2 người rừng của bộ tộc Tà- ru

Luật sư Lê Công Định và nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Luật sư Lê Công Định và nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Luật sư Lê Công Định và nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Luật sư Lê Công Định và nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Ảnh copy từ facebook Phạm Tường Vân https://www.facebook.com/van.phamtuong

Cập nhật tin về khối u

Nếu ai chưa đọc truyện của ông thì nên đọc, nếu một năm chỉ chọn một cuốn thì cũng nên chọn truyện của ông. Đọc để thấy dân của mình, trí thức của mình khổ thế nào! Mặc Ngôn viết về CMVH TQ còn phóng đại, còn Bùi Ngọc Tấn chỉ viết ra sự thật, viết từ gan ruột, viết về nỗi đau khổ bằng nụ cười “vi tiếu”… Nghe ông bị bệnh hiểm nghèo và đang ở TP.HCM, trưa nay vợ chồng Giang Hạnh (*) đến thăm ông. Trông ông rất tươi. “Nhân vật của ông” – vợ ông cũng thật nhẹ nhàng, dễ mến.
Nguyên Hạnh - Lê Giang và vợ chồng Bùi Ngọc TấnNguyên Hạnh và vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

Đoàn Lê Giang

(*) Đoàn Lê Giang chủ nhiệm khoa Văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, vợ là Nguyên Hạnh phóng viên báo Tuổi Trẻ.

 

Bùi Ngọc Tấn và khối u

Xang Hứng

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tết  Giáp Ngọ 2014 lão Bùi Ngọc Tấn vui lắm.

Bước qua tuổi 80, gánh hành trang lão mang theo nhẹ tênh. Thời gian đã cất khỏi vai lão cả những tốt đẹp và thối nát, những chân thành và giả dối, những tiếng cười đắng cay, những hy vọng và tuyệt vọng, cả “5 năm tù dài hơn 1 kiếp người”.

“Thật may, lão cũng còn vớt vát lại chút ít. Rất ít. Trong tiểu thuyết và mấy truyện ngắn. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.”*

Hai cái đầu gối, “một bộ phận không nhỏ” trong cái thân thể nhỏ bé của lão bỗng như hết đau, hồi sinh khi bạn bè đến thăm và chúc Tết gia đình họ. Vợ lão, người đàn bà nhỏ thó nhưng rất mạnh mẽ, can đảm, thủy chung, cả đời chỉ biết đau cùng nỗi đau, hạnh phúc cùng niềm hạnh phúc của chồng. Trên môi bà luôn nở nụ cười, nụ cười đã giúp cho lão tồn tại, rồi hồi sinh trở về từ ngục tối.

Cái Tết vừa đi qua, lão sững người ngạc nhiên khi biết Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in những tác phẩm của lão thành “tuyển tập”. Vui thì có vui nhưng đêm nằm lão nghĩ, làm chó gì có nhiều niềm vui đến cùng một lúc như vậy. Quả là một sự vô lý vĩ đại, quá sức tưởng tượng của “Người chăn kiến”: Bùi Ngọc Tấn!

Lão đã vào tù bằng cái tội danh bị “người ta” gán cho. 46 năm trước, thứ sáu, mùng 8 tháng 11 năm 1968, khi tỉnh dậy trên giường vẫn còn là người tự do. Vài giờ sau, lão đã được nhận suất cơm tù lạnh ngắt đặt ngay dưới đất, cùng phần nước uống đựng trong cái bô sắt han rỉ.

5 năm sau ra tù, lão “tự thú” bằng cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000″. Đứa con tinh thần của lão chưa đầy tháng thì nó lại bị người ta bỏ tù.

Những tưởng đến cái tuổi này thì chẳng còn gì làm lão ngạc nhiên, ấy thế mà khi đối diện với những niềm vui đến liên tiếp, lão đã sướng đến mất ăn mất ngủ. Rít thuốc lá cả ngày, nghĩ ngợi cả ngày, phải có nguyên cớ gì chứ, lão cố tìm hiểu.

Thế rồi lão phát ho phét hen. Ho sù sụ, ho như cuốc, ho ngày, ho đêm. Bao nhiêu thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc lá, rồi cả chữa mẹo cũng không làm cơn ho buông tha lão. Suốt mấy tháng ròng, vợ con đưa lão đi khám khắp các bệnh viện, nghe ngóng ở đâu có bác sỹ giỏi là đến ngay. Cuối cùng, có anh bác sỹ đề nghị lão đi chụp CAT (Computed Axial Tomography) phổi.

Vừa đặt lưng trên CAT, lần đầu tiên sau nhiều ngày thức trắng, lão ngủ, ngủ say. Hôm đó là tháng 5/2014.

Cầm tấm phim và tờ kết quả, cô con gái lớn của lão khóc ngất: “Trên cửa sổ trung thất: Tổn thương nốt đơn độc đỉnh phổi trái KT 18,5 x 18,3mm, bờ đều, ranh giới rõ, tỷ trọng mô sau tiêm thuốc cản quang khối ngấm thuốc khá mạnh…”. Gần đây, Hải Yến, con gái lão mới tâm sự: “Hai năm ăn kiêng không làm con giảm được cân nào, thế mà cái khối u trong phổi bố giúp con giảm 4 kg trong vòng chưa đến 1 tháng”.

Thêm một lần nữa, bà vợ chung thủy, nhỏ thó lại đồng hành với lão trong biến cố mới.

Thì ra nguyên nhân là đây. Có thế chứ, một lần nữa lão lại phải trả giá cho đời sống, lần này thì bằng những nguy cơ có thật, cái nguy cơ có kích thước 18,5 x 18,3mm đã “hạ đặt” trái phép trong buồng phổi lão, một cơ quan có tầm quan trọng sống còn của con người. Lại thêm một lần nữa, “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng…”*

Năm 2006, sau hơn 40 năm được thoát khỏi cái “nhà tù nhỏ”, lão có dịp trở lại thăm trại Hoành Bồ, một trong những trại lão đã “sống” qua 5 năm thời trai trẻ. “Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp, để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người”*

Lão đã trở về, không phải để căm hận những kẻ đã đày đọa mình, nhưng để có thể quên, để tha thứ, để xóa đi những ám ảnh tuyệt vọng khi đã về già, để tiếp tục sống bên những người thân yêu, bè bạn. Để viết, để được tiếp tục trò chuyện cùng “Chữ”, người bạn chung thủy của lão, những “chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng.”*

“Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”.*

Lần này thì lão cùng gia đình có toàn quyền quyết định. Tháng 6/2014, Bùi Ngọc Tấn cùng vợ vào Sài Gòn ở với cô con gái.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Lão bảo với tôi: “Anh rất thoải mái trong tinh thần, được sống đến ngày hôm nay là lãi lắm rồi, cho dù có xảy ra điều gì thì anh cũng đã được sống một cuộc đời thú vị, có một gia đình yêu thương, nhiều bạn bè tốt. Khi nghe anh có khối u, bạn đọc, người thân đã tận tình giúp anh, tìm đủ mọi cách tốt nhất cho anh để chữa bệnh. Anh đã bàn với chị và các con, sẽ lại một lần nữa chung sống với cái khối u quái ác này”.

Tôi hiểu rằng lão đã chọn thái độ tiêu cực nên hỏi: “Nếu biết chắc khối u trong phổi là u lành, anh sẽ làm gì?”

Nở nụ cười hiền lành và tươi rói, lão trả lời ngay: “Anh sẽ ra Hải Phòng, và… Viết, anh có rất nhiều ý tưởng…”

Lúc này Yến, cô con gái lớn của lão bước ra tham dự buổi chuyện trò. Tôi đề nghị:

– Như anh kể, một người còn sống, còn sáng tạo được như anh sau khi phải trải qua những năm tháng mà chỉ nhớ lại thôi đã thấy khủng khiếp thì có lý do gì mà ngại ngần khi thêm một lần nữa đối diện với sự thật. Cái quan trọng của người bệnh là tinh thần, điều này anh có. Quan trọng nữa là anh có sự chia sẻ từ gia đình, mọi người luôn bên anh. Em đề nghị anh tham khảo ý kiến của những bác sỹ chuyên khoa. Nếu cần, sẽ dùng biện pháp can thiệp tích cực nhất”.

Giác quan của tôi, quan sát của tôi khi nhìn sắc diện lão cho thấy, đây cũng chỉ là một biến cố thử thách của cuộc đời. Lần này cũng chả kém gì những thử thách khắc nghiệt nhất là lão đã từng vượt qua. Lão sẽ chết, nhưng là chết già. Điều quan trọng là trước khi chết già, lão còn phải tiếp tục “lao động khổ sai” và hạnh phúc cùng “Chữ”. Lão sẽ còn được đắm đuối, cay đắng, được lặn ngụp, nhấm nháp và nghiền ngẫm “Chữ”. Được vuốt ve ngắm nghía, gọt giũa, ấp ủ trong tim, ngậm trong miệng, thì thầm và đọc to lên, “Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.”*

Tôi mang bệnh án của lão tham khảo ý kiến các bác sỹ chuyên khoa. Trên phim chụp cắt lớp độ dày 8mm trước và sau tiêm thuốc cản quang có thể nhận thấy một tổn thương nốt đơn độc, không có hạch to có ý nghĩa bệnh lý trung thất và rốn phổi hai bên. Khẩu kính các mạch máu lớn trong trung thất bình thường, có xơ mỡ thành động mạch chủ ngực. Không thấy tràn dịch trung thất và màng phổi hai bên. Trên cửa sổ nhu mô: không thấy tràn khí trung thất và khoang màng phổi. Không thấy hình ảnh giãn phế quản và phế nang hai bên.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn.  Ảnh: tác giả cung cấp.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Hình ảnh nốt đơn độc ở đỉnh phổi trái có thể là u phổi. Vị trí không cho phép chọc sinh thiết. Các bác sỹ thống nhất sau khi kiểm tra chức năng phổi, nâng cao thể trạng là có thể dùng phương pháp mổ nội soi lấy trọn khối u ra. Lão sẽ lại về Hải Phòng, tôi tin như vậy…

Vui mừng gọi điện cho lão, nói rõ ý kiến của các bác sỹ. Lão mừng lắm nhưng vẫn hỏi tôi một câu: “Có cách nào mà không phải mổ, chấp nhận sống chung với “Nó” cả đời không?”

Lần đầu tiên, với một người bạn, người anh lớn, một nhân cách đáng kính trọng, tôi phải gắt lên:

– Trường hợp của anh không giống như trường hợp bệnh cả dân tộc mắc phải, muốn khỏe mạnh thì bất kể loại khối u nào, dù lớn hay nhỏ, dù ác hay lành đều cần cắt bỏ, cắt tận gốc. Đây là lúc anh được toàn quyền quyết định chất lượng đời sống của mình. Hãy đau thêm một lần để có một cuộc sống trong lành cho đến…chết”.

Tôi biết, ở đầu dây bên kia, anh lại nở một nụ cười hiền và đồng ý với tôi.

Sài Gòn tháng 7/2014.

(*) Lời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 

Nguồn: http://hieuminh.org/2014/07/11/bui-ngoc-tan-va-khoi-u/

Để đừng quên

Để đừng quên

Jean-Pierre Han

Dịch giả: Dương Tường

 

Đôi lời của Phạm Toàn

“Để đừng quên”. Quên làm sao được? Quên làm sao cho được!

Những gì ta đã trải, ta đã làm, ta đã yêu thương và thất vọng, làm sao ta quên cho được? Tôi còn đồ chừng rằng, ngay bọn ăn cắp của công (bây giờ gọi bằng bọn quan tham hoặc bọn tham nhũng) thì chúng cũng không bao giờ quên tội ác của chúng. Nhưng cái không quên trong sợ hãi nơm nớp của chúng hoàn toàn khác với cái không thể nào quên thanh thản của nhà văn. Bùi Ngọc Tấn không quên những nỗi đau mà anh trải qua, nhưng anh không hằn thù. Lấy gì làm bằng? Lấy cái giọng văn còn biết cười còn biết đùa cợt còn biết nheo mắt làm cái mốc đo sự cao cả của con người – của nhà văn – của Bùi Ngọc Tấn.

Bọn ăn cắp, bọn phá biểu tình chống Tàu, bọn bắt nạt Phương Uyên và Nguyên Kha, bọn vu cáo Hải Điếu Cày và Lê Quốc Quân, bọn thu gom dân khiếu kiện giữa đêm lạnh, bọn ép cung, bọn xử án theo những bản án bỏ túi, bọn ôm chân thằng Lý Cường (con hoang của thằng Bá Kiến dân gọi bằng Bá Cường Bắc Kiến) hè nhau đi hạ cờ tang ngay khi đám tang tướng Giáp còn đang tiến hành… bọn đó mới sợ ký ức.  

Còn đây, chúng ta, những người phanh ngực đi trong gió, chúng ta đi cùng ký ức Bùi Ngọc Tấn trong Chuyện kể năm 2000  được bạn Tuấn dịch cực kỳ hào hoa thành Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau và chúng ta không quên – dĩ nhiên, không quên không cùng nghĩa với hằn thù và báo thù. Cũng như Bùi Ngọc Tấn, chúng ta chỉ cần khai sáng thôi. Dân tộc này vẫn còn cần được khai sáng.

Phạm Toàn

 

Những nhà văn Việt Nam của thế hệ mới, những Nguyễn Việt Hà, Thuận hay Phong Điệp (để chỉ kể ngần nấy người) dù đã muốn coi nhẹ quá khứ của đất nước mình – cái đất nước mang trên mình vết sắt nung đỏ của những tàn khốc chiến tranh và những hậu quả của chúng – để có thể kể về thời hiện tại, cũng chẳng thay đổi gì được, quá khứ vẫn trở về và không ngừng trỗi dậy trở lại theo đà các xuất bản phẩm. Tình hình ấy càng mập mờ đối với độc giả Pháp vì các nhà xuất bản, như chúng ta biết, không nhất thiết ấn hành các bản dịch theo đúng thứ tự chúng ra mắt trong ngôn ngữ gốc. Vậy nên một trật tự niên đại văn học khác được thiết lập, có thể sinh chuyện.

Thành thử giờ đây, ra đời một cuốn sách – và dĩ nhiên, ta chỉ có thể lấy đó làm mừng – Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau[1], một cú bất ngờ hoành tráng của nhà văn tám mươi tuổi Bùi Ngọc Tấn, nổi tiếng và được công nhận ở Việt Nam hiện nay và cả ở bên ngoài – ông đã được tặng nhiều giải thưởng chính thức, nhưng không phải vì thế mà ông không bị rắc rối với các nhà cầm quyền nước ông trong một thời gian dài, rắc rối đây chỉ là một uyển ngữ. Chuyện kể năm 2000 được viết vào cuối thế kỉ vừa qua, từ những năm 1990. Bản thảo chạy vòng các nhà xuất bản cho đến khi một trong số đó, NXB Thanh Niên, đánh liều ấn hành vào năm 2000, sau khi đã xin được giấy phép. Kết quả đến nhanh chóng: cuốn sách bị tiêu huỷ theo nghĩa đen, nhưng Giám đốc nhà xuất bản không bị làm khốn đốn.

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Niềm vui của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) khi Conte pour les siecles à venir phát hành ở Pháp

Đọc cuốn tiểu thuyết này – tác giả nói rõ rành đây là một cuốn tiểu thuyết – người ta dễ dàng hiểu tại sao cái câu “chuyện kể năm 2000” này (đầu đề tiếng Việt của cuốn sách) là chuyện kể rất tỉ mỉ của một anh chàng Nguyễn Văn Tuấn nào đó, trong sách được gọi là “hắn”, có thể coi là bản sao của tác giả, nhà báo và nhà văn trẻ, cũng như ông hồi đó, “cây bút (đã) nổi tiếng trong số các nhà văn trẻ cả nước”, một sự nghiệp sáng sủa mở ra trước mặt hắn cho đến khi hắn bị bắt, đưa đi trại cải tạo vì cớ một trong số bản thảo của hắn đã phê phán chế độ. Điều mà hắn không ngừng phủ nhận – hắn không chịu nhận một lỗi mà hắn không bao giờ phạm – dù phải chịu án tù kéo dài thêm; hắn bị chuyển từ trại này sang trại khác trong 5 năm, từ 1968 đến 1973. Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp) giờ đây ra mắt hai năm sau Biển và chim bói cá, một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời khác của Bùi Ngọc Tấn, mà chúng tôi đã hết sức ca ngợi cũng ở đây (LF, 90, tháng 2 năm 2012). Vậy là có sự đảo ngược các sự việc được kể và cũng có một sự triển hoá trong kỹ thuật tiểu thuyết của tác giả, do đó có thể bị che khuất. Nhưng, như cái công thức được thừa nhận nói, độc giả sẽ khôi phục trật tự niên đại của các sự kiện.

Điều đó không mảy may làm mất đi sức mạnh của Chuyện kể năm 2000 (bản tiếng Pháp), vả chăng, cách dịch mới của nhan đề (Chuyện kể cho những thế kỷ mai sau) đã là một khởi đầu bình luận về tác động của cuốn sách và về tầm quan trọng mà người ta muốn tiên đoán cho nó, hay chí ít, người ta muốn nó đạt được. Đó là đặt cuốn sách lên một bình diện tinh thần, hay thậm chí, mẫu mực tinh thần. Điều mà tác giả (qua trung gian bản sao của mình, người kể truyện) cố sức phủ nhận suốt những trang sách. Thậm chí sự phủ nhận quyết liệt ấy làm nên toàn bộ giá trị của cuốn sách, toàn bộ tính nhân văn của tác phẩm. Nó cũng mang lại cho tác phẩm tính tổng thể của nó. Bởi vì câu chuyện về những năm “cải tạo” khủng khiếp ấy được kể, dĩ nhiên là với rất nhiều chi tiết, nhưng bằng một giọng đều đều, hoàn toàn không gây chút hiệu quả kịch tính nào và tránh cả đến vi lương nhỏ nhất của hận thù. Vả chăng, người kể truyện nói rõ rằng hắn không nhằm lên án hệ tư tưởng cộng sản. Bản thân hắn, hồi trẻ măng, đã gia nhập quân đội giải phóng, chiến đấu chống Pháp và đến giờ, vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Hắn xuất thân từ một gia đình những người hoạt động danh gia, “một gia đình chiến sĩ cách mạng từ trước khi cách mạng nổ ra và đã được tặng bằng ‘có công với Tổ quốc’ ”, điều khiến cho việc hắn bị kết tội, do hiệu quả tương phản, càng kinh khủng. Dĩ nhiên, nhân cuốn sách-lời-chứng này, người ta không khỏi gợi đến  Quần đảo Goulag của Soljénitsyne. Nhưng ngoài việc câu chuyện này là một tiểu thuyết, chứ không phải là một “khảo luận điều tra văn học”, vì cuốn sách của tác giả người Nga “không có nhân vật, cũng không có những sự kiện hư cấu”, nên Bùi Ngọc Tấn ưng đặt mình dưới lá cờ của Dostoïevski hơn, lá cờ Nhật ký ngôi nhà những người chết, như ông đã nhắc lại nhiều lần.  Vả lại, câu chuyện về những năm tù thật sự chỉ chiếm có một nửa tác phẩm (tức là không đầy 400 trang), toàn bộ phần hai kể lại sự cố gắng trở lại một cuộc sống bình thường mà không thể được. “Hắn sống trong hiện tại mà luôn luôn nghĩ về quá khứ, về những ngày trước khi bị bắt, về những ngày ở tù, đầu óc hắn lang thang từ hình ảnh này sang hình ảnh khác”. Từ hiện tại cũ của cái “lò luyện những tâm hồn” là những năm tù, người ta chuyển qua những cố gắng không ngừng trở lại quá khứ, và qua những khó khăn để sống cái hiện tại mới và, tệ hơn nữa, hình dung “những thế kỷ mai sau”. “Cái la bàn của tâm trí hắn, bất kể hắn nghĩ gì, cuối cùng, bao giờ cũng xoay trở về nhà tù”.

Thận trọng tránh mọi lâm li, Bùi Ngọc Tấn viết ở tầm cao con người, từ ngòi bút của ông, hiện lên cả một thế giới đầy những con người (ắt phải mất không dưới bốn trang gênêric để kể hết tên của họ), được khắc hoạ một cách không thể quên, trong khi ở chính giữa câu chuyện tối đen này, đột hiện lên những trang đẹp lạ lùng. Sống và rung động. Và người ta không thể quên những nhìn nhận và mô tả, rất nhiều, riêng biệt về người vợ của người kể truyện, những mô tả đầy âu yếm và tình yêu. Nói gì đây về một cuốn tiểu thuyết kinh hoàng, bắt đầu, bất chấp tất cả, bằng những câu như sau: “Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”. Vậy thì: toàn bộ những trang này, toàn bộ tác phẩm này, là để đừng quên, hay đơn giản là để mở những cánh cửa ra “những thế kỷ mai sau”.

J.P.H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BôxitVN

Nguồn bản gốc: Phụ lục L’Humanité 10/10/2013

 


[1] Bản dịch tiếng Pháp Chuyện kể năm 2000 lấy tên là Conte pour les siècles à venir.

 

Chuyện kể cho những thế kỉ mai sau

Một nhà báo – nhà văn đang thành công suôn sẻ thì bỗng bị bắt bỏ tù không xét xử một cách thô bạo, xem như phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Ông kể lại cái đói, cái sợ, cái đơn điệu của những ngày dài bất tận, đời sống xã hội giữa những người tù. Sau nạn tù, lại đến sự sỉ nhục nã theo ông. Không có cơ may thứ hai, không có “tái nhập” cho con người này, ở đất nước này. Không hằn học, với một sự thanh thản đến làm ta bối rối, Tuấn, nhân  vật chính của cuốn sách, kể lại cho chúng ta nỗi đau của ông, nhưng cũng nói với chúng ta về tình yêu, về dục vọng, về những ước mơ. Chúng ta gặp lại cách viết của Bùi Ngọc Tấn, giản dị, đầy chất thơ, nhạy cảm, thậm chí đôi khi ngộ nghĩnh. Một câu chuyện làm chao đảo. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934[1] ở Hải Phòng. Ông đã là cán bộ ở Hà Nội, rồi làm báo. Chấn thương tinh thần vì chiến tranh và tù ngục đã ngăn ông không viết nổi trong hai mươi lăm năm, điều đã mang lại cho sự nghiệp văn chương của ông một quãng lùi kì diệu để bao quát toàn cảnh, từ đó rộ nở tưng bừng. L’Aube đã xuất bản một tập truyện ngắn của ông, Une vie de chien (Cún) cũng như cuốn tiểu thuyết đẹp Biển và chim bói cá đã giành giải Henri Queffélec tại festival Sách và Biển Concarneau năm 2012.

Xin lưu ý: kiệt tác đấy. Vì bất kì lí do gì cũng không nên bỏ qua cuốn sách này, sẽ ra mắt vào ngày 22 tháng 8. Cảm ơn Marion Hennebert và nhà xuất  bản L’Aube đã cho phép chúng tôi phát hiện ra sự ngụp sâu phi thường ấy vào thế giới lao tù ở Việt Nam. Dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Alexandre Soljénitsyne và đến Quần đảo Goulag. Không có gì phổ quát hơn độ trệch dòng của những thứ isme ấy, những thứ chủ nghĩa dưới chiêu bài tìm kiếm lợi ích cho toàn nhân loại đã làm nẩy sinh ngay trong bản thân chúng hàng lũ quan toà công chức xoàng xĩnh, hạch tội chi li, tha hồ nở rộ… Trừ một điều là giọng điệu hoàn toàn khác với giọng nhà văn Nga vĩ đại. Không chút lâm li.      Điều đó khiến người ta nghĩ các trai :cải tạo ở Bắc Việt Nam không kinh khủng bằng Goulag chăng? Tôi nghĩ rằng đó chủ yếu là một lựa chọn của người kể chuyện, ưu tiên cho giọng mỉa mai cay đắng, hợp hơn với chất từ tốn Á Đông hơn nhiều so với những thổ lộ tâm tình làm ta rơi lệ của tâm hồn slave. Các nhà văn Việt Nam, nói chung, xuất sắc trong thể loại truyện ngắn, họ thích thêu dệt quanh những mảnh đời nhỏ cắt cúp một cách tinh tế. họ không giữ khoảng cách. Còn ông, Bùi Ngọc Tấn, ông không biết viết tủn mủn. Tháng giêng năm 2012, tôi đã giới thiệu với các bạn cuốn sách đẹp nhưng khá dài “Biển và chim bói cá”. Đã đến lúc Tấn mời chúng ta đọc tự truyện của ông, viết ở ngôi thứ ba, nhân vật chính không ai khác ngoài bản thân ông. Là người cộng sản tin thành, cha và anh em trai đều là cộng sản dấn thân hoàn toàn vào kháng chiến, là nhà văn, nhà báo được công nhận và đã nổi tiếng, đùng một cái, ông bị nghi ngờ là có tư tưởng phản cách mạng… Tất nhiên tất cả những gì ông viết đều bị tịch thu – mặc dù một số bài viết của ông vẫn tiếp tục có mặt trong các sách giáo khoa! Tư tưởng phản cách mạng? Trong một truyện ngắn, một chú dế bị một lũ gián to béo tấn công. Những con gián đó phải chăng là hình ảnh của những quan chức cộng sản? Trả lời những kết tội như thế cách nào đây, ngoại trừ bằng một cái nhún vai… Ông trải năm năm ở ba trại khác nhau, trong đó một trại là “trung tâm sàng lọc” ở Hà Nội, tại đó ông bị giam bên cạnh những tử tù. Ông tù không có án; nói cho đúng, tội của ông quá nhẹ để người ta có thể đem ra xử. Ông chỉ cần một sự cải tạo nhỏ ở trại lao động là vừa đủ. Lẽ ra, ông có thể được ra sớm hơn, sau ba năm. Có điều là vào đúng thời điển này, cái ông ngốc nghếch ây lại nói ông vẫn không biết người ta kết ông vào tội gì… Hấp! quay về trại liền! Cứ thế, trên hơn bảy trăm trang, đời sống của những người tù trong rừng được mô tả, tiếp theo là sự trở lại rất khó khăn của nhân vật chính với cuộc sống “tự do”. Tấn đã phác hoạ tất cả những nhân vật ông đã gặp trong cuộc đời đó, những bức hí hoạ đẹp thống thiết, như già Đô, một ông già đã sống cuộc đời phiêu bạt, đã tham gia Thế chiến II, lao động ở Bắc Phi, lấy một người phụ nữ Marseille… rồi nhớ quê hương trở về; như Giang, một chàng trai rất trẻ, con trai một anh hùng của cách mạng, trở nên lêu lổng, rồi cùng, trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Và biết bao người khác: Sáng, người không ngừng trốn trại… không ngừng bị bắt lại; Sơn, vốn là một kĩ sư, hoá điên, chỉ còn biết cầm chổi quét lia lịa không thôi, kể cả khi đã được tha, vân vân và vân vân…. Hàng loạt những nhân vật phụ, phác hoạ bằng một nét chì than sống động và sắc nhọn…

Cuộc sống ở trại. Dơ dáy bẩn thỉu, mùi hố xí, nước nước phát nhỏ giọt trong một cái bô tiểu, cái đói. Và nỗi ám ảnh phái kiếm tí gì ăn để bổ sung vào bát cơm gạo mốc và bát canh cá khô (thối) phân phối cho tù nhân.. Phần lớn bọn họ phải lao động ở bên ngoài (làm vườn, lò vôi, gánh than, gánh phân…) nhưng cấm không được mang thức ăn về. Vậy phải giấu từ con nhái, con thằn lằn, tí rễ sắn, củ khoai ráy (một thứ cây họ bầu bí có độc tố nhưng luộc chín có thể ăn được), những thứ ấy một khi nướng lên trên một bếp than (than cũng lén lút mang trộm về) sẽ là gia vị cho bát canh  .. Và vì tất cả bọn họ đều mơ ước tìm được tí rau mùi, rau húng, một nhánh sả cũng đem lại cái vị của những món cỗ ngày xưa ở nhà… Ông đã từng là một nhà văn trẻ xuất sắc. Những bài báo, những kịch bản phim, những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông đã khiến người ta biết đến ông. Người ta gặp ở nhà ông cả giới trí thức Hà Nội, hoạ sĩ, nhạc sĩ…Giờ đây, ông chẳng còn là gì cả. Vợ ông đã từng học Đại học. Với lòng đại lượng, chính phủ đã cho phéo bà tiếp tục học … cho đến khi họ đuổi bà và bà phải kiếm một chân phụ kho để nuôi bốn đứa con. Ngọc xưa là một thiếu nữ rất xinh, người con gái duy nhất quan trọng đối với ông. Để mang chút đồ tiếp tế cho người chồng bị tù, bà phải chịu bao nhiêu tiếng đồng hồ đằng đẵng trên xe hàng, qua đò, qua phà, đạp xe và có thể hôm ấy, người ta quyết định là người tù không được tiếp vợ đến thăm nuôi, hoặc giả đồ tiếp tế không được chuyển đến tay người nhận, hoặc giả chỉ một nửa số đồ tiếp tế ấy được chuyển… Hết năm năm, nhân vật của chúng ta được tự do. Được gặp lại cha mẹ, các anh trai mà một số cũng mắc vào vòng lao lí, thấy lại ngôi nhà nhỏ ở làng quê. Cuối cùng, gặp lại Bình, người bạn trung thành trong số những người trung thành, người duy nhất không bao giờ bỏ ông. Điều đó đã khiến Bình bị giám sát, theo dõi. Hễ ra khỏi nhà là lập tức, Bình có ngay hai cái “đuôi” theo sát như hinh với bóng. Ở phòng bên cạnh căn hộ của Bình, người ta đặt micrô. Thế là Bình oang oang trao đổi với Thao, vợ mình, những câu chuyện ca ngợi sự tốt đẹp và thành công của chế độ. Bạn có tin được không? Đó là một nhân dân kiệt máu trong một đất nước mà ở đó tất cả đều cần xây dựng lại, mọi người đều sắp chết đói và nhà cầm quyền trả lương cho hai người chỉ để theo dõi một người khác mà sai phạm duy nhất là làm bạn… với một kẻ “bị cải tạo” mà họ chẳng bao giờ tìm thấy được điều gì để kết tội!

Niềm vui của Bùi Ngọc Tấn bạn bè khi nhận được CKN2000 bản tiếng Pháp và La Mer et le Martin pêcheur tái bản loại bỏ túi.

Niềm vui của Bùi Ngọc Tấn bạn bè khi nhận được CKN2000 bản tiếng Pháp và La Mer et le Martin pêcheur tái bản loại bỏ túi.

Bui Ngoc Tan

Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Dương Tường, Đỗ Hoàng Diệu và Huy Đức

Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Dương Tường, Đỗ Hoàng Diệu và Huy Đức

Nhưng giờ, hẵng phải sống đã. Nhưng sống bằng gì? Bởi vì ngay cả khi ông đã được tự do, thì những người đã muốn diệt ông, như ông Trần, cảnh sát trưởng, cũng không hề có ý định cho phép uỷ ban phường ông cho ông làm việc…nên ông nhặt nhạnh đôi ba đồng bằng cách gom những túi ni-lông; làm miến, xin giấy mua giầy dép của mậu dịch bán lại… Hết cách. Và nỗi xấu hổ vì bị dồn đến bước ấy. Thế rồi, dần dà vòng siết được nới lỏng. Một quan chức đỡ hèn nhát hơn những người khác một chút cho phép ông kiếm được một chỗ làm tử tế.. Ông lại bắt đầu viết, kí một cái tên giả, dưới sự che chắn của Bình…  Phải, đây là chuyện kể về tất cả những thứ chế độ cực quyền cán bẹt con người bởi vì con người giữ được khả năng tự do tư tưởng, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Người trí thức, kẻ chuyên nghề tư duy, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Và để kiểm soát hắn, còn gì tốt hơn là giao cho một tay xoàng xĩnh, một tay ganh tị, chát chúa, giám sát hắn, sẵn sàng trả thù cho sự xoàng xĩnh của chính mình. Nhưng ta cũng phải nhấn mạnh bút pháp đẹp của Tấn. Một bút pháp rất hiện đại: những câu ngắn, khô giòn như bắn liên thanh. Làm sao không gắn cả người dịch, Tây Hà, vào đó? Chất u-mua, chất mỉa mai đặc Việt Nam, đâu có dễ chuyển đạt bằng tiếng Pháp! Tuy nhiên cũng phải phê bình một điểm: lẽ ra tác giả có thể tỉa bớt một chút. Chuyện nấu nướng vụng trộm trong trại, chuyện giấu cái rễ khoai ráy trong quần đùi, con chuột nhắt trong mũ, trở đi trở lại mười, hai mươi lần, cũng như những chi tiết về đời sống trong những nhà ngủ tập thể lộn mửa. Nhưng người ta cảm thấy con người này lên cơn: trong khi viết, những ki niệm trở lại với ông, chồm lên tim ông, và ông không thể ngăn mình truyền đạt lại chúng, lần nữa và lần nữa, ám ảnh bởi quá khứ. Ngòi bút buột khỏi tay ông.

Để kết thúc, còn có một nhân vật nữa: Rừng. Rừng nguyên sơ mênh mông của Bắc Việt Nam siết quanh các trại tù với những cây to và nhan nhản những loài thảo mộc. Với những dòng suối, những cây nhó sum sê quả. Chim chóc, tiếng rừng, tiếng gió, tiếng côn trùng xào xạc… chất thơ thuần khiết, chất thơ nguyên thuỷ đối lập với sự ngu si của con người. Một nhân vật đem lại cho câu chuyện hơi thở của tự do, không khí trong lành của cuộc sống đích thực. Vâng, một cuốn sách rất lớn…

Anne Hugo- Le Goff

(Dương Tường dịch)


[1] Bản tiếng Pháp in nhầm là 1954

Sinh viên Frankfurt

Đối thoại với các sinh viên
trường Nghệ Thuật Frankfurt

Trung tuần tháng 4-2013, một đoàn khách tới nhà tôi. Trên 10 người. Một đoàn khách có tính chất “Liên Hợp Quốc”, những nam nữ sinh viên còn rất trẻ đang theo học tại trường Nghệ Thuật Stadels Chule Frankfurt (Cộng Hòa Liên Bang Đức). Đó là các bạn: Clementine (Pháp), Andrew de Freitas (New Zealand), Elisa (Ý), Yuki (Nhật Bản), Mahsa (Iran), Rasmus (Đan Mạch), Raphaela (Đức), Thùy Hân (Việt Nam), Trương Quế Chi đang học đạo diễn ở Pháp và một số bạn đọc ở Hà Nội đã dự buổi trao đổi Tìm lại thời gian đã mất với tôi cùng Châu Diên và Dương Tường ở Manzi (Hà Nội) tháng trước. Làm guide cho đoàn là nhà thơ Dương Tường.
Cuộc giao lưu kéo dài hơn 3 giờ (từ 10 giờ 30 tới 2 giờ chiều).
Dưới đây là tóm tắt cuộc đối thoại giữa tôi (Bùi Ngọc Tấn) và ông Dương Tường bạn tôi với các sinh viên Frankfurt và bạn đọc trong cuộc gặp gỡ cởi mở đầy tình cảm ấy.
Nhìn các vị khách thuộc nhiều quốc tịch đến chật nhà với cặp mắt mở to vừa tò mò vừa thân mật và tin cậy, nụ cười tươi cùng vóc dáng trẻ trung, dù đã trưởng thành nhưng vẫn còn những nét duyên dáng của những con vật còn non (Hemingway), tôi, một ông già 80 tuổi đang đi nốt khúc còn lại của cuộc đời rất xúc động nói lời cảm ơn chân thành các bạn đã cất công từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm tôi và chia sẻ với các bạn chặng đường gian nan còn đang trải dài trước mắt, chúc các bạn thành công trên đường đời cũng như trong cuộc phiêu lưu chinh phục Cái Đẹp là Nghệ Thuật.

Thưa ông, chúng cháu muốn được biết các ông đã đến với cách mạng như thế nào?

Sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, toàn thể dân tộc Việt Nam đều khao khát độc lập tự do. Mọi người không phân biệt giàu nghèo đón chào cách mạng như một sự đổi đời. Chính vì vậy nên ông Dương Tường đây mới bỏ học, vào bộ đội chiến đầu khi Pháp quay trở lại. Cũng vì vậy mà cả gia đình tôi bỏ nhà cửa, lên Thái Nguyên, tôi đi học rồi vào Thanh Niên xung phong…

Và bây giờ…

Bây giờ tôi biết rằng con đường đi không tới đích. Độc lập đã có (dù phải trả bằng một giá rất đắt), còn tự do và chủ nghĩa xã hội vẫn là một ảo ảnh.

Văn chương đã chọn ông hay ông chọn văn chương?

Không thể tách bạch ra dược. Nó có một mối liên quan đén thời gian, đến lịch sử nữa. Đó là năm 1954. Năm hiệp nghị Genève được ký kết, chấm dứt 9 năm chống Pháp, đất nước chia làm 2 miền. Những người có chút năng khiếu trong bộ đội hay các ngành như ông Tường, tôi được chuyển sang làm báo, ông Tường vê Thông Tấn xã, tôi về báo Tiền Phong… và bắt đầu công việc viết văn từ đấy. Có thể nói tôi chọn văn chương, và văn chương cũng chọn tôi. Từ hai phía như vậy nên dứt bỏ nó thật khó.

Trong giai đoạn ấy các ông viết như thế nào, viết những gì?

Chúng tôi được dạy rằng xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội không có bi kịch không có khổ đau. Chúng tôi thành tâm tin như vậy. Thậm chí còn thấy là may mắn sống trong một thời đại như được sắp xếp cho mình để mình cầm bút viết ca ngợi chế độ, ca ngợi con người mới cuộc sống mới, để mình đến với cuộc đời rộng lớn, không “loay hoay trong vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân” như các nhà văn chế độ cũ. Nhưng cuộc sống nói với chúng tôi rằng không phải như vậy.

Chúng cháu muốn được nghe các ông nói về vụ Nhân Văn Giai phẩm. Chúng cháu nghe nói có nhiều người phản động trong phong trào ấy, những người chống lại sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, kể cả gián điệp…

Ông Dương Tường đã trả lời giúp tôi câu hỏi này. Ông nói Nhân văn giai phẩm là tên gọi một trào lưu những văn nghệ sĩ đòi tự do dân chủ vào những năm 50 của thế kỷ trước, muốn viết hay hơn thực hơn, không chỉ có cái tốt mà còn những điều chưa tốt, những cái xấu trong xã hội. Những người Nhân văn Giai phẩm không có ai là phản động. Ông Nguyễn Hứu Đang là trưởng ban tổ chức Ngày tuyên bố Độc Lập 2-9-1945. Ông Hoàng Cầm là đại tá, trưởng đoàn văn công quân đội. Ông Lê Đạt còn là thư ký cho ông Trường Chinh tổng bí thư Đảng Cộng Sẳn Việt Nam… Toàn những người cách mạng tâm huyết muốn xã hội tốt đẹp hơn, muốn có một nền nghệ thuật hay hơn. Cuối cùng tất cả đều bị triệu tập đến Thái Hà học tập kiểm điểm. Tôi cũng bị xuống đấy… Sau đó có người bị đi tù, đi cải tạo lao động ở các công trường xí nghiệp.

Đến hôm nay nghe các ông nói, chúng cháu mới biết vụ Nhân Văn Giai phẩm là như vậy. Mai đây cùng với thời gian, những thế hệ tiếp theo sẽ khó mà biết được chính xác những gì đã xảy ra.

Đó cũng là những suy nghĩ của tôi khi cầm bút viết văn trở lại. Ghi lại chính xác trung thực những gì chúng tôi chứng kiến, chúng tôi đã trải qua. Bạn đọc của tôi cũng động viên tôi rất nhiều. Người nói tôi là người viết sử bằng nghệ thuật. Người động viên tôi trước những áp lực tôi phải chịu khi viết những trang sách chân thực. Tôi cố gắng miêu tả số phận của Nhân Dân. Nhân Dân luôn là những người làm nên tất cả và chịu đựng tất cả. Tôi rất thích một câu trong Anna Karenina của Lev Tolstoy, tập sách ông Dương Tường dịch đã theo tôi vào xà lim: Le roi est mort, vive le roi. Đức vua băng hà, Đức vua vạn tuế. Nhân dân là như vậy. Hãy nhìn sang Ai Cập. Nhân dân biểu tình lật đổ Mubarak, đưa một người khác lên làm tổng thống rồi nhân dân lại biểu tình đòi ông ấy phải từ chức. Ông vua này chết. Ông vua khác lại lên. Nhân Dân bao giờ cũng là người chịu đau khổ, gánh chịu những thảm họa của bão lốc lịch sử.

Vậy mà đã có những ngày ông tin vào điều không có bi kịch trong xã hội xã hội chủ nghĩa.

Tôi đã tỉnh ra. Và viết về nhân dân đau khổ như tuyên ngôn của ông Tường: “Tôi dứng về phe nước mắt”. Không chỉ một mình tôi. Tôi tin có nhiều người cùng làm như tôi. Âm thầm ghi lại những gì xẩy ra hôm nay để có thể có một bộ mặt chính xác của lịch sử. Huy Đức là một dẫn chứng. Mỗi người làm một việc theo hoàn cảnh, điều kiện của mình. Huy Đức làm ở cấp vĩ mô, trên phương diện khái quát rộng lớn của lịch sử. Còn tôi đi vào những thân phận bé mọn, những người chịu đựng lịch sử. Mỗi người đều mang lịch sử trong mình, mỗi người đều phản ánh lịch sử. Ai cũng là nhân chứng của lịch sử. Lê Bầu mang lịch sử kiểu Lê Bầu. Vũ Bão mang lịch sử kiểu Vũ Bão. Bố tôi mang lịch sử kiểu bố tôi. Mỗi người qua đời là một bí ẩn của lịch sử biến mất. Tôi cố gắng ghi lại những bí ẩn lịch sử qua những người tôi quen biết, yêu thương, không để nó rơi vào quên lãng.

Ông đánh giá thế nào về thế hệ của các ông?

Một thế hệ có thể làm nên tất cả. Một thế hệ vàng ròng nhưng đã bị làm hỏng và cũng đã góp phần làm hỏng một thế hệ khác. Trong một cuộc phỏng vấn, tôi đã nói về thế hệ chúng tôi như vậy.

Thiếu sót lớn nhất của thế hệ các ông là gì?

Tôi cũng đã trả lời câu hỏi này trong cuộc gặp bạn đọc ở Manzi tháng trước: Thiếu sót lớn nhất của chúng tôi là đã tin tưởng quá.

Hiện nay các ông đang viết gì?

Ông Dương Tường: Tôi định viết một tập hồi ký, nhưng lại đang vướng vào một việc tốn rất nhiều thời gian là dịch bộ “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust. Phải hoàn thành sớm công việc này để viết, kẻo lại không kịp.
Tôi (BNT): Tôi rất sợ khi chết mà chưa làm được những việc phải làm như ông Nguyên Hồng thì ân hận lắm. Thật may tôi đã bắt đầu viết lại từ năm 1990. Các bạn có biết nguyên nhân gì đã khiến tôi cầm bút trở lại không? Một nguyên nhân rất xa nhưng lại rất gần: Sự sụp đổ của bức tường Berlin. Nếu để đến bây giờ chắc tôi không viết được CKN2000, cũng như các sáng tác khác. Tôi đang hoàn thành một tập hồi ký khoảng 350 trang. Viết lại đến lần thứ 3 rồi. Quyển này cũng đọc được. Tôi không có gan làm mất thời gian của bạn đọc. Cũng là một thứ tìm lại thời gian đã mất. Có nỗi thèm được trở lại những nhà tù tôi đã trải qua. Có ngọn gió hai quê, sớm tây may chiều quay đông nồm, thứ gió thiên nhiên tặng cho vùng cửa biển Hải Phòng thổi vào ai thì người ấy bắt gặp heo may bất chợt và kỷ niệm ập về…

Cuộc trao đổi không chỉ bó gọn về nghệ thuật. Tôi nói với Yuki: Trong tủ sách của tôi có Mukarami, ông Dương Tường đây đã dịch Kafka bên bờ biển, cũng như Park (Hàn Quốc), Nataka là một cầu thủ đã đem lại vinh dự cho bóng đá Châu Á…
Tôi ký tặng Coupau Clémentine cô gái nhỏ nhắn người Pháp tập Variations autour dun cachalot, tập sách xuất bản định kỳ về biển ở Pháp mà tôi có góp phần bằng một trích đoạn từ Biển và Chim bói cá. Nhiều bạn hỏi mua những tác phẩm của tôi đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp như CKN2000, BVCBC, Cún. Tôi trả lời: Sách về VN rất ít. Các bạn hãy tìm đặt mua trên Amazon, Và nói vui: “Các bạn quảng cáo giúp tôi, nhiều người mua thì tôi có thêm nhuận bút.”
Chia tay, tôi ôm hôn tất cả mọi người với lời chúc: “Chúc các bạn làm được một cái gì chống chọi được thời gian.” Bởi tôi nghĩ về một mặt nào đó nghệ thuật là một công việc chống lại thời gian.

Chỉ ít ngày sau cuộc gặp gỡ, tôi nhận được thư của Andrew de Freitas (New Zealand). Thư viết:

Bác Tấn và bác Tường ơi, chúng cháu rất vinh dự được gặp gỡ các bác. Chúng cháu cũng chưa thể hiện được hết cảm xúc một cách trực tiếp lúc ấy nhưng được biết cuộc đời và sự nghiệp của các bác, gặp các bác quả thực là niềm cảm hứng lớn để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật không bị bó buộc trong chính trị, điều này vượt qua mọi hệ thống, nhân văn và toàn cầu.
Gửi riêng bác Bựi Ngọc Tấn : Khi chúng cháu gặp bác, các tác phẩm của bác đưa đến một ấn tượng mạnh mẽ với cháu và gợi tới cả ý tưởng mới về việc sử dụng cái “Lều – hoạt cảnh” trong dự án. Cháu thực sự xúc động khi cả hai bác nói về thời gian của cả một thế hệ gia nhập quân đội nhân dân khi cũng rất trẻ để giải phóng đất nước từ động lực bởi một lý tưởng chân thành – lý tưởng về xã hội/chính trị. Bất kể sự thất vọng sau đó, cháu cảm nhận được nhiệt huyết lúc đồng thời vừa là hối tiếc vừa là khụng. Chúng cháu luôn cần lý tưởng và niềm tin để dẫn đường, và chẳng phải lúc nào cũng đủ để tiếp tục đi tiếp với lý tưởng toàn cầu mà nghệ thuật trang bị cho chúng cháu. Có thể cháu sai, nhưng dường như trong thời gian này, có quá nhiều sự mơ hồ về lý tưởng, và chỉ có ít người mới thực sự bị thúc giục bởi đam mê xuất phát từ lý tưởng.

Andrew cũng có thư riêng gửi Dương Tường. Anh mời tôi và Dương Tường mỗi người tham gia vào một dự án sáng tác của anh trong thời gian tới. Bức thư dài này được dịch bởi Trương Quế Chi. Quế Chi viết:

Con là Quế Chi đây ạ. Con viết thư này vì muốn cảm ơn hai bác rất nhiều về buổi gặp gỡ thứ bảy vừa rồi. Như buổi ở Manzi, với cá nhân con, vẫn là những buổi nói chuyện xúc động và chân thành nhất mà con may mắn có mặt (…)
Trong lần gặp vừa qua, bạn Andrew có quay chân dung các bác bằng máy 16 mm. Khi nào làm xong các công đoạn của phim 16, bạn ấy sẽ up lên internet và gửi cho các bác (…).

This slideshow requires JavaScript.

40 năm Bộ Tộc Tà Ru

Xin nói ngay cái bộ tộc này không có tên trong danh sách các bộ tộc thuộc xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên tôi được nghe nói đến là từ một người nước ngoài, ông André Menras trong cuộc gặp tại một quán cà phê thành phố Hồ Chí Minh do Hoàng Dũng mời, ông bắt tay tôi thật chặt và nói bằng tiếng Việt:

-Anh em mình thuộc dân tộc, à quên, bộ tộc Tà Ru.

Thấy tôi ngơ ngác, Hoàng Dũng cười phá lên. Ông Tây cũng cười. Rồi ông nói: Tức là bộ tộc Tù Ra.

Qua câu chuyện bên tách cà phê, tôi mới biết André Menras đã bị chính quyền Sài gòn bỏ tù vì treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phản đối chiến tranh Việt Nam. Đã được Hoàng Dũng cho biết trước trước về tôi, ông tự giới thiệu mình như vậy. Ngày ấy ông mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Tên tiếng Việt của ông là Hồ Cương Quyết. Ông nói vui với tôi, người cùng bộ tộc: “Thế là sau lưng tôi có hai cánh cửa nhà tù”

André Hồ Cương Quyết và Bùi Ngọc Tấn

André Hồ Cương Quyết và Bùi Ngọc Tấn

André Hồ Cương Quyết, Hoàng Dũng và Bùi Ngọc Tấn

André Hồ Cương Quyết, Hoàng Dũng và Bùi Ngọc Tấn

Nhưng hôm nay tôi không nói chuyện André Menras Hồ Cương Quyết, mà nói chuyện tôi.

Đầu tháng 4 vừa rồi, vợ tôi nói tôi phải sang phường (ngay bên kia đường) để ký trước mặt ủy ban giấy ủy nhiệm cho vợ tôi lĩnh lương hưu hộ tôi, một việc không thể chối từ, mặc dù cho đến bây giờ tôi vẫn rất sợ đến những chốn công quyền, hơn thế chân lại đang trong giai đoạn đau kịch phát, một lỗi lầm khi tôi sử dụng chiếc đèn chiếu tia hồng ngoại không đúng quy cách  (để đèn quá gần, trong khi lẽ ra phải cách xa từ 60 đến 80 cm, mỗi lần chiếu không quá 12 phút, tôi lại chiếu đến nửa giờ, một ngày không quá 3 lần thì tôi lại chiếu liên tục…) . Tóm lại Nhiệt tình + Ngu dốt = Một sự giết người.

Tôi rạch sang bên kia đường, lên vỉa hè, tới trụ sở, leo từng bậc cấp, đau đớn, mệt mỏi, vã mồ hôi, như chinh phục Everest vậy.

Tôi điền vào đơn, tới mục ngày tháng năm bỗng ngạc nhiên, thấy con số mình vừa viết sao quen quen: Ngày 3 tháng 4 năm 2013. Nhìn đi nhìn lại. Đúng. Những con số đã gặp ở đâu rồi. Ngày 3 tháng 4 là ngày gì nhỉ. Còn con số 3 cuối cùng của năm 2013 nữa. Rất quen. 2013 và 1973! Thế là từ thẳm sâu ký ức dẫy số 3-4-1973 hiện ra! Ngày mồng 3 tháng 4 năm 1973. Ngày tôi được ra tù! Đến hôm nay là tròn 40 năm. Tôi giật mình. Đã chẵn 40 năm!

Rạch về nhà, vội bấm điện thoại gọi cho những bạn bè thân thiết: Công Nam, Dương Tường, Đỗ An Bình, Phạm Xuân Nguyên, Vũ Thị Hải, Hoàng Dũng…, báo cho các bạn biết về cái ngày hôm nay là thế nào đối với tôi. Tất cả đều mong gặp tôi. Vũ Thị Hải bảo em vẫn nhớ chứ, định mời anh chị đi ăn nhưng hôm nay em phải theo dõi xử án Đoàn Văn Vươn, còn Hoàng Dũng bảo nếu anh ở đây thế nào cũng có cuộc gặp mặt thật vui, mừng ông anh Tà Ru. Thế là nhớ đến André Menras. Gọi điện cho người cùng bộ tộc Hồ Cương Quyết nhưng không được.

Tôi vốn không chú ý đến những mốc thời gian của cuộc đời mình. Đã 80 tuổi, tôi chưa một lần tổ chức sinh nhật. Chưa một lần tổ chức đám cưới bạc đám cưới vàng, mặc dù đã đạt tới và vượt qua những mốc ấy. Tôi luôn nghĩ ngày sinh cũng như ngày cưới của những người như mình quá bình thường, chẳng có gì đáng để ý, những thân phận sâu kiến nhỏ nhoi bất hạnh. (Với lại cũng chỉ là hình thức mà thôi. Điều chính yếu là chất lượng, là độ đậm đặc của thời gian yêu và thời gian sống.) Nói gì đến ngày ra tù. Nhưng 40 năm ra tù, 40 năm Tà Ru thì thật đáng nhớ. Đã 10 năm Tà Ru, 20 năm Tà Ru, 30 năm Tà Ru trôi qua không dấu tích, không nhớ được những ngày ấy xảy ra như thế nào nữa. Năm Tà Ru thứ 40 này phải có chút gì ghi lại. Bởi có thể đây là năm Tà Ru chẵn cuối cùng. Bởi khó đạt đến mốc Tà Ru thứ 50. 50 năm Tà Ru xa vời vợi và cũng đến rất nhanh, đáng sợ vô cùng! Đáng sợ bởi già yếu, ốm đau, bệnh tật. Đa thọ đa nhục.
Nhưng cũng chỉ nhớ chỉ nghĩ trong óc vậy thôi.

Cứ tưởng ngày Tà Ru lần thứ 40 cũng sẽ im lặng trôi qua thì ông bạn Đỗ An Bình đi tập ghé nhà. Liền sau đó là hai bạn đọc từ Đức, vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình đến.

Vừa uống xong chén nước, hiểu rõ ý nghĩa của buổi chiều đặc biệt này, Phong, Bình cùng đứng lên: “Để chúng cháu đi mua cái gì về liên hoan với cô chú.” Can ngăn thì bảo: “Khi đến cô chú, chúng cháu đã định thế rồi, nhưng phải biết chắc cô chú có nhà không đã. Chúng cháu đi mua bê thui. Bò nướng. Ngay đây thôi. Phố Ga ấy mà.” Chỉ nói với theo được một câu: “Đừng mua thức uống. Nhà có rượu bia rồi”. Hai bạn đã xuống thang. Nửa giờ sau trở về tay xách những túi ni lông to bự với vẻ mặt rạng rỡ và nụ cười của những thiếu niên. Rất nhanh nhẹn Bình, Phong vào bếp lấy đĩa bát bầy trên bàn như những người  chủ gia đình.

Thế là có một buổi tối thật vui. Ngẫu hứng. Không chuẩn bị trước. Ngoài dự kiến. Cô nhà báo Vũ Thị Hải cũng tạm lùi công việc viết tin lại, mua hoa đến. Một bó hoa thật đẹp. Tặng hoa. Nâng cốc. Rượu Hennessy tôi xách tay từ Pháp về năm 2004 đã có dịp dùng đến trong buổi tối đầy tình cảm này. Và Vang. Monte Verdi cho các bạn nữ. Chuyện. Cười. Như pháo nổ. Chúng tôi, nghĩa là tôi và vợ tôi tràn ngập hạnh phúc. Cảm ơn các bạn đã tặng tôi một buổi tối tuyệt vời. Một cuộc gặp mặt kỷ niệm một ngày trong cuộc đời tôi. Món quà tặng không tiền nào mua được.

Nhà báo Vũ Thị Hải và Bùi Ngọc Tấn

Nhà báo Vũ Thị Hải và Bùi Ngọc Tấn

Vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

Vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

Chụp với vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình

Chụp với vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình

Từ trái qua: Hoàng Thị Thúy Bình, Vũ Thị Hải, Đỗ An Bình, Bùi Ngọc Tấn và vợ.

Từ trái qua: Hoàng Thị Thúy Bình, Vũ Thị Hải, Đỗ An Bình, Bùi Ngọc Tấn và vợ.

Thật may cho ngày ra tù thứ 40. Có một cái gì để nói. Để mà nhớ lại.
Và may hơn là đã làm được một số việc và vẫn còn sống (nhiều bạn tù chết lắm rồi, có thể nói gần hết rồi). Dù đau yếu bệnh tật. Dù bị theo dõi lâu đến thế. Theo dõi tới tận hôm nay.
Nếu tính từ năm người ta bắt đầu theo dõi 1967 đến nay là 46 năm. Vâng. Theo dõi tới tận hôm nay. Thì mới mấy ngày trước thôi, hai cán bộ an ninh còn đến nhà hỏi: “Anh ký vào kiến nghị 72 đấy à?”. Tôi đã trả lời ngay:  “Có. Anh có ký. Ghi rõ: Bỏ điều 4 Hiến Pháp. Bởi cái gì độc quyền cũng đều suy thoái”.
40 năm Tà Ru không chỉ vui mà còn buồn. Buồn vì tuổi tác. Vì cuộc đời sắp kết thúc của mình thật chẳng ra làm sao. Điều mình mong ước vẫn chỉ là mong ước. Mà có cao xa gì cho cam. Rất đơn giản: Được sống thật giữa mọi người sống thật. Được nói thật giữa mọi người nói thật. Chỉ vậy thôi.

Bùi Ngọc Tấn

Tìm lại thời gian đã mất

Buổi trò chuyện có tên “Tìm lại thời gian đã mất” do Manzi Art Space và Hanoi Grapevine đồng tổ chức thuộc chuỗi sự kiện “Trò chuyện nghệ thuật” do quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF) tài trợ.Buổi giao lưu nhìn lại nhưng thăng trầm của 5 thập kỷ qua với những trải nghiêm., những kỷ niệm của những nhân chứng thời gian, những người đã sống trong thời kỳ quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại, thời kỳ lịch sử VN nửa sau thế kỷ 20 đầy giông bão và bi hài với nhiều sự kiện: Chiến tranh, sự khốn khó của những năm tháng bao cấp rồi đổi mới. Và cuộc tìm lại bản ngã.

Tối muộn ngày 15/3 tại Hà Nội, 3 người bạn thân mái tóc đã phai màu là dịch giả Dương Tường (81 tuổi), nhà văn Bùi Ngọc Tấn (79 tuổi) và nhà văn Châu Diên (tên thật Phạm Toàn 81 tuổi) ngồi bên nhau ôn lại những kỉ niệm và cùng “Tìm lại thời gian đã mất“. 
Từ trái sang: Dịch giả Dương Tường, nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhà văn Châu Diên

Ba nhân vật chính – ba nhân sĩ, trí thức cao niên và được nhiều người biết tiếng sinh ra vào đầu thập niên 30 của thế kỉ trước, họ trải qua thời thanh niên sôi nổi với những biến đổi lớn lao của thời cuộc, với khí thế cách mạng hào hùng, với chiến thắng của cách mạng và những hy sinh của cách mạng, với những chuyển biến sau cách mạng bao gồm các kết quả/ hệ quả về kinh tế và tư tưởng. 

Chúng tôi đã chơi với nhau hơn nửa thế kỉ. Các bạn hãy tin rằng, cho đến hôm nay, chúng tôi chưa sống một ngày nào không thật với lòng mình. Chúng tôi là một thế hệ hồn nhiên ngây thơ. Chúng tôi ngây thơ đến mức thấy phòng trà thì không dám vào, vì sợ mình bị “ăn đạn bọc đường“” – dịch giả Dương Tường đúc kết pha lẫn chút hài hước cho khoảng thời gian từ những năm 60 của họ.
Cuộc sống là một sự tình cờ. Khi nhìn lại quãng thời gian vài chục năm “đã mất”, tôi thấy nó không mất, không còn, không thừa, không thiếu. Mình chỉ được thêm một cái, đó là thấy mình đã “hồn nhiên“. – Châu Diên cười, đôi mắt ông toát lên ánh nhìn vui vẻ nhưng giọng nói thì sang sảng, rõ ràng, thuộc về một người có khí tiết mạnh mẽ và chiều sâu của tư duy.
Dịch giả Dương Tường
Trong 3 người, có lẽ nhà văn của “Sống giữa những người anh hùng” (1962) là còn nhiều nhiệt huyết nhất với những hoạt động xã hội. Ông gắn kết với xã hội, hào hứng với thay đổi và tích cực cống hiến để thay đổi. Dự án Cánh Buồm (nghiên cứu và biên soạn sách giáo dục) của ông và những người đồng hành nhận được nhiều ủng hộ từ cộng đồng. Dịch giả Dương Tường nhu hòa hơn – dường như sau nhiều thăng trầm của thời cuộc, ông chỉ muốn chú tâm vào thế giới của những cuốn sách. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn khó đoán định. Hiện đang sống ở Hải Phòng, xa bạn bè văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội, thế nên cái cảm giác riêng biệt, không thuộc về một nơi nào khiến ông trở nên lãng đãng. Ông nói về thời kỳ rực lửa anh hùng những ngày tuổi 20 đạp xe về cơ sở thâm nhập thực tế, ghi chép, đêm đêm chong đèn đọc sách, khát khao sang trang văn học, về Hải Phòng để viết tác phẩm của đời mình mà không ngờ phải sống cạn một kiếp mình rồi viết về chính kiếp đó.
Trong những ngày khó khăn, tại Hà Nội, Dương Tường Châu Diên ra khỏi biên chế nhà nước, ngoài việc bán máu và bán màu không thành, ngày ngày đến thư viện đọc sách. “Thư viện, đấy là trường học lớn của tôi”. Dương Tường nói vậy.
Trong khi ấy, Bùi Ngọc Tấn được phóng thích khỏi nhà tù, ông nhắc lại cảm giác của mình những năm 70 ấy:: Khi Nguyên Bình chuyển lên Hà Nội, tôi không còn mơi nào để mà đi đến nữa. Mọi người nhìn tôi rất lạ. Không ra không nhìn thấy, không ra không nhìn tháy, không ra chào không ra không chào, chẳng là quen mà cũng không là lạ. Mọi người nhìn tôi như một cái gì đã kết thúc rồi!
Cách mạng, ngày đó, với các văn nghệ sĩ còn là một điều gì đó thuộc về sự lãng mạn. “Tôi cũng nghĩ mình khổ, nhưng thời trẻ, mình còn có một cái gì đó là lý tưởng, mục tiêu. Chứ bây giờ nhìn lũ con tôi, tôi thương lắm. Bởi chúng nó không biết tin vào cái gì nữa.” (Bùi Ngọc Tấn)
Trong suốt khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ của buổi trò chuyện “Tìm lại thời gian đã mất”, ba nhân sĩ cao niên đã chia sẻ thật nhiều, ngay cả những tình tiết khó tin với lớp trẻ, các bạn văn, độc giả quan tâm và báo giới. “Nhờ J.J.Rousseau – triết gia người Pháp, chúng tôi đã có hiểu biết để phản đối những người Pháp xâm lược. Sau này hòa bình, chúng tôi lại đọc “Số không và vô tận”, “Giờ thứ 25” (dịch giả Dương Tường)… Cú sốc ập đến khi tri thức khách quan không được coi trọng, khi thấy người tốt bị nghi ngờ.
Thế nhưng họ đã tìm lại cho mình tinh thần “tái sinh” sau chuỗi ngày khủng hoảng. “Tôi không có lời khuyên nào khác hơn cho các bạn là hãy sống và trải nghiệm. Giữ cho mình lý tưởng, sự lao động và hồn nhiên, trung thực với bản thân mình. Quan trọng nhất, dù ở đâu, ở thời kì nào cũng không thể không lao động, không làm việc” – nhà giáo, nhà văn Phạm Toàn/ Châu Diên kết luận.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhà văn Châu Diên

Còn Bùi Ngọc Tấn nói: “Tôi chỉ chia sẻ kinh nghiệm của tôi với các bạn trẻ. Khi bị cuộc đời hạ đo vàn, hãy cố đứng dậy, làm một cái gì đó, gỡ lại được chút nào hay chút ấy. Đừng để mất hết.”

Những phút cuối của cuộc trò chuyện, khán thính giả đặt câu hỏi: “Xin phép được hỏi trên tinh thần cởi mở và chia sẻ. Như đã nói, thế hệ của các ông là một thế hệ có khát vọng và đam mê, nhưng còn có thiếu sót gì không? Sai lầm lớn nhất của thế hệ các ông là gì và trách nhiệm để lại?
Nếu có thì cũng là sai lầm đáng yêu thôi” – nhà văn Bùi Ngọc Tấn đáp – Xin trích một câu trong Chuyện kể năm 2000 không biết Già Đô nói với Hăn hay Hắn nói với Già Đô tôi không nhớ nữa “Lỗi của chúng mình là tin tưởng quá”.
Theo Tien Phong
20130315_213237 20130315_213150 20130315_195801 IMG_0229 Quang cảnh buổi tọa đàm Dịch giả Tây Hà đang trả lời Bạn đọc đặt câu hỏi IMG_0296 IMG_0289 Quang cảnh buổi tọa đàm Quang cảnh buổi tọa đàm Dịch giả Dương Tường và bạn đọc

Với dịch giả Tây Hà (Biển và chim bói cá) và bạn đọc

Với dịch giả Tây Hà (Biển và chim bói cá) và bạn đọc

IMG_0472

Đi là sống

Đi Là Sống

 (Nguyên văn bài viết trên Lao Động số Tết Quý Tỵ)

Những ngày ở Pháp tôi đã hiểu ra điều đơn giản ấy. Đi là sống. 12 giờ bay không chợp mắt một giây. Nhìn qua cửa máy bay thấy mây, thấy những chóp núi lô nhô xanh thẫm phủ những mảng tuyết trắng xóa. Nhìn lên màn hình có quả địa cầu, biết mình đang đi vào vùng đêm tối… Rồi sân bay Charles de Gaulle. Ra đón không chỉ có những bạn đọc bên Pháp mà cả Dương Thụ.

Sau hai ngày về nhà Đặng Tiến thám hiểm vùng ngoại thành Orleans có dòng sông Loiret với những con thiên nga trắng toát cổ cong lộng lẫy, những bông lau phất khơ ven bờ “rất sông Lô”, tôi và Dương Thụ ngược lên Lille, một thành phố phía Bắc nước Pháp. Thụ có người quen ở đó, anh Kamal Nguyễn, một người Pháp gốc Việt lai ấn. Lille với những ngõ nhỏ sạch bong dài sâu hun hút đầy vẻ mời chào, với quảng trường Place du Concert, vút tận trời xanh tượng ba cô gái dát vàng trên nóc ngôi nhà toà soạn báo Tiếng nói phương Bắc. Lille với tiếng móng ngựa lóc cóc gõ trên đường lát đá chở những tốp khách du lịch, cầm cương những con ngựa nâu cao lớn, bờm xén tỉa rủ về một bên luôn là một cô gái – khách du lịch, còn người xà ích ngồi ghế liền bên.

Ra đón chúng tôi ở sân ga Lille không chỉ Kamal mà còn có một thiếu phụ tóc vàng, chị Malika, bạn Kamal. Sau khi dẫn chúng tôi về nhà cất va li, ngay lập tức Kamal lái ô tô đưa chúng tôi ra khỏi Lille. Malika cùng đi với chúng tôi, một Malika cao gần mét tám, mảnh dẻ như người mẫu, tóc vàng rực mà sau này Kamal cho biết đã phải nhuộm cho sẫm đi chút ít, mái tóc bập bềnh – cái đích tôi luôn dõi theo trong những buổi la cà chợ phiên đông đúc để không bị lạc, một Malika ít nói với nét mặt buồn.

Xe đã ra khỏi Lille và nhập vào những con đường Châu Âu. Ôi những con đường Châu Âu! Sẽ suốt đời không quên những con đường ấy. Những con đường cao tốc gần như không một chỗ lồi lõm, những con đường tám làn xe chạy với tốc độ 120 ki lô mét giờ không một tiếng còi, những con đường chồng lên nhau, tầng trên tầng dưới, vòng lên cao, rồi thoai thoải nghiêng nghiêng sà xuống làm thành những đường cong, khiến người ngồi trong xe có cảm giác đang bay lượn, những con đường dẫn tới vô tận, những con đường làm tôi sống lại tuổi thơ.

Đang mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con đường, những cánh đồng Châu Âu, chợt Kamal kêu:

-Qua biên giới rồi! Chúng ta đang trên đất Bỉ.

Tôi giật mình:

-Đâu? Đâu? Biên giới đâu?

Và vội quay đầu lại phía sau. Vẫn chỉ là những làn đường, những chiếc xe xuôi ngược nối nhau. Như mọi nơi trên con đường này. Đường vẫn vậy. Xe vẫn vậy. Những đàn bò, những cánh đồng cỏ, những ruộng ngô đang trổ bông vun vút lướt qua vẫn vậy. Chẳng biết đâu là Pháp và đâu là Bỉ. Trong tâm trí tôi, biên giới là một cái gì rất thiêng liêng. Biên giới đồng nghĩa với Tổ Quốc. Biên giới là địa đầu, là xương máu cha ông tiên tổ, là lịch sử, là truyền thống, cội nguồn, là những cuộc chiến tranh, những âm mưu, những cuộc đột nhập, là người phát ngôn bộ Ngoại Giao tuyên bố, là hôn má bên này bật máu má bên kia (1), là gìn giữ từng mét đất cũng như những cuộc mở mang bờ cõi. Tôi không tin lại có thể vượt biên quá bình thường như chúng tôi vừa làm. Tôi không tin lại có những biên giới chẳng đem lại một chút xúc động cổ điển nào khi vượt qua, cho dù tôi biết Liên minh Châu Âu giờ đây đã có đồng tiền chung và tự do đi lại. Chúng ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với hai nước cộng sản, hai nước cùng hô vang khẩu hiệu của Mác: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại! Báo chí nước ta vừa đưa tin những cuộc chôn đặt cột mốc biên giới có cả sự chứng kiến của hai bên như một  mong mỏi rồi đây cuộc sống sẽ được bình yên. Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới. Hồi kháng chiến chống Pháp chúng tôi đã hát như vậy. Hát và tin chủ nghĩa cộng sản sẽ làm được như vậy!!

Tôi bảo Kamal:

-Lần sau gần tới biên giới, anh báo trước tôi biết và cho xe đi chậm lại Kamal nhé.

Chiều hôm sau chúng tôi lại đi trên con đường ấy, không phải để sang Bỉ mà tới Hà Lan thăm đê biển Hà Lan. Kamal đã làm theo yêu cầu của tôi. Biên giới Pháp – Bỉ cách Lille khoảng 30 km. Không ba ri e. Không hải quan làm thủ tục. Cũng không còn dấu vết những ngôi nhà trước đây từng là cơ quan cửa khẩu. Cột mốc biên giới chỉ nhỏ bằng cột xi măng đánh dấu ki lô mét vẫn trồng trên đường 5 nối liền Hải Phòng Hà Nội nhỏ thấp ở rìa đường, và cũng được trồng ở rìa đường:

BELGIE

Km 0

Tất cả chỉ có vậy. Chẳng thấy gì vĩ đại thiêng liêng như người ta vẫn nghĩ, vẫn nói về nhưng ki lô mét số không, những địa đầu. Chẳng thấy kết thúc một cái gì và mở ra một cái gì. Chỉ là thanh bình nối tiếp thanh bình, tin cậy nối tiếp tin cậy, một an lạc bao trùm không gian trong suốt của Châu Âu. Kamal nói:

-Đây là xứ Flandre.

Lại một bất ngờ nữa. Flandre thuộc Pháp và Flandre thuộc Bỉ. Địa danh này, những con đường này đã nằm trong một quyển tiểu thuyết đoạt giải Nobel. Claude Simon. Những con đường xứ Flandre. Dương Tường dịch. Giá có Dương Tường ở đây cùng tham gia cuộc du hành…

Trong mười ngày ở Lille, tôi đã đi qua những con đường xứ Flandre, những ngọn đồi xứ Flandre nhiều lần. Đó là những nhánh rẽ từ những đại xa lộ vào các ngọn đồi mà thoạt nhìn ta cứ nghĩ là những khu rừng. Chỉ đến khi tới gần mới thấy đó là đường phố, những ngôi nhà, những biệt thự, những quảng trường, những cửa hiệu, những nhà thờ… Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi với xứ Flandre là xứ Flandre thuộc Bỉ. Ngay trong buổi chiều chúng tôi tới Lille, gặp Kamal. Kéo chúng tôi vào một cửa hàng, ngồi uống mỗi người một chai bia Bỉ, Kamal bảo chúng tôi đứng lên ra xe ô tô:

-Gần đây có một cửa hàng bán sườn nướng ngon lắm.

Xe lại lăn bánh trên con đường nhựa, xuống một sườn đồi thoai thoải, lượn quanh co trên một cánh đồng nhỏ và lại leo dốc. Một restaurant khác trên đỉnh một ngọn đồi. Khoảng đất rộng phía sau nhà hàng đậu kín ô tô. Chúng tôi xuống xe đi qua một mảnh sân hẹp. Nhà hàng thấp và cũ kỹ. Mái lợp đá đen. Tường để nguyên gạch mộc. Dính vào tường là hai cái vô lăng tầu thuỷ bằng gỗ, một cái to một cái nhỏ, gợi những cuộc viễn du của những mạch lô hoặc dấu vết của những “Viking đầu quấn lá sồi”. Những thùng gỗ to xếp cạnh tường, những thùng rượu vang mà bên trong hẳn là rỗng, không có rượu, chỉ để tăng thêm không khí ẩm thực khi khách bước vào trong nhà ngồi trước bàn ăn gọi món. Ngay cửa nhà hàng là một chiếc xe bò với những bánh xe bằng gỗ lớn, chiếc xe hẳn chưa lăn bánh một lần, trong xe chất đầy những khúc gỗ tròn cưa cắt bằng nhau, chờ bổ cho vào lò, nhưng sẽ chẳng bao giờ được nhận một nhát rìu, chúng có mặt chỉ để gợi một không khí cổ xưa.

Trong nhà đã kín thực khách. Toàn những người châu Âu. Những trai thanh gái lịch, những ông bà đứng tuổi và có tuổi im lặng ăn, im lặng uống. Lần đầu tiên bước vào một cửa hàng ăn châu Âu, tôi, một kẻ quê mùa từ một đất nước châu á xa xôi nghèo nàn lạc hậu, không khỏi mất tự tin, nhất là khi mấy người quay ra nhìn chúng tôi bước qua khuôn cửa. Cái mặc cảm về thân phận, về chiều cao đến với tôi trong từng bước đi. Cám ơn Malika. Cô gái tóc vàng đã khoác tay tôi. Như hai bố con lững thững nhàn nhã sau một ngày làm việc mệt nhọc tìm nơi thư dãn. Dương Thụ, Kamal đi sau. Chúng tôi tìm được một bàn còn trống ngay cạnh chiếc lò sưởi bằng gang không biết có từ thế kỷ nào, đã lâu rồi không được dùng đến. Trong khi chờ thức ăn, chúng tôi uống bia và quan sát cửa hàng phía bên trong. Để dễ hiểu, ta gọi nó là một căn nhà cấp 4, có năm gian. Tất cả đều đen, mầu đen của khói bếp, của thời gian. Những quá giang, những rui mè, những ngói lợp đều đen. Những thanh dầm gỗ, những trụ gỗ dựng dọc tường giữa những hàng gạch xây với những thớ to khô két thành từng rãnh sâu, uốn lượn cong vặn cứng như thép, không phải được xẻ bằng cưa mà như được tách đôi ra, xé đôi ra bằng cánh tay của những người khổng lồ giống ta tách một khúc nứa. Nó còn nguyên tạo hình khi vẫn là cây là cành, rễ còn bám sâu vào đất, cành lá còn reo vui đón gió. Tường xây gạch mộc. Gạch và những mạch vữa đều một mầu đen. Trên tường, treo rải rác những đôi giầy bằng gỗ sơn trắng, một mầu trắng cũ kỹ, và từ bên trong những chiếc giầy, những ngọn đèn hình nến yếu ớt toả sáng. Tất cả bàn ăn đều bằng gỗ sồi mà tuổi của nó phải nhiều chục năm có thể hàng trăm năm, cũng một mầu nâu sẫm. Một ngọn nến được đưa đến bàn của chúng tôi.

Hãy kín đáo nhìn mọi người ăn. Khi đặt chân tới Châu Âu tôi đã chú ý đến những nét mặt người, những dáng người đi. Và bây giờ tôi quan sát những người ngồi ăn. Không một lời nói to. Những tiếng đặt thìa nĩa cũng rất khẽ. Không một tiếng động gì tỏ ra có người đang say, lại càng không có những tiếng hét vang dzô dzô mỗi khi chạm cốc. Không có những khuôn mặt phừng phừng bóng nhẫy vì ăn, vì uống, không có những bộ mặt tự mãn hoặc tự tin quá mức, cũng chẳng một ai quên rằng mình đang ăn uống giữa những người khác cũng đang ăn uống. (Để đạt được những điều tốt đẹp trong ăn uống nơi công cộng này ở nước ta tôi nghĩ thời gian phải tính bằng thế kỷ.) Chỉ có những nét mặt vui tươi, những tiếng rì rầm và những nụ cười. Hạnh phúc, niềm vui sống của người này hòa vào hạnh phúc, niềm vui sống của người khác. Tôi khe khẽ làm một cuộc tường thuật tại chỗ cho Dương Thụ:

-Cứ ngồi yên như vậy. Đừng quay lại. Cô gái ngồi ở bàn sau lưng Thụ đã ăn hết dẻ sườn lợn nướng thứ ba hay thứ tư gì đó. Một cô gái còn rất trẻ xinh đẹp, tóc vàng nhưng không vàng bằng tóc Malika đâu. Cô ta chăm chú ăn, gặm tỉ mẩn từng chút thịt trên dẻ sườn, đặt dẻ sườn đã hết thịt xuống đĩa. Chưa. Chưa uống. Còn đang mút ngón tay. Mút rất cẩn thận, tỉ mẩn từng ngón tay một. Vẫn chưa uống. Lấy khăn lau những vết đen trên miệng. Bây giờ mới uống. Bia chứ không phải rượu. Và vặn một dẻ sườn nướng nữa rồi.

Tôi cứ thuyết minh như vậy. Malika không hiểu gì, nhưng thấy Kamal cười chị cũng cười.

Tôi đặc biệt yêu thành phố nhỏ Brugge nước Bỉ. Một thành phố với những con kênh ngang dọc. Móng những ngôi nhà, những dẫy phố, những biệt thự, lâu đài ngâm trong dòng nước êm đềm với những mảnh sân nhỏ, những bậc xây xuống bến, những hàng cây soi bóng, những con chim trắng, những con sâm cầm (?) đen thả mình im lặng gà gà ngủ. Một Venise thu nhỏ, êm đềm. Mỗi ngoẹo phố là một bất ngờ dành cho bạn. Giống như đang trên thuyền giữa Hạ Long. Không thể hình dung được những gì chờ ta mỗi khi rẽ ngoặt. Chính ở Brugge, tới một quảng trường trước cửa nhà thờ, chúng tôi đã gặp một ban nhạc nhẹ đồng quê. Có violon, cello, contrebasse, clarinette, piano, lại cả phong cầm, gợi một không khí rất Trung Âu thế kỷ trước. Ba cô gái trang phục cổ điển áo liền váy, cùng các nhạc công complet cravate, thứ y phục quen thuộc, gần gũi. Không pop, không roc. Những làn điệu dân ca Trung Âu đậm âm hưởng nhạc chiều xê rê nat từ ba chất giọng soprano, mezzo, alto cùng với giọng baryton của người kéo phong cầm, khiến tôi tưởng mình đang sống trong một câu chuyện viết về nông thôn Rumani nào đó như Những Người Chân Đất, Giếng Nước Cội Dương từng làm chúng tôi một thuở say mê và mãi mãi say mê.

Copy (5) of 0408_Bruges

Ảnh: Một nhóm tượng đài ở Brugge (Bỉ)

Thụ ghé tai tôi:

-Đúng là Châu Âu cổ xưa. Nhạc trăm năm. Chơi trên đường phố trăm năm, quảng trường trăm năm. Cây trăm năm. Y phục ngày xưa. Váy dài ngày xưa. Sơ mi áo vét ngày xưa. Thỉnh thoảng lại một cỗ xe ngựa ngày xưa đi ngang qua nữa…

Sau khi đặt tiền vào chiếc mũ để ngửa, chúng tôi tiếp tục công cuộc thám hiểm Brugge. Khi vượt qua chiếc cầu uốn cong bắc ngang một con kênh ăm ắp nước lặng tờ giữa những dẫy phố cổ, nhìn hoàng hôn đang len vào những cành sồi già ngả trên mặt kênh, Dương Thụ đã chẩy nước mắt. Anh như nói với chính mình:

-Không phải thiên đường mà còn hơn thế. Không phải trên trời. Mà  ngay trên mặt đất, ngay trong cuộc sống. Vẫn mơ ước một cuộc sống êm đềm, thanh bình, một quan hệ người với người thật tốt đẹp thì bỗng nhiên có ngay trước mặt mình, chung quanh mình. Mình được nhìn thấy, được sống, được hít thở trong nó. Dù chỉ là khoảnh khắc.

Chiều hôm sau Dương Thụ và tôi được Kamal đưa đi thăm một ngọn đồi xứ Flandre khác. Trên đỉnh đồi, giữa những tán lá là những cửa hàng, những khách sạn, những biệt thự và một nhà thờ nhỏ. Chúng tôi bước vào nhà thờ. Không có ai ngoài một bà già đang lúi húi dọn dẹp dưới tượng Chúa phía trong cùng và một chiếc khay có rất nhiều ngọn nến nhỏ im lặng cháy đặt trên bàn ở một góc ngay cửa ra vào. Bà già bước về phía chúng tôi, nhẹ nhàng không một tiếng động, thì thào:

-Bonjour. Bonjour. (Xin chào. Xin chào.)

Chúng tôi cũng thì thào đáp lại. Rồi chúng tôi bước ra, ngồi xuống chiếc ghế dựa gỗ sồi thô mộc bên lề đường. Dưới kia sườn đồi thoai thoải. Rừng đổ bóng thẫm đen xuống vạt cỏ xanh non. Đàn bò khoang vẫn thấy in hình trên những hộp sữa im lặng gặm cỏ. Tiếng nhạc nhà thờ vọng đến. Êm đềm, thanh bình đến thế là cùng. Như một chốn Bồng Lai. Dương Thụ nói với tôi:

-Em đang được thanh lọc.

Ngồi trên chiếc ghế đặt ven đường, nhìn xuống sườn đồi nhưng nhức nắng vàng, tôi hiểu được những nét mặt người, những dáng người đi này đã được hình thành như thế nào rồi. Bao nhiêu năm người ta đã sống như chúng tôi mới được sống mấy ngày. Trừ mấy năm đại chiến thứ 2 mà tác dụng càng làm cho con người thêm yêu quý hoà bình. Sang Châu Âu, điều dễ nhận thấy nhất với những du khách như tôi, đập vào mắt ngay tức thì, là những nét mặt người và những dáng người đi. Sau này về Paris, gặp Vũ Thư Hiên, tôi đã nói với Vũ Thư Hiên nhận xét ấy:

-Trông những người bên này đi thích thật. Sải những bước dài, có mục đích, tự tin chứ không phải lang thang nổi trôi vô định. Thoăn thoắt, thoăn thoắt, dáng đi của người làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận. Còn nét mặt họ mới tuyệt làm sao! Không một chút lo âu. ở bên nhà, chúng tao vừa đi vừa nghĩ mưu. Ai cũng vừa đi vừa nghĩ mưu, không trừ một ai, từ tỷ phú cho đến những người khố rách áo ôm.

Copy (2) of 040821B_BNT&VTH_Paris

 

Ảnh: Bùi Ngọc Tấn cùng bà Hồng Ngọc (vợ ông Hoàng Minh Chính) và nhà văn Vũ Thư Hiên tại Paris

040906D_BNT_Munchen

Ảnh: Trên tháp truyền hình  Munich nhìn xuống sân vận động Olympic (Đức)

Tôi đã trả lời một tờ báo về chuyến đi Châu Âu của tôi:

-Tới Châu Âu, điều dễ nhận thấy nhất là con người được giải phóng.

Viết những dòng này, lại nghĩ đến chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài với bao điều đáng nhớ: Bay đến Bắc Kinh đúng ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngày Bin Laden đánh tòa tháp đôi New Yord. Thăm Cố Cung, Tứ Xuyên, Di Hòa Viên, bảo tàng Tô Đông Pha, khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, khách sạn 5 sao Thiên Nga Trắng. Cả khi qua sông Dịch Thủy, nhớ Kinh Kha, đầu ngân nga Vũ Hoàng Chương:

Buồn xưa giờ chưa tan

Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn

Bạch vân bạch vân

Kìa ngang rừng phấp phới

Ôi mầu tang khăn áo lũ người Yên

Nhịp vó câu nẻo Hàm Dương tung bụi

Ta nghe ta nghe này cuồng phong dấy lên…

Đã bao năm tháng, đọng lại sâu lắng nhất trong chuyến đi Trung Quốc vẫn là những bức chân dung treo trong Bảo tàng Nhà văn ở Bắc Kinh: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Ba Kim, Tào Ngu…, những bức ảnh mang bão táp, mang lịch sử. Nhất là hai bức ảnh Đinh Linh và Lão Xá. Tác giả Mặt trời chiếu trên sông Tang Càn già nua, tàn tạ, nhầu nát vì thời gian, vì hành hạ tù đầy và đau khổ. Còn Lão Xá, bố Thư ất giám đốc bảo tàng, đang dạy học ở Mỹ được Chu Ân Lai phái Tào Ngu sang đón về nước Trung Hoa giải phóng xây dựng nền văn hoá mới, đã đâm đầu xuống hồ chết trong cách mạng văn hoá. Lão Xá chết trong ao hồ chứ không phải trên sông trên biển. Hơn thế, Lũ trẻ con từng lấy móc sắt quất vào mặt ông / Giờ lôi xác ông lên phơi nắng (thơ Trần Nhuận Minh).

Thật đúng đi là sống và biết. Đâu phải “đi là chết ở trong lòng một ít” như ai đó đã viết.

 

—————————————

(1)Thơ Nguyễn Duy

Chuyện Kể Năm 2000, một giáp…

Chuyện kể năm 2000, bộ tiểu thuyết hai tập của Bùi Ngọc Tấn, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20 được xuất bản đầu năm Canh Thìn (năm 2000 Dương Lịch) và bị cấm khi còn đang trong thời gian lưu chiểu.

Đến nay, đã là năm Nhâm Thìn tính theo Âm Lịch và 2012 theo Dương Lịch, bộ tiểu thuyết có số phận khắc nghiệt này đã bị tử hình 12 năm, vừa tròn một giáp.

Dù bị thu hồi tiêu hủy khi chưa phát hành, nhưng cho đến nay không ai có thể tính được số bản đã đến tay bạn đọc là bao nhiêu. Cả trong nước và ngoài nước. (Chỉ riêng một người bán sách vỉa hè Hà Nội trong năm 2000 đã bán được gần 1000 bộ.) Suốt 12 năm bị cấm, bị đưa vào máy nghiền thành bột rồi  bị ngâm trong nước (mỗi công đoạn đều có ghi biên bản và ký nhận giữa những người có trách nhiệm), CKN2000 vẫn được người ta tìm mọi cách in ấn sao chép và đọc nó.

Anh: BNT chụp với Bùi Văn Ngợi giám đốc nhà XB Thanh Niên đã ký quyết định in CKN2000, trong đại hội họ Bùi

Vào thời điểm cuối năm 2012 này, nhiều bạn đọc vẫn mua được CKN2000  ở những cửa hàng vỉa hè Hà Nội (100 nghìn một bộ), và thành phố Hồ Chí Minh (300 nghìn một bộ) trực tiếp đem hoặc gửi về Hải Phòng, xin chữ ký tác giả, cũng  không quên tặng Bùi Ngọc Tấn một bộ.

Lại nhớ đến Vaclav Havel, nhà viết kịch, Tổng Thống Cộng hòa Czech (1993-2003) nói nghệ thuật đích thực là quyền lực của không quyền lực. Havel cho rằng: Hệ thống hậu toàn trị dựa trên nền tảng của sự giả dối, Tuy nhiên con người không thể sống trong sự giả dối ấy. ý thức hệ tạo cho con người sống trong hệ thống  « ảo ảnh về một bản sắc, một phẩm giá, một đạo đức ». Nhưng cũng chính vì thế nó lại  ‘tạo điều kiện cho họ từ giã chúng’.Nó đánh lừa mọi người sống trong hệ thống rằng : Nó tôn trọng tự do ngôn luân, tôn trọng sự thật, tôn trọng các quyền con người, phục vụ lợi ích con người. Nhưng sự thật nó phủ nhận tất cả.

Chính vì toàn bộ hệ thống được xây dựng trên sự dối trá nên nó sợ sự thật. Những người bất đồng chính kiến chỉ có một quyền lực đó là nỗ lực sống trong sự thật, tìm lại chính bản sắc đã bị dánh mất của mình. Bằng hành động cho mọi người thấy rằng hoàng đế đang cởi truồng, họ đã phá vỡ cái mặt tiền trang nghiêm của hệ thống, cho mọi người thấy được cái nền móng của hệ thống.

Nhân dịp  một giáp CKN2000 ra đời và bị kết án tử hình, chúng tôi xin giới thiệu một số bìa CKN2000 in ở trong nước và nước ngoài : Mỹ, Canada, Đức mà chúng tôi có trong tay.