Sung sướng thay là những kẻ có niềm tin

TP – Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa có cuộc giao lưu với bạn đọc chủ đề Tìm lại thời gian đã mất trong không gian phố cổ Hà Nội.Trước đó, ông gặp lại đồng nghiệp thân thiết đủ các thế hệ ở báo Tiền Phong nhân 26/3. Phóng viên hỏi chuyện ông, nhân chuyến đi ý nghĩa từ Hải Phòng về Hà Nội.

Độc giả đến với buổi giao lưu “Tìm lại thời gian đã mất”. ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Độc giả đến với buổi giao lưu “Tìm lại thời gian đã mất”. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

So với cái thời “Mọi người nhìn tôi không ra quen không ra lạ, không ra chào không ra không/Mọi người nhìn tôi như thể mọi thứ đã kết thúc rồi”, có thể nói hiện Bùi Ngọc Tấn đang ở đỉnh cao hạnh phúc? Và ông có thấy bất ngờ trước những câu hỏi mà những người trẻ đặt ra cho ông tối 15/3 trong cuộc giao lưu ở quán cà phê Manzi, về lẽ sống, niềm tin, về những sai lầm trong quá khứ, về việc họ rút ra bài học cho mình từ bài học của Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên rằng “sống phải có lý tưởng và phải sáng suốt trong việc định ra những giá trị”?

Trước đây do ít tiếp xúc với lớp trẻ nên khi về già tôi có một mối lo, một nỗi sợ thì đúng hơn: Sợ lớp trẻ không biết được những gì lớp U 30 (sinh ra những năm 1930) chúng tôi đã sống, đã trải qua. Và như vậy thì thật đau đớn cho họ, những người “sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào”.

Cho đến năm 1997, khi làm bộ phim về nhà thơ Lê Đại Thanh, tiếp xúc với các bạn trẻ cùng làm phim, nỗi sợ ấy đã hoàn toàn biến mất. Một niềm vui lớn của tôi!

Lớp trẻ sau chúng tôi một thế hệ ấy (lớp cha-con) hoàn toàn hiểu được chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi. Tôi đã bảo Giang Lương Hà, Nguyễn Năng, những đồng tác giả của phim: “Thu hoạch lớn nhất của chú, cái được lớn nhất của chú trong khi làm phim là hiểu được các cháu, là biết rằng thế hệ các cháu hoàn toàn hiểu bọn chú”.

 Ngày xưa chúng tôi tràn đầy lạc quan, tin tưởng, đến nỗi lỗi của mình là đã tin tưởng quá. Còn bây giờ, tôi thấy thương các con vì dường như chúng chẳng biết tin vào cái gì. Người Pháp có câu “sung sướng thay là những kẻ có niềm tinNhà văn bùi Ngọc Tấn

Và sau này là những bạn đọc trẻ tới nhà. Mới Tết năm ngoái (2012) thôi, một cháu gái (thế hệ thứ 2 sau chúng tôi, thế hệ ông-cháu) từ Hà Nội về (cùng các anh Nguyên Ngọc, Dương Tường, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Vũ Quần Phương…) bảo tôi: “Mấy quyển Anna chú phải giữ cẩn thận đấy chú nhé”. Ý cháu muốn nói tới mấy tập sách đã theo tôi vào tù. Không cần bình luận gì thêm về lời dặn ấy. Nó găm vào trí nhớ tôi.

Rồi đến buổi gặp ở Manzi tối 15/3 vừa qua. Một bạn đọc còn rất trẻ mang gần như tất cả các đầu sách của tôi đến để tôi ký.

Tôi không bất ngờ trước các câu hỏi của lớp trẻ đặt ra cho chúng tôi về lẽ sống niềm tin, những sai lầm trong quá khứ, về những điều cần phải có trong cuộc sống. Tôi hiểu họ, yêu quý họ và tin chắc một điều: Sự chia sẻ giữa các thế hệ là tuyệt đối. Điều ấy làm chúng tôi yên tâm sống và thanh thản đi… về thế giới bên kia.

IMG_3930
“Nếu có bị cuộc đời cho đo ván thì cũng đừng để mất hết” (Bùi Ngọc Tấn khuyên bạn trẻ, tại café Manzi 15/3).

Và so với cái thời mà một loạt nước XHCN kiểm điểm nước nào xem nhiều nhất phim “Số phận con người” (theo truyện của Solokhov); những phim “Đàn sếu bay”, “Bài ca người lính” bị cấm chiếu ngay ở quê hương do cái án quy chụp “gây tâm lý sợ hãi chiến tranh” (như ông vừa mới hồi ức), thì không khí hiện nay khác hẳn? Ông nghĩ ông còn muốn nó khác đến bậc nào nữa?

Cuộc sống hôm nay có những bước tiến bộ đáng kể so với cái thời thi chiếu, thi xem phim Số phận con người, rồi lại lên án nó. Nhưng đã nửa thế kỷ rồi. Gọi là cuộc sống có nhích lên. Nhích lên chút ít. Đáng buồn là như vậy. Hai ông nhà báo đi làm phận sự bị đánh mà không dám nhận là mình bị đánh, không dám “ẳng lên một tiếng” như người ta đã viết. Về chủ đề này có đến cả chục ngàn dẫn chứng, trăm ngàn ví dụ.

Cuộc sống đã có nhiều tiến bộ. Nhưng sự không dám nói thật, sự dối trá vẫn còn khá phổ biến. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống, đến tiến bộ xã hội.

Cho tôi nói rõ một điều: Tôi căm thù sự giả dối, đặc biệt thói đạo đức giả.

Ông hẹn với bạn bè “phải sống dai, sống dai là thắng” và nay ở tuổi 79 ông kết luận“sống đến bây giờ là lãi rồi”. Gặt hái lớn nhất của cuộc đời Bùi Ngọc Tấn?

Tôi rất sợ chết mà chưa làm được những công việc cần làm, chưa hoàn thành dự định (như Nguyên Hồng chẳng hạn) thì quá buồn. Thật may mắn, những việc cần làm tôi đã làm hoặc đang hoàn thành.

Đúng là tôi sống đến bây giờ là lãi rồi. Tôi không ngờ về cuối đời lại được hưởng sự chia sẻ, đùm bọc như tôi đang hưởng.

Gặt hái lớn nhất của đời tôi ư?

Một là: Có được một đóng góp ít ỏi, nhỏ bé cho văn học.

Hai là: Tránh được cho người quen những lúng túng khi gặp tôi, chấm dứt tình trạng đã kéo dài nửa thế kỷ, như tôi nói ở trên: Không ra không nhìn thấy, không ra nhìn thấy, không ra chào, không ra không chào, chẳng là quen mà cũng không là lạ, nhìn tôi như nhìn một cái gì đã kết thúc rồi.

Ông vẫn chủ yếu đi về Hà Nội- Hải Phòng. Cảm nhận của ông về hai thành phố này, thời điểm hiện nay?

Tôi yêu Hà Nội, Hải Phòng của nửa thế kỷ trước với tình yêu của một chàng trai tuổi 20.

Một Hà Nội thanh bình, êm đềm, thanh lịch văn hiến, và trong veo không khí, tán lá những phố sấu dài như ôm ấp chở che.Hà Nội một thời để yêu, một thời để sống của tôi.

Và Hải Phòng tỉnh lẻ, tỉnh lẻ cô em nằm xem kiếm hiệp, tỉnh lẻ về bầu trời, về sự dèm pha tâng bốc. Tôi đã viết về Hải Phòng như vậy nhưng tôi yêu nó biết bao. Hoa phượng chẳng dính dáng gì đến tình yêu ấy dù nó đã được chọn là biểu tượng của thành phố Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ.

Hải Phòng xù xì lam lũ, lao động đổ mồ hôi, hồn nhiên, chân thật, phóng khoáng và cởi mở với những tên đất chỉ nghe cũng đã yêu: Ngõ sau Nhà Lốp, Nhà thờ Tây đen, bến tầu Tây Điếc, Ngõ ông Lý Phình… Hải Phòng với những ngôi nhà mới cửa sổ xanh mở đều một lượt / như một ban đồng ca cùng ngân giọng hát/ như những người bên nhau cùng mở rộng tâm hồn.

Hải Phòng, Hà Nội hôm nay, những cơ thể đang phát triển. Mờ đi những nét riêng. Hơn thế, rất giống nhau: Xô bồ, vội vã, giành giật…, ô nhiễm cả thành phố, cả mặt người.

Phát triển nhưng đầy lo âu.

Tôi trở thành xa lạ với Hà Nội và với cả Hải Phòng dù vẫn sống ở đó.

Có thể vì tôi đã 80 tuổi rồi chăng?

DƯƠNG PHƯƠNG VINH

Không e sợ khi xuân về

TP – Năm qua, tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn đoạt Giải thưởng Lớn trong Festival Sách và biển tại Pháp. Chiến thắng 6 đối thủ có sách vào chung khảo – là các nhà văn chuyên nghiệp Pháp, Canada, Bỉ – có người là giám đốc nhật báo Le Monde vốn là thủy sư đô đốc, nghĩa là rất hiểu biển. Đã gần tám mươi ông vẫn nguyên một tinh thần sảng khoái, điềm tĩnh.

 

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và cháu nội. Ảnh Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và cháu nội. Ảnh Nguyễn Đình Toán.

 

Mỗi lần gặp ở Đại hội Nhà văn thấy ông rất phấn chấn. Sao lần gần đây nhất ông lại vắng mặt?

Một câu hỏi rất hay. Nhưng để trả lời câu này, cho phép tôi ngược thời gian một chút. Xuân nhật do đa mà. Dông dài tí ti, chị đồng ý nhé.

Năm 1973, khi tôi từ rừng núi trở về, các cơ quan chức năng nhiều lần nói với vợ tôi: “Chị đừng nghĩ là anh Tấn nhà chị lại còn được viết văn nữa. Không ai cho anh ấy viết văn nữa đâu! Chị hãy nhớ lấy điều ấy!”.

“Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời”. Đã bao lần tôi nhẩm đi nhẩm lại câu thơ ấy. Tưởng rồi sẽ quên được hẳn tên-dưới-mặt-trời của mình nhưng mới khó làm sao.

Đầu năm 1990, tôi viết trở lại. Viết vì sau nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng năm 1986, có thể viết khác đi. Viết vì những điều tích tụ trong lòng không thể không viết ra. Viết như một sự không khuất phục, chống lại mệnh trời…

 

 Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần. Thời còn đang học phổ thông, đọc câu ấy trong Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh mà cứ rợn hết cả người. Tôi hiểu rằng tôi đang sống nghĩa là tôi đang chết. Tôi hiểu lẽ sinh, tử trong câu ấy. Tôi hiểu cuộc đời thật đẹp, hãy sống hết mình như một người cần phải sống, được sống trên cuộc đời này. Và sống có ích. Cũng như sau này tôi đọc Léonard de Vinci: Tôi những tưởng rằng mình học sống hoá ra là học chết.

Bùi Ngọc Tấn

Sau khi công bố hai tập sách (hồi ký Một thời để mất cuối năm 1995 và truyện ngắn Những người rách việc đầu năm 1996) tôi nộp đơn xin vào Hội Nhà văn, nhưng không được kết nạp. Tôi đã định rút đơn. Hai người ký bảo lãnh cho tôi là Vũ Bão và Lê Bầu can ngăn: Tôi lạy ông. Ông cứ để đơn đấy cho chúng tôi nhờ.

 

Thực ra nếu không vì hoàn cảnh éo le, tôi không nộp đơn. Tôi luôn hiểu viết văn là nỗ lực một mình cô đơn trước trang giấy trắng. Chẳng qua chỉ vì muốn chính thức được công nhận đã đứng dưới mặt trời thôi. Cái danh hiệu “nhà văn quốc gia” như anh em văn nghệ Hải Phòng thường nói, có thể giúp tôi điều ấy. Năm sau, 1998 tôi được kết nạp. Đại hội Đại biểu Nhà văn lần thứ 6 (năm 2000) là đại hội đầu tiên tôi được tham dự. Tuy nhiên đã có ý kiến truất quyền đại biểu của tôi. Cuối cùng tôi vẫn được đi họp. Tôi có nói với nhà thơ Hữu Thỉnh, phó Tổng thư ký Hội Nhà văn lúc ấy về mục đích đi đại hội của tôi: Mình có dự cũng chỉ để gặp lại bạn bè cũ. Nếu không, có khi đến chết cũng không gặp được nhau. Một đại hội vui của tôi. Bạn cũ, bạn mới tay bắt mặt mừng. Tôi không chú ý tới các bản tham luận. Chỉ bắt tay, ôm lấy nhau. Và chụp ảnh…

Năm 2005, Đại hội Đại biểu lần thứ 7, được bầu là đại biểu, việc dự của tôi suôn sẻ. Đã biết đại hội sẽ diễn ra như thế nào rồi, nghĩa là người đọc tham luận cứ đọc, người ngồi dưới cứ nói chuyện, người ra hành lang uống cà phê cứ uống, người đi dạo ngoài sân cứ đi…, niềm vui của tôi là gặp lại Hà Nội của tôi, Hà Nội một thời tươi đẹp nhất của tôi. Cùng Đoàn Lê đi thăm Nguyên Bình ốm nặng. Uống bia, ăn chân gà nướng ban đêm ở một vỉa hè Hà Nội với Dương Tường, Dạ Thảo Phương, “đầu nậu” sách Dương Thắng rồi Phạm Hải Anh vừa từ Hà Lan về. Một mình lang thang Bờ Hồ, ngồi ở gốc cây nơi 32 năm trước đã ngồi khi từ những lòng chảo giữa rừng trở về ăn kem, gặp lại Tháp Rùa…

Đại hội (toàn thể) lần thứ 8 tháng 8 năm 2010 tôi không dự. Bởi những lý do thiết yếu của riêng tôi không còn nữa. Bạn cũ, bạn mới (đã thành bạn cũ) gặp rồi, và suốt 10 năm giữa các đại hội, thường xuyên gặp gỡ, điện thoại, meo đi meo lại cho nhau đủ các thứ chuyện rồi. Còn nhu cầu gặp lại Hà Nội xưa thì thật khó mà thực hiện: Kẹt đường, kẹt xe. Cực kỳ gian khổ. Kể cả nguy hiểm nữa. Người, ô tô, xe máy ở đâu ra mà lắm thế.

Với lại cũng thừa biết các đại hội đều giống nhau. Ăn sáng như thế nào, lên hội trường như thế nào.

Sau đại hội, nhiều người bảo tôi: Anh không đi là đúng.

Ông có e sợ khi mùa xuân về?

Tôi hiểu ý câu chị hỏi. 79 tuổi rồi. Mỗi mùa xuân tới đồng nghĩa với cái khúc còn lại của tôi ngắn đi một ít. Cái kết thúc đang tới gần kề. Thực ra tôi nghĩ tới sự kết thúc từ lâu lắm rồi. Ngay khi còn rất trẻ.

Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần. Thời còn đang học phổ thông, đọc câu ấy trong Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh mà cứ rợn hết cả người. Tôi hiểu rằng tôi đang sống nghĩa là tôi đang chết. Tôi hiểu lẽ sinh, tử trong câu ấy. Tôi hiểu cuộc đời thật đẹp, hãy sống hết mình như một người cần phải sống, được sống trên cuộc đời này. Và sống có ích. Cũng như sau này tôi đọc Léonard de Vinci: Tôi những tưởng rằng mình học sống hoá ra là học chết. Xin chị đừng ngắt lời tôi. Mùa Xuân không nói tới chuyện chết. Dông. Đúng không? Tôi lại thấy ý nghĩa tích cực của những câu nói ấy. Hãy sống như thế nào để đến khi chết đi không còn áy náy gì.

Chẳng phải Paven Korsagin cũng đã nói thế hay sao. Học sống hóa ra là học chết đấy. Cũng có thể nói ngược lại với người khổng lồ Léonard de Vinci: Học chết lại chính là học sống. Tôi không e sợ gì khi mùa xuân về. Bạn bè nhiều người không còn nữa: Vũ Bão, Lê Bầu, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Mạc Lân. Tôi biết họng súng bắn tỉa của Thần Chết đang chĩa vào tôi, chờ đợi cú siết cò và thanh thản ra đi. Bởi những việc cần làm tôi đã làm với hết sức mình. Bởi tuy còn những cái xấu, nhưng tôi không làm hại ai, tôi luôn là người lương thiện.

Bởi sống đến bây giờ là lãi rồi.

Dương Phương Vinh

Tìm lại thời gian đã mất

Buổi trò chuyện có tên “Tìm lại thời gian đã mất” do Manzi Art Space và Hanoi Grapevine đồng tổ chức thuộc chuỗi sự kiện “Trò chuyện nghệ thuật” do quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF) tài trợ.Buổi giao lưu nhìn lại nhưng thăng trầm của 5 thập kỷ qua với những trải nghiêm., những kỷ niệm của những nhân chứng thời gian, những người đã sống trong thời kỳ quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại, thời kỳ lịch sử VN nửa sau thế kỷ 20 đầy giông bão và bi hài với nhiều sự kiện: Chiến tranh, sự khốn khó của những năm tháng bao cấp rồi đổi mới. Và cuộc tìm lại bản ngã.

Tối muộn ngày 15/3 tại Hà Nội, 3 người bạn thân mái tóc đã phai màu là dịch giả Dương Tường (81 tuổi), nhà văn Bùi Ngọc Tấn (79 tuổi) và nhà văn Châu Diên (tên thật Phạm Toàn 81 tuổi) ngồi bên nhau ôn lại những kỉ niệm và cùng “Tìm lại thời gian đã mất“. 
Từ trái sang: Dịch giả Dương Tường, nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhà văn Châu Diên

Ba nhân vật chính – ba nhân sĩ, trí thức cao niên và được nhiều người biết tiếng sinh ra vào đầu thập niên 30 của thế kỉ trước, họ trải qua thời thanh niên sôi nổi với những biến đổi lớn lao của thời cuộc, với khí thế cách mạng hào hùng, với chiến thắng của cách mạng và những hy sinh của cách mạng, với những chuyển biến sau cách mạng bao gồm các kết quả/ hệ quả về kinh tế và tư tưởng. 

Chúng tôi đã chơi với nhau hơn nửa thế kỉ. Các bạn hãy tin rằng, cho đến hôm nay, chúng tôi chưa sống một ngày nào không thật với lòng mình. Chúng tôi là một thế hệ hồn nhiên ngây thơ. Chúng tôi ngây thơ đến mức thấy phòng trà thì không dám vào, vì sợ mình bị “ăn đạn bọc đường“” – dịch giả Dương Tường đúc kết pha lẫn chút hài hước cho khoảng thời gian từ những năm 60 của họ.
Cuộc sống là một sự tình cờ. Khi nhìn lại quãng thời gian vài chục năm “đã mất”, tôi thấy nó không mất, không còn, không thừa, không thiếu. Mình chỉ được thêm một cái, đó là thấy mình đã “hồn nhiên“. – Châu Diên cười, đôi mắt ông toát lên ánh nhìn vui vẻ nhưng giọng nói thì sang sảng, rõ ràng, thuộc về một người có khí tiết mạnh mẽ và chiều sâu của tư duy.
Dịch giả Dương Tường
Trong 3 người, có lẽ nhà văn của “Sống giữa những người anh hùng” (1962) là còn nhiều nhiệt huyết nhất với những hoạt động xã hội. Ông gắn kết với xã hội, hào hứng với thay đổi và tích cực cống hiến để thay đổi. Dự án Cánh Buồm (nghiên cứu và biên soạn sách giáo dục) của ông và những người đồng hành nhận được nhiều ủng hộ từ cộng đồng. Dịch giả Dương Tường nhu hòa hơn – dường như sau nhiều thăng trầm của thời cuộc, ông chỉ muốn chú tâm vào thế giới của những cuốn sách. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn khó đoán định. Hiện đang sống ở Hải Phòng, xa bạn bè văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội, thế nên cái cảm giác riêng biệt, không thuộc về một nơi nào khiến ông trở nên lãng đãng. Ông nói về thời kỳ rực lửa anh hùng những ngày tuổi 20 đạp xe về cơ sở thâm nhập thực tế, ghi chép, đêm đêm chong đèn đọc sách, khát khao sang trang văn học, về Hải Phòng để viết tác phẩm của đời mình mà không ngờ phải sống cạn một kiếp mình rồi viết về chính kiếp đó.
Trong những ngày khó khăn, tại Hà Nội, Dương Tường Châu Diên ra khỏi biên chế nhà nước, ngoài việc bán máu và bán màu không thành, ngày ngày đến thư viện đọc sách. “Thư viện, đấy là trường học lớn của tôi”. Dương Tường nói vậy.
Trong khi ấy, Bùi Ngọc Tấn được phóng thích khỏi nhà tù, ông nhắc lại cảm giác của mình những năm 70 ấy:: Khi Nguyên Bình chuyển lên Hà Nội, tôi không còn mơi nào để mà đi đến nữa. Mọi người nhìn tôi rất lạ. Không ra không nhìn thấy, không ra không nhìn tháy, không ra chào không ra không chào, chẳng là quen mà cũng không là lạ. Mọi người nhìn tôi như một cái gì đã kết thúc rồi!
Cách mạng, ngày đó, với các văn nghệ sĩ còn là một điều gì đó thuộc về sự lãng mạn. “Tôi cũng nghĩ mình khổ, nhưng thời trẻ, mình còn có một cái gì đó là lý tưởng, mục tiêu. Chứ bây giờ nhìn lũ con tôi, tôi thương lắm. Bởi chúng nó không biết tin vào cái gì nữa.” (Bùi Ngọc Tấn)
Trong suốt khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ của buổi trò chuyện “Tìm lại thời gian đã mất”, ba nhân sĩ cao niên đã chia sẻ thật nhiều, ngay cả những tình tiết khó tin với lớp trẻ, các bạn văn, độc giả quan tâm và báo giới. “Nhờ J.J.Rousseau – triết gia người Pháp, chúng tôi đã có hiểu biết để phản đối những người Pháp xâm lược. Sau này hòa bình, chúng tôi lại đọc “Số không và vô tận”, “Giờ thứ 25” (dịch giả Dương Tường)… Cú sốc ập đến khi tri thức khách quan không được coi trọng, khi thấy người tốt bị nghi ngờ.
Thế nhưng họ đã tìm lại cho mình tinh thần “tái sinh” sau chuỗi ngày khủng hoảng. “Tôi không có lời khuyên nào khác hơn cho các bạn là hãy sống và trải nghiệm. Giữ cho mình lý tưởng, sự lao động và hồn nhiên, trung thực với bản thân mình. Quan trọng nhất, dù ở đâu, ở thời kì nào cũng không thể không lao động, không làm việc” – nhà giáo, nhà văn Phạm Toàn/ Châu Diên kết luận.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhà văn Châu Diên

Còn Bùi Ngọc Tấn nói: “Tôi chỉ chia sẻ kinh nghiệm của tôi với các bạn trẻ. Khi bị cuộc đời hạ đo vàn, hãy cố đứng dậy, làm một cái gì đó, gỡ lại được chút nào hay chút ấy. Đừng để mất hết.”

Những phút cuối của cuộc trò chuyện, khán thính giả đặt câu hỏi: “Xin phép được hỏi trên tinh thần cởi mở và chia sẻ. Như đã nói, thế hệ của các ông là một thế hệ có khát vọng và đam mê, nhưng còn có thiếu sót gì không? Sai lầm lớn nhất của thế hệ các ông là gì và trách nhiệm để lại?
Nếu có thì cũng là sai lầm đáng yêu thôi” – nhà văn Bùi Ngọc Tấn đáp – Xin trích một câu trong Chuyện kể năm 2000 không biết Già Đô nói với Hăn hay Hắn nói với Già Đô tôi không nhớ nữa “Lỗi của chúng mình là tin tưởng quá”.
Theo Tien Phong
20130315_213237 20130315_213150 20130315_195801 IMG_0229 Quang cảnh buổi tọa đàm Dịch giả Tây Hà đang trả lời Bạn đọc đặt câu hỏi IMG_0296 IMG_0289 Quang cảnh buổi tọa đàm Quang cảnh buổi tọa đàm Dịch giả Dương Tường và bạn đọc

Với dịch giả Tây Hà (Biển và chim bói cá) và bạn đọc

Với dịch giả Tây Hà (Biển và chim bói cá) và bạn đọc

IMG_0472