Một thời không mất

Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn là một hồi ký văn học. Tác giả là nhà báo – nhà văn thuộc thế hệ sau hoà bình lập lại trên miền Bắc 1954. Tuổi đời của thế hệ này chênh nhau khoảng dăm bẩy tuổi. Có một cuộc Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất họp ngay ở Thái Hà ấp đã thành điểm quy tụ của lớp người này.

Giống như một cuộc chạy maratông, điểm xuất phát bao giờ cũng ồn ã, đông đảo, nhưng sau vài thập kỷ, theo Bùi Ngọc Tấn, người thành đạt (khác với thành tựu) cũng có nhưng ít thôi (tất nhiên), như Bùi Đức ái (Anh Đức), Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Nguyễn Kiên rồi Nguyễn Quang Thân…, còn phần đông “lớp tuổi tôi máu me ngày ấy, hình như sự cay đắng, vất vả nhiều hơn”.

Dẫu mỗi người một cá tính, cá tật, họ giống nhau ở lòng tin yêu hơi ngây thơ, trong sáng buổi ban đầu. Nhưng họ cũng luôn vấp phải những sự việc ấu trĩ của buổi ban đầu. Các nhà báo nhà văn trẻ bây giờ không khỏi ngạc nhiên khi biết có một nghị quyết chi bộ của một tờ báo đã cấm các nhà báo trong chi bộ viết văn (!) với lý do để tập trung xây dựng báo. Vì vậy nhà báo Tân Sắc (bút danh Bùi Ngọc Tấn lúc ấy) khi dự thi truyện ngắn phải ký tên “chui” là Lôi Động và được giải thưởng tạp chí Văn Nghệ (trước 1959). Khi đi dự cuộc trao giải, anh mới biết chính nhà thơ Xuân Diệu đã lôi cái truyện ngắn ấy ra từ đống truyện đã loại…

Nhưng tất cả mọi chuyện vui buồn Một thời để mất ấy chỉ là bối cảnh để tác giả cho hiện lên diện mạo, tính tình, lời ăn tiếng nói của nhà văn quá cố Nguyên Hồng từng một thời coi anh như một người bạn vong niên. Cũng dễ hiểu, bởi ở Hải Phòng lúc đó, lớp nhà văn trẻ thuộc Hội Văn nghệ Hải Phòng với Nguyên Hồng là tình thầy trò, số người viết lứa tuổi cứng cáp hơn như Bùi Ngọc Tấn mới được coi là lớp đàn em.

Phải nói Bùi Ngọc Tấn “thuộc” Nguyên Hồng đến từng hơi thở mới có được những mảng văn sinh động đến vậy về nhà văn này:

Bàn viết của Nguyên Hồng là một cái bàn tre, nông thôn thường dùng làm mâm ăn, giống cái chõng tre thu ngắn. Trước cái bàn viết ấy Nguyên Hồng trải chiếu, ngồi xuống đất viết. Thường làm việc gì anh cũng làm một cách tất bật, vội vàng qua quýt cho xong. Nhưng khi Nguyên Hồng chuẩn bị viết, tự dưng anh điềm đạm hẳn lại. Trang trọng, từ tốn. Những lúc ấy anh phải thu dọn xung quanh cho gọn gàng sạch sẽ. Anh quét nhà, anh sắp xếp lại những tập sách, giải chiếu xuống đất, vuốt ve mấy tờ giấy trắng, để bút để mực sẵn sàng. Rồi đi loanh quanh, đi ra đi vào, mặt mũi đăm chiêu khổ sở. Anh vẫn gọi việc ấy là dọn ổ đẻ. Còn cái chõng tre ấy Nguyên Hồng gọi là “mâm viết”.

Phương tiện đi lại của Nguyên Hồng là chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, khung ngắn, bàn đạp ngắn, ghi đông ngắn, người lớn ngồi trông như gấu, khi vận hành hai chân cứ nhoay nhoáy, nhoay nhoáy, đầu gối chạm ghi đông. Nó còn một đặc điểm nữa là không đạp ngược được. Quay ngược chiều ru líp là phanh, là khựng lại. Nhưng thời ấy cũng phải bình chọn, cũng phải phiếu, có khi hàng trăm người mới được một chiếc, hơn nữa lâu lắm mới có một đợt phân phối.

Chiếc xe ấy được nhà văn Nguyên Hồng âu yếm gọi là Cún. Khi ông dựng xe ngồi chơi ở bãi cảng, các em nhỏ thường gạ gẫm: “Cho cháu đi một tý nhé! Hay là cho cháu thuê, cháu có hai hào đây!” Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng tặng ông một chiếc xe đạp Thống Nhất, thế nhưng con cái giành nhau đi học, ông lại phải dùng Cún. Thật là ngượng khi gặp Thủ tướng giữa đường! “Chắc Thủ tướng cho là mình túng quá, bán rồi. Mình ngượng chín người, cứ đứng một tay giữ Cún. Cái con Cún khốn nạn phản chủ này, nó cứ kềnh càng trên đường, không quẳng đi đâu được”.

Nhà văn Nguyên Hồng mê bóng đá đến mức đang dẫn một đoàn nhà văn trẻ lên một tỉnh miền núi, nghe tin đội Hải Phòng thắng, ông bắt chánh văn phòng phải điện ngay về chúc mừng. Ông có thể khoái chí vì một cú sút đẹp mà ôm hôn người ngồi xem bên cạnh, không cần biết đó là ai. Bùi Ngọc Tấn phát hiện “Nguyên Hồng là nhà văn chống bao cấp đầu tiên ở nước ta” bằng hành động rời cả gia đình từ thủ đô về Yên Thế. Cử chỉ, lời nói của nhà văn trong lĩnh vực ẩm thực thật sống động bình dân qua nét phác hoạ của Bùi Ngọc Tấn: “Nguyên Hồng kênh cái mẹt có cái đùi chó bóng loáng lên, vục tay vào tận cái thúng bên dưới. Anh lục lọi, bấu bấu nắn nắn và lôi ra một tảng:

 – Chị chặt cho tôi miếng nầm.

Nguyên Hồng cúi cúi xem gói thịt và gia vị:

– Chị cho tôi thêm mấy nhát riềng.

(Chữ “nhát” đúng là chữ của anh. Không chết như chữ “miếng”, chữ “nhát” gợi một động tác, một hình ảnh, một âm thanh, một quá trình…)

Bùi Ngọc Tấn viết hồi ký về nhà văn đàn anh bằng bút pháp một nhà văn, cho nên anh đem đến cho người đọc những suy nghĩ độc đáo, có lúc lại như nói thay cho tâm trạng cả một lứa tuổi, như khi anh bàng hoàng nghe tin nhà văn Nguyên Hồng qua đời: “Khi thế hệ cha anh mình mất đi mình bỗng thấy trơ trọi. Không còn nữa cái tuyến một vẫn đứng chắn giữa mình với vô cùng, che chở cho mình bình yên sống. Mình không an toàn nữa. Mình bỗng thành tuyến đầu. Từ nay mình bị phơi ra trước họng súng bắn tỉa của Thần Chết”.

Lời nhận xét về thế hệ của mình : “… cay đắng vất vả nhiều hơn” đặc biệt vận vào anh, như anh từng tự thuật: “… tôi bị văng ra ngoài quỹ đạo...” Và Nguyễn Văn Chuông, nhà văn “trẻ” đã quá cố của Hải Phòng đã an ủi anh: “Anh không lâm nạn là anh hỏng đấy! Dạo ấy anh viết nhiều nhưng anh sắp hỏng, thật đấy! (anh như vậy)… có khi lại hay! Anh lại có cuộc sống không ai có được”.

Trong lời an ủi của Nguyễn Văn Chuông có một sự thật. Sự thật ấy đã hiển hiện ngay trên những trang hồi ức của anh ít nhiều ngậm ngùi nhưng sâu lắng tình người và trải nghiệm…

Một thời để mất là cách nói của Bùi Ngọc Tấn, nhưng anh đã không để nó mất đi trên gần hai trăm trang chân thành, sinh động, bởi sự thực… đã có một thời như thế!

 

Vân Long