Bùi Ngọc Tấn: “Hãy viết sự thật một cách giản dị”

 bnt2
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Có một nhà văn sống trong con ngõ nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Đường đến nhà ông phải qua những bậc thang gỗ màu nâu bóng đã có đến hơn trăm năm. Đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người đang bước vào tuổi 73 của cuộc đời. eVăn có cuộc trò chuyện với ông.

Thưa nhà văn, sức khoẻ của ông dạo này thế nào ạ?

– Cũng không được khoẻ lắm. Vừa thoát khỏi căn bệnh thoái hoá cột sống gây ra đau cái cổ, khỏi rồi, lại bị hai bên đầu gối…

Được biết con gái Giáng Hương yêu quý của nhà văn mới mất đột ngột…

– Vâng, tôi yêu quý nó biết chừng nào. Từ hồi tôi bị lâm vào cảnh khó khăn, cháu mới 8 tuổi nhưng đã biết lo lắng giúp đỡ cha mẹ. Giáng Hương trước đó mắc bệnh huyết áp thấp và rối loạn tiền đình, nhưng quỵ xuống, là đi luôn. Giờ nó để lại con nhỏ, nên vợ chồng tôi đau xót vô cùng. Nhưng thôi, chuyển qua đề tài khác nhé.

– Ở Việt Nam duy nhất có ông thuộc Hội Nhà văn VN và lại là thành viên của Hội Văn bút Canada, Hội Văn bút Quốc tế. Ông có được quyền lợi gì từ hai hội bút này?

– Tôi cũng không rõ ở mình ngoài tôi còn có ai nữa. Nhưng nói chung, tôi đã nói với nhiều người rằng: Hội Văn bút Quốc tế mỗi năm có gần 100 người ngã xuống trên chiến trường. Nó bao gồm văn chương và báo chí. Hai hội bút trên chỉ gửi cho tôi một tấm card ghi nhận là thành viên của hội, ngoài ra, chưa thấy quyền lợi gì! (cười)

Ông đã nhận được những giải thưởng nào?

– Ngoài một số giải thưởng văn học trong nước, mà tôi nghĩ chắc độc giả trong nước đã biết rồi, tôi còn nhận được giải của Hội Hellman Hammett của HRW năm 2001. Đây là một hội do Đảng Cộng sản Mỹ sáng lập. Người ta tặng giải cho tôi mà không yêu cầu bất cứ điều kiện nào.

Và sau đó?

– Sau đó, tôi được đi tham quan Trung Quốc với các nhà văn khác (Hội Nhà văn Việt Nam tố chức). Ở đó, tôi được gặp tác giả của Một nửa đàn ông là đàn bà. Đó là nhà văn nổi tiếng Trương Hiền Lượng. Rồi chuyến đi du lịch một số nước như Pháp, Đức, Bỉ, Áo…

Ông đang ấp ủ sáng tác nào vậy?

– Một tiểu thuyết về những người làm nghề chài lưới. Cuốn sách này, tôi dự định viết khoảng 500 trang, và nếu trời thương cho sống, thì đến năm 2007 sẽ hoàn thành. Bây giờ, việc mình làm, đã làm xong. Có vội vàng gì đâu. Tôi muốn viết thật kỹ dành tặng những người dân chài biển thô sơ, sống hồn nhiên, lam lũ, phóng khoáng. Sẽ không có tuyến nhân vật, không có nhân vật chính, mỗi nhân vật là một chương. Tên nó sẽ là “Nơi không có đường chân trời”.

Là một nhà văn từng trải, đến lúc này, ông nói gì về sự nhọc nhằn trong trang viết ?

– Phù Thăng là một người viết trang nào được trang đó. Thậm chí, sai một lỗi, anh xoá đi viết lại hoàn toàn. Còn tôi viết dàn trải lắm. Phần chữa vất vả hơn phần viết. Giai đoạn trước, trời nóng quá, tôi đã phải lấy nước đá ra lau thật mát sàn nhà, rồi nằm bò ra đó viết. Trời mất điện, tôi thắp đèn dầu. Năm 1990, mẹ tôi mất, 3 tháng sau tôi mới viết trở lại. Tôi còn nhớ, có đợt tôi ngồi viết mà mặt mũi nóng bừng lên như người vừa uống bia về. Có những chuyện tôi như viết trong vô thức. Cái gì viết trong vô thức, khi đọc lại thấy hay lắm. Khả năng tập trung hồi đó còn tốt, giờ thì già rồi… không được như thế. Cứ ngồi vào máy tính viết được một lúc, lại chỉ mong bạn đến chơi…

Trong khi viết, ông có tôn chỉ gì riêng cho mình?

– Có. Tôi là người nói 1 là 1, 2 là 2, không vòng vo gì hết. Cái chén là cái chén. Trên báo Văn nghệ có in câu nói của nhà văn Ba Kim, tôi rất tâm đắc: “Suốt đời, cần nói sự thật”. Còn với tôi: Hãy là chính mình, hãy viết sự thật một cách giản dị và với cả tấm lòng

Ông có thường đọc sách của những người viết văn trẻ?

– Không, rất ít. Tôi mệt. Có một dạo trước khi cầm bút viết trở lại, tôi đã phải tập đọc. Tôi ưa đọc văn Nguyễn Ngọc Tư. Cô viết trong sáng, giản dị, mang không khí Nam Bộ. Tôi kỵ nhất các bạn trẻ “điệu đàng” và ngại nhất các loại chủ nghĩa. Chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta đã bàn luận từ những năm 50 của thế kỷ trước, vậy mà nền văn học mình vẫn còn tranh cãi nhau.

Ông từng viết: “Nhìn lại cuộc đời toàn những thất bại của mình, tôi thấy nó mênh mông bể sở, khó mà ôm cho hết. Lực bất tòng tâm”. Còn hiện tại thì thế nào?

– Hiện tại của tôi là niềm tin. Tin rằng, cuộc đời vẫn đẹp, tin bạn bè tốt và tin vào sức mạnh của nghệ thuật. Nó không biên giới. Tin và mừng vào cách nhìn nhận và những yếu tố ngoài văn chương đã được loại bỏ trong các giải thưởng văn học. Bản thân các tác phẩm viết về những điều cay đắng của những người làm văn nghệ đã được thống hiểu. Đúng là khi lâm nạn, chỉ có mình tự cứu mình. Còn văn chương giúp mình tồn tại. Nếu nhà văn mà không viết ra được thành tác phẩm, nó sẽ như một khối u gây ung thư. Đến giờ, tôi đã nhắm mắt được rồi, bởi có những người đọc hiểu mình!

Anh Nhi thực hiện