Giỗ đầu Bùi Ngọc Tấn

Phóng viên vườn

        A1

          Năm nay giỗ đầu Bùi Ngọc Tấn nhằm trúng ngày 8 tháng 12 năm 2015, và trúng cả ngày … in xong “Thời biến đổi gien”. Ông bố đẻ đã đi xa, ông bố đỡ đầu Nguyễn Chí Cư nâng niu những cuốn sách thơm phức đem về Hải Phòng thắp hương cho Tấn, và hóa vàng cả một cuốn nặng trịch, thêm một lá thư của Dương Tường gửi Bùi Ngọc Tấn “Thư gửi bạn ở Cõi-Bên-Kia – Người nhận: Bùi Ngọc Tấn – Địa chỉ: Cõi-Bên-Kia”, thêm một số tạp chí “Người yêu sách” có ảnh nhà văn họ Bùi che kín trang bìa… Chen chúc trên nấm mộ cỏ xanh rờn còn có bài báo mới của chú Thụy Kha, và hai tấm “thiệp hồng” to cỡ A4 gửi cho bạn Tấn với những lời không thể mộc mạc hơn: một tấm “VĂN VIỆT không quên Bùi Ngọc Tấn”, một tấm “VĂN VIỆT nhớ mãi Bùi Ngọc Tấn”.

         IMG_1651 (1)

         Không ai quên Tấn! Và không ai quên chào chị Bích, người từng lặn lội (cùng Nguyên Bình) thăm nom Tấn không ngơi nghỉ – chị Bích bị đột quỵ từ năm ngoái, hôm nay ngày giỗ, không ra thăm mộ Tấn được, nhưng con trai, con gái, con rể, con dâu, ba ông bạn già từ Hà Nội xuống sớm, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Châu Diên, vừa đến đất Cảng đã gặp ngay Đào Trọng Khánh và Lê Đại Chúc, hòa vào một đoàn kéo nhau ra nghĩa trang. Khi đem “hóa” cuốn tiểu thuyết mới in, Châu Diên hơi tiếc, khẽ nhắc “đừng đừng…”, cháu Yến vội chạy lại, an ủi, “bác Cư muốn thế, gửi đi cho bố cháu vui”. Ờ thôi cũng được, chiều lòng người sống, chiều lòng người bạn chân tình của người … nhanh thế đấy, mới hôm nào còn nhăn nhó kêu đau, thế mà đã ra đi trọn một năm …

        DSC_0094

           Mọi người không quên người bạn cao niên của Bùi Ngọc Tấn cũng nằm chung nghĩa trang. Anh em kéo nhau qua thắp hương cho ông Lê Đại Thanh. Châu Diên đọc to một câu thơ của Lê Đại Thanh, và bình “Kháng chiến trường kỳ, tôi ngủ dưới rừng bương” … hề hề, ông ấy chẳng khoe công trạng, ông ấy chỉ khoái chí phô trương gì chuyện ông ngủ dưới rừng bương” … Và Châu Diên nói thêm: “Lời bình thơ Lê Đại Thanh mình vừa nhắc lại là của con rể xứ Cảng, đạo diễn Nguyễn Tự Huy – anh cũng vừa nằm xuống mùa hè vừa rồi, đi chợ về, ăn cơm xong, nằm nghỉ, và đi luôn, nhẹ nhõm như tấm thân gày gò chở những bộ phim nặng trịch của anh: Làng Vũ Đại ngày ấy, Núi tương tư, Người trở về… Đất Cảng nhiều người tài: đang chuyện điện ảnh, bà con ta vây lấy Đào Trọng Khánh, người lĩnh ngót nghét chục giải thưởng, “ba mươi năm làm phim, trung bình ba năm một giải”… Rồi lan man sang những thân phận nghệ sĩ đất Cảng. Không biết vì sao, câu chuyện dừng lại ở Tường Vân, người được quy kết là bị tâm thần và được chết trong một cái chuồng gà công nghiệp … người đã nằm gọn trong tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Khắc Phục, cũng lại là một người đất Cảng…

DSC_0145a

          Sáng hôm sau … Bè bạn kéo về đông vui. Một số phận gian nan đã kêu kéo bè bạn tụ tập về thành một niềm an ủi không dễ mà mua được mà tranh mà giành được… Giáo sư Vật lý Phạm Duy Hiển với họa sĩ Tạ Chí, đôi bạn thơ được ghép và tự ghép Tạo Kha, họa sĩ Đinh Quân và chú Vũ “thợ ảnh”, … kể sao cho đủ. Nhưng đây là điều phải kể: mọi người cùng nhớ ra, ngày giỗ Tấn hôm nay, ngày mai là giỗ Vũ Huy Cương đấy – đôi bạn từ thời báo Tiền Phong những năm 1950 và cũng là đôi bạn cùng Vũ Thư Hiên lang bạt qua những Quảng Nạp, Phong Văn, Phố Lu … những tên người tên đất không thể nào hủy hoại!

IMG_1620 (2)

        Toàn bộ cuộc bè bạn Tấn hạnh ngộ hôm nay chỉ có một dấu hiệu buồn… Và Dương Tường chính là người nhìn ra điều u sầu đó. Tường nói khẽ bằng cách nói thủ thỉ vốn có của nó:

          – Tao cứ nghĩ mãi, hình như có quên điều gì đó, bây giờ mới nhớ ra, tức ghê, hóa ra là quên Bùi Văn Ngợi.

          Phải dỗ Tường: thôi đừng nói ra, về Hà Nội lẳng lặng chữa cũng được…

        Hôm nay quên không nhắc gọi Bùi Văn Ngợi, giám đốc nhà Thanh Niên, người đã ra tay đỡ đầu cho Chuyện kể năm 2000 chào đời …

       Cuộc vui nào thì cũng có những phút ngậm ngùi. Câu thơ vận vào cái số thằng Tường đấy mà, Tôi đứng về phe nước mắt.

Thư gửi bạn ở Cõi-Bên-Kia

Nhân giỗ đầu nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 

Thư gửi bạn ở Cõi-Bên-Kia        

 

Người nhận: Bùi Ngọc Tấn

Địa chỉ: Cõi-Bên-Kia

 

         Mình đang đi trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại có nét gì quen quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra một cái tên rất thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ dấn chút xíu nữa là “bắt” được mà nó vẫn vuột mất để rồi đến một lúc thôi không  cố nhớ nữa thì nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một cột đèn. Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…

           Thế là mình thức giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây.

          Ờ, thế mà đã sắp một năm chúng mình xa nhau rồi đấy nhỉ. Chiều qua, Vũ Thư Hiên từ Paris gọi điện về hỏi ngày giỗ đầu Tấn và số điện thoại của Bích, mình nói là từ khi Tấn đi, Bích vẫn dùng cái mobile cũ Tấn để lại. Có lẽ đó là những tiền đề dẫn tới giấc mơ này. Mình nhớ cách đây dăm bảy năm, nhân một chuyến xuống Hải Phòng thăm Tấn, mình nhảy xe ôm đến phố Văn Cao hồi đó vừa mới mở. Mình trả tiền xe và thả bộ dọc phố. Ở đây, ngay từ đầu, đã có qui định: không nhà nào được thấp dưới ba tầng. Chợt hiện lên trong trí nhớ mình  cái vẻ bí bí mật mật song không khỏi lộ niềm hân hoan khó kìm nổi của chị Thúy Băng, Văn Cao phu nhân, một hôm mình ghé thăm anh chị vào đầu những năm 1990, khi mình vừa bước chân vào nhà. “Tôi cho anh xem cái này”, chị nắm tay tôi kéo ra cuối hành lang căn gác hai nhà 108 Yết Kiêu. Hẳn phải là một sự kiện gì đặc biệt đây, mình nghĩ thầm. Té ra chỉ là một buồng vệ sinh không rộng hơn 4 mét vuông với thiết bị Nhật Bản trắng toát. Mình nói đùa mà suýt trào nước mắt: “Tưởng gì chứ bảy mươi tuổi mới được ị cho tử tế mà cũng khoe”.  Ấy đấy sinh thời Văn Cao sinh hoạt trong những điều kiện như thế, mà giờ đây khi anh không còn thì con phố mang tên anh laị thuộc loại sang nhất, đẹp nhất Hải Phòng và được coi là tuyến đường qui hoạch tốt nhất của thành phố, không cho xe tải qua.

          Đây không phải lần đầu mình viết thư gửi về Cõi-Bên-Kia. Khoảng 25, 26 năm trước, nghỉ đêm lại ở thành phố quê hương của Hồ Biểu Chánh, mình đã viết cho Nguyễn Tuân, một năm sau khi ổng ra đi. Bức thư ấy, chắc Tấn còn nhớ, được đăng trong cùng một số tạp chí Cửa Biển với đoạn hồi kí của Tấn về Nguyên Hồng. Hà Nội đã có những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng …, những điểm son của văn học Việt Nam. Thế còn bao giờ Nam Định có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Đạt, Thừa Thiên-Huế có phố Phùng Quán?  Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn? Một dự cảm tâm linh nói với mình: rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình vừa dạo chơi trong mơ – đường Bùi Ngọc Tấn – rồi sẽ thực sư có trong thực tại. Và biết đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên đường Văn Cao dăm năm trước, như vừa làm thế trong giấc mơ, thầm thì trò chuyện với Tấn trong rì rào những tán lá non của hàng cây mới trồng, nếu như mình còn ở trên cõi đời tạm trú này…

          Thư ngắn tình dài

          Hẹn gặp lại

          DƯƠNG TƯỜNG