Sinh khí của văn chương

“Phải lòng” văn chương

Đã 20 năm kể từ khi Nguyên Bình về Hà Nội, Bùi Ngọc Tấn mới trở lại mái nhà xưa của bạn. Gương mặt ông bình thản nhưng những bước chân hồi cố thì trĩu nặng. Ông chỉ cho chúng tôi xem nơi từng là căn buông cũ, một gian trong ngôi biệt thự xuống cấp, nay được thay bằng nhà bê tông xám ngắt cửa đóng then cài. Chợ Lương Văn Can eo sèo họp ngay trước nhà như một nét sổ xoá hết cảnh quan xưa.

Chúng tôi cùng nhà văn ra cảng cá Hạ Long. Dòng sông và bến thuyền đã mang dáng dấp hiện đại với bờ kè trải đá dăm, những mùi dầu ma dút, vị lờ lợ của nước sông sắp hoà vào biển, những con tầu lam lũ, thì vẫn tưởng như cách nay ba mươi năm. Ngày ấy Bùi Ngọc Tấn lăn lộn kiếm sống bằng đủ nghề, đẩy xe, làm miến, cuộn thuốc lá… Sau ông được nhận vào phòng hành chính của Quốc doanh đánh cá Hạ Long, giữ một chân thi đua “cờ đèn, kèn trống”. ánh mắt ông vụt trở nên tinh nghịch như người đem khoe cái điều lẽ ra cần phải giấu: “Nơi đây chú Tấn đã có thâm niên hai chục năm làm nghề…  hôi cá!” Đằng sau nụ cười hóm hỉnh, tếu táo là hồi ức về những cực nhọc của một quãng đường vật lộn với cơm áo để trụ lại đời thường, ước vọng văn chương đã trở thành thứ xa xỉ.

Rồi ông đưa chúng tôi về nhà máy xi măng. Khói nhà máy xi măng toả trắng, nhưng đang có cuộc thiên di lớn lao dời toàn bộ công trình này đi nơi khác. “Thuở còn làm báo Hải Phòng kiến thiết, năm nào tôi cũng đón giao thừa với anh em công nhân, rồi chực sẵn ở lò nung, nhà tháo để đón chờ bao xi măng đầu tiên của năm mới.”  Bùi Ngọc Tấn và những bạn văn của ông, thời trai trẻ sáng trong và nhiệt huyết chưa hề lường đến khó khăn của cuộc sống, chưa gợn chút âu lo về cái bất trắc trái ngang của cuộc đời, đã chọn cuộc sống lao động cực nhọc nhưng đượm mầu lý tưởng nơi đây, cũng như nơi những đảo đèn bền bỉ, khắc khổ án ngữ giữa con người và biển cả, để gửi gắm những ước vọng của thế hệ minh.

Căn gác nhỏ gần Ngã Sáu của vợ chồng nhà văn vẫn đạm bạc khiêm nhường và ám áp gợi nhớ thời kỳ đầu những năm 1960, khi nó còn là tổ ấm đi về chung của nhiều nhà văn trẻ, đắm say cuộc đời và nghề nghiệp, những Dương Tường, Lê Bầu, Mạc Lân, Nguyên Bình… Bùi Ngọc Tấn ngồi, đôi mắt tươi xanh những kỷ niệm. Ông kể về thời mới bén duyên văn chương. Thời ấy một người bạn văn đã làm những câu thơ còn lung linh mãi trong cảm xúc của nhiều người: Sóng sông Hồng bỗng xanh mầu Đa nuyp / Những con người đất lạ phải lòng nhau.(1) Thế hệ của họ, bỡ ngỡ và sôi nổi, được lớn lên từ cuộc đời mới, thời vận mới của dân tộc, lần đầu tiên gặp gỡ, tìm thấy trong sách vở bốn phương những tinh hoa và niềm khát vọng chân thiện được nuôi dưỡng qua nhiều thời đại, vượt qua những biên giới quốc gia, của con người, cũng đã tự vun đắp cho mình một lý tưởng thật lãng mạn và cao đẹp.

(1)Nghe nhạc Strauss- Tuân Nguyễn

Sau bao nhiêu sóng gió cuộc đời, ông thanh thản nói về nghề văn: “Nếu như phải lựa chọn một lần nữa thì tôi vẫn chọn nghề viết. Sức hấp dẫn khiến tôi phải trung thành với nghề – đây là lĩnh vực mà dù bản chất sang hèn, cao quý hay thấp kém, trung thực hay gian trá, đều bộc lộ không thể giấu diếm, khó lòng trá lường.” Ngoài việc là cái đích kiếm tìm gắng sức rất thiêng, nghề văn với Bùi Ngọc Tấn còn là nơi biểu hiện phẩm chất và giá trị con người, giá trị sống. Có thể đối với nhiều người đây là quan niệm tuyệt đối hoá và có phần lỗi thời. Nhưng ngẫm ra, bất cứ nghề nghiệp nào khi đã thoát khỏi cái phần tồn tại thực dụng, thoát khỏi chức năng hàng hoá thông thường, nhất thời, để được công nhận đạt đến trình độ nghệ thuật, đều hàm chứa những giá trị con người.

Hành trình đến…bản thân

Có người nói Bùi Ngọc Tấn viết văn để tìm lại thời gian đã mất cho mình và cho bè bạn. Viết để thêm một lần sống lại cuộc sống đã qua, khai lộ một hiện thực ở tầng sâu của tâm tưởng và tri giác, thứ hiện thực hai lần hiện thực. Chỉ những con người đứng trước hoàn cảnh bất thường khốc liệt, trước ranh giới sinh tử, bị xô đẩy đến những giới hạn khác thường của cảm thức mới có nhu cầu về lối viết này.

Viết về bè bạn, nhưng chính là Bùi Ngọc Tấn tìm lại những giá trị của thế hệ mình, tìm lại lý tưởng mình hằng nâng niu có lúc tưởng chừng đã bị vùi khuất dưới những bất hạnh, đau khổ. Mỗi nhân vật một vẻ đáng yêu, một triết lý tồn tại, một cái duyên khác nhau trong đời, nhưng tất cả đều đại diện cho phần khát vọng thầm kín của người viết về nghệ thuật, thứ nghệ thuật tinh hoa do được rút lòng nhả kén. Cao hơn nữa là khát vọng khẳng định giá trị bản thân từ điều chân thiện, có ích, có nghĩa cho đồng loại. Có thể Bùi Ngọc Tấn đã quá yêu và bênh vực các bạn mình, nhưng chính xác hơn, ông đã viết bằng cái nhìn của người trong cuộc, đem cái tôi của mình mà chứng nghiệm, xoay đi ngẫm lại, làm hiện hình lên phẩm chất của những người chung quanh. Phải tự tin, độ lượng và trung thực đến tận cùng mới dám đem bản thân làm “thuốc thử” và làm của tin đảm bảo cho những nhân cách con người và nghề nghiệp, như ông. Có lẽ vì thế mà văn Bùi Ngọc Tấn viết về bất cứ thân phận nào, hay bất cứ sự vật nào trong tự nhiên. cũng đều như viết về một người thân thích ruột rà, một tri kỷ.

Viết về thời của mình, Bùi Ngọc Tấn đã chọn sự trung thực. Không bất mãn dè bỉu hay ngượng ngùng lảng tránh như một số người viết khi nhìn lại “cái thời lãng mạn”, ông chân thành và sòng phẳng ghi nhận cả cái ấu thơ non nớt, những ảo tưởng viển vông, cái một chiều duy ý chí lẫn tình yêu, lòng nhiệt huyết sáng trong và khát vọng đẹp của một thời, như hai mặt của sự thật. Cũng vì luôn khách quan, trung thực mà Bùi Ngọc Tấn không rơi vào “cảm hứng” ôn nghèo kể khổ hay mua vui bằng cách “hạ bệ thần tượng”. Kể lại những chuyện nhếch nhác oái oăm cười ra nước mắt trong đời sống văn nghệ sĩ, ông không dửng dưng lạnh lùng hay tỏ ra bề trên “biết rồi… khổ lắm” mà thân ái cảm thông. Trời phú cho Bùi Ngọc Tấn chất hóm hỉnh hài hước của người nhanh trí nhanh mắt dám đem khoe những chuyện đáng ra cần phải giấu (như ông có lần tả Nguyên Hồng) để vui đùa, cười nhau và tự cười. Đây là cảm hứng lành mạnh, thứ sinh khí tươi trẻ của một nền văn chương.

Bùi Ngọc Tấn không phải người ham xê dịch. Trở về Hải Phòng, trung tâm của miền Bắc những năm 1960, nơi cuộc sống mới trong tầm vóc vạm vỡ đang gồng mình để đổi thay từng ngày, ông bám riết cơ sở, vừa để làm báo, vừa để có tư liệu sống và viết. Ông ưa cuộc sống với những ràng buộc đằm thắm cố kết và thâm trầm. Chỉ ưa đi dạo quanh những con phố thân quen ấm áp của Hải Phòng với đôi người bạn thật thân, giữa mùa đông mà thèm cả hương vị buốt lạnh thân thiết của que kem tuổi nhỏ… Bùi Ngọc Tấn trầm tĩnh đôn hậu, luôn hướng đến chất thanh cao, tinh tế, đây vừa là điểm mạnh, vừa là giới hạn tương đối của ông.

Nếu như có một con đường để cho mỗi người tìm đến bản thân, đến đức tin ấu thơ thanh sạch và tình yêu toàn thiện, thì đó chắc hẳn là con đường có rất nhiều nhánh rẽ… Trong số những nhánh rẽ đó không thể thiếu phần đường mà Bùi Ngọc Tấn và những nhà văn cùng thời ông đem đến, họ đang cùng đi với hiện tại bằng cả lý tưởng và khổ đau. Và Bùi Ngọc Tấn vẫn là một người đang viết…

 

K. P.