Biển và chim bói cá- “sử thi của thời hiện tại”

Sáng tạo tiểu thuyết thể hiện quan niệm văn chương của Bùi Ngọc Tấn toàn vẹn và sâu sắc hơn cả, khi những triết lý đượm màu sắc humour cùng khám phá ý vị về tâm lý đời sống, tâm lý sáng tạo, từng mang lại thành công độc đáo cho ông trên lĩnh vực truyện ngắn và tùy bút, đã nhường chỗ cho một “cái nhìn sử thi” vượt ra khỏi ranh giới của sự phản ánh, miêu tả và khái quát thông thường. Người ta vẫn cho rằng tiểu thuyết được định hình bởi phạm vi phản ánh đời sống xã hội rộng lớn của nó, thực chất lại không phải vậy. Một sáng tạo bằng ngôn  ngữ văn xuôi chỉ được xem là tiểu thuyết khi nó biểu đạt thành công ý tưởng cá nhân, quan  niệm cá nhân của người viết về “ hiện thực đời sống rộng lớn ” mà thôi. Và quan niệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn trong các tiểu thuyết của ông là sự chứng nghiệm cũng như hồ nghi những giá trị tồn tại tưởng chừng ổn định, vững vàng bất biến nhưng thực ra lại đang hàm chứa cơn bão táp khốc liệt của sự phân hóa, biến tướng và hủy hoại, một sự chứng nghiệm phê phán sắc bén tựa như cái nhìn của các tiểu thuyết gia hiện đại nửa đầu thế kỷ 20, để làm nên thứ sử thi văn chương mới, sử thi của thời hiện tại. Nếu sử thi của thời anh hùng thiên về ngợi ca, tự khuyếch trương giá trị con người, thì “sử thi của thời hiện tại” lại là cảm hứng hồ nghi sâu sắc.

Biển và chim bói cá, cuốn tiểu thuyết đồ sộ tập trung vào khoảng hai mươi nhân vật, được miêu tả như những hình tượng đa phương, có phần lỏng lẻo trong một tác phẩm sắp đặt của loại hình nghệ thuật thị giác, nói bằng thứ ngôn ngữ  trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu và cả tiếng thở dài… với vài chục ngàn chi tiết lớn nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh khiến người đọc phải bật cười tức khắc hoặc lay động những cảm giác sâu kín của lòng trắc ẩn, lương tri…

Khắc họa đời sống thực thể và tinh thần éo le, sóng gió, trôi dạt của anh em thủy thủ, công nhân viên tại một cơ sở đánh cá quốc doanh, Bùi Ngọc Tấn muốn đào xới đến kiệt cùng cái hiện thực nhọc nhằn của sinh tồn, bao gồm cả sinh kế và nhân sinh. Mỗi hành động sống đều như bị đẩy đến ranh giới của một tồn tại khác, thứ tồn tại buộc người ta phải tự vấn đến cùng, để soi lại vị trí của bản thân trong những thang bậc của tính người, của tư cách con người. Một anh chàng Nhược thợ  lạnh “ nổi tiếng ” vì kéo bạn… ăn vụng hết cả mâm cơm tiếp khách của giám đốc mà anh ta được giao nhiệm vụ bưng về. Một đôi vợ chồng thủy thủ mòn mỏi trong cảnh thiếu thốn giật gấu vá vai bỗng dưng trở lại “hồi xuân” yêu đương nồng thắm, cuộc đời mở ra đầy hi vọng, sinh khí và tư cách, kể từ khi anh chồng nhận lệnh chuyển sang làm việc trên tàu vận tải viễn dương…

Cứ như vậy, những góc khuất của đời sống và con người tại một Liên hiệp đánh cá biển Đông lẫy lừng thành tích và cũng chứa chất những trái ngang… bỗng hiện ra trước bạn đọc như vật chứng không thể chối từ của một thời đại, đồng thời thể hiện một năng lực quan sát, ghi nhớ và miêu tả hiện thực tỉ mỉ đến từng chân tơ kẽ tóc của nhà văn.

Cuốn tiểu thuyết còn được trần thuật từ góc nhìn của “người trong cuộc” bên cạnh lối kể chyện khách quan từ ngôi thứ ba. Người trong cuộc ở đây là cậu bé Phong, lần đầu được theo cha đi biển, cha cậu là thuyền trưởng. Cùng trong chuyến đi đó, niềm vui bước vào thế giới người lớn của cậu nhanh chóng chuyển thành sự chấn động, cay đắng và chấp nhận buông xuôi trước những sự thật trần trụi tầm thường của cuộc đời. Sự đa dạng về điểm nhìn trần thuật khiến cho Biển và chim bói cá mang dáng vẻ lạ lẫm, vượt ra ngoài khuôn khổ, đa tạp trong sự hòa thanh.

Có thể xem Bùi Ngọc Tấn là một người kể chuyện thuần theo lối truyền thống, kể bằng sự kiện, nhưng lại không thể gán cho ông là một nhà văn bị lệ thuộc vào hiện thực ở cái vỏ diễn tiến bề ngoài của nó. Ông viết văn như người thiền quán tưởng từng hơi thở, mỗi chi tiết của cuốn sách óng lên một nỗi suy tư day dứt và cả tình cảm mãnh liệt của người viết đối với quê hương, với những nghịch lý thản nhiên đến lạnh lùng của hiện thực vượt khỏi những tiêu chí đạo đức và làm người vẫn được mặc nhiên thừa nhận. Bùi Ngọc Tấn thuộc số người viết văn để nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc. Và trong khi hiện thực có thể được tiếp cận bằng nhiều cái nhìn khác nhau, trong và ngoài văn chương, thì điều xác tín khả dĩ đối với bạn đọc chính là cái sâu sắc, mãnh liệt của con người tác giả, điều này làm nên sức sống cho tác phẩm và làm nên tính trung thực, phẩm chất hàng đầu của nhà văn…

Khánh Phương