Trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn

dutule.com (ngày 18 tháng 7-2010):

Đi tiếp con đường vạch ra, là chiếc cầu nối giữa người đọc và người viết, giữa tác giả thứ nhất (nhà văn) và độc giả (tác giả thứ hai,) hôm nay, chúng tôi trân trọng kính mời thân hữu cùng chúng tôi đi giữa những giòng chữ của cõi giới văn xuôi Bùi Ngọc Tấn – – Tác giả tác phẩm nổi tiếng “Chuyện kể năm 2000” – – Một tác phẩm đã được dịch sang Anh ngữ, bởi dịch giả Đào Phụ Hồ (Úc châu,) hiện đang lên khuôn tại một nhà in ở Đài Loan.

Là cuộc chơi chung, nên, cũng như những hạnh ngộ trong quá khứ, xin quý thân hữu cho phép chúng tôi được nhắc lại một vài nguyên tắc căn bản như:

1- Ban biên tập trang nhà dutule.com dành quyền từ khước những câu hỏi liên quan tới chính trị. (Hoặc)

2- Những câu hỏi có thể đưa tới ngộ nhận hay, tranh cãi không cần thiết.

3- Trường hợp nhiều câu hỏi có cùng một nội dung, được gửi tới bởi nhiều thân hữu khác nhau, chúng tôi sẽ gom thành một, với ghi chú danh tánh những người hỏi.

4- Bạn đọc có thể hỏi nhà văn Bùi Ngọc Tấn bất cứ một câu hỏi nào liên quan tới tác phẩm, bút pháp, kinh nghiệm, thói quen…thậm chí các nhân vật (thật / giả) trong những tác phẩm của ông.

5- Để tiện việc cho cả hai phía, chúng tôi sẽ tập trung từ 3 đến 5 câu hỏi của thân hữu trong mỗi lần chuyển cho tác giả “Chuyện kể năm 2000”. Và họ Bùi cũng sẽ trả lời, một lần, tất cả những câu hỏi đó, cho chúng ta.

6- Nhân đây, chúng tôi cũng xin bạn đọc, thân hữu cho chúng tôi biết, những tác giả quý vị muốn chúng tôi thay mặt, mời họ “trò chuyện” với chúng ta, trong những ngày trước mặt…

7- Khi số lượng đề nghị của quý thân hữu đủ nhiều, chúng tôi sẽ thay mặt quý vị, cố gắng liên lạc với tác giả đó.

Dám mong bạn đọc, thân hữu hưởng ứng cuộc hạnh ngộ mà chúng tôi quan niệm, như một nỗ lực đi tìm mối tương quan hữu cơ giữa người viết và, người đọc vậy.

8- Thư từ xin gửi về dutule@dutule.com

Trân trọng,
Ban biên tập trang nhà dutule.com


Du Tử Lê – Bùi Ngọc Tấn

Toan Nguyen – Houston
Thưa ông, nếu chúng tôi muốn biết tiểu sử của ông một cách chi tiết nhất mà ông có thể cho, nghĩa là không gây khó khăn gì cho ông, được không ạ? Chi tiết hiểu theo nghĩa từ nơi sinh, tới tuổi thơ, niên thiếu, trưởng thành v.v..

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:

Không có gì gây khó khăn cho tôi đâu bạn Toan Nguyen ạ.

Tiểu sử của tôi rất đơn giản.Tôi sinh ngày 3-7-1934 trong một gia đình địa chủ nhỏ (hình như bố mẹ tôi có hơn 10 mẫu ruộng, tôi không biết rõ). Ngày sinh cũng không biết là ngày tây (dương lịch) hay ngày ta (âm lịch). Bố mẹ tôi có 4 con trai, tôi là út. Anh cả tôi (Bùi Ngọc Châu) và anh thứ ba tôi (Bùi Ngọc Chương) đã mất. Còn lại anh thứ hai (Bùi Đức Thành) và tôi. Các cháu nói: Hai ông vần C đã mất. chỉ còn lại hai ông vần T.

Hiển nhiên là Thần Chết đang chĩa họng súng bắn tỉa vào tôi (đã gần 80 tuổi). Nhưng tôi bảo ông ta: Khoan cho mình ít năm. Mình còn một số việc phải làm. Mong là ông ta chấp nhận lời đề nghị của tôi.

Như nhiều gia đình địa chủ và tư sản cũng như nhân dân ta hồi năm 1945, bố mẹ tôi, và chúng tôi đến với cách mạng với lòng khát khao độc lập tự do (Đến bây giờ lại càng khao khát tự do hơn). Bố tôi làm chủ tịch xã khi cách mạng thành công và làm chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng, tôi theo bố mẹ tôi tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Tôi học giỏi: Thi tiểu học, đỗ đầu liên khu Việt Bắc. Phần thưởng là một chiếc cặp da do thầy Hoàng Ngọc Phách, nhà tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta, tác giả Tố Tâm, giám đốc sở Giáo dục Liên khu tặng.

Suốt thời gian học trung học, tôi đều nhất lớp, được học bổng toàn phần..

Năm 1954, tôi vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô.

Cuối năm 1954, hết đợt tiếp quản tôi từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về báo Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) làm phóng viên..

Cuối năm 1959, nghe theo lời khuyên của Đảng, tôi chuyển về báo Hải Phòng, thành phố quê hương, thâm nhập công nông để “viết tác phẩm của đời mình”. Tháng 11 năm 1968 tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo đến tháng 4 năm 1973 thì được tha. Thật chẳng ngờ tôi đã phải sống cạn một kiếp tôi để rồi viết về chính nó, báo Tiền Phong đã đăng câu này trong một bài trả lời phỏng vấn của tôi.

Thất nghiệp 2 năm, đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng Sản VN thành phố Hải Phòng, tôi được đi làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 -1995 cho tới hôm nay. Trong thời gian thất nghiệp tôi đã trải qua các nghề: Bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò và cả… viết chui để kiếm sống.

Oanh Kim

Nghiệp văn đến với ông ra sao, thưa ông? Tôi muốn hỏi trường hợp nào? Hay cách khác, văn chương chọn ông hay, ông chủ động chọn văn chương? Nếu ông là người tìm đến với văn chương thì xin ông cho biết tại sao là văn chương mà không là một ngành văn học, nghệ thuật nào khác?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:

Tôi là một đứa trẻ hơi khác thường. Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã nghĩ mỗi ngày qua đi là một ngày mất đi, mất hẳn, là một ngày không trở lại. Tôi rất mê say thiên nhiên. Những buổi sáng hè, từ trong nhà bước ra khỏi cổng, cả một khu đầm nước mênh mông bàng bạc, dìu dịu trước mặt tôi, gió thổi gợn sóng đưa hơi mát đến tôi, ép lá tre vào lũy tre nhà tôi, một lũy tre ken dầy với những dây lạc tiên đeo quả có những cái áo mỏng như đăng ten. Tôi rất muốn nói lên cảm xúc của mình về những ngọn gió ấy, về những tia sáng đầu tiên của mặt trời vút vào lũy tre mà tôi nhìn thấy. Đúng là ngày ấy tôi đã nhìn thấy những tia sáng mặt trời đầu tiên vút vào lũy tre.

Quá khứ, nhất là quá khứ tuổi thơ bao giờ cũng có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp đến nao lòng luôn ám ảnh tôi. (Có lẽ vì vậy mà họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã viết: Bùi Ngọc Tấn đắm đuối với cuộc sống, còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cảm hứng sáng tác của tôi là “đi tìm thời gian đã mất”.)

Lớn lên, đọc những Sách Hồng, những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, đọc những câu đối, những bài thơ trong sổ tay của bố tôi, những Khóc Dương Khuê, những Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng- Trăng nhòm cửa sổ mắt trăng vuông… tôi hiểu thêm vẻ đẹp của ngôn ngữ. Các thầy dạy văn thời phổ thông trung học, các bạn học có máu văn chương (như Lê Bầu chẳng hạn) đã góp phần lớn vào máu mê ham thích văn chương của tôi.

Cuối cùng, khi đã đi làm báo, viết văn, tôi thêm yêu thích nó, vì viết văn là sáng tạo. Hơn nữa đây là công việc khiến mình được đánh giá, định vị hoàn toàn bằng năng lực của mình, bằng giá trị tự thân, không phải bằng đầu gối, nịnh bợ hay nhờ cậy công nghệ lăng xê. Nghệ thuật là một cái gì dìm không xuống, kéo không lên. Nó mang trong nó một giá trị bất khả xâm phạm. Chỉ sợ mình không làm được nghệ thuật đích thực.

Với lại Kim Oanh ạ (tôi chắc lên Việt Nam của Oanh Kim là thế, không biết có đúng không?) chỉ có nghệ thuật mới lưu giữ được mãi vẻ đẹp của cuộc đời, của con người. Nếu cụ Thuý Kiều còn sống đến hôm nay chắc chúng ta khó mà hình dung được sự tàn tạ của cụ, nhưng Nguyễn Du đã làm cho cô Kiều trẻ trung xinh đẹp mãi, sống mãi trong tâm trí chúng ta. Nghệ thuật chống lại cái chết là như vậy.

Như đã nói ở phần trên, hình như tôi đã tìm đến với văn chương. Tôi đến với văn chương mà không đến với các ngành nghệ thuật khác, có lẽ trước hết ví những sổ tay của bố tôi, vì những bài hát ru của mẹ tôi. Nó cho tôi thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ. (Bao giờ đọc những câu ca dao như : Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân . Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…, tôi cũng thấy xúc động.) Đó là những vật liệu sẵn có trong nhà tôi, một cậu bé sống ở nhà quê, gần như không có điều kiện tiếp xúc với các bộ môn sang trọng khác như hội họa hay âm nhạc chẳng hạn. Nhưng không biết nếu gia đình có một ông anh hay bà chị là nhạc sĩ, hay họa sĩ, tôi có theo nghề của họ không?

Với tôi chỉ có văn xuôi mới nói hết được những gì tôi lưu luyến với cuộc đời này. Ngay cả thơ cũng là bất lực.

Thiện Tâm – Việt Nam

Tôi xin thú thật rằng, tôi chỉ biết đến tên ông, đọc và quý trọng ông, qua tác phẩm “Chuyện kể năm 2000.” Nếu tôi muốn tìm đọc thêm một tác phẩm nào khác của ông thì tôi phải làm sao?, và xin ông cho biết tôi nên đọc cuốn nào? Có thể tìm thấy ở đâu?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:

Cảm ơn bạn đã dành thiện cảm với tập tiểu thuyết CKN2000 và với tác giả của nó. Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1954 khi tôi tròn 20 tuổi. Cuộc đời viết văn của tôi chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 1954 tới tháng 11-1968, nghĩa là tới khi tôi bị bắt. Cũng đã in được một số truyện ngắn, có 3 tiểu thuyết sắp sửa trình làng, 2 kịch bản phim chưa quay nhưng đã ký hợp đồng với Cục Điện Ảnh và đã được tạm ứng 1 phấn 3 tiền nhuận bút… thì bị tịch thu khi tôi bị bắt.

Những sáng tác này đều theo trường phái “tụng ca”, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ. Nhưng đó là sự ngây thơ chân thành của một thời.

Năm 1990 tôi bắt đầu viết trở lại sau khi đã ngừng viết 22 năm. Tập sách đầu tiên tôi in là tập hồi ký “Một Thời Để Mất” xuất bản năm 1995, viết về Nguyên Hồng và thế hệ viết văn chúng tôi.

Từ bấy đến nay, tôi đã xuất bản các tập sách sau đây: Những người rách việc (truyện ngắn – 1996) Một ngày dài đằng đẵng (truyện ngắn – 1999) Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết – 2000) Rừng xưa xanh lá (Chân dung văn học – 2002) Biển và chim bói cá (tiểu thuyết – 2008) Người chăn kiến (tuyển truyện ngắn– 2010). Các tập này đều đã tái bản nhiều lần. Hiện chỉ còn hai tập Biển và chim bói cá (in lần thứ 2) và tập Người chăn kiến đang bầy bán ở các hiệu sách trong nước Việt Nam.

Có một trang web bạn đọc làm cho tôi: http://www buingoctan.info/ Bạn có thể tìm ở trong đó một số sáng tác của tôi cùng với những thông tin về tôi.

Kim Hằng

Tôi được biết tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” của ông đã được chuyển ngữ, qua tiếng Anh. Tôi không biết bao giờ thì bản Anh ngữ phát hành. Nhưng vẫn xin hỏi ông: Ông chờ đợi những gì nơi ấn bản Anh ngữ ấy?  

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:
Theo dư luận chung (trong nước cũng như ngoài nước) Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) là một sáng tác xứng đáng được dịch và giới thiệu ra nước ngoài.

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam (dịch thuật) do Nhà nước VN và Hội Nhà Văn VN tổ chức hồi đầu năm với 300 đại biểu trong nước và nước ngoài, tôi có được ông phó giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn giao nhiệm vụ viết kỷ yếu để giới thiệu trong hội nghị, nhưng rồi kỷ yếu không được in và tôi cũng chẳng được mời.

Tôi rất phấn khởi với việc CKN2000 được dịch sang tiếng Anh, vượt qua được rào cản ngôn ngữ.

Tôi chỉ mong bản dịch chuyển tải được nguyên bản, và bạn đọc nước ngoài đọc A Tale For 2000 chia sẻ với nó như người đọc VN đọc CKN2000. Công chúng Mỹ sẽ hiểu thêm về cuộc sống Việt Nam và văn học Việt Nam. (Rồi từ tiếng Anh, CKN2000 sẽ được hiện diện bằng những ngôn ngữ khác. Tôi vốn là người hay thả cho ước mơ bay bổng, không có điều này chắc tôi khó sống được đến ngày hôm nay.) Đó là một thắng lợi không chỉ của riêng tôi mà còn của văn học của sự thật, văn học của nỗi đau con người, là một hạnh phúc mà tôi ao ước.


Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn, vợ và hai con

Thieu Anh Nguyen

Nhiều người cho tôi biết ngay sau khi tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” ra đời thì nó đã bị chính quyền ra lệnh tịch thu. Nhưng sau đó, nó lại được phép lưu hành. Nếu tin tức này đúng thì câu hỏi của tôi là sự cho phép vừa nói là chính thức hay chỉ hiểu ngầm? Vẫn trong tinh thần đó, tôi cũng xin được hỏi thêm rằng, đó là cuốn sách in lần đầu hay tái bản?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:

CKN2000 được nhà xuất bản Thanh Niên (cơ quan của Trung Ương đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) xuất bản tháng 2-2000, chưa được phát hành, còn đang trong thời gian lưu chiểu đã bị thu hồi tiêu huỷ như trong quyết định của Cục xuất bản (bộ Văn Hoá Thông Tin).
Từ bấy cho đến nay nó chưa hề có quyết định được phép tái bản hay lưu hành (cả chính thức bằng văn bản hay hiểu ngầm, hoặc bằng lệnh miệng).
Tôi đã nhiều lần làm văn bản đề nghị Bộ Văn Hóa Thông tin, Hội Nhà Văn tổ chức hội thảo, nhưng tất cả đều rơi vào “sự im lặng đáng sợ”.
Tuy nhiên nó vẫn được in “chui”, được sao chép và lưu hành rộng rãi. Chỉ một người bán sách vỉa hè cũng đã bán được gần 1000 bộ. (Tháng 4 năm 2010 một bạn đọc đến nhà, tặng tôi một bản và nói rằng anh ta đã mua 30 bộ trong thời gian mới có quyết định cấm mười năm trước.)
Như vậy ở trong nước CKN2000 chính thức chỉ được nhà xuất bản Thanh Niên in một lần với số lượng ghi ở cuối sách 1500 bản và đang chuẩn bị in nối bản thì đã bị thu hồi tiêu huỷ.

Thanh Nguyen

Thưa nhà văn, tôi có nhiều hơn một câu hỏi, trong một câu hỏi. Tuy nhiên, tôi cứ ghi xuống và nhờ web-site dutule.com chuyển cho ông. Rất mong ông dành chút thì giờ quý báu, trả lời những câu hỏi nhỏ của tôi.
Đọc truyện “Chuyện kể năm 2000” của ông, tôi hiểu nó như một thứ “hồi ký” trong tù của ông. Những câu hỏi nhỏ của tôi là:
– Ông viết nó trong bao lâu sau khi ra tù?
– Viết trong những điều kiện như thế nào?
– Viết xong ông đưa nhà xuất bản ngay hay đợi một thời gian?
– Ông có cho một người thân nào đó, đọc trước bản thảo của mình? Nếu có, thì người ấy đã nói gì với ông, sau khi đọc?
– Ông có bao nhiêu phần trăm tin tưởng sách của ông sẽ được in trước khi đưa cho nhà xuất bản?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:

Theo tôi hiểu, hồi ký là một thể loại mà các nhân vật phải có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể. Các sự việc phải chính xác mà không thể hư cấu. CKN2000 là một quyển tiểu thuyết mang đậm chất tự sự. Nó in dấu ấn cuộc đời tác giả tức là tôi, gần như không thêm bớt, nhưng nhiều nhân vật trong đó là tổng hợp của các mẫu người khác nhau. Chẳng hạn như Già Đô, một nhân vật khá thành công của tôi là tổng hợp của nhiều ông già trong tù và ngoài đời, trong đó có cả triết gia Trần Đức Thảo. Tuy nhiên khi viết tôi vẫn phải giữ nguyên tên Già Đô, một ông già có thật trong tù, khi được tha đã đến thăm tôi với tất cả tài sản khoác trên vai như tôi đã viết trong CKN2000. Đổi tên khác là tôi không viết được.

Tôi ra tù tháng 4 năm 1973 và mãi tới tháng 3 năm 1990 mới viết văn trở lại (22 năm sau). Sau khi viết một bài hồi ký về Nguyên Hồng và hai truyện ngắn, tới tháng 6-1990 tôi bắt tay vào viết CKN2000. Tôi viết một lèo tới tháng 11 năm 1991 thì đánh dấu chấm hết bản thảo đầu tiên (viết bằng bút bi). Sau đó tôi thêm bớt, sửa chữa. Tới cuối năm 1997 thì xong và cũng hoàn thành bản thảo bằng vi tính, một công việc cực ký khó khăn và nguy hiểm bởi nhà tôi khi ấy chưa có computer, mà đưa ra các cửa hàng là không thể được. Bản thảo có thể bị tịch thu bất kỳ lúc nào. (Tôi đã bị tịch thu khoảng 1500 trang bản thảo nên rất ngấm ngón đòn này.)
Tôi viết trong khi vẫn đi làm ở một xí nghiệp đánh cá, viết trong lúc rỗi ở xí nghiệp, viết trong những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, viết đêm, nghĩa là tranh thủ mọi thời gian. Ngày ấy còn chưa già, sức làm việc còn tốt. Cho đến bây giờ, nhìn lại đống bản thảo viết tay, gạch xoá, cắt dán tôi ngạc nhiên với chính mình: Sao dạo ấy mình làm được như thế nhỉ. Nếu ngày ấy không viết chắc chắn bây giờ tôi không viết được nữa.
Viết được mấy chục trang đầu tiên, tôi đưa Nguyễn Quang Thân đọc. Anh nói với tôi một câu tôi không chờ đợi, thật bất ngờ, có sức động viên tôi rất lớn: “Cái này của toàn nhân loại mày ạ”.
Suốt trong thời gian thực hiện bản thảo, tôi không cho ai đọc ngoài việc kể một vài chi tiết cho Lê Bầu. Phải giữ bí mật tuyệt đối. Chỉ đến khi bản thảo hoàn thành, tôi mới đưa Lê Bầu và Dương Tường đọc. Lê Bầu bảo tôi cắt cái truyện ngẳn “Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương” trong tiểu thuyết đi cho khỏi dài, dễ in. Tôi đã nghe theo anh (và đã khôi phục trở lại trong bản thảo gửi báo Người Việt). Dương Tường bảo phải thêm vào cảnh đánh bạc. Tôi đã thêm cảnh đánh bạc trong tù mà sau này được khen là nghiêng ngửa với cảnh đánh bạc của Stefan Zweig.
Đến năm 1993, việc sửa CKN2000 đã cơ bản hoàn thành. Tôi đã gửi bản thảo (khi ấy là bản thảo đánh máy) lên nhà xuất bản Hà Nội dự thi cuộc thi sáng tác kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Đô! Tôi không mấy tin là sách của tôi được xuất bản. Nhưng thật không ngờ: Tôi được biết nó sẽ được in ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn và còn được dự kiến trao giải thưởng nữa. Một vị trong hội đồng giám khảo bảo tôi:
-Giải thấp thôi. Trao giải cao như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh lại lôi thôi phiền phức ra.
Nhưng một sự cố đã khiến CKN2000 không được in và tất nhiên không được giải. Tôi lại ủ bản thảo như các hãng rượu ủ rượu XO và tiếp tục sửa.
Năm 1999, khi gửi bản thảo lên NXB Thanh Niên, tôi không hy vọng bản thảo được xuất bản. Gửi cho vui thôi. Ôm mãi cái bản thảo dầy cộp, đọc đi đọc lại đến nát cả ra, chán lắm rồi! Nhưng giám đốc Bùi Văn Ngợi đã đọc và quyết định in.
Thật bất ngờ! Bất ngờ và hạnh phúc! Hơn thế, tôi còn khám phá ra một người tuyệt vời, một giám đốc xuất bản tuyệt vời!

 
Hung Thai
Thưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ở hải ngoại có bao nhiêu nhà xuất bản in cuốn “Chuyện kể năm 2000”? Và, câu hỏi này, có phần khá tế nhị, nhưng tôi vẫn muốn hỏi rằng: Có nhà xuất bản nào (ở hải ngoại) liên lạc trước với ông, để xin phép? Có nhà xuất bản nào tìm cách trả tiền tác quyền cho ông không? Nếu câu trả lời của ông là “không” thì ông có nghĩ tới việc lên tiếng hay liên lạc để làm sáng tỏ nội vụ?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:
Về việc xuất bản CKN2000 thành sách, theo chỗ tôi biết, ở cộng hoà liên bang Đức có hai bản in. ỞCanada có 3 bản in. Ở Mỹ có lẽ phải có đến 10 (?) bản in khác nhau. Trong những điều kiện khó khăn, nhờ những người tốt bụng, tôi đã có được 5 bản in ở Đức và Canada cùng 5 bản in ở Mỹ và nhìn thấy 2 bản in ở Mỹ khác nhưng không kiếm được. Còn những bản in nào nữa tôi không được biết.

Người ta nói với tôi rằng: CKN2000 được tất cả các báo tiếng Việt ở nước ngoài đăng dài kỳ (feuilleton).

Không một nhà xuất bản nào (ở hải ngoại) và cơ quan báo chí nào liên lạc trước với tôi để xin phép.

Tôi chỉ nhận được tiền tác quyền của nhà xuất bản Thời Mới (Canada) cả 3 lần in, và của Đài BBC (Anh) trích đọc CKN2000 trong 3 tháng.

Trong thời gian CKN2000 mới bị cấm, tôi rất thất vọng về những quy kết tập sách của tôi ghi trong quyết định cấm. Đó là một sự “nói lấy được” (chữ của trung tướng Trần Độ), nếu không nói là vu cáo. (Chẳng hạn như CKN 2000 tuyên truyền chia rẽ khôi đại đoàn kết toàn dân, kích dục…)

Sau thất vọng là lo lắng bởi những cuộc thăm viếng và làm việc với các cơ quan công quyền rất căng thẳng.

Việc in ấn tức thì và đánh giá cao tập sách ở hải ngoại là một sự cổ vũ, động viên tôi rất lớn. Tôi cảm ơn các báo chí, các nhà xuất bản đã phổ biến rộng rãi sáng tác của tôi. Còn về mặt tác quyền, tôi không nhận được của bất cứ địa chỉ nào khác ngoài 2 nơi tôi đã nói ở trên. (Riêng ở Muy nich (CHLB Đức), anh Kiểm (tôi không nhớ họ và chữ đệm của anh) đã in CKN2000 và phát không nên hẳn là không thể có tác quyền.)

Năm 2009, tôi sang Mỹ theo lời mời của trung tâm William Joiner (UMASS Boston), trong dịp về thăm California, các anh chị trong toà soạn báo Người Việt đã đề nghị với tôi được đăng dài kỳ (feuilleton) CKN2000 nguyên bản (chưa bị biên tập) trên báo. Tôi đã đồng ý và đã được nhận tác quyền là 2,000USD (hai nghìn mỹ kim). Đó la lần duy nhất CKN2000 được một toà bao trả nhuận bút

Tôi không có ý định làm sáng tỏ nội vụ tiền tác quyền, dù lương hưu của tôi rất ít. Bởi quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Các cụ nói: Thất thập kê nguyệt. Tôi sắp hết thời kỳ tính tháng, chuyển sang bát thập kê nhật rồi, muốn dành thời gian vào những công việc mà tôi thấy cần làm, cần phải hoàn thành.

Tôi chỉ mong muốn những tập thể và cá nhân đã hưởng lợi từ tập sách của tôi tự xử sự.

 

 
Tin Thien Truong
Thưa ông Bùi Ngọc Tấn, nếu tôi muốn biết đời sống hiện tại của ông ra sao, thế nào thì điều đó có là một câu hỏi khó trả lời cho ông không?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn Trả Lời:
Cũng là một câu hỏi dễ trả lời đấy bạn Tin Thien Truong ạ. Tôi hiện sống với vợ tôi (Nguyễn Thị Ngọc Bích-72 tuổi). Các con tôi đều đã trưởng thành, lập gia đình và ở riêng. Chúng tôi sống trong một căn buồng trên gác 2 của một biệt thự cũ thời Pháp (thuê lại của nhà nước, mãi gần đây mới được hoá giá) và đã gắn bó với căn buồng 20m2 này đúng nửa thế kỷ rồi (từ năm 1960 tới nay). Hạnh phúc ở đấy. Đau khổ ở đấy. Mơ mộng ở đấy. Thất vọng ở đấy. Sinh con ở đấy. Tiếp các bạn văn chương ở đấy. Tiếp các bạn tù ở đấy. Nguyên Hồng ngủ lại ở đấy. Bạn tù ngủ lại ở đấy.Cho tới năm 2009, tôi hoả hồng thêm được căn buồng liền bên của anh chị Hồng Sĩ (người trung tá công an bị đi tù trong vụ Xét lại-Chống Đảng mà Vũ Thư Hiên có kể trong Đêm giữa ban ngày. Anh Sĩ đã mất, chị Sĩ chuyển vào Sài gòn sống với các em gái.) Căn buồng hơn 20 m2 này vẫn là của nhà nước, tháng tháng phải trả tiền nhà.

Thế là 2 vợ chồng tôi được cả một tầng hai của ngôi biệt thự cổ. Thật tuyệt vời! Gần hết đời mới có một phòng khách để tiếp khách. Mới có một buồng dùng làm buồng ngủ. Mới có một căn bếp riêng. Một buồng tắm riêng… Khoảng không gian sinh tồn được mở rộng. Những đêm mất ngủ, nhìn thẳng ra ban công căn buồng mới. Tầm nhìn mở rộng. Không phải là 4 mét mà tới 9,10 mét. Thật tuyệt vời! (Thế mới biết các vị có tầm nhìn thấu chân trời sung sướng đến mức nào!)

Vợ chồng tôi đều được lĩnh lương hưu. Lương hưu ghi sổ của tôi là 160.000 VN đồng. Trải qua nhiều cuộc điều chỉnh lương để theo kịp với trượt giá, lương hưu hiện tôi được lĩnh là 1.100 nghìn VN đồng, tương đương 55 USD.) Cũng như vậy, lương hưu hiện lĩnh của vợ tôi là 1.200 nghìn đồng VN.

Tôi phải viết báo thêm để sinh sống. Việc này đến nay coi như đã chấm dứt vì tôi bị đau cả hai khớp gối, đi lại khó khăn.

Các con tôi đều biết thương bố thương mẹ, vẫn cố gắng giúp đỡ chúng tôi dù chúng cũng chẳng giầu có gì. Rồi còn sự giúp đỡ của bạn đọc. Anh Minh Phong một nhà báo ở thành phố HCM thường xuyên trích từ tiến lương của mình ra mỗi tháng gửi cho tôi 1 triệu đồng. Số tiền là lớn nhưng lớn hơn nhiều là sự động viên chúng tôi sống, yêu đời và làm việc.

Điều lo nhất là tuổi già bệnh tật ốm đau. (Những bệnh kinh niên mãn tính đã đến thăm hai vợ chồng tôi.) Nhưng thôi, nghĩ lắm thêm ốm người.

Được như thế này là khá lắm rồi. Các cụ nói: Đến đâu hay đến đó.

Hoàng Dung Tiểng

Tôi có một người bạn viết văn, kể với tôi rằng, hiện tại, ông đã được viết văn trở lại và truyện của ông cũng đã được một số báo ở miền bắc đăng tải. Tin tức này có đúng không thưa ông?

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:
Không ai cấm tôi viết và in đâu. Không có lệnh nào bằng văn bản hay bằng miệng rằng các báo, các nhà xuất bản không được in của Bùi Ngọc Tấn.

Sau khi in CKN2000, thời gian khó khăn nhất của tôi, nhà văn Nguyễn Quang Hà, tổng biên tập báo Sông Hương nói với tôi: “Nếu anh có khó khăn trong việc xuất hiện (trên báo, trong sách), cứ gửi cho tôi. Sông Hương in hết.”

Nhà văn Lê Thấu, tổng biên tập báo Sức khoẻ & Đời sống cũng nói với tôi như vậy và đã in một bài tôi viết về nhà văn Lê Bầu (có in cả ảnh của tôi chụp với Lê Bầu). Trong một cuộc họp của Ban Tư tưởng Văn Hóa trung ương, ông Hữu Thọ khi đó là trưởng ban nhắc khéo anh Lê Thấu: “Báo Sức khoẻ& Đời sống dạo này cũng văn nghệ gớm nhỉ. Đăng cả bài của Bùi Ngọc Tấn viết về Lê Bầu.” Anh Lê Thấu đã trả lời: “Báo Nhân Dân cũng còn đăng văn nghệ nữa là báo chúng tôi”.

Ba năm sau (2003) nhà thơ Phạm Ngà, giám đốc nhà xuất bản Hải Phòng đã in cho tôi 3 đầu sách và đã bị ông Nguyễn Khoa Điềm trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng phê bình bằng văn bản trong một cuộc họp giao ban về xuất bản. Nhà thơ Phạm Ngà chỉ cười.

Có vẻ như không còn thiêng nữa những sự răn đe kiểu ấy. Dù chậm nhưng xu thế dân chủ hoá đã hình thành và khó có thể đảo ngược trong giới cầm bút. Tất nhiên tôi nghĩ vẫn còn những ông giám đốc xuất bản không in sách của tôi và những người như tôi. Và tôi cũng chẳng có nhiều bản thảo để gửi cho họ.