Sung sướng thay là những kẻ có niềm tin

TP – Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa có cuộc giao lưu với bạn đọc chủ đề Tìm lại thời gian đã mất trong không gian phố cổ Hà Nội.Trước đó, ông gặp lại đồng nghiệp thân thiết đủ các thế hệ ở báo Tiền Phong nhân 26/3. Phóng viên hỏi chuyện ông, nhân chuyến đi ý nghĩa từ Hải Phòng về Hà Nội.

Độc giả đến với buổi giao lưu “Tìm lại thời gian đã mất”. ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Độc giả đến với buổi giao lưu “Tìm lại thời gian đã mất”. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

So với cái thời “Mọi người nhìn tôi không ra quen không ra lạ, không ra chào không ra không/Mọi người nhìn tôi như thể mọi thứ đã kết thúc rồi”, có thể nói hiện Bùi Ngọc Tấn đang ở đỉnh cao hạnh phúc? Và ông có thấy bất ngờ trước những câu hỏi mà những người trẻ đặt ra cho ông tối 15/3 trong cuộc giao lưu ở quán cà phê Manzi, về lẽ sống, niềm tin, về những sai lầm trong quá khứ, về việc họ rút ra bài học cho mình từ bài học của Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên rằng “sống phải có lý tưởng và phải sáng suốt trong việc định ra những giá trị”?

Trước đây do ít tiếp xúc với lớp trẻ nên khi về già tôi có một mối lo, một nỗi sợ thì đúng hơn: Sợ lớp trẻ không biết được những gì lớp U 30 (sinh ra những năm 1930) chúng tôi đã sống, đã trải qua. Và như vậy thì thật đau đớn cho họ, những người “sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào”.

Cho đến năm 1997, khi làm bộ phim về nhà thơ Lê Đại Thanh, tiếp xúc với các bạn trẻ cùng làm phim, nỗi sợ ấy đã hoàn toàn biến mất. Một niềm vui lớn của tôi!

Lớp trẻ sau chúng tôi một thế hệ ấy (lớp cha-con) hoàn toàn hiểu được chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi. Tôi đã bảo Giang Lương Hà, Nguyễn Năng, những đồng tác giả của phim: “Thu hoạch lớn nhất của chú, cái được lớn nhất của chú trong khi làm phim là hiểu được các cháu, là biết rằng thế hệ các cháu hoàn toàn hiểu bọn chú”.

 Ngày xưa chúng tôi tràn đầy lạc quan, tin tưởng, đến nỗi lỗi của mình là đã tin tưởng quá. Còn bây giờ, tôi thấy thương các con vì dường như chúng chẳng biết tin vào cái gì. Người Pháp có câu “sung sướng thay là những kẻ có niềm tinNhà văn bùi Ngọc Tấn

Và sau này là những bạn đọc trẻ tới nhà. Mới Tết năm ngoái (2012) thôi, một cháu gái (thế hệ thứ 2 sau chúng tôi, thế hệ ông-cháu) từ Hà Nội về (cùng các anh Nguyên Ngọc, Dương Tường, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Vũ Quần Phương…) bảo tôi: “Mấy quyển Anna chú phải giữ cẩn thận đấy chú nhé”. Ý cháu muốn nói tới mấy tập sách đã theo tôi vào tù. Không cần bình luận gì thêm về lời dặn ấy. Nó găm vào trí nhớ tôi.

Rồi đến buổi gặp ở Manzi tối 15/3 vừa qua. Một bạn đọc còn rất trẻ mang gần như tất cả các đầu sách của tôi đến để tôi ký.

Tôi không bất ngờ trước các câu hỏi của lớp trẻ đặt ra cho chúng tôi về lẽ sống niềm tin, những sai lầm trong quá khứ, về những điều cần phải có trong cuộc sống. Tôi hiểu họ, yêu quý họ và tin chắc một điều: Sự chia sẻ giữa các thế hệ là tuyệt đối. Điều ấy làm chúng tôi yên tâm sống và thanh thản đi… về thế giới bên kia.

IMG_3930
“Nếu có bị cuộc đời cho đo ván thì cũng đừng để mất hết” (Bùi Ngọc Tấn khuyên bạn trẻ, tại café Manzi 15/3).

Và so với cái thời mà một loạt nước XHCN kiểm điểm nước nào xem nhiều nhất phim “Số phận con người” (theo truyện của Solokhov); những phim “Đàn sếu bay”, “Bài ca người lính” bị cấm chiếu ngay ở quê hương do cái án quy chụp “gây tâm lý sợ hãi chiến tranh” (như ông vừa mới hồi ức), thì không khí hiện nay khác hẳn? Ông nghĩ ông còn muốn nó khác đến bậc nào nữa?

Cuộc sống hôm nay có những bước tiến bộ đáng kể so với cái thời thi chiếu, thi xem phim Số phận con người, rồi lại lên án nó. Nhưng đã nửa thế kỷ rồi. Gọi là cuộc sống có nhích lên. Nhích lên chút ít. Đáng buồn là như vậy. Hai ông nhà báo đi làm phận sự bị đánh mà không dám nhận là mình bị đánh, không dám “ẳng lên một tiếng” như người ta đã viết. Về chủ đề này có đến cả chục ngàn dẫn chứng, trăm ngàn ví dụ.

Cuộc sống đã có nhiều tiến bộ. Nhưng sự không dám nói thật, sự dối trá vẫn còn khá phổ biến. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống, đến tiến bộ xã hội.

Cho tôi nói rõ một điều: Tôi căm thù sự giả dối, đặc biệt thói đạo đức giả.

Ông hẹn với bạn bè “phải sống dai, sống dai là thắng” và nay ở tuổi 79 ông kết luận“sống đến bây giờ là lãi rồi”. Gặt hái lớn nhất của cuộc đời Bùi Ngọc Tấn?

Tôi rất sợ chết mà chưa làm được những công việc cần làm, chưa hoàn thành dự định (như Nguyên Hồng chẳng hạn) thì quá buồn. Thật may mắn, những việc cần làm tôi đã làm hoặc đang hoàn thành.

Đúng là tôi sống đến bây giờ là lãi rồi. Tôi không ngờ về cuối đời lại được hưởng sự chia sẻ, đùm bọc như tôi đang hưởng.

Gặt hái lớn nhất của đời tôi ư?

Một là: Có được một đóng góp ít ỏi, nhỏ bé cho văn học.

Hai là: Tránh được cho người quen những lúng túng khi gặp tôi, chấm dứt tình trạng đã kéo dài nửa thế kỷ, như tôi nói ở trên: Không ra không nhìn thấy, không ra nhìn thấy, không ra chào, không ra không chào, chẳng là quen mà cũng không là lạ, nhìn tôi như nhìn một cái gì đã kết thúc rồi.

Ông vẫn chủ yếu đi về Hà Nội- Hải Phòng. Cảm nhận của ông về hai thành phố này, thời điểm hiện nay?

Tôi yêu Hà Nội, Hải Phòng của nửa thế kỷ trước với tình yêu của một chàng trai tuổi 20.

Một Hà Nội thanh bình, êm đềm, thanh lịch văn hiến, và trong veo không khí, tán lá những phố sấu dài như ôm ấp chở che.Hà Nội một thời để yêu, một thời để sống của tôi.

Và Hải Phòng tỉnh lẻ, tỉnh lẻ cô em nằm xem kiếm hiệp, tỉnh lẻ về bầu trời, về sự dèm pha tâng bốc. Tôi đã viết về Hải Phòng như vậy nhưng tôi yêu nó biết bao. Hoa phượng chẳng dính dáng gì đến tình yêu ấy dù nó đã được chọn là biểu tượng của thành phố Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ.

Hải Phòng xù xì lam lũ, lao động đổ mồ hôi, hồn nhiên, chân thật, phóng khoáng và cởi mở với những tên đất chỉ nghe cũng đã yêu: Ngõ sau Nhà Lốp, Nhà thờ Tây đen, bến tầu Tây Điếc, Ngõ ông Lý Phình… Hải Phòng với những ngôi nhà mới cửa sổ xanh mở đều một lượt / như một ban đồng ca cùng ngân giọng hát/ như những người bên nhau cùng mở rộng tâm hồn.

Hải Phòng, Hà Nội hôm nay, những cơ thể đang phát triển. Mờ đi những nét riêng. Hơn thế, rất giống nhau: Xô bồ, vội vã, giành giật…, ô nhiễm cả thành phố, cả mặt người.

Phát triển nhưng đầy lo âu.

Tôi trở thành xa lạ với Hà Nội và với cả Hải Phòng dù vẫn sống ở đó.

Có thể vì tôi đã 80 tuổi rồi chăng?

DƯƠNG PHƯƠNG VINH

Không e sợ khi xuân về

TP – Năm qua, tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn đoạt Giải thưởng Lớn trong Festival Sách và biển tại Pháp. Chiến thắng 6 đối thủ có sách vào chung khảo – là các nhà văn chuyên nghiệp Pháp, Canada, Bỉ – có người là giám đốc nhật báo Le Monde vốn là thủy sư đô đốc, nghĩa là rất hiểu biển. Đã gần tám mươi ông vẫn nguyên một tinh thần sảng khoái, điềm tĩnh.

 

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và cháu nội. Ảnh Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và cháu nội. Ảnh Nguyễn Đình Toán.

 

Mỗi lần gặp ở Đại hội Nhà văn thấy ông rất phấn chấn. Sao lần gần đây nhất ông lại vắng mặt?

Một câu hỏi rất hay. Nhưng để trả lời câu này, cho phép tôi ngược thời gian một chút. Xuân nhật do đa mà. Dông dài tí ti, chị đồng ý nhé.

Năm 1973, khi tôi từ rừng núi trở về, các cơ quan chức năng nhiều lần nói với vợ tôi: “Chị đừng nghĩ là anh Tấn nhà chị lại còn được viết văn nữa. Không ai cho anh ấy viết văn nữa đâu! Chị hãy nhớ lấy điều ấy!”.

“Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời”. Đã bao lần tôi nhẩm đi nhẩm lại câu thơ ấy. Tưởng rồi sẽ quên được hẳn tên-dưới-mặt-trời của mình nhưng mới khó làm sao.

Đầu năm 1990, tôi viết trở lại. Viết vì sau nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng năm 1986, có thể viết khác đi. Viết vì những điều tích tụ trong lòng không thể không viết ra. Viết như một sự không khuất phục, chống lại mệnh trời…

 

 Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần. Thời còn đang học phổ thông, đọc câu ấy trong Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh mà cứ rợn hết cả người. Tôi hiểu rằng tôi đang sống nghĩa là tôi đang chết. Tôi hiểu lẽ sinh, tử trong câu ấy. Tôi hiểu cuộc đời thật đẹp, hãy sống hết mình như một người cần phải sống, được sống trên cuộc đời này. Và sống có ích. Cũng như sau này tôi đọc Léonard de Vinci: Tôi những tưởng rằng mình học sống hoá ra là học chết.

Bùi Ngọc Tấn

Sau khi công bố hai tập sách (hồi ký Một thời để mất cuối năm 1995 và truyện ngắn Những người rách việc đầu năm 1996) tôi nộp đơn xin vào Hội Nhà văn, nhưng không được kết nạp. Tôi đã định rút đơn. Hai người ký bảo lãnh cho tôi là Vũ Bão và Lê Bầu can ngăn: Tôi lạy ông. Ông cứ để đơn đấy cho chúng tôi nhờ.

 

Thực ra nếu không vì hoàn cảnh éo le, tôi không nộp đơn. Tôi luôn hiểu viết văn là nỗ lực một mình cô đơn trước trang giấy trắng. Chẳng qua chỉ vì muốn chính thức được công nhận đã đứng dưới mặt trời thôi. Cái danh hiệu “nhà văn quốc gia” như anh em văn nghệ Hải Phòng thường nói, có thể giúp tôi điều ấy. Năm sau, 1998 tôi được kết nạp. Đại hội Đại biểu Nhà văn lần thứ 6 (năm 2000) là đại hội đầu tiên tôi được tham dự. Tuy nhiên đã có ý kiến truất quyền đại biểu của tôi. Cuối cùng tôi vẫn được đi họp. Tôi có nói với nhà thơ Hữu Thỉnh, phó Tổng thư ký Hội Nhà văn lúc ấy về mục đích đi đại hội của tôi: Mình có dự cũng chỉ để gặp lại bạn bè cũ. Nếu không, có khi đến chết cũng không gặp được nhau. Một đại hội vui của tôi. Bạn cũ, bạn mới tay bắt mặt mừng. Tôi không chú ý tới các bản tham luận. Chỉ bắt tay, ôm lấy nhau. Và chụp ảnh…

Năm 2005, Đại hội Đại biểu lần thứ 7, được bầu là đại biểu, việc dự của tôi suôn sẻ. Đã biết đại hội sẽ diễn ra như thế nào rồi, nghĩa là người đọc tham luận cứ đọc, người ngồi dưới cứ nói chuyện, người ra hành lang uống cà phê cứ uống, người đi dạo ngoài sân cứ đi…, niềm vui của tôi là gặp lại Hà Nội của tôi, Hà Nội một thời tươi đẹp nhất của tôi. Cùng Đoàn Lê đi thăm Nguyên Bình ốm nặng. Uống bia, ăn chân gà nướng ban đêm ở một vỉa hè Hà Nội với Dương Tường, Dạ Thảo Phương, “đầu nậu” sách Dương Thắng rồi Phạm Hải Anh vừa từ Hà Lan về. Một mình lang thang Bờ Hồ, ngồi ở gốc cây nơi 32 năm trước đã ngồi khi từ những lòng chảo giữa rừng trở về ăn kem, gặp lại Tháp Rùa…

Đại hội (toàn thể) lần thứ 8 tháng 8 năm 2010 tôi không dự. Bởi những lý do thiết yếu của riêng tôi không còn nữa. Bạn cũ, bạn mới (đã thành bạn cũ) gặp rồi, và suốt 10 năm giữa các đại hội, thường xuyên gặp gỡ, điện thoại, meo đi meo lại cho nhau đủ các thứ chuyện rồi. Còn nhu cầu gặp lại Hà Nội xưa thì thật khó mà thực hiện: Kẹt đường, kẹt xe. Cực kỳ gian khổ. Kể cả nguy hiểm nữa. Người, ô tô, xe máy ở đâu ra mà lắm thế.

Với lại cũng thừa biết các đại hội đều giống nhau. Ăn sáng như thế nào, lên hội trường như thế nào.

Sau đại hội, nhiều người bảo tôi: Anh không đi là đúng.

Ông có e sợ khi mùa xuân về?

Tôi hiểu ý câu chị hỏi. 79 tuổi rồi. Mỗi mùa xuân tới đồng nghĩa với cái khúc còn lại của tôi ngắn đi một ít. Cái kết thúc đang tới gần kề. Thực ra tôi nghĩ tới sự kết thúc từ lâu lắm rồi. Ngay khi còn rất trẻ.

Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần. Thời còn đang học phổ thông, đọc câu ấy trong Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh mà cứ rợn hết cả người. Tôi hiểu rằng tôi đang sống nghĩa là tôi đang chết. Tôi hiểu lẽ sinh, tử trong câu ấy. Tôi hiểu cuộc đời thật đẹp, hãy sống hết mình như một người cần phải sống, được sống trên cuộc đời này. Và sống có ích. Cũng như sau này tôi đọc Léonard de Vinci: Tôi những tưởng rằng mình học sống hoá ra là học chết. Xin chị đừng ngắt lời tôi. Mùa Xuân không nói tới chuyện chết. Dông. Đúng không? Tôi lại thấy ý nghĩa tích cực của những câu nói ấy. Hãy sống như thế nào để đến khi chết đi không còn áy náy gì.

Chẳng phải Paven Korsagin cũng đã nói thế hay sao. Học sống hóa ra là học chết đấy. Cũng có thể nói ngược lại với người khổng lồ Léonard de Vinci: Học chết lại chính là học sống. Tôi không e sợ gì khi mùa xuân về. Bạn bè nhiều người không còn nữa: Vũ Bão, Lê Bầu, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Mạc Lân. Tôi biết họng súng bắn tỉa của Thần Chết đang chĩa vào tôi, chờ đợi cú siết cò và thanh thản ra đi. Bởi những việc cần làm tôi đã làm với hết sức mình. Bởi tuy còn những cái xấu, nhưng tôi không làm hại ai, tôi luôn là người lương thiện.

Bởi sống đến bây giờ là lãi rồi.

Dương Phương Vinh

Văn hoá Nga sẽ ngày càng toả sáng

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa về Việt Nam sau gần một tháng “du hành” Nga  theo lời mời của bạn đọc hâm mộ, ông đã chia sẻ về đất nước, con người Nga, về hoạt động văn chương của người Việt trên đất nước rộng lớn có bề dầy văn hoá này.

 

1- Cảm giác của ông khi lần đầu tiên đặt chân tới Nước Nga?

Tôi yêu nước Nga và văn học Nga từ thời kháng chiến chống Pháp, nghĩa là thời gian còn đang học cấp 3. (Trước đó gần như chỉ biết đến văn học Pháp.) Tình yêu văn học Nga, tình yêu đất nước Nga ngấm vào tôi đến nỗi nó toát ra trong sáng tác của tôi một cách không tự giác. Dù tôi viết về Việt Nam, về cuộc đời tôi, về tình yêu của tôi, về những năm tháng gian nan của tôi. Nhiều bạn đọc nhận ra điều ấy. Một trong số những người đọc tôi ở nước ngoài còn nhận ra tình yêu ấy là một trong những nguyên nhân tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời tôi, những hệ luỵ mà tôi gánh chịu suốt đời. Người bạn đọc trẻ ấy thương tôi, chia sẻ sự mất mát của tôi và nghĩ: Với một tình yêu văn học Nga, một tình yêu nước Nga và một hệ luỵ như thế mà tôi chưa đến được nước Nga là điều không thể chấp nhận được. Chị nghĩ phải tạo điều kiện để tôi tới được Nước Nga, tận mắt nhìn thấy nước Nga. Chị không quen tôi, không biết địa chỉ của tôi, cả số nhà cũng như email hay điện thoại. Nhưng rồi mọi sự được sắp đặt như là số phận.

Thế là tôi đã được mời sang Nga. Người nữ bạn đọc ấy không chỉ lo toàn bộ chi phí cho chuyến đi của tôi mà còn dành thời gian làm guide cho tôi trong chuyến du lịch tuyệt vời này, mặc dù nhà chị có ba con nhỏ chưa kể công việc kinh doanh của chị rất căng thẳng (chị là giám đốc điều hành của một công ty xuyên quốc gia).

Đó là chị Bùi Lan Hương.

Tôi cảm ơn chị và đánh giá chị rất cao bởi hai điều:

a-Chị luôn thông cảm với những thiệt thòi của người khác trong khi biết bao người không còn khả năng nghĩ đến người khác.

b-Với chị, giá trị cuộc sống còn có những thước đo khác, không chỉ một đồng tiền.

Tôi ao ước xã hội nước ta có nhiều người như vậy.

Với tình yêu nước Nga như trên, dễ hiểu được cảm xúc đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đất nước Nga. Đó là mơ ước đã được thực hiện. Là một đất nước lòng mình đã đến nhiều lần và bây giờ mình đang sống giữa nó, đặt chân lên nó, thở không khí của nó, ngắm nhìn nó.

Cũng phải nói thêm là tôi nghe nói rất nhiều đến vẻ đẹp mùa thu vàng nước Nga, chị Lan Hương đã thu xếp cho tôi quãng thời gian có thu vàng mà không bị quá lạnh (tôi rất yếu chịu rét) để thoả mãn mong ước của tôi. Tối hôm trước đến Nga, sáng hôm sau việc đầu tiên là đứng trong nhà nhìn qua cửa kính, rất vui vì biết mình sẽ được thấy thu vàng: Những chiếc lá đầu tiên của rặng phong non bên kia đường đã có sắc vàng báo hiệu một thu vàng đang tới.

2- Ông đã đi thăm những nơi nào? Cảm xúc của ông về thiên nhiên Nga?  kiến trúc Nga?

Chương trình đã được thống nhất từ trước. Tôi chỉ tới Moscow và St  Peterburg. Hai nơi tiêu biểu nhất của nước Nga. Tất nhiên tôi muốn thăm Siberie, muốn đến Odessa, tới Tula thăm trang trại của Lev Tolstoy… Lòng tham vô đáy mà, nhưng thời gian và sức khoẻ của tôi không cho phép. Chỉ đi thăm hai nơi này thôi, chân tôi đã bị đau, đã có ngày phải nằm nhà và chị Lan Hương phải thuê taxi ngày cho tôi đi. Tôi đang tiến đến tuổi 80, hơn nữa thời trai trẻ gồng gánh quá nhiều trong các trại.

Còn thiên nhiên Nga, không gian Nga ư?

Tôi vừa từ Mỹ trở về hơn 3 tháng thì đi Nga. Cả hai đều mênh mông vĩ đại. Cái không gian sinh tồn ở hai siêu cường này thật hào phóng, không phải mưu mô 50 năm để lấn chiếm được 1 mét vuông làm cái chái bếp bên nhà. Nhưng nếu Mỹ luôn chứng tỏ một nền kỹ thuật tiên tiến, một trình độ tổ chức xã hội hoàn chỉnh, giầu có thì Nga lại tỏ rõ một chiều sâu văn hoá, một sức mạnh tiềm tàng đang được giải phóng. Vâng, nước Nga đã mất quá nhiều thời gian và sức lực trong việc tìm đường nhưng vẫn là một người khổng lồ khiến những nước khác phải kính trọng mình.

Về kiến trúc Nga:  Đó là kiến trúc làm người ta choáng ngợp. Một nền kiến trúc của những nghệ sĩ bậc thầy cộng với kiến trúc của những người khổng lồ và kiến trúc của những người thợ kim hoàn. Những công trình đẹp như trong mơ, hoành tráng vượt sức tưởng tượng và tinh tế khiến ta phải lùi ra xa để ngắm nhìn tổng thể lại phải tới sát gần để khám phá từng cm. Các giáo đường, các cung điện, phòng hổ phách, Hồng trường. Những chiếc cầu trên sông Nê va. Tôi đã đi tầu điện ngầm ở Pháp, Đức, Mỹ. Tôi cả quyết rằng không đâu có những nhà ga làm ta mê mẩn như ở Moscow. Đó là những lâu đài, những cung điện.

3- “Nước Nga không thể hiểu được, nước Nga chỉ có thể yêu…” Có một triết gia đã nói như vậy. Theo ông con người Nga như thế nào? Có thể yêu được không?

Con người Nga thật đôn hậu đáng yêu. Từ những người tham gia hội chợ mật ong cho tới bà nông dân tại khu bảo tàng Tsarysino mà tôi được gặp và chụp ảnh kỷ niệm ở Moscow tôi có tới thăm một gia đình người Nga: Bà Inna Malkhanova, một người đã sang Việt Nam nhiều năm. Hỏi bà nhớ gì ở Việt Nam nhất. Bà trả lời tôi bằng tiếng Việt: Nhớ tất cả. Nhớ người, nhớ cảnh Việt Nam, nhớ chùa Hương, nhớ vịnh Hạ Long. Và nói thêm: Ngày ấy người Việt Nam rất tốt. Cảnh Việt Nam còn đẹp. Bà mời tôi món borsh ( xúp củ cải đỏ, một món ăn dân tộc) ăn với bánh mì đen xát tỏi và rất thật thà: Ăn bánh mì đen cho đúng kiểu thôi. Không ngon thì anh ăn bánh mì trắng nhé. Tôi thích bánh mì trắng.

Có rất nhiều điều để nói về văn hoá Nga. Từ những người chăm chú đọc sách trên tầu điện ngầm. Những người tới Hồng trường chụp ảnh trước đại giáo đường Thánh Va xi li Tàng Tàng… Tôi chỉ kể một dẫn chứng: Trong khu mộ những người nổi tiếng ở Moscow không ngôi mộ nào thiếu vắng hoa tươi. Riêng mộ Maiakôpxki còn có cả một chiếc bật lửa (Maia sinh thời nghiện thuốc, ông đã viết: Đốt tư tưởng xì xèo trên điếu thuốc). Mộ Tsêkhov ngoài hoa tươi còn có những bức thư của độc giả gửi tới. Tsekhov qua đời đã hơn thế kỷ nhưng bạn đọc vẫn viết thư  đến ông, tâm sự cùng ông, cảm ơn ông. Tôi gai người khi chị Kim Hiền, uỷ viên chấp hành Hội Văn Nghệ Việt Nam tại Nga kể tôi nghe những chuyện ấy.

Thật hạnh phúc là một nhà văn ở một đất nước như vậy, với những bạn đọc như vậy.

4- Ông có cuộc gặp gỡ nhà văn nhà thơ hiện đại nào của Nga không?Ông có quen với tác giả tác phẩm nào của Nga sau thời đại xô viết không?

Không. Thời gian ở Nga của tôi rất eo hẹp và được bố trí rất sít sao. Đài Tiếng Nói Nước Nga có dự định phỏng vấn tôi, nhưng tôi không nhận trả lời.

Phải tận dụng tối đa thời gian để đi, nhìn, và quan sát. Nước Nga quá rộng, có quá nhiều điều phải biết mà tôi tuổi đã cao.

ở Việt Nam tôi có đọc một số truyện Nga được dịch in trong tạp chí Văn Học nước ngoài của Hội Nhà Văn VN. Thú thật với chị, ấn tượng những tác phẩm đó để lại trong tôi không lớn.

5- Từ cách nhìn của một nhà văn ông có thấy nước Nga thực sự là một cường quốc văn hoá, và cái đó không bao giờ bị mất đi.

 

Điều quyết định sự tồn vong của một dân tộc chính là văn hoá. Nước Việt Nam chúng ta bị Tầu đô hộ cả nghìn năm nhưng không bị đồng hoá chính là như vậy.

Nước Nga với tất cả những điều chúng ta đã nói ở trên là một siêu cường văn hoá. Văn hoá Nga đã góp phần không nhỏ vào nền văn hoá chung của nhân loại. Văn hoá Nga sẽ ngày càng toả sáng không chỉ ở Nga.

6- Ông đã có những cuộc gặp với các thành viên Hội VHNTVN ở Nga. Họ làm gì ở Nga? Họ viết gì về nước Nga?

 

Các anh chị trong ban chấp hành Hội VHNTVN ở Nga đã dành cho tôi những tình cảm thật cảm động. Không chỉ là cuộc gặp gỡ của những người xa đất nước với người trong nước mà còn là cuộc gặp giữa những người làm nghệ thuật, trân trọng từng bước đi, từng thành công của nhau dù to hay nhỏ. Các anh Châu Hồng Thuỷ, Nguyễn Huy Hoàng, Hồng Hà, chị Kim Hiền đã dành nhiều thời gian  làm guide cho tôi và nói cho tôi biết cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Nga, từ  Đôm 5 cho tới chợ Vòm. Cuộc mưu sinh rất vất vả nên chỉ những người thật sự yêu nghệ thuật mới có thể gắn bó với nó. Cứ 2 vạn người làm ăn buôn bán mới có một người làm thơ. Thơ, văn, nhạc… được chắt từ mồ hôi, tình cảm và trí tuệ của mỗi người. Nghệ thuật còn là phương tiện động viên sống, động viên làm việc.

Hội thành lập 15 năm nay có 30 hội viên, không một rúp tiền quỹ, nhưng hàng năm vẫn tổ chức đều đặn những cuộc gặp mặt, những cuộc hội thơ. Hàng chục đầu sách và đĩa CD đã được phát hành, đến với bạn đọc và công chúng. Anh Nguyễn Huy Hoàng, phó chủ tịch Hội, tác giả của 8 tập thơ và văn xuôi vừa nhận được tin trúng giải trong cuộc thi thơ về Hà Nội. Chị Kim Hiền đã dịch 6 tác phẩm, và đang dịch Gogol, một cây đại thụ “rất khó nhằn” Anh Châu Hồng Thuỷ ngoài sáng tác, đêm đêm con đánh vật với tạp chí  Người Bạn Đường cơ quan của Hội, một tạp chí trên mạng khá đông người truy cập.

Có thể nói Hội VHNTVN ở Nga thực sự là hình mẫu của một Hội nghề nghiệp quần chúng hoạt động hiệu quả.

7- Văn học hiện đại Nga thời hậu xô viết hầu như không được bạn đọc VN biết tới vì lý do đơn giản: Hầu như không có tác phẩm nào được dịch. Ông có nghĩ đây là một lỗ hổng lớn cần phải lấp? Dù sao VN cũng cần học hỏi ở một nền văn minh vĩ đại như vậy? Khó mà hiêủ biết về con người và một quốc gia nếu không biết gì về văn học nghệ thuật của họ, ông có đồng ý với ý kiến này không?

 

Công việc dịch thuật ở VN gần như tự phát, mạnh ai người nấy dịch. Nước ta nhiều người giỏi tiếng Trung Quốc nên văn học Trung Quốc hưởng lợi. Mạc Ngôn, Giả Bình Ao gần như được dịch hết. Rất nhiều tác phẩm tầm tầm của hai ông này và những tác phẩm tầm tầm khác. Văn học Nga thời hậu xô viết cũng có được giới thiệu trên tạp chí Văn Học Nước Ngoài của Hội Nhà Văn VN. Đúng là quá ít ỏi và chưa đủ.

Nhưng không nên trách họ khi mà chính họ cũng không chú ý, hoàn toàn quên việc giới thiệu văn học VN ra tiếng nước ngoài.

Hoàng Hoa thực hiện

Bùi Ngọc Tấn: Vẫn “Sống để kể lại”

TP – Như Marquez (Sống để kể lại là tên hồi ký của G. Marquez). Và như ông tự hứa với mình từ khi cầm bút trở lại sau 27 năm im lặng. Tháng Ba, Bùi Ngọc Tấn ra mắt tiểu thuyết mới Biển và chim bói cá bằng cuộc tọa đàm ở Hà Nội.

Tháng Tư thì bận bịu cho chuyến tham quan nước Mỹ một tháng theo lời mời của Trung tâm William Joiner. Cuộc trò chuyện với nhà văn sau tọa đàm và trước ngày ông lên đường.

Đọ sức với người Đức ở Munich  (Ảnh nhân vật cung cấp)
 

Thưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn, dạo này sức khoẻ ông ra sao?

Cảm ơn chị. Năm nay tôi 76 tuổi. Thất thập kê nguyệt. Các cụ nói vậy nhưng tôi chẳng tính ngày tính tháng, tính năm. Nghĩa là cứ sống. Sống vui. Làm được đến đâu thì làm. Tôi bằng lòng với sức khoẻ của tôi. Cuộc sống gian nan vất vả là thế, cả đời bị ức chế, lĩnh đủ, vẫn giữ được thân xác như thế này là tốt rồi. Tôi cố giữ lấy cái đầu. Cũng suy thoái nhiều đấy. Nhiều lúc cứ lẩm bẩm một mình. Như lão già câu cá Cu Ba Xăng chi a gô. Lại còn quên nữa. Cái xa thì nhớ, cái gần thì quên. Nhưng chưa đến nỗi hỏng hẳn. Vẫn còn nhúc nhắc ngày ngày gõ máy được chữ nào hay chữ ấy.

Một thành tích đáng khoe là đã cai được thuốc lá. Viêm họng quá. Đành phải từ bỏ lý thuyết: Đời còn cái gì nữa ngoài điếu thuốc.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh 1934 ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Phóng viên báo Tiền Phong 1954-1959. Tác phẩm xuất bản từ 1995 đến nay: Một thời để mất (Hồi ký 1995), Những người rách việc (Tập truyện ngắn 1996), Một ngày dài đằng đẵng (Tập truyện ngắn 1996), Chuyện kể năm 2000 (2000), Rừng xưa xanh lá (Chân dung văn học 2002), Biển và chim bói cá (Tiểu thuyết 2008).

Ít gặp, nhưng mỗi khi gặp ông tôi lại nhớ một câu của Nguyễn Khải trong cuốn nào đó, hình như trong Thượng Đế thì cười: Già mà biết sống già thì cũng hay lắm chứ.Nghĩa là một tuổi già an nhiên, trầm tĩnh đôn hậu mà vẫn hài hước. Ông có thật sự thanh thản sau nhiếu năm không bình yên?

Với tôi sống già hay sống trẻ cũng thế thôi. Còn sống già, sống lâu với tôi là để thấy niềm tin của mình thành sự thật, để yêu đời hơn. Tôi nhớ vào khoảng năm 91,92 Phùng Quán xuống Hải Phòng thăm tôi, chia tay lần trước tóc còn xanh, gặp lại nhau sau đó tóc cả hai đều bạc. Biết bao sóng gió đã đến trong quãng thời gian ấy. Chúng tôi nói với nhau: Phải sống dai. Nhưng chỉ năm sau Phùng Quán ra đi. Tôi cũng đã nói với Nguyễn Khải: Phải sống dai. Khải còn nói thêm: Sống dai là thắng. Cái lần gặp đại tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp tại Hải Phòng tôi cũng chúc Đại Tướng sống lâu, sống dai để… thắng.

Tôi không chỉ thanh thản trong tuổi già, mà còn không ngờ mình lại có được một tuổi già như đang có. Một tuổi già vẫn còn nhiều nghi kỵ nhưng đầy sẻ chia, có thể nói một tuổi già hạnh phúc.

Biển và Chim bói cá (BVCBC) có thể là nối dài của Chuyện Kể Năm 2000 (CKN2000) về nội dung và hình thức (CKN2000 kết thúc ở chỗ nhân vật chính tìm được việc làm ở QD ĐC Hạ Long. Còn thủ pháp của BVCBC cũng được cho là không mới so với CKN2000)

Đứng về phương diện nào đó thì đúng như vậy, Người kể chuyện vẫn là tôi. Tôi kể cuộc sống tôi đã sống, tôi đã chiêm nghiệm. Còn thủ pháp của hai quyển giống nhau nhưng cũng có những cái khác nhau, những bước phát triển đấy chứ. Giống nhau ở chỗ không thể kể lại được mà phải đọc nó, nghĩa là một thứ tiểu thuyết không có cốt truyện. Nhưng CKN2000 còn có nhân vật chính (anh tù Nguyễn Văn Tuấn) BVCBC không có nhân vật chính. Tất cả đều bình đẳng.  Nhiều người bảo tôi đã dùng thủ pháp cắt dán, rồi mảnh vỡ, rằng tôi đưa phóng sự vào tiểu thuyết, một thủ pháp hiện đại. Lại có người nói tiểu thuyết của tôi khó đọc…

Thực sự tôi chỉ muốn viết sao cho sát gần cuộc sống. Và mong người đọc đọc tôi không theo cách đọc cũ.

Trong toạ đàm về BVCBC, ông nói không có gì lỏng lẻo mà chặt chẽ như cuộc sống. Và quan hệ giữa con người với nhau vừa gắn bó vừa rời rạc. Ông có thể nói thêm về điều này?

Cuộc sống như chúng ta đang sống, hoặc như tôi chứng kiến và viết về nó là cuộc sống của những người bình thường, không chia thành tuyến này tuyến nọ như trong các phim hình sự, hay như các tác phẩm cổ điển có Y a gô bên này Ô ten lô bên kia, có Gia ve và có Giăng Van Giăng. Cuộc sống phổ biến của những người lao động hôm nay không rạch ròi tuyến tính. Nó nhờ nhờ, nó co giãn, những con người  khao khát một cuộc sống tối thiểu, thụ động, quanh quéo cò con để có thể tồn tại, để nhích lên một vài cm và chờ đợi một ngày mai mà họ không mấy tin tưởng. Điều gắn bó là cùng một mẫu số chung như vậy. Và rời rạc vì ai cũng loay hoay và bằng lòng với kết quả xoay xoả của mình. Lỏng lẻo mà chặt chẽ cũng là thế. Thật rất khó viết.

Có nhà phê bình nói việc ông quá nhiều vốn sống quá nhiều hiện thực đâm ra lợi bất cập hại với trường hợp BVCBC, ông thấy sao?

BVCBC dài trên 500 trang chữ nhỏ. Hấp dẫn bạn đọc suốt 500 trang không có cốt truyện, không có những pha rượt đuổi gay cấn hồi hộp, không có những cuộc tình tay ba tay tư éo le ngang trái, không có những mưu mô hãm hại nhau trong nhà nghỉ, những trang sến mủi lòng người… là điều không dễ. Phải có một vốn sống dầy dặn, để có thế kéo người đọc đi theo mình. Phải có rất nhiều chi tiết. Phải làm người đọc thích thú khám phá thế giới mình mời họ bước vào. Như họ đang chứng kiến một miền sống mới lạ khi đi du lịch. Trong du lịch, người ta không nghe kể một câu chuyện có đầu có đuôi. Người ta theo chân guide. Người ta nhìn, nghe. Người ta cười. Và người ta suy ngẫm.

Thật đáng mừng là rất nhiều bạn đọc đã trực tiếp hoặc gọi điện thoại chia sẻ với tôi cách viết đó. Họ thích thú đọc tôi. Có bạn đọc nuôi con mọn mà vẫn chong đèn đọc dù cho phải nhiều lần dừng để dỗ con ngủ. Có bạn đọc gọi tôi là người chép sử -xã- hội. Tôi nghĩ trước tôi, ở Việt Nam chưa ai viết một tập tiểu thuyết không cốt truyện không nhân vật chính dầy như vậy.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thì nói Bùi Ngọc Tấn là thợ săn chi tiết tài tình. Có phải vì mải săn mà ông chỉ thấy cây, không thấy rừng? Có phải việc say mê chi tiết của ông xuất phất từ việc ông thấy nhà văn VN đa số nghèo chi tiết?

Tôi đặc biệt say mê chi tiết. Nhớ lại tập truyện ngắn đầu tiên in năm 1962, nhà văn Lưu Qang Thuận làm biên tập thích thú nhắc đi nhắc lại mãi cái chi tiết trong truyện ngắn Hoà cả làng của tôi: Một cô gái nông thôn gặp người yêu vội vàng quá không kịp nhấm tí quế chi cho thơm miệng như những lần trước, chạy một mạch ra cây đa gù. Một chi tiết có thể khắc họa một tính cách, một thời đại, một hoàn cảnh, một tấm lòng. Chi tiết là cây. Nhưng chi tiết cũng là rừng.

Tôi kể chuyện bằng chi tiết, cùng lắm mới phải phân tích tâm lý, kể lể hoàn cảnh… Tôi muốn lưu giữ rừng rừng chi tiết, những chi tiết ấy nói lên thời đại đầy sức thuyết phục, không thể chối bỏ. Chi tiết là vàng của các nhà văn (nó làm nhà văn không phải viết bằng khái niệm) điều các nhà văn đúng là có hơi ít trong tác phẩm.

Năm 2000 ở đại hội nhà văn, ông là người được chú ý nhất. Có kỷ niệm nào ông nhớ ở đại hội này?Nghe nói ông chủ tịch HNVVN hôm đại hội trù bị đến phòng ông mang theo chai rượu và có lời với nhà văn BNT rằng đến đại hôi, ông không  họp báo, cũng không phát biểu, không tham luận.

Đại hội NVVN năm 2000 thật sự làm tôi xúc động không thể nào quên. CKN2000 bị thu hồi tiêu huỷ tháng 3 thì giữa tháng 4 họp đại hội, nghĩa là có một quãng thời gian vừa đủ để dư luận đến độ nhất. Từ chỗ là con số âm đối với văn chương, trong phút chốc tôi có lại tất cả. Tôi chỉ xin kể hai kỷ niệm trong đại hội này:

Một buổi tôi đang ngồi trong hội trường theo dõi một bản tham luận nào đó,  một bàn tay phụ nữ từ phía sau đặt trước mặt tôi một tờ thiếp bằng giấy trắng in hoa nổi, trên tờ thiếp là những dòng chữ: “Anh Bùi Ngọc Tấn. Sao hôm nay trông anh buồn buồn. Đừng buồn. Tất cả chúng tôi đứng bên anh. Anh đã làm được một việc có ích, Hãy vui lên”. Tờ thiếp không ký tên. Tôi vội quay lại. Một phụ nữ áo dài đang đi về phía sau, chỗ chị ngồi, cách 5,6 hàng ghế.

Lại một lần nghỉ giải lao, tôi đang đứng vẩn vơ ngoài hành lang hội trường, một tốp nhà văn nhà báo còn trẻ quây lấy tôi trò chuyện. Lát sau lại một tốp khác đến với tôi. Những người đến trước đứng dẹp sang một bên, những người mới tới một bên. Tôi đứng giữa và thật khó trò chuyện trong hoàn cảnh như vậy. Thế rồi các bạn đến trước nói: “Thôi, chúng mình chiếm hữu anh Tấn quá lâu rồi. Nhường cho các bạn mới đến.”

Trước đại hôi, có tin tôi bị tước quyền đại biểu, nhà thơ Hữu Thỉnh phó tổng thư ký HNV xuống Hải Phòng thăm tôi, cho tôi một chai vang Pháp, 1 chiếc phong bì 100 nghìn đồng, chính thức thông báo với tôi rằng tôi vẫn là đại biểu đại hội (sau này Bằng Việt có nói với tôi là dự kiến không cho tôi họp đại hội là có thực) và yêu cầu tôi ba không như chị nói ở trên. Tôi bảo Hữu Thỉnh: Những điều muốn nói, sách mình viết nói cả ròi. Mình đi họp chỉ với mục đích  lớn nhất là gặp lại bạn cũ. Nếu không, có thể đến lúc chết cũng không gặp được nhau.

Xin nói thêm về ba không, nhà văn Nguyễn Khải có nói một câu rất hay: “Mười không cũng được, sự có mặt của Bùi Ngọc Tấn ở đại hội đã là bản tham luận hay nhất đại hội.” Thế nhưng thật lạ là năm 2001, gặp Nguyễn Khải ở thành phố HCM với mấy người nữa tôi cảm ơn anh về câu nói ấy, anh ráo hoảnh: Không. Mình có nói câu ấy đâu!

Ông có thể nói thẳng thắn về tình đồng nghiệp trong giới nhà văn, nhất là khi ông nổi tiếng vì CKN2000?

99,9% là tuyệt vời, là chia sẻ, là niềm vui chung. Nhưng cũng có những phản ứng thật không thể hiểu. Có người đặt điều, bịa chuyện nói xấu sau lưng, có người không thể nhìn mặt tôi… chỉ vì tôi có CKN2000. Đó là những người khi nhà anh mới sắm một chiếc ti vi cũng đồng nghĩa nhà anh ta mất cắp một chiếc ti vi. Nhưng thôi nói tới những người này làm gì. Tôi thương họ, bởi họ rất khổ vì lòng đố kỵ hành hạ họ.

Trước kia ông từng nói không kỳ vọng vào những giải thưởng chính thống, nhất là của Hội Nhà Văn VN, nhưng rồi cuốn Rừng Xưa Xanh Lá của ông lại nhận được giải của HNVVN. Điều này chứng tỏ gì?

Chứng tỏ việc xét và trao giải không hoàn toàn sai lầm. Thật ra trong các tác phẩm được giải thưởng có những tác phẩm rất xứng đáng mà tiêu biểu là Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, một quyển tiểu thuyết làm vinh dự cho văn chương VN. Thế mà đã có thời người ta mở cuộc vận động để rút lại giải thưởng đó.

Trong nhiều cuốn sách của mình, ông thường kể lại những ngày làm phóng viên báo Tiền Phong (1954-1959) như những ngày hạnh phúc nhất. Có phải vì hồi đó ông đang tuổi 20…

Tuổi 20 bao giờ chẳng đẹp. Đất nước lại mới hoà bình. Xã hội tốt đẹp. Người ta đang được làm công việc mình khao khát. Người ta mơ ước. Người ta tin tưởng. Người ta yêu nữa. Một thời đã qua đẹp ngang thời thơ ấu….

Hồi đó (làm phóng viên báo Tiền Phong) ông viết về cái gì? Đó có phải là những bài báo hay không? Theo nhà văn Vũ Thư Hiên nhận xét  trong hoàn cảnh hồi ấy, đó là những bài báo tầm phơ, nhưng công việc làm báo và đi nhiều đã cho ông và các bạn vốn liếng để làm văn và đó mới là cái được nhất.

Hồi đó tôi viết về nông thôn. Đi nhiều. Ghi chép nhiều. Tập truyện ngắn đầu tiên Đêm Tháng Mười (1962) của tôi là kết quả của những năm tháng ấy. Nhưng đấy chỉ là kết quả phụ. Cái chính tôi “được” khi làm phóng viên Tiền Phong là sống giữa những người bạn cùng lứa tuổi, cùng cách sống, cùng khát vọng đam mê, những Tất Vinh, Mạc Lân, Nguyễn Trĩ Tình, Vũ Lê Mai… Những ngày ấy, những người bạn ấy đã góp phần tạo nên tôi hôm nay.

Bây giờ ông có đọc và quan tâm tới báo Tiền Phong? Ông thấy cách làm báo, viết báo của giới trẻ so với thời của ông như thế nào?

Tôi thường xuyên mua báo Tiền Phong. Cách làm báo cách viết hiện nay khác xa thời chúng tôi làm báo. Tôi thèm được làm báo như các bạn ngày hôm nay. Và khâm phục các bạn. Mới nhất là loạt bài điều tra về đất đai Hà Đông trước khi sát nhập vào Hà Nội đã thu hút tôi và đông đảo bạn đọc.

Ông từng nói lẽ ra không nên rời Hà Nội, đã ở thủ đô thì hãy “Sống mãi với Thủ Đô”? Giống như trường hợp Nguyên Hồng đang ở Hà Nội đùng đùng đưa vợ con về Nhã Nam. Giờ đây ông còn tiếc nuối điều gì?

Thủ Đô bao giờ cũng là Thủ Đô dù có thế nào chăng nữa. Nghe theo lời khuyên của Đảng, của các nhà văn đàn anh, tôi rời Hà Nội về Hải Phòng để thâm nhập thực tế, thâm nhập công nông, viết tác phẩm của đời mình. Tôi đâu ngờ phải sống cạn một kiếp tôi để rồi viết về chính nó. Nhưng thôi, hãy coi tất cả là số phận.

Phạm Xuân Nguyên nói Bùi Ngọc Tấn là nhà văn của sự thật. Liệu đó có phải là lời xưng tụng mà ông hài lòng nhất?

Vâng, Đây là một trong những đánh giá làm tôi vui. Có nghĩa là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khi viết trở lại.

Ông nói: ông viết đúng như những gì mình nghĩ, không pha chế, không thêm xi rô.  Trong CKN2000, ông cũng nói điều ông ghét nhất trên đời này là sự giả dối. Vương Sóc, nhà văn và nhà phê bình hiện đại Trung Quốc mô tả bức tranh xã hội Trung Quốc là “nói dối đi nói dối lại, không biết thành thật là thế nào”. Ông nghĩ xã hội ta hôm nay, liều lượng giả dối nhiều hơn hay ít hơn thời của ông?

Liều lượng nói dối thời trước ít hơn bây giờ, nhưng nó chính là căn nguyên của bệnh nói dối trắng trợn hôm nay. Trong CKN2000, tôi đã viết: “Chúng ta đã quen nghe những lời dối trá để qua đó biết được sự thật.”

Ông có nghĩ ngày này đã bớt đi “những người phụ trách cuộc sống” (chữ của Trần Dần). Và nhưng bi kịch kiểu như Bùi Ngọc Tấn chỉ còn là chuyện mông muội của quá khứ?

Tôi mong rằng nó bớt đi.

Ông là người “Sống để kể lại”. Sau đây còn có điều gì mà ông muốn kể? Có điều gì mà ông muốn kể nhưng sẽ chẳng bao giờ dám kể?

Còn nhiều điều muốn kể lắm. Và tôi đang… kể. Tất nhiên là kể rất thật. Hy vọng nó sẽ được đến với bạn đọc trong thời gian tới. Hiện nay tôi chưa thấy điều gì muốn kể mà chưa dám kể. Khi viết tôi hoàn toàn tự do.

Cảm ơn và chúc sức khỏe nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Dương Phương Vinh

(Nguồn: Báo Tiền Phong)