Một giải rất xứng đáng cho Biển và Chim bói cá

Trong những sách được lựa chọn trong cuộc thi giải Henri Queffélec năm nay, nổi bật lên là hai cuốn tiểu thuyết đặc biệt độc đáo và có chất lượng cao, “Biển và Chim bói cá” của tác giả Việt Nam Bùi Ngọc Tấn, và “Cách sử dụng cho đúng các vì sao” của nữ tác giả Dominique Fortier người Québec. Ban giám khảo đã ngả về quyển truyện Việt Nam, một lựa chọn rất đích đáng, dù cuốn sách của Dominque Fortier cũng được nhiều người ủng hộ.


Biển và Chim bói cá kể lại cuộc sống của người đánh cá trong xã hội Việt Nam cộng sản. Những người này tựa như những con cá nhỏ cố sống trong mạng lưới của một “xí nghiêp”, lan tràn khắp nơi, rập khuôn (impersonnel), như một mối đe dọa. Một người vô tình vui vẻ hát lên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” khi qua cổng bảo vệ. Bỗng giật mình lo sợ: Người ta có thể cho lời hát của anh là mỉa mai không ? Anh sẽ có bị loại vào hạng chống đối không ?
Hóm hỉnh và nên thơ

Trong xã hội khóa kín đó, mà tất cả phải làm theo kế hoạch, chẳng có việc gì được vận hành theo đúng nguyên tắc. Khi tàu đánh cá về bến, mọi người đều lên tàu xin cá, vì tất cả đều đói, mà các thuyền viên thì không nỡ từ chối.
Thành công đối với một thuyền viên đánh cá, là được chỉ định lên một con tàu đi Nhật, để mang về hàng xô đồng hồ Seiko và hàng thùng thuốc kháng sinh. Nhà văn tả một cách dí dỏm những người dân đen đầy tình cảm (tendre) và ranh mãnh (débrouillard) này, đang cố sống trong một thế giới khóa kín. Tác giả cũng đưa ra cậu bé lần đầu tiên được lên tàu đánh cá của cha. Mê hồn vì biển, vì cá, vì những con chim biển, cậu ta cũng hiểu được điều cốt yếu của biển: Biển làm cho cha mình là con người (être humain), nhờ biển mà nuôi được gia dình, như con chim bói cá. Biển là cái gì nó cho người ta được có nhân phẩm (dignité), và cho con người một tự do bất diệt, dù cho xã hội có điên cuồng thế nào. Cuốn tiểu thuyêt của Bùi Ngọc Tấn cũng là một sự suy tư đẹp và tinh tế về con người (une belle et sensible méditation sur l’humanité).

Jean-Luc COCHENNEC – Nhật báo Ouest France, 7-8 tháng 4, 2012

(Người dịch: Tây Hà)

Biển và chim bói cá- “sử thi của thời hiện tại”

Sáng tạo tiểu thuyết thể hiện quan niệm văn chương của Bùi Ngọc Tấn toàn vẹn và sâu sắc hơn cả, khi những triết lý đượm màu sắc humour cùng khám phá ý vị về tâm lý đời sống, tâm lý sáng tạo, từng mang lại thành công độc đáo cho ông trên lĩnh vực truyện ngắn và tùy bút, đã nhường chỗ cho một “cái nhìn sử thi” vượt ra khỏi ranh giới của sự phản ánh, miêu tả và khái quát thông thường. Người ta vẫn cho rằng tiểu thuyết được định hình bởi phạm vi phản ánh đời sống xã hội rộng lớn của nó, thực chất lại không phải vậy. Một sáng tạo bằng ngôn  ngữ văn xuôi chỉ được xem là tiểu thuyết khi nó biểu đạt thành công ý tưởng cá nhân, quan  niệm cá nhân của người viết về “ hiện thực đời sống rộng lớn ” mà thôi. Và quan niệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn trong các tiểu thuyết của ông là sự chứng nghiệm cũng như hồ nghi những giá trị tồn tại tưởng chừng ổn định, vững vàng bất biến nhưng thực ra lại đang hàm chứa cơn bão táp khốc liệt của sự phân hóa, biến tướng và hủy hoại, một sự chứng nghiệm phê phán sắc bén tựa như cái nhìn của các tiểu thuyết gia hiện đại nửa đầu thế kỷ 20, để làm nên thứ sử thi văn chương mới, sử thi của thời hiện tại. Nếu sử thi của thời anh hùng thiên về ngợi ca, tự khuyếch trương giá trị con người, thì “sử thi của thời hiện tại” lại là cảm hứng hồ nghi sâu sắc.

Biển và chim bói cá, cuốn tiểu thuyết đồ sộ tập trung vào khoảng hai mươi nhân vật, được miêu tả như những hình tượng đa phương, có phần lỏng lẻo trong một tác phẩm sắp đặt của loại hình nghệ thuật thị giác, nói bằng thứ ngôn ngữ  trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu và cả tiếng thở dài… với vài chục ngàn chi tiết lớn nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh khiến người đọc phải bật cười tức khắc hoặc lay động những cảm giác sâu kín của lòng trắc ẩn, lương tri…

Khắc họa đời sống thực thể và tinh thần éo le, sóng gió, trôi dạt của anh em thủy thủ, công nhân viên tại một cơ sở đánh cá quốc doanh, Bùi Ngọc Tấn muốn đào xới đến kiệt cùng cái hiện thực nhọc nhằn của sinh tồn, bao gồm cả sinh kế và nhân sinh. Mỗi hành động sống đều như bị đẩy đến ranh giới của một tồn tại khác, thứ tồn tại buộc người ta phải tự vấn đến cùng, để soi lại vị trí của bản thân trong những thang bậc của tính người, của tư cách con người. Một anh chàng Nhược thợ  lạnh “ nổi tiếng ” vì kéo bạn… ăn vụng hết cả mâm cơm tiếp khách của giám đốc mà anh ta được giao nhiệm vụ bưng về. Một đôi vợ chồng thủy thủ mòn mỏi trong cảnh thiếu thốn giật gấu vá vai bỗng dưng trở lại “hồi xuân” yêu đương nồng thắm, cuộc đời mở ra đầy hi vọng, sinh khí và tư cách, kể từ khi anh chồng nhận lệnh chuyển sang làm việc trên tàu vận tải viễn dương…

Cứ như vậy, những góc khuất của đời sống và con người tại một Liên hiệp đánh cá biển Đông lẫy lừng thành tích và cũng chứa chất những trái ngang… bỗng hiện ra trước bạn đọc như vật chứng không thể chối từ của một thời đại, đồng thời thể hiện một năng lực quan sát, ghi nhớ và miêu tả hiện thực tỉ mỉ đến từng chân tơ kẽ tóc của nhà văn.

Cuốn tiểu thuyết còn được trần thuật từ góc nhìn của “người trong cuộc” bên cạnh lối kể chyện khách quan từ ngôi thứ ba. Người trong cuộc ở đây là cậu bé Phong, lần đầu được theo cha đi biển, cha cậu là thuyền trưởng. Cùng trong chuyến đi đó, niềm vui bước vào thế giới người lớn của cậu nhanh chóng chuyển thành sự chấn động, cay đắng và chấp nhận buông xuôi trước những sự thật trần trụi tầm thường của cuộc đời. Sự đa dạng về điểm nhìn trần thuật khiến cho Biển và chim bói cá mang dáng vẻ lạ lẫm, vượt ra ngoài khuôn khổ, đa tạp trong sự hòa thanh.

Có thể xem Bùi Ngọc Tấn là một người kể chuyện thuần theo lối truyền thống, kể bằng sự kiện, nhưng lại không thể gán cho ông là một nhà văn bị lệ thuộc vào hiện thực ở cái vỏ diễn tiến bề ngoài của nó. Ông viết văn như người thiền quán tưởng từng hơi thở, mỗi chi tiết của cuốn sách óng lên một nỗi suy tư day dứt và cả tình cảm mãnh liệt của người viết đối với quê hương, với những nghịch lý thản nhiên đến lạnh lùng của hiện thực vượt khỏi những tiêu chí đạo đức và làm người vẫn được mặc nhiên thừa nhận. Bùi Ngọc Tấn thuộc số người viết văn để nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc. Và trong khi hiện thực có thể được tiếp cận bằng nhiều cái nhìn khác nhau, trong và ngoài văn chương, thì điều xác tín khả dĩ đối với bạn đọc chính là cái sâu sắc, mãnh liệt của con người tác giả, điều này làm nên sức sống cho tác phẩm và làm nên tính trung thực, phẩm chất hàng đầu của nhà văn…

Khánh Phương

Sum suê và khúc khích

1. Khi nào cũng vậy, mỗi khi cầm một quyển sách mới trên tay để đọc, lòng dạ tôi xốn xang náo nức. Cứ như thể sắp sửa một chuyến đi vậy. Mỗi một chuyến lang thang, ta lại được gặp những cảnh khác lạ, những tập tục mà ta chưa biết, những con người mà ta chưa quen.

Đọc tiểu thuyết cũng vậy, đó là những chuyến phiêu lưu. Chỉ có khác là ta vẫn ở nguyên một chỗ. Đọc tức là cuộc viễn du đi tìm cái đẹp, cái mới lạ trên trang sách. Cái đẹp cái mới ở đây có thể ở ngôn ngữ, ở cấu trúc…, ở những ý tưởng sâu sắc của tác phẩm. Sách đưa ta vào những thế giới mới mẻ.

Mỗi người là một thế giới. Mỗi nhà văn là một thế giới phong phú mà một quyển sách không thể nói hết được. Ở cuốn sách trước Bùi Ngọc Tấn đã dẫn ta vào sự oan trái bi thương. Nhưng thế giới của Tấn không chỉ có vậy. Lần này, với cuốn tiểu thuyết “Biển và Chim bói cá”, anh đã dẫn chúng ta ra đại dương bao la. Thời gian xảy ra trong cuốn sách là cuối thời gian bao cấp, và chớm vào thời đổi mới. Với không gian, thời gian ấy, chắc cuộc viễn du của người đọc sẽ gặp nhiều điều thú vị.

Bùi Ngọc Tấn sinh ra ở Hải Phòng và đã lăn lộn ở Hải Phòng từ năm 1959 cho tới hôm nay. Anh đã từng làm phóng viên báo Hải Phòng nhiều năm, rồi đã có thời gian dài làm việc tại Quốc doanh Đánh cá Hải Phòng. Năm 1962, anh đã in cuốn truyện ký “Người gác đèn biển” – xem thế đủ biết Bùi Ngọc Tấn thân thuộc với biển nhường nào. Vì vậy, tôi rất háo hức đi vào thế giới của anh.

 *

2.  Nếu người đọc nào thích những chuyện li kỳ gay cấn, thích câu chuyện có đầu có đuôi, có cốt truyện, thì đọc “Biển và Chim bói cá” sẽ khó “vào”. Chỉ những người đọc sách kiên nhẫn, từ tốn, thích suy ngẫm thì mới thích đọc sách này. Sở dĩ như thế vì cuốn sách đầy ắp những chi tiết, những sự kiện, những câu nói, những nhân vật. Có thể nói chi tiết nhiều vô kể. Hàng nghìn. Đang chuyện này lại chuyển ngay sang chuyện khác. Đang nhân vật này lại bắt ngay sang nhân vật khác. Cứ tưởng như hỗn độn, nhưng không phải. Khi người đọc đã nhập cuộc thì khu rừng phồn thực rậm rạp ấy sẽ hiện ra hoàn toàn mạch lạc, rõ ràng.

Trung tâm câu chuyện là một xí nghiệp đánh cá biển Đông. Tuy nhiên, không chỉ khoanh tròn ở đấy. Quan hệ với nó còn có những bộ phận trên bờ; và quan hệ với các thủy thủ là những người vợ, con cái ở các làng quê; rồi tàu còn đi vào tới Lạch Trường miền Trung, tới Cà Mau miền Nam, rồi khi bước vào đổi mới tàu còn làm công việc giao thương với nước ngoài sang tận Singapore, Nhật Bản. Do vậy, liên quan tới con tàu và nhân vật trên tàu, ở nhiều vùng đất khác nhau, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau sẽ có biết bao nhiêu tình huống xảy ra, tha hồ có đất để cho nhân vật bộc lộ và qua đó, đằng sau nó là những xúc cảm, nỗi niềm của tác giả.

Những chi tiết của Bùi Ngọc Tấn có đủ loại. Những chi tiết nghề nghiệp như tàu cập mạn thế nào, đánh tôm ra sao, thắt đụt ra sao, rồi tàu trong bão, trong sương mù… Những chi tiết sinh hoạt như thủy thủ thèm khát đàn bà, lên bờ trông thấy đàn bà nào cũng đẹp, thủy thủ uống rượu, uống bia ra sao, những trò ăn cắp cá, những chuyện ái ân quan hệ với đàn bà, rồi nịnh nọt, chạy chức chạy quyền vv… Nói tóm lại, nếu phải làm một bản liệt kê, thì chắc nó sẽ dài lắm.

Có thể nói Bùi Ngọc Tấn là người nắm bắt các chi tiết rất giỏi. Anh là người thợ săn chi tiết tài tình. Anh là người đam mê chi tiết. Sự sinh động hấp dẫn của cuốn sách là ở chỗ ấy.

Nhân vật của cuốn sách chừng vài chục người. Không có nhân vật nào chính hơn nhân vật nào. Nhân vật nào cũng được chú ý ngang nhau, bình đẳng với nhau. Đó là những thủy thủ thô tháp, chân thực, ăn sóng, nói gió, vất vả lam lũ, có người bản năng tục tĩu nhưng đầy tình người. Họ là những con chim bói cá trên biển Đông. Những thân phận người có những phút hạnh phúc, có những lúc cay đắng. Người nông dân ở nước ta thì “cái cò lặn lội bờ sông”. Đó là biểu tượng. Còn với biển thì Tấn đã tìm ra cái biểu tượng con chim bói cá. “Tàu cá về, người bâu đến như dòi”. Người ta nén nhân cách mình xuống để ngửa tay ra ăn xin, để tìm mọi cách mà ăn cắp. Thân phận con chim bói cá mà. Ai chẳng có vợ có con. Mà ở cái thời kỳ bao cấp ấy đói khát là cái thường tình. Cũng xin thể tất một câu nhân tình. Trong các con người này, chúng ta gặp một Lê Mây người dân chài nghèo miền Trung khi chưa vào làm nhà nước đã từng săn được một con cá mập khổng lồ. Cũng hoành tráng chẳng kém gì ông già trong tiểu thuyết của Hemingway. Khi còn đánh cá Lê Mây đã uống nhiều rượu. Đến lúc đi tàu ra nước ngoài, rồi trắng tay, nợ đầm đìa, lại càng uống khỏe hơn. Về hưu, càng uống tợn. Uống như điên như dại. Đến lúc chán không thèm uống nữa, cũng là lúc ông sắp trở về với đất. Chết mà không làm được việc ước muốn cuối cùng: Về thăm mẹ vợ. Chúng ta còn gặp Chơn một thủy thủ luôn đi biền biệt trên biển… còn vợ ở nhà ngoại tình. Trường hợp Nhâm mới thảm. Hai lần lấy vợ. Lần thứ nhất vợ biến thành mụ Hến trong làng. Lần thứ hai thì bị lừa ở Vũng Tàu. Mất toàn bộ tiền bạc bao nhiêu năm tích cóp…

Những nhân vật phản diện thời bắt đầu mở cửa nhà văn cũng quan tâm. Ta gặp ở đây những nhân vật như Đại Ca, giám đốc Thắng, Huy, Quán mèo, Tín giò v.v…

Về sự sum suê chi tiết của tác giả, tôi còn trở lại ở dưới bài viết.

 *

3. Bùi Ngọc Tấn có nhiều năm làm báo (báo Tiền Phong, báo Hải Phòng). Dấu vết làm báo ấy ta cũng tìm thấy nhiều trong tiểu thuyết của anh. Rất nhiều đoạn như những bài tường thuật, điều tra, phóng sự. Ví dụ những đoạn: khu nhà tập thể và mênh mông cứt bao quanh, đánh tôm trên biển Lạch Trường, tàu áp mạn, hải quan và công an ăn chặn hàng của những tàu đi nước ngoài trở về v.v… Khuynh hướng đưa những thể loại khác xâm nhập vào tiểu thuyết là khuynh hướng của tiểu thuyết thời hiện đại.

Tác giả còn có một biệt tài làm cho văn anh có một nét riêng. Đó là tính hóm hỉnh, tếu táo, hài hước. Cái đó hợp với môi trường anh miêu tả. Thế giới lao động, nhất là những người lao động biển, thường ưa thích cách nói toạc, nói thẳng, nói trắng trợn, lắm khi rất tục tĩu. Người ta không có thì giờ mà để vòng vo tế nhị. Người ta thèm tiếng cười. Cái ngôn ngữ suồng sã, thô tháp ấy đầy rẫy trong sách của tác giả. Ai đọc sách cũng vậy. Người ta thường phải dừng lại vì một từ, vì một đoạn văn, vì một cảnh nào đó, để mà cười rúc rích một mình. Nào là “anh ngồi như ông Thế Trường đi”, nào là “hạt thóc nảy mầm”, nào là đoạn Bôn vừa mới lên bờ, bỏ cả cuộc họp định về ái ân với vợ mà không được, nào là đoạn cô Mơ bí thư chi bộ nói với người tình câu nói bất hủ: “Nào, ta sinh hoạt đi anh”, rồi cả cái đoạn đi xin “tình thương” (tức là đi xin quà) của tàu biển về cảng: đi xin cá ướp đá thì gọi là xin tình thương lạnh lẽo, xin tôm nát gọi là tình thương thối nát, rồi có cả tình thương sắt thép (xích líp), tình thương mây khói (thuốc lá) v.v…

Dân ta thích cười. Dân gian rất nhiều truyện tiếu lâm. Tuy nhiên, viết tiểu thuyết để cười được, và cười một cách thú vị là rất khó. Ít người làm được việc ấy. Mới chỉ có Vũ Trọng Phụng làm được cái đó trong Số đỏ và Vũ Bão trong một số truyện ngắn. Nay tiểu thuyết của anh Tấn tuy không phải là tiểu thuyết cười hoàn toàn nhưng đã có nhiều nét cười. Đó cũng là cái đặc sắc của tiểu thuyết này.

 *

4. Có người bảo rằng Bùi Ngọc Tấn viết “Biển và chim bói cá” theo kiểu truyền thống. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ cuốn sách mang tính hiện đại rất nhiều.

Cốt truyện ở đây bị phá vỡ, nó lỏng lẻo.

Ở trên tôi đã nói tới sự sum suê của chi tiết. Sự sum suê đó không phải ngẫu nhiên. Nó đã được biến thành một thủ pháp nghệ thuật. Thế giới hiện đại phong phú đa dạng. Đi trong thế giới hiện đại, ta như lạc vào một khu rừng rậm rạp, ở đó mọi thứ đều ê hề: ê hề sự vật, ê hề ý tưởng. Cảm giác như gặp sự hỗn độn. Lẽ dĩ nhiên văn chương cũng chịu ảnh hưởng của sự ê hề ấy.

Tác giả đã tung sự ê hề ấy ra trước mắt người đọc. Độc giả đã bị những chi tiết sum suê ấy liên tục bắn phá vào bộ não. Chúng sẽ gây ra cảm giác độ rườm. Sự ê hề ấy sẽ trở thành sự ám ảnh trong tâm trí chúng ta. Đó là một thủ pháp tiểu thuyết của hiện đại.

Có người bảo trong sách này anh Tấn ít sử dụng hư cấu. Tôi nghĩ rằng hư cấu nhiều lắm chứ. Tôi biết rằng viết quyển sách này hầu như anh Tấn đã sử dụng những kinh nghiệm của cả đời anh lăn lộn đất Hải Phòng. Cả một đời bên biển sẽ gặp biết bao nhiêu chuyện, cảnh, người. Chỉ riêng việc lựa chọn các chi tiết cả đời ấy cái nào bỏ, cái nào dùng, rồi sắp xếp chúng sao cho có nghệ thuật. Điều ấy cũng là hư cấu hiểu theo nghĩa rộng.

Nhà văn hiện đại vốn sợ sự tả thực. Nhưng Albert Camus lại cho rằng nhà văn không thể chịu được cái thực, tuy nhiên không ai bỏ qua được cái thực. Ông nói:

“Sự sáng tạo tiểu thuyết đích thực sử dụng cái thực và chỉ sử dụng nó với cái nồng nàn của nó, dòng máu của nó, những đam mê hoặc tiếng thét của nó.

Chỉ có điều, sự sáng tạo ấy phải thêm vào đó một cái gì đó để làm biến đổi cái hiện thực đó đi”.

Bùi Ngọc Tấn cũng đã thêm “cái gì đó” của riêng mình để làm biến đổi cái thực đi rồi chứ. Đó là sự chồng chất, cái sum suê ê hề chi tiết. Đó là tiếng cười sảng khoái của người nông dân quê anh – Đó cũng là sự ngậm ngùi cay đắng với số phận những nhân vật của anh.

 *

5. Bùi Ngọc Tấn không phải là người ăn to nói lớn. Anh không thích đại ngôn. Ít thấy những lời nói của riêng anh trong cuốn tiểu thuyết. Anh chỉ làm công việc của người kể chuyện, hóm hỉnh, khách quan bằng cách trình bày tầng tầng, lớp lớp những chi tiết. Cứ tưởng như chỉ là chuyện tào lao, bông phèng. Nhưng rồi, sau cái cười, ta bỗng thấy lòng trĩu nặng.

Không hiểu sao, cuốn sách của anh bỗng gợi cho tôi nhớ tới từ “cơ chế”.  Tôi đi tra tự điển tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt. Nói chung, cách định nghĩa đều tương tự như nhau. Cơ chế nghĩa là sự tổ hợp các cách thức và phương pháp, theo đó một quá trình thực hiện.

Và tôi nghĩ lan man tới cơ chế bao cấp, tới chủ nghĩa thành phần. Rồi bệnh thành tích, bệnh tủ kính, bệnh giáo điều rồi cả cách sử dụng người tài, người trí thức… Kéo theo sau những cái đó, là điều kiện thuận lợi cho lũ cỏ dại đua nhau mọc. Nào xu nịnh, nào sa đọa, nào tham nhũng, bè cánh v.v…

Cái cơ chế ấy diễn ra một thời gian khá dài, đủ để tạo thành thói quen. Nó thủ tiêu sự sáng tạo. Nó gây ra một quán tính, sức ì. Cơ chế có thể dứt rồi mà nó vẫn còn tồn tại.

Hình như tất cả những điều tôi kể ra đều có trong sách của Bùi Ngọc Tấn. Chả trách đọc sách của anh cười đấy mà vẫn cứ buồn. Chợt nhớ tới cái “Ngõ lỗ thủng” của Trung Trung Đỉnh kể về cái xóm nghèo nhếch nhác cạnh công viên Thống Nhất Hà Nội. Cũng là chuyện đời thường thời bao cấp. Cũng là chuyện những mảnh đời han gỉ, mòn mỏi. Nghèo nàn tạo ra như thế. Cơ chế tạo ra như thế. Những con người đói khát sinh ra ăn cắp rồi tự hủy hoại nhân cách mình thành những kẻ ăn mày. Đấy là chưa kể, nhờ cơ hội, lũ sâu mọt, lũ lưu manh đua nhau đục khoét…

Đọc đến đoạn bác sĩ Bá về thăm cha mẹ ở Thái Nguyên, đem một đống vỏ lon bia về biếu họ hàng, tôi vừa buồn vừa tủi. Người ta hí hửng mài vỏ bia để làm cốc. Người ta xếp vỏ bia trong tủ kính để trang hoàng… Ở đây có sự ngây thơ nhưng cũng có sự thèm khát, sự ao ước thay đổi.

Ở Trung Trung Đỉnh, đó là cái ngõ nghèo thủ đô thảm hại. Còn ở Bùi Ngọc Tấn, đối tượng miêu tả là cả đại dương bao la phóng khoáng, thế mà cũng thảm hại. Chợt nhớ tới câu thơ của anh nhà báo Thông trong tiểu thuyết:

Biển ơi biển bạc làm chi

Biển vàng mà rất nhiều khi không vàng.

Biển vàng, đại dương mênh mông phóng khoáng của Bùi Ngọc Tấn tưởng chừng như đã biến thành một khu rừng nguyên thủy, ở đó luật rừng thống trị. Ở đó những kẻ như Đại Ca, giám đốc Thăng, rồi Huy rồi Quán Mèo là những ông vua con. Cơ chế đã tạo ra những hôn quân địa phương…

Tuy nhiên, khi gấp sách lại, người ta vẫn không mất hy vọng. Bởi vì đằng sau sự rậm rạp hỗn độn ấy, người ta lại cảm nhận được một sức sống phồn thực mạnh mẽ. Chỉ có điều nó giống như một dàn giao hưởng thiếu nhạc trưởng. Khi được điều khiển nhịp nhàng, chắc là sức sống ấy sẽ phát huy tác dụng.

Cuối cùng, để kết thúc tôi không thể không nói tới những đoạn ghi chép hay nhật ký của cậu bé 16 tuổi tên là Phong. Cậu thiếu niên đã theo cha là thuyền trưởng đi một chuyến viễn du dài ngày trên biển.

Đó là những ghi chép của một tâm hồn rất trong sáng và tin cậy vào những điều cao thượng của cuộc đời. Đó là những trang viết trữ tình của một tâm hồn ngây thơ, ngưỡng mộ biển cả và ngưỡng mộ cả những con người lao động nhọc nhằn trên biển. Những trang viết trữ tình ngắn gọn đan chen vào những trang viết gồ ghề, trắng trợn có khi tục tĩu của đời sống thủy thủ suốt mấy trăm trang sách như một đối trọng, như để hé lộ cho chúng ta những tia nắng, để nói với chúng ta rằng cuộc đời tuy xù xì như thế nhưng không phải là những nét ngây thơ trong sáng đã mất đâu. Những trang viết ấy là cái lương tri buồn buồn của cuộc đời. Chỉ có điều nó chưa thức dậy.

Chú thiếu niên ấy nhìn ông thuyền trưởng, cha mình như một ông thánh, như một vị anh hùng: “Bố tôi là người thuyền trưởng, là người lãnh đạo, là người chịu trách nhiệm về toàn bộ con tàu. Khi con tàu lâm nạn, bố tôi là người rời khỏi tàu cuối cùng”. Nhưng rồi cuối cùng chú bé cũng nhìn ra sự thật. Dù là ông thánh, một vị anh hùng chăng nữa, bố chú bé cũng là một con người bình thường với những yếu hèn và sai lầm. Khi thấy cô Nguyệt nằm trên giường của ông bố thần tượng, cậu bé nghĩ:

“Thế là mọi chuyện đổ sụp. Bố tôi không còn là thần tượng của tôi nữa. Bố giống hệt mọi người. Thế mà, trước kia chúng tôi đã tự hào về bố biết bao. Vậy là từ lâu chúng tôi vẫn sống với những điều dối trá mà không biết”. Rồi:

“Quá thất vọng, tôi tự nhủ: ‘Có lẽ phải quan niệm lại thế nào là bố chăng?’

Lời nói của một cậu bé đã quá thất vọng, khi nhìn ra sự gồ ghề phức tạp của cuộc sống, khi cái màu nhung lụa màu mè của cuộc sống được vén lên. Nhưng khi cậu bé nghĩ được như vậy tức là cậu đã lớn, đã trưởng thành. Hình ảnh cậu bé ấy là những tia nắng, là lương tri; cho nên khi gấp cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn, lòng tôi thấy ấm áp vô cùng.

 Nguyễn Xuân Khánh

(Nguồn: Tạp chí Cửa Biển)

Báo chí giới thiệu

Theo Báo Lao Động Ra mắt tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn (Thứ năm, 18/12/2008 08:46:18 AM)

Câu chuyện là kết tinh vốn sống của nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong suốt hai mươi năm chứng kiến những chìm nổi, ngang trái của cuộc sống và con người trong một đơn vị quốc doanh đánh cá lừng danh và cũng lắm truân chuyên.

Khắc họa nhân vật chủ yếu trên phương diện cuộc sống riêng tư, Bùi Ngọc Tấn, qua đó tái hiện thành công diện mạo tinh thần của một thế hệ, một thời đại, với những bi kịch của lòng tốt, sự chân thiện chất phác, những khát vọng đẹp đẽ trước hiện thực tàn nhẫn và lạnh lùng, vượt xa khỏi sự hình dung về những quy phạm luân lý và ranh giới tình người. Cuốn sách vừa ra mắt độc giả những ngày cuối năm 2008 này.

Không có nhân vật trung tâm, cuốn sách bao gồm vài chục mảnh đời của vài chục con người bé nhỏ: từ những thuyền trưởng, thủy thủ, lênh đênh trên biển hàng tháng trời đánh cá, cho đến anh thi đua, chị phục vụ, bà công đoàn, ông chánh, phó giám đốc trên bờ. Họ đã góp phần làm nên cái tập thể lắm eo sèo, lắm những chuyện cười ra nước mắt, và quan trọng hơn là lắm sự tha hóa  nhân cách, lắm góc khuất trong quan hệ người- người.

Bên cạnh mạch truyện được trần thuật khách quan, Biển và chim bói cá còn tồn tại một mạch truyện song song, đó là những dòng nhật ký về chuyến đi biển đầu tiên của cậu bé Ngô Xuân Phong, chuyến đi là phần thưởng của người cha thuyền trưởng, vì cậu đỗ vào cấp 3.

Cái nhìn ngây thơ, lý tưởng hóa và tràn đầy yêu thương của cậu dành cho thế giới của cha, cũng là thế giới của người lớn mà cậu là kẻ kế tục, dần dần rạn vỡ bởi những gì chính tai nghe mắt thấy về sự dung tục, lạnh lùng của đời sống. Cậu bé ngộ ra cái sáo rỗng chiếu lệ của những giá trị đạo đức mà từ trước tới giờ cậu vốn nằm lòng.

Thế hệ sau sẽ tìm cho mình một giá trị đạo đức như thế nào nếu căn cứ vào cái hiện thực mà thế hệ này tạo ra và truyền lại? Đó là câu hỏi lớn mà nhà văn đặt ra khi nỗ lực làm một người thư ký trung thành của thời đại mình.

V.A
(Nguồn: Báo Lao Động)

Theo Báo SGTT  Biển và chim bói cá (Thứ ba, 16/12/2008 08:51:36 AM)

Một thứ văn phong mang không khí tư liệu, cách kể chuyện truyền thống, trên một nền cấu trúc cũ, có lớp lang, tính cách nhân vật đậm thông tin, hiện thực. Nhưng cái thể hiện sự già tay của cuốn sách lại chính là cách thức tổ chức giọng điệu và tính cách của nhiều con người trong một bối cảnh thực tế xã hội đặc biệt, đầy nhá nhem, nhạy cảm. “Làn gió mới” của tiếp thu chuyển sang giai đoạn trước đổi mới đi vào đời sống của một liên hiệp đánh cá biển Đông đầy thành tích nhưng cũng nhiều cơ hội tha hoá, nhiều nhân văn cũng không ít lưu manh. Bên dưới những câu chuyện, cuộc đời là những đợt sóng ngầm của một thời kỳ nhiều dữ dội và cũng đầy khắc khoải. Cái không khí, tinh thần quốc doanh đầy khẩu hiệu thi đua nhưng ẩn phía sau rất nhiều góc khuất: từ chuyện buôn lậu vài ký đá lửa từ Trung Quốc đến chuyện “khai phá” con đường nhập lậu hàng điện tử gia dụng, từ chuyện mua chuộc hải quan, những vụ thanh toán lẫn nhau theo luật rừng trên biển…  như chuyện vừa mới xảy ra.

Có lẽ, với sự am hiểu, vốn sống của một thời từng là nhân viên quốc doanh đánh cá Hạ Long (1975 – 1995), Bùi Ngọc Tấn muốn lật lại ký ức về một thời kỳ, một bối cảnh nhỏ đặt trong tương quan bối cảnh lớn của dân tộc, thời đại đầy biến động ngấm ngầm và dữ dội mà mình đã sống qua, còn đem lại nhiều ngẫm ngợi, day dứt.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Nguồn: Báo SGTT)

Cái hài hước, giễu nhại trong Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn

avatarBiển và chim bói cá vốn không phải một tiểu thuyết hoạt kê. Vì vậy khi xem xét lối biểu đạt hài hước, giễu nhại của tác phẩm, không cần thiết phải áp đặt những tiêu chí của thể loại hoạt kê, mà hợp lý hơn là tìm hiểu những biểu hiện, thành công sáng tạo của nó trong lối thể hiện đặc sắc của toàn bộ tác phẩm.

 Cái hài hước, trong lịch sử của nó, được các nhà phê bình xem như cảm hứng đối trọng của cái nghiêm nghị, hay của hình thái nghệ thuật trước nó là cái bi thương. Nó được xem là có nguồn gốc từ tính chất vui tươi, đề cao hiện sinh, cái phồn thực, xoáy vào sự thô kệch, và ý nghĩa bất tuân cợt nhạo, trong đời sống văn hoá dân gian. Được các nhà tiểu thuyết Phục hưng phương Tây khởi đầu ứng dụng trong hệ thống sáng tác, ý nghĩa bất tuân cợt nhạo của cái hài hước được nâng lên một cấp bậc luỹ thừa, trở thành cảm hứng phê phán “ hạ bệ ” vô cùng mạnh mẽ. Cái hài hước có thể phủ định một hệ tư tưởng cũng như những nền móng sâu xa nhất của sự tổ chức xã hội- đời sống và tư duy con người. Chỉ đến khi chàng Đôn Kihôtê của Cervantes ngất ngưởng trên con chiến mã trứ danh đến với người đọc, lúc đó ý tưởng về sự phê phán những ảo tưởng duy lý, cội nguồn của định chế xã hội áp đặt mới được đặt ra. Cùng với cái hài hước, lối giễu nhại ra đời như một thủ pháp phê phán trực tiếp của hình thái nghệ thuật này. Giấc mộng đêm hè (W. Shakespeare ), Đôn Kihôtê ( M. De Cervantes ), Gargantuar ( F. Rabelais ) … là những tác phẩm vĩ đại đầu tiên mở đường thành công cho cái hài hước đi liền với thủ pháp giễu nhại. Tiểu thuyết hoạt kê thành công ở nước ta từ trước tới nay có thể kể đến Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, đứng hàng sau là Người ngựa ngựa người, Kép Tư bền của Nguyễn Công Hoan…

 Biển và chim bói cá có lối ứng dụng cái hài hước đặc biệt. Khi xây dựng hệ thống hình tượng cho tác phẩm, nhà văn đã cố tình xoá đi nhân vật trung tâm. Đây là một dụng công thi pháp chứ không đơn thuần là vấn đề nội dung. Từ chối nhân vật trung tâm là từ chối sự mô thức hoá những vấn đề xã hội, đời sống theo một quan niệm ( có tính chất xã hội- thời cuộc ); ngay trong tác phẩm mà chủ đề chính là diện mạo lịch sử- thời cuộc này. Đó cũng là từ chối sự định hướng, dụng ý hoá thông qua “cái tiêu biểu” của hành động, tâm lý nhân vật để đưa bạn đọc đến một ý tưởng duy nhất. Riêng trong phạm vi thể tài của tiểu thuyết này, việc xoá bỏ mô thức hoá đời sống, xoá bỏ dụng ý, còn có tác dụng nới lỏng khả năng tự do của ngòi bút, tạo cho người viết ngẫu hứng hoặc đi sâu phản ánh những vấn đề thuộc về con người, một cách để cho hiện thực tác phẩm trở nên đa thanh, tích hợp nhiều chiều ý nghĩa.

 Trong tổng thể lối viết kể trên, cái hài hước đóng một vai trò linh hoạt và quan trọng. Có thể nói một nhân duyên nào đó đã khiến nhà văn chọn cảm hứng bi thương, bi tráng để xác lập chủ đề tác phẩm, nhưng ông vẫn không nhịn nổi cái cười vừa sảng khoái vừa thâm thuý. Trong rừng rừng chi tiết, nhấp nhô những nhân vật, nhóm tỏ nhóm mờ, cái hài hước của Bùi Ngọc Tấn giúp xác định nhân vật mang tính chất phê phán đến đâu, cái hài trở thành phương tiện để khắc hoạ cái bi, nhiều lúc bi và hài đồng thời được hiển lộ trên cơ sở cái nghịch lý, bất ngờ, đồng nhất với nhau và trở nên rất khó phân định ranh giới. Có thể nói, cảm quan hài hước độc đáo của Bùi Ngọc Tấn bao trùm toàn bộ tác phẩm, nó không phải phương tiện để làm giảm nhẹ không khí đau thương, cũng không chỉ còn là kỹ năng hỗ trợ để khắc hoạ những vấn đề nội dung. Cái hài ở đây đã sánh ngang cái bi, bi thương chừng nào thì hài hước chừng ấy. Nó tạo nên một phong vị khó tả cho cuốn tiểu thuyết này. Không phải là đứng cao hơn hiện thực để cợt nhạo nó, cũng không hẳn nghiêng mình trước một thứ cao cả đẹp đẽ đã đành đoạn. Tiếng cười và giọt nước mắt của Bùi Ngọc Tấn lặn sâu vào đời sống này, vào cái đang diễn ra  (trong bối cảnh và thời điểm trần thuật của nó ), không phán xét. Một thứ hiện thực vỡ vụn, không vừa theo một hệ quy chiếu nào, đáng phải cáo chung từ lâu nhưng vẫn tồn tại như một nghịch lý.

 Tính chất vui nhộn, cái thậm xưng, dị hợm đến mức gây cười sảng khoái của ngôn ngữ dân gian được sử dụng trong tác phẩm biểu hiện rất rõ ràng trên từng trang, chúng tôi xin phép không cần đi sâu phân tích. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, thủ pháp thậm xưng xuất hiện với tần suất không nhiều, chỉ là thiểu số, nhất là so với những thủ pháp khác sẽ được phân tích dưới đây. Điều này chứng tỏ nhà văn đã không vận dụng cảm quan phóng đại đặc thù của tiểu thuyết hoạt kê, giữ nguyên thế giới “nghiêm túc” của tác phẩm, và ứng dụng cái hài hước chủ yếu như một cảm quan ngầm, ẩn kín.

 Thủ pháp dùng nghịch lý, cái bất ngờ để tạo nên tính hài hước đi liền với giễu nhại, là lối xây dựng nhân vật chính yếu của tác phẩm. Ở cấp độ khái quát hơn, hai tuyến nhân vật đối lập về nhân cách và trên góc độ thẩm mỹ sáng tạo, tuyến xu thời và tuyến “bất cập thời” cũng được thiết lập dựa trên cảm quan nghịch đảo, giễu cợt cay đắng. Toàn bộ quan niệm hiện thực của tác phẩm được đặt trên cái nền nghịch lý, bi thương đau xót chừng nào thì hài hước chừng đó.

 Cô Huyền, cô Mơ, những ý trung nhân trong mộng của các chàng thủy thủ tàu cá Chơn, Cương bỗng chốc làm cho các vị hôn phu tương lai bẽ bàng, rã rời cả thể xác lẫn tinh thần vì những hành động, lời nói khác thường, gây sốc, máy móc đến tức cười. Các cô vừa là kẻ tội đồ, vừa là nạn nhân, không đáng bị châm biếm nặng nề, nhưng cũng  đáng thương xót, lại vừa để cho bạn đọc nhìn thấu một thực tại khác còn lớn hơn chính con người các cô. Anh Nhược thợ lạnh, Phạm Cương thuyền trưởng tàu bẹp 307, con sói biển Lê Mây, thuyền trưởng tàu cá VT 250, thuyền trưởng Trần Bôn tàu cá 414, Lập, kỹ sư ngư cụ, Điều- kỹ sư thủy sản sau làm chánh văn phòng Liên hợp, Toàn- anh theo dõi thi đua con nhà Nho học từng lăn lộn bên ngành thương mại, thuỷ thủ Thuyền bị ngồi tù “3 gậy” vì buôn lậu 4kg đá lửa, bác sĩ Bá trưởng phòng y tế sau lên tàu viễn dương phục vụ bưng bê quét dọn, anh nuôi Tích, thủy thủ Nhâm, báo vụ viên Quân  “rỗ”… hầu hết tuyến nhân vật “bất cập thời” của Bùi Ngọc Tấn đều được khắc họa bằng nghịch lý vừa hài hước vừa bi thương. Họ là những con người ngay thẳng, không màng bon chen danh lợi, tình nghĩa với anh em bạn bè, yêu nghề nghiệp và luôn hết lòng cống hiến theo khả năng chuyên môn, họ chỉ có một ước vọng bình thường, chính đáng là bao bọc cái gia đình nhỏ của mình thoát khỏi cảnh túng bấn nheo nhóc, tương lai mờ mịt, như một gánh nợ tinh thần đau xót, tủi hổ. Nhưng ác thay, họ càng tìm cách cần cù, xoay sở, giật gấu vá vai, hoặc càng tìm đường để cống hiến cho ngành nghề bao nhiêu, thì lại càng nhận được những đối xử bạc bẽo, vô lý, càng rơi vào những nghịch cảnh xui xẻo, cười ra nước mắt, bấy nhiêu. Họ là những anh chàng tử tế đã hết thời, bị đời sống vùi dập cho tơi tả, nhiều lúc bê tha, vô định. Cái lý tưởng quan liêu thụ động mà một số người trong bọn họ thực lòng theo đuổi cũng đem đến những “ngộ nhận” tức cười như anh chàng Thuyền hồi còn trên con tàu 307 lẫy lừng. Cuộc tái ngộ ly kỳ của anh thuỷ thủ nằm bờ Thuyền, với ông Việt kiều Robert Ly, té ra là bạn “dạt vòm” ngày xưa, cuộc đổi đời hụt của Thuyền từ khi có ông bạn vàng… mang phong cách giễu nhại những motiv vô tình tái ngộ bạn thuở hàn vi phổ biến trong văn hoá dân gian. Tiếng cười dành cho họ là tiếng cười cảm thông, thương xót, cay đắng, cũng là tiếng cười để kính nể cái thiện tâm trong sáng cao quý nơi họ. Lối giễu nhại type nhân vật ( nhân vật tham ăn, nhân vật anh hùng, bác học “điên”, ông nghè thất thế… ) quen thuộc, nói chính xác hơn là giễu nhại tính cách và ý nghĩa thẩm mỹ, nhưng không cường điệu, bộc lộ ý nghĩa phê phán cụ thể, rõ rệt với cái hiện thực và tư tưởng đã tạo nên những con người ấy.

 Đồng thời với việc khắc họa những nhân vật mang ý nghĩa thời cuộc, ngòi bút nhà văn đã chạm tới những điều sâu xa trong miêu tả con người. Vợ chồng bác sĩ Bá, sau khi cầm quyết định xuống tàu viễn dương, bắt đầu vay mượn để tính chuyện “đánh hàng”, dự tính mua sắm tiện nghi, lo bù trừ cho tương lai gia đình, họ mạc… đồng thời bỗng trở lại tuổi xuân, cô vợ trẻ khỏi ngay chứng bệnh tế nhị do lo toan đời sống quá sức, lại yêu đương nồng nàn hơn cả tuần trăng mật và cả hai đều cảm thấy mình có tư cách con người hẳn lên. Quan hệ giới tính xô bồ, cẩu thả… của thuyền trưởng, thủy thủ trên đường lênh đênh đánh cá, dường như sau nó còn có sự cẩu thả vô định của kiếp người. Tất cả cho thấy mối băn khoăn đau đáu của nhà văn về nhân cách, và quan trọng hơn, nhân tính.

 Tuyến nhân vật xu thời: tổng GĐ Hoàng Quốc Thắng, vua sắt vụn Quán mèo, trưởng ca Huy nghiệp vụ bí bét, sau là đại phó, rồi thuyền trưởng tàu viễn dương, Đức- trưởng phòng điều độ bến cảng, những thủy thủ dự bị như Khương, không biết nghiệp vụ nhưng con các vị tai to mặt lớn… xuống tàu chỉ để “áp phe” làm tiền, những thuyền trưởng viễn dương biết lợi dụng con tàu, chức vị để thu vén cá nhân và kẻ có quyền vừa bảo kê vừa làm luật giới có tiền đó… tất cả được miêu tả bằng sự mổ xẻ trực tiếp những nghịch lý tàn nhẫn song trùng với sự hài hước sâu cay, mà  “cái khó tin” là một thủ pháp. Tổng GĐ Thắng, Quán mèo, thuyền trưởng Huy… tất cả phất lên nhanh chóng, bất ngờ, công khai mà lại bí hiểm, khiến người ta liên tưởng tới chuyện Trạng trong dân gian, chỉ có điều bí quyết của các “Trạng” ở đây là sự nhẫn tâm và cơ hội, sẵn sàng gạt bỏ đạo lý, tình người, gạt bỏ mọi quy ước cộng đồng. Các “Trạng” cũng được miêu tả bằng nét bút có phần hoạt kê, với cái lố lăng kệch cỡm, xảo trá, thậm chí mù quáng của kẻ bỗng chốc đứng trên đầu thiên hạ. Bản thân cái nghịch lý của những điều khuất tất, tàn nhẫn, thiếu nhân tính, đáng để đau lòng công phẫn nhưng cách khác là đáng để phải cười, cười như một cách phủ định hoàn toàn chính nó cũng như phía sau, căn nguyên tư tưởng, hiện thực nào đã sản sinh ra nó.

 Cũng bằng thủ pháp giễu nhại, Biển và chim bói cá còn cập nhật một hệ thống khái niệm hài hước không chỉ chọc cười bằng sự bất ngờ, sinh động, mà còn bao hàm sự phủ định, biến hóa về mặt thẩm mỹ trong đời sống thường ngày cũng như trong văn chương: chủ nghĩa giết thịt, ăn cắp có văn học, quốc doanh đánh giậm, núp bóng cây Kơ nia, vấn đề do lịch sử để lại, “sinh hoạt”, “ nên người”, “phượng hoàng bay”…

 Sự thật, một thế hệ con người bị xóa sổ, bị tước đoạt niềm vui, hạnh phúc, tương lai để đổi lấy quyền lợi vật chất và sự xa hoa cho một nhóm nhỏ người, điều này có hài hước không? Trong miêu tả của Bùi Ngọc Tấn, đó là sự hài hước để phủ định, lên án, cái hài hước làm rõ thân phận lạc loài, đôi lúc lậm chí  bị tha hoá của nhân tính, điều lương thiện, cũng như cái hài hước để phủ nhận điều ác, bất công. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn tiếng cười và mổ xẻ trực diện cái bi thương, nhà văn đã đẩy thể loại của mình đi xa hơn, đến tận sâu những ngõ ngách miêu tả con người, đặt ra bi kịch thời đại trong vấn đề con người, chứ không dừng ở tiểu thuyết thời cuộc luận đề bi thương hay hoạt kê.

 Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn là trường hợp hiếm gặp, khi tiếng cười cân bằng và ngang hàng với cảm hứng bi thương. Bởi vì tiếng cười thường được xem là hình thái có sau, dù bao hàm ý nghĩa phê phán triệt để nhưng ít khi được coi bình đẳng với cái bi thương, vốn là phạm trù cao cả.

 Tiểu thuyết mới của Bùi Ngọc Tấn, dù có chủ ý hay không, nhưng khá gần gũi với xu hướng đang hình thành của tiểu thuyết thế giới hiện nay, đó là khắc họa bi kịch thời cuộc từ góc độ những vấn đề con người, như nhân tính, nhân cách, tình yêu… một quan niệm sử thi về sự tan rã của đời sống có tổ chức của con người. Có thể kể đến Những kẻ thiện tâm ( Jonathan Littel, 2006 ), Bản giao hưởng Pháp (Irène Nemirovsky, công bố năm 2004 )…

 Tư liệu tham khảo:

–    F. Rabelais trong văn hoá Phục hưng, M. Bakhtin, Phạm Vĩnh Cư dịch, talawas 2006

–    Lịch sử văn học phương Tây, giáo trình ĐHSP I Hà nội, 2001.

–    Tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu, Nguyễn Thanh Sơn, 2006

–    Các tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn của Bùi Ngọc Tấn

 

Khánh Phương (Nguồn:  vanchuongviet.org)

Đọc sách: Biển Và Chim Bói Cá

VU GIA
02/02/2009

BIỂN VÀ CHIM BÓI CÁ

Bảy mươi lăm tuổi mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn còn khỏe, bút lực vẫn dồi dào như thời trung niên. Đó là điều đáng mừng. Đọc cuốn tiểu thuyết mới của ông do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành: Biển và chim bói cá, tôi thấy mình như sống lại những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước

 Xa đó mà gần đó. Buồn đó nhưng niềm tin cuộc sống cũng lớn dần lên từ đó. Có những chuyện cứ tưởng là phịa nhưng lại là sự thật trăm phần trăm, bởi có ai nghèo mà sang bao giờ. Nghèo – khổ, nghèo – khó, nghèo – hèn… Cái nghèo của một thời đã làm cho con người hèn đi, bé lại. “Khi thuyền trưởng đem bia và nước ngọt ra mời, anh đã làm ra vẻ rất tự nhiên, cười rất vô tư và khảng khái: Hôm nay bị đầy hơi, chỉ xin thuyền trưởng chén trà thôi. Còn cái này xin phép thuyền trưởng mang về, lúc khác uống. Thực ra có phải bụng dạ làm sao đâu. Mà nó nằm trong kế hoạch của anh. Phải đem được ít nhất một lon bia, một lon nước ngọt về cho mẹ, anh Vận và lũ cháu.

Anh mở lon nước ngọt, rót ra cốc. Cả nhà tròn mắt nhìn những bọt nước thẫm màu nảy lên lách tách như mưa trong cốc. Mẹ uống một ngụm. Mẹ bảo ngon rồi đưa cho cả nhà nếm mỗi người một ngụm. Còn khoản bia. Anh Vận nhăn mặt. Anh Vận bảo khai. Khó uống lắm. Mấy đứa cháu uống thử. Đứa bảo ngon. Đứa bảo giống nước đái bò” (trang 437)… Nhưng nước trong lon là phụ, cái vỏ lon mới chính. Vỏ lon nào đẹp, không bị móp méo thì đưa vào tủ trang trí, còn lại thì cong lưng mà mài cho nắp hộp rời ra để làm cốc uống nước. Những cái cốc vỏ lon ấy đối với anh Vận là điều… ao ước khi lên tỉnh thấy người ta dùng.

 Lớp trẻ thời @ bây giờ làm gì biết được cái thời chúng sinh ra và trước đó chẳng bao lâu, mọi người phải dè sẻn, tùng tiệm. Ai có điều kiện được mời đi dự tiệc thì cũng ngó ngược ngó xuôi cố mang được chút gì đó về cho con, cho gia đình. Tôi đã từng sống, từng chứng kiến những tháng ngày khó khăn ấy, nên những điều ông viết không thấy gì lạ, nhưng chắc khá lạ với lớp trẻ ngày nay.

Biển và chim bói cá, Bùi Ngọc Tấn xây dựng khoảng 20 nhân vật nhưng qua mỗi nhân vật đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả những tiếng thở dài. Hơn 500 trang sách, người đọc vẫn thấy ánh lên cái tình, cái nghĩa giữa con người với con người, giữa con cái với cha mẹ, anh em… Sau hơn 20 năm đổi mới, mức sống người dân cao hơn nhiều lần nhưng dường như cái nghĩa cái tình của con người theo tỉ lệ nghịch. Do vậy, Biển và chim bói cá đã “chống” hai mí mắt của tôi, buộc tôi đọc suốt từ trang đầu tới trang cuối. Có những đoạn, ông đặc tả rất hay: “Bóng dáng Lê Mây ngược sáng như một bức tượng đồng bất động giữa khuôn hình. Lúc những đám mây trên trời vần vụ chạy thẳng xuống, biến mất dưới chân ông, lúc biển nghiêng hẳn dâng cao đẩy bầu trời xô lệch”. Tiếp đến là một đặc tả khuôn mặt ông sạm nắng gió và muối mặn, vuông vức, râu ria, mắt dữ dội nhìn thẳng trên một nền trời biển điên đảo phía sau. Và đây “Lê Mây đang đứng trước boong lái, giữa trời xanh. Biển lặng trải tới chân trời. Ông thanh thản ngửa cổ đưa chai rượu lên cao…” (trang 534). Đọc tới đọc lui qua hàng nghìn chi tiết mà chi tiết nào cũng hóm hỉnh nhưng cứ làm tôi băn khoăn nghĩ về đời người, về lòng trắc ẩn, về lương tri…

So với các nhà văn khác, Bùi Ngọc Tấn viết chưa phải là nhiều, nhưng qua Biển và chim bói cá lần nữa khẳng định cái tâm, cái tầm của một nhà văn đúng nghĩa.

 

V.G.

(Nguồn: Người lao động)

Những con “chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn

(Lao Động Cuối Tuần) – Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn (NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2008, 540 trang) có thể được nhìn dưới hai góc độ, như một phóng sự dài, và như một tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn có thể được nhìn dưới hai góc độ, như một phóng sự dài, và như một tiểu thuyết. Hoặc cũng có thể nói thế này, đó là một tiểu thuyết viết bởi một bàn tay viết báo kỳ tài với văn phong báo chí điêu luyện. Thế nhưng, như chủ đích của tác giả, đó căn bản là một cuốn tiểu thuyết. Và hẳn là ta nên xem xét những đóng góp của tác phẩm này với tư cách thể loại tiểu thuyết, và đó chính là mục đích của bài viết này. 

 * * *

 Trước hết, có tên gọi “chim bói cá”. Bùi Ngọc Tấn gọi một cách đầy trìu mến ngồn ngộn hàng mấy chục nhân vật của cái Quốc doanh đánh cá ở một thành phố biển nước ta – cả những người “trực tiếp sản xuất” trên biển lẫn những người “ăn theo” trên bờ – là những con chim bói cá.

Sách chia làm hai phần.

Phần thứ nhất nói về những thân phận chim bói cá trên biển, trong đó có cả những con chim thuộc biên chế trên biển nhưng vì những lý do thuộc cơ chế nên phải về nằm bờ chờ việc, ăn lương thất nghiệp dài dài. Đọc xong phần thứ nhất này, người đọc sẽ vương vấn một câu hỏi trong lòng mình: những con người này, những con chim bói cá này, chúng có hạnh phúc không, và liệu rồi có bao giờ chúng có nổi hạnh phúc hay không?

Phần thứ hai nói về những con chim bói cá “ăn theo” tại vố số phòng ban bệ trên bờ. Phần thứ hai của sách nói về những con chim bói cá làm việc ở bản doanh của “quốc doanh đánh giậm” – họ tự giễu mình như vậy – kể về những cung cách sống toát lên cả một thể chế đang lụn bại, đang trên bờ vực phá sản, song cũng lại đang vùng vẫy cựa quậy cố công cố sức tự thay đổi trong một cuộc “cải cách” tuyệt vọng chế độ kinh doanh. Một cuộc cải cách của những người rủ nhau đi biển đầy nắng và sóng gió nhưng lại mang màu sắc ảm đạm của những kẻ đi vào con đường hầm không lối thoát.

Trong phần thứ nhất, Bùi Ngọc Tấn kể những câu chuyện rành rọt về những con chim bói cá trực tiếp đi “đánh giậm” trên biển. Có bao nhiêu nhân vật cả thẩy? Mười? Hai mươi? Ba mươi? Có nhân vật nào chính? Dường như có một nhân vật tên Cương. Nhưng cũng không hẳn thế. Dường như có một nhân vật tên Bôn. Nhưng cũng không hẳn thế.

Người đọc sẽ thấy mình bị mất hút trong đám nhân vật có tên nhưng dường như không tên, những gương mặt trong tầng tầng lớp lớp gương mặt thì đúng hơn. Nhưng các gương mặt ấy không đủ để bạn đọc nhớ được câu chuyện – một câu chuyện dường như chẳng có chuyện gì gắn bó “một cách tiểu thuyết” các nhân vật với nhau. Nhưng ta sẽ nhớ được câu chuyện nếu ta đặt chung các gương mặt của bức tranh vẽ theo lối “luật viễn-cận Trung Hoa”, nhân vật ở xa cũng như ở gần đều hiện trên bức tranh với độ lớn nhỏ như nhau, với sự rõ nét như nhau, bắt ta cứ phải bám theo từng gương mặt cho tới khi nó nhường chỗ cho gương mặt khác.

Cách kể chuyện đó của Bùi Ngọc Tấn, ta được thấy cả trong Chuyện kể năm 2000. Cách kể chuyện đó cũng nằm trong các truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn – trừ ba truyện ngắn có kết cấu thực sự “truyện ngắn Khói, Người chăn kiến Cún ở đó bố cục truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn có từ bỏ cái “lan man” phóng túng để trở lại với cái cổ điển gọn ghẽ vẫn quen được coi là đặc trưng của thể loại này. Cách kể chuyện đó hiện ra một cách như thể đùa bỡn và thật đắc địa trong Rừng xưa xanh lá và trong những ghi nhớ khác về bạn bè. Cách kể chuyện đó lại hiện trở về trong câu chuyện về những con chim bói cá – đặc biệt trong phần những con bói cá “lực lượng sản xuất chính” trên biển, không phải lũ chim ăn theo trên bờ.

Ta sẽ dễ dàng theo dõi các gương mặt (hoặc nhân vật) “chim bói cá” ấy, nếu ta để ý đến cái khát vọng chung được sống hạnh phúc của họ, những chàng trai, nhưng trung niên, những người chờ việc và những người “đánh thuê”, những cấp trên và cấp dưới, những người đồng cấp thân thiết nhau hoặc đang có chuyện ngủng ngoẳng mất đoàn kết với nhau… tất cả, không loại trừ ai, họ đều tạo thành một nhân vật chung mang tên Khát Vọng Hạnh Phúc.

Cái hạnh phúc đến là giản dị. Ông thuyền trưởng Bôn tầu vừa mới vệ sinh sạch sẽ về bến, đã vội nhầy lên bờ, quẳng tất cả đó, cũng không màng cả một con cá đem về cho vợ con, nhẩy ngay lên xe, chỉ kịp ngoái lại dặn “các ông ấy có hỏi thì bảo mình lên trạm xã một chút rồi về ngay. Đấy. Bây giờ lại đau. Có lẽ dạ dày dở chứng thật rồi” (trang 25). Người bạn cũng rất tâm lý, đứng ra bảo đảm cho sự vắng mặt của thuyền trưởng của mình tại một “cuộc họp quan trọng” như là có lý do rất tự nhiên, rất chính đáng:”Báo cáo, thuyền trưởng cầm y bạ đi khám bệnh rồi ạ” (trang 70). Thêm thắt bịa đặt tình tiết cầm y bạ cho ai ai cũng phải tin.

Trần Bôn đi đâu? Thì cũng là cái chuyện đi như mọi anh em. Đi cho nhanh vì nhớ vợ. Nhớ người yêu. Nhớ đàn bà. Hạnh phúc với lũ chim bói cá này là nỗi thèm khát được sống đều đặn với đàn bà. Mỗi gương mặt chim bói cá đều dính líu đến một thân phận đàn bà, một cuộc tình, mà thường là không bao giờ thỏa mãn. Chuyện thơ mộng như câu chuyện của bác cấp dưỡng già dưới tầu tên là Tích cho cánh thủy thủ trẻ “… Chúng máy biết gái Thủy Nguyên đập lúa rồi chứ gì. Khăn mỏ quạ bịt kín mặt chỉ để hở hai con mắt, chẳng biết già trẻ xấu tốt ra sao. Đập xong, tất cả ra về, chỉ còn tao và một cô ở lại quét dọn, về sau. Đến khi ra cầu ao, cô ấy cởi khăn ra giũ. Ôi trời! Đẹp quá. Má hồng rực, tóc mai dính bết, mắt bồ câu long lanh. Hai đứa xắn quần lội xuống bậc gạch bên dưới. Cô ấy cúi xuống. Tao cũng cúi xuống nhưng chưa vục nước ngay mà còn nhìn sang cô nàng. Hai bắp chân trắng như cá chép ngâm dưới nước. Cô ấy cũng nhìn lại tao cười, má cứ rực lên rồi lại cúi xuống ao, hai bàn tay khum khum định vốc nước lên mặt. Tao mới đưa tay sang xoa xoa vào mặt nước chỗ khuôn mặt cô ấy. Cô ấy cười tủm tỉm, rồi nắm lấy tay tao, giữ chặt không cho tao khỏa nước nữa. Lại còn đưa một tay sang xoa chỗ ao tao đang soi xuống. Trả miếng đấy. Có đi có lại đấy. Ăn chết rồi! Tao cũng nắm lấy tay cô ấy, giữ tay cô ấy lại, bóp một cái thật mạnh. Cô nàng nhăn nhó há miệng ra chiều đau. Chỉ há miệng chứ không kêu thành tiếng. Chà! Cái nhăn mặt ấy mới chết người. (trang 114)

Đời như thế mà phải đi biển những ngày dài biền biệt, nếu không nhớ nhung, nếu không sôi lên vì nhớ, thì chẳng hóa ra họ là phỗng hay sao?

Vì thế mà, một tỷ trọng khá lớn của tác phẩm hình như đã được Bùi Ngọc Tấn dùng để cho ngọn bút và con mắt quan sát cùng những kinh nghiệm trường đời của … mọi người được cố định trên những trang giấy.

Những chàng trai ấy thực tình cũng đáng được hưởng tình yêu đàn bà con gái của họ. Vì những ngày đằng đẵng họ ở dưới tàu, chỉ có trên là trời và dưới là nước. Vì những ngày đêm họ làm việc cật lực cho xí nghiệp…

* * *

Một “xã hội” sống chen chúc trong tiểu thuyết mà thiếu những đường dây cổ điển các nhân vật chính và phụ, các xung đột và những nút thắt… mà ta dùng khái niệm tiểu thuyết tư liệu để đặt tên, liệu khái niệm ấy có thể chứa đựng một phong cách khả dĩ đứng vững không?

Trước hết, cần nói rằng dạng tiểu thuyết tư liệu chẳng phải là sáng kiến của Bùi Ngọc Tấn; ông chỉ viết theo thói quen mà thành phong cách đó, đơn giản thế thôi. Trước Bùi Ngọc Tấn, Emile Zola đã từng đề cập đến khái niệm “tiểu thuyết thực nghiệm”(2). Và trước Zola, trong lịch sử sáng tác văn xuôi, cũng đã có dạng tiểu thuyết tư liệu ít nhất là từ năm 1849 ở Canada. Đó là cuốn “Ký họa cuộc sống Canada” của W. S. Darling, một cha đạo Tin Lành ở quận Toronto. Tác phẩm của Darling viết như một tập phác họa cuộc đấu tranh của Canada sao cho các thiết chế xã hội, chính trị và tôn giáo của mình,duy trì đuwocj tính chất và tinh thần Anh quốc, cố sống cố chết sao cho không bị lăn theo vết đi cộng hòa như ở nước Mỹ. Nhưng người đọc sẽ được thấy cả một tiến trình xã hội Canada chao đảo rồi xa dần những tập tục châu Âu để ngả vào con đường mới vạch ra ở nước Mỹ: con đường cộng hòa và dân chủ không sao cưỡng lại được ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Ta hãy trở lại với dạng tiểu thuyết tư liệu được coi như mẫu mực (kinh điển), tiểu thuyết Germinal (“Tháng gieo mầm” như cách đặt lại tên tháng theo lịch cách mạng) của Emile Zola. Đó là cuốn tiểu thuyết được Karine Montais et Elise Tropet(3) coi là có tính thời sự. Người đọc có thể thấy tình cảnh nước Pháp thế kỷ 19 “khi cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động đến hồi căng thẳng” và “đặc biệt sôi sục là những tai nạn lao động (nhất là tai nạn trong hầm lò)“. Và nhà văn Zola đã bỏ ra sáu tháng đi khảo sát các cuộc đình công của thợ mỏ miền Bắc và vùng Pas-de-Calais rồi từ đó viết nên toàn bộ câu chuyện(4).

Ngay từ những dòng đầu của chương đầu tiểu thuyết Germinal, Emile Zola đã để ta bắt gặp ngay nhân vật hệt như người đi điều tra tình hình công nhân. “Tôi là thợ máy, tôi đi tìm việc đây… Ở đây có nhà máy không?… Hàng ngày bà con ta có thịt ăn không? …  Có bánh mì mà ăn đã phúc! … ” Tương tự như vậy, cuối mỗi chương trong phần 1 về những con “chim bói cá”, Bùi Ngọc Tấn lại cho một chú bé trong tưởng tượng ghi lại nhật ký xuống tầu đánh cá với “bố” – một sự thơ mộng hóa, vì hình như nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn có chút e thẹn không muốn để bạn đọc “hiểu nhầm” vì sao tác giả lại có nhiều hiểu biết về cái nghề “đánh giậm” hiện đại này đến thế? Bùi Ngọc Tấn chẳng cần bỏ đi thực tế những sáu tháng để điều tra tình hình công nhân miền Bắc nước Pháp cuối thế kỷ 19. Trước khi viết Chuyện kể năm 2000, “a Tấn” từ Phố Lu về thành phố Cảng, được phục hồi không xét xử, và được cử về làm công tác thi đua tuyên truyền ở xí nghiệp đánh cá Hạ Long. Và khi một nhà văn có máu báo chí đặt chân tới đâu, con mắt nhà báo và trái tim nhà văn của họ tất yếu sẽ giúp cho cuộc đời này dựng được một tấm bia.

Nếu như Zola được chứng kiến và ghi lại cảnh đời công nhân Pháp, thì hơn là vậy, Bùi Ngọc Tấn còn thấy cả sự tan rã của hệ thống đánh cá mang cái tên đẹp đẽ là “quốc doanh” và được công nhân chế biến đi thành “Quốc doanh đánh giậm”.

Xin đừng nghĩ Bùi Ngọc Tấn đã bắt chước Zola! Cũng giống như khi Bùi Ngọc Tấn cho ra mắt Chuyện kể năm 2000 người viết bài này có nói với tác giả “ông viết đau như Ngôi Nhà Người Chết của Dostoevsky ấy”. Khi ấy, Bùi Ngọc Tấn đã phản đối lại: “mình chưa bao giờ đọc tác phẩm đó”.  Bây giờ cũng vậy, chắc là Bùi Ngọc Tấn cũng chưa đọc Zola – Tháng gieo mầm vẫn chưa thấy nằm trên kệ sách Việt.

 

* * *

 Chúng ta hãy trở lại với Chim bói cá…

Ở phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn dồn sức và dồn tư liệu phác họa thật tài tình sự tan rã của một thiết chế vô cùng thiếu tự nhiên, gửi thân trong hệ thống đánh cá “quan liêu bao cấp” – ta chẳng còn cách gì hơn là dùng cái định ngữ đã thành sáo mòn ấy!

Chỉ bằng vài nét mô tả cô Phòng và những người cán bộ hành chính – những con chim bói cá “ăn theo” trên bờ – và ta có ngay ấn tượng không thể nào quên về một khái niệm cơ bản: định nghĩa sinh động thế nào là hiện tượng vô văn hóa.

Những người “cán bộ” ấy cả nam lẫn nữ cả già lẫn trẻ đều xưng với nhau là bố, các bố và gọi người khác là con, các con (trừ gọi cấp trên, vì quan hệ của họ với lối xưng hô quái đản ấy chỉ diễn ra khi vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm, như chính họ thú nhận). 

Chỉ bằng những phác họa ngắn gọn, Bùi Ngọc Tấn cho ta thấy sự giả dối của những con người đó – những con người buộc lòng phải sống giả dối trong một thiết chế giả dối. Tủ “tài liệu” của họ được dùng để cất giấu cá, đem về nhà cải thiện đời sống, có khi chỉ một bọc cá cũng đáng giá bằng cả một tháng lương. Họ xin cá của các tàu đánh cá như những kẻ hành khất sang trọng! Xin được nhiều, ăn không hết, đem bán. Ai cũng là con mẹ hàng cá. Từ cầu cảng về, nhìn trước nhìn sau không thấy sếp, cánh phòng ban, người trước kẻ sau sách túi cá nặng vào buồng làm việc, mở tủ đứng hay tủ bàn dúi vào, và khép nhanh cánh tủ lại, đi ra ngoài cửa đứng nghênh ngó xem có ai nhìn thấy mình vừa xách cá về không, rồi trở vào kéo ghế ngồi trước bàn làm việc, giở tài liệu ra xem như người trách nhiệm nhất trên đời… (trang 332). Và họ phải tránh mặt không đem cá về khi còn thấy mặt cấp trên lảng vảng ở cơ quan. Họ đành lòng chăm chỉ ở lại làm việc, thực hiện tám giờ vàng ngọc (mà đúng là tám giờ vàng ngọc thật) hơn thủ trưởng” (trang 333).

Bên cạnh những nhân viên nhan nhản ở các phòng ban, Bùi Ngọc Tấn vẽ ra chân dung một trưởng phòng nhân sự cứ mỗi lần bọn chim bói cá đi biển về, cả đi đánh cá lẫn đi vận tải biển, đều lảng vảng xuống tầu, nói bóng gió về “thay đổi nhân sự”. Và thế là đã đánh đi một tín hiệu để các con đến nhà các bố mà dâng vật phẩm hối lộ. Tiếp đó, Bùi Ngọc Tấn chỉ cần vẽ phác một gương mặt con ông cháu cha khác đang phạm tội đấy nhưng lại được “đẩy nhanh” xuống tầu cho đi nước ngoài – những hành trình tương đương với những chiến lợi phẩm nhặt nhạnh từ các bãi rác tư bản chủ nghĩa nước ngoài đem về nhà lại đảo chiều trở thành hàng hóa mới.

Cuộc sống ngột ngạt thế ấy sẽ khiến ta không chịu đựng nổi nếu thiếu những trang viết đầy u-mặc của nhà văn tinh quái Bùi Ngọc Tấn. Đó là những trang chim chuột nhau. Đó là những lời lẽ xen kẽ kỳ tài chỉ thấy ở Bùi Ngọc Tấn. Đó là anh nhân viên được cử đi mua đồ ăn tiếp khách đã dừng lại “nếm” vài miếng rồi say sưa quên mất và bắt cả khách lẫn chủ chờ vàng mắt. Đó là anh cán bộ thiết kế vườn hoa đã trồng cỏ mầu vàng để “thể hiện” màu cá rán. Đó là một anh cán bộ “dư dôi” làm công việc nhổ cỏ ở cửa phòng làm việc của sếp cũng lẩn thẩn suy tưởng về việc tạo ra những cái cống đầy cỏ thối để nuôi lươn, biến cái giấc mộng thủy sản thành sức mạnh của toàn dân!    

Nhưng ta đừng nghĩ Bùi Ngọc Tấn chỉ biết đùa bỡn cười cợt chớt nhả. Đoạn kết tác phẩm Biển và chim bói cá có thể khiến người đọc đầm nước mắt qua giọng văn tưởng như đùa bỡn của tác giả.

Nhưng để thấy hết “chất” Bùi Ngọc Tấn, không gì hơn là ta hãy trở lại với Emile Zola trong Tháng gieo mầm để nếm đoạn kết của sách này:

Giờ đây, trên trời cao, mặt trời tháng tư đang rạng rỡ hết mực, sưởi nóng trái đất đang sinh sôi. Từ thân những cây củ cải trắng, mầm mọc ra thành lá xanh giữa những run rẩy cỏ xanh cũng đang ngoi lên. Khắp nơi, các hạt giống đang căng phồng lên, vươn dài ra, lấy mầm phủ khắp cánh đồng, ngoi lên mặt trời mang sức nóng và ánh sáng. Nhựa tràn trề cùng với những giọng thì thầm, tiếng mầm nảy nở thành tiếng nụ hôn dài. Dần dần, mỗi lúc một hiện ra rõ nét, những hạt mầm như những bước chân bè bạn đồng chí rầm rập bước. Dưới nhứng tia mặt trời nóng bỏng, tiếng ồn ào làm mặt đất mang thai. Tựa hồ như bao nhiêu con người đang đi ngang, một đội quân đen đúa, một đạo quân báo thù, đang chầm chậm vươn mầm trong các luống đất, đang lớn lên cho những mùa gặt của cả thế kỷ mai sau, những mầm xanh đang làm cho trái đất vỡ tung.

Còn Bùi Ngọc Tấn đã lại có đoạn kết riêng của mình. Tác giả đã chọn nhân vật Cảnh để mô tả sự chấm hết tất yếu trong cuộc tan rã vĩ đại của quốc doanh đánh giậm. Cô Phòng, người đáng bị đuổi việc hơn cả, lại phát tháng lương cuối cùng cho Cảnh, một thanh niên bị xếp vào loại “dư dôi”:

–        Thôi em ạ. Đi làm mười ba ngày mà được lương nửa tháng là tốt rồi.

Cảnh trầm ngâm:

–        Vấn đề cũng khá nan giải đây.

Đó cũng là câu nói nổi tiếng của Cảnh. Như câu “dù sao trái đất cũng cứ quay” vậy.

Nhận tiền lương rồi, Cảnh vẫn cứ lờ vờ ở xí nghiệp. Mấy anh chàng “giặc lái” hỏi:

–        Sao không về nhà, còn ở đây làm gì?

Cảnh đáp thản nhiên:

–        Đã hết giờ đâu mà về.

Nói rồi đi ra ngồi dưới gốc cây cột điện. Và lạ là sáng hôm sau Cảnh vẫn đến. Rồi những hôm sau nữa. Đúng giờ… (trang 526)

Cậu Cảnh của Bùi Ngọc Tấn không biết đi đâu về đâu cả. Không một “mầm xanh” hy vọng như của Zola giành cho cậu.

So với Emile Zola, người vẫn được các sách giáo khoa “tiến bộ” chê là “tự nhiên chủ nghĩa”, hình như Bùi Ngọc Tấn còn bi quan hơn nữa.

Bi quan hơn hay lạc quan hơn hay trung thực hơn hay cay đắng hơn?

Ta chẳng có quyền bắt Zola không được hy vọng.

Ta sẽ chỉ ngậm ngùi vì những lời răn của những bề trên văn học (trong đó đích danh có M. Gorki) vẫn thường tiện mồm dạy những người viết văn hãy “lãng mạn cách mạng”.  

Bùi Ngọc Tấn là tên học trò hư của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Bùi Ngọc Tấn không biết nói dối.

Bùi Ngọc Tấn vẽ lên một cậu Cảnh thất nghiệp y hệt như những người thất nghiệp khác mà thân phận họ chưa bao giờ nằm trong một bản thống kê có giá trị nào.

Bùi Ngọc Tấn thuộc về số người viết văn nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc. Có ai đó đã viết thế ở trang bìa 4 tiểu thuyết Biển và chim bói cá.

 

Hà Nội, 14-3-2009

CHÂU DIÊN  

 


(2)  Xin coi mục Emile Zola trong Từ điển Văn học (bộ mới), Đỗ Đức Hiểu soạn.

(3)  Xin coi đường dẫn: http://www.bmlisieux.com/litterature/gambier/gambie08.htm

(4)   Havelock Ellis, lời giời thiệu Germinal trong bản dịch sang tiếng Anh, xuất bản năm 1894; xin coi đường dẫn: http://www.ibiblio.org/eldritch/ez/gin.html

Cái đẹp và sức thuyết phục của hiện thực

bnt4Trung thực- chính bút pháp Bùi Ngọc Tấn cũng là lời “đề dẫn” của  Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trong phần mở đầu buổi tọa đàm “Những góc khuất của hiện thực” bàn về tác phẩm “Biển và chim bói cá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, khai mạc vào chiều thứ sáu 20-3-2009, tại Hanoihanoi café, 43, Trường Tiền (Hà Nội). Là “cuốn sách được chờ đợi trong tâm thức bạn đọc yêu văn và người”, vẫn theo Phạm Xuân Nguyên, sách kể về Tổng công ty đánh cá Biển Đông – “Không có nhân vật chính – đó là một tập thể – là giám đốc Thắng, thuyền trưởng Bôn, là Lê Mây, cô Phòng, Cảnh…. – đó là hiện hình chân dung của một thời chúng ta đã sống (khoảng ba thập niên cuối cùng của thế kỷ 20)”.

Những con tàu, những gương mặt, những kế hoạch vĩ mô cho năm năm, mười năm của xí nghiệp, những số phận cuộc đời hiện lên, chìm xuống. Lừng lững trước mắt rồi lại biến mất phía chân trời. Tưởng như rời rạc mà liên kết chặt chẽ. Tẽ rời nhưng gắn bó, việc nọ liên quan đến việc kia đầy hóm hỉnh hài hước như “cánh phòng ban” xuống tàu xin cá, phải “nghênh ngó xem có ai nhìn thấy mình vừa xách cá về không” rồi không đem cá về khi thấy mặt cấp trên, còn lảng vảng ở cơ quan. Phải “đành lòng chăm chỉ ở lại làm việc, thực hiện tám giờ vàng ngọc”.Tác giả của “Mẫu thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”… Nguyễn Xuân Khánh có ý kiến cho rằng “tác phẩm ít sử dụng hư cấu” nhưng lão nhà văn khẳng định “sự sắp xếp hiện thực có nghệ thuật cũng chính là hư cấu nhân văn” và phải “hiểu hư cấu theo nghĩa rộng”. Với một nhà văn mà kinh nghiệm cả đời lăn lộn ở đất Cảng Hải Phòng thì những chi tiết trong “Biển và chim bói cá” ngồn ngộn đời sống tươi ròng được “biểu diễn” bằng “thi pháp mới” – nhà văn Châu Diên nhấn mạnh ý kiến của mình.

Văn phong Bùi Ngọc Tấn thường mới mẻ chính từ ánh nhìn hóm hỉnh – đậm chất umua (hài hước)  ở ông. Tính từ Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” thì thời của Bùi Ngọc Tấn là Vũ Bão, gần đây Nguyễn Quang Lập. Đó là những nhà văn có tuýp giống nhau bởi  chất hài hước  hóm hỉnh. Nhưng ở Bùi Ngọc Tấn, chất hài của anh luôn là “tiếng cười nảy ra từ nỗi đau” – nhà thơ Dương Tường,  tác giả của câu thơ “Để ghi lên mộ chí sau này/Tôi đứng về phe nước mắt” khẳng định như vậy. Nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn có ý kiến “phản biện” thú vị. Đó là “dài – đọc mệt”. Theo anh, cách cư xử với hiện thực, với ngồn ngộn chi tiết có phải “tham”? Và anh “tiếc” các chi tiết nếu cắt rời ra có thể thành những truyện ngắn. Đó cũng là một quan điểm trẻ mà những thế hệ U40 quan tâm? Không dài và dài….

Một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt, mang quốc tịch Mỹ  là Alec (phu quân của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu) hỏi một câu hóm hỉnh : “Trong liên hiệp đánh cá Biển Đông có phân loại 3 tầng lớp địa chủ, phú nông, trung nông như trong làng quê Bắc Bộ thời thuộc địa không?”, khiến những người tham gia buổi tọa đàm cười ồ. Mới – cũ. Cổ – hiện đại là tranh luận “luôn luôn có” ở bất cứ không khí văn chương nào. Kết thúc bao giờ cũng là ý kiến trung dung nhất. “Miễn là hay”.Và thay cho lời nhắn nhủ “hãy về đọc sách” – MC Phạm Xuân Nguyên “lấy” một câu Kiều “Ở trong còn lắm điều hay”.

bt2

Nhà văn ký tặng sách cho Alec (chồng của Đỗ Hoàng Diệu). Ảnh: Hà Linh.

“Hay” – đó cũng chính là lý do buổi tọa đàm, bởi khi cuốn sách của nhà văn “được bạn đọc chờ đợi” như tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra mắt bạn đọc. Chính sự “sum suê và khúc khích” trong “Biển và chim bói cá” đã cho người viết bài này sự cảm nhận về cái đẹp của hiện thực. Một hiện thực không cần phải tô hồng hay bôi đen. Qua văn phong của mình, ngợi ngời hiện lên đầy trung thực và chính sự trung thực của nhà văn đã mang lại cho người đọc cảm xúc nhân văn vào cuộc sống – con người.

 Vũ Thị Huyền