Viết về bạn bè: Thấy chân dung tác giả

(Đọc Rừng xưa xanh lá của Bùi Ngọc Tấn)

Đình Kính

Bìa sách thiên về màu xanh, lại vẽ đồi, vẽ cây, vẽ cành và với hàng tít Rừng xưa xanh lá (NXB Hải Phòng – 2003), khiến nhiều người ngỡ đây là tập ký viết về lâm nghiệp. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chắc đã từ biển nhảy lên rừng? Không phải! Tập sách là phác họa chân dung mười văn nghệ sĩ, những bạn bè thân thiết của tác giả. Đúng hơn là mười hai vị. Song có ba vị cùng “hoàn cảnh” nên gộp vào một chân dung – Chân dung thân phận làm mướn, chân dung kẻ sĩ đi viết thuê…

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn quan niệm rằng, nếu may mắn có trang sách chống chọi được với thời gian thì đó chỉ có thể là trang sách mà người viết thuộc nhất, rõ nhất, hiểu nhất những điều mình phô ra. Hầu hết tác phẩm của anh từ tiểu thuyết rồi các tập truyện ngắn Những người rách việc, Một ngày dài đằng đẵng  đến tập ký Một thời để mất, và tập chân dung này –Rừng xưa xanh lá, đều được viết ra trong quan niệm ấy. “Tôi viết ít. Và chỉ những gì tôi thấy là cần thiết. Những gì tôi sợ rồi sẽ bị lãng quên”. Tác phẩm của anh có chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc, trước hết có lẽ bởi sự am tường, sự từng trải, cộng những chiêm nghiệm nơi anh trong những trang viết. Nếu gọi nhà văn là thư ký của thời đại thì anh muốn được làm người như thế.

Một trong những cái anh thuộc, ấy là bè bạn. Trong số đó không ít người đã cùng anh gắn kết, buồn vui qua gần nửa thế kỷ. Tình bạn đó được thử thách trong rủi ro, hoạn nạn. Và họ, những văn nghệ sĩ bạn anh, cuộc đời cũng rất thân phận. Vậy tại sao không viết về họ? Và anh đã viết !

Nhưng từ dự định đến lúc sách ra đời, cũng ngót ngét ba năm. Ba năm là ba mươi sáu tháng nghiền ngẫm, lao động cật lực; là hơn một ngàn ngày tập trung trí não nhặt nhạnh từng con chữ đưa lên mặt giấy. Để có 250 trang sách, chẳng dễ gì! Viết văn quả là “một trò chơi xa xỉ”, “một công việc mạo hiểm” (chữ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn),  một công việc cực nhọc và phải kiên tâm. Nhưng nghề văn là một ma lực. Đã mấy ai trót bập vào rồi, đủ dũng khí buông bút. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng vậy. Anh đã viết trở lại. Không những thế còn viết đều hơn, hay hơn. Làm văn chương đích thực chỉ có thể là những người biết vượt qua những buồn bực mang tính cá nhân để có cái nhìn cao hơn, xa hơn, khái quát hơn; biết quyện nỗi đau của mình vào những trăn trở chung của đồng loại, của dân tộc với một thái độ lịch lãm. Lịch lãm là yếu tố cần của người cầm bút. Viết văn là một hành động văn hóa. Lấy người lùn (một dị dạng, bất bình thường) để làm hề gây cười trên sân khấu xiếc (một hoạt động văn hóa) là thiếu yếu tố đẹp,  yếu tố văn hóa. Chỉ có thể đạt hiệu quả thẩm mỹ cao khi trên sàn diễn, bất luận làm tiết mục gì, cũng là những diễn viên có hình thể cân đối và có khuôn mặt đẹp. Trong văn chương cũng vậy.

Rừng xưa xanh lá là tác phẩm hay, đọc cuốn hút. Cuốn hút bởi thái độ lao động nghiêm túc của người viết. Văn Bùi Ngọc Tấn đẹp, dung dị. Viết “người thật việc thật” mà không rơi vào kể lể. Đọc không thấy nhàm. Anh có ý thức sắp đặt, chắt lọc nên nhiều cảnh huống hấp dẫn, nhiều tình tiết bất ngờ. Nhưng trên tất cả là, khi gấp sách lại rồi, ta bắt gặp cái tình nơi người viết. Như phần lớn tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, Rừng xưa xanh lá khiến người đọc có thoáng một chút buồn, thoáng chút chua chát, nhưng vui nhiều hơn… Lao xao trong những con chữ, anh đưa ta trở lại thời bao cấp. Một thời đã từng là thế mà ngỡ như không phải thế. Một thời “khẩu phần tinh thần, khẩu phần vật chất đều được tiêu chuẩn hóa và phân phối… Một thời mà khi nhớ lại, bỗng thấy mình đã là những anh hùng, đã vượt qua quãng đời tưởng như bịa, không thể nào tin  được…”. Ngẫm lại thời đó không phải để trách cứ, mà là thái độ cảm thông, sẻ chia. Sống trong hoàn cảnh đó, để tồn tại mà theo đuổi nghiệp, những nghệ sĩ như Vũ Tín đã phải dùng đến phương tiện phục vụ nghệ thuật của mình để cầu cạnh từ chị bán thịt, cô bán cá, bà bán gạo. Những nhà văn có hạng như Chu Lai, Nguyễn Quang Thân đành hạ mình chịu nhục đi viết thuê. Viết để kiếm tiền, có bao sự trớ trêu. Người mù tịt văn chương thuê viết về họ và duyệt văn các nhà văn ! Bản thảo xong rồi mà ngượng ngùng không dám đứng tên mình. Đọc rồi cười, mà nước mắt ứa ra. Văn nghệ sĩ cũng là con người. Trước hết họ cần phải sống. Và sau lưng là gánh nặng gia đình, vợ con. Đọc Rừng xưa xanh lá tê tê đắng chát một nỗi buồn là vì thế. Những tài năng như Dương Tường, sinh ra chỉ biết nghệ thuật và sống vì nghệ thuật, một người đã dịch trên 50 đầu sách, “đó là những tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới, những tác phẩm luôn gợi mở cho những người cầm bút Việt Nam những suy nghĩ mới mẻ về sáng tác”, dịch trong ý thức “nghĩ đến anh em viết chưa được đọc cuốn này thì thiệt quá”; một người mà, chỉ cần tiểu luận Ai đầu tiên gọi chích choè là chích choè không thôi đã đưa anh lên hàng nghệ sĩ đích thực, cũng đã một thời từng phải đi bán máu kiếm sống. Rồi Lê Bầu, một cái tên quen thuộc với bạn đọc. Vừa là dịch giả, vừa là tác giả. Nhưng mấy ai biết hàng chục năm qua ông nhà văn đó sống trong nửa căn hộ chừng mười mét vuông, mà “lớp cót ngăn  ngày càng cũ, càng xộc xệch, bên này thở mạnh bên kia nghe thấy”. Nửa căn phòng hẹp tới mức, Lê Bầu “được cơ quan thưởng một cái quạt cần Trung Quốc, anh không có cách nào sử dụng được nó. Quạt cao, cánh rộng, để trong nhà thì nó quạt gió ra vỉa hè”… Lê Bầu mỗi khi cần đành đưa quạt ra ngoài để cho gió thốc vào. “Nó (cái quạt) cứ đứng ở vỉa hè, lênh khênh, ngạo nghễ như một gia đình thừa mứa của cải mà quạt, mà lùa gió qua cái cánh cửa van vát chênh chếch đã cải tiến vào nhà. Nhà Lê Bầu chỉ có thể tiếp được một người khách đã là hơi chật…”. Những người như Nguyễn Thị Hoài Thanh, “đồng lương không đủ nuôi mình mà chị còn phải nuôi con”. Vì nuôi con nên chị phải đủ nghề, “đi bán bánh rán, bánh mỳ, kẹo lạc, làm và bán nước mắm. Cuộc sống tưởng chừng như không có thời gian để thở, ấy thế mà Nguyễn Thị Hoài Thanh vẫn làm thơ”. Đọc những trang Bùi Ngọc Tấn viết về bạn bè, dễ dàng nhận ra tính cách tác giả. Rừng xưa xanh lá anh viết  với giọng văn đôn hậu, đằm, man mác, đôi chỗ dí dỏm, mà sâu lắng. Những trang viết về nhà văn Hứa Văn Định thật xúc động và thật hay. Hay không bởi chữ nghĩa, mà hay ở sự chân thực, hay ở tấm lòng, ở tình người.

“…Thấy tôi, vợ tôi méo xệch, òa lên:

– Anh Định chết rồi!

Rồi đưa cho tôi tờ giấy. Điện. Điện của Mạc Lân. Tôi giữ bức điện ấy cho đến ngày hôm nay như giữ dấu chấm hết cuộc đời một người bạn: Hứa Văn Định chết. Đưa sáng chủ nhật. Lân. Dấu bưu điện Hải Phòng: 29/12/1995. Tôi kiếm xe lên Hà Nội ngay lúc đó… Tất cả sách ghi tặng bạn bè đều để lại… Chỉ mang một cuốn tặng Định. Dù đã muộn rồi. Chẳng thể đưa cho Định được nữa.

… Ngày hôm sau chúng tôi tiễn Định tới nghĩa trang. Lại qua Lò Đúc. Căn phòng áp mái của Định bên trên nhà bác Thế … Lại qua Phà Đen. Và Vĩnh Tuy, nơi anh yên nghỉ cũng là nơi tôi và vợ tôi ngồi trên bãi cỏ khoác vai nhau thời đang yêu. Tôi bỗng hiểu ra một điều đơn giản: cuộc đời thật ngắn ngủi và thế hệ chúng tôi đã bắt đầu sự kết thúc kiếp phù sinh của mình. Tất cả chúng tôi sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào…”

Người ta nói cái đẹp là sự giản dị. Nhưng để đạt tới cái đẹp trong sự giản dị của văn chương quả không dễ. Giản dị khác với đơn giản. ở đây là văn hóa, là nhận thức, là tài năng và học vấn ở ngưỡng cao. Đọc Bùi Ngọc Tấn dễ dàng nhận ra văn anh đã chạm tới “chính  quả”. Khi “tu luyện” nhằm vươn tới cái đỉnh ấy, hình như mọi phô diễn đều nhẹ nhàng, tự nhiên và bình dị. Bình dị nhưng cao sang, đài các, quý phái. Một đời cầm bút chỉ mong đạt tới điều ấy. Đó là lúc nhà văn đạt tới độ làm văn mà như thể không làm văn. Đó là lúc nhà văn không “làm nghề” mà viết bằng tâm, bằng tấm lòng, viết bằng sự chín nẫu của suy ngẫm. Hay nói như nhà văn Nguyễn Khải, đó là lúc nhà văn đã biết nhóm củi để đốt lên ngọn lửa xanh, trong veo, không bụi không khói.

250 trang sách gấp lại rồi, cái tình, sự đôn hậu của tác giả Rừng xưa xanh lá vẫn còn đọng lại. Ngẫm về Lê Đại Thanh, Bùi Ngọc Tấn viết : “Trái tim ông là như vậy. Một núi lửa tình yêu. Nó là nỗi đau. Nhưng cũng là sức mạnh. Ngón đòn của số phận có thể làm ai đó gục ngã. Nhưng Lê Đại Thanh thì không. Trái tim ông đã cứu ông.  Hay đúng hơn, chính nàng thơ, nghiệp chướng của đời ông đã cứu ông. Trong tấm áo choàng rực rỡ huyền ảo mỏng manh của thi ca, Lê Đại Thanh là bất khả xâm phạm. Không một ngọn roi nào chạm tới được ông. Vòng kim cô không xiết được đầu ông vì trong đó đầy ắp thi ca, đầy ắp tình yêu cuộc sống.

… Ông có một sức khỏe khiến tất cả mọi người thèm muốn. Có lẽ vì ông ca ngợi thời gian và thời gian nhẹ tay với ông. Hơn thế, thời gian ủng hộ ông”.

Thời gian nhẹ tay, ủng hộ ông. Nhưng thời gian bất lực trong ý thức công bằng. “Ngày 17 tháng 7 năm 1996 ông vĩnh biệt chúng ta. Hàng nghìn người đưa tiễn ông như ngày nào hàng nghìn người tập trung ở quảng trường Nhà hát đấu tranh bắt bọn Quốc Dân Đảng phải trả tự do cho ông. Và chỉ đến lúc ấy tất cả mới hiểu rằng đời vẫn mến yêu ông đến thế”.

Đoạn cuối bài về Mạc Lân, Bùi Ngọc Tấn viết: “Mắt anh ánh lên nỗi khát khao. Giọng anh lại vang vọng sắc thái ngày nào. Tôi cầu mong anh hoàn thành dự định (viết sách). Nhưng phải gấp lên Lân ơi. Mà không chỉ Lân. Cả mình, cả Bầu, cả Tường, cả Bão… tất cả anh em mình. Thời gian gấp lắm rồi”.

Yêu người lắm, yêu bạn lắm mới có thể hạ những dòng dung dị mà cảm động như thế!

Rừng xưa xanh lá không chỉ viết mười gương mặt, những gương mặt quen thuộc, thực sự là “những lõi sáng” trong văn học nghệ thuật: Vũ Tín, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Hứa Văn Định, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyên Bình, mà cuốn sách, bằng những gì được thể hiện còn phác thảo một chân dung nữa: tác giả của cuốn sách đó, nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Đọc Rừng xưa xanh lá tôi chợt bâng quơ nhớ đến câu thơ của Đoàn Thị Tảo: Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan.

9/3/2003

Đ.K