Tân sắc Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn đặc sắc

bnt5Ngày ngày sau những giờ cặm cụi trên bàn viết ông vẫn tự thưởng cho mình là guồng xe đi dạo phố.

Nom cái dáng cong lưng, rạp người chân thoăn thoắt guồng pê – đan xe lao vun vút hết phố này đến phố khác tất bật, vội vã, người không biết tưởng đấy là một cuarơ đã nghỉ hưu còn nhớ đường đua, nhưng không phải, đấy chỉ là một ông già có cái thú đạp xe để bồi bổ sức giai bền của cơ thể, giảm thiểu cái sự ốm đau của tuổi già.

Ông đấy! Bùi Ngọc Tấn đấy! Người viết nên những thiên truyện hóm hỉnh giàu chất thơ, thấm đẫm tình yêu cuộc sống, yêu con người và quê hương. “Người biết chưng cất cái đau thành nụ cười, thành hy vọng…” (1)

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 ở làng Câu Tử Ngoại xã Hợp Thành huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng. Ông viết văn viết báo từ 1954. Có sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông… Khi mới ngoài hai mươi tuổi.

Sau khi ở rừng Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội, Bùi Ngọc Tấn với bút danh Tân Sắc về làm việc ở báo Tiền Phong. Thời kỳ này ông được đi nhiều xuống nông thôn, công trường, xí nghiệp để viết những bài báo phản ánh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mới giải phóng.

Nhưng Bùi Ngọc Tấn vẫn mơ ước được trở về thành phố quê hương để sống và viết về đất và người nơi ông sinh ra, hy vọng có “một tác phẩm của đời mình”.

Rồi Bùi Ngọc Tấn cũng được toại nguyện. Năm 1959 ông chuyển về báo Hải Phòng công tác. Ngoài viết báo, phóng sự, bút ký làm trường ca phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân thành phố chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ông còn viết sách.

Các tác phẩm: Mùa cưới, Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long, Đêm tháng 10, Người gác đèn cửa Nam Triệu, Nhật ký xi măng, Nhằm thẳng quân thù mà bắn… lần lượt đến với độc giả.

Trong loạt tác phẩm đầy chất vui sống ấy đáng nhớ nhất của thời kỳ này là “Người gác đèn Cửa Nam Triệu” viết về anh hùng Phùng Văn Bằng, người gắn bó với tháp đèn nơi đầu sóng ngọn gió ở vùng cửa biển xa xôi. Cuốn sách được in hàng vạn bản và được giải thưởng của Bộ Văn hóa.

Ngoài những cuốn đã in, Bùi Ngọc Tấn còn tích cóp vốn sống, kỷ niệm với đất người thành phố nơi ông sống. Ông hăm hở trút lên ngọn bút mình trong hơn ngàn trang bản thảo với những xúc động, tâm huyết hào hứng và hy vọng…

Nhưng rồi như một định mệnh, ông bị một tai nạn bất ngờ. Và hơn ngàn trang bản thảo kia cùng theo cái tai nạn ấy mà một đi không trở lại với chủ nhân của nó nữa.

Bùi Ngọc Tấn im lặng? Không, chỉ đứt quãng, vì ngặt nghèo số phận ngoài ý muốn. Tưởng rồi Bùi Ngọc Tấn không bao giờ viết nữa “trước thử thách của số mệnh vốn không phải là tội của tổ tông truyền” (2). Ông ngừng viết hơn 20 năm.

Nhưng tình yêu của ông với đất nước với con người thì không hề phôi phai, xao lãng, vơi cạn. Hay còn vì nghề văn vốn là cái nghiệp không dễ gì chối bỏ. Nó cứ riết róng thôi thúc ông cầm cái bút và viết. Sự dồn nén của cảm xúc bấy lâu nay lại trỗi dậy, lại bừng lên trong con người bề ngoài tưởng lạnh lùng ấy.

Tác phẩm trình làng sau hai mươi năm im lặng của Bùi Ngọc Tấn là một bài viết nhỏ về nhà văn Nguyên Hồng – một người anh của nghiệp văn, một người bạn vong niên – mà ông thương kính đăng trên tạp chí Cửa Biển. Qua bài viết ấy bạn bè thấy lại được bản ngã và bút lực của Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn.

Song, qua tác phẩm nhỏ ấy ông thấy còn thiếu nhiều lắm những gì làm nên một nhà văn của những người dưới đáy thời trước cách mạng: Nguyên Hồng.

Và Bùi Ngọc Tấn bắt tay vào viết cuốn “Một thời để mất”– Cuốn sách nói lên được đầy đủ những kỷ niệm, quan niệm, những tình cảm thân thương và cả sự đau xót với những gì đã đến đã qua với Nguyên Hồng và tác giả. Cuốn sách ấy là một trong những hồi ức xuất sắc nhất viết về nhà văn lớn Nguyên Hồng.

Một tặng thưởng của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã trao cho Bùi Ngọc Tấn. Một phần thưởng tự nó chẳng nói lên gì nhiều trong một đời văn. Nhưng với Bùi Ngọc Tấn đó là một minh chứng cho những tháng năm quật quã trải nghiệm đầy bản lĩnh, trước những oan nghiệt của cái nghiệp văn chương: Buồn vui và cay đắng. Có lẽ đây là chút hạnh phúc sau những gì đã đi qua đời ông.

Sau “Một thời để mất” là tiểu thuyết và hàng loạt truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn lần lượt xuất hiện trên các báo trung ương và địa phương. Sau này các truyện ngắn được ông tập hợp lại trong hai cuốn: “Những người rách việc” và “Một ngày dài đằng đẵng”.

Đọc truyện nào cũng đầy ắp vốn sống, ngồn ngộn chi tiết và lấp lánh tài hoa, gợi mở. Bùi Ngọc Tấn có lối viết rất lạ. Văn Bùi Ngọc Tấn dung dị mà hiện đại, không uốn éo làm duyên hay phô diễn khoa trương.

Ông viết về những con người bình thường với sự trân trọng, thương xót. Dù có phê phán thì cũng là sự phê phán bao dung, rộng rãi của người có lòng vị tha trung thực.

Tôi thích nhiều truyện của ông: Trung sĩ, Người ở cực bên kia, Cún, Người chăn kiến, Đồng hương… Truyện nào của ông cũng xúc động. Tôi thấy đó là một văn tài đặc sắc. Đặc sắc của cái chất hóm hỉnh đôi khi trào lộng rất riêng không giống ai của Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn.

Bùi Ngọc Tấn còn là người rất khéo trong việc đặt tên cho mỗi tác phẩm của mình.

Có lần tôi cầm cuốn sách ông tặng với cái tên: “Một ngày dài đằng đẵng”. Sao mà nặng nề! Về nhà mở sách ra đọc phần mục lục. Trời! Có khối cái tên hay, gọn, gợi sao ông lại không đặt ngoài bìa sách của mình. Tôi thắc mắc, tò mò lao vào đọc một mạch.

Đọc xong tôi thấy ông đưa cái tên truyện ấy ra ngoài bìa sách thì thật khéo và hóm lắm. Ngẫm lại tên của từng tác phẩm ông đã đặt thì thấy cái tên nào cũng thật ôm trùm, đắc địa và rất hợp lý với những gì được dung nạp ở bên trong.

Tôi đem chuyện đó nói với ông. Ông cười tủm tỉm: Có gì đâu! Có gì đâu mà…

Khiêm nhường, kiệm lời nhưng đôi lúc ông cũng hay vui tếu có lẽ đó là cái nết của nhà văn Bùi Ngọc Tấn?

Một chiều đông trời gió rét căm căm tôi gặp ông ở ngã Sáu. Ông bảo: Khỏi vào nhà mình leo gác khó. Ông chỉ tay mời tôi vào một quán bia.

Tôi rùng mình: ấy chết, rét này mà uống bia như bác ?

– Cho biết thêm cái mùi vị của rét thì đã sao, cứ uống.

Và chúng tôi uống. Uống xong ông nhất định trả tiền. Tôi bảo: Thằng em phải đãi ông anh chứ ai lại…

Ông bảo: Không được, tao trả.

Tôi ớ người: Vì sao ạ?

Đã bảo thế rồi đừng có băn khoăn nữa.

Về sau tôi mới biết trước đó mấy hôm ông vừa lĩnh ối là tiền thưởng cuốn Rừng xưa xanh lá của thành phố Hải Phòng và Hội Nhà văn Việt Nam. Mà tôi nhớ ra rồi, sách của ông gần đây vẫn tái bản xoành xoạch. Thôi kệ cho ông trả tiền vậy.

Con người thường nhật của Bùi Ngọc Tấn là thế. Giản dị, cởi mở và đôi lúc cũng rất hay đùa. Chẳng trách nhà văn Dương Tường bạn ông trong một lần đã viết: “Cái lớn lao của Bùi Ngọc Tấn là ở chỗ tất cả những vùi dập cay nghiệt của số mệnh không hề làm anh hằn học, chua chát mà chỉ thêm bao dung. Phải là một tâm hồn quảng đại mới có thể nói về những nghiệm sinh ê chề của mình với chất U-mua độ lượng và lạc quan đến thế”. (báo Văn nghệ số 49 ngày 4/12/1999).

Chúng ta hãy đón đợi những trang đã và đang viết của Bùi Ngọc Tấn. Đúng hơn phải nói hết cái tên ghép của ông: Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn. Ông nhà văn này đang còn viết hăng lắm.

Vũ Quốc Văn (Hội LHVHNT Hải Phòng )

Kiến An, 2000 – 2005

_____

(1,2): Chữ của Dương Tường

(Theo Tien Phong)

Bùi Ngọc Tấn – Người chăn kiến

Tôi muốn gọi ông như vậy, dù đó là tên một nhân vật do chính ông tạo ra trong một truyện ngắn cùng tên.
Truyện kể về một ông giám đốc bị đi tù oan, rồi nhờ dáng vẻ trí thức, ông được một “đại bàng” giàu óc tưởng tượng và chán trò đấm đá tha cho trận đòn “nhập môn” mà đựơc trần truồng đứng làm tượng Nữ Thần Tự Do. Đóng vai này, ông thèm đựơc là một người trong cả chục người vây chung quanh phục dịch “đại bàng”, thèm đựơc như ông già chủ nhiệm hợp tác rụng hết răng móm mém ôm bọc “nội vụ” đi quanh buồng giam hát ru em bài Bé bé bằng bông. Và đặc biệt thèm đựơc chăn những con kiến trong cái vòng tròn bé tí vẽ bằng gạch non trên nền buồng giam, một trò chơi do tay “đại bàng” nghĩ ra. Cho đến ngày ông được minh oan, trở về công việc cũ. Tất cả đều ổn. Nhưng cứ vào giờ ngủ trưa, phòng giám đốc luôn khóa trái: ông nhìn trước nhìn sau, rồi mở ngăn kéo, lôi ra hai con kiến, vẽ một cái vòng tròn nhốt chúng, bẻ bánh bích quy cho chúng ăn, lấy name-card chặn chúng… Rồi như sực nhớ, ông hốt hoảng cởi bỏ áo quần, leo lên bàn, mắt nhìn về phía xa, tay giơ cao kiêu hãnh, trong tư thế của Nữ thần Tự do.
Cái vòng tròn nhỏ xíu ấy không giữ nổi hai con kiến nhưng chính là cái vòng kim cô nhốt trọn thân phận của một con người! Bùi Ngọc Tấn không bao giờ ra khỏi câu chuyện đó, vòng tròn đó, vì nó là thân phận của chính ông. Cả những con chữ của ông cũng thế, như những con cá mới đánh lên từ biển, chúng căng mọng tình yêu và ròng ròng máu đỏ, dù vừa phải đi một chặng xa, từ thập kỷ 60 thế kỷ trước đến trước thềm năm 2000. Cuộc trao đổi này diễn ra từ năm 2001, khi cuốn “Truyện kể năm 2000” của ông vừa in xong chưa lâu đã buộc phải đi vào “lưu hành bí mật”. Toàn văn bài viết cũng chưa từng công bố.

Bùi Ngọc Tấn (BNT): Cảm ơn chị đã nhớ tới truyện ngắn đó. Tôi viết để dự thi cuộc thi truyện cực ngắn của Tạp chí Thế Giới Mới. Viết chỉ trong một ngày xong. Đinh ninh nó sẽ đựơc giải. Thế nhưng ngay cả in trên tạp chí cũng không. Sau vụ đó, tôi càng hiểu giải thưởng có ý nghĩa gì.

Phạm Tường Vân (PTV): Nghĩa là từ chỗ tin tưởng vào giải thưởng, ông trở nên hoài nghi và mất hết hy vọng. Thật ra, giải thưởng có đáng cho chúng ta kỳ vọng hay thất vọng tuyệt đối vào nó hay không?

BNT: Giải thưởng của các báo, các nhà xuất bản, của Hội Nhà văn đều nhằm định hướng cho sáng tác. Các định hướng mà chúng ta đều thấy cần phải thay đổi. Thế nhưng giải thưởng nói rằng: Hãy cứ viết như vậy. Và từ đó tôi không quan tâm đến giải thưởng cũng như các sáng tác đựơc giải.

PTV: Nhưng giải thưởng Hội Nhà văn cũng đã vài lần trao đúng địa chỉ, chẳng lẽ đó là ngoại lệ?

BNT: Những ngoại lệ hiếmhoi, đó là những năm trao giải cho các tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng, mà xuất sắc nhất là Nỗi buồn chiến tranh. Đó là cuốn tiểu thuyết làm vẻ vang cho nền tiểu chuyết Việt Nam. Nhưng thật đáng buồn, sau đó đã có cuộc vận động những người bỏ phiếu cho nó đựơc giải thưởng viết bài phản tỉnh, nghĩa là đã có định hướng lại công cuộc sáng tác. Đáng buồn hơn, đã có nhiều nhà văn trong hội đồng xét thưởng viết bài tự phê phán. Nhưng một tác phẩm văn chương đích thực không bao giờ vì thế mà chết hay mất đi vài nấc thang giá trị. Văn chương là thế. Dìm không xuống, kéo không lên. Đó cũng là một trong nhiều lý do tôi thích công việc này. Nó tồn tại bằng giá trị tự thân. Sống bằng cái gì mình có.

PTV: Một nhà phê bình văn học nhận xét: “Tiểu thuyết Việt Nam, nỗi buồn triền miên, có thể kéo dài từ năm nay sang năm khác, hết hội thảo này đến hội thảo khác”. Là tác giả của một cuốn tiểu thuyết gây chấn động năm 2000, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng và tương lai của tiểu thuyết Việt Nam?

BNT: Tiểu thuyết nứơc ta quá ít thành tựu. Đã có quyển được tung hô, đựơc phát động đọc, được giảng dạy, đựơc bao cấp để rồi in đi in lại, nghĩa là quyết tâm hà hơi tiếp sức nhưng nó cứ chết thôi. Như tôi vừa nói, năm nào cũng có giải thưởng văn chương, giải thưởng tiểu thuyết nhưng chẳng lưu lại điều gì trong lòng bạn đọc. Thời chiến tranh, làm văn học minh họa, văn học “phải đạo”, điều đó hiểu dược. Bây giờ không thể thế. Bạn đọc đã bội thực, chúng ta đã chán chúng ta. Cuối năm tổng kết thành tựu này thành tựu khác. Rồi ít lâu sau lại nói chúng ta còn hời hợt, chưa phản ánh đựơc cuộc sống, thời đại này là thời đại của tiểu thuyết mà không có tiểu thuyết, kêu gọi hãy viết các tác phẩm lớn ngang tầm thời đại. Và năm sau tổng kết lại có nhiều thành tựu. Để sau đó lại nói là không đọc tiểu thuyết mười năm sau cũng chẳng có vấn đề gì. Rồi khẳng định tiểu huyết là xương sống của một nền văn học. Và kêu gọi… Cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy tiếp diễn, không biết bao giờ mới thoát đựơc ra.

PTV: Và các hội thảo vẫn cứ tiếp tục diễn ra như thể người ta thực lòng mong có một nền tiểu thuyết tầm cỡ. Nhưng thật ra…

BNT: Vâng, hội thảo, chi tiền, mới nhà văn, nhà lý luận. Học thuật. Kinh nghiệm. Trong và ngoài nứơc. Tổng kết và rút ra rất nhiều điều. Cứ như là thực lòng mong có tiểu thuyết hay! Cuối năm 2002, Hội Nhà văn tổ chức hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết có mời tôi. Nhưng tôikhông đi. Tôi cảm thấy hết tính chất hình thức của những cuộc hội thảo kiểu này. Tôi sợ mình vốn trung thực, lên đấy muốn đóng góp cho thành công của hội thảo cứ nói toạc ra ra những điều mình nghĩ thì lại thành scandal, bất tiện. Ví dụ tôi sẽ hỏi: Có thật chúng ta muốn có tiểu thuyết hay, tiểu thuyết lớn hay không? Hay chỉ nói để mà nói? Nó dzậy mà không phải dzậy? Những đề dẫn, những tham luận trong các buổi hội thảo đều rất hay, rất công phu nhưng có một điều ngày thường khi trao đổi cùng nhau ai cũng coi như điều kiện tối thiểu bắt bụộc để có tiểu thuyết hay lại không hề được nhắc đến hay phân tích. Đó là Tự Do! Không có tự do làm sao có tiểu thuỵết hay được. Làm sao hội thảo về tiểu thuyết lại có A.25? Có sự giám sát của công an? Mới chỉ bàn về tiểu thuyết thôi đã không có tự do rồi. Tôi không trách hay ghét gì các anh công an văn hóa. Hãy nhìn các anh công an văn hóa đến dự những buổi hội họp văn chương nghệ thuật, họ mới ngượng nghịu làm sao! Tôi nói đây là nói về cơ chế. Một cơ thế tồn tại quá lâu, quá phi lý nhưng đã trở thành tự nhiên như cuộc sống. Không ai dám đúng ra tháo gỡ. Cần lưu ý rằng nhà văn là những người yêu nứơc. rất yêu nứơc. Hãy tin ở họ. Họ yêu nứơc không kém bất kỳ một người Việt Nam nào.

PTV: Chừng nào xã hội còn được sắp xếp theo kiểu đó, nền văn học của một quốc gia còn được Hội Nhà văn “điều hành” theo kiểu đó thì sẽ không có tiểu thuyết?

BNT: Có thể nói thế này: Tôi hoài nghi về tương lai của tiểu thuyết Việt Nam.

PTV: Quan hệ giữa nhà văn và nhà cầm quyền thường ít khi suôn sẻ, ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng xin nói thật, có thể tin rằng có một cái gọi là lòng yêu nứơc của các nhà văn, nhưng ít ai trông cậy vào bản lĩnh và ý chí của họ, bởi anh ta quá yếu ớt và yếm thế. Và như vậy, việc các nhà chức trách để mắt đến nhà văn và các hội thảo vô thưởng vô phạt của họ là một việc làm vô ích và lãng phí.

BNT: Những nhà văn đúng nghĩa thường lặng lẽ ngồi bên bàn viết, cặm cụi tháng năm hao tâm tổn trí trên từng dòng chữ kể lại những gì đã làm họ xúc động và mong đựơc chia sẻ. Họ chẳng thể áp đặt đựơc gì đối với ai. Làm sao một người viết tiểu thuyết chân chính dù tài năng như L. Tolstoi. G. Marquez hay E. Hemingway bằng những trang viết của mình lại có thể lật đổ đựơc chế độ
Tôi muốn dẫn ra đây ý kiến của M. Kundera, nhà tiểu thuyết người Pháp gốc Tiệp: “Tôi đã nhìn thấy và sống qua cái chết của tiểu thuyết, cái chết bất đắc kỳ tử của nó (bằng những cấm đoán, kiểm duyệt, bằng áp lực của ý thức hệ), trong cái thế giới mà tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời tôi và và ngày nay người ta gọi là thế giới toàn trị(…) Tiểu thuyết không thể tương hợp được với thế giới toàn trị. Sự xung khắc này còn sâu sắc hơn cả xung khắc giữa một người ly khai và một kẻ thuộc bộ máy cầm quyền, giữa một con người đấu tranh cho nhân quyền và một kẻ chuyên tra tấn người, bởi vì nó không chỉ có tính cách chính trị hay đạo đức, mà có tính cách bản thể. Điều đó có nghĩa là cái thế giới cơ sở trên chân lý duy nhất và thế giới nứơc đôi và tương đối của tiểu thuyết đựơc nhào nặn theo những cách thức hoàn toàn khác nhau…”

PTV: Điều gì đáng báo động nhất trong tiểu thuyết hiện nay?

BNT: Thiếu vắng tính chân thực. Chị đã bao giờ đóng cửa một mình trong buồng, đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó mà vẫn cứ xấu hổ đỏ rừ mặt chưa?

PTV: Chưa. Vì tôi sẽ sớm bỏ sách xuống. Có lẽ bởi tôi không có cái mặc cảm của người trong cuộc chăng?

BNT: Tôi đã bị như vậy. Xấu hổ về sự bịa đặt khiên cưỡng, uốn éo né tránh mà làm ra vẻ ta đây rất dũng cảm, rất chân thực. Hàng giả trăm phần trăm mà dám tự tin nói là hàng thật, hàng xịn. Làm sao lừa đựơc độc giả. Xấu hổ về cái ông tác giả vẫn cứ tưởng mình lừa đựơc thiên hạ. Nhưng có lẽ không phải lỗi ở họ, hoặc lỗi ở họ rất ít.
Cũng cần nói thêm là chân thực không phải là chụp ảnh cuộc sống. Mà là tìm tới cội nguồn, cái gốc gác, cái động mạnh chủ của cuộc sống.

PTV: Cuốn sách của ông được được đánh giá cao vì tính chân thực. Tại sao ông lại chọn lối viết này trong khi nó vừa nguy hiểm vừa kém mô-đéc?

BNT: Tôi cố gắng giảm bớt t í ti sự thiếu hụt đó. Ngay từ những năm 60, tôi và bạn bè đã nói với nhau những khao khát được viết thật. Một mơ ước chính đáng và nhỏ nhoi, nhưng rất hão huyền. Càng vô vọng khi tôi ở tù ra. Thế nhưng chị thấy đấy. Cuộc sống dù sao vẫn cứ đi lên, dù rất chậm. Dù thế nào trái đất vẫn cứ quay. Tôi không ngơi tin ở cuộc sống.

PTV: Tại sao “Thân phận tình yêu” lại nhìn chiến tranh khác với tất cả các tiểu thuyết Việt Nam trước đó về chiến tranh? Bậc thầy của nghệ thuật “tô hồng”, Roman Carmen, tác giả của những thước phim tài liệu hùng tráng nhất trong lịch sử cách mạng Xô Viết, cũng có một câu nói lúc cuối đời: “Không có sự thật, chỉ có sự thật mà nhà quay phim muốn thấy”. Văn học cũng không nằm ngoài “định luật” này?

BNT: Đúng vậy. Khủng khiếp nhất là suốt bao nhiêu năm tất cả “các nhà quay phim” đều chỉ đựơc phép có một kiểu thấy duy nhất thay vì để nhiều cách nhìn cùng tồn tại. Nhà văn Nguyên Ngọc có kể cho tôi nghe câu chuyện sau: Một vị chỉ huy mặt trận có anh lính Bảo Ninh tham gia chiến đấu sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, hỏi nhà văn Bảo Ninh: “Dạo ấy mình cũng ở đấy, tình hình có như cậu viết đâu? ”. Và nhà văn Bảo Ninh trả lời: “Đấy là cuộc chiến tranh của anh. Còn tôi viết về cuộc chiến tranh của tôi”. Bảo Ninh đã nhìn chiến tranh bằng cặp mắt của anh. Bảo Ninh dám là mình, điều kiện trứơc tiên để có sáng tác hay.

PTV: Ông có lần nhắc đến cụm từ “chất độc màu da cam” hay là từ “quán tính”? Nó chỉ trạng thái này chăng? Ông đã trở lại với sáng tác như thế nào?

BNT: Bây giờ tôi còn một chồng sổ tay ghi chép trong thời gian đi làm đánh cá, toàn bộ tư liệu đó phải vứt đi hết. Ngồi tù rồi mà vẫn “bắt” những chi tiết đó, vẫn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó ngấm vào máu mình rồi, thế mới lạ.
Những con ngưòi thời tôi sống thật sự đáng yêu nhưng không đáng yêu theo kiểu tôi nghĩ, họ đáng yêu theo kiểu khác. Tôi đã bỏ qua hết những mảng khác, những mảng tối của con người. Khi sực nhận ra điều ấy, tôi đau lắm.
Quả thật tôi không ngờ mình sẽ viết trở lại. Viết với tư cách công dân, tư cách nhà văn hẳnhoi chứ không phải viết lăng nhăng hoặc viết chui. Năm 1986, đọc được những sáng tác như mình muốn viết, tôi hiểu: thời thế văn chương đã khác. Đầu 1990, khi làn gió dân chủ, đổi mới thổi suốt từ bức tường Berlin sụp đổ đến nứơc chúng ta, tôi đã viết lại. Đầu tiên là Nguyên Hồng- Thời đã mất. Sau đó là Người ở cực bên kia, Cún. Sau Cún là Mộng du (tên đầu tiên của tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000).
Tại sao tôi chọn cách viết này ư? Tôi nghĩ mình thuộc thế hệ già rồi. Đổi mới tư duy tiểu thuyết đối với tôi hơi vất vả. Tôi cũng nghĩ rằng điều cần thiết nhất đối với mình lúc này là cuốn sách phải đầy sức thuyết phục, không ai nói được là nó bịa đặt. Và một nhu cầu nhỏ bé nhưng chính đáng: viết thế nào để tự bảo vệ mình, tránh những đòn hội chợ vẫn hay xảy ra với những sáng tác có vấn đề, không loại trừ cả vòng lao lý…

PTV: Ông có nghĩ là ở vào thời điểm này, chúng ta mới đặt ra một khái niệm vỡ lòng là viết thực, không dối trá, là hơi tụt hậu không?

BNT: Thế hệ chúng tôi đã sống qua những năm tháng thật sung sứơng và cũng thật đau khổ, thật hạnh phúc nhưng cũng thật bất hạnh như tôi đã tổng kết trong Một thời để mất, tập sách đầu tiên của tôi in sau 27 năm im lặng. Không thể để những năm tháng ấy rơi vào quên lãng. Thế hệ chúng tôi sắp đi qua trái đất này, tôi muốn những thế hệ sau biết đã có một lớp người sống như thế đấy. Tôi muốn nhà văn là thư ký, là người chép sử của thời đại.Phẩm chất đầu tiên của những người này phải có là sự trung thực. Cho dù có bị chê là cổ.

PTV: Chương, đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết làm ông ưng ý nhất?

BNT: Thật khó cho tôi. Có lẽ đó là chương viết về già Đô, chương ở sân kho hợp tác. Và nhất là chương tiếng chim “còn khổ”. Những tiếng chim ấy đã đóng dấu tuyệt vọng nung đỏ vào não tôi. Mảnh sân kho hợp tác là tuổi trẻ của tôi. Và chương viết về già Đô là kết quả sức tưởng tượng của tôi.

PTV: Nghĩa là Già Đô là nhân vật duy nhất đựơc hư cấu?

BNT: Già là kết quả tổng hợp của nhiều già khác kể cả tình yêu của tôi đối với một nhà thơ làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã chết: Tuân Nguyễn.

PTV: Có người chê cuốn sách hơi dài?

BNT: Có thể. Nhưng Lâu đài của Kafka, Những kẻ tủi nhục của Dostoievski, Con đường xứ Flandes của Claude Simon triền miên hồi tưởng hẳn cũng dài. Tôi tìm sự hấp dẫn ở chi tiết chứ không phải ở cốt truyện ly kì. Đó là một điều khó. Viết gần một nghìn trang không có cốt truyện, không kể lại đựơc là điều không đơn giản. Chị đã đọc Henri Charriere hẳn thấy Papillon có cốt truyện cực kỳ hấp dẫn vì bản thân đời tù của Charrier là như vậy. Còn chuyện tù Việt Nam rất đơn điệu. Anh tù 100 ngày cũng như anh tù 1000 ngày, 10000 ngày. Và điều kinh khủng nhất là không ai thổ lộ tâm sự củng nhau. Không ai tin ai, mỗi ngừơi là một vòng tròn khép kín. Khó viết lắm.

PTV: Mạch truyện hiện lên qua hồi ức, có khi chồng lên, khi hoán đổi thứ tự. Phương pháp đồng hiện từ thời tiểu thuyết mới có phải là chủ ý của ông?

BNT: Tôi không tin một nhà văn nào lại có thể thành công nếu ngay trong khi viết anh ta tâm niệm định sẵn cho tác phẩm của mình khuôn theo một trường phái nhất định nào. Khi viết, tôi chỉ nghĩ viết sao cho hay, cho chân thực và viết bằng trái tim mình. Với tôi văn chương có hai loại: hay và không hay. Thế thôi, tôi không chạy theo các mốt. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng cách đây nửa thế kỷ rồi. Có còn gì mới nữa đâu. Tôi đồ rằng khi viết Ông già và biển cả, Hemingway không cũng không nghĩ mình mình sẽ viết theo dòng hậu hiện đại hay hiện đại, hiện sinh hay phản cấu trúc. Ông viết vì ông quá hiểu, quá yêu biển Cuba cùng những người đánh cá Cuba và thấy klhông thể không vợi bớt lòng mình, không thể không viết về họ. Tôi đoán vậy bằng kinh nghiệm của tôi và các bạn của tôi.
Khi tôi viết tôi chỉ nghĩ phải viết đúng như mình thấy, đúng như mình nghĩ. Giản dị, chân thực như cuộc sống. Ai dọc cũng hiểu. Quyển sách cũa tôi không phải của riêng một tầng lớp nào. Nó là của mọi người. Tôi không làm khó hiểu những điều dễ hiểu. Tôi không làm rắc rồi những điều đơn giản. Phương pháp đồng hiện chỉ nhằm chuyển tải đựơc một trong những nội dung và thông điệp của tôi: Ai đã bứơc vào nhà tù, vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Hãy thận trọng, những ai đựơc quyền xử lý con người!

PTV: Tôi nhớ truyện ngắn “Người chăn kiến” của ông. Ở đó, sự bám đuổi này đựơc chuyển tải một cách đặc sắc và súc tích hơn nhiều.

BNT: Nói thêm với chị rằng trứơc khi in Chuyện kể năm 2000 (CKN 2000), tôi tung ra một số truyện ngắn về đề tài này để người ta làm quen dần với món ăn mới của tôi. Như các truyện Ngừơi ở cực bên kia, Khói, Người chăn kiến, Một tối vui, Một ngày dài đằng đẵng. Người chăn kiến là một truỵên ngắn thành công nhưng không thể so sánh , Người chăn kiến gần một nghìn từ với CKN 2000 gần 1000 trang.
Người chăn kiến là một đường cày , còn CKN 2000 là cả một cánh đồng.
Người chăn kiến là một hiện tượng, một lát cắt trong khi CKN 2000 là một lịch sử, một quá trình.
Tôi bằng lòng với CKN 2000. Tôi đã chạm tới cái trần của mình. Tôi đã làm tròn bổn phận.

PTV: Bổn phận với bạn tù, với gia đình, bè bạn, hay trách nhiệm công dân của người cầm bút?

BNT: Tất cả. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm công dân.

PTV: Nếu làm một cuộc thăm dò trong các phạm nhân về độ chân thực của cuốn sách, tỉ lệ sẽ là bao nhiêu?

BNT: 99%. Tôi tin là như vậy. Có thể còn cao hơn nữa.

PTV: Khi vào tù và khi cầm bút nghiền ngẫm về nó, ông có nhớ tới những tác phẩm nhà tù kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam, mà mỗi chúng tôi đều thuộc lòng từ khi ngồi trên ghế nhà trường?

BNT: Trong CKN 2000, tôi đã để Tuấn nói với người bạn tù: Phương ơi, từ nay, không ai trong số các nhà văn cách mạng có thể độc quyền đề tài này. Chúng ta bình đẳng với tất cả. Từ nay, không ai có thể loè chúng ta được nữa. Nhà tù là một vật trang sức mà không phải nhà chính trị nào cũng muốn mang.

PTV: Nhiều người ưa so sánh “Chuyện kể năm 2000” với cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên. Và thiện cảm dành cho ông nhiều hơn vì cuốn sách của ông có vẻ “hiền” và có cái “tôi” nhỏ bé hơn?

BNT: Ngoài sự khác biệt đặc thù của thể loại, mỗi người có một nhiệm vụ. Nhiêm vụ của anh Vũ Thư Hiên là vạch rõ, chỉ ra những hạng người nào đã đẩy cha con anh ấy vào một việc như thế. Còn nhiệm vụ của tôi là chỉ ra toàn bộ cơ chế, trật tự nào đã đẻ ra việc này. Một cuộc đời bình thường, khởi đầu đầy lý tưởng, rồi bị làm cho biến dạng đi.

PTV: Trong cái trật tự đáng sợ ấy, ông và các bạn ông đứng ở đâu?

BNT: Vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Chính tôi, gia đình và bè bạn đã hăng say góp phần xây dựng và tô điểm thêm cho cái trật tự ấy.

PTV: Tôi đọc trong những gì ông viết có một thông điệp khác: lời thanh minh cho một thế hệ. Những bào chữa muộn màng và đòi hỏi cảm thông cho sự đóng góp ít ỏi của các ông, lớp nhà văn lứa đầu của chủ nghĩa xã hội với những sản phẩm có “họ hàng” với nhau, từ tư tưởng đến hình thức?

BNT: Đúng vậy. Đáng buồn là các sản phẩm của chúng tôi làm ra ngày ấy đều hao hao giống nhau như chị nói. Chúng tôi còn trẻ nhưng đãlà những Con ngựa già của chúa Trịnh

PTV: Thành quả có thể tổng kết được của các ông đối với nền văn học nước nhà?

BNT: Ít lắm. Không đáng kể.

PTV: Mẫu số chung nào cho thế hệ của ông? Những Mạc Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường…?

BNT: Thế hệ có một tuổi trẻ tuyệt vời, giàu có và cuối đời tay trắng! Thế hệ lớn lên gặp cách mạng, theo cách mạng, có kiến htức, có khát vọng, đam mê. Một thế hệ có thể làm mọi việc nhưng bị làm hỏng, và cũng góp phần làm hỏng thêm một thế hệ khác.

PTV: Trong số đó, ai là người mất ít nhất?

BNT: Ông Dương Tường. Ông ấy mất nhiều, nhưng biết giành lại.

PTV:5 năm đi tù- 5 năm đi thâm nhập thực tế, đã biến ông, từ một nhà văn loại hai của những công dân hạng nhất (những điển hình tiên tiến XHCN), sang nhà văn loại một của những công dân hạng ba (tù tội, đĩ điếm, ăn mày). Ông thấy cái giá đó đắt hay rẻ?

 

 

BNT: Không có gì đáng buồn hơn là làm một nhà văn hạng hai. Tôi tiêu phí đời mình chỉ mong đổi lấy một trang sách chống chọi với thời gian. Nhưng chị thấy đấy, mong manh lắm
Nhiều nhà văn bảo tôi lãi quá. Tôi hiểu đấy là những lời động viên khen ngợi tôi đã không gục ngã. Chứ muốn lãi như tôi có khó gì đâu. Đó là một chuyến “đi thực tế” bất đắc dĩ. Tất cả đều nằm ngoài ý muốn của tôi. Đó là số phận. Cuối đời mới ngộ ra đựơc một điều: Hãy chấp nhận tất cả những gì đến với mình. Và hãy làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào để không mất hết.

 

 

PTV: Khi viết, ông chú tâm đến điều gì?

BNT: Lúc ngồi vào bàn viết là lúc tôi dọn mình đối thoại với vô cùng, không nhằm trả lời cụ thể đối với một cá nhân, một tập thể nào, không giải quyết một nỗi bực dọc riêng tư nào. Điều tôi sợ nhất là viết ra thứ văn chương vớ vẩn làm mất thời gian của bạn đọc. Một điều tôi sợ nhất là viết nhạt. Ông Nguyên Hồng nói một câu chí lý: “Cái tội lớn nhất của cá nhà văn Việt Nam là viết nhạt”. Tôi cố gắng để không mắc tội ấy.

PTV: Trong cuộc sống, ở tuổi bảy mươi, ông sợ nhất điều gì?

BNT: Sợ nhiều thứ lắm. Nhưng sợ nhất là những người gặp may mắn, đựơc số phận nuông chiều, chưa một lần nếm mùi thất bại. Họ đầy mình chân lý và sẵn sàng ban phát chân lý đó cho bất kỳ ai.

PTV: Các cấp chính quyền đối với ông thế nào?

 

 

BNT: Sau khi in CKN 2000, tôi đựơc mời lên công an nhiều lần. Nhà tôi, điện thoại của tôi bị giám sát chặt chẽ. Nhiều cuộc họp đảng cơ ở , người ta phổ biến rằng tôi là một không kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ. Ngay tết Quý mùi gần đây thôi, ông bí thư phường tôi họp cán bộ các ngành trong phường tổng kết về tết an toàn, noi trong phường có một điềm nóng là tôi nên phải phân công trực ca ba, 24 trên 24. Qua tết không xảy ra chuyện gì mới thở phào. Cũng phải nói thêm: tất cả những vị đứng ra truyền đạt những nhận xét về tôi đều chưa đọc tập tiểu thuyết của tôi. Một người bạn có chân trong Đảng dự họp nói ông ta có bản photo CKN 2000, ai muốn đọc, ông ta cho mượn, nhưng chờ mãi mà không ai mượn, nghe cấp trên truyền đạt lại là dủ, làm gì phải đọc, phải suy nghĩ, phải động não cho mệt người. Rất may là tôi và vợ tôi đầu đã quen với những cung cách đối xử như vậy.

 

 

PTV: Đọc những trang ông viết về Ngọc, vợ Tuấn, người ta muốn khóc. Hình như những tình yêu đẹp như thế trong cuộc sống đã hoàn toàn biến mất. Ông là nhà văn hiếm hoi (may mắn?) có một tình yêu đẹp với… vợ mình, yêu vợ được rất lâu và chưa hề ngoại tình?

BNT: Có hiếm hoi thật không? Cứ hình dung thế này, một cô gái Hà Nội bé như cái kẹo, xinh xắn, hiền dịu, mộng mơ, có cả một tương lai phơi phới và nhiều người ngấp nghé nữa chứ, chọn tôi, gắn bó chung thủy với tôi rồi mất cả đời. Ngoài tình yêu, tôi còn rất biết ơn vợ. Nhiều người đi tù, vợ lăng nhăng hay lấy chồng khác, thế là tan cửa nát nhà. Thế là con cái thành trẻ bụi đời, lại theo chân bố vào tù. Tất cả những gì tôi và các con tôi có đựơc hôm nay đều gắn liền với sự đóng góp của vợ tôi, một ngừơi sinh ra để sống cho ngừơi khác, vì ngừơi khác. Giờ đây mỗi sáng quét nhà, nhặt những sợi tóc bạc của bà ấy, thấy đau. Sắp hết đời rồi, sắp đến cõi rồi. Có lẽ lại phải viết thôi. Viết về tuổi trẻ bị đánh mất. Viết về tuổi già xót xa tuổi trẻ. Về nỗi xót thương nhau trong những trái tim mệt mỏi, những mái đầu tóc bạc đang tính đếm những ngày còn lại…

Hanoi – Haiphong 2001 – 2002

Phạm Tường Vân (nguồn: http://phamtuongvan.blogspot.com)

Những con “chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn

(Lao Động Cuối Tuần) – Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn (NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2008, 540 trang) có thể được nhìn dưới hai góc độ, như một phóng sự dài, và như một tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn có thể được nhìn dưới hai góc độ, như một phóng sự dài, và như một tiểu thuyết. Hoặc cũng có thể nói thế này, đó là một tiểu thuyết viết bởi một bàn tay viết báo kỳ tài với văn phong báo chí điêu luyện. Thế nhưng, như chủ đích của tác giả, đó căn bản là một cuốn tiểu thuyết. Và hẳn là ta nên xem xét những đóng góp của tác phẩm này với tư cách thể loại tiểu thuyết, và đó chính là mục đích của bài viết này. 

 * * *

 Trước hết, có tên gọi “chim bói cá”. Bùi Ngọc Tấn gọi một cách đầy trìu mến ngồn ngộn hàng mấy chục nhân vật của cái Quốc doanh đánh cá ở một thành phố biển nước ta – cả những người “trực tiếp sản xuất” trên biển lẫn những người “ăn theo” trên bờ – là những con chim bói cá.

Sách chia làm hai phần.

Phần thứ nhất nói về những thân phận chim bói cá trên biển, trong đó có cả những con chim thuộc biên chế trên biển nhưng vì những lý do thuộc cơ chế nên phải về nằm bờ chờ việc, ăn lương thất nghiệp dài dài. Đọc xong phần thứ nhất này, người đọc sẽ vương vấn một câu hỏi trong lòng mình: những con người này, những con chim bói cá này, chúng có hạnh phúc không, và liệu rồi có bao giờ chúng có nổi hạnh phúc hay không?

Phần thứ hai nói về những con chim bói cá “ăn theo” tại vố số phòng ban bệ trên bờ. Phần thứ hai của sách nói về những con chim bói cá làm việc ở bản doanh của “quốc doanh đánh giậm” – họ tự giễu mình như vậy – kể về những cung cách sống toát lên cả một thể chế đang lụn bại, đang trên bờ vực phá sản, song cũng lại đang vùng vẫy cựa quậy cố công cố sức tự thay đổi trong một cuộc “cải cách” tuyệt vọng chế độ kinh doanh. Một cuộc cải cách của những người rủ nhau đi biển đầy nắng và sóng gió nhưng lại mang màu sắc ảm đạm của những kẻ đi vào con đường hầm không lối thoát.

Trong phần thứ nhất, Bùi Ngọc Tấn kể những câu chuyện rành rọt về những con chim bói cá trực tiếp đi “đánh giậm” trên biển. Có bao nhiêu nhân vật cả thẩy? Mười? Hai mươi? Ba mươi? Có nhân vật nào chính? Dường như có một nhân vật tên Cương. Nhưng cũng không hẳn thế. Dường như có một nhân vật tên Bôn. Nhưng cũng không hẳn thế.

Người đọc sẽ thấy mình bị mất hút trong đám nhân vật có tên nhưng dường như không tên, những gương mặt trong tầng tầng lớp lớp gương mặt thì đúng hơn. Nhưng các gương mặt ấy không đủ để bạn đọc nhớ được câu chuyện – một câu chuyện dường như chẳng có chuyện gì gắn bó “một cách tiểu thuyết” các nhân vật với nhau. Nhưng ta sẽ nhớ được câu chuyện nếu ta đặt chung các gương mặt của bức tranh vẽ theo lối “luật viễn-cận Trung Hoa”, nhân vật ở xa cũng như ở gần đều hiện trên bức tranh với độ lớn nhỏ như nhau, với sự rõ nét như nhau, bắt ta cứ phải bám theo từng gương mặt cho tới khi nó nhường chỗ cho gương mặt khác.

Cách kể chuyện đó của Bùi Ngọc Tấn, ta được thấy cả trong Chuyện kể năm 2000. Cách kể chuyện đó cũng nằm trong các truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn – trừ ba truyện ngắn có kết cấu thực sự “truyện ngắn Khói, Người chăn kiến Cún ở đó bố cục truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn có từ bỏ cái “lan man” phóng túng để trở lại với cái cổ điển gọn ghẽ vẫn quen được coi là đặc trưng của thể loại này. Cách kể chuyện đó hiện ra một cách như thể đùa bỡn và thật đắc địa trong Rừng xưa xanh lá và trong những ghi nhớ khác về bạn bè. Cách kể chuyện đó lại hiện trở về trong câu chuyện về những con chim bói cá – đặc biệt trong phần những con bói cá “lực lượng sản xuất chính” trên biển, không phải lũ chim ăn theo trên bờ.

Ta sẽ dễ dàng theo dõi các gương mặt (hoặc nhân vật) “chim bói cá” ấy, nếu ta để ý đến cái khát vọng chung được sống hạnh phúc của họ, những chàng trai, nhưng trung niên, những người chờ việc và những người “đánh thuê”, những cấp trên và cấp dưới, những người đồng cấp thân thiết nhau hoặc đang có chuyện ngủng ngoẳng mất đoàn kết với nhau… tất cả, không loại trừ ai, họ đều tạo thành một nhân vật chung mang tên Khát Vọng Hạnh Phúc.

Cái hạnh phúc đến là giản dị. Ông thuyền trưởng Bôn tầu vừa mới vệ sinh sạch sẽ về bến, đã vội nhầy lên bờ, quẳng tất cả đó, cũng không màng cả một con cá đem về cho vợ con, nhẩy ngay lên xe, chỉ kịp ngoái lại dặn “các ông ấy có hỏi thì bảo mình lên trạm xã một chút rồi về ngay. Đấy. Bây giờ lại đau. Có lẽ dạ dày dở chứng thật rồi” (trang 25). Người bạn cũng rất tâm lý, đứng ra bảo đảm cho sự vắng mặt của thuyền trưởng của mình tại một “cuộc họp quan trọng” như là có lý do rất tự nhiên, rất chính đáng:”Báo cáo, thuyền trưởng cầm y bạ đi khám bệnh rồi ạ” (trang 70). Thêm thắt bịa đặt tình tiết cầm y bạ cho ai ai cũng phải tin.

Trần Bôn đi đâu? Thì cũng là cái chuyện đi như mọi anh em. Đi cho nhanh vì nhớ vợ. Nhớ người yêu. Nhớ đàn bà. Hạnh phúc với lũ chim bói cá này là nỗi thèm khát được sống đều đặn với đàn bà. Mỗi gương mặt chim bói cá đều dính líu đến một thân phận đàn bà, một cuộc tình, mà thường là không bao giờ thỏa mãn. Chuyện thơ mộng như câu chuyện của bác cấp dưỡng già dưới tầu tên là Tích cho cánh thủy thủ trẻ “… Chúng máy biết gái Thủy Nguyên đập lúa rồi chứ gì. Khăn mỏ quạ bịt kín mặt chỉ để hở hai con mắt, chẳng biết già trẻ xấu tốt ra sao. Đập xong, tất cả ra về, chỉ còn tao và một cô ở lại quét dọn, về sau. Đến khi ra cầu ao, cô ấy cởi khăn ra giũ. Ôi trời! Đẹp quá. Má hồng rực, tóc mai dính bết, mắt bồ câu long lanh. Hai đứa xắn quần lội xuống bậc gạch bên dưới. Cô ấy cúi xuống. Tao cũng cúi xuống nhưng chưa vục nước ngay mà còn nhìn sang cô nàng. Hai bắp chân trắng như cá chép ngâm dưới nước. Cô ấy cũng nhìn lại tao cười, má cứ rực lên rồi lại cúi xuống ao, hai bàn tay khum khum định vốc nước lên mặt. Tao mới đưa tay sang xoa xoa vào mặt nước chỗ khuôn mặt cô ấy. Cô ấy cười tủm tỉm, rồi nắm lấy tay tao, giữ chặt không cho tao khỏa nước nữa. Lại còn đưa một tay sang xoa chỗ ao tao đang soi xuống. Trả miếng đấy. Có đi có lại đấy. Ăn chết rồi! Tao cũng nắm lấy tay cô ấy, giữ tay cô ấy lại, bóp một cái thật mạnh. Cô nàng nhăn nhó há miệng ra chiều đau. Chỉ há miệng chứ không kêu thành tiếng. Chà! Cái nhăn mặt ấy mới chết người. (trang 114)

Đời như thế mà phải đi biển những ngày dài biền biệt, nếu không nhớ nhung, nếu không sôi lên vì nhớ, thì chẳng hóa ra họ là phỗng hay sao?

Vì thế mà, một tỷ trọng khá lớn của tác phẩm hình như đã được Bùi Ngọc Tấn dùng để cho ngọn bút và con mắt quan sát cùng những kinh nghiệm trường đời của … mọi người được cố định trên những trang giấy.

Những chàng trai ấy thực tình cũng đáng được hưởng tình yêu đàn bà con gái của họ. Vì những ngày đằng đẵng họ ở dưới tàu, chỉ có trên là trời và dưới là nước. Vì những ngày đêm họ làm việc cật lực cho xí nghiệp…

* * *

Một “xã hội” sống chen chúc trong tiểu thuyết mà thiếu những đường dây cổ điển các nhân vật chính và phụ, các xung đột và những nút thắt… mà ta dùng khái niệm tiểu thuyết tư liệu để đặt tên, liệu khái niệm ấy có thể chứa đựng một phong cách khả dĩ đứng vững không?

Trước hết, cần nói rằng dạng tiểu thuyết tư liệu chẳng phải là sáng kiến của Bùi Ngọc Tấn; ông chỉ viết theo thói quen mà thành phong cách đó, đơn giản thế thôi. Trước Bùi Ngọc Tấn, Emile Zola đã từng đề cập đến khái niệm “tiểu thuyết thực nghiệm”(2). Và trước Zola, trong lịch sử sáng tác văn xuôi, cũng đã có dạng tiểu thuyết tư liệu ít nhất là từ năm 1849 ở Canada. Đó là cuốn “Ký họa cuộc sống Canada” của W. S. Darling, một cha đạo Tin Lành ở quận Toronto. Tác phẩm của Darling viết như một tập phác họa cuộc đấu tranh của Canada sao cho các thiết chế xã hội, chính trị và tôn giáo của mình,duy trì đuwocj tính chất và tinh thần Anh quốc, cố sống cố chết sao cho không bị lăn theo vết đi cộng hòa như ở nước Mỹ. Nhưng người đọc sẽ được thấy cả một tiến trình xã hội Canada chao đảo rồi xa dần những tập tục châu Âu để ngả vào con đường mới vạch ra ở nước Mỹ: con đường cộng hòa và dân chủ không sao cưỡng lại được ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Ta hãy trở lại với dạng tiểu thuyết tư liệu được coi như mẫu mực (kinh điển), tiểu thuyết Germinal (“Tháng gieo mầm” như cách đặt lại tên tháng theo lịch cách mạng) của Emile Zola. Đó là cuốn tiểu thuyết được Karine Montais et Elise Tropet(3) coi là có tính thời sự. Người đọc có thể thấy tình cảnh nước Pháp thế kỷ 19 “khi cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động đến hồi căng thẳng” và “đặc biệt sôi sục là những tai nạn lao động (nhất là tai nạn trong hầm lò)“. Và nhà văn Zola đã bỏ ra sáu tháng đi khảo sát các cuộc đình công của thợ mỏ miền Bắc và vùng Pas-de-Calais rồi từ đó viết nên toàn bộ câu chuyện(4).

Ngay từ những dòng đầu của chương đầu tiểu thuyết Germinal, Emile Zola đã để ta bắt gặp ngay nhân vật hệt như người đi điều tra tình hình công nhân. “Tôi là thợ máy, tôi đi tìm việc đây… Ở đây có nhà máy không?… Hàng ngày bà con ta có thịt ăn không? …  Có bánh mì mà ăn đã phúc! … ” Tương tự như vậy, cuối mỗi chương trong phần 1 về những con “chim bói cá”, Bùi Ngọc Tấn lại cho một chú bé trong tưởng tượng ghi lại nhật ký xuống tầu đánh cá với “bố” – một sự thơ mộng hóa, vì hình như nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn có chút e thẹn không muốn để bạn đọc “hiểu nhầm” vì sao tác giả lại có nhiều hiểu biết về cái nghề “đánh giậm” hiện đại này đến thế? Bùi Ngọc Tấn chẳng cần bỏ đi thực tế những sáu tháng để điều tra tình hình công nhân miền Bắc nước Pháp cuối thế kỷ 19. Trước khi viết Chuyện kể năm 2000, “a Tấn” từ Phố Lu về thành phố Cảng, được phục hồi không xét xử, và được cử về làm công tác thi đua tuyên truyền ở xí nghiệp đánh cá Hạ Long. Và khi một nhà văn có máu báo chí đặt chân tới đâu, con mắt nhà báo và trái tim nhà văn của họ tất yếu sẽ giúp cho cuộc đời này dựng được một tấm bia.

Nếu như Zola được chứng kiến và ghi lại cảnh đời công nhân Pháp, thì hơn là vậy, Bùi Ngọc Tấn còn thấy cả sự tan rã của hệ thống đánh cá mang cái tên đẹp đẽ là “quốc doanh” và được công nhân chế biến đi thành “Quốc doanh đánh giậm”.

Xin đừng nghĩ Bùi Ngọc Tấn đã bắt chước Zola! Cũng giống như khi Bùi Ngọc Tấn cho ra mắt Chuyện kể năm 2000 người viết bài này có nói với tác giả “ông viết đau như Ngôi Nhà Người Chết của Dostoevsky ấy”. Khi ấy, Bùi Ngọc Tấn đã phản đối lại: “mình chưa bao giờ đọc tác phẩm đó”.  Bây giờ cũng vậy, chắc là Bùi Ngọc Tấn cũng chưa đọc Zola – Tháng gieo mầm vẫn chưa thấy nằm trên kệ sách Việt.

 

* * *

 Chúng ta hãy trở lại với Chim bói cá…

Ở phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn dồn sức và dồn tư liệu phác họa thật tài tình sự tan rã của một thiết chế vô cùng thiếu tự nhiên, gửi thân trong hệ thống đánh cá “quan liêu bao cấp” – ta chẳng còn cách gì hơn là dùng cái định ngữ đã thành sáo mòn ấy!

Chỉ bằng vài nét mô tả cô Phòng và những người cán bộ hành chính – những con chim bói cá “ăn theo” trên bờ – và ta có ngay ấn tượng không thể nào quên về một khái niệm cơ bản: định nghĩa sinh động thế nào là hiện tượng vô văn hóa.

Những người “cán bộ” ấy cả nam lẫn nữ cả già lẫn trẻ đều xưng với nhau là bố, các bố và gọi người khác là con, các con (trừ gọi cấp trên, vì quan hệ của họ với lối xưng hô quái đản ấy chỉ diễn ra khi vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm, như chính họ thú nhận). 

Chỉ bằng những phác họa ngắn gọn, Bùi Ngọc Tấn cho ta thấy sự giả dối của những con người đó – những con người buộc lòng phải sống giả dối trong một thiết chế giả dối. Tủ “tài liệu” của họ được dùng để cất giấu cá, đem về nhà cải thiện đời sống, có khi chỉ một bọc cá cũng đáng giá bằng cả một tháng lương. Họ xin cá của các tàu đánh cá như những kẻ hành khất sang trọng! Xin được nhiều, ăn không hết, đem bán. Ai cũng là con mẹ hàng cá. Từ cầu cảng về, nhìn trước nhìn sau không thấy sếp, cánh phòng ban, người trước kẻ sau sách túi cá nặng vào buồng làm việc, mở tủ đứng hay tủ bàn dúi vào, và khép nhanh cánh tủ lại, đi ra ngoài cửa đứng nghênh ngó xem có ai nhìn thấy mình vừa xách cá về không, rồi trở vào kéo ghế ngồi trước bàn làm việc, giở tài liệu ra xem như người trách nhiệm nhất trên đời… (trang 332). Và họ phải tránh mặt không đem cá về khi còn thấy mặt cấp trên lảng vảng ở cơ quan. Họ đành lòng chăm chỉ ở lại làm việc, thực hiện tám giờ vàng ngọc (mà đúng là tám giờ vàng ngọc thật) hơn thủ trưởng” (trang 333).

Bên cạnh những nhân viên nhan nhản ở các phòng ban, Bùi Ngọc Tấn vẽ ra chân dung một trưởng phòng nhân sự cứ mỗi lần bọn chim bói cá đi biển về, cả đi đánh cá lẫn đi vận tải biển, đều lảng vảng xuống tầu, nói bóng gió về “thay đổi nhân sự”. Và thế là đã đánh đi một tín hiệu để các con đến nhà các bố mà dâng vật phẩm hối lộ. Tiếp đó, Bùi Ngọc Tấn chỉ cần vẽ phác một gương mặt con ông cháu cha khác đang phạm tội đấy nhưng lại được “đẩy nhanh” xuống tầu cho đi nước ngoài – những hành trình tương đương với những chiến lợi phẩm nhặt nhạnh từ các bãi rác tư bản chủ nghĩa nước ngoài đem về nhà lại đảo chiều trở thành hàng hóa mới.

Cuộc sống ngột ngạt thế ấy sẽ khiến ta không chịu đựng nổi nếu thiếu những trang viết đầy u-mặc của nhà văn tinh quái Bùi Ngọc Tấn. Đó là những trang chim chuột nhau. Đó là những lời lẽ xen kẽ kỳ tài chỉ thấy ở Bùi Ngọc Tấn. Đó là anh nhân viên được cử đi mua đồ ăn tiếp khách đã dừng lại “nếm” vài miếng rồi say sưa quên mất và bắt cả khách lẫn chủ chờ vàng mắt. Đó là anh cán bộ thiết kế vườn hoa đã trồng cỏ mầu vàng để “thể hiện” màu cá rán. Đó là một anh cán bộ “dư dôi” làm công việc nhổ cỏ ở cửa phòng làm việc của sếp cũng lẩn thẩn suy tưởng về việc tạo ra những cái cống đầy cỏ thối để nuôi lươn, biến cái giấc mộng thủy sản thành sức mạnh của toàn dân!    

Nhưng ta đừng nghĩ Bùi Ngọc Tấn chỉ biết đùa bỡn cười cợt chớt nhả. Đoạn kết tác phẩm Biển và chim bói cá có thể khiến người đọc đầm nước mắt qua giọng văn tưởng như đùa bỡn của tác giả.

Nhưng để thấy hết “chất” Bùi Ngọc Tấn, không gì hơn là ta hãy trở lại với Emile Zola trong Tháng gieo mầm để nếm đoạn kết của sách này:

Giờ đây, trên trời cao, mặt trời tháng tư đang rạng rỡ hết mực, sưởi nóng trái đất đang sinh sôi. Từ thân những cây củ cải trắng, mầm mọc ra thành lá xanh giữa những run rẩy cỏ xanh cũng đang ngoi lên. Khắp nơi, các hạt giống đang căng phồng lên, vươn dài ra, lấy mầm phủ khắp cánh đồng, ngoi lên mặt trời mang sức nóng và ánh sáng. Nhựa tràn trề cùng với những giọng thì thầm, tiếng mầm nảy nở thành tiếng nụ hôn dài. Dần dần, mỗi lúc một hiện ra rõ nét, những hạt mầm như những bước chân bè bạn đồng chí rầm rập bước. Dưới nhứng tia mặt trời nóng bỏng, tiếng ồn ào làm mặt đất mang thai. Tựa hồ như bao nhiêu con người đang đi ngang, một đội quân đen đúa, một đạo quân báo thù, đang chầm chậm vươn mầm trong các luống đất, đang lớn lên cho những mùa gặt của cả thế kỷ mai sau, những mầm xanh đang làm cho trái đất vỡ tung.

Còn Bùi Ngọc Tấn đã lại có đoạn kết riêng của mình. Tác giả đã chọn nhân vật Cảnh để mô tả sự chấm hết tất yếu trong cuộc tan rã vĩ đại của quốc doanh đánh giậm. Cô Phòng, người đáng bị đuổi việc hơn cả, lại phát tháng lương cuối cùng cho Cảnh, một thanh niên bị xếp vào loại “dư dôi”:

–        Thôi em ạ. Đi làm mười ba ngày mà được lương nửa tháng là tốt rồi.

Cảnh trầm ngâm:

–        Vấn đề cũng khá nan giải đây.

Đó cũng là câu nói nổi tiếng của Cảnh. Như câu “dù sao trái đất cũng cứ quay” vậy.

Nhận tiền lương rồi, Cảnh vẫn cứ lờ vờ ở xí nghiệp. Mấy anh chàng “giặc lái” hỏi:

–        Sao không về nhà, còn ở đây làm gì?

Cảnh đáp thản nhiên:

–        Đã hết giờ đâu mà về.

Nói rồi đi ra ngồi dưới gốc cây cột điện. Và lạ là sáng hôm sau Cảnh vẫn đến. Rồi những hôm sau nữa. Đúng giờ… (trang 526)

Cậu Cảnh của Bùi Ngọc Tấn không biết đi đâu về đâu cả. Không một “mầm xanh” hy vọng như của Zola giành cho cậu.

So với Emile Zola, người vẫn được các sách giáo khoa “tiến bộ” chê là “tự nhiên chủ nghĩa”, hình như Bùi Ngọc Tấn còn bi quan hơn nữa.

Bi quan hơn hay lạc quan hơn hay trung thực hơn hay cay đắng hơn?

Ta chẳng có quyền bắt Zola không được hy vọng.

Ta sẽ chỉ ngậm ngùi vì những lời răn của những bề trên văn học (trong đó đích danh có M. Gorki) vẫn thường tiện mồm dạy những người viết văn hãy “lãng mạn cách mạng”.  

Bùi Ngọc Tấn là tên học trò hư của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Bùi Ngọc Tấn không biết nói dối.

Bùi Ngọc Tấn vẽ lên một cậu Cảnh thất nghiệp y hệt như những người thất nghiệp khác mà thân phận họ chưa bao giờ nằm trong một bản thống kê có giá trị nào.

Bùi Ngọc Tấn thuộc về số người viết văn nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc. Có ai đó đã viết thế ở trang bìa 4 tiểu thuyết Biển và chim bói cá.

 

Hà Nội, 14-3-2009

CHÂU DIÊN  

 


(2)  Xin coi mục Emile Zola trong Từ điển Văn học (bộ mới), Đỗ Đức Hiểu soạn.

(3)  Xin coi đường dẫn: http://www.bmlisieux.com/litterature/gambier/gambie08.htm

(4)   Havelock Ellis, lời giời thiệu Germinal trong bản dịch sang tiếng Anh, xuất bản năm 1894; xin coi đường dẫn: http://www.ibiblio.org/eldritch/ez/gin.html

Liên lạc, trao đổi thông tin

Trang web này được thành lập từ những người yêu mến nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Bạn đọc có thể liên lạc trực tiếp đến email của nhà văn: haiha_ckn2000@yahoo.com hoặc trao đổi thông tin về nhà văn bằng comment dưới đây. Chúng tôi sẽ cố gắng hồi đáp sớm nhất.

Trân trọng cám ơn!

Cái đẹp và sức thuyết phục của hiện thực

bnt4Trung thực- chính bút pháp Bùi Ngọc Tấn cũng là lời “đề dẫn” của  Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trong phần mở đầu buổi tọa đàm “Những góc khuất của hiện thực” bàn về tác phẩm “Biển và chim bói cá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, khai mạc vào chiều thứ sáu 20-3-2009, tại Hanoihanoi café, 43, Trường Tiền (Hà Nội). Là “cuốn sách được chờ đợi trong tâm thức bạn đọc yêu văn và người”, vẫn theo Phạm Xuân Nguyên, sách kể về Tổng công ty đánh cá Biển Đông – “Không có nhân vật chính – đó là một tập thể – là giám đốc Thắng, thuyền trưởng Bôn, là Lê Mây, cô Phòng, Cảnh…. – đó là hiện hình chân dung của một thời chúng ta đã sống (khoảng ba thập niên cuối cùng của thế kỷ 20)”.

Những con tàu, những gương mặt, những kế hoạch vĩ mô cho năm năm, mười năm của xí nghiệp, những số phận cuộc đời hiện lên, chìm xuống. Lừng lững trước mắt rồi lại biến mất phía chân trời. Tưởng như rời rạc mà liên kết chặt chẽ. Tẽ rời nhưng gắn bó, việc nọ liên quan đến việc kia đầy hóm hỉnh hài hước như “cánh phòng ban” xuống tàu xin cá, phải “nghênh ngó xem có ai nhìn thấy mình vừa xách cá về không” rồi không đem cá về khi thấy mặt cấp trên, còn lảng vảng ở cơ quan. Phải “đành lòng chăm chỉ ở lại làm việc, thực hiện tám giờ vàng ngọc”.Tác giả của “Mẫu thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”… Nguyễn Xuân Khánh có ý kiến cho rằng “tác phẩm ít sử dụng hư cấu” nhưng lão nhà văn khẳng định “sự sắp xếp hiện thực có nghệ thuật cũng chính là hư cấu nhân văn” và phải “hiểu hư cấu theo nghĩa rộng”. Với một nhà văn mà kinh nghiệm cả đời lăn lộn ở đất Cảng Hải Phòng thì những chi tiết trong “Biển và chim bói cá” ngồn ngộn đời sống tươi ròng được “biểu diễn” bằng “thi pháp mới” – nhà văn Châu Diên nhấn mạnh ý kiến của mình.

Văn phong Bùi Ngọc Tấn thường mới mẻ chính từ ánh nhìn hóm hỉnh – đậm chất umua (hài hước)  ở ông. Tính từ Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” thì thời của Bùi Ngọc Tấn là Vũ Bão, gần đây Nguyễn Quang Lập. Đó là những nhà văn có tuýp giống nhau bởi  chất hài hước  hóm hỉnh. Nhưng ở Bùi Ngọc Tấn, chất hài của anh luôn là “tiếng cười nảy ra từ nỗi đau” – nhà thơ Dương Tường,  tác giả của câu thơ “Để ghi lên mộ chí sau này/Tôi đứng về phe nước mắt” khẳng định như vậy. Nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn có ý kiến “phản biện” thú vị. Đó là “dài – đọc mệt”. Theo anh, cách cư xử với hiện thực, với ngồn ngộn chi tiết có phải “tham”? Và anh “tiếc” các chi tiết nếu cắt rời ra có thể thành những truyện ngắn. Đó cũng là một quan điểm trẻ mà những thế hệ U40 quan tâm? Không dài và dài….

Một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt, mang quốc tịch Mỹ  là Alec (phu quân của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu) hỏi một câu hóm hỉnh : “Trong liên hiệp đánh cá Biển Đông có phân loại 3 tầng lớp địa chủ, phú nông, trung nông như trong làng quê Bắc Bộ thời thuộc địa không?”, khiến những người tham gia buổi tọa đàm cười ồ. Mới – cũ. Cổ – hiện đại là tranh luận “luôn luôn có” ở bất cứ không khí văn chương nào. Kết thúc bao giờ cũng là ý kiến trung dung nhất. “Miễn là hay”.Và thay cho lời nhắn nhủ “hãy về đọc sách” – MC Phạm Xuân Nguyên “lấy” một câu Kiều “Ở trong còn lắm điều hay”.

bt2

Nhà văn ký tặng sách cho Alec (chồng của Đỗ Hoàng Diệu). Ảnh: Hà Linh.

“Hay” – đó cũng chính là lý do buổi tọa đàm, bởi khi cuốn sách của nhà văn “được bạn đọc chờ đợi” như tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra mắt bạn đọc. Chính sự “sum suê và khúc khích” trong “Biển và chim bói cá” đã cho người viết bài này sự cảm nhận về cái đẹp của hiện thực. Một hiện thực không cần phải tô hồng hay bôi đen. Qua văn phong của mình, ngợi ngời hiện lên đầy trung thực và chính sự trung thực của nhà văn đã mang lại cho người đọc cảm xúc nhân văn vào cuộc sống – con người.

 Vũ Thị Huyền

 

Bùi Ngọc Tấn viết về những người mang nghiệp chướng

bnt3“Tôi viết về sự nhếch nhác trần ai của những người làm nghề, về chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn”, nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói về “Rừng xưa xanh lá”, tác phẩm vừa đoạt giải B Hội nhà văn VN.

– Ông đón nhận tin tác phẩm của mình đoạt giải thưởng với tâm trạng như thế nào?

– Tôi không khỏi bất ngờ vì không nghĩ giải thưởng của Hội – sự thừa nhận chính thống – lại có lúc đến lượt mình, một người từng bị treo bút và có thể đang gây ngần ngại.

Điều làm tôi vui nhất chính là sự thừa nhận cởi mở có lẽ không chỉ của Hội nhà văn VN mà có thể còn ở các cấp cao hơn. Còn với bạn đọc, tôi nghĩ lâu nay, thương hiệu Bùi Ngọc Tấn có lẽ cũng đã đủ có một chỗ đứng nhất định trên thương trường.

Điều khiến người đọc yêu mến “Rừng xưa xanh lá” không phải là những câu chuyện có thật cười ra nước mắt, mà chính là giọng văn Bùi Ngọc Tấn: đau đáu thổn thức, trĩu nặng tâm can nhưng vẫn tươi sáng giản dị, hồn hậu ân tình… Ông nghĩ sao?

– Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc nói chuyện gần đây, tôi lấy nhan đề là Tôi dọn mình để đối thoại với vô cùng. Viết là để mình được có dịp đối thoại với cái vĩnh cửu, là cố làm ra được vài trang sách chống chọi lại với thời gian, là cố gắng không để mình bị đo ván dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Văn nghệ theo tôi, quý trước hết vẫn là ở lòng nhân, là tình yêu thương con người. Tôi viết văn không phải để cạnh khóe ai, không phải viết cho bõ tức. Với tôi, mỗi lần viết là để mình được tốt hơn lên.

– Có lo ngại rằng, chừng nào văn học VN còn nặng cảm hứng ôn nghèo kể khổ về thời đã qua thì chừng ấy cuộc sống hôm nay còn khó được nhận diện và có chỗ. Ông nghĩ sao về điều này?

– Bất kỳ dòng văn học nào nói được chân thành và trung thực về thân phận con người và nhất là về những điều chưa từng được nói đến, hoặc chưa được nói đúng thì không có gì là “đã qua” cả, nếu không muốn nói là đều đáng quý và tuyệt vời.

– Nếu được làm lại, ông sẽ sửa “Rừng xưa xanh lá” như thế nào?

– Tôi mong sẽ co lại được ngắn hơn ở những đoạn tôi đã trót rông dài. Còn hiện tại, tôi đã viết được già 200 trang trong tổng số khoảng 800 trang cho cuốn tiểu thuyết mang tên Không có chân trời, viết về những người đánh cá biển, nơi tôi từng sống và làm việc suốt 20 năm.

– Người đọc hy vọng gì vào một “Ông già và biển cả” của VN?

– Tôi không viễn tưởng như thế đâu. Như một vận động viên nhảy cao, tôi chỉ dám hứa là: nếu đã nhảy qua được 1m70 thì tiếp theo chỉ có thể là 1m71 trở lên hoặc cùng lắm là 1m69 chứ không thể thấp hơn được đâu.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Bùi Ngọc Tấn, Chuyện kể năm 2000

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Câu Tử, Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Cùng lớp với Lê Bầu, Lê Mạc Lân (là con của Lê Văn Trương nhưng không bao giờ dám nhắc đến cha), Vũ Thư Hiên, Nguyên Bình, Vũ Bão… Truyện ngắn đầu tay gửi dự thi báo Văn Nghệ, Chị Trúc, được Tô Hoài khen hay, nhưng không được in và cũng không được giải vì nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng”.

Vào làm phóng viên báo Tiền Phong, việc kỳ cục đầu tiên ông nhận thấy là người ta cấm nhà báo viết văn, muốn viết phải chui, viết văn chui, ký tên khác. Thế hệ ông, nhiều người bạn đã mắc vòng hệ lụy: như Bùi Minh Quốc, như Vũ Thư Hiên, như Phù Thăng, như Vũ Bão…

Bùi Ngọc Tấn bị tù năm năm, mang số CR880, như Hắn, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong Chuyện Kể Năm 2000.

Kết thân với Nguyên Hồng từ những ngày viết văn làm báo tại Hải Phòng.

Bùi Ngọc Tấn rất gần gụi và quý trọng Nguyên Hồng. Bị đi cải tạo 5 năm (từ 1968 đến 1972), Bùi Ngọc Tấn im lặng hơn 20 năm (từ 1968 đến 1989). Xuất hiện lại trên tạp chí Cửa Biển, hè 1989, với một bài viết về Nguyên Hồng, sau trở thành tập hồi ức Một Thời Ðể Mất (NXB Hội Nhà Văn, 1995) và sau đó là hai tập truyện ngắn: Những Người Rách Việc (NXB Hà Nội, 1996) và Một Ngày Dài Ðằng Ðẵng.

Ngoài ra, trong Chuyện Kể Năm 2000, tác giả nói đến hơn ngàn trang pelure bản thảo chữ nhỏ li ti, bị bắt làm “tang vật cho vụ án”, gồm những tác phẩm: Hải Ðăng, tiểu thuyết; Hoa Cau, truyện dài; Làn Sóng Thứ Nhất, tiểu thuyết; Những Người Ðang Sống, kịch bản phim; Những Chuyện Trên Một Vùng Cửa Biển, truyện ngắn; Ðầu Cầu, trường ca; …

Năm 2000, tiểu thuyết trở về sau một thời xa vắng, với những tác giả như Bùi Ngọc Tấn, như Nguyễn Bình Phương… Báo hiệu sự hồi sinh của văn học ở thời điểm mà các tác phẩm có giá trị đích thực vẫn chưa thoát khỏi cuộc giảo nghiệm của tử thần: từ án treo, đến án chung thân, đôi khi án tử hình như trường hợp Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn:

“Ngày 16/3/2000, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định số 395/QÐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản vì đã vi phạm khoản 1 và 2, điều 33, luật xuất bản. Ðiểm 1, điều 3, quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm của Bộ Văn Hóa Thông Tin (số 01/1998 QÐ-BVHTT ngày 30/7/1998). Ðiều 8 quy chế liên doanh về in và phát hành xuất bản phẩm của Bộ Văn Hóa Thông Tin (số 75/1999 QÐ-BVHTT ngày 8/11/1999). Cũng theo quyết định này, Ban Bí Thư Trung Ương Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, cơ quan chủ quản Nhà Xuất Bản Thanh Niên có hình thức kỷ luật nghiêm khắc Ban Giám Ðốc Nhà Xuất Bản Thanh Niên và những người có liên quan trong việc xuất bản và phát hành cuốn Chuyện Kể Năm 2000.” (Báo Tin Tức số ra ngày 17/3/2000)

Như một nghịch lý hợp lý, bản án trên đây xác quyết một lần nữa, những điều Bùi Ngọc Tấn đã viết về những lầm than, ba chìm bẩy nổi, những vò xé, những xuyên tạc, những chụp giật, những đập phá, những ức hiếp của thẩm quyền và thế quyền trên đám bản thảo đầy chữ li ti. Mà chữ thì không có khả năng kháng cự với dùi cui, chúng chỉ là những nét mực nhỏ bé, trên pelure mỏng. Giấy và chữ làm sao chọi được với những bàn tay thô bạo, những khối óc vô hồn. Chữ là một vi sản trong các di sản, là kẻ yếu nhất, trong số những nạn nhân hiện hữu trên đời: người ta có thể hành hạ côn trùng, thảo mộc, đến con sâu, con kiến cũng còn có phản ứng, quằn quại trước khi chết. Nhưng chữ thì không. Không phản ứng. Tuyệt đối im lặng. Dù có bị kết án tử hình, chữ cũng lặng thinh. Bất động.

Nhưng sự im lặng nào cũng đáng ngờ. Bởi làm thinh cũng là một thái độ. Làm thinh là không chấp. Làm thinh vì biết mình, biết người. Làm thinh vì biết được sức mạnh nội tâm của chính mình. Làm thinh là biết mình sẽ sống dài, sống mãi, sau khi những kẻ hành hạ mình đã khuất. Làm thinh là biết được cái vĩnh cửu của những giá trị, nằm ngoài những thô bạo của lịch sử, trên những mu muội của con người.

*

Như đường về mê ngục. Như bước xuống âm ty. Chuyện Kể Năm 2000 mở cửa Goulag Việt Nam. Một Goulag thâm u, tiền sử, nhuần nhuyễn bản chất Ðông phương, không sôi nổi bạo tàn, không máu mê tra tấn như Goulag Tây phương. Ở đây là sự tịch mịch Á châu. Ở đây là hình thức toàn trị phương Ðông, cái Goulag thầm lặng nhưng vô cùng hữu hiệu bởi người tù cải tạo đã chết khi còn đang sống. Ðó là ý nghĩ sâu xa nhất của tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000.

Bùi Ngọc Tấn đã dẫn tiểu thuyết Việt Nam bước vào một ngõ ngoặt, một giai đoạn mới: Giai đoạn mà nhà văn (ở trong nước) lại có quyền được in những tác phẩm nói lên sự thật, biện hộ cho tự do, sau mười năm bặt vắng. In xong, có thể bị tịch thu liền. Nhưng in là quan trọng. Là thiết yếu. Bởi đã in là thoát.

Trong gần mười năm qua, tiểu thuyết Việt Nam đã trải qua thời kỳ xuyên sa mạc. Sau những Thời Xa Vắng, những Bên Kia Bờ Ảo Vọng, những Nỗi Buồn Chiến Tranh, những Bến Không Chồng, v.v… của thời kỳ đổi mới, văn học trong nước chuyển sang thời kỳ hậu đổi mới, còn có thể gọi là thời kỳ tụt hậu mười năm: trừ một vài trường hợp hạn hữu như tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, không được mọi người chú ý, không đi vào quỹ đạo bị thẩm xét gắt gao, hầu như không có tác phẩm tiểu thuyết giá trị nào được phép ra đời. Nhiều người nói đến sự tuyệt chủng của tiểu thuyết, nhưng dường như với bình minh 2000, người đọc đang có quyền hy vọng.

Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn xuất hiện như sự trở mình của thần long ngủ quên trong lòng biển. Sự trở mình này, trước tiên tùy thuộc ở những cố gắng, những can đảm của nhà xuất bản. Nhà xuất bản Thanh Niên, do Bùi Văn Ngợi trách nhiệm, chỉ trong hai tháng đầu năm 2000, đã in ít nhất 3 tác phẩm giá trị. Ðó là Ðối Thoại Sử Học của nhóm Bùi Thiết (7 sử gia lớp sau) chống lại khuynh hướng bóp méo lịch sử với mục đích chính trị của những người đi trước. Quyển thứ nhì là tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 và quyển thứ ba là tiểu thuyết Hai Nhà của Lê Lựu. Ðiều này chứng tỏ khi nhà xuất bản có lương tâm văn học, những tác phẩm xứng đáng vẫn được chào đời. Những cố gắng này, rồi sẽ được văn học sử ghi nhận, bởi những người thực hiện đã phải trả giá rất đắt.

*

Trở về với tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn: Ðây không phải là một cuốn tiểu thuyết bình thường mà là một tác phẩm có tầm vóc lớn. Vừa ra đời nó đã là một tác phẩm classique, cổ điển, trong cái nghĩa đẹp nhất của hai chữ “cổ điển”. Cổ điển như Dịch Hạch của Camus, bởi nó đã bao trùm lên được nỗi đau của con người trong thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa.

Từ trước đến nay, độc giả -nhất là độc giả ngoài nước- đã được đọc nhiều hồi ký cải tạo của những người cầm bút ở hai miền Nam Bắc. Mỗi tập hồi ký đều nói lên những khía cạnh khác nhau của đời tù cải tạo. Qua những hồi ký đó, người đọc đã biết được đại cương đời sống vật chất và tinh thần ở trong tù. Nhưng thể hồi ký, luôn luôn gò bó người viết trong một tư thế nhất định, tư thế của cái tôi chủ quan nên khó có thể bước vào thế giới mộng tưởng để đến với nghệ thuật. Ở thể hồi ký, người viết cũng lại gần như bắt buộc phải đưa ra những nhân vật thực, việc thực, người thực nghèo nàn và giết chết khả năng sáng tạo.

Sự lựa chọn thể tiểu thuyết, nơi Bùi Ngọc Tấn, là một sự lựa chọn độc sáng. Ở thể văn tiểu thuyết, nhà văn có thể tung hoành, sống với nhiều cái tôi, đứng trên muôn vàn khía cạnh để rọi những lăng kính khác vào cuộc đời Goulag.

“Hắn” tức là Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong tác phẩm, tù số CR880, là tổng hợp của nhiều “hắn” khác trong một đời tù. Những bạn tù của hắn, mỗi danh xưng: Già Ðô, Vũ Lượng, A Thềnh, Lê Bá Di, Triều Phỉ… cũng lại có thể là tổng hợp của nhiều nhân vật khác nhau trong nghìn đời tù. Những khuôn mặt công an, quản giáo: Ông Trần, ông Lan, ông Thanh Vân… là tiêu biểu những khuôn mặt “cách mạng có thẩm quyền” trong cơ chế toàn trị. Do đó, qua câu chuyện của “Hắn” người ta đọc thấy, không chỉ có những trầm luân của một Bùi Ngọc Tấn, một Vũ Thư Hiên, những người cùng trang lứa với Hắn, mà người ta còn nhìn thấy cả một thế hệ “được đi thực tế” trước “Hắn”, những Nguyễn Hữu Ðang, Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Ðạt… và thế hệ “được cải tạo” sau hắn như Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng… Ðó là những tai ương của người cầm bút, sau Cách Mạng Tháng Tám.

Bi kịch của “Hắn” chỉ kéo dài có 5 năm.

Bi kịch của những người không-phải-hắn kéo dài có khi gấp hai, gấp ba nữa. Vậy mà chỉ cần đọc “Hắn” người ta đã rụng rời, người ta đã được nếm mùi địa ngục. Bùi Ngọc Tấn viết:

“Bọn hắn là một lũ tội phạm. Mỗi người một kiểu khác nhau, nhưng cùng phạm những tội ác với nhân dân, với cách mạng, với Ðảng. Bọn hắn là địch. Còn nguy hiểm hơn địch. Pháp, Mỹ, mũi lõ mắt xanh, cầm súng bắn vào nhân dân, ai cũng nhận ra. Nhưng bọn hắn khó nhận diện hơn, nên càng nguy hiểm. Tội lỗi ấy không đáng được đối xử như những con người. Không đáng thở bầu không khí chung với nhân dân. Không đáng được gọi là người Việt Nam, một dân tộc anh hùng. Dân tộc xấu hổ vì bọn hắn. Tuy nhiên Ðảng vẫn tin tưởng ở cái phần người còn lại trong mỗi kẻ bọn hắn. Ðảng nhen nhúm chút phần còn sót lại ấy. Và bọn hắn được đối xử đúng như vậy. Con trâu cày, con lợn giống còn được các ông quản giáo vỗ về, vuốt ve, tình cảm. Bọn hắn, không ai dám mơ tưởng đến hạnh phúc lớn lao ấy. Một lời động viên thông cảm cũng không dám màng. Không được như những cây rau. Luống rau cải bắp, luống rau muống có sâu, hắn phải đem bình vô-pha-tốc ra xịt ngay. (Bọn hắn ốm thử đi xin viên thuốc ở chỗ ông Chắn, công an y tá xem) Gặp ai cũng phải gọi là ông, là bà. Gặp bà công an kế toán bế con trai lên bốn đi chơi, là phải kính cẩn:

– Bà với ông đi chơi ạ!”
(Quyển I, trang 88-89, NXB Thanh Niên, 2000)

“Bọn hắn” là những ai? Là những kẻ mang tội danh “tuyên truyền phản cách mạng”, những kẻ được liệt vào thành phần phản động, những kẻ bị quy kết là bôi đen chế độ. Tóm lại là những tù chính trị, công giáo có, nhà văn có, nhà báo có, cộng có, ngụy có, Việt kiều có, nông dân có… tất cả được giam chung với tù hình sự, đảo ngũ, trộm cắp, giết người… Chỉ khác là tù hình sự thì có án rõ ràng, 5 năm, 7 năm, 10 năm… Còn tù chính trị, tù tư tưởng là tù không án tức là không biết được ngày về, không biết được tội trạng của mình, được gọi bằng những chữ đẹp đẽ nhẹ nhàng: đi “tập trung học tập cải tạo” chứ không phải đi tù.

Hành trình “cải tạo” đã có bao nhiêu ngàn người trải qua? Không ai biết được. Khi Hắn được tha, đi trên đường phố Hà Nội, Hắn đã nhận thấy những khuôn mặt quen quen, tất nhiên đây chỉ là ảo tưởng của Hắn. Nhưng một ảo tưởng gắn liền với sự thật: Những khuôn mặt tù hàng ngày diễn qua quãng đời 5 năm của Hắn, cứ 1000 khuôn mặt ấy (trại của Hắn giam độ 1000 người) nhân lên với gần 2000 ngày tù là đủ có một thế giới 2 triệu khuôn mặt tù. Ấy là chưa kể những khuôn mặt nằm ngoài phạm vi “nhìn thấy” của Hắn, ở những trại khác, ở những thời điểm khác.

Người ta không thể biết được bao nhiêu con người đã sống đời Goulag Việt Nam, nhưng qua câu chuyện kể năm 2000 của Hắn, của tù nhân mang số CR880, thì tất cả những hạng sous-homme “dưới người” như Hắn, không phải là ít. Và hầu như tất cả tầng lớp nô lệ hiện đại này đều phải trải qua một giai đoạn mấu chốt: Ðó là sự tàn phá con người -sau Goulag- và Hắn buồn rầu nhận thấy: “Mình đã bị tiêu diệt. Tiêu diệt hoàn toàn.”

Cái khác nhau giữa “nô lệ tiền sử”, “nô lệ phong kiến” và “nô lệ hiện đại” là ở hai thời kỳ đầu, sự chiếm hữu nô lệ xẩy ra giữa những bộ tộc khác nhau, ở những giai cấp khác nhau, mà thường là bộ tộc mạnh đàn áp yếu, giai cấp giàu bóc lột nghèo. Ở hình thức “nô lệ hiện đại”, những người bị giáng xuống hạng dưới người, thường là những văn nghệ sĩ, những trí thức, những nhà tư tưởng… thành phần élite của xã hội. Và đó là bi kịch thời hiện đại, của những xã hội chủ trương tiêu diệt những thành phần thực sự ưu tú của đất nước bằng tính ưu việt của Goulag.

*

Chín trăm trang sách, đúc kết một đời người, nhiều đời người trong một. Ðây không chỉ là chuyện tù ngục, lưu đầy. Ðây là những mảnh đời bị xé nát, trù ếm, dẫm đạp của người tù và của cả những người không-bị-tù, tức là những người có tương quan bạn hữu, máu mủ, thân thiết nhất với người tù.

Ðây là cuốn sách viết về tình yêu, lòng nhân ái, viết về sự thủy chung, về sự phản bội, về nhân phẩm, về tự do, về nhân bản. Một cuốn sách trùm phủ lên những đề tài muôn thuở về con người. Nhưng có lẽ điểm độc đáo nhất là người viết, ở đây, đã trực tiếp nhận trách nhiệm của mình trong sự tác thành cái guồng máy chuyên chính toàn trị đã nghiền nát mình. Và có lẽ đó là chỗ lớn lao nhất của tác phẩm: Vấn đề trách nhiệm.

Nếu tất cả mọi người đều nhìn nhận trách nhiệm của mình, không dựa vào Bác, không dựa vào Ðảng, vì “Bác-Ðảng” thực ra chỉ là cái cớ, những hư danh hay những thực thể không thể sờ mó được. Bởi vì Bác, một người đã khuất cách đây hơn 30 năm, và Ðảng, một tổ chức do các đảng viên dựng lên, không thể trách nhiệm thay cho những người đã và đang tích cực góp phần xây dựng vào sự vững vàng của guồng máy chuyên chính còn được gọi là Ðảng: Bao giờ trách nhiệm cũng về phía con người. Những người đang sống. Trong những hàng cuối của cuốn tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn đã viết rất sâu sắc về cái quyền uy vô hình, đè nặng lên mỗi cá nhân:

“Ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám vùng lên chống lại, vì cái giá trị phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng.”

Cái người vô hình mà Bùi Ngọc Tấn nói đến ở đây, phải chăng chính là con khủng long toàn trị mà mỗi cá nhân, trong đó có nhân vật Hắn, đã góp phần tạo ra, dinh dưỡng để nó nghiền nát chính mình?

*

Bùi Ngọc Tấn bắt đầu viết từ tháng 6/1990 đến 30/11/91 viết xong, bản thảo được xem lại lần cuối vào tháng 8/98. Theo giới thân cận tác giả, tác phẩm đã được viết lại nhiều lần trong 9 năm qua, điều đó giải thích phần nào khía cạnh nung nấu, chín mùi về mặt cấu trúc hình thức cũng như nội dung văn bản.

Chuyện Kể Năm 2000 là một tự truyện. Nhiều nhân vật vẫn giữ tên thật, tác giả đổi một vài tên đã xuất hiện trong tập hồi ức văn học Một Thời Ðể Mất (nxb Hội Nhà Văn, 1995), Một Thời Ðể Mất chủ yếu viết về Nguyên Hồng. Bùi Ngọc Tấn rất gần gụi và quý trọng sự nhìn xuống những người dưới đáy của Nguyên Hồng trong Bỉ Vỏ, nhưng qua đó người đọc có thể biết rõ về môi trường sinh hoạt văn học của lớp người cùng lứa tuổi với tác giả và nhất là về không khí sáng tác theo “đúng đường lối của Ðảng” thời 1960-65; Một Thời Ðể Mất cũng cho biết sơ lược nội dung những tác phẩm khác của Bùi Ngọc Tấn mà sau này, trong Chuyện Kể Năm 2000 tác giả nói rõ hơn: Ðó là độ khoảng hơn 1000 trang pelure, chữ nhỏ li ti, sản phẩm của 15 năm lao động tinh thần đã bị tịch thu, bị đem ra mổ xẻ và không bao giờ trả lại, trong đó có tập nhật ký ghi những tâm tư thầm kín nhất của tác giả.

Ở tập trường ca Ðầu Cầu, sáng tác những năm 60, đã thấy những tín hiệu của một nhà văn nhìn xuống đáy, tìm đến những nỗi đau thực của con người trong chiến tranh, âm thầm phản đối chiến tranh và những hồi còi lệnh giục giã lên đường:

[…] Ðầu cầu xe về
Nước sôi trong két
Anh lái xe mắt xếch
Tắt máy chờ qua sông
Ðầu gục vô lăng
Tranh thủ
Ngủ
Giấc ngủ treo bao ngày đêm mỏi rời mi mắt
Giấc ngủ đợi chờ vụt biến đi đâu
Khi đến đây đầu cầu,
Ðáy vực không gian sâu thăm thẳm,
Sương rơi nắp ca-pô
Sương rỏ giọt ngoằn nghèo kính cửa,
Sương Hải Phòng ướt bụi Trường Sơn,
Sương buông thanh bình như ngàn năm trước sương buông
Anh lái xe, dựa vô lăng nghe đất trời yên lặng.
Nghe máu mình khe khẽ thái dương.
Dốc cầu
Còi.
Hiệu lệnh
Lên đường!
(Một Thời Ðể Mất, trang 105, NXB Hội Nhà Văn, 1999)

*

Chuyện Kể Năm 2000 là một tác phẩm nhìn xuống những người dưới đáy ngục bằng cách giao hòa hai yếu tố: Thực tại và mộng du. Thực tại trong tù và mộng du ngoài tù.

Tác phẩm ban đầu có tên là Mộng Du. Mộng du là hình thức tự do trong trạng thái nguyên thủy và là cơ nguyên của sáng tạo.

Cấu trúc tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là sự giao thoa giữa tự do và tù ngục, làm bật ra những nét tương phản giữa tự do và tù ngục. Sự giao thoa này đưa đến những nhận xét kinh hoàng: Con người, một khi đã bị cải tạo thì mùi vị tù ngục sẽ pha vào óc, vào máu, biến chứng trở thành những chấn thương nội tại, và khi ra khỏi ngục, Hắn -kẻ bị tù- sẽ không thể rửa được óc, máu của mình. Hắn vẫn tiếp tục sống với những người bạn tù cùng khổ, trong một cõi mộng du khác. Cũng như, trong khi ở tù, chính cõi mộng du đó, đã hồi sinh hắn, cho hắn sống với người thân tại ngoại.

*

Ðiểm quan yếu của tác phẩm là nói lên cái nội dung cải tạo như người ta đã nói mà chưa từng nói như thế bao giờ.

Nội dung đầu tiên của cải tạo nhằm việc triệt hạ nhân phẩm: Hạ nhục người tù xuống mức độ dưới người. Gặp bà công an bế con trai lên bốn đi chơi, là phải kính cẩn: Bà với ông đi chơi ạ! Nhất cử nhất động phải xin phép: Báo cáo ông, tôi, Lê Bá Di, tù số 127 vào nhà mét đi đái. Tính cách đối xử này phản ánh một trạng thái cực kỳ khôi hài: Gậy ông lại đập lưng ông, ngay trong lời xin phép đi đái, hoặc gọi mẹ, con bằng bà và ông: mẹ con trở thành đồng hạng. Tác giả chỉ thuật, không bình, nhưng cái ngôn ngữ trần trụi ấy đã nói lên bản chất phi lý, phi nhân, tức cười và vô giáo dục trong nội dung cải tạo.

Ngoài việc triệt hạ nhân phẩm qua cách đối xử, cải tạo còn sử dụng hai vũ khí khác để triệt hạ con người, đó là Ðói và Thời gian.

Ngoài công việc khổ sai thứ nhất như gánh phân, bốc bùn, xẻ nứa, làm rẫy, v.v… còn có Ðói. Ðói là khổ sai thứ nhì. Ðói đến vồ được thứ gì cũng nhét vào miệng: từ con ếch, con nhái, con dế, con chuột, đến quả ớt, lá ráy… A Thềnh chết vì ăn cắp ớt. Ðói triền miên. Ðói trong lúc ăn. Ðói trong lúc ngủ. Ðói là sự triệt hạ nhân phẩm bằng đường thực phẩm. Ðói khiến tù phải hạ mình, phải tố giác nhau vì miếng ăn. Tiếng chim “khó khăn”, “khắc phục”, “còn khổ”, tiếng chim “ối con ơi!” cất lên như tiếng định mệnh của người tù dội về từ kiếp khác.

Nhưng yếu tố ghê gớm hơn cả vẫn là thời gian: Thời gian vô định của người tù cải tạo, người tù tư tưởng. Không có ngày về. Không biết ngày về. Cái thời gian tàn bạo này có thể giết người không gươm giáo.
Ðối diện với những phần tử triệt hạ con người, Ðói và Thời gian, có một liều thuốc hồi sinh: đó là Mộng du. Mộng du còn là sáng tạo. Mộng du về với người thân yêu, về với người yêu, cõi mộng du ấy đã giúp người tù sống được trong cõi chết. Ðời tù chia hẳn thành hai lãnh vực: Lãnh vực thực tế, hiện tại, khổ sai, đói rét và nhục nhã. Và lãnh vực yêu thương là những phút “mặc niệm người thân”, lấy chút dưỡng khí của tình yêu, của gia đình, tiếp vào khí quản:

Ðầu gối lên cùm sắt gỉ han
Nghĩ tóc em xanh mười chín tuổi
Mái sương đêm những vì sao Hà Nội
Trong nhật ký anh.
Tóc em xanh trang nhật ký
Trong hồ sơ mật an ninh
Cả đến tình yêu chúng ta cũng bị nhục hình
Cắn răng lại, em ơi, đừng khóc.
(Quyển I, trang 187)

Khi người vợ “góa sống” vượt đồi núi, vượt đạn bom, đến thăm chồng “Em đem suốt nghìn đêm thương nhớ lại” và “Anh giết dần từng giây địa ngục chờ em”. Chính cõi mộng du đã cứu sống người nghệ sĩ. Cung Trầm Tưởng cũng nói như vậy: Nếu không có nó -tức mộng du, sáng tạo- thì tôi đã tự tử rồi.

Mộng du giúp Bùi Ngọc Tấn sống lại những giờ phút thiêng liêng nhất của cuộc đời: sống hoang toàng, xả láng với hạnh phúc, từ những nhục cảm đầu đời, đến những giây phút cực cùng với bạn tù trong cõi chết.

*

Và cũng chính cõi mộng du ấy đã triệt hạ con người sau Goulag. Nó bắt người tù được thả, phải trở lại với thế giới trong tù, với những người bạn còn đang dưới đáy, nó là một thứ lương tâm nhân loại, tàn ác không thể loại trừ, nó theo đuổi con người như một bóng ma. Những người đã thoát ngục, không thể nào quên được những bộ xương còn nằm dưới đáy ngục, chính cái lương tâm nhân loại ấy đã dấy lên, đã bắt Bùi Ngọc Tấn phải viết, phải làm chứng cho những linh hồn oan khuất, đã vội sớm ra đi, không kịp để lại bút tích về sự hiện hữu của chính mình.

Bùi Ngọc Tấn đã dùng tâm, não, xương, thịt, đời tù của mình để tạo ra tác phẩm. Trọng lượng cây thánh giá của người tù trên đường hành hương vào cõi chết đã được tác giả mổ xẻ, cân đo, phân chất đến cội nguồn của cội nguồn, gốc gác của gốc gác.

Ngay từ khi nghe lời tuyên bố “lịch sử”: “Anh Nguyễn Văn Tuấn, hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây”, rồi qua những cửa ải đầu tiên mà Bùi Ngọc Tấn gọi là bản dạo đầu, là xà lim, rồi cung vấn Nguyễn Văn Tuấn, rồi lại xà lim, chời đợi nhận tội. Anh không nhận đã có thời gian: Anh không nhận chúng tôi cứ chờ. Chúng tôi kiên trì, chúng tôi có thời gian hậu thuẫn. Cái thứ thời gian ác ôn, chôn vùi hàng vạn đời người trong lòng ngục.

*

Bữa bún chả đầu tiên, ngoài tù, do Mạc bán máu lấy tiền khoản đãi “Chúng tao không dám nói. Sợ mày khinh, ăn không ngon. Sợ nghĩ là mày ăn thịt nó. Nó bán máu và bán luôn cả cái phiến đậu bồi dưỡng.” (trang 201, quyển I)
Từ đây bắt đầu cuộc đời “tại ngoại”.
“Tại ngoại”, người tù trở thành một thứ “phó dân”.
Xã hội tại ngoại, dường như còn tanh tưởi, vấy máu hơn xã hội trong tù.

“Thịt chỉ bán cho những người bán máu. Hắn về tay không và nghĩ đến Vũ Mạc. Thịt hiếm thế này Vũ Mạc kiếm được đây. Mạc bán máu và bao giờ cũng bán nốt mọi thứ phiếu bồi dưỡng.” (Quyển II, trang 77)

Xã hội tại ngoại không dung những thứ phó dân như già Ðô, như Giang, như Tuấn… Hệ thống công an như một con mắt khổng lồ vô hình, vẫn tiếp tục chõ vào cuộc đời của người tù được thả cũng như đã từng soi sáng hết cả huyệt lộ cuộc đời những người thân, bạn thân của tù, như Bình. “Bình bàng hoàng khi biết mình có đuôi […]Anh ngửi thấy cái mùi của nhà tù. Anh bắt đầu biết anh bị theo dõi vào một buổi chiều thứ bẩy […]

Anh sôi lên vì sợ hãi, tuyệt vọng. Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng, lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng lồ để hại mình. Ðạp xe đi, anh cứ thấy vương vướng ở phía sau lưng. Dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Và bẩn. Và dính. Anh thở dài.” (trang 460-461, quyển I)

“Anh biết anh chưa bị bắt thôi chứ anh đã mất tự do rồi. Không thể gọi là tự do khi mình đi đâu, làm gì (kể cả đi đái), gặp ai, trò truyện bao lâu, cũng có người quan sát và ghi sổ “Ðối tượng P2 về thăm con. Không đi la cà các nhà hàng xóm. Ngủ ở nhà …”. Vì chắc anh cũng phải có một con số bí. Nhưng không biết họ đặt cho anh số bí gì nhỉ? P2 hay A18. Hay T5? Thật là một trò chơi chết người. Và thật buồn là mình lại ở trong vòng chơi đó […]

Anh uống trà với chú em mà không biết mình uống gì. Anh đang nghĩ đến những cái đuôi. Cẩn thận thật. Những hai cái đuôi.” (trang 460-463, quyển I)

Cái cảm giác trên đây của Bình, không ít người đả trải qua. Ðó là cảm giác dinh dính ở gáy. Một cảm giác lạnh ở phía sau. Lạnh. Và bẩn. Và dính. Bùi Ngọc Tấn đã đi đến ngọn nguồn cảm giác của kẻ thấy mình có đuôi. Cảm giác dinh dính này trong thơ Ðặng Ðình Hưng có nhắc đến, nhưng dùng trong một hình tượng khác: Kẻ bị theo dõi thấy chân dinh dính dưới đất, và hắn đi vòng con số 8 lộn ngược. Ðặng Ðình Hưng đưa ra một hình tượng tù ngục khác -của nhà thơ- Biệt tài của nhà văn, nhà thơ là họ có thể chỉ dùng vài chữ ngắn gọn, nhỏ bé để bất tử hóa một hiện tượng rộng lớn, bao trùm xã hội. Hiện tượng bị công an theo dõi dường như ai cũng đã trải qua khi đặt chân lên đất Việt, nhưng ghi lại cái cảm tường Dinh dính. Lạnh. Và Bẩn thì chỉ có những ngòi bút biệt tài mới chụp được để đưa nó vào cõi bất tử.

Với một bút pháp như thế, những khuôn mặt như già Ðô, Triều Phỉ, Sáng, Giang, A Thềnh, Lê Bá Di, Vũ Lượng… đã được nhà văn khắc tạc trong hang đá của thời gian, dù họ đã suối vàng hay còn trần thế, những bức chân dung của họ đã đi vào lịch sử, không phải lịch sử tầm thường của đời sống, cũng không phải lịch sử khốc liệt của chiến tranh, mà là lịch sử chữ, lịch sử văn hóa của con người.

Vì những già Ðô, những Triều Phỉ, những Sáng, những Giang… mà Hắn, nhà văn, phải viết, Hắn bắt buộc phải tự do. Nếu không có tự do hắn cũng phải sáng tạo ra tự do để viết. Viết về nỗi đau của những người đã nằm xuống. Viết về nỗi đau của một người và cũng là nỗi đau của dân tộc, của loài người. Ðó là vấn đề trách nhiệm và nhân cách của hắn, nhà văn.

Thụy Khuê
Paris, tháng 3/2000

Hãy góp phần làm nên ký ức của dân tộc

bnt3

Đầu năm 2005 tập Rừng Xưa Xanh Lá của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được giải thưởng của Hội Nhà Văn. Nhân dịp này nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Dưới đây là toàn văn cuộc trao đổi đó.

-Anh có bất ngờ khi nhận giải thưởng văn xuôi của HNV Việt Nam?

-Trước khi có tin chính thức được giải thưởng, tôi đã nghe vài nhà văn trong Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà Văn ( HNV) báo tin tập Rừng Xưa Xanh Lá (RXXL) của tôi được đề cử lên Ban chấp hành tặng giải với số phiếu 100%. Tuy nhiên niềm tin được giải là rất ít. Bởi theo kinh nghiệm của tôi, trong việc trao giải như thế này nhiều khi những yếu tố ngoài văn chương lại đóng vai trò quyết định.

Được nhận giải tôi rất vui. Vui không chỉ vì mình đoạt giải (những giải thưởng là quan trọng, nhưng sự đánh giá của độc giả, sự thử thách của thời gian còn quan trọng hơn nhiều, đó mới là giải thưởng lớn nhất – đã có nhiều tác phẩm được giải rồi ngay lập tức biến mất khỏi đời sống văn học đó sao?). Niềm vui của tôi chủ yếu ở chỗ việc trao giải cho tôi thể hiện một cái nhìn cởi mở hơn về nhân thân tác giả, sự công nhận những mảng đời sống khác của hiện thực cần được có mặt trong sáng tác, những sáng tác loại này vẫn rất khó được xuất bản, chỉ những giám đốc nhà xuất bản dũng cảm, có bản lĩnh, có trách nhiệm mới dám duyệt in, và khi may mắn được xuất bản mà không bị thu hồi vẫn gây ngần ngại trong việc đánh giá, và cách tốt nhất là cho rơi vào im lặng. Nó có ý nghĩa bảo đảm, khuyến khích nhiều khuynh hướng tiếp cận và phản ánh đời sống bao giờ cũng là muôn hình muôn vẻ. Không những thế việc trao giải thưởng cho tôi còn nói lên vị trí quan trọng của những người làm xuất bản, bởi lẽ một sáng tác chỉ có thể trở thành tác phẩm khi đến được với người đọc, nếu không chỉ là một văn bản nằm mốc trong ngăn kéo bàn viết của nhà văn. Tôi cám ơn HNV đã trao giải cho tôi và tôi cũng cám ơn các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, Thanh Niên, Hải Phòng dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều áp lực đã xuất bản các sáng tác của tôi.

-Anh định gửi gắm gì cho người đọc khi viết RXXL? Anh có ý định tiếp tục viết những quyển sách thể loại này không?

-Viết RXXL, tôi nhớ đến tuổi trẻ của tôi, của bạn bè tôi, một lớp thanh niên mới tuyệt vời làm sao! khó mà có lại, một lớp người có thể làm nên tất cả. Lớp người ấy giờ đây đã bước vào tuổi cổ lai hy và đã “bắt đầu kết thúc kiếp phù sinh của mình, sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào” như tôi đã viết trong RXXL. Tôi cố lưu giữ hình ảnh họ trên trang giấy, không để họ biến mất với thời gian, và cũng qua đấy, lưu giữ được vài bóng hình quá khứ. Khi viết, tôi sống lại cái thời chúng tôi đã sống, thời chúng tôi còn trẻ, nồng nhiệt, tin yêu, khờ dại; với hạnh phúc, bất hạnh, sung sướng, khổ đau, dù thất bại, đắng cay nhưng không chịu đầu hàng. Và tôi tin rằng nếu được sống một kiếp nữa, họ vẫn sống như vậy mà không chọn một cách sống khác. Họ không khôn ra đâu. Không tỉnh ra đâu. Còn định nói gì với bạn đọc ư? Khi viết RXXL tôi chỉ muốn kể chuyện bạn mình, những người lận đận, những người thất bại thôi. Nhưng ngẫm nghĩ về câu chị hỏi, tôi thấy có lẽ qua những trang viết, bạn đọc có thể thấy cái giá của nghệ thuật là đắt. Rất đắt. Ai cũng phải trả bằng cả cuộc đời mình. Trả giá bằng cả cuộc đời nhưng nhiều khi chẳng đạt được cái mình mong ước. Tôi cũng hy vọng những thế hệ sau sẽ đọc để biết rằng có một thế hệ đã sống như thế đấy.

Hiện nay tôi chưa biết có viết tiếp những quyển sách loại này không? Bởi tôi còn đang đánh vật với một quyển tiểu thuyết.

-Anh có đọc những tập hồi ký hoặc chân dung văn học của những nhà văn khác? Anh tìm thấy gì trong đó? Theo anh thể loại này có những ưu điểm và nhược điểm nào?

-Tôi có đọc vài quyển viết về loại này. Mỗi tác giả một phong cách, mỗi quyển một mục đích, lại có những quyển nặng về giai thoại. Nói chung là những điều sang trọng của nhà văn, của văn chương. Và tôi rút ra được những điều bổ ích. Điều bổ ích lớn nhất là: Người ta toàn viết về những người thành đạt, nổi tiếng, những ngôi sao toả sáng, những điều cao cả của nghệ thuật. Từ ấy nẩy sinh trong tôi ý muốn bổ sung đầy đủ cho bức tranh chân dung nghệ sĩ là viết về một mặt khác. Về cái nhếch nhác, lam lũ khổ cực trần ai, thậm chí những nguy hiểm và cả những tai nạn nghề nghiệp của những người làm nghề nhất là những người không thành đạt. Không phải những cây cao bóng cả mà những cây dại ven đường.

Hồi ký là một thể loại rất dễ thuyết phục nếu được viết ra với một ngòi bút trung thực. Cần nhất là trung thực không né tránh, không tự tô vẽ mình và bịa đặt. Hồi ký đặc biệt cần thiết trong xã hội nhiều biến động chúng ta đang sống. Đó là một thứ lịch sử được viết bằng văn chương. Nói đến đây tôi lại nhớ mấy câu thơ của Thi Hoàng: Tư Mã Thiên bị thiến / Thành Sử Ký cao dầy / Giờ muốn ông tái hiện / Chọn ai mà thiến đây. Vâng. Viết hồi ký cần nhất là đừng sợ “bị thiến”.

-Giải thưởng này trong suy nghĩ của anh có nhằm “động viên” một nhà văn đã trải qua nhiều thử thách trong nghề cầm bút?

-Điều này phải hỏi ban giám khảo. Có một thực tế: Từ trước tới nay ngoài gia đình tôi, bạn bè tôi và bạn đọc xa gần, chẳng ai động viên tôi sống, động viên tôi làm việc.

-Những đồng nghiệp của anh vẫn cho rằng nhà văn Bùi Ngọc Tấn hơi bị hiền. Anh nghĩ gì về cách nhìn nhận đó?

-Biết làm sao! Rằng quen mất nết đi rồi. Khó cải tạo lắm. Hiền là bản chất của tôi. Trong cuộc đời cũng vậy. Đã có những người vu cáo tôi. Thậm chí có người còn gây sự với tôi (những người này đều là các nhà văn). Với những người như vậy tôi tránh xa, không giao tiếp, không đối thoại. Thế thôi. Tôi rất sợ những cuộc cãi vã, những cuộc đôi co. Còn trong sáng tác nhiều người lại bảo tôi dữ đấy. Tôi nhớ trong một lần đi dự trại sáng tác do HNV tổ chức ở Đại Lải vào dịp có mấy ngày nghỉ lễ 30 tháng 4, mồng 1 tháng 5. Dân Hà Nội lên Đại Lải đông. Trong một bữa ăn ở nhà ăn, một cô gái Hà Nội biết có các nhà văn ăn cơm cùng, đứng lên hỏi:

-Cháu hỏi có chú nào là nhà văn Bùi Ngọc Tấn không ạ?

Tôi hơi hoảng. Không biết mình bị vướng vào chuyện gì đây. Cũng cứ phải đứng lên mà nhận rằng mình là Bùi Ngọc Tấn thôi. Trốn làm sao được. Cô gái nhìn tôi chăm chú rồi hỏi:

-Sao trông chú hiền thế mà viết dữ thế?

Tôi hiểu viết dữ cô nói ở đây là tôi đã đẩy nhân vật tới kịch tường, không né tránh. Đó là quan niệm của tôi. Thái độ viết của tôi. Hãy để nhân vật đi đến tận cùng của số phận. Nhưng tôi không lên án với giọng cay độc bất kỳ một ai dù người đó làm khổ chính tôi. Tôi nghĩ họ chỉ là sản phẩm của một hoàn cảnh, một cơ chế. Họ chỉ là một quân cờ trong bàn cờ xã hội. Điều phải quyết liệt, quyết liệt đến cùng là tìm ra cái nguyên nhân, cái gốc gác đã nẩy sinh cái ác. Không phải chỉ chăm chú mổ xẻ hiện tượng mà phải tìm ra bản chất của hiện tượng. Đừng hớt váng. Quan niệm đó quán xuyến trong mọi sáng tác của tôi.

-Cho đến nay, anh hài lòng ở mức nào với những gì mình đã viết, đã in?

-Tôi hài lòng với mức độ này thôi: Những gì phải làm, mình đã làm với tất cả trách nhiệm. Không lười biếng và không gian dối.

-Chuyến sang Châu Âu năm rồi (2004) có mang lại cho anh điều gì đó, trong cái nhìn chung và trong việc sáng tác? Cái gì đọng lại rõ nhất trong anh?

-Rất nhiều ấn tượng. Gần như bị choáng. Điều còn đọng rõ nhất trong tôi là ấn tượng về con người được giải phóng.

-Tác phẩm ưng ý nhất của anh đã được ra đời chưa? Nếu chỉ được giữ lại một vài tác phẩm đã có của mình, anh chọn cái nào?

-Tác phẩm ưng ý nhất của tôi đã ra đời. Đó là quyển tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000. Kể ra có thể trả lời khôn hơn là: tác phẩm ưng ý nhất của tôi còn chưa được viết ra như nhiều nhà văn thường nói. Nhưng tôi không muốn thế. Tôi biết mình có lẽ sẽ khó làm được một cái gì hơn CKN2000. Sau đó tôi có thể chọn tập hồi ký Một Thời Để Mất. Và mấy cái truyện ngắn.

-Điều gì đã khiến anh cầm bút trở lại sau khoảng thời gian dài rất im lặng? Ai là người đóng góp  vào quyết định này?

-Thực sự là trong thời gian dài rất im lặng đó, con người nhà văn mà tôi tưởng đã chết vẫn sống trong tôi. Cái quan năng của nhà văn vẫn tồn tại một cách không tự giác. Tôi vẫn quan sát, vẫn suy nghĩ, vẫn nghiền ngẫm. Và nói thật với chị tôi đã ba lần viết chui. Hai cái bút ký (Gương mặt người đánh cá, Kỷ niệm về biển kỷ niệm về người) đội tên Nguyên Bình, người bạn tuyệt vời của tôi. Rồi cả một quyển truyện vừa trên trăm trang mang tên Thuyền Trưởng ký Châu Hà. Tất cả đều do nhà xuất bản Lao Động in vào cuối những năm 70 thế kỷ trước. Dạo ấy đói quá, viết kiếm ăn thôi.

 Đến năm 1990, với sự xui giục của nhà văn Nguyễn Quang Thân khi đó là phó tổng biên tập tạp chí Cửa Biển (Hải Phòng), tôi đã cầm bút viết lại. Thực ra lời xui của anh Thân chỉ là giọt nước làm tràn cốc nước nhưng tôi rất cảm ơn anh. Cái giọt nước tràn ly Nguyễn Quang Thân ấy đến vào lúc tôi mới 56 tuổi, sức khoẻ còn chưa đến nỗi. Trong “tăng 2 viết lách” này tôi chỉ viết những gì mình thấy là phải viết, không viết không  được, viết không nghĩ đến in ấn, viết không vì danh cũng chẳng vì tiền dù có túng đói đến đâu. Viết vì cần phải viết. Không thể để những điều mình đã trải qua, đã chứng kiến theo mình xuống mộ. Các thế hệ sau phải biết thế hệ mình đã sống như thế nào. Phải góp phần vào việc làm nên ký ức của dân tộc. Đó là trách nhiệm. Trong 15 năm viết lại (1990-2005) tôi đã nghĩ như vậy.

-Anh có tin rằng văn học góp phần vào việc thay đổi cuộc sống?Anh có tin rằng nếu nhà văn có tài và có tâm, người đó sẽ viết được những tác phẩm xứng đáng?

Nhà văn vốn yếu ớt. Anh ta chẳng có phương tiện gì ngoài thếp giấy, cây bút, cái máy chữ hay hiện đại hơn, cái máy vi tính. Ngồi cô đơn, anh ta viết. Những điều anh ta viết ra là những dòng chữ im lặng và chỉ đến khi những trang viết ấy được in (dù trên giấy hay trên mạng) nó mới trở thành một tiếng thở dài, một lời ngợi ca hay một tiếng thét kêu đau đớn, nghĩa là mới thành tác phẩm, tác phẩm ấy mạnh hơn người viết ra nó. Nó đến với bạn đọc, với công chúng, và nếu là một tác phẩm hay, nó làm cho những người đọc nó sống tốt hơn, yêu quý cuộc đời hơn, thương yêu con người hơn. Một người bạn nói với tôi là khi đọc Anna Karenina của Lev Tolstoi, Alexis Zorba của Nikos Kazantzaki, anh đã thay đổi cả nhận thức. Nếu xét ở khía cạnh đó quả là văn học đã góp phần vào việc thay đổi cuộc sống.

Làm thế nào để có những tác phẩm như vậy. Có tài, có tâm chưa đủ. Còn phải hiểu biết sâu sắc cuộc sống, thở hơi thở của thời đại, nói tiếng nói của nhân dân. Phải có lòng dũng cảm, với một sự tự do nội tâm tuyệt đối và một lòng tin vững chắc rằng mình là người yêu nước để vững tâm với những gì mình viết ra. Nghĩa là phải có một nội lực. Riêng với tôi, văn học là của những người dưới đáy, những người cam chịu lịch sử.

-Trong điều kiện hiện nay, liệu có thể xuất hiện những nhà văn và những tác phẩm đáng được chờ đợi?

-Tôi vẫn đang chờ đợi và hy vọng. Đặc biệt hy vọng ở nội lực của các nhà văn.

-Khó khăn nào đáng kể nhất trong đời sống của anh hiện nay? Trong việc sáng tác của anh?

-Khó khăn lớn nhất trong đời sống của tôi là kinh tế. Lương hưu của tôi quá thấp: 160 nghìn. Sau bao lần được tăng để theo kịp giá cả, hiện nay (1995) là hơn 400 nghìn đồng! Khi làm lương hưu cho tôi, người ta đã khấu trừ tất cả những năm tháng trước đây của tôi và chỉ tính 20 năm đi làm trở lại, mặc dầu Sở Công an Hải Phòng đã xác nhận bắt tôi tù 5 năm vì tôi “có quan điểm tư tưởng sai”, nghĩa là tôi không có tội vì rõ ràng chẳng ai có thể biết được người nọ người kia nghĩ gì. Tôi đã làm đơn kêu. Ai cũng thông cảm, cũng thấy bất hợp lý, phải điều chỉnh lương cho tôi nhưng không người nào, không cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết. Còn khó khăn lớn nhất trong việc sáng tác của tôi là sức khoẻ. Đã ngoài 70 tuổi rồi lại trải qua bao thăng trầm. Ngồi gõ bàn phím một ngày được vài ba tiếng đồng hồ là cảm thấy mình đã cố gắng quá nhiều.

-Nhà văn hiện đại nào được anh yêu thích nhất. Và người đồng nghiệp nào được anh yêu quý nhất? Vì lẽ gì?

-Nhà văn hiện đại ấy là Gabrien Garcia Marquez. Người đồng nghiệp ấy là Bảo Ninh. Vì G.G.Marquez đã viết được những quyển tiểu thuyết tuyệt vời. Vì Bảo Ninh đã viết được một quyển tiểu thuyết ra tiểu thuyết. Một quyển tiểu thuyết làm vinh dự cho văn chương Việt Nam.

-Theo anh, những gì thực sự cần thiết cho một nhà văn, kể cả trong chủ quan và khách quan?

-Phần chủ quan nhà văn tôi đã nói rồi. Còn khách quan ư? Tôi sẽ chỉ nói một điều thôi. Điều chính yếu nhất, cần thiết nhất hiện nay. Điều các nhà văn khi chuyện trò vẫn to nhỏ cùng nhau và khao khát. Đó là Tự Do. Tự do trong suy nghĩ, trong tiếp cận và thể hiện cuộc sống. Tự do in ấn. Tự do là liều thuốc bổ tiêm vào cơ thể suy dinh dưỡng của văn học Việt Nam, là nhát cuốc khơi thông dòng chẩy của văn học Việt nam. Và tất nhiên cùng với tự do sáng tác là thực thi pháp luật. Sẽ nói chuyện với những nhà văn, những giám đốc nhà xuất bản, những tác phẩm vi phạm luật pháp bằng luật pháp.

-Anh chờ đợi gì ở các nhà văn trẻ? Anh sẽ gửi gắm điều gan ruột nào cho họ?

-Thú thật là tôi không tin lắm ở thế hệ các nhà văn trẻ ngay sau lớp chúng tôi. Có những người có tài nhưng họ cũng như chúng tôi: Những kẻ lót đường. Đó là những học phí phải trả. Là thời gian cần thiết cho một cuộc chuyển mình. Có lẽ phải đến thế hệ sau nữa. Họ sẽ làm được những việc hôm nay chúng ta ao ước. Điều gan ruột nhất tôi muốn nói cùng họ: Văn chương là chuyện của cả đời. Hãy biết tích luỹ. Và biết chấp nhận thất bại.

-Cám ơn anh.

Ngô Thị Kim Cúc thực hiện

(Theo Thanh Niên)

Bùi Ngọc Tấn: “Hãy viết sự thật một cách giản dị”

 bnt2
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Có một nhà văn sống trong con ngõ nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Đường đến nhà ông phải qua những bậc thang gỗ màu nâu bóng đã có đến hơn trăm năm. Đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người đang bước vào tuổi 73 của cuộc đời. eVăn có cuộc trò chuyện với ông.

Thưa nhà văn, sức khoẻ của ông dạo này thế nào ạ?

– Cũng không được khoẻ lắm. Vừa thoát khỏi căn bệnh thoái hoá cột sống gây ra đau cái cổ, khỏi rồi, lại bị hai bên đầu gối…

Được biết con gái Giáng Hương yêu quý của nhà văn mới mất đột ngột…

– Vâng, tôi yêu quý nó biết chừng nào. Từ hồi tôi bị lâm vào cảnh khó khăn, cháu mới 8 tuổi nhưng đã biết lo lắng giúp đỡ cha mẹ. Giáng Hương trước đó mắc bệnh huyết áp thấp và rối loạn tiền đình, nhưng quỵ xuống, là đi luôn. Giờ nó để lại con nhỏ, nên vợ chồng tôi đau xót vô cùng. Nhưng thôi, chuyển qua đề tài khác nhé.

– Ở Việt Nam duy nhất có ông thuộc Hội Nhà văn VN và lại là thành viên của Hội Văn bút Canada, Hội Văn bút Quốc tế. Ông có được quyền lợi gì từ hai hội bút này?

– Tôi cũng không rõ ở mình ngoài tôi còn có ai nữa. Nhưng nói chung, tôi đã nói với nhiều người rằng: Hội Văn bút Quốc tế mỗi năm có gần 100 người ngã xuống trên chiến trường. Nó bao gồm văn chương và báo chí. Hai hội bút trên chỉ gửi cho tôi một tấm card ghi nhận là thành viên của hội, ngoài ra, chưa thấy quyền lợi gì! (cười)

Ông đã nhận được những giải thưởng nào?

– Ngoài một số giải thưởng văn học trong nước, mà tôi nghĩ chắc độc giả trong nước đã biết rồi, tôi còn nhận được giải của Hội Hellman Hammett của HRW năm 2001. Đây là một hội do Đảng Cộng sản Mỹ sáng lập. Người ta tặng giải cho tôi mà không yêu cầu bất cứ điều kiện nào.

Và sau đó?

– Sau đó, tôi được đi tham quan Trung Quốc với các nhà văn khác (Hội Nhà văn Việt Nam tố chức). Ở đó, tôi được gặp tác giả của Một nửa đàn ông là đàn bà. Đó là nhà văn nổi tiếng Trương Hiền Lượng. Rồi chuyến đi du lịch một số nước như Pháp, Đức, Bỉ, Áo…

Ông đang ấp ủ sáng tác nào vậy?

– Một tiểu thuyết về những người làm nghề chài lưới. Cuốn sách này, tôi dự định viết khoảng 500 trang, và nếu trời thương cho sống, thì đến năm 2007 sẽ hoàn thành. Bây giờ, việc mình làm, đã làm xong. Có vội vàng gì đâu. Tôi muốn viết thật kỹ dành tặng những người dân chài biển thô sơ, sống hồn nhiên, lam lũ, phóng khoáng. Sẽ không có tuyến nhân vật, không có nhân vật chính, mỗi nhân vật là một chương. Tên nó sẽ là “Nơi không có đường chân trời”.

Là một nhà văn từng trải, đến lúc này, ông nói gì về sự nhọc nhằn trong trang viết ?

– Phù Thăng là một người viết trang nào được trang đó. Thậm chí, sai một lỗi, anh xoá đi viết lại hoàn toàn. Còn tôi viết dàn trải lắm. Phần chữa vất vả hơn phần viết. Giai đoạn trước, trời nóng quá, tôi đã phải lấy nước đá ra lau thật mát sàn nhà, rồi nằm bò ra đó viết. Trời mất điện, tôi thắp đèn dầu. Năm 1990, mẹ tôi mất, 3 tháng sau tôi mới viết trở lại. Tôi còn nhớ, có đợt tôi ngồi viết mà mặt mũi nóng bừng lên như người vừa uống bia về. Có những chuyện tôi như viết trong vô thức. Cái gì viết trong vô thức, khi đọc lại thấy hay lắm. Khả năng tập trung hồi đó còn tốt, giờ thì già rồi… không được như thế. Cứ ngồi vào máy tính viết được một lúc, lại chỉ mong bạn đến chơi…

Trong khi viết, ông có tôn chỉ gì riêng cho mình?

– Có. Tôi là người nói 1 là 1, 2 là 2, không vòng vo gì hết. Cái chén là cái chén. Trên báo Văn nghệ có in câu nói của nhà văn Ba Kim, tôi rất tâm đắc: “Suốt đời, cần nói sự thật”. Còn với tôi: Hãy là chính mình, hãy viết sự thật một cách giản dị và với cả tấm lòng

Ông có thường đọc sách của những người viết văn trẻ?

– Không, rất ít. Tôi mệt. Có một dạo trước khi cầm bút viết trở lại, tôi đã phải tập đọc. Tôi ưa đọc văn Nguyễn Ngọc Tư. Cô viết trong sáng, giản dị, mang không khí Nam Bộ. Tôi kỵ nhất các bạn trẻ “điệu đàng” và ngại nhất các loại chủ nghĩa. Chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta đã bàn luận từ những năm 50 của thế kỷ trước, vậy mà nền văn học mình vẫn còn tranh cãi nhau.

Ông từng viết: “Nhìn lại cuộc đời toàn những thất bại của mình, tôi thấy nó mênh mông bể sở, khó mà ôm cho hết. Lực bất tòng tâm”. Còn hiện tại thì thế nào?

– Hiện tại của tôi là niềm tin. Tin rằng, cuộc đời vẫn đẹp, tin bạn bè tốt và tin vào sức mạnh của nghệ thuật. Nó không biên giới. Tin và mừng vào cách nhìn nhận và những yếu tố ngoài văn chương đã được loại bỏ trong các giải thưởng văn học. Bản thân các tác phẩm viết về những điều cay đắng của những người làm văn nghệ đã được thống hiểu. Đúng là khi lâm nạn, chỉ có mình tự cứu mình. Còn văn chương giúp mình tồn tại. Nếu nhà văn mà không viết ra được thành tác phẩm, nó sẽ như một khối u gây ung thư. Đến giờ, tôi đã nhắm mắt được rồi, bởi có những người đọc hiểu mình!

Anh Nhi thực hiện

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Đổi buồn lấy vui!

bnt1Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện về những năm tháng trở lại cuộc đời. Đó là khoảng những năm 1974 đến năm 1994, ông được nhận một chân công chức khiêm nhường ở Quốc doanh đánh cá Hạ Long và trở thành “người ẩn dật”.

Đây là đoạn đời nhiều gian khó, tưởng như bình lặng nhưng lại đầy ẩn ức, là phần phục sinh vừa đắng cay vừa tha thiết của Bùi Ngọc Tấn. Thêm một lần, ông trở thành nhân chứng, trong hiện tại thờ ơ và náo nhiệt, về những năm tháng qua, với những điều còn ít ai được biết.

 

Đổi buồn lấy vui

Ấn tượng về nhà văn Bùi Ngọc Tấn, với nhiều người, là nụ cười tươi sáng, chân thành và hiền khô. Bà Đoàn Lê hóm hỉnh: “Ông ấy giả vờ đấy! Con người này đáo để lắm”. Khi nhận trả lời phỏng vấn, ông nói, với cái dí dỏm khiêm nhường của người vừa vượt qua khổ nạn: “Bị trói lại mà đánh thì phải chịu thôi, chứ không ai muốn đày ải bản thân!”. Kể từ cuối năm ngoái, Bùi Ngọc Tấn vừa viết văn vừa phải chia sẻ “đau thương” với hai đốt sống lưng đang có nguy cơ cáo lão.

Thang dược hữu hiệu trị chứng đau lưng để nhà văn lại yên ổn ngồi bên trang viết là rượu tẩm… cao hổ cốt. Nhưng biệt dược này ngày một hiếm hoi, giá cao ngất ngưởng. Bùi Ngọc Tấn lại cười hóm hỉnh: “Thôi ta cứ nhìn “ông Hổ” trên ti vi đi lại mềm mại uốn lượn là cũng thấy linh hoạt, trẻ khỏe ra rồi!”. Tựa hồ như số phận còn muốn thử thách mãi con người hay cười đùa, tươi tỉnh mà thâm trầm này bằng những tai ương.

Dẫu vậy, dường như sao chiếu mệnh của Bùi Ngọc Tấn là ngôi sao… lành, nên trải qua đủ mọi bất trắc quanh co, đời ông có thể biến nguy thành an, biến gan góc thành nụ cười sảng khoái. Vào cuối những năm 70 thế kỷ trước, đoạn đời Bùi Ngọc Tấn chứng nghiệm lại “sống”.

Thời điểm này, Lưu Quang Vũ “cảm nhận màn cuối cùng của cuộc chiến tranh khủng khiếp và phát giác một sự thật; Tấm màn hạ xuống/ Như không có gì xảy ra. Một cuộc sống khác đang hiện rõ dần. Thành phố nhuốm “màu thời gian” của gạo sổ quá đát, nhưng cánh thủy thủ viễn dương vẫn nửa dấm dúi, nửa ngang nhiên khuân lên bờ xà phòng Camay, ti vi nội địa Nhật, vải mông tơghi, quần “gin” và băng hình ngoài luồng”. Con người hiện lên với những bản năng ngang nhiên không che giấu trong mắt nhà văn đang dò dẫm trở lại với đời.

Ông rì rầm kể, chân thành mà tinh quái: “Mình có thâm niên hai chục năm hôi cá ở bến cá Hạ Long. Cứ đêm nào tàu cập bến, là phải chực sẵn, chờ anh em nhà tàu “chia chác”, rồi ôm mớ cá về nhà lịch kịch gọi cửa vợ con. Con gái đầu của tôi, Giáng Hương, phát ốm… vì bị thức đêm làm cá, nói, bố cứ mang cá về thế này, con khổ quá!

Tôi cứ bị ám mãi, cái cảm giác mỗi sáng sớm thức dậy, trời đổi gió, vần vụ mây. Ngoài khơi anh em đi biển chưa về, mà cứ phải nghe mãi giọng cô phát thanh viên thản nhiên máy móc đọc bản tin biển động trên loa phát thanh đầu xóm…”

Bùi Ngọc Tấn hóm được, ngay cả trong những cảnh ngộ buồn thảm nhất, ngoài cái thiên bẩm nhanh trí sắc sảo hơn người, chính là nhờ lòng thành tâm với từng khoảnh khắc sống.

Bình yên của tâm hồn

Có lần tôi tò mò hỏi ông: “Ngoài… nàng tiên rực rỡ nhất đời mình ra, ông còn có chuyện say đắm… gì nữa không?”. Ông rất nghiêm trang trả lời: “Có”, và nghiêm trang kể câu chuyện sau. Ngày đó, khi còn đi làm báo, ông cũng thầm vụng nhớ nhung một “bà” còn tre trẻ, tất nhiên là phải rất khác “bà nhà mình”. Sau khi gửi một lá thư, hình như có cả thơ nữa, bị “bà tre trẻ” cự tuyệt, ông cũng yên ắng luôn, từ bấy đến giờ. Tôi nghi hoặc, có lẽ là chuyện hư cấu, ông muốn chiều theo thị hiếu “hàng chợ” của tôi mà sáng tác để tặng tôi chăng?

Bây giờ thì không phải viết, mà là cuộc chiến đấu. Ông đã ở tuổi 73, chung sống với bệnh tật, lặng lẽ và gồng mình chịu trận những thưởng đoạt của số phận. Chẳng ai, kể cà bà, dám khuyên ông nghỉ ngơi. “Bị trói lại mà đánh”, đa số người ta phục tùng và nhu nhược.

Tôi đọc Người gác đèn biển của Bùi Ngọc Tấn từ khi còn cắp sách lóc cóc tới trường tiểu học. Như đọc một truyện thần tiên. Vẻ buốt lạnh tinh khiết và chói ngời của những con sóng lúc hừng đông hay ánh sáng kiêu hùng mê hoặc của ngọn đèn biển được miêu tả trong truyện, rủ rê tôi mơ ước, mon men tôi đến điều gì thật cao siêu, phi phàm. Sau này tôi được biết, đó là thẩm mỹ lý tưởng của những năm tháng vừa qua, của thế kỷ bão táp nhưng chưa hết mơ mộng.

Nhưng đó cũng không phải là một lý tưởng được áp đặt hay ngộ nhận. Nó được thừa nhận bởi có một thứ đức tin nội tâm trong sáng và nguyên sơ, mà không hẳn là, bất cứ ai cũng sẵn có. Tương tự như niềm tin được đọc thấy trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, mới đây. Vẻ đẹp lý tưởng này nhiều lần trở lại khi ông viết về bạn bè, hay phản tỉnh về những nghịch lý không dễ được nhận thấy và nói ra.

Dường như đức tin này lý giải vì sao, môt con người, có thể cũng bình thường và yếu đuối như mọi người khác, lại đường hoàng, an nhiên vượt qua những trắc trở của thân phận.

Theo Thể Thao & Văn Hóa