Bùi Ngọc Tấn để lại gì?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã từ biệt chúng ta mãi mãi từ lúc đồng hồ điểm 6 giờ 15 phút sáng thứ Năm 18 tháng 12 năm 2014. Khối u ở phổi phát triển nhanh và có làm anh đau đớn nhiều trong tháng cuối cùng – nhưng ngoài sự đau thể xác đó ra, bè bạn vẫn có thể chứng kiến Bùi Ngọc Tấn ra đi thanh thản.

Tháng cuối cùng, gia đình chuyển anh từ căn gác nhỏ ở đường Điện Biên Phủ sang nhà con trai để tiện chăm sóc hơn, và nhất là để có chỗ rộng hơn đón tiếp những người thương yêu anh từ rất xa cũng tới nắm tay anh một lần mà tất cả đều biết chắc đó là lần cuối. Riêng bạn Dương Tường trong mấy tháng qua đã tới với anh vài bốn lần. Cháu Văn con anh Trần Dần cũng tới quay thêm những đoạn băng cuối cùng. Hôm thứ Ba, Dương Tường gọi cho bè bạn thân, bảo “Tấn nặng lắm rồi”. Hôm thứ Tư, Dương Tường gọi lần nữa, “cái Yến từ trong Nam đã ra rồi, phải chuẩn bị điếu văn thôi”. Một vài bạn sắp đi công tác xa, chuẩn bị hôm nay, thứ Năm, đi thăm Bùi Ngọc Tấn lần nữa. Nhưng trước khi lên đường lại có điện của Dương Tường giọng ngàn ngạt “Tấn đi rồi… Sáu giờ mười lăm sáng nay”…

Bùi Ngọc Tấn ra đi để lại gì? Những tác phẩm. Những tình cảm. Những đóng góp hiển nhiên cao giá cho nền văn học nước nhà. Một giọng văn hừng hực tinh thần cách mạng đầu những năm 1960 ca ngợi người anh hùng Phùng Văn Bằng giữ cây đèn biển ngoài cửa Nam Triệu. Một giọng văn kể chuyện chi li để ai ai cũng được nếm trải cảnh đời “kể năm Hai Nghìn” nhưng đã được dịch thật đủ ý sang tiếng Pháp “chuyện kể cho những thế kỷ đang tới”. Không riêng cuốn tiểu thuyết đó đáng để đời cho nhiều thế kỷ đang tới. Còn có giọng văn vừa chi li vừa hóm hỉnh, hài hước trong những “chuyện kể về bè bạn”. Những chuyện về “những người rách việc”. Những chuyện kể về “người chăn kiến”. Những chuyện về “Biển và chim bói cá”. Và gần đây nhất, chuyện kể về một thời “biến đổi gien”…

Bùi Ngọc Tấn ra đi không chỉ để lại vỏn vẹn bấy nhiêu chữ nghĩa. Con người Việt Nam hôm nay còn thấy ở Bùi Ngọc Tấn những di sản khác nữa. Trong cuộc vật lộn để dân chủ hóa đất nước hôm nay, người Việt Nam chúng ta sẽ từng bước không để trên đất nước thương yêu này còn tồn tại những lò sản sinh ra những “người chăn kiến” – những “trại người” tiêu phí thì giờ và sức thanh xuân trong những nhà giam giữ không xét xử hoặc có xét xử với những bản án bỏ túi – nơi tạo ra những thầy giáo Đinh Đăng Định và biết bao người không thể lưu danh khác, ra tù chưa kịp sống thêm trong nhà tù lớn, đã phải đem cái thân xác bị hủy hoại trong những nhà tù được “xây nhiều hơn và đẹp hơn trường học”, rồi sớm về với nhà tù vĩnh viễn trong lòng đất.

Có một bài học lớn Bùi Ngọc Tấn gửi tới những nhà cầm quyền độc đảng toàn trị nhưng chẳng hiểu họ có nhận ra không. Bài học đó là: họ đã vô tình đào tạo ra biết bao người tài nhờ được họ vô tình đào tạo thành những kẻ đối lập. Phải thấy là thế hệ Bùi Ngọc Tấn vốn dĩ là thế hệ xung phong đi đầu xây dựng cái “xã hội mới” theo như lời hứa hẹn gửi đã lâu trong vô vàn chữ nghĩa được thế hệ đó vơ vào cho chính những thân phận lãng mạn ấy sau này gặm nhấm trong tù. Trong khi Bùi Ngọc Tấn lăn lộn trong Thanh niên Xung phong, thì Dương Tường và Mạc Lân chẳng hạn lại là Tình nguyện quân sang chiến đấu tận bên Lào lúc Lê Khả Phiêu chỉ mới là cán bộ cấp tiểu đoàn hay đại đội gì gì đó.

Ai đã làm cho họ thất vọng? Những thực tại nào đã khiến họ đi từ những hoài nghi nho nhỏ để rồi đến với nỗi tuyệt vọng to đùng cho một tương lai “ở đâu đâu cũng có chủ nghĩa xã hội” nhưng “chẳng thấy chủ nghĩa xã hội ở đâu cả” – câu đùa bằng tiếng Pháp thế hệ này vẫn nói vui với nhau từ cuối những năm 1960: “Le socialisme? C’est partout, et nulle part”.

Thế hệ đó cũng tự rèn cho mình một nghị lực để càng tuyệt vọng lại càng có những đóng góp cao đẹp cho Dân tộc, cho Nhân dân. Người ta chẳng vào Đảng của các anh, mà các anh cũng vơ lấy người ta để hạch tội “chống Đảng”. Thấy được sự vô duyên ấy, nên thế hệ ấy tự rèn cho mình một áo giáp chống phỉ báng, và họ lẳng lặng làm việc. Nào, ai trong số TẤT CẢ các anh trong dăm chục năm đã MỘT MÌNH dịch đến 50 (năm mươi, tôi nhắc lại: năm chục) cuốn tiểu thuyết, cuốn nào cũng được chào đón, chứ không bị ghẻ lạnh như những trang báo ngày nào nhân dân cũng chẳng thèm ngó qua! Nào, ai trong tất cả các anh trong những năm tháng vất vả ở tù ra song đã kịp để lại cho Đời những “Chuyện kể năm Hai nghìn”, những “Biển và chim bói cá”, những “Cún” và “Người chăn kiến”, những “Kể về bè bạn”, … và biết bao tình cảm yêu thương nồng thắm! Nói thật nhé: khi các anh trên giường bệnh như Bùi Ngọc Tấn, đừng có mơ những bàn tay bè bạn tới xoa xoa và truyền năng lượng tinh thần sang cho tấm thân kiệt sức của mình. Biết sao không? Có ma nào sẽ nhận được trở lại tí năng lượng an ủi nào từ những tấm thân tham nhũng, luồn cúi, và tha hóa của các anh?

Bài học to lớn nhất cho các anh là: hãy biết nhìn lại lịch sử đi! Cái lịch sử không mấy xa xôi, cái lịch sử không cần đến những cặp kính xập xệ tra cứu tờ A tờ B, hãy giương mắt ra mà rút kinh nghiệm từ những chuyện rất gần.

Nói thì dễ, làm thì khó, vì việc học hỏi đó cần đến một vài đức tính các anh hoàn toàn thiếu: trung thực, không tham lam, không hèn.

Thách đấy!

Ôi, xin lỗi Tấn nhé, mình chợt bỏ cậu một lát để lan man sang đôi ba chuyện chẳng xứng đáng chút nào với cậu.

Mình nhớ và yêu cậu mãi mãi. Hẹn gặp cậu ở nơi cậu đang tới. Nơi đó khi đó chúng ta chẳng còn phải nhìn thấy những điều ti tiện nữa. Nơi đó mới đúng là Thiên đường, chứ không phải cái thiên đường “ở đâu đâu cũng có” nhưng “chẳng thấy ở đâu sất”.

Hẹn gặp!

Hà Nội, 18 tháng 12 năm 2014

Phạm Toàn

Câu đối tưởng nhớ nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Thời mạt kỳ, gien biến đổi gien,
      đường vạn nẻo lòng tin vào thuở trước!
Nghiệp cầm bút, ngọc trau chuốt ngọc,
      năm hai nghìn chuyện kể với mai sau! (*)

 

Hà Sỹ Phu (Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tụ)

(*) “Thời biến đổi gien” và “Chuyện kể năm 2000″ là hai tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Bùi Ngọc Tấn và khối u

Xang Hứng

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tết  Giáp Ngọ 2014 lão Bùi Ngọc Tấn vui lắm.

Bước qua tuổi 80, gánh hành trang lão mang theo nhẹ tênh. Thời gian đã cất khỏi vai lão cả những tốt đẹp và thối nát, những chân thành và giả dối, những tiếng cười đắng cay, những hy vọng và tuyệt vọng, cả “5 năm tù dài hơn 1 kiếp người”.

“Thật may, lão cũng còn vớt vát lại chút ít. Rất ít. Trong tiểu thuyết và mấy truyện ngắn. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.”*

Hai cái đầu gối, “một bộ phận không nhỏ” trong cái thân thể nhỏ bé của lão bỗng như hết đau, hồi sinh khi bạn bè đến thăm và chúc Tết gia đình họ. Vợ lão, người đàn bà nhỏ thó nhưng rất mạnh mẽ, can đảm, thủy chung, cả đời chỉ biết đau cùng nỗi đau, hạnh phúc cùng niềm hạnh phúc của chồng. Trên môi bà luôn nở nụ cười, nụ cười đã giúp cho lão tồn tại, rồi hồi sinh trở về từ ngục tối.

Cái Tết vừa đi qua, lão sững người ngạc nhiên khi biết Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in những tác phẩm của lão thành “tuyển tập”. Vui thì có vui nhưng đêm nằm lão nghĩ, làm chó gì có nhiều niềm vui đến cùng một lúc như vậy. Quả là một sự vô lý vĩ đại, quá sức tưởng tượng của “Người chăn kiến”: Bùi Ngọc Tấn!

Lão đã vào tù bằng cái tội danh bị “người ta” gán cho. 46 năm trước, thứ sáu, mùng 8 tháng 11 năm 1968, khi tỉnh dậy trên giường vẫn còn là người tự do. Vài giờ sau, lão đã được nhận suất cơm tù lạnh ngắt đặt ngay dưới đất, cùng phần nước uống đựng trong cái bô sắt han rỉ.

5 năm sau ra tù, lão “tự thú” bằng cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000″. Đứa con tinh thần của lão chưa đầy tháng thì nó lại bị người ta bỏ tù.

Những tưởng đến cái tuổi này thì chẳng còn gì làm lão ngạc nhiên, ấy thế mà khi đối diện với những niềm vui đến liên tiếp, lão đã sướng đến mất ăn mất ngủ. Rít thuốc lá cả ngày, nghĩ ngợi cả ngày, phải có nguyên cớ gì chứ, lão cố tìm hiểu.

Thế rồi lão phát ho phét hen. Ho sù sụ, ho như cuốc, ho ngày, ho đêm. Bao nhiêu thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc lá, rồi cả chữa mẹo cũng không làm cơn ho buông tha lão. Suốt mấy tháng ròng, vợ con đưa lão đi khám khắp các bệnh viện, nghe ngóng ở đâu có bác sỹ giỏi là đến ngay. Cuối cùng, có anh bác sỹ đề nghị lão đi chụp CAT (Computed Axial Tomography) phổi.

Vừa đặt lưng trên CAT, lần đầu tiên sau nhiều ngày thức trắng, lão ngủ, ngủ say. Hôm đó là tháng 5/2014.

Cầm tấm phim và tờ kết quả, cô con gái lớn của lão khóc ngất: “Trên cửa sổ trung thất: Tổn thương nốt đơn độc đỉnh phổi trái KT 18,5 x 18,3mm, bờ đều, ranh giới rõ, tỷ trọng mô sau tiêm thuốc cản quang khối ngấm thuốc khá mạnh…”. Gần đây, Hải Yến, con gái lão mới tâm sự: “Hai năm ăn kiêng không làm con giảm được cân nào, thế mà cái khối u trong phổi bố giúp con giảm 4 kg trong vòng chưa đến 1 tháng”.

Thêm một lần nữa, bà vợ chung thủy, nhỏ thó lại đồng hành với lão trong biến cố mới.

Thì ra nguyên nhân là đây. Có thế chứ, một lần nữa lão lại phải trả giá cho đời sống, lần này thì bằng những nguy cơ có thật, cái nguy cơ có kích thước 18,5 x 18,3mm đã “hạ đặt” trái phép trong buồng phổi lão, một cơ quan có tầm quan trọng sống còn của con người. Lại thêm một lần nữa, “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng…”*

Năm 2006, sau hơn 40 năm được thoát khỏi cái “nhà tù nhỏ”, lão có dịp trở lại thăm trại Hoành Bồ, một trong những trại lão đã “sống” qua 5 năm thời trai trẻ. “Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp, để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người”*

Lão đã trở về, không phải để căm hận những kẻ đã đày đọa mình, nhưng để có thể quên, để tha thứ, để xóa đi những ám ảnh tuyệt vọng khi đã về già, để tiếp tục sống bên những người thân yêu, bè bạn. Để viết, để được tiếp tục trò chuyện cùng “Chữ”, người bạn chung thủy của lão, những “chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng.”*

“Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”.*

Lần này thì lão cùng gia đình có toàn quyền quyết định. Tháng 6/2014, Bùi Ngọc Tấn cùng vợ vào Sài Gòn ở với cô con gái.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Lão bảo với tôi: “Anh rất thoải mái trong tinh thần, được sống đến ngày hôm nay là lãi lắm rồi, cho dù có xảy ra điều gì thì anh cũng đã được sống một cuộc đời thú vị, có một gia đình yêu thương, nhiều bạn bè tốt. Khi nghe anh có khối u, bạn đọc, người thân đã tận tình giúp anh, tìm đủ mọi cách tốt nhất cho anh để chữa bệnh. Anh đã bàn với chị và các con, sẽ lại một lần nữa chung sống với cái khối u quái ác này”.

Tôi hiểu rằng lão đã chọn thái độ tiêu cực nên hỏi: “Nếu biết chắc khối u trong phổi là u lành, anh sẽ làm gì?”

Nở nụ cười hiền lành và tươi rói, lão trả lời ngay: “Anh sẽ ra Hải Phòng, và… Viết, anh có rất nhiều ý tưởng…”

Lúc này Yến, cô con gái lớn của lão bước ra tham dự buổi chuyện trò. Tôi đề nghị:

– Như anh kể, một người còn sống, còn sáng tạo được như anh sau khi phải trải qua những năm tháng mà chỉ nhớ lại thôi đã thấy khủng khiếp thì có lý do gì mà ngại ngần khi thêm một lần nữa đối diện với sự thật. Cái quan trọng của người bệnh là tinh thần, điều này anh có. Quan trọng nữa là anh có sự chia sẻ từ gia đình, mọi người luôn bên anh. Em đề nghị anh tham khảo ý kiến của những bác sỹ chuyên khoa. Nếu cần, sẽ dùng biện pháp can thiệp tích cực nhất”.

Giác quan của tôi, quan sát của tôi khi nhìn sắc diện lão cho thấy, đây cũng chỉ là một biến cố thử thách của cuộc đời. Lần này cũng chả kém gì những thử thách khắc nghiệt nhất là lão đã từng vượt qua. Lão sẽ chết, nhưng là chết già. Điều quan trọng là trước khi chết già, lão còn phải tiếp tục “lao động khổ sai” và hạnh phúc cùng “Chữ”. Lão sẽ còn được đắm đuối, cay đắng, được lặn ngụp, nhấm nháp và nghiền ngẫm “Chữ”. Được vuốt ve ngắm nghía, gọt giũa, ấp ủ trong tim, ngậm trong miệng, thì thầm và đọc to lên, “Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.”*

Tôi mang bệnh án của lão tham khảo ý kiến các bác sỹ chuyên khoa. Trên phim chụp cắt lớp độ dày 8mm trước và sau tiêm thuốc cản quang có thể nhận thấy một tổn thương nốt đơn độc, không có hạch to có ý nghĩa bệnh lý trung thất và rốn phổi hai bên. Khẩu kính các mạch máu lớn trong trung thất bình thường, có xơ mỡ thành động mạch chủ ngực. Không thấy tràn dịch trung thất và màng phổi hai bên. Trên cửa sổ nhu mô: không thấy tràn khí trung thất và khoang màng phổi. Không thấy hình ảnh giãn phế quản và phế nang hai bên.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn.  Ảnh: tác giả cung cấp.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Hình ảnh nốt đơn độc ở đỉnh phổi trái có thể là u phổi. Vị trí không cho phép chọc sinh thiết. Các bác sỹ thống nhất sau khi kiểm tra chức năng phổi, nâng cao thể trạng là có thể dùng phương pháp mổ nội soi lấy trọn khối u ra. Lão sẽ lại về Hải Phòng, tôi tin như vậy…

Vui mừng gọi điện cho lão, nói rõ ý kiến của các bác sỹ. Lão mừng lắm nhưng vẫn hỏi tôi một câu: “Có cách nào mà không phải mổ, chấp nhận sống chung với “Nó” cả đời không?”

Lần đầu tiên, với một người bạn, người anh lớn, một nhân cách đáng kính trọng, tôi phải gắt lên:

– Trường hợp của anh không giống như trường hợp bệnh cả dân tộc mắc phải, muốn khỏe mạnh thì bất kể loại khối u nào, dù lớn hay nhỏ, dù ác hay lành đều cần cắt bỏ, cắt tận gốc. Đây là lúc anh được toàn quyền quyết định chất lượng đời sống của mình. Hãy đau thêm một lần để có một cuộc sống trong lành cho đến…chết”.

Tôi biết, ở đầu dây bên kia, anh lại nở một nụ cười hiền và đồng ý với tôi.

Sài Gòn tháng 7/2014.

(*) Lời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 

Nguồn: http://hieuminh.org/2014/07/11/bui-ngoc-tan-va-khoi-u/

Lời cảm ơn của nhà văn

Ngày 18 tháng 6 vừa qua, nhà văn  Nguyễn Quang Lập đă cho đăng trên trang Quê Choa  của mình, dưới tiêu đề “Ân tình với nhà văn Bùi Ngọc Tấn”, tin tôi vào Sài gòn chữa bệnh (một khối u trong người) và công bố số tài khoản của tôi để tạo điều kiện thuận lợi cho những bạn đọc muốn giúp đỡ tôi.

Tôi rất xúc động trước cử chỉ cao đẹp ấy và càng xúc động hơn với những phản hồi của những bạn đọc đã đọc tôi. Những cuộc điện thoại, những bức thư điện tử, những cuộc thăm hỏi tại nhà con gái tôi, nơi tôi đang chữa bệnh, những túi quà, những số tiền gửi cho tôi qua tài khoản hoặc trực tiếp cầm tới nhà kèm theo những lời động viên khích lệ…

Ngoài giá trị sử dụng khác nhau của những món tiền to nhỏ khác nhau, tất cả đều có cùng một sức mạnh, từ số tiền 10 triệu đồng của cô Hoàng Kim Quý, 2 triệu đồng của bà Phạm Chi Lan, tới số tiền 50 nghìn đồng của một bạn đọc mà tôi đoán là nhỏ tuổi “mong bác chóng khỏi”… Đó là sự nâng đỡ sẻ chia, là niềm vui, là ý chí để người bệnh chiến thắng bệnh tật, điều đặc biệt quan trọng với những bệnh nhân mang một khối u trong thân thể như tôi. Tôi vô cùng cảm ơn tất cả các bạn. Tôi cũng xin được nói ở đây lời cảm ơn tới Quê Choa, niềm vui chờ đợi tôi mỗi sáng, tới người chủ của nó, Nguyễn Quang  Lập, một người bạn, một người em.

Bùi Ngọc Tấn

(Theo Quê Choa)

Ân tình với nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Bước vào tuổi 80, nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa phát hiện có một khối u ở phổi và đang vào TP HCM để điều trị. Biết được tin này, nhiều bạn đọc yêu quý nhà văn đã đề nghị Quê Choa cho địa chỉ và số TK của nhà văn để hỗ trợ ông chữa bệnh. Âu đây cũng là dịp mà nhiều người từng đọc các tác phẩm của ông( đặc biệt là cuốn Chuyện kể năm 2000) qua bản photo hoặc qua mạng, được trả món nợ “nhuận bút” ân tình. Vậy Quê Choa xin cung cấp địa chỉ:
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, khu tập thể số 10 đường Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng.
 Số tài khoản 0031000306594, Ngân hàng Ngoại thương- Vietcombank/ chi nhánh Hải Phòng. Chủ tk: Bùi Ngọc Tấn
Theo Que Choa

VŨ ÁNH VÀ TÔI – CHUNG MỘT ĐOẠN ĐỜI

Cảm ơn anh Phạm Nhì.
Tôi đã đọc bài anh viết về Vũ Ánh. Rất xúc động. Tôi hiểu thêm về các anh và người cháu con bà chị tôi.
Bùi Ngọc Tấn
VŨ ÁNH VÀ TÔI – CHUNG MỘT ĐOẠN ĐỜI
 
   (Xin gởi đến hương hồn anh Vũ Ánh
   như một nén nhang tiễn biệt.
   Và đến chị Yến Tuyết
   như một lời chia buồn muộn màng)
             Phạm Đức Nhì
 
 
Một Tâm Hồn Trẻ Trung Sôi Nổi
 
Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi– thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại – bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép. Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra. Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù “ngờ ngợ có cái gì không ổn” cũng không làm chi được. Sau buổi họp, mấy bạn trẻ như Tú Cường, Nguyễn Hữu Hồng … đến bắt tay tôi tỏ vẻ đồng cảm và ngưỡng mộ một hành động nhanh trí và can đảm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì phản ứng liền. Đám trẻ của chúng tôi là như vậy. Tôi bắt tay các bạn một cách vui vẻ rất … bình thường. Riêng anh Ánh, lúc ấy đã gần 40, vẻ mặt trí thức, chững chạc đến vỗ vai, bắt tay tôi đã là … đặc biệt rồi. Anh lại còn ôm chặt tôi ra vẻ rất quý mến: “Tôi tưởng cậu hát nhạc của tụi nó nên đã muốn chửi thề trong miệng, nhưng khi nghe câu hát đầu tiên tôi khoái quá, hát muốn khàn cả cổ”. Tôi với anh quen nhau, gần gũi nhau ngay từ hôm ấy. Sau này ra hải ngoai anh còn viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Của Nguyễn Đức Quang Trong Nhà Tù Cộng Sản kể lại sự kiện này. Tôi có cảm tưởng ở cái tuổi của anh lúc ấy, đối với một sự việc bình thường như vậy, thái độ “nóng máu muốn chửi thề” của anh, thật giống bọn trẻ chúng tôi: Rất Trẻ Trung Và Sôi Nổi.
 
Dáng Đứng Hiên Ngang Bất Khuất
 
Sau 2 tháng bị cùm, bị đánh, bị bỏ đói, bỏ khát cho chết, nhờ có được bản năng và khát vọng sinh tồn mạnh mẽ của tuổi trẻ, tôi đã không chết, và khi cán bộ trực trại mở cửa xà lim, tháo cùm, tôi vẫn còn đủ sức vừa đi, vừa bò khoảng 30 mét ra khỏi khu biệt giam để rồi đươc các bạn tù xốc vai dìu về khu nhà ở. Vừa được anh em giúp tắm rửa xong thì tất cả có lệnh lên hội trường. Trật tự thông báo đích danh tôi (Phạm Đức Nhì), dù đang nằm xoải chân, xoải tay, hết hơi, hết sức, cũng không được ở lại phòng.
Sau vài bài hát “gia nô” của ban văn nghệ, cán bộ Hanh (giáo dục) giới thiệu giám thị Thân Yên lên phát biểu về tính chất nhân đạo, khoan hồng của chính sách cải tạo. Suốt hơn một tiếng đồng hồ tay trung tá công an ngân nga cái điệp khúc mà những người tù, ở thời điểm ấy, đã sống ở cái trại ấy, đều biết rõ là giả nhân, giả nghĩa. Sau đó là phần đóng góp ý kiến của các “trại viên”. Vừa dứt lời mời, một A20 (có lẽ đã được ban thi đua giàn xếp trước) hăng hái bước lên trước micro. Phải nói là anh “nâng bi” rất khéo; không quá lố một cách trơ trẽn nhưng cũng đủ làm ban giám thị nở mày nở mặt. Thân Yên gật gù ra vẻ hài lòng. Lê Đồng Vũ (phân trại trưởng) thì dù khuôn mặt đanh ác, hàm răng khít rịt, cũng nhếch mép cười nửa miệng. Thấy buổi học tập đang tiến triển theo chiều hướng tốt, cán bộ Hanh khuyến khích các “trại viên” khác lên phát biểu. Hắn nói 5 lần, 7 lượt cũng chả ai thèm lên. Chính giám thị Thân Yên tuy vẫn ngồi tại chỗ, đã phải nói chen vào: “Các anh được hoàn toàn tự do, nghĩ sao nói vậy, không phải sợ sệt gì hết. Tôi bảo đảm là sẽ không có một ai bị để ý, bị đối xử khác biệt vì những lời phát biểu tại hội trường này.” Có lẽ chỉ chờ có thế. Một bóng người gầy, cao như cây sậy đứng lên từ từ đi đến bục diễn giả. Đó chính là Vũ Ánh. Anh sửa micro cho vừa với tầm đứng của mình và bắt đầu…nói. Anh rào đón rất kỹ về lời hứa của giám thị cho tự do phát biểu, không bị trù dập, không bị phân biệt đối xử. Và anh bắt đầu đi vào đề tài chính. “Ông giám thị nói về chính sách nhân đạo khoan hồng rất hay, người tù chúng tôi nghe rất sướng tai, nhưng rất tiếc lời nói và việc làm thường không đi đôi với nhau; người đời thường nói một đàng và làm một nẻo.” Anh nói về chế độ ăn uống; chính sách cho tù ăn 15 cân một tháng (quy ra gạo) nhưng nhà bếp đã lươn lẹo chia cho tù 15 cân cơm (và khoai mì đã nấu chín) tính ra chỉ được 8, 9 cân. Anh nói về chính sách lao động khổ sai. Anh nhấn mạnh về việc cán bộ võ trang đánh tù (chính trị có án). Và sau cùng anh nói về chính sách kỷ luật. Đám cán bộ muốn đem tôi – một sọ dừa khô được dính vói một bộ xương cách trí – để dằn mặt các anh em tù có tinh thần chống đối thì Vũ Ánh cũng mời tôi đứng lên để mọi người tù đều thấy rõ sự dối trá, giả nhân, giả nghĩa của chính sách nhân đạo khoan hồng.
Lúc ấy trông anh đẹp quá! Hiên ngang quá! Anh ứng khẩu, giọng chững chạc, đầy uy lực. Cả hội trường há hốc mồm, lắng nghe như uống từng lời nói của anh. Những câu nói của anh rõ ràng, mạch lạc nhưng đặc sệt như những bãi nước bọt, những bãi đờm nhổ vào mặt ban giám thị và hội đồng cán bộ đang ngồi ở dãy bàn danh dự trên khán đài, nhổ vào chính sách nhân đạo khoan hồng, giả nhân giả nghĩa. Mặt Thân Yên, Lê Đồng Vũ dài thuỗn ra trông thật thảm hại, trong khi các bạn tù của anh “được lời như mở tấm lòng” vô cùng hân hoan, thích chí, vỗ tay vang dội.
Tối hôm ấy tôi lại nằm cạnh anh bấm tay nói nhỏ:”Hôm nay anh chơi đẹp quá!” Anh cười cười nói đùa: “Hồi mới tới cậu đã có một màn ngoạn mục thì bây giờ tôi cũng phải có chút đóng góp cho chương trình văn nghệ chứ.” Ôi! Làm sao có thể so sánh việc bắt nhịp một bài hát của tôi với cả một bài diễn văn ứng khẩu của anh chửi thẳng vào mặt ban giám thị và hội đồng cán bộ quân phục công an đại cán ngồi chỉnh tề, đường bệ trên khán đài, vạch trần sự dối trá, giả nhân, giả nghĩa của chính sách cải tạo. Việc tôi làm chỉ thể hiện sự liều lĩnh, lì lợm của một thằng lính dù, cộng với chút kỹ thuật sinh hoạt của một sĩ quan tâm lý chiến. Còn màn trình diễn của anh, ngoài cái dũng của kẻ sĩ còn phải có kiến thức sâu rộng và cả tài hùng biện nữa. Hình ảnh của Vũ Văn Ánh hôm ấy, cao khều, mảnh khảnh đứng với một tư thế oai dũng, đầy hào khí trên bục diễn giả biểu lộ sự can trường, bản lãnh của một công chức VNCH, thật khó mà phai mờ trong ký ức tôi.
 
Một lối sống cởi mở vị tha, biết chia sẻ
 
Tôi cũng khoái Vũ Ánh ở tính tình bình dân, cởi mở với mọi người. Giữ chức vụ rất cao trong ngành truyền thông lâu năm nên kiến thức của anh rất rộng; anh biết rất nhiều về những nhân vật lãnh đạo và guồng máy chính quyền VNCH trước năm 1975. Anh còn có khả năng diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu nên bọn trẻ chúng tôi thường bu lấy anh hỏi han đủ chuyện. Lúc nào anh cũng vui vẻ trả lời cặn kẽ. Những lúc trời mưa bão không đi lao động được anh còn tóm tắt truyền cho tôi giáo trình anh học mấy năm ở Mỹ về truyền thông.
Đi lao động anh không “thú phé” (1) như tụi tôi mà làm việc chăm chỉ, đúng mực; nếu cần, lúc nào cũng sẵn sàng tiếp tay đỡ đần những anh em khác, không một chút nề hà. Anh đa phần được bình bầu loại khá. Những “cải tạo viên” xếp loại trung bình thì ngoài hơn nửa chén cơm và chút nước mắm thối (hoặc nước muối) còn có thêm một miếng bánh bột luộc hình chữ nhật. Đám xếp loại kém như tụi tôi thì miếng bánh bột luộc bị cắt mất một góc tư (1/4) nên trông giống như khẩu súng lục. Cái góc tư kia thì cho thêm người xếp loại khá. (Đây là chính sách rất thâm độc của cộng sản.) Anh Ánh thường thẩy cho đám kém chúng tôi (bữa đứa này, bữa đứa khác) cái góc tư ấy kèm theo câu nói: “Ráp cho chú mày băng đạn.”
Khi Nguyễn Hạnh và Phạm Văn Hải trốn trại bị bắt lại, bị đánh thừa sống thiếu chết rồi đẩy vào biệt giam; mấy tháng sau được thả ra trông gầy ốm, thật thảm hại. Lúc đó anh Thuật và Ngọc Đen khởi xướng mỗi người một muỗng cơm thì hai trong số những người đầu tiên xung phong là Vũ Hùng Cương và anh Ánh.
Anh rất hiền, sống hòa nhã với mọi người, không ra vẻ ta đây như một vài người cùng đẳng cấp khác. Ngay cả khi bất đồng ý kiến anh cũng giữ thái độ nhã nhặn, không to tiếng gây gỗ với ai bao giờ.
 
TỜ BÁO HỢP ĐOÀN
 
Vũ Văn Ánh bằng cách nào tìm sự ủng hộ của các bậc lão thành, có uy tín, để ra tờ báo Hợp Đoàn thì tôi không đươc biết. Bởi lúc ấy tôi thuộc loại “nhóc con”, trẻ người non dạ. Thỉnh thoảng làm đươc bài thơ thì lê lết hết chỗ này, chỗ khác đọc cho mọi người nghe. Một buổi tối đi tiểu xong, về chỗ nằm (ở tầng dưới vì bị liệt sau mấy lần bị cùm trong xà lim) tôi thấy anh Ánh đang khẽ tiếng chuyện trò với hai vị trưởng thượng khác. Một vị phát biểu rất rõ ràng, dứt khoát: “Tại sao anh cứ muốn làm một thằng khinh binh, dễ dàng bỏ mạng ngay từ phát súng đầu tiên? Theo tôi, người khôn ngoan lúc này phải biết giữ mình, cứ nằm im chờ đợi, nếu không biết kiên nhẫn giữ mình thì khó có cơ hội được bắn viên đạn sau cùng chấm dứt cuộc chiến.” Tôi nằm im lắng nghe mà trong người máu sôi lên sùng sục. Lời phát biểu đó khiến tôi “nóng máu”, cao hứng viết bài thơ trong đó có đoạn:
 
Chúng tôi sẵn sàng nổ phát súng đầu tiên
rồi ngã gục
cho các anh được bắn viên đạn sau cùng
giữa tiếng reo hò vang dậy chiến công
chúng tôi sẵn sàng bắc cầu qua suối
cho các anh xông tới
phất cờ hát khúc khải hoàn ca
chỉ cần ngay bây giờ
các anh đứng vào đội ngũ


giữa lúc mịt mù khói lửa
các anh còn ngái ngủ trên giường
đợi tàn cuộc
các anh tung cửa
ra giữa chiến trường
chỉ trỏ nghênh ngang
các anh sẽ đeo lên ngực mình hàng tá huy chương
trong khi những anh hùng thực sự
vẫn ngực trần lặng bước.
 
và đoạn cuối, trong lúc cảm xúc (của tuổi trẻ) đang cuồn cuộn chảy, đã xúc phạm hơi nặng đến những vị “chùm mền kín mít, thủ khẩu như bình, chờ…gió đông để phất cờ hát khúc khải hoàn ca.” Hai hôm sau tôi đọc cho anh Ánh nghe bài thơ mới ra lò, còn nóng hổi. Nghe xong anh trầm ngâm nói: “Tôi đồng cảm với sự bực tức của cậu, nhưng lúc này, viết như thế không được, sẽ đẩy họ vào thế cô lập, rồi rất có thể, ngả về phía bên kia. Nói thật với cậu là tôi đang chuẩn bị cho ra một tờ báo lấy tên Hợp Đoàn để tập hợp những người tù từ mọi thành phần, mọi chính kiến, trước hết chống lại sự tàn bạo, bất nhân của chính sách cải tạo, đặc biệt là việc đánh đập người tù, kế đến là giúp mở mang kiến thức chính trị cho các anh em trẻ nhất là đám chính trị có án. Rồi sau đó thì tùy cơ ứng biến. Riêng cậu, có bài thơ nào đưa cho tôi để kịp chọn đăng. Còn bài thơ vừa rồi thì sửa lại đoạn cuối cho nhẹ nhàng hơn, đừng để người bị chửi bị mất mặt quá đáng; chờ có dịp thích hợp sẽ phổ biến sau.” Và vì thương anh, nể phục anh, tôi đã bóp bụng sửa lại bài thơ cho hợp với nước cờ mới của anh và dìm nó cho đến khi ra hải ngoại.
Sau khoảng hơn một tuần, vào buổi sáng Chủ Nhật, Ngọc Đen đến chỗ tôi nằm giúi vào tay tôi một tờ báo Tuổi Trẻ cuộn tròn và nói nhỏ:”Đọc đi! Tụi tao canh cho.” Tôi liếc qua cửa sổ thì thấy Hải Bầu đang dạo bước dọc hàng rào ngăn cách nhà 3 và hội trường, mắt thỉnh thoảng lại nhìn về hướng cổng trại; thì ra cu cậu cũng đang làm lính gác giặc từ xa. Tôi yên tâm mở tờ báo Tuổi Trẻ ra. Trong ruột tờ báo Tuổi Trẻ là tờ Hợp Đoàn.
Đó là một quyển vở học trò khoảng 60, 70 trang bị cắt ngang mất non nửa; giấy trắng tinh, bóng láng, đươc khâu lại cẩn thận. Trang bìa là 2 chữ Hợp Đoàn khổ lớn, được trình bày rất khéo và đẹp. Lật qua vài tờ thì thấy tờ báo được viết tay, chữ đẹp và rõ ràng, dễ đọc, trình bày trang nhã, bắt mắt. Nội dung các bài viết đều là những vấn đề thời sự nóng bỏng hấp dẫn ở trong trại và ngoài đời. Tôi đọc ngấu nghiến một lúc là hết. Hết mà vẫn thòm thèm, cứ tiếc là tờ báo không dầy thêm vài chục trang nữa. Có thể nói giọng văn truyền cảm và các đề tài thiết thực của tờ báo đã chinh phục tôi hoàn toàn.
Xong phần mình, thấy 2 thằng ông nội vẫn còn nghiêm chỉnh canh gác tôi chuyền tờ báo cho một vị lớn tuổi, có tư cách, rất được tin tưởng, kính nể ở trong nhà. Anh xem xong cầm tay tôi nói: “Trước hết, tôi rất kính phục sự dũng cảm của các anh. Cái tay chủ bút của tờ báo này là người có thực tài; kiến thức rộng, vừa khoa bảng, vừa thực tế, lời văn trong sáng, giọng văn rất tình cảm, dễ đi vào lòng người; những bài thơ khá “ướt” mà vẫn bày tỏ được lập trường, chí khí. Nhưng trong hoàn cảnh này mà các anh phổ biến nó thì, theo tôi, các anh liều quá.” Ngừng một tý để lấy hơi anh nói tiếp: “Các anh có biết là hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào khi tờ báo bị lộ không? Cả trại sẽ biến thành địa ngục.” Rồi anh cười cười nói chữa lại: “Bây giờ nó đã là địa ngục rồi, nhưng lúc ấy, cái địa ngục ấy sẽ khủng khiếp hơn, ngột ngạt hơn, khó sống hơn gấp bội. Chúng nó sẽ lập tòa án xử các anh ngay trong trại, và ít nhất cũng có vài cái đầu lìa khỏi cổ. Tôi mong các anh suy nghĩ lại.” Tôi chuyển ý kiến của bạn đọc cho anh Ánh và 2 thằng “lưu hành báo” thì được trả lời: “Đồng ý là nguy hiểm nhưng vẫn cứ tiếp tục.” Mấy hôm sau, trong lúc chờ đi lao động buổi chiều, anh Ánh nói nhỏ với tôi: “Cậu bảo tụi nó có gì cứ đổ hết cho tôi. Có nhiều tội thêm nữa thì cũng đâu có cái đầu thứ hai cho tụi nó chém; mình tôi chết đủ rồi.”
Cứ thế, trong khoảng hơn 5 tháng, Vũ Ánh đã cho ra lò 3 số Hợp Đoàn; số sau đẹp hơn, hay hơn số trước. Khi phong trào chống đối ở trong trại lên cao; những người tù đã đồng lòng chây lười (một cách hợp nội quy) khi đi lao động;khi họp hành, học tập thì miệng câm như hến; khi cần phát biểu thì chỉ trích chế độ ăn uống quá thiếu thốn, lao động quá nặng nhọc mà chế độ thăm nuôi, quà cáp quá khắt khe. Đúng lúc ấy, một số người tù bị coi là “nguy hiểm” lần lượt đi vào xà lim mà không có lý do gì hết. Vũ Văn Ánh là người đầu tiên trong số họ xỏ chân vào cùm. Tờ Hợp Đoàn mất Sáng Lập Viên kiêm Chủ Bút, kiêm Tổng Thư Ký Tòa Soạn tạm thời đình bản.
Sau đó, do độc giả yêu cầu tha thiết quá, anh San, anh Thiệp, Ngọc Đen, Hải Bầu, Vũ Mạnh Dũng đề nghị tôi làm Thư Ký Tòa Soạn. Nhiệm vụ của tôi là đọc, sửa chữa, sắp xếp bài vở rồi giao cho Hải Bầu lên khuôn. Tôi biết kiến thức, khả năng của mình còn chưa tương xứng với công việc có trách nhiệm lớn lao như vậy, nhưng lúc đó tôi bị liệt hai chân, không phải đi lao động nên có điều kiện thuận lợi hơn các anh em khác. Thêm nữa, cái máu liều của thằng lính nhảy dù trong tôi vẫn còn nóng hổi nên tôi đã không từ chối. Hợp Đoàn tiếp tục một cách an toàn được 2 số nữa.
 
Hợp Đoàn Đình Bản Vĩnh Viễn
 
Sau sự kiện Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20 một thời gian, chúng tôi đang gom bài chuẩn bị cho Hợp Đoàn số 6 thì một việc đáng tiếc xảy ra. Anh Thiệp đến chỗ nằm của tôi đưa một bài viết ngắn để chuẩn bị đăng báo. Anh hớ hênh thế nào để Trần Thái Viên thấy được. Thế là chỉ một lúc sau cán bộ trực trại và các trật tự ập vào nhà khám xét. Tôi nhanh chóng nhai nuốt được một nửa mẩu giấy; nửa còn lại bị cán bộ trực trại bóp mồm moi ra, nhớt giãi còn lòng thòng. Hắn cầm mảnh giấy ướt nhẹp chăm chú đọc nhưng chắc là chỉ thấy mấy nửa hàng chữ không đầu, không đuôi, chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi bị lôi thẳng xuống xà lim số 4. Năm phút sau cán bộ Tri (an ninh) đã vào xà lim trực tiếp hỏi cung. Tôi vẫn ca điệp khúc “không biết” nên bị hắn dùng giầy đinh đạp tới tấp vào đầu, vào ngực, vào lưng. Bị cùm 2 chân nên tôi phải trân mình chịu đựng. Tối hôm ấy chỗ cột sống tạm hồi phục nay lại chấn thương khiến tôi vô cùng đau đớn. Phân, nước tiểu chui ra khỏi cơ thể tôi một cách tự do không thể kiểm soát. Tôi kêu gào cấp cứu đến khàn cả cổ. Có ai đó ở xà lim khác cũng lên tiếng kêu phụ giúp. Mãi đến sáng (có lẽ điểm danh xong) cán bộ trực trại dẫn bác sĩ Lịch (tù) cùng 2 trật tự vào khu xà lim tìm hiểu bệnh tình của tôi. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ Lịch (và sau đó cả bác sĩ Nhiếp) đã khẩn thiết đề nghị, và phân trại trưởng phân trại E Lê Đồng Vũ cùng viên bác sĩ phụ trách y tế toàn trại đã đồng ý trên nguyên tắc, chuyển tôi vào bệnh xá phân trại B.
Hôm nay anh Ánh đã mất. Tôi kể lại sự kiện này hoàn toàn không có ý trách cứ anh Thiệp. Chúng tôi đã ngầm hiểu với nhau; hoàn cảnh khắc nghiệt tôi phải chịu đựng là cái giá phải trả khi tham dự cuộc chơi; sơ suất là chuyện thường tình; dám chơi, dám chịu, hậu quả dù thế nào cũng phải hiên ngang chấp nhận. Thật ra, nhờ sơ suất của anh Thiệp cuộc đời tôi đã qua một bước ngoặt đến chỗ dễ thở hơn, thoải mái hơn (được vào bệnh xá, mỗi khi đau đớn được cấp cứu dễ dàng hơn), và có thể cũng nhờ thế mà tôi còn có cơ hội sống sót trở về.
Trở lại tờ báo Hợp Đoàn, theo 2 thằng “lưu hành báo” thì độc giả vẫn đọc một cách thích thú và hết lòng ủng hộ, nhưng theo tôi, hai số Hợp Đoàn “vắng” Vũ Văn Ánh đã có những khuyết điểm sau đây:
– Phẩm chất của giấy mà Đen và Bầu kiếm được không tốt bằng giấy của VA; việc khâu giấy đóng tập cũng không khéo, không đẹp bằng 3 số đầu.
– Chữ viết, trình bày thì thua sút hẳn.
– Mỗi số thiếu mấy bài “chủ lực” của anh Ánh nên sức hấp dẫn kém hẳn đi.
– Thiếu cái “tính thời sự” của báo chí (VA rất nhạy bén ở khoản này.)
– Thiếu cái “final touch” (o bế lại câu văn, câu thơ) của VA nên một số bài của các cộng sự viên khác đôi khi vẫn còn hơi “thô ráp”.
Nếu không có Vũ Văn Ánh thì sẽ không có tờ Hợp Đoàn; điều đó rất dễ được mọi người công nhận. Nhưng nếu không có bộ máy lưu hành thì Hợp Đoàn không thể đến tay anh em ở khắp 5 nhà. Tôi muốn nói đến Trần Bửu Ngọc (Ngọc Đen) và Trần Kim Hải (Hải Bầu). Hai tay này rất bặt thiệp, lanh lợi (sau này có thêm Tuấn Bình Định giúp sức) đã lưu chuyển tờ báo đến tận tay từng độc giả. Những cộng tác viên viết bài lẻ tẻ như tôi, như các anh Phạm Chí Thành, Phạm Văn Hải … và ngay cả hai cây viết được coi là đồng sáng lập viên của tờ báo là Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp, khi đụng chuyện có thể quay mặt, lắc đầu xua tay “Em hổng biết.” Còn Vũ Văn Ánh thì khỏi cần nói “Khi ra tờ báo là tôi đã chấp nhận đầu có thể lìa khỏi cổ bất cứ lúc nào” vì trong cái “khí hậu chính trị” của A20 lúc đó chuyện “đầu lìa khỏi cổ” (khi báo bị lộ) là chắc như đinh đóng cột. Còn nếu “bể ra” từ chỗ lưu hành thì ngoài Vũ Ánh còn có thêm 3 con nhạn Ngọc Đen, Hải Bầu, và Tuấn Bình Định ra phơi xác trên “Đồi Vĩnh Biệt”. Tôi viết như vậy để người đọc thấy cái “gan” của Vũ Ánh khi chơi trò chơi Hợp Đoàn; anh và mấy thằng em thực sự “dám chơi dám chịu”.
 
Không Nỡ Xuống Tay
 
Khi bài viết của anh Thiệp suýt bị lộ, mọi người đều đồng ý là phải đình bản tờ báo. Tôi hối thúc Ngọc Đen, Hải Bầu thiêu hủy cả 5 số Hợp Đoàn và tất cả giấy tờ, bút mực liên quan đến tờ báo nhưng 2 thằng ông nội nhất định không chịu nghe; đứa nào cũng đòi giữ làm kỷ niệm. Trong khi chờ quyết định chính thức của giám thị Thân Yên chuyển tôi vào bệnh xá phân trại B, một em tù chính trị án 20 năm ở nhà 1, lợi dụng lúc gánh phân buổi sáng (em là trực sinh) đã lén gặp tôi xin được nhận 3 số báo Hợp Đoàn để gởi cho một tổ chức phục quốc của em ở ngoài đời. Em nói: “Mấy tờ báo hay quá, đẹp quá, rất có ích cho Ban Tuyên Huấn của tổ chức phục quốc.” Tôi sợ đến hồn xiêu phách tán, và đã dùng hết hơi sức của mình vừa chửi, vừa năn nỉ 2 thằng Đen và Bầu xuống tay hủy mấy tờ báo.
 
Sức Mạnh Của “Tinh Thần Hợp Đoàn”
 
Tại phân trại E của A 20 vào thời điểm ấy, cầm tờ báo Hợp Đoàn trong tay, trong lúc có ít nhất 2 người canh gác cho mình đọc, cũng giống như cầm một trái lựu đạn đã rút chốt, có thể nổ bất cứ lúc nào. Người đọc phải “cứng” (dám đọc) đồng thời phải được nhóm lưu hành, nhóm biên tập xếp vào loại “an toàn, đáng tin” (việc xếp loại hoàn toàn theo cảm tính và quan hệ cá nhân). Do đó, những người quá kín đáo trong việc bày tỏ thái độ, lập trường của mình thường bị “cho qua” vì lý do an ninh.
Các anh, các chú lớn tuổi ở trong trại thì rất dè dặt trong việc bày tỏ thái độ với Hợp Đoàn. Nhiều người cho rằng anh Ánh và những cộng sự viên khác quá liều lĩnh: “làm Hợp Đoàn thì lợi bất cập hại; một sơ suất nhỏ là hàng loạt người mất mạng; những người còn lại sẽ hứng chịu thêm những đè nén, khắc nghiệt không đáng có.” Một vài người khi được đưa báo vào tay đã giẫy nẩy như đỉa phải vôi, xem vội vài ba trang rồi trả lại ngay. Nhưng Hợp Đoàn được ủng hộ rất mạnh mẽ của đám sĩ quan trẻ, những người tù chính trị tuổi trung niên và đặc biệt là đám tù chính trị có án. Theo Tuấn Bình Định báo cáo thì có thể đến hơn 70% những người tù chính trị có án đã thường xuyên đọc tờ báo. Hợp Đoàn chạy được 2 số là tôi đã cảm thấy một chút chuyển biến trong sinh hoạt của trại. Những hoạt động chống đối, tương trợ, cứu trợ không chỉ xảy ra có tính cách riêng lẻ, cá nhân hoặc giới hạn trong khuôn viên của từng nhà mà đã có sự điều hợp trong phạm vi toàn trại. Tết năm Nhâm Tuất (đầu 1982) khi 3 thằng điên Vũ Mạnh Dũng, Hải Bầu và Ngọc Đen đứng ra tổ chức Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20, vâng, đúng những ngày ấy, tôi mới thực sự nhận thấy ảnh hưởng của tờ báo đối với anh em tù. Chính “tinh thần Hợp Đoàn” và guồng máy phát hành của tờ báo đã giúp tổ chức thành công 5 buổi văn nghệ làm nức lòng những người tù ở cái Trại Trừng Giới A20 hắc ám vào thời điểm ấy và dư âm còn vang vọng đến mãi bây giờ. Tôi nghĩ mình sẽ không quá lời khi nói rằng:
Chính những ngày tháng cùng chịu đọa đày, khổ cực, chính những muỗng cơm, những viên thuốc giúp đỡ nhau lúc đói lòng, lúc đau ốm, chính dáng đứng hiên ngang, bất khuất của Vũ Ánh,  chính lập trường chống cộng không hề lay chuyển của Nguyễn Văn Đèn (2), chính cuộc tuyệt thực chống chế độ tra tấn, hành hạ người tù một cách vô cùng dã man, ác độc trong biệt giam (3), chính vụ cướp súng vượt ngục của Bảy Cánh Chim Khao Khát Tự Do (4), chính Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20, và chính “tinh thần Hợp Đoàn”  đã là chất keo nối kết gần một ngàn người cựu tù A20 hiện đang sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, cùng với những phong trào đấu tranh tại Bến Tre, Suối Máu, Nam Hà, Ba Sao, Yên Bái …..,  những tấm gương bất khuất trong tất cả các trại “cải tạo” ở khắp 3 miền đất nước, những người tù A20 đã trở thành (và sẽ là) niềm tự hào, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho lớp trẻ trong công cuộc đấu tranh đòi dân quyền, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng, và tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam.
   
 
Vũ Ánh Thực Hiện Lời Hứa.
 
Tháng 3/1983 một phái đoàn y tế của bộ nội vụ đến thanh tra trại A 20. Tôi may mắn được các bác sĩ trong phái đoàn khám và đánh giá thực trạng bệnh tật. Ngày 06 tháng 9/1983 một mình tôi bệnh tật quá nặng, đã được thả vì lý do nhân đạo. Tôi bị liệt không thể về một mình nên phải chờ một tuần sau, trại có người tù hình sự mãn án nhân tiện đưa tôi về. Sau 6 tháng uống thuốc nam và châm cứu cộng với sự phò trợ của ơn trên, tôi bình phục, có thể tự mình đi lại, không cần nạng. Tháng 11/1984 tôi vượt biên bị bắt tại Bến Lức (Long An), sau đó bị đưa đi tập trung cải tạo tại Nhơn Hòa Lập. Tháng 8/1986 tôi bị giải về số 4 Phan Đăng Lưu để trả lời về bài thơ Từ Ngục Tù Cộng Sản trong đó tôi xúc phạm ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam hơi nặng. Tôi hỏi dò và mấy tháng sau may mắn biết được anh Ánh, Ngọc Đen, Tú Cường, anh Thiệp, anh San cũng đang ở đây về vụ Hợp Đoàn. Riêng Hải Bầu dính líu tới Hiếu Đầu Bạc và ông Của trong một vụ khác nhưng cũng bị truy hỏi về Hợp Đoàn. Khoảng tháng 12/1986 (còn đang chấp cung), vào sáng Chủ Nhật một anh bán bánh cuốn chả lụa ghé miệng vào cửa thông gió xà lim 13 khu C1 hỏi: “Phải anh tên Nhì không?”  Tôi gật đầu. Anh nói thật nhanh: “Alfa đã mua xe Honda rồi”. Tôi xây xẩm như bị trúng gió, lặng người đi vì buồn bã. Như vậy là anh Ánh đã ôm trọn vụ Hợp Đoàn. Anh đã giữ lời hứa với tôi và 2 thằng “lưu hành báo”. Thật ra tôi chỉ bị truy cứu vì bài thơ. Do bị đổi vào bệnh xá B và được về sớm nên đám cán bộ an ninh đã quên tôi trong danh sách những người dính líu tới Hợp Đoàn. Tôi vừa thương lại vừa giận anh Ánh. Tại sao phải nhận chứ? Bọn họ đã có bằng chứng gì đâu? (Sau này tôi mới hiểu là “dòi trong xương dòi ra”. Ngô V L đã cộng tác với Sở Công An TP HCM và đã khai tuốt tuột. Hắn, một thời, cũng có tinh thần chống đối mạnh mẽ và dĩ nhiên, biết về tờ báo Hợp Đoàn. Hắn đã khai thì anh Ánh khó lòng chối tội.) Sau Tết Tây (1987) vài ngày, vào một buổi trưa Chủ Nhật, tôi nghe tiếng anh Ánh lên đài. (nói lớn từ nhà này sang nhà khác, từ xà lim này sang xà lim khác). Giọng anh vẫn khỏe, lạc quan và rất khôi hài:
“Chắc là không theo gót Tạ Vinh (7) đâu.” Một lúc sau anh cười nói tiếp:
“Nhưng lịch thì chở cả xe GMC cũng không hết.”
Không biết vì bằng chứng không đủ mạnh để buộc tội hay vì gặp đúng lúc Nguyễn Văn Linh lên, tuyên bố cởi trói chính trị mà các anh không ai phải theo Tạ Vinh và cũng không ai phải ra tòa. Tất cả bị nhốt thêm một thời gian nữa và rồi đều được thả về. (Anh Ánh về tháng 11/1987)
 
Gặp Vũ Ánh Ở Sài Gòn
 
Cuối tháng 8/1988 tôi được thả khỏi Phan Đăng Lưu. Cầm tờ giấy ra trại với tội danh “tuyên truyền phản cách mạng và trốn ra nước ngoài” tôi biết rất nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi mình ở phía trước. Gia đình khánh kiệt, mẹ già nay ốm, mai đau, các em tứ tán tha phương cầu thực. Cô em gái lấy chồng ở Vũng Tàu đem về cho chiếc xe đạp. Tìm được hai chỗ dạy Anh Văn thì công an đến giải tán. Nghe tin anh Ánh đã thôi đạp xích lô và đang làm cho một xưởng gỗ ở đường Nguyễn Văn Thoại, tôi đạp xe đến thăm. Tôi gặp anh vào khoảng 6 giờ chiều lúc đang thu dọn đồ đạc để nghỉ. Trông anh lam lũ nhưng mặt vẫn cương nghị, đôi mắt vẫn sáng và nụ cười vẫn tươi trên môi. Hai anh em ôm nhau mừng mừng tủi tủi rồi ngồi tâm sự đến khoảng 7 giờ thì chia tay. Đó là lần duy nhất tôi gặp anh ở Việt Nam. Sau này gặp nhau ở Cali, nhắc lại lần gặp mặt hôm ấy, tôi ngượng ngùng nói: “Lúc ấy em chả có đồng nào để có thể mời anh uống ly cà phê hoặc ăn tô hủ tíu.” Anh cười trả lời: “Mẹ kiếp! Tôi thì cũng có hơn gì cậu. Thôi! Bây giờ muốn ăn gì thì tôi chở đi ăn.”
 
Gót Chân Achilles (6) của Vũ Ánh
 
Có lẽ điều tôi không thích ở anh Ánh, cho đó là Gót Chân Achilles của anh, đã có lúc tỏ thái độ bực dọc ra mặt với anh, là anh quá đam mê công việc đến độ “tham lam”, cái gì cũng nhận, cũng ôm vào người. Nghe anh đọc thời khóa biểu làm việc mà muốn ớn lạnh; chỉ toàn công việc là công việc; thời gian giải trí vui chơi rất ít. Anh rời cương vị chủ bút báo Người Việt cũng vì bị đâm vào Gót Chân Achilles của mình; trong lúc gấp rút để kịp ra tờ báo Xuân, anh mệt mỏi vì quá nhiều công việc, “ngủ thiếp đi, không kiểm soát hết được bài vở lên khuôn nên đã có kẻ lợi dụng”. (7) Vài năm sau này, viết về quá khứ có lúc anh nhầm lẫn sự kiện này với sự kiện khác, thời điểm này với thời điểm khác. Mỗi lần tìm ra một lỗi như vậy Bà Đầm Nguyễn Đại Thuật lại gọi tôi: “Nhì nói với ông Ánh đi! Nghỉ hưu được rồi đấy.” Còn chị Yến Tuyết, vợ anh, thì nói: “Chú gắng khuyên anh chú đi! Chứ tôi thì hết phương rồi”. Nói gì thì nói, đầu anh vẫn cứng như đá. Lời hứa của anh với tôi “Được rồi! Cậu để từ từ rồi tôi tính” cứ lặng lẽ bay theo gió mất tăm, mất tích. Giận anh cũng chẳng ích gì. Vì tính anh là như thế, con người anh là như thế. Có thế mới là Vũ Ánh.
 
KẾT LUẬN
 


Sau đại họa của dân tộc năm 1975, những cái chết hào hùng của Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Phú…và vô số những người lính vô danh khác … đã phần nào vực dậy sĩ khí của quân dân miền nam. Vũ Văn Ánh không chết như những vị tướng tuẫn tiết. Anh chấp nhận sống để chiến đấu. Khi thất bại, trong cay đắng, tủi nhục, đọa đày của các trại tù anh vẫn tiếp tục ngẩng cao đầu chiến đấu một cách anh dũng, kiên cường, bảo vệ khí tiết, danh dự, nhân phẩm của người trí thức, chống lại sự tàn ác bất nhân của chính sách tù đày, cải tạo. Anh đã trở thành ngọn đuốc sáng soi đường để các thế hệ kế tiếp vững tin đi tới tương lai.
Sau gần 2 năm ở cùng nhà, cùng đội với anh, nằm gần anh, được anh tận tình chỉ bảo, tôi đã học được nhiều điều; kiến thức được mở rộng thêm, câu văn, câu thơ viết ra trong sáng hơn, ngay đến nhân cách – do ảnh hưởng lối ứng xử của anh – hình như cũng được tốt đẹp hơn.
Anh ra đi ở tuổi 73 (8); vẫn còn một mộng ước chưa thành: được thấy quê hương đất nước thoát họa cộng sản, toàn dân Việt được hít thở không khí dân chủ, tự do. Nhưng đời anh như thế cũng là có hậu; được sống, chiến đấu cho lý tưởng, hết lòng phục vụ cộng đồng, phục vụ dân tộc cho đến giây phút cuối cùng, cho đến hơi thở cuối cùng. Và được chết – an lành, không đau đớn – trong không khí gia đình ấm cúng, vợ hiền, con hiếu thảo và bè bạn hết mực quý mến, thương yêu.
Tôi may mắn được anh tin yêu, dìu dắt, rất hãnh diện đã cùng anh đi chung một đoạn đời.
 
League City ngày 30 tháng 5 năm 2014
 
Phạm Đức Nhì
 
Chú thích:
  1. Thủ, giữ sức, không làm hết mình
  2. Anh Đèn tuyên bố trước mặt các cán bộ và anh em: “Bao giờ cộng sản còn cầm quyền là tôi còn chống, ở trong tù tôi cũng chống, ra ngoài tôi cũng chống.”
  3. Nguyễn Tú Cường khởi xướng, Hoàng Ngọc Thủy và Phạm Đức Nhì ủng hộ và cùng tham dự.
  4. 7 người tù A20 (đội 14) cướp súng đánh gục cán bộ võ trang rồi trốn vào rừng. Sau bị công an và bộ đội Phú Khánh truy lùng bắn chết 6 người, một người bị bắt lại.
  5. Người bị chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tử hình vì đầu cơ gạo.
  6. Là câu ngạn ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu của mỗi con người.
  7. Vũ Ánh, Món Nợ Văn Hóa & Tình Chiến Hữu, Phạm Đức Khôi.
  8. Trong bài Lần Cuối Cùng Gặp Big Minh anh Ánh viết:
    Ông (TT Dương Văn Minh) chưa mời tôi ngồi đã hỏi:
  • Em bao nhiêu tuổi?
  • Thưa Tổng Thống 32.
    Chính vì thế tôi nghĩ trên giấy tờ anh sinh năm 1943,    nhưng khi điện thoại hỏi chị Yến Tuyết, vợ anh, thì được biết câu trả lời của anh với TT Dương Văn Minh (30/4/1975) là lầm lẫn. (Đúng ra phải là 34). Anh sinh năm 1941; tuổi trên giấy khai sinh cũng là tuổi thật.
     
    Nếu có ý kiến, phê bình xin e-mail về nhidpham@gmail.com hoặc vào trang nhà vanthophamducnhi.com
     
     

Mỗi Nhà Văn Có Con Đường Đi Tới Chữ Của Mình

(….) Lê Đạt nói anh là phu chữ chỉ để nhấn mạnh việc khổ công tìm chữ mà thôi. Anh còn một câu nói rất hay về chữ: Chữ(1) bầu lên nhà thơ. Đọc anh tôi cũng muốn viết đôi dòng về chữ.

Mỗi nhà văn có con đường đi tới chữ của mình, có thế giới chữ của mình. Chữ đến với tôi từ mặt biển giữa trưa nắng, bốn chung quanh bầu trời cong chụp xuống. Những con sóng bạc đầu, trên mỗi ngọn sóng lại xòe ra những chùm nước nhỏ, tất cả lưu giữ ánh mặt trời sáng lòa như một trận mưa bạc đang rơi. Một đàn cá chuồn bỗng xé nước bay lên vẽ trong không trung những vòng cung bạc, và nhanh chóng biến mất như một ảo ảnh. Rồi gió. Gió từ chân trời ngập tràn mặt biển. Gió ào đến bao bọc quấn quít lấy tôi đứng trên boong con tầu đang đè sóng tiếp tục cuộc hành trình. Cùng trời và biển, gió mang đến cho tôi ý nghĩa được sống, được làm người và cảm giác – hơn thế – khát vọng tự do.

Chữ đến với tôi từ rừng đại ngàn hoang vắng, hầm hập nắng, không khí cây cối không một chuyển động, mồ hôi ròng ròng, cái đói cắn vào bụng, quẩy đôi thùng ghép bằng gỗ thông, lủi vào một gốc cây, đập quả dứa vỡ đôi, hai hàm răng chắc cắm phập vào mảnh dứa vỡ, gọn như một cú đớp của hàm chó sói. Khợp.Bùi Ngọc Tấn

Chữ của tôi là cô thôn nữ trong vườn vắng trèo lên cây bưởi hái hoa, bỗng thấy nụ tầm xuân nở ra xanh biếc khiến tôi xúc động. Là em bé mặt đỏ bừng, mồ hôi bết tóc đứng im lìm trước con chuồn chuồn ớt đỏ tươi đỗ trên cọc rào của tuổi thơ tôi. Là chuyến đi Ninh Bình khi hai mươi tuổi, ngơ ngác trước những con sóc đuôi xù dựng đứng bay từ cây nọ sang cây kia, rồi buổi tối họp chi đoàn, hát mẹ thương con có hay chăng chẳng nhìn ai nhưng cũng biết có những cặp mắt bồ câu đang hướng về mình, nghe bí thư chi đoàn hỏi người ngồi bên “đêm qua đi ngủ hến cắn hay sao mà ngáp thế” bỗng thấy mình giầu thêm một chút. Chữ như bụi vàng tôi cần mẫn nhặt nhạnh thu vén, tích cóp. Chữ như vỉa quặng còn tôi là người thợ mỏ đã bốc hàng trăm tấn đất đá vẫn chưa tìm thấy. Thật vất vả, đúng là phu chữ như Lê Đạt nói, và cũng như anh, tôi thích công việc phu phen. Khi đào bới tôi là người khai phá, là người sáng tạo. Chữ của nhà văn là cuộc sống, đúng hơn, cảm xúc trước cuộc sống anh thổi vào trong chữ. Cảm xúc ấy làm chữ có hồn, chiếm lĩnh người đọc khiến Gorki phải giơ trang sách lên trời soi xem có gì ở bên trong.

Chữ của tôi là tiếng thở dài của những người dưới đáy đến thẳng trái tim tôi, giản dị, âm thầm, nặng trĩu. Là những chuyến đi biển dài ngày, lên bờ vẫn thấy mình đu đưa như còn trên sóng gọi là say đất cộng với 5 năm tù dài hơn cả kiếp người, khi được tha nhìn ai cũng quen quen ngờ ngợ như gặp lại bạn tù trong trại, để rồi chiết xuất được hai tiếng “say tù”. Hai tiếng kết tinh tình yêu cuộc sống và nỗi trầm luân cay đắng của tôi. Nói rộng ra, tất cả sáng tác của tôi đều là hợp chất của hai thành tố ấy, càng đắm đuối càng cay đắng, càng cay đắng càng đắm đuối. Chữ là kinh nghiệm sống, là bầu khí quyển của tôi, tôi hít thở, ngụp lặn, nhấm nháp nghiền ngẫm. Giống Dương Tường, tôi ăn ngủ với chữ như với người tình một thuở. Tôi gọt giũa, lật lên lật xuống, vuốt ve ngắm nghía. Tôi ủ chữ trong tim, tôi ngậm chữ trong miệng, thì thầm với chữ và đọc to lên. Có những chữ như ảo ảnh, ẩn hiện trong sương, một dáng hình trong mơ, luôn giữ một khoảng cách không thể vượt qua. Nó làm tôi mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn như người bị phụ tình. Lại có những chữ không hề nghĩ tới, vụt rơi vào trang giấy ngay trước mắt như một sự tự tìm đến hiến dâng, món quà ban tặng của Thượng Đế. Chữ với âm thanh trầm bổng (điều đặc biệt của tiếng Việt) lúc như viên chì lăn tròn vào lòng người, lúc trải rộng như cửa sông đổ ra biển cả, nhịp nhàng uốn lượn như múa, như hát, một hòa thanh nhỏ cho từng câu và một tổng phổ trong cả tập truyện dài.

Chữ là khổ sai. Chữ là hạnh phúc. Không chỉ hạnh phúc, tôi còn là một kẻ quyền uy. Muôn ngàn chữ trước mặt, thỏa sức chọn lựa, đảo lên đảo xuống cho đúng chỗ. Một từ chính xác đặt đúng chỗ bỗng rũ hết bụi bậm sáo mòn, vụt trở lại vẻ đẹp nguyên sơ. Cũng nói thêm, tôi không chủ tâm bịa ra những từ mới. Những từ bình thường nhất, phổ biến nhất đứng bên nhau bỗng lung linh một vẻ khác thường làm tôi run lên vì vui sướng. Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.

Chữ với tôi như duyên nợ từ kiếp trước. Chữ, người bạn chung thủy không bao giờ rời bỏ tôi. Khi tôi bị bắt nhốt xà lim, chữ cũng theo vào. Ngoài chữ của Tolstoi trong tập Anna Karenina mà Dương Tường tặng, còn chữ của tôi, những chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng. Tôi mang ơn chữ, luôn cố gắng để khỏi phụ tình cảm ấy của chữ, nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa giữa mong muốn với hiện thực, và hiểu rõ một điều mình là người bất lực (…)

(1)  Chữ ở đây nên hiểu là từ, không phải chữ trong bảng chữ cái (a, b, c…)

Theo Văn Việt

 

 

 

Một nén hương tưởng nhớ Vũ Ánh

Sáng nay (16 tháng 3 – 2014) vào mạng, Huy Đức báo tin Vũ Ánh đã mất mà bất ngờ quá. Quá nhiều cuộc ra đi. Và quá nhiều cuộc ra đi bất ngờ. Như Nguyên Hồng. Như cha tôi. Như Vũ Bão… Không thẻ nghĩ một người cao lớn sung sức như Vũ Ánh lại đã ra đi. Tưởng anh còn có thể sống khoẻ mạnh và làm việc nhiều chục năm nữa.

Vũ Ánh là cháu gọi tôi bằng cậu.

Tôi là con bà cô, còn mẹ Vũ Ánh là con ông cạu. Mẹ tôi và ông ngoại Vũ Ánh là hai anh em ruột. Chúng tôi mới biết nhau non chục năm gần đây. Những lần vào Sài gòn, tôi chỉ biết mẹ Vũ Ánh, bà giáo Ninh, bà chị cả của các con cậu tôi, ngồi bán thuốc lá vỉa hè. Thấy tôi, chị cười:

-Cậu mới vào…

Họ hàng bên ngoại tôi đều là dân Bắc 54 (Di cư vào Nam năm 1954). Tất cả đều biết tôi đã bị tù và tỏ lòng quí mến, nhưng chúng tôi không nói với nhau về đề tài đau buồn ấy. Tôi không biết mình có một người cháu tên là Vũ Ánh bị tù 13 năm, đã từng là một phóng viên có hạng ở Sài gòn, ra khỏi tù sống bằng nghề đạp xích lô, như tôi đi kéo xe bò, làm bốc vác ngoài Cảng Hải Phòng.

Chỉ đến khi Chuyện kể năm 2000 được xuất bản, có chút tiếng vang, các anh chị bên ngoại đọc mới nói với tôi về một người cháu cũng viết văn làm báo như tôi đang sống ở Mỹ có tên là Vũ Ánh.

Vũ Ánh và tôi trao đổi e mail. Nhiều email tôi đã xoá, nhưng vẫn còn nhớ nội dung. Vũ Ánh như reo lên khi tôi nói về quan hệ họ hàng giữa chúng tôi: Thế là cháu với cậu máu mủ ruột thịt thật rồi. Ngay khi nhận được thư cậu cháu đã thức đọc lại tập 2 Chuyện kể năm 2000. Biết cậu là cậu cháu, cháu đọc với một cảm xúc khác. Đọc mà chẩy nước mắt dù cháu cũng khổ như cậu có khi còn hơn cậu.

Hôm nay, nghe tin Vũ Ánh về trời, lục tìm những mail lưu trữ may sao vẫn còn một bức thư tôi gửi Vũ Ánh dưới đây, không biết ngày tháng gửi. Và vài bức thư của Vũ  Ánh, cùng với mấy bức ảnh ngày tôi sang Cali, cậu cháu gặp nhau tại nhà anh Hoàng Khởi Phong.

 

Vợ chồng Vũ Ánh và nhà văn Nhật Tién với Bùi Ngọc Tấn tại California

Vợ chồng Vũ Ánh và nhà văn Nhật Tién với Bùi Ngọc Tấn tại California

Thư Bùi Ngọc Tấn gửi  Vũ Ánh:

Vũ Ánh thân.

Hôm nay 25 tháng chạp ta, cậu viết thư sang chúc Tết cháu và qua cháu, gửi lời chúc năm mới tới tất cả họ hàng nhà ta bên ấy. Cái năm Tuất gì đó sắp tới này là cậu bước sang tuổi 73. Một tuổi mà người ta nói rằng không tốt, cần phải giữ gìn. Mợ và hai em gái (Giáng Hương, Hải Yến- nay Giáng Hương mất rồi chỉ còn em HY thôi) vẫn cứ tính những năm nào sao Kế Đô rồi năm nào La Hầu….Thì ra nhà cậu năm nào cũng có người bị coi là năm hạn. Cậu bảo: Tôi thì không năm nào tốt cả. Năm nào cũng xấu. Mặc cho số phận. Việc nó nó làm, việc mình mình làm. Nếu cần thì chống chọi với số phận. Có lẽ cậu cũng nói qua về cậu và gia đình cậu đôi chút. Cậu tuổi Tuất (sinh năm 1934). Năm 1946 tác chiến ở HP, bên ngoại (Lôi Động) tản cư lên Câu Tử, không biết cháu còn nhớ không chứ cậu Lãng, cô Tổng, cô Hiệu chắc chắn còn nhớ. Đến năm 1947 Thuỷ Nguyên bị chiếm, nhà ông bà sinh ra cậu bị Tây đốt đầu tiên. Cả nhà tản cư lên Đông Triều, rồi cứ thế nhích lên Bắc Giang, rồi Thái Nguyên. Năm 1954, cậu học xong phổ thông trung học, vào thanh niên xung phong rồi về tiếp quản Hà Nội. Sau tiếp quản cậu về báo Tiền Phong làm phóng viên.  ở HN cậu quen mợ là nữ sinh trung học, cũng từ kháng chiến về và kết hôn. Đến năm 1960 cậu chuyển về Hải Phòng làm phóng viên báo HP đến năm 1968 thì bị CAHP bắt với tội danh tuyên truyền phản cách mạng. Năm 1973 được tha. Sau hai năm thất nghiệp, làm bốc vác, thợ sắt, kéo xe bò, đi buôn… cậu được ông Tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ sản Hoàng Hữu Nhân (nguyên chủ tịch kiêm bí thư HP) xếp cho đi làm ở một xí nghiệp đánh cá. Cũng may, khi còn ở HP ông Nhân biết cậu và rất quý.

Cậu đã nhất định không viết gì nữa, bởi viết những điều giả dối thì viết làm gì. Nhưng rồi sự thế chuyển vần. Bức tường Bá Linh, phe XHCN đổ. Tháng 3 năm 1990 cậu lại viết trở lại. Cậu có bốn em: Hai trai, hai gái. Em trai đầu tên là Hiến sinh năm 1959, em Giáng Hương sinh năm 1960 (đã mất) Rồi đến em Hải Yến (gái) sinh năm 62. Em út là trai tên Dũng sinh năm 1969, khi cậu vào tù được 8 tháng. Các em đều đỗ đại học dù rằng người ta muốn chúng đứng đường.

Mợ đang học đại học thì bị đuổi vì cậu bị bắt. Nói chung giống như cậu viết trong CKN2000. Mợ kém cậu 5 tuổi. Cũng đã hưu và sức khoẻ yếu. Hiện nay cậu mợ ở riêng trong một căn buồng mà anh Hoàng Khởi Phong đã đến. Cậu cũng đang viết một quyển tiểu thuyết cho đỡ buồn. Vì không viết thì cũng chẳng biết làm gì. Cái máy (tính) cháu cho cậu sẽ giúp cậu có thể tiếp tục liền mạch khi đi nơi này nơi nọ. Đại khái là như vậy. Nói chung cậu cháu mình giống nhau. Cậu đọc cái đoạn cháu đạp xích lô trong Nếu đi hết biển mà thông cảm quá.

Cháu đang viết gì đấy. Và có thể tìm cách nào gửi về cho cậu một sáng tác của cháu để cậu đọc được không?

Cậu rất muốn sang bên ấy chơi một lần nhưng e rằng sức khoẻ hơi bị sa sút. Còn đang tập trung nâng cao thể lực.

Cậu ao ước tập CKN2000 được dịch quá. Cháu thử bàn với các anh bên ấy xem có giúp cậu được không. Cậu cũng muốn liên hệ bằng email với chị Lâm Thu Vân ở Canada. Cháu có thể giúp được không?

Thôi, viết cái “lí lịch trích ngang” để cháu hiểu và một lần nữa chúc cháu năm mới tốt đẹp, như ý.

Cậu Bùi Ngọc Tấn.

 

Dưới đây là thư trao đổi giưa tôi và  Vũ Ánh còn trong hộp thư điện tử:

 

AVu5012948@aol.com wrote:

Kinh goi cau Tan,

Nguoi cam laptop bon chau goi bieu cau da len duong ve Viet Nam. Ho se dich than mang den cau. May khong duoc moi hoan toan nhung rat tot, manh va nhieu function. Hom nay viet tho moi nhan ra la chau te qua, khong thu tu gi cho cau Thanh. Cau mo Thanh cho chau xin loi. Cu moi lan thu cho cau Tan la voi voi vang vang, quen minh con mot ong Cau nua. O tuoi chau ma van con phai doi pho voi doi song may moc, nguoi cu mu di nhu mot thang dan. Chau viet mot quyen sach do dang den 4 nam nay, khong them duoc chu nao.

Cho nen hen viet thu cho cỏc cau dai hon ma chua viet duoc. Cho chau goi loi tham mo va cac em. Va cau chuc toan gia dỡnh duoc day du suc khoe.

Chut xiu nua chau lai quen. Nguyen Ba Chung dien thoai nho chau nhac cau Tan la goi ong ay mot la don de cau co the sang nghien cuu o My vi viec cho doi thu cua cau chi co han. Cau co gang danh thoi gio viet thu cho Nguyen Ba Chung de lo thu tuc. Cau sang day it lau cho khoe.

Chau van nghi la cau chau minh the nao cung co ngay gapnhau o ben nay.

Kinh cau.

VU ANH

—–Original Message—–
From: ngoc tan bui <haiha_ckn2000@yahoo.com>
To: AVu5012948@aol.com
Sent: Fri, 23 Dec 2005 06:36:14 -0800 (PST)
Subject: Re: (no subject)

Vu Anh than

Nhan dip TC giang sinh va buoc sang nam moi, cau chuc chau, cau Bui Quang Cat va tat ca ho hang nha ta ben ay suc khoe, binh yen, khoe manh va phat dat. Rieng Anh thi viet duoc nhieu, hay va cau chau minh som duoc gap nhau, o VN hay o ben My deu duoc.

Sang nam la nam Tuat, nghia la nam Tuat thu 7 cua cuoc doi cau, mot cuoc doi that vong qua nhieu.Cau sinh nam Giap Tuat ma. Sap 73 tuoi roi. Dem nam it ngu, nho nhung ngay con nho o voi ong ba. Nho tung chi tiet. Cac cu da quy tien het. Gio sap den luot minh. Da mang het suc ra de song, khong chiu guc nga, tuong rang cuoi doi duoc thanh than mot chut thi lai xay ra chuyen em Giang Huong bo cau mo, ra di. Cuoc song cu nhe cau ma ra don. Danh phai chiu don thoi. Chang con cach nao khac.

Nhung cau tu hao rang minh da song dung la minh, nhu Anh song dung la Anh vay.

Bao Tet lam xong chua. Cau cung viet duoc 4 bai bao Tet, de mo them vao chi tieu.

Thoi nhe. Cho cau gui loi chuc toi anh ban Hoang Khoi Phong.

Than.

Cau BNT.

 

AVu5012948@aol.com wrote:

Kinh Cau,

Lau qua khong thay e-mail cua cau. Chau so co chuyen gi. Chau da goi cho cau may cai e-mail theo dia chi nay ma khong thay cau tra loi. Chau so minh viet sai dia chi nen thu khong den. Neu nhan duoc e-mail, xin cau  return cho chau biet.

Mong thu cau.

VU ANH

———————————

AVu5012948@aol.com

6 thang 3, 2006

Vu Anh than.

Cau vua tu Ha Noi ve, mo may, thay thu chau, mung qua. Truoc Tet cau co gui may thu, mot buc kem theo li lich trich ngang de chau hieu duoc van tat cuoc doi cau. Con chau thi cau da hieu sau khi doc bai cua chau trong Neu di het bien. Cung voi thu nay la thu chuc Tet cua cau.

Con thu chau gui, cau khong nhan duoc.  Hom no, anh Bui Long Duyen, truong toc ho Bui Loi Dong tu My ve khanh thanh nha tho ho cung den cho cau choi, co ke chuyen ho hang nha minh ben ay.

Cau da hoan thanh de cuong nop cho cho anh Nguyen Ba Chung de co the sang ben ay choi. Va cau cung nhan duoc loi cua mot so ban muon moi cau mo sang My trong mua he nay.

Noi chung la rat vui va cau mo dang chuan bi suc khoe de co the di cho biet mot lan. Dung la bay gio ngai nhat la chuyen suc khoe thoi. Cang gia cang quy suc khoe.

Dao nay chau co viet cai gi dai dai mot ti khong?

Mong rang trong nam nay hai cau chau se gap nhau.

Than.

BNT

 

——————–

25 thỏng 1, 2006

Vu Anh than. Cau gui kem theo day thu chuc Tet. Cho cau gui loi chuc nam moi toi cau Bui Quang Cat va dai gia dinh nha ta, toi anh Hoang Khoi Phong. Chau co ke hoach ve VN choi khong?
Cau BNT
avu5012948@aol.com wrote:

Kinh cau mo

Chau moi o Dai Loan ve, thi lai dam dau vao bao Tet, phat hanh dung ngay hom nay. Kinh chuc cau mo va cac em mot giang sinh binh an, cau mo va cac em co du suc khoe, cuoc song thanh than hon. Chau se viet thu cho cau toi nay.

VU ANH

——————————————

Huy Đức viết về Vũ  Ánh: “Sau khi đến Mỹ (1992), ông là chủ bút tờ báo Người Việt ở California trong nhiều năm. Nói chuyện với ông, không ai nghĩ, con người canh cánh nỗi nhớ Nước ấy lại có thể dùng những ngôn từ rất điềm đạm để nói về Chế độ đó từng “cải tạo” mình 13 năm, trong đó riêng thời gian biệt giam tổng cộng lên đến sáu năm. Trưa qua, thứ Sáu, 14-3-2014, sau khi viết bài báo cuối cùng, gửi đi, ông đã có một giấc ngủ dài, vĩnh viễn. Vĩnh biệt “Chú Ánh”, một nhà báo mà tôi vô cùng kính mến.”

Còn tôi, sao chép lại mấy dòng riêng tư giữa cậu cháu tôi đưa lên mạng là để thay một nén nhang tưởng nhớ Vũ Ánh khi anh đã về với tổ tiên.

 

 

 


 

Về lại rừng xưa

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Trong tôi giờ đây ngân nga những tên đất, tên người. Tên những người bạn của tôi ở khắp bốn phương. Và tên những con đường, những thành phố, những Paris, Berlin, Thành Đô, Brugge, Amsterdam, Boston, New York, Peterburg, Mạc Tư Khoa…, những đất nước tôi đã đặt chân tới, những nơi tôi được bạn đọc đón nhận như người anh em. 

Tưởng như thế là đã thỏa mãn, là được hưởng sự ưu đãi của số phận, không ao ước gì hơn, nhưng vẫn còn một khao khát âm ỉ, dai dẳng, vẫn còn những nơi tôi ước ao được đến. Đúng hơn, được một lần trở lại. Nhất là những đêm chờ trời sáng, những đêm làm tổng kết cuộc đời, mong ước càng thôi thúc. Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp. Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn (1). Đất ấy cũng hóa tâm hồn hay sao mà cứ bám theo tôi, gọi tôi, rủ tôi gặp lại? Tâm hồn của những người bạn tù đã sống và cho đến bây giờ chắc nhiều người không còn nữa… Đất ấy cũng mang tiếng rì rầm của những buổi ngày xưa vọng nói về(2). Đất bắt rễ vào cuộc sống, vào thân thể, vào từng tế bào thần kinh gọi là số phận. Tôi không thể không nhớ đến các nhà tù trong cuộc tìm lại thời gian đã mất. Những nơi ấy thường xuyên trở về với tuổi già tôi như một ám ảnh tuyệt vọng. Tôi đã nhiều lần “khai báo” với cô nhà báo Vũ Thị Hải:
-Làm sao về được những nơi anh đã lang thang nhỉ? Trước khi chết thế nào anh cũng phải tìm cách trở lại những nơi ấy.
Hải hứa sẽ giúp tôi và đã thực hiện lời hứa đó. Hải là người bạn thân của cả gia đình tôi. Năm 2005, Vũ Thị Hải là nhà báo nổi tiếng nhất với những bài báo vạch trần các quan tham ăn đất, được chương trình “Người đương thời” của truyền hình Việt Nam mời lên ghi và phát hình. Hàng triệu khán giả, những người chỉ đọc cô, nghe nói đến cô đã được trực tiếp nhìn và nghe cô trên màn ảnh nhỏ.
Cuối năm 2006, một người bạn đã cho Hải mượn một chiếc xe bốn chỗ kể cả lái xe và ba chúng tôi, nghĩa là tôi, Hải và nhà thơ Vũ Thị Huyền lên đường đến trại Hoành Bồ, một trong nhiều trại tôi đã “sống”. Tôi chỉ nhớ được một địa danh để hỏi thăm đường: Trại Đồng Vải. Vì trại đặt tại xã Đồng Vải nên còn có tên gọi như vậy.
Trên đường tới Đồng Vải có một cái tên quan trọng khác: Trới. Hình như đây là huyện lỵ của Hoành Bồ. Tôi đã nghe vợ tôi nhiều lần nhắc tới địa danh này trong những lần “hồi ký cách mạng” về những chuyến lên thăm tôi. Và tôi cũng đã một lần từ Đồng Vải đến Trới, khi chúng tôi đi gánh than trong rừng đổ lên ô tô chở về trại.
Vậy là xe chúng tôi cứ bon bon tới Trới, một địa danh khá phổ cập.
Chẳng biết cái thị trấn Trới thời tôi đi tù như thế nào nhưng bây giờ nó đã được ngói hoá, bê tông hoá, có nhà nghỉ, có khách sạn, có quán ka ra ô kê, có nhiều biển quảng cáo và nhiều xe máy, xe ô tô đi lại trên đường nhựa. Một chiếc cầu bê tông bắc ngang qua sông Trới, một dòng sông nhỏ trôi xuôi.
Nơi đây xưa kia là bến đò, vợ tôi phải vượt qua mỗi lần lên trại thăm tôi. Vác chiếc xe đạp poóc ba ga nặng trĩu đồ tiếp tế, lội qua bãi phù sa vì nước ròng, con thuyền đỗ ghếch lên mép nước mãi xa, vợ tôi dưới bãi, ông lái đò trên thuyền cúi đỡ chiếc xe đạp lệch một bên vai nàng khi ấy mới ba mươi tuổi, đặt nằm trong lòng thuyền, rồi sau đó nắm chặt tay vợ tôi để vợ tôi đu lên, bàn chân bết phù sa trơn loạng choạng trượt trên ván thuyền. Sang bờ bên kia. Lại lội lại vác. Mặt trời chiều đã khuất sau rừng. Trời tối dần. Ông lái đò biết vợ tôi đang đến chốn nào, động viên: “Đạp nhanh không tối đấy.”
Tôi chưa đi đò Trới. Chưa vượt qua sông Trới. Cái hôm đi gánh than trong rừng kiếp trước ấy, chúng tôi được ra bờ sông Trới rửa mặt mũi chân tay. Dòng sông vẫn như hôm nay nhưng ngày ấy với chúng tôi là bao la, mênh mông, vô tận. Trời. Chiều. Mây. Gió. Nước. Suốt một ngày cuốc, xúc, gánh trong rừng thâm u không một gợn gió, làm việc thở ra mang tai, gánh than kéo mình xuống dốc phăng phăng, thấy gốc cây bị chém vát nhọn, vẫn cứ quăng chân vào, không tránh được. Mồ hôi. Muỗi đói. Ruồi vàng… Thế rồi là dòng sông mênh mông. Khoảng không cao rộng trời xanh choáng váng. Nhìn xuôi dòng típ tắp chân trời. Lội trên phù sa xoai xoải. Cho nước ngập đến gối, cho sóng ôm lấy bắp chân, cho sóng vỗ quanh đùi. Cho ngón chân bấm xuống, tận hưởng cảm giác mình ngâm trong nước mát, mình mọc lên từ bùn đất phù sa. Chưa hết. Trên đường về trại, một đồi sim ương ương bất ngờ hiện ra. Tất cả lao vào. Vặt. Nhai. Nuốt. Vừa vặt vừa kêu: “Vàng bò!” Khắp đồi vang lên những tiếng hò reo phấn khởi “vàng bò!” Đúng là sim chưa chín, mới vàng bò.
… Xe qua cầu và dừng lại. Để tôi đứng trên cầu chụp ảnh. Chụp ảnh nơi xa nhất tôi đã đi tới trong những ngày lao lý, nơi vợ tôi đã vượt qua trong những chuyến tiếp tế cho tôi. Hải, Huyền cùng chụp ảnh với tôi. Kỷ niệm của tôi cũng là kỷ niệm của hai em.
Xe lại đi. Đường nhựa mới làm rộng và phẳng. Thỉnh thoảng lại dừng xe hỏi những quán bên đường. Tất cả đều trả lời: Trại Đồng Vải vẫn còn (tôi chỉ lo người ta đã chuyển trại đi đâu đấy để xây dựng khu kinh tế). Một con đường nhựa mới mở với bốn làn đường xe chạy. Tôi đã trông thấy rừng. Rừng “nhấp nhô uyển chuyển giăng hàng” gói trong lòng nó biết bao nỗi niềm, bao tâm sự. Rừng vĩ đại im lặng không đe doạ tôi nữa mà đang chờ gặp lại tôi để chuyện cùng tôi. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”(3). Rừng đã che tôi suốt tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành thời chín năm chống Pháp và rừng đã vây tôi sau đó, khi tôi mới ngoài ba mươi tuổi, thời gian sung sức nhất, thời gian đam mê sống, mỗi giọt máu trong người đều căng tràn tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống và lòng quyết tâm thực hiện mơ ước của đời mình.
Nhưng tôi vẫn chưa nhận ra rừng của tôi. Rừng để sống và rừng để chết của tôi!
Gần bốn mươi năm trước, lần đầu tiên từ trại giam Hải Phòng về đây trên một thùng xe vải bạt che kín, nào nhìn thấy gì đâu bốn chung quanh. Chỉ có bụi đất đỏ cuộn lên phía sau xe, bám vào quần áo đầu tóc, mặt mũi. Và khi tới trại, nhận buồng, đặt nội vụ xong tôi được gánh đôi thùng làm bằng gỗ thông ngược ra ngoài trại, xuống suối gánh nước về cho anh em rửa mặt. Thật là một đặc ân. Sau một chuyến đi dài, được ngâm chân dưới suối, rửa sạch chân tay, vốc nước suối mát lạnh lên cổ lên mặt đầy bụi mới dễ chịu làm sao. Nhưng khi gánh trên vai hai thùng nước leo ngược dốc trại, loạng choạng run bắn, nhiều lúc muốn khuỵu xuống. Ngơ ngác tự hỏi vì sao, hai thùng nước này mình vẫn gánh chạy băng băng mà không biết rằng một năm rưỡi xà lim đã làm cơ bắp gân cốt mình nhão ra rồi.
Ngồi trên thùng xe phủ vải bạt không nhìn thấy chung quanh nhưng chắc chắn có một con đường đất đỏ, hai bên là cỏ may ngay dưới bánh xe lăn. Hôm gánh than gần Trới tôi đã đi và về trên con đường ấy. Khi được di lí về Hải Phòng tưởng sẽ được tha, ngồi ở thùng xe com măng ca Ru ma ni đít vuông, lại nhìn thấy những hàng cỏ may ven đường. Giờ đây tất cả là đường nhựa. Con đường nhựa này chạy đến đâu? Không thể nào từ Trới tới trại lại xa như thế. Hỏi. Hỏi những người phá đá, xay đá ven đường. Hỏi ô tô công an biển số Hà Nội đi ngược chiều. Cuối cùng tìm thấy lối rẽ. Một lối rẽ nhỏ, bình thường ít ai để ý. Lộ ra con đường rất hẹp. Rải đá. Có hai vệt nhẵn dành cho người đi và xe lăn bánh. Hai bên là cỏ may. Đúng con đường mình vẫn nghĩ về nó. Nhưng sao không thấy núi đá bên trái, nơi toán lò vôi vẫn làm việc. Dòng suối sâu bên phải có lẽ là đây. Sao suối nhỏ thế, lòng suối sâu và cạn thế? Đúng rồi! Đúng là mình đang trở lại chốn xưa rồi! Dưới lòng con suối cạn vắng vẻ và bẩn thỉu bỗng hiện ra hơn chục người đàn ông đang trần truồng tắm. Chỉ có thể là một toán hết thời gian lao động, tắm rửa trước khi về trại. Chỉ “chúng tôi” mới tắm ở con suối cạn tới đáy này, mới trần truồng chen chúc ở một nơi hoang vắng lộ thiên như vậy.
Tôi reo lên, chỉ tay xuống suối:
-Ta đây rồi!!
Và bảo hai cô bạn:
-Chính hắn đấy. Các em đừng ló mặt ra. Bọn hắn trông thấy, lên đuổi là không thoát được đâu.
Nói vậy. Để tự trấn tĩnh mình. Mong ước của tôi đang thành sự thật. Bao nhiêu kỷ niệm ập đến đè lên tôi nặng trĩu. Tôi vừa nhận ra vừa không nhận ra mảnh đất đã đầy đoạ tôi. Tất cả như một nơi hoang dại. Không có dấu vết của sự sống. Không còn ngọn núi đá bên này suối, nơi toán lò vôi vẫn xô thùng búa làm việc. Tôi bỗng nhớ đến Nguyên, tập trung hình sự, toán lò vôi, bị tai nạn khi nổ mìn phá đá hỏng một bên mắt, con mắt bị lép khiến khuôn mặt anh trông mới kỳ dị làm sao. Rồi nghĩ đến Lỷ Xìn Cắm có nụ cười thơ trẻ, nụ cười Hêmingwê khi trên xe đưa mắt tìm cái nghĩa địa tù bên suối. Không còn. Nói chung chẳng còn gì cả. Cả nhà gặp mặt, nhà hạnh phúc, nơi tôi đã được gặp vợ 24 tiếng. Dòng suối cũng sâu thế này. Hai vợ chồng tôi kẻ trước người sau, lần từng bậc xuống suối, rửa rau vo gạo. Được nhìn người vợ nhỏ bé, hiền thục và đau khổ của mình chuẩn bị bữa cơm, rồi nhặt nhạnh củi nhóm lửa trong bếp, giữa rừng già, ngồi sát bên nhau, ôm nhau nghe lửa reo, chờ cơm chín, rau sôi… Hạnh phúc đơn sơ làm sao, mong manh làm sao và đau đớn biết bao!
Xe đỗ ở cuối “con đường cỏ may”. Cạnh đó là chiếc cầu bê tông gẫy. Nối với “con đường cỏ may” là con đường mòn ven suối quanh co khuất sau rừng.
Tôi đã nhận ra! Tôi đã nhận ra tất cả! Dù đổi thay, dù đã gần bốn mươi năm, tôi đã nhận ra tất cả. Đúng. Đất này là đất của tôi. Trên đất này tôi đã từng chết trong khi sống.
Chúng tôi xuống xe. Tôi bảo Hải, Huyền:
-Chính xác đây rồi các em ạ.
Tôi đứng nhìn bao quát bốn chung quanh và khẳng định lại một lần nữa điều mình đã khẳng định. Nhưng tất cả đều như nhỏ lại. Núi thấp hơn, rừng bớt thâm u hơn. Suối không còn là suối mà chỉ là rãnh nước đầy rêu. Chúng tôi đi làm qua cái cầu xi măng này, một cái cầu xi măng cốt thép mà đổ gục xuống suối, thế đấy. Chẳng cái gì chịu được thời gian. Sáng sáng chúng tôi vẫn qua chiếc cầu này để đi làm. Vậy là vườn rau nơi toán tăng gia chúng tôi suốt ngày lê la nhổ cỏ, gánh nước tưới ngay bên tay trái tôi. Nhưng nơi trước đây là những luống rau muống vừa được tưới ướt đẫm chạy sóng hàng hay mênh mông rau cải chớm trổ hoa chỉ còn là một khu đất hoang cỏ mọc rậm rịt cằn cỗi. Ngược theo dòng suối này lên sẽ có một chỗ ngoặt. ở đó có những tảng đá cuội lớn bắc ngang suối dẫn tới vườn trong, nơi tôi được làm chân coi vườn khi di lí về Hải Phòng để được tha, nhưng rồi lại từ Hải Phòng trở lại trại để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người. Và con đường mòn từ một hẻm rừng xiên chênh chếch vào con đường xe chúng tôi vừa đi qua đã có một đàn bướm vàng bay, im lặng bay mất hút trong tán lá… Tôi giảng cho hai cô bạn gái về “lý lịch” những mảnh đất chung quanh tôi, về con suối dưới chân cầu, nơi chúng tôi vẫn tắm giặt trước khi về trại. Thật không ngờ nước cạn chưa đến mắt cá chân thế này mà chúng tôi vẫn tắm được.

Vũ Thị Hài, Bùi Ngọc Tấn, Huyền

Từ trái qua: Vũ Thị Hài, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thị Huyền, tài xế

Bên kia cầu là sân cơ quan. Nhà mới xây to đẹp hơn. Chúng tôi đi qua chiếc cầu gỗ mới bắc. Hải với vẻ tháo vát của một phóng viên xông xáo năng động, bước tới một buồng làm việc cửa mở rồi quay ra vẫy tôi và Vũ Thị Huyền. Đó là phòng làm việc của ông thượng tá phó giám thị. Lời đề nghị được thăm và làm việc của Vũ Thị Hải vấp ngay phải những nguyên tắc không thể đảo ngược mà ông thượng tá đưa ra. Nhưng Hải vẫn không hề tỏ ra bối rối:
-Em biết rồi. Tức là phải được sự đồng ý trực tiếp của anh …. cục trưởng C26 chứ gì. Chúng em cũng không có ý định làm việc ngay hôm nay. Chẳng qua là chúng em đi qua đây và vào liên hệ với anh trước thôi.
Hải giải thích về sự thông thạo của mình: “Em ở báo An Ninh Hải Phòng mãi mà. Anh cho em xin số điện thoại để chuyến sau em ra thì gọi điện báo trước…”
Trong khi Hải ghi số điện thoại của ông giám thị, tôi nói vui:
-Cố lên Hải ạ. Đừng để sểnh mất mẻ này nhé. Con cá này to đấy.
Ông thượng tá hiểu rằng tôi đang nói đến chuyện chồng con của Hải. Tất cả cùng cười. Không khí đã có vẻ thân mật, chan hoà. Khi Hải ngỏ ý được đi tham quan bên ngoài trại, ông giám thị ngần ngừ một thoáng rồi thân dẫn chúng tôi đi. Thế là tôi được bước những bước trên khu tử địa của tôi.
Cái sân khu cơ quan vẫn như trước và tôi nhận ngay ra nó khi nhìn thấy dẫy nhà làm việc cũ ở phía sau sát sườn núi. Vậy là “trại giam của tôi” ở trên lưng chừng ngọn núi trước mặt kia. Nhưng sao không thấy nó? Tôi rất muốn đi về phía ấy, nhưng ông giám thị dẫn chúng tôi đi ngược dòng suối mà bên kia suối là con đường vào trại chúng tôi vừa đi qua. Tôi biết những gì đã tồn tại ở phía bên ấy, chỗ nào đã từng là nhà gặp mặt, nhà hạnh phúc, chỗ nào đặt máy phát điện. Và mãi tôi mới nhớ ra nơi ngổn ngang nguyên vật liệu xây dựng, đá hộc, sắt thép chúng tôi đang đặt chân lên đây là khu làm việc của các toán quản chế: mộc, rèn, may ngày trước. Giăng, Giả Phỉ, Dũng cốc, Dũng chầy, Minh ba đen, Tuất ba tai… ngày ngày tới làm trên đúng mảnh đất này.
Một cổng trại to lớn và một nhà tù với tường đá cao vút hiện ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi đi theo ông giám thị vào khu vực sẽ là trại giam. Một công trình đang xây dựng dở dang. Đã hoàn thành một khu buồng giam, có hàng rào sắt vây quanh và trên mảnh sân nhỏ phía trong hàng rào sắt tôi thấy một đám tù nhân đang ngồi gục đầu phơi nắng.
Chúng tôi xin phép chụp bức ảnh kỷ niệm ở cửa tam quan và được ông đồng ý. Rồi chúng tôi mời ông chụp ảnh với chúng tôi. Hải nói với ông:
-Anh đã ở đây hai mươi năm rồi cơ à? Em chia buồn với anh phải chịu “án chung thân”.
Tất cả cười. Đó là một sự chia sẻ với ông, với việc đã hai mươi năm ông sống tại chốn rừng sâu heo hút này và không biết còn ở đến bao giờ. Nhiều “ông quản giáo” trẻ cũng đã nhận ra Vũ Thị Hải. Họ bảo Hải:
-Em nhận ra chị rồi. Trên ti vi. Trong chương trình Người Đương Thời.
Điều đó tạo thêm thuận lợi cho chúng tôi. Với lại chỉ có nơi chúng tôi vừa đến (một trại giam đang trong giai đoạn xây dựng và đã có một số ít tù nhân) là quan trọng. Còn tất cả là một con suối cạn, những cánh rừng vây quanh, và con đường độc đạo, không một bóng người, cả quản giáo lẫn tù nhân, chẳng có gì phải giữ gìn, cảnh giác.
Đã tới chỗ ngoẹo suối, nơi lòng suối rộng ra, sâu hơn, cầu rửa của nhà bếp, nơi mỗi năm một lần buộc lũ trâu già chờ giết thịt đón tết. Suối cạn, rêu xanh, chiếc cầu gỗ bắc ngang suối để chúng tôi đi về không còn nữa, thay vào đó là một con đường đá vắt ngang như một cái đập nhỏ. Đúng là trại giam chúng tôi ở lưng chừng ngọn núi trước mặt rồi. Nhưng chỉ còn một chòi gác nhô lên rất cao vượt trên tán lá rừng là cái mốc để tôi định vị. Mà rừng ở đấy cũng như tất cả rừng vây quanh không còn là rừng đại ngàn nguyên sinh uy nghiêm tuổi tác rêu phong ẩm ướt chằng chịt dây leo gai góc hăm doạ nữa. Rừng trồng. Một mầu xanh dịu của những cây keo đã trưởng thành đều tăm tăm. Những tán rừng xanh thẫm của cành lá cổ thụ vươn lên, nhoai ra chen nhau nhấp nhô trên nền trời đã biến mất hoàn toàn. Mấy chục năm qua người ta đã đủ thời gian để triệt hạ cả một dải rừng Đông Bắc. Nhưng tôi vẫn nhận ra cái dốc cao sau trại, cái dốc cao nhất, cái dốc cuối cùng trên đường gánh phân từ nhà bò trở về, một bên là vực sâu, một bên là hàng rào trại giam cao vút, tiếng chân lên dốc chạy gằn từ gót dội lên mang tai, mồ hôi dính áo, Lê Bá Di đã hào phóng tặng tôi một bãi phân trâu ở lưng chừng dốc bên kia.
Cái hàng rào vĩ đại quanh trại cũng không để lại dấu vết, cái hàng rào làm bằng những thân cây trồng ken sít nhau. Cũng phải thôi. Gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Bao nhiêu thời gian. Bao nhiêu mưa nắng… Lớp tù ngày ấy đến bây giờ còn sống những ai. Minh Ba đen. Nguyễn Đình Thi, Hỉn Sán. Cắm Xìn. Voòng Kỷ Mình, Chí Lồng Sếnh, Tằng Sình Quay, Voòng Sình Hắm… Cái nhà kho. Mảnh sân vôi trước cửa kho nung nóng không kém chảo rang, chiều tháng sáu hầm hập, mồ hôi từ cằm từ lông mày, rỏ xuống sân khô ngay. Tôi và Voòng Kỷ Mình ngồi xổm nhặt những hột lạc rơi vãi cho vào lồ. Kỷ Mình bảo tôi:
-Đi tập trung cải tạo khó lắm a Tấn à…
Có lẽ cái đám ấy chết gần hết rồi. Trừ Giả Phỉ, Minh Ba Đen là kém tuổi, số còn lại đều hơn tuổi mình. Ngay cả đám trẻ nữa. Như Đỗ Lương, như Giăng. Cũng đã chết rồi. Người chết trên biển khi vượt biên. Người chết khi ngồi ô tô đi chơi Đà Lạt… Chả biết đâu mà lường. Mình còn sống đến bây giờ là lãi rồi. Đến được đây một lần. Toại nguyện.
Hải bảo tôi:
-Anh cúi xuống như là rửa tay ở chỗ nhà bếp làm thịt trâu đi. Để em chụp ảnh.

Bùi Ngọc Tấn

Bùi Ngọc Tấn

Bùi Ngọc Tấn

-Anh nhìn về phía vườn trong để em chụp.
Tôi làm theo mọi “mệnh lệnh” của Hải rồi đứng lặng nhìn trời nhìn đất, nhìn rừng, nhìn suối. Bốn mươi năm. Cảnh xưa không còn, người xưa không còn. Một nỗi buồn dâng lên trong tôi. Những gì tôi ghi xương khắc cốt và quan trọng đến thế đối với cuộc đời tôi chỉ còn trong suy nghĩ. Thời gian đã xoá đi tất cả. Không như mình vẫn đến với nó đêm đêm.
Có lẽ tôi là người duy nhất trong số cả ngàn anh em tù ngày ấy hôm nay trở lại chốn này. Ngoài tôi, có ai biết cái nơi đã từng ngấm đắng cay đau đớn vào máu thịt mình, vào từng tích tắc đời mình thay đổi thế này không. Biến mất rồi rừng của tôi, buồng giam của tôi, trại tù của tôi, những bạn tù, những ông quản giáo, những ông giám thị của tôi. Biến mất rồi nơi xẩy ra cuộc chết của tôi và cuộc chết của biết bao người. Không một dấu vết còn lại để những người sống hôm nay biết và nhớ lấy. Gió vẫn thổi. Trời vẫn mây. Rừng vẫn xanh. Nhưng trời, mây, gió, rừng đều đã đổi thay, hơn nữa rừng gió trời mây đều không ký ức. Thời gian sẽ nuốt chửng tất cả. Những tốt đẹp và những thối nát. Những chân thành và giả dối lừa mị. Những tiếng cười đắng cay. Những hy vọng và tuyệt vọng. Thời gian đã nuốt nhiều người trong số chúng tôi và sẽ nuốt tất cả vào cái dạ dầy không đáy của nó. Mà cuộc sống của chúng tôi đáng được mọi người biết đến. Nó cần được lưu giữ trong ký ức cộng đồng như bao điều cần được lưu giữ trong ký ức dân tộc!
Thật may. Tôi cũng còn vớt vát được chút ít. Rất ít. Trong tiểu thuyết. Và mấy cái truyện ngắn. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.
Đứng bên cạnh tôi, Vũ Thị Hải khe khẽ.
-Em sẽ đưa anh lên Vĩnh Quang. Nhưng phải đợi đến mùa xuân…
Tôi nắm tay Hải thay lời cảm ơn.
Vĩnh Quang, một trại nữa đang chờ tôi trở lại.
B. N. T.
(Bản gốc bài viết trên báo Lao Động số Xuân Giáp Ngọ)
(1) Thơ Chế Lan Viên
(2) Thơ Nguyễn Đình Thi
(3) Thơ Tố Hữu

 

Để đừng quên

Để đừng quên

Jean-Pierre Han

Dịch giả: Dương Tường

 

Đôi lời của Phạm Toàn

“Để đừng quên”. Quên làm sao được? Quên làm sao cho được!

Những gì ta đã trải, ta đã làm, ta đã yêu thương và thất vọng, làm sao ta quên cho được? Tôi còn đồ chừng rằng, ngay bọn ăn cắp của công (bây giờ gọi bằng bọn quan tham hoặc bọn tham nhũng) thì chúng cũng không bao giờ quên tội ác của chúng. Nhưng cái không quên trong sợ hãi nơm nớp của chúng hoàn toàn khác với cái không thể nào quên thanh thản của nhà văn. Bùi Ngọc Tấn không quên những nỗi đau mà anh trải qua, nhưng anh không hằn thù. Lấy gì làm bằng? Lấy cái giọng văn còn biết cười còn biết đùa cợt còn biết nheo mắt làm cái mốc đo sự cao cả của con người – của nhà văn – của Bùi Ngọc Tấn.

Bọn ăn cắp, bọn phá biểu tình chống Tàu, bọn bắt nạt Phương Uyên và Nguyên Kha, bọn vu cáo Hải Điếu Cày và Lê Quốc Quân, bọn thu gom dân khiếu kiện giữa đêm lạnh, bọn ép cung, bọn xử án theo những bản án bỏ túi, bọn ôm chân thằng Lý Cường (con hoang của thằng Bá Kiến dân gọi bằng Bá Cường Bắc Kiến) hè nhau đi hạ cờ tang ngay khi đám tang tướng Giáp còn đang tiến hành… bọn đó mới sợ ký ức.  

Còn đây, chúng ta, những người phanh ngực đi trong gió, chúng ta đi cùng ký ức Bùi Ngọc Tấn trong Chuyện kể năm 2000  được bạn Tuấn dịch cực kỳ hào hoa thành Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau và chúng ta không quên – dĩ nhiên, không quên không cùng nghĩa với hằn thù và báo thù. Cũng như Bùi Ngọc Tấn, chúng ta chỉ cần khai sáng thôi. Dân tộc này vẫn còn cần được khai sáng.

Phạm Toàn

 

Những nhà văn Việt Nam của thế hệ mới, những Nguyễn Việt Hà, Thuận hay Phong Điệp (để chỉ kể ngần nấy người) dù đã muốn coi nhẹ quá khứ của đất nước mình – cái đất nước mang trên mình vết sắt nung đỏ của những tàn khốc chiến tranh và những hậu quả của chúng – để có thể kể về thời hiện tại, cũng chẳng thay đổi gì được, quá khứ vẫn trở về và không ngừng trỗi dậy trở lại theo đà các xuất bản phẩm. Tình hình ấy càng mập mờ đối với độc giả Pháp vì các nhà xuất bản, như chúng ta biết, không nhất thiết ấn hành các bản dịch theo đúng thứ tự chúng ra mắt trong ngôn ngữ gốc. Vậy nên một trật tự niên đại văn học khác được thiết lập, có thể sinh chuyện.

Thành thử giờ đây, ra đời một cuốn sách – và dĩ nhiên, ta chỉ có thể lấy đó làm mừng – Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau[1], một cú bất ngờ hoành tráng của nhà văn tám mươi tuổi Bùi Ngọc Tấn, nổi tiếng và được công nhận ở Việt Nam hiện nay và cả ở bên ngoài – ông đã được tặng nhiều giải thưởng chính thức, nhưng không phải vì thế mà ông không bị rắc rối với các nhà cầm quyền nước ông trong một thời gian dài, rắc rối đây chỉ là một uyển ngữ. Chuyện kể năm 2000 được viết vào cuối thế kỉ vừa qua, từ những năm 1990. Bản thảo chạy vòng các nhà xuất bản cho đến khi một trong số đó, NXB Thanh Niên, đánh liều ấn hành vào năm 2000, sau khi đã xin được giấy phép. Kết quả đến nhanh chóng: cuốn sách bị tiêu huỷ theo nghĩa đen, nhưng Giám đốc nhà xuất bản không bị làm khốn đốn.

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Đọc cuốn tiểu thuyết này – tác giả nói rõ rành đây là một cuốn tiểu thuyết – người ta dễ dàng hiểu tại sao cái câu “chuyện kể năm 2000” này (đầu đề tiếng Việt của cuốn sách) là chuyện kể rất tỉ mỉ của một anh chàng Nguyễn Văn Tuấn nào đó, trong sách được gọi là “hắn”, có thể coi là bản sao của tác giả, nhà báo và nhà văn trẻ, cũng như ông hồi đó, “cây bút (đã) nổi tiếng trong số các nhà văn trẻ cả nước”, một sự nghiệp sáng sủa mở ra trước mặt hắn cho đến khi hắn bị bắt, đưa đi trại cải tạo vì cớ một trong số bản thảo của hắn đã phê phán chế độ. Điều mà hắn không ngừng phủ nhận – hắn không chịu nhận một lỗi mà hắn không bao giờ phạm – dù phải chịu án tù kéo dài thêm; hắn bị chuyển từ trại này sang trại khác trong 5 năm, từ 1968 đến 1973. Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp) giờ đây ra mắt hai năm sau Biển và chim bói cá, một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời khác của Bùi Ngọc Tấn, mà chúng tôi đã hết sức ca ngợi cũng ở đây (LF, 90, tháng 2 năm 2012). Vậy là có sự đảo ngược các sự việc được kể và cũng có một sự triển hoá trong kỹ thuật tiểu thuyết của tác giả, do đó có thể bị che khuất. Nhưng, như cái công thức được thừa nhận nói, độc giả sẽ khôi phục trật tự niên đại của các sự kiện.

Điều đó không mảy may làm mất đi sức mạnh của Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp), vả chăng, cách dịch mới của nhan đề (Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau) đã là một khởi đầu bình luận về tác động của cuốn sách và về tầm quan trọng mà người ta muốn tiên đoán cho nó, hay chí ít, người ta muốn nó đạt được. Đó là đặt cuốn sách lên một bình diện tinh thần, hay thậm chí, mẫu mực tinh thần. Điều mà tác giả (qua trung gian bản sao của mình, người kể truyện) cố sức phủ nhận suốt những trang sách. Thậm chí sự phủ nhận quyết liệt ấy làm nên toàn bộ giá trị của cuốn sách, toàn bộ tính nhân văn của tác phẩm. Nó cũng mang lại cho tác phẩm tính tổng thể của nó. Bởi vì câu chuyện về những năm “cải tạo” khủng khiếp ấy được kể, dĩ nhiên là với rất nhiều chi tiết, nhưng bằng một giọng đều đều, hoàn toàn không gây chút hiệu quả kịch tính nào và tránh cả đến vi lương nhỏ nhất của hận thù. Vả chăng, người kể truyện nói rõ rằng hắn không nhằm lên án hệ tư tưởng cộng sản. Bản thân hắn, hồi trẻ măng, đã gia nhập quân đội giải phóng, chiến đấu chống Pháp và đến giờ, vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Hắn xuất thân từ một gia đình những người hoạt động danh gia, “một gia đình chiến sĩ cách mạng từ trước khi cách mạng nổ ra và đã được tặng bằng ‘có công với Tổ quốc’ ”, điều khiến cho việc hắn bị kết tội, do hiệu quả tương phản, càng kinh khủng. Dĩ nhiên, nhân cuốn sách-lời-chứng này, người ta không khỏi gợi đến  Quần đảo Goulag của Soljénitsyne. Nhưng ngoài việc câu chuyện này là một tiểu thuyết, chứ không phải là một “khảo luận điều tra văn học”, vì cuốn sách của tác giả người Nga “không có nhân vật, cũng không có những sự kiện hư cấu”, nên Bùi Ngọc Tấn ưng đặt mình dưới lá cờ của Dostoïevski hơn, lá cờ Nhật ký ngôi nhà những người chết, như ông đã nhắc lại nhiều lần.  Vả lại, câu chuyện về những năm tù thật sự chỉ chiếm có một nửa tác phẩm (tức là không đầy 400 trang), toàn bộ phần hai kể lại sự cố gắng trở lại một cuộc sống bình thường mà không thể được. “Hắn sống trong hiện tại mà luôn luôn nghĩ về quá khứ, về những ngày trước khi bị bắt, về những ngày ở tù, đầu óc hắn lang thang từ hình ảnh này sang hình ảnh khác”. Từ hiện tại cũ của cái “lò luyện những tâm hồn” là những năm tù, người ta chuyển qua những cố gắng không ngừng trở lại quá khứ, và qua những khó khăn để sống cái hiện tại mới và, tệ hơn nữa, hình dung “những thế kỷ mai sau”. “Cái la bàn của tâm trí hắn, bất kể hắn nghĩ gì, cuối cùng, bao giờ cũng xoay trở về nhà tù”.

Thận trọng tránh mọi lâm li, Bùi Ngọc Tấn viết ở tầm cao con người, từ ngòi bút của ông, hiện lên cả một thế giới đầy những con người (ắt phải mất không dưới bốn trang gênêric để kể hết tên của họ), được khắc hoạ một cách không thể quên, trong khi ở chính giữa câu chuyện tối đen này, đột hiện lên những trang đẹp lạ lùng. Sống và rung động. Và người ta không thể quên những nhìn nhận và mô tả, rất nhiều, riêng biệt về người vợ của người kể truyện, những mô tả đầy âu yếm và tình yêu. Nói gì đây về một cuốn tiểu thuyết kinh hoàng, bắt đầu, bất chấp tất cả, bằng những câu như sau: “Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”. Vậy thì: toàn bộ những trang này, toàn bộ tác phẩm này, là để đừng quên, hay đơn giản là để mở những cánh cửa ra “những thế kỷ mai sau”.

J.P.H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BôxitVN

Nguồn bản gốc: Phụ lục L’Humanité 10/10/2013

 


[1] Bản dịch tiếng Pháp Chuyện kể năm 2000 lấy tên là Conte pour les siècles à venir.