Gặp nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người kể chuyện năm 2000

Ghi chép của Nguyễn Ðạt/Người Việt

Chúng tôi từng mong gặp người đã can đảm nói lên sự thật trong lao tù Cộng Sản, nên khi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả Chuyện Kể Năm 2000 có mặt tại Sài Gòn, chúng tôi rất mừng. Ông từ nhà ở Hải Phòng, vào Sài Gòn có việc đã hai tuần lễ, mùa World Cup 2006, nhà thơ Ý Nhi mới biết. Thân quen nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ lúc gặp ở Hà Nội, nhà thơ Ý Nhi mời tác giả “Chuyện Kể Năm 2000” uống cà phê tại cái quán xinh đẹp trên lầu thượng của tòa soạn một tờ báo nhi đồng, đường Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân cũ). Tôi được nhà thơ Ý Nhi mời cùng tới uống cà phê, mừng quên cả kiểm soát còn “pin” hay không trong cái máy chụp ảnh, định ghi hình kỷ niệm buổi gặp.

Có lẽ thức khuya xem bóng đá World Cup, trận đội tuyển Ðức gặp đội tuyển Argentina, nhà văn Bùi Ngọc Tấn tới trễ. Ông người tầm thước, trẻ hơn tuổi bảy mươi ba của ông, còn khỏe mạnh, giống một nông dân có chữ, vừa buông nông cụ để lấy sách ra giảng giải cho con cháu.

Tôi nói với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tôi không hình dung ông còn khỏe mạnh tốt tươi sau “một mùa địa ngục” trong lao tù Cộng Sản. Ông cho biết, ông bị giam giữ 5 năm, từ 1968-1973. Vào tù sau Vũ Thư Hiên một năm, và ra tù trước tác giả “Ðêm Giữa Ban Ngày” 3 năm. Cùng bị tù vì tội “xét lại” chế độ Cộng Sản, vào thời kỳ “mùa băng tan” ở Liên Xô.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã vào Sài Gòn vài lần trước đây, lần này có đi cùng “nội tướng.” Nhà thơ Ý Nhi nói: “Phải kính phục bà xã anh Tấn. Không có chị, gia đình anh làm sao chống chỏi, tồn tại được từ lúc anh vào tù. Và anh đã tiếp tục viết, một lẽ sống của nhà văn.”

Khi chúng tôi biết nhà xuất bản Thanh Niên ở Hà Nội vừa in xong “Chuyện Kể Năm 2000” in thành 2 quyển, của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, thì vị giám đốc nhà xuất bản bị buộc thôi việc. “Chuyện Kể Năm 2000” bị thu gom, nghiền nát thành bột. Nghiền nát thành bột, hiệu quả có ngang bằng cuộc “phần thư” của Tần Thủy Hoàng? Nhưng tất nhiên, may thay vẫn có một vài quyển thoát khỏi số phận, như một người cháu chắt của Nguyễn Trãi thoát khỏi họa tru di tam tộc. Và tại Sài Gòn “Chuyện Kể Năm 2000” xuất hiện, tất nhiên là những quyển chụp lại (photocopy), bán với giá rất cao, 100,000 đồng/quyển.

Người em tôi ở Mỹ, cũng lập tức biết tin về quyển sách này ở Việt Nam, nói tôi tìm mua giùm. Tới khi tôi tìm mua được, chờ có người thân quen nào ở Mỹ về, sẽ gửi cho người em, thì em tôi cho biết thôi đừng gửi nữa, vì đã mua được quyển sách này, in ấn tại Mỹ.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho biết, ở Mỹ có in và tái bản “Chuyện Kể Năm 2000,” gửi tiền tác quyền cho ông được 1,000 USD lần phát hành đầu tiên. Ở Canada in và tái bản 3 lần, trả tiền tác quyền đủ cả 3 lần. Ðài BBC đọc “Chuyện Kể Năm 2000” liên tục trong 3 tháng, trả tiền tác quyền cho ông được 3,000 USD.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn không nói ra, nhưng tôi thấy trong ánh mắt ông, niềm vui về xử sự của người Việt Nam ở hải ngoại, đối với một người cầm bút dũng cảm trong nước.

Ông nói, hiền hòa, điềm tĩnh và chân thật, và do vậy, tôi nghĩ đấy là điều ông cương quyết, rằng ông sẽ khởi kiện sự vu cáo của giới cầm quyền văn hóa chính trị Cộng Sản đối với tác giả “Chuyện Kể Năm 2000.” Họ đã lên án “Chuyện Kể Năm 2000” là âm mưu chống phá nhà nước cách mạng, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, và kích dục.

Chúng tôi cùng cười rộ. Một quyển sách ghi lại thực tế lao tù của một tù nhân, thuần túy nội dung quyển sách như vậy, và mục đích duy nhất của quyển sách cũng chỉ là như vậy. Vậy mà tác giả quyển sách bị tròng vào cổ những vòng dây thừng ác hại nhất mà giới cầm quyền có thể nghĩ ra.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chỉ lưu lại ở đây vài ngày nữa, sáng mai ông có việc đi Cà Mau, nhân tiện thăm tác giả “Cánh Ðồng Bất Tận,” Nguyễn Ngọc Tư. Tôi lấy máy ảnh để chụp tấm ảnh kỷ niệm buổi gặp gỡ cảm động. Xui thay, máy chụp hình hết “pin!”

Ấy tuy nhiên, đấy là tai nạn kỹ thuật quá nhỏ nhặt, không làm bớt đi điều gì. Và trong buổi uống cà phê với tác giả “Chuyện Kể Năm 2000,” người em tôi nói ở trên gọi điện thoại thăm hỏi tôi. Thế là, giữa cuộc điện thoại của hai anh em, có tiếng nói của một nhà văn dũng cảm, mà người em tôi cùng rất nhiều người Việt Nam ở hải ngoại quý mến.

Nguyễn Ðạt