Hãy góp phần làm nên ký ức của dân tộc

bnt3

Đầu năm 2005 tập Rừng Xưa Xanh Lá của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được giải thưởng của Hội Nhà Văn. Nhân dịp này nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Dưới đây là toàn văn cuộc trao đổi đó.

-Anh có bất ngờ khi nhận giải thưởng văn xuôi của HNV Việt Nam?

-Trước khi có tin chính thức được giải thưởng, tôi đã nghe vài nhà văn trong Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà Văn ( HNV) báo tin tập Rừng Xưa Xanh Lá (RXXL) của tôi được đề cử lên Ban chấp hành tặng giải với số phiếu 100%. Tuy nhiên niềm tin được giải là rất ít. Bởi theo kinh nghiệm của tôi, trong việc trao giải như thế này nhiều khi những yếu tố ngoài văn chương lại đóng vai trò quyết định.

Được nhận giải tôi rất vui. Vui không chỉ vì mình đoạt giải (những giải thưởng là quan trọng, nhưng sự đánh giá của độc giả, sự thử thách của thời gian còn quan trọng hơn nhiều, đó mới là giải thưởng lớn nhất – đã có nhiều tác phẩm được giải rồi ngay lập tức biến mất khỏi đời sống văn học đó sao?). Niềm vui của tôi chủ yếu ở chỗ việc trao giải cho tôi thể hiện một cái nhìn cởi mở hơn về nhân thân tác giả, sự công nhận những mảng đời sống khác của hiện thực cần được có mặt trong sáng tác, những sáng tác loại này vẫn rất khó được xuất bản, chỉ những giám đốc nhà xuất bản dũng cảm, có bản lĩnh, có trách nhiệm mới dám duyệt in, và khi may mắn được xuất bản mà không bị thu hồi vẫn gây ngần ngại trong việc đánh giá, và cách tốt nhất là cho rơi vào im lặng. Nó có ý nghĩa bảo đảm, khuyến khích nhiều khuynh hướng tiếp cận và phản ánh đời sống bao giờ cũng là muôn hình muôn vẻ. Không những thế việc trao giải thưởng cho tôi còn nói lên vị trí quan trọng của những người làm xuất bản, bởi lẽ một sáng tác chỉ có thể trở thành tác phẩm khi đến được với người đọc, nếu không chỉ là một văn bản nằm mốc trong ngăn kéo bàn viết của nhà văn. Tôi cám ơn HNV đã trao giải cho tôi và tôi cũng cám ơn các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, Thanh Niên, Hải Phòng dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều áp lực đã xuất bản các sáng tác của tôi.

-Anh định gửi gắm gì cho người đọc khi viết RXXL? Anh có ý định tiếp tục viết những quyển sách thể loại này không?

-Viết RXXL, tôi nhớ đến tuổi trẻ của tôi, của bạn bè tôi, một lớp thanh niên mới tuyệt vời làm sao! khó mà có lại, một lớp người có thể làm nên tất cả. Lớp người ấy giờ đây đã bước vào tuổi cổ lai hy và đã “bắt đầu kết thúc kiếp phù sinh của mình, sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào” như tôi đã viết trong RXXL. Tôi cố lưu giữ hình ảnh họ trên trang giấy, không để họ biến mất với thời gian, và cũng qua đấy, lưu giữ được vài bóng hình quá khứ. Khi viết, tôi sống lại cái thời chúng tôi đã sống, thời chúng tôi còn trẻ, nồng nhiệt, tin yêu, khờ dại; với hạnh phúc, bất hạnh, sung sướng, khổ đau, dù thất bại, đắng cay nhưng không chịu đầu hàng. Và tôi tin rằng nếu được sống một kiếp nữa, họ vẫn sống như vậy mà không chọn một cách sống khác. Họ không khôn ra đâu. Không tỉnh ra đâu. Còn định nói gì với bạn đọc ư? Khi viết RXXL tôi chỉ muốn kể chuyện bạn mình, những người lận đận, những người thất bại thôi. Nhưng ngẫm nghĩ về câu chị hỏi, tôi thấy có lẽ qua những trang viết, bạn đọc có thể thấy cái giá của nghệ thuật là đắt. Rất đắt. Ai cũng phải trả bằng cả cuộc đời mình. Trả giá bằng cả cuộc đời nhưng nhiều khi chẳng đạt được cái mình mong ước. Tôi cũng hy vọng những thế hệ sau sẽ đọc để biết rằng có một thế hệ đã sống như thế đấy.

Hiện nay tôi chưa biết có viết tiếp những quyển sách loại này không? Bởi tôi còn đang đánh vật với một quyển tiểu thuyết.

-Anh có đọc những tập hồi ký hoặc chân dung văn học của những nhà văn khác? Anh tìm thấy gì trong đó? Theo anh thể loại này có những ưu điểm và nhược điểm nào?

-Tôi có đọc vài quyển viết về loại này. Mỗi tác giả một phong cách, mỗi quyển một mục đích, lại có những quyển nặng về giai thoại. Nói chung là những điều sang trọng của nhà văn, của văn chương. Và tôi rút ra được những điều bổ ích. Điều bổ ích lớn nhất là: Người ta toàn viết về những người thành đạt, nổi tiếng, những ngôi sao toả sáng, những điều cao cả của nghệ thuật. Từ ấy nẩy sinh trong tôi ý muốn bổ sung đầy đủ cho bức tranh chân dung nghệ sĩ là viết về một mặt khác. Về cái nhếch nhác, lam lũ khổ cực trần ai, thậm chí những nguy hiểm và cả những tai nạn nghề nghiệp của những người làm nghề nhất là những người không thành đạt. Không phải những cây cao bóng cả mà những cây dại ven đường.

Hồi ký là một thể loại rất dễ thuyết phục nếu được viết ra với một ngòi bút trung thực. Cần nhất là trung thực không né tránh, không tự tô vẽ mình và bịa đặt. Hồi ký đặc biệt cần thiết trong xã hội nhiều biến động chúng ta đang sống. Đó là một thứ lịch sử được viết bằng văn chương. Nói đến đây tôi lại nhớ mấy câu thơ của Thi Hoàng: Tư Mã Thiên bị thiến / Thành Sử Ký cao dầy / Giờ muốn ông tái hiện / Chọn ai mà thiến đây. Vâng. Viết hồi ký cần nhất là đừng sợ “bị thiến”.

-Giải thưởng này trong suy nghĩ của anh có nhằm “động viên” một nhà văn đã trải qua nhiều thử thách trong nghề cầm bút?

-Điều này phải hỏi ban giám khảo. Có một thực tế: Từ trước tới nay ngoài gia đình tôi, bạn bè tôi và bạn đọc xa gần, chẳng ai động viên tôi sống, động viên tôi làm việc.

-Những đồng nghiệp của anh vẫn cho rằng nhà văn Bùi Ngọc Tấn hơi bị hiền. Anh nghĩ gì về cách nhìn nhận đó?

-Biết làm sao! Rằng quen mất nết đi rồi. Khó cải tạo lắm. Hiền là bản chất của tôi. Trong cuộc đời cũng vậy. Đã có những người vu cáo tôi. Thậm chí có người còn gây sự với tôi (những người này đều là các nhà văn). Với những người như vậy tôi tránh xa, không giao tiếp, không đối thoại. Thế thôi. Tôi rất sợ những cuộc cãi vã, những cuộc đôi co. Còn trong sáng tác nhiều người lại bảo tôi dữ đấy. Tôi nhớ trong một lần đi dự trại sáng tác do HNV tổ chức ở Đại Lải vào dịp có mấy ngày nghỉ lễ 30 tháng 4, mồng 1 tháng 5. Dân Hà Nội lên Đại Lải đông. Trong một bữa ăn ở nhà ăn, một cô gái Hà Nội biết có các nhà văn ăn cơm cùng, đứng lên hỏi:

-Cháu hỏi có chú nào là nhà văn Bùi Ngọc Tấn không ạ?

Tôi hơi hoảng. Không biết mình bị vướng vào chuyện gì đây. Cũng cứ phải đứng lên mà nhận rằng mình là Bùi Ngọc Tấn thôi. Trốn làm sao được. Cô gái nhìn tôi chăm chú rồi hỏi:

-Sao trông chú hiền thế mà viết dữ thế?

Tôi hiểu viết dữ cô nói ở đây là tôi đã đẩy nhân vật tới kịch tường, không né tránh. Đó là quan niệm của tôi. Thái độ viết của tôi. Hãy để nhân vật đi đến tận cùng của số phận. Nhưng tôi không lên án với giọng cay độc bất kỳ một ai dù người đó làm khổ chính tôi. Tôi nghĩ họ chỉ là sản phẩm của một hoàn cảnh, một cơ chế. Họ chỉ là một quân cờ trong bàn cờ xã hội. Điều phải quyết liệt, quyết liệt đến cùng là tìm ra cái nguyên nhân, cái gốc gác đã nẩy sinh cái ác. Không phải chỉ chăm chú mổ xẻ hiện tượng mà phải tìm ra bản chất của hiện tượng. Đừng hớt váng. Quan niệm đó quán xuyến trong mọi sáng tác của tôi.

-Cho đến nay, anh hài lòng ở mức nào với những gì mình đã viết, đã in?

-Tôi hài lòng với mức độ này thôi: Những gì phải làm, mình đã làm với tất cả trách nhiệm. Không lười biếng và không gian dối.

-Chuyến sang Châu Âu năm rồi (2004) có mang lại cho anh điều gì đó, trong cái nhìn chung và trong việc sáng tác? Cái gì đọng lại rõ nhất trong anh?

-Rất nhiều ấn tượng. Gần như bị choáng. Điều còn đọng rõ nhất trong tôi là ấn tượng về con người được giải phóng.

-Tác phẩm ưng ý nhất của anh đã được ra đời chưa? Nếu chỉ được giữ lại một vài tác phẩm đã có của mình, anh chọn cái nào?

-Tác phẩm ưng ý nhất của tôi đã ra đời. Đó là quyển tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000. Kể ra có thể trả lời khôn hơn là: tác phẩm ưng ý nhất của tôi còn chưa được viết ra như nhiều nhà văn thường nói. Nhưng tôi không muốn thế. Tôi biết mình có lẽ sẽ khó làm được một cái gì hơn CKN2000. Sau đó tôi có thể chọn tập hồi ký Một Thời Để Mất. Và mấy cái truyện ngắn.

-Điều gì đã khiến anh cầm bút trở lại sau khoảng thời gian dài rất im lặng? Ai là người đóng góp  vào quyết định này?

-Thực sự là trong thời gian dài rất im lặng đó, con người nhà văn mà tôi tưởng đã chết vẫn sống trong tôi. Cái quan năng của nhà văn vẫn tồn tại một cách không tự giác. Tôi vẫn quan sát, vẫn suy nghĩ, vẫn nghiền ngẫm. Và nói thật với chị tôi đã ba lần viết chui. Hai cái bút ký (Gương mặt người đánh cá, Kỷ niệm về biển kỷ niệm về người) đội tên Nguyên Bình, người bạn tuyệt vời của tôi. Rồi cả một quyển truyện vừa trên trăm trang mang tên Thuyền Trưởng ký Châu Hà. Tất cả đều do nhà xuất bản Lao Động in vào cuối những năm 70 thế kỷ trước. Dạo ấy đói quá, viết kiếm ăn thôi.

 Đến năm 1990, với sự xui giục của nhà văn Nguyễn Quang Thân khi đó là phó tổng biên tập tạp chí Cửa Biển (Hải Phòng), tôi đã cầm bút viết lại. Thực ra lời xui của anh Thân chỉ là giọt nước làm tràn cốc nước nhưng tôi rất cảm ơn anh. Cái giọt nước tràn ly Nguyễn Quang Thân ấy đến vào lúc tôi mới 56 tuổi, sức khoẻ còn chưa đến nỗi. Trong “tăng 2 viết lách” này tôi chỉ viết những gì mình thấy là phải viết, không viết không  được, viết không nghĩ đến in ấn, viết không vì danh cũng chẳng vì tiền dù có túng đói đến đâu. Viết vì cần phải viết. Không thể để những điều mình đã trải qua, đã chứng kiến theo mình xuống mộ. Các thế hệ sau phải biết thế hệ mình đã sống như thế nào. Phải góp phần vào việc làm nên ký ức của dân tộc. Đó là trách nhiệm. Trong 15 năm viết lại (1990-2005) tôi đã nghĩ như vậy.

-Anh có tin rằng văn học góp phần vào việc thay đổi cuộc sống?Anh có tin rằng nếu nhà văn có tài và có tâm, người đó sẽ viết được những tác phẩm xứng đáng?

Nhà văn vốn yếu ớt. Anh ta chẳng có phương tiện gì ngoài thếp giấy, cây bút, cái máy chữ hay hiện đại hơn, cái máy vi tính. Ngồi cô đơn, anh ta viết. Những điều anh ta viết ra là những dòng chữ im lặng và chỉ đến khi những trang viết ấy được in (dù trên giấy hay trên mạng) nó mới trở thành một tiếng thở dài, một lời ngợi ca hay một tiếng thét kêu đau đớn, nghĩa là mới thành tác phẩm, tác phẩm ấy mạnh hơn người viết ra nó. Nó đến với bạn đọc, với công chúng, và nếu là một tác phẩm hay, nó làm cho những người đọc nó sống tốt hơn, yêu quý cuộc đời hơn, thương yêu con người hơn. Một người bạn nói với tôi là khi đọc Anna Karenina của Lev Tolstoi, Alexis Zorba của Nikos Kazantzaki, anh đã thay đổi cả nhận thức. Nếu xét ở khía cạnh đó quả là văn học đã góp phần vào việc thay đổi cuộc sống.

Làm thế nào để có những tác phẩm như vậy. Có tài, có tâm chưa đủ. Còn phải hiểu biết sâu sắc cuộc sống, thở hơi thở của thời đại, nói tiếng nói của nhân dân. Phải có lòng dũng cảm, với một sự tự do nội tâm tuyệt đối và một lòng tin vững chắc rằng mình là người yêu nước để vững tâm với những gì mình viết ra. Nghĩa là phải có một nội lực. Riêng với tôi, văn học là của những người dưới đáy, những người cam chịu lịch sử.

-Trong điều kiện hiện nay, liệu có thể xuất hiện những nhà văn và những tác phẩm đáng được chờ đợi?

-Tôi vẫn đang chờ đợi và hy vọng. Đặc biệt hy vọng ở nội lực của các nhà văn.

-Khó khăn nào đáng kể nhất trong đời sống của anh hiện nay? Trong việc sáng tác của anh?

-Khó khăn lớn nhất trong đời sống của tôi là kinh tế. Lương hưu của tôi quá thấp: 160 nghìn. Sau bao lần được tăng để theo kịp giá cả, hiện nay (1995) là hơn 400 nghìn đồng! Khi làm lương hưu cho tôi, người ta đã khấu trừ tất cả những năm tháng trước đây của tôi và chỉ tính 20 năm đi làm trở lại, mặc dầu Sở Công an Hải Phòng đã xác nhận bắt tôi tù 5 năm vì tôi “có quan điểm tư tưởng sai”, nghĩa là tôi không có tội vì rõ ràng chẳng ai có thể biết được người nọ người kia nghĩ gì. Tôi đã làm đơn kêu. Ai cũng thông cảm, cũng thấy bất hợp lý, phải điều chỉnh lương cho tôi nhưng không người nào, không cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết. Còn khó khăn lớn nhất trong việc sáng tác của tôi là sức khoẻ. Đã ngoài 70 tuổi rồi lại trải qua bao thăng trầm. Ngồi gõ bàn phím một ngày được vài ba tiếng đồng hồ là cảm thấy mình đã cố gắng quá nhiều.

-Nhà văn hiện đại nào được anh yêu thích nhất. Và người đồng nghiệp nào được anh yêu quý nhất? Vì lẽ gì?

-Nhà văn hiện đại ấy là Gabrien Garcia Marquez. Người đồng nghiệp ấy là Bảo Ninh. Vì G.G.Marquez đã viết được những quyển tiểu thuyết tuyệt vời. Vì Bảo Ninh đã viết được một quyển tiểu thuyết ra tiểu thuyết. Một quyển tiểu thuyết làm vinh dự cho văn chương Việt Nam.

-Theo anh, những gì thực sự cần thiết cho một nhà văn, kể cả trong chủ quan và khách quan?

-Phần chủ quan nhà văn tôi đã nói rồi. Còn khách quan ư? Tôi sẽ chỉ nói một điều thôi. Điều chính yếu nhất, cần thiết nhất hiện nay. Điều các nhà văn khi chuyện trò vẫn to nhỏ cùng nhau và khao khát. Đó là Tự Do. Tự do trong suy nghĩ, trong tiếp cận và thể hiện cuộc sống. Tự do in ấn. Tự do là liều thuốc bổ tiêm vào cơ thể suy dinh dưỡng của văn học Việt Nam, là nhát cuốc khơi thông dòng chẩy của văn học Việt nam. Và tất nhiên cùng với tự do sáng tác là thực thi pháp luật. Sẽ nói chuyện với những nhà văn, những giám đốc nhà xuất bản, những tác phẩm vi phạm luật pháp bằng luật pháp.

-Anh chờ đợi gì ở các nhà văn trẻ? Anh sẽ gửi gắm điều gan ruột nào cho họ?

-Thú thật là tôi không tin lắm ở thế hệ các nhà văn trẻ ngay sau lớp chúng tôi. Có những người có tài nhưng họ cũng như chúng tôi: Những kẻ lót đường. Đó là những học phí phải trả. Là thời gian cần thiết cho một cuộc chuyển mình. Có lẽ phải đến thế hệ sau nữa. Họ sẽ làm được những việc hôm nay chúng ta ao ước. Điều gan ruột nhất tôi muốn nói cùng họ: Văn chương là chuyện của cả đời. Hãy biết tích luỹ. Và biết chấp nhận thất bại.

-Cám ơn anh.

Ngô Thị Kim Cúc thực hiện

(Theo Thanh Niên)