Cập nhật tin về khối u

Nếu ai chưa đọc truyện của ông thì nên đọc, nếu một năm chỉ chọn một cuốn thì cũng nên chọn truyện của ông. Đọc để thấy dân của mình, trí thức của mình khổ thế nào! Mặc Ngôn viết về CMVH TQ còn phóng đại, còn Bùi Ngọc Tấn chỉ viết ra sự thật, viết từ gan ruột, viết về nỗi đau khổ bằng nụ cười “vi tiếu”… Nghe ông bị bệnh hiểm nghèo và đang ở TP.HCM, trưa nay vợ chồng Giang Hạnh (*) đến thăm ông. Trông ông rất tươi. “Nhân vật của ông” – vợ ông cũng thật nhẹ nhàng, dễ mến.
Nguyên Hạnh - Lê Giang và vợ chồng Bùi Ngọc TấnNguyên Hạnh và vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

Đoàn Lê Giang

(*) Đoàn Lê Giang chủ nhiệm khoa Văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, vợ là Nguyên Hạnh phóng viên báo Tuổi Trẻ.

 

Bùi Ngọc Tấn và khối u

Xang Hứng

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (tóc bạc, ngồi) và bạn bè. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tết  Giáp Ngọ 2014 lão Bùi Ngọc Tấn vui lắm.

Bước qua tuổi 80, gánh hành trang lão mang theo nhẹ tênh. Thời gian đã cất khỏi vai lão cả những tốt đẹp và thối nát, những chân thành và giả dối, những tiếng cười đắng cay, những hy vọng và tuyệt vọng, cả “5 năm tù dài hơn 1 kiếp người”.

“Thật may, lão cũng còn vớt vát lại chút ít. Rất ít. Trong tiểu thuyết và mấy truyện ngắn. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.”*

Hai cái đầu gối, “một bộ phận không nhỏ” trong cái thân thể nhỏ bé của lão bỗng như hết đau, hồi sinh khi bạn bè đến thăm và chúc Tết gia đình họ. Vợ lão, người đàn bà nhỏ thó nhưng rất mạnh mẽ, can đảm, thủy chung, cả đời chỉ biết đau cùng nỗi đau, hạnh phúc cùng niềm hạnh phúc của chồng. Trên môi bà luôn nở nụ cười, nụ cười đã giúp cho lão tồn tại, rồi hồi sinh trở về từ ngục tối.

Cái Tết vừa đi qua, lão sững người ngạc nhiên khi biết Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in những tác phẩm của lão thành “tuyển tập”. Vui thì có vui nhưng đêm nằm lão nghĩ, làm chó gì có nhiều niềm vui đến cùng một lúc như vậy. Quả là một sự vô lý vĩ đại, quá sức tưởng tượng của “Người chăn kiến”: Bùi Ngọc Tấn!

Lão đã vào tù bằng cái tội danh bị “người ta” gán cho. 46 năm trước, thứ sáu, mùng 8 tháng 11 năm 1968, khi tỉnh dậy trên giường vẫn còn là người tự do. Vài giờ sau, lão đã được nhận suất cơm tù lạnh ngắt đặt ngay dưới đất, cùng phần nước uống đựng trong cái bô sắt han rỉ.

5 năm sau ra tù, lão “tự thú” bằng cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000″. Đứa con tinh thần của lão chưa đầy tháng thì nó lại bị người ta bỏ tù.

Những tưởng đến cái tuổi này thì chẳng còn gì làm lão ngạc nhiên, ấy thế mà khi đối diện với những niềm vui đến liên tiếp, lão đã sướng đến mất ăn mất ngủ. Rít thuốc lá cả ngày, nghĩ ngợi cả ngày, phải có nguyên cớ gì chứ, lão cố tìm hiểu.

Thế rồi lão phát ho phét hen. Ho sù sụ, ho như cuốc, ho ngày, ho đêm. Bao nhiêu thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc lá, rồi cả chữa mẹo cũng không làm cơn ho buông tha lão. Suốt mấy tháng ròng, vợ con đưa lão đi khám khắp các bệnh viện, nghe ngóng ở đâu có bác sỹ giỏi là đến ngay. Cuối cùng, có anh bác sỹ đề nghị lão đi chụp CAT (Computed Axial Tomography) phổi.

Vừa đặt lưng trên CAT, lần đầu tiên sau nhiều ngày thức trắng, lão ngủ, ngủ say. Hôm đó là tháng 5/2014.

Cầm tấm phim và tờ kết quả, cô con gái lớn của lão khóc ngất: “Trên cửa sổ trung thất: Tổn thương nốt đơn độc đỉnh phổi trái KT 18,5 x 18,3mm, bờ đều, ranh giới rõ, tỷ trọng mô sau tiêm thuốc cản quang khối ngấm thuốc khá mạnh…”. Gần đây, Hải Yến, con gái lão mới tâm sự: “Hai năm ăn kiêng không làm con giảm được cân nào, thế mà cái khối u trong phổi bố giúp con giảm 4 kg trong vòng chưa đến 1 tháng”.

Thêm một lần nữa, bà vợ chung thủy, nhỏ thó lại đồng hành với lão trong biến cố mới.

Thì ra nguyên nhân là đây. Có thế chứ, một lần nữa lão lại phải trả giá cho đời sống, lần này thì bằng những nguy cơ có thật, cái nguy cơ có kích thước 18,5 x 18,3mm đã “hạ đặt” trái phép trong buồng phổi lão, một cơ quan có tầm quan trọng sống còn của con người. Lại thêm một lần nữa, “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng…”*

Năm 2006, sau hơn 40 năm được thoát khỏi cái “nhà tù nhỏ”, lão có dịp trở lại thăm trại Hoành Bồ, một trong những trại lão đã “sống” qua 5 năm thời trai trẻ. “Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp, để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người”*

Lão đã trở về, không phải để căm hận những kẻ đã đày đọa mình, nhưng để có thể quên, để tha thứ, để xóa đi những ám ảnh tuyệt vọng khi đã về già, để tiếp tục sống bên những người thân yêu, bè bạn. Để viết, để được tiếp tục trò chuyện cùng “Chữ”, người bạn chung thủy của lão, những “chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng.”*

“Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”.*

Lần này thì lão cùng gia đình có toàn quyền quyết định. Tháng 6/2014, Bùi Ngọc Tấn cùng vợ vào Sài Gòn ở với cô con gái.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tác giả Xang Hứng và bác Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Lão bảo với tôi: “Anh rất thoải mái trong tinh thần, được sống đến ngày hôm nay là lãi lắm rồi, cho dù có xảy ra điều gì thì anh cũng đã được sống một cuộc đời thú vị, có một gia đình yêu thương, nhiều bạn bè tốt. Khi nghe anh có khối u, bạn đọc, người thân đã tận tình giúp anh, tìm đủ mọi cách tốt nhất cho anh để chữa bệnh. Anh đã bàn với chị và các con, sẽ lại một lần nữa chung sống với cái khối u quái ác này”.

Tôi hiểu rằng lão đã chọn thái độ tiêu cực nên hỏi: “Nếu biết chắc khối u trong phổi là u lành, anh sẽ làm gì?”

Nở nụ cười hiền lành và tươi rói, lão trả lời ngay: “Anh sẽ ra Hải Phòng, và… Viết, anh có rất nhiều ý tưởng…”

Lúc này Yến, cô con gái lớn của lão bước ra tham dự buổi chuyện trò. Tôi đề nghị:

– Như anh kể, một người còn sống, còn sáng tạo được như anh sau khi phải trải qua những năm tháng mà chỉ nhớ lại thôi đã thấy khủng khiếp thì có lý do gì mà ngại ngần khi thêm một lần nữa đối diện với sự thật. Cái quan trọng của người bệnh là tinh thần, điều này anh có. Quan trọng nữa là anh có sự chia sẻ từ gia đình, mọi người luôn bên anh. Em đề nghị anh tham khảo ý kiến của những bác sỹ chuyên khoa. Nếu cần, sẽ dùng biện pháp can thiệp tích cực nhất”.

Giác quan của tôi, quan sát của tôi khi nhìn sắc diện lão cho thấy, đây cũng chỉ là một biến cố thử thách của cuộc đời. Lần này cũng chả kém gì những thử thách khắc nghiệt nhất là lão đã từng vượt qua. Lão sẽ chết, nhưng là chết già. Điều quan trọng là trước khi chết già, lão còn phải tiếp tục “lao động khổ sai” và hạnh phúc cùng “Chữ”. Lão sẽ còn được đắm đuối, cay đắng, được lặn ngụp, nhấm nháp và nghiền ngẫm “Chữ”. Được vuốt ve ngắm nghía, gọt giũa, ấp ủ trong tim, ngậm trong miệng, thì thầm và đọc to lên, “Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.”*

Tôi mang bệnh án của lão tham khảo ý kiến các bác sỹ chuyên khoa. Trên phim chụp cắt lớp độ dày 8mm trước và sau tiêm thuốc cản quang có thể nhận thấy một tổn thương nốt đơn độc, không có hạch to có ý nghĩa bệnh lý trung thất và rốn phổi hai bên. Khẩu kính các mạch máu lớn trong trung thất bình thường, có xơ mỡ thành động mạch chủ ngực. Không thấy tràn dịch trung thất và màng phổi hai bên. Trên cửa sổ nhu mô: không thấy tràn khí trung thất và khoang màng phổi. Không thấy hình ảnh giãn phế quản và phế nang hai bên.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn.  Ảnh: tác giả cung cấp.

Vài tác phẩm có chữ ký của Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Hình ảnh nốt đơn độc ở đỉnh phổi trái có thể là u phổi. Vị trí không cho phép chọc sinh thiết. Các bác sỹ thống nhất sau khi kiểm tra chức năng phổi, nâng cao thể trạng là có thể dùng phương pháp mổ nội soi lấy trọn khối u ra. Lão sẽ lại về Hải Phòng, tôi tin như vậy…

Vui mừng gọi điện cho lão, nói rõ ý kiến của các bác sỹ. Lão mừng lắm nhưng vẫn hỏi tôi một câu: “Có cách nào mà không phải mổ, chấp nhận sống chung với “Nó” cả đời không?”

Lần đầu tiên, với một người bạn, người anh lớn, một nhân cách đáng kính trọng, tôi phải gắt lên:

– Trường hợp của anh không giống như trường hợp bệnh cả dân tộc mắc phải, muốn khỏe mạnh thì bất kể loại khối u nào, dù lớn hay nhỏ, dù ác hay lành đều cần cắt bỏ, cắt tận gốc. Đây là lúc anh được toàn quyền quyết định chất lượng đời sống của mình. Hãy đau thêm một lần để có một cuộc sống trong lành cho đến…chết”.

Tôi biết, ở đầu dây bên kia, anh lại nở một nụ cười hiền và đồng ý với tôi.

Sài Gòn tháng 7/2014.

(*) Lời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 

Nguồn: http://hieuminh.org/2014/07/11/bui-ngoc-tan-va-khoi-u/

Lời cảm ơn của nhà văn

Ngày 18 tháng 6 vừa qua, nhà văn  Nguyễn Quang Lập đă cho đăng trên trang Quê Choa  của mình, dưới tiêu đề “Ân tình với nhà văn Bùi Ngọc Tấn”, tin tôi vào Sài gòn chữa bệnh (một khối u trong người) và công bố số tài khoản của tôi để tạo điều kiện thuận lợi cho những bạn đọc muốn giúp đỡ tôi.

Tôi rất xúc động trước cử chỉ cao đẹp ấy và càng xúc động hơn với những phản hồi của những bạn đọc đã đọc tôi. Những cuộc điện thoại, những bức thư điện tử, những cuộc thăm hỏi tại nhà con gái tôi, nơi tôi đang chữa bệnh, những túi quà, những số tiền gửi cho tôi qua tài khoản hoặc trực tiếp cầm tới nhà kèm theo những lời động viên khích lệ…

Ngoài giá trị sử dụng khác nhau của những món tiền to nhỏ khác nhau, tất cả đều có cùng một sức mạnh, từ số tiền 10 triệu đồng của cô Hoàng Kim Quý, 2 triệu đồng của bà Phạm Chi Lan, tới số tiền 50 nghìn đồng của một bạn đọc mà tôi đoán là nhỏ tuổi “mong bác chóng khỏi”… Đó là sự nâng đỡ sẻ chia, là niềm vui, là ý chí để người bệnh chiến thắng bệnh tật, điều đặc biệt quan trọng với những bệnh nhân mang một khối u trong thân thể như tôi. Tôi vô cùng cảm ơn tất cả các bạn. Tôi cũng xin được nói ở đây lời cảm ơn tới Quê Choa, niềm vui chờ đợi tôi mỗi sáng, tới người chủ của nó, Nguyễn Quang  Lập, một người bạn, một người em.

Bùi Ngọc Tấn

(Theo Quê Choa)

Ân tình với nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Bước vào tuổi 80, nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa phát hiện có một khối u ở phổi và đang vào TP HCM để điều trị. Biết được tin này, nhiều bạn đọc yêu quý nhà văn đã đề nghị Quê Choa cho địa chỉ và số TK của nhà văn để hỗ trợ ông chữa bệnh. Âu đây cũng là dịp mà nhiều người từng đọc các tác phẩm của ông( đặc biệt là cuốn Chuyện kể năm 2000) qua bản photo hoặc qua mạng, được trả món nợ “nhuận bút” ân tình. Vậy Quê Choa xin cung cấp địa chỉ:
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, khu tập thể số 10 đường Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng.
 Số tài khoản 0031000306594, Ngân hàng Ngoại thương- Vietcombank/ chi nhánh Hải Phòng. Chủ tk: Bùi Ngọc Tấn
Theo Que Choa

Viết như chụp một khoảnh khắc của đời

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Viết, như chụp một khoảnh khắc của đời...

Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: T.L.T

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Viết, như chụp một khoảnh khắc của đời…

“Viết “Biển và chim bói cá” là tôi ý thức được mình lĩnh trách nhiệm của một nhà văn về một giai đoạn lịch sử cần được ghi chép một cách trung thực” – nhà văn vừa được tặng giải thưởng “Sách hay” 2013 nói.

Tự quen với mình
Buổi sáng ngày 22.9, Bùi Ngọc Tấn thập thễnh lên sân khấu nhận giải cho cuốn “Biển và chim bói cá”. Giữa những chớp loá của máy ảnh, hoa và lời chúc mừng, khuôn mặt ông, lúc đó, có chút gì thật ngây thơ. Khuôn mặt của một đứa bé, giữa những thương yêu, thoáng bối rối chưa biết mình cần phải chú mục sự chú ý của mình vào đâu…Sáng 25.9, tôi tới thăm vợ chồng ông. “Đi Sài Gòn lần này, rồi chẳng biết bao giờ mới lại vào nữa. Mà có bay nữa thì chắc cũng phải sử dụng dịch vụ… ngồi xe lăn” – ông mỉm cười. Bà Bích – vợ ông – cầm tay chồng, vỗ nhè nhẹ dịu dàng…

“Về cái chân đau, thì thế này nhé: Mòn hai khớp gối; riêng chân phải kèm thêm “món” thần kinh toạ. Con gái Hải Yến, mấy năm trước định đưa bố vào viện thay hai khớp gối, chuẩn bị 200 triệu đồng rồi. Bố tiếc của, bảo con gái cứ cất tiền đi, bố tự khắc phục được. Hai cái chân đau nhiều hơn sau khi đi qua 5 nước Châu Âu, rồi đi Trung Quốc. Năm 2009, đầu năm đi Mỹ, cuối năm đi Nga. Trong chuyến đi Nga, đi bộ nhiều quá, đi bảo tàng nhiều, quanh co lên xuống cho tới chừng đến Hermitage, chân đau quá rồi, không sao vào trong bảo tàng được nữa, đành ngồi trước cửa, chụp cái ảnh giải quyết khâu oai.

Rồi tới cái năm bị xe máy đâm, đâu như 2011, đành ngồi ghế “thủ trưởng”, ghế có bánh xe xoay loanh quanh trong căn hộ 70m2 ở Hải Phòng. Bạn đọc biết tin, từ nhiều nước gửi ngay, gửi liên tục thuốc cho mình. Uống thuốc quanh năm, lọ thuốc các loại uống hết, dồn vào được nửa bao tải. Nếu quy thuốc ra tiền Việt, lấy đâu tiền mà uống?

Không hy vọng hai chân khỏi hẳn, hy vọng tình trạng đừng xấu hơn thôi. Một hai năm nay, mọi người đã quen với hình ảnh này của mình, giờ có phép tiên, chân đi lại nhanh nhẹn như trước, mọi người lại không nhận ra mình. Thế nhé, mình bảo với mình, đành bằng lòng với một bộ phận không nhỏ trong cơ thể mình đã thoái hoá biến chất.

Chân đau vì tuổi già, nhưng sâu xa hơn, chân đau cũng là bởi 5 năm (1968-1973) gian khổ bị cách ly với đời, sống ở trại, gánh gồng nhiều quá. Nhớ những mùa đông giá buốt, phải lội suối vùng Đông Bắc đổ ra từ rừng. Chân tê dại đi, chẳng còn cảm giác gì, thậm chí lúc đó, đút chân vào đống lửa, cũng không có cảm giác ấm…

Chịu cái đau tinh thần, có thể đưa nó lên trang viết và được sẻ chia. Nhưng cái đau thể xác, thì mình tự nhận. Bạn đọc gửi thuốc men về cho, bảo, chưa chắc thuốc có tác dụng ích thực gì? Nhưng mỗi lần mình uống thuốc, lại thấy vui, yêu đời hơn rất nhiều. Uống thuốc là uống cả cái tình bạn đọc vào người”.

Chia sẻ và trách nhiệm

“Biển và chim bói cá” ra với đời năm 2008. Sách được dịch ra tiếng Pháp, lại cũng được một cái giải của Pháp dành cho tiểu thuyết viết về biển. Đấy là cái lộc thứ nhất từ sách. Cái lộc thứ hai từ cuốn này là Đài Tiếng nói Việt Nam đọc toàn bộ, trả cho nhuận bút là 800.000 đồng. Cái lộc thứ ba tiếp nối là hôm nhà văn Đình Kính dẫn đi mátxa ở Hội mátxa người mù Hải Phòng. Đình Kính giới thiệu, đây là ông viết nên “Biển và chim bói cá”. Mấy em mátxa người mù thường nghe đọc sách qua đài, hào hởi, thế ạ, ra là bác đấy ạ. Họ mátxa cho mình nhẹ nhàng cẩn thận…

Giải “Sách hay” cho “Biển và chim bói cá” năm nay là thêm một lộc. Không nghĩ 5 năm sau, “Biển và chim bói cá” lại mang lộc nữa tới cho mình…

Cuộc đời mình có nhiều nỗi oan ức. Nhưng còn may mắn hơn rất nhiều người. Còn sống, trở về và viết lách tý ty để chia sẻ, trong những truyện ngắn, tiểu thuyết đầu tay “Chuyện kể năm 2000”. Nhưng viết “Biển và chim bói cá” là như chụp một khoảnh khắc của sự tan rã của nhiều thứ của đời. Viết và ý thức được trách nhiệm của một nhà văn về một giai đoạn lịch sử cần được ghi chép trung thực…”.

Một trái tim thuần hậu

Năm 2013 này Bùi Ngọc Tấn có hai ngày kỷ niệm đáng nhớ – 45 năm một ngày của tháng 3.1968 và 40 năm của một ngày tháng 11.1973. Tôi hỏi ông về sự vị tha của con người. Ông mỉm cười: “Hầu như chẳng nghĩ gì tới những năm tháng ấy nữa. Có nghĩ thì chỉ cứ ao ước được trở lại thăm những nơi ấy. Năm 2006, có dịp trở lại một trong những nơi ấy. Thấy buồn lắm. Những gì đọng lại trong mình chẳng còn nữa. Những cánh rừng nguyên sinh không còn nữa. Chỉ toàn rừng trồng. Mới thấy thời gian thật ghê gớm. Mới thấy con người sao nhỏ nhoi trước thời gian…”.

Chuyện với Bùi Ngọc Tấn, chuyện nọ xọ chuyện kia, tôi không dưng nhớ nhân vật Cần của ông, một người đàn ông cô đơn cùng cực, bị cách ly với đời, với tất cả vẻ mê say chăm chút cho con cá, con trăn và hai con tắc kè… Nhớ nhân vật Hồng nhận xét: “Biển êm thế này là chỉ nay mai thôi sóng gió nổi lên, biết thế nào là lễ độ”. Nhưng, tôi nói với ông, trong các truyện ngắn của ông, tôi rất thích truyện “Một cuộc thi hoa hậu” ông viết xong tháng 10.1995, in trong tập “Một ngày dài đằng đẵng” (NXB Hải Phòng 1998).

Cái câu kết nhiều trìu mến ấy “Bé ơi. Đừng khóc. Đời các con mới chỉ bắt đầu”, với tôi, chứa một cái nhìn xuyên thấu thời gian. Nhìn trước được rất nhiều điều của cuộc đời này với sự thương cảm. Bùi Ngọc Tấn cười nhẹ, “Tôi cũng thích truyện ngắn ấy. Tôi cũng thích cả truyện “Vũ trụ không cùng”. Á, truyện ngắn đó, nhà văn Dạ Ngân từng nhận xét “là một truyện ngắn đạt đạo” của Bùi Ngọc Tấn. Câu kết của nó cũng đượm buồn, như thân phận con người: “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng”…

“Cuộc đời nhọc nhằn, khổ sở. Bằng lòng với cái cuộc đời ban cho. Sống và thương yêu nhau, nhỉ?” – Bùi Ngọc Tấn lặng cười.

Bùi Ngọc Tấn đoại giải thưởng Henri Queffélec

Festival Livre et Mer (Sách và Biển) là một festival hàng năm ở Pháp nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển. Giải thưởng  mang tên nhà văn Henri Queffélec, người được xem là một trong những tác giả vĩ đại nhất viết về biển bằng tiếng Pháp trong thế kỷ 20.

Năm nay  có 6 tác phẩm lọt vào chung khảo. Các tác giả đều là các nhà văn chuyên nghiệp:

– Dominique Fortier nữ văn sĩ Canada với tác phẩm Cách Dùng Các Vì Sao nhà xuất bản Table Ronde

– Francois Bellec nhà văn Pháp, với tác phẩm Cây Ban Đêm nxb Jean Claude Lattès

– Eric Fottorino nhà văn Pháp, giám đốc nhật báo Le Monde với tác phẩm Bơi Ngửa nxb Gallimard

– Jose Pinelli (hoạ sĩ người Bỉ) và Jean Bernard Pouy (nhà văn Pháp) với Con Tầu Dưới Gió nxb Jean Claude Lattès

– Pilar Hélène Sugers nữ văn sĩ Pháp với Hội Gió ở Aixlen nxb Jean Claude Lattès

– Bùi Ngọc Tấn nhà văn Việt Nam với Biển và Chim Bói Cá nxb Aube

Vượt qua 5 tác phẩm trên, Biển và Chim Bói Cá (BVCBC) đã được ban giám khảo tặng giải thưởng.

Festival Livre et Mer sẽ được tổ chức trong 3 ngày.

– Thứ sáu 6-4-2012 : 19 giờ trao giải thưởng Henri Queffélec cho BVCBC do ông chủ tịch Francois Bourgeon.

Ảnh: Giải thưởng được trao bởi ông François Bourgeon, chủ tịch danh dự Festival và trưởng hội đồng tuyển chọn, cho dịch giả Tây Hà.

– Thứ bẩy 7-4-2012 :

10 giờ : Dịch giả thay mặt tác giả ký tặng sách BVCBC.

19 giờ : Trích đọc BVCBC do một nghệ sĩ đảm nhiệm. Giao lưu giữa bạn đọc và dịch giả. Dịch giả nói chuyện với bạn đọc về tác giả Bùi Ngọc Tấn.

– Chủ nhật 8-4-2012 : Trao đổi đặc biệt giữa các tác giả được vào chung khảo.

Dưới đây là bài phát biểu của dịch giả Tây Hà thay mặt tác giả Bùi Ngọc Tấn trong lễ trao giải:

L’auteur Bùi Ngọc Tấn est au Vietnam et regrette beaucoup de ne pas pouvoir assister à cette cérémonie. C’est son traducteur qui le représente. Le traducteur n’est qu’un exécutant, très impressionné de se trouver parmi tous ces créateurs.

C’est avec émotion, joie et reconnaissance que nous recevons le prix décerné à l’ouvrage, La Mer et le Martin pêcheur. Le nous ici n’est pas de majesté, il est simplement pluriel. Cette joie et cette émotion l’auteur me les a exprimées quand je l’ai eu au téléphone.

Ảnh: Dịch giả Tây Hà tại buổi lễ trao giải thưởng (hình chụp bởi Stéphane Cariou)

Ce prix est pour nous une grande joie, un honneur et une consolation, parce qu’il est la reconnaissance internationale d’un talent mal traité dans son pays. L’auteur a eu de nombreux prix au Vietnam, au niveau national. Mais il a aussi connu la prison en raison de son talent, parce que le talent ne se soumet pas à l’arbitraire et à l’injustice, fussent-ils soutenus par la force.

Je remettrai ce prix à l’auteur à mon prochain voyage au Vietnam, et nous aurons un petite fête avec nos amis écrivains et artistes, avec de l’alcool et du poisson, comme dans le roman.

Voici un message que l’auteur adresse au festival ….

“Je salue le Festival Mer et Livre. C’est un grand honneur pour moi de recevoir le prix Henri Queffélec attribué chaque année à un livre sur la mer, honneur d’autant plus grand par je vois la qualité de mes concurrents, en consultant l’Internet. La France ne m’est pas inconnue, car j’ai étudié le français dans mon enfance, cela ajoute encore à ma joie de recevoir cette distinction. Je remercie sincèrement le Festival Mer et Livre pour cet honneur et cette joie.”

…..

Monsieur le Président, Messieurs les membres du jury, c’est du fond du cœur, que nous vous disons merci.

Bản tiếng Việt

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện đang ở Việt Nam và rất tiếc không đến dự được buổi họp hôm nay. Thay mặt tác giả là dịch giả. Dịch giả chỉ là người thi hành và thấy mình thật bé nhỏ khi đứng với bao nhiêu nhà sáng tạo.

Chúng tôi rất cảm động vui mừng và cảm ơn nhận giải thưởng Đại Hội đã dành cho « Biển và Chim Bói Cá ». Chúng tôi đây không phải là lời ra oai của thiên tử mà chỉ là đại danh từ số nhiều. Sự cảm động và vui mừng tác giả đã biểu lộ khi được tôi báo tin trên điện thoại.

Giải thưởng này là một vinh dự, một niềm vui, và là một an ủi cho chúng tôi, vì nó là một sự công nhận quốc tế đối với một tài năng bị bạc đãi ở chính nước mình. Tác giả đã từng nhận nhiều giải thưởng có tầm cỡ toàn quốc, ở trong nước. Nhưng ông đã bị giam cầm vì tài năng của mình. Bởi một người tài không bao giờ chấp nhận những điều phi lý hoặc phản công lý dù những điều đó dựa vào sức mạnh.

Tôi sẽ chuyển giải thưởng cho tác giả khi về Việt Nam và chúng tôi sẽ có cuộc liên hoan với các bạn nhà văn, nghệ sĩ, có rượu và cá như đã viết trong tiểu thuyết.

Sau đây tôi xin đọc lời chào mừng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi đến đại hội :

« Tôi chào mừng Đại Hội Biển và Sách. Đạt được giải Henri Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này. »

Kính thưa Ông Chủ tịch, kính thưa các quý vị trong ban giám khảo, Chúng tôi xin thành thật có lời cảm tạ từ đáy lòng.

Biển và Chim bói cá do nhà xuất bản HộiNhà Văn và công ty Nhã Nam ấn hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2010. Bản Pháp ngữ do Tây Hà dịch, nxb Aube ấn hành năm 2011.

Đây là tập sách thứ 2 của Bùi Ngọc Tấn được Aube giới thiệu, sau tập truyện ngắn Une vie de chien gồm 7 truyện ngắn (Khói, Người chăn kiến, Truyện không trên, Những người đi ở, Một ngày dài đằng đẵng, Cún, Dị bản một truyện đã in) ấn hành năm 2007 và được tái bản năm 2011 dưới dạng bỏ túi (poche)

Nguồn:

1) http://www.letelegramme.com/local/finistere-sud/quimperle-concarneau/concarneau/concarneau-29-festival-livre-mer-l-ecrivain-vietnamien-bui-ngoc-tan-recompense-06-04-2012-1661025.php

2) http://www.ouest-france.fr/ofdernmin_-Le-Prix-Livre-et-Mer-de-Concarneau-decerne_40771-2063900-pere-bre_filDMA.Htm

3) http://www.livremer.org

Đầu xuân thăm Bùi Ngọc Tấn

(Theo Nguyễn Xuân Diện’s blog)
Thưa chư vị,
Theo lệ hằng năm, sáng nay, một số anh em văn nghệ sĩ trí thức Hà Nội bạn bè của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã đi Hải Phòng thăm gia đình ông. Đoàn gồm: Các GS Chu Hảo, Phạm Duy Hiển; các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, nhà thơ Vũ Quần Phương, Nhà giáo Phạm Toàn, TS Nguyễn Quang A, Họa sĩ Trịnh Tú, dịch giả Ngọc Tây Hồ, Chị Tâm Hiếu, chị Phương Loan và Nguyễn Xuân Diện.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn – tác giả tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” và vợ – hiện đang cư trú tại 10 Điện Biên Phủ, TP Hoa Phượng Đỏ (gần đây đổi tên hoa phượng thành hoa cải) – đón tiếp mọi người trong niềm vui sướng cảm động. Đài TH TP Hải Phòng cũng kịp thời có mặt để ghi lại những phút giây của cuộc gặp gỡ và các phát biểu của các bạn văn về cuộc đời và nghiệp văn Bùi Ngọc Tấn.

Trên đường đi, trạm dừng nghỉ ngơi:

Không chụp ảnh ba người bao giờ, nhưng có hai ông nổi tiếng, đành liều chụp chung
Cùng Vũ Quần Phương sớt bài thơ Tranh Tết dân gian của ông trên Gúc Gồ

Vào ngõ nhà Bùi Ngọc Tấn:

GS Chu Hảo tặng hoa cho bà Bùi Ngọc Tấn, và cảm ơn bà đã chịu đựng đau khổ
trong suốt thời gian ông bị tù đày.

 

Ảnh trên tường ghi lại cuộc gặp của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong ảnh có cả: Nhà văn Nguyên Ngọc và GS hạt nhân Phạm Duy Hiển.


Nhà văn Bùi Ngọc Tấn ký tặng bạn 2 tập sách mới được dịch và phát hành ở Pháp: Tiểu thuyết Biển và chim bói cá (La mer et le martin pêcheur) và tập truyện ngắn Cún (Une vie de chien) dạng bỏ túi (poche)

Phạm Toàn & Trịnh Tú


 


Sau khi hàn huyên ở nhà riêng, cả hội kéo nhau đến một nhà hàng. Ngọc Tây Hồ tặng mỗi bác một chiếc cốc No U (Xóa đường lưỡi bò, bảo vệ Tổ quốc):


Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh (Hải Phòng) cũng đến chung vui hội ngộ

 



Chu Hảo, người tổ chức chuyến đi thăm Bùi Ngọc Tấn nhân dịp đầu Xuân, do đó bốn người bạn tuổi 80 lại được gặp nhau, một cuộc gặp thật quý, bởi theo các ông, gặp lần nào biết lần ấy.

“Chúng tôi có 10 anh em chơi với nhau hơn nửa thế kỷ rồi. Nay 5 người đã mất (Hứa Văn Định, Mạc Lân, Vũ Bão, Nguyên Bình, Lê Bầu). Vũ Thư Hiên định cư ở nước ngoài. Chỉ còn lại 4 chúng tôi: Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường và tôi.

Tôi gọi vui là “bè lũ bốn tên”, “bốn người sót lại của rừng cười”, còn Đào Trọng Khánh gọi là “bốn Samurai”. Tôi thấy tên nào cũng được.” (Lời Bùi Ngọc Tấn)

Cũng theo Bùi Ngọc Tấn, chuyến về Hải Phòng thăm ông do giáo sư Chu Hảo tổ chức ngày 2 tháng 3 năm 2012 đã bị chậm lại nửa tháng so với dự định ban đầu. Bởi mỗi người một công một việc khác nhau. Người còn đang ở Úc, người ở miền Trung, người bận họp, người về giỗ mẹ vợ. Được người này lại vắng người khác. “Cứ rập rình như áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông vậy”. Cho đến ngày cuối cùng, lại do công việc đột xuất nên Phạm Xuân Nguyên, Phan Hồng Giang, Trần Vũ… phải ở lại Hà Nội.

“Tôi rất cảm động và cả tự hào nữa. Cuộc đời thật đáng sống.” (Vẫn lời Bùi Ngọc Tấn)

Tin và ảnh: Nguyễn Xuân Diện


A Tale for 2000

Bản tiếng Anh “A Tale for 2000” của tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” được thực hiện bởi dịch giả Đào Phụ Hồ, mẫu bìa Quốc Việt, Vương Trùng Dương trình bày, Người Việt xuất bản.  Hình thức khổ lớn, bìa cứng  dày hơn 700 trang. Xin xem thêm tại: http://www.nguoi-viet.com/estore.asp

Ảnh: bìa “A Tale for 2000”

Xin trân trọng giới thiệu phần mở đầu của người dịch:

Bản  tiếng Việt:

MỘT LỜI XIN LỖI TỪ NGƯỜI DỊCH…

Duyên nợ đưa đẩy tôi “làm quen” với tác phẩm để đời  Chuyện Kể Năm 2000 – bán tự truyện đầy bi hùng của Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn – đến thật tình cờ và rất “ngây thơ. Trước hết là phép lạ khiến cuốn sách “thoát” được sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam và được in vào Tháng Hai năm 2000. Rồi, thứ đến, là hành động tịch thu và hủy diệt thật nhanh chóng phần lớn ấn bản cũng bởi Nhà Nước, nhưng một số đã may mắn “lọt lưới”. Hai biến cố có liên hệ với nhau này là hai yếu tố vĩ đại khiến tôi tự nhủ là phải kiếm cho ra một bản, nếu không làm gì thì cũng đọc cho thoả cái tò mò của chính mình.

Công tác dịch thuật bắt đầu khá sớm sau đó. Một số bạn trẻ hỏi tôi có muốn làm việc này hay không. Tôi bằng lòng một cách khá …rồ dại và rồi ngay sau đó hối hận là mình đã quyết định quá hấp tấp. Công việc dịch cuốn sách rõ ràng là quá khó, và còn khó hơn bởi quá trình học hỏi của tôi khác với quá trình của tác giả Bùi Ngọc Tấn, và bởi tôi không phải là dịch giả theo đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, trong nghề tay phải lúc đó, tôi phải đi đây đi đó khá nhiều, nên có một việc để làm khi phải ngồi những quãng thời gian rất dài trong các “ống nhôm” là một “quyến rũ” khá mạnh. Giữa những chuyến đi, tôi phải “đâm đầu” vào các thư viện để khảo cứu tìm hiểu những gì mình chưa biết – mà những cái “chưa biết” này rất là nhiều. Chẳng hạn như tên, tác phẩm và cuộc đời của những nhà văn và nghệ sĩ Xô Viết mà Bùi Ngọc Tấn thường kể đến trong cuốn sách của Ông. Những kiến thức tôi mới thu thập được đó đã được nói phớt qua trong những câu chú thích. Tôi còn thấy mình cũng phải đưa ra nhiều chú thích về những chuyện, những biến chuyển và nhân vật mà đã là người Việt thì ai cũng biết, nhưng đối với người đọc không nói được tiếng Việt, không quen thuộc với Việt ngữ hay văn hóa Việt thì đấy là những điều lạ lẫm. Thể nào trong những chú thích đó cũng có rất nhiều lỗi lầm, và lỗi lầm đó tôi xin nhận.

Vì vậy, việc dịch Chuyện Kể Năm 2000 đuợc khởi đầu ở Phi Trường Quốc Tế Thành Điền (Narita) tại Đông Kinh (Nhật Bản) vào buổi sáng một ngày Tháng Năm năm 2000 khi tôi tới nơi quá sớm lúc chưa có xe buýt đưa hành khách vào thủ đô Đông Kinh và phải ngồi chờ mấy giờ đồng hồ. Công tác này được hoàn tất cũng ở Thủ Đô Đông Kinh năm sau đó, khi tôi trở lại xứ Phù Tang vì chuyện làm ăn không biết là lần thứ mấy mươi. Bản dịch lúc đó được hoàn tất với phần lớn các chú thích, nhưng không được trình làng với nhiều lý do. Vì thế, nó nằm “nghỉ ngơi” trong ổ cứng của máy xách tay cho đến khi máy này bị cướp ở nhà ga Gare Du Nord ở Paris vào Tháng Mười Một năm 2001. Lúc đầu, tôi rất hoảng hốt và thương tưởng tới cái mà mình vẫn xem là “đứa con tinh thần”. Nhưng may thay, một thân hữu còn giữ lại một bản điện tử mà tôi đã gửi để nhờ cho ý kiến. Thân hữu này cho lại một dĩa mềm có chứa bản dịch, và dĩa này được bỏ quên, đóng bụi trong phòng làm việc cho đến khi toàn bộ dự án được Nhật Báo Người Việt hà hơi cho sống lại.

Tôi xin trước hết có lời tạ lỗi với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả nguyên bản tiếng Việt, và sau đó, xin tạ lỗi với những độc giả bản dịch Chuyện Kể Năm 2000 này, bởi rõ ràng đây là một cố gắng có tính cách nghiệp dư đối với một tác phẩm bán tự truyện hết sức đứng đắn. Tôi cũng xin cảm ơn quý thân hữu ở Nhật Báo Người Việt đã tin tưởng ở tôi về việc làm nhỏ nhoi này. Tôi đặc biệt thâm tạ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, người đã không nề hà khó nhọc để duyệt lại một phần lớn bản dịch. Nếu bản dịch này có vẻ thông suốt thì phần lớn công lao là từ Giáo Sư Bích mà ra.

Tôi cũng xin cảm ơn Quốc Việt, người từ bao lâu nay vẫn là người em mà tôi có mong cũng chưa chắc có, và là người vẽ bìa bản dịch. Tôi cũng phải cảm ơn Dzũng, ngưòi em ruột của tôi, đã đọc kỹ bản dịch và đề nghị nhiều sửa đổi rất đúng đắn, và một người bạn đặc biệt, mà tên tuổi không thể đưa vào đây được vì nhiều lý do, đã là một nguồn cảm hứng cho tôi.  

Nếu trong bản dịch Chuyện Kể Năm 2000 có bất cứ lỗi lầm nào, thì đấy là lỗi của chính tôi và hy vọng rằng người đọc sẽ lượng thứ. Xin nhớ cho chẳng qua tôi chỉ là một người dịch nghiệp dư mà thôi.

Đào Phụ Hồ

Melbourne, Úc, Tháng Ba Năm 2010     

Bản  tiếng Anh:

AN APOLOGY FROM THE TRANSLATOR…..

My acquaintance with Chuyện Kể Năm 2000, the epic “semi-autobiography” of Bùi Ngọc Tấn, began innocently enough. Firstly, there was the miracle that allowed the book to initially “escape” the strict censorship of the Vietnamese Communist regime and proceed to be published in February 2000. Then, secondly, the swift seizure and destruction of most copies by the same regime that had left it “squiggled” through its net. These two entertwined events were the two humongous factors that forced me to look for it, if not for doing anything then just reading it out of curiosity. 

The translation was started soon after that. Some young colleagues asked me if I’d do the job. Foolishly I agreed, and soon regretted my hasty decision. The task was hard, and was made harder as my educational background had not been that of the author Bùi Ngọc Tấn and since I had never been a proper translator. However, in my right hand work at the time, I traveled a great deal, and to have something to do while being “imprisoned” in those aluminum tubes for long stretches of time was very attractive. Between trips, I had to “dive” into libraries to research on what I had not known – and there were lots of things that I hadn’t, such as the names, the works and lives of Soviet writers and artists often referred to in the text by Bùi Ngọc Tấn. My new-found knowledge gave rise to many footnotes, as did my belief that I should provide brief explanations on numerous matters which would be well known among Vietnamese speakers, but not to those readers who do not speak Vietnamese or are not well-versed in Vietnamese language and/or literature. No doubt there would be countless errors in thise footnotes, and they are all mine!

So the task of translation of Chuyện Kể Năm 2000 began at Narita International Airport one day in May 2000 when I arrived too early one morning for the limousine buses that took travelers to downtown Tokyo and had to stay at the airport for several hours. The task was concluded again in Tokyo the following year, when I returned for the umpteenth time on business.

The translation was completed with most of the footnotes, but it failed to present itself to the public for a number of reasons. So it stayed in my laptop harddrive until the laptop was lost in a robbery on a train platform at the Gare du Nord in Paris in November 2001. At first, I was in a panic and pined for the loss of what I considered a “spiritual child”. But luckily, a friend of mine kept an electronic copy I had given him for his opinion. The copy was given back to me in a floppy diskette which gathered dust for several years until found and re-surrected in this project in association with the Người Việt Daily.

I would like to apologize firstly to Bùi Ngọc Tấn, author of the original Vietnamese version, and secondly, to the readers of this translated version of Chuyện Kể Năm 2000 for what is clearly an amateurish attempt to translate a serious semi-biography. I would like to thank my friends at the Người Việt Daily who have put their trust in me and my work. A special appreciation must go to Professor Nguyễn Ngọc Bích who worked enthusiastically as editor for a major part of the translation. If the translation reads well, then a major part of the credit should go to him.

I would also like to thank Quốc Việt, who has over the years been the brother I don’t have, and who provided the cover design for this translated book. Credits should go to Dzũng Nguyễn, a real brother of mine, who read through the translation, and offered many good suggestions for improvement; and to a special friend, whose name cannot appear here for a number of reasons for having been a source of inspiration to me.

If there were any mistakes in this translated version of Chuyện Kể Năm 2000, they would all be mine, and once again, I hope readers would forgive me for having committed them. Please remember that I am but an amateurist translator.

Đào Phụ Hồ

Melbourne, Australia, March 2010.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn lại gặp nạn

Cú đâm của một xe máy chở hàng làm nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngã vật xuống đường bất tỉnh, đầu bê bết máu vào chiều mưa 15-9 khi ông đang đạp xe sau trận ốm dậy. Ông bị ngất đi vài giây. Một số người dân tốt bụng nhận ra ông liền đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Tại bệnh viện bác sĩ cho biết một phần da đầu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị rách, phải khâu ít mũi. Xương hông của ông cũng bị chấn thương nhưng không có dấu hiệu bị rạn nứt hoặc gẫy. Đồng thời kết quả chụp cat-scan cũng cho biết ông không bị máu đọng trong não.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, hai ngày trước khi tai nạn xẩy ra, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng đã phải đi siêu âm và chụp hình xương đầu gối, vì đầu gối chân phải của ông bị sưng không đi được. Bác sĩ cho biết chỗ nối hai khớp xương bị viêm, đã làm mủ. Ông phải uống trụ sinh.

Bệnh thấp khớp của ông vừa thuyên giảm thì vụ đụng xe xẩy ra!

Chiều 17-9, biết tin, nhà văn Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên, Tô Hoàng Vũ, Đoàn Duy Trọng… đến thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn ở nhà riêng ngõ 10 Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Họa sĩ Lê Đại Chúc vội đến thăm với lọ thuốc bổ thần kinh mang về từ Hoa Kỳ. Dù rất mệt, đầu băng bó, nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn hóm hỉnh kể lại, nó cũng chỉ là thằng phó người.

Tính tới hôm nay, vẫn theo thư của tác giả “A Tale for 2000” gửi cho bạn thì ông đã ăn uống bình trở lại. Đầu đã bớt đau nhức mặc dù buổi tối ông vẫn phải dùng thuốc ngủ mới có thể ngủ được.

Trước tất cả những sự việc vừa kể, nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có một lời than thở nào. Trái lại, ông cho ông vẫn còn quá may mắn!

Theo Lam Khê – Tiền Phong, dutule.com

Thư gửi anh Trần Phong Vũ

Thư gửi anh Trần Phong Vũ (California)

Kính gửi anh Trần Phong Vũ,

Sau khi từ biệt các anh các chị, từ Mỹ trở về Việt Nam, tôi nhận được những thông tin trái chiều về bài nói chuyện của tôi tại Boston. Có những ý kiến khen. Nhưng cũng có ý kiến chê mà chủ yếu là:

1- Tôi đã đánh đồng tất cả các cuộc chiến vào làm một.

2- Tôi như một người con trong gia đình đòi cha mẹ phần bánh chiến thắng: Lịch sử phải viết về họ, văn học phải viết về họ.

3- Tôi sợ sệt khi tiếp xúc với một số người

Về điều 1: Thực sự tôi chỉ làm cái việc thống kê những cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 mà dân tộc ta đã trải qua thôi:

“Chỉ trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã trải qua bốn cuộc chiến tranh: Chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc và chống Mỹ, chiến tranh chống Pôn Pôt ở biên giới Tây Nam và chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.” Không có ý kiến phân tích về tính chất các cuộc chiến tranh, cũng không đánh đồng các cuộc chiến. Lại càng không có chữ “vì thế” (ở VN biết bao đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng đã được tuyên dương) như một bài viết đã thêm vào.

Về vấn đề thứ hai. có thể tôi đã chủ quan, nghĩ rằng ai cũng hiểu ý mình định nói. “Tôi muốn đề cập đến một mặt khác của chiến tranh, chính xác hơn là nói đến những người tham gia chiến tranh một cách đặc biệt, chưa từng được nhắc đến trong các cuộc tổng kết, các buổi hội thảo, những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù. Những người đóng góp vào cuộc chiến không phải bằng sinh mạng của mình mà bằng tự do của mình. Với kinh nghiệm sống trong một đất nước liên tiếp có những cuộc chiến tranh, tôi hiểu chiến tranh không chỉ đến một mình. Bao giờ nó cũng có một người bạn đồng hành: Nhà tù. Đó là người anh em sinh đôi của chiến tranh.”

Và:

Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, miền Bắc thực hiện chủ trương pha lê hoá hậu phương. Những người đã từng cộng tác với Pháp, với Mỹ, những người có biểu hiện thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, những phần tử đáng ngờ, những kẻ trộm cắp, du thủ du thực…, tóm lại tất cả những gì là vẩn đục so với yêu cầu trong như pha lê của một xã hội cần pha lê hoá, đều bị tập trung cải tạo và đó được coi là một biện pháp không thể thiếu. Hơn nữa, nó còn có ý nghĩa răn đe những người khác, hướng tất cả vào mục tiêu chung.

Tổng kết về một cuộc chiến tranh không được quên những người đó. Họ đã góp phần vào chiến thắng, bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do!

Họ có quyền được chia sẻ niềm tự hào, dù là sự tự hào nhục nhã.

Dù họ chỉ là những người cam chịu lịch sử.

Lịch sử phải viết về họ.

Văn học phải viết về họ.

ý tôi muốn nói trong đoạn văn trên là: Chiến thắng của miền Bắc được làm nên bởi nhiều nguyên nhân trong đó có những năm tháng tù đầy oan khuất của biết bao người. Lịch sử không được quên nguyên nhân ấy, không được quên những người của những nguyên nhân ấy.

Văn học phải viết về họ. Vâng. Cho đến hôm nay, tôi tự hào là nhà văn duy nhất trong nước đã viết về họ. Những già Đô, những Nguỵ Như Cần, những Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Phố, những Vũ Lượng, Min, Giang Văn Giang… Tôi đã đưa cuộc sống của họ vào văn học, ra xã hội, ra ánh sáng.

Càng không phải tôi đòi chia quả thực, khi bọn người tù đầy chúng tôi (nhằm thực hiện pha lê hoá hậu phương) cho đến ngày hôm nay vẫn sống trong sự quản lý đặc biệt của nhà nước, vẫn là một thứ người loại 2. Đòi chia quả thực gì đây?

Nếu chịu khó đọc tiếp đoạn sau của bài nói chuyện thì thấy rõ ngay ý tôi định nói:

“Thiết tưởng cũng cần nhắc lại ở đây quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thuỵ Điển) ngày 10 tháng 12 năm 1957, cách nay hơn nửa thế kỷ: “Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không anh ta sẽ cô đơn và đánh mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đầy ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.”

Chính với những suy nghĩ như vậy tôi đã cầm bút viết văn trở lại sau hơn 20 năm im lặng.”

Chưa bao giờ tôi ngây ngô đến mức ngớ ngẩn có ý định đòi nhà nước chia phần bánh chiến thắng. Với lại đòi làm sao được mà đòi!

Có lẽ sự diễn đạt của tôi không được tốt, nên có thể hiểu theo nhiều cách trái ngược nhau.

Lỗi đó tại tôi.

Tôi xin nhận và rút kinh nghiệm trong khi viết.

Còn chuyện tôi sợ khi giao tiếp. Đúng là tôi sợ. Trong một buổi nói chuyện ở Viện Goethe cách đây mấy năm, tôi đã nhận rằng mình sợ đám đông. Tính tôi vốn ít nói, lại càng dè dặt khi tiếp xúc với những người lần đầu gặp gỡ, chưa biết người đó là ai, xấu tốt như thế nào.

Trong thời gian lưu tại Mỹ, tôi đã được các anh các chị dành thời gian đón tiếp, tôi rất cảm động.

Đi xa, tuổi cao, sức khoẻ tồi tệ, lệch múi giờ, rất kém trong giao tiếp, chắc chắn tôi có nhiều sơ xuất, mong các anh các chị thể tất.

Trân trọng cảm ơn.

Hải Phòng ngày 1-6-2009

Bùi Ngọc Tấn