Những con “chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn

(Lao Động Cuối Tuần) – Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn (NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2008, 540 trang) có thể được nhìn dưới hai góc độ, như một phóng sự dài, và như một tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn có thể được nhìn dưới hai góc độ, như một phóng sự dài, và như một tiểu thuyết. Hoặc cũng có thể nói thế này, đó là một tiểu thuyết viết bởi một bàn tay viết báo kỳ tài với văn phong báo chí điêu luyện. Thế nhưng, như chủ đích của tác giả, đó căn bản là một cuốn tiểu thuyết. Và hẳn là ta nên xem xét những đóng góp của tác phẩm này với tư cách thể loại tiểu thuyết, và đó chính là mục đích của bài viết này. 

 * * *

 Trước hết, có tên gọi “chim bói cá”. Bùi Ngọc Tấn gọi một cách đầy trìu mến ngồn ngộn hàng mấy chục nhân vật của cái Quốc doanh đánh cá ở một thành phố biển nước ta – cả những người “trực tiếp sản xuất” trên biển lẫn những người “ăn theo” trên bờ – là những con chim bói cá.

Sách chia làm hai phần.

Phần thứ nhất nói về những thân phận chim bói cá trên biển, trong đó có cả những con chim thuộc biên chế trên biển nhưng vì những lý do thuộc cơ chế nên phải về nằm bờ chờ việc, ăn lương thất nghiệp dài dài. Đọc xong phần thứ nhất này, người đọc sẽ vương vấn một câu hỏi trong lòng mình: những con người này, những con chim bói cá này, chúng có hạnh phúc không, và liệu rồi có bao giờ chúng có nổi hạnh phúc hay không?

Phần thứ hai nói về những con chim bói cá “ăn theo” tại vố số phòng ban bệ trên bờ. Phần thứ hai của sách nói về những con chim bói cá làm việc ở bản doanh của “quốc doanh đánh giậm” – họ tự giễu mình như vậy – kể về những cung cách sống toát lên cả một thể chế đang lụn bại, đang trên bờ vực phá sản, song cũng lại đang vùng vẫy cựa quậy cố công cố sức tự thay đổi trong một cuộc “cải cách” tuyệt vọng chế độ kinh doanh. Một cuộc cải cách của những người rủ nhau đi biển đầy nắng và sóng gió nhưng lại mang màu sắc ảm đạm của những kẻ đi vào con đường hầm không lối thoát.

Trong phần thứ nhất, Bùi Ngọc Tấn kể những câu chuyện rành rọt về những con chim bói cá trực tiếp đi “đánh giậm” trên biển. Có bao nhiêu nhân vật cả thẩy? Mười? Hai mươi? Ba mươi? Có nhân vật nào chính? Dường như có một nhân vật tên Cương. Nhưng cũng không hẳn thế. Dường như có một nhân vật tên Bôn. Nhưng cũng không hẳn thế.

Người đọc sẽ thấy mình bị mất hút trong đám nhân vật có tên nhưng dường như không tên, những gương mặt trong tầng tầng lớp lớp gương mặt thì đúng hơn. Nhưng các gương mặt ấy không đủ để bạn đọc nhớ được câu chuyện – một câu chuyện dường như chẳng có chuyện gì gắn bó “một cách tiểu thuyết” các nhân vật với nhau. Nhưng ta sẽ nhớ được câu chuyện nếu ta đặt chung các gương mặt của bức tranh vẽ theo lối “luật viễn-cận Trung Hoa”, nhân vật ở xa cũng như ở gần đều hiện trên bức tranh với độ lớn nhỏ như nhau, với sự rõ nét như nhau, bắt ta cứ phải bám theo từng gương mặt cho tới khi nó nhường chỗ cho gương mặt khác.

Cách kể chuyện đó của Bùi Ngọc Tấn, ta được thấy cả trong Chuyện kể năm 2000. Cách kể chuyện đó cũng nằm trong các truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn – trừ ba truyện ngắn có kết cấu thực sự “truyện ngắn Khói, Người chăn kiến Cún ở đó bố cục truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn có từ bỏ cái “lan man” phóng túng để trở lại với cái cổ điển gọn ghẽ vẫn quen được coi là đặc trưng của thể loại này. Cách kể chuyện đó hiện ra một cách như thể đùa bỡn và thật đắc địa trong Rừng xưa xanh lá và trong những ghi nhớ khác về bạn bè. Cách kể chuyện đó lại hiện trở về trong câu chuyện về những con chim bói cá – đặc biệt trong phần những con bói cá “lực lượng sản xuất chính” trên biển, không phải lũ chim ăn theo trên bờ.

Ta sẽ dễ dàng theo dõi các gương mặt (hoặc nhân vật) “chim bói cá” ấy, nếu ta để ý đến cái khát vọng chung được sống hạnh phúc của họ, những chàng trai, nhưng trung niên, những người chờ việc và những người “đánh thuê”, những cấp trên và cấp dưới, những người đồng cấp thân thiết nhau hoặc đang có chuyện ngủng ngoẳng mất đoàn kết với nhau… tất cả, không loại trừ ai, họ đều tạo thành một nhân vật chung mang tên Khát Vọng Hạnh Phúc.

Cái hạnh phúc đến là giản dị. Ông thuyền trưởng Bôn tầu vừa mới vệ sinh sạch sẽ về bến, đã vội nhầy lên bờ, quẳng tất cả đó, cũng không màng cả một con cá đem về cho vợ con, nhẩy ngay lên xe, chỉ kịp ngoái lại dặn “các ông ấy có hỏi thì bảo mình lên trạm xã một chút rồi về ngay. Đấy. Bây giờ lại đau. Có lẽ dạ dày dở chứng thật rồi” (trang 25). Người bạn cũng rất tâm lý, đứng ra bảo đảm cho sự vắng mặt của thuyền trưởng của mình tại một “cuộc họp quan trọng” như là có lý do rất tự nhiên, rất chính đáng:”Báo cáo, thuyền trưởng cầm y bạ đi khám bệnh rồi ạ” (trang 70). Thêm thắt bịa đặt tình tiết cầm y bạ cho ai ai cũng phải tin.

Trần Bôn đi đâu? Thì cũng là cái chuyện đi như mọi anh em. Đi cho nhanh vì nhớ vợ. Nhớ người yêu. Nhớ đàn bà. Hạnh phúc với lũ chim bói cá này là nỗi thèm khát được sống đều đặn với đàn bà. Mỗi gương mặt chim bói cá đều dính líu đến một thân phận đàn bà, một cuộc tình, mà thường là không bao giờ thỏa mãn. Chuyện thơ mộng như câu chuyện của bác cấp dưỡng già dưới tầu tên là Tích cho cánh thủy thủ trẻ “… Chúng máy biết gái Thủy Nguyên đập lúa rồi chứ gì. Khăn mỏ quạ bịt kín mặt chỉ để hở hai con mắt, chẳng biết già trẻ xấu tốt ra sao. Đập xong, tất cả ra về, chỉ còn tao và một cô ở lại quét dọn, về sau. Đến khi ra cầu ao, cô ấy cởi khăn ra giũ. Ôi trời! Đẹp quá. Má hồng rực, tóc mai dính bết, mắt bồ câu long lanh. Hai đứa xắn quần lội xuống bậc gạch bên dưới. Cô ấy cúi xuống. Tao cũng cúi xuống nhưng chưa vục nước ngay mà còn nhìn sang cô nàng. Hai bắp chân trắng như cá chép ngâm dưới nước. Cô ấy cũng nhìn lại tao cười, má cứ rực lên rồi lại cúi xuống ao, hai bàn tay khum khum định vốc nước lên mặt. Tao mới đưa tay sang xoa xoa vào mặt nước chỗ khuôn mặt cô ấy. Cô ấy cười tủm tỉm, rồi nắm lấy tay tao, giữ chặt không cho tao khỏa nước nữa. Lại còn đưa một tay sang xoa chỗ ao tao đang soi xuống. Trả miếng đấy. Có đi có lại đấy. Ăn chết rồi! Tao cũng nắm lấy tay cô ấy, giữ tay cô ấy lại, bóp một cái thật mạnh. Cô nàng nhăn nhó há miệng ra chiều đau. Chỉ há miệng chứ không kêu thành tiếng. Chà! Cái nhăn mặt ấy mới chết người. (trang 114)

Đời như thế mà phải đi biển những ngày dài biền biệt, nếu không nhớ nhung, nếu không sôi lên vì nhớ, thì chẳng hóa ra họ là phỗng hay sao?

Vì thế mà, một tỷ trọng khá lớn của tác phẩm hình như đã được Bùi Ngọc Tấn dùng để cho ngọn bút và con mắt quan sát cùng những kinh nghiệm trường đời của … mọi người được cố định trên những trang giấy.

Những chàng trai ấy thực tình cũng đáng được hưởng tình yêu đàn bà con gái của họ. Vì những ngày đằng đẵng họ ở dưới tàu, chỉ có trên là trời và dưới là nước. Vì những ngày đêm họ làm việc cật lực cho xí nghiệp…

* * *

Một “xã hội” sống chen chúc trong tiểu thuyết mà thiếu những đường dây cổ điển các nhân vật chính và phụ, các xung đột và những nút thắt… mà ta dùng khái niệm tiểu thuyết tư liệu để đặt tên, liệu khái niệm ấy có thể chứa đựng một phong cách khả dĩ đứng vững không?

Trước hết, cần nói rằng dạng tiểu thuyết tư liệu chẳng phải là sáng kiến của Bùi Ngọc Tấn; ông chỉ viết theo thói quen mà thành phong cách đó, đơn giản thế thôi. Trước Bùi Ngọc Tấn, Emile Zola đã từng đề cập đến khái niệm “tiểu thuyết thực nghiệm”(2). Và trước Zola, trong lịch sử sáng tác văn xuôi, cũng đã có dạng tiểu thuyết tư liệu ít nhất là từ năm 1849 ở Canada. Đó là cuốn “Ký họa cuộc sống Canada” của W. S. Darling, một cha đạo Tin Lành ở quận Toronto. Tác phẩm của Darling viết như một tập phác họa cuộc đấu tranh của Canada sao cho các thiết chế xã hội, chính trị và tôn giáo của mình,duy trì đuwocj tính chất và tinh thần Anh quốc, cố sống cố chết sao cho không bị lăn theo vết đi cộng hòa như ở nước Mỹ. Nhưng người đọc sẽ được thấy cả một tiến trình xã hội Canada chao đảo rồi xa dần những tập tục châu Âu để ngả vào con đường mới vạch ra ở nước Mỹ: con đường cộng hòa và dân chủ không sao cưỡng lại được ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Ta hãy trở lại với dạng tiểu thuyết tư liệu được coi như mẫu mực (kinh điển), tiểu thuyết Germinal (“Tháng gieo mầm” như cách đặt lại tên tháng theo lịch cách mạng) của Emile Zola. Đó là cuốn tiểu thuyết được Karine Montais et Elise Tropet(3) coi là có tính thời sự. Người đọc có thể thấy tình cảnh nước Pháp thế kỷ 19 “khi cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động đến hồi căng thẳng” và “đặc biệt sôi sục là những tai nạn lao động (nhất là tai nạn trong hầm lò)“. Và nhà văn Zola đã bỏ ra sáu tháng đi khảo sát các cuộc đình công của thợ mỏ miền Bắc và vùng Pas-de-Calais rồi từ đó viết nên toàn bộ câu chuyện(4).

Ngay từ những dòng đầu của chương đầu tiểu thuyết Germinal, Emile Zola đã để ta bắt gặp ngay nhân vật hệt như người đi điều tra tình hình công nhân. “Tôi là thợ máy, tôi đi tìm việc đây… Ở đây có nhà máy không?… Hàng ngày bà con ta có thịt ăn không? …  Có bánh mì mà ăn đã phúc! … ” Tương tự như vậy, cuối mỗi chương trong phần 1 về những con “chim bói cá”, Bùi Ngọc Tấn lại cho một chú bé trong tưởng tượng ghi lại nhật ký xuống tầu đánh cá với “bố” – một sự thơ mộng hóa, vì hình như nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn có chút e thẹn không muốn để bạn đọc “hiểu nhầm” vì sao tác giả lại có nhiều hiểu biết về cái nghề “đánh giậm” hiện đại này đến thế? Bùi Ngọc Tấn chẳng cần bỏ đi thực tế những sáu tháng để điều tra tình hình công nhân miền Bắc nước Pháp cuối thế kỷ 19. Trước khi viết Chuyện kể năm 2000, “a Tấn” từ Phố Lu về thành phố Cảng, được phục hồi không xét xử, và được cử về làm công tác thi đua tuyên truyền ở xí nghiệp đánh cá Hạ Long. Và khi một nhà văn có máu báo chí đặt chân tới đâu, con mắt nhà báo và trái tim nhà văn của họ tất yếu sẽ giúp cho cuộc đời này dựng được một tấm bia.

Nếu như Zola được chứng kiến và ghi lại cảnh đời công nhân Pháp, thì hơn là vậy, Bùi Ngọc Tấn còn thấy cả sự tan rã của hệ thống đánh cá mang cái tên đẹp đẽ là “quốc doanh” và được công nhân chế biến đi thành “Quốc doanh đánh giậm”.

Xin đừng nghĩ Bùi Ngọc Tấn đã bắt chước Zola! Cũng giống như khi Bùi Ngọc Tấn cho ra mắt Chuyện kể năm 2000 người viết bài này có nói với tác giả “ông viết đau như Ngôi Nhà Người Chết của Dostoevsky ấy”. Khi ấy, Bùi Ngọc Tấn đã phản đối lại: “mình chưa bao giờ đọc tác phẩm đó”.  Bây giờ cũng vậy, chắc là Bùi Ngọc Tấn cũng chưa đọc Zola – Tháng gieo mầm vẫn chưa thấy nằm trên kệ sách Việt.

 

* * *

 Chúng ta hãy trở lại với Chim bói cá…

Ở phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn dồn sức và dồn tư liệu phác họa thật tài tình sự tan rã của một thiết chế vô cùng thiếu tự nhiên, gửi thân trong hệ thống đánh cá “quan liêu bao cấp” – ta chẳng còn cách gì hơn là dùng cái định ngữ đã thành sáo mòn ấy!

Chỉ bằng vài nét mô tả cô Phòng và những người cán bộ hành chính – những con chim bói cá “ăn theo” trên bờ – và ta có ngay ấn tượng không thể nào quên về một khái niệm cơ bản: định nghĩa sinh động thế nào là hiện tượng vô văn hóa.

Những người “cán bộ” ấy cả nam lẫn nữ cả già lẫn trẻ đều xưng với nhau là bố, các bố và gọi người khác là con, các con (trừ gọi cấp trên, vì quan hệ của họ với lối xưng hô quái đản ấy chỉ diễn ra khi vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm, như chính họ thú nhận). 

Chỉ bằng những phác họa ngắn gọn, Bùi Ngọc Tấn cho ta thấy sự giả dối của những con người đó – những con người buộc lòng phải sống giả dối trong một thiết chế giả dối. Tủ “tài liệu” của họ được dùng để cất giấu cá, đem về nhà cải thiện đời sống, có khi chỉ một bọc cá cũng đáng giá bằng cả một tháng lương. Họ xin cá của các tàu đánh cá như những kẻ hành khất sang trọng! Xin được nhiều, ăn không hết, đem bán. Ai cũng là con mẹ hàng cá. Từ cầu cảng về, nhìn trước nhìn sau không thấy sếp, cánh phòng ban, người trước kẻ sau sách túi cá nặng vào buồng làm việc, mở tủ đứng hay tủ bàn dúi vào, và khép nhanh cánh tủ lại, đi ra ngoài cửa đứng nghênh ngó xem có ai nhìn thấy mình vừa xách cá về không, rồi trở vào kéo ghế ngồi trước bàn làm việc, giở tài liệu ra xem như người trách nhiệm nhất trên đời… (trang 332). Và họ phải tránh mặt không đem cá về khi còn thấy mặt cấp trên lảng vảng ở cơ quan. Họ đành lòng chăm chỉ ở lại làm việc, thực hiện tám giờ vàng ngọc (mà đúng là tám giờ vàng ngọc thật) hơn thủ trưởng” (trang 333).

Bên cạnh những nhân viên nhan nhản ở các phòng ban, Bùi Ngọc Tấn vẽ ra chân dung một trưởng phòng nhân sự cứ mỗi lần bọn chim bói cá đi biển về, cả đi đánh cá lẫn đi vận tải biển, đều lảng vảng xuống tầu, nói bóng gió về “thay đổi nhân sự”. Và thế là đã đánh đi một tín hiệu để các con đến nhà các bố mà dâng vật phẩm hối lộ. Tiếp đó, Bùi Ngọc Tấn chỉ cần vẽ phác một gương mặt con ông cháu cha khác đang phạm tội đấy nhưng lại được “đẩy nhanh” xuống tầu cho đi nước ngoài – những hành trình tương đương với những chiến lợi phẩm nhặt nhạnh từ các bãi rác tư bản chủ nghĩa nước ngoài đem về nhà lại đảo chiều trở thành hàng hóa mới.

Cuộc sống ngột ngạt thế ấy sẽ khiến ta không chịu đựng nổi nếu thiếu những trang viết đầy u-mặc của nhà văn tinh quái Bùi Ngọc Tấn. Đó là những trang chim chuột nhau. Đó là những lời lẽ xen kẽ kỳ tài chỉ thấy ở Bùi Ngọc Tấn. Đó là anh nhân viên được cử đi mua đồ ăn tiếp khách đã dừng lại “nếm” vài miếng rồi say sưa quên mất và bắt cả khách lẫn chủ chờ vàng mắt. Đó là anh cán bộ thiết kế vườn hoa đã trồng cỏ mầu vàng để “thể hiện” màu cá rán. Đó là một anh cán bộ “dư dôi” làm công việc nhổ cỏ ở cửa phòng làm việc của sếp cũng lẩn thẩn suy tưởng về việc tạo ra những cái cống đầy cỏ thối để nuôi lươn, biến cái giấc mộng thủy sản thành sức mạnh của toàn dân!    

Nhưng ta đừng nghĩ Bùi Ngọc Tấn chỉ biết đùa bỡn cười cợt chớt nhả. Đoạn kết tác phẩm Biển và chim bói cá có thể khiến người đọc đầm nước mắt qua giọng văn tưởng như đùa bỡn của tác giả.

Nhưng để thấy hết “chất” Bùi Ngọc Tấn, không gì hơn là ta hãy trở lại với Emile Zola trong Tháng gieo mầm để nếm đoạn kết của sách này:

Giờ đây, trên trời cao, mặt trời tháng tư đang rạng rỡ hết mực, sưởi nóng trái đất đang sinh sôi. Từ thân những cây củ cải trắng, mầm mọc ra thành lá xanh giữa những run rẩy cỏ xanh cũng đang ngoi lên. Khắp nơi, các hạt giống đang căng phồng lên, vươn dài ra, lấy mầm phủ khắp cánh đồng, ngoi lên mặt trời mang sức nóng và ánh sáng. Nhựa tràn trề cùng với những giọng thì thầm, tiếng mầm nảy nở thành tiếng nụ hôn dài. Dần dần, mỗi lúc một hiện ra rõ nét, những hạt mầm như những bước chân bè bạn đồng chí rầm rập bước. Dưới nhứng tia mặt trời nóng bỏng, tiếng ồn ào làm mặt đất mang thai. Tựa hồ như bao nhiêu con người đang đi ngang, một đội quân đen đúa, một đạo quân báo thù, đang chầm chậm vươn mầm trong các luống đất, đang lớn lên cho những mùa gặt của cả thế kỷ mai sau, những mầm xanh đang làm cho trái đất vỡ tung.

Còn Bùi Ngọc Tấn đã lại có đoạn kết riêng của mình. Tác giả đã chọn nhân vật Cảnh để mô tả sự chấm hết tất yếu trong cuộc tan rã vĩ đại của quốc doanh đánh giậm. Cô Phòng, người đáng bị đuổi việc hơn cả, lại phát tháng lương cuối cùng cho Cảnh, một thanh niên bị xếp vào loại “dư dôi”:

–        Thôi em ạ. Đi làm mười ba ngày mà được lương nửa tháng là tốt rồi.

Cảnh trầm ngâm:

–        Vấn đề cũng khá nan giải đây.

Đó cũng là câu nói nổi tiếng của Cảnh. Như câu “dù sao trái đất cũng cứ quay” vậy.

Nhận tiền lương rồi, Cảnh vẫn cứ lờ vờ ở xí nghiệp. Mấy anh chàng “giặc lái” hỏi:

–        Sao không về nhà, còn ở đây làm gì?

Cảnh đáp thản nhiên:

–        Đã hết giờ đâu mà về.

Nói rồi đi ra ngồi dưới gốc cây cột điện. Và lạ là sáng hôm sau Cảnh vẫn đến. Rồi những hôm sau nữa. Đúng giờ… (trang 526)

Cậu Cảnh của Bùi Ngọc Tấn không biết đi đâu về đâu cả. Không một “mầm xanh” hy vọng như của Zola giành cho cậu.

So với Emile Zola, người vẫn được các sách giáo khoa “tiến bộ” chê là “tự nhiên chủ nghĩa”, hình như Bùi Ngọc Tấn còn bi quan hơn nữa.

Bi quan hơn hay lạc quan hơn hay trung thực hơn hay cay đắng hơn?

Ta chẳng có quyền bắt Zola không được hy vọng.

Ta sẽ chỉ ngậm ngùi vì những lời răn của những bề trên văn học (trong đó đích danh có M. Gorki) vẫn thường tiện mồm dạy những người viết văn hãy “lãng mạn cách mạng”.  

Bùi Ngọc Tấn là tên học trò hư của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Bùi Ngọc Tấn không biết nói dối.

Bùi Ngọc Tấn vẽ lên một cậu Cảnh thất nghiệp y hệt như những người thất nghiệp khác mà thân phận họ chưa bao giờ nằm trong một bản thống kê có giá trị nào.

Bùi Ngọc Tấn thuộc về số người viết văn nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc. Có ai đó đã viết thế ở trang bìa 4 tiểu thuyết Biển và chim bói cá.

 

Hà Nội, 14-3-2009

CHÂU DIÊN  

 


(2)  Xin coi mục Emile Zola trong Từ điển Văn học (bộ mới), Đỗ Đức Hiểu soạn.

(3)  Xin coi đường dẫn: http://www.bmlisieux.com/litterature/gambier/gambie08.htm

(4)   Havelock Ellis, lời giời thiệu Germinal trong bản dịch sang tiếng Anh, xuất bản năm 1894; xin coi đường dẫn: http://www.ibiblio.org/eldritch/ez/gin.html