Tôi mắc nợ biển

Festival Sách và Biển được tổ chức hàng năm tại Pháp. Giải thưởng mang tên Henri Queffélec, nhà văn được coi là người viết về biển bằng tiếng Pháp hay nhất thế kỷ 20 và là người sáng lập giải.Giải thưởng năm nay thuộc về nhà văn Việt Nam Bùi Ngọc Tấn với tác phẩm “Biển Và Chim Bói cá” (Tây Hà dịch). Sau 29 năm, lần đầu tiên giải thưởng ra khỏi Châu Âu.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn về sự kiện này.

 

PV: Xin chúc mừng tiểu thuyết Biển và Chim bói cá (BVCBC) vừa đoạt giải thưởng quốc tế tại Pháp trong cuộc thi viết về biển. Tác phẩm BVCBC đã đến với cuộc thi này ra sao?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: BVCBC là quyển tiểu thuyết thứ 5 của tôi, quyển tiểu thuyết duy nhất được in và phát hành suôn sẻ. Ba quyển đầu bị tịch thu khi còn là bản thảo từ những năm 60 thế kỷ trước, khi tôi bị mắc vào vòng lao lý. Còn quyển thứ tư, Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) in xong, chưa phát hành đã có lệnh thu hồi tiêu hủy. Chỉ riêng BVCBC là được in, được tái bản, được các báo đưa tin. Lại còn được đọc trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam từ đầu đến cuối, và được trả 800.000 đồng tiền “nhuận đọc”. Tưởng thế đã là may mắn tột cùng rồi, nhưng nó lại được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Pháp tháng 10 năm 2011, được giải thưởng tại Festival Sách và Biển (Livre et Mer) tại Pháp năm 2012. Có lẽ 4 anh chị sinh trước nó bị vất vả nên số phận đã cho nó một sự đền bù chăng?

La Mer et le Martin-pêcheur (tên tiếng Pháp của BVCBC) đã lọt vào mắt xanh của bạn đọc Pháp, là 1 trong 6 tập sách vào chung khảo, 1 của Canada, 1 của Bỉ, và 3 của Pháp. Tất cả đều là các nhà văn chuyên nghiệp, có người còn là thủy sư đô đốc, là giám đốc nhật báo Le Monde, một tờ báo lớn ở Pháp và Châu Âu. Và cuối cùng BVCBC đã chiến thắng.

Ban tổ chức cuộc thi đã đánh giá ra sao về tác phẩm này?

 

Trang web của Festival có ghi mấy dòng in trên bìa 4 BVCB bản tiếng Pháp: Với lời văn đẹp đẽ đầy chất thơ, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đưa ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ đến. Sau khi gấp lại tập sách, chúng ta đã thay đổi. Và cũng trở nên tốt hơn.

Và đây là lời tuyên dương BVCBC của ông Francois Bourgeon, chủ tịch danh dự Festival: Chan chứa yêu thương và ngộ nghĩnh… Đầy chất thơ… Bùi Ngọc Tấn tặng chúng ta một quyển tiểu thuyết nhân văn… Cấu trúc rất đặc sắc. Không chút áp đặt, ông dẫn chúng ta đến một vĩ thanh để chúng ta tự do suy ngẫm… Bùi Ngọc Tấn biết cái giá của tự do. Tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là cuốn sách không thể nào quên. Thậm chí có lẽ là… một quyển tiểu thuyết làm người ta tốt hơn.

Ông đã viết BVCBC trong bối cảnh và tâm trạng nào?

 

Tôi đã làm một nhân viên ở một xí nghiệp đánh cá quốc doanh 20 năm. Là một thành viên, một tế bào của cái cơ thể phập phồng hơi thở có một đối tượng lao động là biển cả này, tôi vui niềm vui của những ngày biển lặng gió êm, những chuyến biển tầu về đầy ắp cá; tôi lo lắng cho những người bạn của tôi đang chịu gió mùa, tránh bão, tôi chia sẻ nỗi buồn với những thủy thủ khi những chuyến biển bị gẫy…

Và tôi hiểu những khó khăn của thời ấy về phụ tùng thay thế, về dầu đốt, về thiếu am mô ni ác chạy máy lạnh, về mỗi khi Sở “điên nặng” cúp điện…

Tôi cũng đã nhiều lần đi biển. Reo hò khi đụt cá căng phồng ào ào trút nước xuống boong, lo lắng nhìn đụt lép kẹp vừa lôi lên sàn dốc. Chọn tôm, nhặt cá, luộc tôm tít ăn khuya cùng các thuyền viên. Tôi yêu họ, tôi yêu biển.

Tôi mắc nợ với biển và mắc nợ với họ. Năm 1977 (hay 1978?) nghĩa là chỉ hơn 2 năm sau, tôi đã viết và in truyện vừa Thuyền Trưởng dài hơn 100 trang, tất nhiên là viết chui (ký tên khác) do nhà Lao Đông xuất bản.

Là nhân viên thi đua làm trên bờ, tôi vẫn tận dụng mọi cơ hội đi biển và chăm chỉ ghi chép.  Viết BVCBC, tôi cố diễn đạt được cuộc chuyển mình trong tư tưởng, trong quan hệ giữa người với người, giữa người với biển, một cuộc vật lộn gian khổ và đau đớn…

Tôi đã dành ra 3 năm, viết đi viết lại nhiều lần và cuối cùng nó có hình dạng như các bạn thấy.

 Theo ông, bạn đọc người nước ngoài có thể tìm thấy điều gì thú vị ở BVCBC?

 

Lời tuyên dương BVCBC của ông chủ tịch danh dự của Festival có câu: Quyển sách của Bùi Ngọc Tấn hoàn toàn làm chúng tôi thỏa mãn. Và sau đó ông nhắc đến những điều cụ thể hơn: BNT kể về đất nước mình và về thế giới đánh cá mà ông từng biết. Một quyển tiểu thuyết hấp dẫn về lịch sử một hải cảng, về một xí nghiệp đánh cá quốc doanh, về một cộng đồng người đánh cá can đảm và ranh mãnh vật lộn để nuôi sống gia đình, vét biển đến cạn kiệt. Trước khi bị cuốn vào những quanh co khúc khuỷu của toàn cầu hóa…

Về mặt nghệ thuật, BVCBC cũng được đánh giá cao: Các báo ở Pháp đã dẫn nhiều nhận xét của những thành viên ban giám khảo, ban tổ chức Festival như cấu trúc của tiểu thuyết, một giọng văn phảng phất Dostoievski, một quyển tiểu thuyết magnifique (tráng lệ, tuyệt vời)… qua đó thấy được hồn thơ pha lẫn với sự hóm hỉnh của một Vaclav Haven, hay một Milan Kundera…

Tôi rất hạnh phúc khi đọc thư của bà giám đốc Festival gửi dịch giả Tây Hà: “Chắc chắn ở ViệtNamcòn nhiều áng văn hay cần được tiếp tục giới thiệu ra thế giới.”

 Còn ở trong nước, BVCBC được đón nhận ra sao?

 

Ngay khi mới xuất bản lần đầu, công ty NhãNamđã tổ chức giới thiệu sách. Nhiều báo lớn đã đưa tin và có bài nhận xét. Trong một số báo Tết, một tờ báo coi việc xuất bản BVCBC là một trong những sự kiện văn hóa trong năm.

Và như trên đã nói: Nó được đọc trên đài phát thanh TNVN trong nhiều tháng.

Xin tò mò một chút, giải thưởng về vật chất có lớn không?

 

Tôi chỉ được báo tin và cũng chưa được biết chính xác số tiền thưởng kèm theo giải. Dịch giả Tây Hà có chuyển cho tôi thư của giám đốc Festival nói rằng sẽ chuyển phần của dịch giả cho dịch giả, phần của tác giả cho tác giả.

Sức khỏe ông dạo này thế nào, ông vẫn đang tiếp tục viết?

 

Năm nay tôi đã 79 tuổi. Sự chuyển biến theo hướng… đi xuống  diễn ra rất nhanh.

Nhưng vẫn phải làm việc. Viết báo kiếm tiền để sống. Và viết văn.

 

 Nghe nói ông từng có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định lại quyển tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của ông. Thực hư thế nào?

 

Vâng. Tôi đã làm nhiều đơn. Lên Ban Văn Hóa- Tư tưởng Trung Ương. Lên Bộ Văn Hóa. Và Hội Nhà Văn. Đề nghị tổ chức hội thảo. Và kêu oan cho sách. Nhưng không được giải quyết.

Trong khi đó, mới hôm qua, nhiều người từ Hà Nội về, từ HCM ra gặp tôi chúc mừng tôi được giải thưởng vẫn mua CKN2000 (bản phô tô nhưng được đóng bìa rất đẹp) để tôi ký tặng.

Vậy là sau 12 năm, người ta vẫn tìm đọc CKN2000. Và tôi vẫn tạo nên công ăn việc làm cho một số người( cười). Chỉ có tác giả là không được đồng nhuận bút nào. Còn nhà nước thất thu tiền thuế.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 

Phong Hằng ( thực hiện)