Một giải rất xứng đáng cho Biển và Chim bói cá

Trong những sách được lựa chọn trong cuộc thi giải Henri Queffélec năm nay, nổi bật lên là hai cuốn tiểu thuyết đặc biệt độc đáo và có chất lượng cao, “Biển và Chim bói cá” của tác giả Việt Nam Bùi Ngọc Tấn, và “Cách sử dụng cho đúng các vì sao” của nữ tác giả Dominique Fortier người Québec. Ban giám khảo đã ngả về quyển truyện Việt Nam, một lựa chọn rất đích đáng, dù cuốn sách của Dominque Fortier cũng được nhiều người ủng hộ.


Biển và Chim bói cá kể lại cuộc sống của người đánh cá trong xã hội Việt Nam cộng sản. Những người này tựa như những con cá nhỏ cố sống trong mạng lưới của một “xí nghiêp”, lan tràn khắp nơi, rập khuôn (impersonnel), như một mối đe dọa. Một người vô tình vui vẻ hát lên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” khi qua cổng bảo vệ. Bỗng giật mình lo sợ: Người ta có thể cho lời hát của anh là mỉa mai không ? Anh sẽ có bị loại vào hạng chống đối không ?
Hóm hỉnh và nên thơ

Trong xã hội khóa kín đó, mà tất cả phải làm theo kế hoạch, chẳng có việc gì được vận hành theo đúng nguyên tắc. Khi tàu đánh cá về bến, mọi người đều lên tàu xin cá, vì tất cả đều đói, mà các thuyền viên thì không nỡ từ chối.
Thành công đối với một thuyền viên đánh cá, là được chỉ định lên một con tàu đi Nhật, để mang về hàng xô đồng hồ Seiko và hàng thùng thuốc kháng sinh. Nhà văn tả một cách dí dỏm những người dân đen đầy tình cảm (tendre) và ranh mãnh (débrouillard) này, đang cố sống trong một thế giới khóa kín. Tác giả cũng đưa ra cậu bé lần đầu tiên được lên tàu đánh cá của cha. Mê hồn vì biển, vì cá, vì những con chim biển, cậu ta cũng hiểu được điều cốt yếu của biển: Biển làm cho cha mình là con người (être humain), nhờ biển mà nuôi được gia dình, như con chim bói cá. Biển là cái gì nó cho người ta được có nhân phẩm (dignité), và cho con người một tự do bất diệt, dù cho xã hội có điên cuồng thế nào. Cuốn tiểu thuyêt của Bùi Ngọc Tấn cũng là một sự suy tư đẹp và tinh tế về con người (une belle et sensible méditation sur l’humanité).

Jean-Luc COCHENNEC – Nhật báo Ouest France, 7-8 tháng 4, 2012

(Người dịch: Tây Hà)