo à. Vâng. Tù lâu chưa. Bốn năm rồi. Bốn năm còn khổ. Mười năm cũng còn khổ. Trên mười năm thì không khổ nữa. Nhưng phải bặt vô âm tín gia đình cơ. Được thế, không khổ nữa đâu.

Hắn nghe mà rùng mình. Tôi thì tù đến mấy chục nă m cũng vẫn khổ như ngày mới bị bắt thôi, anh ơi. Anh ở một mình thế này có buồn không? Mới đầu thì buồn, nhưng quen rồi. Lắm lúc cũng thèm được về một toán, được nhốt, cho nó có anh có em. Bọn tôi chỉ mong được như anh. Tự do lại không thiếu thốn. Thì cái gì cũng thế. Được cái này mất cái khác. Anh có nhớ nhà không? Không. Quên hết rồi. Anh có nhận được tin nhà không? Không, may thế đấy. Họ không có tin mình. Có lẽ họ cũng chết hết cả rồi. Cũng có thể còn một số người. Nhưng mình đã quen nghĩ là họ chết rồi. Họ cũng nghĩ mình chết rồi. Đừng để họ biết mình còn sống. Họ chỉ khổ thêm. Họ quen nghĩ là mình chết rồi. Như thế tốt cho mình, tốt cho họ. Anh vẫn còn nhớ nhà? Thế thì còn khổ đấy. Nhà không còn ai thì ở đây cũng được, cũng tốt. Hoặc nhà còn người nhưng quên đi được ở đây cũng tốt. Anh quên đi sẽ thấy ở được đấy. Nhưng chưa quên ngay được đâu. Phải trên mười lăm năm, mà phải bạt vô âm tín gia đình cơ. Quen chứ. Sao lại không quen? Cái gì cũng quen được hết. Họ đã quen mình chết rồi thì đừng để họ biết mình còn sống. Thì chính tôi đã quen đây. Bây giờ nghĩ về ngày trước lại thấy mình không quen cơ đấy.

Những điều ghê gớm ấy Cần nói với vẻ thản nhiên như nói về một người nào khác. Chẳng xúc động, đau khổ, hoặc sầu não, than thân trách phận. Cần đã quen với sự không có họ. Họ cũng đã quen với sự không có Cần. Chẳng bao giờ đôi bên còn nghĩ đến chuyện gặp lại nhau. Cần chẳng một lời kêu ca oán trách rằng Cần đã tù quá lâu. Rằng bao nhiêu đợt tù vào, tù ra Cần vẫn ở trong trại. Mọi người đều quên Cần. Và Cần thì chẳng nhớ được gì. Cần cứ thế sống. Chẳng nghĩ. Chỉ có buổi tối vẫn còn buồn tý chút. Mười mấy năm nay đêm nào cũng một mình mình với rừng già. Anh không sợ à? Chẳng có gì mà sợ. Chỉ có rừng cây tối đen sâu thẳm thôi. Hổ không có. Báo cũng không. Ma cũng không có đâu anh ơi. Giọng Cần nuối tiếc vì một hy vọng đã tắt ngấm. Hắn hiểu sự thất vọng của Cần. Vào thời gian ấy, từ 75 trở lại QN hắn cũng mong có ma. Mưa phùn như nén rừng xuống. Như gói rừng lại. Hắn gọi ma. Gọi con ma ở vườn trong vẫn ngoáy mũi trêu chọc anh chăn bò ra trò chuyện. Nhưng chỉ có rừng không biết xót thương, cũng chàng biết chuyện trò. Rưng trĩu mưa phùn thản nhiên với nỗi cô đơn mênh mông của mình, chẳng chú ý gì đến hắn. Hắn hiểu những đêm dài của Cần, của Thắng, của Quý. Cái khổ nhất là con người không thể biến thành cây cỏ được.

Cần không nhìn hắn. Cần kể chuyện con khỉ cách đây chục năm. Cần bắt được nó khi nó còn bé tý, khi nó còn bú mẹ. Sau một đêm mưa bão, sáng ra Cần thấy nó nằm co quắp dưới một gốc cây, mắt nhắm nghiền. Nó ướt và lạnh cóng. Cần ủ nó vào ngực, sưởi ấm cho nó. Nó cựa quậy. Nó mở mắt, chớp chớp. Sẵn có hộp sữa chác được của một anh lâm sản, Cần pha vào bát, lấy cùi dìa bón cho nó. Rồi nó liếm láp được sữa trong đĩa men. Cần nuôi nó lớn. Cần bắt rận cho nó. Nó bắt chấy cho Cần. Cần dạy dỗ nó, quát bảo nó. Nó biết nhặt rau, cho thêm củi vào bếp. Nó biết cầm đũa, ăn cơm bằng bát. Biết gắp cả thức ăn. Anh chẳng hiểu khi có nó ở nhà, khi có nó ăn cùng, khi có nó bé con con ngồi đối diện ở mâm vui thế nào đâu. Như có một người nữa ở với mình. Đi đâu cũng có nó. Nó ra ao cá với tôi. Ra vườn rau với tôi. Tôi mắng mỏ, bảo ban, giảng giải cho nó mọi chuyện.

Thế rồi việc đến tai ông giám thị. Ông ra tận đây xem và thích con khỉ lắm. Tôi thì tôi sợ. Tôi chỉ muốn nó chuyền vào rừng, hay ẩn vào bụi cây nào đó, nhưng nó cứ quanh quẩn trong nhà. Rồi lại nhảy lên vai tôi, nhổ tóc bạc cho tôi trước mặt ông giám thị. Thấy ông ấy cười tán thưởng nó càng trổ tài, cầm rổ chạy ra vườn hái rau, vặt ớt. Tất cả là tại tôi. Tại tôi không biết dạy dỗ nó đến nơi đến chốn. Quả nhiên ông ấy bắt tôi nộp cho ông ấy con khỉ. Khi ấy con khỉ đã to rồi. Lông vàng mượt. Nó nằm yên cho tôi đai vào cổ nó cái vòng dây da mà ông giám thị đem đến, lim dim thích thú như được đeo một đồ trang sức. Tôi nói thầm trong lòng: “Chạy đi. Trốn đi khỉ con” Và chỉ muốn bấu mạnh vào nó, cho nó đau, nó sợ: nó chạy đi nhưng không dám. Thấy sợi xích sắt nó còn thích, còn nghịch nữa cơ chứ. Mãi tới khi ông giám thị cầm xích lôi đi nó mới hiểu. Nó cắn xích, giằng ra, không chịu đi. Nó cứ quay lại nhìn tôi. Nó khóc. Nó chảy nước mắt thật anh ạ. Tôi cũng khóc. Nhưng phải quay đi, giấu ông giám thị. Đừng để ông ấy biết mình khóc. Đừng để ông ấy biết mình tiếc mình thương con khỉ.

Thế là lại lũi cũi một mình. Đi một mình. Về một mình. Ngủ một mình. Nấu nướng một mình. ăn cơm một mình. Chẳng có nó ngồi bên xem mình làm, nghe mình giảng cho nó. Rồi tôi nuôi con trăn… Mắt Cần nhìn đăm đăm vào những ngày đó trong quá khứ. Cần nuôi con trăn đã gần chục năm. Chỉ sau khi con khỉ bị bắt vài tháng. Trước con cá chép ba năm (đúng một lệnh). Có lẽ nó chết chứ nó không bỏ Cần đâu. Anh có biết trăn sống được bao lâu không. Con trăn này ít nhất cũng gần mười tuổi. Tôi nuôi nó gần mười năm. Nó ở đây. Trong nhà này. Có hôm nó vào rừng chơi. Cả ngày. Cả đêm. Nhưng vẫn về. Trước còn phải buộc dây dắt nó. Rồi tôi đi đâu nó đi đấy. Chỉ vỗ vào nó là nó hiểu. Nó ngủ với tôi. ăn với tôi. Như con khỉ. Nhưng rút kinh nghiệm con khỉ, tôi dạy nó biết sợ người lạ. Bất kỳ ai đến là nó luồn vào rừng, không để cho nhìn thấy nó. Anh em phạm cũng thế. Cán bộ cũng thế. Vì vậy nó mới an toàn ở với tôi được gần mười năm. Giá tôi cũng dạy con khỉ như vậy thì đâu đến nỗi. Con trăn chẳng thể bằng con khỉ được, nhưng nó cũng biết nghe tôi. Nó không biết nói thôi. Chứ cứ như người vậy. Có nó tôi đỡ bao nhiêu.

Hắn thấy Cần như đã biến được thành cây cỏ. Quên hết gia đình nhưng lại thương con khỉ, tiếc con trăn. Con trăn vào rừng rồi không về. Chắc nó chết ở đâu. Chẳng con gì bắt được nó. Nó to lắm. Mới đầu cứ bần thần cả người. Như chết một đứa con. Rồi cũng quen. Đêm đêm ngồi một mình ở bờ ao nghe cá đớp. Nhìn vào rừng tối đen thỉnh thoảng lại rào rào con thú chạy. Rồi nhìn sao đổi ngôi. Mỗi ngôi sao đổi ngôi là một người chết phải không anh? Nếu vậy nhiều người chết. Đêm nào cũng có người chết. Tự nhiên thèm một tiếng người, được về một toán. Được nhốt cho có anh có em, có câu chuyện câu trò. Đấy là nghĩ như vậy chứ sao thực hiện được. Phải quen thôi. Tất cả là quen. Nhưng này, anh ăn cơm chưa? ãn rồi à. ăn thêm với tôi cho vui. Quay vào bờ vách ăn một mình chán lắm rồi. Bây giờ tôi mới nấu đây. à, mà bóng nắng đã tới giọt gianh rồi. Chờ tý đã nhé.

Cần cầm nồi ra ao cá gần nhất, ngay trước lều. ở đó anh bắc một cầu rửa bằng hai thân cây gỗ đâm ra ao. Anh cầm nồi gõ liên thanh rồi nhìn xuống ao chờ đợi Hắn theo ra nhìn xuống ao chỉ thấy bóng hắn, bóng Cần lộn ngược trên ao sân lờ lờ nước ngán. Cần xua tay:

– Anh đi vào quá trong kia. Có người. Nó sợ.

Không hiểu một chút gì, hắn lùi vào, ngồi xuống, nấp sau một lùm cây nhỏ cạnh ao, chờ đợi, Cần lại gõ vào nồi và bắt mổm mấy tiếng như người chép miệng khan. Mặt ao bỗng nhiên rung rinh. Một bóng đen dài loang loáng cạnh cầu rửa làm mặt nước càng chuyển động mạnh. Cần cười. Nụ cười ngây thơ, như nụ cười con trẻ trên gương mặt đen đủi phong sương. Anh lấy tay vét cơm, đặt chìm cả bàn tay đựng cơm dưới nước. Hắn nín thở. Cố căng mắt ra nhìn. Và thấy một cái đầu xanh bóng cong cong nhô lên. Một hàng vây lưng của một con cá dài dễ đến gần một mét từ từ dựng lên cắt mặt ao và cái đuôi của nó ở phía sau quẫy nước sôi sục.

Cần dịu dàng mắng bảo:

– Khe khẽ chứ. Làm gì mà tớn lên thế.

Nửa phần đuôi nhô lên mặt nước xoè ra như một cái quạt hồng hồng dịu hẳn lại. Nó đưa đi đưa lại đều đặn làm gợn lên một làn nước mỏng. Anh bóp nát một khúc sắn trong nồi và dìm hẳn nồi xuống nước. Một tay cầm nồi, tay kia luổn xuống (hẳn là xuống dưới bụng nó) và nâng nó lên dần dần. Thoạt đầu là cả bộ vây lưng xoè ra với những gai sắc nhọn, vẩy lưng xanh thẫm, cái lườn cong ròng ròng nước, hai vi ở mang đỏ hồng mềm mại đung đưa, sợi râu dài bên mép lõng thõng và cái bụng trắng xoá như bạc. Con cá đổ kềnh, nằm ngang trên tay Cần, ngoan ngoãn và thoả mãn. Cả đời hắn chưa trông thấy con cá nào như vậy. Nó là siêu phàm. là nghệ thuật, lại là một cái gì hư ảo hoang đường.

Con cá nằm im cho Cần vuốt ve. Cân lẩm bẩm những điều gì hắn cố nghe nhưng không rõ. Rồi Cần hạ dần con cá xuống nước, vỗ vỗ vào nó, vuốt dọc thân nó xoai xoải như một cái gò nhỏ đang chìm xuống sâu. Hắn chỉ nhìn thấy loáng cái sóng lưng xanh đen của nó uốn lượn và mất hút trong nước. Như chẳng để ý gì đến vẻ ngạc nhiên của hắn, Cần rửa nồi, vo gạo. Về khoản gạo, Cần có vẻ dư dật. Anh được lĩnh một suất gạo hai mốt cân, ngang với anh em lâm sản, lò vôi. Anh lại có một nương sắn riêng, một vườn rau riêng. Anh có nồi đựng nước tiểu. Anh có nhà xí, lấy phân tăng gia. Thỉnh thoảng anh làm một đợt phân nhà bò, ném xuống ao cá, bớt lại vài gánh thì cứ thoải mái mà giồng.

Cần ăn khá sang. Cá. Thịt. Cá dưới ao, muốn ăn thì câu. Thịt thì chịu khó làm bẫy. Món thường xuyên là sóc. Sóc thì nhiều lắm. Coi như không bao giờ hết. ăn đến phát chán. Hôm nay lại trúng bẫy ba con sóc. Cần và hắn ăn với nhau một bữa cơm thịt sóc. Vừa so xong đũa, Cần như sực nhớ ra điều gì, vào rừng ngắt mấy búp lá để trên mâm. Và lấy ra hai cái chén. Lại bước ra cửa, ngay chỗ bậu cửa phía ngoài ngó trước ngó sau lấy ngón chân đá đá và cày dũi xuống đất. Đất ở đó tơi như bột tung lên bụi mù. Cần cúi xuống moi lên một bi-đông nhựa, cùng loại với cái bi-đông của hắn. Anh phủi bụi, mở hai lần nắp và nút nhựa, rót ra chén thứ nước trắng trong veo, toả mùi thơm, chỉ ngửi cũng đã thấy say ngây ngất. Anh lại vặn nắp bi-đông, vùi lại chỗ cũ, chỗ mà ai ra vào cũng phải đặt chân lên. Thật là một nơi yểm bất ngờ và kín đáo. Đó là biểu hiện của lòng tin, hơn thế lòng quý mến.

Xong xuôi Cần mới ngồi vào mâm. Hớp rượu tan ra đến tận đầu ngón chân, ngón tay hắn. Cần đưa búp lá rừng cho hắn:

– Anh ăn đi. Để hết hơi rượu.

Cần cũng vặt mấy lá cho vào mồm nhai và cầm hai cái chén đi rửa, rồi mới trở lại mâm. Sự cẩn thận đó không thừa. Rượu là thứ phạm qui rất nặng. Thịt sóc nướng ngọt và thơm. Xương sóc giòn. Cần chọn một miếng nạc nhất, miếng thịt đùi gắp cho hắn và cũng để riêng ra cạnh mâm cho mình một miếng như thế, nhưng không ăn.

Cơm xong như những người độc thân, Cần xếp bát đũa vào nồi, để đấy. Anh ngồi thẳng người, mồm chúm lại, cổ nổi gân và chăm chú nhìn lên mái nhà. Từ cổ họng Cần bật ra những tiếng:

– Kắc… Kè è…

Hắn nhìn lên mái nhà, nơi ánh mắt của Cần đạt tới. Kề với cây cột gỗ sát vách là những con sóc nhồi bông.

– Kắc… Kè…

Tiếng tắc kè kêu lần thứ hai. Con sóc nhồi bông động đậy. Và hình như có một đôi mắt ló ra.

Những tiếng “kắc kè” tiếp theo ngắt quãng và như môi lúc một đuối hơi. Hai con gì đó nhô hẳn ra, phóng theo cột, xuống giường và bò vào mâm, một miếng gỗ vuông có gờ ở bốn chung quanh. Không phải thằn lằn. Hai con tắc kè loại bự. Sau này hắn đã đi nhập tắc kè cho ngoại thương, qua tay hắn hàng nghìn con tắc kè, nhưng không có con nào to như vậy. Có lẽ chúng to gần bằng con rồng đất già Đô bắt được ngày nào. Nếu lắp cho mỗi con một cái vây lưng nhấp nhô như riềm cờ hội chạy từ gáy xuống giáp đuôi thì hệt con khủng long bé tí… Chúng giương cặp mắt nhìn Cần, hai cái đuôi dài thõng thượt, ve vẩy. Cần nhìn chúng trìu mến. Anh lấy tay vuốt trên lưng mỗi con. Lưng chúng khi mới xuống màu xám tối đã sáng hơn một chút. Những mảng mốc trên mình trắng thêm một chút. Có sắc xanh thẫm từ phía lưng và nhạt dần về phía bụng. Một con đập đập một chân trước. Con kia ngọ nguậy cái đầu, bước một hai bước về miếng đùi sóc còn lại trên mâm. (Thì ra Cần để phần cho nó). Cần lấy ngón tay khẽ đặt lên mình nó, giữ nó lại, miệng quát:

– Ki! Hư nhé. Ai cho ăn mà ăn. Trông bạn mày kìa, Tô nó ngoan thế chứ.

Mỗi con một tên. Hai con giống hét nhau, nhưng Cần vẫn nhận ra con nào là Ki, con nào là Tô.

Con tắc kè có tên Ki ngoan ngoãn nằm im, dù anh đã nhấc ngón tay khỏi lưng nó.

Hài lòng, anh xé miếng thịt sóc thành những sợi nhỏ. Chúng ăn. Cách chúng ăn giống cách con thạch sùng bắt mồi. Toàn thân không động đậy. Cái đầu hơi lúc lắc, lưỡi từ trong miệng bật ra phía trước rất nhanh, và kéo theo sợi thịt sóc vào miệng. Chúng ăn cả cơm. Cần chăm chú nhìn chúng ăn, vẻ âu yếm và hài lòng. Khi miếng thịt sóc đã trơ xương, anh bảo chúng:

– ăn thế thôi nhé, no quá rồi đây này.

Hai cái bụng mỏng đã càng mọng. Anh dẹp nốt xương sóc, cơm vãi còn trên mâm. Và nhấc hai con tắc kè về một góc mâm..

– Nào tập luyện một tý nhé.

Anh lấy đũa gõ vào bát một tiếng. Hai con tắc kè chạy quanh mâm, con nọ chèn con kia để vượt lên trước hệt những tay đua lành nghề, cảnh tượng trông thật ngộ nghĩnh.
Hết ba vòng mâm, anh cầm đũa gõ xuống mâm một tiếng “cạch!. Chúng dừng lại thở phập phồng. Anh nhấc từng con lên xem chân, xem bụng nó, rồi reo:

– Hình như mang trứng rồi đây này. Anh xem giúp tôi có phải con Tô mang trứng dây không? Quả là có cái gì đó tròn tròn nhỏ xíu phồng lên dưới làn da bụng con Tô.

– Chỉ tuần nữa đẻ thôi. Ngoan lắm, con ạ. – Anh nói với nó và lại đặt hai con xuống mâm, con nọ trước con kia. Tay anh cầm đuôi con trước quệt quệt vào mồm con sau. Nó biết nó phải làm gì. Nó há mồm ngậm lấy đuôi bạn nó. “Keng”. Hiệu lệnh từ cái bát vang lên. Chúng đi bước một, con sau ngậm đuôi con trước, một kiểu diễu hành. Hắn hết nhìn cảnh tượng kỳ lạ đó, lại nhìn khuôn mạt Cần đang chăm chú vào hai con vật hoang đã anh nuôi. Nét mặt anh dãn ra, thơ trẻ say mê. Hắn cả quyết lúc ấy anh chẳng nhớ mình là ai, đang ở đâu, đã bao nhiêu tuổi. Trò cuối cùng Cần bắt hai con tắc kè biểu diễn là chạy thi dưới đất. Cũng có vạch xuất phát: Sát tường phía trong. Và cái đích phải tới: Bậc cửa ra vào.

Anh thưởng cho chúng theo cách của anh khi cả hai con đã tới đích: Anh giơ bàn tay khum khum che lên hai con vật. Chúng phóng thẳng vào ống tay áo anh, lục sục chui qua nách, tụt xuống bụng, vòng lên ngực và ló đầu ở sau gáy. Anh bảo chúng:

– Thôi, về chỗ. Hôm nay có khách, chơi thế thôi. Và lại một tiếng tắc kè từ bụng anh âm u phát ra nơi cổ, hoang đã, cô đơn, gọi bạn. Con tắc kè ở gáy anh đáp lại… Đó là những điều kỳ lạ nhất về loại vật mà hắn biết. Cần bảo hắn:

– Loài nào cũng vậy. Mình yêu mến chúng, cho chúng ăn, mình quí nó là nó quí mình. Nó biết hết đấy!

Hắn chỉ gặp Cần có mỗi lần vào hôm ấy. Chủ nhật 9 tháng 4. Hắn nhớ rõ ngày vì chủ nhật sau là 16 tháng 4, hắn đang lùa cá dưới suối thì máy bay Mỹ ném bom ồ ạt trở lại, bay vòng qua QN. Ngọc và con Nguyệt kẹt dưới phà. Và ít ngày sau hắn chuyển lên VQ, chung một khoá tay với già Dô, gặp Phố, tù 18 năm mới chuyển từ Phú Sơn về đó.

Về đầu

 

Chương 61

 

Khi đi qua cây vả mọc bên suối, nhìn thấy cái ao cá đầu tiên loá nắng, hắn khựng lại. Đã tới nơi. Đây là cái ao thấp nhất. Cái ao cuối cùng. Nhưng từ phía này đi lại nó là cái ao đầu tiên.

Xin đi làm không được. Nắng mới lên, không ai hút thuốc cuộn nữa, hắn theo người ta vào rừng lấy lá găng. Một thứ lá nhỏ vò ra, lọc, để đông lại, làm thạch. Cái thời ở QN hắn đã được ăn thạch găng mấy lần, của Cương, toán lâm sản, lấy ở rừng về, và của Giang chác được. Hắn cùng mấy người chặt cành gàng, để héo và đập đập cho lá rụng rồi cho vào bao. Vất vả lắm. Lá khô, lồng cồng một bao chẳng được mấy tý. Nhưng có việc gì không vất vả? ăn ngủ tại ngoài ấy, nhờ người quen của một người cùng đi. Thế rồi qua trò chuyện hắn biết hắn đang ở gần QN, rất gần ao cá, những cái ao cá nổi tiếng cả một vùng. Khi mọi người chở lá găng về thành phố, hắn vào rừng. Hắn nhận ra phương hướng bằng mỏm rừng cao nhất, nơi Sáng đã trốn mấy lần và bị bắt trở lại. Hắn đi. Một mình hắn đi ngược sâu nữa vào rừng. Như có một ma lực, không sao cưỡng được. Hắn muốn vào trại cá gặp lại Cần. Hắn muốn vào vườn trong. Vào đấy thôi, chứ chẳng ra khu vườn ngoài làm gì. Rồi hắn lại nghĩ: Thôi, gặp lại Cần, nhìn trại cá một tý là đủ… Cũng chẳng thích thú gì trở lại nơi mình vừa bị đày đoạ (Chỉ tới trại cá xem Cần đã được ra chưa? Thế thôi). Đó là chưa kể ra vườn trong có thể gặp lại các ông bà cán bộ. Chỉ nguyên chuyện xưng hô thôi đã khó rồi. Gọi họ là ông là bà thì hắn không muốn. Mà gọi là anh là chị nghe có vẻ thế nào, cứ như một kiểu qua sông đấm b. vào sóng. Hắn đã nhìn thấy trại cá. Nhìn thấy cái lều của Cần. Vẫn là rừng rậm ấy. Thăm thẳm. Xanh đen. Những dây leo gốc đẫy một vòng tay, lá to như cái nón với những đốt dài đầy lông măng nhoai ra hung dừ, hăm doạ, khiến hắn có cảm giác nếu Sáng trốn tù mà leo lên cây cao, đứng im trên ấy chỉ một ngày thôi là sẽ bị dây leó quấn chết, những dây leo vươn lên cao mãi, ngọn nọ xoắn bện vào ngọn kia, đổ xuống phủ thành một tấm thảm dày trên tán lá, rủ xuống bìa rừng, tưởng chừng một con chim không thể hạ cánh. Vẫn tiếng nước rỉ rách tràn từ ao nọ xuống ao kia như tiếng suối. Hắn bước đến gần và gọi to:

– Anh Cần ơi! Anh Cần ơi! Hú.

Tiếng hú đập vào rừng sâu, vọng lại từng đợt từ gần đến xa.

Một người bước ra. Quần áo xám, số chắn, cao gầy, cổ ngẳng lộ hầu, má hóp, nét mặt đau khổ và cam chịu..

Hai người nhìn nhau trân trân và cùng ngạc nhiên như nhau..

– Ông hỏi anh Cần ạ?

Người ấy lễ phép hỏi hắn. Đúng là kiểu cách của những người tù, kiểu cách của hắn mấy năm trước.

– Anh Cần được tha rồi, hả anh?

– Báo cáo ông, anh Cần được tha tháng trước ạ.

Hắn không giấu được mừng vui, vì điều hắn mong đợi đã thành sự thật. Hắn nói to ý nghĩ: Thế là cuối cùng anh ấy cũng được tự do. Anh ấy tù đến bây giờ là hai mươi nhăm năm.

Người ấy chắp hai tay vào nhau kính cẩn:

– Ông là người nhà anh Cần?

– Đừng gọi tôi là ông. Tôi cũng tù ở đây.

– Ông… Anh được tha lâu chưa?

– Tôi được tha hơn hai năm rồi. Nhưng tha ở trại khác. Trại VQ.

– Anh với anh Cần…

– Tôi là bạn tù với anh ấy.

Người tù khe khẽ:

– Thế thì… Anh ấy chết rồi.

Như bị đánh mạnh vào sọ, hắn đứng lặng một lúc, rồi ngơ ngác:

– Sao? Anh Cần được tha rồi cơ mà.

– Vâng. Anh ấy đã có lệnh tha, nhưng chưa ra khỏi trại.

Lại càng không hiểu ra sao nữa. Hắn đứng ngây ngô, nhìn anh tù như muốn nuốt chửng anh ta.

– Anh ấy tự tử chết.

– Có lệnh tha mà lại tự tử. Anh nói sao, tôi không hiểu?

– Lệnh tha đưa anh ấy sáng hôm trước. Mọi người tưởng anh ấy đã ra ngoài xã hội. Thì hôm sau một anh lâm sản thấy anh ấy treo cổ lủng lẳng trong rừng, chết cứng từ bao giờ.

Thật khủng khiếp. Không thể nào tin được. Hắn bàng hoàng:

– Chuyện anh ấy tự tử giữ kín lắm, nhưng rồi ai cũng biết.

– Anh ấy chôn ở đâu?

– Khu Gò-Thằng-Công.

Lại khu Gò-Thằng-Công. Lại một cái mả mới cạnh mả Lỷ Xìn Cắm. Anh ấy là người tự do rồi. Sao vẫn chôn ở đấy?

Có tiếng tắc kè rúc ở đâu đó. Hắn ngẩng lên nhìn mái nhà. Mấy con sóc nhồi bông đã biến mất. Đó là tiếng kêu của con tắc kè Cần nuôi vẫn nhớ ánh, gợi anh hay con tắc kè hoang dã. Hắn hỏi:

– Con tắc kè còn không?

– Con tắc kè nào?

– Còn con cá chép?

Anh tù càng không hiểu. Hắn đứng lên vớ lấy cái xoong nhôm và cái đũa, mang ra cầu ao gõ gõ… Anh tù chợt kêu lên:

– Con cá chép đưa về bếp cán bộ rồi.

Lại một bất ngờ nữa. Anh tù giải thích:

– Anh Cần chết. Tôi ra thay. Mấy hôm liền nó cứ nổi lên bơi dọc ao, rồi há mồm ngớp ngớp ở chỗ cầu rửa này. Trông như một thằng bé con. Ông quản giáo thấy nó. Ông ấy rút súng bắn. Máu đỏ ao. Con cá to thật đấy. Dài gần quết đất, hai người khiêng mới nổi.

Hắn dường như không nói được nữa. Họ đi vào nhà. Mãi sau hắn mới hỏi:

– Anh bọp hay án”

– Tôi án bốn năm. Giam cứu một năm. Lên đây hai năm, còn một năm nữa thôi. Liệu có được giảm không? Tội tôi khó giảm lắm. Tôi biết.

– Anh mắc tội gì?

– Tôi chỉ là đuôi vụ thôi. Đầu vụ lĩnh án tử hình. Thằng Cảnh ăn cắp gạo. Tôi chỉ tiêu thụ cho nó một ít. Nào tôi đâu có biết nó đánh chìm cả một thuyền gạo để phi tang…

Hắn vét túi đưa cho anh tù tất cả số thuốc cuộn còn lại, chào anh, rồi ngược trở ra, vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của Cần. Cần chết khi được tự do. Vì sao? Nó làm anh choáng ngợp. Nó làm gia đình anh phải đau khổ lần nữa? Nó ném anh vào một thế giới khác lạ, không phải của anh mà anh đã từ bỏ được trong mấy chục năm qua? Nó làm anh phải xa rời thế giới đích thực của anh, cuộc sống cây cỏ rừng sâu của anh? Hay đơn giản chỉ là anh thấy mình không cần sống nữa? Sống thế đủ rồi. Đến đây là giới hạn, là đã trả xong món nợ đời, chết được rồi.

Không dám nói với Ngọc chuyện kinh hoàng ấy, hắn thu thập tiền nong bán lá găng, định đi chuyến nữa, thì ông Thưởng, trưởng phòng lao động đến. Lại một đệ tử đèo ông, và khi ông lên gác gặp hắn. Anh ta vui vẻ ngồi chờ ông ở cổng với cái xe đạp. Ông Thưởng ôm lấy hắn:

– Cuộc đời là thế đấy. Ai cũng hiểu anh bị oan khuất, nhưng có ai dám cứu anh ngoài ông Hoàng? Tôi cũng là một thằng hèn. Tôi thật lòng muốn giúp đỡ anh, nhưng bị chúng nó bao vây. Thằng Khuổng không nói làm gì. Đây là chủ trương của ông Trần, của lãnh đạo thành phố. Không thể vi phạm nguyên tắc. Tôi không thể cấp giấy cho anh khi không có giấy tiểu khu. Tôi biết anh chẳng oán trách gì tôi. Anh thông cảm với tôi điều ấy. Nhưng chỉ mình tôi biết tôi có lỗi với anh. Chỉ tôi biết rằng tôi vẫn có thể giúp được anh mà tôi sợ.

Ông rút trong túi áo ngực ra một tờ giấy in theo mẫu, ông đã viết vào đó những dòng chữ cần thiết, ký tên đóng dấu. Tờ giấy phòng lao động khu phố giới thiệu hắn đi lao động ở xí nghiệp đánh cá. Tờ giấy mà hắn không dám nghĩ tới nữa. Hắn cầm tờ giấy, không tin ở mắt mình. Hắn nhìn ông Thưởng. Ông Thưởng nói như giải thích cho hắn:

– Tôi biết thằng Khuổng làm theo lệnh ông Trần. Hẳn anh cũng biết như vậy. Nhưng tôi giới thiệu anh đi lao động. Không có giấy tiểu khu tôi vẫn cứ ký cho anh. Tôi không ký cho anh đi ăn trộm, ăn cắp. Tôi ký giấy cho anh đi lao động.

Ông nói to, giọng khẳng định như đang nói với ai đó. Đúng là không phải ông chỉ nói với hắn. Ông còn nói với một người vô hình nào nữa cũng đang có mặt ở đây ông nhấn mạnh mấy tiếng đi lao động, rồi nói tiếp với giọng gay gắt như thách thức người vô hình đang đứng trước mặt ông:

– Kỷ luật tôi thì kỷ luật. Tôi không sợ. Tôi không ký giấy cho người ta đi ăn trộm ăn cắp. Tôi ký giấy cho người ta đi lao động. Người ta có quyền lao động.

Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên ông nói điều này với người vô hình. Ông đã rất nhiều lần lẩm nhẩm một mình, tranh cãi với người vô hình toàn năng đang im lặng buộc tội ông trước khi ông ký giấy cho hắn. Và dù đưa giấy cho hắn rồi, sự việc đã xong rồi, ông lại càng phải nói, phải trình bày rằng mình vô tội vì người vô hình càng lừng lững trước mạt ông, mím môi nghiêm khác, giận dữ nhìn ông. Hắn hiểu rằng ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại sau lưng. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám như ông vùng lên chống lại vì cái giá phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng. Vẫn cầm tờ giấy trên tay, hắn im lặng nhìn ông. Rồi vội quay đi. Không giữ được rồi. Hai giọt nước mắt tròn to đã bị mi mắt hắn kẹp vỡ.

Ngã Sáu. Bắt đầu viết tháng 6-1990
Xong tối thứ bảy 30-11-1991
Xem lại lần cuối 8-1998

Về đầu