Sinh viên Frankfurt

Đối thoại với các sinh viên
trường Nghệ Thuật Frankfurt

Trung tuần tháng 4-2013, một đoàn khách tới nhà tôi. Trên 10 người. Một đoàn khách có tính chất “Liên Hợp Quốc”, những nam nữ sinh viên còn rất trẻ đang theo học tại trường Nghệ Thuật Stadels Chule Frankfurt (Cộng Hòa Liên Bang Đức). Đó là các bạn: Clementine (Pháp), Andrew de Freitas (New Zealand), Elisa (Ý), Yuki (Nhật Bản), Mahsa (Iran), Rasmus (Đan Mạch), Raphaela (Đức), Thùy Hân (Việt Nam), Trương Quế Chi đang học đạo diễn ở Pháp và một số bạn đọc ở Hà Nội đã dự buổi trao đổi Tìm lại thời gian đã mất với tôi cùng Châu Diên và Dương Tường ở Manzi (Hà Nội) tháng trước. Làm guide cho đoàn là nhà thơ Dương Tường.
Cuộc giao lưu kéo dài hơn 3 giờ (từ 10 giờ 30 tới 2 giờ chiều).
Dưới đây là tóm tắt cuộc đối thoại giữa tôi (Bùi Ngọc Tấn) và ông Dương Tường bạn tôi với các sinh viên Frankfurt và bạn đọc trong cuộc gặp gỡ cởi mở đầy tình cảm ấy.
Nhìn các vị khách thuộc nhiều quốc tịch đến chật nhà với cặp mắt mở to vừa tò mò vừa thân mật và tin cậy, nụ cười tươi cùng vóc dáng trẻ trung, dù đã trưởng thành nhưng vẫn còn những nét duyên dáng của những con vật còn non (Hemingway), tôi, một ông già 80 tuổi đang đi nốt khúc còn lại của cuộc đời rất xúc động nói lời cảm ơn chân thành các bạn đã cất công từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm tôi và chia sẻ với các bạn chặng đường gian nan còn đang trải dài trước mắt, chúc các bạn thành công trên đường đời cũng như trong cuộc phiêu lưu chinh phục Cái Đẹp là Nghệ Thuật.

Thưa ông, chúng cháu muốn được biết các ông đã đến với cách mạng như thế nào?

Sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, toàn thể dân tộc Việt Nam đều khao khát độc lập tự do. Mọi người không phân biệt giàu nghèo đón chào cách mạng như một sự đổi đời. Chính vì vậy nên ông Dương Tường đây mới bỏ học, vào bộ đội chiến đầu khi Pháp quay trở lại. Cũng vì vậy mà cả gia đình tôi bỏ nhà cửa, lên Thái Nguyên, tôi đi học rồi vào Thanh Niên xung phong…

Và bây giờ…

Bây giờ tôi biết rằng con đường đi không tới đích. Độc lập đã có (dù phải trả bằng một giá rất đắt), còn tự do và chủ nghĩa xã hội vẫn là một ảo ảnh.

Văn chương đã chọn ông hay ông chọn văn chương?

Không thể tách bạch ra dược. Nó có một mối liên quan đén thời gian, đến lịch sử nữa. Đó là năm 1954. Năm hiệp nghị Genève được ký kết, chấm dứt 9 năm chống Pháp, đất nước chia làm 2 miền. Những người có chút năng khiếu trong bộ đội hay các ngành như ông Tường, tôi được chuyển sang làm báo, ông Tường vê Thông Tấn xã, tôi về báo Tiền Phong… và bắt đầu công việc viết văn từ đấy. Có thể nói tôi chọn văn chương, và văn chương cũng chọn tôi. Từ hai phía như vậy nên dứt bỏ nó thật khó.

Trong giai đoạn ấy các ông viết như thế nào, viết những gì?

Chúng tôi được dạy rằng xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội không có bi kịch không có khổ đau. Chúng tôi thành tâm tin như vậy. Thậm chí còn thấy là may mắn sống trong một thời đại như được sắp xếp cho mình để mình cầm bút viết ca ngợi chế độ, ca ngợi con người mới cuộc sống mới, để mình đến với cuộc đời rộng lớn, không “loay hoay trong vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân” như các nhà văn chế độ cũ. Nhưng cuộc sống nói với chúng tôi rằng không phải như vậy.

Chúng cháu muốn được nghe các ông nói về vụ Nhân Văn Giai phẩm. Chúng cháu nghe nói có nhiều người phản động trong phong trào ấy, những người chống lại sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, kể cả gián điệp…

Ông Dương Tường đã trả lời giúp tôi câu hỏi này. Ông nói Nhân văn giai phẩm là tên gọi một trào lưu những văn nghệ sĩ đòi tự do dân chủ vào những năm 50 của thế kỷ trước, muốn viết hay hơn thực hơn, không chỉ có cái tốt mà còn những điều chưa tốt, những cái xấu trong xã hội. Những người Nhân văn Giai phẩm không có ai là phản động. Ông Nguyễn Hứu Đang là trưởng ban tổ chức Ngày tuyên bố Độc Lập 2-9-1945. Ông Hoàng Cầm là đại tá, trưởng đoàn văn công quân đội. Ông Lê Đạt còn là thư ký cho ông Trường Chinh tổng bí thư Đảng Cộng Sẳn Việt Nam… Toàn những người cách mạng tâm huyết muốn xã hội tốt đẹp hơn, muốn có một nền nghệ thuật hay hơn. Cuối cùng tất cả đều bị triệu tập đến Thái Hà học tập kiểm điểm. Tôi cũng bị xuống đấy… Sau đó có người bị đi tù, đi cải tạo lao động ở các công trường xí nghiệp.

Đến hôm nay nghe các ông nói, chúng cháu mới biết vụ Nhân Văn Giai phẩm là như vậy. Mai đây cùng với thời gian, những thế hệ tiếp theo sẽ khó mà biết được chính xác những gì đã xảy ra.

Đó cũng là những suy nghĩ của tôi khi cầm bút viết văn trở lại. Ghi lại chính xác trung thực những gì chúng tôi chứng kiến, chúng tôi đã trải qua. Bạn đọc của tôi cũng động viên tôi rất nhiều. Người nói tôi là người viết sử bằng nghệ thuật. Người động viên tôi trước những áp lực tôi phải chịu khi viết những trang sách chân thực. Tôi cố gắng miêu tả số phận của Nhân Dân. Nhân Dân luôn là những người làm nên tất cả và chịu đựng tất cả. Tôi rất thích một câu trong Anna Karenina của Lev Tolstoy, tập sách ông Dương Tường dịch đã theo tôi vào xà lim: Le roi est mort, vive le roi. Đức vua băng hà, Đức vua vạn tuế. Nhân dân là như vậy. Hãy nhìn sang Ai Cập. Nhân dân biểu tình lật đổ Mubarak, đưa một người khác lên làm tổng thống rồi nhân dân lại biểu tình đòi ông ấy phải từ chức. Ông vua này chết. Ông vua khác lại lên. Nhân Dân bao giờ cũng là người chịu đau khổ, gánh chịu những thảm họa của bão lốc lịch sử.

Vậy mà đã có những ngày ông tin vào điều không có bi kịch trong xã hội xã hội chủ nghĩa.

Tôi đã tỉnh ra. Và viết về nhân dân đau khổ như tuyên ngôn của ông Tường: “Tôi dứng về phe nước mắt”. Không chỉ một mình tôi. Tôi tin có nhiều người cùng làm như tôi. Âm thầm ghi lại những gì xẩy ra hôm nay để có thể có một bộ mặt chính xác của lịch sử. Huy Đức là một dẫn chứng. Mỗi người làm một việc theo hoàn cảnh, điều kiện của mình. Huy Đức làm ở cấp vĩ mô, trên phương diện khái quát rộng lớn của lịch sử. Còn tôi đi vào những thân phận bé mọn, những người chịu đựng lịch sử. Mỗi người đều mang lịch sử trong mình, mỗi người đều phản ánh lịch sử. Ai cũng là nhân chứng của lịch sử. Lê Bầu mang lịch sử kiểu Lê Bầu. Vũ Bão mang lịch sử kiểu Vũ Bão. Bố tôi mang lịch sử kiểu bố tôi. Mỗi người qua đời là một bí ẩn của lịch sử biến mất. Tôi cố gắng ghi lại những bí ẩn lịch sử qua những người tôi quen biết, yêu thương, không để nó rơi vào quên lãng.

Ông đánh giá thế nào về thế hệ của các ông?

Một thế hệ có thể làm nên tất cả. Một thế hệ vàng ròng nhưng đã bị làm hỏng và cũng đã góp phần làm hỏng một thế hệ khác. Trong một cuộc phỏng vấn, tôi đã nói về thế hệ chúng tôi như vậy.

Thiếu sót lớn nhất của thế hệ các ông là gì?

Tôi cũng đã trả lời câu hỏi này trong cuộc gặp bạn đọc ở Manzi tháng trước: Thiếu sót lớn nhất của chúng tôi là đã tin tưởng quá.

Hiện nay các ông đang viết gì?

Ông Dương Tường: Tôi định viết một tập hồi ký, nhưng lại đang vướng vào một việc tốn rất nhiều thời gian là dịch bộ “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust. Phải hoàn thành sớm công việc này để viết, kẻo lại không kịp.
Tôi (BNT): Tôi rất sợ khi chết mà chưa làm được những việc phải làm như ông Nguyên Hồng thì ân hận lắm. Thật may tôi đã bắt đầu viết lại từ năm 1990. Các bạn có biết nguyên nhân gì đã khiến tôi cầm bút trở lại không? Một nguyên nhân rất xa nhưng lại rất gần: Sự sụp đổ của bức tường Berlin. Nếu để đến bây giờ chắc tôi không viết được CKN2000, cũng như các sáng tác khác. Tôi đang hoàn thành một tập hồi ký khoảng 350 trang. Viết lại đến lần thứ 3 rồi. Quyển này cũng đọc được. Tôi không có gan làm mất thời gian của bạn đọc. Cũng là một thứ tìm lại thời gian đã mất. Có nỗi thèm được trở lại những nhà tù tôi đã trải qua. Có ngọn gió hai quê, sớm tây may chiều quay đông nồm, thứ gió thiên nhiên tặng cho vùng cửa biển Hải Phòng thổi vào ai thì người ấy bắt gặp heo may bất chợt và kỷ niệm ập về…

Cuộc trao đổi không chỉ bó gọn về nghệ thuật. Tôi nói với Yuki: Trong tủ sách của tôi có Mukarami, ông Dương Tường đây đã dịch Kafka bên bờ biển, cũng như Park (Hàn Quốc), Nataka là một cầu thủ đã đem lại vinh dự cho bóng đá Châu Á…
Tôi ký tặng Coupau Clémentine cô gái nhỏ nhắn người Pháp tập Variations autour dun cachalot, tập sách xuất bản định kỳ về biển ở Pháp mà tôi có góp phần bằng một trích đoạn từ Biển và Chim bói cá. Nhiều bạn hỏi mua những tác phẩm của tôi đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp như CKN2000, BVCBC, Cún. Tôi trả lời: Sách về VN rất ít. Các bạn hãy tìm đặt mua trên Amazon, Và nói vui: “Các bạn quảng cáo giúp tôi, nhiều người mua thì tôi có thêm nhuận bút.”
Chia tay, tôi ôm hôn tất cả mọi người với lời chúc: “Chúc các bạn làm được một cái gì chống chọi được thời gian.” Bởi tôi nghĩ về một mặt nào đó nghệ thuật là một công việc chống lại thời gian.

Chỉ ít ngày sau cuộc gặp gỡ, tôi nhận được thư của Andrew de Freitas (New Zealand). Thư viết:

Bác Tấn và bác Tường ơi, chúng cháu rất vinh dự được gặp gỡ các bác. Chúng cháu cũng chưa thể hiện được hết cảm xúc một cách trực tiếp lúc ấy nhưng được biết cuộc đời và sự nghiệp của các bác, gặp các bác quả thực là niềm cảm hứng lớn để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật không bị bó buộc trong chính trị, điều này vượt qua mọi hệ thống, nhân văn và toàn cầu.
Gửi riêng bác Bựi Ngọc Tấn : Khi chúng cháu gặp bác, các tác phẩm của bác đưa đến một ấn tượng mạnh mẽ với cháu và gợi tới cả ý tưởng mới về việc sử dụng cái “Lều – hoạt cảnh” trong dự án. Cháu thực sự xúc động khi cả hai bác nói về thời gian của cả một thế hệ gia nhập quân đội nhân dân khi cũng rất trẻ để giải phóng đất nước từ động lực bởi một lý tưởng chân thành – lý tưởng về xã hội/chính trị. Bất kể sự thất vọng sau đó, cháu cảm nhận được nhiệt huyết lúc đồng thời vừa là hối tiếc vừa là khụng. Chúng cháu luôn cần lý tưởng và niềm tin để dẫn đường, và chẳng phải lúc nào cũng đủ để tiếp tục đi tiếp với lý tưởng toàn cầu mà nghệ thuật trang bị cho chúng cháu. Có thể cháu sai, nhưng dường như trong thời gian này, có quá nhiều sự mơ hồ về lý tưởng, và chỉ có ít người mới thực sự bị thúc giục bởi đam mê xuất phát từ lý tưởng.

Andrew cũng có thư riêng gửi Dương Tường. Anh mời tôi và Dương Tường mỗi người tham gia vào một dự án sáng tác của anh trong thời gian tới. Bức thư dài này được dịch bởi Trương Quế Chi. Quế Chi viết:

Con là Quế Chi đây ạ. Con viết thư này vì muốn cảm ơn hai bác rất nhiều về buổi gặp gỡ thứ bảy vừa rồi. Như buổi ở Manzi, với cá nhân con, vẫn là những buổi nói chuyện xúc động và chân thành nhất mà con may mắn có mặt (…)
Trong lần gặp vừa qua, bạn Andrew có quay chân dung các bác bằng máy 16 mm. Khi nào làm xong các công đoạn của phim 16, bạn ấy sẽ up lên internet và gửi cho các bác (…).

This slideshow requires JavaScript.

40 năm Bộ Tộc Tà Ru

Xin nói ngay cái bộ tộc này không có tên trong danh sách các bộ tộc thuộc xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên tôi được nghe nói đến là từ một người nước ngoài, ông André Menras trong cuộc gặp tại một quán cà phê thành phố Hồ Chí Minh do Hoàng Dũng mời, ông bắt tay tôi thật chặt và nói bằng tiếng Việt:

-Anh em mình thuộc dân tộc, à quên, bộ tộc Tà Ru.

Thấy tôi ngơ ngác, Hoàng Dũng cười phá lên. Ông Tây cũng cười. Rồi ông nói: Tức là bộ tộc Tù Ra.

Qua câu chuyện bên tách cà phê, tôi mới biết André Menras đã bị chính quyền Sài gòn bỏ tù vì treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phản đối chiến tranh Việt Nam. Đã được Hoàng Dũng cho biết trước trước về tôi, ông tự giới thiệu mình như vậy. Ngày ấy ông mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Tên tiếng Việt của ông là Hồ Cương Quyết. Ông nói vui với tôi, người cùng bộ tộc: “Thế là sau lưng tôi có hai cánh cửa nhà tù”

André Hồ Cương Quyết và Bùi Ngọc Tấn

André Hồ Cương Quyết và Bùi Ngọc Tấn

André Hồ Cương Quyết, Hoàng Dũng và Bùi Ngọc Tấn

André Hồ Cương Quyết, Hoàng Dũng và Bùi Ngọc Tấn

Nhưng hôm nay tôi không nói chuyện André Menras Hồ Cương Quyết, mà nói chuyện tôi.

Đầu tháng 4 vừa rồi, vợ tôi nói tôi phải sang phường (ngay bên kia đường) để ký trước mặt ủy ban giấy ủy nhiệm cho vợ tôi lĩnh lương hưu hộ tôi, một việc không thể chối từ, mặc dù cho đến bây giờ tôi vẫn rất sợ đến những chốn công quyền, hơn thế chân lại đang trong giai đoạn đau kịch phát, một lỗi lầm khi tôi sử dụng chiếc đèn chiếu tia hồng ngoại không đúng quy cách  (để đèn quá gần, trong khi lẽ ra phải cách xa từ 60 đến 80 cm, mỗi lần chiếu không quá 12 phút, tôi lại chiếu đến nửa giờ, một ngày không quá 3 lần thì tôi lại chiếu liên tục…) . Tóm lại Nhiệt tình + Ngu dốt = Một sự giết người.

Tôi rạch sang bên kia đường, lên vỉa hè, tới trụ sở, leo từng bậc cấp, đau đớn, mệt mỏi, vã mồ hôi, như chinh phục Everest vậy.

Tôi điền vào đơn, tới mục ngày tháng năm bỗng ngạc nhiên, thấy con số mình vừa viết sao quen quen: Ngày 3 tháng 4 năm 2013. Nhìn đi nhìn lại. Đúng. Những con số đã gặp ở đâu rồi. Ngày 3 tháng 4 là ngày gì nhỉ. Còn con số 3 cuối cùng của năm 2013 nữa. Rất quen. 2013 và 1973! Thế là từ thẳm sâu ký ức dẫy số 3-4-1973 hiện ra! Ngày mồng 3 tháng 4 năm 1973. Ngày tôi được ra tù! Đến hôm nay là tròn 40 năm. Tôi giật mình. Đã chẵn 40 năm!

Rạch về nhà, vội bấm điện thoại gọi cho những bạn bè thân thiết: Công Nam, Dương Tường, Đỗ An Bình, Phạm Xuân Nguyên, Vũ Thị Hải, Hoàng Dũng…, báo cho các bạn biết về cái ngày hôm nay là thế nào đối với tôi. Tất cả đều mong gặp tôi. Vũ Thị Hải bảo em vẫn nhớ chứ, định mời anh chị đi ăn nhưng hôm nay em phải theo dõi xử án Đoàn Văn Vươn, còn Hoàng Dũng bảo nếu anh ở đây thế nào cũng có cuộc gặp mặt thật vui, mừng ông anh Tà Ru. Thế là nhớ đến André Menras. Gọi điện cho người cùng bộ tộc Hồ Cương Quyết nhưng không được.

Tôi vốn không chú ý đến những mốc thời gian của cuộc đời mình. Đã 80 tuổi, tôi chưa một lần tổ chức sinh nhật. Chưa một lần tổ chức đám cưới bạc đám cưới vàng, mặc dù đã đạt tới và vượt qua những mốc ấy. Tôi luôn nghĩ ngày sinh cũng như ngày cưới của những người như mình quá bình thường, chẳng có gì đáng để ý, những thân phận sâu kiến nhỏ nhoi bất hạnh. (Với lại cũng chỉ là hình thức mà thôi. Điều chính yếu là chất lượng, là độ đậm đặc của thời gian yêu và thời gian sống.) Nói gì đến ngày ra tù. Nhưng 40 năm ra tù, 40 năm Tà Ru thì thật đáng nhớ. Đã 10 năm Tà Ru, 20 năm Tà Ru, 30 năm Tà Ru trôi qua không dấu tích, không nhớ được những ngày ấy xảy ra như thế nào nữa. Năm Tà Ru thứ 40 này phải có chút gì ghi lại. Bởi có thể đây là năm Tà Ru chẵn cuối cùng. Bởi khó đạt đến mốc Tà Ru thứ 50. 50 năm Tà Ru xa vời vợi và cũng đến rất nhanh, đáng sợ vô cùng! Đáng sợ bởi già yếu, ốm đau, bệnh tật. Đa thọ đa nhục.
Nhưng cũng chỉ nhớ chỉ nghĩ trong óc vậy thôi.

Cứ tưởng ngày Tà Ru lần thứ 40 cũng sẽ im lặng trôi qua thì ông bạn Đỗ An Bình đi tập ghé nhà. Liền sau đó là hai bạn đọc từ Đức, vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình đến.

Vừa uống xong chén nước, hiểu rõ ý nghĩa của buổi chiều đặc biệt này, Phong, Bình cùng đứng lên: “Để chúng cháu đi mua cái gì về liên hoan với cô chú.” Can ngăn thì bảo: “Khi đến cô chú, chúng cháu đã định thế rồi, nhưng phải biết chắc cô chú có nhà không đã. Chúng cháu đi mua bê thui. Bò nướng. Ngay đây thôi. Phố Ga ấy mà.” Chỉ nói với theo được một câu: “Đừng mua thức uống. Nhà có rượu bia rồi”. Hai bạn đã xuống thang. Nửa giờ sau trở về tay xách những túi ni lông to bự với vẻ mặt rạng rỡ và nụ cười của những thiếu niên. Rất nhanh nhẹn Bình, Phong vào bếp lấy đĩa bát bầy trên bàn như những người  chủ gia đình.

Thế là có một buổi tối thật vui. Ngẫu hứng. Không chuẩn bị trước. Ngoài dự kiến. Cô nhà báo Vũ Thị Hải cũng tạm lùi công việc viết tin lại, mua hoa đến. Một bó hoa thật đẹp. Tặng hoa. Nâng cốc. Rượu Hennessy tôi xách tay từ Pháp về năm 2004 đã có dịp dùng đến trong buổi tối đầy tình cảm này. Và Vang. Monte Verdi cho các bạn nữ. Chuyện. Cười. Như pháo nổ. Chúng tôi, nghĩa là tôi và vợ tôi tràn ngập hạnh phúc. Cảm ơn các bạn đã tặng tôi một buổi tối tuyệt vời. Một cuộc gặp mặt kỷ niệm một ngày trong cuộc đời tôi. Món quà tặng không tiền nào mua được.

Nhà báo Vũ Thị Hải và Bùi Ngọc Tấn

Nhà báo Vũ Thị Hải và Bùi Ngọc Tấn

Vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

Vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

Chụp với vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình

Chụp với vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình

Từ trái qua: Hoàng Thị Thúy Bình, Vũ Thị Hải, Đỗ An Bình, Bùi Ngọc Tấn và vợ.

Từ trái qua: Hoàng Thị Thúy Bình, Vũ Thị Hải, Đỗ An Bình, Bùi Ngọc Tấn và vợ.

Thật may cho ngày ra tù thứ 40. Có một cái gì để nói. Để mà nhớ lại.
Và may hơn là đã làm được một số việc và vẫn còn sống (nhiều bạn tù chết lắm rồi, có thể nói gần hết rồi). Dù đau yếu bệnh tật. Dù bị theo dõi lâu đến thế. Theo dõi tới tận hôm nay.
Nếu tính từ năm người ta bắt đầu theo dõi 1967 đến nay là 46 năm. Vâng. Theo dõi tới tận hôm nay. Thì mới mấy ngày trước thôi, hai cán bộ an ninh còn đến nhà hỏi: “Anh ký vào kiến nghị 72 đấy à?”. Tôi đã trả lời ngay:  “Có. Anh có ký. Ghi rõ: Bỏ điều 4 Hiến Pháp. Bởi cái gì độc quyền cũng đều suy thoái”.
40 năm Tà Ru không chỉ vui mà còn buồn. Buồn vì tuổi tác. Vì cuộc đời sắp kết thúc của mình thật chẳng ra làm sao. Điều mình mong ước vẫn chỉ là mong ước. Mà có cao xa gì cho cam. Rất đơn giản: Được sống thật giữa mọi người sống thật. Được nói thật giữa mọi người nói thật. Chỉ vậy thôi.

Bùi Ngọc Tấn