Viết như chụp một khoảnh khắc của đời

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Viết, như chụp một khoảnh khắc của đời...

Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: T.L.T

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Viết, như chụp một khoảnh khắc của đời…

“Viết “Biển và chim bói cá” là tôi ý thức được mình lĩnh trách nhiệm của một nhà văn về một giai đoạn lịch sử cần được ghi chép một cách trung thực” – nhà văn vừa được tặng giải thưởng “Sách hay” 2013 nói.

Tự quen với mình
Buổi sáng ngày 22.9, Bùi Ngọc Tấn thập thễnh lên sân khấu nhận giải cho cuốn “Biển và chim bói cá”. Giữa những chớp loá của máy ảnh, hoa và lời chúc mừng, khuôn mặt ông, lúc đó, có chút gì thật ngây thơ. Khuôn mặt của một đứa bé, giữa những thương yêu, thoáng bối rối chưa biết mình cần phải chú mục sự chú ý của mình vào đâu…Sáng 25.9, tôi tới thăm vợ chồng ông. “Đi Sài Gòn lần này, rồi chẳng biết bao giờ mới lại vào nữa. Mà có bay nữa thì chắc cũng phải sử dụng dịch vụ… ngồi xe lăn” – ông mỉm cười. Bà Bích – vợ ông – cầm tay chồng, vỗ nhè nhẹ dịu dàng…

“Về cái chân đau, thì thế này nhé: Mòn hai khớp gối; riêng chân phải kèm thêm “món” thần kinh toạ. Con gái Hải Yến, mấy năm trước định đưa bố vào viện thay hai khớp gối, chuẩn bị 200 triệu đồng rồi. Bố tiếc của, bảo con gái cứ cất tiền đi, bố tự khắc phục được. Hai cái chân đau nhiều hơn sau khi đi qua 5 nước Châu Âu, rồi đi Trung Quốc. Năm 2009, đầu năm đi Mỹ, cuối năm đi Nga. Trong chuyến đi Nga, đi bộ nhiều quá, đi bảo tàng nhiều, quanh co lên xuống cho tới chừng đến Hermitage, chân đau quá rồi, không sao vào trong bảo tàng được nữa, đành ngồi trước cửa, chụp cái ảnh giải quyết khâu oai.

Rồi tới cái năm bị xe máy đâm, đâu như 2011, đành ngồi ghế “thủ trưởng”, ghế có bánh xe xoay loanh quanh trong căn hộ 70m2 ở Hải Phòng. Bạn đọc biết tin, từ nhiều nước gửi ngay, gửi liên tục thuốc cho mình. Uống thuốc quanh năm, lọ thuốc các loại uống hết, dồn vào được nửa bao tải. Nếu quy thuốc ra tiền Việt, lấy đâu tiền mà uống?

Không hy vọng hai chân khỏi hẳn, hy vọng tình trạng đừng xấu hơn thôi. Một hai năm nay, mọi người đã quen với hình ảnh này của mình, giờ có phép tiên, chân đi lại nhanh nhẹn như trước, mọi người lại không nhận ra mình. Thế nhé, mình bảo với mình, đành bằng lòng với một bộ phận không nhỏ trong cơ thể mình đã thoái hoá biến chất.

Chân đau vì tuổi già, nhưng sâu xa hơn, chân đau cũng là bởi 5 năm (1968-1973) gian khổ bị cách ly với đời, sống ở trại, gánh gồng nhiều quá. Nhớ những mùa đông giá buốt, phải lội suối vùng Đông Bắc đổ ra từ rừng. Chân tê dại đi, chẳng còn cảm giác gì, thậm chí lúc đó, đút chân vào đống lửa, cũng không có cảm giác ấm…

Chịu cái đau tinh thần, có thể đưa nó lên trang viết và được sẻ chia. Nhưng cái đau thể xác, thì mình tự nhận. Bạn đọc gửi thuốc men về cho, bảo, chưa chắc thuốc có tác dụng ích thực gì? Nhưng mỗi lần mình uống thuốc, lại thấy vui, yêu đời hơn rất nhiều. Uống thuốc là uống cả cái tình bạn đọc vào người”.

Chia sẻ và trách nhiệm

“Biển và chim bói cá” ra với đời năm 2008. Sách được dịch ra tiếng Pháp, lại cũng được một cái giải của Pháp dành cho tiểu thuyết viết về biển. Đấy là cái lộc thứ nhất từ sách. Cái lộc thứ hai từ cuốn này là Đài Tiếng nói Việt Nam đọc toàn bộ, trả cho nhuận bút là 800.000 đồng. Cái lộc thứ ba tiếp nối là hôm nhà văn Đình Kính dẫn đi mátxa ở Hội mátxa người mù Hải Phòng. Đình Kính giới thiệu, đây là ông viết nên “Biển và chim bói cá”. Mấy em mátxa người mù thường nghe đọc sách qua đài, hào hởi, thế ạ, ra là bác đấy ạ. Họ mátxa cho mình nhẹ nhàng cẩn thận…

Giải “Sách hay” cho “Biển và chim bói cá” năm nay là thêm một lộc. Không nghĩ 5 năm sau, “Biển và chim bói cá” lại mang lộc nữa tới cho mình…

Cuộc đời mình có nhiều nỗi oan ức. Nhưng còn may mắn hơn rất nhiều người. Còn sống, trở về và viết lách tý ty để chia sẻ, trong những truyện ngắn, tiểu thuyết đầu tay “Chuyện kể năm 2000”. Nhưng viết “Biển và chim bói cá” là như chụp một khoảnh khắc của sự tan rã của nhiều thứ của đời. Viết và ý thức được trách nhiệm của một nhà văn về một giai đoạn lịch sử cần được ghi chép trung thực…”.

Một trái tim thuần hậu

Năm 2013 này Bùi Ngọc Tấn có hai ngày kỷ niệm đáng nhớ – 45 năm một ngày của tháng 3.1968 và 40 năm của một ngày tháng 11.1973. Tôi hỏi ông về sự vị tha của con người. Ông mỉm cười: “Hầu như chẳng nghĩ gì tới những năm tháng ấy nữa. Có nghĩ thì chỉ cứ ao ước được trở lại thăm những nơi ấy. Năm 2006, có dịp trở lại một trong những nơi ấy. Thấy buồn lắm. Những gì đọng lại trong mình chẳng còn nữa. Những cánh rừng nguyên sinh không còn nữa. Chỉ toàn rừng trồng. Mới thấy thời gian thật ghê gớm. Mới thấy con người sao nhỏ nhoi trước thời gian…”.

Chuyện với Bùi Ngọc Tấn, chuyện nọ xọ chuyện kia, tôi không dưng nhớ nhân vật Cần của ông, một người đàn ông cô đơn cùng cực, bị cách ly với đời, với tất cả vẻ mê say chăm chút cho con cá, con trăn và hai con tắc kè… Nhớ nhân vật Hồng nhận xét: “Biển êm thế này là chỉ nay mai thôi sóng gió nổi lên, biết thế nào là lễ độ”. Nhưng, tôi nói với ông, trong các truyện ngắn của ông, tôi rất thích truyện “Một cuộc thi hoa hậu” ông viết xong tháng 10.1995, in trong tập “Một ngày dài đằng đẵng” (NXB Hải Phòng 1998).

Cái câu kết nhiều trìu mến ấy “Bé ơi. Đừng khóc. Đời các con mới chỉ bắt đầu”, với tôi, chứa một cái nhìn xuyên thấu thời gian. Nhìn trước được rất nhiều điều của cuộc đời này với sự thương cảm. Bùi Ngọc Tấn cười nhẹ, “Tôi cũng thích truyện ngắn ấy. Tôi cũng thích cả truyện “Vũ trụ không cùng”. Á, truyện ngắn đó, nhà văn Dạ Ngân từng nhận xét “là một truyện ngắn đạt đạo” của Bùi Ngọc Tấn. Câu kết của nó cũng đượm buồn, như thân phận con người: “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng”…

“Cuộc đời nhọc nhằn, khổ sở. Bằng lòng với cái cuộc đời ban cho. Sống và thương yêu nhau, nhỉ?” – Bùi Ngọc Tấn lặng cười.